Những ngày tháng cũ – Nguyễn Tiến Cường

Cac Bai Khac

No sub-categories

Những ngày tháng cũ – Nguyễn Tiến Cường

Tui bẩm sinh có số ham chơi hơn ham học. Ngay từ tiểu học, bản cửu chương với tui đã là một vấn đề nan giải. Lên lớp 2, lớp 3, mấy thằng bạn của tui đọc rào rào từ một đến chín, còn tui chỗ nào cũng thế, chỉ được vài ba số đầu, từ hàng 4 trở đi là… ngọng, không ngọng thì cũng lắp bắp như ngậm hột thị.

Bởi cái chỉ số IQ của mình quá thấp, chỉ có 50, trong khi bình thường IQ thay đổi từ 70 đến 130. Từ 130 đến 140 kể như có tài đặc biệt.Từ 140 trở lên phải nói là thiên tài. 70 coi là phát triển chậm, vậy mà thằng tui chỉ có 50, hỏi sao không dốt, lười cho được?

Thế nhưng con người ai cũng có cái số, giống y như áo quần, giầy dép… Bản thân tui lúc còn trẻ cũng chưa tin lắm, nhưng càng lớn tuổi càng thấy đúng.

Thời trung học của tui, trường Nguyễn Trãi, lớp có khoảng 50 học sinh hay hơn kém vài người. Trong học bạ, tui luôn đứng thứ 47-48/50 mỗi lần xếp hạng luc cá nguyệt. Hơn được 2-3 bạn, không vì giỏi hơn chúng, chẳng qua đây là những đứa nếu không bệnh hoạn dầm dề, tuần đến lớp chừng 2-3 ngày tối đa, thì cũng niểng niểng, đầu óc bất bình thương.

Vào được trung học Nguyễn Trãi là trường công, không nhờ giỏi qua thi tuyển, mà do ông già quen biết với tổng giám thị, chạy chọt, đút lót nên trở thành…“bát tiên quá hải“ từ lớp 6 đến lớp 12.

Rồi kỳ thi tú tài IBM đầu tiên năm 1973, tui cũng nhờ ông già chạy đôn đáo khắp nơi, chi bộn tiền, kiếm người làm giả giấy tờ, thi dùm nên có được cái bằng tú tài dắt lưng (để lỡ đi lính thì cũng đi sĩ quan Thủ Đức chứ không đến nỗi… rớt tú tài anh đi trung sĩ hoặc ta hỏng tú tài ta hụt tình yêu như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên).

Tuy nhiên, tui được miễn dịch vì là con trai út, duy nhất còn lại trong gia đình, thế nên bèn… vênh mặt với đời, đi đâu cũng tuyên bố: -Tú tài khó khăn như lên mặt trăng ta còn đậu được, huống chi là dăm ba cái cử nhân, tiến sĩ…

Tuyên bố (láo) thế thôi, chứ miền Nam trước 75, có được tú tài (học bở hơi tai) là một chuyện, vào đại học là chuyện khác. Bằng dỏm như tui, thi vào các đại học như Y, Dược, Phú Thọ, Nông Lâm Súc… thì vô phương, cơ hội đậu dưới số không cả cây số.

Ông già tui cũng biết vậy, có chạy tiền vào được các trường trên rồi thì cũng ôm đầu máu đi ra, nên để mặc tui muốn học gì thì học. Nghe lời bà chị đang học cử nhân hóa ở ĐHKH, tui bèn ghi tên vào SPCN. Thắng, một thằng bạn cùng lớp ở trung học, cười hí hí như ngựa khi biết tui ghi tên học khoa này:

-Mày là đồng môn (lòng) với tao, sao không ghi Văn Khoa hay Luật Khoa, bên đó gái đẹp nhiều hơn. Mấy em bên khoa học này… khô rông rốc. Lỡ rồi, thì cứ để đó, mày được miễn dịch vĩnh viễn giống tao, không cần học vội, chơi trước đã.

Thế rồi nó hát lên ông ổng bản nhạc của Y Vân sau khi sửa lời:

• Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời… Hai mươi năm đầu, ăn uống… không có bao nhiều, hai mươi năm sau mình chơi cho thật nhiều, Hai mươi năm cuối…ối…. đời sống… không là bao…

Do đó, đến năm 1975 tôi đã lên đến năm thứ hai (cử nhân một) ở ĐHKH vì suốt ngày lê la ở con đường Duy Tân (cây dài bóng mát) tìm các người đẹp (xấu tùy người đối diện).

Sau tháng 4 năm 1975, các trường đại học xuất hiện những khuôn mặt lạ điều hành trường, lớp, vừa ngu dốt, vừa hách dịch…, tui có cớ bỏ học luôn. Ông bà già không nói gì, chỉnh thỉnh thoảng nhìn tui, thở dài. Người chị khuyên tui ghi danh học SPCN, qua năm sau lấy xong cử nhân hóa rồi ra chợ trời Tân Định… hành nghề dược sĩ… nghiệp dư.

