Tin tức ngày – 28/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin tức ngày – 28/05/2018

Cứu vãn thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên,

Trump và Kim thực sự muốn gì ?

Thanh Hà

Hơn hai tuần trước cuộc gặp lịch sử giữa nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên tại Singapore, có nhiều dấu hiệu cho thấy, đôi bên đều có vẻ thiết tha với thượng đỉnh 12/06/2018 cho dù cả hai từng dọa hủy sự kiện rất được mong đợi đó, nhất là đòi hỏi của Washington muốn Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân là hố sâu ngăn cách không thể san bằng.

Ở Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đã thay đổi hẳn lập trường chưa đầy 24 giờ sau khi công bố bức thư gửi đến lãnh đạo họ Kim với lời đe dọa rằng kho vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ “mạnh và dồi dào đến mức” ông cầu mong Thượng Đế là không bao giờ Mỹ phải dùng tới.

Về phía Bình Nhưỡng, lá thư của Donald Trump chắc còn chưa ráo mực, đích thân Kim Jong Un nhấc điện thoại mời tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In  bước sang phía bắc đường biên giới Liên Triều và “bày tỏ quyết tâm” thượng đỉnh Singapore với Donald Trump được diễn ra tốt đẹp.

Có nhiều lý do để cả Bắc Triều Tiên lẫn Hoa Kỳ cùng thực sự mong muốn có được đối thoại trực tiếp đầu tiên.

Thứ nhất về hình thức bề ngoài, có lẽ cả Donald Trump lẫn Kim Jong Un cùng muốn đi vào lịch sử khi mà hình ảnh hai nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên bắt tay nhau tại Singapore, mở ra hứa hẹn đem lại hòa bình cho khu vực, cho cả thế giới.

Theo quan điểm của chuyên gia Pháp Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, tổng thống Trump xem thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên là một thắng lợi về mặt ngoại giao trên trường quốc tế, vào lúc mà chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, cách đàm phán kiểu con buôn – thậm chí là đôi khi thô bạo, của ông liên tục bị chỉ trích kịck liệt.

Lý do thứ hai để thượng đỉnh Singapore có cơ hội được diễn ra là về phía Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un dường như chỉ có lợi trong chuyện này.

Dù thượng đỉnh chưa diễn ra, việc Hoa Kỳ chấp nhận đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên đã là một thắng lợi mỹ mãn về phương diện ngoại giao, bởi vì qua đó, Bắc Triều Tiên tạm thời xua tan mối đe dọa bị Mỹ “đánh phủ đầu“. Ngoài ra, không chỉ Hoa Kỳ mà cả cộng đồng quốc tế mặc nhiên công nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia nguyên tử.

Trên cơ sở này, ông Kim Jong Un đã không còn mặc cảm gì kể cả trong đối thoại với Bắc Kinh. Ông đã hai lần hội đàm với chủ tịch Trung Quốc trong hai tháng qua.

Lợi thế quan trọng khác mở ra cho chính quyền Bình Nhưỡng là viễn cảnh quốc tế ngưng gia tăng các biện phám cấm vận kinh tế Bắc Triều Tiên. Vực dậy kinh tế nước nhà luôn là mục tiêu thứ nhì mà Kim Jong Un hướng tới sau khi đã trang bị vũ khí hạt nhân cho Bắc Triều Tiên. Trên con đường phát triển đó, lãnh đạo số một Bắc Triều Tiên cần nước láng giềng phương nam là Hàn Quốc.

Chính ở điểm này, Kim Jong Un đang có một điểm tựa quý giá là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, có đường lối ôn hòa, đi theo chính sách “Vầng Thái Dương” của người tiền nhiệm Kim Dae Jung, chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng. Bị kẹt giữa hai làn đạn là hai nhà lãnh đạo có tính khí thất thường, như Kim Jong Un sát cạnh và Donald Trump ở Nhà Trắng, tổng thống Hàn Quốc trước hết mong muốn “tránh cho đất nước ông phải lao vào một cuộc chiến, mà có thể là một cuộc chiến tranh nguyên tử” vô cùng lợi hại như phân tích của chuyên gia Mỹ Adam Mount, thuộc tổ chức Federation of American Scientists.

Sau cùng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên ý thức được rằng, Hàn Quốc là một nền dân chủ với nhiệm kỳ tổng thống 5 năm. Nếu bỏ lỡ cơ hội lần này, không có gì bảo đảm là người kế nhiệm Moon Jae In cũng sẽ có đường lối thân thiện với Bình Nhưỡng như ông.

Cuối cùng, về mặt đối nội, Kim Jong Un cũng cần ghi một bàn thắng quan trọng với người dân là giờ đây, thế giới không còn có thể coi thường Bắc Triều Tiên, một quốc gia, mà phương Tây thường nhắc tới như một đất nước lạc hậu, bị mất mùa, đói kém.

Câu hỏi then chốt còn lại là, Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể nói chuyện được với nhau đến mức độ nào, khi mà tới nay, Washington vẫn đòi Bình Nhưỡng từ bỏ “hoàn toàn” từ bỏ vũ khí hạt nhân mà Kim Jong Un thì chắc chắn là không ngây thơ để tin vào một Donald Trump đổi ý như thay áo. Họp báo tại Seoul hôm qua, tổng thống Hàn Quốc cho biết là lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới nay vẫn bán tín bán nghi về lời hứa bình thường hóa quan hệ của Hoa Kỳ, và bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng. Một số nhà quan sát cho rằng, với các diễn biến hiện tại, thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018 có hy vọng diễn ra, nhưng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lại là một hồ sơ khác.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180528-cuu-van-thuong-dinh-my-bac-trieu-tien-trump-va-kim-thuc-su-muon-gi

 

Ông Trump và lãnh tụ Bắc Hàn

đồng thuận về điều gì?

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xác nhận một nhóm quan chức Mỹ tới Bắc Hàn để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh, đồng thời nói rằng quốc gia nằm ở bán đảo Triều Tiên có “tiềm năng tuyệt vời”.

Trước đó, theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng các quan chức Mỹ và Bắc Hàn đã gặp nhau ở làng Panmunjom ở khu phi quân sự trên biên giới giữa hai nước.

“Nhóm [quan chức] Hoa Kỳ đã tới Bắc Hàn để sắp xếp cho cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong Un và tôi”, ông Trump viết trên Twitter hôm 27/5.

“Tôi thực sự tin rằng Bắc Hàn có tiềm năng tuyệt vời và sẽ trở thành một quốc gia có kinh tế và tài chính tuyệt vời. Ông Kim Jong Un đồng thuận với tôi về chuyện này. Nó sẽ xảy ra”.

