Tin Việt Nam – 29/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 29/05/2018

Tàu cá Việt Nam bị hải cảnh Trung Quốc

đâm chìm gần Hoàng Sa.

Một tàu cá Việt Nam bị Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa.

Báo Thanh Niên trong nước cho biết một tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi khi đang đánh bắt hải sản ở một nơi cách Quần đảo Hoàng Sa 7 hải lý thì bị hai tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm vào ngày 25/5.

Sau đó phía Trung Quốc đã bắt 7 ngư dân Việt Nam trên tàu cá này và giao lại cho tàu cảnh sát biển Việt Nam, đưa vào đất liền Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam vào ngày 28/5.

Đây là một trong những lần hiếm hoi mà phía Trung Quốc bắt ngư dân Việt Nam tại các vùng biển tranh chấp rồi giao ngay về cho phía Việt Nam. Đa số những lần có va chạm xảy ra, hoặc tàu Trung Quốc bỏ đi, hoặc họ bắt ngư dân Việt Nam đem về Trung Quốc rồi đòi tiền chuộc người cũng như ngư cụ.

Tham gia vào việc tấn công các tàu đánh cá nhỏ của Việt Nam, còn có lực lượng kiểm ngư Trung Quốc, và thậm chí có cả tàu đánh cá của Trung Quốc.

Tại diễn đàn Quốc Hội vào tuần qua, hai vị tướng Quân Đội Việt Nam xác nhận tin tàu đánh cá của Trung Quốc đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có khi chỉ còn cách bờ biển Đà Nẵng có 30 hải lý.

Cũng liên quan tới quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc vừa cho vận hành một mạng lưới điện cỡ nhỏ trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất mà Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo này.

Mạng China News Service loan tin này vào ngày 29 tháng 5 cho biết lưới điện này bắt đầu hoạt động vào ngày 27/5. Với lưới điện này thì nguồn cung ứng điện trên đảo Phú Lâm tăng 8 lần. Trong tương lai lưới điện này có thể được phát triển thành trung tâm kiểm soát các mạng lưới khác trên những đảo ở Biển Đông.

Đảo Phú Lâm có một căn cứ quân sự của Trung Quốc, và cũng là nơi mà Bắc Kinh đặt trung tâm hành chính của một thành phố gọi là Tam Sa, bao gồm các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, và Trường Sa.

Trung Quốc thành lập thành phố này vào năm 2012, và bị phía Việt Nam phản đối.

Hoàng Sa là nơi mà Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc chiếm đómg quần đảo này từ năm 1974 sau khi đánh bại lực lượng hải quân miền Nam Việt Nam tại đây.

Trường Sa là nơi Trung Quốc đang tranh chấp với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-fishing-vessel-sunk-paracels-05292018082719.html

 

Bảy ngư dân Việt

bị tàu hải cảnh TQ nhấn chìm đã về tới đất liền

Bảy ngư dân Việt bị tàu hải cảnh TQ nhấn chìm đã về tới đất liền

Hôm 28/5, Cảnh sát Biển Việt Nam đã tiếp nhận bảy ngư dân trên tàu cá tỉnh Quảng Ngãi trước đó đã bị một tàu Hải giám Trung Quốc nhấn chìm trong vùng biển của Việt Nam.

Báo Thanh Niên loan tin khi đang đánh bắt tại vùng biển cách đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về hướng tây nam, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 96798 TS bị chìm sau khi va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 31102.

Cũng theo báo này, chiều ngày 28/5, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận 7 ngư dân từ lực lượng Hải cảnh Trung Quốc và đã đưa họ về cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam “an toàn.”

Báo Pháp Luật cho biết trong lúc tham gia khai thác rong biển tại ngư trường Hoàng Sa, tàu cá QNg 96798-TS, do ngư dân Lê Hơn, ở huyện đảo Lý Sơn, làm chủ kiêm thuyền trưởng, bị tàu của lực lượng chức năng Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm hôm 24/5.

Tờ này cho biết tàu cá của ông Lê Hơn đã được các tàu cá địa phương đang khai thác hải sản tại ngư trường này kịp thời tiếp cận và cứu vớt.

Vào tháng 4 năm nay, Hội Nghề cá Việt Nam có văn bản tố giác hành động “phi pháp” và “dã man” của tàu Trung Quốc khi đâm chìm một tàu cá của Việt Nam hôm 20/4 khiến 6 ngư dân Việt suýt mất mạng, đồng thời yêu cầu giới hữu trách gia tăng áp lực đòi Bắc Kinh phải “truy cứu trách nhiệm” và “bồi thường” cho những ngư dân.