Phần tui, trở thành người phát ngôn“ của gia đình, đại diện chính thức, thay mặt bố mẹ đi họp… tổ, sắp hàng mua gạo, than bùn, dầu hôi, thịt bạc nhạc…

Một buổi sáng gần cuối năm 1978, tui tình cờ gặp lại Hùng Sì, thằng bạn lớp đệ nhất. Hùng Sì nhà ở Tân Uyên, gần Biên Hòa, trọ học gần nhà tui trên một căn gác nhỏ.

Hùng, tên bạn bè trong lớp đặt là Hùng sì-ke, gọi tắt là Hùng Sì. Bố mẹ hắn làm rẫy ở Tân Uyên, nhà nghèo, ốm yếu, da mặt tai tái như nghiện sì ke do thiếu ăn thường xuyên vào những ngày tháng chưa nhận được tiền nhà gửi lên. Hùng học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp các môn toán-lý-hóa, không bao giờ vắng mặt trong lớp.

Năm 73, trong lúc đa số bạn bè trong lớp đi học chạy Honda, Suzuki, Yamaha… vi vút cành thông, hắn chỉ có cái xe đạp cọc cạch, hết đứt thắng, tuột dây xích, đến rớt bàn đạp, lỏng tay lái. Tuy vậy dù bệnh, đói, hay xe hư… hắn cũng lết tới trường nằm tuốt bên Khánh Hội, đối diện kho 5.

Thỉnh thoảng xe bị xẹp bánh, Hùng vẫn qua nhờ tui chở đi học. Tôi cũng thường mua cho hắn ổ bánh mì Sandwich ở bưu điện, ly cà phê sữa đá… mỗi khi …copy bài vở của hắn.

Sau khi có tú tài với hạng ưu, Hùng Sì đậu luôn một lúc hai trường Nông Lâm Súc và kỹ sư Phú Thọ. Hắn rất giỏi toán, không hiểu sao lại chọn học canh nông. Sau tháng 4/75 hắn biến mất, không trọ học gần nhà tui nữa. Nghe nói, hắn cũng nộp đơn xin học bổng đi du học hai ba nước, nhưng lúc vào phỏng vấn hắn bị loại, không biết vì kém sinh ngữ hay lý do nào khác.

Gặp lại hắn trên đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, tui ngạc nhiên khi thấy mặt mày hắn hồng hào, khoẻ mạnh, da trắng hẳn ra, lại chạy Honda SS 50 còn khá mới trong lúc xăng phải mua lậu từng lít. Tôi hỏi:

-Ủa? Hùng! Dạo này làm gì mà phát tướng thế?

Hùng Sì cưới hắc hắc:

-Giám đốc… trại heo! Văn hoa hơn một chút thì là giám đốc một trại chăn nuôi của quân khu 9 ở Cần Thơ.

Tui cười theo:

-Hèn chi mày đẹp trai hẳn ra, chắc ăn… cám sú nhiều lắm phải không?

Biết tính tui, Hùng Sì không giận, hắn hất hàm:

-Rảnh không? Đi uống cà phê với tao!

Tui gật đầu. Hùng kéo tui vào quán cà phê bà Chi ở đường Nguyễn Phi Khanh. Đây là một quán cà phê nhỏ, không bảng hiệu, chỉ có vài cái bàn thấp lè tè, khách ngồi ở những chiếc ghế đẩu nhỏ bằng gỗ. Quán chỉ bán cà phê và thức ăn sáng như bánh cuốn, bánh mì ôp la… vài tiếng đồng hồ.

Không hỏi ý tui, Hùng gọi 2 ly cà phê sữa, hai đĩa bánh cuốn nhân thịt rồi cười cười nhìn tui:

-Bữa nay tao bao mày!

Tui nhìn Hùng dò hỏi:

-Mày đang làm gì mà có vẻ rủng rỉnh vậy? Sau tháng 4 năm 75 mày biến đâu mất?

Hùng Sì cười:

-Tao về Tân Uyên chứ đâu? Làm đé…o.. gì có chỗ nào mà đi nữa? Khi Nông Lâm Súc mở cửa lại, tao đi học tiếp nhưng ở với ông chú ruột bên Khánh Hội. Ổng là cán bộ tập kết, làm trong ủy ban quanh quẩn thành phố, chức vụ cũng khá nên được cấp căn nhà 3 tầng của một gia đình bỏ đi, gần chơ Xóm Chiếu.

Hùng ngừng lại lúc bà Chi, chủ quán đem cà phê tới, hắn mở nắp phin cà phê, nhìn sơ qua rồi nói tiếp:

-Hai năm sau tao ra trường. Đúng vào lúc ông chú bị ngồi chơi sơi nước, sau khi phê bình một tên lãnh đạo trong thành ủy là không có cái đầu. Tao mất chỗ dựa, bị tống về một trại chăn nuôi của bộ tư lệnh quân khu 9 ở Cần Thơ. Nhưng mà con người có số cả, mày tin không? Tao về đó lại hóa thành may.

