Đọc báo Pháp – 06/06/2018
Singapore sẵn sàng cho thượng đỉnh Trump – Kim
Về thời sự quốc tế, các báo Pháp ra hôm nay, 06/06/2018, tiếp tục dành nhiều sự chú ý vào các hồ sơ như ở Trung Cận Đông mà tâm điểm là Iran với viễn ảnh thỏa thuận hạt nhân bị phá sản hoàn toàn. Châu Á thì nổi cộm vẫn là cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un sắp diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6.
Những ngày qua các hoạt động ngoại giao của các bên liên quan đến cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Triều Tiên đang được xúc tiến hối hả và đã có những tiến triển để có thể tin cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới đây.
Nhật báo Công giáo La-Croix có bài « Singapore có mọi yếu tố tốt nhất để đón thượng đỉnh Kim-Trump ». Bài viết giới thiệu quốc đảo nhỏ bé Singapore, vẫn được coi như là « Thụy Sĩ » của châu Á, đang chuẩn bị để đón cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Donald Trump. Singapore còn được gọi là thiên đường tài chính và thương mại mà BắcTriều Tiên cũng đã từng biết tận dụng. Về phía Washington thì Singapore cũng là một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á.
Theo La Croix, đến lúc này ở đảo quốc Singapore, hầu hết các khách sạn đã kín chỗ đặt cho các đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên cũng như là 3000 nhà báo trên thế giới được phép đưa tin về sự kiện 12/06. Các cơ quan an ninh Singapore vốn đã quen với các thượng đỉnh quốc tế hay các cuộc gặp bí mật, đã sẵn sàn triển khai.
La Croix khẳng định : Là quốc gia nhỏ bé có diện tích chỉ 700km2 với 5 triệu dân, « Singapore hội tụ được tất cả các tiêu chí về an ninh, hậu cần, tính trung lập ngoại giao và uy tín để đón cuộc gặp lịch sử này trong những điều kiện tốt nhất ».
Tờ báo nhắc lại, chính vì bảo đảm tính trung lập ngoại giao mà năm 2015, Singapore được chọn là địa điểm cho cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu. Singapore cũng là nơi trước đây đã diễn ra nhiều cuộc gặp bí mật giữa các giới chức Mỹ và Bắc Triều Tiên nhằm tìm hướng cải thiện quan hệ thù nghịch giữa hai nước.
Không chỉ là mảnh đất trung lập, Singapore còn là « đất lành » cho Mỹ về phương diện địa chiến lược cũng như cho Bắc Triều Tiên về những quan hệ thương mại tài chính ngoài luồng trong bối cảnh bị quốc tế cấm vận.
La Croix cho biết : « Đến tận năm 2017, công dân Bắc Triều Tiên và Singapore vẫn qua lại hai nước, tự do, không cần visa. Thỏa thuận này chỉ bị đình lại sau vụ Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với kim Jong Un bị ám sát tại Malaysia. Tuy nhiên quan hệ thương mại và tài chính giữa hai nước vẫn chưa bao giờ bị ngừng lại ».
Lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long đã tuyên bố mong muốn « làm tất cả để bảo đảm thành của cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Kim-Trump tới đây vì một nền hòa bình bền vững cho vùng Bắc Á ».
Thái Lan :
Chiến dịch « làm trong sạch » giới Phật giáo
Chuyển qua Thái Lan với nhật báo Le Monde. Tờ báo ghi nhận sự kiện « Nhiều nhà sư chức sắc cao bị bắt tại Thái Lan ».
Le Monde cho biết, chính quyền Bangkok vừa bắt giữ 3 chức sắc lãnh đạo cao cấp của phật giáo Thái Lan vì những cáo buộc tham nhũng. Tổng cộng chiến dịch « làm trong sạch » Phật giáo của cảnh sát Thái Lan diễn ra nhiều tháng nay đã nhắm vào 45 cơ sở chùa chiền, hơn một chục nhà sư ở hàng chức sắc thấp đã phải ngồi tù.
Theo Le Monde, đây là chiến dịch thanh lọc chưa từng có của chính quyền quân sự Thái nhắm vào giới Phật giáo, vốn được coi là trụ cột tinh thần của đất nước này. Tại sao chính quyền quân sự lại tấn công vào các tăng ni Phật giáo trong khi mà bản thân giới quân sự Thái cũng không mẫu mực cho lắm về tham nhũng, biến chất ? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ không có câu trả lời.
