Tin khắp nơi – 05/06/2018
Mỹ: ‘chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Kim tiến triển tốt’
Mỹ cho biết việc chuẩn bị cho cuộc họp tuần tới giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đang tiến triển tốt.
Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau lúc 09:00 giờ địa phương và rằng ông Trump đã nhận được lịch làm việc hàng ngày.
Nhưng Nhà Trắng cũng cho hay các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn sẽ không được dỡ bỏ trừ khi nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Chỉ còn một tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim được tổ chức tại Singapore, điều đáng chú ý là rất ít chi tiết được công khai xác nhận.
Bắc Hàn sẽ ‘dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân chính’
Dân Bắc Hàn chỉ trích ‘lãnh đạo ma cà rồng’
Vẫn chưa rõ chính xác cả hai sẽ gặp nhau ở đâu tại Singapore.
Các thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên dự kiến sẽ là một ưu tiên trong chương trình nghị sự, mặc dù một số nhà phân tích suy đoán một kết thúc chính thức cho chiến tranhTriều Tiên cũng sẽ được bàn tới.
Thoạt đầu, việc thượng đỉnh Trump-Kim có diễn ra hay không không hề được đảm bảo. Nó từng bị Trump thình lình tuyên bố hủy sau một tranh cãi với Bắc Hàn.
Khi được hỏi liệu Mỹ có tiếp tục chính sách gây “áp lực tối đa” đối với Bình Nhưỡng của ông Trump hay không, phát ngôn viên của Nhà Trắng, bà Sanders nói quan điểm đó không thay đổi.
Sau khi gặp một quan chức cấp cao của Bắc Hàn ở Washington tuần trước, ông Trump nói không muốn sử dụng thuật ngữ “áp lực tối đa” nữa, bởi hai bên đã “hòa thuận”.
Ông nói khi Bắc Hàn hợp tác nhiều hơn, ông sẽ ngưng các biện pháp trừng phạt mới.
Trước hội nghị thượng đỉnh, Bắc Hàn đã tiến hành một loạt các hoạt động ngoại giao.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bất ngờ thăm Bình Nhưỡng và hai nước hiện đang lên kế hoạch để ông Kim thăm Mascow cuối năm nay.
Cuối tuần qua, Bắc Hàn nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đang lên kế hoạch thăm cấp nhà nước tới Bắc Hàn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44365561
Singapore ra mắt kỷ niệm chương Trump-Kim
Hôm 5/6, Singapore đã cho ra mắt một loại kỷ niệm chương mang dòng chữ “Hòa bình thế giới” trước hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên vào tuần tới tại đảo quốc này, theo hãng tin Reuters.
Ngoài dòng chữ “Hòa bình thế giới,” kỷ niệm chương còn khắc họa biểu tượng hòa bình chim bồ câu và cành ô liu, cùng với quốc hoa của hai nước Mỹ – Triều là hoa hồng và mộc lan.
Mặt bên kia của kỷ niệm chương là hình hai bàn tay bắt tay bên dưới quốc kỳ hai nước Hoa Kỳ và Triều Tiên, và có in ngày 12/6, ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Theo trang mạng Singapore Mint, kỷ niệm chương thượng đỉnh Trump- Kim phiên bản bằng vàng có giá hơn 1.000 đôla.
Vào tháng trước, Tòa Bạch Ốc cũng cho ra mắt một kỷ niệm chương về cuộc gặp thượng đỉnh này, tuy sau đó có chút xáo trộn khi vào hôm 24/5 ông Trump loan báo hủy bỏ cuộc gặp vì phía Bình Nhưỡng có hành động “thù địch,” nhưng sau đó thì nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã trở lại với kế hoạch họp với lãnh tụ Kim như dự kiến ban đầu.
Đảo quốc Singapore có quan hệ tốt với các quốc gia cả phương Đông và phương Tây, có khuynh hướng trung lập, và có thể được xem là một Thụy sĩ ở khu vực châu Á.
Mặc dù Singapore đã tuyên bố dành một khu vực đặc biệt bao gồm bộ ngoại giao, đại sứ quán Hoa Kỳ và một số khách sạn lớn, chẳng hạn như khách sạn Shangri-La cho sự kiện lịch sử quan trọng này, nhưng địa điểm chính xác cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim vẫn chưa được xác định.
Cũng theo Reuters, hôm 5/6, chính phủ Singapore cho biết đã đưa thêm đảo Sentosa vào khu vực thực hiện sự kiện đặc biệt từ ngày 10 đến ngày 14/6 dành cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.
https://www.voatiengviet.com/a/singapore-ra-mat-ky-niem-chuong-trump-kim/4425080.html
Tòa Bạch Ốc:
Chế tài mạnh tay với Triều Tiên vẫn giữ nguyên
Tòa Bạch Ốc ngày 4/6 loan báo chính sách về các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên không hề thay đổi, vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố không còn muốn dùng cụm từ ‘áp lực tối đa’ để mô tả về chiến dịch thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ võ khí hạt nhân.
Sau cuộc gặp hôm 1/6 tại Tòa Bạch Ốc với giới chức cấp cao từ Bình Nhưỡng, ông Trump cho biết Triều Tiên tỏ ra hợp tác hơn và rằng dù các biện pháp chế tài vẫn được giữ nguyên, ông sẽ thôi ban hành thêm các trừng phạt mới.
Ông Trump nói ông không muốn dùng cụm từ ‘áp lực tối đa’ nữa vì đôi bên đang ‘tâm đầu ý hợp.’
Đáp câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo ngày 4/6 rằng liệu có tiếp tục chiến dịch ‘áp lực tối đa’, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Sarah Sanders nói: “Chúng tôi đang áp dụng lệnh trừng phạt, rất mạnh mẽ và chúng tôi sẽ không gỡ bỏ cho tới khi nào Triều Tiên phi hạt nhân hóa.”
Chính quyền Trump nói chiến dịch ‘áp lực tối đa’ của họ, được hậu thuẫn bởi Liên hiệp quốc và các cường quốc lớn, đã giúp đưa Triều Tiên tới bàn thương thuyết về chuyện giải giới hạt nhân.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc nói công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang diễn tiến tốt đẹp và đôi bên dự kiến gặp nhau lúc 9 giờ sáng ngày 12/6.
Hôm 1/6, ông Trump nói thượng đỉnh mà ông đã hủy một tuần trước đó được vực dậy sau khi ông họp với đặc sứ Triều Tiên, người đã chuyển lá thư của ông Kim tới cho ông.
Được hỏi về nội dung lá thư của lãnh tụ Triều Tiên gửi Tổng thống Trump, phát ngôn nhân Sanders từ chối bình luận cụ thể, chỉ nói rằng “Chúng tôi cảm thấy mọi việc đang tiếp tục tiến tới phía trước và đã có tiến bộ tốt.”
Đầu tuần này, các Thượng nghị sĩ hàng đầu bên đảng Dân chủ kêu gọi ông Trump chớ đạt thỏa thuận gì nếu võ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn, bằng không, các chế tài đối với Bình Nhưỡng sẽ được duy trì hoặc tăng cường thêm.
Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, Chuck Schumer, và các nghị sĩ cao cấp của đảng Dân chủ trong các ủy ban an ninh quốc gia đã gửi thư đến Tổng thống Trump vạch rõ những yêu cầu.
Bỏ chế tài chiếu theo một thỏa thuận cần phải được Quốc hội đồng ý. Quốc hội Mỹ cũng là nơi đã thông qua các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên.
Đa số văn kiện luật cần 60 phiếu thuận để thông qua Thượng viện gồm 100 thành viên. Hiện đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump chiếm 51 ghế trong Thượng viện.
Reuters
Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore
sẽ chỉ là bước khởi đầu
Cứ gặp nhau đã rồi tính tiếp. Có thể tóm gọn một câu như thế khi nói về cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12/06 tới tại Singapore.
Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước chủ yếu sẽ bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa, tức là giải trừ kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, điều kiện để Hoa Kỳ bãi bỏ các biện pháp cấm vận. Cho tới nay, Washington vẫn yêu cầu là tiến trình phi hạt nhân hóa này phải là “hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được”, đồng thời cam kết là sẽ đưa ra những bảo đảm về an ninh cho Bình Nhưỡng, một chế độ mà cho tới nay vẫn xem vũ khí hạt nhân là lá bùa hộ mệnh cho họ.
Về phần Kim Jong Un, ông cũng tuyên bố muốn tiến đến “ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, nhưng sẽ làm theo từng giai đoạn. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần nói rõ là họ sẽ không giải trừ vũ khí một cách “đơn phương”.
Do lập trường giữa hai bên còn nhiều khác biệt như thế, giới phân tích chờ đợi là khi gặp nhau vào tuần tới, hai ông Donald Trump và Kim Jong Un cùng lắm là sẽ ra được một tuyên bố chung, với cam kết là sẽ tiếp tục làm việc để đạt đến một thỏa thuận về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Vấn đề là cho tới hôm nay, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến thượng đỉnh Singapore, không ai biết chắc là Bình Nhưỡng có thật sự muốn đi theo con đường phi hạt nhân hóa, hay họ chỉ hứa hẹn đàm phán để giảm nhẹ “áp lực tối đa” của tổng thống Trump đối với Bắc Triều Tiên.
Cho dù tại thượng đỉnh Singapore, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có đồng ý cam kết giải trừ kho vũ khí hạt nhân theo đúng yêu cầu của phía Mỹ, tiến trình này cũng sẽ kéo dài nhiều năm và sẽ rất phức tạp. Chương trình vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng phần lớn vẫn được giữ bí mật, cho nên theo các nhà phân tích, việc kiểm kê, tháo dỡ và kiểm tra sẽ không phải là dễ dàng. Đó là chưa kể đến các tên lửa tầm trung và tầm xa mà Bắc Triều Tiên đã phát triển từ nhiều năm qua. Những chi tiết của tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ phải được thảo luận trong nhiều cuộc họp tiếp theo giữa hai nước, nếu có.
Ngay chính tổng thống Trump vào thứ Sáu tuần trước cũng đã tuyên bố với báo chí Mỹ : “ Chúng ta sẽ không đến để ký một cái gì đó vào ngày 12/06. Chúng ta sẽ chỉ bắt đầu một tiến trình.”
Tiến trình này có thể bao gồm cả vấn đề quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Seoul, đồng minh của Mỹ. Do có thể tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng tới Singapore, hai ông Donald Trump và Kim Jong Un có thể sẽ bàn về việc ký kết một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt chiến tranh giữa hai nước Triều Tiên vào đầu thập niên 1950. Ít ra đây sẽ là kết quả cụ thể mà ông Trump có thể đưa ra để chứng minh với dân Mỹ rằng thượng đỉnh Singapore không phải là vô ích.
Nhà Trắng thông báo giờ họp thượng đỉnh Trump-Kim
Hôm qua, 04/06/2018, Nhà Trắng thông báo là cuộc họp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày 12/06 tại Singapore.
Phát ngôn viên của tổng thống Hoa Kỳ, bà Sarah Sanders tuyên bố: “ Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh này” và khẳng định, các cuộc thảo luận với Bắc Triều Tiên đã đạt được “những tiến bộ đáng kể”.
