Tin Việt Nam – 21/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 21/05/2018

Nông dân miền Trung điêu đứng

Đầu năm 2018, giá rau củ quả rớt thê thảm, tiếp theo, những tháng giữa năm, giá heo rớt thê thảm, giá dưa hấu rớt thê thảm, giá ớt rớt thê thảm. “Rớt thê thảm” như một khái niệm gắn liền với nhà nông miền Trung nói riêng và nhà nông Việt Nam nói chung. Có thể nói rằng chưa có năm nào nhà nông Việt Nam lại cõng cái cục nạn “rớt thê thảm” nặng nề như năm nay.

Từ rau củ quả đến dưa hấu

Một nông dân tên Việt, ở ngoại ô Hà Nội, chia sẻ:“Nhiều sản phẩm làm ra mà không có chỗ bao tiêu thì vất vả đấy! Thành phố cũng có hỗ trợ cho nông dân đấy nhưng chỉ mang tính hỗ trợ để êm chuyện thôi. Vì không có chính sách tiêu thụ hợp lý, không có thị trường nên nông sản phải chết. Chuyện hỗ trợ chỉ là làm cho dân người ta bớt nói nhiều thôi…”.

Ông Việt tỏ ra thất vọng với mọi chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bởi theo ông, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đóng vai trò truyền dịch nhiều hơn là tạo môi trường sức khỏe. Nghĩa là khi nông dân không còn đường ra cho nông sản, mọi chuyện rơi vào tình trạng bế tắc, thì nhà nước kêu gọi hỗ trợ nông dân bằng nhiều cách, trong đó có cả kêu gọi thị trường Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam. Cách làm này chẳng khác gì truyền dịch để cứu bệnh nhân thoát chết.

Nhiều sản phẩm làm ra mà không có chỗ bao tiêu thì vất vả đấy! Thành phố cũng có hỗ trợ cho nông dân đấy nhưng chỉ mang tính hỗ trợ để êm chuyện thôi. Vì không có chính sách tiêu thụ hợp lý, không có thị trường nên nông sản phải chết. Chuyện hỗ trợ chỉ là làm cho dân người ta bớt nói nhiều thôi.

Nhưng cái mà người nông dân cần nhất là môi trường làm việc và đầu ra của sản phẩm, nói nôm na là thị trường nông sản ổn định. Bởi thị trường nông sản ổn định đối với nhà nông cũng giống như môi trường tốt để phát triển và duy trì sức khỏe của con người. Người ta không thể sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại cho đến bệnh để được truyền dịch. Đầu ra của nông sản không có, thị trường nông sản bấp bênh và đối tác thu mua nông sản mờ ám là một môi trường xấu và độc hại trong sản xuất nông nghiệp.

Cứ lẩn quẩn trong điều kiện thị trường đó cho đến lúc ngã quị để được truyền dịch từ phát động/kêu gọi của chính phủ thì cơ thể nông nghiệp Việt Nam sẽ càng ngày càng xuống cấp, trì trệ, mệt mỏi…

Ông Nguyễn Á, nông dân trồng ớt và dưa hấu ở Quảng Ngãi, chia sẻ:“Dưa năm ngoái khá hơn, năm ngoái tám, chín ngàn mỗi ký thì năm nay chỉ còn một ngàn, một ngàn rưỡi trên mỗi ký thôi. Năm ngoái thương lái Trung Quốc còn mua chút ít, năm nay thương lái bỏ hết nên chắc là dân Quảng Ngãi chúng tôi khổ lắm…”.

Ông Á cho biết thêm là từ đầu năm 2018 đến nay, dường như nhà nông Quảng Ngãi chưa có vụ nào là không đụng thương lái Trung Quốc chơi khăm. Khác với nhiều năm trước là nông dân trồng các loại giống theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc, năm nay, nông dân trồng cây giống theo đơn đặt hàng của thương lái Việt Nam và loại bỏ yếu tố Trung Quốc ra khỏi sản xuất nông nghiệp.

Những tưởng như vậy sẽ tốt hơn, đến khi cuối vụ mới thấy mối nguy càng cao hơn trước. Bởi vì nông dân trồng theo thương lái Việt nhưng thương lái Việt lại chọn nhà buôn Trung Quốc làm đối tác. Cuối cùng, cái lệnh chọn giống cao nhất đến với người nông dân Việt lại nằm trong tay thương lái Trung Quốc. Và thị trường, đầu ra lớn nhất cho nông sản Việt vẫn là Trung Quốc.