Ngoài các cuộc thảo luận này, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết rằng một “nhóm tiền trạm” sáng 27/5 đã rời Hoa Kỳ tới Singapore, nơi hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra, để xem xét vấn đề hậu cần, theo Reuters.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết rằng trong cuộc gặp bất ngờ một ngày trước đó giữa ông và lãnh tụ Kim Jong Un, lãnh tụ Bắc Hàn tái khẳng định cam kết tham dự cuộc họp đã định với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hôm 28/5, ông Moon cho biết rằng sắp tới có thể sẽ có thêm cuộc gặp “ngẫu hứng” giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên.

Nguyên thủ Hàn Quốc cũng nói thêm rằng các cuộc gặp kiểu như vậy đã trở nên “dễ dàng hơn”, không còn phải qua “thủ tục phức tạp”, nhất là để thảo luận “các vấn đề cấp bách”.

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-g%E1%BB%ADi-th%C3%B4ng-%C4%91i%E1%BB%87p-t%E1%BB%9Bi-l%C3%A3nh-t%E1%BB%A5-b%E1%BA%AFc-h%C3%A0n/4412907.html

 

Phái đoàn Mỹ đi Bắc Hàn và Singapore

chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh

Washington DC – Hôm qua 27/05, Tổng Thống Trump cho biết một phái đoàn Hoa Kỳ đang có mặt tại Bắc Hàn, để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm với một lãnh đạo của Bắc Hàn.

Tuần trước, ông Trump tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh này. Nhưng chỉ một ngày sau, ông cho biết đang xem xét lại đề nghị từ phía Bắc Hàn. Trước đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cho biết các viên chức trong phái đoàn Mỹ và phái đoàn Bắc Hàn gặp nhau tại Bàn Môn Điếm- ngôi làng trong khu vực phi quân sự ở biên giới được trang bị vũ khi dày đặc ở giữa Nam Hàn và Bắc Hàn.

Washington Post là hãng thông tấn đầu tiên xác nhận rằng một số viên chức Hoa Kỳ đang hiện diện ở Bình Nhưỡng để tham dự đàm phán. Trong tin nhắn hôm qua, tổng thống Trump viết rằng ông thực sự tin Bắc Hàn có một tiềm năng rực rỡ. Một ngày nào đó trong tương lai, Bắc Hàn sẽ là một quốc gia có nền kinh tế và tài chính mạnh mẽ.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders cho biết ngoài phái đoàn đi Bắc Hàn tham gia đàm phán, còn có một phái đoàn “tiền trạm,” vừa rời Washington DC để đi Singapore,  nơi sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh, để hoàn tất mọi công việc theo kế hoạch, nhằm giúp hội nghị thượng đỉnh được thành công.

Hôm Thứ Bảy, sau cuộc họp bất ngờ giữa Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, ông Moon nói với các phóng viên rằng ông Kim tái khẳng định cam kết sẽ “chấm dứt” chương trình nguyên tử trên bán đảo Đại Hàn, và đống ý gặp ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh theo kế hoạch. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/phai-doan-my-di-bac-han-va-singapore-chuan-bi-cho-hoi-nghi-thuong-dinh/

 

Tổng thống Moon ‘có thể dự hội nghị Trump-Kim’

Giới chức Nam Hàn nói Tổng thống Moon Jae-in có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.

Tuy vậy, khả năng tham dự của ông Moon sẽ tùy thuộc vào quá trình đàm phán trước sự kiện, Nhà Xanh cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.

Kim ‘quyết tâm’ về thượng đỉnh với Trump

Trump: Thượng đỉnh với Kim có thể bị trì hoãn

Vẫn còn hy vọng cho hội nghị Trump-Kim

Ông Trump sẽ dự Thượng Đỉnh Đông Á

Sự kiện rơi vào tình trạng không chắc chắn, sau khi ông Trump nói ông sẽ không tham dự nữa.

Nhưng cả hai bên đã hợp tác để cuộc họp trở lại đúng hướng.

Đây sẽ là cuộc họp lần đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo Bắc Hàn và một tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Phái đoàn Mỹ đang đàm phán với giới chức Bắc Hàn để chuẩn bị cho sự kiện.

Hôm 26/5, ông Kim và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã tổ chức cuộc họp không báo trước. Ông Moon cho biết lãnh đạo Bắc Hàn “một lần nữa khẳng định rõ ràng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”.

Ông Kim sau đó đã nói về “mong muốn không thay đổi” rằng hội nghị thượng đỉnh nên diễn ra. Hôm 27/5, ông Trump viết trên Twitter rằng sự kiện sẽ giúp Bắc Hàn đạt được “tiềm năng rực rỡ”.

Mục đích của cuộc đàm phán mới nhất?

Phái đoàn do Sung Kim, cựu đại sứ tại Nam Hàn dẫn đầu, đã có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Choe Son-hui.

Mục đích của cuộc đàm phán là thiết lập chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh.

Trong khi giới chức tỏ ra lạc quan hơn về cuộc gặp sắp tới, những tuần gần đây cho thấy mối quan hệ có thể thay đổi rất nhanh, Chris Butler của BBC ở Washington nhận định.

Bắc Hàn sẽ ‘dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân chính’

Năm địa điểm hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim có thể diễn ra

Trump rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh với Bắc Hàn

Ông Trump ‘trấn an’ Bắc Hàn

Cần sắp xếp những gì trước hội nghị?

Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần trao đổi và ông Trump cho thấy rằng nếu ông không nghĩ rằng thỏa thuận có thể được tiến hành, ông sẽ không đi dự hội nghị.

Hiện chưa rõ liệu ông Kim có đồng ý từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân hay không. Các cam kết tương tự trong quá khứ không được tuân thủ.

Các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ muốn đầu tiên là phi hạt nhân hóa – tiếp đến là phần thưởng dưới hình thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và trợ giúp kinh tế.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44269738

 

Tập Cận Bình « thọc gậy bánh xe »

cuộc gặp Trump-Kim ?

Thụy My

Được Donald Trump đánh giá là « tay chơi poker tầm cỡ thế giới », chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thắng được ván bài nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bị hủy bỏ.

Từ đầu tháng Ba, Bắc Kinh – đồng minh duy nhất của chế độ Bắc Triều Tiên – đã công khai hoan nghênh viễn cảnh cuộc gặp Trump-Kim, sau nhiều tháng đôi bên đe dọa lẫn nhau, gây lo sợ sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử ở sát biên giới.

Nhưng việc Washington và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau cũng có thể làm Bắc Kinh bị thiệt hại – các nhà phân tích nhấn mạnh.

