Dân Chủ Hóa để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc và tổ quốc trước họa xâm lược của Trung Quốc – Bs Mã Xái
Ngày 2 tháng 5 năm 2014 Trung Cộng lại tái diễn chiến dịch xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông (Nam Hải) bằng cách đặt giàn khoan HD-981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế táo bạo và ngang ngược hơn hẳn những lần trước. Lần này thì đảng CSVN phản ứng khác thường hơn, thay vì nhẫn nhục cầu hòa ở vị thế như một chi bộ trung thành dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, họ lại bật đèn xanh cho nhơn dân hàng loạt xuống đường biểu tình có “hướng dẫn”. Bên cạnh đó những tổ chức quần chúng tự phát khắp ba miền đồng loạt đứng lên chống Trung Quốc, với số lượng và cường độ gây sự quan tâm trong nước và thế giới; có những vụ bạo loạn ở Bình Dương, Hà Tĩnh gây nên một số thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp nước ngoài và một ít người Trung Quốc bị thiệt mạng. Những người tham gia cuộc biểu tình được lệnh là chỉ phản đối Trung Cộng xâm lược, không được đá động gì đến bản chất nhu nhược của nhà nước CSVN trước chánh sách bá quyền bành trướng Đại Hán. Nhưng rồi lệnh biểu tình lại thay đổi. Ngày 18/5/2014 cuộc biểu tình toàn quốc bị đàn áp thô bạo, một số bị bắt, một số nhà tranh đấu bị quản thúc tại gia. Hôm 16/5/2014 ông chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại “yêu cầu nhân dân không tham gia tuần hành, biểu tình làm ảnh hưởng xấu đến ổn định chánh trị”. Trước đó, hôm 15/5/2014 tại Hải Phòng trong khi TT Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc với cử tri, đã phê phán Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và “đánh giá cao” sự đồng lòng của người dân trong việc ủng hộ chánh phủ tranh đấu chủ quyền… Người dân quả thật đã mất lòng tin nơi nhà nước trước thái độ trì trệ của cấp lãnh đạo trong việc phổ biến một thông điệp minh bạch cho toàn dân về hiện tình đất nước. Cho mãi 2 tuần sau, ông Tổng bí Thư khi bế mạc Hội Nghị 9 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khóa 11 mới kêu gọi toàn dân đồng lòng đoàn kết, cương quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ông Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang mãi đến 16/5/2014 mới kêu gọi “bình tĩnh và đoàn kết”. Rõ là tiền hậu bất nhất, họ đang đứng trước tình thế lưỡng nan. Nhà nước XHCNVN coi nhơn dân như cỏ rơm, như công cụ lúc nào cần thì bật đèn xanh cho biểu tình, nhưng khi được lịnh Bắc Kinh thì đàn áp. Đảng CSVN đã từng nhiều lần lừa dối nhơn dân như vậy, lợi dụng lòng ái quốc dân tộc, tinh thần quốc gia của đồng bào yêu nước trong chiến tranh chống Pháp, đánh Mỹ. Khi họ nắm trọn được quyền lực thì họ lại sáp nhập đảng và tổ quốc là một, yêu nước là yêu XHCN và quay lại đàn áp nhơn dân một cách thô bạo, vô nhơn tính, khi nhơn dân bày tỏ lòng yêu nước của mình. Bản chất của tập đoàn lãnh đạo CSVN hiện rõ trong cung cách ứng xử với người đồng chí “bốn tốt”trong vụ việc giàn khoan HD 981.
Chánh sách đối ngoại thần phục Bắc phương đã thất bại, hậu quả đang đưa dân tộc Việt Nam tới trước hiểm nguy mất nước vào tay bá quyền Trung quốc mà đảng CSVN dựa vào lá chắn chủ nghĩa phản dân tộc Mác Lê và họ lại áp đặt cái ý thức hệ mục rữa đó lên dân tộc Việt Nam. Đảng CSVN dựa lưng vào Trung Cộng để bám trụ quyền lực qua những vụ dâng đất dâng biển. Nhưng hành động đặt giàn khoan HD-981của Trung cộng ngay trong sân nhà mình, thì chỗ dựa vào người đồng chí “bốn tốt, 16 chữ vàng” rõ ràng đã gãy đổ; sự sinh tồn của dân tộc, của tổ quốc đang bị đe dọa trước mắt. Đảng CSVN lay hoay không tìm ra lối thoát trong cách đối phó với các thách thức đang diễn ra với nhiều phương cách ngoại giao chánh trị quốc phòng; họ vẫn chưa sáng mắt ra, rằng chính cái ý thức hệ phản dân tộc Mác Lê là nguyên nhân của bao nhiêu hệ lụy đau thương cho dân tộc. Thế nên ưu tiên hàng đầu là đảng CSVN phải vứt bỏ cái chủ nghĩa ngoại lai đó và trở về với dân tộc.
