Đụng độ Hoa Việt ở biển Đông Hải – Nhữ Đình Hùng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đụng độ Hoa Việt ở biển Đông Hải – Nhữ Đình Hùng

Vào đầu tuần lễ đầu tháng năm, chánh-quyền Việt Nam cho biết sẽ ‘có những biện-pháp cần-thiết’ để buộc Trung-Hoa phải ngưng ngay dự án khoan dầu trong vùng biển Nam Hải, nơi đang có sự tranh chấp giữa hai nước. Phiá Trung-Hoa, vào tuần lễ cuối tháng tư đầu tháng năm, đã đưa dàn khoan dầu CNOOC 981 vào vùng biển mà họ coi là thuộc quyền kiểm soát của họ, ở gần quần đảo Paracels, phần lớn do quân đội Trung Hoa chiếm đóng. Phiá Việt Nam đoan chắc rằng điểm đặt dàn khoan dầu này, được Trung Hoa đặt tên là Haiyan Shiyou 081, đã nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam, và vì thế, việc Trung Hoa đưa dàn khoan dầu vào trong vùng này là vi phạm mọi thoả hiệp quốc tế về vùng biển. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Trung Hoa đã loan báo một khu vực cấm rông 5 cây số chung quanh vùng khoan dầu, cấm sự lai vãng của mọi tàu ngoại quốc.

Để bảo vệ an ninh cho dàn khoan dầu, Trung Hoa đã gởi đến trong vùng 80 tàu chiến trong khi đó, tại chỗ, Việt Nam chỉ có 29 tàu tuần tiễu của cảnh sát. Tình hình hiện tại được coi là căng thẳng sau khi chánh quyền Việt Nam tố cáo các tàu Trung Hoa đã tấn công các tàu tuần tiễu Việt Nam bằng vói xịt nước và đâm vào tàu Việt Nam, gây thương tích cho 6 thủy thủ!

Phát ngôn viên Chunying Hua của chánh-phủ Trung Hoa nói ‘quần đảo Paracels, một cách lịch sử, thuộc về Trung Hoan việc dời chỗ của các xí nghiệp Trung Hoa là vấn-đề nội bộ, không liên can gì đến Việt Nam’. Đây là cách ‘cường-điệu’ quen thuộc của Trung-Hoa trong những vùng có sự tranh chấp chủ-quyền. Tuy nhiên, trong ngày thứ năm 08.05, thái độ của Trung Hoa có vẻ giảm bớt căng thẳng đối với Việt Nam. Thứ trưởng ngoại giao Trung Hoa nói đến việc ‘đối thoại’ với Việt Nam và bảo đảm việc xảy ra không có gì gọi là đối đầu giữa hai nước!

Trong chuyến công du Á Châu vừa qua của tổng thống Mỹ Obama, ông này đã ghé Nhật, Nam Hàn, Mã Lai, Phi Luật Tân nhưng đã không ghé Việt Nam, điều này có thể được Bắc Kinh coi như Việt Nam không nằm trong khuôn khổ hợp tác chiến lược của Hoa Kỳ. Mặt khác, ngày 10.05, các ngoại trưởng khối ASEAN đã có cuộc họp. Trung Hoa muốn thử thách mức độ chống đối của Việt Nam cũng như hậu thuẫn của ASEAN đối với Việt Nam!

Kết quả: Việt Nam đã phản-kháng Trung Quốc về việc đặt dàn khoan CNOOC 981 nhưng các nước ASEAN đã có một ủng hộ lấy lệ, kêu gọi giải quyết các tranh chấp bằng cách “đối thoạỉ!”

Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại về việc gia tăng căng thẳng trong vùng và cáo buộc Bắc Kinh đã có một hành vi đơn phương trong khi Hoa Kỳ coi đó là một hành vi khiêu khích.

