Tin khắp nơi – 19/05/2018
Nữ diễn viên Mỹ Meghan Markle
chính thức trở thành Công Nương xứ Sussex
Hoàng Tử Harry và cô Meghan Markle đã trở thành vợ chồng sau lễ cưới do Tổng Giám mục xứ Canterbury chủ lễ trong khung cảnh tráng lệ nhưng ấm cúng của Nhà Nguyện Thánh George trước sự hiện diện của đông đảo quan khách gồm thành viên của hoàng gia và nhiều ngôi sao quốc tế.
Cô dâu Megan Markle mặc có cưới màu trắng trang nhã do nhà thiết kế nổi tiếng người Anh, bà Clare Waight Keller, sáng tạo. Khác với truyền thống, cô dâu bước vào nhà nguyện một mình, tới giữa nhà nguyện, cô được Thái tử Charles, cha của chú rể, đưa đến nơi chú rể đang đứng chờ.
Hoàng tử Harry mặc một bộ quân phục như phù rể, Hoàng tử William. Nữ Hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip đến nơi bằng xe hơi trước đó.
Cặp đôi hoàng gia trao đổi những lời nguyện ước trả lời những câu hỏi của Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby, hứa sẽ yêu thương, an ủi, tôn trọng nhau “trong thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta”.
Cảm động, mẹ cô dâu, bà Doria Ragland, 61 tuổi, không cầm được nước mắt.
Như được dự kiến từ trước, Meghan Markle không hứa sẽ “phục tùng” chồng, biểu hiện tính độc lập của một phụ nữ hiện đại.
Người đưa nhẫn là Hoàng Tử William, Công tước xứ Cambridge. Meghan Markle được Hoàng tử Harry tặng một chiếc nhẫn làm bằng vàng của xứ Welsh trong khi Hoàng tử Harry nhận chiếc nhẫn bạch kim trước sự chứng kiến và đông đảo quan khách. Giám mục Welby tuyên bố hai người chính thức là vợ chồng trong tiếng hò reo vui mừng vang dội từ bên ngoài nhà nguyện.
Trong lễ cưới, Hoàng Tử Harry và Meghan Markle đã có nhiều chi tiết để tưởng nhớ Công Nương Diana, như những đóa hồng màu trắng mà mẹ chú rể yêu thích thuở sinh tiền được dùng để trưng bày nhà nguyện.
Trong một cử chỉ khác để tỏ lòng tôn trọng bên ngoại, bà Jane Fellowes, chị của Công nương Diana, đã đọc một đoạn trong Kinh Thánh để chúc phúc đám cưới của cháu trai.
Vài giờ trước lễ cưới, Nữ Hoàng Elizabeth phong tước cho cháu nội, chú rể Harry, làm Công tước xứ Sussex, và như thế, Meghan Markle, nữ diễn viên người Mỹ mang hai dòng máu, đã có một đời chồng, trở thành Công Nương xứ Sussex, như trong truyện cổ tích.
Được chú ý nhiều trong số các khách quý đến từ Hoa Kỳ có Oprah Winfrey, người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ, vợ chồng tài tử George Clooney. Về phía người anh, đáng chú ý có ngôi sao bóng đá David Beckham và vợ, nhà thiết kế Vicotria, và James Corden, người dẫn chương trình “The Late Late Show” của Mỹ.
Những quan khách khác gồm nữ quán quân quần vợt Serena Williams, thân nhân của Hoàng tử Harry bên gia đình Công nương Diana, danh ca Elton John, nam diễn viên Idris Elba, và hai bạn gái cũ của Hoàng tử Harry.
Hãng tin Reuters trích lời ông Kenny McKinlay, 60 tuổi, đến từ Scotland để chứng kiến đám cưới hoàng gia. “Đây là lúc mà tất cả mọi người có thể ăn mừng sự hồi sinh của gia đình hoàng gia”, ông nói. “Đây là thời điểm khi cả đất nước có thể đoàn kết với nhau thay vì chia rẽ. Đây là một ngày mà mọi người có thể tự hào là công dân nước Anh.”
https://www.voatiengviet.com/a/meghan-markle-chinh-thuc-tro-thanh-cong-nuong-xu-sussex/4401087.html
Meghan và Hoàng gia Anh – Ai sẽ phải thay đổi?
Mọi đám cưới hoàng gia đều khác nhau. Nhưng mỗi đám cưới hoàng gia là một cơ hội, theo một cách nào đó, để khởi động lại Gia đình Hoàng gia.
Một lễ cưới nguy nga tráng lệ như thế này cũng khá hiếm hoi và đương nhiên trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.
Đó là một cơ hội tuyệt vời để thể hiện: “Đây là Gia đình Hoàng gia ngày nay.”
Nhưng đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle sẽ là một đám cưới hoàng gia rất khác biệt.
Trump ‘không biết’ về lời mời dự cưới hoàng tử Anh
Nguyên tắc trang phục Hoàng gia Anh
‘Cẩm nang’ ngày Harry cưới Meghan 19/05
Đám cưới này sẽ trông khác và cũng sẽ đem lại cảm nhận rất khác với các đám cưới hoàng gia trước đó. Vì đám cưới này, cô dâu cũng rất khác biệt.
Đầu tiên, không phải bởi vì Meghan là một người bình thường. Vì giờ đã có một vài người không thuộc giới quý tộc cũng kết hôn với người của hoàng gia trong những năm qua.
Cũng không phải vì Meghan đã từng có một đời chồng, mặc dù chỉ mới 82 năm trước, một vị hoàng tử phải thoái vị để có thể cưới một người đã ly hôn – và 50 năm trước, công chúa Margaret đã phải từ bỏ tình yêu của cuộc đời bà vì người đó đã ly hôn.
Cũng không phải vì Meghan là người Mỹ – kết hôn với người nước ngoài là điều hoàn toàn được chấp nhận bởi gia đình hoàng gia Anh.