Khi được hỏi về khả năng Washington sẽ tỏ ra mềm dẻo hơn với Bình Nhưỡng hay không, phát ngôn viên Nhà Trắng bảo đảm là không có thay đổi gì trong chính sách của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên. Trong một thời gian dài ông Donald Trump vẫn tuyên bố sẽ duy trì “áp lực tối đa” lên Bình Nhưỡng. Thế nhưng gần đây tổng thống Mỹ không còn sử dụng cụm từ này nữa.
Trước mắt quan hệ giữa hai nước đang trở nên hòa dịu một cách ngoạn mục, thể hiện qua việc tổng thống Trump đã tiếp tướng Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol trong Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng hôm thứ Sáu tuần trước. Tướng Kim Yong Chol, nhân vật được coi là cánh tay phải của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã đến Hoa Kỳ để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Singapore, và có mang theo thư riêng của ông Kim Jong Un gởi ông Donald Trump.
Trong khi đó, hôm qua, 7 thượng nghị sĩ Dân Chủ có thế lực đã viết thư kêu gọi tổng thống Trump nên có một chiến lược cứng rắn với Bình Nhưỡng, để không bỏ lỡ một “ cơ hội lịch sử”. Họ yêu cầu tổng thống Mỹ không nên giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nếu không đạt được việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một cách “hoàn toàn và có thể kiểm chứng được”.
Các thượng nghị sĩ này cảnh cáo là nếu tổng thống Trump ký một thỏa thuận không thỏa đáng với Bắc Triều Tiên, các nghị sĩ Quốc Hội Mỹ sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt bắt buộc hoặc thông qua các luật để ngăn tổng thống dùng quyền của ông bãi bỏ các trừng phạt.
Cũng về tình hình bán đảo Triều Tiên, hôm nay, hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China thông báo ngày mai sẽ mở lại các chuyến bay giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Air China đã đình chỉ các chuyến bay này từ tháng 11 năm ngoái, sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên do nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180605-nha-trang-thong-bao-gio-hop-thuong-dinh-trump-kim
Mỹ bắt một người âm mưu làm gián điệp cho TQ
Một cựu sĩ quan tình báo Mỹ đang hầu tòa vì bị cáo buộc tìm cách làm gián điệp cho Trung Quốc.
Ông Ron Rockwell Hansen, 58 tuổi, bị FBI bắt giữ hôm thứ Bảy khi ông đang trên đường đến phi trường Seattle để bay tới Trung Quốc.
Bộ Tư pháp cho biết ông Hansen đang tìm cách đưa thông tin sang Trung Quốc và đã nhận được ít nhất 800.000 đô la (khoảng 18 tỷ VND) để làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Ông Hansen bị cáo buộc gì?
Ông Hansen, sống ở Syracuse, Utah, bị buộc tội cố gắng thu thập hoặc cung cấp thông tin an ninh quốc phòng để hỗ trợ một chính phủ nước ngoài.
Tình báo Mỹ điều trần về Trump
Mỹ bắt người ‘liên lạc với Trung Quốc’
Đức: TQ ‘lập LinkedIn ảo nhử quan chức EU’
Ông đang phải đối mặt với tổng cộng 15 cáo buộc – bao gồm hoạt động như một gián điệp không đăng ký của Trung Quốc, buôn lậu tiền mặt hàng loạt, cơ cấu các khoản giao dịch tiền tệ và buôn lậu hàng hóa từ Hoa Kỳ.
Nếu bị buộc tội gián điệp, ông Hansen phải đối mặt với án tù chung thân.
Trợ lý Tổng chưởng lý John Demers gọi những hành động bị cáo buộc của ông Hansen là “một sự phản bội an ninh quốc gia” và “một sự sỉ nhục đối với các đồng nghiệp trong cộng đồng tình báo cũ của ông”.
Ron Hansen là ai?
Theo các tài liệu tòa án do Bộ Tư pháp trích dẫn, khi còn phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ, ông Hansen là một nhân viên tình báo mật hiệu và tình báo con người, trước khi được DIA tuyển làm sĩ quan tình báo dân sự vào năm 2006.
Ông Hansen thông thạo tiếng Quan Thoại và tiếng Nga và có thể tiếp cận thông tin cấp tuyệt mật “trong nhiều năm” và thường xuyên đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc vào 2013-17.
Ông được biết là đã nhiều lần cố gắng tiếp cận thông tin tuyệt mật sau khi không còn làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, điều này khiến giới chức bắt đầu cảnh giác về hoạt động của ông.
DIA là gì?
Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) là một nhánh của Bộ Quốc phòng, khác với CIA, chịu trách nhiệm phân tích và mở rộng hoạt động tình báo quân sự.
Trách nhiệm chính của cơ quan là cung cấp thông tin tình báo quân sự nước ngoài cho các nhiệm vụ chiến đấu của Hoa Kỳ. DIA được thành lập vào 1961 và hiện có khoảng 17.000 nhân viên.
Quan hệ Mỹ-Trung như thế nào?
Vụ bắt giữ xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis cáo buộc Trung Quốc đã đe dọa các nước láng giềng bằng cách đem các tên lửa đến các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Một quan chức quân đội Trung Quốc gọi những nhận xét này của ông Mattis là “vô trách nhiệm”.
Các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nước ở Bắc Kinh đã bị lu mờ khi hạn áp dụng mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đang đến gần.
Cuối tháng trước, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch áp đặt 25% thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, gia tăng khả năng của một cuộc chiến thương mại.
Các trường hợp gián điệp khác
Ông Hansen là người gần đây nhất trong một chuỗi các cựu sĩ quan tình báo Mỹ bị bắt trong các vụ làm gián điệp cho Trung Quốc:
Jerry Chun Shing, một cựu sĩ quan của CIA, cũng bị buộc tội hồi đầu tháng này với âm mưu thu thập hoặc cung cấp thông tin quốc phòng cho Trung Quốc
Cựu nhân viên CIA, Kevin Mallory, hiện đang bị xét xử tại Virginia, bị buộc tội bán thông tin cho Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44365260
Cái giá phải trả khi đất nước thay đổi chữ viết
Dene-Hern ChenBBC Capital
Quốc gia vùng Trung Á Kazakhstan đang thay đổi bảng chữ cái, chuyển từ hệ chữ Cyrillic sang hệ chữ Latin vốn được phương Tây ưa chuộng.
Tác động kinh tế của sự thay đổi đó là gì?
Thụy Điển ‘từ lề trái sang lề phải’ chỉ sau một đêm
Sống kiểu thời tiền sử hiệu quả hơn?
Người giàu, nghèo sống khác nhau thế nào?
Việc thay đổi, được công bố vào một sáng thứ Ba giữa tháng Hai, là nhỏ nhưng quan trọng – và nó đã làm nổ bùng sự phản ứng dữ dội.
“Kiểu này đẹp hơn!” Asset Kaipiyev thốt lên đầy ngạc nhiên.
Là người đồng sáng lập một nhà hàng nhỏ ở thủ đô Astana của Kazakhstan, Kaipiyev vừa mới được giới thiệu phiên bản mới nhất của bảng chữ cái mới, được Tổng thống Nursultan Nazarbayev phê duyệt trước đó, vào đầu giờ cùng ngày.
Chính phủ hồi tháng Mười năm ngoái đã thông qua một bảng chữ cái mới, dựa trên bảng ký tự Latin, để thay thế bảng chữ cái theo hệ Cyrillic mà Kazakhstan đang dùng.
‘Tôi đến từ một quốc gia không còn tồn tại’
Món bánh dành cho người chết ở Kyrgyzstan
Người Hàn Quốc cấm kỵ khoe cái tôi?
Nhưng quyết định này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích quyết liệt từ dân chúng – sự kiện hiếm hoi trong quốc gia chỉ có nền dân chủ trong danh nghĩa, còn trên thực tế là bị ông Nazarbayev cai trị bằng nắm đấm sắt trong suốt gần ba thập kỷ qua.
Trong phiên bản đầu tiên của bảng chữ cái mới, dấu nháy đơn được sử dụng để mô tả âm thanh cụ thể trong tiếng Kazakh, khiến những người chỉ trích gọi nó là một ký tự “xấu xí”.
Phiên bản được điều chỉnh lần thứ nhì, là phiên bản mà Kaipiyev thích hơn, thì sử dụng dấu trọng âm trên các chữ cái phụ. Cho nên chữ Cộng hòa Kazakhstan nếu trong phiên bản đầu tiên được viết là Qazaqstan Respy’bli’kasy, thì nay sẽ là Qazaqstan Respýblıkasy, loại bỏ các dấu nháy đơn.
“Trông đẹp hơn so với bản cũ,” Kaipiyev nói. “Tôi không thích phiên bản trước đó, trông như con nòng nọc.”
Nhưng kiểu chữ mới làm ảnh hưởng tới ông. Nhà hàng của ông khai trương hồi tháng 12, được gọi là Sa’biz – đánh vần và viết theo phiên bản đầu tiên của bảng chữ cái.
Tất cả các tài liệu tiếp thị, các nhãn hiệu in trên các móc gài khăn ăn và thực đơn, và thậm chí cả tấm biển khổng lồ trên bên ngoài tòa nhà cũng sẽ phải được thay thế.
Trong lúc tìm mọi cách để đi trước thời đại bằng cách viết theo bảng chữ cái mới, Kaipiyev đã không tính đến chuyện chính phủ sẽ lại sửa đổi bộ chữ.
Ông nghĩ rằng nay ông sẽ phải chi khoảng 3.000 đô la để thay đổi chữ viết trên tất cả mọi thứ sang kiểu chữ mới, tên nhà hàng Sábiz.
Những gì mà Kaipiyev và các chủ doanh nghiệp nhỏ đang trải qua sẽ diễn ra ở quy mô lớn hơn khi chính phủ hướng tới việc chuyển đổi hoàn toàn sang các ký tự Latin vào năm 2025. Đó là một mục tiêu đầy tham vọng ở một quốc gia nơi đa số dân cư thông thạo tiếng Nga hơn là tiếng Kazakh.
Tiếng mẹ đẻ
Theo cuộc điều tra dân số năm 2016, sắc tộc Kazakh chiếm khoảng hai phần ba dân số, trong khi sắc tộc Nga chiếm khoảng 20%.
Thành phố hiện đại trong Bắc Kinh cổ kính
Điều gì giúp quản trị tốt đất nước?
Tuy nhiên, việc sống nhiều năm dưới sự lãnh đạo của Liên Xô khiến tiếng Nga được hầu hết mọi người trong nước sử dụng – khoảng 94% trong số hơn 18 triệu công dân thông thạo loại ngôn ngữ này. Tiếng Kazakh chiếm vị trí thứ hai, ở mức 74%.
Tần suất sử dụng phụ thuộc vào môi trường. Tại các tỉnh và trung tâm thành phố phía bắc chịu ảnh hưởng của Nga, như Almaty và thủ đô Astana, tiếng Nga được sử dụng cả trên đường phố và trong các cơ quan công sở nhà nước. Nhưng ở phía nam và phía tây, tiếng Kazakh được sử dụng thường xuyên hơn.
