Tin khắp nơi 29/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi  29/05/2018

Tướng Bắc Hàn ‘đi Mỹ bàn về kỳ họp thượng đỉnh’

Một trong các quan chức cao cấp nhất Bắc Hàn được cho là đã đi Mỹ để chuẩn bị cho khả năng diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.

Hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap nói Tướng Kim Yong-chol sẽ tới Hoa Kỳ vào thứ Tư, đi qua ngả Bắc Kinh.

Ông sẽ là quan chức nổi bật nhất của Bắc Hàn tới Mỹ kể từ 2000 tới nay.

Ông Moon ‘có thể dự hội nghị Trump-Kim’

Vẫn còn hy vọng cho hội nghị Trump-Kim

Kim ‘quyết tâm’ về thượng đỉnh với Trump

Trump: Thượng đỉnh với Kim có thể bị trì hoãn

Đây có thể là một phần công tác chuẩn bị cho kỳ họp dự kiến giữa ông Kim và Tổng thống Donald Trump.

Khả năng diễn ra cuộc họp những tưởng đã tan tành sau khi ông Trump hồi tuần trước tuyên bố rút lui.

Tuy nhiên, hai bên đã nỗ lực để kỳ họp có thể tổ chức theo kế hoạch, vào ngày 12/6 tới đây tại Singapore.

Nếu cuộc họp diễn ra thì đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo Bắc Hàn gặp một tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ.

Tướng Kim dự kiến sẽ bay tới New York vào thứ Tư, sau khi nói chuyện với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh, Yonhap dẫn các nguồn ngoại giao, nói.

Việc đưa Tướng Kim vào tiến trình đàm phán có ý nghĩa quan trọng, bởi nói cho thấy Bắc Hàn tha thiết muốn cuộc họp thượng đỉnh diễn ra.

Từng là người đứng đầu lực lượng tình báo, ông là một phần trong các cuộc đàm phán ngoại giao gần đây của Bắc Hàn.

Tướng Kim Yong-chol là ai?

Tướng Kim, 72 tuổi, là một nhân vật gây tranh cãi ở quốc gia láng giềng, Nam Hàn. Trước đây, ông từng là một nhà thương thuyết trong các cuộc đàm phán liên Triều.

Trong thời gian phụ trách lực lượng tình báo quân đội, ông bị cáo buộc là đã đứng đằng sau các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu Nam Hàn, trong đó có vụ phóng ngư lôi vào một tàu chiến Nam Hàn khiến 46 người thiệt mạng, và vụ tấn công tin tặc vào Sony Pictures hồi 2014.

Vì các vụ này mà Mỹ đã áp lệnh trừng phạt cá nhân đối với Tướng Kim trong năm 2010 và 2015.

Bất chấp tin nói ông bị trừng phạt do có “thái độ hống hách” hồi 2016, ông vẫn tiếp tục giữ các vị trí cao cấp trong quân đội và đảng cầm quyền ở Bắc Hàn, và là người dẫn đầu phái đoàn Bắc Hàn trong lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 tại Nam Hàn.

Nhân vật có nhiều ảnh hưởng này thường xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Bắc Hàn, tham dự nhiều cuộc họp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nam Hàn, và đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng.

Hồi tháng Hai, ông được cử đi dự lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông tại Pyeongchang, nơi ông ngồi gần với con gái đồng thời là cố vấn của ông Trump, cô Ivanka Tump.

Cũng trong hôm thứ Ba, một nhóm “tiền trạm” từ Mỹ theo kế hoạch sẽ gặp gỡ với các quan chức Bắc Hàn tại Singapore, giới chức Mỹ nói.

Các hoạt động này diễn ra sau một kỳ cuối tuần ráo riết các hoạt động ngoại giao, với tin hàng đầu là cuộc gặp đầy bất ngờ giữa Tổng thống Moon của Nam Hàn và ông Kim tại khu vực Bàn Môn Điếm.

Tại cuộc họp, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều dứt khoát phải được tổ chức.

Chi tiết về cuộc gặp dự kiến giữa ông Trump và ông Kim vẫn chưa được làm rõ, nhưng nội dung thảo luận sẽ bàn tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và các cách nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Nếu được xác nhận thì chuyến đi của Tướng Kim tới Mỹ sẽ là chuyến đi nổi trội nhất của một thành viên chính quyền Bình Nhưỡng kể từ sau chuyến đi của quan chức quân sự cao cấp Jo Myong-rok tới Washington hồi 2000.

Trong chuyến đi đó, ông Jo Myong-rok đã gặp Tổng thống Bill Clinton và trở thành quan chức Bắc Hàn đầu tiên bước chân vào Ngũ Giác Đài.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44290062

 

Dồn dập diễn biến ngoại giao

giữa Mỹ và Bắc Hàn

Bắc Hàn đã cử các quan chức hàng đầu tới Hoa Kỳ và Singapore, và theo Reuters, đây là chỉ dấu mới nhất cho thấy cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump có thể diễn ra, dù nguyên thủ Mỹ từng tuyên bố hủy.

Ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Công nhân cầm quyền, dự kiến tới Hoa Kỳ ngày 30/5 sau khi trao đổi với các quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh, Reuters đưa tin, dẫn lại hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc.

Trong khi đó, kênh NHK của Nhật đưa tin, ông Kim Chang Son, người được coi là chánh văn phòng của ông Kim Jong Un, đã bay tới Singapore sau khi quá cảnh ở Bắc Kinh cuối ngày 28/5.

Nhà Trắng trước đó nói rằng một nhóm “tiền trạm” tới Singapore để gặp phía Bắc Hàn, theo Reuters.

NHK đưa tin, các quan chức Mỹ gồm Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách hoạt động, Joe Hagin, đã rời một căn cứ không quân Mỹ ở Nhật Bản để tới Singapore hôm 28/5.

Sáng 29/5, trên Twitter, Tổng thống Trump đã xác nhận các diễn biến ngoại giao này.

“Chúng tôi đã quy tụ một nhóm tuyệt vời để đàm phán với Bắc Hàn. Các cuộc gặp liên quan tới hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra. Kim Young Chol, Phó Chủ tịch của Bắc Hàn, giờ đang tới New York. Phản ứng tích cực đối với lá thư của tôi, cám ơn”.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không có thông tin gì về các quan chức Bắc Hàn tới Hoa Kỳ qua ngả Bắc Kinh.

Ông Trump tuần trước tuyên bố hủy cuộc gặp lịch sử với lãnh tụ Bắc Hàn vào ngày 12/6 ở Singapore.