Một khi Trung Quốc không nhập nông sản Việt Nam, thương lái Việt Nam sẽ rơi vào ế ẩm, không có lối thoát và kéo theo hậu quả cho nông nghiệp Việt Nam. Dưa hấu rớt xuống còn 1,500 đồng mỗi ký lô, ớt chìa vôi rớt xuống còn 2,500 đồng mỗi ký lô và cũng không tiêu thụ được hàng… Đó là tình trạng chung hiện nay của nông sản Việt Nam.

Với mức giá 1,500 đồng mỗi ký dưa và 2,500 đồng mỗi ký ớt thì nông dân Việt Nam không có đường sống, nhìn đâu cũng thấy cửa tử. Thua lỗ từ phân bón, giống cây, điện tưới tiêu, công lao động cho đến tiền thuê đất để canh tác… Nhiều nông dân phải bán bò, bán trâu để trả nợ cho vườn ớt, bãi dưa.

Ớt, nỗi ám ảnh của nông dân miền Trung

Ông Lê Cả, nông dân ở Quảng Nam, chia sẻ:“Cái công đầu tư cho một sào ớt thì không thể tính được, nhiều công lắm, còn giá phân thì đắt đỏ. Ớt nếu như giá năm ngàn đồng, sáu ngàn đồng mỗi ký lô thì dân còn lãi được chút đỉnh chứ giá có hai ngàn rưỡi, ba ngàn thì nông dân chỉ có nước bán bò để bù lỗ thôi chứ không còn nước cứu nữa rồi!”.

Một khi Trung Quốc không nhập nông sản Việt Nam, thương lái Việt Nam sẽ rơi vào ế ẩm, không có lối thoát và kéo theo hậu quả cho nông nghiệp Việt Nam.

Ông Cả cho biết thêm là tình hình thị trường ớt rớt giá một cách thê thảm đang làm cho người nông dân điêu đứng. Riêng với gia đình ông, con số thiệt hại có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Bởi từ đầu năm 2018, ông đã thuê hàng chục hecta đất màu để trồng ớt, và số tiền đầu tư cho hàng chục hecta ớt này lên đến 120 triệu đồng. Nhưng đến vụ thu hoạch, ớt chín trên đồng mà thương lái không đến mua, rồi thêm phần giá ớt vớt vát với 2,500 đồng trên mỗi ký lô do thương lái Việt Nam mua cầm chừng như vậy thì người nông dân sẽ thua lỗ thấp nhất là 1,5 ngàn đồng trên mỗi ký lô ớt.

Bởi vì theo thống kê sơ bộ của ông Cả, mỗi ký lô ớt phải đạt giá trung bình 4,000 đồng thì người nông dân mới huề vốn, nếu mỗi ký ớt cao hơn 4,000 đồng thì người nông dân có lãi chút đỉnh. Có những năm trước đây, giá ớt tăng lên 20,000 đồng mỗi ký lô, người nông dân bội thu. Nhưng đó là câu chuyện xưa cũ của nhà nông Việt Nam. Hiện tại, người nhà nông đã trải qua liên tục ba năm thất thu và cầm cự trên cánh đồng của mình như đang chống chọi với cái chết trên giường bệnh.

Đến bao giờ nông sản Việt Nam thôi rên xiết vì gia nông sản rớt thê thảm? Đến bao giờ thị trường nông sản Việt nam thôi điêu đứng vì yêu tố Trung Quốc? Đến bao giờ các cánh đồng Việt Nam trở lại thời trong lành, hiền hòa và thân thiện? Tất cả những câu hỏi đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam đều có thể đi vào bế tắc một khi tình hình thị trường nông sản Việt Nam ngày càng xấu đi và hơn hết là cánh cửa ra ngoài của nông sản Việt Nam ngày càng bó hẹp trong tầm nhìn Trung Quốc. Hơn bao giờ hết, nông nghiệp Việt Nam cần được sống một cách trọn vẹn và lành mạnh!

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/central-farmers-are-miserable-05212018095846.html

 

Cá chết hằng loạt trên sông La Ngà

chưa rõ nguyên nhân

Hàng trăm tấn cá chết nổi trắng khu vực sông La Ngà huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai đang được cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân.

