Tin khắp nơi – 03/06/2018
TQ cảnh báo về các chế tài trừng phạt của Mỹ
Tất cả các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington sẽ bị vô hiệu nếu Mỹ đưa ra biện pháp trừng phạt thương mại, Tân Hoa Xã cảnh báo.
Sau các cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc nói nước này đã sẵn sàng đẩy mạnh nhập khẩu từ nhiều nước.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Ross diễn ra vài ngày sau khi Washington đe dọa sẽ áp đặt các mức thuế bổ sung trên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Mỹ-Trung ‘không gây chiến tranh thương mại’
TQ vui mừng trước việc Trump đổi ý về ZTE
Trong khi đó, các quốc gia khối G7 đang giận dữ với thuế nhập khẩu thép và nhôm mới của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo một cuộc chiến thương mại có thể bắt đầu trong “một vài ngày”.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Trump khẳng định trên Twitter rằng Hoa Kỳ đã bị nhiều nước khác “xé toạc ra trong nhiều năm về thương mại”.
Ông nói rằng thuế thép sẽ bảo vệ các nhà sản xuất thép của Mỹ mà ông nói là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Ông Trump cũng phàn nàn về các rào cản mà các công ty Mỹ phải đối mặt ở châu Âu và các nơi khác.
“Đã đến lúc thông minh!,” Tổng thống Mỹ nói thêm.
Phía Trung Quốc nói gì?
TQ áp thuế hàng Mỹ trị giá 3 tỷ USD để trả đũa
TQ vui mừng trước việc Trump đổi ý về ZTE
TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’
Một tuyên bố của phía Trung Quốc tại các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh nói không có gì cụ thể về kết quả, và nhắc lại một thỏa thuận đạt được ở Washington tháng trước tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
“Để thực hiện sự đồng thuận đạt được ở Washington, hai bên đã có giao tiếp tốt trong các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp và năng lượng, và đã đạt được tiến bộ tích cực và cụ thể trong khi các chi tiết liên quan vẫn cần được cả hai bên khẳng định,”bàn tuyên bố nói.
Nhưng tuyên bố của Tân Hoa Xã cảnh báo rằng thành tựu đàm phán Mỹ – Trung đạt được sẽ ‘vô hiệu’ nếu để xảy ra chiến tranh thương mại.
“Cải cách và mở rộng nhu cầu trong nước là các chiến lược quốc gia của Trung Quốc. Nhịp điệu của chúng tôi sẽ không thay đổi”, hãng tin này nói.
“Nếu Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại bao gồm thuế quan, tất cả các thành tựu kinh tế và thương mại do hai bên đàm phán sẽ bị vô hiệu.”
Hoa Kỳ đang cố gắng làm gì?
TQ đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ
Trung Quốc làm gì nếu có cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương. Mỹ hiện đang mua gần gấp bốn lần từ Trung Quốc so với chiều ngược lại.
Một tuyên bố của Nhà Trắng tuần trước, vốn nhắm vào thực tế nhiều năm thương mại “không công bằng”, cảnh báo Mỹ sẽ theo đuổi mức thuế 25% đánh trên trị giá 50 tỷ đô-la các nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giọng điệu của tuyên bố cho rằng những nhượng bộ của Trung Quốc tại các cuộc đàm phán hồi tháng trước ở Washington không đủ đối với chính quyền Trump, phóng viên BBC Karishma Vaswani nói.
Các nhà phân tích, trong khi đó, nói rằng tuyên bố này có thể đã được thiết kế như một chiến thuật thương lượng nhằm tăng áp lực lên Trung Quốc trước cuộc họp hôm Chủ nhật, giữa những lời chỉ trích ở nhà rằng ông Trump đang trở nên mềm mại ở Trung Quốc.
Không có tuyên bố chung nào được đưa ra vào cuối cuộc họp Chủ nhật tại Bắc Kinh, và không có phản ứng nào về ý kiến của Trung Quốc từ phía Mỹ.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-44347520
Nhân quyền của Bắc Hàn:
Điều Trump-Kim không bàn tới
Nhân quyền hầu như chắc chắn sẽ không có mặt trên bàn đàm phán khi Donald Trump và Kim Jong-un gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử tháng Sáu này.
Liên Hiệp Quốc nói rằng người Bắc Hàn sống trong “sự vi phạm nhân quyền có hệ thống, phổ biến và rộng khắp”.
Nhưng nhân quyền hầu như chắc chắn sẽ không có mặt trên bàn đàm phán khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.
Dưới đây chỉ là một số vấn đề bị gác sang một bên:
Chính phủ kiểm soát mọi mặt
Bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới, Bắc Hàn được cai trị bởi gia đình Kim trong ba thế hệ. Công dân Bắc Hàn được yêu cầu phải tận hiến cho gia đình này và lãnh đạo hiện tại, Kim Jong-un.
Ông Moon ‘có thể dự hội nghị Trump-Kim’
Mỹ tự tin về kế hoạch cho cuộc gặp Trump-Kim
Nhà nước kiểm soát tất cả mọi thứ, và chủ động theo dõi công dân của mình bằng một mạng lưới gián điệp rộng lớn.
Nền kinh tế cũng được kiểm soát chặt chẽ, tiền của chính phủ đổ vào chương trình hạt nhân và tên lửa bất chấp tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cơ bản khác.
Brad Adams, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói với BBC rằng Bắc Hàn chỉ có thể phát triển một chương trình hạt nhân đắt tiền vì là nhà nước độc tài, và nó được thực hiện bằng cách “lấy thức ăn ra khỏi dạ dày người Bắc Hàn nghèo đói”.
Kiểm duyệt truyền thông
Truyền thông Bắc Hàn được cho là bị kiểm duyệt hà khắc nhất thế giới. Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xếp hạng Bắc Hàn cuối bảng Tự do báo chí thế giới.
Người Bắc Hàn nhận mọi loại tin tức từ các kênh truyền thông của nhà nước, nơi không ngừng ca lợi lãnh đạo.
Theo RSF, công dân có thể bị đi tù nếu xem, đọc hoặc nghe nội dung do truyền thông quốc tế cung cấp.
Điện thoại di động phổ biến, nhưng không dễ dàng gọi đi nước ngoài.
Internet được phổ cập cho số ít người thuộc tầng lớp ưu tú ở thủ đô Bình Nhưỡng, những người có cuộc sống tương đối tiện nghi. Nhưng với những người khác, quyền truy cập internet bị hạn chế.
Gần như người dân Bắc Hàn không bao giờ online.
Tự do tôn giáo
Hiến pháp Bắc Hàn hứa hẹn “quyền có đức tin”. Có Phật tử, tín đồ Shama, và tín đồ Chondo – một tôn giáo bản địa của Hàn Quốc – tại Bắc Hàn. Nhà thờ do nhà nước kiểm soát cũng tồn tại.