Hắn ngừng lại, rút trong túi áo ra một gói thuốc lá ba số 5, mở nắp chìa về phía tui. Chờ tui nhón một điếu, Hùng rút hộp quẹt Zippo mồi lửa cho tui. Nhìn tui rít một hơi thuốc dài, từ từ thở ra bằng mũi, Hùng Sì hỏi:

-Thuốc có cán của đế quốc khác xa Điện Biên, Vàm Cỏ, Samit… chứ?

-Chuyện! Ai lại đi sánh… con đĩ với môi thợ kèn bao giờ? Kể tiếp chuyện của mày đi!

Hùng không trả lời khi hai đĩa bánh cuốn được mang ra, hắn nói nhỏ:

-Ăn trước đã!

Nói xong hắn không chờ tui, cầm đũa ăn liền. Tui cũng dụi tắt điếu thuốc thuốc chưa hút được mấy hơi.

Ăn xong đĩa bánh cuốn, khuấy ly cà phê cho sữa tan, châm điếu thuốc, rít vài hơi, Hùng Sì mới dựa lưng vào tường chậm rãi kể:

-Bọn cán bộ ngoài Bắc vào, chúng nó dốt lắm mày biết không? Mấy thằng kỹ sư làm việc chung với tao ngu thầy chạy. Tao giờ rảnh còn phải dạy thêm bổ túc văn hóa cho chúng nó. Mẹ! kỹ sư gì mà nói phân hữu cơ đếch biết là gì mày ạ.

Lúc đó tao mới về trại, chức vụ ghi trong giấy công tác, nhận đơn vị là kỹ sư trồng trọt. Thế là tên giám đốc cho tao làm trưởng toán nhân công của trại, không có quyền hành gì, hàng ngày dẫn họ đi công tác theo lệnh hắn hay tên phó, cũng là bí thư đảng ủy.

Trại chăn nuôi gồm nhiều trại riêng biệt, heo, bò, gà. Trại tao coi có mấy mẫu đất trống, bị trũng. Không biết ai cố vấn, tên giám đốc người Hà Tĩnh, quyết định cho đào hố trồng chuối hết. Tao có cho hắn biết là không nên trồng chuối nơi đất trũng vì sẽ bị úng, hắn đếch nghe, khư khư cho rằng chuối là cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao nhất, trong thời gian ngắn nhất mà lại không tốn công chăm sóc, trái chuối đem bán, bắp chuối làm gỏi, nộm…, lá dùng gói bánh, thân sắt nhỏ cho heo ăn…

Tao chỉ cười ruồi. Hắn có lý chứ không phải không, nhưng hắn quên rằng chuối không chịu được úng, hơn nữa đất trồng chuối sau 5-10 năm thì phải phá bỏ luôn vì rễ sẽ ăn hết đất. Hôm đặt chuối xuống hố đã đào trước, thấy chưa bỏ phân hữu cơ, tao nhắc mấy người làm:

-Mấy anh chị chưa bón phân hữu cơ!

Tên phó giám đốc gốc Nam Định, nghe nói tốt nghiệp kỹ sư canh nông bên Liên Xô về, đi theo tao ngơ ngác:

-Đồng chí! Phân hữu cơ nà phân gì?

Tao nhìn hắn hơi ngạc nhiên nhưng cũng trả lời:

-Là phân có gốc carbon…

Thấy hắn có vẻ chưa hiểu, tao nói thêm:

-Là phân chuồng, phân xanh, phân động vật…

Tên phó gật gù:

-À! À! Thế phân bắc cũng nà… phân hữu cơ.

Sau vụ đó tên phó có vẻ nể nang tao chút đỉnh. Thỉnh thoảng ghé phòng trọ tao hỏi han thêm về chuyện học hành, làm việc trong Nam ra sao. Tên này dốt nhưng hiền lành khác hẳn tên giám đốc.

Ít tháng sau, tên giám đốc đi phép về Bắc rồi biệt tăm luôn, tên phó trở thành giám đốc. Hắn cho tao coi sóc cái trại heo với khoảng 200 con.

Chăm sóc 200 con heo mà chỉ có 5 nhân công, tao là 6. Máy móc nghiền, trộn thức ăn đa số hư hỏng, cái chạy cái không. Lo cho lũ con cháu Trư Bát Giới ăn uống, dọn chuồng, quét phân… tối tăm mặt mũi.

Được một thời gian, tao nản quá, định bỏ nhiệm sở trở về Sài Gòn, tới đâu tới, thì tình cờ gặp thằng Sơn nhà đòn lang thang ở bến Ninh Kiều. Mày nhớ Sơn nhà đòn lớp mình chứ?

Tui gật đầu:

-Làm sao quên nó được? Cài mặt bành bạnh lúc nào cũng buồn chẩy ra như đưa đám ai, nhà gần ngã sáu Chợ Lớn. Không biết ai tặng cho nó hai chữ Nhà đòn thật chính xác.

Hùng Sì gật gù:

-Đúng rồi! Hắn xuống Cần Thơ làm gì mày biết không?

-Theo chân bác… tìm đường cứu nước?

Hùng Sì lắc đầu, hắn uống một hớp cà phê rồi hỏi:

-Nhà mày làm gì với số bột mì hàng tháng?