Theo người dân ở đây, đêm 20/5, gần 300 tấn cá của các hộ dân nuôi bè có biểu hiện lờ đờ, đớp bọt khí, bơi nổi đầu lên mặt nước rồi chết ồ ạt, người dân không kịp trở tay. Đến sáng 21/5, hàng chục bè cá chết gần hết. Có hộ thiệt hại hàng chục tấn cá. Cá đến thời kỳ thu hoạch chiếm 70% nên thiệt hại rất nặng.

Hiện người dân tiếp tục gom xác cá bán cho thương lái đem về ủ phân với giá được nói là rẻ mạt, từ 2.000 đồng đến 8.000 đồng/kg. Mục đích  để vớt vát tài sản cũng như tránh ô nhiễm môi trường. Người dân trong khu vực thì mua cá về làm thức ăn cho gia súc.

Làng bè sông La Ngà kéo dài khoảng 1km ở vùng hạ lưu và có khoảng 500 lồng bè nuôi cá Lăng, cá Diêu Hồng, cá Chép.

Thảm họa cá chết hàng loạt lớn nhất tại Việt Nam cho đến nay xảy ra vào tháng 4 năm 2016 tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Nguyên nhân là do của Công ty Formosa Hà Tĩnh xả chất thải chứa độc tố trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Lâu nay cũng có những vụ cá chết hằng loạt được báo chí loan tin; nguyên nhân chủ yếu do hóa chất từ các nhà máy thải ra nguồn nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mass-fish-deaths-reported-in-dongnai-05212018095938.html

 

Chống tham nhũng theo kiểu ‘đạo đức cách mạng’

Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vượt qua cả tầm chính trị để vươn vào kinh tế và gần đây là nhằm làm ‘sống lại cuộc cách mạng về đạo đức’, David Hutt nhận định trên AsiaTimes hôm 20/5.

Suy thoái trong Đảng CS ‘còn chưa rõ địa chỉ’?

Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?

Hội nghị TƯ 7: Sẽ có thay đổi nhân sự?

Chiến dịch đạo đức

Tại Hội nghị Trung ương 7 diễn ra từ ngày 7 đến 12/5/2018, bên cạnh những vấn đề quan trọng như cải tổ nhân sự trong đảng, cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội, chiến dịch đạo đức của ông Trọng cũng chiếm lĩnh nghị trường, theo ông David Hutt, cây bút chuyên về chính trị Đông Nam Á.

David Hutt cho rằng việc nâng cao đạo đức đảng viên là cần thiết để chuẩn bị cho Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2021.

Hội nghị lần này đã đưa ra khái niệm ‘cán bộ cấp chiến lược’, là những người xuất sắc trong quản lý và đạo đức chính trị.

“Chiến dịch đã vượt qua tầm chính trị,” theo David Hutt trong bài mô tả động lực của công cuộc chống tham nhũng (Vietnam on a drive to revive its moral revolution).

“Hàng chục cựu giám đốc điều hành từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cũng như các doanh nhân hàng đầu và các quan chức an ninh cao cấp, bị tòa án truy tố.”

David Hutt đưa ra những lý do thực tế là tham nhũng đã khiến chính phủ trả giá đắt trong những năm qua, và vấn đề lớn hơn là Việt Nam đang phải đối mặt với nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách mở rộng.

“Đảng cũng nhận thức được rằng tính chính danh của Đảng trong công chúng bị suy yếu trong nhiều năm do vấn đề tham nhũng.”

“Nhưng trong những tháng gần đây đã có sự chuyển biến đáng chú ý từ đấu tranh tham nhũng kinh tế sang tham nhũng đạo đức trong Đảng, trở thành vấn đề ý thức hệ quan trọng hàng đầu trong viễn kiến của TBT Trọng,” David Hutt nhận định.

“Chiến dịch đạo đức đi đôi với những gì mà giới hoạt động dân chủ cho là cuộc đàn áp mạnh nhất đối với những bất đồng chính kiến trong nhiều thập kỷ.”

“Thay vì cho phép tự đánh giá lại nội bộ Đảng một cách rộng rãi hơn, chiến dịch đạo đức của ông Trọng được sắp xếp để chấm dứt tư duy tự do (free thought)”, theo David Hutt.