Vào tháng 3/2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối quyết định cấm đánh bắt cá “đơn phương” của Trung Quốc ở Biển Đông, kéo dài từ ngày 1/5 tới 16/8.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho rằng lệnh cấm “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế.”

https://www.voatiengviet.com/a/bay-ngu-dan-viet-bi-tau-hai-canh-tq-nhan-chim-da-ve-toi-dat-lien/4414343.html

 

Tiếp tục hứa giải quyết vụ Thủ Thiêm

Một văn bản phản ánh ý kiến của cử tri thành phố Hồ Chí Minh liên quan dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được gửi đến Quốc Hội Việt Nam.

Truyền thông trong nước, vào ngày 29 tháng 5, cho biết Đoàn đại biểu Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh trao văn bản vừa nêu đến Ban Dân Nguyện của Quốc Hội với nội dung có 4 nhóm vấn đề, mà cử tri của thành phố đề nghị, bao gồm:

-Tổ chức thanh tra Đoàn Thanh tra liên ngành của Trung ương và thanh tra toàn diện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm

-Làm rõ các vấn đề liên quan cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện quy hoạch, thu hồi nhà đất trong quá trình tiến hành dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm

-Xem xét giá cả bồi thường cho người dân trong diện tích quy hoạch của dự án, và quyết rốt ráo công tác tái định cư chưa đảm bảo

-Làm rõ việc 4 con đường chưa đầy 12 km trong dự án được xây dựng với kinh phí 12 ngàn tỉ đồng, cũng như có xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện dự án hay không.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, được truyền thông trong nước dẫn lời bên lề hành lang Quốc Hội chiều ngày 29 tháng 5, rằng Chính phủ đang cho thanh tra lại dự án và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngày 15 tháng 7 phải thanh tra xong. Ông Nguyễn Thiện Nhân nói thêm là Thanh tra Chính phủ cho biết việc thanh tra sẽ xong sớm hơn 1 tháng so với thời hạn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân hứa sau khi tham dự kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra ở Hà Nội về, ông sẽ thực hiện lời hứa đi gặp người dân Thủ Thiêm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thu-thiem-new-urban-project-to-be-addressed-05292018085734.html

 

Lo ngại Vân Đồn thành Crimea thứ hai

nếu giao đất 99 năm

Nhiều người ở Việt Nam gần một tuần nay lên tiếng kêu gọi quốc hội cân nhắc thêm, đừng vội thông qua luật về đặc khu kinh tế, trong đó có điều khoản giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài tới gần 1 thế kỷ.

Đã có người cảnh báo một điều luật như vậy có thể dẫn đến nguy cơ Vân Đồn, một đảo của Việt Nam gần Trung Quốc, bị biến thành một Crimea thứ hai.

Các ý kiến đó của nhiều thành phần nhân dân đã nổi lên sau hai phiên thảo luận của quốc hội hôm 23 và 28/5 về dự luật do chính phủ trình, có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Chính phủ Việt Nam dự định lập 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế.

Báo chí trong nước dẫn lại thông tin từ chính phủ cho hay dự luật đặc khu chứa đựng các chính sách đặc biệt về nhiều ưu đãi thuế, thủ tục hành chính thông thoáng và cho thuê đất dài hạn hơn.

Một số quan chức chính phủ nói với quốc hội và báo chí rằng việc lập 3 đặc khu là một bước “thử nghiệm” các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).

Giới hoạch định chính sách bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo “tác động lan tỏa, tích cực” tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo các báo.

Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục

Tại quốc hội, điều khoản về giao đất 99 năm trong dự luật đặc khu đã gây nhiều lo lắng cho các đại biểu.

Các đại biểu Dương Trung Quốc, Trần Hoàng Ngân, Trương Trọng Nghĩa, và Lê Thu Hà được báo chí trích lời đưa ra quan điểm rằng không nên cho thuê đất đến gần 1 thế kỷ, thậm chí nên bỏ điều khoản này ra khỏi dự luật.

Ông Dương Trung Quốc lưu ý đến yếu tố địa chính trị của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, và cảnh báo “không cẩn thận nó sẽ là nơi để [Trung Quốc] di dân thôi”, theo tin đăng trên VTC News và báo Đất Việt.

Tuy các đặc khu kinh tế với ưu đãi về đất đai không phải là một mô hình mới, với thực tế là đã nhiều nước trên thế giới thực hiện các đại dự án kiểu như vậy, song tính nhạy cảm về vấn đề này ở Việt Nam có phần nguyên nhân ở những nghi ngại của người Việt về những động thái của Trung Quốc trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, giải thích với VOA:

“Với thời hạn đó quá dài, sợ rằng rất nhiều người Trung Quốc, thông qua các nhà đầu tư chẳng hạn, họ sẽ biến trở thành lãnh thổ của họ trên đất Việt Nam. Đấy là một tâm lý do hậu quả một quá trình thực hiện các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biên giới, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông”.

