Tin Việt Nam – 22/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lại xuất hiện cá chết hàng loạt tại miền Trung

Trong các ngày 19 và 20 tháng 5 vừa qua, người dân phát hiện tình trạng cá chết hàng loạt tại một số xã ven biển Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam. Báo Nghệ An loan tin này hôm 22/5.

Theo báo Nghệ An, cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nguyên nhân các chết hàng loạt tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu.

Theo báo Nghệ An vào chiếu ngày 19/5 người dân tại thôn Tân An, Xã An Hòa phát hiện một số lượng lớn cá sông ngoi lên mặt nước và chết.

Đến ngày 20/5 người dân tại thôn Phong Thắng, Xã Tiến Thủy lại phát hiện hiện tượng cá nổi bất thường lên mặt nước và chết tại khu vực sông Hàu.

Cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu đã có mặt hiện trường và tiến hành kiểm tra sau khi được người dân thông báo về vụ việc. Đồng thời vớt một số lượng cá chết đem đi xét nghiệm và số còn lại tiêu hủy.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn yêu cầu người dân không được mang cá chết bán cho người tiêu dùng.

Cũng trong ngày 22/5, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vừa công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước, khiến hàng ngàn tấn cá nuôi lồng bè trên sông La Ngà chết trắng sau một đêm.

Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai báo cáo kết quả xét nghiệm cho thấy, một cơn mưa lớn kéo dài 7 tiếng đồng hồ kết hợp với mưa đầu mùa khiến lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều kéo theo các chất ô nhiễm khác làm cho hàm lượng NO2, NH3 và NH4 trong nước sông La Ngà vượt mức cho phép, cao hơn từ 5 đến 10 lần.

Nhận định ban đầu hiện tượng biến đổi bất lợi về môi trường là nguyên nhân khiến cá nuôi lồng bè sông La Ngà chết trắng chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết đây chưa phải là nguyên nhân khiến cá chết mà phải đợi kết quả xét nghiệm cụ thể.

Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết có 322 bè cá trên sông La Ngà thuộc 80 hộ dân bị thiệ hại. Số lượng cá chết lên đến hơn 1.500 tấn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mass-fish-death-in-central-region-05222018101603.html

 

Phụ nữ xích chân vào nhau chống cưỡng chế

Khoảng 10 phụ nữ đã cùng xích chân trong nhà phản đối chính quyền tỉnh Quảng Nam cưỡng chế đất đối với 14 hộ dân ở khối phố Quảng Lăng 2, thị xã Điện Bàn hôm 22/5 để thực hiện dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT 607 qua địa bàn.

Lý do được các hộ dân đưa ra là người dân bị cưỡng chế thu hồi đất từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2015 nhưng giá đền bù lại áp dụng theo luật đất đai năm 2003 (720 ngàn đồng/m2) chứ không phải là luật đất đai năm 2013 (3 triệu đồng/m2).

Bên cạnh đó, việc thu hồi đất và tách đất của dân là từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2015 nhưng chính quyền ghi trong bìa đỏ là ngày 30-6-2014.  Trong khi đó, Luật đất đai năm 2013 bắt đầu có hiệu lực từ 01-07-2014.

Hàng trăm người dân đã tập trung tại hiện trường để xem cưỡng chế. Theo người dân địa phương thì tại hiện trường, các lực lượng cảnh sát cơ động, công an… lên đến khoảng 200 người có mặt từ buổi sáng và xảy ra tranh cãi với người dân. Đến khoảng 14h cùng ngày thì xe múc bắt đầu múc đất.

Trả lời đài RFA vào lúc 3h20 phút chiều cùng ngày, Ông Đặng Quốc Minh, một trong 14 hộ dân bị cưỡng chế cho biết:

Nói chung tình hình là người dân đang còn ngồi để chờ họ khống chế thôi. Đến giờ chót như vậy mà họ không dám khống chế. Lực lượng họ cỡ 200. Nói chung là nhiều phụ nữ họ đấu tranh như tù ngục vậy, họ tự xích tay xích chân vào nhau để chính quyền khỏi bắt. Mình không phản kháng mình chỉ đấu tranh cho quyền lợi chính đáng thôi

Cũng theo ông Minh nguyện vọng của người dân là “yêu cầu chính quyền trả đủ số tiền theo luật đất đai năm 2013.”

Trong khi đó, truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Đạt- Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết biện pháp cưỡng chế đối với 14 hộ dâb nhằm đảm bảo cho nhà thầu thi công đường ĐT 607, là tuyến giao thông huyết mạch từ TP Đà Nẵng đến TP Hội An (Quảng Nam) nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ngoài ra, các khiếu nại của những người dân này đã được UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết tại quyết định số 435, ngày 10-2-2017.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/phu-nu-xich-chan-vao-nhau-chong-cuong-che-05222018084242.html

 

Báo chí VN chú ý ‘xe sang của lãnh đạo Thanh Hóa’

Câu chuyện về lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đi hai chiếc ‘xe sang’ được nêu ra trong kỳ họp Quốc hội Việt Nam và sau đó được báo chí Việt Nam đăng tải rộng rãi.

Thanh Hóa ‘bác bỏ tin nhảm’ về phó bí thư

Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh

VN tăng cứu trợ sau mưa lụt chết 54 người

Tại phiên thảo luận tổ sáng 22/05 ở Hà Nội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã nêu chuyện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đi xe “được tặng có giá trị cao quá tiêu chuẩn”, theo VOV.

Ngay sau đó, một đại biểu Quốc hội khác, ông Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đã cung cấp thêm thông tin về vụ việc mà báo Việt Nam nói là liên quan đến “hai xe ô tô sang được tặng”.

Xe sang gây xôn xao dư luận

Theo trang Soha, đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho biết, đây là hai xe của tỉnh Hủa Phăn, Lào tặng Thanh Hóa hồi những năm 2011-2012.