Nhưng Arnold Fang, một nhà nghiên cứu từ Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng đó chủ yếu là để ‘trình diễn’.
“Trong thực tế, không có tự do tôn giáo. Mọi người đều được tuyên truyền để cư xử với gia đình Kim gần như là tôn thờ.”
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2014 cho hay các tín đồ Công giáo phải đối mặt với “sự bức hại và trừng phạt nghiêm trọng” nếu họ thực hành tôn giáo bên ngoài các nhà thờ do nhà nước kiểm soát.
Bắc Hàn cũng cái nhìn u ám đối với các nhà truyền giáo nước ngoài. Kenneth Bae, một nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn từng tổ chức các chuyến đi cho người Công giáo tới Bắc Hàn, bị kết án 15 năm lao động khổ sai vào năm 2013 vì tội ác “chống chính phủ”. Ông được thả vào năm 2014 do các vấn đề sức khỏe.
Trại tù
“Bắc Hàn được cho là trại tù lớn nhất thế giới,” theo ông Adams.
Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có khoảng 80.000 đến 120.000 tù nhân ở Bắc Hàn.
Mọi người có thể bị bỏ tù vì bất cứ điều gì, các nhà hoạt động cho biết, với những tội danh khác nhau, từ việc xem một đĩa DVD của Nam Hàn tới đào tẩu.
Những tội phạm chính trị thường được gửi đến các trại lao động tàn bạo, làm các công việc như như khai thác mỏ và khai thác gỗ.
Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả các trại tù ở Bắc Hàn là “khắc nghiệt ngoài sức chịu đựng”, nơi các tù nhân bị tra tấn và đánh đập bởi lính gác và phụ nữ là đối tượng dễ bị ép buộc và lạm dụng tình dục.
Không phải tất cả tù nhân đều thực sự phạm tội. Bắc Hàn áp dụng hình phạt tập thể, vì vậy nếu một thành viên của một gia đình bị kết tội, cả gia đình có thể bị trừng phạt.
Bắc Hàn áp dụng án tử hình và được biết đến với việc hành quyết công khai.
Giam giữ người nước ngoài
Nhiều công dân nước ngoài ở Bắc Hàn bị bắt và bị giam giữ trong một thời gian dài – thường vì lý do chính trị và bị sử dụng như những con tốt ngoại giao tại những thời điểm thích hợp.
Ba công dân Mỹ, từng đi tù vì tội chống nhà nước, mới được thả tự do trước thềm thượng đỉnh Trump-Kim.
Nhưng sinh viên Mỹ Otto Warmbier, bị bắt năm 2016 do ăn trộm một biển tuyên truyền, đã chết chỉ vài ngày sau khi được thả sau 17 tháng bị giam giữ.
Sáu người Nam Hàn khác được cho là vẫn đang bị giam cầm.
Bắc Hàn cũng thừa nhận đã bắt cóc ít nhất 13 người Nhật Bản những năm 70 và sử dụng họ để đào tạo gián điệp về phong tục và tiếng Nhật.
Trong số những người bị bắt cóc khác, có một nữ diễn viên Nam Hàn nổi tiếng cùng chồng cũ của cô – một đạo diễn. Hai người bị bắt cóc vào những năm 70 và bị ép làm phim cho Bắc Hàn, nhưng sau đó trốn thoát.
Lao động cưỡng bức
Một số lượng lớn người Bắc Hàn phải lao động không lương vào một số thời điểm nhất định, theo một báo cáo của HRW.
Các cựu sinh viên đào thoát khỏi Bắc Hàn nói với HRW rằng bị trường ép buộc làm việc miễn phí tại các trang trại hai lần một năm – vào kỳ gieo hạt và thu hoạch – mỗi lần kéo dài một tháng.
Bắc Hàn cũng gửi hàng trăm ngàn người đi làm việc ở nước ngoài như nguồn lao động giá rẻ – nhiều người làm việc trong các điều kiện như nô lệ.
Bắc Hàn đã gửi công nhân đến Trung Quốc, Kuwait và Qatar – mặc dù hầu hết các nước này đã ngừng gia hạn thị thực cho lao động Bắc Hàn để tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, các báo cáo cho hay người Bắc Hàn vẫn đang làm việc ở một số nơi bất chấp lệnh trừng phạt.
Nữ quyền
Sự phân biệt đối xử với nữ giới tồn tại ở Bắc Hàn, nhưng “không có cách nào để đo lường sự bất bình đẳng ở miền Bắc như cách bạn đo khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ”, ông Fang nói.
Mặc dù Bắc Hàn tự giới thiệu như một xã hội bình đẳng, phụ nữ được cho là bị tước đoạt cơ hội giáo dục và việc làm.
Các báo cáo cũng cho hay phụ nữ phải đối mặt với tra tấn, hãm hiếp và lạm dụng tình dục khi bị giam giữ – và lạm dụng tình dục lan tràn trong quân đội.
Trẻ em và suy dinh dưỡng
Trẻ em ở Bắc Hàn được đi học, mặc dù một số buộc phải nghỉ học sớm để giúp gia đình sống sót về mặt kinh tế, theo ông Fang.
Chương trình giảng dạy của trường “bị chi phối bởi chương trình nghị sự chính trị của đất nước, hạn chế kiến thức của trẻ em từ rất sớm”.
Theo Unicef, 200.000 trẻ em Bắc Hàn suy dinh dưỡng cấp tính – trong số đó 60.000 trẻ em “bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng”.
Trong khi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có thể diễn ra tốt đẹp, ông Adams của HRW nói “tất cả chỉ tìm kiếm lợi ích riêng của họ. Không ai thực sự vì lợi ích của công dân Bắc Hàn”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44345880
Trung Cộng bất mãn
trước mối liên hệ Washington – Đài Loan
Singapore.- Hôm nay 2 tháng 6, tại Diễn đàn Đối thoại Shangri La lần thứ 17 ở Singapore, hai chuyên viên quốc phòng Trung Cộng nói hành động của Hoa Kỳ tại Biển Đông và vấn đề Đài Loan sẽ gây tổn thương bang giao giữa Hoa Lục và Hoa Kỳ và đe doạ hoà bình tại khu vực.
Zhao Xiaozhuo, nhà nghiên cứu của Viện Hàn Lâm Khoa học Quân sự trực thuộc quân đội Trung Cộng cảnh cáo rằng bài diễn văn của bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đọc tại Diễn đàn Đối thoại lần này sẽ giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ. Và như thế sẽ gây tổn hại bang giao song phương với Trung Cộng.
