Ván Cờ “Vũ Khí Hạt Nhân của Bắc Hàn” – Một Cách Nhìn Khác – Cao Tuấn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ván Cờ “Vũ Khí Hạt Nhân của Bắc Hàn” – Một Cách Nhìn Khác – Cao Tuấn
Một tuần lễ sau khi tuyên bố huỷ bỏ cuộc họp thượng đỉnh dự trù Mỹ-Bắc Hàn vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 tại Singapore, ngày 1 tháng 6 năm 2018, tổng thống Mỹ Donald Trump lại tuyên bố cuộc họp vẫn sẽ diễn ra như dự trù, thời gian và địa điểm không thay đổi – Donald Trump và Kim Jong Un sẽ chính thức gặp nhau để thương thảo về việc “phi hạt nhân hoá bán đảo Cao Ly”  tại Singapore vào ngày 12/06/2018. Khó có thể xác định kết quả của cuộc họp thượng đỉnh  như thế nào mới được xem là thành công (và thành công với ai) nhưng nếu cuộc họp hoàn toàn thất bại vì lập trường hai bên cách nhau quá xa, thế giới lại một lần nữa phải đối diện với hiểm hoạ chiến tranh nguyên tử đến gần.Những ý tưởng sau đây, hy vọng soi sáng những khoảng tối, những khuất khúc quan trọng, những điều “trông vậy mà không phải vậy”, những điều chờ đợi và những điều không nên chờ đợi:
1.  Chưa bao giờ có họp “thượng đỉnh” Mỹ-Bắc Hàn nhưng đã có nhiều cuộc đàm phán 6 bên cấp chuyên viên từ nhiều năm qua liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. 6 bên là Mỹ, Nga, Tầu, Nhật, Nam Hàn và Bắc Hàn. Kết quả không đi đến đâu – Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân như đã biết, bất chấp mọi áp lực chống đối từ bên ngoài. Đột nhiên, tình hình sôi động hẳn với với những hội nghị “thượng đỉnh” Kim-Moon, Kim-Xi và sắp sửa Kim-Trump. Một bàn cờ chiến lược mới đã thành hình với 3 tay chơi chính: Kim Jong Un, Donald Trump và  Xi Jin Ping (Tập Cận Bình). Moon Ja-In (Nam Hàn) có tiền nhưng không có vũ khí hạt nhân chỉ là tay chơi phụ, sẽ phải lo lắng làm thế nào để không phải mất tiền nhiều quá cho Kim Jong Un trong trường hợp có …“hoà hợp, hoà giải” Nam Hàn – Bắc Hàn. Putin (Nga), Abe (Nhật) còn mờ nhạt hơn nữa vì không có nhiều trọng lượng trên bán đảo Cao Ly.  6 bên thực sự rút lại còn 3 nhưng là 3 tác nhân có quyền lực thay đổi cục diện.
2.  Không nước nào muốn chiến tranh nguyên tử, kể cả Bắc Hàn. Nhưng tất cả các nước đều đi tìm một thế quân bình chiến lược có lợi cho mình nhất để buộc đối phương phải nhượng bộ. “Muốn hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh”. Muốn “bất chiến tự nhiên thành” phải bầy một thế trận để dồn đối phương bị dồn vào thế bí, chịu bó tay không xoay sở được.
Hoả tiễn, kể cả hoả tiễn liên lục địa có gắn các loại bom A, bom H có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên thế giới là thế trận mới của Bắc Hàn.  Thế trận này cũng bao gồm cả sự kiện họ Kim cai trị dân bằng tẩy não, bằng bàn tay sắt và bức màn sắt, nắm vững an ninh nội bộ, quyền uy tuyệt đối, không sợ bị lật đổ; bao gồm luôn cả sự kiện Bắc Hàn thường rất hung hăng liều lĩnh, đóng vai Chí Phèo nhiều lần trong quá khứ, biến cái nghèo đói rách rưới của mình thành lợi thế…Chưa ai, kể cả Mỹ, Tầu tìm ra cách phá được thế trận của Kim Jong Un.
3.  Khởi đầu cuộc phân ly và tranh chấp, Bắc Hàn và Nam Hàn đều nghèo như nhau. Trong những năm 1960’s, 1970’s Bắc Hàn thiên về kỹ nghệ nặng còn có nền kinh tế vững chắc hơn, mức sống cao hơn Nam Hàn thiên về nông nghiệp và không có nhiều tài nguyên thiên nhiên.