Thế nên Tập Cận Bình đã làm thân một cách ngoạn mục với Kim Jong Un : đón tiếp hai lần trong không đầy một tháng rưỡi, trong khi ông Tập hoàn toàn làm ngơ nhà lãnh đạo trẻ Bình Nhưỡng từ khi Jong Un lên nắm quyền, và tham gia các trừng phạt của quốc tế liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông nhận xét : « Trung Quốc qua hai cuộc gặp với Kim Jong Un, đã cố gắng gây áp lực để Bắc Triều Tiên không nhượng bộ người Mỹ quá nhiều ».

Theo chuyên gia Cabestan, đề nghị « phi hạt nhân hóa » của nhà độc tài trẻ Bắc Triều Tiên « đã làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc hốt hoảng, vì hoàn toàn bị bất ngờ ». « Bắc Kinh cũng muốn có cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim », nhưng với điều kiện « đó chỉ là khởi đầu của đối thoại, chứ không có cam kết nào chính thức ».

Vì sao Kim Jong Un đổi giọng sau khi gặp ông Tập ?

Cuộc gặp thứ hai giữa Kim Jong Un và Tập Cận Bình hôm 07/05/2018 tại thành phố biển Đại Liên, dường như là một bước ngoặt. Ngay sau đó Bắc Triều Tiên bỗng tỏ ra cứng rắn hơn – như ông Donald Trump đã ghi nhận, vài ngày trước khi tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh.

Tổng thống Mỹ nói : « Mọi việc đã thay đổi sau cuộc gặp này (Tập-Kim) ; và tôi không thể nói rằng điều ấy làm tôi vui vẻ lắm ». Donald Trump gọi « ông bạn » Tập Cận Bình là « tay chơi poker tầm cỡ thế giới ».

Cáo buộc này hôm 25/05/2018 bị Bắc Kinh bác bỏ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định : « Chúng tôi không có ẩn ý gì ».

Theo nhà chính trị học Trung Quốc Hua Po, thì mối nghi ngờ về trò chơi hai mặt nhằm làm cho Bắc Kinh phải giơ đầu chịu báng về một thất bại mà các « diều hâu » trong chính quyền Trump là những người đầu tiên chịu trách nhiệm. Ông nói với AFP : « Đó chỉ là mánh lới. Tôi nghĩ là việc hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh trước hết liên quan đến những bất đồng nội bộ ở Hoa Kỳ, về chính sách đối với Bắc Triều Tiên ».

Nhà phân tích Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng : « Bắc Kinh không có lợi gì khi phá hoại thượng đỉnh ». Bởi vì việc hủy cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore « có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ quay lại với giải pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên ».

Quốc gia trái độn

Nhưng theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã gây sức ép lên Kim Jong Un tại Đại Liên, vì dưới mắt họ « Jong Un đã tiến quá gần với Hoa Kỳ, khiến cán cân thăng bằng nghiêng về phía bất lợi cho Trung Quốc ».

Ông Cabestan nhận định : « Ngoài kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nỗi ám ảnh của Bắc Kinh còn là sự ổn định, và duy trì hai nước Triều Tiên. Trung Quốc muốn giữ nguyên một Nhà nước vùng đệm, thân thiết với mình hơn là với Hoa Kỳ ».

Nói như Donald Trump, thì Tập Cận Bình đã dùng viện trợ kinh tế làm mồi nhử Kim Jong Un, trong lúc Bắc Triều Tiên gần đây đã coi phát triển kinh tế là ưu tiên chiến lược.

Phản ứng trước tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim, cơ quan ngoại giao Trung Quốc ghi nhận cả Washington lẫn Bình Nhưỡng vẫn chưa đóng lại cánh cửa cho đối thoại.

Cựu tổng thống Pháp François Hollande, được ông Tập Cận Bình tiếp đón trong cùng ngày, cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra lạc quan về tiến triển trong quan hệ Hoa Kỳ – Bắc Triều Tiên. Ông Hollande nói với báo chí : « Tôi hiểu rằng ông Tập cho là cuộc họp có thể bị hoãn, và ông không lo ngại một sự thối lui hay hủy bỏ hẳn tiến trình ».

Bonnie Glaser dự báo : « Trung Quốc chắc sẽ cố xoay cuộc gặp thượng đỉnh theo chiều có lợi cho mình. Nếu Tập Cận Bình thành công trong việc hòa giải giữa Kim Jong Un và Donald Trump, ông ta có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn với người Mỹ. Như vậy Bắc Kinh lợi cả đôi đường».

Chuyên gia Cabestan nhận định : « Tập Cận Bình chắc chắn muốn là người đứng ra sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Trung Quốc có lợi khi lại trở thành trung tâm của cuộc chơi ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180525-tap-can-binh-%C2%AB-thoc-gay-banh-xe-%C2%BB-cuoc-gap-trump-kim

 

Ý: Kêu gọi luận tội tổng thống

về vụ phủ quyết ứng viên

Nhà lãnh đạo đảng chính trị lớn nhất của Ý kêu gọi luận tội tổng thống sau khi ông phủ quyết ứng viên bộ trưởng tài chính.

Luigi Di Maio của đảng dân túy Năm Sao cho biết Tổng thống Sergio Mattarella gây ra một “khủng hoảng thể chế”.

Những nỗ lực thành lập chính phủ của Giuseppe Conte, người được phê chuẩn làm thủ tướng, đổ vỡ hôm 27/5 sau khi ông Mattarella không chấp nhận ứng viên Paolo Savona, người hoài nghi châu Âu.

Đảng Năm Sao cố gắng thành lập một chính phủ với Liên Đoàn cánh hữu.

Bầu cử ở Ý: kết quả khó đoán

Cựu đảng viên CS sắp làm Thủ tướng Czech

Ân xá Quốc tế cáo buộc các chính phủ EU

Lãnh đạo EU kêu gọi đoàn kết

Ý chưa có chính phủ mới sau cuộc bầu cử hồi tháng 3/2018 vì không đảng nào hình thành đa số.

Ông Conte bây giờ từ chối làm thủ tướng và các phóng viên cho biết Tổng thống Mattarella có cuộc hội đàm với Carlo Cottarelli, cựu chuyên viên kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khả năng ông này tạm nắm quyền thủ tướng.

Tuy nhiên, phóng viên BBC James Reynolds ở Rome nói rằng sự sắp xếp này có thể không lâu dài và có thể sẽ có kỳ bầu cử sớm.

Hiện có một cuộc tranh luận giữa tổng thống và phe dân túy về vị trí của Ý ở EU, ông nói thêm.