Tui cười:

-Đủ thứ bánh, mì sợi, bột lọc chay, bánh tôm chiên không người lái… Ứ đọng quá thì đổi bột lấy bánh mì ở mấy lò bánh.

-Mày có nghe nói bánh mì thùng phuy chứ?

Tui gật đầu. Hùng hỏi tiếp:

-Mày biết tại sao gọi là bánh mì thùng phuy không?

-Không! Tại sao?

Hùng Sì đảo mắt nhìn quan quán rồi cười khùng khục trong miệng, nói nhỏ:

-Mày dốt quá! Từ lúc miền Nam được phỏng g.., nhạc sĩ Văn Vĩ sáng mắt ra, bỏ dạy nhạc, dạy đờn chạy Honda sinh sống mà mày vẫn không sáng mắt sáng lòng, thông minh hơn chút nào sau 4 năm được cách mạng giáo dục. Tại vì được nướng bằng thùng phuy chứ còn tại sao nữa?

Bất chợt có tiếng huyên náo rồi tiếng người la hét, rượt đuổi nhau ngoài đường:

-Ăn cắp xe đạp! Ăn cắp xe đạp!Bắt lấy nó! Chận nó lại!

Những người trong quán nhìn ra đường, nhưng không ai đứng lên. Hùng Sì chép miệng:

-Lại một công dân lương thiện mượn đỡ xế điếc của một công dân lương thiện khác

Rồi quay sang tui, Hùng giải thích:

-Chỉ vì người anh em răng hở, môi lạnh quyết định cho thằng em láu cá vặt một bài học nên bột mì Liên Xô tràn ngập Sàigon và nhiều tỉnh thành khác. Nhà nào cũng lãnh, dân VN ăn không quen, chịu chết cứng vì ngoài cách làm mì sợi, các thứ bánh vớ vẩn, đâu phải ai cũng biết làm bánh mì. Hơn nữa muốn làm phải có men.

Các lò bánh mì cũ thì ít người mở cửa lại vì hầu hết dùng lò nướng bằng điện. Cúp điện liên miên, đang nướng, bánh chưa nở mà cúp điện là tiêu luôn mẻ bánh. Hơn nữa không lò nào dám làm vì số lượng điện tiêu thụ quá lớn. Vì vậy dân làm bánh nghĩ ra cách cắt đôi thùng phuy theo chiều dọc, đắp đất sét làm lò nướng bằng củi, than.

Hùng Sì dụi điếu thuốc cháy gần đến cái đầu lọc, mồi điều khác, hít một hơi dài rồi mới tiếp:

-Mày có để ý thấy dạo gần đây bánh mì nở vun, tròn, ngon, dòn, nhìn đẹp mắt.., không còn mù, khô, cứng, bẹp dí giống mấy cái…lá mít nữa chứ?(1)

Tui gật đầu. Hùng Sì tiếp:

-Sài gòn có một tay tên Quý, nghe nói là đệ tử của giáo sư Phạm Hoàng Hộ hay Chu Phạm Ngọc Sơn, tìm ra cách gây men bánh mì tươi. Loại men này 1kg có thể đủ cho nửa tấn bột, mà bánh nở ra ngon, dòn, bắt mắt hơn loại men của Liên Xô.

Hùng ngừng lại, quay sang bà Chi xin bình nước trà nóng rồi tiếp:

-Thằng Sơn nhà đòn là đệ tử ông Quý đó, nó xuống Cần Thơ tìm lò bánh mì để bán men. Tao cũng biết quá trình gây men đó, xin nó một ít mẫu, về nhà mày mò làm thử. Ai ngờ thành công!

Tao đem chuyện đó nói cho tên giám đốc trại heo, vẽ ra cho hắn viễn cảnh làm giàu với men bánh mì. Thế là hắn đồng ý, cho tao một căn phòng trống làm chỗ sản xuất. Hắn cũng chấp thuận cho tao tìm cách câu điện chùa, cử người đi tìm thị trường tiêu thụ.

Thế là tiến hành, tao lo chuyện cấy, nuôi từ F1 đến F4, ly tâm… tên giám đốc lo phòng ốc, chuyện câu điện chùa, mua mật mía, tìm địa chỉ các lò bánh…

Tui tò mò:

-Làm men bánh mì tốn điện lắm sao mà phải câu lậu?

Hùng Sì giải thích sơ cho tui hiểu quá trình nuôi men từ F1 đến F4 rồi cười:

-Mày phải có một cái compressor chạy 24/24 giờ mỗi ngày để bơm không khí nuôi men, xong giai đọan F4 thì ly tâm. Cái compressor 2 Kwh chạy suốt ngày thì mày có dốt lắm cũng biết là nó hút điện cỡ nào chứ? Hơn nữa câu lậu đường dây ngoài trời thì không sợ bị cúp điện.

