Yêu Nước – Phan Văn Song
…“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”… (Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan1805-1848)
Chỉ với hai câu trong tuyệt tác Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan đã tả tất cả cái lòng yêu nước, yêu quê hương đất nước. Nhưng tại sao đau lòng khi nhớ nước? tại sao mỏi miệng khì thương nhà ? Phải chăng nữ sĩ muốn nói đến cái tâm trạng của những kẻ sĩ thời bấy giờ bó tay, thất thế trước thời cuộc, phải phục vụ làm tôi cho một chế độ mà không phải do bà và thân thuộc hay người cùng xứ bà chấp thuận? Phải bỏ xứ Bắc Hà vào Nam, tâm trạng “Hoài Lê” là tâm trạng chung của những kẻ sĩ Bắc Hà thời ấy không phục nhà Nguyễn. Hai cặp chữ “Nhớ Nước-Thương Nhà” biểu hiện tình Yêu Nước.
1/ Yêu Nước:
Cả tuần nay, anh em bạn bè chúng tôi, người Pháp hay người Việt chăm chú lo lắng theo dõi những diển biến đang xãy ra ở Ukraine, thường cùng nói với nhau rằng người dân Ukraine thật sự yêu nước! Bàn luận về hai chữ Yêu Nước, chúng tôi thường thắc mắc với nhau, những người dân Ukraine Yêu nước, đòi hỏi Độc lập, thoát khỏi ảnh hưởng của Liên bang Nga – và cơ chế độc tài của Poutine và mong được nhập vào ảnh hưởng Liên Âu với hy vọng ngày mai cũng như Ba Lan, và các quốc gia cựu Liên Bang Nam tư, nhập vào Liên Âu, ấy là một điều dễ hiểu! – nói tóm lại việc ấy là một hiển nhiên đối với chúng tôi, đối với chúng ta, nói rộng ra đối với tất cả những người Việt tỵ nạn Cộng sản Việt Nam chúng ta đang sanh sống tại các quốc gia phát triển, tiến tiến thuộc khối tư do tư bản âu mỹ. Nhưng tại sao những người cũng là dân Ukraine, cũng là công dân Ukraine, nhưng nói ngôn ngữ Nga, cũng nhơn danh lòng Yêu nước muốn một quốc gia Ukraine thuộc ảnh hưởng Nga? Người dân bàn đảo Crimée cũng dễ hiểu vì họ chỉ thật sự làm công dân Ukraine gần đây thôi, từ 50 năm trở lại vào những nay 1960 thôi! (trước đó Crimée thuộc quyền cai quản của Liên Bang Sô Viết). Nhưng còn những vùng phiá Đông Ukraine? Tình hình những ngày qua ở Odessa, bên bờ Hắc Hải, một thành phố lịch sử nổi tiếng (với sự nổi dậy của các thủy thủ của chiến thuyền Potemkine năm 1905 – được đạo diễn Serguei Eisenstein làm thành cuốn phim tuyên truyền cho Cách Mạng Cộng sản Nga năm 1925, hay huyền thoại cộng sản Việt Nam cũng kể công của Tôn Đức Thắng có mặt trong một cuộc đình công biểu tình của các thủy thủ hải quân Pháp, tại Odessa không muốn chống Liên Sô năm 1919!) trở nên nghiêm trọng có thể trở thành nội chiến. Cũng như nhiều thành phố, và vùng có địa thế chiến lược đối với Liên Sô, sau đệ nhị thế chiến, Staline dùng di dân để dễ cai trị Liên Sô, dùng thuật trộn dân: dùng người Nga đến ở những quốc gia chư hầu để dễ đồng hóa, phân tán mỏng dân bản địa, bằng đày dân buộc các cư dân các quốc gia chư hầu phải di dân sang xứ khác kể cả qua làm công ở xứ Nga. Tất cả các quốc gia biên giới Nga đều như vậy. Từ các quốc gia Biển Bắc Âu, Baltiques, hành lang Kalinine, qua đến Belarus, Ukraine, Georgie… thậm chí các tiểu quốc vùng Caucase như Moldavie, Arménie… Tất cả cho chủ thuyết an toàn mẫu quốc “tạo những quốc gia chư hầu thành một vòng đai trái độn, tạo một hàng rào tuyến đầu quân sự che chở đất đai cho Nga Tộc-Slave và văn hóa Nga ngữ – cyrillique – chánh thống giáo Nga, nhưng được che đậy dước chiêu bài Yêu Nước-Yêu Liên Sô và Yêu Xã hội chủ nghĩa!
