Tin Biển Đông – 01/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 01/06/2018

Đối Thoại Shangri La mở ra

với Biển Đông nổi lên thành hồ sơ nóng

Trọng Nghĩa

Hôm nay, 01/06/2018, hội nghị thường niên về an ninh quan trọng bậc nhất tại châu Á mang tên Đối Thoại Shangri La khai mạc tại Singapore, tập hợp hầu hết quan chức quốc phòng cấp cao của các cường quốc thế giới cũng như các nước trong khu vực.

Theo giới phân tích, cuộc họp năm nay đặc biệt sôi nổi trên vấn đề giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên với thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un nhiều khả năng diễn ra, và ngay tại Singapore. Tuy nhiên trong những ngày qua, điều đáng chú ý hơn cả là thái độ cứng rắn của Mỹ trước một loạt hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, và phái đoàn Mỹ sẽ nêu bật vấn đề này tại diễn đàn Shangri La.

Tại cuộc họp năm ngoái, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã chỉ trích mạnh mẽ những gì ông gọi là việc Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế bằng cách « quân sự hóa không thể chối cãi » các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại các khu vực Biển Đông có tranh chấp với các láng giềng. Năm nay, ông Mattis lại dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự Đối Thoại Shangri La, và sẽ có tham luận ngày 02/06 về vai trò của Hoa Kỳ trong việc đối phó với những thách thức an ninh trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Ngay trên đường đến Singapore, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã bắn đi tín hiệu cứng rắn chống lại hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc khi khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông, sẵn sàng đối đầu với những gì mà Mỹ đánh giá là đi ngược lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại các phán quyết của tòa án quốc tế. Bên cạnh tuyên bố cứng rắn đó là hai động thái cụ thể đánh vào Trung Quốc : Rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2018, với lý do được nêu rõ là để phản đối Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, và cử 2 chiến hạm vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa.

Để dự phòng việc bị hội nghị, đặc biệt là Mỹ, đả kích về hành vi quân sự hóa Biển Đông, đe dọa ổn định khu vực, coi thường luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã tìm cách tránh né bằng việc cử một phái đoàn quân sự cấp thấp đến dự hội nghị. Vào lúc các phái đoàn như Ấn Độ có thủ tướng Narendra Modi dẫn đầu, hay Hoa Kỳ có bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis làm trưởng đoàn, Bắc Kinh chỉ phái một đoàn nhỏ do trung tướng Hà Lôi (He Lei), phó giám đốc Học Viện Khoa Học Quân Sự Trung Quốc dẫn đầu.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, đây là một cách thức Bắc Kinh thường làm để tránh thu hút sự chú ý của công luận đến Trung Quốc, và đến những động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, những hành vi dứt khoát sẽ bị các nước khác đả kích tại hội nghị.

Đối Thoại Shangri La là hội nghị thường niên về an ninh Châu Á do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS tổ chức, năm nay diễn ra trong ba ngày 01- 03/06. Đến Singapore lần này, có bộ trưởng Quốc Phòng và các quan chức của hơn 50 nước, trong đó có Mỹ, Úc, Nhật, Ấn, Pháp, Việt Nam, Philippines…

Riêng tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày hôm qua tiếp tục lớn tiếng đả kích giới lãnh đạo quân sự Mỹ vừa tố cáo xu hướng bá quyền của Trung Quốc tại châu Á. Phát biểu hôm 30/05 tại Hawaii, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã cho rằng « giấc mơ bá quyền » của Trung Quốc tại châu Á là thách thức về lâu về dài quan trọng nhất của Mỹ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa Xuân Oánh cũng đồng thời lập lại lời cáo buộc Mỹ cố tình « thổi phồng » việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, vì theo bà, lực lượng Mỹ có mặt trong khu vực còn hùng hậu hơn rất nhiều lực lượng Trung Quốc và các nước trong vùng gộp lại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180601-doi-thoai-shangri-la-mo-ra-voi-bien-dong-noi-len-thanh-ho-so-nong

