Tin Biển Đông ngày – 02/06/2018
Tranh chấp Biển Đông:
Mỹ nói TQ đang ‘uy hiếp láng giềng’
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Trung Quốc đang triển khai tên lửa ở Biển Đông để đe dọa và uy hiếp các nước láng giềng.
Phát biểu tại diễn đàn Đối thoại an ninh khu vực Shangri-la ở Singapore, Tướng Mattis nói các hành động của Trung Quốc đặt ra nghi vấn về mục đích thực sự của Bắc Kinh.
“Mặc cho các tuyên bố ngược lại của Trung Quốc, việc lắp đặt các hệ thống vũ khí gắn liền trực tiếp với mục đích quân sự nhằm mục đích đe dọa và uy hiếp,” Tướng Mattis nói.
Mỹ bỏ TQ, mời VN tập trận lớn nhất thế giới
TQ nói Mỹ ‘kiếm cớ không mời Bắc Kinh tập trận’
Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương
Ông Mattis cho biết chính phủ của ông Donald Trump muốn có một mối quan hệ xây dựng với Trung Quốc nhưng sẽ cạnh tranh quyết liệt nếu cần thiết.
Ông nói: “Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông tương phản hoàn toàn với sự cởi mở mà chiến lược của chúng tôi thúc đẩy.”
Tháng trước, lực lượng không quân của Trung Quốc đã hạ cánh các máy bay ném bom trên các hòn đảo và rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, gây phản ứng từ phía Việt Nam và Philippines.
Các bức ảnh vệ tinh chụp vào ngày 12/5 cho thấy Trung Quốc dường như đã triển khai xe tải chở tên lửa mặt đất-đối-không gắn hoặc các tên lửa hành trình chống tàu tại đảo Phú Lâm.
Tờ báo Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc bình luận rằng tranh chấp ở Biển Đông là “do Mỹ tiếp tục gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực, theo lẽ thường tình Trung Quốc buộc phải nâng cấp vũ khí phòng thủ của mình trên các hòn đảo.”
“Điều này lại cho Hoa Kỳ thêm lý do để gây áp lực quân sự, khiến căng thẳng khu vực rơi vào vòng xoáy,” bài bình luận của tờ này viết.
Mattis thừa nhận sự quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng cảnh báo sẽ có hậu quả.
Mattis nói: “Tôi tin rằng có nhiều hậu quả lớn hơn trong tương lai khi các quốc gia đánh mất mối quan hệ với láng giềng của mình… và cuối cùng những hành động này cũng không đem lại kết quả gì.”
Ông cũng nhắc lại rằng Lầu Năm Góc cũng cam kết hợp tác với Đài Loan để cung cấp thiết bị và dịch vụ cần thiết để Đài Bắc tự phòng vệ – một bình luận có thể sẽ làm Trung Quốc nổi giận, theo Reuters.
“Mỹ đã mở rộng sự hợp tác của mình và tăng cường kết nối trong khu vực … vì vậy đừng nhầm lẫn, Mỹ sẽ luôn hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đây là sân khấu chính của chúng tôi, lợi ích của chúng tôi và khu vực này gắn bó chặt chẽ với nhau.”
Mattis nói ông cũng sẽ đến Bắc Kinh trong tháng này.
Mỹ cũng đã hủy mời Trung Quốc, nhưng mời Việt Nam tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2018 tại Hawaii từ 27/6 đến 2/8.
Trung tá Thủy quân lục chiến Christopher Logan, phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng nói với báo giới rằng động thái không mời Trung Quốc là bước đầu để phản đối hành động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44340680
Hoa Kỳ nói có thể
cho nổ tung đảo nhân tạo như ở Biển Đông
Một quan chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vào ngày 31 tháng 5 lên tiếng cho rằng Quân Đội Mỹ có kinh nghiệm ‘xóa sổ’ những đảo nhỏ trên biển.
Truyền thông quốc tế dẫn phát biểu của Trung tướng Thủy Quân Lục Chiến, Kenneth McKenzie, Giám Đốc Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ, khi được báo giới hỏi về khả năng cho ‘nổ tung’ những đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông; thì ông nói rõ kinh nghiệm ‘xóa sổ’ những đảo nhỏ có được trong hoạt động đã thực hiện tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trung tướng Kenneth McKenzie nói thêm ông nêu lại những dữ kiện lịch sử chứ không phải cố đưa ra thông điệp gì cho Trung Quốc. Theo lời của tướng Kenneth McKenzie thì trong Thế Chiến Thứ 2, Hoa Kỳ từng có kinh nghiệm xóa bỏ những đảo nhỏ cô lập trên biển; đó là một năng lực chính yếu mà Quân Đội Mỹ từng thi thố trước đây.