Zhang Chi, phụ tá giáo sư của trường Đại học Quân sự Trung Cộng nói Trung Cộng đầy tự tin và có khả năng bảo vệ quyền lợi cũng như chủ quyền của họ tại Biển Đông để đối phó với mối đe doạ từ Mỹ. Trung Cộng không muốn gây phiền phức, nhưng không hèn nhát khi giải quyết mọi vấn đề phức tạp liên quan. Trả lời cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng Trung Cộng đang quân sự hoá Biển Đông, Zhao nói rằng Hoa Kỳ đang phức tạp hoá tình hình, phá hoại sự ổn định và hoà bình tại Biển Đông.
Các chuyên viên quốc phòng Trung Cộng cũng dẫn tuyên bố của ông Mattis nói rằng Hoa Kỳ đang muốn thảo luận về sự dị biệt với Trung Cộng thông qua diễn đàn đối thoại. Đề nghị công du Trung Cộng vào cuối tháng này cho thấy bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. (Song Châu)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-bat-man-truoc-moi-lien-he-washington-dai-loan/
Thủ Tướng Ấn Modi:
Nối Kết ASEAN Để Đối Phó TQ;
TT Modi: Tới Mã Lai, Nam Dương, Dự Diễn Đàn Shangri-La
SINGAPORE – Tuần này, Thủ Tướng Ấn Độ công du Malaysia và Indonesia trước khi tới Singapore dự “hội thảo an ninh Shangri-La” trong nỗ lực kết thân với 3 quốc gia trong vùng.
Trong 1 chiến dịch tấn công ngoại giao, Thủ Tướng Narenda Modi mở nhiều tiếp xúc tại Singapore.
Chương rrình làm việc của ông ngày Thứ Sáu là chặt chẽ, gồm lễ đón tiếp tại Dinh TT, nơi ông hội đàm với TT Halimah Jacob – sau đó, ông hội đàm với Thủ Tướng Lý Hiển Long cùng ký 14 biên bản ghi nhớ và thông cáo báo chí.
Tại diễn đàn an ninh vùng được quen gọi bằng tên “hội thảo Shangri-La” gồm đại diện hàng chục nước và thành viên ASEAN, Thủ Tướng Modi đọc 1 diễn văn quan trọng về hợp tác.
Tuần qua, 1 bộ trưởng Ấn Độ đã loan báo: Singapore là nguồn đầu tư lớn hạng nhì tại Ấn Độ, bằng 16% FDI. Khoảng 10% dân số Singapore có nguôn gốc Ấn Độ, và hơn 1.3 triệu người Ấn đi du lịch Singapore.
Thủ Tướng Modi gọi Singapore là cầu nói giữa Ấn Độ và ASEAN – ông mô tả các quan hệ song phương là tự nhiên và thân thiết.
Ký Giả Nga: Tới Tư Dinh Bí Mật Của Kim Jung Un
Như Chuyện Siêu Thực,
Mô Tả Em Gái Kim Jong-un Năng Nỗ Như 1 Bà Nội Trợ
SEOUL – Nữ phóng viên Nga Ilya Petrenko là 1 người hiếm hoi được tường thuật về lãnh tụ Bắc Hàn – cô được chọn tháp tùng ngoại trưởng Lavrov trong chuyến đi Pyongyang, và đuợc Kim Jong-un tiếp.
Petrenko kể: khách tập trung tại 1 phòng khách sạn, mọi vật dụng thông tin bị nhân viên an ninh thu giữ trước khi lên xe minibus không bảng hiệu, chạy xuyên qua thủ đô Pyongyang để tới tư thất của Kim. Lúc ngồi trên xe, phóng viên không biết đuợc đưa tới đâu – người lái xe không nói tiếng Nga hay tiếng Anh, đường càng vắng bóng người, và không thấy hàng rào công an cảnh sát. Tới nơi, vào trong mới thấy lâu đài tiếp khách của lãnh tụ. Cửa mở, 1 khuôn mặt phụ nữ xuất hiện, đuợc nhận biết là Kim Yo-jong, em gái của lãnh tụ, đuợc biết tiếng như là hình ảnh xoa dịu về chế độ khép kín trong các thương luợng tay đôi với Seoul trong thời gian gần đây.
Phóng viên Nga mô tả Kim Yo-jong có nước da trắng xanh, không rám nắng như anh. Cô ta luợn qua luợn lại giúp anh tiếp khách, như 1 bà nội trợ trong gia đình. Nhưng, khi Kim nói chuyện công việc với khách, chỉ có người thông dịch bên cạnh, đối diện đoàn Lavrov gồm 7 người. Sau khi chụp ảnh, phóng viên bị mời đi nơi khác để Lavrov và Kim mật đàm trong 1 giờ. Sau cùng, 2 nguời đối thoại xuất hiện với nụ cười.
Rồi, cũng như khi đến, khách đuợc mời ra xe, nhận lại vật dụng, chiếc xe minibus chạy thẳng ra phi trường. Như 1 sự kiện siêu thực, theo diễn tả cuả phóng viên Russia Today.
TC: Chế Phi Cơ Robot Giao Hàng Nặng 1 Tấn;
Alibaba: Chi 15 Tỉ MK Chế Máy Bay Robot Vận Chuyển Toàn Cầu
BEIJING – Phi cơ không người lái dân sự (UAV) trọng tải hơn 1 tấn đang được các hãng dùng thử trong việc chở hàng giữa lúc hoạt động của dịch vụ giao hàng tăng tại Hoa Lục – qua năm tới, UAV do Beihang (hay UAS) chế tạo có thể chở nặng từ 1 tấn đến 1 tấn rưỡi (bằng 1 chiếc xe hơi thể thao).
Tại 1 hội nghị kỹ thuật tiếp vận họp ở thành phố Hangzhou, chủ tịch Yin Wei của 1 công ty sản xuất động cơ và máy điện cho biết: sẽ cung cấp UAV giao hàng với các tiêu chuẩn cao về hiệu quả, an toàn và thông minh.
Kỹ nghệ giao hàng gói tại Hoa Lục đuợc trông đợi phát triển với tỉ lệ trên 25% trong những năm tới.
Báo Hong Kong cho biết: riêng hãng giao hàng lớn nhất nước là SF Express đã phát triển UAV giao hàng sải cánh 10 mét, dài 10 mét, sức chở 1.2 tấn, bay ở độ cao 6000 mét, tầm hoạt động 3000 kilomét, theo 1 tuyên bố 6 tháng trước.
Dự án tương tự của Beihang UAS đang phát triển thủy phi cơ đa dụng sải cánh 14.6 mét, dài 14.4 mét, sức chở 1.5 tấn với tầm hoạt động 2000 kilomét.
