Tin khắp nơi – 16/05/2018
Bắc Hàn đe dọa hủy cuộc gặp với Trump
Bắc Hàn nói có thể rút khỏi hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump nếu Washington kiên quyết muốn Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Cuộc họp rất được mong đợi giữa ông Trump và Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào 12/6.
Nhưng trong một tuyên bố giận dữ, Ngoại trưởng Bắc Hàn cáo buộc Mỹ đưa ra những tuyên bố liều lĩnh và chứa đựng những ý định xấu xa. Ông chỉ đích danh Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton.
Bắc Hàn: Mỹ ‘khiêu khích’ đe dọa đến hòa bình
Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn diễn ra ‘ba, bốn tuần tới’
Kim Kye-gwan nói: “Chúng tôi không che giấu cảm giác ghê tởm của chúng tôi đối với ông ta”.
Thoả thuận gây chấn động giữa ông Kim và ông Trump về việc gặp mặt diễn ra trong bối cảnh Bắc Triều Tiên cho biết đã cam kết loại bỏ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện chưa có thông tin chính xác về các điều kiện, nhưng Bắc Hàn đã mời phương tiện truyền thông nước ngoài đến chứng kiến việc tháo dỡ khu thử nghiệm hạt nhân vào cuối tháng này.
Ông Bolton gần đây nói Bắc Hàn có thể theo một “mô hình Libya” về sự khử nhân bản được kiểm chứng, nhưng trước đây Bình Nhưỡng cho rằng Libya có thể đã trốn thoát khỏi sự can thiệp quân sự của phương Tây vào năm 2011 nếu như nước này giữ vững chương trình hạt nhân của nó.
Phóng viên BBC, BBC Bicker ở Seoul, nói rằng Bắc Hàn – vốn từ lâu đã nói rằng kho vũ khí hạt nhân của họ là điều cần thiết cho sự tồn tại của nhà nước – và giờ cho thấy rõ quan điểm của mình.
Tuyên bố của ông Kim nói rằng nếu Mỹ “ép buộc chúng tôi và đơn phương yêu cầu chúng tôi từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ không còn quan tâm đến các cuộc đàm phán nữa” và “sẽ phải xem xét lại” tham dự hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 ở Singapore.
Ông Kim nói Bắc Hàn đã có “nhiều hy vọng” nhưng “rất đáng tiếc Hoa Kỳ đang kích động chúng ta trước hội nghị thượng đỉnh bằng cách phun ra những tuyên bố lố bịch”.
Ông Kim Kye-gwan được biết là một người rất được coi trọng trong giới lãnh đạo Bắc Hàn và đã tham gia đàm phán với Hoa Kỳ trước đây. Có rất ít khả năng bình luận của ông không được Kim Jong-un thông qua.
Vài giờ trước khi bản tuyên bố, đã có dấu hiệu của vấn đề ngày càng xấu đi, Bắc Hàn hủy cuộc đàm phán cấp cao được lên kế hoạch với Nam Hàn vào thứ Tư 16/5.
Đó là phản ứng sau cuộc tập trận quân sự chung của Hoa Kỳ-Hàn Quốc. Bắc Hàn nói đã cho phép Hoa Kỳ và Nam Hàn tiến hành, nhưng sau đó lại gọi đó là “một cuộc khiêu khích quân sự” và đã phá hoại những nỗ lực ngoại giao.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vẫn đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim và rằng không biết có bất kỳ thay đổi nào từ Bắc Hàn.
Vào tháng Ba, ông Trump khiến cả thế giới choáng váng khi chấp nhận lời mời gặp gỡ của ông Kim.
“Cả hai chúng tôi sẽ cố gắng làm cho cuộc gặp trở thành một khoảnh khắc rất đặc biệt cho Hòa bình Thế giới,” nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sau đó viết trên Twitter.
Chính xác Bắc Hàn hủy bỏ gì?
Các cuộc đàm phán giữa Bắc và Nam Hàn được lên lịch trình tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào 27/4.
Vào đầu tuần này, hai bên đã thống nhất gặp tại Bàn Môn Điếm, một khu phu phi quân sự nằm gần đường biên giới giữa hai nước, thường được gọi là ‘thị trấn ngừng bắn’.
Hai miền Nam Bắc có kế hoạch thảo luận chi tiết về các thỏa thuận mà họ đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử.
Điều này bao gồm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và biến thỏa thuận đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953 thành một hiệp ước hòa bình.
Các điểm khác mà các nhà lãnh đạo đã thống nhất trong một tuyên bố chung là:
Chấm dứt “các hoạt động thù địch” giữa hai quốc gia
Biến khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền đất nước thành một “vùng hòa bình” bằng cách ngừng các chương trình phát thanh tuyên truyền từ hệ thống loa của cả hai phía.
Giải trừ vũ khí trong khu vực đang chờ đợi căng thẳng quân sự hạ giảm
Thúc đẩy các cuộc đàm phán bốn bên liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44134456
Trung Quốc hối thúc Triều Tiên
nên tiến tới thượng đỉnh với TT Trump
Trung Quốc hối thúc đồng minh Triều Tiên tiếp tục xúc tiến cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh tụ Kim Jong Un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, giữa lúc nổi lên những đe dọa rằng Bình Nhưỡng có thể bỏ cuộc họp thượng đỉnh.
Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hai nước nên đảm bảo cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra như kế hoạch và tạo được những “kết quả trọng yếu.”
Ông Lục phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ: “Chỉ có con đường đó chúng ta mới có thể hợp nhất được các nỗ lực hạ giảm trạng căng thẳng và duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Phát ngôn viên Lục nói hôm thứ Tư rằng hai nước đang đứng trước một cơ hội to lớn để có thể giải quyết được các vấn đề chính trị trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nói rằng cả Mỹ lẫn Triều Tiên nên hành động với thiện chí và lòng trung thực để đặt ra những điều kiện thuận lợi và tạo một không khí phấn khởi cho thượng đỉnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phát biểu về việc Triều Tiên hủy cuộc họp liên Triều cấp bộ trưởng với Hàn Quốc theo dự định sẽ diễn ra hôm thứ Tư 16/5. Ông nói hy vọng hai miền Triều Tiên có thể xây dựng lòng tin với nhau và cải thiện các mối quan hệ.
Lãnh tụ Kim và Tổng thống Trump dự định họp tại Singapore vào ngày 12/6,nhưng Bắc Triều Tiên hôm thứ Tư 16/5 đe dọa rút khỏi kế hoạch thượng đỉnh, và nói rằng họ không thích cuộc họp “một chiều” chỉ nhằm áp lực buộc họ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc kêu gọi các bên xây dựng lòng tin với nhau bằng việc Mỹ và Hàn Quốc hoãn cuộc thao dượt quân sự chung quy mô lớn lại và đổi lại Triều Tiên ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã họp với lãnh tụ Kim hai lần trong hai tháng qua, một diễn biến được xem như là nỗ lực đảm bảo các mối quan tâm của Trung Quốc sẽ giữ một vai trò trong bất cứ thương lượng nào giữa Mỹ và Triều Tiên.
Các nhà phân tích nói rằng đe dọa của Triều Tiên bỏ cuộc họp thượng đỉnh rất có thể là một nỗ lực của Bình Nhưỡng giành ưu thế trước Washington, bên đã đòi hỏi là Triều Tiên phải chấm dứt ngay lập tức và không quay lại được chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Trong cuộc họp với chủ tịch Tập Cận Bình hồi tuần trước, ông Kim bày tỏ mong muốn có sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc đàm phán, đặc biệt là phương án phi hạt nhân hóa “theo từng giai đoạn và đồng bộ” để đáp lại đòi hỏi của Tổng thống Trump là Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình hạt nhân ngay lập tức.
(Theo AP, NHK, Xinhua)
Malaysia thả Anwar Ibrahim: Gió đã đổi chiều
Cựu phó thủ tướng Anwar Ibrahim, 70 tuổi, được ân xá để ra khỏi tù trong diễn biến ‘gió đổi chiều’ ở Malaysia.
Trong ngày 16/05, ông Anwar đã được tự do sau khi được Quốc vương Malaysia ân xá, theo đề nghị của tân thủ tướng 92 tuổi, Mahathir Mohamad.
Hai ông Anwar và Mahathir từng là cộng sự, sau thành kẻ thủ và nay lại thành đồng minh chính trị quan trọng trong làn sóng giành lại quyền từ tay ông Najib Razak và đảng UMNO.
Cả hai ông Anwar Ibrahim và Mahathir Mohamad đều từng là quan chức cao cấp của UMNO nhưng sau đã bỏ đảng này.
Cựu thủ tướng Malaysia bị cấm ra nước ngoài
Hàng triệu người dân Malaysia đi bầu cử
Chuyện gì đã xảy ra ở Malaysia?
Bầu cử Malaysia: Mahathir Mohamad tái xuất?
Ông Anwar ra khỏi bệnh viện ở thủ đô Kuala Lumpur sau thời gian chữa vai với tư cách tù nhân.