Ngôn ngữ Kazakh hiện đang được viết bằng bộ chữ Cyrillic; giới tinh hoa thì chủ yếu sử dụng tiếng Nga, di sản của thời Liên Xô để lại.
Đây cũng là một trong những di sản mà một số nước láng giềng của Kazakhstan đã tìm cách xóa bỏ ngay sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ hồi năm 1991.
Azerbaizan đã bắt đầu dùng sách giáo khoa bằng chữ Latin vào ngay năm sau đó, còn Turkmenistan thì từ năm 1993.
Kazakhstan đang thực hiện quá trình chuyển đổi sau gần ba thập niên, trong một môi trường kinh tế rất khác, khiến rất khó ước tính phí tổn liên quan.
Cái giá của sự thay đổi
Cho đến nay, truyền thông nhà nước đã đưa tin rằng tổng ngân sách của chính phủ cho quá trình chuyển đổi bảy năm – được chia thành ba giai đoạn – sẽ lên đến khoảng 218 tỷ tenge (664 triệu đô la).
Những thành phố hẹn hò lãng mạn nhất thế giới
Nơi tiếng Anh không dành cho người nói tiếng Anh
Baia, thành phố La Mã tội lỗi nơi đáy biển
Khoảng 90% số tiền đó là dành cho các chương trình giáo dục, cho việc xuất bản sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục bằng bảng chữ cái mới theo hệ Latin, bao gồm cả các giờ học môn văn.
Theo truyền thông nhà nước, chính phủ đã phân bổ khoảng 300 triệu tenge (922.000 đô la) mỗi năm cho các năm 2018 và 2019. Số tiền này sẽ được chi cho hoạt động giáo dục ở các trường tiểu học và trung học, theo Eldar Madumarov, một nhà kinh tế và giáo sư tại Đại học KIMEP ở Almaty.
Việc dịch các bộ sách giảng dạy và sách giáo khoa sẽ bắt đầu trong năm nay, theo truyền thông nhà nước, và giáo viên trên toàn quốc sẽ bắt đầu dạy học sinh mầm non và lớp một bảng chữ cái mới từ năm 2020, nâng dần lên các lớp cao hơn, mỗi năm tăng thêm một lớp cho đến năm 2025, là khi tất cả các năm học, từ mẫu giáo đến lớp cuối cùng, sẽ được chuyển đổi hoàn toàn.
Ngân sách cũng đã được phân bổ cho việc phát triển chương trình tin học để chuyển đổi ngôn ngữ sang hệ chữ Latin trong quý 3 năm 2018 (khoảng 166.000 đô la), nâng cao trình độ của giáo viên trung học (33,2 triệu đô la) và thuê các blogger có ảnh hưởng để thúc đẩy chiến dịch nâng cao nhận thức cho giai đoạn cuối của quá trình chuyển đổi, bắt đầu vào năm 2024 (1,4 triệu đô la).
Nhưng nếu không có sự phân tách các khoản rõ ràng từ phía chính phủ, một số nhà kinh tế cho rằng sẽ rất khó để thẩm định được chi phí trực tiếp cho tiến trình chuyển đổi. (Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Bộ Văn hóa đã không hồi đáp yêu cầu bình luận về việc này).
Các chi phí ngầm
Báo cáo từng phần về cách thức chuyển đổi sẽ xảy ra khiến một nhà kinh tế lo lắng về các khoản chi phí ngoài dự kiến.
“Nếu việc cải cách này không được thực hiện đúng đắn thì sẽ có nguy cơ cao là những người có trình độ thuộc nhóm đa số nói tiếng Nga, bao gồm cả người Kazakhtan, có thể muốn tính đến chuyện di cư,” Madumarov nói. “Bởi có nguy cơ là những cơ hội dành cho họ sẽ bị cắt giảm.”
Vào cuối tháng Hai, tầm mức vấn đề đã được thể hiện khi ông Nazarbayev – người thông thạo cả hai ngôn ngữ – ra lệnh rằng toàn bộ các cuộc họp nội các phải được thực hiện bằng tiếng Kazakh.
Vì tiếng Nga từ lâu đã là ngôn ngữ chính thức trong các cơ quan công sở, cho nên vấn đề ở đây là từ trước tới nay các mệnh lệnh của quan chức chính phủ thường được ban hành bằng tiếng Nga thay vì tiếng Kazakh.
Trong một cuộc họp được phát sóng trên truyền hình, khán giả thấy cảnh các quan chức phải rất chật vật trình bày ý kiến, quan điểm bằng tiếng Kazakh. Một số người thậm chí còn chọn dùng bộ tai nghe để nghe nội dung qua lời người phiên dịch.
Các vấn đề hành chính
Ngoài ra còn có chi phí thay đổi ngôn ngữ trong các giấy tờ giao dịch chính thức. Chứng minh thư, hộ chiếu, bản in các tài liệu pháp luật – tất cả các loại giấy tờ chính thức đều cần được dịch.
Dẫu rằng việc này nằm trong giai đoạn hai và giai đoạn cuối của quá trình chuyển đổi, theo lời Kassymkhan Kapparov, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Kazakhstan, đóng tại Almaty, nhưng khoản chi phí để thực hiện việc thay đổi giấy tờ lại không được liệt kê chi tiết cụ thể.
Đối với những thứ như hộ chiếu và chứng minh thư, phí gia hạn đã được quy định, là một khoản phí cố định, “cho nên thay đổi duy nhất sẽ chỉ là việc thay bộ chữ cái trong phần mềm,” Kapparov nói, và bổ sung thêm rằng chi phí đổi hộ chiếu mới có giá khoảng 60 đô la, còn chứng minh thư là khoảng 1,50 đô la.
“Chính phủ vẫn bỏ trống nội dung này. Tôi nghĩ rằng về mặt logic thì việc đó sẽ chẳng tốn kém gì.”
Nhưng ông vẫn băn khoăn về giai đoạn thứ ba, được cho là sẽ bắt đầu vào năm 2024, trong đó gồm cả việc dịch các tài liệu nội bộ trong phạm vi các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương, trong khi phương tiện truyền thông nhà nước cũng cần phải triển khai việc sử dụng bảng chữ cái mới.
“Để các cơ quan truyền thông nhà nước sử dụng bảng chữ cái mới, trước tiên bạn phải tập huấn cho mọi người, sau đó bạn phải thay đổi toàn bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để nhúng bộ chữ cái mới vào. Và sau đó bạn phải thay đổi tất cả các tấm biển [biển hiệu], các mẫu giấy in tiêu đề công ty hay các cơ quan công sở, tem, và các biển hiệu,” ông nói.
“Vì vậy, họ đã không chịu đưa ra con số ước tính… theo ước tính của tôi thì những khoản này sẽ vào khoảng từ 15 đến 30 triệu đô la.”
Tuy nhiên, đó mới chỉ là số liệu ước tính trong khu vực công. “Đối với lĩnh vực tư nhân, tất nhiên họ sẽ phải tự làm. Nó có thể là gấp đôi, hoặc có thể gấp tới mười lần như thế,” Kapparov nói.
“Nó phụ thuộc vào mức độ cứng rắn, cương quyết của chính phủ, chẳng hạn như họ có buộc phải áp dụng các thay đổi trong vòng chỉ một năm hay không? Có thể là như vậy chứ. Với chính phủ của chúng tôi thì không ai đoán trước được điều gì.”
Kapparov cũng lo lắng rằng mọi người, nhất là những người thuộc thế hệ cũ, sẽ phải vật lộn trong việc đọc, viết theo bảng ký tự mới, hệ Latin, cho nên việc trao đổi thông tin liên lạc trong khu vực công có thể phải được thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.
“Có thể gọi đó là gánh nặng ngôn ngữ, bởi khi gửi một lá thư trong khối nhà nước, tài liệu đó sẽ phải được viết bằng tiếng Nga, tiếng Kazakh và tiếng Kazakh dùng bộ chữ mới… và để làm được như vậy bạn sẽ cần tuyển dụng các phiên dịch,” ông nói. “Điều này làm phát sinh các chi phí bổ sung và làm tăng tính không hiệu quả. Tất nhiên chính phủ không nêu phần này trong ngân sách chung, nhưng nó sẽ tạo thêm gánh nặng cho chính phủ.”
Khi nói đến chi phí trực tiếp, Kapparov tự tin vào ước tính của mình, là các con số mà ông đã đưa ra trong năm 2007 sau khi nghiên cứu khả thi đầu tiên được công bố, và ông đã ước tính lại vào hồi tháng Giêng vừa rồi, khi thông tin ngân sách bắt đầu được tiết lộ trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Ông cho rằng tổng chi phí cho quá trình chuyển đổi sẽ vào khoảng không quá 1 tỷ đô la.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Kazakhstan, Olzhas Khudaibergenov, tin rằng chi phí cho toàn bộ quá trình chuyển đổi sẽ thấp hơn nhiều so với ước tính của Kapparov.
Ông cho rằng tất cả các chi phí về tài liệu, giấy tờ sẽ chỉ gói gọn trong ngân sách thông thường của chính phủ. “Chi phí thực sự sẽ chỉ dành cho các chương trình thông tin và giải thích để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
“Tôi ước tính rằng ngân sách hàng năm sẽ không vượt quá từ hai đến ba tỷ tenge [6,1triệu – 9,2triệu đô la] trong thời gian từ 2018 đến 2025.”
Các lợi ích kinh tế?
Kapparov nói rằng dự án thay đổi bộ chữ cái là thứ “khó bán” cho chính phủ, và sẽ không có khoản hoàn vốn trực tiếp này từ hoạt động đầu tư này.
Thay vào đó, nó “nên được xem như là một chương trình phát triển văn hóa, xã hội của chính phủ,” ông nói.
Khudaibergenov đồng ý. “Điều này nặng về bản sắc dân tộc, là điều mà chúng ta đang cố gắng đi tìm, và chúng ta sẵn sàng trả tiền cho điều đó.”
Giáo sư Đại học KIMEP Madumarov tin rằng sự phát triển kinh tế có thể sẽ bị chậm lại bởi việc thay đổi ngôn ngữ cần được chuẩn thuận về mặt chính trị.
Trong khi một số người cho rằng quyết định chuyển đổi của Nazarbayev có thể là dấu hiệu cho thấy quan hệ đang trở nên nguội lạnh với Nga, thì việc chuyển dần sang ngôn ngữ theo hệ Latin cũng còn làm suy yếu cả các mối quan hệ thương mại giữa Kazakhstan với các quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây.
Hiện tại, có thể thấy là chừng 10% dòng chảy thương mại hiện tại giữa Nga, Kazakhstan và Ukraine đến được là nhờ vào sự tiện lợi của việc các nước cùng có chung một ngôn ngữ, và điều này được diễn giải thành các nước có chung nền văn hóa và tâm lý chung, Madumarov nói.
Điều này cũng có nghĩa là người Kazakhstan thạo tiếng Nga nhiều khả năng sẽ trở thành các di dân kinh tế, chuyển sang nước khác sinh sống. Trong khi đó, Azerbaijan và Georgia, các quốc gia không thông thạo tiếng Nga, lại có những mối quan hệ kinh tế yếu kém.