Vì vậy, từ ngữ Yêu Nước biến thành một từ ngữ bị nhiều lạm dụng nhứt. Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh thí chốt giết hại thương vong bao nhiêu thế hệ thanh niên thanh nữ Việt Nam – cả con em miền Bắc đi xâm chiếm, cả con em miền Nam phải lo bảo vệ quê hương. Nhơn danh Yêu Nước Hồ Chí Minh giết và thủ tiêu bao nhiêu người ái quốc nhân tài, vì muốn độc quyền Yêu nước. Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh và Đảng Công sản Việt Nam đã chấp nhận bán đứng nhuộm đỏ đất nước cho Trung Cộng, hậu duệ các triều đại Hán Bắc phương bành trướng, bán cả đất đai biên giới, giao cả lãnh hải, thậm chí giao phó bao sanh mạng đồng bào chiến sĩ cho ngoại nhơn Tàu thay mình cầm quân ra trận. Tàu Cộng sử dụng chiến thuật biển người giết bao nhiêu thanh niên Việt Nam chỉ để đánh chiếm một căn cứ không có gì là một tầm vóc chiến lược như Điện Biên Phủ, (chiến thắng Điện Biên Phủ là do hai tướng Tàu điều khiển chứ chẳng phải của Võ Nguyên Giáp). Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh chấp nhận phá tan đất nước miền Bắc để thắng Mỹ. May mà Mỹ nhơn đạo, chiến tranh hạn chế, có bom nguyên tử nhưng không dùng đến, không đánh các đê điều khi mùa lũ, không đánh bom tàn phá Hà nội (thử so sánh với Dresden ở Đức năm 1945!). Vì vậy ngày hôm nay khi nghe Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nói Yêu Nước, chúng tôi rất sợ! và chúng ta hãy nhớ những khẩu hiệu định nghĩa Yêu Nước của Cộng sản như “Yêu nước của Cộng sản là Yêu Xã hội Chủ Nghĩa” hay “Trung thành với Nước là Trung với Đảng”. Làm sao chúng ta có thể tin vào lòng Yêu Nước của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Tin giờ chót khi đang viết bài là Trung Cộng đang điều động giàn khoan vào hải phận Việt Nam, gần đảo Lý Sơn.
Cũng tin giờ chót, Việt Nam đang phản đối – một cách ngoại giao bằng gởi công hàm (sic). Và cũng theo tin hành lang, Hải quân Việt Nam đang điều động chiến thuyền. Sự thật?
Dám đánh nhau không?
Dân Ukraine dám chết để đòi Độc lập. Dân Syrie dám chết để đòi Độc lập. Dân Việt Nam ngày xưa do Cộng sản quốc tế xúi, dám chết để Chống Mỹ Cứu Nước. Ngày Nay có dám chết để Chống Tàu cứu Nước không?
Tôi không dám xúi dân Việt Nam chết để chống Tàu, nhưng tôi chỉ hỏi Quân đội nhân dân, Hải quân nhân dân, vũ khí của đảng Cộng sản Việt Nam để cướp chánh quyền ở Việt Nam, ăn cướp cơm nhân dân Việt Nam, sống và được nuôi dưởng bởi nhân dân Việt Nam có dám liều chết bảo vệ nhơn dân và quê hương đất nước Việt Nam không?
