Tin Biển Đông – 15/05/2018
Tập đoàn dầu khí Nga
quay sang Việt Nam để mở rộng hoạt động
Không thể khai thác ngoài khơi với các công ty phương Tây vì các biện pháp cấm vận của Mỹ, tập đoàn sản xuất dầu khí lớn nhất của Nga, Rosneft, hy vọng các hoạt động ở Việt Nam sẽ giúp tập đoàn này có được những kinh nghiệm cần thiết để mở rộng hoạt động trên toàn cầu.
Hãng tin Reuters cho rằng Việt Nam là một đồng minh truyền thống của Nga, và công ty Rosneft do Điện Kremlin kiểm soát là một phần trong một tập đoàn liên doanh giữa Petrovietnam và ONGC của Ấn Độ, đã sản xuất gần 3 tỷ mét khối khí (bcm) trong năm ngoái.
Tập đoàn liên doanh này cung cấp gần một phần mười nhu cầu điện của Việt Nam, và năm ngoái cũng sản xuất 65.000 tấn khí hóa lỏng, chủ yếu cho thị trường nội địa nhưng cũng xuất khẩu sang Singapore.
“Dự án tại Việt Nam cho phép chúng tôi phát triển kỹ năng làm việc và cũng là nền tảng cho sự phát triển hoạt động kinh doanh tại các nước khác ở Đông Nam Á”, Christopher Einchcomb, giám đốc bộ phận hỗ trợ dự án nước ngoài của Rosneft cho biết.
Ông nói thêm: “Tôi chắc chắn rằng kinh nghiệm thu thập được ở Việt Nam sẽ không chỉ được sử dụng cho công việc của công ty ở ngoài khơi Việt Nam, mà những kỹ năng thu thập được còn được áp dụng trong việc lập kế hoạch và thực hiện các dự án ‘thăm dò và sản xuất’ ở các vùng xa xôi khác trên thế giới”.
Các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt lên Moscow sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014 cấm các công ty phương Tây làm việc tại các mỏ dầu của Nga ở Bắc Cực, sản xuất dầu thô hay thăm dò nước sâu tại quốc gia này.
Tập đoàn chính của Hoa Kỳ, ExxonMobil, đã quyết định rút khỏi các dự án chung bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt với Rosneft trong năm nay.
Mervyn Goddings, người đứng đầu công ty con Rosneft RN-Việt Nam, nói các biện pháp trừng phạt buộc công ty này phải thận trọng hơn và tăng hiệu năng.
“Hơi bất tiện. Nghĩa là chúng tôi phải khôn khéo hơn một chút trong cách hoạt động, về nơi chúng tôi mua hàng. Nhưng có rất nhiều cơ hội, sự đa dạng. Có điều chúng tôi phải điều hành hiệu quả hơn và tốt hơn”.
Ông nói: “Không có kinh nghiệm nào là lãng phí cả. Vì vậy, những bài học học được ở đây sẽ được mang ra thực hành ở những nơi khác. Rosneft Việt Nam là một phần của tập đoàn Rosneft lớn hơn. Chúng tôi có những trao đổi nhân sự. Chúng tôi có nhân viên người Nga đến và làm việc ở đây”.
Rosneft cho biết sản xuất ngoài khơi ở Việt Nam mang về lợi nhuận cao. Chi phí hoạt động để sản xuất khí đốt dừng ở mức 1,5 USD/thùng dầu, chỉ bằng một nửa chi phí mà công ty thường phải trả.
Hoạt động tại Việt Nam của công ty là di sản của tập đoàn TNK-BP của Anh-Nga, đã được công ty mua lại vào năm 2013 với giá 55 tỷ USD.
Rosneft kiểm soát 35% tại Lô 06.1 với trữ lượng ban đầu là 69 bcm khí và sở hữu cổ phần khoảng 33% trong đường ống dẫn khí và khí hóa lỏng từ các lô ở bồn trũng Nam Côn Sơn tới một cơ sở phát điện trên bờ.
Công ty cũng hoạt động tại Lô 05-3/11 với nguồn tài nguyên ban đầu là 28 bcm khí và 18 triệu tấn khí hóa lỏng. Hiện tại, Rosneft đang thực hiện công việc thăm dò ở đây.