Nhìn quanh, khi bị đàn anh Trung Nam Hải chuẩn bị bỏ rơi, CSVN vẫn chưa tìm ra được ai là bạn của mình. Còn ai dám đặt”lòng tin chiến lược” vào tập đoàn lãnh đạo với ngôn hành bất nhứt để ủng hộ trong việc lên tiếng phản đối Trung Cộng xâm chiếm Biển Đông. Trong Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN tháng Năm vừa qua, tại Miến Điện, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng báo động cho các thành viên “động thái Trung quốc cực kỳ nguy hiểm cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải” ông được Hội nghị trả lời trong bản thông cáo ASEAN (11/5/2014) với nội dung chỉ bày tỏ mối quan ngại mà không đá động gì đến việc Trung Cộng xâm lược, dù rằng có bốn thành viên trong Hiệp Hội có tranh chấp chủ quyển lãnh hải với Bắc Kinh là Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunie, Malaysia. Viêt Nam hy vọng gì vào sự ủng hộ tại Diễn đàn An ninh Khu Vực ASEAN (ARF, gồm 25 quốc gia) tại Miến Điện sẽ họp ngày 06 tháng Tám năm nay, hay chỉ lại lê thê đàm phán việc kết thúc “Qui Tắc Ứng Xử (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN? Tiếp theo là Hội nghị Thượng Đỉnh Châu Á (EAS, gồm 18 quốc gia) tháng 11 /2014 sắp tới đây có các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhựt Bổn, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga chắc rồi vấn đề Biển Đông hay Hoa Đông sẽ phải đem ra thảo luận; liệu Hoa Kỳ và một số quốc gia liên quan có thuyết phục được Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế như Luật Biển của LHQ không? Ai cũng thừa biết Trung Cộng lúc nào cũng cả quyết trong vụ việc Biển Đông (South China Sea) rằng đường lưỡi bò thuộc quyền lợi cốt lõi của họ không tranh cải. Những mỹ từ của các lãnh đạo Tây phương không ngăn được chiến lược biển của Trung Công. Năm rồi Manila cũng đã thử thách với Trung Quốc, đã đưa vụ tranh chấp ra tòa án trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc đã từ chối tham dự. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây cũng nói đến khả năng xử dụng biện pháp pháp lý, theo luật pháp quốc tế đối với Trung Quốc khi ông đến Manila và trong cuộc họp báo với TT Benigno Aquino. Cả hai lên án hành động xâm lược của Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo đang xem khả năng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện để chống lại Bắc Kinh.
VNCS cũng không còn mong gì ở người đồng minh Liên Xô cũ và Nga hiện tại, họ đã ngoãnh mặt trong vụ HD-981. Năm rồi Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận hợp đồng khai thác giếng dầu ở Đông Tây Bá Lợi Á, và mới đây Nga và Trung Quốc đã ký thỏa ước 30 năm cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh. Putin đã đến Bắc Kinh để găp Tập cận Bình bàn về đối tác chiến lược và toàn diện, ngày 20/05/201 TT Vladimir Putin đến Thượng Hải tham dự “Hội Nghị Phối Hợp Hành Động và Phương cách Xây dựng Lòng Tin ở Á Châu” (Conference on Interaction and Confidence Building Measures in Asia,viết tắt CICA) chính do Tập Cận Bình chủ tọa phiên hợp. Trong bài diễn văn khai mạc Ông Tập Cận Bình kêu gọi thành lập một cấu trúc mới cho an ninh vùng thay thế cho quan niệm về liên minh quân sự cổ hủ của thời chiến tranh lạnh, nhằm chỉ trích các liên minh quân sự và chánh sách “tái cân bằng” ở Á Châu của Hoa Kỳ, trong khi có cuộc tập trận Hải Quân chung giữa Trung Quốc và Nga tại Biển Hoa Đông. Ai cũng biết Kremlin lại bán vũ khí chiến lược cho Viêt Nam đặc biêt là tàu ngầm và cũng lăm le quay lại với ĐNA, nhưng trong hiện tại Putin chỉ lo việc bán vũ khí nhằm mục đich lý tài hơn là giúp CSVN chống Trung Công vì Putin còn phải bận tâm vẽ lại bản đồ Âu Châu, tạm thời phân công cho đối tác Tập cận Bình cạnh tranh với Hoa Kỳ trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Thế giới đang nói nhiều về việc Nga đang chủ trương xoay trục về Á Đông. Vã lại Hà Nội cũng không quên chuyện người đồng minh Liên Xô cũ đã bỏ mặc cho mình chịu đựng “bài học phản bội” trong cuộc chiến biên giới năm 1979 với Trung Quốc, mặc dù Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác Việt-Xô lúc đó còn hiệu lực.