Sau khi các ý kiến của các đại biểu quốc hội được báo chí đăng tải, trong nhiều ngày liên tiếp, đông đảo dư luận Việt Nam, bao gồm các thành phần đa dạng như các nhà báo kỳ cựu, giảng viên đại học, quan chức về hưu và các nhà hoạt động, cũng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội phản đối dự thảo về giao đất lâu gấp rưỡi thời hạn theo luật hiện hành.

Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân được nhiều người chia sẻ, cũng như được trang mạng có tên Báo Tiếng Dân đăng lại, tiến sĩ Võ Trí Hảo nói ông quan ngại nhất về nguy cơ đối với Vân Đồn do đảo này có “giá trị quốc phòng” đối với Trung Quốc.

Vị tiến sĩ nhắc lại đặc điểm của hòn đảo là “cận kề Trung Quốc, có lịch sử sinh sống của người Trung Quốc trước năm 1979”, thời điểm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trở nên thù địch do nổ ra cuộc chiến biên giới giữa hai nước.

Các cơ quan chức năng có trách nhiệm nghiên cứu, đề ra các phương án để giảm thiểu tối đa những nguy cơ mà trong thực tiễn quốc tế đã từng xảy ra. Thậm chí là anh có những hạn chế đối với những đối tượng cảm thấy rằng nó có nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền đất nước.

Tiến sĩ Trần Công Trục

Dẫn lại cảnh báo của đại biểu quốc hội về khả năng người Trung Quốc lợi dụng đặc khu kinh tế Việt Nam để di dân, ông Hảo khái quát về một viễn cảnh đáng lo ngại là những di dân có thể “tạo bất ổn chính trị, kiếm cớ biểu quyết ly khai” rồi “xin gia nhập Trung Quốc” theo kịch bản Crimea.

Bán đảo Crimea từng thuộc về Ukraine, nhưng bị Nga sáp nhập năm 2014 với lý do đa số kiều dân Nga trên bán đảo bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp tách ra khỏi Ukraine và mong muốn được Nga bảo vệ lợi ích.

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục nhìn nhận đây là một nguy cơ, vì vậy chính sách về Vân Đồn phải tính đến các biện pháp ngăn ngừa:

“Vân Đồn gần Trung Quốc cho nên vấn đề an ninh quốc phòng là vấn đề đặt ra. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm nghiên cứu, đề ra các phương án để giảm thiểu tối đa những nguy cơ mà trong thực tiễn quốc tế đã từng xảy ra. Thậm chí là anh có những hạn chế đối với những đối tượng cảm thấy rằng nó có nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền đất nước”.

Mặc dù xuất hiện nhiều ý kiến trong quốc hội lẫn ngoài xã hội bày tỏ không ủng hộ, song theo bản tin hôm 28/5 của báo mạng VNExpress, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn đề nghị “cho phép giữ nguyên quy định 99 năm” về cho thuê đất ở các đặc khu.

Dự kiến quốc hội sẽ biểu quyết về dự luật đặc khu kinh tế vào ngày 15/6 tới đây.

Thông tin từ Bộ Tài chính Việt Nam được báo chí dẫn lại cho hay nếu dự luật được thông qua, 3 đặc khu sẽ cần số vốn đầu tư lên đến gần 1,6 triệu tỉ đồng, tương đương gần 69 tỉ đôla, trong đó vốn ngân sách chiếm từ 50-59%, tùy từng đặc khu.

https://www.voatiengviet.com/a/lo-ngai-van-don-thanh-crimea-thu-hai-neu-giao-dat-99-nam/4414571.html

 

Thông điệp chính của Phật đản là ‘yêu chuộng hòa bình’

Thông điệp chính của Phật Đản là ‘hòa bình, không chiến tranh’ cùng với ‘từ bi, hỷ xả với muôn loài’, một nhà nghiên cứu về Phật giáo từ thủ đô Paris của Pháp nói với BBC trong tháng Năm này.

Vẫn theo ‎ý kiến này, Việt Nam nhìn bề ngoài hiện có sự ‘tự do’ và ‘dễ thở hơn’ đối với vấn đề ‘tự do tôn giáo và tín ngưỡng’, nhưng xét về thực chất đó là một sự ‘tự do có điều kiện’.

Mặt khác, thách thức lớn nhất đối với cộng đồng và tăng chúng Phật giáo Việt Nam ở trong nước và hải ngoại hiện nay là nạn ‘buôn thần bán thánh’, ‘mê tín dị đoan’ và xa rời chánh pháp, ông Thành Đỗ, Trưởng ban Nghiên cứu Phật học thuộc Học viện Phật giáo Linh Sơn tại Pháp nói với BBC Tiếng Việt.

Một tự do tôn giáo của một con chim được nuôi trong lồng, phải ăn, phải uống những gì mà người chủ cho, không làm khác hơn được. Tự do đó, nhiều vị tu sỹ chân chính đã từ chốiÔng Thành Đỗ, Học viện Phật giáo Linh Sơn

Phật pháp và những vòng tròn ở Kathmandu

Việt Nam: Chùa chiền, tiền bạc?