Nhưng theo Reuters, các diễn biến dồn dập này có thể là chỉ dấu cho thấy cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra.

https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BB%93n-d%E1%BA%ADp-di%E1%BB%85n-bi%E1%BA%BFn-ngo%E1%BA%A1i-giao-gi%E1%BB%AFa-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-b%E1%BA%AFc-h%C3%A0n/4414296.html

 

Thủ tướng Nhật mong thuyết phục ông Trump

về ôtô nhập

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 28/5 tuyên bố ông sẽ tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump về vai trò sống còn của các nhà sản xuất ôtô từ xứ sở mặt trời mọc đối với nền kinh tế Mỹ.

Theo Reuters, chính quyền của ông Trump tuần trước quyết định bắt đầu cuộc điều tra về an ninh quốc gia liên quan tới việc nhập khẩu ôtô, động thái có thể dẫn tới việc Mỹ áp thuế mới tương tự như đối với thép và nhôm nhập khẩu.

“Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã tạo công ăn việc làm và đóng góp lớn cho nền kinh tế Mỹ”, ông Abe trả lời trước quốc hội khi được một nhà lập pháp hỏi về phản ứng đối với bước đi của Mỹ.

“Là một đất nước coi trọng một hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ, Nhật Bản tin rằng bất kỳ bước đi nào về thương mại cần phải tuân thủ luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới”.

Con số xe mà các nhà sản xuất ôtô sản xuất ở Mỹ gấp đôi con số xuất sang nước này, ông Abe nói.

Thủ tướng Nhật cũng nói rằng Tokyo sẽ tiếp tục thúc giục Washington tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP.

https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-nh%E1%BA%ADt-mong-thuy%E1%BA%BFt-ph%E1%BB%A5c-%C3%B4ng-trump-v%E1%BB%81-%C3%B4t%C3%B4-/4413237.html

 

Ấn Độ: Nhà máy đóng cửa trước sức ép người dân

Hôm thứ Hai 28/5, bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ ra lệnh đóng cửa một nhà máy luyện đồng mà người dân địa phương đã biểu tình phản đối hơn 20 năm.

Chính quyền bang này có lệnh đóng cửa nhà máy luyện đồng Sterlite vài ngày sau khi cảnh sát bắn vào đám đông người biểu tình, làm ít nhất 13 người thiệt mạng.

Chúng tôi điểm lại phong trào của người dân thu hút hàng chục ngàn người đã dẫn đến việc đóng cửa nhà máy này.

TQ và Ấn Độ bất đồng về nước ngọt

Ấn Độ: Cô hiệu trưởng bắt học sinh ‘đốt tay’

Modi và Tập ‘ngồi bờ hồ ngắm cảnh’

Ai là người biểu tình?

Người dân của Tuticorin, một thành phố cảng ở bang Tamil Nadu, cáo buộc nhà máy đồng gây hủy hoại nghiêm trọng về môi trường, gồm ô nhiễm không khí và gây độc hại nguồn nước ngầm.

Công ty khai thác khoáng sản Vedanta, chủ của nhà máy Sterlite, liên tiếp phủ nhận các cáo buộc. Công ty này nói việc đóng cửa nhà máy, đã hoạt động hơn 22 năm nay, là “một diễn biến đáng tiếc”.

Nhà máy luyện đồng Sterlite có công suất 400.000 tấn đồng này có tai tiếng kể từ khi còn chưa được xây dựng hồi năm 1995.

Dự án xây dựng nhà máy đã từng bị từ chối ở ba bang khác tại Ấn Độ – các bang Maharashtra, Gujarat và Goa – do “tính chất gây ô nhiễm cao” trước khi được bang Tamil Nadu duyệt, theo Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ.

Việc công bố dự án này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều người dân địa phương, những người đã phối hợp với các hiệp hội môi trường để thành lập phong trào chống Sterlite.

Sterlite được xây năm 1996 – sau khi được cấp giấy phép môi trường từ ủy ban chống ô nhiễm của bang Tamil Nadu và bộ môi trường, bất chấp sự phản đối của công chúng.

Điều gì khiến phong trào kéo dài?

Ông Nityanand Jayaram, một nhà hoạt động môi trường đã tham gia phong trào chống Sterlite từ năm 2003, nói với BBC luôn có sự “tức giận ngấm ngầm” với nhà máy này. Ông nói nhà máy liên tục nói dối người dân về tác hại gây ra cho môi trường.

“Công ty liên tục phủ nhận lo lắng của người dân và vì thế họ cảm thấy họ không được lắng nghe, và vì thế nỗi tức giận chưa bao giờ lắng xuống,” ông cho biết.

Việc nhà máy Sterlite “dùng bộ máy chính phủ để làm lợi cho họ, trong lúc liên tục phủ nhận tác động môi trường đến những người dân sống trong vùng” làm tình hình thêm tồi tệ, ông Jayaram nói thêm.

Ông nói nhiều vụ việc như rò rỉ ga và vi phạm trắng trợn quy định quy hoạch làm tăng thêm thêm sự tức giận với công ty này.

Formosa: Đã đền bù thỏa đáng?

Thủ tướng Phúc thăm Formosa Hà Tĩnh

‘Nỗi buồn sông Gianh’ và Formosa

Bang Tamil Nadu không lạ gì với các phong trào người dân phản đối các công ty và dự án của chính phủ. Năm 2016 hãng sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ Unilever buộc phải đóng cửa một nhà máy ở Kodaikana sau cuộc đấu tranh kéo dài một thập kỷ về xử lý chất thải độc hại. Trong một vụ khác, người dân ở Kudankulam biểu tình chống việc xây dựng và vận hành của một nhà máy điện hạt nhân suốt hơn 20 năm.

Phóng viên BBC News tiếng Tamil Muralidharan Kasi Vishwanathan nói một trong các lý do của những phong trào này là trình độ khá cao của người dân ở bang này, có nghĩa là người dân quan tâm nhiều đến các vấn đề hơn.

Ông cũng cho rằng các phong trào bảo vệ môi trường ở bang Tamil Nadu là rất mạnh, với sự tham gia của người dân từ mọi tầng lớp trong xã hội và được sự ủng hộ lớn của số đông.

“Chẳng hạn trong trường hợp biểu tình phản đối Sterlite, các chủ cửa hàng, tiểu thương và thậm chí ngư dân đều tham gia ngay từ đầu. Năm 1997, hai chuyến tàu từ Úc chở quặng đồng tìm cách cập bờ ở cảng Tuticorin, nhưng ngư dân dùng thuyền bao quanh các tàu này, và họ không thể giao quặng đồng được.”