Mặt khác, ông nói lợi ích có được từ việc áp dụng bảng chữ cái theo hệ Latin là Kazakhstan sẽ hòa nhập tốt hơn với hầu hết các nước trong thế giới phương Tây.
Đã từng có ví dụ về chuyện này.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kể từ 1928 chuyển sang bảng chữ cái theo hệ Latin thay vì dùng bảng chữ cái Ả-rập, đã xây dựng được liên minh với Liên hiệp Châu Âu và hiện trong tiến trình đàm phán để trở thành viên của khối này.
Barbara Kellner-Heinkele, một chuyên gia về ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ và lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Berlin, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu nay đã được coi là một điển hình về cách hiện đại hóa ngôn ngữ và hệ thống pháp lý, và điều này đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vị trí là một cường quốc kinh tế như ngày nay.
Sự chuyển đổi hồi năm 1928 của Thổ Nhĩ Kỳ sang việc sử dụng bảng chữ cái theo hệ Latin “đã được thực hiện trong chớp mắt”.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý ở đây là thời đó, không mấy người Thổ Nhĩ Kỳ biết đọc biết viết: Ataturk cần những người có trình độ văn hóa ở nước của mình phải đạt được trình độ như lớp trí thức ở châu Âu và Mỹ, “và một phần của động lực giáo dục là bảng chữ cái mới,” bà nói.
Một quốc gia độc lập
Sự chuyển tiếp của Kazakhstan liên quan tới việc nước này muốn đoạn tuyệt với quá khứ Xô-viết của mình nhiều hơn là do nhu cầu về văn hóa, kinh tế, Kellner-Heinkele nói. “Đó là một lập luận chính trị để chứng tỏ rằng họ là một nhà nước độc lập, họ hiện đại và họ là một quốc gia.”
Fazylzhanova Muratkyzy, một nhà ngôn ngữ học đã làm việc với chính phủ để tạo ra bảng chữ cái mới, cũng đồng ý với quan điểm này, và nói rằng nhiều người Kazakh thường gắn bảng chữ cái hệ Kirin với sự kiểm soát của Liên Xô.
Giới trẻ đang đặc biệt đón chờ sự thay đổi.
Dựa trên các khảo sát mà viện ngôn ngữ của bà đã tiến hành trong thập kỷ qua, Muratkyzy nói rằng 47% thế hệ trẻ – từ 18 đến 25 tuổi – ủng hộ việc chuyển sang bảng chữ cái theo hệ Latin trong năm 2007; và con số đó đã tăng lên 80% trong năm 2016.
“Đó là sự lựa chọn của người dân, của đất nước. Và với bảng chữ cái mới này, nó được kết nối với ước mơ của chúng ta và tương lai của chúng ta,” bà nói. “Nó cho thấy rằng lịch sử độc lập của chúng ta cuối cùng đã bắt đầu.”
Munalbayeva Daurenbekovna, người đứng đầu Thư viện Quốc gia, đã tổ chức các lớp học mở cho các thủ thư và các bên quan tâm khác để giúp họ làm quen với bảng chữ cái theo hệ Latin. Bà lạc quan rằng những người trẻ tuổi đặc biệt sẽ không gặp khó khăn khi học bảng chữ cái mới.
“Giáo viên sẽ phải học mỗi ngày trong một tháng. Đối với trẻ em thì chỉ mất 10 bài học, vì trẻ em học nhanh hơn người lớn. “
Đối với Kaipiyev, ông chủ của Sa’biz, việc từ bỏ bảng chữ cái theo hệ Kirin – cho dù bảng chữ đó có tẻ nhạt đến mức nào đi nữa – là điều ông hoàn toàn ủng hộ. “Chúng tôi muốn kết nối với châu Âu và Mỹ, và với các nước khác. Điều này sẽ giúp chúng tôi chuyển sang một chương mới,” ông nói.
Đối với việc thay đổi đồ dùng trong nhà hàng để theo kịp nội dung bảng chữ cái mới thì sao?
“Tôi nghĩ rằng tạm thời thì tôi sẽ cứ để thế đã,” Kaipiyev nói, sau một chút đắn đo suy nghĩ. “Chúng tôi sẽ thay đổi khi mọi người thực sự có thể đọc được bảng chữ cái mới.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-44201190
‘Gắn một nụ cười’ lên gương mặt Kim Jong-un
Sherie Ryder, BBC UGC and Social Newsand BBC Monitoring’s Yaroslava Kiryukhina and Francis Scarr
Khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bắt tay Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng ngày 31/5, thấy rõ là các nhiếp ảnh gia đã hết sức cố gắng để có được bức ảnh đẹp.
Cuộc gặp, được phát sóng trên truyền hình Bắc Hàn và được Bộ Ngoại giao Nga phát trên YouTube, cho thấy cả hai đang bắt tay nhau, trước một tấm phông cảnh biển rất lớn.
Tuy nhiên, có một hình ảnh tĩnh, nổi bật trên đài truyền hình Nga Rossiya-1, nổi bật so với những cảnh khác vì ông Kim dường như đang mỉm cười. Nhưng cảnh này lại không giống những cảnh quay tương tự lúc cả hai hướng mặt về phía camera, cũng như các cảnh quay động khác.
Tàu, xe và chuyên cơ của Kim Jong-un ra sao?
Điều này đã không qua được mắt của người dùng mạng xã hội Nga, qua đó nhiều người cáo buộc kênh truyền hình này đã thêm một nụ cười lên khuôn mặt ông Kim.
Tiếng nói đối lập Ilya Yashin chỉ ra sự tương phản trong các cảnh quay và ngụ ý đã có sự chỉnh sửa ở đây: “Họ đang thử nghiệm nó trên nhà độc tài Bắc Hàn buồn bã, nhưng ngày mai họ sẽ làm cho tất cả chúng ta hạnh phúc. Với một nụ cười vui vẻ, người Nga sẽ chào đón các tin tức về tăng giá, tỷ giá tiêu dùng tăng vọt và trợ cấp cho các nhà tài phiệt”.
Tuy nhiên, người dẫn chương trình tin tức Rossiya-1, ông Dmitry Kiselyov – từng được The Economist mô tả là “nhà tuyên truyền” của Nga – kiên quyết rằng hình ảnh này không hề bị sửa chữa khi ông được hỏi về việc này trên đài phát thanh Govorit Moscow.
“Chắc chắn là không,” ông Kiselyov nói. “Họ luôn chụp ảnh với màn chập tốc độ cao. Đó là lý do tại sao nét mặt khác nhau.”
Người dùng mạng xã hội khác cho rằng nụ cười của Kim Jong-un đã được photoshop “để ông ta không làm cho nội dung vui tươi của Kiselyov trở nên ảm đạm”.
Trên mạng xã hội phổ biến của Nga, VK.com, nhiều người dùng tạo các phiên bản ảnh Kim Jong-un cười của riêng mình.
Tiến xa một bước nữa trong cáo buộc chỉnh sửa ảnh, một tài khoản khác đăng trên Twitter hình ảnh photoshop ‘gộp’ giữa Kim Jong-un và Kardashian – ngôi sao truyền hình thực tế của Mỹ với dòng tựa: “Chúng tôi đã cố gắng làm cho khuôn mặt của ông ấy chỉn chu hơn”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44365560
Những gián điệp Bắc Hàn muốn trở về quê hương
Khi ở tuổi đôi mươi, chàng trai Kim Young-sik cảm thấy ông không thể tiếp tục chứng kiến đất nước trong cảnh lầm than.
“Tôi ghét rằng các thế lực bên ngoài cứ tìm cách chia tách đất nước của tôi và khiến chúng tôi chiến đấu chống lại nhau.”
“Khi đó tôi còn trẻ và tôi rất yêu gia đình tôi ở Bắc Hàn. Chúng tôi gần như không thể tách rời nhau và rất hạnh phúc.
“Dù vậy, tôi đã quyết định đến miền Nam bởi vì đất nước tôi đang lâm nguy.”
Năm 1962, ông lên một chiếc thuyền chở nhóm gián điệp Bắc Hàn đi về phía miền Nam.
Con thuyền gián điệp đã có một chuyến đi dài đến Ulsan. Để cố gắng không bị phát hiện, họ gần như đến Nhật Bản trước khi quay đầu hướng về phía bờ biển đông nam của Nam Hàn.
Nhưng trước khi Young-sik có thể thực hiện nhiệm vụ của mình, con tàu của ông đã bị bắt và ông bị đưa vào nhà tù. Ông bị giam giữ suốt 26 năm.
Giờ, tuy đã được tự do, và có quốc tịch Nam Hàn, nhưng với ông, nơi đây chưa bao giờ là nhà.
“Cuộc sống trong nhà tù thật sự rất khó khăn. Trong xã hội Nam Hàn, anh cần phải thay đổi ý thức hệ của mình. Nhưng vì tôi nói tôi sẽ không thay đổi tư tưởng, họ cứ tra tấn tôi vì bất kỳ lý do nhỏ nào.”
Các điệp viên Bắc Hàn khác cũng tuyên bố họ bị tra tấn để buộc phải thú nhận họ là cộng sản. Đây là khoảng thời gian Nam Hàn nằm dưới sự cai trị độc đoán.
‘Chia rẽ đất nước là một điều khủng khiếp’
Ông Kim Young-sik là một trong 19 cựu điệp viên Bắc Hàn ở Hàn Quốc muốn trở về nhà.
Chuỗi các hội nghị thượng đỉnh gần đây liên quan đến Bắc Triều Tiên có lẽ là niềm hy vọng duy nhất của họ.
Giờ đã ở độ tuổi bát thập kế chi, nhưng niềm tin vào lý tưởng của ông vẫn rất mạnh mẽ.
“Nếu anh đi đến biên giới, anh sẽ thấy họ đặt hàng rào dây thép gai dọc theo biên giới. Chúng tôi có tạo ra những hàng rào dây thép gai không? Các cường quốc nước ngoài mới là kẻ chia rẽ chúng tôi, xây dựng những hàng rào, và ngăn chúng tôi có thể tự do đi lại.”
Ông đang nói về thỏa thuận năm 1953, dẫn đến sự thiết lập khu phi quân sự phân chia bán đảo Triều Tiên. Bản ký kết đình chiến đã được ký bởi Bắc Hàn, Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc.
“Làm thế sao mà anh có thể nói đó là điều tốt? Ngay cả khi tôi chết, tôi sẽ luôn luôn nói đó là điều khủng khiếp,” ông nói.
“Còn việc phi hạt nhân hóa, ha… Người nước ngoài đến và chia rẽ chúng tôi và khiến chúng tôi phải chiến đấu lẫn nhau. Vì thế chúng tôi mới tạo ra vũ khí hạt nhân. Nếu họ tốt với chúng tôi và giúp chúng tôi, tại sao chúng tôi lại tạo ra vũ khí hạt nhân?”
‘Tôi muốn được chôn cất ở đó’
Yang Soon-gil cũng cầu xin được trở về miền Bắc, mặc dù nơi đó thậm chí không phải là nhà của ông.