Còn đối với chúng tôi, người hải ngoại, “Nhớ Nước-Thương Nhà” có lẽ đúng hơn! Nói như vậy chúng tôi không phủi tay, mackeno, mà chúng tôi chỉ làm, khi người Việt Nam, người dân Việt Nam trong nước, nếu thật sự là người Việt Nam, phải làm! Bé cổ thi cũng phải xuống đường biểu tình đòi Nhà cầm quyến Cộng sản phải lấy trách nhiệm, hoặc đánh Tàu, hoặc giao quyền cho người khác, cho người dân, chúng tôi ngoài nầy chỉ là vũ khí tuyên truyền, là vận động dư luận, vũ khí là kêu gọi bạn bè. Trong nước đừng trông chờ hải ngoại, trong nước đừng mong Mỹ, Nhựt, hay Philippines, hay Nga hay ai đó. Nói dại phải có đổ máu, phải có thương vong mới động lòng trắc ẩn, làm được hay không, dám làm không, tùy các bạn trong nước. Còn hải ngoại chúng tôi, định nghĩa Yêu nước là yêu nơi mình sanh ra, và lớn lên cùng với gia đình cha mẹ. Thế hệ thứ hai con cháu chúng ta sanh và lớn lên ở hải ngoại có cùng một định nghĩa Yêu Nước như chúng ta không? Đất nước Việt Nam ngày nay dưới sự cai quản của Cộng sản, dưới sự khai thác của người Cộng sản, người Cộng sản Việt Nam đang hưởng thụ, đang ăn trên, ngồi tróc trên đầu trên cổ người dân Việt Nam, đang hút nhụy, đang hút mật tất cả tài nguyên đất nước Việt Nam, và tệ hại hơn họ đang tạo những người Việt Nam mới với một văn hóa văn minh Việt Nam mới xa với cái định nghĩa văn hóa và văn minh Việt Nam cổ truyền khác hẳn với nền văn hóa văn minh mà người Việt Nam tỵ nạn Công sản Việt Nam chắc chiu trân quý đem ra ngoài hải ngoại nầy.
Việc ấy cũng bình thường thôi, ở hai môi trường khác lạ, sự phát triển phải khác nhau thôi. Cư dân Québec-Canada nói một tiếng Pháp rất xa lạ, vì quá xưa, đối với tiếng nói, và giọng nói của người Pháp tại Pháp. Nhiều từ ngữ, giọng đọc, cách dùng chữ, cách dùng các đảo ngữ của dân Québec Canada vẫn giữ thói xưa như hồi còn ở thế kỷ 17/18, lúc di dân. Thử quan sát cộng đồng Việt Nam hải ngoại, bất kể ở đâu, Mỹ, Úc, Pháp, Đức… có rất nhiều hiệu phở dùng “hình con bò cười” làm bảng hiệu. Nhãn hiệu ấy là của pho mát Con Bò Cười – La Vache qui Rit của Pháp. Vì thời xưa Việt Nam, nhứt là miền Nam Việt Nam, dân Sài gòn, ảnh hưởng văn hóa pháp của thời thuộc địa, mê ăn phô mát Con Bò Cười (với chuối), mê ăn Bơ Bretell, nước chấm Maggi, uống rượu Cổ Nhắc Martell với Sôđa Con Cọp, nay mặc dù ra hải ngoại đã gần 40 nay vẫn tiếp tục dùng hình “Con Bò Cười” làm hình bảng hiệu tiệm Phở Bò. Ở hải ngoại ta vẫn tiếp tục nhan nhản những tên hiệu thường thấy ở Sài gòn năm xưa như Phở Xe lửa, Phở Pasteur, Phở 79, Cơm Gà Xiu Xiu, Bánh mì Ba Lẹ… Lee Sandwich chắc cũng do tên Ba Lẹ biến thể ra chăng?