Những người ủng hộ đi từ bệnh viện theo chiếc xe chở ông về Cung điện Istana Negara, nơi ông gặp ông Mahathir.
Dự kiến ông Mahathir, người từng làm thủ tướng từ đầu thập niên 1980 đến đầu những năm 2000, sẽ tìm cách chuyển giao quyền thủ tướng trong vòng 2 năm nữa cho ông Anwar.
Người ủng hộ ông Anwar hô to khẩu hiệu chào mừng ông.
Một người, Ahmad Samsuddin, 59 tuổi, nói ông Anwar “là biểu tượng của tự do cho Malaysia”.
“Cuối cùng, thì gió đã đổi chiều sau nhiều năm bất công và hôm nay là một ngày lịch sử…”
Khi còn là lãnh đạo đối lập, Anwar Ibrahim (năm nay 70 tuổi) bị kết án tù về tội kê gian, mà ông tuyên bố là một phần của chiến dịch bôi nhọ chính trị chống lại ông.
Vợ ông Anwar Ibrahim, bà Wan Azizah Wan Ismail đã vận động không nghỉ để ông được tự do, và cuộc vận động cũng đưa bà thành nhân vật chính trị quan trọng.
Đảng Liên minh Hy vọng (Patakan Harapan) mà bà làm chủ tịch đã cùng ông Mahathir Mohamad lập ra liên minh tranh cử thắng lợi.
Hiện bà là Phó thủ tướng trong chính phủ Mahathir Mohamad từ hôm 12/05/2018.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44139029
Thẩm phán bác việc hủy cáo buộc hình sự
cho cựu phụ tá của Trump
Một thẩm phán liên bang hôm 15/5 đã từ chối bác cáo buộc hình sự do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa ra nhắm vào ông Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, sau khi ông Manafort cho rằng ông Mueller đã vượt quá thẩm quyền công tố của mình.
Thẩm phán Amy Berman Jackson thuộc Tòa án Quận của Quận Columbia đã phán quyết rằng Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã tuân thủ mọi quy định của Bộ Tư pháp khi ông chỉ định ông Mueller làm công tố viên đặc biệt và vụ truy tố mà ông Mueller đưa ra nhắm vào ông Manafort không phải là không thỏa đáng hay có phạm vi rộng quá mức.
Ông Rosenstein “tuyệt đối ủng hộ cuộc điều tra về các vụ việc được đưa ra trong cáo trạng của Công tố viên đặc biệt, do đó không có sự vi phạm quy định nào và Công tố viên đặc biệt không hành xử mà không có thẩm quyền,” bà viết.
Phát ngôn nhân của ông Manafort chưa có bình luận ngay về phán quyết này.
Ông Manafort, người vận động hành lang cho cựu tổng thống Ukraine vốn có lập trường thân Nga trước khi trở thành chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump trong năm 2016, đang đối mặt với hai cáo trạng do ông Mueller đưa ra ở các tòa án liên bang ở Washington vàAlexandria, bang Virginia.
Cáo buộc trong cáo trạng đưa ra ở tòa án Washington bao gồm âm mưu rửa tiền, âm mưu lường gạt nước Mỹ và không đăng ký khi làm đại diện cho một tác nhân nước ngoài. Còn trong vụ việc đưa ra ở Virginia, ông Manafort bị cáo buộc lừa đảo ngân hàng và khai khống hồ sơ thuế.
Ông đã tuyên bố không có tội trước tất cả các cáo trạng này. Không có cáo buộc nào trong số này có liên quan trực tiếp đến thời gian ông làm việc cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Trong cả hai vụ việc, ông Manafort đã yêu cầu tòa bác bỏ các cáo trạng với lý do việc ông Rosenstein chỉ định ông Mueller làm Công tố viên đặc biệt đã vi phạm các quy định của Bộ Tư pháp.
Ông cũng cho rằng các cáo trạng của ông Mueller nhắm vào ông không có liên quan gì đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và rằng cuộc điều tra của FBI nhắm vào các công việc của ông cho phía Ukraine xảy ra trước khi có cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga.
Đám cưới Hoàng Gia Anh
và những kỳ vọng trong tương lai
Hoàng tử Harry, nhân vật thứ năm thừa kế ngai vàng của Hoàng gia Anh, và Meghan Markle, nữ diễn viên người Mỹ nổi tiếng về vai diễn trong loạt phim truyền hình Suits sẽ kết hôn vào thứ bảy này (19/5) tại Windsor, Anh.
Đối với nhiều người hâm mộ, đây là một chuyện tình cổ tích lãng mạn và Meghan đã phá vỡ những khuôn mẫu của một công chúa đài các, theo nhận định của chuyên gia về Hoàng gia Anh Richard Fitzwilliams.
“Meghan là một người Mỹ lai, từng ly hôn, là một nhà hoạt động, một người bênh vực cho nữ quyền, và cũng từng là một nữ diễn viên. Những yếu tố mà cách đây không lâu có thể đã cản đường cô kết hôn với một thành viên cao cấp trong hoàng gia nhưng giờ lại được hoan nghênh nồng nhiệt.
Tại Anh, ngày này lại càng thêm quan trọng đối với nhiều người, những ai đã chứng kiến cậu bé Harry 12 tuổi đau buồn tại đám tang của mẹ, công nương Diana. Harry giờ đã 33 tuổi, cho biết thân mẫu chính là nguồn cảm hứng không ngừng cho các công việc từ thiện mà anh và Meghan sẽ cùng nhau tiếp tục.
“Cô ấy là một nhà hoạt động gần như cả đời. Giờ đây cô ấy sẽ thực hiện các công việc này ở một cấp độ mới, vận động ở mức cao nhất”, ông Fitzwilliams nói.
Tuy nhiên, việc vận động đó có giới hạn. Một số người lo rằng bản tính thẳng thắn của Meghan khó kìm chế cho phù hợp với hoàng gia, nơi mà chính trị luôn là điều cấm kỵ.
“Hoàng gia làm việc một cách lặng lẽ, với danh giá. Đó là điều công chúng trông đợi. Vì vậy, sẽ rất khó khăn cho cô ấy trong việc giảm bớt những hoạt động của mình. Và chúng ta đã thấy một số vấp váp trong khi cô hội nhập vào cuộc sống hoàng gia,” ông Thomas Mace-Archer-Mills, người sáng lập Hội những người theo chủ nghĩa quân chủ Anh, cho biết.
Tin nói Meghan và Harry gặp nhau năm 2016 ở Canada dù những chi tiết đầy đủ xung quanh mối tình của họ vẫn còn mờ nhạt. Tháng 11 năm ngoái, họ loan báo đính hôn trong sân vườn Cung điện Kensington ở London, nơi Hoàng tử bé Harry được Công nương Diana và Hoàng tử Charles nuôi dưỡng, cùng với anh trai William.
Đối với người Anh, đám cưới sẽ đánh dấu một cột mốc đặc biệt hạnh phúc cho Harry, ông Ricard Fitzwilliams nhận xét.
“Anh ấy sẽ là đứa con phá cách của hoàng gia, vượt qua các giới hạn mà chúng ta nghĩ anh ấy sẽ phát triển.”
Cái chết của Công nương Diana trong vụ tai nạn xe hơi ở Paris là một nỗi đau quốc gia và tước đoạt từ hai cậu bé một người mẹ tận tâm. Trong những năm gần đây, Harry đã mô tả lại những chấn thương tinh thần mà cậu phải gánh chịu từ đám tang của người mẹ.
“Đó là một trải nghiệm không bình thường chút nào. Chắc chắn cậu ấy đã phải trải qua thời điểm rất khó khăn. Quân đội đã khiến cậu ấy mạnh mẽ hơn, và cũng cần phải nhớ tới sự dấn thân của cậu ấy với công tác từ thiện”, ông Fitzwilliams nói.
Hai đam mê song hành đó đã khiến Harry tham gia quân ngũ sang tận Afghanistan và đi đầu trong các lý tưởng từ thiện trên khắp thế giới bao gồm tổ chức từ thiện Sentebale và Invictus Games dành cho những thương binh. Cả anh và Meghan đã thể hiện mong muốn tiếp tục công việc đó.
Mặc dù có thể mất một thời gian để Meghan có thể thích nghi với cuộc sống hoàng gia, nhưng cô đã đặt ra một số quy tắc cơ bản trong gia đình, ông Thomas Mace-Archer-Mills nói.
“Cô ấy mang lối sống California đến Anh. Cô ấy đang giảm cân cho Hoàng tử, giúp anh ấy ăn uống lành mạnh, bớt thịt , vì người Anh mà, ai lại không thích thịt.”