Điều gì dẫn đến việc đóng cửa nhà máy?

Hôm 22/5, người dân Tuticorin xuống đường kỷ niệm 100 ngày biểu tình chống Sterlite. Nhưng các cuộc biểu tình hòa bình kéo dài hàng tháng này bất ngờ trở nên bạo lực khi cảnh sát đụng độ với người biểu tình. Cảnh sát nói họ phải nổ súng khi đám đông kéo vào trụ sở chính quyền quận. Ít nhất 13 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Cảnh sát và giới chức bang thanh minh chuyện bắn vũ khí vào đám đông người biểu tình “nổi loạn”. Nhưng việc cảnh sát xả súng làm dấy lên phản đối trên toàn quốc và nhiều người gọi vụ việc này là giết người.

Trước sức ép ngày càng lớn của người dân, các quan chức bang phải ra lệnh đóng cửa nhà máy sau đó ba ngày.

Liệu đây có phải là kết cục cho Sterlite Copper?

Khó mà nói được. Đây không phải là lần đầu tiên nhà máy này phải đóng cửa. Đây là lần thứ tư nhà máy phải ngưng hoạt động do các vụ việc như rò rỉ ga, ô nhiễm không khí hay gây độc nguồn nước ngầm.

Ông Jayaram cho rằng văn bản ra lệnh đóng cửa nhà máy không vượt qua được các thách thức về luật pháp. Ông nói văn bản không đề cập đến những vi phạm của nhà máy trong nhiều năm qua và cáo buộc ủy ban kiểm soát ô nhiễm “có lịch sử phác thảo những điều luật yếu ớt chắc chắn sẽ không được chấp nhận ở tòa”.

Người phụ trách mảng đồng thị trường Ấn Độ của hãng Vedanta, ông P Ramnath nói công ty có kế hoạch “chống lại bằng pháp luật bất kỳ nỗ lực nào nhằm đóng cửa nhà máy.”

Nhà máy đóng cửa ảnh hưởng tới kinh tế Ấn Độ ra sao?

Nhà máy Sterlite ở bang Tamil Nadu là nhà máy nung đồng lớn thứ bảy trên thế giới, và đáp ứng 36% nhu cầu đồng của Ấn Độ. Điều này có nghĩa việc đóng của nhà máy có thể dẫn tới tình trạng thiếu đồng ở nước này và tạm thời khiến đồng tăng giá. Nỗ lực nhập khẩu để bù lượng đồng thiếu có thể sẽ tốn khoảng 3 tỷ USD hàng năm.

Thêm vào đó, 3.500 nhân viên của nhà máy bị mất việc. Một kỹ sư của Sterlite nói với BBC Tiếng Tamil rằng chỉ có ít công việc tương tự ở các nhà máy đồng khác tại Ấn Độ.

“Nhiều nhân viên đang rất khổ tâm vì họ đều ở trong tình trạng mất ổn định,” ông nói

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44292700

 

Người Pháp đã bỏ thuốc lá như thế nào?

Một triệu người Pháp đã bỏ hút thuốc lá chỉ sau một năm, theo cuộc thăm dò sức khỏe giai đoạn 2016-2017.

Đây là con số lớn chưa từng thấy trong suốt một thập kỷ qua, theo Bộ Y Tế Pháp, cơ quan thực hiện cuộc thăm dò.

Tỷ lệ hút thuốc cũng giảm ở thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng các chính sách khuyến khích bỏ thuốc lá ở Pháp có vẻ đã có hiệu quả.

Philippines cấm hút thuốc toàn quốc

Năm quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới

Tập theo thói lập dị của thiên tài giúp bạn giỏi hơn?

Những năm gần đây, Pháp bán những gói thuốc lá với bao bì trung tính, hoàn lại tiền cho những người sử dụng các sản phẩm thay thế thuốc lá, nâng giá thuốc lá và tiến hành các chiến dịch như tháng không hút thuốc lá toàn quốc.

Theo khảo sát, vào năm 2017, có khoảng 26,9% người từ 18 đến 75 tuổi hút thuốc mỗi ngày, so với 29,4% một năm trước đó.

Số người hút thuốc giảm từ 13,2 triệu xuống 12,2 triệu người trong giai đoạn này.

Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn đặc biệt hoan nghênh việc bỏ thuốc lá ở những người có thu nhập thấp, nói rằng “thuốc lá là một quỹ đạo bất bình đẳng, nó nặng nề nhất với những người có hoàn cảnh khó khăn nhất và chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn”.

Một nghiên cứu năm ngoái cho thấy, dù đã qua nhiều thập kỷ với những chính sách khắt khe, sự tăng trưởng dân số đồng nghĩa số lượng người hút thuốc cũng tăng lên.

Trên toàn thế giới, ước tính cứ 10 người thì một người chết vì thuốc lá, và một nửa con số đó tập trung ở bốn nước – Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga, theo Lancet.

Một phân tích so sánh từng quốc gia cảnh báo “nạn dịch hút thuốc lá đang được xuất khẩu từ các nước giàu có sang các nước có thu nhập thấp và trung bình.”

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết những cảnh báo bằng hình ảnh được chứng minh là đã giúp nhiều người bỏ thuốc lá, và nói rằng 78 quốc gia sở hữu một nửa dân số thế giới hiện đang áp dụng rất tốt biện pháp này.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44249570

 

Canada tiến hành điều tra thép bán phá giá

Tòa án thương mại quốc tế Canada (CITT) hôm 29 tháng 5 cho biết đã bắt đầu một cuộc điều tra sơ bộ về việc bán phá giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam vào thị trường Canada.

Theo Reuters, tòa án sẽ điều tra xem liệu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên “thép tấm cán nguội” từ các nước này có làm hại đến ngành công nghiệp thép của Canada hay không.

CITT là một cơ quan hoạt động trong hệ thống khắc phục thương mại của Canada và báo cáo kết quả với quốc hội. CITT cho biết sẽ có quyết định vào ngày 24 tháng 7 và công bố kết quả điều tra vào ngày 8 tháng 8.

Canada thực hiện việc chống bán phá giá theo các bước mà Hoa Kỳ đã làm vừa qua.

Cụ thể, vào ngày 21 tháng 5, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã cho áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam bị cho rằng thực chất xuất xứ từ Trung Quốc. Hành động này của Washington nhằm ngăn chặn việc Hoa Lục lách thuế chống phá giá và chống trợ cấp khi xuất khẩu thép vào Hoa Kỳ.

