Tin Việt Nam – 04/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 04/06/2018

Xử phúc thẩm Hội AEDC: Tòa không công bố

file ‘chứng cứ’, giữ nguyên mức án

Một tòa án ở Hà Nội vừa ra quyết định giữ nguyên mức án tù tổng cộng 66 năm đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ (AEDC) trong phiên xử phúc thẩm ngày 4/6, sau khi “liên tục cản trở” các bị cáo và luật sư phát biểu.

Theo một luật sư tham gia bào chữa, tòa án cũng từ chối yêu cầu công bố file ghi âm đã được sử dụng làm chứng cứ chống lại các bị cáo.

6 thành viên của Hội AEDC gồm: Luật sư Nguyễn Văn Đài, cộng sự Lê Thu Hà, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển bị kết án tổng cộng 66 năm tù giam vào ngày 5/4 với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong 6 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, cho biết, phiên tòa phúc thẩm ngày 4/6 đã diễn ra đầy “kịch tính” khi các bị cáo tự bào chữa với “khí phách mạnh mẽ” và các luật sư cố gắng hết sức để đối đáp với Viện Kiểm sát trong tình trạng “liên tục bị cản trở, ngắt lời”.

Luật sư Phúc nói với VOA:

“Tòa hạn chế quyền phát biểu của các bị cáo và các luật sư. Bị cáo nói chưa hết câu thì đã chặn lại. Luật sư mới mở đầu nói, chưa có chủ ngữ, mới thành phần phụ, mệnh đề câu mới đưa ra thì đã bị chặn lại, nói rằng ‘Không được đề cập, những việc đó đã nói rồi’ trong khi chưa biết người ta sẽ nói gì”.

Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm, một trong các bị cáo, ký giả Trương Minh Đức, đã nhiều lần yêu cầu tòa án công bố các file ghi âm về các cuộc họp định kỳ của Hội AEDC đã được sử dụng làm vật chứng chống lại các bị cáo.

Ông Trương Minh Đức khẳng định không có chuyện âm mưu lật đổ trong các file ghi âm này. Tuy nhiên, theo luật sư Phúc, yêu cầu của ông Đức một lần nữa bị bác bỏ trong phiên tòa ngày 4/6.

Ông cho biết thêm:

“Bị cáo Trương Minh Đức có yêu cầu tòa cung cấp vật chứng là các file ghi âm, mở ra cho các bị cáo và luật sư nghe vì nghi ngờ việc chuyển thể từ file ghi âm ra chữ viết trên giấy là không đúng với nội dung thực. Nhưng tòa không chấp nhận, cũng không đưa ra vật chứng, không công bố ra, vẫn dựa trên nội dung đã được cơ quan điều tra thu thập trước đó”.

Mặc dù đã dự đoán trước kết quả, nhưng theo lời luật sư Phúc, các bị cáo và luật sư vẫn muốn kháng cáo để có một “không gian lên tiếng” và để cộng đồng biết được phần nào việc xử lý một vụ án “khuất tất” và “không tuân thủ theo chính Luật tố tụng hình sự của Việt Nam”.

Như vậy, với kết quả xử phúc thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những người sáng lập ra Hội Anh em Dân chủ, vẫn bị giữ nguyên mức án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế. Mục sư Nguyễn Trung Tôn và nhà báo tự do Trương Minh Đức giữ mức án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển bị kết án 11 năm tù. Bà Lê Thu Hà, cộng sự của Luật sư Đài, nhận bản án 9 năm tù. Kỹ sư Phạm Văn Trội giữ mức án 7 năm tù giam.

https://www.voatiengviet.com/a/xu-phuc-htam-hoi-aedc-toa-khong-cong-bo-file-chung-cu-giu-nguyen-muc-an/4423587.html

 

‘Gửi hồ sơ Tất Thành Cang ra trung ương’

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang và giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tập hợp hồ sơ để gửi báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Vì sao cần tìm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm?

‘Kiểm điểm trách nhiệm’ ông Tất Thành Cang

Ông Cang là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy.

Chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thường được xem là nhân vật số hai tại thành phố.

Thông cáo ngày 4/6 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM nói về kết quả kiểm tra vụ công ty Tân Thuận (thuộc Thành ủy) chuyển nhượng Dự án khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè.

Ông Tất Thành Cang bị Thành ủy kết luận đã có một loạt vi phạm: “Quyết định không đúng thẩm quyền; vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản; không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ Thành phố; thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình.”

Hồ sơ vụ việc liên quan ông Cang sẽ được TPHCM gửi ra Hà Nội cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Cũng liên quan vụ việc, Tổng giám đốc công ty Tân Thuận, Trần Công Thiện, bị cách hết chức vụ trong đảng.

Việc này có nghĩa là việc ông Thiện mất chức lãnh đạo công ty chỉ là vấn đề thời gian.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM kiến nghị tiếp tục thanh tra để xem nếu ông Thiện có hành vi cố ý làm trái thì sẽ xử lý theo pháp luật.

Phó tổng giám đốc Trần Tấn Hải, cùng hai người khác bị khiển trách.

Kết luận chính thức của Thành ủy hôm 4/6 mô tả Dự án Khu dân cư Phước Kiển do Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư, được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận địa điểm đầu tư năm 2009.

Công ty này đã thực hiện thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân với diện tích 331.100,6 m2 từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh và vốn vay của doanh nghiệp để thực hiện Dự án.

Tuy nhiên, Công ty chưa tiến hành các thủ tục đầu tư, dẫn đến Dự án hết hạn vào cuối 2013.