Chỉ một thời gian ngắn sau, men tụi tao sản xuất có mặt khắp nơi ở thị trường bánh mì Cần Thơ. Sản xuất lúc đầu 5kg/ngày tăng dần lên 10 rồi 15, sản xuất ra không kịp bán. Tiền vô ào ào, men tăng giá từ 150/kg lên 200 rồi 300… theo nhịp độ tăng trưởng của các lò thùng phuy.

Tui nhìn Hùng Sì thán phục:

-Hèn gì trông mày phát tướng, lại có xế nổ vi vút, trong lúc tao đi đâu phải đạp xế điếc lòi… cả trĩ.

Hùng rót trà ra ly, uống một ngụm, nhìn tui nói nhỏ:

-Mày có muốn kiếm tiền thì theo tao xuống Cần Thơ!

Tui gật đầu. Hai đứa tui nói chuyện với nhau thêm một lúc, Hùng đứng dậy trả tiền, cho tui luôn gói thuốc 3 số 5 và ghi địa chỉ gặp hắn ngày hôm sau.

Bữa sau, tui đến chỗ hẹn gặp Hùng Sì, theo hắn xuống Cần Thơ. Hắn chỉ cho tui cách đi tìm các lò bánh mì, cách thức chào men như thế nào…Thời gian đầu lọng cọng, tui mầy mò đến các xe, quán bán bánh mì… vờ mua 1,2 ổ rồi dò hỏi địa chỉ của lò.

Có địa chỉ của lò bánh, tui lân la làm quen mấy anh em thợ nướng bánh, mời họ đi uống cà phê, hút thuốc lá thơm… rồi mới chào hàng.

Nghề dậy nghề, chỉ một thời gian ngắn sau tui biết hầu hết địa chỉ các lò bánh mì thùng phuy trong thị xã. Men Hùng Sì sản xuất thuộc loại tương dối tốt bánh ít bị mù, nở đều… Nhờ đó tui kiếm được khá bộn tiền, nhưng tiếc thay, không để dành được bao nhiêu. Tuổi trẻ, tiền kiếm được, cuối tuần nhẩy xe đò về Sài Gòn ăn nhậu vung vít với bạn bè, với gái, chẳng giúp đỡ được gì cho gia đình, bố mẹ nhiều nhặn gì cho cam.

Chuyện men tươi bánh mì rồi cũng nhanh chóng qua đi. Chưa được 2 năm từ ngày tui theo Hùng Sì về Cần Thơ, phong trào sản xuất men bánh mì tàn lụi dần. Tiền tui kiếm được bằng men bánh mì cũng bốc hơi cho đến lúc hết. Thế là:

Giã từ học đường… hai bàn tay trắng

Bước vào cuộc đời…trắng hai bàn tay

Tui trở lại Sài Gòn sau hơn một năm lang thang, lưu lạc với Hùng Sì dưới Cần Thơ, tiền bạc không còn tui cũng chẳng buồn.

Ông bà già biết tính tình của tui nên chẳng bao giờ thắc mắc về thằng con trời đánh, hoặc đặt câu hỏi tui làm gì có tiền để tiêu xài. Chỉ thường la rầy mỗi khi tui đi biệt đâu vài ngày không về nhà.

Một buổi sáng lang thang ở chợ trời Trần Quốc Toản, tìm cách đẩy lưỡi cưa xích Mc Culloch mà Thanh, một thằng bạn gần nhà chôm được trong công ty công viên và cây xanh nơi hắn làm việc, tui gặp Phúc Ba Gác.

Phúc ở cùng xóm với tui, nhà cũng nghèo, đặt thêm tên Ba gác cho hắn vì ngoài giờ học, rảnh rỗi hắn thường dùng xe ba gác chở đồ đạc như bàn ghế, giường, tủ… cho những ai có nhu cầu. Đang học đệ nhất, hắn thi đậu cán sự Thủy Lâm, thế là hắn vọt lên Bảo Lộc mất tăm.

Tui đang lớ ngớ đẩy chiếc xe đạp, cầm một đoạn cưa xích Mc Culloch, thì chợt có người vỗ mạnh vào vai. Tui giật mình vì tưởng công an, quay lại thấy Phúc cười ha hả:

-Làm gì mà mò ra đây vậy? “Chà đồ nhôm” (2) hả?

Chưa kịp trả lời, Phúc đã nhìn thấy cái túi xách nặng, bằng vải móc ở tay lái xe đạp, hắn chộp lấy, mở ra coi rồi kêu lên nho nhỏ:

-Mẹ ui! Ở đâu mà mày có cái này hay vậy? Đi! Đi! Theo tao! Trúng mánh rồi cưng.

Thế là Phúc Ba gác kéo tui ra một quán cóc nằm trên đường 3 tháng 2 tức Trần Quốc Toản cũ. Trời nóng, Phúc kêu cà phê sữa đá cho hai đứa rồi hất hàm hỏi tui:

-Đồ chôm hả? Của mày hay của ai?

Tui lắc đầu:

-Không biết ở đâu ra nhưng “théc méc” làm chi cái xuất xứ của nó. Có cái để kiếm tiền là vui rồi.