Phát biểu của tướng Kenneth McKenzie được đưa ra vào khi đối đầu gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Vào đầu tuần, Bắc Kinh cho tàu chiến ra đối mặt với hai chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ được nói tiến hành chiến dịch tự do hàng hải đi vào khu vực 12 hải lý của những đảo thuộc Hoàng Sa. Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Hoa Lục khi điều tàu chiến vào vùng biển đó.
Vào ngày 30 tháng 5, Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, mà vừa được đổi thành Bộ Chỉ Huy Ấn Độ- Thái Bình Dương, nói rõ Trung Quốc là thách thức lớn nhất và lâu dài của Hoa Kỳ.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc tiến hành bồi đắp những đá tại Biển Đông thành đảo nhân tạo, rồi tiến hành xây dựng căn cứ và đưa trang thiết bị, vũ khí. Nhiều nước trên thế giới cho rằng Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa những đảo tiền tiêu đó với mục tiêu thống lĩnh khu vực có tuyến hàng hải quan trọng đó.
Tàu Anh vào Biển Đông
thực thi ‘quyền tự do đi lại’
Anh Quốc chú trọng tới việc duy trì quy tắc ‘tự do đi lại trên biển’ và thể hiện thái độ bằng việc cho các tàu hải quân đi qua Biển Đông, nhà nghiên cứu Bill Hayton nêu vấn đề trong một bài viết đăng trên Chattham House hôm 1/06/218.
Đây là quy tắc đã giúp ngăn việc làm nổ ra xung đột giữa các cường quốc từ 70 năm qua, tác giả viết.
Trong tháng Năm vừa qua, các tàu Anh HMS Albion và HMS Sutherland đã đi qua các vùng biển mà Trung Quốc đang tìm cách hạn chế quyền đi lại.
TQ nói tàu hải quân Mỹ ‘khiêu khích’
Tàu chiến Mỹ áp sát các đảo TQ tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa
Tàu sân bay Mỹ ‘tái xuất’ ở Biển Đông
HMS Albion đi qua Quần đảo Trường Sa hồi đầu tháng, trên đường từ Brunei tới Nhật Bản.
Không rõ HSM Sutherland đi vào thời điểm nào, nhưng tàu này gần đây đã đi từ Nhật Bản tới Singapore với hải trình cũng đi qua vùng biển đó.
Các sự kiện trên cho thấy Anh nhìn nhận tầm quan trọng của việc cần làm sống lại lợi ích của Anh trong vấn đề an ninh châu Á sau bốn năm không có chiếc tàu nào của hải quân Anh tới vùng châu Á – Thái Bình Dương, tác giả Bill Hayton nhận xét.
Lý giải nguyên nhân khiến Anh coi trọng việc tàu thuyền đi qua những vùng biển nằm rất xa nước Anh, Bill Hayton nói rằng lý do rất đơn giản.
Đó là bởi Trung Quốc đang tìm cách đi ngược lại điều đã được quốc tế đồng thuận từ nhiều năm nay khi muốn đóng cửa các vùng biển, không cho tàu bè quân sự qua lại.
Nếu thái độ của Bắc Kinh không bị phản ứng thì thế giới sẽ quay trở lại kỷ nguyên xưa, khi mà các lực lượng hải quân phải giành giật tìm cách đi qua các rào cản, và khi việc giao thương trên biển, mạch máu chính của nền kinh tế toàn cầu, bị phụ thuộc vào các quốc gia ven biển.
Do vậy, việc Anh cho tàu đi qua Quần đảo Trường Sa là động tác của Anh nhằm đẩy lui nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ‘rào dậu’ vùng biển này, và nhằm đứng lên bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển cho toàn thế giới, và Trung Quốc nên đứng lên nói rõ rằng họ cũng tôn trọng các quyền trên, Bill Hayton viết.
Luật pháp quốc tế quy định thế nào về quyền tự do đi lại trên biển?
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), tàu thuyền quân sự các nước được phép đi tới hầu như bất kỳ nơi nào.
Nói cách khác, việc tàu hải quân các nước đi vào các vùng biển, kể cả những nơi có tranh chấp căng thẳng như Biển Đông, là hoàn toàn hợp pháp.
Luật quốc tế quy định rằng các quốc gia chỉ có quyền ‘sở hữu’ biển tới phạm vi cách bờ biển nước mình tối đa là 12 hải lý.