… Và phe ta vần cứ thế mà tiếp tục… dù qua tỵ nạn xứ Mỹ hay xứ Úc vẫn thích ăn bánh mì theo kiểu Pháp, là bánh mì baguette. Và còn ngon lành hơn cả người Pháp là ngày nay, nhiều tay người Việt tỵ nạn ta thành công trong nghề làm và phổ biến bánh mì baguettes của Pháp! thành công nhứt là ở Mỹ và ở Úc! Bánh mì baguettes pháp ngày nay, dân Việt tỵ nạn biến thành bánh mì baguette Việt nam. Cũng như caphê phin cũng vậy, phin bằng nhôm, được anh cán ngố giải phóng đặt “chết” tên là “cái nồi ngồi trên cái cốc”, trước chỉ có ở Việt Nam và nay tiếp thụ phục vụ ở những khu cộng đồng Việt Nam trên thế giới thôi! (mặc kệ expresso tây hay capuccino ý hay Starbuck Coffee!) Phe ta người Việt tỵ nạn tiếp tục uống cà phê sữa với sữa đặc có đường hiệu Nestlé hay Ông Già (Tây uống café crème!)… Đó có phải là những dấu ấn biểu tượng lòng Yêu nước của chúng ta không? Hay chỉ là một loại “hoài niệm lãng mạng” như anh bạn Lê Mạnh Hùng ở Luân đôn nói trong một bài viết gần đây! Nhưng cũng nhờ vậy, chúng ta giữ được linh hồn của quốc gia Việt Nam trước năm 1975, năm mất nước, linh hồn của một thời Tự Do Độc Lập của miền Nam Việt Nam, với lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ, với bài quốc ca Tiếng gọi Công dân! Lý lịch của chúng ta là như vậy, một lá quốc kỳ, một bài quốc ca, suốt năm không tuần nào không được hát lên, không một tuần không được trương lên trên mọi vùng trên thế giới, hát lên để giữ nền văn hóa, trương lên để giử nét văn minh. Chúng ta nhớ cả, chúng ta trân quý cả, từ Vua Hùng dựng nước đến Ngũ tướng anh hùng Việt Nam Cộng Hòa vì nước tuẫn tiết hay bao vị anh hùng vô danh dân quân cán chính đã bỏ mình trên các trận địa thời giữ nước hay trong các trại tù binh thời mất nước hoặc các anh hùng bỏ mình trên đường vượt biên hay trên đường phục quốc!
Với chúng ta ngày nay ở hải ngoại, quê hương là “nhớ nước”. Nhớ nước qua hình ảnh xưa, nhớ nước qua kỷ niệm, nhớ nước qua quá khứ: Sàigòn với con đường Duy Tân cây dài bóng mát, Sàigòn với mùa gió và những cánh trái dầu rơi xoay theo gió, Sàigòn tình tứ khi ngồi trú mưa chờ em với ly cà phê nhỏ giọt và điếu thuốc Capstan thơm tho… và nhiều nữa. Với chúng ta ngày nay ở hải ngoại quê hương là “thương nhà”. Thương nhà là thương những ngày thanh bình tuổi ấu thơ, thời học trò, thời “ô môi” ăn vàng răng,… thời ăn chùm ruột chấm mắm ruốc, thương nhà là thưong cả những ngày “đổ mồ hôi nơi quân trường”, hay thương cả những ngày hành quân truy địch, và thương cả những ngày chiến đấu sống còn quần thảo với Việt Cộng, thương nhà cũng là thương cả những ngày dưởng thương hay nghỉ phép, cùng em dạo phố…
Chúng ta ngày nay, ở hải ngoại, đấu tranh đòi hỏi tự do, nhơn quyền cho người dân trong nước, đấu tranh đòi hỏi dân chủ, dân quyền phải được trả lại cho người dân trong nước. Chúng ta không chấp nhận Việt Cộng cầm quyền có phải vì họ cầm quyền láo, làm hư hỏng cả một nước, một quốc gia, hay là chúng ta không được nhìn thấy những cái gì chúng ta mơ thay đổi hoặc chúng ta thấy quá nhiều thay đổi nhưng không giống định nghĩa của chúng ta? Có lẽ cả hai. Và chúng ta sốt ruột, vì sao người dân trong nước, những người chúng ta mơ giống chúng ta cúi đầu chấp nhận, và giòng đời cứ thế mà trôi, và chẳng chốc 40 năm sắp qua.