Trung Quốc : Ứng dụng công nghệ cao kiểm soát dân
Thông tín viên của Les Echos tại Bắc Kinh có bài phóng sự điều tra dài cho thấy chính quyền Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để kiểm soát chặt chẽ từng công dân của họ thế nào.
Bài phóng sự mang tiêu đề : « Tại Trung Quốc, 1,4 tỷ người tình nghi dưới sự giám sát » hàm ý cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ hiện đại như trí thông minh nhân tạo, hệ thống dữ liệu tin học, nhận diện để mở rộng sự chi phối mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước, bất chấp việc làm đó có xâm phạm đến đời tư, đến các quyền tự do công dân hay không. « Các tiến bộ công nghệ hiện đại của kỷ nguyên công nghệ số đang biến chế độ chuyên quyền thành một kiểu đại ca – Big Brother » kiểm soát mọi mặt đời sống của người dân, tờ báo nhận xét.
Khắp nơi trong các thành phố ở Trung Quốc, giờ tràn ngập các camera nhận diện sử dụng trong đủ mọi dịch vụ khác nhau, từ trong quán ăn, ngân hàng, trường đại học, qua đến các nơi công cộng hay thậm chí còn được dùng để kiểm soát sử dụng giấy vệ sinh trong các toa-lét công cộng…
Giới quan sát nhận định đằng sau những việc làm được tuyên truyền là nhằm bảo vệ an ninh, kỷ cương trật tự xã hội đó ẩn giấu mục đích chính trị vì sự tồn vong của chế độ, nhằm kiểm soát sự phản kháng, đối lập…
Trung Quốc đẩy mạnh
chạy đua trong không gian với Mỹ
Trong lĩnh vực nghiên cứu không gian, Les Echos cho hay « Trung Quốc đang muốn đuổi kịp Hoa Kỳ ».Theo tờ báo, Trung Quốc đã ấn định mục tiêu trong vòng 30 năm tới trở thành cường quốc hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ, vượt lên trên cả Hoa Kỳ. Tham vọng của Trung Quốc được thể hiện rõ bằng ngân sách chi cho nghiên cứu vũ trụ lên tới 6 tỷ đô la/ năm, cao hơn cả châu Âu hay Nga và chỉ đứng dưới Mỹ. Chương trình còn được thúc đẩy bởi Bắc Kinh có chính sách « đưa các công ty tư nhân vào cuộc chạy đua tới những vì sao » nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng một ngành công nghiệp vũ trụ đủ sức cạnh tranh với Mỹ.
Trong khi đó ở bên Mỹ, vẫn theo Les Echos, quan chức mới của Nasa đã mở các cuộc thảo luận với các tập đoàn quốc tế lớn để tiến tới tư nhân hóa trạm không gian quốc tế ISS. Đến giờ trạm không gian quốc tế đang bay cách trái đất 400 km này vẫn nằm dưới sự quản lý chung của các nước : Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và Cơ Quan Không Gian Châu Âu. Kinh phí đóng góp của Nasa hàng năm cho trạm ISS là từ 3 đến 4 tỷ đô la. Đầu năm nay, Nhà Trắng khẳng định mong muốn từ nay đến 2025 sẽ chấm dứt cấp kinh phí Nhà nước cho hoạt động của trạm không gian quốc tế, tức là sẽ cho tư nhân hóa quản lý hoạt động trạm ISS. Nhưng vì tính chất quốc tế của trạm nên vấn đề tư nhân hóa sẽ không hề đơn giản.
Iran gây áp lực với châu Âu về thỏa thuận hạt nhân
Trung Cận Đông với Iran là tâm điểm thời sự vẫn được các báo Pháp tiếp tục chú ý theo dõi sát. Kể từ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran viễn ảnh cứu vãn văn kiện quốc tế này khỏi bị khai tử thực sự đang có xu hướng xấu thêm.
Les Echos có bài : «Teheran cho biết đang chuẩn bị cho việt chấm dứt thỏa thuận hạt nhân ». Tờ báo ghi nhận : « Thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran ( JCPOA) còn chưa chính thức chết nhưng sống không được là bao. Iran sẽ bắt đầu các khâu chuẩn bị nhằm gia tăng khả năng làm giàu uranium, theo như phát biểu của lãnh tụ tinh thần Ali Khamenei ». Trong khi đó, Teheran vẫn khẳng định tiếp tục tôn trong thỏa thuận đã ký bất chấp việc Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi cách đây 1 tháng.