Đó là câu chuyện cổ tích về một đứa con phá cách của hoàng gia bị thuần hóa bởi một ngôi sao Mỹ. Hàng triệu người sẽ theo dõi truyền hình để xem đám cưới của họ; và trong những năm tới, nhiều người hơn nữa sẽ thích thú theo dõi đôi tân lang-tân nương này ghi dấu ấn trên thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/dam-cuoi-hoang-gia-anh-va-nhung-ky-vong-trong-tuong-lai/4395453.html
Mỹ, Trung Quốc đánh tín hiệu
về cuộc chiến thương mại
Ngay cả trước khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc ngồi xuống với nhau vào tuần này trong vòng 2 của các cuộc đàm phán cấp cao ở Washington, cả hai bên đã ra tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đạt thỏa thuận, hoặc ít nhất mỗi bên cố gắng đi thêm nửa đoạn đường để thỏa hiệp với nhau.
Liệu sự sẵn sàng đó có đủ để giúp hai bên đạt tới cái đích cần đến hay không? Các nhà phân tích nói chỉ có thời gian mới trả lời được.
Cuối tuần trước, tại một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington DC tổ chức, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải đã ra tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵng sàng giải quyết một loạt vấn đề, từ thâm hụt thương mại tới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Đại sứ Thôi Thiên Khải nói trong khi khái niệm quá đơn giản hóa cho rằng thặng dư thương mại là được và thâm hụt là mất, việc phối hợp giữa hai nước trên tầm vĩ mô rõ ràng là điều cần thiết.
Đại sứ Trung Quốc nói: “Một mức thâm hụt quá lớn cho quý vị và một mức thặng dư quá lớn cho chúng tôi, tôi nghĩ sự thể này không nên tiếp tục.” “Đối với chúng tôi tình trạng mất cân cân bằng trong cán cân thương mại như vậy thực sự là một vấn đề chứ không phải là một lợi ích.”
Khi Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn thương thuyết của hai nước hồi đầu tháng này ở Bắc Kinh, mức thâm hụt thương mại là đề tài bao trùm cuộc đàm phán. Một danh sách những đòi hỏi của Washington bị tiết lộ gồm đề nghị Trung Quốc phải giúp cắt mức thâm hụt thương mại giữa hai nước tới 100 tỷ USD một năm trong 2 năm tới.
Nhiều người đã chế giễu con số đó cũng như khả năng Bắc Kinh có thể hợp tác để giảm khoảng cách biệt quá lớn như vậy, tuy nhiên những phát biểu của Đại sứ Thôi Thiên Khải có thể là một dấu hiệu đáng chú ý.
Gene Ma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Tài chính Quốc tế, nói cho dù các cuộc thương thuyết sẽ rất khó khăn, hỗn độn, và đôi khi rất gay gắt, nhưng cũng đỡ hơn là không thương thuyết.
Ông Ma nói trong khi hãy còn hy vọng, bất cứ thỏa hiệp nào cũng đòi hỏi phải có sự tương nhượng.
“Một số biện pháp cứng rắn được đề xuất có thể được giảm nhẹ, biện pháp đánh thuế quan có thể hoãn lại, một số ngành có thể được miễn trừ, và Trung Quốc có thể mua thêm hàng hóa của Mỹ.” Nhà nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế nói thêm: “Có những điều mà cả hai bên có thể làm, nhưng tất nhiên là có một số lĩnh vực khác sẽ khó thực hiện hơn, chẳng hạn như ngành công nghệ.”
Trung Quốc từ lâu đã bị chỉ trích vì các chính sách thương mại và cách làm ăn của họ, như buộc các công ty nước ngoài bàn giao công nghệ để được tiếp cận thị trường Trung Quốc, vấn đề liên quan tới sáng tạo và tài sản trí tuệ.
Để thay đổi điều đó, chính quyền Tổng thống Trump đang tiến hành điều tra các chính sách của Bắc Kinh, và các thủ đoạn thương mại của Trung Quốc liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, cải tiến và sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Trump đã dọa sẽ tăng thuế quan tới 150 tỉ đối với hàng hóa Trung Quốc và hạn chót cho hành động đó đang đến gần.
Một cuộc điều trần công khai sẽ diễn ra trong ngày 15/5 tại Washington để thảo luận các loại thuế quan, và rất Tổng thống Trump có thể áp thuế lên hàng Trung Quốc vào đầu tuần tới.
Nếu ông Trump làm như vậy, Trung Quốc đã cam kết sẽ đáp trả bằng cách tăng thuế quan đối với hàng hóa Mỹ có tổng trị giá 50 tỉ USD với hàng hóa Mỹ, trong đó có đậu nành.
https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-quoc-danh-tin-hieu-ve-cuoc-chien-thuong-mai/4395003.html
TT Putin: Tàu khu trục Nga ở Địa Trung Hải
đề phòng đe dọa khủng bố ở Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Tư 16/5 rằng các tàu quân sự của Nga trang bị tên lửa hành trình Kalibr sẽ có mặt thường trực tại Địa Trung Hải để chống điều mà ông nói là mối đe dọa khủng bố ở Syria.
Việc triển khai này cho thấy Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Đông kể từ khi bắt đầu một cuộc can thiệp vào Syria vào năm 2015, đẩy cuộc nội chiến ở nước này sang chiều hướng thuận lợi cho đồng minh thân cận của Nga là Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trước đây, Nga đã bắn tên lửa hành trình Kalibr từ tàu khu trục và tàu ngầm ở Địa Trung Hải nhắm vào các mục tiêu quân sự để hỗ trợ cho quân đội Syria.
Tổng thống Putin nói rằng chỉ có các tàu chiến trang bị tên lửa Kalibr sẽ túc trực ở đó, chứ không có tàu ngầm.
Loan báo việc triển khai tàu chiến này trong phát biểu trước các tư lệnh quân sự cao của Nga tại một cuộc họp ở thành phố Sochi trên bờ Biển Đen, Tổng thống Putin nói rằng đó là bởi vì “mối đe dọa khủng bố vẫn còn ở Syria.”
Moscow có một căn cứ hải quân cố định tại thị trấn duyên hải Tartus của Syria, và một căn cứ không quân tại Hmeimim.
Tháng trước, Nga cho biết họ cũng sẽ cung cấp các tên lửa đất đối không S-300 tiên tiến cho chính phủ Assad, bất chấp sự phản đối và nỗ lực ngăn chặn từ Israel.
Tuy nhiên, hôm thứ Sáu, trong một quyết định ngược lại tiếp theo sau chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Nga cho biết họ sẽ không thảo luận với Syria về việc cung cấp tên lửa S-300 nữa. Moscow nói rằng các tên lửa này không cần thiết.
Điện Kremlin phủ nhận chuyện đã đảo ngược quyết định về việc cung cấp tên lửa cho Syria hay có bất kỳ quyết định nào liên quan đến chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu.
Guatemala mở đại sứ quán ở Jerusalem,
hai ngày sau Hoa Kỳ
Guatemala vừa mở đại sứ quán ở Jerusalem hôm 16/5, hai ngày sau khi Hoa Kỳ khánh thành đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.
Tổng thống Guatemala Jimmy Morales và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tham dự lễ khai trương đại sứ quán, trong một khu liên hợp văn phòng ở phía tây Jerusalem.
Bạo động ở biên giới Palestine và Israel đã nổ ra giữa lúc Hoa Kỳ khai trương đại sứ quán mới hôm 14/5. Đây được xem là ngày đẫm máu nhất đối với người Palestine, kể từ cuộc xung đột ở Gaza năm 2014.
Tổng số người chết lên đến hơn 60 người và con số này vẫn tiếp tục tăng cao. Có hơn 2.200 người Palestine bị thương vì trúng đạn hoặc hơi cay từ các lực lượng Israel.
Cao ủy Nhân quyền LHQ hôm 15/5 lên án việc sử dụng vũ lực ở Gaza, nói rằng Israel có quyền bảo vệ biên giới theo luật pháp quốc tế, nhưng vũ lực gây chết người chỉ được sử dụng khi không còn phương sách nào khác.
Cơ quan quốc tế này còn nói rằng không thể biện minh cho việc sử dụng bạo lực chết người trong trường hợp những người Palestine tiến gần tới hàng rào ở dải Gaza.
https://www.voatiengviet.com/a/guatemala-mo-dai-su-quan-o-jerusalem-2-ngay-sau-hoa-ky/4396278.html
Merkel hậu thuẫn thỏa thuận Iran,
thận trọng về cải cách EU
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 16/5 lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran sau khi Washington rút ra khỏi thỏa thuận này. Bà Merkel cho rằng thỏa thuận này là cách tốt nhất để giải quyết những lo ngại về vai trò của Tehran ở Syria và chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Trong một bài phát biểu về nhiều vấn đề chính sách trước hạ viện, Thủ tướng Merkel nói cách tiếp cận đa phương đối với Iran là lựa chọn duy nhất.
Bà Merkel mô tả thỏa thuận với Iran là “không phải là lý tưởng”, nhưng bà lập luận rằng các thẩm quyền hạt nhân quốc tế đã thừa nhận rằng Iran vẫn tuân thủ đúng các cam kết đã đưa ra.