“Một mặt, đây là cuộc Thập tự chinh của phái bảo thủ phản ứng lại thời cuộc, và nay họ đã tạm thời phục hồi quyền bính, để đảm bảo các ý tưởng của họ không bị lối nghĩ mới tẩy đi.

“Mặt khác, xuất phát từ nhận thức rằng Đảng không thể tồn tại trong thời đại biến đổi của lịch sử Việt Nam nếu độc quyền về quyền lực của Đảng bị nới lỏng và nhận thức về Đảng tham nhũng hơn là đạo đức.”

Tác giả nước ngoài cũng nhận định:

“Nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng đang được công chúng quan tâm và bày tỏ thái độ hài lòng.”

‘Người đốt lò vĩ đại’

Trước đó, trong Đại hội Đảng 12 diễn ra tháng 1/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đấu tranh “chống tham nhũng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’

GS Nguyễn Phú Trọng là ‘tấm gương sáng của Đảng’

VN đang có ‘bước tiến tốt, tích cực’ trong chống tham nhũng

Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng được truyền thông nhà nước ca ngợi là ‘Người đốt lò vĩ đại’ với chiến dịch chống tham nhũng của ông.

“Lò” nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng,” ông Trọng nói trong bài phỏng vấn được hàng loạt báo Việt Nam đăng tải ngày 20/2.

Hàng loạt đảng viên ‘cao cấp’ đã ‘sa lưới’, điển hình là việc bỏ tù Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, gần đây là các vụ bắt và truy tố tướng Nguyễn Thanh Hóa và trung tướng Phan Văn Vĩnh liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44195715

 

VN sẽ đấu giá cổ phần của công ty du lịch thuộc PVN

 Courtesy of Tinnhanhchungkhoan.vn

Chính phủ Việt Nam dự định huy động 80 tỷ đồng, tương đương 3,52 triệu đô la, bằng cách thoái vốn tại chi nhánh dịch vụ du lịch của tập đoàn dầu khí quốc gia PVN.

Công tác thoái vốn dự kiến được thực hiện vào ​​ngày 24 tháng 5 tới đây, trong đó bao gồm việc bán đấu giá 7,1 triệu cổ phiếu, tương đương 11,9% cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSCVN) – một công ty con của PetroVietnam, với mức giá khởi điểm là 10.800 đồng một cổ phiếu.

Nếu việc đấu giá diễn ra thành công, VN sẽ thu về khoảng 80 tỷ đồng và sẽ không còn là cổ đông của Công ty CP Du lịch Dịch vụ Dầu khí VN nữa.

Công ty CP Du lịch Dịch vụ Dầu khí VN có vốn điều lệ 600 tỷ đồng (26,4 triệu USD), đã thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng vào năm 2015. Được thành lập vào năm 1997, Công ty CP Du lịch Dịch vụ Dầu khí VN tham gia vào các hoạt động du lịch, dịch vụ dầu khí và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, PVN đã hoàn thành việc cổ phần hoá Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí VN (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).

Thời gian tới, Petro VN dự tính sẽ cổ phần hóa Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam sau năm 2020 và sáp nhập Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và Viện Dầu khí Việt Nam vào năm 2020. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, PVN sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn và dự tính duy trì hơn 50% cổ phần tại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Vietsovpetro và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), đồng thời giảm cổ phần xuống dưới 50% tại 12 công ty con khác

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/state-to-exit-petro-vietnam-tourism-service-arm-in-share-auction-05212018091651.html

 

Kiến nghị giảm 120 năm thu phí với 40 dự án BOT

Vừa có thêm 40 dự án BOT bị kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm 120 năm thu phí. Trước đó đã có kiến nghị giảm hơn 107 năm thu phí đối với 27 dự án khác.

Tin trong nước cho biết như trên vào ngày thứ Hai 21.5.2018.

Theo báo cáo kết luận của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thì vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km.

Từ năm 2002 đến nay, Bộ Giao thông- Vận tải kêu gọi các nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có 68 dự án BOT- Xây dựng- Vận hành- Chuyển giao.

Ngày 20.5.2018 vừa qua, Báo Vietnamnet trích lời của Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, Nguyễn Nhật, cho biết có khả năng trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sẽ thu phí trở lại trong tháng 6 tới.