Điều khác biệt ở đây là gia đình của Meghan không rành các quy tắc về việc trở thành thành viên của gia đình Hoàng gia, hoặc – nếu họ có biết – họ cũng thực lòng chẳng quan tâm.
Việc mẹ cô dâu là một người Mỹ gốc Phi là một điều ngoạn mục, có thể nói là một cuộc cách mạng cho gia đình hoàng gia.
Và Meghan có thể đã (hoặc có) một công việc và là một nữ quyền tự xưng, một thành viên đại diện cho thế hệ #MeToo.
Vì vậy, sự xuất hiện của Meghan Markle đánh dấu một sự thay đổi lớn cho những gì vẫn còn là một truyền thống của một tổ chức khá thủ cựu.
Một số người cho rằng Meghan đang hiện đại hóa – hoặc thậm chí còn cứu giúp – chế độ quân chủ.
Cô ấy cũng từng nói: “Tôi không bao giờ muốn trở thành một phụ nữ ăn trưa, tôi luôn muốn trở thành một người phụ nữ làm việc.”
Thật ra thì, công việc chính của hoàng gia dự các bữa ăn trưa. Và trà. Và khai mạc mở cửa bệnh viện, tham dự các hoạt động từ thiện.
Và luôn phải trông thật bảnh bao xinh đẹp, và gật đầu rất nhiều, và không nói nhiều hơn ngoài việc hỏi thăm sức khỏe và bình luận về thời tiết.
Đấy cũng là những việc quan trọng – nhưng thực tế là rất nhàm chán và cũng không phải là công việc mà Meghan quen thuộc.
Vì vậy, chúng ta phải chờ xem – Meghan có thay đổi được Gia đình Hoàng gia không? Hay là Gia đình Hoàng gia sẽ thay đổi cô ấy?
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44179303
Hơn 100 người chết trong tai nạn máy bay Cuba
Hơn 100 người thiệt mạng khi chiếc Boeing 737 của hãng hàng không quốc gia Cuba, Cubana de Aviacion, lao xuống và phát nổ gần sân bay quốc tế Jose Marti của Havana, truyền thông nước này đưa tin.
Ba người sống sót hiện trong tình trạng nguy kịch ở bệnh viện, báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba nói.
Tân chủ tịch Cuba ‘ra đời sau Cách mạng’
Zambia buộc Cuba triệu hồi đại sứ
Quanh việc Việt Nam xoá nợ cho Cuba
Chiếc phi cơ rơi xuống ngay khi vừa cất cánh, theo hãng thông tấn Prensa Latina.
Trên khoang có tổng số 104 hành khách và 9 người nước ngoài là thành viên phi hành đoàn, theo truyền thông địa phương.
“Đã xảy ra vụ tai nạn hàng không đáng tiếc. Tin tức không mấy khả quan, số nạn nhân có vẻ sẽ rất cao,” Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel được truyền thông dẫn lời.
Chiếc phi cơ do hãng Cubana de Aviacion thuê của công ty Mexico Damojh, hãng thông tấn Cuba Prensa Latina nói.
Truyền hình nhà nước nói đây là chuyến bay nội địa, từ thủ đô Havana đi Holguin, nằm ở miền đông hòn đảo.
Các hình ảnh cho thấy một cột khói dày bốc lên ở địa điểm xảy ra tai nạn. Các nhóm cứu hỏa và xe cấp cứu đã tới hiện trường.
Kênh phát thanh Havana Cuba nói trên Twitter rằng chiếc phi cơ rơi xuống ‘xa lộ’ giữa Boyeros và Havana, gần sân bay.
Tuy nhiên, hãng tin NBC News của Mỹ nói rằng chiếc phi cơ được tìm thấy trên một nông trại sắn quốc doanh rộng lớn.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44176726
Ký giả Nam Hàn không được sang Bắc Hàn
giám sát việc đóng địa điểm thử vũ khí hạt nhân
Seoul, Nam Hàn.- Chính phủ Nam Hàn hôm nay 18/05 cho hay, Bắc Hàn đã từ chối tiếp nhận đoàn ký giả miền Nam sang giám sát việc họ đóng địa điểm thử vũ khí hạch tâm.
Sự kiện này làm gia tăng mối ngờ vực về lời cam kết của Bình Nhưỡng sẽ xoa dịu tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Nó cũng khiến dư luận lo ngại về khả năng có thể diễn ra hội nghị thượng đỉnh theo dự tính tổ chức tại Singapore ngày 12 tháng 6 giữa lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cũng như nguy cơ huỷ bỏ các cuộc hội đàm với Nam Hàn.
Bộ Thống nhất Nam Hàn nói việc từ chối danh sách ký giả Nam Hàn tham dự cuộc giám sát là dấu hiệu đáng ngờ vực về cam kết đóng cửa địa điểm thử vũ khí hạch tâm của miền Bắc.
Tuần qua, Bắc Hàn lên tiếng mời một số ký giả Nam Hàn và các quốc gia khác đến chứng kiến việc đóng cửa địa điểm bắn thử vũ khí hạch tâm Punggye-ri. Đề nghị trên của Bắc Hàn được coi là sự nhượng bộ đáng kể sau nhiều tháng căng thẳng bang giao giữa hai miền Nam và Bắc Hàn, và giữa Bắc Hàn với liên minh Nam Hàn và Hoa Kỳ.
Hôm qua, tổng thống Trump có vẻ xuống giọng, khi nói rằng an ninh của Kim Jong Un được bảo đảm, và Bắc Hàn sẽ không chịu chung số phận như Libya của nhà độc tài Gaddafi.
Cũng hôm qua, trưởng đoàn thương thuyết Bắc Hàn tố cáo đoàn Nam Hàn thiếu hiểu biết và không đủ năng lực, đồng thời phản đối cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp Hoa Kỳ và Nam Hàn. (Song Châu)
Thủ tướng Đức khẳng định
sẽ duy trì quan hệ tốt với Nga
Sochi, Nga – Trong cuộc họp báo chung với Tổng Thống Vladimir Putin tại Sochi, Nga, Thủ Tướng Đức Angela Merkel hôm Thứ Sáu 18 tháng 5 nói rằng, Đức sẽ có nhiều lợi ích chiến lược khi duy trì quan hệ tốt với Nga, và thêm rằng điều này không mâu thuẫn với quan hệ đồng minh của Đức với Hoa Kỳ.