“Điều này không có nghĩa là chúng ta hài lòng về mọi thứ Iran đang làm, chúng ta phải nói về vai trò của họ ở Syria, về chương trình tên lửa đạn đạo của họ, và các vấn đề khác, nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu ta có thể đàm thoại thuận lợi hơn khi hủy bỏ thỏa thuận hay khi tiếp tục thực hiện thỏa thuận”, bà Merkel phát biểu trước các nhà lập pháp.
“Theo ý chúng tôi thì đàm thoại tốt hơn nếu ta vẫn dùy trì thỏa thuận”, bà nhấn mạnh.
Bà Merkel còn kêu gọi tăng cường khu vực đồng euro và tận dụng thế lực của mình để hậu thuẫn đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội của bà, để biến đổi Quỹ Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) thành một định chế có mục đích kiềm chế các ngân hàng yếu kém.
Bà Merkel và ông Scholz có những bất đồng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về những ý tưởng cấp tiến của ông, muốn tạo ra một ngân sách khu vực đồng euro riêng biệt, bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính và chuyển quỹ cứu trợ khẩn cấp ESM của khối thành một quỹ tiền tệ châu Âu.
Là người có lập trường kiên quyết bảo vệ người Đức khỏi phải gánh vác thêm nhiều rủi ro, bà Merkel nói mỗi nước thành viên phải chịu trách nhiệm cho chính mình trong một liên minh tiền tệ chung.
OPCW: Khí clo đã được sử dụng
trong cuộc tấn công ở Syria
Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) hôm thứ Tư 16/5 cho hay các nhà điều tra của tổ chức xác định hóa chất clo (chlorine) có phần chắc đã được sử dụng trong một cuộc tấn công hồi tháng 2 ở miền bắc Syria.
Báo cáo của OPCW căn cứ vào phỏng vấn các nhân viên y tế và các nhân chứng, cùng với kết quả xét nghiệm các mẫu vật chất lấy tại hiện trường vụ tấn công ở khu vực Saraqeb thuộc tỉnh Idlib.
Các nhóm y tế và cấp cứu thuật lại rằng vào lúc đó các nạn nhân là thường dân có những dấu hiệu rõ ràng bị phơi nhiễm với khí clo, gồm các triệu chứng về hô hấp và quần áo có mùi khí clo.
Ðại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley cáo buộc các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tấn công bằng vũ khí hóa học tại khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.
Trách nhiệm điều tra của OPCW là xác định có hay không vũ khí hóa học được sử dụng nhưng không có trách nhiệm xác định ai đã sử dụng vũ khí đó.
Chính phủ Syria nhất mực phủ nhận đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột bắt đầu hồi tháng 3 năm 2011.
https://www.voatiengviet.com/a/opcw-khi-clo-da-duoc-su-dung-trong-cuoc-tan-cong-o-syria/4396122.html
Mỹ trừng phạt giới chức ngân hàng trung ương Iran
Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm vận lên thống đốc ngân hàng trung ương Iran, ông Valiollah Seif, và Ngân hàng Hồi giáo Al-Bilad có trụ sở ở Iraq vì đã ‘chuyển hàng triệu đô la’ cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong lúc Washington đang tìm cách chặn nguồn tài trợ cho điều họ gọi là các hoạt động phá hoại của Iran ở Trung Đông.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết ông Seif đã nhân danh IRGC bí mật tuồn hàng triệu đô la thông qua ngân hàng Al-Bilad “để làm giàu và ủng hộ các hoạt động bạo lực và cực đoan của Hezbollah”.
Mỹ liệt phong trào Hezbollah thuộc dòng Hồi giáo Shi’ite của Lebanon, vốn được Iran hậu thuẫn, là một nhóm khủng bố.
“Đó là một việc đáng lo ngại, nhưng không có gì bất ngờ, khi quan chức ngân hàng cấp cao nhất của Iran âm mưu cùng với IRGC để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tài trợ cho các nhóm khủng bố như Hezbollah và việc này đã làm tổn hại uy tín của ông Seif trong viêc bảo vệ cho tính liêm chính của ngân hàng này với tư cách là thống đốc ngân hàng trung ương,” ông Mnuchin cho biết trong một thông cáo.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho ông Ali Tarzali, phó giám đốc bộ phận quốc tế của ngân hàng trung ương Iran, và ông Aras Habib, chủ tịch Ngân hàng Hồi giáo Al-Bilad, vào danh sách đen.
Cơ quan này cho biết các lệnh trừng phạt nhắm vào các ông Seif và Tarzalik không có ảnh hưởng ngay lập tức lên các giao dịch của ngân hàng trung ương Iran. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng các lệnh cấm vận bị tái áp đặt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể ảnh hưởng đến một số giao dịch bằng đồng đô la Mỹ của ngân hàng này kể từ ngày 7/8 năm 2018.
Hồi tuần trước, hai ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký vào năm 2015, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận đối với sáu cá nhân và ba công ty mà họ cho rằng đã chuyển hàng triệu đô la cho Lực lượng Quds tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
IRGC là cơ quan an ninh quyền lực nhất của Iran và kiểm soát nhiều lợi ích của nền kinh tế Iran và có ảnh hưởng to lớn trong hệ thống chính trị nước này. Lực lượng Quds là cơ quan tinh nhuệ của IRGC chuyên trách các hoạt động của IRGC ở nước ngoài.
Trong khi đó, Iran sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân hay đàm phán về chương trình tên lửa của họ, cố vấn hàng đầu của Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cho biết hôm 15/5.
Ông Ali Akbar Velayati, được thông tấn xã Fars của Iran dẫn lời cũng cảnh báo Israel rằng nước này sẽ đối mặt với ‘đáp trả mạnh mẽ hơn’ nếu họ tiếp tục tấn công Syria.
Hồi tuần trước, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sau đó Israel đã bắn phá các mục tiêu ở Syria để đáp trả lại cái mà họ gọi là ‘Iran tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Israel’.
Trong một diễn biến khác, Iran đang chuẩn bị nối lại chương trình hạt nhân ở mức độ cao hơn nhiều so với trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, hãng tin Fars của Iran dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết.
“Chúng tôi có khả năng và chúng tôi đã sẵn sàng nối lại các hoạt động hạt nhân ở mức độ cao hơn nếu các cuộc đàm phán với các nước châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút lui thất bại,” ông Ali Akbar Salehi được dẫn lời nói.
Triều Tiên sẽ tham gia
nỗ lực cấm thử hạt nhân toàn diện
Triều Tiên sẽ tham gia các nỗ lực quốc tế nhằm cấm các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, đại sứ nước này tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, ông Han Tae Song, phát biểu trước Hội nghị Giải trừ Quân bị hôm 15/5.
Triều Tiên, vốn được cho là đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân sáu lần, cho biết trong tháng này họ sẽ tháo dỡ cơ sở thử hạt nhân được biết duy nhất của họ trước cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un.
“Dừng thử vũ khí hạt nhân và các biện pháp tiếp theo là một quá trình quan trọng trong tiến trình giải trừ quân bị toàn cầu và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ tham gia vào nỗ lực giải trừ quân bị quốc tế để cấm hoàn toàn các cuộc thử nghiệm hạt nhân,” ông phát biểu.
Ông Han không đề cập thẳng thừng đến Hiệp định Cấm thử vũ khí hạt nhân Toàn diện. Triều Tiên là một trong những nước được gọi là Quốc gia Phụ lục 2 vốn phải phê chuẩn hiệp định này để cho nó có hiệu lực. Mỹ cũng thuộc nhóm nước này mặc dù Washington đã ký hiệp định trong khi Bình Nhưỡng thì chưa.
“Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ tiếp tục các nỗ lực hòa bình để phát triển mối quan hệ liên Triều, tháo ngòi nổ căng thẳng quân sự nghiêm trọng và hóa giải phần lớn nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên,” ông Han nói thêm.
Tổ chức Cấm thử vũ khí Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) vốn có mục tiêu là đưa hiệp định này có hiệu lực, đã hoan nghênh bài phát biểu của ông Han.
Trong một thông cáo, Thư ký Điều hành CTBTO nói: “Chúng tôi nhắc lại đề nghị của chúng tôi được hỗ trợ Triều Tiên trong công việc này (chấm dứt thử vũ khí hạt nhân)”.
Haspel: ‘Lẽ ra CIA không nên dùng
các biện pháp thẩm vấn hà khắc’
Bà Gina Haspel, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử làm giám đốc CIA, nói rằng cơ quan này lẽ ra không nên tiến hành chương trình thẩm vấn hà khắc trong quá khứ mặc dù bà vẫn khẳng định rằng chương trình thẩm vấn này đã đem lại ‘những thông tin tình báo có giá trị’.
Vào ngày 16/5, Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ bỏ phiếu để quyết định có phê chuẩn bà Haspel cho vị trí giám đốc CIA hay không. Mặc dù có những chỉ trích về việc đề cử bà do sự liên hệ của bà với các hoạt động của CIA trước đây bắt giữ, thẩm vấn hay gửi nghi phạm ra nước ngoài, bà Haspel dự kiến sẽ được sự phê chuẩn với sự ủng hộ của tất cả tám thành viên Cộng hòa trong Ủy ban và ít nhất một trong số bảy thành viên Dân chủ.