Ngành công nghiệp thép toàn cầu đang phải đối phó với tình trạng sản xuất dư thừa mà phần lớn từ Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/canada-initiates-dumping-inquiry-into-steel-imports-from-china-vn-05292018100925.html

 

Nhật phát hiện tàu Trung Quốc

chuyển dầu cho Bắc Hàn

Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 29/5 thông báo rằng một máy bay trinh sát của hải quân nước này đã phát hiện một tàu treo cờ Trung Quốc dường như đã chuyển dầu sang một tàu chở nhiên liệu của Bắc Hàn.

Một tuyên bố của Bộ này viết rằng hai tàu đó bị nghi thực hiện việc chuyển giao hàng hóa ở ngoài khơi, vốn bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, theo AP.

Tokyo cho biết đã thông báo cho Hội đồng Bảo an về vụ việc xảy ra hôm 19/5 trên Biển Hoa Đông.

Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã công bố bốn bức ảnh, cho thấy tàu treo cờ Bắc Hàn Ji Song 6 và tàu Trung Quốc thả theo gần nhau và có một đường ống nối hai tàu này.

Ji Song 6 là tàu chở nhiên liệu đã bị Liên Hiệp Quốc đưa vào “danh sách đen”, theo AP.

Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un dường như đã đi vào giai đoạn cuối.

Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn giới hạn việc mua bán năng lượng đồng thời cấm việc chuyển giao hàng hóa ở ngoài khơi cho các tàu Bắc Hàn nhằm gây áp lực cho Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BA%ADt-ph%C3%A1t-hi%E1%BB%87n-t%C3%A0u-trung-qu%E1%BB%91c-chuy%E1%BB%83n-d%E1%BA%A7u-cho-b%E1%BA%AFc-h%C3%A0n/4414616.html

 

Cảnh sát Bỉ bắn chết kẻ tấn công ‘khủng bố’

Cảnh sát Bỉ bắn chết một người đàn ông ở thành phố Liege hôm 29/5, sau khi nhân vật này sát hại hai nữ cảnh sát và một nam thanh niên.

Reuters trích lại RTBF, kênh phát thanh truyền hình của Bỉ, cho biết rằng nghi can 36 tuổi mới được tạm thả khỏi một trại giam hôm 28/5.

Tin cho hay, nhân vật này thụ án liên quan tới ma túy và có tâm lý “không ổn định”.

Theo Reuters, tờ La Libre Belgique trích một nguồn tin cảnh sát nói rằng tay súng đã hô vang “Thượng đế vĩ đại” bằng tiếng Ảrập khi thực hiện vụ tấn công.

RTBF đưa tin rằng các nhà điều tra đang tìm hiểu xem liệu nghi can có cải đạo sang Đạo Hồi và trở nên cực đoan hóa trong tù hay không.

Một công tố viên nói tại một cuộc họp báo rằng nghi can dùng dao tấn công hai nữ cảnh sát trên một đại lộ ở trung tâm thành phố lớn thứ ba của Bỉ, gần biên giới với Đức.

Sau đó, theo ông Philippe Dulieu, nghi can lấy một khẩu súng ngắn của hai người rồi bắn chết họ. Nhân vật này sau đó đi dọc trên đường và bắn chết một nam thanh niên 22 tuổi ngồi trong một chiếc ôtô đang đỗ.

Nghi can sau đó đi tới một trường trung học và tại đó, bắt một nữ nhân viên làm con tin, khiến cảnh sát vũ trang phải vào cuộc.

Học sinh đã được sơ tán tới nơi an toàn trong khi nổ ra cuộc đọ súng còn làm một số cảnh sát bị thương.

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-b%E1%BB%89-b%E1%BA%AFn-ch%E1%BA%BFt-k%E1%BA%BB-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-/4414372.html

 

Pháp nhập quốc tịch

cho ‘người nhện’ giải cứu cậu bé 4 tuổi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28/5 cho biết sẽ cấp giấy tờ cư trú cho một di dân trái phép từ Mali, sau khi “người hùng” này trèo lên mặt tiền một tòa nhà ở Paris để cứu một cậu bé khỏi bị ngã từ bang công trên tầng bốn.

Một đoạn video trên YouTube cho thấy anh Mamoudou Gassama, 22 tuổi, hôm 27/5 đã trèo qua nhiều tầng lên cứu cậu bé bốn tuổi đang lơ lửng bám thành lan can ban công trong sự lo lắng hò hét của mọi người.

Đây là một hành động phi thường. Chúng tôi sẽ thu xếp vấn đề giấy tờ của anh, và nếu anh muốn, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến trình nhập tịch để anh có thể trở thành công dân Pháp.

Tổng thống Pháp Macron nói.

Theo báo chí Pháp, cha mẹ của cậu bé đã không trông em lúc vụ việc xảy ra. Người cha sau đó đã bị bắt vì không làm đúng trách nhiệm của bố mẹ.

Đoạn video lan truyền chóng mặt trên mạng và anh Gassama đã được gọi là “người nhện” vì cuộc giải cứu diễn ra trong chưa đầy một phút.

Anh cũng nhanh chóng được mời tới gặp Tổng thống Macron, theo Reuters.

“Đây là một hành động phi thường”, nguyên thủ Pháp. “Chúng tôi sẽ thu xếp vấn đề giấy tờ của anh, và nếu anh muốn, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến trình nhập tịch để anh có thể trở thành công dân Pháp”.

Ông Macron nói thêm: “Những gì anh làm giống với hành động của lính cứu hỏa. Nếu nó đúng với nguyện vọng của anh, anh có thể gia nhập đội ngũ lính cứu hỏa để anh có thể thực hiện hành động như vậy hàng ngày”.

Anh Gassama nói với ông Macron rằng anh tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới Italia hồi tháng Ba năm 2014, nhưng đã bị bắt.

Châu Âu đã đối mặt với cuộc khủng hoảng di dân năm 2015 do cuộc chiến ở Libya và Syria, và hơn 1 triệu người từ châu Phi và Trung Đông vượt đại dương hoặc đi qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu lục này.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo ca ngợi hành động anh hùng của Gassama và nói rằng thành phố này ủng hộ mong muốn định cư tại Pháp của anh.