EU và Mỹ tiếp tục kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm

EU nhất trí lập trường đàm phán Brexit

Thủ tướng Italy Matteo Renzi đệ đơn từ chức

Phản ứng là gì?

Ông Di Maio kêu gọi luận tội tổng thống theo Điều 90 của hiến pháp, cho phép quốc hội yêu cầu một tổng thống từ chức qua một cuộc bỏ phiếu.

“Tôi muốn cuộc khủng hoảng thể chế này được đưa ra quốc hội… và tổng thống phải ra điều trần”, ông Di Maio nói.

“Sau tối nay, thật sự rất khó tin vào thể chế và luật pháp.”

Lãnh đạo Liên Đoàn Matteo Salvini kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử mới.

“Nếu chúng ta vẫn còn trong nền dân chủ, chỉ có một việc phải làm, để cho người dân có tiếng nói của họ”, ông nói với những người ủng hộ

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44269740

 

‘Người nhện’ giải cứu em bé ở Pháp

Một người di cư Mali được ca ngợi như một anh hùng sau khi leo ban công để giải cứu một cậu bé đang lơ lửng trên tầng bốn ở Paris.

Người đàn ông sau đó đã được gặp Tổng thống Macron

Đoạn video về pha giải cứu ngoạn mục của Mamoudou Gassama đã lan truyền trên mạng xã hội.

Quốc hội Pháp thông qua luật di trú khắt khe

Trẻ em không có chỗ ngủ ở trại Calais

Trong chưa đầy một phút anh leo lên các ban công và túm lấy cậu bé bốn tuổi trong khi người hàng xóm ở căn hộ chung cư liền kề đang cố giữ đứa trẻ.

Tổng thống Emmanuel Macron đã mời anh Gassama tới Cung điện Elysee hôm thứ Hai (28/5) để cảm ơn.

Sau buổi gặp, Tổng thống cho biết anh sẽ được nhập quốc tịch Pháp.

Ông Macron cũng trao cho anh huy chương vì lòng dũng cảm và nói rằng anh sẽ được làm việc trong đội cứu hỏa.

Vụ việc xảy ra tối hôm thứ Bảy trên một con phố ở phía Bắc thành phố Paris.

Anh Gassama nói rằng anh đi ngang qua khi đám đông đang tụ tập trước tòa nhà.

“Khi ôm cậu bé vào lòng, tôi hỏi: ‘tại sao cháu lại làm như vậy?’ Nhưng cậu bé không trả lời”

Lính cứu hỏa Paris cho biết họ đã đến hiện trường sau khi cậu bé được giải cứu.

“May mắn thay, lúc đó có người khỏe mạnh và can đảm để leo lên giải cứu đứa trẻ”, người phát ngôn đội cứu hỏa nói với hãng tin AFP.

Chính quyền địa phương được truyền thông Pháp trích dẫn, nói rằng bố mẹ của đứa bé không ở nhà lúc đó.

Ông bố bị cảnh sát thẩm vấn vì nghi ngờ đã để đứa trẻ ở nhà không trông nom, nguồn tin tư pháp cho hay. Người ta cho rằng bà mẹ không ở Paris vào thời điểm đó.

‘Người nhện Quận 18’

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo ca ngợi sự anh hùng của người đàn ông 22 tuổi và nói bà đã gọi điện để cảm ơn.

Bà gọi anh là ‘Người nhện Quận 18’, ám chỉ quận ở Paris nơi vụ giải cứu diễn ra.

“Chúc mừng Mamoudou Gassama vì hành động dũng cảm cứu một đứa trẻ”, bà Hidalgo viết trên Twitter.

“Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đến từ Mali cách đây vài tháng và mơ ước về việc xây dựng cuộc sống ở đây.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44278488

 

Pháp – Thổ Nhĩ Kỳ : Gọi Erdogan là “ nhà độc tài”,

tuần báo Le Point bị sách nhiễu

Thanh Phương

Hôm qua, 27/05/2018, tuần báo Le Point của Pháp đã lên án một chiến dịch “sách nhiễu” nhắm vào tờ báo này, do trên trang nhất của số mới nhất, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bị gọi là “nhà độc tài”.

Thứ Sáu tuần trước, một chủ sạp báo ở thị trấn Pontet, vùng Vaucluse, miền nam nước Pháp, đã buộc phải kêu người của công ty quảng cáo đến gỡ bỏ tấm áp-phích trang nhất của tuần báo Le Point, dưới áp lực của một nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ tổng thống Erdogan.

Bất bình trước vụ này, tòa thị chính Pontet ngay sáng thứ Bảy đã yêu cầu công ty quảng cáo nói trên để lại tấm quảng cáo chiều hôm đó. Một nhóm khoảng 20 người ủng hộ Erdogan ngay lập tức đã kéo đến. Lực lượng hiến binh ở địa phương đã phải can thiệp để giữ trật tự. Thế nhưng, sáng hôm qua, tấm quảng cáo trang nhất của Le Point lại bị các áp-phích ủng hộ Erdogan dán chồng lên.

Ban biên tập Le Point cho biết là phe ủng hộ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tháo dỡ một quảng cáo trang nhất của báo này tại Valence, cách Pontet 100 km về phía bắc.

Trong một bài báo đăng trên mạng hôm qua, Le Point viết: “ Sau một tuần lễ sách nhiễu, chửi bới, đe dọa chúng tôi trên mạng xã hội, nay những người ủng hộ đảng AKP của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào các biểu tượng của quyền tự do ngôn luận và tính đa nguyên của báo chí”. Trả lời hãng tin AFP, ông Étienne Gernelle, chủ nhiệm tờ Le Point, cho biết ông đang tính đến khả năng đưa vụ này ra tòa.

http://vi.rfi.fr/phap/20180528-phap-%E2%80%93-tho-nhi-ky-goi-erdogan-la-%E2%80%9C-nha-doc-tai%E2%80%9D-tuan-bao-le-point-bi-sach-nhieu

 

Ủy Ban Châu Âu ban hành biện pháp

giảm rác thải nhựa trên biển

Thanh Phương

Hôm nay, 28/05/2018, Ủy Ban Châu Âu ra một loạt biện pháp nhằm giảm bớt lượng rác thải nhựa trên các bãi biển và trong các đại dương.

Từ Bruxelles, thông tín viên Joana Hostein gởi về bài tường trình:

Vào tháng 1 năm nay, Ủy Ban Châu Âu đã từng gióng tiếng chuông báo động: “ Nếu chúng ta không làm gì cả, đến năm 2050, trong các đại dương sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn là cá ”.

Để tránh thảm họa đó, Bruxelles hôm nay đề nghị cấm sử dụng ống hút, chén dĩa nhựa và bông gòn ngoáy lỗ tay, ba trong số các 10 sản phẩm được tìm thấy nhiều nhất trên các bãi biển.