“Xe này không phải của doanh nghiệp tặng hay tỉnh phải bỏ ngân sách ra mua vượt quá tiêu chuẩn”, theo đại biểu Mai Sỹ Diến.

Vẫn trang Soha cho hay, “hình ảnh hai chiếc xe Land Cruize V8 đeo biển 80A chạy trên phố khiến người dân thành phố Thanh Hóa “bàn tán xôn xao”.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xác nhận, một trong hai xe nói trên đang được chính ông sử dụng để đi lại.

Land Cruize là loại xe chạy địa hình rừng núi của hãng Toyota.

Trang Nhà Đầu tư cho biết Land Cruize V8 ở thị trường Việt nam hiện nay có giá chừng 3 tỷ VND.

Trong khi đó, theo một quyết định hồi 2015 của thủ tướng Việt Nam, các vị giữ chức chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc trung ương chỉ được “sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu VND/một xe”.

Trang này đặt câu hỏi vậy, phải chăng chủ tịch “Xứ Thanh” đang sử dụng xe vượt khoảng hai tỷ VND.

Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn

Chống tham nhũng ‘vì đạo đức cách mạng’

 

Lương hưu cô giáo ‘thấp mạt hạng’ là bất công

Hậu Cộng sản – cuộc chuyển đổi ‘chưa có điểm kết’

Thế nhưng các quan chức Thanh Hóa đã giải thích hai chiếc xe này đã có 6-7 năm tuổi, chứ không phải xe mới.

Theo đánh giá của Chris Neiger trên trang về ô tô của BBC ở Anh hồi 2015, Land Cruize của Toyota thuộc loại “xe được ưa chuộng nhất thế giới” cho các địa hình trèo đèo, lội suối.

Thanh Hoá là tỉnh thời gian qua thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quan chức tỉnh, và đã có một đôi lần liên quan đến ‘xe sang’.

Trang VietnamNet (4/2017) nêu ra câu chuyện một trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, bà Trần Vũ Quỳnh Anh “không chỉ sở hữu nhiều ngôi nhà trị giá hàng chục tỷ đồng” tính đến 2015, và chiếc Cadillac Escalade ESV Platinum gần như độc nhất Việt Nam lúc đó.

 

Báo này cho hay chiếc xe sau khi nhập về Việt Nam và đóng thuế, đăng ký giấy tờ có trị giá 6 tỷ VND.

Sau đó, có tin bà Quỳnh Anh, còn gọi là ‘hot girl xứ Thanh’ bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

‘Tham mưu cho tham mưu’

Hai quan chức tỉnh là Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, và đương kim Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá, ông Đào Vũ Việt bị kỷ luật.

Tên tuổi ông Ngô Văn Tuấn tuy thế, lại được nhắc đến ở kỳ họp QH tuần này.

Các báo VN trích lời quan chức Thanh Hóa cho hay sau khi bị cách chức Phó Chủ tịch tỉnh, ông Ngô Văn Tuấn, vẫn là đảng viên CS nên được làm Tổ trưởng giúp việc của Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở.

Tổ này có nhiệm vụ ‘tham mưu cho Ban’, để Ban tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thanh Hóa.

Thanh Hóa đứng đầu trong danh sách 10 tỉnh, thành có số lượng hộ nghèo lớn nhất Việt Nam năm 2016, theo truyền thông chính thống ở nước này.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44210001

 

Mỹ đánh nặng thuế lên ‘thép VN xuất xứ TQ’

Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định áp mức thuế quan nặng lên các sản phẩm thép vận chuyển từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc vì né thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.

Hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội (cold-rolled steel) sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Trung Quốc.

Mỹ cũng sẽ đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng (hot-rolled steel) do Trung Quốc sản xuất.

Mỹ điều tra thép TQ ‘đội lốt Việt Nam’

Mỹ: Phe Cộng hòa ‘rất lo’ về kế hoạch của Trump

Mỹ chặn nhôm TQ ‘xuất qua ngả VN’

Các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ năm 2015 và 2016 đã áp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, nhưng lại thấy mặt hàng này du nhập vào Hoa Kỳ thông qua các nước trung gian như Việt Nam.

Bản tin Reuters cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết mức thuế quan áp đặt lên thép Việt Nam sẽ giống với Trung Quốc, nếu dùng nguyên liệu thép cán nóng Trung Quốc.

Chưa hết, thuế quan sẽ đội thêm 25% thuế mặc định theo quy định “Mục 232” của Đạo luật Thương mại mà chính quyền của ông Donald Trump quy định đối với các mặt hàng thép và nhôm.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ giữ nguyên quan điểm rằng 90% vật liệu thép Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, dựa trên một phát hiện của Liên minh Châu Âu vào tháng 11 năm ngoái.

Hoa Kỳ là nguồn thị trường nhập khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 11,28% nhưng không đáng kể so với thị trường ASEAN, vốn chiếm hơn 67%, theo báo cáo thị trường nội địa của Hiệp Hội Thép Việt Nam.

Cũng theo báo cáo này, Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu thép nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam, với gần hơn 1 triệu tấn trong quý I, nhưng chỉ chiếm khoảng 34% tổng lượng thép thành phẩm, giảm từ 50% so với các năm trước.

Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiệm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam nói với Báo Trí Thức Trẻ hồi tháng 3 rằng dự báo xuất khẩu ngành thép Việt Nam vào 2018 sẽ bị chững lại.

Cũng theo ông Khải, những tháng đầu 2018, khi chưa bị áp thuế, doanh nghiệp thép Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ tăng cường nhập lô hàng.

Hiệp hội dự đoán tốc độ tăng trưởng thép chỉ ở mức 5-7% so với 2017, với lượng thép xuất khẩu giảm, nhưng thị trường nội địa không bị ảnh hưởng hoặc còn tăng, theo ông Khải.

Ông Khải nói sẽ phải tùy thuộc vào Chính phủ trong việc tham vấn với chính phủ Mỹ và bộ thương mại Mỹ để Việt Nam được miễn thuế.

Hiện Việt Nam đang đứng số 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu vào Mỹ.