Ngay trong tuần tới, đề cử bà Haspel dự kiến sẽ được đưa ra cho toàn thể Thượng viện bỏ phiếu và kết quả nhiều khả năng là bà sẽ được chuẩn thuận với số phiếu sít sao.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội, bà Haspel đã cam kết bà sẽ không bao giờ tái khởi động chương trình vốn được đưa vào áp dụng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 năm 2001. Tuy nhiên, bà không đi xa đến mức cho rằng lẽ ra chương trình này không nên được thực hiện ngay từ đầu.
Vốn là một nhân viên tình báo chìm trong phần lớn thời gian 33 năm phục vụ cho CIA, hồi năm 2002 bà Haspel làm người đứng đầu CIA ở Thái Lan. Khi đó, CIA ở Thái Lan đã tiến hành thẩm vấn tại một nhà tù bí mật sử dụng các biện pháp như làm ngộp nước vốn được nhìn nhận rộng rãi là một biện pháp tra tấn.
Ba năm sau, bà đã soạn thảo một điện tín ra lệnh hủy các đoạn băng quay lại các cuộc thẩm vấn này.
“Mặc dù tôi không lên án những người đã ra quyết định khó khăn đó và tôi đã lưu ý những thông tin tình báo có giá trị thu thập được, nhưng chương trình này cuối cùng cũng làm tổn hại đến các nhân viên của chúng ta và địa vị của chúng ta trên thế giới,” bà Haspel viết trong một lá thư đề ngày 14/5 và được công bố hôm 15/5.
“Với lợi thế sau này nhìn lại và kinh nghiệm là một lãnh đạo cấp cao của CIA, chương trình thẩm vấn tăng cường không phải là chương trình mà CIA nên thực hiện. Hoa Kỳ nên là tấm gương cho phần còn lại của thế giới, và tôi ủng hộ điều đó,” bà Haspel viết trong một lá thư gửi đến Thượng nghị sỹ Mark Warner, một thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Warner chưa cho biết liệu ông có ủng hộ đề cử bà Haspel hay không.
Liên Hiệp Châu Âu bị WTO cáo buộc
trợ giá bất hợp pháp cho Airbus
Ngày 15/05/2018, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC) khẳng định Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa bỏ toàn bộ các biện pháp tài trợ bất hợp pháp cho tập đoàn Airbus. Phán quyết cuối cùng này sẽ cho phép Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, được thẩm định lên đến vài tỉ đô la mỗi năm.
Cấp phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB/ORD) của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới nêu rõ trong một văn bản rằng « Liên Hiệp Châu Âu và một số nước thành viên đã không tuân thủ những khuyến nghị và quyết định của Cơ quan giải quyết tranh chấp » trong vụ tranh chấp giữa Bruxelles và Washington từ năm 2004.
Cụ thể, « Liên Hiệp Châu Âu đã không tôn trọng rất nhiều phán quyết trước đó và vẫn rót hơn 22 tỉ đô la trợ cấp bất hợp pháp cho nhà sản xuất máy bay của châu Âu Airbus », theo thông cáo của Boeing được AFP trích dẫn.
Liên Hiệp Châu Âu không thể kháng án quyết định này. Và với phán quyết này, vẫn theo thông cáo của Boeing, « Hoa Kỳ được phép áp dụng các biện pháp trừng phạt hải quan về hàng nhập khẩu từ châu Âu » có thể lên đến vài tỉ đô la mỗi năm « cho đến khi Airbus có biện pháp giải quyết các khoản tài trợ bất hợp pháp từ các chính phủ châu Âu cho loạt máy bay mới được xuất xưởng gần đây ».
Về phần mình, Bruxelles cũng cho rằng Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã xét cho Liên Hiệp Châu Âu có lý khi « bác bỏ phần lớn yêu sách của Mỹ ». Bà Cecilia Malmstrom, ủy viên Thương Mại châu Âu, tuyên bố « Liên Hiệp Châu Âu sẽ nhanh chóng đưa ra các biện pháp để đảm bảo tuân thủ hoàn toàn quyết định cuối cùng của WTO ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180516-lien-hiep-chau-au-bi-wto-cao-buoc-tro-gia-bat-hop-phap-cho-airbus
Châu Âu và Iran
cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân 2015
Hôm qua 15/05/2018, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif kết thúc chuyến công du Bruxelles, sau khi đạt được với các nước châu Âu, một thỏa thuận về nguyên tắc nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân 2015, bất chấp quyết định rút của Mỹ.
Lãnh đạo ngoại giao Iran đã hội kiến với lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini và các đồng nhiệm Pháp, Đức và Anh. Tất cả đều cam kết sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận, cho dù Hoa Kỳ, một trong sáu cường quốc ký kết, vừa tuyên bố rút khỏi và dự kiến sẽ tái áp đặt các trừng phạt kinh tế chống lại Teheran trong những tháng tới. Châu Âu và Teheran thống nhất các biện pháp đầu tiên nhằm duy trì các hợp tác kinh tế giữa Liên Âu với Iran.
Thông tín viên Pierre Benazet từ Matxcơva cho biết cụ thể :
« Hiện tại đây là một thỏa thuận về nguyên tắc. Iran và các nước châu Âu nêu ra khoảng một chục điều khoản mà các bên cam kết thực thi, để Teheran vẫn tiếp tục được hưởng các lợi ích kinh tế, để đổi lại việc Iran tôn trọng các cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự. Vấn đề mở ra các đàm phán về những điểm khác chưa được đặt ra trong hiện tại. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini tuyên bố : ‘‘Một điểm rất rõ ràng đối với châu Âu chúng tôi, đó là với thỏa thuận hạt nhân hiện có, chúng ta có nhiều cơ hội hơn trong việc thảo luận với Iran về tất cả những vấn đề khác, cụ thể như vấn đề tên lửa hay tình hình an ninh khu vực. Chúng tôi nhất định không gắn liền hai khía cạnh này với nhau. Đêm nay, mục tiêu chủ yếu là cứu được thỏa thuận hạt nhân Iran, và duy trì toàn bộ các điều khoản của thỏa thuận này’’.
Châu Âu và Teheran cam kết duy trì các tuyến giao thương, tiếp tục việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran, hay bảo đảm cho đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Iran và hậu thuẫn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Một số biện pháp khác cũng được nêu ra như bảo đảm đối với các giao dịch ngân hàng, hay việc cung cấp tín dụng cho hoạt động xuất khẩu. Tất cả các biện pháp đều nhằm hướng đến việc tạo ra một môi trường kinh tế ổn định.
Sau ngày thảo luận hôm qua, Liên Âu và Iran cho biết hai bên tin tưởng là các biện pháp được đưa ra sẽ cho phép cứu được thỏa thuận 2015 ».
Vẫn liên quan đến Iran, theo AFP, hôm qua, Hoa Kỳ ra thêm một loạt trừng phạt mới nhắm vào thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Iran, bị cáo buộc tài trợ bất hợp pháp cho lực lượng Hezbollah Liban, một đồng minh của chế độ Teheran. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ tố cáo ngân hàng Iran chuyển hàng triệu đô la của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran để hậu thuẫn cho các hoạt động bạo lực của các nhóm vũ trang Hezbolhah, bị Hoa Kỳ cáo buộc là « khủng bố ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180516-chau-au-va-iran-cam-ket-bao-ve-thoa-thuan-hat-nhan-2015
Cuba và Liên Hiệp Châu Âu tăng cường quan hệ
Đối lại với chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm qua, 15/05/2018, Cuba là Liên Hiệp Châu Âu đã tăng cường đối tác giữa hai bên, với việc ký kết tại Bruxelles một hiệp định về năng lượng tái tạo.
Theo hãng tin AFP, cụ thể đó là một hiệp định song phương nhằm hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng sạch ở Cuba, huy động 18 triệu euro. Liên Hiệp Châu Âu cũng dự trù năm nay sẽ đóng góp gần 20 triệu euro để tài trợ cho một chương trình về an toàn thực phẩm.
La Habana và Bruxelles sẽ mở 5 cuộc đối thoại về các chủ đề phát triển bền vững, không phổ biến hạt nhân, kiểm soát vũ khí, nhân quyền và các biện pháp đơn phương. Cuộc đối thoại về chủ đề thứ năm sẽ bàn đến lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba.
Lịch sử Cuba đã sang trang mới kể từ ngày 19/04 vừa qua, với việc bầu ông Miguel Diaz-Canel làm chủ tịch, thay thế ông Raul Castro. Nhưng Hoa Kỳ vẫn không thay đổi lập trường, tức là vẫn dành ưu tiên cho việc « giải phóng » Cuba, nơi mà theo Washington, di sản của chế độ độc tài Castro vẫn còn đó. Kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump thi hành chính sách đi ngược lại với chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama xích gần lại La Habana.