Theo lời ông Stéphane Arditi, một quan chức Văn phòng Môi trường Châu Âu, có nhiều ống hút không được thu nhặt hết, không được tái chế, vẫn nằm trên các bãi biển và sau đó bị nước cuốn trôi ra đại dương. Đây là một loại sản phẩm nhựa có thể thay thế được, chẳng hạn như bởi những ống hút bằng sắt, hoặc có thể được bỏ hẳn.

Tuy nhiên, hiện giờ châu Âu chưa thể cấm các chai nhựa. Ủy Ban Châu Âu đề nghị một hình thức tái sử dụng giống như đối với chai thủy tinh. Còn đối với đầu lọc của điếu thuốc, cũng là một trong những rác thải chủ yếu trên biển, các nhà sản xuất thuốc lá kể từ nay phải trả chi phí của việc thu dọn loại rác này. Như thế thì chắc chắn là giá thuốc lá sẽ lại tăng thêm.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180528-uy-ban-chau-au-ban-hanh-bien-phap-giam-rac-thai-nhua-tren-bien

 

Syria: Lính đánh thuê Nga

từng thảm bại trước biệt kích Mỹ

Trọng Nghĩa

Đó là một trận đánh lớn nhất giữa quân Mỹ và lính đánh thuê Nga trên chiến trường Syria, nổ ra ngày 07/02/2018, với con số tử trận và bị thương được cho là lên đến 300 người về phía Nga. Thế nhưng cả Nga lẫn Mỹ đều tránh nói đến, cho đến khi được nhật báo Mỹ The New York Times và tuần báo Newsweek tiết lộ ngày 25/05/2018.

Trận đánh bùng lên tại vùng Deir Ezzor, miền Đông Syria, ở một tiền đồn gồm 30 lính biệt kích Mỹ, bị một lực lượng hùng hậu khoảng 500 lính đánh thuê Nga và người Syria thân chính phủ bao vây. Trước nhũng thông tin nhỏ giọt về sự kiện này, báo chí Mỹ, đi đầu là tờ New York Times, đã tìm hiểu kỹ lưỡng, tiến hành một loạt những cuộc phỏng vấn với các quan chức Lầu Năm Góc, thu thập thêm nhiều tài liệu mới, và đã công bố kết quả điều tra trong bài viết mang tựa đề rất chi tiết : « Diễn tiến 4 tiếng đồng hồ giao tranh tại Syria giữa lính đánh thuê Nga và lực lượng biệt kích Mỹ ».

Bài báo xác định chiến trường là một điểm tiền tiêu của một đơn vị lính biệt kích Mỹ, gần một khu khí đốt của tập đoàn Mỹ Conoco tại miền đông Syria.

Đối với New York Times, dù bộ Quốc Phòng Mỹ không ra thông cáo chính thức, nhưng có thể xem đây là một lời thừa nhận công khai về một trận đánh đẫm máu nhất mà lực lượng Mỹ tại Syria phải trải qua từ lúc bắt đầu chiến dịch chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria vào năm 2014.

Chi tiết ít được biết đến !

Bài báo dài của New York Times đã tiết lộ nhiều chi tiết được giữ kín từ trước đến nay :

Trước hết là quân số ít ỏi của lực lượng Mỹ tại tiền đồn này, chỉ gồm 30 người, nhưng thuộc loại thiện chiến nhất của Quân Đội Hoa Kỳ hiện nay : Đó là những người lính biệt kích Delta thuộc Lực Lượng Tác Chiến Đặc Nhiệm số 1 và Trung Đoàn 75 Biệt Động Quân (Ranger) được triển khai tại đấy để cố vấn và hỗ trợ lực lượng người Kurdistan gần một nhà máy khí đốt quan trọng của tập đoàn dầu khí Mỹ Conoco. Cho đến nay, chính quyền Mỹ không bao giờ thừa nhận là đã phái các đơn vị biệt kích Delta qua Syria.

Theo tờ New York Times, một trung đội Thủy Quân Lục Chiến và Lực Lượng Đặc Biệt ở cách đấy 20 dặm có nhiệm vụ cung cấp cho đơn vị biệt kích này mọi thông tin giám sát và tình báo cần thiết.

Chính nhờ vậy mà trong suốt ngày 07 tháng Hai, đội biệt kích ở hiện trường được biết là họ đang bị một lực lượng đông hơn gấp chục lần bao vây : Hơn 500 tay súng của lực lượng thân Damas, 27 xe cơ giới khác nhau trong đó có 3 chiến xa T-72 do Nga chế tạo, và nhiều xe thiết giáp.

Nhận thấy các động thái bao vây của đối phương nhờ các máy bay không người lái ở khắp nơi trên bầu trời khu vực, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến và lực lượng Đặc Biệt Mũ Nồi Xanh Green Berets tại căn cứ yểm trợ bắt đầu tập hợp một lực phản ứng nhanh để sẵn sàng ứng phó nếu tình hình ở tiền đồn Conoco xấu đi.

Đến khoảng 10 giờ tối ngày 7 tháng 2, lực lượng lính đánh thuê Nga và người Syria bắt đầu pháo kích vào tiền đồn Conoco.

Matxcơva phủ nhận sự hiện diện của quân đội Nga

Theo ghi nhận của New York Times, trong vòng 15 phút đầu tiên, các quan chức quân đội Mỹ đã gọi cho các đối tác Nga và kêu gọi họ ngừng cuộc tấn công. Sở dĩ Mỹ đã gọi Nga là vì thông qua việc giám sát các liên lạc vô tuyến điện của đối phương, quân đội Mỹ đã nhận thấy rằng một thành phần trong lực lượng thân Damas nói tiếng Nga,

Lo ngại rằng có thể nổ ra đụng độ giữa hai quân đội Nga và Mỹ, dẫn đến những hậu quả địa chính trị to lớn, dẫn tới xung đột giữa hai cường quốc, Lầu Năm Góc đã liên lạc với phía Nga, và Nga đã khẳng định rằng không hề có quân đội của họ trên hiện trường.

Tháng Tư vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã báo cáo với các thượng nghị sĩ: “Chỉ huy cao cấp của Nga tại Syria đã đảm bảo với phía Mỹ rằng đó không phải là người của họ ». Ông Mattis cho biết là ngay sau đó ông chỉ đạo cho tướng Joseph Dunford Jr., chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, là phải tiêu diệt ngay lực lượng tấn công. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Không Quân xung trận…

Trên hiện trường, các động thái của lực lượng bao vây tiền đồn Conoco cũng lọt vào tầm giám sát của Trung Tâm Điều Phối Các Phi Vụ hỗn hợp tại căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar. Và trung tâm này đã cử ngay máy bay đến yểm trợ cho đơn vị cố thủ tại tiền đồn khi chiến sự bắt đầu.