“Chúng ta phải chứng minh được là các sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ chỉ dùng cho công trình xây dựng thông thường, với việc nhập khẩu chỉ chiếm 1,67% (của Hoa Kỳ) thì đó là lượng rất nhỏ so với con số hàng năm nước Mỹ nhập khẩu là trên 30 triệu tấn.

“Điều đó sẽ không tác động nhiều đến an ninh quốc phòng, công ăn việc làm và lao động của Mỹ. Không ảnh hưởng nhiều đến các nhà sản xuất thép của Mỹ,” ông Khải nói với báo Trí thức trẻ hồi tháng 3.

BBC đã tìm cách liên hệ với ông Chu Đức Khải, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-44206008

 

‘Phát ngôn ấn tượng’ ngày 22/5

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lạc quan về tình hình đất nước.

“Có thể nói, hệ thống của chúng ta, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua những sự kiện lớn của đất nước.”

“Chúng ta đã chuyển từ thế bị động sang chủ động tốt hơn rất nhiều.”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 22/5, trong kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội.

Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thể giải thích việc chuyển đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá.

Việt Nam: Gọi phí BOT thành giá ‘do nghị định’

Trả lời báo chí hôm 22/5, ông Thể cho biết việc điều chỉnh là dựa theo nghị định của Chính phủ Việt Nam.

“Từ khi chuyển qua giá, giá sẽ được để cân đối theo phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua HĐND nên rất chậm. Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều.”

“Bộ đang tập trung xây dựng để cuối năm áp dụng thu giá tự động, mỗi DN có 1 trung tâm công nghệ. Có trung tâm công nghệ thì người dân, các thành phần kinh tế, DN, cơ quan nhà nước có thể giám sát được nguồn thu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.”

Ông Thể nói thêm: “Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ sẽ quản lý toàn bộ các trạm thu giá. Ở Tổng cục, Bộ cũng có thể khai thác được giúp cho việc thu chi bảo đảm công khai minh bạch, bảo đảm người dân có thể giám sát được thông qua các thiết bị điện tử mang tính chính xác cao, không còn tình trạng xé vé.”

Giải quyết dứt điểm 3 ngân hàng 0 đồng

Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải tập trung giải quyết dứt điểm 3 ngân hàng 0 đồng.

“Chẳng hạn, ngân hàng GPBank hiện nay lỗ lũy kế đến 13.448 tỉ và âm vốn chủ sở hữu là 10.363 tỉ; OceanBank lỗ lũy kế 15.894 tỉ và âm vốn chủ sở hữu là 11.625 tỉ.”

“Theo tính toán, GPBank mỗi ngày mất khoảng 3,6 tỉ thì mỗi năm cũng mất gần 1.000 tỉ. Cho nên, chúng ta phải tập trung giải quyết được vấn đề này càng sớm càng tốt để giữ được ổn định của hệ thống ngân hàng”, ông Hồ Đức Phớc nói hôm 22/5.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44160897

 

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘chưa từng đến Slovakia’

Sau một thời gian im lặng, Việt Nam trả lời các câu hỏi của Slovakia liên quan tới nghi vấn một chuyến bay rời Bratislava sang Moscow tháng 7/2017 mà Đức nói có liên quan đến vụ ‘bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh.

‘Slovakia đang ở thế khá kẹt với Đức’

Vũ Đình Duy biết gì về vụ Trịnh Xuân Thanh?

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’

Slovakia: ‘VN phải giải thích thỏa đáng vụ Trịnh Xuân Thanh’

Đại sứ Dương Trọng Minh, sau hơn hai tuần bị Bộ Ngoại giao Slovakia triệu lên chất vấn, đã nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh chưa từng tới Slovakia, trang tin spectator.sme.sk dẫn lời Thủ tướng Peter Pellegrini nói hôm thứ Năm, sau cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của khối EU tại Sofia, thủ đô của Bulgaria.

“Ông Đại sứ Việt Nam khẳng định chắc chắn rằng người đàn ông được nhắc tới không có mặt trong phái đoàn khởi hành từ Bratislava,” ông Pellegrini nhanh chóng tuyên bố hôm 18/5.

“Chỉ có các thành viên chính thức của phái đoàn Việt Nam lên chuyến bay [mà Slovakia cho mượn]. Người được nhắc tới thậm chí còn chưa bao giờ tới Slovakia. Đây là thông tin chính thức mà ông Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam nói với bộ trưởng của chúng tôi,” ông thủ tướng được trang tin Spectator dẫn lời.

Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, ông thủ tướng Slovakia gọi ông Trịnh Xuân Thanh là ‘người đã bị bắt cóc từ Đức’, chỉ dấu cho thấy Slovakia chấp nhận các chứng cứ phía Đức đưa ra theo đó nói đã xảy ra vụ bắt cóc ở Berlin.

Bình luận về tin trên, một nhà báo Đức hôm 22/5 nói với BBC rằng tuyên bố của phía Việt Nam ‘hoàn toàn vô nghĩa’.

“Chính phủ Việt Nam vẫn luôn nói rằng không hề xảy ra vụ bắt cóc, cho nên ai có thể tin được khi họ lên tiếng về vụ Trịnh Xuân Thanh?” nhà báo không muốn nêu tên này nói.

“Tôi tin rằng trái bóng vẫn đang nằm trên sân Slovakia, họ thực sự cần làm rõ mọi việc.”

Tuy nhiên, tin từ phía Việt Nam dường như đã khiến Slovakia ít nhiều thở phào nhẹ nhõm.

Ông Pellegrini nói rằng nay đã xác định được là Slovakia không thể can dự dưới bất kỳ hình thức nào vào việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và đưa nạn nhân ra khỏi EU.

Ông cũng nói rằng Slovakia có thể không cần phải giải thích gì thêm về việc Bratislava không liên quan tới việc lên âm mưu hay tham gia vào việc bắt cóc.