Bà Merkel cũng nhắc lại sự cần thiết của việc tiếp tục vận chuyển xăng dầu thông qua Ukraine, ngay cả sau khi đường ống Nord Stream 2 hoàn tất, vốn là một đường ống đi vòng bên ngoài Ukraine. Thủ tướng Đức cho biết bước kế tiếp của Ukraine sẽ là tham gia một nhiệm vụ duy trì hòa bình bắt buộc của Liên Hiệp Quốc.
Về vấn đề Syria, bà Merkel đã nhắc với ông Putin các mối lo ngại liên quan đến các sắc lệnh của Tổng Thống Bashar al-Assad, vốn có thể tước đoạt quyền sở hữu nhà cửa của những người tị nạn Syria, gây trở ngại cho họ khi quay về quê hương. Hơn 1.6 triệu người tị nạn, chủ yếu đến từ Trung Đông và các nước châu Phi, đã vào nước Đức trong năm 2014. Chính sách thu nhận người tị nạn của bà Merkel đã khiến liên minh bảo thủ của bà mất nhiều phiếu vào tay một đảng cực hữu trong cuộc bầu cử vào năm ngoái.
Trong phần nói chuyện của Tổng Thống Putin, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố ông sẽ chống lại mọi nỗ lực của Tổng Thống Trump, muốn ngăn cản dự án xây dựng đường ống nhiên liệu Nga Đức. Berlin và Moscow từng đối đầu khi Nga sát nhập bán đảo Crimea vào 4 năm trước. Tuy nhiên, 2 nước lại có lợi ích chung trong dự án đường ống Nord Stream 2, vốn sẽ giúp Nga xuất cảng thêm nhiều khí đốt tới vùng bắc châu Âu. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-duc-khang-dinh-se-duy-tri-quan-he-tot-voi-nga/
Trung Cộng đồng ý gia tăng
mua hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ
Washington DC- Theo tờ Wall Street Journal đưa tin cho biết, kết thúc ngày đàm phán thứ hai trong nỗ lực ngăn chặn chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, phía Bắc Kinh đồng ý tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ, nhưng từ chối đáp ứng yêu cầu cắt giảm hơn một nửa thâm hụt thương mại hàng năm giữa hai nước.
Theo nguồn tin ngoại giao cho biết, phía Trung Cộng rất thận trọng trong việc đưa ra thông tin cụ thể về các giao dịch cũng như số lượng và loại mặt hàng mà nước này sẽ nhượng bộ. Trong nỗ lực đàm phán giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nước, tổng thống Trump cho biết ông sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Cộng ZTE và bảo đảm ZTE có thể trở lại kinh doanh. Đáp lại, Bắc Kinh cũng chấm dứt cuộc điều tra chống bán phá giá đối với lúa miến nhập cảng của Hoa Kỳ.
Trong bài phỏng vấn với Fox Business Network, ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ đang xem xét giảm bớt các hình phạt hiện tại đối với ZTE. Thay vào đó, sẽ dùng các biện pháp thay thế như thay đổi nhân viên quản lý cấp cao và các thành viên hội đồng quản trị. Theo ông Kudlow, những thay đổi như vậy vẫn “sẽ rất khắc nghiệt”. Nhìn chung, đàm phán giữa hai nước đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
Ông Kudlow giành nhiều lời khen cho Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn Trung Cộng là một người thông minh và am hiểu thị trường. Trong cuộc gặp tổng thống Trump hôm Thứ Năm 17/05 tại Văn phòng Bầu Dục, ông Lưu đưa ra “một bài thuyết trình xuất sắc” liên quan đến việc cắt giảm thuế quan của Trung Cộng và các biện pháp khác, vì vậy tổng thống Trump trở nên “lạc quan hơn nhiều”. Sau đó, ông Trump cũng tuyên bố sẵn lòng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với ZTE. Tuy nhiên, đổi lại Trung Cộng phải xóa bỏ các rào cản thuế quan đối với một loạt các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ.
https://www.sbtn.tv/trung-cong-dong-y-gia-tang-mua-hang-hoa-va-dich-vu-cua-hoa-ky/
Trump cáo buộc FBI cài tay trong
vào chiến dịch tranh cử của ông
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu 18/5 tiếp tục đả kích Bộ Tư pháp khi cho rằng FBI có lẽ đã cài cắm hoặc tuyển mộ một tay trong nằm trong ban vận động tranh cử của ông hồi năm 2016.
Tuyên bố của ông Trump chưa đến mức cáo buộc FBI dọ thám chiến dịch tranh cử của ông nhưng ông dẫn nguồn tin giấu tên cho rằng ít nhất một đặc vụ FBI đã được ‘cài cắm’ vào ban vận động tranh cử của ông để phục vụ mục đích chính trị.
“Nếu tin này là đúng thì sẽ là vụ bê bối chính trị lớn nhất mọi thời đại,” Trump viết trong một dòng tweet.
Cựu Thị trưởng New York Rudolph Giuliani, hiện giờ là một trong số các luật sư của ông Trump, gần như ngay lập tức phủ nhận phỏng đoán này của ông Trump. Ông Giuliani nói trên CNN: “Tôi không biết chắc có phải FBI có tay trong hay không. Tổng thống cũng vậy.”
“Lâu nay chúng tôi vẫn nghe nói là có sự thâm nhập gì đó,” Giuliani said. “Có lúc, Tổng thống cho rằng họ cài thiết bị nghe lén.”
Cả ông Trump lẫn ông Giuliani đều không đưa ra bất cứ bằng chứng gì về việc chính phủ Mỹ đã thâm nhập vào chiến dịch bầu cử Tổng thống của ông.