 

Tướng McKenzie: ‘Quân đội Mỹ

có nhiều kinh nghiệm đánh chiếm đảo’

Sau khi trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 31/5 nhấn mạnh rằng “Quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm đánh chiếm đảo,” các nhà bình luận Việt Nam cho rằng thái độ ngày càng cứng rắn về vấn đề Biển Đông của Ngũ Giác đài, dù chỉ là phát biểu về các hành động quân sự, nhưng có thể giúp trấn an người dân Việt Nam, trong khi Hà Nội muốn có một giải pháp hòa bình với Bắc Kinh.

Tiến sĩ Hoàng Việt, đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Phát biểu đó cho thấy một điều là thái độ của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, đặc biệt là từ các quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, họ muốn có một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.”

Khi được hỏi liệu Mỹ có khả năng “thổi bay” đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông hay không, trung tướng Kenneth McKenzie đáp rằng: “Tôi có thể nói rằng quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đánh chiếm các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương,” theo CNN.

Tôi có thể nói rằng quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đánh chiếm các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương.

Tướng Kenneth McKenzie.

Theo Newsweek, ông McKenzie nói Mỹ có kinh nghiệm “phá hủy các đảo nhỏ bị cô lập” là ám chỉ các chiến dịch của quân đội Mỹ trong Thế chiến 2, và kinh nghiệm đó đã được tích lũy trở thành năng lực cơ bản của quân đội Mỹ.

Truyền thông Việt Nam đón nhận phát biểu của lãnh đạo Ngũ Giác đài như một lời “cảnh báo” “cứng rắn” đối với Trung Quốc.

Báo Tuổi trẻ hôm 1/6 chạy dòng tít: “Mỹ cảnh báo cho ‘nổ tung’ đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép,” trong khi báo Lao động loan tin “Mỹ cảnh báo “thổi bay” đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.”

​Giáo sư Hoàng Việt nhận định rằng khả năng Hoa Kỳ phá tan các đảo nhân tạo của Trung Quốc là rất thấp, nhưng nếu điều đó xảy ra, thì đa số người dân Việt Nam sẽ vui mừng:

“Đối với chính phủ Việt Nam, họ sẽ có cái nhìn thận trọng, họ sẽ chờ xem có ảnh hưởng gì đến lợi ích của họ không, nhưng đối với người dân Việt Nam thì tôi nghĩ rằng họ rất thích thú điều đó. Tuy nhiên, khả năng xảy ra rất thấp vì Trung Quốc rất giỏi trong việc nắn gân và biết đâu là điểm tới hạn (redline) với Hoa Kỳ. Nếu có căng thẳng thì Trung Quốc sẽ tìm cách giảm nhiệt. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phải có những kiềm chế nhất định nên khả năng thực tế xảy ra rất thấp.”

Phát biểu đó cho thấy một điều là thái độ của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, đặc biệt là từ các quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, họ muốn có một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Tiến sĩ Hoàng Việt.

Có cùng nhận định với giáo sư Hoàng Việt, Blogger Hưng Ngọc Phạm viết trên Facebook: “Kinh nghiệm và k­hả năng tấn công của Mỹ thì không bàn cãi, nhưng có ý định tấn công hay không là một chuyện hoàn toàn khác.”

Bình luận của tướng McKenzie được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chiến dịch thực thi tự do hàng hải để đáp trả hành vi Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ngày 27/5, hai chiến hạm Mỹ đi vào vùng 12 hải lý các đảo ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng hơn một tàu trong hoạt động tuần tra, để khẳng định quyền đi lại tự do trên các vùng biển quốc tế.

Hôm 30/5, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương nói rằng Trung Quốc là “thách thức lâu dài lớn nhất” của Mỹ trong khu vực.

Chính phủ Trung Quốc có phản ứng tức giận với những tuyên bố gần đây của Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Mỹ “vừa ăn cướp vừa la làng.”