Trích dẫn phân tích của các chuyên gia, Le Monde nhận định đó là chiến thuật của Iran nhằm gây áp lực với các nước châu Âu để có được bảo đảm các công ty của châu Âu không rút khỏi Iran cho dù bị Mỹ đe dọa trừng phạt. Nhưng điều đó có vẻ rất nan giải. Các công ty Pháp, từ Total (khai thác dầu) cho đến PSA (chế tạo xe hơi) dù đã cắm chân khá ổn định và bắt đầu ăn nên làm ra ở Iran giờ cũng đang rục rịch rút các dự án đầu tư ra khỏi nước này vì sợ dính trừng phạt Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia, chiến thuật của Teheran như chơi dao 2 lưỡi. Lấy thỏa thuận hạt nhân ra để làm áp lực quá đáng có thể dẫn đến việc các nước châu Âu bị đẩy về phía Mỹ.
2 triệu euro cho một bộ xương khủng long
Phần cuối mục điểm báo là một thông tin trên báo Libération về cuộc bán đấu giá khá đặc biệt, một bộ xương khủng long. Libération cho biết tối thứ Hai vừa qua tại Paris, một bộ xương loài vật đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm, đã được bán với giá 2 triệu euros. Bộ xương dài 9 mét, cao 2,6 mét và còn giữ được 70% xương gốc, một tỷ lệ hiếm có trong các tiêu bản khủng long hóa thạch. Bộ xương trên được tìm thấy năm 2013 trong tiểu bang Wyoming, Hoa Kỳ. Phải mất 3 năm người ta mới đưa được toàn bộ bộ xương của con vật ra khỏi lòng đất với phần hộp sọ và răng gần như nguyên vẹn.
Người mua được bộ xương khủng long hiếm có này là một nhà sưu tập nghệ thuật người Pháp, dấu tên. Phần còn lại người ta chưa biết bộ xương sẽ được đặt ở đâu trong tương lai, trong nhà riêng của chủ nhân hay trong một viện bảo tàng để công chúng được chiêm ngưỡng món hàng mang tính lịch sử và khoa học này ?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180606-singapore-san-sang-cho-thuong-dinh-trump-kim
Tin đọc nhanh
(AFP) – Mỹ : Một người thân cận của TT Trump bị cáo buộc « lung lạc nhân chứng ». Điều tra về nghi án Nga can thiệp tiếp tục là tâm điểm đời sống chính trị Mỹ. Hôm thứ Hai, 04/06, cựu lãnh đạo chiến dịch tranh cử của nguyên ứng cử viên Donald Trump, ông Paul Manafort, bị chưởng lý đặc biệt Robert Mueller cáo buộc đã có các tiếp xúc với các nhân chứng, bằng điện thoại hoặc thông điệp mã hóa, để thuyết phục họ đưa ra « các lời chứng giả mạo » trong thời gian trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Theo chưởng lý phụ trách điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, với cáo buộc nghiêm trọng nói trên, cựu cộng sự của Donald Trump có thể bị tạm giam, thay vì được tại ngoại, trong vụ án « rửa tiền, biển lậu tài chính, ngân hàng, và vận động hành lang bất hợp pháp ». Vụ Paul Manafort sẽ được xét xử theo nhiều phiên tòa riêng rẽ. Phiên đầu tiên dự kiến mở ra ngày 10/07/2018.
(AFP) – Biểu tình tại Nicaragua phản đối chính quyền : 121 người chết. Theo một tổ chức phi chính phủ địa phương, ít nhất 121 người chết và 1.300 người bị thương tại Nicaragua, kể từ khởi đầu các cuộc biểu tình chống chính phủ Ortega, giữa tháng 4/2018. Đặc biệt là trong những ngày gần đây, 10 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại Masaya, một thành phố miền nam. Nhiều cư dân cho biết hôm thứ Hai, có hai người biểu tình không vũ khí bị bắn chết, trong đó có một thiếu niên 15 tuổi. Một cảnh sát bị giết, theo chính quyền.
(AFP) – Iran : Pháp, Đức và Anh yêu cầu Mỹ miễn trừng phạt các doanh nghiệp. Hôm nay 06/06/2018, bộ trưởng Tài Chính và Ngoại Giao ba nước châu Âu gửi thư chung đến các đồng nhiệm Mỹ, yêu cầu miễn trừng phạt với các doanh nghiệp ba nước « đã ký kết hoặc bắt đầu ký kết » hợp đồng làm ăn tại Iran. Bức thư của ba nước cũng được lãnh đạo ngoại giao châu Âu đồng ký tên. Các nước châu Âu hy vọng Hoa Kỳ « tôn trọng quyết định chính trị » của châu Âu, và khẳng định niềm tin là thỏa thuận hạt nhân Iran là « phương tiện tốt nhất để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân ».