Cũng tại hội nghị tiếp vận Hangzhou, chủ tịch Jack Ma của Alibaba chỉ rõ: phải phát triển khả năng tiếp vận đẻ hậu thuẫn các ngành chế xuất mở rộng thị trường.
Alibaba đã định đầu tư 15 tỉ MK trong 5 năm để củng cố hệ thống tiếp vận toàn cầu của mình.
Giuliani: Sessions Đứng Ngoài Điều Tra Hồ Sơ Nga
Là Đúng
WASHINGTON – Cựu thị trưởng Giuliani đang là luật sư của TT Trump nói “Có thể hiểu hoàn toàn lý do bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions quyết định đứng ngoài cuộc điều tra về toa rập”, và ông cũng sẽ làm thế, khi đã chấp nhận việc làm như ông Sessions và như ông Trump muốn.
Ông tự thấy có “xung đột quyền lợi” vì cùng góp sức trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump – điểm khác là ông Giuliani không bao giờ gặp ĐS Nga. Ông kể lại với HuffPost “Đã nói với TT tôi không biết phải làm gì” khi ông Sessions chọn đứng ngoài bất cứ cuộc điều tra nào của Bộ tư pháp, hồi Tháng 3-2017.
Trong thời gian gần đây, ông Trump nhiều lần tỏ ý khó chịu về ông Sessions vì không đuợc ông này bảo vệ.
Nhưng, ông Giuliani tin rằng TT Trump sẽ không sa thải bộ trưởng Sessions, vì là không nên.
Giải thích của ông Giuliani là: tỉ lệ cử tri hậu thuẫn ông Trump đang lên, mọi việc đang diễn ra theo hướng mong muốn của ông Trump, cách chức 1 bộ trưởng, dù là hợp thức, vẫn nêu nghi vấn.
Ông Giuliani thú nhận ý muốn tham gia nội các Trump, muốn là ngoại trưởng – ông có gợi ý “Sessions là thích hợp để làm bộ trưởng tư pháp”.
Như đã phát biểu trước đây với HuffPost, luật sư Giuliani nghĩ rằng TT Trump sẽ đồng ý trả lời phỏng vấn của đoàn Mueller nhưng với điều kiện đuợc cung cấp phúc trình của Bộ tư pháp về sự sử dụng mật báo viên để lấy thông tin từ thành viên của đoàn tranh cử về sự can dự của Nga.
https://vietbao.com/p122a281710/giuliani-sessions-dung-ngoai-dieu-tra-ho-so-nga-la-dung
Hoa Kỳ : Biểu tình phản đối chính quyền
xử tệ với người nhập cư
Ngay khi vừa đặt chân lên lãnh thổ Mỹ, nhiều người nhập cư trong cùng một gia đình bị chia ly. Con cái của họ bị tách ra khỏi gia đình và đưa đến một trạm đón tiếp khác. Đây là một trong những biện pháp của bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions, trong khuôn khổ chính sách cứng rắn « không khoan nhượng » được đưa ra hồi đầu tháng Tư vừa qua.
Từ đó đến nay, hàng trăm trẻ em phải sống trong các trại đón tiếp trong lúc cha mẹ các em bị tống vào trại giam. Nhiều hiệp hội bảo vệ nhân quyền lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Và hôm thứ Sáu, 01/06/2018, họ đã biểu tình trước trụ sở bộ Tư Pháp.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet ghi nhận :
Một nhóm người đồng ca trước một biểu ngữ « Không được ly tán các thành viên trong gia đình » trải dài ngay trước trụ sở bộ Tư Pháp.
Bà Fernanda Durand, phát ngôn viên hiệp hội CASA giúp đỡ những người nhập cư nói :
“Cha mẹ không biết con cái của họ bị đưa đi đâu, họ không biết khi nào thì gặp lại con của mình và các trung tâm đón tiếp, nơi những đứa trẻ bị đưa đến, thì quá tải. Do vậy, chính quyền tính đến việc đưa những đứa trẻ đến các căn cứ quân sự mà không có cha mẹ chúng bên cạnh. Không thể tưởng tượng nổi là người ta lại làm như vậy tại đất nước này”.
Theo số liệu của bộ Y Tế, từ ngày 06 đến 18/05 vừa qua, 658 trẻ vị thành viên đã phải sống xa cha mẹ. Một số em còn rất bé. Natalie Montelogo, phụ trách hồ sơ nhập cư của hiệp hội ACLU chuyên đấu tranh bảo vệ các các quyền công dân cho biết :
“Họ giữ những đứa trẻ từ 18 tháng tuổi. Ở tuổi này, đứa trẻ dễ bị chấn thương tâm thần khi chúng bị tách ra khỏi bố mẹ. Bộ Y Tế và các dịch vụ nhân đạo đã mở các trung tâm để đón tiếp các em. Đôi khi những đứa trẻ phải sống ở đó trong nhiều tháng”.
Bà Artie Hatman cùng với chồng và đứa cháu gái đến biểu tình. Bà tỏ thái độ phẫn nộ :
“Tôi ở tuổi làm mẹ và bà. Tôi thấy việc cách ly những đứa trẻ ra khỏi bố mẹ chúng thật là vô nhân đạo. Đó là một hành vi đê tiện, vô đạo đức, tôi rất buồn khi thấy đất nước lại ra nông nỗi này”.
Ngay hôm thứ Sáu, 01/06, Hillary Clinton đã chính thức lên tiếng phản đối trên mạng xã hội qua tám tweet nói về những đứa con của người nhập cư. Cựu ứng viên tổng thống cho biết bà ghê sợ trước vụ việc này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180603-hoa-ky-bieu-tinh-phan-doi-chinh-quyen-doi-xu-te-voi-nguoi-nhap-cu
Syria : Damas đặt điều kiện đối thoại
về chiến trường miền nam
Trong khi tiếp tục chuẩn bị các cuộc tấn công lớn vào quân nổi dậy ở miền nam, hôm qua, 02/06/2018, ngoại trưởng Syria, Walid Moallem, đặt điều kiện Mỹ phải rút quân thì mới thương lượng về khu vực miền nam hiện đang do quân nổi dậy Syria kiểm soát một phần, nằm giáp Jordani và vùng đất Israel chiếm đóng.
Thông tín viên RFI tại khu vực, Paul Khalifeh tường trình :
Tuyên bố của ông Walid Moallem được đưa ra trong khi căng thẳng lên cao ở phần phía nam đất nước. Tại đó, quân đội Syria đang điều quân tăng cường chuẩn bị tấn công vào Deraa và Quneitra. Đây là hai tỉnh đang do quân nổi dậy Syria kiểm soát một phần, nằm tiếp giáp với Jordani và vùng cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Quân thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang co cụm trong một khu vực rộng 250km2, trong vùng hạ lưu Yampouk.
