Hòa giải hòa hợp, biết đến bao giờ?!
Đại Nghĩa (Danlambao) – Thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc là ước mơ, là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người công dân Việt Nam, ấy thế mà đã 42 năm qua nó vẫn còn xa vời, mờ mịt. Hòa giải là phải hòa giải với tinh thần hòa hợp tôn trọng quyền bình đẳng và mọi quan điểm khác biệt của công dân, không phân biệt gai cấp, chính kiến, tôn giáo… Nhà báo cộng sản Huy Đức, tác giả Bên Thắng Cuộc đã trình bày quan điểm của mình như sau:
“Thống nhất quốc gia mà không dựa trên nên tảng hòa giải quốc gia thì sự thống nhất đó chỉ là tạm thời. Thống nhất quốc gia mà bằng cách ém nhẹm lịch sử và dùng vũ lực để dập tắc sự trỗi dậy của những sự khác biệt thì chẳng khác gì gài vào thế hệ tương lai một trái bom”. (Đàn Chim Việt online ngày 26-5-1013)
Đảng CSVN cũng nhận thấy được việc hòa giải dân tộc để đưa đất nước đi lên là nhu cầu thiết yếu của thời đại, tuy nhiên vì những người cộng sản chưa quen tiếp thu từ “một góc nhìn khác” nên hòa giải chưa có được. Gần đây, nhà ngoại giao cộng sản Võ Văn Sung lên tiếng kêu gọi nhưng có lẽ còn nhiều vướng mắc, nên thiếu sự đáp ứng của quần chúng, ông Sung viết như sau:
“Trong 20 năm qua, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện cho bà con người Việt ở nước ngoài trở về thăm hoặc định cư và góp phần xây dựng lại quê hương. Đó chính là tinh thần “chủ động chìa tay” của Tổ quốc…
“Lúc này nếu ai đó trong chúng ta dù đứng từ phía nào mà vẫn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc thì sẽ dần trở nên lạc lõng và thật sự có lỗi với tương lai của chính con cháu mình”. (TuanVietNam net online ngày 26-4-2010)
Muốn nói đến vấn đề HGHH dân tộc thì GS Cao Huy Thuần một người nghiên cứu về đề tài này từ lâu, trong lần trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam chỉ ra những đối tượng cần đối thoại là:
“Đã gọi là dân tộc, sao còn phân biệt ngoài với trong? Sao còn chia năm xẻ bảy hạng người Việt này với hạng người Việt khác?…Hòa hợp dân tộc không phải là hòa giải giữa trong với ngoài. Đó là hòa hợp giữa Dân với Đảng giữa Đảng với Dân”. (Tuần Việt Nam net online ngày 29-4-2010)
Phát biểu trong buổi lễ trao giải thưởng văn học năm 2016 ngày 14-1 vừa qua do chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tổ chức chủ đề “Hòa hợp hòa giải văn học” trong và ngoài nước, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng phát biểu thẳng như sau:
“Muốn làm gì thì làm phải hòa giải với bất đồng chính kiến trong nước trước cái đã. Bởi vì họ thấy giới bất đồng chính kiến trong nước còn bị đàn áp thì làm sao họ tin để trở về được?” (RFA online ngày 7-2-2017)
Nhà văn Nguyễn Đông Thức phát biểu rõ ràng hơn:
“Nhưng thực chất tôi không tin bên nội địa thật lòng. Màu mè, hình thức thôi. Còn lâu mới có hòa giải trong văn học văn nghệ, lãnh vực thượng tầng, quyết định tư tưởng, mà chính quyền Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu”. (RFA online ngày 7-2-2017)
Trở ngại lớn trong việc hòa giải là đảng CSVN cứ khư khư độc quyền lãnh đạo và “bỏ xọt rác” mọi ý kiến đóng góp “khác biệt” của Người Dân thì làm sao có được sự hòa hợp. Đảng CSVN đang bày trò lấy ý kiến dân để sửa Hiến pháp 1992, nhưng họ có thực lòng muốn sửa hay không thì ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cộng sản đã tuyên bố rõ “vẫn u như kỹ”. Thế là những Kiến nghị 72, Hội đồng Giám mục, Viện Hóa đạo, những Hội đồng Liên tôn, những Công Dân Tự Do đều cùng một số phận với ý kiến của giáo sư Nguyễn Quang Thái:
“TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng ông Phan Trung Lý còn “bỏ sọt rác”cả ý kiến của giáo sư Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế khi góp ý phải có một đạo luật hoạt động của đảng để giám sát, phản biện như thế sẽ giúp giảm một bộ phận không nhỏ những đảng viên cán bộ thoái hóa biến chất như ông TBT Nguyễn Phú Trọng từng thừa nhận”. (RFA online ngày 21-5-2013)
Những người công dân ưu tú trong nước đáp lời kêu gọi góp ý của đảng ấy thế chẳng những đảng không nghe mà còn bị chụp mũ “chống lại đảng, nhà nước”, có thể bị kết vào điều 79 hay 88 ngay cả điều 258 là thấy tù như chơi, làm sao ai dám góp ý hay thảo luận điều gì nữa.
