Tin Việt Nam – 24/05/2018
Người Trung Quốc ‘ồ ạt mua nhà giá rẻ ở VN’
Giá nhà đất thấp hơn so với nhiều quốc gia láng giềng khiến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn cho giới săn nhà Trung Quốc và Hong Kong.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (BĐHN) ngày 23/5 cho hay giá nhà tại thành phố Hồ Chí Minh hiện trung bình khoảng 2.800 đô la Hong Kong/feet vuông (khoảng 0,1 m2), chỉ bằng khoảng 14% giá nhà trung bình tại Hong Kong, hoặc bằng 18% giá nhà tại Singapore.
Giá bất động sản cao cấp ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh từ 3.000 – 6.000 USD/m2, rẻ hơn một nửa so với mức giá 7.000 – 9.000 USD/m2 cho loại bất động sản tương đương ở Bangkok và rẻ hơn 10% so với ở Hong Kong.
Thủ tướng Phúc ‘muốn rà soát đất đai’
VN: ‘Vướng mắc đất đai tước cơ hội của nông dân’
Mất hay không có bản đồ Khu đô thị Thủ Thiêm?
Sóng ngầm phẫn nộ của nông dân mất đất
Vì thế, Việt Nam đang nhanh chóng thu hút giới đầu tư bất động sản Hong Kong và Trung Quốc.
Người mua từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong năm 2017 chiếm 25% tổng số giao dịch của người mua nước ngoài tại Việt Nam, so với 21% năm 2016, theo số liệu của CBRE Việt Nam.
Nhu cầu mua bất động sản tại Việt Nam của người Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2018 cao gấp 300% so với quý đầu tiên của năm 2017, theo ý kiến của bà Carrie Law, giám đốc điều hành của trang môi giới nhà đất trực tuyến Juwai.com, được BĐHN trích lời.
Người nước ngoài xem việc mua nhà tại Việt Nam như một cách đa dạng hóa đầu tư khi họ chỉ sở hữu tài sản hạn chế ở nước ngoài.
Ví dụ với 700 ngàn nhân dân tệ (109.781 đô la Mỹ), họ có thể mua nhà tại Việt Nam trong khi với năm triệu nhân dân tệ cũng không thể mua nổi nhà ở Úc hay Mỹ.
Giới kinh doanh nhà đất tại Việt Nam được phép bán 30% số căn hộ trong mỗi tòa nhà cho người nước ngoài vì luật cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ theo hợp đồng 50 năm.
Đã có nhiều tập đoàn đầu tư vào các dự án bất động sản tài Việt Nam. CapitaLand của Singapore sẽ triển khai dự án khu dân cư cao cấp De La SOL tại quận 4 TP Hồ Chí Minh, để mở bán ở Hong Kong với giá 1,8 triệu đô la HK (229,321 đô la Mỹ) cho 60-100 m2. Dự án này dự kiến hoàn thành vào quý cuối năm 2020.
Tập đoàn này đã bán được ít nhất 300 căn nhà của các dự án trước đó cho thị trường Hong Kong trong hai năm qua.
Abhinav Maheshwari, người làm việc trong ngành tài chính của Hong Kong, có vợ là người Trung Quốc, đã trả 2 triệu đô la Hong Kong để mua một căn hộ rộng 87 m2 tại TP Hồ Chí Minh.
“Chúng tôi mua nhà để đầu tư. Với sự ổn định chính trị của chính phủ xã hội chủ nghĩa, chúng tối thấy Việt Nam có khả năng phát triển giống như Trung Quốc,” ông Maheshwari nói với BĐHN.
Người TQ ‘gom’ đất Nha Trang
Theo tờ Diễn đàn Doanh nghiệp, thời gian gần đây giá nhà ở Nha Trang tăng mạnh cho người Trung Quốc ồ ạt mua.
Tờ này cho biết người Trung Quốc đến Nha Trang qua đường du lịch, nhưng không về mà “len lỏi về các làng xã ngoại ô thành phố để mua đất, sinh sống hoạt động”.
Đã xuất hiện nhiều tờ rơi rao bán nhà công khai bằng hai thứ tiếng Việt Trung ở Nha Trang.
Giá đất ở thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng hiện là 10 triệu đồng/m2 so với 7 triệu đồng trước đây.
‘Xô xát’ trong vụ thi công trên đất Nhà Dòng Thánh Phaolo
Vụ Thủ Thiêm ‘đã động đến các quyền của dân’
Tờ Người Lao Động cho hay người Trung Quốc ‘núp bóng’ người Việt để mua đất ở Nha Trang. Họ thuê người Việt Nam đứng tên để mua đất trị giá cả chục tỷ đồng.
Không chỉ mua đất ở thành phố Nha Trang, người Trung Quốc đổ xô gom nhà, đất ở các xã vùng ven như Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa, cho tờ Người Lao Động biết người nước ngoài được mua nhà, đất trực tiếp từ chủ đầu tư dự án nhưng không được phép giao dịch với cá nhân.
Ông cũng nói việc người Trung Quốc mua bán đất đai mà người Việt đứng tên trở nên phổ biến.
“Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chuyên trách cần tăng cường rà soát, xử lý”, ông Phúc được báo Người Lao Động trích lời.
Mới đây, ông Ding Zuyu, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn E-House Trung Quốc hiện đang có kế hoạch đầu tư bất động sản ở TP Hồ Chí Minh, đã kiến nghị để người nước ngoài nói chung sở hữu nhà mua ở Việt Nam 100 năm, thay vì 50 năm như luật hiện hành, theo tờ Thanh Niên.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-44220384
Tàu SE19 chở 400 khách lật ở Thanh Hoá
Rạng sáng 24/5 tại Thanh Hoá xảy ra vụ tai nạn nghiệm trọng giữa tàu hỏa Bắc Nam chở 400 khách và xe tải khiến lái tàu và phụ lái tử vong.
Ít nhất chín hành khách bị thương nặng, theo VnExpress.
Đoàn tàu chở khách SE19 khi đến km 234+050 giữa ga Khoa Trường – Trường Lâm, tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã đâm vào một ôtô tải băng ngang đường sắt vào khoảng 00:30.
Tai hiện trường, tám toa tàu bị lật văng xuống ruộng.
Lái tàu và phụ lái tàu tử vong, bị kẹt trong cabin đầu máy. Cách hành khách trên tàu bị thương được đưa đi cấp cứu.