Từ Hà Tĩnh, ông Lê Hữu Thảo, cựu binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói với VOA rằng phát biểu của tướng McKenzie thể hiện khả năng hiện diện quân sự ngày càng cao của chính quyền Mỹ.

Nhưng theo ông Thảo, người từng tham gia hải chiến Trường sa tại đá Gạc Ma khi quân đội Việt Nam đối đầu với hải quân Trung Quốc năm 1988, nói rằng Việt Nam không có ý định ủng hộ hay can thiệp vào các hành động quân sự trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà thay vào đó là biện pháp đấu tranh ngoại giao và hòa bình.

Ông Thảo nói:

“Để giành lại chủ quyền lãnh thổ từ tay Trung Quốc thì không nhất thiết dùng vũ lực, mà dùng các biện pháp như chính trị, ngoại giao và nhiều cách khác, vì chiến tranh sẽ khốc liệt, gây thiệt hại kinh tế và con người.”

Hồi đầu tháng 5, Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút thiết bị quân sự khỏi các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố hôm 8/5: “Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Trong một diễn biến liên quan, Hoa Kỳ sẽ gửi máy bay không người lái đến Việt Nam, theo một tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm 1/6.

Theo mạng tin San Diego Union Tribune, tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hôm 1/6 bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Mattis nói rằng Mỹ “hoàn toàn nhất trí” với Hà Nội về các mục tiêu chiến lược quan trọng.

Tờ báo này cho biết cả hai quốc gia cũng đang tiến tới kế hoạch để Hoa Kỳ gửi máy bay huấn luyện và máy bay không người lái đến Việt Nam, nơi đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề an ninh quốc tế.

https://www.voatiengviet.com/a/tuong-mckenzie-quan-doi-my-co-nhieu-kinh-nghiem-danh-chiem-dao/4419399.html

 

Mỹ bỏ TQ, mời VN tập trận lớn nhất thế giới

Hoa Kỳ hủy mời Trung Quốc, nhưng mời Việt Nam tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2018 tại Hawaii từ 27/6 đến 2/8.

Thông tấn xã Việt Nam xác nhận tin về lời mời này nhưng không nói rõ liệu Việt Nam có tham gia hay không.

Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố hôm 30/5 rằng 26 quốc gia, 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm và lực lượng bộ binh của 18 quốc gia, và hơn 200 phi cơ và 25.000 quân nhân sẽ tham gia cuộc diễn tập.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), theo phía Mỹ.

Tuần rồi Hoa Kỳ đã hủy lời mời với Trung Quốc, vốn từng tham dự RIMPAC vào 2014 và 2016.

TQ nói Mỹ ‘kiếm cớ không mời Bắc Kinh tập trận’

Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương

Sắp khai mạc diễn đàn an ninh khu vực

Đây là sự kiện giúp lực lượng có vũ trang của hai nước giao lưu thực hành với nhau, và được hai bên coi như một trong những cách nhằm làm giảm cẳng thẳng, giảm các rủi ro có thể phát sinh nếu hai bên gặp nhau trong những tình huống không thân thiện.

Trung tá Thủy quân lục chiến Christopher Logan, phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng nói với báo giới rằng động thái không mời Trung Quốc là bước đầu để phản đối hành động của trung Quốc ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

“Hành vi của Trung Quốc trái với nguyên tắc và mục đích của RIMPAC,” ông Logan nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi có bằng chứng mạnh mẽ rằng Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống tàu, hệ thống tên lửa đất-đối-không và các bộ nhiễu sóng ở khu vực quần đảo Trường Sa.”

Tờ Stars and Stripes còn viết rằng việc mời Việt Nam tham gia RIMPAC là một bước tiến lớn cho mối quan hệ quân sự giữa hai nước.

Và “Hoa Kỳ xem Việt Nam là đối trọng tiềm năng đối với sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông,” tờ Stars and Stripes viết.

Mỹ và TQ tiếp tục khẩu chiến về Biển Đông

Trước đó, hôm thứ Ba 29/5, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis gọi hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là “nực cười”, theo Reuters.