Điều kiện đặt ra của Walid Moallem để đối thoại về miềm nam Syria xuất hiện khi có tin về một đề nghị của Nga nhằm củng cố lệnh ngừng bắn trong khu vực này đã có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái. Kế hoạch của Nga là quân Mỹ rút khỏi căn cứ Tanaf, nằm ở ngã ba biên giới Syria-Irak-Jordani. Đổi lại, lực lượng của Iran phải lùi lại cách Israel 60 km.
Nhưng ông Walid Moallem bác bỏ có sự hiện diện của các nhóm quân Iran tại Syria. Ông khẳng đính Iran chỉ có các cố vấn ở Syria. Theo ông, sự có mặt đó là hoàn toàn hợp pháp theo như thỏa thuận của Damas. Trong khi đó Damas không có thỏa thuận nào cho triển khai quân Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Pháp ở Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180603-syria-damas-dat-dieu-kien-doi-thoai-ve-chien-truong-mien-nam
Tây Ban Nha : Le lói hy vọng hòa giải
giữa Madrid và Barcelona
Hôm qua, 02/06/2018, trong lúc tại Madrid, lãnh đạo đảng Xã Hội Pedro Sanchez nhậm chức thủ tướng trước sự chứng kiến của nhà vua Tây Ban Nha, thì tại Barcelona ông Quim Torra cũng có một nghi thức tương tự để trở thành tân lãnh đạo vùng Catalunya. Hai sự kiện diễn ra cùng ngày này đang đem lại không khí lạc quan về tương lai hòa giải giữa chính quyền trung ương và vùng ly khai Catalunya.
Thông tín viên François Musseau tại Madrid :
Sau nhiều tháng đối đầu với những lời lẽ cứng rắn cùng những đe doa, liệu cuối cùng người ta có thể thấy được sự xích lại gần nhay hay thậm chí đồng thuận giữa chính quyền trung ương Madrid và những thành phần ly khai Catalunya mà các lãnh đạo chủ chốt của họ đang hoặc trong tù hoặc phải tị nạn ở nước ngoài né tránh tư pháp ?
Câu hỏi này đang đang mọi người đặt ra ở Tây Ban Nha giờ đây. Đa số hy vọng ông Pedro Sanchez lên nắm quyền sẽ làm thay đổi về chiều sâu quan hệ thù địch hiện nay giữa Madrid và Barcelona. Trong diễn văn nhậm chức, lãnh đạo đảng Xã Hội hứa sẽ chứng tỏ thiện chí hòa giải hơn nữa với các lãnh đạo phe ly khai muốn đơn phương ra khỏi Tây Ban Nha.
Về phần mình, ông Quim Torra tỏ vui mừng rõ rệt trước việc thủ tướng Rajoy bị đổ. Ông Rajoy là người đã quyết định đặt Catalunya dưới quy chế bảo trợ của trung ương và là người « không hề muốn đối thoại ». Dẫu sao thì vẫn còn có lý do phải thận trọng. Lãnh đạo Catalunya giờ đây lấy khẩu hiệu ủng hộ các tù nhân chính trị để « ám chỉ tới các đồng đội đang bị ngồi tù vì nổi dậy chống Nhà nước Tây Ban Nha ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180603-tay-ban-nha-le-loi-hy-vong-hoa-giai-giua-madrid-va-barcelona
NATO bắt đầu cuộc tập trận Saber Strike
tại Đông Âu
Khoảng 18.000 binh sĩ của 19 nước, chủ yếu là thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay 03/06/2018 bắt đầu cuộc tập trận thường niên tại Ba Lan và các nước Baltic. Cuộc tập trận mang tên Saber Strike này do Mỹ dẫn đầu.
Đây là năm thứ 8 NATO tổ chức cuộc tập trận Saber Strike. Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 03 đến ngày 15/06, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu ở sườn phía đông khối NATO và trấn an các nước Đông Âu đồng minh của Mỹ, hiện đang lo ngại về các cuộc tập trận của Nga gần biên giới và cuộc khủng hoảng Ukraina. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực sườn phía đông NATO.
Tuần trước, Ba Lan thông báo sẽ đóng góp tài chính để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này. Vacxava dự kiến đóng góp 1.5-2 tỉ đô la để Mỹ triển khai một đơn vị thiết giáp tại Ba Lan. Nga phản ứng ngay lập tức và cho rằng việc triển khai đơn vị thiết giáp của Mỹ tại Ba Lan « không hề có lợi cho an ninh và sự ổn định tại châu lục ».
Trước đó, để củng cố liên minh quân sự với Washington, hồi tháng 03/2018, Vacxava cũng ký hợp đồng mua hệ thống phòng vệ tên lửa Patriot của Mỹ với giá 4.75 tỉ đô la. Matxcơva phản đối kế hoạch lắp đặt hệ thống Patriot tại Ba Lan vì cho rằng việc này vi phạm một hiệp ước có từ năm 1987.
Trước thượng đỉnh Trump – Kim,
James Mattis cứng giọng với Bình Nhưỡng
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis ngày 03/06/2018 tuyên bố chừng nào Bắc Triều Tiên chưa tiến hành phi hạt nhân hóa “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, thì nước này chưa được giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.
Tại buổi họp báo chung với các đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản, sau một cuộc gặp bên lề hội nghị Shangri – La tại Singapore, lãnh đạo Lầu Năm Góc còn kêu gọi các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc « hợp tác chặt chẽ », có cùng một « quan điểm cứng rắn » nhằm tạo thành « một thế mạnh cho cuộc đàm phán » vào thời điểm quan trọng này.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ lưu ý các cường quốc khu vực nên thực thi đây đủ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua.
Tuy nhiên, theo quan sát của AFP, ông James Mattis đã tránh phát biểu công khai về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Donald Trump và Kim Jong Un dự kiến diễn ra vào ngày 12/06 cũng tại Singapore. Điều này đã được tổng thống Mỹ khẳng định ngày 02/06 sau khi tiếp đặc sứ Bắc Triều Tiên, ông Kim Yong Chol tại phòng Bầu Dục.
Trong khi đó, theo hãng tin Yonhap ngày 03/06/2018, hai phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên bước vào vòng đàm phán thứ 4 tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180603-truoc-thuong-dinh-trump-kim-james-mattis-ran-giong-voi-binh-nhuong
Giải trừ hạt nhân : Hoa Kỳ, một tấm gương xấu
Hoa Kỳ có lý do để yêu cầu Bắc Triều Tiên phải tôn trọng hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Nhưng Hoa Kỳ lại không làm gương. Ông Jeffrey D. Sachs, giám đốc Viện Nghiên Cứu Trái Đất, đại học Columbia, trên báo Les Echos (31/05/2018) cho rằng « Giải trừ hạt nhân cũng cần được áp dụng cho cả Hoa Kỳ ».