Sau thỏa thuận ngừng bắn, hai miền Triều Tiên bị chia cắt – ông Yang đã có một chuyến đi đến Bình Nhưỡng với anh trai.
Nam Hàn rất khắt khe trong việc kiểm soát tiếp cận với miền Bắc, và khi trở lại, ông Yang đã bị bắt vì vi phạm luật an ninh quốc gia.
Ông nói ông không phải gián điệp nhưng ông vẫn phải chịu 37 năm tù giam.
Ông Yang có vợ và một gia đình ở Nam Hàn, nhưng nếu có cơ hội, ông nói ông sẽ rời bỏ họ để về sống ở Bắc Hàn.
“Nhà của tôi là nơi có niềm tin của tôi. Tôi muốn sống ở một nơi chia sẻ lý tưởng của tôi. Tôi muốn được chôn cất ở đó,” ông nói.
“Một người đàn ông nên biết chính mình và nên tuân thủ nguyên tắc chính mình đặt ra và thực thi nó với một niềm tin sắt đá. Anh có thể nói rằng tôi bị tẩy não bởi chủ nghĩa xã hội, nhưng tôi là một người cộng sản tự nguyện, và niềm tin của tôi đã tăng thêm khi tôi ở trong tù.”
Hai người đàn ông này sau đó đã có một cuộc biểu tình bên ngoài Bộ Thống nhất ở Seoul.
Họ muốn trường hợp của họ được đưa vào các cuộc thảo luận giữa hai miền Triều Tiên với hy vọng một thỏa thuận có thể đạt được để họ có thể trở về Bắc Hàn.
Họ đã không nhận được phản ứng nào từ Bộ Thống nhất nhưng vẫn hy vọng sẽ được trở lại Bắc Hàn.
Kiểu tư tưởng cộng sản nhiệt thành này là điều gây lo lắng cho nhiều người bảo thủ cánh hữu ở miền Nam. Tư tưởng chống cộng sản ăn sâu trong xã hội Nam Hàn.
Chính vì vậy Luật an ninh quốc gia được đưa ra như một cơ chế pháp lý.
Vào năm 1975 dưới thời của Park Chung Hee, hàng chục người được cho là người bất đồng chính kiến đã bị bắt giữ theo luật này và bị kết tội tham gia vào các hoạt động cộng sản – tám trong số họ bị xử tử trong vòng một ngày.
Đa số người Nam Hàn bây giờ khá trung lập, nhưng họ vẫn thấy tư tưởng cộng sản của Bắc Hàn cực đoan và đáng sợ.
Họ đã chiến đấu rất vất vả để giành được những giá trị dân chủ bây giờ. Họ biểu tình một cách nhiệt tình, thể hiện quan điểm một cách tự do và họ đánh giá cao nền kinh tế tư bản, vốn đã lớn thứ tư ở châu Á.
Bắc Hàn vẫn là một đất nước khép kín, khi việc phát ngôn chống lại người cai trị có thể dẫn đến tù đày, không có tự do báo chí và các tình trạng kinh tế hiện tại vẫn không chắc chắn.
Hai miền Triều Tiên đã chờ đợi rất lâu để đạt được hòa bình.
Nếu đạt được một hiệp ước hòa bình để chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, thì chắc chắn người dân hai miền biên giới sẽ vui mừng.
Nhưng ngay cả khi những hàng rào dây thép gai và những quả mìn được gỡ bỏ, thì khoảng cách xã hội và ý thức hệ giữa Bắc và Nam mới là hàng rào vô hình khó khăn hơn để vượt qua.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44365261
Đài Loan khởi động tập trận thường niên
Đài Loan ngày 4 tháng 6 đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên, dự tính kéo dài 8 ngày, được nói nhằm chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc.
Thời báo Châu Á cho biết quân đội Đài Loan được chia thành 2 nhóm mặc đồng phục màu đỏ và màu xanh lam. Quân màu đỏ sẽ mô phỏng các chiến thuật có thể được Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sử dụng trong các cuộc tấn công quân sự nhắm vào Đài Bắc, trong khi quân màu xanh lam sẽ diễn tập chống lại đội quân đỏ.
Theo nhà chức trách đảo Đài Loan, nhiệm vụ chính của cuộc diễn tập là phát triển hoạt động chung trên biển và trên đất liền, phòng thủ chống lực lượng nhảy dù ở phía bắc, nam và trung tâm của đảo.
Trọng tâm của hai ngày đầu tiên, quân đội Đài Bắc sẽ chặn các tuyến đường thủy và các cảng dọc theo bờ biển phía tây đối diện Trung Quốc, đồng thời chuyển giao các máy bay chiến đấu đến các nhà chứa trên bờ phía đông, nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. Ngày thứ 3 và thứ 4 sẽ chủ yếu diễn tập chiến đấu chống không kích và hạ cánh.
Các hoạt động chống không quân chung ở miền trung Đài Loan được nói là một phần quan trọng để quân đội Đài Bắc kiểm tra khả năng chống lại các lính dù của Hoa Lục tấn công căn cứ không quân Đài Trung, nơi lưu trữ các khối tên lửa không đối không của Đài Loan
Các cuộc diễn tập đạn thật trên không và trên biển cũng sẽ được tổ chức ngoài khơi bờ biển phía đông, ở các quận Pingtung và Taitung, chứ không tổ chức trên eo biển đối diện Trung Quốc để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tin cho biết vào chiều 4 tháng 6, hai phi công chỉ huy một máy bay chiến đấu F-16 từ nhóm màu đỏ đã mất tích. Sau đó, các mảnh vỡ được cho là từ chiếc máy bay này đã được tìm thấy ở một vùng núi lân cận, nhưng hiện hai phi công này vẫn chưa được tìm thấy.
Tàu chiến Mỹ vào eo biển Ðài Loan
Các quan chức Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang xem xét việc đưa một tàu chiến qua eo biển Đài Loan — một động thái có thể khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh Kinh, theo hãng tin Reuters hôm 5/6.
Nếu có một chiến hạm Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan, có thể xem như một dấu hiệu mới trong việc Tổng thống Donald Trump ủng hộ hòn đảo này, sau khi nơi đây diễn ra một loạt các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo Reuters, các viên chức Hoa Kỳ cho biết trong năm nay Hoa Kỳ đã từng xem xét kế hoạch đưa một tàu sân bay đến eo biển Đài Loan nhưng cuối cùng đã không thực thiện kế hoạch đó, có lẽ vì những lo ngại về việc làm phật lòng Trung Quốc.
Lần gần nhất mà tàu sân bay Mỹ đã di chuyển qua Eo biển Đài Loan là vào năm 2007, dưới chính quyền của Tổng thống George W. Bush và tàu hải quân Mỹ nhỏ hơn tuần tra khu vực này vào tháng 7/2017.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về bất kỳ hoạt động tiềm năng nào trong tương lai và không rõ khi nào thì tàu sẽ đi qua eo biển này.
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Hoa Kỳ nên xử lý thận trọng vấn đề Đài Loan để tránh làm tổn hại đến quan hệ song phương và hòa bình và ổn định trong vùng eo biển Đài Loan.
Bà Hoa nói hôm 5/6: “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi quan trọng và nhạy cảm nhất trong mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã chấp thuận bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ đôla cho Đài Loan và thông qua một đạo luật khuyến kích cho các viên chức Mỹ thăm viếng Đài Loan. Động thái này đã làm Bắc Kinh tức giận. Ngoài ra, ông Trump còn bổ nhiệm ông John Bolton, được biết là một người ủng hộ mạnh mẽ cho Đài Loan, làm cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Trong năm nay, Trung Quốc đã cảnh báo Đài Loan bằng việc tăng cường cuộc tập trận quân sự, bao gồm bay máy bay ném bom và các máy bay quân sự khác quanh đảo quốc này và đưa tàu sân bay qua eo biển Đài Loan.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-chien-my-vao-eo-bien-dai-loan/4425402.html
Bầu cử sơ bộ ngày 5/6 tại 8 tiểu bang Mỹ
Hôm nay 5/6, cử tri tại các bang New Jersey và California cùng 6 tiểu bang khác sẽ bỏ phiếu chọn các ứng viên trong các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ định hình cho cuộc đua giành quyền kiểm soát Quốc hội đang do đảng Cộng hòa của chính quyền Tổng thống Donald Trump chiếm đa số.
Trong tháng 11 này, Đảng Dân chủ cần giành được 23 ghế trên toàn quốc mới chiếm lại được quyền kiểm soát Hạ viện, trong đó bang California được xem là bang then chốt.
Tại bang California, đảng Dân chủ đặt mục tiêu chiếm 10 trong số 14 ghế hiện do đảng Cộng hòa nắm giữ. Cuộc đua hôm 5/6 sẽ xác định liệu các ứng cử viên Dân chủ ở các địa hạt có tính giao động là những người ôn hòa hay cấp tiến.
Điểm nóng và đặc biệt ấn tượng hiện nay là tại địa hạt 48, trước đây vào năm 2016, cử tri ngả về phe Dân chủ của bà Hillary Clinton so với đảng Cộng hòa của ông Donald Trump, nhưng cuối cùng thì bà Dana Rohrabacher, một dân biểu thâm niên thuộc phe Cộng hòa, lại tái đắc cử.
Trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế thống đốc của tiểu bang California, Phó Thống đốc theo đảng Dân chủ Gavin Newsom được coi là người dẫn đầu trong cuộc đua có 27 ứng cử viên.
Nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa John Cox giành được vị trí thứ hai trong cuộc đua giành chiếc ghế thống đốc, thì sự hiện diện của ông có thể giúp đảng Cộng hòa cải thiện cơ hội trong các cuộc đua giữ ghế tại quốc hội.
Nhưng nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Antonio Villaraigosa, cựu thị trưởng thành phố Los Angeles, thắng cử chức thống đốc, thì các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ càng lo lắng nếu như vào tháng 11 này cử tri của họ cứ ngồi nhà mà không màng việc đi bầu, và do đó cơ hội dành cho phe Dân chủ sẽ rộng mở.
Sau California, có lẽ không có bang nào quan trọng hơn với phe Dân chủ bằng bang New Jersey. Phe Dân chủ nhắm tới 5 ghế mà phe Cộng hòa đang nắm giữ tại bang có tổng cộng 12 ghế này.
Brigid Harrison, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Montclair, nói: “Tôi không nghĩ rằng phe Dân chủ có thể chiếm lại Hạ viên mà không thắng cử ở bang New Jersey.”
Tại các biểu bang khác như Iowa, Mississippi, Alabama, Montana, South Dakota và New Mexico, hôm 5/6, các cử tri cũng đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử sơ bộ giữa kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/bau-cu-so-bo-ngay-56-tai-8-tieu-bang-my/4425217.html
CTV đặc biệt Mueller cáo buộc
Manafort mua chuộc nhân chứng
Các công tố viên trong nhóm điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller nói cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, Paul Manafort, đã vài lần tìm cách mua chuộc nhân chứng có liên hệ tới các vụ phạm tội đang được điều tra về ông.