Trong khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra khả năng thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với Nga, ông Trump và một số đồng minh cáo buộc rằng một số thành phần trong Bộ Tư pháp đang tìm cách phá hoại chính quyền của ông.
Ông Glenn Simpson, người đứng đầu một công ty tư vấn ở Washington và từng thuê cựu điệp viên người Anh, Christopher Steele, để điều tra các giao dịch của ông Trump với phía Nga trước chiến dịch tranh cử, đã ra làm chứng trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện hồi tháng Tám năm ngoái rằng một số thông tin mà ông có được là ‘thông tin tình báo từ con người’.
Tuy nhiên, ông Simpson không nói bất cứ điều gì có thể chứng minh cho cáo buộc rằng giới chức Mỹ có thể đã cài tay trong vào chiến dịch tranh cử của ông Trump.
FBI đã từ chối bình luận về cáo buộc này.
CNN tường thuận rằng giới chức Mỹ cho biết “nguồn tin tình báo mật không hề được cài cắm bên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump để cung cấp thông tin cho các nhà điều tra.”
Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng hòa đang yêu cầu tiếp cận thông tin mật có liên quan đến người bị cáo buộc là tay trong này. Bộ Tư pháp đã từ chối đáp ứng yêu cầu đó.
Giám đốc FBI Christopher Wray, một người do ông Trump đề cử, hôm thứ Tư 16/5 đã nhắc lại sự cần thiết phải bảo vệ những người hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật hay các quan chức tình báo.
Đô đốc Harris
được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/5 đề cử Đô đốc Harry Harris làm đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, theo loan báo từ Tòa Bạch Ốc.
Thông tin được đưa ra trong lúc ông Trump đang chuẩn bị cho thượng đỉnh dự trù diễn ra vào tháng sau với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un mà Bình Nhưỡng đe dọa có thể tẩy chay cuộc họp này.
Nếu được Thượng viện chuẩn thuận, ông Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương, sẽ điền khuyết vị trí bị bỏ trống kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống đầu năm 2017.
Đô đốc Harris là tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ông cũng ủng hộ việc bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD tới Hàn Quốc.
Theo các nhà phân tích, việc đề cử này cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tập trung mọi nỗ lực và sự chú ý vào bán đảo Triều Tiên trước các cuộc hội đàm quan trọng.
Tại một phiên điều trần ở Thượng viện hồi tháng Ba, ông Harris nói Triều Tiên là ‘mối đe dọa an ninh khẩn cấp nhất’ đối với Hoa Kỳ ở khu vực châu Á.
Mặc dù ông Harris có quan điểm quân sự diều hâu, các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có lẽ sẽ không đặc biệt quan ngại về việc ông được bổ nhiệm tới Seoul.
Ông Harris từng phát biểu trong một buổi điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng ông không mấy lạc quan về kết quả từ một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim.
Theo Reuters
Vụ xả súng học đường ở Texas:
Một học sinh bị truy tố
Nhà chức trách ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, truy tố một học sinh 17 tuổi tội giết người trong vụ xả súng học đường khiến 10 người thiệt mạng ngày 18/5.
Tay súng được xác định danh tính là Dimitrios Pagourtzis nổ súng trong lớp ở trường trung học Santa Fe, thuộc quận hạt Harris, khoảng 8 giờ sáng cùng ngày.
Đây là vụ mới nhất trong loạt các vụ bạo lực súng ống học đường tại Mỹ.
Giới hữu trách cho biết nghi can lấy của bố ruột một khẩu súng ngắn và một súng lục 38 để gây án.
Từ nhật ký của nghi can, cảnh sát cho hay đương sự có ý định tự sát sau vụ tấn công, nhưng đã không đủ can đảm tự tử.
Có hai người khác cũng bị câu lưu trong khi nghi can đang bị thẩm vấn.
Trên Facebook của nghi can có đăng hình một chiếc áo thun in dòng chữ ‘Sinh ra để giết người.’
Cảnh sát cũng phát hiện các thiết bị nổ tại trường học. Lục soát hai căn nhà và một chiếc xe có liên hệ tới nghi can, cảnh sát còn tìm ra nhiều thiết bị nổ tự chế khác nữa.
Tổng thống Donald Trump mô tả vụ thảm sát này là ‘cực kỳ kinh hoàng.’
***********
Các vụ xả súng tập thể gần đây ở Mỹ:
18/5/2018: Ít nhất 10 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở trường trung học Santa Fe, Texas.
14/2/2018: Một cựu học sinh của trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida, nổ súng giết chết 17 người.
1/10/2017: Một tay súng nhả đạn tại buổi hòa nhạc ngoài trời ở Las Vegas, Nevada, cướp đi sinh mạng của ít nhất 58 người và làm bị thương hơn 500 người khác.
Tháng 6, 2016: Một tay súng bắn chết 49 người tại hộp đêm Pulse ở Orlando, Florida.
Tháng 12, 2015: Một cặp vợ chồng sát hại 14 người sau khi tấn công một cơ quan dịch vụ xã hội. Hung thủ bị hạ sát trong cuộc đọ súng với cảnh sát.
Tháng 11, 2015: Một tay súng giết chết 3 người khi tấn công một trung tâm y tế ở Colorado. Nghi can bị bắt sau nhiều giờ đụng độ với cảnh sát.
Tháng 10, 2015: Một tay súng bắn chết 9 người tại trường cao đẳng cộng đồng Oregon rồi tự sát.
Reuters/VOA
https://www.voatiengviet.com/a/vu-xa-sung-hoc-duong-o-texas-mot-hoc-sinh-bi-truy-to-/4400585.html
Pháp đóng băng tài sản công ty TQ liên hệ
tới vũ khí hóa học Syria
Pháp ngày 18/5 đóng băng trong thời hạn sáu tháng tài sản của các công ty Trung Quốc, Syria và Li-băng vì những công ty này có liên hệ với chương trình vũ khí hóa học mà Syria bị cáo buộc đang tiến hành, hãng tin AFP cho biết.