Anh Đào Đức Tiến, đang đi du lịch cùng gia đinh trên tàu QB1, cho BBC biết sự cố xảy ra chỉ ít phút sau khi tàu của anh dừng lại “nhường đường cho tàu họ (SE19) đi trước, vì họ là tàu SE nên được ưu tiên”.
Anh Tiến nói “các tàu bị trễ và bị nạn được gom hết vào một để đi cùng lúc” và “tâm trạng chung của các hành khách là lo lắng”.
Theo quan sát của anh Tiến, các hành khách được chuyển từ tàu SE19 không quá hoảng loạn nhưng lo lắng. Có khoảng 5 – 6 khách nước ngoài trên tàu SE19 được chuyển tàu cùng gia đình anh Tiến.
Anh Tiến cho hay anh quay lại hiện trường vụ tai nạn bằng flycam với mong muốn đưa ra cảnh báo về mất sự an toàn đường sắt đối với hành khách đi tàu.
Vụ tai nạn khiến làm hoạt động trên tuyến đường sắt Bắc Nam bị gián đoạn. Ít nhất hơn 2000 hành khách trên bảy chuyến tàu được chuyển sang các tàu khác để tiếp tục hành trình.
Nguyên nhân vụ tai nạn hiện đang được làm rõ.
Trong sáng 24/5, công an đã triệu tập hai nhân viên gác chắn để điều tra, theo Tuổi Trẻ.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói với báo Tuổi Trẻ rằng vị trí xảy ra tai nạn có gác chắn nhưng chưa rõ vì sao lại để xe tải chở đá băng qua đường sắt khi tàu SE19 đến.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-44235245
Cộng đồng doanh nghiệp thờ ơ
với cải cách tư pháp?
Luật sư Ngô Ngọc Traigửi cho BBC từ Hà Nội
Năm 2002 Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về ‘một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới’, mở đầu cho vấn đề cải cách nền tư pháp của Việt Nam.
Ba năm sau, vào năm 2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chính thức đặt nền móng cơ sở cho các hoạt động cải cách tư pháp sau này.
Tư pháp Việt Nam kém được coi trọng?
Nền tư pháp là nút thắt cản trở kinh tế?
VN: Cải cách thể chế ‘tự giam trong chậm chạp’?
Vì sao cần cải cách?
Kể từ khi nhà nước ra đời vào năm 1945 để chống lại các kẻ thù của nó thì nền tư pháp là một công cụ chuyên chế quan trọng. Kế đến là một giai đoạn dài đất nước trải qua chiến tranh, khiến cho từ đó về sau nền tư pháp vẫn giữ vai trò là một công cụ bạo quyền trấn áp.
Chỉ đến sau khi đất nước đổi mới mở cửa và phát triển kinh tế thị trường thì mới xuất hiện nhu cầu về một không gian pháp lý cởi mở thân thiện cho các hoạt động kinh tế. Nghị quyết 49 xác định phương hướng cho cải cách tư pháp là hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự và dân sự để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phát triển kinh tế thị trường thì đòi hỏi một nền tư pháp tương thích phù hợp với nó. Bởi khi của cải xã hội gia tăng cùng với sự lưu chuyển của các khối tài sản thì phát sinh nhu cầu về xác lập quyền sở hữu và bảo vệ các khối tài sản đó.
Khi đó nền tư pháp được giao cho vai trò bảo vệ quyền sở hữu tài sản và giải quyết các tranh chấp vướng mắc trong kinh doanh.
Nhưng để đảm đương được vai trò mới này thì nền tư pháp không thể duy trì hoạt động theo kiểu cũ được nữa. Vì lý do đó mà các ban ngành nhà nước mới đặt ra vấn đề phải cải cách nền tư pháp.
Như vậy, mục đích kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế chính là lý do đưa đến chủ trương này, cũng có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Doanh nghiệp thờ ơ
Quan sát lâu nay thì thấy doanh nghiệp hầu như thờ ơ trước chính sách cải cách tư pháp. Đối với họ thì dường như đây là một vấn đề xa xôi không liên quan.
Qua theo dõi thì thấy, để tìm giải pháp thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thường chỉ thấy người ta nói đến các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính đầu tư, cắt giảm những giấy phép con cản trở kinh doanh. Hầu như không thấy ai nhắc đến cải cách nền tư pháp như là một giải pháp giúp ích cho doanh nghiệp.
Cải cách thể chế ở Việt Nam quá chậm chạp?
Việt Nam: Chỉ đạo án không hẳn là xấu?
HRW: ‘Việt Nam không có phiên toà thực sự’
Tức là giữa hai vấn đề môi trường doanh nghiệp và nền tư pháp có một khoảng cách mà không ai chỉ ra mối liên quan và kéo chúng lại gần với nhau.
Sau một thời gian dài thì cho đến nay nền tư pháp đang là rào cản lớn nhất cho nền kinh tế.LS Ngô Ngọc Trai
Trong khi nền tư pháp lâu nay đang gây hệ quả xấu cho cộng đồng doanh nghiệp, rất nhiều các tranh chấp vướng mắc trong kinh doanh chậm được giải quyết, nhiều khối tài sản thay vì được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế thì lại nằm ách tắc trong cơ chế tư pháp nhiêu khê.
Các doanh nhân với vẻ ngoài phong nhã thường che dấu đi sự kém lành mạnh pháp lý của mình. Nhiều người trong số họ bị bủa vây bởi những kiện cáo tranh chấp mà nền tư pháp gần như bắt họ làm con tin rất khó thoát ra được.
Đơn cử, tôi đang giải quyết cho một vụ tranh chấp một khối tài sản nhà xưởng của một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc, phía bên kia là một doanh nghiệp tư nhân lắp ráp ô tô thuộc vào loại lớn nhất Việt Nam. Vụ việc kéo dài cả chục năm gây hao tổn thời gian công sức và tiền bạc cho cả các bên.
Đó là một trường hợp ví dụ cho thấy rất rõ tác hại của nền tư pháp đối với các hoạt động kinh tế. Nhưng đáng tiếc mới đây trong một cuộc họp của Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Vĩnh Phúc, tham dự có giám đốc các doanh nghiệp, khách mời có đại diện Ủy ban nhân dân, công an nhưng không có thành phần tư pháp.
Lề thói nhận thức
Hôm 23/5 khi Quốc hội bàn về luật đặc khu, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thuộc Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng luật đặc khu đã trao nhiều quyền hành pháp cho Ủy ban nhân dân, nhưng lại giao ít quyền tư pháp cho tòa án.