Thành ủy nói công ty này đã sai phạm khi chuyển nhượng dự án với giá thấp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 18/4/2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã kết luận yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44354971

 

MobiFone mua AVG:

Nhiều đảng viên CS đối mặt kỷ luật

Hàng loạt đảng viên Cộng sản cao cấp đang chờ bị xử lý do ‘vi phạm nghiêm trọng’ trong thương vụ MobiFone mua AVG.

Trước đó, ngày 2/6, Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 9.000 tỉ đồng.

Hàng loạt tập thể và cá nhân bị quy trách nhiệm trong vụ “vi phạm nghiêm trọng” này, theo bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Cụ thể, về mặt tổ chức, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty MobiFone đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát…” “để Bộ TT&TT và MobiFone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước…”

Vụ Mobifone-AVG: Bộ Công an ‘tiếp nhận hồ sơ’

Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ AVG?

Khởi tố hay không vụ Mobifone-AVG?

Về mặt cá nhân, hàng loạt đảng viên Cộng sản phải chịu trách nhiệm, gồm ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng TT&TT; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng TT&TT; Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone.

Ngoài ra, cùng chịu trách nhiệm còn có ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp; Cao Duy Hải, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc MobiFone.

Khả năng khởi tố vụ án?

Theo báo Tuổi Trẻ, các cá nhân sẽ phải làm kiểm điểm và tổ chức đảng xem xét “từ dưới lên” (từ chi bộ lên đến cấp quản lý cán bộ). Ví dụ Bộ Chính trị sẽ quyết định hình thức kỷ luật Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong khi Ban Bí thư quyết định trường hợp ông Nguyễn Bắc Son.

Theo báo cáo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là ‘rất nghiêm trọng’; vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là ‘nghiêm trọng’.

Căn cứ vào quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (102-QĐ/TW), hậu quả do hành vi vi phạm của đảng viên gây ra được chia làm bốn ‘cấp độ’: vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tương tự, có bốn ‘cấp độ’ về hình thức kỷ luật (dành cho đảng viên chính thức): khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Tuy nhiên quy định 102 cũng nêu rõ “Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ…”

Cũng theo quy định 102, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.

Các “hình thức xử lý của pháp luật” ở đây được hiểu bao gồm cả khởi tố vụ án, khởi tố bị can, theo báo Tuổi Trẻ.

Quy định 102 cũng nêu rõ đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không ‘xử lý nội bộ’.

Hành trình thương vụ

9/2017: Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại MobiFone, với nội dung thanh tra toàn diện dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

3/2018: Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra vụ việc trên.

Kết luận thanh tra khẳng định, vi phạm của MobiFone đã dẫn tới nguy cơ làm thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng.

Việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa MobiFone.

Vụ mua bán 95% cổ phần AVG với mức 8.900 tỷ đồng được cho là cao gấp nhiều lần giá trị thực tế, tuy thấp hơn ‘giá thị trường’ mà các hãng thẩm định đưa ra.

Giá trị vốn sở hữu của AVG được xác định là 1.900 tỷ. Đây cũng là trị giá được nêu trong các công văn mà MobiFone gửi Bộ TT&TT hồi 2015.

4/2018: Thanh tra Chính phủ tiến hành bàn giao hồ sơ, tài liệu thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG cho cơ quan điều tra Bộ Công an.

5/2018: Các cổ đông AVG hoàn tất việc trả lại MobiFone số tiền MobiFone mua 95% cổ phần AVG trước đó.

2/6: Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT, Ban Thường vụ Đảng ủy MobiFone, cùng nhiều cá nhân liên quan.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44351749

 

Việt Nam: ‘Làm đường bộ

dễ chia chác hơn đường sắt’

Một đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Giao thông rằng có phải nguyên nhân ít quan tâm tới đường sắt bởi nó mang ít lợi ích cho các nhóm lợi ích.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội vào sáng 04/06, Đại biểu Dương Trung Quốc nói ông không tán thành việc bộ trưởng giao thông vận tải giải trình việc chưa phát triển đúng mức cho đường sắt là vì bộ này tham mưu kém về đường sắt.

“Tôi không tán thành việc bộ trưởng cho rằng bộ tham mưu kém về đường sắt. …Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, có thể cắt nhỏ ra nhiều hợp đồng…

“Đường sắt thì lớn phải làm tổng thể cho nên đó là nguyên nhân chúng ta ít quan tâm tới đường sắt bởi mang ít lợi ích cho các nhóm lợi ích,” ông Dương Trung Quốc nói.

Trước đó đại biểu này nói đường sắt Việt Nam “dậm chân tại chỗ” trong 8 năm qua.

Tôi là người viết lịch sử về ngành đường sắt Việt Nam, ông Dương Trung Quốc nói, khi dẫn chiếu tới giai đoạn vào năm 1936 mà ông mô tả là đường sắt của Việt Nam rất khá so với khu vực Đông Nam Á.

Phản hồi lại bình luận của ông Dương Trung Quốc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận rằng “đường sắt chúng ta phát triển quá lạc hậu và đầu tư chưa đúng mức”.

“Trong thời gian qua chúng ta cũng chưa thông qua được dự án đường sắt nào mới. Chúng ta không có đường sắt [cao tốc] Bắc Nam thì đó là hạn chế rất lớn trong hoạt động vận tải và phát triển kinh tế xã hội.

“Về ‎quan điểm của Đại biểu Quốc nói về chia sẻ lợi ích thì quan điểm riêng của tôi là làm các dự án đường sắt hay đường bộ thì cũng như nhau.