Từ đấy đến nay, Nam Hàn và Bắc Hàn, luôn luôn thù nghịch, chọn hai con đường khác hẳn: Nam Hàn dồn sức vào việc phát triển kinh tế trong khi Bắc Hàn đặt quốc sách số 1 là phát triển vũ khí nguyên tử. Cả hai đều làm việc cật lực và cả hai đều đạt thành quả ngoạn mục nhưng dĩ nhiên khác hẳn nhau.
Những con số khả tín mới nhất cho biết, tính theo sức mua tương đương, Tổng Sản Lượng GNP của Nam Hàn, cường quốc kinh tế thứ 11 trên thế giới, là 1,600 tỉ đô la gấp 40 lần GNP của Bắc Hàn chỉ vào khoảng 40 tỉ đô la. Nói một cách khác GNP của Bắc Hàn bằng 2.5% của Nam Hàn. Nam Hàn rất giầu có, Bắc Hàn rất nghèo đói.
Ngược lại, Bắc Hàn đã trở nên một cường quốc hạt nhân. Một thực tế  không thể phủ nhận. Nam Hàn hoàn toàn không sở hữu vũ khí hạt nhân nào, phải đặt mình vào sự bảo đảm an ninh và che chở của nước Mỹ. Câu hỏi rất quan trọng đối với Nam Hàn (và có lẽ đối với cả thế giới) vào thời điểm đặc biệt này: nước  Mỹ có quả thực chấp nhận chiến tranh nguyên tử với Bắc Hàn, chấp nhận chính nước Mỹ có thể bị ăn bom nguyên tử của Bắc Hàn để bảo vệ Nam Hàn hay không? Nếu nước Mỹ không giữ lời cam kết thì sao?
Vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn vì thế là yếu tố hoàn toàn mới trong tương quan lực lượng trên bán đảo Cao Ly, đặt Nam Hàn  vào trong tình trạng rất bất an. Nam Hàn từ thế mạnh chuyển sang thế yếu. Bắc Hàn từ thế yếu chuyển sang thế mạnh.
4.  Kim Jong Un là bạo chúa, độc tài chính hiệu nhưng đồng thời là một chính trị gia, chiến lược gia mưu lược xuất sắc. Mục đích tối thượng của Kim Jong Un vẫn là triều đại nhà Kim “muôn năm trường trị” với đầy đủ quyền lực và quyền lợi. Cho đến nay, nhân dân Bắc Hàn, đại đa số, bị tuyên truyền tẩy não , dù xơ xác nghèo, vẫn tin rằng họ đang sống trong một “vương đạo lạc thổ” dưới sự lãnh đạo anh minh của chủ tịch Kim/ hoàng đế Kim. (Khi Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhứt – ông nội và cha của của Kim Jong Un, qua đời dân Bắc Hàn khóc lóc vật vã thảm thiết còn hơn cả dân Bắc Việt khóc bác Hồ! )
Đường đi nước bước của Kim Jong Un rất nhịp nhàng bài bản.
Hoàn toàn chủ động.
Tận dụng vị thế mới của Bắc Hàn thành công trong việc thủ đắc vũ khí hạt nhân mà thế giới nhận biết là có thật và rất nguy hiểm.
Khi lên giọng thách thức gây căng thẳng. Khi hoà hoãn, hạ nhiệt.
Tấn công hoà bình. Đong đưa chuyện “phi hạt nhân hoá”.
Gặp Tổng Thống Nam Hàn Moon Ja In. Được đón tiếp long trọng. Nói chuyện hoà hợp, hoà giải, đoàn kết dân tộc, đại loại như “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…nghe rất mủi lòng.
Đề nghị gặp Donald Trump.
Gặp Xi Jin Ping hai lần liên tiếp. Cũng được đón tiếp rất long trọng.
Sẽ hội kiến với Trump. Thượng đỉnh Trump-Kim. Trong thế mạnh. Ngang hàng…
Chỉ trong một thời gian rất ngắn Kim Jong Un, 35 tuổi, lãnh tụ một nước rất nhỏ, rất nghèo trở thành chính khách quốc tế nổi tiếng, được chú ý và trọng vọng ngang tầm lãnh tụ siêu cường quốc Xi Jin Ping, Donald Trump và Vladimir Putin, nghiễm nhiên ngồi bàn “võ lâm ngũ bá” hay “võ lâm tứ bá”, làm lu mờ hẳn các lãnh tụ các nước lớn khác như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ấn Độ, Pakistan, Úc, Canada …mặc dù một số nước trong nhóm này cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kim Jong Un quả là một hiện tượng!
5.  Nhưng Kim Jong Un có định từ bỏ vũ khí hạt nhân thật không?
Câu trả lời là không.