“Trong buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc ngày 25-2-2013, TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng những ý kiến đòi bỏ điều 4 HP, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, có thể được quy là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
“Sau đó phát biểu trước các lãnh đạo thánh phố Hà Nội ngày 27-2-2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cảnh báo về việc “lợi dụng việc lấy ý kiến về Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, nhà nước”. Theo ông Hùng hành động đó là “ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chận”. (Đối Thoại online ngày 1-3-2013)
Nếu đảng CSVN có thực tâm muốn HGHH dân tộc thì điều tiên quyết là phải xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992, dù bỏ điều này là đảng có “tự sát” hay không nhưng dân tộc “tự tồn”, thì ông Triết chọn cái nào? Phải thực hiện đa đảng để mọi thành phần dân tộc có điều kiện bình đẳng cùng tham gia góp ý kiến xây dựng đất nước Việt Nam chứ không phải chỉ để giúp đảng cộng sản tiếp tục độc quyền toàn trị. Chính duy trì Điều 4 này đã ngăn cản sự HGHH dân tộc chứ không như ông Sung nói “chủ động chìa tay của Tổ Quốc”. Thiếu tướng QĐND Nguyễn Trọng Vĩnh, người ký Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp đã nói rõ:
“Chỉ cần đảng có chính nghĩa, trong sạch, thực sự vì nước, vì dân, thực thi dân chủ trong mọi lĩnh vực làm cho nước mạnh, dân giàu, thì tự khắc dân sẽ tự nguyện theo sự lãnh đạo của đảng, không cần ghi Điều 4 vào Hiến pháp”. (Bauxite Việt Nam online ngày 23-1-2013)
Cái sai lầm của đảng CSVN khi cố dựa vào Điều 4 HP là tự làm suy yếu mình thêm, nhà thơ Bùi Minh Quốc trong bức thư gửi TBT Nông Đức Mạnh nói rõ nhận định của ông như sau:
“Khi chưa có Điều 4 HP, dân rất tin đảng, lòng tin ấy là tin vào mục tiêu độc lập tự do, dân chủ mà đảng nêu cao…Từ khi có Điều 4, lòng tin của dân đối với đảng kém sút hẳn, đảng trở nên hư hỏng, đường lối thì sai lầm, đưa đất nước đến bên bờ vực (Đại hội 4), cán bộ thì thoái hóa, sa đọa với tốc độ…
“Phải chăng vì đảng mất chỗ đứng trong lòng dân, nên phải bám vào Điều 4 để ngồi trên đầu dân và bước đi chệnh choạng trên đôi chân cà kheo-một bên súng, còng (quân đội, công an), một bên loa (hệ thống đại chúng thông tin độc quyền)?” (Talawas online ngày 3-10-2007)
Do vậy mà đảng CSVN đã độc quyền cai trị và coi đất nước như là tài sản của riêng mình. Khi còn sinh thời, ông Võ Văn Kiệt kêu gọi đoàn kết dân tộc ông đã nói rõ rằng:
“Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam, cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam”. (BBC online ngày 29-8-2005)
Tuy nhiên, trong lần hai phóng viên của Tuần báo Việt Weekly phát hành ở California về Việt Nam phỏng vấn ông Kiệt trả lời có vẽ ông ấy còn lấn cấn.