Phúc cười khùng khục trong miệng sau khi đảo mắt nhìn đám khách ngồi gần đó, rồi hắn hạ giọng:

-ĐM! Hỏi chơi thôi!Mày giác ngộ cách mạng rồi đa. Cả nước bây giờ sống bằng mánh mung, chôm chĩa theo ánh sáng của học thuyết Mác –Lê Nin.

Hắn ngừng nói kín đáo kéo đoạn cưa xích Mc Culloch ra coi. Tui nói với hắn:

-Của một thằng quen làm thủ kho cho một công ty. Liệu chừng được bao nhiêu?

Phúc nhìn đoạn cưa xích rồi trả lời:

-Tùy theo dài bao nhiêu. Dân làm rừng gặp thứ này là chộp liền. Mỗi thước chừng một ngàn đồng… Chỗ này chắc khoảng 3-4 m. Mày cho tao địa chỉ, chiều tao ghé lấy, nói với thằng bạn mày vậy.

Hai đứa uống hết cà phê rồi chia tay. Tui về nhà gặp Thanh, cho biết giá cả. Khoảng sẫm tối, Phúc tìm tới lúc tui vừa ăn cơm xong. Tui chạy qua gọi Thanh, hai thằng nói chuyện với nhau chừng 5 phút thì Thanh trao cái túi đựng lưỡi cưa xích cho Phúc và Phúc trả tiền.

Sau khi Phúc đi, Thanh đưa cho tui 300 đồng tiền môi giới, bằng 4 tháng lương của một công nhân viên.

Hai ngày sau khi manh mối bán lưỡi cưa, Phúc ba gác ghé nhà, rủ đi ăn sáng ở một quán bún mọc khá ngon đường Nguyễn Văn Trỗi tức Cách Mạng 1/11 cũ. Hắn đưa cho tui 150 đồng cười hì hì:

-Chia mày ít tiền lời cái lưỡi cưa Mc Culloch. Nếu mày rảnh, không có gì làm, muốn kiếm bạc cắc thì theo tao lên làm gỗ ở Xuyên Mộc. Tao bây giờ đang coi một tổ hợp khai thác rừng trên đó.

Ăn xong tô bún đầy đủ mọc, chả lụa, chả quế, 2 cục sườn ngon ngọt thấm con tì, con vị, Phúc vừa uống cà phê, vừa tả sơ qua về công việc làm gỗ trên Xuyên Mộc.

Theo lời hắn, dưới tay, Phúc có khoảng trên 20 thợ rừng, đa số là dân địa phương, một số ít là dân đi kinh tế mới được thuê mướn tại chỗ. Phúc có 4 thằng đàn em thân tín, một thằng tên Tâm Fulro là tà lọt, kiêm tài xế lẫn cận vệ, cao lớn, giỏi võ và gan dạ, mấy thằng còn lại lo chuyện cơm nước, phân phối nhu yếu phẩm, canh chừng các lán… Mỗi khi về Sài Gòn, Phúc giao mọi việc lại cho Tâm Fulro.

Tổ hợp của Phúc mỗi tháng được cấp khoảng 4-500 lít nhiên liệu gồm xăng, dầu cho cưa máy và xe be chuyên chở ra bìa rừng. Đổi lại Phúc phải cung cấp một số gỗ đã được ấn định sẵn tùy theo số lượng xăng, dầu được cấp phát.

Cùng với xăng dầu, tổ hợp cũng được cung cấp một số lượng gạo hay bo bo theo đầu người.

 

Bản tính hiếu động, ít khi chịu ngồi yên, tui nói ông bà già biết ý định đi Xuyên Mộc làm gỗ, rồi hai ngày sau gom vài bộ quần áo, cái bàn chải đánh răng theo Phúc ba gác đi Xuyên Mộc.

Từ Sài gòn, Phúc ba gác chở tui bằng chiếc Honda SS 50 theo quốc lộ 15 đi Bà Rịa, tới Bà Rịa chạy tiếp qua liên tỉnh lộ (LTL) 23 hơn 20 km mới tới Xuyên Mộc. Từ ngoài liên tỉnh lộ 23 chạy vào trong khu vực khai thác gỗ mất thêm mấy cây số nữa.

Thời gian đó LTL 23 chưa được hoàn tất, nhiều đoạn còn rải đá, ngồi xe Honda tưng lên, rớt xuống ê cả mông.

Tụi tui đi lúc sáng, sau khi điểm tâm bằng 2 điã cơm tấm bì chả ở một quán cơm gia đình gần chỗ Phúc ở, đến gần 12 giờ trức mới tới nơi.

“Bộ chỉ huy” lâm trường của Phúc gồm 5-6 cái lán vách dựng bằng cây, lợp lá, nằm trên một mảnh đất tương đối phẳng, 2 chiếc xe be chở gỗ đậu ngoài sân, quanh được rào sơ sài bằng một lớp concertina móc vào những cái cọc gỗ.

Phúc vừa dừng xe, chưa kịp bước xuống thì trong một cái lán, một thanh niên cao lớn, vạm vỡ, mặt mũi đen nhẻm khoảng 22-23 chạy ra kêu lớn:

-Anh Phúc!Tụi thằng Đạt mới đập chết một con rắn hổ hành lớn sáng nay. Tối nay có cháo thịt rắn nhậu rồi. Anh chi ít tiền ra chợ Bà Tô kiếm ít chất cay đi anh.