Trước đó, hôm 3/5 Đại sứ Dương Trọng Minh bị Bộ Ngoại giao nước chủ nhà triệu lên để giải thích quanh cáo buộc được báo chí Đức và Slovakia đề cập công khai hồi cuối tháng Tư.

Bratislava đòi ông đại sứ đưa ra những “giải thích” liên quan tới “các cáo buộc nói rằng Slovakia có tham gia dưới bất kỳ hình thức nào vào những hành động – nếu được chứng minh là có – vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Susko khi đó nói với BBC.

Cũng liên quan tới vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/5 nói rằng đây là chủ đề mà Việt Nam “đã phát biểu nhiều lần”.

“Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức, và Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước”, bà Lê Thị Thu Hằng được truyền thông Việt Nam đưa tin.

Hôm 15/05, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Slovakia, Anton Hrrnko, sau khi nghe điều trần từ Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova đã nói khả năng mà Đức nói rằng có một người đàn ông Việt Nam “nằm trên máy bay Slovakia” để ra khỏi nước này, là “khó xảy ra”.

Ông Anton Hrnko (Đảng CIS) nói “không hề có một người như thế đi máy bay của chúng tôi”.

“Toàn bộ các thành viên của đoàn Việt Nam đều được kiểm tra kỹ và không ai bị cưỡng bức lên máy bay”, theo trang Teraz.sk (15/05).

Hồi đầu tháng Tám năm ngoái, Đức tuyên bố rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc ở Berlin và trục xuất một nhân viên an ninh làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức.

Bà Lê Thị Thu Hằng hôm 3/8/2017 tái xác nhận nội dung mà giới chức Việt Nam đã đưa ra hôm 31/7 là chính xác, theo đó nói ông Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước ‘đầu thú’.

Bà khi đó cũng tuyên bố rằng Việt Nam ‘lấy làm tiếc về phát ngôn ngày 2/8 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức’.

Điều khiến dư luận quan tâm là giới chức Việt Nam không nêu rõ ông Trịnh Xuân Thanh đã từ châu Âu về nước bằng cách nào.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44211314

 

Muốn EVFTA, Việt Nam phải ‘nhả’ nhân quyền!

Cát Linh, RFA

Ngày 15.5 vừa qua là lần đầu tiên cuộc gặp gỡ giữa các nhà ngoại giao EU/ Mỹ và các nhà hoạt động dân sự diễn ra thuận lợi tại Sài Gòn, không bị lực lượng an ninh ngăn cản, bắt bớ. Thêm vào đó, cũng là lần đầu tiên, đại diện các đại sứ quán ý, Hà Lan, Pháp, Đức và Liên Minh Châu Âu (EU) có cuộc gặp đầy đủ các chức sắc thuộc Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Chùa Giác Hoa cũng ở Sài Gòn vào ngày 16.5.2018.

Động thái “nới lỏng” lần này của chính quyền nhà nước Việt Nam có liên quan gì đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, gọi tắt là EVFTA, mà Việt Nam đang mong muốn nhanh chóng ký kết và phê chuẩn? Hay vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đang có chiều hướng tích cực?

Việt Nam cần EVFTA

Cách đây một thập kỷ, đó là năm 2006, Tổng thống Bush qua thăm Việt Nam và có một cử chỉ rất ưu ái là đưa Việt Nam ra khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, gọi tắt theo tiếng Anh là CPC.  Sau đó, Việt Nam được vào Tổ chức Thương mại thế giới- WTO, trở thành thành viên 150 sau khi ký 1 phụ lục hợp đồng với Mỹ.

Lúc đó, tình trạng ‘nới lỏng’ nhân quyền đã từng diễn ra.

Tháng 5 -2018, buổi gặp giữa Các nhà ngoại giao EU và Mỹ gặp gỡ các nhà hoạt động dân sự tại Sài Gòn và các chức sắc thuộc Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang ráo riết vận động cho Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA.)

Điều đó cho thấy là hiện nay Việt Nam đang rất cần Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh sau khi TPP gần như không còn nữa. Tại sao nói gần như không còn? Vì không có Mỹ, mà không có Mỹ thì không có TPP, có thể nói chính xác là như vậy.  Mà CPTPP không có Mỹ thì đã mất đi 60% giá trị của nó rồi. – Phạm Chí Dũng

Đây chính là lý do mà theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, một trong ba nhà bất đồng chính kiến (hai người còn lại là nhà hoạt động Phạm Bá Hải – Điều phối viên Hội Cựu tù nhân Lương tâm, và cựu tù chính trị luật sư Lê Công Định) có mặt trong buổi gặp ngày 15.5, cho biết buổi gặp được diễn ra thuận lợi, gần như là một buổi “hội thảo thu nhỏ”:

“Điều đó cho thấy là hiện nay Việt Nam đang rất cần Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh sau khi TPP gần như không còn nữa. Tại sao nói gần như không còn? Vì không có Mỹ, mà không có Mỹ thì không có TPP, có thể nói chính xác là như vậy.  Mà CPTPP không có Mỹ thì đã mất đi 60% giá trị của nó rồi.”

Dựa theo báo cáo của chính phủ cho biết, tính đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 FTA. Trong đó có 10 FTA đã được thực thi, 2 FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA); 4 FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông, FTA với Isarel và với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA).

Tuy nhiên, như nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định, cho đến thời điểm này, chưa có TPP, CPTPP thì chưa chứng tỏ được giá trị nhất định đối với kinh tế Việt Nam. Do đó, EVFTA là cánh cửa còn lại cho Việt Nam.

Một chi tiết đáng chú ý khác, cũng trong ngày 15.5.2018, tin được báo trong nước loan đi từ Trụ sở Bộ Ngoại giao, nơi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc tiếp đón Đại sứ Tây Ban Nha, bà Maria Jeus Figa Lopez-Palop, cho biết Chính phủ Việt Nam mong muốn Tây Ban Nha nhanh chóng thúc đẩy việc ký và phê chuẩn EVFTA.