Reuters đưa tin rằng anh Gassama đã nói với bà Hidalgo qua điện thoại hôm 27/8 rằng anh từ Mali tới Pháp nhiều tháng trước và muốn ở lại nước này.

https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%A1p-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nh%E1%BB%87n-nh%E1%BA%ADp-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%8Bch-v%C3%AC-c%E1%BB%A9u-c%E1%BA%ADu-b%C3%A9-4-tu%E1%BB%95i/4412803.html

 

Malaysia hủy dự án tỷ đô với Singapore,

chấp nhận bồi thường

Malaysia đã hủy một dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Kuala Lumpur và Singapore, trị giá nhiều tỷ đôla.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Mahathir Mohamad hôm 28/5 nói thêm rằng ông sẽ trao đổi với quốc gia láng giềng phương nam về bất kỳ khoản bồi thường nào mà nước này phải trả.

Ông Mahathir, 92 tuổi, mới giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, theo Reuters.

Ông từng tuyên bố ưu tiên cắt giảm nợ quốc gia và cam kết xem xét lại các dự án lớn của chính quyền tiền nhiệm để xem chúng có tốn kém và có lợi ích gì về mặt tài chính hay không.

Nói trong một cuộc họp báo, nhà lãnh đạo kỳ cựu cho biết rằng cần phải có thêm thời gian để xử lý thỏa thuận với Singapore về dự án ước tính trị giá khoảng 17 tỷ đôla.

Dự án đang được đấu thầu và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2026, theo Reuters.

Ông Mahathir cho biết rằng Malaysia có thể sẽ phải trả khoảng 125 triệu đôla cho Singapore để rút khỏi thỏa thuận.

“Chúng tôi đã đạt thỏa thuận tiến hành dự án Đường sắt Cao tốc dựa trên trách nhiệm và lợi ích chung”, Bộ Thương mại Singapore nói trong một tuyên bố.

“Chúng tôi đang chờ trao đổi chính thức từ Malaysia”.

Các công ty từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đang nhắm tới dự án này, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-h%E1%BB%A7y-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-t%E1%BB%B7-%C4%91%C3%B4-v%E1%BB%9Bi-singapore-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-b%E1%BB%93i-th%C6%B0%E1%BB%9Dng/4413150.html

 

Tàu Gaza đầu tiên phá cấm vận đường biển

Israel áp đặt từ 11 năm

Trọng Thành

Đã hai tháng kể từ khi người dân dải Gaza khởi sự phong trào đòi chấm dứt chính sách phong tỏa, mà Israel áp đặt từ 11 năm qua. Cho đến nay, các cuộc biểu tình diễn ra chủ yếu trên đường biên giới giữa Gaza và Israel. Ít nhất 104 người thiệt mạng do đạn của quân đội Israel. Hôm nay, 29/05/2018, lần đầu tiên một chuyến tàu khởi hành từ Gaza, hướng về vùng biển quốc tế, bất chấp lệnh cấm vận nghiêm ngặt.

Thông tín viên Guilhem Delteil tường trình từ Jerusalem:

« Đây là chuyến khởi hành từ dải Gaza để ‘‘đến với thế giới’’, theo những người tổ chức chuyến đi được đặt tên là ‘‘Hành trình trở về’’. Ban tổ chức khẳng định đây là lần đầu tiên. Bởi từ khi Israel áp đặt cấm vận đường biển từ 11 năm nay, không có chuyến tàu nào đến hoặc rời khỏi vùng lãnh thổ Palestine.

Vào cuối buổi sáng nay, một chiếc tàu đã rời khỏi bờ biển Gaza. Trên thuyền là nhiều người bệnh, người bị thương cần được ra nước ngoài trị liệu, cũng như nhiều sinh viên, thanh niên ra trường bị thất nghiệp, hy vọng tiếp tục các đào tạo hay tìm được việc làm ở bên ngoài vùng đất Gaza bị phong tỏa.

Đích đến của chuyến tàu chưa được công bố. Nhưng điều này không quan trọng, bởi Israel phong tỏa đường biển một cách nghiêm ngặt. Những người đi trên con tàu này hiểu rằng chắc chắn họ sẽ bị hải quân Israel bắt giữ trước khi đến được hải phận quốc tế. Ủy ban tổ chức cuộc ‘‘Hành trình’’ kêu gọi sự bảo vệ của quốc tế đối với con tàu nói trên. Chuyến tàu khởi hành đúng 8 năm sau ngày mà chiếc tàu Thổ Nhĩ Kỳ Mavi Marmara bị khám xét, khi tìm cách vượt qua vòng phong tỏa. Cuộc can thiệp của quân đội Israel năm đó khiến 10 người thiệt mạng ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180529-tau-gaza-dau-tien-pha-cam-van-duong-bien-israel-ap-dat-tu-11-nam

 

NATO-Nga : Cuộc họp đầu tiên

từ sau vụ đầu độc trên đất Anh

Tú Anh

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tiếp xúc lại với Nga vào thứ Năm 31/05/2018. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa hai bên từ khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal tại Salisbury, Anh Quốc, gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Kremlin và Tây phương.

Thông tin được phát ngôn viên NATO loan báo hôm thứ Hai, theo đó « Hội đồng NATO-Nga sẽ họp vào ngày thứ Năm 31/05 ». Cuộc họp lần thứ bảy tính trong hai năm gần đây, sẽ tập trung vào cuộc xung đột võ trang tại Ukraina nơi mà Matxcơva bị tố cáo ủng hộ phe ly khai thân Nga.

Thường xuyên lên án Matxcơva có hành động hù dọa và âm mưu can thiệp vào các nước thành viên NATO, tổng thư ký Liên minh, Jens Stoltenberg, cho rằng « cần phải thảo luận với Nga ».

Thực ra, theo lời nhiều viên chức NATO được AFP trích dẫn, Hội Đồng NATO-Nga, cơ chế quan trọng cho phép hai bên duy trì đối thoại, chưa bao giờ bị đình chỉ.

Mặc khác, quân đội NATO và quân đội Nga có nhiều đường dây liên lạc trực tiếp để khuyến khích đôi bên duy trì tính công khai trong các hoạt động quân sự tránh hiểu lầm đáng tiếc.

NATO cũng đang chuẩn bị thượng đỉnh các nước thành viên vào tháng 7 tại Bruxelles.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180529-nato-nga-cuoc-hop-dau-tien-tu-sau-vu-dau-doc-tren-dat-anh

 

Libya : Hội nghị Paris chuẩn bị cho tổng tuyển cử

Trọng ThànhTú Anh

Hôm nay 29/05/2018, một hội nghị quốc tế về Libya dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại phủ tổng thống Pháp, nhằm mở đường cho bầu cử Quốc Hội và tổng thống Libya trước cuối năm nay. Nếu diễn ra, đó sẽ là các cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên tại Libya kể từ khi chế độ độc tài Kadhafi sụp đổ năm 2011.