Trong hồ sơ nộp cho tòa hôm 4/6, các công tố viên nói ông Manafort và một trong các cộng sự của ông “liên tục” liên lạc với hai nhân chứng nhằm tìm cách khuynh đảo lời khai của họ. Các liên lạc diễn ra vào tháng 2, ngay sau khi một đại bồi thẩm đoàn đưa ra một cáo trạng mới đối với ông Manaford và trong lúc ông bị quản thúc tại nhà.
Tên của hai nhân chứng này không được tiết lộ trong hồ sơ tòa án nhưng các công tố viên nói hai người này phối hợp với ông Manafort tổ chức một nhóm các cựu quan chức châu Âu, được gọi là Nhóm Hapsburg. Những cựu quan chức này vận động cho các lợi ích của Ukraine ở châu Âu và ở Mỹ. Một trong những cáo buộc nhắm vào ông Manafort là vận động hành lang nhưng không đăng ký có liên hệ với Nhóm Hapsburg.
Công tố viên Mueller, người đang điều tra khả năng thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và Nga, yêu cầu thẩm phán giám sát vụ án Manafort để thu hồi hoặc sửa đổi một án lệnh cho phép ông ta được tự do trước phiên tòa. Điều này có thể dẫn đến việc ông Manafort phải vào tù.
Công tố viên đặc biệt Mueller đã truy tố ông Manafort tại các tòa án liên bang ở Virginia và Washington DC với các tội danh bao gồm rửa tiền, không đăng ký là một đại lý nước ngoài và ngân hàng, và gian lận thuế. Ông Manafort đã không nhận tội trước những cáo buộc trên.
Ngũ Giác Đài điều tra bác sĩ của Tổng thống Trump
Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ mở cuộc điều tra về các cáo giác chống lại bác sĩ của Tòa Bạch Ốc Ronny Jackson, theo thông báo từ văn phòng Tổng thanh tra ngày 4/6.
Hồi tháng 3, Tổng thống Donald Trump từng đề cử bác sĩ Jackson làm Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh, nhưng một tháng sau, ông Jackson rút lui giữa các cáo giác rằng trong tư cách bác sĩ Tòa Bạch Ốc, ông đã dung dưỡng một môi trường làm việc thù nghịch và để xảy ra tình trạng kê toa quá mức.
Bác sĩ Jackson, một chuẩn đô đốc của lực lượng hải quân Mỹ, bác mọi tố giác.
Các Thượng nghị sĩ Dân chủ trong Ủy ban Thượng viện lo về Cựu chiến binh nói hơn 20 người đã và đang làm việc với bác sĩ Jackson đã tố cáo ông tự kê toa thuốc cho mình, say xỉn tại một buổi tiệc của Cơ quan Mật vụ Mỹ, và làm hư hại một ô tô của chính phủ.
Ông Jackson đảm trách vị trí bác sĩ của Tổng thống từ năm 2006. Sau khi rút khỏi vị trí được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh, ông cũng thôi làm bác sĩ trưởng cho Tổng thống Trump.
Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/ngu-giac-dai-dieu-tra-bac-si-cua-tong-thong-trump-/4424401.html
Phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Đức gây tranh cãi
Đức yêu cầu tân Đại sứ Mỹ ở Berlin, một người thường lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Donald Trump, giải thích về bình luận của ông khi ông nói muốn “tăng cường quyền lực” cho phe bảo thủ châu Âu.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết dự trù chất vấn Đại sứ Richard Grenell khi ông lần đầu tiên đến thăm Bộ vào ngày thứ Tư 6/6 để yêu cầu ông “giải thích ông muốn tuyên bố của ông phải được hiểu như thế nào.”
Ngày Chủ Nhật 3/6, trang mạng Breibart.com, một trang mạng của chính trị cánh hữu Mỹ, trích lời ông Grenell nói rằng, “Tôi tuyệt đối muốn trao quyền cho các lãnh đạo bảo thủ trên toàn châu Âu.”
Ông Grenell nhậm chức tại Berlin cách đây chưa đầy một tháng. Tháng trước, ông bị chỉ trích vì viết trên Twitter rằng là các công ty Đức phải ngưng làm ăn buôn bán với Iran sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước quốc tế 2015, hiệp ước nhằm kìm chế việc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các chế tài làm suy sụp nền kinh tế Iran.
Mâu thuẫn về bình luận của ông Grenell diễn ra trong lúc Đức và hai đồng minh khác của Hoa Kỳ tại châu Âu là Anh và Pháp bác bỏ việc ông Trump rút khỏi hiệp ước Iran và cũng chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ áp đặt thuế quan mới lên thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ.
Trang Breitbart London trích lời ông Grenell nói rằng ông rất phấn khích về “những chính sách bảo thủ của châu Âu được đồng tình ủng hộ,” vì “những chính sách của cánh tả đã thất bại.”
Một số nhà lập pháp Đức phản đối những nhận xét của ông Grenell, 51 tuổi, gọi đó là sự can thiệp bất thường của một nhà ngoại giao đại diện cho một nước trên một lãnh thổ nước ngoài.
https://www.voatiengviet.com/a/phat-bieu-cua-dai-su-my-tai-duc-gay-tranh-cai/4424792.html
Tổng thống Trump sau 500 ngày nhậm chức
Tổng thống Donald Trump ngày 4/6 kỷ niệm 500 ngày trong chức vụ lãnh đạo nước Mỹ với tuyên bố rằng “nhiều người tin là’ ông đạt được nhiều thành quả hơn bất cứ người tiền nhiệm nào.
Ông Trump viện dẫn việc cắt giảm thuế được thực thi năm ngoái, các cải tiến cho quân đội Mỹ, tỷ lệ tội phạm và di dân bất hợp pháp giảm, biên giới vững mạnh hơn và kinh tế tăng trưởng trong số những thành tựu của ông.
Vào Tòa Bạch Ốc được 17 tháng, tới nay ông Trump vẫn là một nhân vật gây chia rẽ tại Hoa Kỳ, với những cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy số cử tri không đồng ý về lề lối làm việc của ông là 52,8% so với 44,4% đồng tình.
Ông hiện đối mặt với cuộc điều tra kéo dài một năm nay của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về các mối liên hệ giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với Nga và liệu ông có cản trở công lý để ngăn cuộc điều tra hay không. Ông đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ những cáo buộc thông đồng với Moscow và cản trở công lý.
Trong bình luận mới đăng lên Twitter, ông Trump nói “Theo như nhận định của nhiều học giả pháp lý, tôi có quyền tuyệt đối tự ân xá cho mình, nhưng tại sao tôi phải làm như vậy trong khi bản thân không làm gì sai trái cả?”
Ông trùm bất động sản trở thành một chính trị gia Cộng hòa vẫn được rộng rãi cử tri Cộng hòa ủng hộ. Những người này đã giúp ông trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Các cử tri độc lập, và đặc biệt là đảng viên Dân chủ, tiếp tục lên tiếng chống đối ông, theo kết quả các cuộc thăm dò.
Sau cuộc chiến về lập pháp kéo dài tại Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, ông Trump giành thắng lợi trong luật cắt giảm thuế nhưng không được một phiếu thuận nào của đảng Dân chủ cả. Tuy nhiên, ông thất bại một cách khít khao trong việc đảo ngược chính sách bảo hiểm sức khỏe do người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Barack Obama ban hành nhưng cũng cắt bỏ một số luật lệ về bảo hiểm sức khỏe bằng các sắc lệnh hành chánh.
Đánh giá 500 ngày trong chức vụ Tổng thống, ông Trump nói ông gần như thu hồi được luật về chăm sóc sức khỏe “nhưng bị một người cản trở” ám chỉ một phiếu quyết định của một người thường xuyên chỉ trích ông là Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain.
Ông Trump lưu ý rằng quy định buộc mua bảo hiểm sức khỏe đã bị thu hồi, rằng “giá thuốc đã hạ” và ông đã ký ban hành luật cho phép những bệnh nhân ở thời kỳ cuối “được quyền dùng thử” các loại thuốc đang trong vòng thí nghiệm và chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.”
Ông Trump đạt được thắng lợi trong việc đề cử thẩm phán Tối cao Pháp viện, luật gia bảo thủ Neil Gorsuch, cũng như việc chuẩn nhận các thẩm phán bảo thủ khác tại các tòa dưới. Các cuộc bổ nhiệm này có thể ảnh hưởng đến các phán quyết về pháp lý trong hàng chục năm, ngay cả sau khi ông Trump không còn làm Tổng thống.
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ ứng cử một nhiệm kỳ 4 năm nữa vào năm 2020.
Chính quyền của ông cũng thông qua những thay đổi rộng rãi, hay được sự chấp thuận của Quốc hội, nới lỏng những qui luật của chính phủ về ngân hàng, về các công ty năng lượng, về các trường học có lợi nhuận, và các lợi ích doanh nghiệp.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-sau-500-ngay-nham-chuc/4424375.html
Putin: Gấu ó chính trị nội bộ ở Hoa Kỳ
cản trở thượng đỉnh Mỹ-Nga
Tổng Thống Nga Vladimir Putin quy lỗi cho những gấu ó chính trị trong nội bộ Hoa Kỳ về những khó khăn trong việc dàn xếp một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump.
Hãng tin Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Nga đưa ra phát biểu này hôm thứ Hai 4/6. Tháng Ba vừa rồi, Tổng thống Trump loan báo hai nhà lãnh đạo sẽ sớm gặp nhau. Nhưng từ đó các quan hệ vốn đã mong manh giữa Washington và Moscow lại càng trở nên căng thẳng hơn nữa vì cuộc xung đột ở Syria và vụ một cựu gián điệp Nga bị dầu độc ở London.
Tháng trước, ông Putin nói cuộc gặp thượng đỉnh được đề nghị đang gặp quá nhiều vấn đề và do đó khó có thể dàn xếp trong lúc này.
“Xin đặt câu hỏi đó cho các đồng nghiệp của chúng tôi ở bên Mỹ. Theo quan điểm của tôi, đó là hậu quả của cuộc xung đột chính trị nội bộ dữ dội tại Hoa Kỳ.”
TT Nga Vladimir Putin về những khó khăn trong việc dàn xếp cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin
Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh ORF của Áo trước chuyến công du sang nước này, hỏi vì sao dàn xếp cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump mất quá nhiều thời gian như vậy, ông Putin trả lời:
“Xin đặt câu hỏi đó cho các đồng nghiệp của chúng tôi ở bên Mỹ. Theo quan điểm của tôi, đó là hậu quả của cuộc xung đột chính trị nội bộ dữ dội tại Hoa Kỳ.”
Ông Trump đang chịu nhiều áp lực vì cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, xem liệu Nga có xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và liệu có sự thông đồng nào giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga hay không. Cả ông Trump lẫn Nga đều bác bỏ các cáo buộc đó.
Trong một trích đoạn của cuộc phỏng vấn sẽ được phát hình vào tối thứ Hai, ông Putin nói:
“Trong một trong các cuộc thảo luận gần đây nhất giữa chúng tôi, Donald nói ông ấy quan ngại về nguy cơ do một cuộc thi đua vũ khí mới đặt ra. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy.”