Nhà nước CSViệt Nam đang mất chỗ dựa nơi đồng chí phương Bắc, thiếu sự hỗ trợ của một ASEAN phương nam quá yếu với nhiều khác biệt chánh trị và chia rẽ, lại không còn ảo tưởng gì nơi Nga vì Nga đang bắt tay với Trung Quốc, con đường đi vào ngõ hẹp để cứu đảng là đổi trục về Tây phương, không ai khác hơn là Hoa Kỳ. Mà theo Mỹ thì lại sợ có cơ mất đảng! Muốn nâng quan hệ lên tầm cao chiến lược thì phải có tiến bộ về nhơn quyền, có thay đổi chánh trị như cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton thường trao đổi với các nhà lãnh đạo CSVN. Trung Công đang trổi lên để tranh địa vị siêu cường với Mỹ trong những thập niên tới, bây giờ thì vẫn phải e dè trước sức mạnh quân sự siêu đẳng của Hoa Kỳ. Nhưng quả thật không ai còn dám tin những gì CS nói dù ông Nguyễn Tấn Dũng đã hơn một lần kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược, và ông còn tuyên bố xây dựng dân chủ trong thông điệp chúc Tết. Thực tình thì Hoa Kỳ cũng muốn lôi kéo Hà Nội trở thành đối tác tiềm năng trong chiến lượcn “Tái Cân Bằng”, vào vòng đàm phán TPP. Sau khi dàn dựng nhiều cuộc biểu tình không đẩy lùi được động thái xâm lược của ngoại xâm, sau hơn hai chục cuộc đối thoại ngoại giao Việt – Trung theo phương án hòa bình không kết quả, mà còn bị đáp lễ bằng tăng cường quân sự và đe dọa nơi giàn khoan, Thủ Tướng Dũng lần này thì minh bạch hơn rằng” không đổi chủ quyền để lấy hữu nghị viễn vông”, ông phát biểu tại Manila hôm 21/05/14. Một số động thái được mô tả là CSVN đang muốn tiến gần hơn với Hoa Thạnh Đốn; phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gọi ông Kerry hôm thứ Tư 21/05/2014 để trao đổi vê tình hình và ngoại trưởng Kerry cũng đã mời ông Minh sang thăm Hoa thạnh Đốn. Nhưng ai cũng thấy trong bang giao CSVN theo đuổi chánh sách đu giây mà việc tiếp cận với Hoa Kỳ chỉ nhằm thương mãi, viện trợ, đầu tư, tiếp thu kỹ thuật, và Hà Nội giữ lập trường “ba không” trong đó tất nhiên bao gồm việc không liên minh quân sự với Hoa Kỳ, nhưng điều này không ngăn việc hợp tác quốc phòng. Sư kiện giàn khoan HD-981 thêm một lần cho thấy Việt Nam cần thiết chuyển hướng trong chánh sách ngoại giao; người ta thấy nhà nước CSVN mạnh dạn hơn trong tuyên bố về chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, về các chủ quyền trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phía Hoa Kỳ đã có phản ứng sớm sủa trong vụ giàn khoan, và coi việc TC đặt giàn khoan trong vùng biển tranh chấp là có thái độ khiêu khích. Trong chuyến công du bốn nước Á Châu trong tháng qua, TT Obama khi ghé Phi Luật Tân vài hôm trươc khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 đã tuyên bố “Tôi tin tưởng luật pháp quốc tế cần được duy trì, tự do hàng hải phải được bảo vệ, thương mãi không bị cản trở, mọi tranh chấp cần được giải quyết ôn hòa, không có đe dọa và vũ lực”. Các giới chức Hoa kỳ cũng cảnh cáo Trung Cộng không nên mở rộng vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như họ đã làm ở Biển Hoa Đông. Trung Công dù chưa đủ sức để thách thức với siêu cường Hoa Kỳ nhưng cũng muốn xem Hoa Kỳ phản ứng ra sao khi họ tiến hành một bước xâm lược mới tại Biển Đông, sau khi ông Obama khẳng định cam kết bảo vệ hai quốc gia liên minh là Nhựt Bổn và Phi-luật-Tân khi có trường hợp ngoại xâm, trong chuyến công du Á Châu cuối tháng Tư vừa qua. Hệ lụy của việc giàn khoan HD-981 đã ảnh hưởng trực tiếp đến CSVN, nhưng cũng đe dọa đến ổn định và an ninh khu vực, con đường lưu