(AFP) – Tại Áo, tổng thống Nga kêu gọi châu Âu dỡ bỏ trừng phạt. Hôm qua, 05/06, trong chuyến công du Áo, tổng thống Nga Putin khẳng định việc dỡ bỏ các trừng phạt đối với Matxcơva sẽ có lợi cho tất cả. Áo là quốc gia đầu tiên mà tổng thống Nga công du, kể từ khi tái nhậm chức. Tổng thống Áo – quốc gia đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ 1/7 tới – kêu gọi đối thoại với Nga, nhưng cũng nhấn mạnh là Vienna sẽ ủng hộ mọi quyết định của Liên Hiệp Châu Âu, bao gồm các trừng phạt.
(AFP) – Thụy Điển huy động 22.000 quân nhân dự bị cho cuộc tập trận chưa từng có từ 1975. Nhân dịp Quốc Khánh, Thụy Điển huy động hơn 20.000 quân dự bị để chuẩn bị cho đợt tập trận lớn trên toàn lãnh thổ, với sự tham gia của khoảng 40 tiểu đoàn. Chính quyền Thụy Điển đặc biệt lo ngại về các nguy cơ từ Nga. Tuần trước, Stockholm ấn hành cuốn cẩm nang 20 trang, nhan đề « Để chuẩn bị đối phó với khủng hoảng hay chiến tranh » với khoảng 4,8 triệu bản. Ấn bản này nêu ra hàng loạt đe dọa mà các nước Bắc Âu phải đối phó, như chiến tranh, khủng bố, tin tặc, thảm họa thiên nhiên… , và các biện pháp đối phó, như dự trữ lương thực, chuẩn bị nơi trú ẩn…
(AFP) – Thượng Viện Pháp thông qua dự luật cải cách đường sắt. Hôm qua 05/06/2018, Thượng Viện Pháp với 240 phiếu thuận, 85 chống, đã thông qua « văn bản đầu tiên » của dự thảo luật cải cách ngành đường sắt, vốn bị phản đối mạnh trong giới công nhân viên ngành hỏa xa. Ngày thứ Hai tuần tới, một ủy ban hỗn hợp lưỡng viện (CMP) sẽ phải thảo luận về văn bản này để đúc kết một dự thảo luật chung cho cả lưỡng viện Quốc Hội. Trong văn bản dự thảo vừa được thông qua, Thượng Viện một mặt duy trì các nguyên tắc chính của cuộc cải cách của chính phủ, mặt khác, chấp nhận một số sửa đổi, theo đòi hỏi của giới công đoàn. Tuy nhiên, nhiều công đoàn ngành đường sắt cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch bãi công đến cùng để gây áp lực với Quốc Hội.
(AFP) –Hàng giả làm châu Âu thiệt hại 60 tỉ euro. Nạn làm hàng giả mỗi năm làm cho 13 lãnh vực kinh tế của châu Âu bị thiệt hại tổng cộng 60 tỉ euro, theo nghiên cứu của EUIPO, cơ quan phụ trách sở hữu trí tuệ của Liên Hiệp Châu Âu công bố hôm nay 06/06/2018 nhân Ngày thế giới chống hàng giả. Các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất là mỹ phẩm, quần áo giày dép, nữ trang, rượu vang, dược phẩm.
(AFP) –Tai nạn hầm mỏ ở Trung Quốc. Hôm nay 06/06/2018 có 23 thợ mỏ đã được cứu thoát, sau vụ nổ tại một mỏ sắt ở Liêu Ninh làm 11 người chết và hai người mất tích. Trước đó kênh truyền hình CCTV cho biết một xe tải chở chất nổ đã bị nổ tung trước lối vào khu mỏ sâu 1.000 mét này. Trong hai năm trước đó, cũng đã có ít nhất 77 thợ mỏ thiệt mạng tại Trung Quốc.
(AFP) –Mỹ lập đội đặc nhiệm điều tra « tấn công thính giác » ở Cuba và Trung Quốc. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm qua 05/06/2018 loan báo thành lập một « đội đặc nhiệm »liên bộ để điều tra về những hiện tượng kỳ lạ xảy ra đối với các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba và Trung Quốc. Cuối tháng Năm, đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh báo động về việc một nhà ngoại giao bị chấn thương não sau khi nghe những âm thanh « bất thường ». Hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra trong năm 2016 và 2017 đối với 24 nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại La Habana.