Việc Trung Hoa gởi dàn khoan dầu CNOOC 981 đến vùng biển Việt Nam không làm nhà cầm quyền Việt Nam ngạc nhiên. Bởi vì dàn khoan dầu CNOOC 981 đã được giao từ năm 2011, đây là dàn khoan có khả năng khoan dầu ở độ sâu 3000 mét. Như thế, dàn khoan này không phải nhằm để khoan dầu trên thềm lục địa cạnh bờ biển Trung Hoa (ở độ sâu trên dưới 300 mét) nhưng nhằm để khoan dầu trong vùng biển có tranh chấp giữa Trung Hoa với Việt Nam! Trong năm 2012, dàn khoan này được đưa tới phiá bắc quần đảo Paracel (Tàu gọi là Tây Sa Xisha) nhưng không bị phản đối vì khoảng cách giữa dàn khoan dầu này với các bờ biển những nước đang tranh chấp lớn hơn khoảng cách giữa dàn khoan dầu này với Hồng Kông, cách Hồng Kông 320 cây số về phiá đông nam. Nhưng vào cuối tháng tư 2014, dàn khoan này được xê dịch về phiá nam đảo Paracel,  đã tiến sát vào bờ biển Việt Nam (cách bờ biển Việt Nam trên dưới 200 cây số, trong khi đó cách bờ biển Hải Nam 350 cây số và cách Hồng Kông 800 cây số. Như thế, dàn khoan dầu này đã đi về phiá nam trên dưới 500 cây số so với vị trí ban đầu và đặt toàn bộ các vùng đảo tranh chấp Hoa Việt trong vùng kiểm soát của hải quân Trung Hoa. Nếu Việt Nam không phản ứng, điều này có nghĩa Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Hoa trên các đảo này Nhưng Việt Nam đã dự định khai thác vùng này và công ty Petro Vietnam đã được phép thăm dò vùng mà CNOOC 981 vừa đến. Theo các chuyên viên về dò tìm dầu khí, vùng đang xảy ra đụng chạm được coi là không hoặc ít có triển vọng có dầu hoả. Ngay trong vùng biển Nam Hải, các chuyên-gia Hoa-Kỳ ước lượng có khoảng 1, 5 tỉ tấn dầu trong vùng biển Nam Hải trong khi các chuyên gia Trung Hoa cho là có thể có từ 17 đến 50 tỷ tấn dầu. Đó có thể là lý do chính khiến Trung Hoa muốn khống chế toàn vùng biển Nam Hải. (Những tranh chấp trong vùng biển Đông Hải về quần đảo Điếu Ngư có thể là để tạo điều kiện thương lượng với Nhật Bản và Hoa Kỳ để đổi việc các nước này không can thiệp vào vấn đề Hoàng-Sa, Trường-Sa. Vừa qua, khi tổng thống Obama đi thăm các nước Á Châu có tranh chấp với Trung Hoa, ông đã không đến Việt-Nam, điều cho thấy Việt Nam không có tầm quan-trọng trong chánh-sách đối-ngoại của Hoa-Kỳ).

Đối với Trung-Hoa, ngoài vấn-đề tài-nguyên dầu hoả, biển Nam Hải còn là đường tiếp liệu về dầu hoả từ Trung Đông và Phi Châu, 70% nhập cảng dầu hoả của Trung Hoa xử dụng đến hải-trình xuyên biển Nam-Hải. Do đó, đối với Trung Hoa, biển Nam Hải là một phần của biển Trung Hoa về phiá Nam, trong khi đó, Việt Nam coi đó là Đông Hải (biển nằm ở phiá đông Viẹt Nam). Việc dàn khoan CNOOC 981 đến trong vùng dưới quyền khai thác của Việt Nam là một điều không thể chấp nhận. Bởi thế, chánh-quyền Hà Nội cho biết sẽ dùng tất cả mọi biện pháp cần thiết để buộc chánh quyền Bắc Kinh ngưng dự án dò tìm trong vùng do dàn khoan Haiyang Shiyou 981 thực-hiện. Nhưng, đối đầu với Bắc Kinh, hải quân Việt Nam xem chừng không nặng kí! Hiện Việt Nam chưa đưa tàu chiến ra tại diễn trường, ở đây chỉ có sự hiện diện của các tàu cảnh sát. Các tàu này đã bị tàu Trung Hoa tấn công bằng vòi xịt nước và bị tàu Trung Hoa húc ngang hông. Nhiều tàu bị thiệt hại và ít ra có sáu thủy thủ Việt Nam bị thương. Theo Ngô Ngọc Thu, phụ tá tư lệnh cảnh sát biển cho biết Việt Nam đã chứng tỏ sự kiên-nhẫn và tự-chế trước những hành-vi gây hấn của Trung Hoa nhấn mạnh việc không có tàu quân-sự Việt Nam nào trong vùng, chỉ có các tàu tuần của cảnh sát và phòng-vệ duyên hải. Ông Ngô Ngọc Thu cũng nói đến việc sự kiên nhẫn của Việt Nam có giới hạn và sẽ có những biện pháp tự-vệ nếu bị tiếp tục gây hấn.