Theo lời kể của New York Times : « Từng đợt chiến đấu cơ của Mỹ đã lao vào cuộc, từ drone tấn công Reaper, chiến đấu cơ tàng hình F-22, tiêm kích F-15E, cho đến máy bay vũ trang hạng nặng AC-130 và trực thăng tấn công AH-64 Apache ». Thậm chí oanh tạc cơ B-52 cũng được tung vào trận.

Theo các quan chức Mỹ : « Trong ba tiếng đồng hồ, lực lượng đối phương đã bị đánh tan tác, từ binh lính, xe tăng, cho đến các phương tiện khác ».

Nhưng lực lượng Phản Ứng Nhanh lại không nhanh !

Yếu điểm duy nhất của phía Mỹ là lực lượng phản ứng nhanh đã không đến nơi nhanh chóng được.

Toán Thủy Quân Lục Chiến và Mũ Nồi Xanh đã phải mất gần ba tiếng rưỡi đồng hồ để di chuyển trên một đoạn đường 20 dặm. Theo New York Times, lý do là tài xế lái xe không được dùng đèn pha mà chỉ được quyền sử dụng thiết bị nhìn ban đêm để tránh lộ vị trí, trong lúc đường đi thì đầy hố bom và chằng chịt dây điện do những cột điện ngổn ngang. Đi được giữa đường thì đội quân tăng viện phải tạm dừng, chờ không quân vô hiệu hóa pháo binh và xe tăng đối phương rồi mới đi tiếp.

Đội Phản Ứng Nhanh cuối cùng đã đến được tiền đồn Conoco vào khoảng 1:30 sáng. Lính đánh thuê Nga liền rời bỏ các chiếc xe của họ đang bốc cháy và lao tới tấn công đoàn tiếp ứng. Hai bên giao chiến đến khoảng 2:30 sáng thì lực lượng lính đánh thuê bỏ cuộc và rút lui.

Cả Washington lẫn Matxcơva đều không muốn làm lớn chuyện

Tính ra thì nếu lực lượng Nga bao gồm chủ yếu là lính đánh thuê thuộc công ty tư nhân Wagner mà chủ nhân thuôc giới thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin, thì bên phía Mỹ, hầu như tất cả các quân chủng đều tham gia trận đánh (ngoại trừ Hải Quân và Tuần Duyên). Bên cạnh đó, cũng có một số nhỏ chiến binh người Kurdistan và Ả Rập đồng minh của Mỹ đến tăng viện.

Về số thương vong, phía tấn công ước tính có từ 200 đến 300 người thiệt mạng, phía Mỹ không có một tổn thất nào. Sau một vài ngày phủ nhận vụ việc, cho rằng thông tin về vụ người Nga bị chết ở Syria là hoàn toàn thất thiệt, Matxcơva ngày 15/02 đã công nhận là có 5 « công dân Nga bị thiệt mạng ở vùng Deir Ezzor vì xung đột võ trang », nhưng đó « không phải là quân nhân Nga. »

Một số nguồn tin từ giới có quan hệ với lính đánh thuê Nga thì đã cho hãng tin Anh Reuters biết là có đến 550 tay súng thuộc công ty Wagner của Nga tham gia trận đánh Deir Ezzor, và khoảng 300 người trong số này đã bị chết hay bị thương.

Bài điều tra của New York Times là tài liệu rõ ràng nhất từ trước đến nay về trận đánh có quy mô chưa từng thấy giữa lính Mỹ và lực lượng lính đánh thuê Nga từ thời chiến tranh lạnh đến nay, một sự cố mà cả Washington lẫn Matxcơva đều không muốn làm lớn chuyện.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180528-syria-linh-danh-thue-nga-tung-tham-bai-truoc-biet-kich-my

 

Ý chỉ định thủ tướng tạm thời

trong khi chờ bầu cử trước thời hạn

Thanh PhươngHuê Đăng

Bất chấp phản đối của hai đảng dân túy, tổng thống Sergio Mattarella hôm nay, 28/05/2018, đã giao cho ông Carlo Cottarelli, một nhân vật chủ trương siết chặt ngân sách, trách nhiệm lãnh đạo một chính phủ kỹ trị, trong khi chờ tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn.

Ông Carlo Cottarelli vừa thông báo là cuộc bầu cử trước thời hạn này sẽ diễn ra trễ nhất là đầu năm 2019, nhưng chắc là vào mùa thu năm nay.

Hôm qua, nước Ý lại lâm vào khủng hoảng sau khi nhân vật được chỉ định giữ chức thủ tướng, luật gia Giuseppe Conte, hôm qua đã bỏ cuộc do tổng thống Sergio Mattarella dứt khoát không chấp nhận bổ nhiệm một vị bộ trưởng do phe hai đảng dân túy đề nghị. Đảng Liên đoàn ( Lega) và đảng 5 sao đã đề nghị kinh tế gia Paolo Savona, 81 tuổi, một nhân vật chống hợp nhất châu Âu, làm bộ trưởng Kinh tế và Tài Chính.

Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng giải thích:

Tổng thống Sergio Mattarella đã không chấp nhận đề nghị đưa ông Paolo Savona, một nhà kinh tế học, từng làm việc cho ngân hàng quốc gia Ý, vào chức vụ bộ trưởng Kinh Tế. Tổng thống cũng nói thêm rằng đây là phủ quyết duy nhất trên danh sách đề cử các bộ trưởng trong hội đồng chính phủ của ông Giuseppa Conte.

Cũng nên biết rằng theo điều luật 87 của Hiến Pháp hiện hành, tổng thống hoàn toàn có quyền phủ quyết việc đề cử vào các chức vị bộ trưởng của hội đồng chính phủ.

Thực ra thì từ mấy hôm nay ai cũng biết là tên của Paolo Savona đã không nhận được sự “tán đồng” từ phía dinh Tổng thống, chả thế mà trong 48 tiếng đồng hồ vừa qua đã có nhiều nguồn tin báo chí nói về những “giải pháp” để tìm cách “vượt cạn”, để Ý có thể có chính phủ. Thậm chí đảng 5 sao đã đi đến đề nghị tách rời bộ Kinh Tế ra làm hai bộ riêng rẽ gồm bộ Tài Chính và bộ Kinh Tế với mục đích làm giảm “trọng lượng” của Paolo Savona.