Nới lỏng Nhân quyền

Theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, việc “nới lỏng” cho các nhà ngoại giao EU và Mỹ gặp gỡ các nhà hoạt động dân sự tại Sài Gòn ngày 15.5 chưa phải là chi tiết quan trọng nhất. Chính cuộc gặp ngày 16.5 giữa một bộ phận đại diện các đại sứ quán Ý, Hà Lan, Pháp, Đức và Liên Minh Châu Âu (EU) với 5 tổ chức tôn giáo thuộc Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Chùa Giác Hoa ở Sài Gòn mới thật sự là động thái chứng tỏ Việt Nam đang rất cần EVFTA.

“Đây là lần đầu tiên hội tụ đầy đủ các vị Hội Đồng Liên Tôn. Cuộc gặp diễn ra khá thoải mái. Mặc dù chính quyền Việt Nam không thích Hội Đồng Liên Tôn nhưng vẫn cố gắng làm cho phía Châu Âu hiểu là họ không làm quá căng thẳng đối với Hội Đồng Liên Tôn về tự do tôn giáo để nhằm mục đích có thể vận động êm đẹp, suông sẻ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu.”

Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Liên kết Quốc hội Việt Nam đưa ra sau buổi gặp ngày 16.5 cho biết, có một thông điệp được một vị đại diện phái đoàn Đức gửi đến các chức sắc tôn giáo, nguyên văn được ghi như sau:

“Kể từ nay quý vị sẽ an toàn hơn. Nếu có vấn đề gì thì cho họ biết ngay.”

Nhận xét về câu nói này, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định: “Đây là lần đầu tiên người Đức nói 1 cách cứng rắn như vậy. Việc này lại xảy ra trong bối cảnh phía Đức đang gây sức ép rất lớn cho Việt Nam về phiên toà xử nghi can bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.”

Trước đây, khi phía Đức lên tiếng cho biết đang cân nhắc những biện pháp tiếp theo trong vụ Trịnh Xuân Thanh,  đặc biệt đề cập đến những khoản viện trợ phát triển đáng kể đang và sẽ có thể giúp cho Việt Nam, nhà báo Davit Hutt, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, có một bài viết đăng tải trên Diplomat đưa ra quan điểm là “Vụ bắt cóc ở Berlin dẫn đến thất bại của Việt Nam trong việc ký kết FTA với EU như thế nào.”

Kể từ nay quí vị sẽ trở nên an toàn hơn và có gì thì báo với Đại sứ quán Đức biết. – một đại diện  trong phái đoàn ngoại giao EU

Ông Lê Hưng Quốc, chuyên gia đối ngoại, Nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Ngoại vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam thì khẳng định sự việc sẽ không nghiêm trọng như thế.

“Quan điểm cá nhân của tôi, việc này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam với Đức là xu thế.

Tôi không hình dung được vì chuyện này mà Đức cấm vận hay tuyên chiến với Việt Nam. Bởi vì câu chuyện này là câu chuyện tham nhũng chứ không phải vấn đề nhân quyền hay chính trị.”

Chính cá nhân nhà báo Phạm Chí Dũng cũng khẳng định thời điểm vừa xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam vẫn còn nhiều hy vọng về EVFTA. Lúc đó, người Đức không đặt nặng vấn đề nhân quyền với Việt Nam, cho dù cho đến lúc đó có 1 số Nghị sĩ Đức bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam để dự phiên toà blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.

Thế nhưng, sau khi trải qua nhiều cuộc đàm phán nhưng phía Việt Nam vẫn không làm theo những yêu cầu từ Berlin thì khi đó Đức phải thực thi một số biện pháp chế tài mạnh như: Tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược; ngừng hiệp định miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức và trục xuất ba nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin.

Tình cảnh như thế này nếu không cẩn thận thì Việt Nam sẽ trở thành một Bắc Triều Tiên của Châu Á và sẽ bị cô lập hoàn toàn. Từ vĩ mô thì mình xét cái vi mô. Việt Nam sẽ phải làm động tác gì đó để nới lỏng nhân quyền một chút. – Phạm Chí Dũng

Gần đây, qua những buổi tường thuật về phiên toà do nhà báo Lê Trung Khoa thực hiện từ Đức đã cho thấy ngày càng có nhiều chứng cứ bất lợi về chính quyền Việt Nam. Thêm vào đó, với những lời lẽ cứng rắn về nhân quyền do Đại sứ quán Đức trực tiếp gửi ra thì nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho rằng có vẻ như người Đức “đang nắm đằng chuôi, hoặc ít nhất là họ cũng đang khá tự tin là họ đang nắm đằng chuôi của vấn đề nhân quyền.”

“Tình cảnh như thế này nếu không cẩn thận thì Việt Nam sẽ trở thành một Bắc Triều Tiên của Châu Á và sẽ bị cô lập hoàn toàn. Từ vĩ mô thì mình xét cái vi mô. Việt Nam sẽ phải làm động tác gì đó để nới lỏng nhân quyền một chút.”

Hai buổi gặp với các phái đoàn Liên minh Châu Âu vừa qua chính là một trong những động tác mà chính quyền Việt Nam có thể thực hiện trong hiện tại. Và trong tương lai gần, ít nhất là trong năm nay, cho đến khi EVFTA được ký kết, theo suy đoán của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, ông có một niềm tin dù rất le lói, Việt Nam sẽ phải cải thiện một chút về nhân quyền.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-should-respect-human-rights-if-she-wants-evfta-05212018140552.html

 

Tòa án Đức truy tố ông Đường Minh Hưng

Tòa án Đức công bố lệnh truy tố Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh của Bộ Công an Việt Nam, vì đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức vào tháng 7 năm ngoái.

Tờ báo Việt ngữ có tên là Thời báo ở Berlin, trích dẫn những nguồn tin của báo chí Đức loan tin này vào tối ngày 21/5, rạng sáng ngày 22/5 giờ Berlin.