Theo bài trên báo Tuổi trẻ bà Thủy cho rằng “so sánh giữa hành pháp và tư pháp trong dự thảo luật thì thấy có sự khập khiễng rất lớn. Chủ tịch UBND và UBND được phân quyền rất nhiều từ bộ, tỉnh, trong khi các cơ quan tư pháp lại được phân quyền rất ít”, bà Thuỷ đề nghị dự luật giao thẩm quyền cho cơ quan tư pháp tương thích với chủ tịch UBND và UBND đặc khu.
Đây là một ví dụ cho thấy nhận thức não trạng của rất nhiều cán bộ các ban ngành lâu nay, họ chỉ nhìn ra tháo gỡ các vấn đề thủ tục hành chính đầu tư cho doanh nghiệp mà không nhận ra phải tháo gỡ vướng mắc tư pháp cho doanh nghiệp.
Đó là cách nhìn nhận thiên lệch, ngắn hạn theo kiểu ‘ăn xổi ở thì’ bị kéo dài suốt mấy chục năm kể từ khi mở cửa nền kinh tế. Vì cái thủ tục hành chính đầu tư đem lại miếng bánh lợi ích ngay trước mắt khi doanh nghiệp rót vốn ra đầu tư cho nên tập trung cải thiện ngay.
Còn khi doanh nghiệp đã vào rồi, đã đầu tư rồi thì không lo giúp người ta tháo gỡ những vướng mắc khi kinh doanh, trong khi môi trường tư pháp mới là kiến tạo không gian pháp lý theo chiều sâu giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững.
Thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đặt chân đến Việt Nam họ lo ngại về môi trường pháp lý thiếu rõ ràng, nhưng khi được khuyến dụ cho biết là môi trường pháp luật về đầu tư đã thông thoáng cởi mở mời gọi họ, thì cái họ lo lắng tiếp theo là vấn đề tư pháp giải quyết các mâu thuẫn trong kinh doanh.
Nhiều nhà đầu tư khi ký kết hợp đồng họ lựa chọn phương án giải quyết theo trọng tài quốc tế, sử dụng pháp luật nước ngoài. Luật đặc khu đang bàn cũng cổ xúy cho điều đó khi cho phép các tranh chấp có nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn tòa án nước ngoài giải quyết, khiến cho nền tư pháp trong nước càng thêm bị bỏ rơi, trở thành vùng trũng chậm được đầu tư cải thiện.
Cần phải làm gì?
Đã đến lúc nền tư pháp cần được coi trọng nhìn ra như là một giải pháp cho phát triển kinh tế.
Các doanh nghiệp mải lo làm ăn nên thật khó trách họ khi không quan tâm đến cải cách tư pháp. Nhưng các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện cho họ thì khác.
Ví như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là cơ quan đại diện cho quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng lâu nay cũng thiên lệch trong hoạt động, chỉ thiên về các vấn đề cải cách thủ tục hành chính và đầu tư cho doanh nghiệp.
Sau một thời gian dài thì cho đến nay nền tư pháp đang là rào cản lớn nhất cho nền kinh tế.
Việc cần làm hiện nay là chỉ rõ mối liên quan giữa doanh nghiệp, nền tư pháp và phát triển kinh tế. Và trong các cuộc họp giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp, ngoài thành phần các bộ, sở và ủy ban nhân dân các cấp thì cần phải có thêm sự tham gia của giới tư pháp như tòa án và luật sư.
Để các vướng mắc tư pháp được nêu ra, để các con số thiệt hại của doanh nghiệp bởi tư pháp yếu kém được tính toán thống kê đặt lên bàn nghị sự.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một luật sư hiện đang hoạt động tại Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44237165
Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi VN thả nhà hoạt động
Tám thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ đã ký tên trong lá thư gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thả tự do cho các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ.
Các dân biểu Hoa Kỳ viết họ “muốn bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về tình trạng đàn áp các người đấu tranh nhân quyền và nhà báo ở Việt Nam”.
Lá thư dẫn chứng các bản án “nặng nề” đối với các thành viên của Hội Anh Em Dân chủ (HAEDC) cùng với các nhà hoạt động khác, vốn được tuyên án vào tháng trước.
Chỉ trong hai tuần đầu tháng Tư, 10 nhà hoạt động đã bị kết án trên 100 năm tù giam và quản chế.
Việt Nam: Nhiều nhà hoạt động bị án tù trong tháng Tư
Luật sư vụ xử ‘Hội anh em dân chủ’: ‘Họ bị oan’
Dân biểu Mỹ ‘nguyện tranh đấu’ vì Việt Nam
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng 5 thành viên khác của HAEDC bị kết án từ 1 đến 15 năm tù giam vào ngày 5/4.
Các nhà hoạt động khác cũng bị kết án là bà Trần Thị Xuân, ông Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Viết Dũng và Vũ Văn Hùng.
Dân biểu Alan Lowenthal cho biết, thông qua Dự án Bảo vệ Tự do của Hội đồng Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa kỳ, ông trở thành người đại diện đấu tranh cho luật sư Nguyễn Văn Đài.
“Tôi đã gặp anh ấy trong một phái đoàn Quốc hội ở Việt nam vào 2015. Tôi cũng đã gặp vợ anh ấy, cô Vũ Minh Khánh khi cô đến Hoa Kỳ để đấu tranh cho sự tự do của chồng,” ông Lowenthal viết trong email phản hồi BBC hôm 24/5.
Đấu tranh cho nhân quyền của người khác, dù họ ở đâu, không phải là can thiệp – nó là bổn phận của mọi người trên hành tinh này đối với nhau.Ông Alan Lowenthal, Dân biểu California Quận hạt 47
Bảy dân biểu còn cũng tham gia ký lá thư là dân biểu Zoe Lofgren, Christopher H. Smith, J. Luis Correa, Ro Khanna, Scott H Peters, James P. McGovern, Gerald E. Connolly.
Trong đó, Dân biểu Zoe Lofgren của bang California cũng là người đại diện đấu tranh cho ông Trần Huỳnh Duy Thức còn dân biểu Christopher H. Smith của bang New Jersey thì đại diện cho Linh mục Nguyễn Văn Lý.
Ông Lowenthal nói: “Đấu tranh cho nhân quyền của người khác, dù họ ở đâu, không phải là can thiệp – nó là bổn phận của mọi người trên hành tinh này đối với nhau.”