Theo tác giả, có hai kiểu chính sách đối ngoại : Mô hình thứ nhất dựa trên ý tưởng « kẻ mạnh đề ra luật lệ ». Kiểu thứ hai dựa trên luật pháp quốc tế. Thế nhưng, Hoa Kỳ lại muốn sử dụng cả hai : Họ buộc các nước khác phải tuân thủ luật lệ quốc tế, đồng thời tự miễn ràng buộc này. Không có một lĩnh vực nào chứng minh rõ điều đó như trong hồ sơ giải trừ hạt nhân.
Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Triều Tiên phải gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP), và chính dựa trên cơ sở này mà Washington đã thúc đẩy Hội Đồng Bảo An ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.
Cũng bằng cách thức này, Israel kêu gọi có những biện pháp trừng phạt chống lại Iran để ngăn chận nước này phát triển vũ khí hạt nhân vi phạm Hiệp ước TNP. Thế nhưng, Hoa Kỳ vi phạm nghiêm trọng hiệp ước này và Israel còn tệ hơn : không những không tham gia ký kết, đòi quyền giữ vũ khí hạt nhân mà không thừa nhận sở hữu loại vũ khí này.
Tác giả bài viết nhắc lại, các bên tham gia ký kết TNP (được đúc kết vào năm 1968) cam kết tuân thủ ba nguyên tắc chính :
– Các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết không tiến hành chuyển giao loại vũ khí này và không giúp đỡ những nước chưa có sản xuất hay mua vũ khí hạt nhân.
– Tất cả các nước đều có quyền phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân cho những mục đích ôn hòa.
– Tất cả các bên tham gia hiệp ước, kể cả các cường quốc hạt nhân, cam kết tiến hành đàm phán hướng đến việc giải trừ tổng thể.
Chạy đua vũ trang
Mục tiêu cơ bản của TNP là thay thế cuộc đua vũ trang hạt nhân bằng việc giải trừ, để không kéo dài thế độc quyền của một vài nước hiện đang nắm giữ vũ khí nguyên tử. Nhất là phải làm sao tránh kéo dài thế độc tôn vũ khí hạt nhân trong khu vực bởi một số nước không tham gia ký kết hiệp ước, chẳng hạn Israel dường như tin là có thể không cần thương lượng với Palestine do có ưu thế về quân sự.
Phần đông cộng đồng quốc tế – ngoại trừ những cường quốc hạt nhân hiện tại và các đồng minh quân sự của họ – đã nhiều lần kêu gọi giải trừ hạt nhân bằng cách thông qua hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân năm 2017. Hiệp ước này yêu cầu tất cả các nước nắm giữ vũ khí hạt nhân hợp tác « nhằm kiểm chứng việc loại trừ không thể đảo ngược chương trình hạt nhân của họ ».
Tổng cộng có 122 quốc gia bỏ phiếu thuận, 1 chống, 1 vắng và 69 nước khác không tham gia bỏ phiếu – chủ yếu là các cường quốc hạt nhân và các nước thành viên của NATO. Cho đến lúc này, 58 nước đã ký kết hiệp ước và 8 nước đã phê chuẩn.
Thái độ trâng tráo của Mỹ
Căn cứ theo những nghĩa vụ của Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ TNP, chính quyền Washington yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, một đòi hỏi được Hội Đồng Bảo An ủng hộ. Thế nhưng, điều mà Hoa Kỳ muốn không phải là đạt được một sự giải trừ hạt nhân thật sự, mà là nhằm bảo đảm thế thống trị hạt nhân của họ. Thái độ trâng tráo này thật sự gây sửng sốt.
Trong một tài liệu chính thức công bố hồi tháng Hai năm 2018, nhan đề Tổng quan tình trạng hạt nhân (Nuclear Posture Review), Hoa Kỳ muốn hiện đại hóa ồ ạt kho vũ khí hạt nhân của họ, chỉ có vài từ về mặt hình thức nhắc đến nghĩa vụ của họ trong khuôn khổ TNP :
« Cam kết của chúng tôi ủng hộ các mục tiêu của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng tôi phải thừa nhận là môi trường hiện nay, trong ngắn hạn, làm cho mọi tiến triển hướng tới việc giảm trừ vũ khí hạt nhân là cực kỳ khó khăn…
Vũ khí hạt nhân, trong một tương lai có thể biết trước được, đang và sẽ tiếp tục có một vai trò chính yếu để răn đe một cuộc tấn công hạt nhân và tránh được một cuộc chiến quy ước có quy mô lớn giữa các nước có trang bị vũ khí nguyên tử ».
Ảo tưởng quyền uy tuyệt đối
Nếu một chế độ suy đồi, thì sức mạnh hạt nhân tạo ra ảo tưởng về quyền lực tuyệt đối. Hoa Kỳ là quốc gia chủ chốt trên thế giới chủ ý can thiệp nhiều nhất vào các cuộc xung đột ở Trung Đông, châu Phi và nhiều nơi khác nữa.
Trong suốt 50 năm qua, Hoa Kỳ vi phạm trắng trợn luật quốc tế và Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc, nhiều lần gởi quân tham gia vào các chiến dịch lật đổ chế độ. Trong số các vụ mới đây, có thể kể đến vụ lật đổ Saddam Hussein tại Irak và Mouammar Kadhafi ở Libya.
Từ đó, tác giả kêu gọi phi hạt nhân hóa nhanh chóng và hiệu quả Bắc Triều Tiên, và làm tương tự đối với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và nhiều nước khác nữa. Thế giới không sống dưới một nền hòa bình theo kiểu Mỹ, mà là đang sống trong nỗi lo sợ, do hàng tỷ con người đang sống cùng với rủi ro chết ngạt hạt nhân, chưa tính đến hàng triệu người khác bị cỗ máy quân sự Mỹ đẩy vào cuộc chiến vượt ngoài tầm kiểm soát.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180601-giai-tru-hat-nhan-hoa-ky-mot-tam-guong-xau
Khí hậu : Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu bị kiện
Lần đầu tiên nạn nhân khí hậu khởi kiện Liên Hiệp Châu Âu – khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng mạnh sau ba năm chững lại. Dân Hàn Quốc bắt chước hai lãnh đạo Moon – Kim siết tay nhau tại « Bàn Môn Điếm ». Thủ tướng Đức lặng lẽ thăm vợ các nhà tranh đấu Trung Quốc. Starbucks đóng cửa đồng loạt 8.000 quán cà phê. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Khoảng 30 người từ tám quốc gia đã đệ đơn lên Tòa Án Công Lý của Liên Hiệp Châu Âu ngày 24/05/2018. Các nguyên đơn khiếu nại là Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu đã «không có các biện pháp thích hợp » để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho sinh kế của họ.