Cách nay 10 tháng, nước Pháp đã đứng ra làm trung gian cho cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Libya chủ chốt, ông Fayez Al Sarraj, thủ tướng chính phủ đoàn kết dân tộc, thủ đô Tripoli (miền tây) và tướng Khalifa Haftar, tư lệnh lực lượng Quân Đội Quốc Gia (miền đông). Tìm kiếm hòa bình cho Libya là một ưu tiên ngoại giao của tổng thống Emmanuel Macron. Cuộc hội kiến nói trên được tổ chức tại La Celle-Saint-Cloud, gần Paris, ngày 25/07/2017, hơn hai tháng sau khi ông Macron đắc cử tổng thống.

Hội nghị lần này được coi là một giai đoạn mới cho tiến trình đối thoại giữa các phe phái để đưa Libya thoát khỏi cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Ngoài hai lãnh đạo nói trên, còn thêm hai nhân vật chủ chốt khác : ông Khaled Al Mishri, chủ tịch Thượng Viện Libya, có trụ sở ở thủ đô Tripoli (miền tây) và chủ tịch Hạ Viện Anguila Saleh, trụ sở tại Tobrouk (miền đông).

Theo các nguồn tin của RFI, các bên sẽ phải ký kết một thỏa thuận chính trị bao gồm 8 điểm, với nội dung chính là lịch trình và các điều kiện tổ chức bầu cử. Lịch trình do đặc phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách hồ sơ Syria, Ghassan Salamé, thảo ra cùng với thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj.

Theo văn bản này, các bên sẽ cam kết bảo đảm an ninh cho quá trình bầu cử, dưới sự giám sát quốc tế. Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế coi bầu cử là con đường duy nhất giúp Libya thoát khỏi khủng hoảng. Theo thỏa thuận này, toàn bộ các định chế quốc gia, trong đó có ngân hàng trung ương và quân đội, sẽ phải được tái thống nhất. Quyền hạn của thủ tướng chính phủ đoàn kết quốc gia sẽ phải được tăng cường để giúp cho quá trình chuẩn bị tổng tuyển cử diễn ra thuận lợi. Một cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức trong vòng ba tháng tới để sơ kết quá trình thực thi thỏa thuận 8 điểm.

Về phía quốc tế, có khoảng 20 quốc gia và định chế cử đại biểu tới hội nghị Paris về Libya, trong đó có đại sứ nhiều cường quốc như Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước châu Phi, các nước láng giếng của Libya cử các đại diện ở cấp cao nhất. Tình trạng hỗn loạn tại Libya từ năm 2011 là mối đe dọa lớn về an ninh và di dân đối với khu vực.

Ra Tuyên bố chung : 10/12/2018 là ngày bầu cử

Trong Tuyên bố chung được công bố sau hội nghị Paris, bốn lãnh đạo Libya đã cam kết phối hợp để tổ chức hai cuộc bầu cử Quốc Hội và tổng thống, dự kiến diễn ra ngày 10/12/2018. Tuyên bố ghi rõ : chúng tôi cam kết phối hợp « với Liên Hiệp Quốc để tổ chức các cuộc bầu cử đáng tin cậy và hòa bình… », « tôn trọng các kết quả bầu cử ».

Một lần nữa, Pháp « ném phao » cứu Libya

Huy động cộng đồng quốc tế cứu nguy Libya ra khỏi tình trạng nội chiến, ổn định bờ nam của Địa Trung Hải là một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của điện Elysée. Tuy nhiên, đây là thử thách chông gai mà nguy cơ thất bại lớn hơn xác xuất thành công, theo nhận định của AFP.

Tổ chức được « Hội nghị Paris » là một thành công của tổng thống Emmanuel Macron, chứng tỏ ít ra trên mặt trận ngoại giao, Pháp ở trong thế chủ động. Vấn đề là thực tế chính trường và chiến trường tại Lybia rất phức tạp sẽ cản trở mục tiêu xây dựng hòa bình.

Giới chuyên gia nêu lên hai cản lực chính : Thứ nhất là từ tình trạng đất nước rối loạn đã xuất hiện quá nhiều nhóm dân quân vũ trang, chống đối nhau và sẵn sàng tẩy chay mọi giải pháp mà họ xem là âm mưu can thiệp từ bên ngoài khi thấy bất lợi. Trong phe « miền đông », nhiều nhóm có thế lực không tham gia hội nghị Paris sau khi đòi phải được ngồi ngang hàng với bốn phái đoàn khác. Còn phe « miền tây », kiểm soát Tripoli và tuy được Tây phương công nhận, vẫn nghi ngờ sáng kiến của Pháp che dấu dụng ý « củng cố thế lực » cho chính quyền của tướng Khalifar Haftar do Nga hậu thuẫn.

Một khó khăn khác là Pháp muốn tổng tuyển cử càng sớm càng tốt trong khi một số thủ lĩnh Lybia muốn tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp, quy định rõ quyền hạn tổng thống, trước đã.

Pháp dường như muốn « tranh thủ thời gian và thời cơ » để đi trước Mỹ, Nga và Ý trong cuộc đua giành ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự tại Lybia. Trong khối Liên Hiệp Châu Âu, nước Ý là mẫu quốc cũ của Lybia và cũng là vùng đất đón nhận làn sóng di dân châu Phi da đen vượt biển từ Lybia. Theo nhật báo La Republica , giới ngoại giao Ý không hài lòng về sáng kiến Lybia của Paris : « Macron lợi dụng thời cơ khủng hoảng chính trị tại Ý để chiếm thượng phong ».

Nhóm nghiên cứu chống khủng hoảng quốc tế IGC International Crisis Group khuyến cáo Pháp tránh kết thúc hội nghị với những cam kết như đinh đóng cột mà chỉ cần một tuyên bố chung « rộng mở nhiều khả năng ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180529-libya-hoi-nghi-paris-chuan-bi-cho-tong-tuyen-cu

 

Chương trình 160 năm bang giao Pháp-Nhật

 tại Paris

Tuấn Thảo

Triển lãm, hội thảo, hòa nhạc, điện ảnh, ẩm thực, kịch kabuki, trống taiko cổ truyền, thời trang kimono, truyện tranh manga, nghệ thuật cắm hoa ikebana ….. Tính tổng cộng hơn 50 sinh hoạt đủ loại được tổ chức trong vòng 8 tháng tại Paris và vùng phụ cận, kể từ tháng 7/2018 cho tới đầu tháng 3/2019 hầu kỷ niệm 160 năm ngày hai nước Pháp-Nhật thành lập bang giao.