“Bản thân tôi lấy cái tâm ra để tôi làm, nếu tôi có vi phạm thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Trong khi đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói ‘Rõ ràng là chúng ta chưa quan tâm đường sắt’.

Bà Ngân nói vì Quốc hội đã thông qua chủ trương phát triển đường sắt và đã có 7000 tỉ đồng cho phát triển trung hạn 5 năm cho đường sắt nên đề nghị Bộ trưởng Thể sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai.

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn về đường sắt, một số đại biểu cũng hỏi về tình trạng tai nạn đường sắt liên tục trong thời gian gần đây và chất lượng phục vụ và vệ sinh kém trên các chuyến tàu.

Bộ trưởng Thể trong phần trả lời chất vấn nói lời xin lỗi thành thật người dân về tai nạn và những yếu kém của ngành đường sắt.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44352418

 

Chủ tịch Quốc Hội: ‘Đưa trạm BOT về tên cũ’

Trong phiên chất vấn sáng 4/6, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam yêu cầu giữ tên cũ ‘trạm thu phí BOT’ mà ‘không cần nghiên cứu’.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Tiếp thu ý kiến của cử tri, dư luận xã hội và sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, Bộ đang có phương án trình chính phủ thay đổi tên gọi trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với pháp luật và các yêu cầu”.

Nghe vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói luôn: “Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình chính phủ lâu lắm!”

Bà Kim Ngân nói tên ‘trạm thu phí’ là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ GTVT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ chính phủ hôm 2/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự không đồng tình với tên ‘trạm thu giá’ BOT. Theo ông Phúc, nếu Bộ GTVT nhất định không giữ lại tên ‘trạm thu phí’ thì sẽ phải có tên khác thay thế chứ không để tên ‘trạm thu giá’, theo truyền thông Việt Nam.

Việt Nam: ‘Làm đường bộ dễ chia chác hơn đường sắt’

Việt Nam: Gọi phí BOT thành giá ‘do nghị định’

Luật sư Thuận: BOT điều tra kỹ là ‘đại án’

Thủ tướng VN: ‘Xử l‎ý người kích động, chống phá’ ở trạm BOT

Ngay đầu giờ sáng đã có 36 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Các vấn đề được đại biểu đề nghị bộ trưởng làm rõ gồm vị trí đặt trạm thu phí BOT; trách nhiệm, giải pháp xử lý vấn đề chênh lệch cốt đường với nền nhà dân sau cải tạo; tiến độ thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT; giải pháp phát triển giao thông vùng Tây Bắc.

Theo giải trình của ông Thể, với 56 trạm BOT, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.

Về thu phí BOT, Bộ trưởng GTVT khẳng định dựa trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân. “Vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao, chúng tôi rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2-3 lần, từ 35 nghìn/xe con xuống chỉ còn 15 nghìn, chúng tôi đứng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân để điều chỉnh mức phí, căn cứ vào lưu lượng xe qua các trạm và khả năng hoàn vốn của dự án để điều chỉnh”, Bộ trưởng GTVT nói.

Về chi phí làm đường và hiệu quả sử dụng, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn: “Dư luận hiện nay có những chuyện cho rằng chi phí làm đường của VN lớn nhất thế giới mà thời gian sử dụng thì lại ngắn nhất, có những đường làm được vài năm đã hỏng?”

Bộ trưởng Thể cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành cung cấp các thông tin về suất đầu tư so với các nước trong khu vực.

“Chúng ta làm đường trên nền móng yếu và việc xử lý rất tốn kém, các khoản chi phí này rất khác nhau giữa từng địa phương. Hơn nữa chi phí mặt bằng rất lớn. Cho nên nói rằng suất đầu tư đường chúng ta 700-1.000 tỉ đồng/km thì cũng đúng nhưng không phải là tất cả. Tôi không bình luận về thông tin này”, ông Thể nói.

Về việc trạm BOT đặt sai, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi: “Bức xúc hiện nay là 17 dự án đặt thu phí sai, 3 dự án trong đó dân không đi vẫn phải trả tiền. Tôi thấy bộ trả lời theo kiểu dân chịu thì cứ thu?”

Bộ trưởng Thể cho rằng một số dự án do yếu tố lịch sử để lại, các dự án còn lại thì khi làm đã có sự tham gia của các bộ ngành, địa phương nên “bộ xem như việc đặt trạm là hợp lý”. Ông Thể cũng nói muốn di dời trạm BOT thì cần khoản vốn rất lớn và “mong đại biểu thông cảm cho bộ”.

“Hiện nay để giải quyết các trạm BOT mà đại biểu nêu thì nguồn vốn rất khó khăn, rất khó để có tiền mua lại. Chúng tôi muốn đại biểu lấy biểu quyết, nếu Quốc hội cho thì chúng ta sẽ lấy tiền mua lại. Hiện giờ thì chúng tôi rất mong cử tri, đại biểu hết sức thông cảm cho bộ,” ông Thể nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44351748

 

Luật Đặc khu kinh tế nên ra ‘chậm mà chắc’

Quốc PhươngBBC Tiếng Việt

Dự luật Đặc khu kinh tế của Việt Nam cần được ‘thận trọng xem xét’, ‘tổ chức lấy ý kiến’ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp sâu rộng, một bức thư kiến nghị chính thức vừa được Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam gửi cho Tứ trụ lãnh đạo của nước này bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc Hội.