Chúng tôi đào tạo Phật học ở Paris như thế nào?

Phật giáo Làng Mai và cơ hội trở lại

Làm gì với Hội thánh Đức Chúa Trời?

Mở đầu cuộc trao đổi sau đây, nhà nghiên cứu này đưa ra bình luận về thông điệp của Phật đản với cộng đồng quốc tế:

“Tinh thần chính của phật đản là thông điệp hoà bình, không chiến tranh, là tình yêu thương giữa con người với nhau mà Đức Phật đã truyền dạy trong suốt 45 năm từ 2.562 năm về trước;

“Là tình yêu thương con người với nhau và lòng từ bi, hỷ xả với muôn loài, cũng như với thiên nhiên, để bảo tồn di sản cho nhân loại và thế hệ mai sau.”

BBC: Theo ông Việt Nam hiện nay ở trong nước có tự do tôn giáo, tín ngưỡng như thế nào, đối với riêng Phật giáo ra sao?

Ô. Thành Đỗ: Nhìn về bề ngoài thì tự do tôn giáo tại Việt Nam có dễ thở hơn, nhưng chỉ là một tự do tôn giáo có điều kiện với sự giám sát chặt chẽ của nhà cầm quyền. Những vị tu sỹ từ chối sự giám sát và tự do có điều kiện thì hoàn toàn bị khống chế và loại ra ngoài vòng của hoạt động tôn giáo.

Chỉ những ai chấp nhận khuôn khổ do chủ nhân ông hướng dẫn mới được ‘cưng’, không nhất thiết là Phật giáo hay bất cứ các tôn giáo nào khácÔng Thành Đỗ, Học viện Phật giáo Linh Sơn, Pháp

Một tự do tôn giáo của một con chim được nuôi trong lồng, phải ăn, phải uống những gì mà người chủ cho, không làm khác hơn được. Tự do đó, nhiều vị tu sỹ chân chính đã từ chối từ mấy mươi năm nay như Hòa Thượng Thích Quảng Độ hay nhiều vị giám mục, linh mục bên Công giáo.

BBC: Liệu Phật giáo với tư cách một tôn giáo có được nhà nước cộng sản Việt Nam lâu nay ‘cưng chiều’ hơn Công giáo và các tôn giáo khác không? Hay thực sự có một sự đối xử, đối đãi bình đẳng?

Ô. Thành Đỗ: Chỉ những ai chấp nhận khuôn khổ do chủ nhân ông hướng dẫn mới được ‘cưng’, không nhất thiết là Phật giáo hay bất cứ các tôn giáo nào khác, mặc dù một số tôn giáo hay tín ngưỡng như thờ cúng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các không gian tôn giáo công cộng, hay đạo Thánh Mẫu hết sức được cưng chiều bởi chính quyền.

Thách thức lớn nhất?

Báo cáo của Mỹ về tôn giáo VN ‘bị sai lệch’

Cựu kỹ sư quốc phòng nói về đạo Phật và Thiền

TS. Nguyễn Thị Hậu nói về Thủ Thiêm và các công trình tôn giáo

Chuyên đề: Làng Mai qua ba thập niên

Những cơ sở này “xuất cảng” ra hải ngoại rất nhiều tu sỹ trẻ để tạo thành một mạng lưới kinh tài toàn cầu, nhắm đến các nước giàu có để phục vụ như cầu tâm linh cho những người Việt tha phươngÔng Thành Đỗ, Học viện Phật giáo Linh Sơn, Pháp

BBC: Thách thức lớn nhất đối với cộng đồng tăng chúng và tín đồ, phật tử của Phật giáo Việt Nam ở trong nước và hải ngoại hiện nay là gì và tại sao?

Ô. Thành ĐỗThách thức lớn nhất và nhiệm vụ muôn đời của người Phật tử , tăng hay tục là làm sao cho chánh pháp được trường tồn.

Lịch sử dân tộc đã cho thấy rất nhiều thời kỳ mà chánh pháp bị kiếp nạn như thời Lê Ngoạ Triều róc mía trên đầu tu sỹ và làm bộ róc hụt tay cho cây dao phập xuống đầu vị sư, hay những bạo chúa đốt kinh điển và phá chùa.

Ngày nay, nhiều nơi thờ phượng tôn giáo trở thành các siêu địa điểm du lịch mà nhiều cấp chính quyền đã ‘dung túng’ để thu hút ngoại tệ và khách du lịch, kể cả khách du lịch nước ngoài, không cần tôn trọng nơi thờ phượng, đi mà nói cho hẳn hòi, không thực sự là tự do tôn giáo đúng nghĩa, cũng là một ví dụ của thách đố với Phật giáo nói riêng, các tôn giáo chân chính khác nói chung.