Trước đó, vào chiều ngày 21/5, nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thời báo có nói với đài RFA về thông tin này:

Đêm nay mình sẽ đưa ra thông tin chính thức về việc Đức đưa ra thông báo là đã ra lệnh bắt giữ một cán bộ cấp rất cao của Bộ Công an Việt Nam, đồng thời báo chí Đức cũng sẽ lên.”

Tờ Thời báo cũng trích dẫn những nguồn tin từ báo chí Đức nói rằng từ tháng 10 năm 2017, lệnh bắt giữ ông Đường Minh Hưng đã được Berlin gửi cho Viện Công tố nước Cộng hòa Slovakia láng giềng, nơi có cáo buộc cho rằng Trung tướng Đường Minh Hưng đã có mặt ở đó để đến Đức chỉ huy chiến dịch bắt cóc.

Hiện nay tại Berlin đang diễn ra phiên tòa xét xử vụ án mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức. Các nhân chứng cũng như những chứng cớ từ video của khách sạn cho thấy sự có mặt của ông Đường Minh Hưng tại Berlin.

Ông Trịnh Xuân Thanh là một cán bộ cao cấp của ngành dầu khí Việt Nam chạy trốn sang Đức vì bị cáo buộc tham nhũng. Khi đang làm đơn xin tị nạn tại Đức thì ông bị bắt về Việt Nam.

Vụ án bắt cóc này đã làm cho nước Đức đình chỉ những hoạt động đối tác chiến lược với phía Việt Nam. Hà Nội nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/germany-vietnam-duongminhhung-05222018084502.html

 

Lúa mì Nga nhập vào Việt Nam bị nghi nhiễm khuẩn

Ba tàu lúa mì có xuất xứ từ Nga không được dỡ hàng tại Việt Nam vì bị phát hiện có hạt giống cỏ. Mạng báoAgricensus loan tin này ngày 21 tháng 5; tuy nhiên tin không cho biết địa điểm cụ thể cảng dỡ hàng ở đâu.

Agricensus dẫn một nguồn tin thị trường nói rằng gần đây có thông tin về vấn đề mặt hàng lúa mì Nga nhập vào Việt Nam bị nhiễm khuẩn.

Một nguồn tin khác thì nói rằng do có nghi vấn về dấu vết hạt cỏ bị cấm ở Việt Nam nên ba tàu phải bị kiểm tra; tuy nhiên sau khi lực lượng chức năng phát hiện không có gì sai sót nên hiện hàng hóa đang được bốc dỡ.

Những tuần gần đây, lúa mì có giá cạnh tranh khi vào thị trường Châu Á và người tiêu dùng lựa chọn lúa mì thay vì ngô khiến ngô bán chậm và thậm chí bị hủy hợp đồng vì giá cao.

Nhưng cũng có những lo lắng về lúa mì nhiễm khuẩn khiến người mua thận trọng khi mua lúa mì và có thể ảnh hưởng đến việc nhập lúa mì vào Việt Nam trong tương lai.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/russian-feed-wheat-cargoes-held-at-vietnam-on-infestation-fears-05222018094801.html

 

LS: Ông Duy Thức chỉ ‘chuẩn bị lật đổ’,

có thể đặc xá theo luật mới

Một luật sư cho hay ông và gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức mới đây nộp đơn đề nghị Chủ tịch nước Việt Nam cứu xét việc đặc xá cho tù nhân lương tâm này chiểu theo các điều khoản của luật hình sự mới.

Ông Thức, năm nay 52 tuổi, là một kỹ sư, doanh nhân, đồng thời là blogger có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền. Đến tháng 5 năm nay là tròn 9 năm kể từ ngày ông bị công an Việt Nam bắt vì tội “trộm cước viễn thông” và “tuyên truyền chống nhà nước”.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hồi cuối tháng 11/2009 nêu ra những gì được xem là bằng chứng để kết tội ông Thức, nổi bật là việc ông lập “Nhóm nghiên cứu Chấn” có 5 người tham gia, kể cả bản thân ông.

Viện kiểm sát lập luận rằng trong vai trò là người thành lập nhóm nghiên cứu, ông Thức đã “đề ra đường lối, kế hoạch hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của tổ chức này”.

Những hành vi của ông Thức và những người tham gia nhóm bị viện kiểm sát xem là “phạm tội” gồm: lập một trang web để “tuyên truyền hoạt động” của nhóm; tiếp cận, mở rộng quan hệ nhằm “tác động” hoặc “gây mất đoàn kết” trong số các lãnh đạo cấp cao; lôi kéo tầng lớp trí thức; kêu gọi chính phủ các nước và tổ chức phi chính phủ có tư tưởng thù địch chống Việt Nam ủng hộ hoạt động của Nhóm nghiên cứu Chấn; và làm ra tài liệu “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền”, phao tin bịa đặt.

Toàn bộ các hành vi của ông Thức chỉ là hành vi chuẩn bị phạm tội xét theo khuôn khổ pháp lý hiện hành. Ông Thức không tham gia tổ chức nào cả. Nhóm nghiên cứu Chấn không hẳn là tổ chức chính trị để lật đổ chính quyền.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Sau các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần lượt vào tháng 1 và tháng 5/2010, cuối cùng ông Thức nhận bản án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Bản án dành cho cá nhân ông Thức được tuyên căn cứ vào điều 79 của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt dành cho “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền”.

Điều luật này chỉ có hai khoản ngắn gọn viết rằng “Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình” và “Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

Hoa Kỳ, Anh, Úc cùng nhiều nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án hoặc bày tỏ quan ngại về những bản án nặng dành cho ông Thức và một số người liên quan.

Kể từ đó đến nay đã có nhiều lời kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm này xuất phát từ gia đình ông, các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế khác nhau.

Gần đây nhất, cuối tháng 4/2018, gia đình ông đã gửi thư đề nghị “đặc xá, trả tự do” cho ông Thức đến chủ tịch nước, thủ tướng Việt Nam và một số nhà chức trách liên quan.