Kiến nghị với phần nhận xét luật dài 11 trang từ Trung ương Hội Kinh tế đề ngày 03/6/2018 cho rằng việc thông qua Dự luật nên lùi lại một kỳ họp Quốc Hội nữa để ‘chậm mà chắc’ trong lúc Việt Nam chờ đợi một Đặc khu kinh tế có ‘tầm cỡ toàn cầu’ hơn là mô hình và đề xuất như hiện nay với các đặc khu ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trên ba miền.

Kiến nghị nên lùi chậm một kỳ nữa (đến cuối năm) thì hay hơn. Như vậy, chậm mà chắc !Kiến nghị của Hội KH Kinh tế VN

“Có lẽ nên thận trọng xem xét, nhất là tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp sâu rộng, tránh tình trạng “dựa dẫm” ý kiến nhau (?), nhất là đã có ý kiến chỉ đạo của cấp cao, nên khó cho Luật và cả cho thi hành,” phần nhận xét Dự luật trong bức thư gửi đi hôm Chủ Nhật viết.

‘Chưa an tâm’ về ba đặc khu kinh tế VN

Việt Nam: Quản lý và điều hành DNNN ‘bị lẫn lộn’

VN: mở mại dâm ở đặc khu ‘táo bạo nhưng khó làm’?

“(Kinh nghiệm khi thông qua dự án đường sắt cao tốc, cấp cao đã dành quyền để các đại biểu cân nhắc, nên thực tiễn mấy năm qua cho thấy đó là quyết định hoàn toàn chính xác, trong khi quyết định về bô-xit Tây nguyên có gì cần rút kinh nghiệm không?).

“Thậm chí có ý kiến nên xem xét đẩy mạnh cải cách toàn diện Việt Nam để tăng sức mạnh cạnh tranh quốc gia hơn là chỉ làm ba đặc khu.”

Kiến nghị với các chuyên gia đứng tên như Phó Chủ tịch Hội, GS. TSKH. Phan Văn Tiệm, Phó Chủ tịch Hội, kiêm Tổng thư ký GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái và nhiều người khác trong đó có TS. Lê Đăng Doanh, TS. Lưu Bích Hồ, GS. Viện sỹ Đặng Hữu, Nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Khải, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Phạm Sỹ Liêm, PGS. TSKH. Võ Đại Lược, PGS. TS. Trần Đình Thiên, TS. Hàn Mạnh Tiến, GS.TSKH. Vũ Huy Từ, PGS. TS. Lê Xuân Bá, PGS. TS Đào Công Tiến, TS. Bùi Trinh, v.v… nêu rõ:

Do thiếu các nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ toàn cầu, nên thiết kế các khu kinh tế chưa tương xứng yêu cầu có tầm cỡ để “xây ổ cho phượng hoàng đẻ trứngKiến nghị của Hội KH Kinh tế VN

“Kiến nghị nên lùi chậm một kỳ nữa (đến cuối năm) thì hay hơn. Như vậy, chậm mà chắc!

“Trong khi chờ đợi một Đặc khu kinh tế Việt Nam tầm cỡ toàn cầu, cần đẩy mạnh các quyết sách đã có của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.”

‘Chưa đủ để phượng hoàng đẻ trứng’

Nhận xét về Dự luật Đặc khu trong thư kiến nghị gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mở đầu, nêu nhận định:

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Quốc Hội Việt Nam cần trưng cầu dân ý về Luật Đặc khu

Bàn tròn thứ Năm bàn về dự kiến mở phố Đèn Đỏ ở VN

Phát ngôn 29/5: ‘Ai chịu trách nhiệm tai nạn đường sắt?

Việt Nam: Đảng viên có thể bị cấm xuất cảnh

‘Phát ngôn ấn tượng’ ngày 28/5

“Đặc khu kinh tế” (gọi tắt của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt) có thể coi là kết quả học hỏi kinh nghiệm các nước, như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc…

“Nhưng ở các nước, người ta không làm tràn lan vì họ coi các Đặc khu là “phòng thí nghiệm” để từ kinh nghiệm có được (cả thành công và chưa thành công) về cơ chế, chính sách (gọi chung là thể chế) sẽ mở rộng ra toàn quốc, chứ không mở thêm nhiều đặc khu riêng lẻ sau thử nghiệm (Trung Quốc không mở rộng), khác với Ấn Độ mở hàng trăm đặc khu nên đạt hiệu quả ít, thậm chí thất bại…”

Tốt nhất là chúng ta cần phải trưng cầu ý dân để xem người dân người ta có mong muốn hay không? Ý Đảng thì phải phù hợp với lòng dânGiáo sư Nguyễn Minh Thuyết

“Kinh nghiệm vận hành 17 Khu kinh tế ven biển cho đến nay cho thấy cần “tập trung hơn”, vì 17 khu kinh tế ven biển này có diện tích khoảng 800 nghìn ha, gấp 10 lần tổng diện tích của hơn 300 khu công nghiệp, nên không đủ vốn triển khai…

“Do thiếu các nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ toàn cầu, nên thiết kế các khu kinh tế chưa tương xứng yêu cầu có tầm cỡ để “xây ổ cho phượng hoàng đẻ trứng”, thiết kế kém tầm nhìn xa, kém chất lượng, thiếu gắn kết… trong khi hội nhập cả nước đã đi vào bề sâu, với các Hiệp định FTA thế hệ mới mới, lại gần nền kinh tế khá thành công như Trung Quốc, Singapore và cạnh tranh gay gắt, dù có tham gia CPTPP.”

“Quốc Hội đang bàn dự thảo Luật đặc khu kinh tế nhắm đổi mới thể chế, nhưng nên theo phương châm “thà chậm mà chắc” còn hơn chỉ cố thông qua theo lịch trình đã có,” Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định.