Ông Putin không nói gì thêm ngoài việc đề cập tới việc Mỹ đã rút ra khỏi Hiệp định chống Phi đạn đạn đạo vào năm 2002.
Ông Trump cũng đề cập một cách mơ hồ tới vấn đề này hồi tháng Tư, khi ông viết trên trang Twitter: “Hãy ngưng cuộc thi đua vũ trang?”, cũng trong dòng tweet này, ông Trump còn đề cập tới việc “hỗ trợ” cho nền kinh tế Nga.
Netanyahu cảnh báo Merkel:
Iran sẽ gây ra 1 cuộc khủng hoảng di cư mới
Thủ tướng Israel Nemjamin Netanyahu gặp các nguyên thủ của Pháp và Đức trong nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu thay đổi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran.
Ông Netanyahu bắt đầu chuyến thăm châu Âu 3 ngày hôm 4/6 ở Đức. Ông báo Thủ tướng Angela Merkel rằng sự can dự của Iran ở Trung Đông có thể gây ra những làn sóng di dân lớn tới châu Âu.
Nói với các phóng viên tại một buổi họp báo chung với Thủ tướng Merkel, nhà lãnh đạo Israel nói Tehran muốn tiến hành một chiến dịch tôn giáo ở Syria nơi người Hồi giáo Sunni chiếm đa số, bằng cách sử dụng các phần tử nổi dậy Shia thân Iran để cải đạo người Hồi giáo Sunni.
Ông Netanyahu nói: “Điều này sẽ làm bùng lên một cuộc chiến tranh tôn giáo khác – lần này là một cuộc chiến tranh tôn giáo trong lòng Syria và hậu quả là sẽ có nhiều, nhiều người di cư. Và các quý vị biết chính xác họ từ đâu.”
Hơn một triệu người di cư đã tràn vào Đức và các quốc gia châu Âu khác, gây ra những chia rẽ sâu sắc về chính trị và thúc đẩy sự trỗi dậy của các đảng cực hữu.
Bà Merkel đồng ý rằng các hoạt động của Iran ở Trung Đông là đáng lo ngại, nhưng bà nói rằng thỏa thuận hạt nhân là một cách ngăn cản tham vọng hạt nhân và khu vực của Tehran. Theo bà, châu Âu và Israel “thống nhất với mục tiêu rằng Iran không bao giờ có được một vũ khí hạt nhân.” Bà nói thêm: “Chúng tôi ủng hộ quyền bảo vệ an ninh của Israel, và Israel luôn nói điều này với Iran.”
Ông Netanyahu dự kiến gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 5/6 và Thủ tướng Anh Theresa May hôm 6/6.
Anh, Pháp và Đức đã ký thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2015 cùng với Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump tháng trước tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi cái mà ông gọi là “một thỏa thuận khủng khiếp, đơn phương”, trong khi lại nói rằng ông muốn áp thêm các chế tài đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và cái mà ông gọi là “các hoạt động làm bất ổn ở Trung Đông” . “
Các bên khác trong hiệp ước này bày tỏ mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân như hiện tại, và cho rằng nó đang có hiệu quả. Anh, Pháp và Đức đã đề nghị giải quyết các mối quan ngại khác về Iran thông qua một thỏa thuận bổ sung.
Giống như Tổng thống Trump, Thủ tướng Netanyahu cũng là một người kịch liệt đả kích thỏa thuận này, và cho rằng nó đã cho phép Iran có tiềm năng phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân khi các điều khoản hết hạn.
Iran đã được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của mình. Nước này luôn nói rằng hoạt động hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 3/6 cho biết quyết định rút khỏi hiệp ước Iran của Mỹ là bất hợp pháp và ông kêu gọi các bên ký kết khác không làm theo.
Truyền thông nhà nước Iran cho biết Ngoại trưởng Zarif đã gửi một bức thư tới các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia còn lại. Ông yêu cầu họ “bù đắp” cho những tổn thất gây ra cho Iran do việc Mỹ rút lui nếu họ muốn cứu vớt thỏa thuận này.
Ông Zarif gọi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là kết quả của “các cuộc đàm phán đa phương chính xác, nhạy cảm và cân bằng.”
Ông Zarif viết trong bức thư: “Việc rút lui bất hợp pháp của chính phủ Hoa Kỳ … đặc biệt là các phương pháp hăm dọa được chính phủ này sử dụng để khiến các chính phủ khác làm theo, đã làm luật pháp mất uy tín và thách thức các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và sự hiệu quả của các cơ quan quốc tế thành viên”.
Iran khởi động tăng cường năng lực làm giàu uranium
Iran sẽ thông báo cho cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc ở Vienna vào thứ Ba ngày 5/6 về sự khởi động quá trình tăng cường năng lưc làm giàu uranium của nước này, Reuters dẫn thông báo của người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, Behrouz Kamalvandi, nói với hãng thông tấn ISNA.
“Trong một lá thư sẽ được chuyển đến Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế, Iran sẽ thông báo rằng quá trình nâng cao năng lực sản xuất UF6 sẽ bắt đầu vào thứ Ba,” ông Kamalvandi nói.
UF6 là chất được sử dụng trong các máy ly tâm. Ông nói rằng Iran có năng lực đẩy nhanh quá trình sản xuất các máy ly tâm vốn được sử dụng để làm giàu uranium.
Trước đó, nhà lãnh đạo tối cao của Iran đã ra lệnh chuẩn bị tăng cường khả năng làm giàu uranium nếu như thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới sụp đổ sau khi Mỹ rút lui và ông cam kết sẽ không bao giờ chấp nhận những hạn chế đối với chương trình tên lửa đạn đạo của nước ông.
Các nước châu Âu tham gia ký kết vào thỏa thuận hạt nhân đang cố gắng cứu lấy thỏa thuận mà họ cho là rất quan trọng để ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân bằng cách tìm cách khoanh vùng thương mại của họ với Iran để bảo vệ trước các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ
“Kẻ thù của chúng ta sẽ không bao giờ có thể chặn đứng được tiến bộ hạt nhân của chúng ta… Đó là giấc mơ xấu xa của chúng và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra,” Giáo sỹ Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao Iran, phát biểu trong một bài diễn văn được phát trên truyền hình.
Trong trường hợp các bên ký kết thỏa thuận còn lại bao gồm các nước châu Âu, Nga, và Trung Quốc không thể nào bảo vệ các lợi ích kinh cho Iran trước lệnh cấm vận của Mỹ, ông Khamenei nói: “Tôi đã ra lệnh Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran chuẩn bị sẵn sàng để nâng cấp năng lực làm giàu uranium.”
Ông Khamenei dường như trở nên cứng rắn hơn với đe dọa sẽ khôi phục lại năng lực làm giàu uranium của nước ông, vốn được được đưa ra lần đầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận.
Một trong những đòi hỏi của ông Trump – mà các nước đồng minh châu Âu cũng ủng hộ về mặt nguyên tắc – là các cuộc đàm phán mới để hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vốn không được đề cập trong thỏa thuận hạt nhân.
Ông Khamenei một lần nữa đã loại trừ khả năng này. “Một số người ở châu Âu đang nói về việc hạn chế chương trình tên lửa phòng thủ của chúng ta. Tôi muốn nói với châu Âu rằng: ‘Hạn chế chương trình tên lửa của chúng tôi là giấc mơ sẽ không bao giờ thành hiện thực,” ông nói.
Ông Trump cũng phản đối thỏa thuận được ký vào năm 2015, vốn đạt được dưới thời người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Barack Obama, nói rằng không giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran sau năm 2025 hay vai trò của nước này trong các cuộc chiến ở Yemen và Syria.
Mặc dù cam kết trung thành với thỏa thuận, các cường quốc châu Âu cũng chia sẻ mối quan ngại của Trump và muốn có cuộc đàm phán rộng hơn với Iran để giải quyết vấn đề này.
Ông Khamenei bác bỏ điều này và gọi đây là ‘chiến tranh tâm lý và kinh tế chống lại chúng ta, và các lệnh trừng phạt mới của Mỹ là một phần trong đó’.
Bất chấp những lời phản bác công khai mạnh mẽ của Iran đối với những đe dọa trừng phạt nghiêm khắc hơn của Mỹ, một số quan chức Iran cấp cao xem lập trường của Mỹ là ‘chiến lược đàm phán’ và họ tin rằng cánh cửa nhượng bộ ngoại giao vẫn để mở.
Việc Iran tăng cường năng lực làm giàu uranium đến mức độ tinh chế cao hơn là một trong những vấn đề gai góc trong những năm đàm phán với các cường quốc vốn muốn việc làm giàu chỉ giới hạn ở quy mô nghiên cứu để giảm thiểu nguy cơ Iran có khả năng chế tạo bom hạt nhân trong thời gian ngắn. Iran đã liên tục bác bỏ các buộc họ làm giàu uranium là để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Sau khi Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận hôm 12/5, Iran nói họ chỉ giữ cam kết của mình nếu họ được bảo vệ trước các lệnh trừng phạt được tái khởi động của Mỹ trên các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như dầu mỏ với sự hợp tác của các bên khác tham gia ký kết.
Các lựa chọn đang được EU xem xét để giữ Iran trong thỏa thuận bao gồm các khoản tín dụng mới cho, tăng cường hợp tác năng lượng và áp dụng luật pháp EU để ngăn không cho các công ty châu Âu đầu hàng trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong bài diễn văn kỷ niệm 29 năm ngày mất của nhà lãnh tụ cách mạng Iran Ruhollah Khomeini, ông Khamenei nhấn mạnh sẽ kháng cự lại áp lực của Mỹ và một lần nữa cảnh báo sẽ đáp trả khốc liệt nếu Iran bị tấn công.
“Tehran sẽ tấn công hơn gấp 10 lần nếu bị kẻ thù tấn công… Các kẻ thù không muốn thấy một nước Iran độc lập trong khu vực… Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các quốc gia bị áp bức,” ôngKhamenei nói.
Iran, vốn theo Hồi giáo dòng Shi’ite, hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria, các dân quân Shi’ite ở Iraq, phiến quân Houthi ở Yemen và phong trào Hezbollah của Yemen.
Ông Khamenei cũng nói rằng Iran không có ý định giảm bớt ảnh hưởng của họ ở Trung Đông theo yêu cầu của các nước phương Tây và kêu gọi thanh niên Ả Rập đứng lên chống lại áp lực của Mỹ.
“Hỡi thanh niên Ả Rập, các bạn hãy hành động và có ý tưởng để làm chủ tương lai của chính mình… Một số nước trong khu vực hành động như là kẻ thù của chính nhân dân họ,” ông nói.
Guatemala: Núi lửa phun trào, ít nhất 62 người chết
Lực lượng cứu hộ ngày 4/6 tiếp tục tìm kiếm người sống sót sau khi một núi lửa phun trào gần thành phố Guatemala, giết chết ít nhất 62 người và bao phủ các làng mạc lân cận trong tro bụi và sình lầy.
Ít nhất có 10 người được cứu sống, nhưng giới hữu trách cho hay số tử vong sẽ tiếp tục tăng.