Năm 2018 còn đánh dấu 150 năm thời đại Minh Trị (Meiji), giúp cho Nhật Bản sau một thời gian dài “bế quan tỏa cảng” mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao và văn hóa với các nước Âu Mỹ kể từ năm 1868. Để kỷ niệm cùng lúc hai sinh nhật, sự kiện ‘‘Japonismes 2018’’ kết hợp cùng lúc chương trình sinh hoạt của Nhà Văn hóa Nhật Bản tại Paris (MCJP) với 30 cơ quan và định chế hàng đầu của Pháp.

Trong số này, có các Viện bảo tàng lớn như Trung tâm văn hóa Pompidou, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Palais de Tokyo, Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí (Arts Décoratifs) bên cạnh hai Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á là Guimet và Cernuschi. Ngoài ra còn có sự tham gia của Nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris với trung tâm La Villette, Nhà hát kịch Chaillot, Nhà hát thành phố Théâtre de la Ville và hai liên hoan lớn vào mùa thu là Festival d’Automne tại Paris và liên hoan múa hai năm tổ chức một lần Biennale de Danse tại thành phố Lyon.

Nhìn vào chương trình sinh hoạt ‘‘Japonismes 2018’’, nổi bật hơn cả là cuộc triển lãm ở quy mô lớn với chủ đề ‘‘Minh Trị Duy Tân’’ (Meiji-Ishin) diễn ra tại Viện bảo tàng châu Á Guimet kể từ giữa tháng 10/2018 đến đầu tháng Giêng 2019. Cuộc triển lãm này có sự phối hợp với ba viện bảo tàng của Nhật làm giàu thêm bộ sưu tập các báu vật thời Minh Trị của Viện bảo tàng Guimet.

Trên lãnh vực sân khấu, nhà hát Chaillot lần đầu tiên tiếp đón nghệ thuật kịch múa truyền thống kabuki của Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên một vở kịch sẽ quy tụ cùng lúc gần 90 diễn viên trên cùng một sàn diễn. Trong khi đó sân khấu nhà hát Gennevilliers tiếp đón các đoàn kịch đương đại biểu diễn các tác phẩm mới như Dark Master hay là Avidya của đạo diễn Kuro Tanino.

Sân khấu nhà hát La Seine Musicale là nơi tổ chức biểu diễn trống wadaiko của đoàn nghệ sĩ Drum Tao. Bên cạnh đó, các đoàn múa ballet đương đại của Nhật Bản sẽ biểu diễn các sáng tác mới trong đó có vở múa About Kazuo Ohno tại nhà hát thành phố Théâtre de la Ville cũng như tại Trung tâm văn hóa thành phố Créteil.

Còn giới yêu chuộng nghệ thuật thứ 7 sẽ có nguyên một chương trình chiếu phim đặc biệt dành riêng cho họ. Kể từ tháng 9/2018 cho tới tháng 2/2019, Viện lưu trữ phim ảnh của Pháp Cinémathèque Française phối hợp với Nhà văn hóa Nhật Bản tổ chức sự kiện 100 năm điện ảnh Phù Tang, trình chiếu các tác phẩm diện ảnh tiêu biểu của xứ hoa anh đào. Ngoài ra, khách mời danh dự của trung tâm văn hóa Pompidou là nữ đạo diễn Naomi Kawase (từ tháng 11 cho tới tháng Giêng) đến giới thiệu tác phẩm mới của cô là ‘‘Vision’’.

Từ những bộ phim câm đầu tiên của Nhật từ thập niên 1920 cho tới tận ngày nay với những tác phẩm ra đời vào năm 2018, một thế kỷ phim ảnh xứ Phù Tang sẽ lần lượt được giới thiệu với công chúng. Nhân dịp này, 20 tác phẩm của thời hoàng kim của các đạo diễn bậc thầy như Ozu, Mizoguchi, Kurosawa đã được trùng tu, nhờ vào nỗ lực lưu trữ của Viện phim ảnh Pháp mà các thước phim nhựa cổ xưa đã được biến thành những hình ảnh 4K hoàn chỉnh theo công nghệ số hiện đại. Điện ảnh Nhật năm nay đặc biệt được đề cao tại Pháp nhất là sau khi đạo diễn Kore Eda đoạt Cành cọ vàng tại liên hoan Cannes.

Tuy chỉ bắt đầu vào tháng 7, nhưng chưa gì nhiều sinh hoạt bên lề đã báo hiệu cho chương trình kỷ niệm hoành tráng này. Tiêu biểu hơn cả là cuộc triển lãm tại Bảo tàng Giverny (nằm cách vài chục thước nhà riêng và xưởng vẽ trước đây của danh họa Claude Monet). Cuộc triển lãm đề tựa Japonismes / Impressionismes đối chiếu so sánh ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản, cho thấy trong chừng mực nào tranh khắc gỗ của các bậc thầy Nhật Bản đã giúp khai sáng ngành hội họa của Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đặc biệt là đối với các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng. Trào lưu này ban đầu phát sinh trong ngành hội họa rồi sau đó đã lan tỏa sang nhiều lãnh vực nghệ thuật khác. Tuy không nêu đích danh, nhưng với một chương trình sinh hoạt dày đặc phong phú như vậy, có thể xem năm 2018 như là Năm Văn hóa Nhật Bản tại Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20180529-paris-to-chuc-chuong-trinh-160-nam-bang-giao-phap-nhat

 

Syria chủ trì hội nghị giải trừ quân bị quốc tế,

nhiều nước phản đối

Trọng Thành

Chức chủ tịch luân phiên của Hội Nghị Giải Trừ Quân Bị của Liên Hiệp Quốc, ở Genève, đến lượt chính quyền Syria đảm nhiệm, bắt đầu từ hôm nay, 28/05/2018, sẽ kéo dài trong một tháng.

Chính quyền Assad – bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học chống lại chính người dân nước mình – giờ đây lại chủ tọa một hội nghị có sứ mạng tăng cường kiểm soát quốc tế để không quốc gia nào sử dụng hay phát triển vũ khí hóa học. Do vậy, nhiều quốc gia phản đối.