Trong bối cảnh này, Cuba muốn kéo Liên Hiệp Châu Âu thành một đồng minh để đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin được AFP trích dẫn, các nước châu Âu vẫn không nhân nhượng với La Habana trên vấn đề nhân quyền và các quyền tự do chính trị. Hiệp định đối tác, ký vào tháng 11 năm ngoái, dự trù khả năng Liên Hiệp Châu Âu đình chỉ việc thi hành hiệp định trong trường hợp có những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Cuba.
Theo Ủy Ban Châu Âu, 28 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu hiện là các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu ở Cuba, nhất là trong các lĩnh vực du lịch và xây dựng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180516-cuba-va-lien-hiep-chau-au-tang-cuong-quan-he
Mỹ lên án Nga khai trương cầu Crimée,
ngăn cản giao thông trên biển
Ngay sau khi Matxcơva tổ chức rầm rộ lễ khánh thành cầu nối liền nước Nga với bán đảo Crimée hôm qua, 15/05/2018, bộ Ngoại Giao Mỹ ra thông cáo lên án hành động của Nga « củng cố việc sát nhập bất hợp pháp » vùng lãnh thổ của Ukraina, ngăn cản giao thông hàng hải tại biển Azov.
Trong thông cáo của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauer có đoạn : Cây cầu do Nga xây dựng cho thấy quyết tâm của Matxcơva « chà đạp lên luật pháp quốc tế ». Thông cáo nhấn mạnh là công trình dài gần 20 km này đã được xây dựng mà không được chính quyền Kiev cho phép.
Bộ Ngoại Giao Mỹ lưu ý đến tính chất nguy hại khác của cây cầu, là sẽ không cho phép nhiều tàu thuyền cỡ lớn đi qua eo biển Kertch, con đường duy nhất cho phép tàu bè đến các vùng lãnh thổ phía đông của Ukraina bên bờ biển Azov. Washington tái khẳng định là các biện pháp trừng phạt Nga – trong đó có các cá nhân và doanh nghiệp tham gia xây dựng cầu – sẽ được duy trì, chừng nào mà Matxcơva chưa hoàn trả lại chủ quyền của bán đảo Crimée cho chính quyền Ukraina.
Liên Hiệp Châu Âu lên án Matxcơva có thêm hành động xâm phạm chủ quyền của Ukraina. Về phần mình, Pháp cũng nhấn mạnh là cây cầu của Nga ngăn cản quyền lợi chính đáng của Ukraina sử dụng các vùng biển quốc tế.
Về lễ thông xe qua cầu Crimée hôm qua, thông tín viên Daniel Vallot từ Matxcơva cho biết chính quyền Matxcơva muốn quảng bá công trình này như một sự kiện mang tính lịch sử :
« Hình ảnh được chiếu đi chiếu lại trên các kênh truyền hình Nga. Ông Putin lái một chiếc xe tải hạng nặng mầu da cam, dẫn đầu một đoàn hơn chục xe tải phóng rất nhanh trên cầu Crimée. Đến bên kia cầu, tổng thống Nga xuống xe, trước ống kính camera, ông Putin ca ngợi đây là một ngày lịch sử.
Tổng thống Nga nói : Trong nhiều giai đoạn lịch sử, thậm chí dưới thời Sa hoàng, mọi người đã từng mơ đến một cây cầu như vậy. Trong những thập niên 30, 40, 50, người ta cũng đã từng nỗ lực, và giờ đây, chính là nhờ các vị mà dự án này, phép lạ này, đã diễn ra. Công trình tuyệt vời này giúp chúng ta gần hơn với Crimée, hỗ trợ Crimée trở nên hùng mạnh hơn. Cây cầu sẽ giúp chúng ta phát triển kinh tế Crimée và cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư khu vực này !’’.
Đối với tổng thống Nga Putin, cầu Crimée sẽ tạo điều kiện cho khách du lịch Nga đổ về bán đảo, giúp cho vùng này không bị cô lập. Thêm vào đó, công trình dài 18 km này rõ ràng cũng có cả ý nghĩa địa chính trị. Đó là nối liền nước Nga với vùng lãnh thổ của Ukraina, mà Matxcơva sát nhập vào năm 2014.
Kiev tố cáo việc xây cầu Crimée là một sự xâm phạm không thể chấp nhận được đối với chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180516-my-len-an-nga-khai-truong-cau-crimee-ngan-can-giao-thong-tren-bien
Kết quả bầu cử Malaysia:
Đối lập Đông Nam Á nên mừng hay lo ?
Cuộc bầu cử Quốc Hội ở Malaysia – với kết quả bất ngờ ngoài dự đoán là chiến thắng liên minh đối lập – như đã thổi một luồng gió hy vọng vào các đảng đối lập tại một số láng giềng Đông Nam Á.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 12/05/2018, lãnh đạo một số đảng đối lập, mà có đảng đã phải đứng ngoài chính quyền từ hàng chục năm nay, đã hoan nghênh thắng lợi của ông Mahathir Mohamad, và bày tỏ hy vọng là chuyển biến tại Malaysia sẽ là khởi điểm cho một sự thay đổi dân chủ rộng lớn hơn trong vùng.
Chủ nghĩa chuyên chế ngày càng mạnh trong những năm gần đây, ở khắp Đông Nam Á, đã gây lo ngại trong giới bảo vệ các quyền tự do và giới phân tích tình hình, với việc chính quyền nhiều nước đã bắt giam những lãnh đạo có thể thách thức quyền lực của họ, thao túng các cuộc bầu cử, giới hạn tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Có người mừng…
Tổ chức Nghị Sĩ ASEAN vì Nhân Quyền – ASEAN Parliamentarians for Human Rights – một tập hợp chính khách ASEAN, đã thấy rằng cuộc bầu phiếu ở Malaysia là « một điểm sáng trong thời đại đen tối ». Ông Mahathir đã đánh bại liên minh đã cầm quyền trong hơn 6 thập kỷ cho dù chính quyền đã chia cắt lại bản đồ cử tri một cách triệt để sao cho có lợi cho đảng cầm quyền, và truyền thông thì đưa tin về bầu cử rất thuận lợi cho phe của chính phủ.
Lãnh đạo đảng đối lập Cam Bốt bị giải tán, ông Sam Rainsy, trả lời Reuters từ Hoa Kỳ, cũng cho rằng : « Những gì mà dân chúng Malaysia đã hoàn thành rất đáng khích lệ đối với chúng tôi, vì cho thấy điều đó cũng có thể diễn ra ở Cam Bốt ».
Cựu thủ tướng Thái Lan lưu vong Thaksin Shinawatra, bị lật đổ năm 2006, cũng rất hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử, xem đấy là một bằng chứng của « quyền lực của nhân dân ».
Tại cả Cam Bốt, nơi ông Hun Sen, trị vì từ hơn 3 thập kỷ nay, lẫn ở Thái Lan nơi đang có chính quyền quân sự, tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong 1 năm tới đây.
Nhưng cũng có người lo…
Lee Morgenbesser, một chuyên gia Úc, nghiên cứu về các chế độ ở Đông Nam Á, thì nhìn thấy cuộc bầu cử ở Malaysia có nhiều khả năng dẫn đến đàn áp mạnh hơn trong vùng, hơn là kéo theo một sự thức tỉnh dân chủ: « Kết quả đáng ngạc nhiên trong cuộc bầu cử này cũng gởi một lời cảnh báo đến các chế độ chuyên chế trong vùng…, củng cố xu hướng (đàn áp) từ nhiều năm nay, và sẽ thấy thêm nhiều hành động thao túng, loại bỏ đối lập vào các thời điểm bầu cử. »
Chuyên gia này nêu ví dụ Mùa Xuân Ả Rập bắt đầu vào năm 2010. Các thành quả dân chủ gặt hái được đã bị đảo ngược khi giới nắm quyền tại nhiều nước phản ứng hung hăng bằng bạo lực và bắt các nhà ly khai.
Thái Lan: Quân Đội nắm quyền
Ở Đông Nam Á là ví dụ Thái Lan, nước từ 1932 đến nay đã kinh qua 12 cuộc đảo chính thành công. Chính quyền quân phiệt hiện tại đã đình hoãn các cuộc bầu cử và cấm tụ tập hơn 5 người. Giới quân đội Thái cho là họ đảo chinh, nắm quyền là để chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị và chống tham nhũng. Việc cấm tụ tập là để bảo vệ an ninh quốc gia và hoãn bầu cử vì cần thời gian chuẩn bị luật bầu cử mới.
Cam Bốt: Đối lập bị loại trừ hoàn toàn
Theo ông Morgenbesser, tại Cam Bốt thì chính quyền áp dụng biện pháp « loại bỏ hoàn toàn đối thủ ra khỏi cuộc bầu cử », như đặt đảng đối lập Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt CNRP ra ngoài vòng pháp luật vào năm ngoái (2017) và bắt giữ Kem Sokha, lãnh đạo đảng này. Truyền thông độc lập cũng bị buộc đóng cửa.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen giải thích bằng lý do: Đảng CNRP và ông Sokha cấu kết với Mỹ để lật đổ chính quyền Phnom Penh. Điều mà các luật sư của ông Sokha đã phủ nhận.