“Đảng CSVN có vai trò đối với lịch sử đất nước. Đảng vì dân tộc, vì đoàn kết của dân tộc, tất cả thể chế đều dựa vào dân và phục vụ dân…nếu như đảng CSVN tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ rằng đảng cầm quyền như đảng CSVN là tin cậy được…không nhất thiết phải là đa đảng mới xây dựng đất nước của mình. Một đảng mà làm đủ hết mấy điều này, tôi nghĩ là được”. (Phong trào Dân chủ Việt Nam online ngày 6-1-2007)
Xem ra ý kiến của đa số “người dân yêu nước” đều muốn xóa bỏ độc đảng để mở rộng cửa con đường hòa HGHH, đảng CSVN còn muốn duy trì Điều 4 là còn muốn độc quyền thống trị theo chủ nghĩa Mác Lê. Đáp lại sự ngụy biện ấm ớ của ông Võ Văn Kiệt, ông Vũ Duy Phú nói rõ:
“Cần thừa nhận chủ nghĩa Mác-Lê đã lỗi thời. Nếu có điều gì chúng ta còn vương vấn, nuối tiếc, đó là những lý tưởng tốt đẹp, nhưng siêu hình, những lý thuyết rất hay, nhưng viễn vông, không thể thích hợp với thực tiễn Loài Người hiện nay trên thế giới và trong nước. Lịch sử và hiện tại cũng chứng minh rằng, sự lãnh đạo của một đảng cộng sản cũng không phải là một điều nhất thiết, tiên quyết để một đất nước giành và giữ được độc lập, xây dựng được cuộc sống hòa bình, ấm no, giàu có, hạnh phúc!” (Bauxite Việt Nam ngày 23-5-213)
Nếu trong khi thảo luận ý kiến hòa giải mà người dân không có được bình quyền hay dân chủ thì làm sao bàn bạc cùng nhau được, hơn nữa người dân đứng ở vị trí nào để hòa giải, để tham gia điều hành đất nước trong khi một mình đảng Cộng sản độc quyền toàn trị và còn mang tâm lý kỳ thị.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, trước đây trong lần trả lời Thomas Việt trên diễn đàn Dân Luận ông đã khẳng định rằng:
“Nếu mà đảng Cộng sản không từ bỏ Điều 4 HP thì việc đó đồng nghĩa với cái chết. Cái chết không còn bao lâu nữa, cái chết đó trước hết đến với ban lãnh đạo đảng Cộng sản. Đảng đừng có nghĩ rằng đã vơ vét được nhiều rồi đến khi chế độ cộng sản sụp đổ thì họ trở thành ông chủ mới”. (Dân Luận online ngày 7-11-2010)
Nhưng rồi ông Kiệt lại nói thêm:
“Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng-thua, bởi những kỳ thị ta-ngụy…” (BBC online ngày 29-8-2005)
Thế nên trong lần trả lời phỏng vấn của đài VOA, tiến sĩ Vũ đã xác định rõ:
“Không thể nào thực hiện hòa hợp, hòa giải với những người Việt Nam bên kia chiến tuyến như Nhà nước Cộng sản Việt Nam chủ trương nếu Nhà nước này vẫn duy trì cách diễn đạt mang đậm chất “thắng-thua” như trên…
“Nhân đây một lần nữa tôi kêu gọi ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam bởi nếu không, Hòa hợp hòa giải dân tộc sẽ lại trở thành Lừa dối dân tộc với hậu họa đã có thể nhìn thấy trước”. (VOA online ngày 30-4-2010)
Cụ Nguyễn Hộ, một nhà lãnh đạo cộng sản kỳ cựu bàn về HGHH dân tộc cũng nói lên ý kiến như tiến sĩ Hà Vũ và xem như là điều kiện tiên quyết mà nhà cầm quyền phải thi hành vì đó là điều kiện ắc có và đủ.