Mạng lưới Hành động Khí hậu (Réseau Action Climat), tập hợp nhiều tổ chức phi chính phủ vì khí hậu trên khắp châu Âu, ủng hộ vụ kiện này (được gọi tên là « People’s climate case »), cho biết đây là lần đầu tiên các nạn nhân kiện Liên Hiệp Châu Âu.
Trả lời AFP, nữ luật sư Roda Verheyen giải thích hầu hết nguyên đơn là các gia đình sống tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như gần bờ biển, có rừng, sống trên núi hay trong các xứ sở băng giá.
Cụ thể là : Một nguyên đơn người Pháp, ông Maurice Feschet, 72 tuổi (ở tỉnh Drome, miền tây nam), cho biết khô hạn tăng cao và tiết băng giá đến muộn hơn khiến cho thu hoạch cây oải hương của trang trại ông giảm rất mạnh (khoảng 40% sản lượng), đặc biệt từ 15 năm trở lại đây.Hay ông Armando Carvalho ở Bồ Đào Nha khiếu kiện vì rừng của ông ở miền trung bị cháy trong mùa hè khô hạn năm vừa qua. Các gia đình thổ dân người Sami Thụy Điển kiện vì thời tiết thất thường gây khó khăn cho việc nuôi tuần lộc. Trong số nguyên đơn, có các công dân ở Kenya (châu Phi) hay đảo Fidji (Thái Bình Dương).
Thỏa thuận về Khí hậu 2015, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh đến khái niệm « công lý khí hậu ». Kể từ đó, việc khiếu kiện khí hậu tăng vọt. Theo một viện nghiên cứu về khí hậu ở Luân Đôn (Grantham Research Institute on Climate Change), hiện tại, trên thế giới có khoảng 1.500 luật liên quan đến Trái đất bị hâm nóng, tăng gấp 20 lần so với năm 1997.
Đọc thêm : COP 21 mở đầu cho một tiến trình mang tính ràng buộc (phần cuối)
Trước vụ kiện Liên Hiệp Châu Âu nói trên, còn có ba vụ nạn nhân khí hậu kiện các chính quyền Hà Lan, Đức, Mỹ và vụ kiện chống lại 47 tập đoàn đa quốc gia, bị coi là thủ phạm của tình trạng bão tố gia tăng ở Philippines. Vụ án hiện đang được thụ lý.
Kinh tế tăng mạnh, năng lượng tái tạo phát triển chậm
Vụ kiện trên đây của những người tự coi là « nạn nhân » của biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính diễn ra chỉ ít ngày, trước khi một kết quả điều tra về tình trạng khí thải của G20 – khối 20 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (chiếm 80% tiêu thụ năng lượng toàn cầu) – được công bố (nghiên cứu của Văn phòng Enerdata chuyên về kinh tế và môi trường). Kết quả gây lo ngại lớn.
Sau ba năm gần như không tăng, thậm chí có giảm, kể từ 2016 và đặc biệt là 2017, cùng với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tăng mạnh, khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng bắt đầu ngóc lên mạnh trở lại. Mục tiêu của thượng đỉnh khí hậu COP21, giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C, vốn đã hết sức mong manh, nay với đà này trở nên gần như vô vọng.
Đọc thêm : Lập liên minh quốc tế ‘‘đoạt tuyệt than đá’’ để bảo vệ khí hậu
Kinh tế tăng trưởng mạnh, cùng với việc năng lượng tái tạo chưa phát triển tương ứng, là nguồn gốc chính của tình hình. Trong lúc Trung Quốc có xu hướng giảm khí thải, do tăng trưởng không còn mạnh như trước, Ấn Độ và một số quốc gia trong khu vực đang nổi lên như một đầu máy mới của tăng trưởng toàn cầu.
Bàn Môn Điếm giả, hy vọng thật
Thế giới đang ngóng chờ cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày 12/06 tới, với hy vọng một thỏa thuận được ký kết, cho phép bán đảo Triều Tiên giải trừ hạt nhân một cách hòa bình. Tại Hàn Quốc, một địa điểm đột ngột thu hút nhiều khách du lịch nhờ một mô hình Bàn Môn Điếm giả, nơi khách thăm có thể tưởng tượng mình trong vai tổng thống Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, mà nhiều người vẫn coi là một kẻ độc tài tàn bạo. Bên cạnh niềm vui và hy vọng gia tăng trong bối cảnh quan hệ hai miền cải thiện chưa từng có, nhiều người vẫn giữ trong lòng nỗi nghi kỵ.
Phóng sự của thông tín viên Frederic Ojardias thực hiện tại Seoul :
« Tòa nhà màu xanh da trời nằm vắt qua biên giới, với đường phân giới tuyến bằng một dải bê tông… Ngôi nhà Bàn Môn Điếm này trên thực tế chỉ là cảnh giả trong một trường quay phim, nhưng người ta sẵn lòng tin đây là cảnh thật, nếu như không để mắt đến một con tàu cướp biển khổng lồ nằm cách đó chừng 20 mét !
Nhiều du khách, nhiều nhóm gia đình, bạn bè đến đây chụp cảnh bắt tay nhau, mỗi người đứng một bên đường biên giới giả, giống như Kim Jong Un và Moon Jae In. Ông Wie Seong Hyn, 60 tuổi, đi cùng với các đồng nghiệp, cho biết : ‘‘Tôi rất quan tâm đến các cuộc gặp của họ, bởi vậy mà tôi quyết định đến đây. Một cuộc thượng đỉnh thôi thì sẽ không đủ để cho chúng tôi rũ bỏ hết nỗi ngờ vực đối với Kim Jong Un và chế độ của ông ta… Thế nhưng từ đó đến nay, cảm nhận tiêu cực của tôi về Kim Jong Un và các lãnh đạo Bắc Triều Tiên khác đã bớt đi đáng kể’’.
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay hôm sau cuộc thượng đỉnh đầu tiên, gần 80% người dân Hàn Quốc thậm chí cho biết tin tưởng vào Kim Jong Un. Một sự thay đổi kỳ lạ đối với một lãnh đạo vốn bị cáo buộc về các hành động xâm hại nghiêm trọng, chống lại dân chúng Bắc Triều Tiên.
Hệ quả là : một công luận Hàn Quốc có thiện cảm với miền Bắc có thể làm tổn hại cho liên minh giữa Seoul và Washington. Đa số người Hàn Quốc giờ đây muốn đối thoại và không chấp nhận biện pháp quân sự mà Hoa Kỳ thường đưa ra trước đây.