Trả lời hãng Reuters về kết quả bầu cử ở Malaysia, thứ trưởng Nội Vụ Cam Bốt Huy Vannak đã tỏ ý « thán phục nỗ lực của ông Mahathir thách thức đảng (cũ) cầm quyền của ông và thắng lợi bất ngờ. »
Theo cựu lãnh đạo đối lập Cam Bốt Sam Rainsy, ông Hun Sen sẽ lại thắng nữa trong cuộc bầu cử tháng 7 nếu đảng CNRP không được phục hồi. Ông cảnh báo là người dân sẽ bất bình và không đi bỏ phiếu. Hiện nay, thì người của đảng CNRP đang vận động tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới đây. Theo ông Sam Rainsy, một tỷ lệ đi bầu thấp sẽ làm chính quyền mất tính chính đáng.
Singapore: Đối lập quá yếu kém
Về trường hợp Singapore, với đảng Hành Động Nhân dân PAP nắm quyền từ ngày giành độc lập đến nay, tức 57 năm qua, thì tình hình tương đương với Malaysia về mặt chính trị.
Singapore hiện có một bộ luật rất khắt khe trừng phạt tội phỉ báng. Theo những người chỉ trích chính quyền, luật này thường được sử dụng để đàn áp đối lập chính trị. Các phương tiện truyền thông thì luôn thuận theo chính quyền.
Theo ông Morgenbesser, tương tự như Malaysia, Singapore cũng có những cuộc bầu cử có tranh đua thực sự, nhưng cũng có sơ hở. Tuy nhiên, khác với Malaysia, ở Singapore không có vụ tai tiếng tham nhũng nào nghiêm trọng.
Cựu nghị sĩ Singapore Inderjit Singh thuộc đảng thân chính phủ ghi nhận là người dân Singapore đã bị « chấn động » trước kết quả bầu cử ở Malaysia, một số người cho là chuyện này cũng có thể xẩy ra ở Singapore. Nhưng ông Inderjit Singh không tin là người Singapore sẵn sàng thay đổi để chọn chính phủ từ phe đối lập, ngày nào mà đối lập chưa có những lãnh đạo tầm cỡ quốc gia.
Hiện nay thì đảng đối lập Singapore, đảng Người Lao Động (Workers’ Party) chỉ chiếm có 6 ghế ở nghị viện, so với 80 ghế của đảng cầm quyền.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180516-ket-qua-bau-cu-malaysia-doi-lap-dong-nam-a-nen-mung-hay-lo
Nga phản đối Ukraina khám xét
trụ sở hãng thông tấn RIA Novosti ở Kiev
Ngày 16/05/2018, một ngày sau khi trụ sở của hãng thông tấn Nga RIA Novosti tại Kiev (SBU) bị an ninh Ukraina khám xét, Matxcơva đã lên tiếng phản đối sự vi phạm nghiêm trọng quyền của các nhà báo trên lãnh thổ Ukraina. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cam kết sẽ làm tất cả để giám đốc chi nhánh tại Kiev đang bị tạm giữ được trả tự do.
Trụ sở của hãng RIA Novosti ở Kiev bị khám xét vì Kiev cáo buộc cơ quan này là một vũ khí trong cuộc chiến thông tin mà điện Kremlin đang tiến hành.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Sébastine Gobert giải thích thêm :
« Các nhà điều tra Ukraina đã chứng minh rằng RIA Novosti được Nga, quốc gia xâm lược, sử dụng trong khuôn khổ « chiến tranh hợp thể » chống Ukraina. Bản thông cáo báo chí của cơ quan an ninh SBU ngắn gọn thẳng thừng. Cơ quan này hứa sớm công bố các bằng chứng khẳng định những cáo buộc trên.
Tuy nhiên, bản thông cáo lại không giải thích tại sao cơ quan SBU đã để RIA Novosti hoạt động từ khi cuộc chiến xảy ra vào năm 2014 và đến giờ mới quyết định ra tay.
Tại Matxcơva, điện Kremlin dọa trả đũa và lên án vụ khám xét của cơ quan an ninh Ukraina là tấn công vào tự do báo chí.
Tính từ năm 2014, chính quyền Ukraina đã bắt giữ và trục xuất không dưới 30 nhà báo Nga. Bất chấp những lo ngại và phản đối của các tổ chức bảo vệ tự do báo chí, Kiev cáo buộc những cơ quan báo chí này là gián điệp của kẻ thù, và lý giải là vì an ninh quốc gia.
Ngày 15/05, một danh hài Nga đã bị chặn ở biên giới Ukraina và bị cấm nhập cảnh. Như vậy, lại có thêm một ngày rất bài Nga tại Ukraina và đó là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai nước vẫn chưa dịu xuống ».
Israel tấn công người Palestine ở Gaza :
Mỹ bị cô lập ở Hội Đồng Bảo An
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn ngày 15/05/2018 sau ngày đẫm máu nhất ở dải Gaza kể từ năm 2014 với 61 người Palestine thiệt mạng và khoảng 1.000 người bị thương vì bị quân đội Israel tấn công.
Cộng đồng quốc tế lên án Israel lạm dụng vũ lực tấn công người dân Palestine. Trong khi đó, quốc gia Do Thái trông đợi vào tiếng nói bảo vệ của đồng minh Mỹ tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Marie Bourreau tại New York, Hoa Kỳ lại bị cô lập về vấn đề này :
« Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley dĩ nhiên là lấy làm tiếc về số người thiệt mạng bên phía Palestine nhưng bà lại quy trách nhiệm cho phe Hamas trong những vụ bạo lực này.
Bà nói: Chúng ta hãy nhớ rằng tổ chức khủng bố Hamas đã xúi giục bạo lực trong nhiều năm qua, trước cả khi Mỹ quyết định chuyển sứ quán về Jerusalem. Tiếp theo, bà cũng hoan nghênh sự sáng suốt của Israel: Không một quốc gia thành viên nào của Hội Đồng này có thể hành động chừng mực hơn là Israel đã làm.
Ngược lại, cả 14 thành viên còn lại của Hội Đồng Bảo An đã lên án Israel sử dụng vũ lực một cách bất cân xứng. Tuy nhiên, những cáo buộc đó hoàn toàn mang tính tượng trưng vì Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống mọi tuyên bố của Hội Đồng Bảo An và đại sứ Palestine Riyad Mansour đã chỉ trích hành động này. Ông nói: Không thể chấp nhận được là trong cùng một ngày có đến 61 người Palestine bị chết, trong đó có 8 trẻ em và Hội Đồng Bảo An tiếp tục bị tê liệt ».
Phía Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ nhưng biết rằng lời kêu gọi của họ sẽ không được đáp ứng vì Washington phản đối ».
Hội Đồng Nhân Quyền họp khẩn
Sau ngày đẫm máu tại dải Gaza, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn vào ngày 18/05/2018 để phân tích « tình hình nhân quyền đang xuống cấp trầm trọng ở các vùng đất Palestine bị Israel chiếm đóng », trong đó có cả vùng Đông Jerusalem. Theo AFP, yêu cầu họp khẩn « chính thức được Palestine và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đệ trình ».
Vụ đụng độ đẫm máu tại dải Gaza khiến quan hệ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng. Ngày 16/05, Ankara đã yêu cầu tổng lãnh sự Israel tại Istanbul, Yossi Levi Safri, tạm rời Thổ Nhĩ Kỳ « trong một thời gian ». Đây là biện pháp đáp trả tương xứng với quyết định của Israel đối với tổng lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Jerusalem được đưa một ngày trước đó, sau khi tổng thống Erdogan cáo buộc Israel là « Nhà nước khủng bố » và « diệt chủng ». Trước đó, Ankara cũng đã triệu hồi tham vấn đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Tel Aviv.
Indonesia : Đồn cảnh sát lại bị khủng bố
Chỉ hai ngày sau vụ tấn công tự sát một trụ sở cảnh sát tại Surabaya, Indonesia, sáng 16/05/2018, đến lượt sở cảnh sát ở Riau, trên đảo Sumatra, bị tấn công. Bốn thủ phạm bị cảnh sát bắn hạ, một người bỏ trốn nhưng đã bị bắt ngay sau đó.
Theo phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Indonesia, được AFP trích dẫn, những kẻ khủng bố đã lái một chiếc xe tải nhỏ đâm thẳng vào cổng của sở cảnh sát ở Riau, sau đó ra khỏi xe và dùng mã tấu tấn công cảnh sát.