Núi lửa gây ảnh hưởng tới hơn 1 triệu dân. Trên 3200 người đã sơ tán từ các khu vực xung quanh núi lửa và hàng chục người bị thương đã được đưa đi cấp cứu.
Các toán cứu hộ đang hỗ trợ cư dân các tỉnh Escuintla, Sacatepéquez và Chimaltenango, tiến hành tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.
Nhiệt độ của các dòng chảy nham thạch lên tới 700 độ C.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc gửi lời chia buồn về thiệt hại nhân mạng và kinh tế do núi lửa El Fuego gây ra. Liên hiệp quốc cho biết sẵn sàng hỗ trợ Guatemala trong các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ
https://www.voatiengviet.com/a/guatemala-nui-lua-phun-trao-it-nhat-62-nguoi-chet-/4424391.html
Hai cựu dân biểu trẻ tuổi Hồng Kông bị tuyên án tù
Một tòa án Hồng Kông hôm thứ Hai kết án hai cựu dân biểu 1 tháng tù giam về tội “tụ tập bất hợp pháp” bên trong tòa nhà lập pháp trong thời gian họ vẫn còn là các nhà lập pháp, và như thế tiếp tục phá hoại sức đối kháng của giới hoạt động chính trị tại đặc khu Hong Kong của Trung Quốc.
Anh Lương Tụng Hằng (Baggio Leung, 31 tuổi, và cô Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching), 26 tuổi, cùng với ba trợ lý, bị kết án tụ tập bất hợp pháp hồi tháng trước vì đã tìm cách xông vào một phòng họp và xô xát với các nhân viên an ninh tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong hồi năm 2016.
Đài truyền hình địa phương RTHK dẫn lời thẩm phán Wong Sze-lai nói rằng các hành động của hai nhà lập pháp “trực tiếp phương hại tới thanh danh của cơ quan lập pháp”.
Cả hai cho biết sẽ kháng cáo, nhưng cô Du Huệ Trinh sau đó đổi ý. Hai phụ tá cũng quyết định không kháng cáo.
Anh Lương và một phụ tá khác dự kiến sẽ được tại ngoại trong cùng ngày.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh Malcolm Rifkind miêu tả án tù đối với hai cựu dân biểu trẻ của Hong Kong là “rất đáng lo ngại”, theo thông cáo báo chí của Tổ chức phi chính phủ Hong Kong có trụ sở tại Luân Đôn.
Việc anh Lương và cô Du đắc cử vào nghị viện Hong Kong hai năm trước đây đánh dấu một đỉnh cao của phong trào đấu tranh đòi dân chủ do giới trẻ dẫn đầu tại đặc khu Hong Kong.
Luật Hồng Kông xác định tụ tập trái pháp luật là sự tụ họp của một nhóm từ ba người trở lên, có các hành vi “vô trật tự, dọa nạt, sỉ nhục hoặc khiêu khích” gây lo sợ cho những người khác rằng trật tự và bình an sẽ bị phá hoại. Nếu bị kết tội, bản án tối đa là 5 năm tù giam.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-cuu-dan-bieu-tre-hong-kong-bi-tuyen-an-tu/4424122.html
Seoul muốn
Bình Nhưỡng bảo đảm quyền « miễn trừ » ở Kaesong
Hàn Quốc chuẩn bị cơ sở pháp lý trong khi chờ đợi hợp tác kinh tế Nam-Bắc vãn hồi. Trong chiều hướng này, Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng công nhận giới chức Hàn Quốc, hoạt động trong văn phòng liên lạc sắp mở tại khu công nghiệp Kaesong, được một số đặc quyền như các nhà ngoại giao.
Theo hãng Yonhap, bộ Tư Pháp Hàn Quốc bắt đầu xem xét các điểm chính yếu trong thỏa thuận kinh tế liên Triều để điều chỉnh kịp thời hầu bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát minh của các xí nghiệp Nam Hàn, cũng như bảo đảm an toàn cho công dân hoạt động tại miền bắc.
Trong số các văn kiện được bộ Tư Pháp rà soát lại có hiệp định bảo vệ đầu tư, thỏa thuận đào tạo và hoạt động của Ủy ban trọng tài thương mại đã được áp dụng trong hai năm từ 2003 đến 2005.
Trong 2009 cho đến 2016 xảy ra nhiều vụ việc gây thiệt hại cho phía Hàn Quốc. Chẳng hạn như vụ một nhân viên của Hyundai Asan bị nhốt trong suốt 137 ngày vào năm 2009, vụ Bắc Triều Tiên chiếm quyền quản lý khu khách sạn núi Kim Cương năm 2010, phong tỏa toàn bộ trang thiết bị và hàng hóa của Hàn Quốc tại khu công nghệ Kaesong từ năm 2016.
Mặc khác, cũng để chuẩn bị cho viễn ảnh quan hệ liên Triều được cải thiện, Seoul đã yêu cầu Bình Nhưỡng bảo đảm quyền miễn trừ ngoại giao, theo công ước Vienna, cho các viên chức Hàn Quốc sẽ được bổ nhiệm vào văn phòng liên lạc đặt tại Kaesong. Cụ thể các quan chức này không bị bắt, câu lưu, lục soát hành lý…
Trong các cuộc họp cấp cao tuần qua tại Bàn Môn Điếm, hai bên đã thỏa thuận cho Hàn Quốc mở một văn phòng liên lạc tại Kaesong « trong một ngày rất gần ». Văn phòng có vai trò « bảo đảm kênh liên lạc 24 giờ trên 24 » giữa hai nước để hỗ trợ cho những trao đổi liên Triều được dự trù sẽ gia tăng mạnh trong tương lai, theo nguồn tin chính phủ Hàn Quốc.
Facebook bị kiện vì quảng cáo bầu cử
Bang Washington hôm 04/06/2018 thông báo kiện công ty Facebook Incorporation và Alphabet Incorporation, công ty mẹ của Google về tội vi phạm luật bầu cử.
Đang bị khách hàng và giới nghị sĩ Mỹ công kích vì lơ là trong việc chống tin giả lan truyền trên mạng, Facebook và Google lại phải ra tòa vì vi phạm luật tài trợ quảng cáo tranh cử .
Theo Reuters, Bob Ferguson, tổng biện lý bang Washington ngày thứ Hai 04/06/2018 cho biết ông muốn tư pháp trừng phạt nặng hai công ty này, vì đã không báo cáo về tiền cho thuê các trang quảng cáo bầu cử tại bang miền tây bắc này trong các mùa bầu cử từ năm 2013 đến nay.
Facebook lập tức tuyên bố muốn giải quyết nhanh chóng vụ tranh chấp, sau khi thông báo đã thiết lập công cụ cho phép người sử dụng biết rõ ai thuê quảng cáo tranh cử trên mạng xã hội.
Google chưa cho biết phản ứng.
Facebook và Google đang đối đầu với những phê phán đã thiếu sót trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khách hàng, và vai trò trong nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ.
Khác với các bang khác của Hoa Kỳ, luật của bang Washington buộc công ty cho thuê quảng cáo thông báo danh tính người thuê. Ở các bang khác, công việc này thuộc trách nhiệm của người thuê.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180605-facebook-bi-kien-vi-quang-cao-bau-cu
Nga kết án một nhà báo Ukraina 12 năm tù
về « tội gián điệp »
Bị bắt ngay khi vừa đặt chân đến Maxcơva vào tháng 10/2016, Roman Soushchenko, phóng viên Ukraina, bị tuyên phạt 12 năm tù khổ sai trong phiên xử kín vào ngày 04/06/2018.
Matxcơva cáo buộc phóng viên Ukraina làm gián điệp, thu thập thông tin hoạt động của quân đội Nga. Trái lại Kiev lên án Nga dàn dựng vụ án. Sự kiện phiên toà diễn ra chớp nhoáng và chỉ một tuần sau khi bị cáo « nhận tội » mang ý nghĩa gì ?
Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert phân tích:
Ngay khi bản án được tuyên bố, tổng thống Ukraina bày tỏ bất bình : « Thái độ thâm hiểm của tòa án Nga chứng tỏ chế độ của Kremlin không từ một biện pháp nào để hủy diệt linh hồn nước Ukraina ».
Sự tức giận này được người dân Ukraina chia sẻ bởi vì Roman Soushchenko lãnh bản án quá nặng nề. Chính phủ Ukraina cũng như các tổ chức nhân quyền tố cáo một âm mưu, một phiên tòa bí mật và không chứng cớ buộc tội, tiếp nối nhau trong một loạt vụ án chính trị.
Tổng cộng, hơn 70 tù chính trị và tù chiến tranh người Ukraina đang bị giam ở Nga. Nhân vật có tiếng tăm nhất là đạo diễn điện ảnh Oleh Sentov, đang tuyệt thực đến ngày thứ 23.
Ukraina cũng giam giữ hàng chục công dân Nga, bị bắt trong cuộc chiến ở miền Đông. Tù nhân hai nước là biểu tượng của bầu không khí xung khắc triền miên giữa Matxcơva và Kiev. Truyền thông quốc tế được mời gọi tạo điều kiện giúp hai bên trao đổi tù nhân, có khả năng diễn ra trong tương lai. Tạm thời, Roman Soushchenko khó có thể thoát khỏi nhà tù.
Ngày môi trường thế giới :
Đại dương là kho rác thải nhựa toàn cầu
Hôm nay 05/06 là Ngày môi trường thế giới. Chủ đề chính năm nay là « ô nhiễm rác thải nhựa ». Vùng biển châu Á bị coi là « những kho rác thải nhựa của cả hành tinh ». Ô nhiễm rác thải nhựa tại châu Á đang gây ra những hậu quả khủng khiếp.
AFP trích dẫn tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy cho biết là chỉ riêng 5 quốc gia châu Á Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam hàng năm đã thải ra biển hơn 4 triệu tấn rác thải nhựa. Đây là 5 trong số các quốc gia kinh tế tăng trưởng mạnh nhất châu Á, sản xuất nhựa rất nhiều, nhưng thiếu hệ thống thu gom và tái chế nên rác thải nhựa bị đổ thẳng ra môi trường tự nhiên. Lượng rác thải nhựa nói trên chiếm ½ tổng lượng rác thải nhựa thải ra biển trên toàn hành tinh.
Chuyên gia Ahmad Ashov Birry thuộc tổ chức Greenpeace, chi nhánh Indonésia lo ngại : « Chúng ta đang trong cuộc khủng hoảng rác thải nhựa, chúng ta nhìn thấy rác thải nhựa khắp nơi, trong sông hồ, đại dương, ở đâu cũng có ». Còn ông John Tanzer thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF cho biết : « Ô nhiễm ở các đại dương nghiêm trọng tới mức ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở mọi cấp độ, từ những sinh vật nhỏ nhất cho tới cá voi ».
Các nhà nghiên cứu cảnh báo nếu các quốc gia không hành động thì từ nay đến năm 2025 sẽ có 250 triệu tấn rác thải nhựa trong các dòng chảy trên toàn cầu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180605-ngay-moi-truong-the-gioi-dai-duong-la-kho-rac-thai-nhua-toan-cau