Phía Trung Quốc nhanh chóng phản pháo và nói rằng “sự hiện diện của lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Biển Đông còn nhiều hơn của Trung Quốc và các nước khác cộng lại,” Hoa Xuân Óanh nói tại một cuộc họp báo.

“Nghe như là tên cướp hô ‘bắt cướp’ để che giấu sự sai trái của mình,” bà nói thêm.

Sang thứ Năm 31/5, quan chức Lầu Năm Góc khẳng định sẽ không hủy kế hoạch gửi tàu chiến đi ngang qua các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ nói với báo giới, theo tờ USNI, trang tin tức của Học viện Hải quân Hoa Kỳ.

Khi được hỏi liệu lực lượng quân sự Hoa Kỳ có khả năng “thổi bay” các đảo nhỏ không, ông McKenzie nói:

“Tôi sẽ chỉ nói rằng quân đội Hoa Kỳ có rất nhiều kinh nghiệm ở Tây Thái Bình Dương, phá hủy các đảo nhỏ.”

Ông sau đó nói thêm rằng ông chỉ đang dẫn chứng một “sự thật lịch sử” và không có ý gửi thông điệp gì tới Trung Quốc.

Ông McKenzie giải thích tiếp: “Trong Thế chiến Hai, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm phá hủy các đảo nhỏ.”

“Đó là khả năng của quân Mỹ mà chúng tôi từng làm trước đây. Quý vị không nên nghĩ xa xôi mà chỉ xem đây là phát ngôn về sự kiện lịch sử thôi.”

Bình luận của ông McKenzie đưa lúc căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang leo thang về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44312806

 

Việt Nam trước viễn cảnh

Trung Quốc chiếm trọn biển Đông

Các hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc

Đánh giá về các hoạt động mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông, Giáo sư Trần Ngọc Vương từ Hà Nội nhắc lại Bắc Kinh đã, đang và sẽ tiếp tục sách lược “tạo sự đã rồi” trên Biển Đông và nguy hiểm hơn chiến thuật “lát cắt salami” là chiến thuật “bào mòn” đang được áp dụng.

“Họ cứ bào mòn từng bước một, bào mòn từng tý một, để rồi cuối cùng cái gì mà họ đã cầm được ở trong tay, thì họ không bao giờ buông ra. Đó là con đường mà họ đang làm.”

Theo GS. Trần Ngọc Vương, trong tương lai gần, các đảo, đá, thực thể nổi mà Việt Nam nắm giữ sẽ không bị Trung Quốc đụng tới, bởi nguy cơ chiến tranh, nhưng tâm lý bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia ở nơi đảo xa của đại đa số người dân Việt Nam có vai trò quan trọng.

“Người dân không trông thấy cái gì ở dưới, chỉ nhìn thấy cái gì nổi lên trên thôi, ta chưa có gì trên đó. Cho nên là cái của trời đất, chỗ ấy nó (Trung Quốc) ra nó xí thì thôi mình yếu, mình kệ nó vậy. Cái tâm lý ấy mà hàng triệu, hàng chục triệu người nghĩ là thành vấn đề lớn. Bởi vì họ không thấy cái đấy là của mình để mà mất.”

Phản ứng của cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng

Trước các hành động quân sự, leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng kịp thời, mạnh mẽ và có sự gia tăng về mức độ.

Ngày 25/4/2018, Thượng viện Canada đã thông qua bản kiến nghị lên án mạnh mẽ “thái độ thù địch và leo thang” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thúc giục các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền tuân thủ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực theo đúng luật pháp quốc tế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra quan điểm vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần dựa vào luật pháp quốc tế và phản đối chính sách “bá quyền” trong bối cảnh hiện tại nhân chuyến công du Australia hồi đầu tháng 5/2018.