Luật sư Ngô Ngọc Trai, người tư vấn pháp lý cho gia đình ông Thức, cho VOA biết nỗ lực mới nhất này dựa trên sự thay đổi về luật pháp được xem là “có lợi” cho ông Thức.

Bộ luật hình sự mới của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày đầu năm 2018, có điểm thay đổi trong điều luật về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Luật sư Trai chỉ ra rằng điều luật có một khoản bổ sung nói về “chuẩn bị phạm tội” với mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.

Ông Trai so sánh việc làm của ông Thức với luật mới:

“Toàn bộ các hành vi của ông Thức chỉ là hành vi chuẩn bị phạm tội xét theo khuôn khổ pháp lý hiện hành. Ông Thức không tham gia tổ chức nào cả. Nhóm nghiên cứu Chấn không hẳn là tổ chức chính trị để lật đổ chính quyền. Nó có dáng dấp là tiền thân của một tổ chức trong tương lai mà thôi”.

Luật sư cho hay thư đề nghị đặc xá dài 15 trang khẳng định những việc làm của ông Thức “không phải là thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bản án nặng hồi năm 2010 dành cho ông “rất cần được xem xét lại”.

Một cơ sơ pháp lý nữa để gia đình kêu gọi nhà chức trách tha tù cho ông Thức là căn cứ vào Luật đặc xá, theo luật sư Ngô Ngọc Trai.

Tù nhân lương tâm như ông Thức được rất nhiều cơ quan, tổ chức, đài báo quốc tế quan tâm. Nhà nước Việt Nam cần thiết xem xét khoan hồng, và nương nhẹ cũng như đặc xá dựa vào các yếu tố đối nội, đối ngoại.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Vị cố vấn pháp lý cho hay bức thư đề cập đến thực tế là đến tháng 5 năm nay, ông Thức đã thụ án là tròn 9 năm trong tổng số 16 năm của bản án “quá khắc nghiệt”, trong khi bản chất các việc làm của ông “chỉ là những hành vi chuẩn bị nhắm tới tác động vào nhận thức con người”. Vì vậy, gia đình mong muốn nhà chức trách áp dụng các điều luật về đặc xá trong trường hợp đặc biệt “để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của nhà nước”.

Cũng nhắc đến việc nhiều nước có tầm ảnh hưởng lớn và các tổ chức quốc tế lâu nay vẫn quan tâm và thúc giục Việt Nam ân xá cho ông Thức nói riêng và các tù nhân lương tâm khác nói chung, bức thư viết rằng nhà chức trách “rất cần cân nhắc” trả tự do cho ông Thức, vì việc đó vừa “có đầy đủ cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn để thực hiện” cũng như vừa “đem lại lợi ích cho đất nước”.

Luật sư Trai nói thêm với VOA:

“Dưới con mắt của quốc tế, nó không hẳn là hành vi phạm tội, mà chỉ là sự biểu đạt ôn hòa các quan điểm, tự do ngôn luận mà thôi. Để gỡ thế bí cho các cơ quan [chính quyền], trong luật đặc xá có hẳn một chương quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Tù nhân lương tâm như ông Thức được rất nhiều cơ quan, tổ chức, đài báo quốc tế quan tâm. Nhà nước Việt Nam cần thiết xem xét khoan hồng, và nương nhẹ cũng như đặc xá dựa vào các yếu tố đối nội, đối ngoại”.

Sau 3 tuần gửi thư đề nghị, vẫn chưa có hồi đáp từ phía nhà chức trách, luật sư Trai cho hay. Ông nhận định rằng các cơ quan liên quan như tòa án, viện kiểm sát, bộ công an sẽ dành nhiều thời nghiên cứu các lập luận nêu trong thư trước khi trả lời hoặc trình lên chủ tịch nước, người có thẩm quyền đặc xá, để nhà lãnh đạo này đưa ra quyết định.

https://www.voatiengviet.com/a/lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-c%C3%B3-%C4%91%E1%BB%A7-c%C4%83n-c%E1%BB%A9-ph%C3%A1p-l%C3%BD-%C4%91%E1%BB%83-%C4%91%E1%BA%B7c-x%C3%A1-tr%E1%BA%A7n-hu%E1%BB%B3nh-duy-th%E1%BB%A9c-/4404933.html

 

Quan chức dầu khí

đồng loạt ‘thôi chức’ vì ‘lý do sức khỏe’

Khánh An-VOA

Liên doanh dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro hôm 21/5 công bố quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo mới đối với chức Tổng Giám đốc và Chánh kế toán khi hai nhân sự đang nắm giữ các chức vụ này bất ngờ xin từ chức hai ngày trước đó vì “lý do sức khỏe” và “theo nguyện vọng cá nhân”.

Truyền thông trong nước xem đây là một sự kiện “biến động” khi 2 sếp lớn của ngành dầu khí bất ngờ “được thôi chức” trong cùng một ngày.

Trong khi đó, một chuyên gia phân tích chính sách của Việt Nam nhận định với VOA rằng đây có thể là bước khởi đầu của việc xử lý hai quan chức bị tố cáo đã nhận hàng chục tỷ đồng ngoài lãi suất trong chuỗi án tham nhũng liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và ngân hàng OceanBank.

Công thức “Kế toán 70%, giám đốc 30%”

Theo quyết định bổ nhiệm mà PVN công bố ngày 21/5, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tập đoàn sẽ giữ chức Tổng giám đốc Vietsovpetro thay cho ông Từ Thành Nghĩa, người đã gửi đơn xin “thôi chức” vào ngày 18/5. Ngoài ra, ông Võ Quang Huy cũng được chấp thuận cho thôi chức “chánh kế toán” theo nguyện vọng cá nhân và cả hai ông đều được điều đi “nhận nhiệm vụ” ở văn phòng đại diện PVN phía Nam.

Cựu Tổng giám đốc Từ Thành Nghĩa và cựu Chánh kế toán Võ Quang Huy là 2 trong số 3 quan chức lãnh đạo Vietsovpetro đã bị các bị cáo trong vụ án OceanBank chỉ đích danh đã nhận hàng chục tỷ đồng ngoài lãi suất qua hình thức “chăm sóc khách hàng” bằng quà và tiền.