thông, thương mại thế giới. Mặc dầu một số chánh khách HK đang lên tiếng ủng hộ Việt Nam, nhưng đa số trong Quốc Hội đều đòi hỏi CSVN phải cải thiện nhơn quyền như đã thể hiện trong vấn đề đàm phán cho CSVN được nhận vào TPP, nhưng một khi quyền lợi chiến lược can dự, liệu TT Obama còn nêu cao ngọn cờ giá trị dân chủ tự do nhân quyền để rồi châm chước cho rằng CSVN đã có một ít tiến bộ nhơn quyền; nhưng ông Obama đã nói rõ cho ông Trương Tấn Sang vấn đề nhơn quyền phải được cải thiện, trong cuộc hội nghị thương đỉnh Hoa Kỳ-Việt Nam (2013) khi hai bên chỉ thỏa thuận về một quan hệ đối tác toàn diện. Hoa Kỳ -Trung quốc có những quan hệ quyền lợi kinh tế tròng tréo mà hai bên vẫn mưu tìm sang bằng những khác biệt để tránh đối đầu. Hoa Kỳ lúc nào cũng tôn trọng Bắc Kinh trong sự trổi dậy một cách hài hòa, một cường quốc có trách nhiệm trong khi Trung Cộng lúc nào cũng công kích Hoa Thạnh Đốn trong chánh sách bao vây be bờ, trong khi họ hướng mủi dùi về ĐNA. Các nhà quan sát nghi ngờ về độ khả thi một “Mô Hình Mới về Quan Hệ Đại Cường” (New Model of Great Power) mà Ông Obama và Tập cận Bình bàn tới tại hội nghị Thượng Đỉnh Sunnylands, California năm qua nêu lên nguyên tắc quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc và việc giải quyết tranh chấp quôc tế như vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông.
Chủ nghĩa bành trướng bá quyền của Trung quốc mang tính chất bất phản hồi của Đại Hán; ngày 18 tháng 5 tới đây họ có dời cái giàn khoan HD-981 đi hay không chỉ là chiến thuật giai đoạn có toan tính và đối với Trung Nguyên, Biển Nam Hải mà chúng ta gọi là Biển Đông nằm trong quyền lợi cốt lõi của họ, họ ngang ngược cho là không còn tranh cải gì cả! Nhà cầm quyền Việt Nam với trang bị chủ thuyết Mác-Lê đã chứng tỏ bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc. Lịch sử ngàn đời của dân tộc ta trong việc bảo vệ sự sinh tốn của dân tộc và tổ quốc trước ngoại xâm, chỉ có huy động được sức mạnh của toàn dân, từ trong nước đến hải ngoại thì mới chống lại sự lấn chiếm từ Phương Bắc. Một quốc gia không thể giữ yên bờ cỏi nếu nhà cầm quyền không tạo được sự đoàn kết. Giặc đã vào nhà. Đã đến lúc mà toàn dân phải tìm cách vứt bỏ chủ nghĩa Mác Lê, trở về với chủ nghĩa Dân tộc Sinh Tồn thì mới mong cứu nguy đất nước đang mất lần vào tay Trung Cộng. Một lộ trình thích hợp cho dân chủ hóa Việt Nam, là nhà cầm quyền cộng sản cần ý thức được xu thế dân chủ của thời đại, mà chuyển quyền lãnh đạo lại cho nhơn dân một cách ôn hòa, tránh xáo trộn, trả lại nhơn dân quyền quyết định xây dựng một Viêt Nam tự do dân chủ pháp trị hòa đồng trong thế giới văn minh. Đó là ý muốn của toàn dân, phù hợp với con đường đấu tranh của Phong trào dân chủ trong nước cũng như hải ngoại, là ý nguyện của mọi tổ chức xã hội dân sự, ngay cả một số không nhỏ những trí thức tiến bộ trong đảng cộng sản. Lòng dân đã vậy, không thể chịu đựng mãi một chế độ có chủ trương hèn với giặc lại ác với dân, lại bán nước dâng biển cho ngoại bang để đổi lấy quyền lực.
Chỉ có dân chủ hóa đất nước thì mới mong chống lại sự xâm lược của Trung Cộng. Nhược bằng nếu nhà cầm quyền Công Sản Việt Nam khước từ dân chủ hóa đất nước, thì một cuộc cách mạng do nhơn dân nổi dậy sẽ không tránh khỏi. Công cuộc giải thể chế độ CSVN phải là do nhơn dân quốc nội chủ đông, hải ngoại chỉ đóng vai trò yểm trợ. Chính nghĩa tất thắng.
Cộng đồng người Việt quốc gia Bắc Cali biểu tình chống Trung Cộng vào ngày 12.05.2014