“Chừng nào còn chưa thiết lập được nền dân chủ tự do đúng nghĩa của nó ở Việt Nam thì chừng ấy vẫn chưa xóa được mặc cảm, thành kiến,…chưa có thể hòa giải hòa hợp dân tộc được. Nếu chỉ bằng những khẩu hiệu suông hay chỉ bằng những chiến thuật kinh tế cụ thể thì sứ mạng hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc sẽ khó hoàn thành”. (Thông Luận online ngày 14-11-2007)
Ông Võ Văn Sung được Tuần Việt Nam Net giới thiệu là một “nhà ngoại giao kỳ cựu” nhưng trong lời kêu gọi HGHH của ông Sung tôi thấy không có vẽ ngoại giao chút nào, vì lời lẽ trịch thượng và thiếu thuyết phục. Ông Sung cần học lại thái độ hòa nhã và khiêm tốn của tướng Ulysses S. Grant, bên thắng trận của Bắc Mỹ đối xử với tướng Robert E. Lee, bên thua trận khi kết thúc trận nội chiến họ đã không dùng những lời lẽ hay cử chỉ khiếm nhã tặng cho nhau như ông Sung đã nói:
“Chúng ta biết rằng vào thời điểm cuối tháng 4-1975 nếu Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ còn nắm quyền và thực hiện “tử thủ” như ở Xuân Lộc thì chắc chắn chúng ta không có một Sài Gòn giải phóng còn nguyên vẹn và chắc chắn phải hy sinh nhiều sinh mạng hơn…
“Đơn vị giải phóng tiến vào Sài Gòn đầu tiên đã buộc ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”. (TuanVietNam net online ngày 26-4-2010)
Trông người rồi nghĩ đến ta. Cụ Nguyễn Trãi đã từng dạy trong Bình Ngô đại cáo: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, ấy thế mà người CSVN đã lấy lòng tiểu nhân để đối xử với người anh em thua trận. Trong khi người Mỹ, một dân tộc mới lập quốc trên 300 năm đã hơn hẳn một dân tộc tự xưng là con cháu Rồng Tiên có trên 4 ngàn năm văn hiến, ôi nhục nào bằng hởi người cộng sản anh em? Hãy nghe tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang kể cho một bài học thế nào là đại nghĩa.
“Thật là không giống ai. Không giống thiên hạ.
“Sau trận Gettinsburg 1983, Tổng thống Lincoln cúi đầu ngậm ngùi: “Những người lính miền Nam hay miền Bắc chết tại nơi đây đều chết cho đất nước Hoa kỳ”. Kết thúc nội chiến Nam- Bắc 1860-1865, binh sĩ bại trận miền Nam Hoa kỳ được thoải mái về quê, lại được cấp ngựa, cấp lương thực để có thể sinh sống và tái tạo cuộc đời. Các sĩ quan bại trận vẫn được cho giữ gươm”. (Thông Luận online ngày 14-11-2007)
Cựu Ngoại trưởng cộng sản Nguyễn Mạnh Cầm cũng nói đến hòa hợp dân tộc mà ông gọi là “cơ hội bị bỏ lỡ” đổ thừa lý do là lỗi của chính quyền Sài Gòn, điều này tôi thấy ông Cầm nói không thật lòng vì chủ trương của đảng CSVN là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Nếu Mỹ chưa cút, Ngụy chưa nhào là còn “bền bỉ chiến đấu” dù đã ký hiệp ước hòa bình chưa ráo mực, do vậy mà Lê Đức Thọ không dám đi nhận nửa giải Nobel Hòa bình cùng với Kissinger.
“Trước hết theo ông, cơ hội hòa hợp dân tộc bỏ lỡ sau Hiệp định Paris “do chủ trương tràn ngập lãnh thổ của Sài Gòn”…
“Chính sách này dựa trên nền tảng “một lý do mà cố TBT Lê Duẫn có lần đã giải thích một cách đơn giản: Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên xô”. (BBC online ngày 24-1-2013)
Lời tự thú của TBT Lê Duẫn vì nhu cầu chủ chiến chớ không chủ hòa:
“Tại sao chúng tôi giữ lập trường bền bỉ chiến đấu cho một cuộc chiến kéo dài, đặc biệt trường kỳ kháng chiến ở miền Nam? Tại sao chúng tôi dám trường kỳ kháng chiến? Chủ yếu là vì chúng tôi phụ thuộc vào công việc của Mao Chủ tịch…
“Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước XHCN và cả nhân loại”. (RFA online ngày 29-4-2011- Phần 2).