Tại phiên tòa ngày 5/9/2017 xét xử đại án OceanBank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ OceanBank, khai đã đưa quà và tiền cho kế toán trưởng Võ Quang Huy và TGĐ Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến “khoảng 8 – 10 lần, có lần tặng một chục ngàn USD, 2 chục ngàn USD hoặc 300 triệu đồng”, theo Tuổi Trẻ.

Việc chi tiền ngoài lãi suất cho các lãnh đạo Vietsovpetro được bị cáo Nguyễn Minh Thu, phó TGĐ OceanBank cho biết: “Theo thỏa thuận thì phải đưa cho kế toán Vietsovpetro 70%, giám đốc Vietsovpetro 30%”.

Theo lời khai của nữ cựu quan chức OceanBank, sau khi ông Tuyến nghỉ hưu, bà tiếp tục chi khoản tiền “chăm sóc khách hàng” theo định kỳ này cho ông Từ Thành Nghĩa, TGĐ Vietsovpetro kế nhiệm ông Tuyến.

Tuy nhiên tại phiên tòa 5/9/2017, cả 3 lãnh đạo Vietsovpetro đều phủ nhận lời khai của các bị cáo Oceanbank, bất chấp câu hỏi của Hội đồng Xét xử rằng “Nếu không nhận tiền thì tại sao rất nhiều bị cáo lại khai giống nhau như vậy?”

“Vấn đề sức khỏe”

Ông Từ Thành Nghĩa được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Vietsovpetro từ ngày 1/7/2013 – 30/6/2018.

Trong đơn xin “thôi chức” gửi vào ngày 18/5, khi chỉ còn hơn 1 tháng là hết nhiệm kỳ, ông Nghĩa nói “đã dành hết tâm lực, trí tuệ và trách nhiệm để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức rất lớn đối với Tập đoàn Dầu khí và Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro”, theo Vietnam Finance.

Về lý do từ chức, TGĐ liên doanh dầu khí cho biết: “Ở vị trí người đứng đầu doanh nghiệp lớn có áp lực công việc thường trực cao, tuy đã rất cố gắng giữ gìn và rèn luyện, nhưng tôi đã gặp một số vấn đề về sức khỏe đang phải điều trị như: huyết áp cao, rối loạn tiền đình, rối loạn tiêu hóa (do phải mổ lấy sỏi mật năm 2017)”.

Trong khi đó, lý do xin thôi việc của Chánh kế toán Liên doanh dầu khí Võ Quang Huy chỉ được cho biết là “theo nguyện vọng cá nhân”.

Dầu khí: Mảnh đất màu mỡ của tham nhũng

8 tháng sau khi bị tố giác nhận tiền tỷ, lý do xin từ chức đồng loạt của các lãnh đạo Vietsovpetro có vẻ như không đủ thuyết phục những người theo dõi tình hình thời sự và các nhà phân tích.

Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia phân tích chính sách công ở Hà Nội, nhận định đây có thể là một bước tiếp diễn trong chuỗi xử án các đại án tham nhũng, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động năm 2018 của chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu.

Hàng chục quan chức và hàng trăm người có liên quan khác đến hai đại án PVN-OceanBank đã bị đem ra xét xử và bị tuyên các án tù nặng, kể cả án tử hình và chung thân.

“Trước kia phần lớn nằm ở phía lãnh đạo tập đoàn, chưa nói gì đến Vietsovpetro cả, vì Vietsovpetro hơi ‘nhạy cảm’. Vietsovpetro là liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô cũ, mà bây giờ Nga tiếp quản nên người ta chưa nói gì nhiều. Nhưng gần đây thì nó đã lan truyền sang Vietsovpetro rồi”, TS. Phạm Quý Thọ nói.

Theo cáo trạng của tòa án, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 31/11/2014, OceanBank đã chi tổng số tiền 1.576 tỷ đồng lãi ngoài cho các khách hàng, trong đó có 3 khách hàng lớn là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP). Cụ thể, VSP nhận 24,27 tỷ đồng, BSR nhận 19,36 tỷ đồng và PVEP nhận 76,78 tỷ đồng.

TS. Phạm Quý Thọ dự đoán việc 2 lãnh đạo Vietsovpetro “thôi việc” có thể chỉ là bước khởi đầu cho “quy trình” xử lý các quan chức bị tố cáo nhận hàng chục tỷ đồng trong số tiền hơn 1.500 tỷ chi lãi ngoài bị cho là đã “mất sạch”.

Dầu khí, đất đai… là những mảnh đất “màu mỡ” của tham nhũng. Với đặc tính lợi nhuận cao khi “chỉ cần khoan lên rồi đem bán”, theo TS. Thọ, việc kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam là rất khó.

“Nếu [đem ra] xử, thì bất cứ ở đâu có nguồn lực vật chất mà có các quan chức quản lý, thì kiểu gì cũng có tham nhũng, chỉ là ở mức độ nào đó thôi, chứ làm sao kiểm soát được hết tham nhũng trong thời gian vừa rồi với một thế chế như thế này”, TS. Thọ nói.

Theo đánh giá của chuyên gia về chính sách công tại Việt Nam, chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư tuy có vẻ như đang ngày càng “phức tạp” và mở rộng nhiều chiều, nhưng nếu chỉ tính riêng các đại án tham nhũng đã được liệt kê, cũng rất khó để người đứng đầu đảng Cộng sản có thể xử lý hết trong nhiệm kỳ này.

“Ngoài ra, ‘chống’ rồi còn phải ‘xây’ như thế nào để hết tham nhũng hoặc minh bạch hơn thì đấy là những câu hỏi rất lớn để các lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước phải tiếp tục làm”, TS. Phạm Quý Thọ nói.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-vietsovpetro-cao-benh-tu-chuc-sau-8-thang-bi-to-nhan-tien-oceanbank/4403303.html