Chia sẻ quan điểm của nước Pháp, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhìn nhận, “Một trong các nguyên tắc quan trọng của luật pháp đó là cá lớn không thể nuốt cá bé, lẽ phải không đương nhiên thuộc về kẻ mạnh”. Úc đã nhiều lần phê phán Trung Quốc quân sự hóa, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và đã điều tàu chiến tới khu vực này để thực hiện tự do hàng hải.

Trong khi đó, Ấn Độ gia tăng sự hiện diện hải quân tại Biển Đông và liên tiếp có những chuyến ghé thăm của các nhóm tàu chiến tới các cảng quan trọng của Việt Nam. Mặt khác, Ấn Độ củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và đặc biệt là với Nhật – Hoa Kỳ – Úc trong chiến lược “Indo-Pacific” để kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc.

Các quốc gia Đông Nam Á có lợi ích trên Biển Đông như Malaysia, Indonesia và Philippines bằng cách riêng của mình cũng thể hiện phản ứng với Trung Quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Còn Hoa Kỳ, ngoài các phát ngôn phản đối Trung Quốc, cường quốc này đã quyết định rút lại lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quốc tế định kỳ có tên RIMPAC 2018 ngoài khơi Hawaii. Gần nhất, ngày 27/5/2018, Hoa Kỳ đã điều 2 chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để thực hiện tuần tra, thực hành quyền tự do hàng hải (FONOP).

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nhìn nhận, tuy phản ứng của cộng đồng quốc tế ngày càng đi xa hơn về mức độ và cách thức phản ứng thực chất hơn, hành động nhiều hơn, nhưng chưa thể ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

“Bởi vì đây nằm trong một chiến lược tổng thể, nằm trong “vành đai – con đường”, nằm trong ý đồ bành trướng ở toàn khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc phải hiểu rằng, với tư cách là một thành viên của P5 (Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ) mà Trung Quốc tiếp tục hành động như vậy, thì rõ ràng, hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị tổn thương trên trường Quốc tế.”

Tuy nhiên, theo đánh giá của GS. Trần Ngọc Vương, Trung Quốc đang vấp phải những khó khăn trong việc thực hiện chiến lược “vành đai – con đường” trong đó có Biển Đông, do nhiều quốc gia “nhận trái đắng” đang xem xét lại việc hợp tác. Nhiều quốc gia đã và đang thay đổi chính sách với Trung Quốc, trong đó có Australia và Malaysia.

“Trung Quốc muốn thôn tính thế giới, nhưng trong thực chất, họ vẫn phải trải tiềm lực ra, công sức ra trên địa bàn chính trị quá rộng so với thực lực đang có của họ. Cho nên, đấy là cái điểm “lực bất tòng tâm”.”

Việt Nam với những diễn biến mới trên Biển Đông

Trong các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, Việt Nam luôn nhận được sự chia sẻ và ủng hộ về quan điểm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, phản đối việc thay đổi hiện trạng và quân sự hóa trong khu vực tranh chấp.

GS. Trần Ngọc Vương cho rằng, đây là một điều thuận lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

“Nhiều nước họ bảo vệ, ủng hộ Việt Nam theo tinh thần như vậy. Họ bảo vệ cái gọi là công pháp, công lý, công đạo, chứ không phải vì Việt Nam, mà vì lẽ phải ở đời này, trên thế giới này. Không cứ nước ấy có quan hệ thân thiện hay không thân thiện với Việt Nam.”

TS. Đinh Hoàng Thắng cũng nhìn nhận phản ứng của cộng đồng quốc tế và xu hướng hiện nay đang có nhiều thuận lợi, nên Việt Nam cần có thái độ mạnh mẽ hơn, vận động quốc tế ở mức cao hơn trước các thách thức hiện hữu. Trong đó, các dự án hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam với các đối tác nước ngoài như Repsol của Tây Ban Nha, Exxon Mobil của Mỹ, … trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý luôn bị Trung Quốc gây sức ép, đe dọa dẫn đến gián đoạn hoặc hủy bỏ, gây ra thiệt hại kinh tế lớn.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-before-the-prospect-of-China-occupy-the-east-sea-05312018114212.html