VN yêu cầu TQ chấm dứt đưa phi cơ ném bom đến Hoàng Sa
Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông
Đá Subi sẽ là căn cứ lớn của TQ ở Trường Sa?
Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?
Nhưng ngay cả như vậy, luật vẫn cho phép tàu quân sự được đi qua ‘vùng lãnh hải’ đó, tới tận sát bờ biển nước chủ nhà, với điều kiện là không làm gì đe dọa đến ‘hòa bình, trật tự hoặc an ninh’, và không gây phương hại tới sự an toàn của bất kỳ ai.
Đây là điều khoản mà bản thân Trung Quốc từng vận dụng, Bill Hayton nói.
Nhà nghiên cứu từ Chattham House, đồng thời là phóng viên BBC nhìn lại sự kiện hồi 7/2017, khi ba tàu hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu khu trục mang theo tên lửa dẫn đường Lớp 052D, đi qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp, để minh họa.
Eo biển này ở chỗ hẹp nhất chỉ rộng có 18 hải lý, và do đó đoàn tàu của Trung Quốc phải đi qua vùng lãnh hải hoặc của Anh, hoặc của Pháp.
Hải quân Trung Quốc đã dùng quyền ‘đi qua vô hại’ để tiến vào Biển Baltic tham dự tập trận với hải quân Nga, bằng cách đi ngang qua các căn cứ hải quân của Anh ở Plymouth và Portmouth mà không hề bị ai phản đối.
Đó là một ví dụ rõ ràng về quyền tự do đi lại trên biển.
Để so sánh, nếu Anh có thái độ giống như thái độ của Bắc Kinh ở Biển Đông đối với các tàu hải quân của Mỹ, thì Anh đã có thể chặn đường, không cho các tàu hải quân Trung Quốc đi qua eo biển này.
Tương tự, ở Á châu, các nước Indonesia, Malaysia và Singapore cũng có thể lập luận tương tự để chặn Eo biển Malacca, không cho tàu Trung Quốc qua.
Và giả sử các nước ven biển đều làm vậy, thì hậu quả đối với hòa bình quốc tế sẽ vô cùng thảm khốc.
Hồi cuối tháng Năm, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ vừa áp sát các hòn đảo thuộc vùng biển Quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản đối, gọi đó là hành động “vi phạm pháp luật Trung Quốc và pháp luật quốc tế” và “làm tổn hại niềm tin giữa quân đội hai nước”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng khi đó nói rằng khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam của hải quân Mỹ đã đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc khi chưa được chính phủ Trung Quốc cho phép.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44339588
Thủ tướng Ấn Độ cổ vũ cho tự do hàng hải
ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương
Trong bài phát biểu tại Đối Thoại Shangri La ở Singapore vào hôm qua, 01/06/2018, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải, sự toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia không phân biệt lớn lớn nhỏ trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo giới phân tích, dù lời kêu gọi của lãnh đạo cường quốc lớn thứ hai tại châu Á không đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, nhưng phát biểu của ông Modi cũng ám chỉ thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ hơn trong những vùng tranh chấp thuộc Biển Đông.
Tuy nhiên, thủ tướng Ấn Độ đã cho rằng « Châu Á và thế giới sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc cùng nhau làm việc trong sự tin cậy và tin tưởng, lưu tâm đối với quyền lợi của nhau. ». Phát biểu này phản ánh một xu thế xích lại gần nhau hơn, vừa được ông Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biểu hiện nhân chuyến công du Trung Quốc mới đây của thủ tướng Ấn Độ.
Diễn văn của ông Modi cũng hàm ý chỉ trích Hoa Kỳ về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, gợi đến quyết định áp thuế vừa được chính quyền của tổng thống Donald Trump áp đặt đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Và ở đây cũng vậy, ông Modi vẫn xác định rằng quan hệ Mỹ-Ấn « đã mang một ý nghĩa mới trong một thế giới thay đổi », và Ấn Độ cùng với Hoa Kỳ « cùng chia sẻ cái nhìn về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở, ổn định, an ninh và thịnh vượng ».
Tuyên bố của thủ tướng Ấn Độ được cho là tương ứng với khái niệm chiến lược mới của Hoa Kỳ, chú trọng đến vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương thay vì châu Á-Thái Bình Dương như trước kia.
Điều này được thấy rõ qua sự kiện quân đội Mỹ vừa chính thức đổi tên Bộ Tư Lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương đặc trách khu vực châu Á, thành Bộ Tư Lệnh Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.