Nhưng tất cả các giải pháp thương thuyết đều bất thành, vì Salvini của Lega vẫn cương quyết áp đặt tên của Paolo Savona vào chức vụ bộ trưởng Kinh Tế. Thậm chí Salvini còn “hăm dọa” rằng hoặc Savona giữ bộ Kinh Tế hoặc phải Ý bầu lại Quốc Hội mới.

Paolo Savona là ai ? Và vì sao Salvi của Lega cứ nằng nặc đòi bằng được ghế bộ trưởng Kinh Tế cho ông ta ? Và vì sao mà phía tổng thống Ý lại phủ quyết đề nghị nói trên ?

Lý do là ông Paolo Savona, trong cương vị nhà kinh tế học, đã từng tuyên bố chống lại sự hội nhập châu Âu và chống lại đồng euro. Thậm chí ông ta còn cho rằng euro là một thất bại chính sách tiền tệ của châu Âu. Đối với tổng thống Sergio Mattarella, nếu ông Savona nắm bộ Kinh Tế, vốn là bộ quan trọng nhất trong Hội Đồng Bộ Trưởng, các quyết định của bộ này sẽ lập tức có ảnh hưởng đến thị trường tài chính không chỉ riêng của Ý mà châu Âu và quốc tế, có xu hướng đi ngược lại sự hội nhập của Ý trong châu Âu và thậm chí có thể đưa nước Ý ra khỏi khối đồng euro, hay ít ra cũng sẽ gây ra nhiều căng thẳng giữa chính phủ Ý với các chính phủ thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Trong phát biểu với báo chí, tổng thống Sergio Mattarella cho biết là ông đã cố gắng tìm đủ mọi cách để giải quyết vấn đề bộ trưởng Kinh Tế. Thậm chí trong buổi hội kiến với Salvini vào sáng cùng ngày 27/05, tổng thống Sergio Mattarella đã đưa ra đề nghị thay ông Paolo Savona bằng bất cứ một nhân vật nào của Lega mà Salvini tin tưởng. Nhưng Lega vẫn khăng khăng giữ tên Paolo Savona.

Trong khi Lega nhất quyết không lùi một bước, thì trong 48 tiếng đồ hồ trước đó phía 5 sao cũng có những cố gắng tìm cách “thay ngựa” để không bị tổng thống phủ quyết. Nhưng bất cứ “sáng kiến” nào của 5 sao cũng đều bị Lega thẳng thừng bác bỏ.

Hai chiến lược khác nhau giữa 5 sao và Lega

Lý do rất đơn giản là Di Maio và Salvini áp dụng hai chiến thuật khác nhau. Đối với Di Maio, bằng bất cứ giá nào cũng phải cố gắng lập chính phủ do liên minh dân tuý đề xướng. Một sự thất bại trong việc lập chính phủ sẽ đồng nghĩa với thất bại sự nghiệp chính trị của Di Maio và trong nội bộ lãnh đạo 5 sao cũng đã có nhiều tên tuổi không mấy gì “hảo” với Di Maio, đang chỉ chực chờ thất bại lập chính phủ để đỗ tội bất tài cho Di Maio đã làm 5 sao mất cơ hội lên cầm quyền. Tức là ngay trong nội bộ 5 sao cũng đã có chia rẽ.

Trong khi đó, ngược lại, lãnh đạo Lega hoàn toàn thống nhất đứng sau lưng của Salvini, và dù cho có lập được chính phủ hay không thì thanh thế của Salvini trong nội bộ Lega vẫn không hề suy yếu, thậm chí Salvini với vị trí bất nhân nhượng, kình chống Châu Âu, cho phép ông nâng cao uy tín trong giới cử tri. Bằng chứng là theo các cuộc thăm dò ý kiến trong tuần qua, Salvini là nhân vật số một có nhiều uy tín nhất, và nếu đi bầu lại quốc hội ngay bây giờ thì Lega có thể tăng phiếu, trong khi 5 sao có thể bị mất phiếu vì sự thất bại trong việc lập chính phủ.

Thực chất “tên” Paolo Savona không phải là lý do thực sự của sự khủng hoảng vô chính phủ hôm nay. Nếu muốn, liên minh dân tuý, nhất là Lega, có thể đưa ra những nhân vật khác hoàn toàn là người của Lega, nhưng không kình chống Châu Âu và đồng euro ra mặt như Savona. Nhưng đối với Salvini của Lega thì đấy chỉ là cái cớ để “xù bài” và đi bầu lại. Vì Salvini hy vọng rằng trong lần bầu cử tới liên minh dân tuý 5 sao và Lega có thêm phiếu (tức là sẽ có đa số vững vàng trong quốc hội), và nhất là riêng đảng Lega sẽ tăng thêm phiếu, tức là tăng thêm trọng lượng trong các cuộc hiệp thương lập chính phủ với 5 sao.

Chính phủ Cottarelli tạm điều hành nước Ý

Trong điều kiện trước mắt thì sẽ chỉ có đảng Dân Chủ PD và đảng Forza Italia của Berlusconi ủng hộ chính phủ Cottarelli, và nếu không có thêm sự ủng hộ nào khác thì coi như chính phủ sẽ không có đa số trong quốc hội. Nhưng theo hiến pháp thì dù không có đa số, chính phủ vẫn sẽ được duy trì để “điều hành các vấn đề hành chánh của nhà nước”. Trên thực tế, trong trường hợp nói trên, chính phủ Carlo Cottarella chỉ có nhiệm vụ đưa ra kế hoạch ngân sách tài chính nhà nước cho năm tới để đệ trình lên Uỷ ban Châu Âu vào tháng 9 theo thời khoá biểu đã vạch sẳn, và điều hành nhà nước cho đến khi có quốc hội mới.

Carlo Cottarelli, 62 tuổi, là một chuyên gia kinh tế nỗi tiếng ở Ý, từng là nhân viên của ngân hàng nhà nước Ý từ đầu những thập niên 80. Hồi năm 2013, ông ta đã được chính phủ trung-tả dưới thời thủ tướng Enrico Letta bổ nhiệm phụ trách “rà soát các kế hoạch chi tiêu của nhà nước”. Đến năm 2014, dưới thời Thủ tướng Matteo Renzi, ông được bổ nhiệm vào hội đồng của tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF – International Monetary Fund)

Phía liên minh dân tuý, nhất là Lega, thì muốn đi bầu lại càng sớm càng tốt vốn để tận dụng tối đa thanh thế đang lên của Lega. Thậm chí Lega còn dự kiến là sẽ đi bầu lại vào mùa thu năm nay.

Nhưng các đảng phái khác, nhất là đảng Dân chủ PD, cũng như đảng Forza Italia hoàn toàn ở thế bị động nếu phải lao mình vào một chiến dịch tranh cử nay mai, nhất là lại diễn ra vào mùa hè, vốn là thời điểm đa phần cử tri lại đi nghĩ hè.