Cuộc chiến tranh 21 năm với ngụy danh nào là chống Mỹ cứu nước, nào là giải phóng miền Nam, thì ra thực chất chỉ làm tay sai cho Nga – Tàu. Lê Duẫn đã trao duyên lầm cho tướng cướp, kẻ xăm lược nước Việt Nam không phải là Mỹ mà là quân bành trướng Bắc kinh, ngày nay ai cũng rõ chúng đang từng ngày gặm nhấm đất nước mình. Do đó bao nhiêu xương máu của dân tộc, bao nhiêu tài nguyên của quốc gia đã bị tàn phá và lãng phí cho một cuộc chiến tranh vô nghĩa. Nhà báo Huỳnh Ngọc Tuấn đã tiếc nuối than thở như sau:
“Nếu như không có cuộc chiến tranh phi lý và vô nghĩa đó thì đất nước chúng ta đâu có bị tàn phá, đâu có quá nhiều người phải ngã xuống, đâu có vết thương hằn sâu trong lòng dân tộc này mà mãi đến nay vẫn không lành.
“Nếu như những người Cộng sản không có tham vọng thống trị người khác bằng mọi giá thì đất nước chúng ta đâu có chia hai miền Nam-Bắc, đâu có mâu thuẩn hận thù tàn phá đến thê lương”. (Dân Làm Báo online ngày 28-4-2012)
Theo tôi “cơ hội hòa hợp dân tộc bị bỏ lỡ” là kể từ khi quân đội bên thắng trận với thái độ ngạo mạn đã ủi sập cỗng dinh Độc Lập và đối xử thiếu tình tự dân tộc với người bên thua trận nên từ đó cho đến nay vết thuơng còn rướm máu chứ không phải như ông Cầm đã nói. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nói với Mặc Lâm đài RFA là:
“Cái chuyện bắt và đưa đi cải tạo hay là giam một cách trá hình như thế rất nhiều quân nhân và viên chức của chính quyền Sài Gòn thì tôi cho đấy là hành vi phản bội dân tộc. Bởi vì dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn nói là anh em, đồng bào, tức cùng một mẹ đẻ ra, cùng là người Việt, cùng một nguồn gốc. Đánh thắng rồi lại muốn tiếp tục tiêu diệt người ta sau khi chiến thắng thì tôi cho đấy là một tội ác”. (RFA online ngày 31-8-2010)
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng đã nói lên cái thảm trạng này và chỉ rõ:
“Hàng loạt nhà tù trắng trợn, nhà tù trá hình được dựng lên để cùm kẹp, để cải tạo, để giáo dục, để chỉnh huấn…với đằng đẵng thời gian và muôn vàn phương thức đày ải. Cho đến con cháu, họ hàng của những người tù, những “cải tạo viên” cũng bị phân biệt đối xử, bị tước bỏ bớt nhân quyền so với cái nhân quyền chung của dân tộc Việt Nam vốn đã như “miếng da lừa”. Đến nỗi hàng vạn, hàng triệu người phải cắn môi, gạt nước mắt giã từ bè bạn, chia tay họ hàng, từ bỏ tài sản, rời bỏ quê hương đi biệt xứ…
“Muốn hòa giải thì tất cả phải biết sám hối, biết tự soi xét, tự kiểm điểm để thành thật nhận cho được những lỗi lầm đau xót quá khứ rồi từ đấy biết tri bỉ, tri kỉ”. (Thông Luận online ngày 14-11-2007)
Để một phần nào xóa đi những dấu tích đau thương, xóa bỏ hận thù, hàn gắng vết thương của dân tộc để có cơ may hòa giải, nhà giáo Phạm Toàn đã nói lên “Ba điều ước 30 tháng Tư” trong đó có một điều như sau:
“Kiến nghị thứ hai xin đốt lý lịch toàn dân và “viết lại” tính từ ngày 1 tháng 5 của một năm nào đó. Sở dĩ có cái ý nghĩ dẫn tới kiến nghị này, là vì tôi thấy đâu đâu cũng khổ vì chuyện lý lịch. Con người bị phân biệt đối xử qua bản lý lịch”. (Đối Thoại online ngày 30-4-2010)
Để thể hiện quyết tâm HGHH và đoàn kết dân tộc cứu nước, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã đề nghị đảng CSVN hãy tỏ thiện chí bằng cách:
“Để xóa bỏ hận thù và hòa giải dân tộc, ông kêu gọi Quốc hội “Đại xá tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền VNCH theo Khoản 10, Điều 84 Hiến pháp (Quốc hội quyết định đại xá).