Từ hơn mười năm nay, từ những ngày hoàn toàn về hưu, bớt bận bịu kiếm cơm,người viết chúng tôi quyết cùng bạn hữu đồng chí, đồng tâm nghiên cứu, trao đổi học hỏi lẫn nhau, viết bài phổ biến những ý kiến, quan niệm, những bài học, những khái niệm về tổ chức, về giáo dục tim đọc trên những sách báo xứ người, để gởi vế góp ý với người trong nước, đóng góp xây dựng một đường hướng tương lai cho một quốc gia Việt Nam tử tế với những người Việt Nam đàng hoàng, cũng vì Nhớ nước-Thương nhà. Và chúng tôi mong, và chúng tôi mơ, chúng tôi thèm có một Việt Nam mới với một cơ chế Nhà nước do những công dân trách nhiệm tạo thành. Những công dân có chủ quyền thật sự: quyền đóng góp và việc quản trị đất nước. Quyền được quyền đóng góp, quyền được dự và góp phần đóng góp và quyền được gặt hái và hưởng thụ những kết quả thích đáng. Những công dân được nhận thức nắm rõ vai trò công dân của mình: được nhận định đúng và thực thi đúng vai trò mình, khi được dân bầu làm đại diện dân trong vai trò lãnh đạo, cũng như khi chỉ làm người dân bình thường trong vai trò công dân tuân thủ, chấp hành hay đóng góp.
2/ Công dân:
Ngày mai, chúng ta không nói nhơn dân làm chủ, đất nước là của nhơn dân nữa. Chúng ta phải nói Công dân làm chủ, đất nước của Công dân. Quan niệm đầu tiên, là quan niêm “người công dân”. Người Pháp dùng từ citoyen, người Anh-Mỹ dùng từ citizen. Cũng như các từ ngữ có ý niệm tổ chức xã hội, và chánh trị, những ý niệm ấy đều có gốc La Hy (La mã và Hy lạp). Chúng tôi vốn được giáo dục bởi văn hóa phương Tây, hoàn toàn không nắm đủ văn hóa chánh trị và xã hội đông phương Tàu-chệt nên đành chỉ có một cái nhìn phiến diện về tổ chức xã hội và chánh trị. Những thiếu sót trong cái nhìn của chúng tôi về tổ chức chánh trị-xã hội kiểu phương đôngTàu-chệt-Nho-giáo xin quý đọc giả lượng thứ thông cảm cho Citoyen hay citizen đều đến từ Cité hay Citi = thành phố. Khi dịch sang việt ngữ là công dân, chúng ta đã “đi tắt”, và chúng ta càng “đi tắt” khi chúng ta áp dụng cho cả một quốc gia. Và từ công dân ngày nay chẳng những được áp dụng tùy trường hợp, tùy quốc gia cho quốc tịch,-nationalité mà còn được hiểu là được hiểu là quốc dân nữa! Hai quan niệm, nói đúng hơn hai trường phái thường dùng để cấp quốc tịch hoạc hoặc dựa theo thuyết thổ nhưỡng – nơi sanh quán – là jus soli-droit du sol- quốc thổ hoặc đựa theo thuyết huyết thống – do cha hoặc mẹ truyền cho – jus sanguinis-droit du sang-huyết tộc, thuyết thứ hai nầy dựa theo hoặc thuyết tổ chức thuần túy chánh trị – ca tụng dân tộc huyết thống, ngôn ngữ văn hóa – jus sanguinis, tất cả quốc dân phải cùng một huyết thống, một ngôn ngữ; hay trái lại với thuyết vừa nói trên, dựa trên sức mạnh sản xuất kinh tế, sức mạnh kinh tế sản xuất một quốc gia do và bằng người sản xuất, người ấy có thể là người di dân, chỉ cần người ấy là người có sanh hoạt kinh tế sản xuất và đóng thuế, tức là có tham dự vào tổ chức kinh tế sản xuất, nghĩa là xã hội, nghĩa là chánh trị, tất cả đếu sanh hoạt trong đất nước của một quốc gia – jus soli, droit du sol – ! Ngày xưa, thời Hy lạp hay La mã, một thành phố có hai giai cấp, hai loại “công dân”, loại công dân, loại số một – thuần huyết thống, thuần chủng – có tất cả nhửng quyền hạn, có tất cả quyền hành đặc biệt, với những nghĩa vụ đặc biết, đó là dân của thàng phố, đó công dân –citoyen athénien của thành Athène, hay citoyen romain của thành Roma! Và cùng sanh sống, cùng sanh hoạt, cũng trong thành phố ấy, có một loại người khác – không được gọi là công dân – gồm những di dân đến từ các thành phố khác hay cả những nô lệ đang phục vụ cho những gia đình các citoyens hy lạp hay la mã, các người nầy tuy không được gọi là citoyens nhưng họ vẫn có vài quyền hạn và rất nhiều nghĩa vụ. Về sau khi La mã biến thành Đế quốc La mã, chữ citoyen romain được dùng thoát rộng cho tất cả toàn đất đai của đế quốc (La mã lúc ấy dùng luật huyết thống jus sanguinis). Đấy là quan niệm chánh trị của thời kỳ chánh sách xâm chiếm, thuộc địa và đế quốc. Nhưng đến những năm cuối của Đế quốc La mã, các Hoàng đế La mã mở rộng cho quốc tịch La mã, citoyen romain cho tất cả các người dân sống trên đất La mã-jus soli. Đây là thời của quan niệm phát triển kinh tế cũng cố sức mạnh kinh tế của Đế quốc.