“Tôi tin Quốc hội Hoa Kỳ rất quan tâm và tập trung vào vấn đề nhân quyền ở Việt Nam – đặc biệt là các nhóm lưỡng đảng như Hội đồng Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm Quốc hội Mỹ quan tâm Việt Nam, mà tôi là thành viên của cả hai.”
Lá thư nhấn mạnh Việt Nam là nước ký kết trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và những bản án gần đây mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam với tiêu chuẩn nhân quyền của quốc tế.
Lá thư kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho các nhà hoạt động và nhà báo ngay lập tức.
Ông Lowethal cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa phản hồi lại lá thư.
Dự luật Nhân quyền Việt Nam
Vào tháng trước, ông Lowenthal, bà Lofgren và ông Smith đã đệ trình Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Act) vào Quốc hội Hoa Kỳ, theo thông cáo báo chí của đại diện văn phòng ông Lowenthal hôm 16/5.
Dự luật này, nếu thông qua, Hoa Kỳ sẽ có những chính sách xem xét và trừng phạt các quan chức Việt Nam và những người đồng lõa vì “vi phạm trắng trợn các quyền con người được thế giới công nhận hoặc các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.”
Một số chi tiết về dự luật, ông Lowenthal cho biết:
Các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky – để hạn chế tài chính và đi lại đối với những người vi phạm nhân quyền.
Kêu gọi thả tự do cho các tù nhân tôn giáo và chính trị và phóng thích và ngừng việc bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ
Chỉ định Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt
Kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt việc tước đoạt bất hợp pháp các tài sản thuộc sở hữu của công dân Hoa Kỳ
Kêu gọi cho phép Đài tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự do được phép hoạt động ở Việt Nam
Cho phép bán các thiết bị và dịch vụ quân sự cho Việt Nam với điều kiện phải cải thiện vấn đề nhân quyền
Ông Lowenthal cho biết những công dân người Mỹ gốc Việt mà ông đại diện vẫn còn nhiều mối quan tâm sâu sắc với Việt Nam và cũng ủng hộ ông nêu vấn đề này thường xuyên với chính quyền Hoa Kỳ.
Ông Alan Lowenthal trở thành đồng Chủ tịch nhóm các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm tới tình hình Việt Nam (Caucus on Vietnam) hồi tháng 2/2017.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44236796
‘Phát ngôn ấn tượng’ ngày 24/5
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Lê Vĩnh Tân nói sinh viên ra trường nếu tự tin hãy đăng ký thi tuyển vào công chức.
“Theo tôi, hiện nay đi vào công chức chỉ có 2 phương thức: tuyển dụng không qua thi tuyển hoặc phải thi tuyển vào công chức.”
“Việc tuyển dụng không qua thi tuyển là những trường hợp hết sức đặc biệt, mà sắp tới những trường hợp đặc biệt như thế là không nhiều, có thể là 10-15% thôi.”
“Vấn đề tuyển dụng qua thi là phổ biến để chúng ta tuyển dụng đúng nhân tài. Trong thời gian vừa qua, hầu hết công chức của chúng ta tập trung vấn đề đi vào một cơ quan, đơn vị sự nghiệp nào đó, chọn đúng thời điểm là 5 năm đủ các tiêu chí, điều kiện, để xét tuyển là chủ yếu mà không qua thi tuyển.”
“Như thế đối với những người thực sự có tài năng, thậm chí những em sinh viên mới ra trường, tôi nghĩ rằng nếu họ tự tin hãy đăng ký thi tuyển vào công chức.”
Ông Tân nói hôm 24/5: “Sắp tới Bộ Nội vụ chủ trương sẽ khuyến khích thi tuyển vào công chức để chọn đúng nhân tài và tạo cơ hội cho tất cả mọi người.”
‘Trạm thu giá’
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam cho rằng cần phải thay đổi cách sử dụng từ hoặc bổ sung cho đầy đủ nếu vẫn dùng từ “trạm thu giá”.
Bà Nguyễn Thanh Hải nói về việc thay đổi từ “trạm thu phí” sang “trạm thu giá” của Bộ Giao thông vận tải.
“Nếu Bộ GTVT vẫn dùng chữ “giá”, theo tôi phải dùng đầy đủ là “trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp a, b, c cung cấp”. Giá đó do doanh nghiệp điều tiết. Nếu trạm đông người qua, doanh nghiệp sẽ lấy thu bù chi thì họ sẽ giảm giá. Nhưng nếu trạm ít người qua lại, không đủ bù chi doanh nghiệp sẽ tăng giá.”
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói thêm: “Theo tôi, dù “thu phí” hay “thu giá” cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44241688
Phúc thẩm các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy
Tòa án nhân dân tỉnh An Giang vừa tuyên y án sơ thẩm cho 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 và 257 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam trong phiên phúc thẩm diễn ra ngày 24/05/2018.
Theo đó, ông Bùi Văn Trung bị tuyên án 6 năm tù, anh Bùi Văn Thâm 6 năm tù, anh Nguyễn Hoàng Nam 4 năm tù, chị Lê Thị Hồng Hạnh 3 năm tù, chị Bùi Thị Bích Tuyền 3 năm tù và bà Lê Thị Hên 2 năm tù nhưng vì bệnh nên cho án treo.
Chị Bùi Thị Thắm, con gái ông Bùi Văn Trung, cho Đài Á Châu Tự Do biết an ninh đã lập chốt chặn người tham gia phiên tòa sáng nay:
“Họ lập những chốt chặn cách xa phiên tòa cỡ khoảng 500 cây số, ngăn chặn không cho đi vào phiên tòa. Một số đồng đạo và người nhà đi sớm tới gần phiên tòa luôn thì những người có giấy triệu tập mới được cho vô. Nhưng mà những người thân trong gia đình đứng tranh luận cỡ khoảng 30-45 phút thì 8:00 – 8:45 mới có mặt trong phiên tòa.”
Về chi tiết diễn biến buổi xét xử, chị Thắm cho biết:
“Viện Kiểm sát ở phiên tòa phúc thẩm thì cũng tranh luận, chứ không từ chối tranh luận như phiên sơ thẩm. Nhưng mà khi mà ông chánh án hỏi thì những người làm chứng buộc tội họ trả lời rất nhiều, nhưng đến khi luật sư (bào chữa) hỏi họ thì họ từ chối, nói không trả lời câu hỏi của luật sư.”