Phúc chỉ tui nói với thanh niên:

-Bạn tao! Còn đây là Tâm Fulro.

Tâm gật đầu chào, tui đưa tay bắt tay hắn, bàn tay gân guốc, săn chắc. Phúc móc túi lấy ra ít tiền đưa cho Tâm. Hắn nhanh nhẩu:

-Hai anh ăn cơm chưa? Em có nấu nồi canh chua.

Phúc đưa chìa khóa xe Honda cho Tâm, vẫy tay:

-Mày đi chợ đi! Khỏi lo cho tụi tao.

Nói xong Phúc kéo tui đi theo hắn vào một chiếc lán có cửa. Chỉ một chiếc giường làm bằng gỗ rừng, Phúc nói:

-Giường mày đó, bỏ túi xách ở đó đi! Nghỉ mệt một chút rồi tụi mình đi một vòng coi cho mày biết công việc ở đây!

Tui thẩy cái túi đựng quần áo và đồ dùng cá nhân lên chiếc giường Phúc chỉ rồi ngả lưng lên mặt giường đan bằng những thanh gỗ nhỏ. Hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi xe Honda dưới cái nắng chang chang của mùa hè cộng với bụi bặm trên đường đi khiến tui thấy mệt mỏi, chán nản. Hứng thú phiêu lưu giảm bớt khá nhiều.

Nằm mơ màng như thế vậy mà tui thiếp đi lúc nào không hay. Tui chỉ giật mình tỉnh dậy khi Phúc đá vào chân gọi:

-Dậy mày! Dậy đi coi tụi nó làm việc chút rồi về ăn cơm.

Phúc thẩy cho tui cái nón vải màu ô liu rộng vành, nói tiếp:

-Đội cái này đi theo tao! Không có cái này mày chịu không nổi cái nắng ở đây đâu.

Phúc nói xong với tay lấy chiếc rựa khá dài dắt trên vách lán bước ra cửa. Tui chụp cái nón lên đầu bước vội theo hắn. Hai thằng đi bộ dọc theo con đường đất nhỏ mới khai quang chừng khoảng hơn một cây số thì tới khu vực đang được khai thác.

Cây cối được cưa, chặt nằm ngổn ngang, rải rác đây đó những tốp thợ hai người đang cưa xẻ hay chặt cành những cây đã ngã. Tất cả đều cởi trần, mặc quần đùi hay quần dài, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại. Thấy Phúc đi tới họ cất tiếng chào rồi tiếp tục làm việc. Phúc chào họ rồi giải thích:

-Ở đây làm tùy sức, hưởng tùy tài. Có nghĩa là làm nhiêu ăn nhiêu. Đa số họ làm việc rất sớm, chừng nửa giờ nữa là họ nghỉ rồi.

Tui tò mò:

-Rồi lương lậu như thế nào?

-Một phần trả bằng tiền, một phần bằng gạo hay bo bo.

Phúc dẫn tui đi lòng vòng một lúc thì gặp một đám khoảng hơn 20 người mặc quần cụt, cởi trần, tay dao, tay rựa đi thành đoàn có 2 công an mang súng AK-47 đi theo. Tui chưa kịp hỏi, Phúc đã giải thích:

-Gần đây có một trại giam tù vượt biên.

Tui ngạc nhiên:

-Ủa? Gần đây có cửa biển à?

-Có chứ! Cửa biển Bình Châu. Liên tỉnh lộ 23 kéo dài vào trong tới Bầu Ma, Bầu Lâm, đi sâu nữa vào trong sẽ gặp một ngọn núi là núi Mây Tào cao khoảng 700m. Dân kinh tế mới trước ở đây nhiều lắm, nhưng bây giờ họ trốn về thành phố cũng bộn. Mày ở đây ít bữa tao dẫn mày đi coi ma.

Là thằng trời đánh không chết, nghe Phúc nói gặp ma, tui cười:

-Thiệt không mày? Có ma ở đây nữa sao?

Phúc nhìn tui:

-Ở đây ít bữa rồi thấy.

Hai thằng đi loanh quanh một lúc nữa rồi quay về. Tâm Fulro đi chợ về tự lúc nào, đang dọn cơm với tô canh chua và đĩa thịt heo kho tàu, những thức ăn hiếm hoi ở giữa rừng.

Buổi tối sau khi uống rượu, nhậu cháo rắn với Phúc và mấy tên đàn em, tui say khướt. Phúc phải mắc mùng cho tui.

Nửa đêm đang ngon giấc, chợt có người kéo chân, tui giật mình ngồi dậy, hóa ra Phúc. Hắn cầm cái đèn pin quơ quơ trước mặt tui nói nhỏ:

-Dậy! dậy đi theo tao…coi ma!

Đầu óc vẫn còn choáng váng vì mấy ly rượu nếp than, tui lầu bầu:

-Đang nhức đầu muốn chết! Ma với mãnh gì?