Trưng cầu dân ý và xem xét lại?

Hôm Chủ Nhật, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc Hội Việt Nam nói với BBC ông tin rằng Dự luật về Đặc khu kinh tế cần được đem ra trưng cầu dân ý rộng rãi trước khi thông qua, ban hành.

Ông nói: “Hiến pháp Việt Nam quy định rõ là đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, thế thì khi mình ban hành một luật liên quan việc cho thuê đất đến 99 năm, việc này là việc rất lớn. Tốt nhất là chúng ta cần phải trưng cầu ý dân để xem người dân người ta có mong muốn hay không?

“Tôi cho rằng đấy là một việc cần phải làm. Ý Đảng thì phải phù hợp với lòng dân,” nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy van Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội Việt Nam nói với BBC từ Hà Nội.

Phải giải quyết nội hàm của cái 99 năm đó để làm gì? Khi đó mới có quy chế bằng văn bản để Quốc Hội biết. Đó là câu chuyên phải sớm công bố công khai để mọi người yên tâmLuật sư Trần Quốc Thuận

Cũng hôm 03/6, từ New York, Mỹ, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc cho rằng nếu thấy có nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng tình của nhiều người trong giới chuyên môn, trí thức, trong đó có các nhà kinh tế, thì nhà nước Việt Nam nên ‘xem xét lại’ dự luật:

“Có lẽ là sao khi được thảo luận rộng rãi, và có ý kiến của nhiều người, và tôi thấy dư luận – dư luận trí thức – hầu hết là chống, đặc biệt là những nhà kinh tế hầu hết là chống, thì Đảng cầm quyền và chính quyền cũng nên xem xét lại vấn đề này.”

Từ Sài Gòn, cùng ngày, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội Việt Nam, nêu quan điểm:

Tiến sỹ Vũ Quang Việt từ Mỹ bình luận dự luật Đặc khu kinh tế mà Quốc hội VN đang xem xét.

“Qua các phiên thảo luận, tôi thấy không có gì lớn, chỉ có nổi trội nhất là [điều khoản giao đất với thời hạn] 99 năm. Phải giải quyết nội hàm của cái 99 năm đó để làm gì? Khi đó mới có quy chế bằng văn bản để Quốc Hội biết.

“Đó là câu chuyên phải sớm công bố công khai để mọi người yên tâm, người ta bảo 99 năm thì không phải một mình ông Thủ tướng [quy định] đâu, các bộ ban ngành, các ông lãnh đạo cấp trên cũng ngồi nghe để mà có ý kiến [đó].

“Tôi cho rằng nếu chặt chẽ như thế thì người ta yên tâm, nhưng nên chăng có văn bản cụ thể, chứ không nên nói bằng miệng,” Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC.

Mời quý vị bấm vào các đường dẫn in đậm này để tham khảo thêm ý kiến từ một số chuyên gia, nhà phân tích khác về chủ đề liên quan.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44347525

 

Xử phúc thẩm nhóm bị cáo buộc

tội khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất

Trong ngày 4/6, Tòa Án Nhân Dân  cấp cao TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm đối với Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi) Nguyễn Đức Sinh (32 tuổi) và 12 đồng phạm trong vụ bị cáo buộc là tiến hành khủng bố tại sân bay Tân Sơn Nhất và kho tạm giữ xe vi phạm giao thông tại Công an TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai hồi giữa tháng 4/2016.

Truyền thông trong nước loan tin này cùng ngày.

Trước đó tại phiên sơ thẩm, bị cáo Đặng Hoàng Thiện bị tuyên án 16 năm tù giam, phạt quản chế 5 năm tại địa phương; Nguyễn Đức Sinh 10 năm tù, phạt quản chế 3 năm; các bị cáo còn lại từ 1 năm 6 tháng tù treo tới 12 năm tù giam với cáo buộc ‘khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Sau phiên sơ thẩm, riêng Lê Thị Thu Phương (bạn gái Thiện) chấp nhận mức án một năm sáu tháng tù treo về tội “Không tố giác tội phạm”, còn lại 14 bị cáo đồng loạt làm đơn kháng cáo.

Theo điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam, dưới sự chỉ đạo và lôi kéo của Lisa Phạm và Đào Minh Quân, vốn là 2 đối tượng hiện sống tại nước ngoài, Thiện, Sinh và các đồng phạm đã tham gia thực hiện các vụ được gọi là khủng bố nhằm chống phá chính quyền nhân dân. Cụ thể vào ngày 22/4/2016, các đối tượng này đã nhận chỉ đạo của Lisa Phạm mua vật liệu chế tạo bom xăng kích nổ bằng điều khiển từ xa rồi lên kế hoạch và thực hiện vụ nổ tại sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp lễ 30/4; đồng thời gây nổ tại nhà kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an TP Biên Hoà khiến cho 320 xe hư hỏng nặng, thiệt hại gần 1.3 tỷ đồng.

Đặng Hoàn Thiện thừa nhận thực hiện cả 2 vụ nổ nói trên, tuy nhiên cho rằng hành vi gây ra nằm ở khoản 3 Điều 84 BLHS 1999, khung hình phạt 2-7 năm tù chứ không phải 16 năm như toà sơ thẩm.

Cơ quan điều tra cũng xác định hai đối tượng cầm đầu là Lisa Phạm và Đào Minh Quân nhưng do hai đối tượng này đang ở nước ngoài nên cơ quan chức năng Việt Nam nói rằng khi bắt được sẽ xử lý sau.