Trước đó, trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 9 tháng 2, trước khi nghị án, Hội Đồng Xét Xử cho nói lời bào chữa cuối cùng cho bản thân. Ông Bùi Văn Trung đã nói rằng đây là vụ đàn áp tôn giáo không phải gấy rối trật tự, ông yêu cầu xử đúng người, đúng tội, đúng theo pháp luật. Những người khác cũng có ý kiến tương tự.
Trung Quốc cổ xúy ‘đường lưỡi bò’
và phản ứng của Hà Nội
Hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ khắp nơi
Báo chí thường xuyên đưa tin về những vụ việc như khách Trung Quốc vào Việt Nam mang hộ chiếu, tranh ảnh, sách báo có in hình đường đứt khúc chín đoạn mà nhiều người gọi ‘đường lưỡi bò’.
Gần đây nhất là vụ việc hơn chục khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh. Những du khách này đã mặc áo khoác bình thường bên ngoài và khi tới sân bay của VN đã đồng loạt cởi áo khoác ra, chỉ mặc đồng phục là chiếc áo phông có bản đồ lưỡi bò sau lưng.
Sau khi vụ việc vỡ lở, Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng vụ việc cần phải được xử lý mềm dẻo, không để ảnh hưởng đến đại cục. Phát biểu này của ông Tuấn đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, một trong những điểm du lịch đông khách Trung Quốc nhất ở VN, cũng là nơi chứng kiến nhiều vụ việc du khách TQ mang theo bản đồ hình lưỡi bò vào VN, cho biết:
Năm 2013 đã có cặp vợ chồng người Trung Quốc họ đã in hình bản đồ lưỡi bò của TQ đi ngang nhiên giữa đường chính ở Đà Nẵng sau đó bị công an quận Liên Chiểu bắt lại và tịch thu bản đồ đó.
Một số du khách TQ khác qua cửa sân bay Đà Nẵng, họ đưa hộ chiếu ra cũng có hình lưỡi bò. Phía hải quan đã không chấp nhận hộ chiếu đó và cấp một tờ giấy khác để nhập cảnh.
Cứ thế họ tuyên truyền để tạo ra sự mặc nhận hay ấn tượng trong mỗi người dân TQ rằng đường lưỡi bò gần như bao lấy toàn bộ biển Đông là của TQ.
– TS. Trần Công Trục
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một thành viên của đội bóng No-U phản đối đường lưỡi bò của TQ, bình luận với RFA:
Tôi có được thông tin rằng hãng quần áo GAP nổi tiếng của Mỹ đã xin lỗi TQ vì có bản đồ nào đó không có hình lưỡi bò và họ đã thu hồi lại chiếc áo đó.
TQ đã tuyên truyền bản đồ hình lưỡi bò này trên phạm vi thế giới và mang tính hệ thống rất cao.
Tôi nghĩ việc này cần phải đánh động dư luận và cảnh báo cho người dân biết. Khi có những hiện tượng như vậy chúng ta cần lên tiếng và có các động thái buộc phía TQ phải chấm dứt các hành vi sai trái này.
Theo nhận định của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ thì TQ không thể chứng minh tính pháp lý của đường lưỡi bò nên tích cực dùng hình thức tuyên truyền để thay thế:
Cứ thế họ tuyên truyền để tạo ra sự mặc nhận hay ấn tượng trong mỗi người dân TQ rằng đường lưỡi bò gần như bao lấy toàn bộ biển Đông là của TQ.
Trong thực tế họ đã tạo ra được kết quả, nhiều người kể cả các học giả TQ khi nói chuyện với nhau bảo rằng khi họ lớn lên đi học đã biết đường lưỡi bò này rồi.
Biện pháp của Việt Nam
Đáp lại câu hỏi liệu cơ quan chức năng VN đã quản lý nghiêm ngặt việc đưa ấn phẩm in hình lưỡi bò vào lãnh thổ của VN hay chưa, ông Trần Công Trục nhận xét:
Nếu VN phát hiện được đều có tiếng nói phản đối rất mạnh mẽ, không chấp nhận những yêu sách đó. Tất nhiên, vì rất nhiều kênh khác nhau, có thể có một số lĩnh vực vẫn để lọt lưới những ấn phẩm mang tính chất tuyên truyền của TQ. Khi phát hiện ra, VN đã rất cương quyết trong việc thu hồi, tiêu hủy và có sự cảnh báo tới các tổ chức kinh tế, du lịch cần thực hiện đúng các quy định của VN.
Tôi nghĩ chúng ta đã làm, nhưng tất nhiên để làm triệt để không còn hiện tượng đó thì rất khó. Vì trong quan hệ giữa TQ và VN có nhiều lĩnh vực mà không thể kiểm soát hết một lúc được.
Hãng tin AFP từng nhận định VN là quốc gia thường xuyên lên tiếng phản đối nhất các động thái bành trướng của TQ. Tuy nhiên, với nhiều người dân trong nước, đặc biệt là giới hoạt động chống sự xâm lấn của Bắc Kinh, thì sự phản đối của VN chỉ dừng lại ở tính hình thức.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho biết:
Phía chính quyền đã có những động thái như đưa thông tin lên báo chí, khánh thành những tượng đài liên quan đến chủ quyền và có cả những bảo tàng về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, tôi thấy những việc họ làm chẳng qua là đối phó với dư luận.
Bởi vì vấn đề chủ quyền biển đảo không phải chỉ có Nhà nước, mà quan trọng là phải có sự phản đối của người dân. Nhưng bao lâu nay ở VN, bất cứ ai hay nhóm hội nào biểu tình phản đối đường lưỡi bò của TQ đều bị đàn áp rất dã man.
Nhưng bao lâu nay ở VN, bất cứ ai hay nhóm hội nào biểu tình phản đối đường lưỡi bò của TQ đều bị đàn áp rất dã man.
– Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng
Anh Thắng cho biết chính quyền VN rất khôn khéo ở chỗ họ không bao giờ bắt người dân vì phản đối TQ xâm chiếm Biển Đông mà họ tìm cách quy chụp vào các tội danh như quấy rối trật tự công cộng, tuyên truyền chống phá nhà nước hay thậm chí lật đổ chính quyền nhân dân. Anh cho rằng hành động và lời nói của nhà cầm quyền không đi đôi với nhau, dần dần làm mất lòng tin từ phía người dân.
Đội bóng No-U phản đối sự xâm lấn của TQ mà anh Thắng tham gia thường xuyên bị gây khó dễ trong quá trình tập luyện, thậm chí bị đánh đập, lột mất áo đồng phục có phản đối đường lưỡi bò của Bắc Kinh. Một số thành viên bị bỏ tù với lý do chống phá nhà nước.