Hứa sẽ bỏ cũng không bỏ. Ký giấy cam kết bỏ cũng không bỏ. Đã có tiền lệ.     Thanh sát quốc tế cũng vô ích – Bắc Hàn là quốc gia bí mật nhất thế giới, kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới. Người ngoại quốc ra vào, đi lại rất khó khăn – Bắc Hàn không phải Iraq, Libya. Tất cả tuỳ thuộc “thiện chí” của Kim Jong Un. Mà Kim Jong Un có “thiện chí” làm vua, làm chiến lược gia…, không có “thiện chí” buông giao đồ tể để thành Phật và không ở thế yếu như Saddam Hussein, Muammar Gaddafi năm xưa.
Lẽ dĩ nhiên Bắc Hàn của Kim Jong Un cũng muốn phát triển kinh tế nhưng Kim Jong Un không từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy phát triển kinh tế, bởi vì:
   – Bắc Hàn đã thụt lùi quá xa so với Nam Hàn về mặt phát triển kinh tế. Một trăm năm nữa chưa chắc đã đuổi kịp Nam Hàn. Dù mở cửa, dù nới lỏng chế độ, dù có đầu tư ngoại quốc, dù có viện trợ quốc tế…Một trăm năm lẹt đẹt theo đuôi là một thời gian rất dài, rất bất trắc. Dân có thể nổi lên hỏi tội họ Kim độc tài phong kiến. Nam Hàn có thể nuốt trửng Bắc Hàn như Tây Đức “nuốt” Đông Đức -( Có thể tốt cho dân tộc Cao Ly nhưng chắc chắn không tốt cho gia đình họ Kim…)
   – Nếu phát triển kinh tế là quan trọng hơn vũ khí hạt nhân Bắc Hàn đã “đổi mới” từ 20 hay 30 năm trước hoặc ngay khi Kim Jong Un lên nắm quyền cách đây 5, 6 năm chứ không đợi đến bây giờ.
   – Bỏ vũ khí hạt nhân, bắt đầu phát triển kinh tế theo mô hình của Tầu, của Việt Nam nhưng với quy mô kinh tế bằng 1/40 của Nam Hàn, Kim Jong Un chỉ còn là “cắc ké” bên cạnh người khổng lồ Moon Ja In, đừng nói sẽ tiếp tục họp “thượng đỉnh” với Xi Jin Ping hay Donald Trump. Không bị số phận của Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi phải coi là là may mắn!
   – Bắc Hàn của họ Kim đã đầu tư quá nhiều, gian khổ quá lâu – suốt ba đời –           mới có được “thần kiếm” vũ khí hạt nhân vừa đủ dùng cho cả hai mặt thủ và công. Các đối thủ có vũ khí hạt nhân không còn đe doạ Bắc Hàn được nữa trong khi Bắc Hàn lại có thể đe doạ hay trấn áp các đối thủ nhất là loại đối thủ không có vũ khí hạt nhân. Với vũ khí hạt nhân có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên địa cầu, từ nay Kim Jong Un có thể vừa là Chí Phèo vừa là Nhậm Ngã Hành (Ta chỉ làm theo ý Ta). Thần kiếm đã lợi hại như thế, ai ngu dại mà huỷ bỏ nó đi !?
6.  Nếu không bỏ vũ khí hạt nhân thì Bắc Hàn của Kim Jong Un sẽ phát triển kinh tế, làm giầu bằng lối nào? 
(Trước khi trả lời câu hỏi này nên nhắc đến một dự án nghiên cứu gần đây ở Nam Hàn về triển vọng và hậu quả của sự thống nhất nước Cao Ly đã ước lượng Nam Hàn sẽ phải tiêu tốn 5000 tỉ đô la mới có thể san bằng cách biệt giữa hai nền kinh tế của Nam Hàn và Bắc Hàn, tức là để nhân dân hai miền Nam, Bắc có được sự phát triển, có hạ tầng cơ sở và mức sống ngang nhau. Năm ngàn tỉ đô la là một con số khủng khiếp khiến rất nhiều người ở Nam Hàn, nhất là thế hệ trẻ chống đối hoặc bi quan về sự thống nhất đi kèm với một gánh nặng như vậy, cho dù chính quyền Nam Hàn, không phải Bắc Hàn, hoàn toàn chủ động tiến hành sự nghiệp thống nhất đất nước một cách hoà bình.)