Các công ty này bao gồm Sigmatec và Tập đoàn Al Mahrous, đều có trụ sở ở Damascus; Technolab ở Lebanon và một công ty thương mại ở Quảng Châu ở Trung Quốc, theo một danh sách đăng trên công báo của Chính phủ.
Ngoài ra còn có hai công dân Syria và một người có sinh quán ở Li-băng không rõ quốc tịch cũng bị đóng băng tài sản.
Lệnh đóng băng tài sản này đã được Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ký ban hành.
Trong một thông cáo, Bộ trưởng Le Maire và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết các doanh nghiệp và cá nhân này làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria CERS.
“CERS là cơ sở thí nghiệm chính của Syria phụ trách phát triển và sản xuất vũ khí hóa học không quy ước và thiết bị phóng tên lửa đạn đạo,” thông cáo của hai bộ trưởng cho biết.
Hồi tháng Giêng, Pháp cũng đã cấm vận 25 cá nhân và doanh nghiệp có trụ sở ở Syria và có quốc tịch Pháp, Li-băng và Trung Quốc trước những nghi ngờ rằng họ nuôi dưỡng chương trình vũ khí hóa học trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Các công ty bị liệt vào danh sách này bao gồm các nhà nhập khẩu, phân phối các thiết bị kim loại, thiết bị điện tử, hậu cần và vận chuyển.
Khoảng 30 quốc gia đã gặp nhau ở Paris hôm thứ Sáu 18/5 đã đưa ra cơ chế giúp xác định và trừng phạt những người chịu trách nhiệm sử dụng chất độc thần kinh như sarin và chlorine trong các vụ tấn công.
Sau vụ hàng trăm người bị sát hại trong các vụ tấn công hóa học ở Damascus vào tháng Tám năm 2013, một thỏa thuận được ký kết với Nga để tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, nhờ đó mà tránh được các cuộc không kích của Mỹ.
Bất chấp thỏa thuận, một vụ tấn công tình nghi dùng khí chlorine và sarin xảy ra ở thị trấn Douma vào ngày 7/4 đã dẫn đến một loạt các đòn tấn công trừng phạt sau đó của Mỹ, Anh, Pháp nhắm vào các cơ sở hóa học ở Syria.
Malaysia: Ủy ban chống tham nhũng
triệu tập cựu thủ tướng lên xét hỏi
Theo truyền thông Malaysia ngày 19/05/2018, cựu thủ tướng Najib Razak đã bị cơ quan chống tham nhũng nước này triệu mời lên làm việc vào thứ Ba 22/05/2018 trong khuôn khổ một cuộc điều tra chống tham nhũng. Cựu thủ tướng Malaysia sẽ phải trả lời về những cáo buộc liên quan đến các vụ biển thủ tại quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Theo hãng tin Malaysia Bernama, một nguồn tin từ Ủy Ban Chống Tham Nhũng Malaysia cho biết là Ủy Ban muốn nghe lời khai của ông Najib Razak về SRC International, một đơn vị của Quỹ 1MBD, hiện là tâm điểm cuộc điều tra về những cáo buộc theo đó ông đã bòn rút hàng trăm triệu đô la từ quỹ này.
Một thành viên trong Ủy Ban Chống Tham Nhũng Malaysia cho biết đã tìm thấy bằng chứng cho thấy là có hơn 10 tỷ đô la được chuyển từ SRC International thuộc quyền quản lý của nhà nước tới tài khoản riêng thuộc về ông Najib.
SRC International thoạt đầu là một chi nhánh của Quỹ 1MDB, nhưng đến năm 2012 đã được đặt trực tiếp dưới quyền quản lý của bộ Tài Chánh. Vào lúc đó, ông Najib Razak kiêm nhiệm cả hai chức vụ thủ tướng và bộ trưởng Tài Chánh.
Theo một số nguồn tin, hàng trăm triệu đô la thuộc quyền quản lý của SRC đã biến mất, và đó chỉ là một phần trong vụ tình nghi tham nhũng lớn hơn tại Quỹ 1MDB.
Vào lúc rộ lên các thông tin về hàng tỷ đô la ở quỹ 1MDB bị ông Najib cùng gia đình và người thân biển thủ, chính quyền của ông đã chặn đứng mọi cuộc điều tra trong nước, bắt giữ tất cả những ai đòi mở điều tra toàn diện về vụ việc và bịt miệng giới truyền thông dám đề cập đến vụ này.
Chính tai tiếng tham nhũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cựu thủ tướng và đảng cầm quyền bị cử tri Malaysia gạt bỏ trong cuộc bầu cử ngày 09/05, và bầu phe đối lập lên nắm quyền để chống tham nhũng.
Ngay khi đối lập lên cầm quyền, ông Najib và vợ đã bị cấm xuất cảnh, nhà cửa bị khám soát và ngày 18/05, cảnh sát cho biết đã tịch thu 284 túi xách hàng hiệu và 72 bao tiền cùng nữ trang. Theo ông Amar Singh, cảnh sát điều tra tội phạm thương mại, « đấy mới chỉ là kết quả sau khi khám xét một trong 6 căn nhà » có liên quan tới cựu thủ tướng Najib.