Điều hiển nhiên nhất là trong kịch bản đi bầu lại này, nước Ý lại sẽ phải chịu thêm vài tháng bất ổn định vì không có chính phủ, và tình hình bất ổn định nói trên cũng có thể sẽ tạo ra những xáo động trên thị trường tài chính, gây thêm khó khăn cho Ý, vốn là nước có nợ công lớn nhất trong khối Châu Âu. Chả thế mà chỉ trong có mấy ngày mà chỉ số spread giữa công trái nhà nước Ý và công trái nhà nước Đức đã tăng hơn 200 điểm.

Liên minh dân tuý đã vội vàng tuyên bố rằng việc chỉ số spread tăng vọt là do các kế hoạch đen tối của các “thế lực kinh tế” Châu Âu, nhằm gây áp lực lên liên minh dân tuý. Y hệt như giọng điệu của Berlusconi hồi năm 2011, khi ông ta bị mất đa số trong quốc hội và phải từ nhiệm thủ tướng.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180528-y-chi-dinh-thu-tuong-tam-thoi-trong-khi-cho-bau-cu-truoc-thoi-han

 

Đức : Phe ủng hộ và chống dân túy

« đối đầu » ở Berlin

Thu Hằng

Thủ đô Berlin của Đức trải qua một chiều Chủ Nhật 27/05/2018 căng thẳng vì các cuộc biểu tình của đảng cực hữu AfD, chống chính sách tị nạn của thủ tướng Angela Merkel, và bên kia là những người chống lại đảng AfD.

Hơn 5.000 người biểu tình thành viên hoặc ủng hộ AfD đã tuần hành trên đường phố Berlin, ít hơn so với dự kiến của ban tổ chức, đối mặt với đoàn người chống AfD, đông đảo hơn với khoảng 25.000 người.

Thông tín viên Nathalie Versieux tường trình từ Berlin:

« Theo lời kêu gọi của 7 câu lạc bộ của thành phố, hàng nghìn thanh niên nhảy múa suốt buổi chiều Chủ Nhật trong công viên Tiergarten ở Berlin trên nền nhạc techno để phản đối đảng AfD.

Ông Kai, 50 tuổi, có mặt trong đám đông, phát biểu: « Nếu nhìn về quá khứ, khoảng những năm 1930, người ta nhận thấy rằng ngồi nhà và phàn nàn thôi thì chưa đủ. Cần phải huy động và thể hiện rằng chúng tôi chống cực hữu, chống phát xít, ủng hộ nền dân chủ và phản đối tất cả những người khuấy động một cách hèn nhát để chống lại các công dân gốc nước ngoài ».

Phía bên kia cổng Brandeburg lại là một quang cảnh hoàn toàn khác. Băng rôn biểu ngữ vàng rực và nhiều mầu nhường chỗ cho quốc kỳ Đức và nhạc techno với những khẩu hiệu chống Merkel. Cuộc tuần hành có quy mô nhỏ hơn dự kiến và thu hút khoảng 5.000 người.

Bà Magda, 57 tuổi, một quan chức của đảng AfD ở Cottbus thuộc Cộng Hòa Dân Chủ Đức cũ, nói: « Tại sao chúng tôi tập hợp ở đây ư? Bởi vì chúng tôi dứt khoát bác bỏ chính sách nhập cư. Điều này không thể tiếp tục như vậy tại Đức. Vấn đề này ngày càng xấu đi. Tôi từng bị những công dân mới của chúng tôi tấn công hai lần! Ở Cottbus! Và nếu muốn có ý kiến của tôi về những nhóm người nhập cư này, thì rất rõ: Đóng cửa biên giới và tất cả những người không có thẻ cư trú phải ra khỏi Đức! »

Đảng AfD đang gây chia rẽ nước Đức. Được thành lập vào năm 2013, đảng cực hữu này trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba ở Đức, từ sau đợt bầu cử Quốc Hội vào tháng 09/2017 ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180528-duc-phe-ung-ho-va-chong-dan-tuy-%C2%AB-doi-dau-%C2%BB-o-berlin

 

Colombia: Ứng viên cánh tả và hữu

vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống

Thu Hằng

Tại Colombia, ứng viên đảng cánh hữu Trung Tâm Dân Chủ, ông Ivan Duque, đã về đầu ở vòng một của cuộc bầu cử tổng thống ngày 27/05/2018. Với 39% số phiếu, ông Ivan Duque sẽ tiếp tục vòng hai cùng với ứng viên cánh tả Gustavo Petro, cựu thị trưởng Bogota, thu được 25% số phiếu. Về thứ ba ở vòng một là ứng viên Sergio Fajardo với 23% số phiếu.

Hai ứng viên về đầu vòng một sẽ phải tìm được liên minh để có thể giành được chiến thắng ở vòng hai sẽ diễn ra ngày 17/06.

Đặc phái viên RFI Véronique Gaymard giải thích từ Bogota :

Ông Ivan Duque có thể sẽ thu được một số phiếu của ứng viên German Vargas Lleras, nhưng không phải là tất cả. Hiện tại, ứng viên trung lập Sergio Fajardo, người về thứ ba với 23% số phiếu, xấp xỉ với ứng viên cánh tả Gustavo Petro, vẫn chưa bày tỏ ý định bỏ phiếu. Và có thể ông sẽ không đưa ra.

Một số người cho rằng một phần cử tri của ông Fajardo sẽ nghiêng về Ivan Duque, một số khác sẽ bỏ phiếu trắng và một số sẽ ủng hộ ứng viên cánh hữu Gustavo Petro vì chương trình tranh cử của ông rất chắc về mặt xã hội, nhưng tính cách độc đoán của ông lại là một trở ngại.

Ngược lại, ông Gustavo Petro giành chiến thắng ở nhiều tỉnh còn bị nghèo đói, bạo lực và thất nghiệp hoành hành ; những nơi cần đến các đề xuất về trật tự xã hội, kinh tế và môi trường của ông.

Dù sao, cuộc bầu cử tổng thống lần này đã diễn ra êm ả ; tỉ lệ vắng mặt 47% là một trong các tỉ lệ thấp nhất của vòng một. Rất nhiều người Colombia thấy tự hào khi bày tỏ rằng đời sống chính trị không phải lúc nào cũng giải quyết bằng bạo lực; hòa bình dù còn tương đối ở một số vùng đã cho phép tổ chức cuộc bầu cử bình yên hơn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180528-colombia-ung-vien-canh-ta-va-huu-vao-vong-hai-cuoc-bau-cu-tong-thong