Dự kiến, phiên toà sẽ diễn ra đến hết ngày 5/6.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/xu-phuc-tham-nhom-bi-cao-buoc-khung-bo-san-bay-tan-son-nhat-06042018090419.html

 

Doanh nghiệp đưa người đi lao động nước ngoài

thu phí vượt mức

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lãnh vực môi giới xuất khẩu lao động, tại Việt Nam, thu phí vượt mức quy định đối với người lao động.

Truyền thông trong nước, vào ngày 4 tháng 6 cho biết tin vừa nêu, dẫn nguồn từ báo cáo của Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội. Theo đó, sai phạm phổ biến nhất của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là thu phí vượt mức quy định, đặc biệt qua thị trường Đài Loan.

Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội cho biết đã kiểm tra hơn 60 doanh nghiệp trong hai năm 2016 và 2017, thu về tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng và trong 5 tháng đầu năm 2018, thu về số tiền phạt xấp xỉ 500 triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội Đào Ngọc Dung nói với báo giới quốc nội rằng Bộ này đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với người lao động ra nước ngoài làm việc và đăng tải, cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của của Cục Quản lý lao động nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, hiện có khoảng 328 doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động được cấp phép tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, nhiều công nhân xuất khẩu lao động lên tiếng phản đối tình trạng phải trả chi phí quá cao cho công ty môi giới tại Việt Nam, mà công việc họ làm ở nước ngoài không giống như trong hợp đồng ký kết. Nhiều công nhân Việt Nam bị rơi vào thảm cảnh “đem con bỏ chợ” khi ra nước ngoài làm việc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-laborers-have-to-pay-fees-in-excess-to-work-oversea-06042018084141.html

 

Việt Nam chỉ đầu tư BOT trên những tuyến đường mới

Việt Nam sẽ chỉ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) trên các tuyến đường mới, không tiến hành trên đường độc đạo. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu thông tin vừa nêu trong buổi trả lời chất vấn trước quốc hội hôm 4 tháng 6 năm 2018.

Ông Trịnh Đình Dũng khẳng định việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hình thức BOT là chủ trương đúng của đảng nhằm huy động nguồn lực xã hội, vì nhu cầu vốn lớn, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết cần thanh tra xem việc chỉ định thầu có đúng quy định của pháp luật hay không, việc đầu tư xây dựng các công trình có đúng pháp luật hay không, có việc thông đồng giữa các bên để tăng tổng đầu tư gây thất thoát vốn ngân sách hay không?

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, trong thời gian tới chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình tức hợp tác giữa tư nhân và chính phủ, để khắc phục các kẽ hở làm thất thoát vốn ngân sách.

Cũng trong ngày 4 tháng 6, Bộ Trưởng Giao Thông- Vận Tải, Nguyễn Văn Thể, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc Hội Hoàng Quang Hàm, tỉnh Phú Thọ, về 17 tại BOT đặt vị trí trạm thu phí sai vị trí. Ông Thể trả lời một số trạm BOT là do lịch sử để lại, được triển khai lâu nay và khi ông về thì tiếp quản. Ông này mong được thông cảm.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc Hội nhắc lại khi làm dự án, các bên gồm nhà thầu, nhà đầu tư và ngân hàng làm việc với nhau mà không hề tham khảo ý kiến của cộng đồng dân cư, nay lại bắt dân chịu.

Thời gian qua, từng xảy ra những vụ phản đối mạnh mẽ và kéo dài nhiều ngày của giới tài xế tại những trạm thu phí BOT trên cả nước vì đặt sai vị trí và thu phí quá cao, điển hình là các vụ phản đối tại các trạm thu phí BOT Cai Lậy ở Tiền Giang, BOT Đại Yên ở Quảng Ninh, BOT Sông Phan ở Bình Thuận, BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, BOT Sóc Trăng…

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-will-only-invests-bot-on-new-routes-06042018082446.html

 

Việt Nam đẩy mạnh năng lượng tái tạo

với mục tiêu đầy tham vọng

Việt Nam đang có kế hoạch tăng gấp ba lần điện năng sản xuất từ các nguồn tái tạo và tăng 26% lượng tiêu thụ năng lượng mặt trời của các hộ gia đình trước năm 2030, Thủ Tướng Việt Nam nói với hãng tin Reuters.

Phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada hôm 4/6/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam hy vọng có thể sử dụng khoảng 20 triệu tấn đất hiếm dự trữ, mà theo ông là lớn thứ ba trên thế giới, để phát triển các công nghệ năng lượng mới.

Trả lời những câu hỏi của Reuters bằng văn bản, ông Phúc nói: “Việt Nam may mắn được ưu đãi để có tiềm năng to lớn trong việc phát triển năng lượng sạch.”

Ông Phúc nói Việt Nam mong được hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiến tiến của ngành khai thác và chế biến đất hiếm nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.”

Cũng theo ông Phúc, Việt Nam mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến của ngành khai thác và chế biến đất hiếm nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Mỏ đất hiếm lớn nhất của Việt Nam nằm ở tỉnh Lai Châu, sát biên giới với Trung Quốc. Đây là loại khoáng sản thiết yếu cho nhiều công nghệ như tua-bin gió, pin xe hơi điện, pin mặt trời và điện thoại thông minh.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tìm cách cổ vũ việc phát triển năng lượng tái tạo hầu giảm sự lệ thuộc vào than. Ông Phúc cho biết Việt Nam sẽ tăng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn tái tạo từ khoảng 58 tỉ kilowatt giờ vào năm 2015, lên 101 tỉ kilowatt giờ vào năm 2020 và 186 tỷ kilowatt giờ vào năm 2030.