Ông Lee Jong Cheol, 51 tuổi, bày tỏ : ‘‘Tin tưởng à ? Không, chúng tôi không thực sự tin vào Kim Jong Un đâu ! Nhưng dù gì đi nữa, tin hay không tin, cũng vẫn phải đối thoại với ông ta, phải thông qua các thỏa thuận và theo dõi… Nếu ta muốn phi hạt nhân hóa (Bắc Triều Tiên), thì cần phải làm việc thực sự với ông ta. Nếu đối kháng với Kim Jong Un, quan hệ của chúng tôi với miền Bắc sẽ đi vào ngõ cụt’’.
Về phần mình, ông Kang Byung Chan, 70 tuổi, đến đây dã ngoại với bạn bè, không dấu vẻ hoài nghi. Ông nói : ‘‘Có thể do tuổi tác, nhưng chúng tôi không thể tin vào chế độ miền Bắc. Họ đã đánh lừa chúng tôi nhiều lần rồi. Nếu (tiến trình đối thoại) diễn ra tốt đẹp, thì rất hay. Nhưng nếu không…, vẫn phải tiếp tục ! ’’».
Thủ tướng Đức lặng lẽ ủng hộ vợ hai nhà nhân quyền
Nam Bắc Triều Tiên đang vượt qua các ngăn cách hơn nửa thế kỷ để tìm kiếm hòa bình với sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, trong lúc tại nước láng giềng Trung Quốc, có một hố sâu ngăn cách khủng khiếp trong lòng xã hội, vô cùng khó vượt qua, giữa một bên là chính quyền cộng sản và bên kia là giới tranh đấu vì dân chủ và nhân quyền. Oái ăm thay, dường như lại chính nhờ sự can thiệp từ bên ngoài mà dường như chiếc hố ngăn cách giữa người Trung Quốc với nhau có hy vọng giảm bớt phần nào.
Thông tín viênNathalie Versieux tường trình từ Berlin :
« Hôm thứ Hai vừa qua, các phu nhân của hai luật sư bị bắt cho biết là đã gặp thủ tướng Đức Angela Merkel, trong chuyến công du Trung Quốc của bà hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần trước. Bà Lý Văn Túc (Li Wenzu) là vợ của luật sư Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), bị bắt hồi tháng 7/2015. Kể từ đó, gia đình không hề có tin ông, thậm chí cũng không biết là ông có còn sống hay không.
Luật sư Vương Toàn Chương từng bảo vệ nhiều người dân bị trưng thu đất đai, các nhà tranh đấu cho nhân quyền hay các thành viên của giáo phái Pháp Luân Công, bị cấm tại Trung Quốc. Hôm thứ Hai này, vợ ông Vương Toàn Chương đã đưa ra một số bức ảnh, trong đó bà đứng bên Angela Merkel. Thủ tướng Đức hứa sẽ tiếp tục ủng hộ bà.
Người đứng đầu chính phủ Đức cũng đã gặp bà Hứa Diễm (Xu Yan), vợ của luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wensheng), bị bắt hồi đầu năm nay, vì kêu gọi bầu cử tự do tại Trung Quốc.
Thủ tướng Đức duy trì quan hệ tốt với các lãnh đạo Trung Quốc, mỗi lần công du Bắc Kinh, bà đều đề cập đến vấn đề nhân quyền, tuy nhiên luôn theo cách hết sức kín đáo ».
Chống kỳ thị chủng tộc : Starbucks tổ chức đào tạo khẩn
8.000 cửa hàng cà phê của tập đoàn Starbucks phải đóng cửa hôm thứ ba, 29/03/2018, không phải do bãi công hay nghỉ lễ. Lý do là hãng tổ chức huấn luyện chống kỳ thị chủng tộc cho toàn thể 175.000 nhân viên. Khóa đào tạo được bất ngờ tổ chức, sau vụ hai thanh niên da đen đột ngột bị còng tay khi vào một quán cà phê của Starbucks.
Phóng sự của thông tín viên Gregoire Pourtier trên đường phố Brooklyn, New York :
« Trên con phố này của Brooklyn, tất cả mọi người đều nghe nói về vụ hai khách hàng người da đen ở Philadelphia gặp chuyện rủi ro, nhiều người cũng biết là công ty Starbucks đã dự kiến có một chương trình đào tạo chống kỳ thị chủng tộc cho các nhân viên của hãng. Tuy nhiên hiếm có ai biết là vào buổi chiều thứ Ba này, 8.000 cửa hàng cà phê của công ty bị đóng cửa.
Mora – một người Mỹ gốc châu Phi – cho biết còn nhiều việc cần phải làm để chống lại nạn kỳ thị nói chung, bởi không phải là khi đến uống một ly capuccino ở quán mà cô phải chịu sự kỳ thị nặng nề nhất. Mora thừa nhận : ‘‘rõ ràng đây là một phản ứng tích cực, đây là điều dễ thực hiện. Trái bóng ở trong chân của họ và họ đã có một quyết định đúng…’’.
Ở kế bên, Mike, một người Mỹ gốc Phi châu cho biết anh có hình ảnh tích cực về công ty Starbucks. Anh nói : ‘‘công ty đã tuyển mộ nhiều người trong các cộng đồng thiểu số, như vậy tôi không có gì để trách cứ Starbucks cả. Điều phải thay đổi là một số nhân viên cần cải thiện cách giao tiếp với khách hàng’’.
Tấm áp phích kín đáo của Starbucks thông báo cửa hàng đóng từ 14g30 thay vì 21g30, với lời giải thích, mục tiêu là để ‘‘giúp cho các ê kíp trở lại với sứ mạng căn bản, với việc chia sẻ các ý tưởng để Starbucks có thể niềm nở với khách hàng hơn nữa’’.
Về phần mình, Philip, một người da trắng, khẳng định là anh không ngây thơ gì. Philip cho biết : ‘‘bất cứ đào tạo nào cũng có thể mang lại các ích lợi. Nhưng đây chủ yếu là một biện pháp tuyên truyền, để chứng minh rằng công ty này là một doanh nghiệp có ý thức công dân’’.
Một khách hàng khác thì trách cứ Starbucks đã thường xuyên phá hoại thị trường, đè bẹp các quán cà phê độc lập kế bên. Dù sao, ông cũng hoan nghênh một sáng kiến khác được đưa ra sau vụ ồn ào này. Đó là kể từ giờ, mọi người có thể tự do sử dụng nhà vệ sinh trong các quán cà phê của Starbucks hay vào đây nghỉ chân chốc lát, mà không cần phải mua hàng của quán ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180601-khi-hau-lan-dau-tien-lien-hiep-chau-au-bi-kien