Một sự kiện khác gần đây khiến dư luận bất bình, đó là khi TQ triển khai máy bay ném bom ra biển Đông, trong khi Mỹ lên tiếng phản đối thì VN lại hoàn toàn im lặng.
Anh Nguyễn Lân Thắng đã yêu cầu phía chính quyền phải có trách nhiệm phản kháng, đáp trả hành động xâm lấn của TQ ở biển Đông một cách chính đáng. Đồng thời cho phép người dân được lên tiếng phản đối TQ bởi vì theo anh chỉ có sức mạnh số đông mới có thể thay đổi tình hình. Nhà hoạt động này cũng cảnh tỉnh rằng nếu chính quyền không thuận lòng dân thì sẽ dần mất tín nhiệm từ họ và hậu quả có thể nhìn thấy được.
Đây cũng là quan điểm của nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn:
Việc Bộ Ngoại giao VN lên tiếng tôi thấy như một hình thức vậy. VN phải có động thái khác cứng rắn hơn, hiệu quả hơn. Chứ không thể cứ có chuyện là lên tiếng như vậy. Tôi thấy nó vô thưởng vô phạt quá!
Còn TS. Trần Công Trục lại có quan điểm khác, ông cho rằng nhiệm vụ của Nhà nước VN phải đảm bảo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là lấy nguyên tắc độc lập chủ quyền làm trên hết nhưng phải có sách lược mềm dẻo thế nào đó để tránh xung đột xảy ra. Bởi vì theo ông, chiến tranh mới thực sự nguy hiểm, sẽ đẩy nhân loại vào cuộc thảm khốc không ai tồn tại được.
Luật sư Võ An Đôn bị thu hồi thẻ luật sư
Luật sư Võ An Đôn, người từng tham gia bào chữa trong các vụ xử công an đánh chết người dân hay xử các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, vào ngày 24 tháng 5 chính thức bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư.
Vào chiều cùng ngày, luật sư Võ An Đôn cho RFA biết:
Ngày 26/11/2017, đoàn luật sư tỉnh Phú Yên ra quyết định kỷ luật tôi với hình thức là xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư tỉnh. Sau đó tôi khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Sau 6 tháng, tôi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Liên đoàn Luật sư VN trả lời là giữ nguyên hình thức kỷ luật đối với tôi là loại tôi ra khỏi danh sách đoàn luật sư tỉnh Phú Yên và Bộ Tư pháp sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi”.
Luật sư Võ An Đôn cũng cho biết theo luật thì anh được quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với quyết định của Liên đoàn Luật sư VN. Tuy nhiên, luật sư Đôn quyết định sẽ không khiếu nại nữa, vì anh cho rằng đã có chỉ đạo từ trên xuống dưới giữ nguyên hình thức kỷ luật với anh.
Luật sư Đôn còn nói thêm về kế hoạch của anh trong thời gian tới:
Dù tôi không còn là một luật sư nữa, đã bị tước thẻ luật sư rồi nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục dùng kiến thức pháp luật của mình để giúp người dân vì theo quy định của pháp luật thì giữa một người không phải là luật sư và một luật sư khác nhau ở chỗ là người không phải luật sư thì không được bào chữa các vụ án hình sự, tức là không được bào chữa cho các bị can bị cáo tại tòa. Còn lại các vụ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại, hành chính thì vẫn tham gia bình thường.”
Một khó khăn luật sư Đôn nêu ra đó là anh không còn được phép mở văn phòng luật sư. Điều này gây trở ngại cho việc giao dịch với người dân để hỗ trợ họ.
Ngày 26 tháng 11 năm ngoái, luật sư Võ An Đôn nhận được quyết định kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi đoàn luật sư tỉnh Phú Yên vì bị cáo buộc các bài đăng trên mạng làm ảnh hưởng uy tín của đoàn luật sư Việt Nam và trả lời đài báo nước ngoài. Quyết định này được đưa ra ngay trước phiên xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mà anh là một trong 5 luật sư bào chữa. Sau đó luật sư Đôn khiếu nại, yêu cầu Liên đoàn Luật sư VN chỉ rõ phát biểu nào của anh là nói xấu Đảng, Nhà nước và đoàn luật sư. Đồng thời, anh cũng khẳng định việc trả lời đài báo nước ngoài là quyền tự do ngôn luận của công dân VN đã được Hiến pháp quy định, và luật pháp VN không hề cấm.
Chính phủ thanh tra dự án thu hồi đất ở Bắc Giang
Sau hơn 40 lượt người dân khiếu kiện ra trung ương, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra dự án thu hồi đất ở phường Dĩnh Kế, Bắc Giang.
Thông tin vừa nêu được Thanh tra Chính phủ công bố tại Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang sáng ngày 24 tháng 5 năm 2018.
Cụ thể sẽ thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, kiểm tra tiến trình thực hiện dự án thu hồi đất, xem xét nội dung khiếu nại của người dân bị thu hồi đất để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía nam phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang.
Ngoài ra Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang thời gian từ năm 2006 đến năm 2017.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết sẽ thành lập tổ công tác liên ngành gồm Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên – Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang để rà soát việc thực hiện dự án và khiếu nại của người dân phường Dĩnh Kế.
Trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư phía nam phường Dĩnh Kế, Bắc Giang, đã có 32 hộ dân không đồng ý với việc bồi thường thu hồi đất nên đã khiếu nại nhiều lần lên nhiều cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội:
“trạm thu phí” hay “trạm thu giá” không khác nhau
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, cho rằng bản chất tên gọi “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” không khác nhau.
Phát biểu của bà Nguyễn Thanh Hải như vừa nêu được đưa ra với báo giới vào ngày 24 tháng 5 bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14.
Theo bà Trưởng ban Dân nguyện Quốc Hội Nguyễn Thanh Hải thì trạm nào cũng là để thu tiền người sử dụng dịch vụ và cần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần rà soát lại vị trí đặt trạm cũng như mức phí.
Bà Nguyễn Thanh Hải nói thêm rằng hồi tháng 11/2017 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có một đợt giám sát liên quan đến các trạm BOT và đoàn giám sát đã đưa ra đề nghị phải có các đường dẫn song song cho những người không muốn sử dụng đường BOT.