Ngày nay, cộng đồng Phật giáo ở Việt Nam và hải ngoại nên cùng nhau xây dựng lại văn hoá dân tộc gắn liền với lời kinh tiếng kệ, mạnh dạn tránh xa các nạn buôn thần bán thánh và các tệ nạn ấy. Đức Phật có lời dạy rằng “Khi còn có người có chánh tín thì chánh pháp sẽ còn trường tồn”, theo tôi, chúng ta chỉ hãy làm công việc duy nhất là vững niềm tin vào chánh pháp.

BBC: Ông bình luận thế nào về một số mô hình giáo hội, tăng đoàn Phật giáo ở Việt Nam và thậm chí tại hải ngoại với các ‘siêu trung tâm’, cơ sở Phật giáo có ‘Chùa to, tượng lớn’ đang liên tục được mở rộng ‘cương vực’, cơ sở và thu hút tín đồ, phật tử ở trong và ngoài nước tới con số hàng nghìn, hàng vạn, cùng mạng lưới các trụ sở, phân viện không ngừng mở rộng khắp nơi trên thế giới?

Ô. Thành ĐỗNgày nay, ai ai cũng nhận thấy là tôn giáo Phật giáo có sự chuyển hướng mạnh, trở thành gần như những cơ sở kinh tài quy mô lớn… mô hình này sao chép từ Trung Quốc, thậm chí, thùng Phước sương (hòm Công đức) có thể do chính quyền quản lý; và tu sỹ nếu muốn, tối có thể rời chùa về sống cuộc sống gia đình.

Những cơ sở này “xuất cảng” ra hải ngoại rất nhiều tu sỹ trẻ để tạo thành một mạng lưới kinh tài toàn cầu, nhắm đến các nước giàu có để phục vụ như cầu tâm linh cho những người Việt tha phương và tận dụng tâm lý yêu mến tôn giáo, tôn trọng tín ngưỡng có nguồn gốc phương Đông của tín đồ quốc tế, hải ngoại, kể cả những người có nhu cầu được chữa trị, điều trị về tâm lý mà lẽ ra cần và có thể chỉ nên đáp ứng thông qua hệ thống y tế, sức khỏe và giáo dục, chăm sóc phi tôn giáo cũng đủ.

Nạn buôn thần bán thánh thời nào cũng có, nhiều hay ít. Khi chánh pháp bị suy đồi thì những hiện tượng ấy trở nên lan tràn khắp nơiÔng Thành Đỗ, Học viện Phật giáo Linh Sơn, Pháp

‘Giàu có quá mức?’

Chuyên trang về Phật giáo

Chuyên trang về Tôn giáo

VN phản đối báo cáo tôn giáo của Mỹ

Mô hình đó, còn gần giống như các mô hình nhà thờ tại Âu châu nhiều thế kỷ trước, đem đến sự giàu có quá mức cho giới tu sỹ, một số nơi dường như thích sao chép mô hình của các đại chủng viện ‘có thu phí tinh vi’ của một số giáo hội ở nước ngoài điều không lạ lẫm với truyền thông, cộng đồng và các cơ quan quan thuế ở phương Tây.

Nhưng ngày nay, mặt khác, nhiều nhà thờ và cơ sở ‘kinh doanh tôn giáo tinh vi ấy’ đã và đang phải bán đi vì không còn tín đồ… các chùa Việt Nam tại hải ngoại, nếu không có sự điều chỉnh hợp lý và đúng đắn về nhận thức, rồi cũng có thể theo chân nhiều chùa chiền người Trung Hoa tại Mỹ và nhất là ở vùng San Francisco mà cách đây hơn 100 năm tại đó từng có tới hơn 200 ngôi chùa Tàu của người Hoa.

Nhiều mô hình trong số này gây quan ngại vì chúng xa lạ với Chánh pháp của Phật giáo và nhiều tôn giáo khác muốn giác ngộ con người tránh xa các dục vọng, trong đó có tham vọng về tiền tài, danh vọng, quyền lực quá đáng, cũng giống như trong tinh thần của đạo Nho Việt Nam đề cao ‘tri túc’ tức ‘biết đủ, biết vừa’ và nhất là giới tu hành cần lấy đời sống, lối sống thanh đạm là duy nhất, tránh xa phú quý, giàu sang, nổi tiếng, quyền lực, kể cả Thần quyền, Thế quyền, để an ủi chúng sinh còn nhiều người đang sống trong ‘bể khổ’, đói nghèo, bệnh tật, bất công v.v…

BBC: Ông bình luận gì thêm về hiện tượng được cho là buôn thần, bán thánh, mê tín, dị đoan được cho là gây tiêu cực và tác hại cho cộng đồng và văn hóa trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở các cơ sở Phật giáo Việt Nam trong nước, cũng như hải ngoại dưới nhiều hình thức? Giải pháp chính cho vấn đề này, nếu có, nên thế nào và bắt đầu từ đâu?