BOT Cai Lậy là nơi đã xảy ra nhiều cuộc phản đối gay gắt giữa lái xe và chủ đầu tư hồi tháng 8 và cuối tháng 11 năm ngoái gây ách tắc giao thông nhiều ngày liền. Các cuộc biểu tình phản đối của các lái xe với chủ đầu tư cũng kéo dài nhiều tuần lễ với lý do do các tài xế đưa ra là trạm thu phí đặt không đúng nơi quy định.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Proposal-to-reduct-20-years-toll-fee-at-40-bot-projects-05212018084400.html

 

Cử tri phản ánh việc thu hồi đất thiếu minh bạch

Cử tri phản ánh việc thu hồi đất thiếu minh bạch, đầu cơ “đẩy giá” đất, các dự án quy hoạch chưa được công khai…

Thông tin vừa nêu được ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ra tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV hôm 21tháng 5.

Theo ông Mẫn, đa số trong tổng cộng gần 4.000 ý kiến của cử tri cho rằng việc thu hồi đất thiếu minh bạch, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc đền bù, hỗ trợ tái định cư bất cập, gây bức xúc. Tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ “đẩy giá” đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa phương.

Ngoài ra, những dự án đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng ở khu vực trung tâm các thành phố lớn là nguyên nhân làm gia tăng mật độ dân cư, quá tải hạ tầng, gây tắc đường, ngập lụt và ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Mẫn, cử tri đề nghị chính phủ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp chung cư xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tránh “việc đã rồi” mới giải quyết.

Cũng tin liên quan, hôm 21 tháng 5 kiểm toán nhà nước vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về việc có nhiều vi phạm trong 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) trong năm 2017.

Theo cơ quan kiểm toán, những đặt ân về thanh toán, giao đất cho các dự án BT, không giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.

Cũng theo cơ quan kiểm toán, hầu hết dự án BT chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.

Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất thu tiền một lần không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra cơ quan kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu là vốn vay, ước lượng khoảng 85%. Nhưng lại được nhà nước tính lãi, với lãi suất tối đa bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ.

Vì vậy thực chất gần như toàn bộ dự án BT là vốn của nhà nước hoặc là vốn của nhà nước đi vay với lãi suất cao hơn lãi suất huy động. Việc này chứng tỏ, các dự án BT không làm giảm gánh nặng cho ngân sách.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/voters-reflect-the-lack-of-transparency-of-land-acquisition-05212018083047.html

 

Kêu gọi trả lại chùa Liên Trì, cơ sở Dòng Mến Thánh Giá

ở Thủ Thiêm

Một tuyên bố kêu gọi chính quyền trả lại chùa Liên Trì và các cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm vừa được dăng tải trên mạng vào ngày 19/5 vừa qua với chữ ký của hơn 10 tổ chức dân sự và hơn 100 cá nhân.

Theo tuyên bố, những thông tin được bạch hoá thời gian qua liên quan đến việc giải toả Thủ Thiêm để xây đô thị mới ở thành phố Hồ Chí Minh đã gây choáng váng trong xã hội, lợi ích thiết thân của hàng ngàn cư dân, quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Tuyên bố cũng nêu lên thực tế là việc cưỡng chế đất không chỉ xảy ra ở Thủ Thiêm mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác trên toàn quốc.

Vụ việc Thủ Thiêm, Theo tuyên bố, cho thấy tình trạng vô pháp trong thể chế độc tài toàn trị và một lần nữa phơi bày rõ gốc rễ vấn đề của sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngay sát quận 1, quận trung tâm của thành phố từ hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Việc đền bù và giải toả đã bắt đầu từ đầu nhưng năm 2000 và tăng tốc trong giai đoạn từ 2012. Kết quả đã có khoảng 14.600 hộ dân với khoảng 60,000 người phải di dời. Chùa Liên Trì có tuổi đời hơn 100 năm đã bị phá huỷ. Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá có tuổi đời hơn 100 năm hiện cũng có nguy cơ bị giải toả. Nhiều hộ dân ở Thủ Thiêm phản đối di dời vì mức đền bù không hợp lý đã nhiều năm ròng ra Hà Nội khiếu kiện.