Theo AFP, đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại định chế nói trên của Liên Hiệp Quốc, ông Robert Wood, gửi một thông điệp trên Twitter : « Ngày thứ Hai 28/05 sẽ là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử của Hội Nghị Giải Trừ Quân Bị, với việc Syria bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch trong bốn tuần ». Theo đại diện Mỹ, chế độ Damas « không có được sự tin cậy, cũng như thẩm quyền đạo lý » để chủ trì hội nghị này. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên im lặng.

Đại diện nhiều nước khác cũng cực lực phản đối chức chủ tịch luân phiên dành cho Syria. Để không cản trở hoạt động của hội nghị, một số nước vẫn sẽ tham gia nhưng không cử đại sứ.

Chế độ Damas nhiều lần bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học chống lại thường dân. Sau vụ thảm sát năm 2013 tại vùng Đông Ghouta, dưới áp lực quốc tế, chính quyền Syria phải chấp nhận phá hủy hệ thống vũ khí hóa học. Tuy nhiên, kể từ đó, Damas tiếp tục bị tố cáo tiến hành nhiều vụ tấn công hóa học khác. Theo các điều tra của chuyên gia Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học, chế độ Bachar Al Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng khí sarin tại Khan Cheikhoun ngày 04/04/2017, khiến hơn 80 người thiệt mạng.

Trả lời câu hỏi của báo giới, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonia Guterres nhấn mạnh là ông không có bất cứ thẩm quyền nào để can thiệp, nhằm thay đổi quy chế chủ tịch luân phiên của Hội Nghị Giải Trừ Quân Bị, đồng thời bảo đảm là chức chủ tịch do Syria đảm nhiệm không có « ảnh hưởng tiêu cực » đến công việc của hội nghị này. Theo trật tự abc, sau Thụy Sĩ (Switzerland), đến lượt Syria chủ tọa diễn đàn nói trên của Liên Hiệp Quốc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180529-syria-chu-tri-hoi-nghi-giai-tru-quan-bi-quoc-te-nhieu-nuoc-phan-doi

 

Tây Ban Nha – Colombia tranh cãi vì hàng tấn vàng

Minh Anh

Vào năm 1708, chiếc thuyền buồm San José của Tây Ban Nha bị hải quân Anh tấn công ngoài khơi bờ biển Colombia. Chìm theo chiếc San José là hơn 200 tấn vàng, bạc và đá quý.

Ba năm sau khi phát hiện nơi đắm tầu, Viện Hải Dương học Woods Hole (WHOI), cơ quan có tham gia vào công trình tìm kiếm, vừa được chính phủ Colombia cho phép công bố các bức ảnh mới và cung cấp một số chi tiết về cách thức phát hiện ra xác tầu.

Hơn ba thế kỷ đã trôi qua, chiến thuyền San José vẫn tiếp tục là tâm điểm cuộc xung đột. Nếu như cách nay 310 năm, San José phải đối đầu với hải quân Anh, giờ đây là một cuộc chiến mới giữa Tây Ban Nha và Colombia. Nguyên nhân giao chiến lần này chỉ vì kho báu của chúng trị giá hơn 10 tỉ euro.

Ngược dòng lịch sử, San José lần cuối cùng rời cảng Portobelo, Panama ngày 28/05/1708, để vượt Đại Tây Dương nguy hiểm, chở theo toàn bộ kho báu được khai thác từ các mỏ vàng, đá quý của Pêru. Vương quốc Tây Ban Nha thời kỳ đó cũng trong giai đoạn khủng hoảng chính trị. Ông Alain Hugon, giáo sư sử học hiện đại trường đại học Caen kể lại với báo Le Figaro :

« Châu Âu lúc bấy giờ bị xâu xé bởi cuộc chiến kế vị ngôi báu tại Tây Ban Nha. Sau khi vua Charles II qua đời, vị vua cuối cùng của dòng họ Habsbourg Tây Ban Nha, Philippe V, công tước xứ Anjou và là đồng minh của Louis XIV (vua nước Pháp) lên ngôi. Và các mối liên minh đã bị chao đảo hoàn toàn ». Ngày 15/05/1702, Vương quốc Anh, Vương quốc các tỉnh thống nhất và Áo tuyên chiến với Pháp và tân vương trẻ Tây Ban Nha.

Ngày 07/06/1708, đội tầu chiến gồm có chiếc San José, được trang bị đến 62 khẩu đại bác, cập bán đảo Baru, phía nam Cartagena. Vì gió lớn đông bắc, hạm đội này buộc phải neo qua đêm. Sáng sớm hôm sau, đội tầu Tây Ban Nha bị một đại đội Anh Quốc tấn công. Sử gia Alain Hugon cho biết tiếp :

« Phần lớn thời gian, chiến dịch quân sự này nhằm mục đích chặn đội tầu. Nhưng không may mắn là chiếc San José, kho thuốc súng bị trúng đạn và bắt lửa. ». Chiếc tầu phát nổ và bị đắm ngoài khơi, cách bờ biển Cartagena de Indias 30 km vào lúc hoàng hôn, mang theo nó là 600 nhân mạng và cả kho hàng quý giá.

Giờ đây, chiếc San José, nằm sâu 600m dưới lòng biển, là tâm điểm tranh chấp quyền sở hữu kho báu giữa Tây Ban Nha và Colombia. Ông Michel L’Hour, giám đốc Cục Tìm Kiếm Cổ Vật dưới nước và bằng tầu ngầm ở Marseille (Drassm) giải thích quan điểm của Tây Ban Nha :

« Madrid dựa vào luật cờ hiệu được quốc tế công nhận. Luật này quy định việc bị đắm không làm đứt đoạn quyền sở hữu. Các quyền sở hữu chính đáng vẫn được giữ nguyên vẹn. Nguyên tắc này cho phép Tây Ban Nha thắng một vụ kiện nhắm vào những người đi săn kho báu Mỹ liên quan đến xác tầu đắm Mercedes năm 2008 ».

Thế nhưng, Colombia không ký kết các thỏa thuận quốc tế như vậy. Vẫn theo ông Michel L’Hour, về mặt lý thuyết điều đó không gây ra vấn đề gì. Ông giải thích tiếp :

« Nhưng với điều kiện là những kho báu đó phải được trưng bày trong một bảo tàng và có thể được một nhóm khoa học thật thụ nghiên cứu. Không may là chúng tôi khá lo ngại cho chuyện sau đó của kho báu. Colombia không có ký hiệp ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Khi người ta nói đến vật báu của tàu San José, tôi thật sự lo rằng người ta nói đến khoản tiền khổng lồ thì đúng hơn ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180529-tay-ban-nha-%E2%80%93-colombia-tranh-cai-vi-hang-tan-vang