Giải pháp chính cho các vấn đề này vẫn là Phật pháp chân chính phải được rao giảng đến với mọi tầng lớp trong xã hội càng sớm, càng tốt, để giúp khai mở dân trí và văn hoá dân tộcÔng Thành Đỗ, Học viện Phật giáo Linh Sơn, Pháp

Ô. Thành Đỗ: Nạn buôn thần bán thánh thời nào cũng có, nhiều hay ít. Khi chánh pháp bị suy đồi thì những hiện tượng ấy trở nên lan tràn khắp nơi, từ cúng sao giải hạn, tới đến dùng máy cái, sổ lớn để đếm tiền công đức, liệt kê nhà đất, tài sản cúng dường.

Hoạt động tôn giáo đúng chánh pháp thường không chủ trương đem đến tài sản thế gian cho giới tu sỹ Phật giáo hay Công giáo, nhưng những hiện tượng mê tín dị đoan thì ngược lại, sẽ thu hút rất nhiều những người đến với tôn giáo do lòng tham lam và sự vô minh.

Giải pháp chính cho các vấn đề này vẫn là Phật pháp chân chính phải được rao giảng đến với mọi tầng lớp trong xã hội càng sớm, càng tốt, để giúp khai mở dân trí và văn hoá dân tộc, như Hòa Thượng Mẫn Giác có dạy: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của Tổ Tông!”

Bài phỏng vấn phản ánh quan điểm riêng của người trả lời, một nhà nghiên cứu về Phật học, đang nghiên cứu và giảng dạy Phật học tại Học viện Phật giáo Linh Sơn, nam Paris, Pháp.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44289353

 

Blogger nói ‘bị công an yêu cầu xóa bài’

Một blogger, nhà hoạt động ở Hà Nội nói ông bị nhân viên Bộ Công an Việt Nam yêu cầu xóa các bài viết đăng trên Facebook cá nhân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nói với BBC Tiếng Việt Văn phòng Bangkok rằng hôm 25/5 khi vừa đến sân bay Tân Sơn Nhất, ông bị một số nhân viên an ninh giữ lại và mời vào khu vực cách ly.

“Trong 15 giờ đồng hồ sau đó tôi đã bị thẩm vấn liên tục bởi nhiều cán bộ an ninh khác nhau xưng là người của A67, Cục Chống Phản động và Khủng bố thuộc Bộ Công An, chi nhánh phía Nam.”

Vingroup huy động vốn ‘tới 2 tỉ USD’

Dự án xe hơi của VinGroup hưởng ưu đãi thuế

Tư bản thân hữu Việt Nam nảy nở từ đâu?

“Các câu hỏi của họ xoay quanh việc thời gian vừa qua tôi đi đâu, gặp ai, làm gì, lặp đi lặp lại suốt một thời gian dài. Cuối cùng họ đưa ra yêu cầu là tôi phải xoá bài trên Facebook, trước khi thả tôi ra,” ông Tuấn cho biết.

“Tôi thấy ngạc nhiên khi A67 yêu cầu tôi xoá những bài gần đây, đặc biệt là những bài có liên quan tới tập đoàn Vingroup. Tôi có đề nghị họ đưa ra căn cứ pháp lý của yêu cầu này nhưng họ từ chối trả lời, chỉ bảo rằng đấy là cách để tôi bày tỏ thiện chí với họ. Thực lòng mà nói đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao họ lại yêu cầu như thế.”

“Tôi có tranh luận lại và không đồng tình với họ về việc cho rằng những bài về Vingroup lại gây hại cho an ninh quốc gia. Thêm nữa, tôi đã lập luận rằng mọi thông tin chi tiết trong bài của tôi đều dẫn nguồn từ báo chí nhà nước, chứ hoàn toàn không phải là vô căn cứ. Tuy nhiên họ không tranh luận, chỉ bắt buộc tôi phải xoá bài theo ý họ.”

Tuy nhiên cho đến hôm 29/5, trên Facebook ông Nguyễn Anh Tuấn vẫn giữ các bài viết của mình chứ không xóa.

Ví dụ có bài viết từ hôm 12/5 đặt câu hỏi về việc Vingroup mua một số khu “đất vàng” ở Hà Nội.

Bài này đã có 7000 lượt yêu thích và hơn 1000 lượt chia sẻ.

Ông Tuấn cho rằng các khu đất công lớn ở trung tâm Hà Nội đang dần rơi vào tay tập đoàn Vingroup mà không qua “đấu thầu công khai”.

Tuy nhiên tập đoàn Vingroup phản hồi với BBC rằng những thông tin của mà ông Tuấn viết trên Facebook là “hoàn toàn sai sự thật”.