Kim Jong Un tất nhiên phải biết rõ vực thẳm cách biệt giầu nghèo Nam, Bắc lớn lao thế nào nên chỉ có cách đi tắt để rút ngắn con đường dài trăm năm thành con đường ngắn 3 năm, 5 năm. Người Nam Hàn, đang hưng phấn về triển vọng hoà bình, thống nhất  rất nên cẩn thận cảnh giác “con đường tắt” rất đặc biệt mà Kim Jong Un sẽ đi có hình dạng như sau:
Xử dụng vị thế cường quốc hạt nhân, đẩy cả Mỹ lẫn Tầu ra khỏi bán đảo Cao Ly  để “việc của người Cao Ly do người Cao Ly giải quyết”, thực tế là được tự do bắt nạt, tự do dùng võ lực hay hăm doạ võ lực biến Nam Hàn thành một thứ chư hầu, một thứ bò sữa theo kiểu “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, chuyển dần tài sản từ Nam ra Bắc.  Dĩ nhiên số 5,000 tỉ  đô la nói ở trên trước hết phải đi qua tay Kim Jong Un trước khi hoàng đế rải mưa móc xuống đến các thần dân. Nếu Kim Jong Un thâu được 5,000 tỉ chuyền tay từ Nam Hàn thì có lẽ chẳng mất công mong chờ viện trợ Mỹ hay viện trợ Tầu nhiều lắm chỉ đáng vài tỉ hay  chục tỉ đô la. Kim cần nhất là Mỹ và Tầu nhắm mắt làm ngơ để Kim tự do tung hoành trên bán đảo Cao Ly nhân danh quyền dân tộc tự quyết, không có sự can thiệp của ngoại bang. Nếu Nam Hàn kháng cự chỉ cần một hai trái bom nguyên tử loại chiến thuật tiêu diệt gọn ghẽ 3,4 sư đoàn của Nam Hàn trong khoảnh khắc thì chính quyền Nam Hàn không còn chọn lựa nào khác hơn là kéo cờ trắng đầu hàng như trường hợp Nam Việt Nam vào  ngày 30/04/1975.  Giang sơn sẽ thâu về một mối dĩ nhiên với Kim Jong Un làm chúa tể !
7.  Cả 3 tay chơi ván cờ chiến lược Kim, Trump, Xi đều đang đóng tuồng cho cả thế giới xem. Những điều nói ra, những điều trông thấy không phải là chuyện thực sự đang diễn ra có thể rất gay go trong hậu trường trong suốt mấy tuần lễ vừa qua
Trước hết “phi hạt nhân hoá bán đảo Cao Ly” không phải là mục đích thực sự của các cuộc họp thượng đỉnh Xi-Kim hay thượng đỉnh Trump-Kim. Cả Trump lẫn Xi cần một lý do chính đáng, một chính nghĩa để hạ mình, để “xuống nước” nói chuyện trực tiếp với Kim. Và Kim đã cung cấp đúng cái lý cớ cần thiết ấy: Bắc Hàn sẵn sàng thảo luận việc “phi hạt nhân hoá bán đảo Cao Ly để tránh cho nhân loại hiểm hoạ chiến tranh nguyên tử thảm khốc”. Kim là người tung, Trump, Xi là người hứng và thế giới vỗ tay hoan nghênh!
Cả Trump lẫn Xi đều thừa biết Kim nói gì thì nói, ký gì thì ký, sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân mà không ai có thể bắt buộc Kim được. Thanh sát quốc tế đã và sẽ chẳng hiệu quả gì. Phi hạt nhân hoá, rốt cuộc, chỉ là lý do bề ngoài, một đề tài phụ, thảo luận cho có, tuyên bố cho có – trước, trong và sau các hội nghị thượng đỉnh. Lý do “bề trong”, lý do thực sự là Trump và Xi, – đại diện cho quyền lợi đối nghịch Mỹ, Tầu – muốn đích thân gặp Kim Jong Un, nay đã có vũ khí hạt nhân trong tay, để chiêu dụ Kim đứng về phe mình.
Nếu Trump thuyết khách thành công kéo  được  Kim về phía Mỹ, đổi thù thành bạn, tiến tới đổi bạn thành đồng minh thì vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn còn dùng để răn đe ai nữa ngoài nước Tầu của Xi Jin Ping? Tất cả các thành phố lớn của Tầu đều quá gần, đều nằm trong tầm hoả tiễn tầm trung của Kim Jong Un, nếu Kim nổi khùng làm sao Xi và các thần dân của Xi chạy kịp trong vài phút?!