Báo Mỹ : Tập trận máy bay B-52 với Hàn Quốc
có thể bị đình chỉ
Báo chí Hoa Kỳ ngày 18/05/2018 cho biết cuộc tập trận Mỹ – Hàn với máy bay ném bom chiến lược B-52, có thể đã bị hoãn lại. Thông tin nói trên có thể coi như một động thái hòa hoãn từ phía Hoa Kỳ, trong bối cảnh Bắc Triều Tiên vừa để ngỏ khả năng không tham dự thượng đỉnh với tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra ngày 12/06 tại Singapore, cuộc thượng đỉnh vốn rất được cộng đồng quốc tế trông đợi, với viễn cảnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trang mạng của hãng CNBC dẫn lại nguồn tin của Wall Street Journal, cho hay các bài tập với B-52, dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc, bị ngưng lại. Một số nguồn tin Mỹ thông báo là Hàn Quốc đề nghị không tham gia vào cuộc tập trận với các đối tác Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong khi đó, theo hãng tin CNN, ba nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đồng ý thay đổi lộ trình của ít nhất hai máy bay B-52, có khả năng mang bom hạt nhân. Như vậy, các phi cơ nói trên sẽ không hướng về bán đảo Triều Tiên như theo dự kiến. Theo một quan chức quân sự Hoa Kỳ, không tiết lộ danh tính, quyết định nói trên có thể là một động thái nhằm giảm nhẹ căng thẳng với Bình Nhưỡng, sau tuyên bố cách nay ít ngày gây chấn động của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, về một « kịch bản Libya » cho Bắc Triều Tiên.
Người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Mỹ, trung tá Christopher Logan, từ chối bình luận về các hoạt động quân sự « đang diễn ra », « hoặc sẽ diễn ra », vì lý do an ninh.
Vẫn theo CNBC, một hôm trước khi thông tin nói trên được đưa ra, bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo kế hoạch tập trận không thay đổi.
Theo bà Lisa Collins, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, phản ứng của Bắc Triều Tiên trước các cuộc tập trận Mỹ-Hàn, vốn đã được dự trù trước, cần phải được coi như là một phương thức bày tỏ thái độ bất bình của Bình Nhưỡng « trong hàng loạt vấn đề khác ». Theo chuyên gia Lisa Collins, cách nay ít tuần, chính Hàn Quốc từng thông báo là lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẵn sàng bỏ qua một bên các cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn, để đàm phán với Washington.
Đô đốc Harris được bổ nhiệm làm đại sứ tại Hàn Quốc
Theo báo chí Mỹ, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, ngày 18/05/2018 được tổng thống Mỹ chính thức bổ nhiệm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Chức vụ nói trên được để ngỏ từ 17 tháng nay, tức từ khi Donald Trump lên cầm quyền.
Đô đốc Harry Harris được coi là người hiểu rõ các vấn đề an ninh phức tạp về khu vực Thái Bình Dương. Trong một cuộc điều trần trước Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện Mỹ tháng 3/2018, đô đốc Harris cảnh báo tổng thống Mỹ không nên quá lạc quan về viễn cảnh tính cực của cuộc đàm phán với Kim Jong Un.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180519-bao-my-tap-tran-may-bay-b-52-voi-han-quoc-co-the-bi-dinh-chi
Hungary: Thủ tướng Orban
tiếp tục chính sách dân tộc chủ nghĩa cứng rắn
Ngày 18/05/2018, thủ tướng Hungary chính thức giới thiệu trước Quốc Hội thành phần tân chính phủ và cương lĩnh hành động của nhiệm kỳ thứ ba. Điểm chủ yếu mà ông Viktor Orban nhấn mạnh là chính phủ Hungary sẽ tiếp tục một chính sách dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, cho dù điều này có gây ra các xung đột giữa Budapest với Liên Hiệp Châu Âu.
Thông tín viên RFI Florence La Bruyère tường trình từ Budapest :
« Trong khung cảnh tráng lệ của hội trường Quốc Hội Hungary, thủ tướng Viktor Orban giới thiệu thành phần chính phủ và chiến lược hành động. Thủ tướng Hung dự kiến sẽ tiếp tục cầm quyền cho đến năm 2030, nhờ ở một chương trình hành động tập trung vào hai điều chủ yếu : chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa dân tộc tự quyết.
Ông Viktor Orban cho biết muốn bảo vệ ‘‘chủ quyền quốc gia’’, đối lại với luật pháp của châu Âu. Thủ tướng Hung cũng dự kiến sẽ có các tranh luận quyết liệt về vấn đề này với Bruxelles. Nếu như lãnh đạo cánh hữu Hungary lập ra một bộ mới, bộ Cách Tân, thì lập trường chính của ông Viktor Orban vẫn là duy trì một đường lối hết sức bảo thủ. Một biểu hiện cụ thể là người được bổ nhiệm đứng đầu một bộ chủ chốt, bao gồm các ngành giáo dục, y tế và văn hóa, chính là nhân vật Miklos Kasler, vốn bị rất nhiều chỉ trích.
Bác sĩ Miklos Kasler nổi tiếng với các phát biểu gây tranh luận dữ dội. Miklos Kasler là người nghi ngờ học thuyết Big Bang. Tân bộ trưởng trong chính phủ Orban từng tuyên bố 80% người Nigeria mắc Sida, tuyên bố bị đại sứ Nigeria tại Budapest phản đối mạnh mẽ. Vẫn theo nhân vật này, 70% bệnh tật gây chết người đáng nhẽ đã có thể tránh được, nếu người ta là một tín đồ Thiên Chúa Giáo ngoan đạo, tuân thủ 10 điều răn của Thiên Chúa ».
Điện Panthéon : Nơi tôn vinh
những con người vĩ đại của nước Pháp
Ở trung tâm khu phố Latinh, quận 5, Paris, có một công trình đứng sừng sững, uy nghi từ vài thế kỷ nay. Đó là điện Panthéon với mái vòm cao vút, nổi bật trên nền trời. Ở mặt tiền, phía trên cao tòa nhà có khắc dòng chữ trang trọng : « Tổ Quốc nhớ ơn những con người vĩ đại ».
Nhà thờ thánh Geneviève
Sử sách truyền lại rằng, vào giữa thế kỷ V (năm 451), một nữ tu trẻ tên là Geneviève đã có công cứu Paris cuộc xâm lăng khỏi đội quân Huns. Bà được phong là vị thánh bảo trợ kinh thành Paris. Thánh Geneniève qua đời năm 502 và được mai táng trên đồi Lucotitius. Rồi tại đó, người ta cho xây một nhà thờ.