Đại diện Vingroup nói họ “không quan tâm đến việc này”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44249571

 

Phát ngôn 29/5:

‘Ai chịu trách nhiệm tai nạn đường sắt?

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam Nguyễn Văn Thể hôm 29/5 yêu cầu:

“Riêng về đường sắt, hiện nay, các đơn vị liên quan cần tập trung tổng kết số liệu, làm rõ nội dung tại sao xảy ra các vụ tai nạn vừa qua và ai chịu trách nhiệm chính, trực tiếp và báo cáo Bộ trong thời gian sớm nhất.”

‘Phát ngôn ấn tượng’ ngày 25/5

‘Phát ngôn ấn tượng’ ngày 23/5

Ông Thể phát biểu ở buổi họp giao ban tháng 5, lắng nghe thông tin các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt.

Từ ngày 24 đến 27/5, đường sắt Việt Nam đã xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người chết, 11 người bị thương.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT giải trình: “Về khách quan, kết cấu hạ tầng gia thông đường sắt còn nhiều bất cập, giao cắt giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều, đặc biệt là đường ngang tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm.”

“Đồng thời phương tiện có niên hạn sử dụng từ những năm 1960-1970 vẫn đang được khai thác trên đường sắt.”

“Ngoài ra, ý thức một bộ phận người tham gia giao thông còn kém,” ông Thạch nói.

Thủ Thiêm: Sai thì sửa

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói với báo VnExpress rằng thành phố đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch Thủ Thiêm.

“Về mặt pháp lý, quả bóng đang nằm ở Thanh tra Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu thanh tra 15/7 phải xong kết luận, nhưng Thanh tra nói ngày 15/6 sẽ hoàn thành, xong càng sớm thì càng tốt.”

“Về bản chất, việc nào đúng thì khẳng định, còn sai thì sửa,” ông Nhân nói.

Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha, đã giải phóng hơn 99% mặt bằng.

Theo báo chí Việt Nam, còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44290213

 

Việt Nam: Đảng viên có thể bị cấm xuất cảnh

Thường trực Ban Bí thư ký qui định theo đó có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.

Qui định được ông Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký trong bối cảnh Việt Nam tăng cường phòng và chống tham nhũng.

Qui định số 01 gồm 4 chương, 8 điều có đoạn nói “Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, không có vùng cấm”,

‘Phát ngôn ấn tượng’ ngày 28/5

Việt Nam: Quản lý và điều hành DNNN ‘bị lẫn lộn’

Tăng giá xăng: ‘Bóng đang ở sân Quốc hội’

“Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, Ủy ban Kiểm tra phải chủ động thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Khi phát hiện đảng viên có hành vi tham nhũng phải kiểm tra, xem xét và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời.

“Tổ chức đảng, đảng viên có hành vi dung túng, bao che, tham nhũng hoặc cản trở, can thiệp trái quy định vào việc xử lý các vụ việc tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm,” qui định này nói thêm.

Trong động thái được xem là trao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau một số vụ quan chức nhà nước bỏ trốn và bị truy nã, qui định nói rõ rằng ủy ban này “có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh”.

“Khi cần thiết [Ủy ban Kiểm tra] đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn”.

Được biết ủy ban này cũng có thẩm quyền yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tài sản, khi cần thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản.

Qui định này được đưa ra trong bối cảnh xảy ra một loạt vụ quan chức nhà nước bỏ trốn ra nước ngoài và bị khởi tố.

Hồi tháng Một năm nay, ông Phan Văn Anh Vũ, còn được gọi là Vũ ‘Nhôm’, bị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sau khi ông bị bắt giữ ở sân bay Singapore và đưa về Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44288451

 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương thêm quyền

trong kỷ luật đảng viên

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam kể từ ngày 29 tháng 5 năm 2018 sẽ có quyền đề nghị không cho phép đảng viên xuất cảnh nếu có dấu hiệu tham nhũng và bỏ trốn.

Đây là nội dung nằm trong Quy định của Ban chấp hành Trung ương về phòng chống tham nhũng do ông Trần Quốc Vượng, Thường trực ban bí thư vừa ký.

Theo đó, Ủy ban kiểm tra có quyền đình chỉ sinh hoạt Đảng và yêu cầu đình chỉ chức vụ theo quyền hạn đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc đề nghị cấp ủy thực hiện các đình chỉ vừa nêu.

Quy định cũng nêu rõ Ủy ban Kiểm tra có quyền yêu cầu Đảng viên không được xuất cảnh và nếu cần sẽ yêu cầu cơ quan chức năng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với những ai có dấu hiệu tham nhũng.

Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra còn được trao quyền yêu cầu Đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản, và đề nghị cơ quan chức năng kê biên hay phong tỏa tài sản đối với Đảng viên có dấu hiệu tẩu tán tài sản.