Một cảnh sát thiệt mạng, hai nhân viên khác cùng với một nhà báo bị thương. Vụ tấn công xảy ra vào đúng ngày các cơ quan truyền thông được mời đến trụ sở Riau để đưa tin cuộc họp báo về một vụ buôn bán ma túy.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công. Đây là vụ tấn công tự sát thứ ba của Daech trong vòng vài ngày gần đây tại Indonesia. Tình trạng này khiến công luận lo ngại trước sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của tổ chức thánh chiến ở Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, quốc gia Hồi Giáo lớn nhất thế giới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180516-indonesia-don-canh-sat-lai-bi-khung-bo
Malaysia :
Trung Quốc và luồng gió ngược mang tên Mahathir
Công việc làm ăn của Trung Quốc tại Malaysia có lẽ sẽ không còn được suôn sẻ như xưa nữa. Sự kiện cựu thủ tướng Mahathir Mohamad từng lãnh đạo nước này trong hơn 2 thập niên cách nay 15 năm đã được bầu lại làm thủ tướng sau cuộc bầu cử Quốc Hội hôm 09/05/2018 vừa qua, như đã thổi một luồng gió ngược vào đà tiến tưởng như không gì cưỡng lại được của Trung Quốc tại đất nước Đông Nam Á.
Bắc Kinh như đã nhận thức rõ nguy cơ này nên đã vội lên tiếng kêu gọi tân chính quyền Malaysia duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai bên.
Tín hiệu của ông Mahathir bắn về phía Trung Quốc rất rõ ràng khi chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi có kết quả đắc cử, ông đã tuyên bố muốn đàm phán lại một số thỏa thuận với Bắc Kinh.
Theo hãng Reuters, trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, tân thủ tướng Malaysia cho biết ông ủng hộ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, nhưng dành quyền tái đàm phán một số điều khoản trong những thỏa thuận đã ký với Bắc Kinh nếu cần thiết. Thông điệp của ông Mahathir còn hàm ý chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Theo ông Mahathir : « Chúng tôi không có vấn đề gì với dự án Một Vành Đai, Một Con Đường, ngoại trừ việc chúng tôi không muốn thấy có quá nhiều tàu chiến trong khu vực, bởi vì chiến hạm này sẽ thu hút những chiến hạm khác, và khu vực sẽ trở nên căng thẳng vì sự hiện diện của tàu chiến ».
Tuyên bố đòi đàm phán lại các thỏa thuận với Trung Quốc mang đầy đủ ý nghĩa trong bối cảnh trong suốt thời gian vận động tranh cử ông Mahathir đã liên tục tố cáo thủ tướng đương thời Najib Razak là « bán tống, bán tháo » đất nước cho Trung Quốc, và đặt vấn đề về những khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào Malaysia, từ lãnh vực địa ốc, phát triển đô thị, cho đến đường sắt, cảng biển…
Có hai đại dự án bị ông Mahathir đặc biệt chỉ trích : Tuyến đường sắt phía đông bán đảo Malaysia, trị giá ít nhất 17 tỷ đô la (theo hãng tin Mỹ Bloomberg), được giao cho tập đoàn Kiến Thiết Giao Thông Trung Quốc chủ trì, và dự án địa ốc Forest City 40 tỷ đô la, ngoài eo biển Johor, mà cho đến nay 70% khách mua là người Trung Quốc.
Đối với ông Mahathir, cần phải xem xét lại tính cần thiết của dự án đường sắt, và lợi ích cho người dân Malaysia từ dự án Johor. Trong cuộc vận động tranh cử hôm 26/04 chẳng hạn, ông Mahathir cho rằng « Malaysia không được gì từ núi tiền » mà Trung Quốc đổ vào, và liên minh đối lập do ông lãnh đạo, nếu đắc cử, sẽ không có bất kỳ sự dễ dãi nào với dòng tiền từ Trung Quốc.
Theo nhận xét của nhật báo Mỹ Bloomberg ngày 07/05, dân Malaysia ngày càng lo ngại về cách Trung Quốc tài trợ cho các dự án khiến cho Malaysia trong thực tế khó có thể trả được nợ. Năm ngoái, Sri Lanka đã phải giao cảng Hambantota cho các công ty do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát để bù lại khoản nợ 1,1 tỷ đô la không trả được sau khi vay để xây dựng cảng này.
Các tập đoàn Trung Quốc cũng nổi tiếng với việc đưa công nhân, thiết bị và vật liệu từ nước mình sang, thay vì dựa vào nguồn lực địa phương. Như khi xây đường sắt tại Malaysia, chính phủ Malaysia thậm chí còn nêu việc ngôn ngữ bất đồng để biện minh cho việc nhập nhân công và vật tư từ Trung Quốc.
Còn đầu tư Trung Quốc vào bất động sản đã tạo ra tâm lý ganh tỵ, mối quan ngại về chủ quyền và chủ nghĩa bài ngoại. Dưới thời ông Najib, từ năm 2012 đến năm 2016, người nước ngoài chiếm khoảng 35% giao dịch đất đai ở Malaysia, đa số là người Trung Quốc. Dự án Forest City dự trù có 700.000 cư dân, cho đến nay, 70% người mua là người Trung Quốc. Các bất động sản ở đây có giá lên tới 250.000 đô la, ngoài khả năng tài chánh của hầu hết dân địa phương.
Sự kiện đối lập Malaysia thắng cử, lật đổ người thân cận với Trung Quốc dĩ nhiên đã khiến Bắc Kinh lo ngại.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Mahathir, hôm 10/05, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng tránh đề cập đến chuyện tái đàm phán mà chỉ khẳng định rằng quan hệ hai nước vẫn đang phát triển tốt, có lợi cho cả hai bên, do đó các thỏa thuận song phương cần phải được « trân trọng và bảo vệ ».
Phát ngôn viên Trung Quốc đã gạt bỏ những quan ngại về những tuyên bố « không thân thiện » trước đây của ông Mahathir đối với Trung Quốc, cho rằng chính ông Mahathir đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc phát triển quan hệ Bắc Kinh-Kuala Lumpur.
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 11/05 cũng cho rằng tân thủ tướng Malaysia cần phải thực tế, và bảo đảm hai điểm then chốt : Ổn định trong nước và quan hệ tốt với Trung Quốc.
Lý do mà tờ báo đưa ra là để phát triển đất nước, ông Mahathir cần phải tạo được một môi trường ổn định để khuyến khích thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, trong lúc đó thì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và vào năm 2017, là nhà đầu tư đứng hàng thứ sáu, sau Singapore, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ và Hồng Kông.
Trong một nhận định đăng ngày 11/05 trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusuf Ishak tại Singapore, chuyên gia Ian Storey cũng cùng quan điểm, cho rằng Trung Quốc có một vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Malysia, và chính ông Mahathir là « kiến trúc sư » của chính sách thân thiện với Trung Quốc vào đầu những năm 1990.
Tuy nhiên, ông Mahathir rất bất bình trước thái độ quá lệ thuộc của cựu thủ tướng Najib Razak với Bắc Kinh, và không ngần ngại tố cáo người tiền nhiệm là đã đặt lợi ích riêng tư bên trên quyền lợi quốc gia.
Một ví dụ thường được ông nêu lên là dự án địa ốc Forest City trị giá 40 tỷ đô la Mỹ ở Johor, với Trung Quốc là nhà đầu tư chính và công dân Trung Quốc là khách mua chủ yếu. Theo ông Mahathir, với dự án Forest City, Malaysia đã bán chủ quyền đất nước cho Trung Quốc, và dự án đó « không phải là Trung Quốc đầu tư mà là định cư. »
Ông Mahathir thậm chí còn cáo buộc Najib phá hoại vị thế phi liên kết của đất nước bằng cách khởi xướng quan hệ quân sự với Trung Quốc, và cho rằng giờ đây Malaysia không còn độc lập nữa mà đã là «một thành viên khối Trung Quốc. »
Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia Storey, giới phân tích an ninh khu vực sẽ quan tâm nhất đến quan điểm của tân chính phủ Malaysia về Biển Đông, nơi mà Malaysia tuyên bố chủ quyền trên 12 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và hiện kiểm soát năm thực thể, trong lúc Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn bộ các vùng biển đảo nằm bên trong đường 9 đoạn mà họ vẽ ra.
Đối với thủ tướng Mahathir, Malaysia không thể, và không nên đối đầu với Trung Quốc bằng quân sự, nhưng phải mạnh mẽ duy trì các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực và đàm phán với Trung Quốc.
Trong toàn cảnh nêu trên, chuyên gia Storey cho rằng mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã lo ngại trước kết quả bầu cử tại Malaysia, nhưng trong thực tế, sẽ không có những thay đổi lớn trong quan hệ song phương Bắc Kinh-Kuala Lumpur : Đối với Malaysia, Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng không thể xúc phạm, và ngược lại, Malaysia là một tác nhân chính trị trọng yếu trong ASEAN mà Trung Quốc không thể coi thường.
Cho dù vậy, trong vài tháng tới đây, một số dự án do Trung Quốc tài trợ gây tranh cãi, và đặc biệt là những vụ liên quan đến vụ bê bối tài chính quỹ đầu tư 1MDB sẽ được xem xét kỹ lưỡng và Malaysia có thể công khai hơn trong việc phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180516-malaysia-trung-quoc-va-luong-gio-nguoc-mang-ten-mahathir