Nói tóm lại quan niệm định nghĩa công dân ngày nay của thế giới là một quan niệm trung dung dùng cả hai thuyết, tùy thời tùy cảnh, thêm bớt bên nặng bên nhẹ sử dụng cả hai. Cũng cố chánh trị, dùng chủ thuyết tự hào dân tộc, huyết thống, ngôn ngữ để chiếm đất dành dân, dùng thuyết huyết thống-jus sanguinis. Còn cũng cố phát triển kinh tế cần tay nghề thợ thuyền sản xuất, dân số đông làm giàu xứ sở dùng thuyết thồ nhưỡng-jus soli. Thí dụ điển hình là ngày nay, Nhà nước Việt Cộng với chánh sách Quốc tịch Việt Nam và nghị quyết 36 đang đi dành dân chiếm của (của cộng đồng người gốc Việt ở Hải ngoại) với thuyết huyết thống để dụ người Việt hải ngoại.
Công dân-quốc dân, huyết thống và ngôn ngữ là những quan niệm chánh trị có thể dùng làm vũ khí chiến tranh. Thí dụ Anschluss nước Áo bởi quân Đức Nazi, vì người Áo dùng Đức ngữ, xâm chiếm Tiệp Khắc bởi quân Đức Nazi để cứu người Tiệp đức ngữ năm xưa, và thời nay Nga chiếm Crimée, và sửa soạn chiếm Ukraine để cứu người Ukraine Nga ngữ.
Và tất cả nhơn danh lòng YÊU NƯỚC.
Để kết luân:
Công dân tạo đất nước, công dân chủ đất nước. Công dân khi lãnh đạo đất nước, công dân khi tuân thủ, chấp hành, đóng góp. Tất cả với một lòng thật sự yêu nước. Yêu nước là biết nhớ ơn đất nước, yêu nước là đau lòng con quốc quốc khi thấy đất nước lâm nguy, xáo trộn, giặc ngoài biên ải. Yêu nước là thương nhà mỏi miệng đóng góp, tranh đấu cho Nhơn quyền cho Tự do, cho Dân chủ, cho Độc lập, cho Công bằng Bác ái dù phải mỏi miệng cái gia gia.
Mong người Việt Nam yêu nước ở quốc nội mau thức tỉnh vì giặc đã ngoài biên ải. Hãy nổi dây đòi quyền tự chú để cứu đất nước Việt Nam!
Mong các chiến sĩ Quân đội Nhơn dân, mong các chiến sĩ Hải quân Nhơn dân hãy biết ơn người dân và đất nước nuôi dưởng phục vụ, hãy lấy tự hào dân tộc cầm súng giữ giang sơn Việt Nam.
Mong kẻ cầm quyền còn tý tự trọng nào, giao trọng trách cho người công dân trách nhiệm. Hôm nay là ngày:
Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín từng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh (Chinh phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm 1705-1748)
Hồi Nhơn Sơn, đêm 06 tháng 5 2014 – Giàn Khoan dầu Trung Cộng vào lãnh hải Việt Nam