Việc đổi tên từ trạm thu phí thành trạm thu giá đã gây bất bình cho nhiều người dân cũng như các chuyên gia vì họ cho rằng cách giải thích của Bộ trưởng Bộ GTVT là không thuyết phục, thậm chí bất hợp lý.
Bộ Công Thương lỗ nặng, ai chịu trách nhiệm?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN là đơn vị độc quyền khai thác và cung cấp điện năng tại Việt Nam.
Mặc dù đã không ít lần tăng giá điện trong những năm qua, doanh nghiệp này vẫn liên tục báo lỗ với tổng nợ tính đến cuối năm 2017 lên tới gần 500 ngàn tỷ đồng.
Cùng với đó là số nợ của các tập đoàn khác như Dầu khí, Than khoáng sản… và đặc biệt là 12 dự án mà chỉ riêng số nợ phải trả thêm của những dự án này trong năm 2017 đã tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Lãnh đạo Bộ Công thương chống chế 12 dự án gặp khó khăn chung là vì chưa được các tổ chức tín dụng giãn, khoanh nợ, xử lý khấu hao cho các dự án đang vận hành và trên thực tế thì các dự án này được triển khai trong thời gian dài, thậm chí có dự án từ trước khi các tập đoàn được giao về Bộ Công Thương làm chủ quản.
Dân thì chịu rồi, họ phải gánh cục nợ lớn của đất nước thì nó đổ lên đầu thuế của dân. Bây giờ đang tìm cách là moi tiền của dân bằng rất là nhiều thứ thuế, phí … để đổ cái thua lỗ lên đầu dân thôi – nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho biết:
Chuyện thua lỗ như thế rất đáng tiếc đã được cảnh bảo từ hơn chục năm trước và việc nó vẫn sẽ tiếp tục tiến diễn là điều không có gì lạ cả. Và điều đấy là điều sai lầm cốt lõi trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo và như thế tạo tâm lý cho các doanh là nhà nước cho mình cái thế chủ đạo, do đó tạo ra việc khuyến khích người ta cái tâm lý làm ăn hết sức là bừa bãi mà không có hiệu quả.
Thực tế này khiến cho nền kinh tế bị kéo lùi và cũng là nguyên nhân tạo ra những đại án tham nhũng gây thiệt hại cả trăm ngàn tỷ đồng trong thời gian qua. Trong khi đó, người dân lại chính là những đối tượng phải gánh chịu những thiệt hại này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhận xét:
“ Dân thì chịu rồi, họ phải gánh cục nợ lớn của đất nước thì nó đổ lên đầu thuế của dân. Bây giờ đang tìm cách là moi tiền của dân bằng rất là nhiều thứ thuế, phí … để đổ cái thua lỗ lên đầu dân thôi. Hiện nay đây là một thực trạng , một cái bi kịch lớn của đất nước”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng việc xảy ra thất thoát, thua lỗ nói trên xuất phát từ những quyết định sai lầm của Bộ Chính trị, chính phủ Việt Nam và cả năng lực quản lý của lãnh đạo Bộ Công thương qua các thời kỳ. Tuy nhiên, Bộ công thương trong năm vừa qua vẫn được Thủ tướng Việt Nam biểu dương và ghi nhận thành tích là “toàn diện, xuất sắc”. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao một đơn vị gây ra nên những sai phạm và thua lỗ nghiêm trọng mà lãnh đạo Bộ Công thương vẫn “bình yên”, thậm chí vẫn được bằng khen của Chính phủ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai giải thích:
“Hiện nay thì cơ chế vô trách nhiệm cho nên những tội đó không ai xử được cả và họ cũng chả muốn xử. Những con người cũ họ tạo ra bê bối đó thành ra bây giờ họ bao che lẫn cho nhau để cho tội lỗi của họ không được phanh phui ra cho nên là họ có tích cực làm cái này đâu. Chính phủ thì nói kiến tạo, liêm khiết nhưng vấn đề đó họ có đưa ra đâu. Đây là vấn đề lớn của đất nước đấy, nếu mà cứ kéo dài như thế này thì chúng ta sẽ chìm vào trong sự suy thoái của xã hội. Đây là vấn đề rất lớn những hiện nay đặt ra rất nhiều cái khó khăn”
Bây giờ lòng dân là muốn phải xác định địa chỉ và người chịu trách nhiệm vì đây là một bài học để răn đe, cảnh tỉnh, tránh những vết xe đổ tiếp theo. Bây giờ người ta có dám làm hay không thôi, có kiên quyết làm hay không thôi – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Nói về năng lực quản lý của lãnh đạo Bộ Công thương, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho biết thêm:
“Đảng chỉ nói chuyện nghị quyết, nói đạo đức trong khi lại bố trí những con người không đủ tài, đủ đức, những con người không qua sự kiểm tra cuẩ dân, họ có bầu cử ứng cử gì tử tế đâu để mà có thể chọn lựa được những người đàng hoàng, mà lại không có cơ chế để giám sát người nào làm tốt người nào làm kém, tình trạng này cứ kéo dài thì đây là một nút thắt lớn”
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng việc này không khó nhưng đòi hỏi những yếu tố nhất định. Ông Long nói:
“Trách nhiệm này là giấy trắng mực đen. Tất cả để thiết kế xây dựng một dự án đều có quy trình rất rõ ràng, cụ thể. Bây giờ lòng dân là muốn phải xác định địa chỉ và người chịu trách nhiệm vì đây là một bài học để răn đe, cảnh tỉnh, tránh những vết xe đổ tiếp theo. Bây giờ người ta có dám làm hay không thôi, có kiên quyết làm hay không thôi. Mà làm thì đụng đâu là sai đó nên cho nên người ta cũng đang xem xét có mức độ còn lòng dân thì muốn ví dụ anh gây hậu quả mà thậm chí từ cái công thành cái tư – ở đây nhóm lợi ích nên dẫn đến những hậu quả như vậy – chứ còn tôi nghĩ là để truy tìm nó thì đơn giản thôi không có gì khó khăn”
Cùng quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho biết:
“Tôi nghĩ là nếu có một nền tư pháp độc lập thì hoàn toàn có thể quy trách nhiệm đến từng người một cách hết sức là rõ ràng. Nếu bây giờ lục tung hết tất cả các hồ sơ từ những cuộc họp, ai nói gì, ai có ý kiến ra sao, ai là người có quyết định trực tiếp những việc đấy là điều tra dễ thôi, không có gì cả, vấn đề là họ có muốn làm hay không thôi và tôi nghĩ là họ chẳng bao giờ họ làm đâu”.