Tuyên bố yêu cầu chính quyền ngay lập tức phải trả lại đất đai của chùa Liên Trì, các cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm, nghiêm trị các tổ chức, cá nhân lạm quyền , chấm dứt nạn cưỡng chế thu hồi đất trái nguyện vọng của người dân, công nhận chế độ đa sở hữu đối với đất đai trên toàn quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/petition-thu-thiem-05202018143343.html

 

BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại

Báo Vietnamnet hôm 20/5 trích lời của Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, Nguyễn Nhật, cho biết có khả năng trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sẽ thu phí trở lại trong tháng 6 tới.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy là nơi đã xảy ra phản đối gay gắt giữa lái xe và chủ đầu tư được thu phí ở trạm này hồi tháng 8 và cuối tháng 11 năm ngoái gây ách tắc giao thông. Biểu tình phản đối của các lái xe với chủ đầu tư kéo dài nhiều tuần lễ. Nguyên nhân được những lái xe đưa ra là trạm thu phí đặt không đúng nơi quy định.

Hồi đầu tháng 12 năm 2017, Thủ tướng chính phủ quyết định dừng thu phí trạm này trong vòng 30 ngày để đưa ra hướng giải quyết.

Tuy nhiên đến tháng 4 vưa qua Bộ GTVT mới đưa ra 5 phương án giải quyết vấn đề thu phí trạm BOT Cai Lậy.

Vietnamnet trích lời Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay trong 5 phương án đưa ra hiện chỉ còn lại hai phương án khả thi. Cả hai phương án này đều bao gồm việc thu lại phí trạm BOT Cai Lậy. Người đại diện Bộ GTVT cho biết bộ này sẽ làm việc với Uỷ ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang theo chỉ đạo của Thủ tướng về phương án thu lại phí tại trạm BOT Cai Lậy. Theo dự kiến trạm sẽ thu lại phí trong tháng 6 tới.

Phương án 1 được Bộ GTVT đề xuất sẽ giảm mức thu từ 35.000 đồng một xe con xuống 15.000 đồng. Phương án 2 được đề xuất đặt thêm trạm nữa trong tuyến tránh và thu phí cả hai trạm, khi hoàn vốn trạm ở quốc lộ 1 thì dỡ và khi hoàn vốn tại truyến tránh sẽ dỡ bỏ cả hai.

Ngay sau khi thông tin về việc thu phí trở lại trạm Cai Lậy xuất hiện, một số lái xe đã lên facebook bày tỏ sự thất vọng và bất bình trước quyết định mới. Có tài xế viết sẽ sử dụng lại tiền lẻ, cách mà họ đã sử dụng trong các lần phản đối trước kia tại trạm này để phản đối thu phí.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bot-cai-lay-resumes-collection-05202018141317.html

 

Hai công ty xi măng Quảng Bình

bị tố mua chất thải Formosa để sản xuất xi măng

Một công ty xi măng ở tỉnh Quảng Bình lâu nay bị người dân địa phương nghi ngờ chở chất thải từ nhà máy thép của Formosa về làm chất phụ gia, nhưng các giám đốc công ty và giới chức chính quyền lên tiếng bác bỏ.

Nay một phóng sự của báo Tiền Phong xác nhận nghi vấn này là đúng. Ngoài ra, còn có thêm nghi vấn các công ty phải chia chác với giới chức Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường CSVN.

Từ đầu năm nay, dư luận ở Quảng Bình xôn xao về việc công ty xi măng Sông Gianh ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, và công ty vận tải thương mại Lê Nam ở thị xã Ba Đồn đã nhập chất thải dưới dạng tro bay từ Formosa về làm chất phụ gia trong sản xuất xi măng. Tuy nhiên, các giám đốc của cả hai công ty nói họ chỉ nhập chất thải từ nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.

Một phóng sự trên tờ Tiền Phong hôm Thứ Bảy 19/05 cho biết, trung bình mỗi ngày có ít nhất vài ba chuyến xe bồn của công ty Lê Nam vào ra nhà máy Formosa. Trước những hình ảnh của phóng viên thu được, ông Lê Thanh Hải, giám đốc công ty Lê Nam, thừa nhận là có chở tro bay từ Formosa. Theo lời ông này, tro bay của nhiệt điện Vũng Áng không đủ cung cấp cho nhà máy xi măng Sông Gianh. Ông Hải còn nói với phóng viên tờ Tiền Phong rằng, công ty Lê Nam không kiếm được nhiều tiền từ việc nhập tro bay của Formosa, “vì phải chia phần cho nhiều người, trong đó có một số người ở Bộ Tài Nguyên Môi Trường”.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/hai-cong-ty-xi-mang-quang-binh-bi-to-mua-chat-thai-formosa-de-san-xuat-xi-mang/