“Ông cảnh báo “chính những hận thù và chia rẽ dân tộc ấy đang từng ngày, từng giờ tiếp tay cho nguy cơ Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ Tư và lần này e là vĩnh viễn”. (Đàn Chim Việt online ngày 31-8-2010)
Nhận thấy được sự suy thoái của đảng CSVN không thể tiếp tục thống trị đất nước được nữa nên tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang viết trong bài “Đa nguyên đa đảng là tất yếu”, ông diễn đạt lại ý của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An để cho thấy cần phải có một giải pháp và hành động thực tiễn trong hòa giải.
“Ông không chỉ phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn cho rằng: “Chính những người Cộng sản chân chính cũng muốn giải tán cái đảng biến chất để xây dựng đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu”. (Đàn Chim Việt online ngày 11-1-2011)
Nếu đảng CSVN có thực lòng muốn “chìa tay” hòa giải thì trước nhất hãy hòa giải với người dân “trong nước” trước tự nhiên sẽ có hòa giải dân tộc trong-ngoài. Muốn làm được điều nầy thì ngay tức khắc nhà cầm quyền hãy thả hết tất cả những “tù nhân lương tâm” đấu tranh vì dân chủ như Miến Điện đã và đang làm.
Từ lâu, vì lòng khao khát mà chỉ nói đến HGHH dân tộc nhưng đã không mấy ai đưa ra giải pháp, hôm nay tôi mạo muội thử trình ra giải pháp: Nguyễn Đắc Kiên.
Giải pháp này nhất cử lưỡng lợi. Một là đoàn kết được dân tộc, hai là hóa giải mọi mắc mứu dưới áp lực “16 chữ vàng” của tên bành trướng Bắc kinh. Ước mơ HGHH dân tộc được Nguyễn Đắc Kiên, một thanh niên sinh ra và lớn lên trong chế độ XHCN ấp ủ và thai nghén giải pháp đã trình bày trong bức thư ngỏ, tôi đề nghị những bậc thức giã hai bên cần nghiên cứu, làm khung thảo luận hầu tìm ra giải pháp hoàn chỉnh, khả thi. Vậy thử bắt tay vào:
“Lập một Ủy ban Hòa giải dân tộc với những thành viên là các nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước, kể cả một số lãnh đạo tiến bộ của đảng CSVN…Lập một Chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho đến khi tổ chức xong Hội nghị Lập hiến, ban hành Hiến pháp mới, bầu Quốc hội mới…
“Một điều kiện tiên quyết khác cho sự hòa giải là một điều khoản bắt buộc, trong đó, không cho phép hồi tố, truy cứu trách nhiệm những tội phạm làm tổn hại lợi ích dân tộc, quốc gia hay với bất cứ hành động trả thù nào với những người ở chế độ cũ…”
Muốn được như vậy Nguyễn Đắc Kiên giải thích:
“Tôi cho rằng đây là điểm quan trọng trong việc giúp giới lãnh đạo đảng CSVN hiện nay vượt qua sợ hãi. Tôi cũng như tất cả các bạn đều đau xót vì những khoản tiền tỷ đô la bị thất thoát, tham nhũng, nhưng cứ thử nghĩ xương máu có thể đổ, thử nghĩ đến tương lai hàng trăm nghìn năm nữa của dân tộc, những khoản nợ đó chẳng phải là rất nhỏ sao? Vậy sao chúng ta không mạnh dạn xóa nó đi để bảo vệ cái toàn cục lâu dài”. (Bauxite Việt Nam online ngày 3-3-2013)
42 năm qua, thời gian đã đủ lâu để cho chúng ta, những người trong cuộc phải giải quyết trước khi quá muộn, đừng để trách nhiệm này cho con cháu mà mang tội với Lịch sử.
Với tấm lòng thành mong có được sự HGHH dân tộc nên tôi trình bày giải pháp nói trên chứ thật ra tôi cảm thấy không có hy vọng vì những người lãnh đạo đảng CSVN đã bị ung thư quyền lực ăn sâu vào tâm nảo.
Trong bài “Bao giờ đảng thôi sống trong sợ hãi” tác giã Nguyễn Hùng lập lại lời của luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tp Sài Gòn nói lên kinh nghiệm học hỏi của ông từ những người lãnh đạo cộng sản như sau:
“Ông Đằng nói khi ông theo Cách mạng, chính những người lãnh đạo của ông cũng “dạy” ông rằng người ta không bao giờ từ bỏ quyền lực, không bao giờ rời vũ đài chính trị một cách tự nguyện”. (BBC online ngày 28-5-2013).
02.06.2018