Vào năm 2015, chỉ có 4,3% các hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời. Việt Nam có kế hoạch tăng việc sử dụng các thiết bị này lên 12% trước năm 2020, và 26% trước năm 2030.

https://www.voatiengviet.com/a/vn-day-manh-nang-luong-tai-tao-voi-muc-tieu-day-tham-vong/4423748.html

 

Bùng nổ phản đối về luật đặc khu,

Chính phủ ‘sẽ lắng nghe’

Thủ tướng Việt Nam hôm 4/6 nói với báo chí trong nước rằng “chính phủ sẽ lắng nghe” ý kiến của các chuyên gia và công chúng về điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ trong dự luật về đặc khu kinh tế.

Gần 2 tuần qua, kể từ khi quốc hội Việt Nam bắt đầu thảo luận hôm 23/5 về dự luật, nhiều chuyên gia và hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội đã bày tỏ ý kiến, từ hoài nghi cho đến phản đối dự luật.

Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật đang được quốc hội xem xét trước khi bỏ phiếu theo lịch dự kiến vào ngày 12/6.

Một khi được bật đèn xanh, chính phủ Việt Nam sẽ lập 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm “thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế”.

… Tuy cho thuê 99 năm là dài nhưng việc đó không phải là chỉ dấu của sự nhượng địa … Đặc khu vẫn sẽ có hội đồng nhân dân, vẫn sẽ có uỷ ban nhân dân. Vậy thì, không thể gọi đặc khu hành chính và kinh tế là tô giới được

Thạc sĩ luật Lê Nguyễn Duy Hậu

Nhưng không lâu sau khi dự luật được đem ra bàn thảo, một số đại biểu quốc hội, các chuyên gia, các nhà hoạt động và dư luận nói họ lo lắng về thời hạn cho thuê đất quá dài.

Một mặt, họ so sánh điều đó với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.

Thậm chí, trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa luật, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, nêu ra nguy cơ đảo Vân Đồn có thể bị biến thành “Crimea thứ hai”. Giả thuyết của ông Hảo đã nhận được sự đồng tình và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Bán đảo Crimea từng thuộc về Ukraine, nhưng bị Nga sáp nhập năm 2014 với lý do đa số kiều dân Nga trên bán đảo bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp tách ra khỏi Ukraine và mong muốn được Nga bảo vệ lợi ích.

Trong vòng 4 ngày qua, hàng nghìn người sử dụng mạng xã hội, từ những cá nhân bình thường, công chức về hưu, cho đến các nhà báo, nhà hoạt động vì dân chủ hay người nổi tiếng như MC truyền hình có tên Phan Anh, đã tham gia phong trào phản đối dự luật trên mạng xã hội.

Họ đăng ảnh đại diện hoặc chia sẻ hình đồ họa mang nội dung như “Phản đối chính phủ lập đặc khu cho thuê 99 năm”, “Phản đối cho Trung Quốc thuê đất đặc khu”, hoặc “Cho Trung Quốc thuê đất 99 năm là mất nước”.

Bên cạnh đó, nhiều người – đặc biệt là giới đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền – cũng lên tiếng cho rằng quốc hội Việt Nam “do đảng cử” nên không có quyền cho thuê đất 99 năm. Họ đòi hỏi vấn đề này “phải trưng cầu dân ý”.

Song song với những diễn biến này, từ ngày 1/6, đã xuất hiện trên mạng một kiến nghị mở, thu thập chữ ký của bất cứ ai phản đối dự luật để gửi đến quốc hội.

Bản kiến nghị nói dự luật đặc khu “đang ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa” và đưa ra lời kêu gọi “khẩn thiết” rằng toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như quốc hội hãy “phản đối, rút bỏ” dự luật.

Không có thông tin về tổ chức hay nhóm nào là tác giả của bản kiến nghị. Danh sách những người ký đầu tiên có những nhân sĩ, trí thức hay nhà hoạt động nhiều ảnh hưởng như các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu; các giáo sư Tương Lai, Chu Hảo; linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp; các nhà văn Tô Nhuận Vỹ và Nguyên Ngọc, cũng như cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định.

Tính đến tối 4/6, đã có hơn 750 người ký vào kiến nghị, trong đó có nhiều người Việt sống ở nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/6 xác nhận điều khoản về cho thuê đất đặc khu đến 99 năm “đã gây ra làn sóng khủng khiếp”, theo tường thuật của báo Người Lao Động. Tin cho hay ông Phúc nói rằng ông đã nhận được “nhiều ý kiến tâm tư, nhiều tin nhắn, cuộc gọi và thư từ” về vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Phúc lưu ý rằng điều khoản này là dành cho “trường hợp đặc biệt” hoặc “cá biệt”, mà nếu cần thiết “quốc hội có thể không chấp nhận phê duyệt cho thuê đất”, theo trích dẫn trên báo chí. Người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh thêm rằng quốc hội sẽ “xem xét, quyết định vấn đề đó công khai, minh bạch và thận trọng”.

Một mặt khẳng định với báo chí là chính phủ “rất lắng nghe ý kiến chuyên gia, nguyện vọng của nhân dân, của đại biểu quốc hội”, Thủ tướng Phúc cũng đưa ra quan điểm cho rằng thời gian cho thuê đất “không phải vấn đề quyết định quá lớn”.