 Ngược lại, nếu Xi mua chuộc dụ dỗ được Kim, đổi tình nghĩa “đồng minh” đầy những âm mưu, ngờ vực, tức tối thành tin cẩn, chặt chẽ, thân thiết thì nước Mỹ sẽ  phải thường trực sống trong bất an, không biết bom nguyên tử một ngày nào đó có sẽ rơi trúng vào New York hay Washington DC hay không?!
Dĩ nhiên, Kim Jong Un, đẩy cả Mỹ lẫn Tầu vào thế cạnh tranh nhau, sẽ đòi giá rất cao – giá này gồm cả quy chế cường quốc hạt nhân mới và tự do “một mình một chợ” như đã nói ở điểm 6 và những quyền lợi khác. Đối với Kim lúc này là mùa gặt, mùa thu hoạch! 30, 40 năm mới có một lần!
Cả thế giới đang chờ đợi thương đỉnh Trump-Kim. Nếu địa điểm họp được chọn nằm trên đất Cao Ly, tại Bàn Môn Điếm như Trump đã nhắc đến trước đây như để thăm dò – rất mất thể diện của Tổng Thống đại cường quốc phải đích thân đến tiểu quốc để cầu hoà – thì có thể dự đoán Trump có nhiều hi vọng lôi kéo được Kim Jong Un, biến đổi Bắc Hàn từ thù sang bạn cho bõ với chuyến đi đơn phương vất vả. Nhưng nếu địa điểm là Singapore như đã công bố thì có vẻ cuộc thương thuyết không được tiến triển theo chiều hướng đó. Cùng lắm Bắc Hàn sẽ chọn đứng giữa Mỹ và Tầu, không ngả hẳn về bên nào. Nếu đúng vậy, một lần nữa Xi Jin Ping của nước  Tầu  lại thành công, dù là   tạm thời, trong việc chặn đường Donald Trump của nước Mỹ.
Dẫu sao, cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim, có kết quả hay không, cũng chỉ là một cao điểm vì ván cờ còn tiếp diễn trong  nhiều năm sắp tới cho đến khi một thế quân bình mới tại Á Châu được thiết lập một cách rõ ràng. Lúc đầu có thể như đã nói Kim không ngả hẳn về bên nào, mà lợi dụng được cả hai bên nhưng có lẽ sẽ luôn tự nhắc nhở  rằng vì lý do lịch sử, địa lý, văn hoá, chủng tộc – giống như trường hợp Việt Nam – Tầu thực sự thâm hiểm và nguy  hiểm đối với dân tộc Cao Ly nói chung và họ nhà Kim nói riêng hơn là Mỹ. Sau cùng Kim Jong Un sẽ ngả dần về phía Mỹ, dùng Mỹ để cân bằng Tầu thay vì dùng Tầu để cân bằng Mỹ như từ trước đến nay.
8.  Giải pháp “dĩ độc trị độc” (xem bài liên hệ ở phần cuối) có thể là giải pháp tốt nhất cho nước Mỹ trong hoàn cảnh hiện tại và sẽ được Kim Jong Un tôn trọng vì lý do đơn giản: phù hợp với quyền lợi của nhà họ Kim. Bắc Hàn đi với Mỹ ít nguy hiểm, có lợi hơn, tốt hơn là đi với Tầu vì sẽ bị Tầu kiềm chế như trường hợp VN!
Bất kể văn tự chính thức của hiệp ước hoà bình Mỹ-Bắc Hàn nói gì về “phi hạt nhân hoá” bán đảo Cao Ly, sau cuộc gặp gỡ Trump-Kim, Mỹ-Bắc Hàn có thể  đổi thù thành bạn, tiến dần thành đồng minh. “America First” gặp “Kim Dynasty First”. Điều này bao hàm việc Mỹ không những chấp nhận, minh thị hay mặc nhiên, Bắc Hàn là cường quốc hạt nhân mà còn “chuyển” vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn từ “tiêu sản” thành “tích sản” đối với nước Mỹ – chuyển thế bại thành thế thắng, đẩy mũi giáo nguyên tử đang chĩa vào trái nước Mỹ cho nó hướng về trái tim của kẻ đối thủ cạnh tranh chính của nước Mỹ là nước Tầu của Xi Jing Ping, buộc Xi và nước Tầu phải nhọc nhằn đối phó.
Còn hơi sớm để biết Trump đủ bản lĩnh để làm một “strategic coup” mang tính cách “đột phá” như thế hay không nhưng có lẽ người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước mình đang bị chủ nghĩa đế quốc Đại Hán uy hiếp ngặt nghèo cũng đều muốn chúc cho Donald Trump may mắn.
Cao Tuấn
(05/06/2018)