Không phải chỉ có đụng độ với Việt Nam, Trung Hoa hiện cũng có tranh chấp với Phi Luật Tân. Trung Hoa coi như hầu hết vùng biển Nam Hải thuộc chủ quyền Trung Hoa; giữa Việt Nam và Trung Hoa có tranh chấp các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng được coi là có mỏ dầu hỏa, chẳng những thế còn là  nơi quan sát (và là điểm khống chế) các hải lộ quốc tế trong vùng Đông Á (Vào năm 1974, Trung Hoa đã tấn công và chiếm các đảo dưới quyền kiểm soát của VNCH, trong cuộc hải chiến, đôi bên đều thiệt hại, phía VNCH có hơn 70 quân nhân đã hi sinh đền nợ nước).

Trong cuộc tranh chấp Hoa Việt hiện nay, phát ngôn viên Trung Hoa, bà Hua Chunying tái xác nhận  đã nằm trong vùng thuộc lãnh hải Trung Hoa và những hành vi quấy nhiễu của Việt Nam là vi phạm đến chủ quyền của Trung Quốc!

Về phía Việt Nam, trước hành-vi xâm lấn vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra trên khắp nước Việt Nam, ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn, trước toà đại sứ và lãnh sự quán. Các cơ sở kinh doanh của người Hoa ở nhiều nơi (Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Tĩnh…) đã bị tấn công, đập phá, kể cả việc cướp bóc. Chánh quyền Việt Nam đã bắt giữ cả ngàn người!

Việc biểu-tình tấn công cướp phá các xí nghiệp của Trung Hoa được coi là có sự ‘nhắm mắt’ nếu không nói là do chánh quyền cộng sản Việt Nam tổ chức. Các xí nghiệp Trung Hoa ở Bình Dương,

trong khu vực kỹ nghệ Singapour-Vietnam 1 đã là đích nhắm của các cuộc đánh phá, cướp của và đốt cháy, đây là điều hi hữu ở Việt Nam, một nước dưới chế độ cộng-sản toàn trị độc đảng. Saigòn (thành phố HCM) là thủ đô kinh tế của Việt Nam với các khu kỹ nghệ do vốn nước ngoài, việc đánh phá, đốt và cướp bóc có thể có những hậu quả bất lợi!

Trong ngày thứ sáu 16.05.2014, bộ ngoại giao Trung Hoa nói là có ít nhất hai người Trung-Hoa bị chết và hơn 100 người bị thương. Hua Chunying, nữ phát ngôn viên của bộ ngoại-giao Trung Hoa cho biết chánh quyền Trung Hoa dành cho tình hình một tầm quan-trọng cao và quan ngại về các bạo động ở Việt Nam: «chúng tôi tiếp tục đưa ra các lời phản đối nghiêm trọng bằng các lối có được» Hua  Chunying cũng đòi Việt Nam phải chấm dứt ngay các cuộc bạo động và phải bảo đảm các sự việc này không xảy ra nữa Về vấn đề tranh chấp biển Đông; Hua Chunying nói rằng Pékin có chủ quyền ‘bất khả kiện vong’ trong những vùng biển này trong đó một xí nghiệp Trung Hoa đang có một hoạt động bình thường!