Từ Tp.HCM, trao đổi với VOA qua email, chuyên gia luật Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích rằng tuy cho thuê 99 năm là dài nhưng việc đó “không phải là chỉ dấu của sự nhượng địa, miễn là nó không cho thuê luôn cả quyền tài phán và chủ quyền với vùng đất đó”.

Người đã tốt nghiệp thạc sĩ luật ở Đức, chuyên ngành đầu tư, ngân hàng, tài chính, chỉ ra rằng kể từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giai đoạn 2006 đến 2016, những trường hợp ngoại lệ là doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâu hơn quy định chung không còn “quá hiếm”.

Ông Hậu dẫn ra ví dụ là Marubeni của Nhật và Samsung của Hàn Quốc, được xem là hai dự án siêu lớn ở Việt Nam, hiện đang được đặc cách “không ghi thời hạn trên giấy phép đầu tư”. Điều này, theo ông, được hiểu là thời hạn “vĩnh viễn”, hay nói cách khác, đất mà họ hiện đang thuê sẽ có thể được gia hạn thêm cứ 50 năm một lần.

Cho VOA biết ông đã nghiên cứu dự luật về đặc khu, ông Hậu đưa ra đánh giá về điều khoản liên quan đến bộ máy hành chính quản lý đặc khu: “Không ở đâu và không quy định nào cho thấy nhà đầu tư, hay người thuê đất có quyền bổ nhiệm, hay có quyền áp đặc luật lệ, hay có quyền sử dụng tiền tệ riêng của mình trên khu đất mình thuê”.

Chuyên gia này khẳng định thêm:“Vấn đề chủ quyền là khá rõ ràng. Đặc khu vẫn sẽ có hội đồng nhân dân, vẫn sẽ có uỷ ban nhân dân. Vậy thì, không thể gọi đặc khu hành chính và kinh tế là tô giới được”.

Ông Hậu lấy đặc khu Hong Kong và Macau của Trung Quốc để đối chiếu và đưa ra quan điểm: “Không ai gọi hai nơi đó là tô giới hay thuộc địa cả”.

Mặc dù vậy, ông Hậu vẫn thận trọng nói thêm rằng cho thuê đất 99 năm “có thể là một quyết định kinh tế thiếu khôn ngoan” như một chuyên gia kinh tế khác, bà Phạm Chi Lan, đã chỉ ra mới đây.

Các báo hôm 24/5 đăng ý kiến của bà Lan phản biện về dự luật đặc khu. Bà cho rằng cơ chế ưu đãi thuế và cho thuê đất tối đa 99 năm “không thực sự cần thiết”.

… Một quy định của dự luật nói nhà đầu tư chiến lược được ‘hỏi ý kiến’ khi có quy hoạch và được ‘ưu tiên’ chọn thầu … Quy định về ‘nhà đầu tư chiến lược’ cũng là một quy định rất dở. Vì nó mang màu sắc tư bản thân hữu (làm luật cho một doanh nghiệp)

Thạc sĩ luật Lê Nguyễn Duy Hậu

Nữ chuyên gia cảnh báo về những “lúng túng” mà nhà chức trách có thể gặp phải trong công tác quản lý khi mà “doanh nghiệp thuê đất 99 năm nhưng 10 năm đã phá sản và chuyển nhượng cho đối tác khác”.

Ngoài ra, bà Lan nhận định dự thảo chính sách về cho thuê đất tối đa 99 năm “có bóng dáng ưu đãi cho những doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng”.

Thay vì đặt trọng tâm quá nhiều vào vấn đề đất đai, chuyên gia Lê Nguyễn Duy Hậu hướng sự quan tâm đến “quyền của nhà đầu tư chiến lược trong các dự án đặc khu”.

Ông chỉ ra rằng một quy định của dự luật nói “nhà đầu tư chiến lược được ‘hỏi ý kiến’ khi có quy hoạch và được ‘ưu tiên’ chọn thầu.”

Theo cách nhìn của ông, nêu ra trong email trả lời phỏng vấn của VOA, “quy định về ‘nhà đầu tư chiến lược’ cũng là một quy định rất dở. Vì nó mang màu sắc tư bản thân hữu (làm luật cho một doanh nghiệp)”.

Ông Hậu nói rất nhiều chuyên gia mà ông biết khi tư vấn luật về đặc khu “đã cố gắng bỏ quy định này”.

Trong quan điểm cá nhân, ông nhìn nhận “đây mới chính là vấn đề cần phải bàn thảo là có cần thiết phải có cái gọi là nhà đầu tư chiến lược hay không”.

Trên truyền thông trong nước, giới hoạch định chính sách Việt Nam nói việc lập 3 đặc khu là một bước “thử nghiệm” các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).

Họ bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo “tác động lan tỏa, tích cực” tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo các báo.

Thủ tướng Việt Nam hôm 4/6 phát biểu với báo chí rằng “thế giới đã làm đặc khu thành công từ trước và Việt Nam bắt đầu làm vào thời điểm này là chậm”.

Tuy nhiên, hàng loạt chuyên gia tên tuổi như các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Phạm Chi Lan, luật sư Trương Thanh Đức, và nhiều đại biểu quốc hội trong gần hai tuần qua liên tục nêu quan điểm răng mô hình đặc khu đã lỗi thời, khả năng thành công sẽ rất thấp.

Họ cho rằng để Việt Nam phát triển, thay vì lập đặc khu, giới hoạch định chính sách cần “tháo bỏ mọi rào cản bất hợp lý”.

https://www.voatiengviet.com/a/bung-no-phan-doi-ve-luat-dac-khu-cp-se-lang-nghe/4423680.html