Nói thế nhưng tui cũng vén mùng bước xuống khỏi giường, Phúc đưa cho tui chai thuốc chống muỗi nhỏ màu xanh ô liu bằng plastic, loại của lính Mỹ hay dùng ngày trước:

-Bôi lên cổ, lên chân đi, muỗi không cắn.

Tui làm theo lời Phúc. Trời mùa hè trong vắt, đầy sao, trăng thượng tuần như một cái móc nhỏ xíu nằm chênh chếch ở hướng Đông, ánh sáng yếu ớt chiếu xuống cánh rừng chỉ cho thấy những cảnh vật lờ mờ trước mặt, Phúc cầm đèn pin dẫn tui đi ra cái lán ngoài cùng, gần sát hàng rào kẽm gai của lâm trường.

Phúc mở cửa lán, cái cửa đóng sơ sài bằng những thanh gỗ do toán thợ cưa thải ra kẹp một tấm nhựa cứng màu đen che gió. Kéo tui lại ngồi trên cái ghế làm bằng một khúc cây tròn xẻ đôi, gác trên hai cái chạc ba chôn dưới đất, Phúc tắt đèn pin, chỉ ra hàng rào nói:

-Mày ngồi yên lặng một lúc rồi nhìn ra hàng rào coi là cái gì nghe!

Hai thằng ngồi yên lặng trong cái lán tối đen. Khoảng chừng 10 phút sau, giữa sự tĩnh mịch của núi rừng, tui chợt nghe những tiếng xào xạc nhè nhẹ như tiếng gió thổi len quá những tàng cây.

Phúc đá nhẹ vào chân tui, chỉ ra chỗ hàng rào. Tui nhìn theo hắn và gần như không tin ở mắt mình.

Ba cái bóng người mờ ảo, trắng đục đang chạy nhẩy trên hàng rào kẽm gai. Là một người gan dạ, vốn không tin chuyện ma quỉ nhưng lần đầu tiên chứng kiến tận mắt một chuyện khó tin, tôi cũng thấy lưng mình lạnh hẳn đi.

Đưa tay mò mẩm dưới nền nhà bằng đất, tui lượm được một hòn đá nhỏ. Cầm hòn đá trong tay, tui nhắm về một bóng người ném mạnh. Hòn đá bay vụt đi rơi xuống đất, chỉ gây nên một tiếng động rất nhỏ giữa cánh rừng yên vắng nhưng ba bóng trắng chợt biến mất.

Phúc đứng lên nói:

-Thôi đi về ngủ tiếp! Giờ mày tin là có ma chưa?

Tui không trả lời Phúc vì đầu óc vẫn còn bàng hoàng với những gì vừa nhìn thấy, Phúc tiếp:

-Tao nghe dân kỳ cựu ở đây nói vùng này trước 75 có một mật khu của Việt Cộng. Mật khu này bị lính Úc dẹp tan trong một trận đánh đâu khoảng 66-67 gì đó. Việt Cộng chết nhiều lắm nên thành ma. Có người còn bị chúng ném đất chọc phá nữa.

Hai thằng về lại lán, tui không nói gì, lẳng lặng lên giường rồi mệt mỏi ngủ thiếp đi. Ở với Phúc được ít ngày, cảm thấy mình không hợp với đời sống trong rừng, tui nói Phúc chở tui về lại Sài Gòn, Phúc cũng chẳng nói gì.

Ít lâu sau, qua một người bạn, nghe tin Phúc ba gác vượt biên, được một thương thuyền của Đức vớt, đang tạm trú ở Bataan, Philippine. Từ ngày qua Đức, tui để ý tìm hắn nhưng không gặp, cũng không nhận được tin gì của hắn, dù có nhắn tìn trên báo vài lần.

Cũng qua bạn bè liên lạc với nhau trên Internet, tui nghe tin Hùng sì đã qua Mỹ, đi học lại và lấy được bằng tiến sĩ toán hiện đang làm việc ở tiểu bang Washington nhưng không liên lạc với ai…

 

Nguyễn Tiến Cường (NT 61-68)

(1) Bánh mì mù: Bánh mì không bung cánh, không nở. Trước khi đưa vào lò nướng, người thợ bánh mì ở VN dùng một lưỡi dao thật mỏng, nhọn (thường là dao lam cạo râu) rạch nhẹ một đường dọc trên ổ bánh. Khi nướng, bánh nở ra, nơi bị rạch bung lên, ổ bánh có cánh trông đẹp mắt hơn.

Số lượng men pha cũng phải vừa đúng, không nhiều, không ít. Thường người thợ kinh nghiệm phải thử trước một đợt chừng vài kg bột để xem độ nở của bánh. Nhiều quá, bánh bị bể, ít quá, bánh không nở.

Làm bánh mì bằng men tươi, ly tâm thủ công, khó hơn loại men công nghiệp vì con men khi mạnh, khi yếu do trong quá trình gây và nuôi men không đồng nhất.

(2) Chà đồ nhôm: Nói lái của Chôm đồ nhà.