Vào năm 508, vua Clovis cho xây một nhà thờ mới to đẹp, đàng hoàng hơn để phụng thờ thánh Geneniève, tạo một sợi dây kết nối giữa nền quân chủ và Thiên Chúa Giáo. Sau khi nhà vua qua đời, thi hài của ngài cũng được mai táng tại nhà thờ Sainte Geneniève. Tới thế kỷ IX, nhà thờ một lần nữa được xây mới, ngoài nhà thờ còn có thêm tu viện Sainte Geneviève.
Vào thế kỷ XVIII, năm 1744, vua Louis XV lâm trọng bệnh tại Metz, ngài khẩn cầu thánh Geneviève bảo vệ ngài qua cơn hiểm nghèo và nguyện xây một nhà thờ mới để tạ ơn, do nhà thờ cũ khi đó quá chật hẹp và hư nát. Khi bình phục, vua Louis XV trở về kinh đô Paris và quyết định cho xây nhà thờ mới trên nền tu viện Sainte Geneviève. Nhưng phải đến 10 năm sau, vào năm 1754, dự án của vua Louis XV mới được thông qua kinh phí xây dựng.
Thực ra, việc xây nhà thờ cũng có một ý nghĩa chính trị lớn đối với nhà vua, khi đó đang bị công luận phản đối vì sau chiến tranh kế vị Áo, Louis XV đã ký hòa ước 1748 bất lợi cho Pháp. Để cải thiện hình ảnh và củng cố uy tín lãnh đạo đất nước, vua Louis XV chủ trương thực hiện « chính sách nghệ thuật » : làm đẹp các thành phố trong cả nước.
Dự án xây mới nhà thờ Sainte Geneviève tại Paris nằm trong chuỗi các dự án nói trên. Thêm vào đó, nhà thờ mới sẽ giúp củng cố vị thế của Thiên Chúa Giáo vốn đang bị chia rẽ do cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các phe nhóm.
Việc thiết kế nhà thờ được giao cho kiến trúc sư Jacques-Germain Soufflot (1713-1780), người có tư tưởng cởi mở, với hy vọng Soufflot sẽ thổi một làn gió cách tân kiến trúc tôn giáo. Quả thực, kiến trúc sư Soufflot khi đó đã thiết kế được nhiều công trình được đánh giá cao ở thành phố Lyon. Soufflot cũng có tham vọng thiết kế một nhà thờ được ngợi ca hơn cả nhà thờ Saint Pierre ở Roma và Saint Paul ở Luân Đôn.
Maximilien Brébion, thành viên Hội kiến trúc của Hoàng Gia Pháp, một cộng sự của kiến trúc sư Soufflot, tóm tắt tham vọng của nhà thiết kế : « Mục tiêu chính của Soufflot khi thiết kế nhà thờ là hội tụ, dưới một trong những hình thức đẹp nhất, nét nhẹ nhàng của kiến trúc gothic với sự thuần khiết và vẻ lộng lẫy, tráng lệ của kiến trúc Hy Lạp ». Trong vòng 20 năm, từ năm 1754 đến năm 1777, Soufflot đã thay đổi bản thiết kế 5 lần. Nhưng thứ tuyệt nhiên không thay đổi trong 5 bản vẽ của Soufflot là những hàng cột đá vô cùng lớn, cao vút ở cả bên trong và bên ngoài nhà thờ.
Vua Louis XV đặt viên đá chính thức khởi công công trình trong một buổi lễ long trọng vào ngày 06/09/1764, nhưng thực ra việc đào móng đã được tiến hành từ năm 1757. Những khó khăn về kỹ thuật đã khiến việc thi công bị chậm lại. Năm 1780, Soufflot qua đời, lại thêm những khó khăn về tài chính, nên mãi đến năm 1790, công trình mới được hoàn tất nhờ nỗ lực của hai nhà thiết kế cộng sự của Soufflot : Maximilien Brébion và Jean Baptiste Rondelet.
Theo thiết kế của Soufflot, bên trong nhà thờ được trang trí bằng nhiều tác phẩm điêu khắc, chạm trổ và bích họa mô tả cuộc đời của thánh Geneviève, thánh Pierre và thánh Paul. Ngoài ra, Soufflot còn cho khắc họa lại lịch sử Ki Tô Giáo từ buổi sơ khai cho tới thế kỷ XVIII.
Tôn giáo hay phi tôn giáo ?
Do công trình được hoàn tất trong thời kỳ Cách Mạng Tư Sản Pháp, nên không được sử dụng với mục đích tôn giáo là phụng thờ thánh như kế hoạch ban đầu mà được cải tạo thành Panthéon, một « điện thờ của Tổ quốc » – nơi lưu giữ tro cốt của những con người vĩ đại của dân tộc Pháp, nơi tưởng nhớ và tôn vinh họ theo truyền thống bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và La Mã.
Bắt đầu từ năm 1791, tro cốt một vài chính trị gia, anh hùng thời Cách Mạng Tư Sản, những triết gia nổi tiếng thời kỳ Khai Sáng như Voltaire, Jean-Jacques Rousseau được đưa về điện Panthéon.
Tháng 08/1792, nền quân chủ sụp đổ, thánh tích của thánh nữ Geneviève bị đưa ra khỏi Panthéon và bị phá hủy, chỉ còn lại một số di vật. Các tác phẩm trang trí mang tính tôn giáo đều bị phá bỏ, thay vào đó là các bức chạm trổ, bích họa mang tính chính trị, ngợi ca lòng trung thành, tận tụy với Tổ Quốc, lòng yêu nước, nhân quyền, pháp chế và đề cao triết học, khoa học, nghệ thuật … Panthéon trở thành một biểu tượng mang tính cách mạng.
Theo những biến chuyển lịch sử và đổi thay của thời cuộc, công trình của Soufflot đã trải qua nhiều lần thay đổi mục đích sử dụng, từ tôn giáo thành phi tôn giáo, chính trị hay là sự kết hợp của cả hai. Mỗi lần điện Panthéon bị thay đổi chức năng như vậy đều kéo theo những cải tạo về kiến trúc và trang trí bên trong. Có thể nói, điện Panthéon là một công trình hiếm hoi có lịch sử phức tạp như vậy.