Ủy ban Kiểm tra cũng sẽ được quyền kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật đảng viên vi phạm. Đồng thời có quyền yêu cầu giao cho Đảng viên tham nhũng vị trí công việc khác nếu hành vi tham nhũng chưa tới mức xử lý hình sự.

Về việc phòng ngừa tham nhũng, Ủy ban này có trách nhiệm thu thập các thông tin liên quan đến tham nhũng, trong đó có việc tiếp nhận xử lý các đơn thư tố cáo tham nhũng theo thẩm quyền.

Thời gian qua một số quan chức trong bộ máy Nhà nước đã bỏ trốn ra nước ngoài khi bị nghi ngờ dính líu tham nhũng. Trong đó phải kể đến ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức dầu khí chạy trốn sang Đức nhưng được nói bị VN bắt cóc đưa về và hiện đang thụ án chung thân. Ngoài ra còn có trường hợp ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám Đốc Công Tu Hóa Dầu & Sơ Sợi Dầu Khí, thành viên Hội Đồng Thành Viên Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam, cũng trốn sang Đức và xuất hiện tại phiên tòa xét xử vụ Việt Nam sang Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đưa về Hà Nội.

Vào đầu tháng giên vừa qua, ông Phan Văn Anh Vũ, một an ninh Việt Nam, bị phía Singapore trả về Việt Nam sau khi có tin ông này đến Singapore để tìm đường xin tỵ nạn tại một nước khác.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-gives-inspection-body-more-power-in-anti-corruption-campaign-05292018090434.html

 

Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam

sẽ tham dự đối thoại Shangri-La lần thứ 17

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore, diễn ra từ ngày 31/5 đến 3/6.

Thông tin được truyền thông loan đi vào hôm 29/5 cho biết. Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 có năm phiên đối thoại bao gồm các chủ đề: Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hạ nhiệt căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, định hình trật tự an ninh đang biến đổi tại Châu Á, vấn nạn chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố cùng nâng cao chất lượng hợp tác an ninh.

Ngoài ra, có 6 phiên họp với các chủ đề liên quan đến chiến lược, an ninh hàng hải và tháo gỡ xung đột trong khu vực.

Dự kiến, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ phát biểu tại buổi đối thoại và gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Quốc phòng của các nước.

Đối thoại Shingri-La diễn ra lần đầu tiên vào 2002, cuộc đối thoại xây dựng niềm tin và tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh trong khu vực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/defence-minister-to-attend-17-shangri-la-dialogue-in-singapore-05292018083322.html

 

Du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 37%

Du khách Trung Quốc đến  Việt Nam tiếp tục tăng, hiện cứ 3 khách quốc tế đến Việt Nam thì có 1 người là khách Trung Quốc.

Tổng Cục Thống kê Việt Nam cho biết trong 5 tháng đầu năm 2018, du khách quốc tế đến Việt Nam tăng 23.5% so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể về thị trường, khách đến từ châu Á tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách tăng 37%. Khách đến từ châu Âu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách Châu Mỹ tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến từ châu Úc tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2017. Khách đến từ châu Phi tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, thị trường Hoa Lục đã vượt Mỹ trở thành thị trường cá tra lớn nhất của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2018.

Tân Hoa Xã dẫn thông báo của Hiệp hội các nhà xuất khẩu và sản xuất thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu 145 triệu USD cá tra sang Trung Quốc trong 4 tháng vừa qua,  tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến, trong quý II/2018, lượng cá tra xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng.

Việc phụ thuộc vào doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tiếp tục khiến Việt Nam “điêu đứng”.

Cụ thể, nhiều loại trái cây Việt Nam rớt giá thê thảm, thậm chí có loại còn phải giải cứu do bế tắc đầu ra sau khi thị thường Trung Quốc ngưng nhập hàng từ Việt nam.

Báo cáo mới đây nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, bà  con tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị gặp khó khăn do giá dưa hấu rớt thảm xuống chỉ còn 1000-2000đ/kg do thị trường Trung Quốc ngừng “ăn hàng” dẫn đến cung vượt cầu, dưa đến vụ thu hoạch mà bế tắc đầu ra.

Thống kê của Bộ này cho thấy, 4 tháng đầu năm 2018, giá trị rau quả Việt xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 998,7 triệu USD. Đây tiếp tục là thị trường đứng đầu trong danh sách nhập khẩu rau quả Việt Nam (chiếm 75%).

Việc nông sản, đặc biệt là trái cây phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt lại xuất bằng đường tiểu ngạch nên chuyện bị thao túng giá là khó tránh khỏi. Nông sản Việt giá tăng hay giảm vì thế hoàn toàn phụ thuộc vào một thị trường, còn người nông dân hoàn toàn bị động.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/du-khach-trung-quoc-den-viet-nam-tang-05292018083602.html