Được biết, trong năm 2018, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đồng thời xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc ngành công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.
Liệu mục tiêu đề ra có thể đạt được hay không là câu hỏi mà nhiều người nêu ra khi mà còn nhiều người gây lỗ lã vẫn chưa bị qui trách nhiệm.
Hà Nội ‘lãnh đủ’
nếu nhà máy hạt nhân Trung Quốc rò rỉ phóng xạ
Hà Nội là một trong số các tỉnh miền Bắc Việt Nam sẽ chịu “ảnh hưởng nghiêm trọng” nếu 1 trong 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc bị rò rỉ phóng xạ, theo đánh giá của một đề án vừa được chính quyền thủ đô phê duyệt.
Truyền thông trong nước hôm 24/5 cho hay mối nguy từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc được xem là 1 trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội, ngoài các rủi ro khác như vỡ đê sông Hồng, ô nhiễm nguồn nước, cháy nổ, đổ sụp công trình …
Cả 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đều nằm ở vị trí rất sát với Việt Nam. Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở Quảng Tây chỉ cách thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, khoảng 50km. Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang trên đảo Hải Nam cách đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng hơn 100km và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở Quảng Đông cách biên giới Việt Nam khoảng 200km.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2016, 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia về năng lượng lên tiếng bày tỏ quan ngại và đòi hỏi phải có hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ sớm vì nguy cơ môi trường Việt Nam bị “đầu độc” bởi các nhà máy này.
Theo đề án vừa được phê duyệt, nếu 1 trong 3 nhà máy xảy ra rò rỉ phóng xạ, thì bụi phóng xạ có thể phát tán và làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước của Hà Nội.
Hiện tại, việc xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường của Việt Nam vẫn đang được tiến hành, theo VnEpress. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 7 trạm đi vào hoạt động ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội và 2 địa điểm ở miền Trung.
Trung Quốc hiện là quốc gia có tốc độ mở rộng sản xuất năng lượng hạt nhân nhanh nhất thế giới, theo Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA). Kế đến là Nga.
Năm 2015, một chuyên gia khoa học hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc, He Zuoxin, từng cảnh báo rằng “việc mở rộng nhanh chóng các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc là ‘điên rồ’, vì quốc gia của ông đã không đầu tư đầy đủ vào việc kiểm soát an toàn cũng như phát triển chuyên môn đầy đủ”.
Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, Trung Quốc đã có 38 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và 19 nhà máy đang được xây dựng.
Với tốc độ phát triển này, IAEA dự báo năm 2030, Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Mỹ trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất năng lượng hạt nhân.
Tranh cãi về ưu đãi thuế
cho các sòng bạc ở các đặc khu kinh tế Việt Nam
Các nhà lập pháp Việt Nam đang cứu xét việc cắt giảm các biện pháp ưu đãi thuế đặc biệt đã được thỏa thuận trước đây với các sòng bạc ở ba đặc khu kinh tế để “tạo tính cạnh tranh và hấp dẫn.”
Dự thảo luật cho các đặc khu kinh tế dự kiến sẽ được mang ra thảo luận trong một cuộc họp của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, sau khi một số đại biểu lên tiếng chỉ trích các biện pháp ưu đãi thuế đặc biệt cho những hoạt động kinh doanh casino là quá rộng rãi.
Theo trang mạng IAG của ngành kinh doanh casino ở Châu Á thì dưới đề xuất trước đây, các dự án tại các đặc khu kinh tế dự kiến được hoàn toàn miễn thuế trong 4 năm đầu tiên hoạt động, giảm thuế 50% trong 5 năm kế tiếp, và sau đó 10% trong thêm 21 năm nữa trước khi thuế suất hiện hành được áp dụng.
Đề xuất này vấp phải những phản đối của nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế vì họ cho rằng mức thuế như vậy là “quá rộng lượng” đối với các chủ đầu tư.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt nghi vấn vì sao Việt Nam cần có tới 3 sòng bạc và nêu lên những hệ lụy xã hội của “loại hình giải trí này”. Ông nói Singapore, một nước phát triển cao, pháp luật nghiêm, chỉ cho mở có 1 khu casino từ năm 2012, “vậy mà cũng đã phát sinh nhiều hệ lụy xã hội”.
Theo đề xuất mới của UBTVQH, các dự án này được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 17% trong 5 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ. Nhưng mức thuế này chỉ áp dụng đến năm 2030.
Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Tại một phiên thảo luận sáng ngày 23/5 tại Hà Nội, một số đại biểu Quốc hội khác lập luận rằng cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với các dịch vụ kinh doanh casino để tạo sức hút cho đặc khu kinh tế.
Cơ quan thường trực của Quốc hội Việt Nam, UBTVQH, cho rằng dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, và dịch vụ kinh doanh đặt cược được xác định thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển ở cả 3 đặc khu.
Cơ quan này nói, đây là các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao, trong dài hạn có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và nhiều đặc khu kinh tế của các nước khác cũng phát triển loại hình dịch vụ này.
Về phía chính phủ, báo Dân Trí dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị giữ ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt của casino, vì “không ưu đãi hợp lý thì sẽ khó thu hút được các dự án cạnh tranh được với các nước như hiện nay”.
Người dân Việt Nam không được phép đánh bạc tại các casino ở Việt Nam. Chính vì vậy mà một số sòng bạc ở Việt Nam, như Grand Hồ Tràm do một nhà đầu tư Mỹ làm chủ, thường xuyên vắng khách, theo một bài phóng sự điều tra của ProPublica. Ông Philip Falcone, từng là một tỷ phú Mỹ, đã mất nhiều năm vận động hành lang chính phủ Việt Nam để cho phép công dân Việt được đánh bạc trong casino của ông ở Vũng Tàu.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu áp dụng mức thuế cũ, các đặc khu kinh tế có thể đóng góp tổng cộng 9,5 tỷ USD mỗi năm vào ngân sách nhà nước. Vào năm 2030, các đặc khu kinh tế sẽ tạo ra hơn 760.000 việc làm và mức thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên 13.000 USD, gấp 5,4 lần hiện nay.
Chính phủ Việt Nam dự kiến thành lập 3 đặc khu kinh tế – gồm Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong – với tổng vốn đầu tư lên tới 1,4 triệu tỷ đồng. Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 6 này, theo Dân Việt.