Vào thời Đệ Nhất Đế Chế, theo sắc lệnh ngày 20/02/1806 của hoàng đế Napoléon Bonaparte (Napoléon I), Panthéon mang hai chức năng : chức năng tôn giáo và dân sự. Tầng trên của tòa nhà được cải tạo, trang trí lại thành nhà thờ, nơi phụng thờ các thánh. Còn hầm mộ vẫn là nơi chôn cất các vĩ nhân.
Vào năm 1815, Đệ Nhất Đế Chế sụp đổ, mở ra thời kỳ « Bourbon phục hoàng ». Vua Louis XVIII muốn khẳng định lại vị thế quan trọng của Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo. Năm 1816, vua Louis XVIII ký sắc lệnh đưa Panthéon trở lại hoàn toàn với chức năng thờ phụng tôn giáo. Những di vật còn lại của thánh Geneviève lại được đưa trở lại nhà thờ. Những ngôi mộ bên dưới tầng hầm được dồn về một phòng, khóa kín lại.
Tới Cách Mạng tháng 07/1830, vua Charles X bị truất ngôi, Louis Philippes d’Orléan lên ngôi vua, mở ra nền Quân Chủ Tháng Bảy. Một lần nữa, nhà thờ Sainte Geneviève lại bị biến đổi thành điện Panthéon. Nhưng sau đó, do sự thận trọng về chính trị, điện Panthéon – với ý nghĩa ban đầu là biểu tượng cách mạng – đã không được sử dụng trong những năm vua Louis Philippes trị vì đất nước. Khu hầm mộ các vĩ nhân vẫn bị đóng cửa.
Nơi vinh danh các vĩ nhân Pháp
Tới nền Đệ Nhị Cộng Hòa 1848, Louis-Napoléon Bonaparte trở thành tổng thống đầu tiên của Pháp. Tư tưởng cách mạng lại được vinh danh. Điện Panthéon được gọi là Temple de l’Humanité – Đền thờ Nhân Loại. Năm 1851, Louis-Napoléon Bonaparte khôi phục Đế chế và trở thành hoàng đế Napololéon III. Hoàng đế ban hành chính sách củng cố vị thế của Nhà Thờ trong bộ máy nhà nước, ra sắc lệnh biến nhà thờ Thánh Geneviève thành Basilique Nationale – Nhà Thờ Lớn Quốc Gia.
Năm 1870, Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ, dẫn tới sự hình thành Nền Đệ Tam Cộng Hòa. Cuộc tranh luận về việc sử dụng Panthéon như một nhà thờ hay điện thờ phi tôn giáo kéo dài cho tới năm 1885, khi đại thi hào Victor Hugo, một văn sĩ góp công đấu tranh bảo vệ nền Cộng Hòa, qua đời, chính phủ pháp ban hành sắc lệnh theo đó Panthéon sẽ được sử dụng vào « mục đích Cộng Hòa ». Thi hài Victor Hugo được rước về Panthéon. Panthéon cũng trở thành nơi tổ chức nhiều lễ nghi quốc gia, chẳng hạn lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nền Cộng Hòa (1892).
Cũng để đảm bảo sự hòa giải dân tộc, chính quyền Đệ Tam Cộng Hòa quyết định không phá bỏ các tác phẩm trang trí như các chính quyền trước đó, nhưng có bổ sung bằng các bức bích họa, điêu khắc … khắc họa các giai đoạn lịch sử quốc gia và những con người vĩ đại của dân tộc Pháp trong mỗi giai đoạn.
Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến tới nay, trong các nền Đệ Tứ và Đệ Ngũ Cộng Hòa, đã có thêm nhiều người con vĩ đại của nước Pháp được vinh danh tại điện Panthéon : các nhà vật lý Paul Langevin và Jean Perrin (1948), Louis Braille-người phát minh chữ nổi Braille (1952), hai nhà khoa học đoạt giải Nobel Pierre và Marie Curie (1995), nhà văn Alexandre Dumas cha (2002) … Cho tới nay, tổng cộng có hơn 70 người con ưu tú của nước Pháp đang an nghỉ trong điện Panthéon.
Nhưng ai là người quyết định những người có đủ tư cách được chôn cất tại Panthéon ? Vào thời Cách Mạng Tư Sản Pháp, Hội đồng lập hiến là cơ quan quyết định. Trong giai đoạn Đệ Nhất Đế Chế, hoàng đế Napoléon Bonaparte có toàn quyền. Còn vào thời Đệ Tam Cộng Hòa, quyền quyết định thuộc về các thượng nghị sĩ. Hiện nay, quyền quyết định thuộc về tổng thống.
Mới đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định vào ngày 05/07/2018, bà Simonne Veil, người đã từng là bộ trưởng Y Tế Pháp, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, thành viên Hội đồng Lập Hiến và Viện Hàn Lâm của Pháp sẽ được vinh danh tại điện Panthéon. Bà là người phụ nữ thứ 5 được an nghỉ tại đây.
Từ nhà thờ thánh Geneviève, trải qua các biến chuyển lịch sử, nơi đây trở thành điện Panthéon, nơi tôn vinh các anh hùng, tướng lĩnh đã ngã xuống để bảo vệ nước Pháp và là nơi vinh danh các vĩ nhân của đất nước. Với vẻ đẹp kiến trúc hoành tráng và là nơi chứng kiến nhiều sự kiện nổi trội trong lịch sử nước Pháp, điện Panthéon là một trong những công trình có ý nghĩa, giá trị, không chỉ của Paris, mà của cả nước Pháp cho dù đã trải qua biết bao thăng trầm.
http://vi.rfi.fr/phap/20180330-dien-pantheon-paris-va-nhung-con-nguoi-vi-dai-cua-nuoc-phap