Sau các cuộc đập phá, đốt và cướp bóc các xí nghiệp Trung Hoa, Bắc Kinh đã cho di tản các kiều dân của họ ra khỏi Việt Nam, điều này có thể hiểu như Trung Hoa coi dân họ là nạn nhân của các vụ bạo động, mặt khác, có thể để chuẩn bị một can thiệp quân sự dưới cớ bảo vệ kiều dân! Trong một bài phân tích đăng trên Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan truyền thông chánh thức của đảng cộng sản Trung Hoa, Mei Xinyu, chuyên gia nghiên cứu thuộc bộ Thương Mãi đã lượng-định Trug Hoa cần phải có những biện pháp để bảo vệ các đầu tư trong khuôn khổ các tổ chức vùng và kêu gọi các nhà đầu tư lượng giá lại sự hiện diện của họ ở Việt Nam!

*****

Đối với Trung Hoa, chủ-quyền của họ trong vùng biển Đông và trên các hải đảo là điều không thể chối cãi. Căn cứ trên các tài liệu của các vương-triều trước đó, Trung-Hoa vạch ra một vùng hình chữ U bao gồm 90% địa bồn biển đông. Không những Việt-Nam mà cả những quốc gia khác trong vùng cũng đã bác bỏ lập luận của Trung-Hoa. Riêng đối với Việt Nam,Trung Hoa còn viện dẫn một công hàm của Phạm văn Đồng tán thành tuyên bố của Trung Hoa về thẩm quyền duyên hải 12 hải lý bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng bộ ngoại giao Việt Nam vừa qua đã bác bỏ điều này, nói rằng vào lúc Phạm Văn Đồng gửi công-hàm, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hoà! Trung Hoa chỉ mới chiếm đảo này của Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974

Thái độ của Trung Hoa trong việc đụng chạm với Việt Nam rất cứng rắn. Theo Global Times «cuộc tranh chấp ở biển Nam Hải phải được giải quyết một cách ôn hoà nhưng điều này không có nghĩa là Trung Hoa không thể dùng đến những biện-pháp không hoà-bình trước những khiêu khích của Việt Nam và Phi Luật Tân». Trong khi đó, ấn bản tiếng Tàu, Huanqiu Shibao có giọng điệu nhẹ hơn, nói đến các bất lợi cho Việt Nam trong các vụ bạo động và “tranh chấp trong biển Nam Hải phải được giải quyết một cách trầm tĩnh, vì chúng tôi có những phương tiện để trầm tĩnh. Đối với Phi Luật Tân và Việt Nam, chúng tôi có trong tay một số lớn phương pháp mà chúng tôi có thể dùng đến sau đó. Sự việc là dàn khoan trên biển Trung Hoa ở quần đảo Tây Sa không di chuyển một dốt tay, trong khi Việt Nam chìm sâu vào hỗn loạn; điều này tự nó đã nói lên”.

Phía Việt Nam xem chừng đã xuống nước, trên các trang mạng xã hội, đã có những lời ‘xin lỗĩ của ‘người dân’ Việt Nam! Khó thể nói đây là việc ‘tự phát’ của người dân.

26.05.2014

Tham khảo:

http://fr.vietnamplus.vn/Home/Vietnam-mettra-tout-en-%C5%93uvre-pour-defendre-sa-souverainete/20145/41442.vnplus

http://www.20minutes.fr/monde/1370185-hanoi-accuse-la-chine-d-avoir-attaque-ses-bateaux-dans-des-eaux-disputees

http://www.egaliteetreconciliation.fr/Incident-maritime-entre-la-Chine-et-le-Viet-Nam-25208.html

http://www.lesechos.fr/economie-politique/monde/actu/0203483532630-cette-nuit-en-asie-grave-poussee-des-tensions-entre-la-chine-et-le-vietnam-669304.php?xtor=RSS-2265

http://www.opex360.com/2014/05/15/tensions-le-vietnam-la-chine-apres-incident-naval/

http://www.lactualite.com/actualites/politique/chine-vietnam-une-plate-forme-petroliere-qui-met-le-feu-aux-poudres/