Tin khắp nơi – 15/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/05/2018

Thế giới phản ứng

việc Mỹ dời đại sứ quán đến Jerusalem

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ họp khẩn trong ngày thứ Ba 15/5 để thảo luận về tình hình Gaza sau ngày bạo động đẫm máu nhất giữa Israel và người Palestine trong 5 năm qua.

Điều phối viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tiến trình hòa bình Trung Ðông Nickolay Mladenov theo dự kiến sẽ báo cáo tình hình cho Hội đồng Bảo an từ Jerusalem.

Trước cuộc họp, Kuwait thảo một tuyên bố bày tỏ “phẫn nộ và đau buồn” trước việc hàng chục người Palestine bị quân đội Israel sát hại, và kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập. Các nhà ngoại giao Liên hiệp quốc cho biết Hoa Kỳ, đồng minh của Israel và là một trong năm thành viên của Hội đồng có quyền phủ quyết, đã chặn dự thảo lại.

Nhiều quốc gia đồng minh và cả thù địch với Hoa Kỳ chỉ trích về quyết định của Washington mở đại sứ quán tại Jerusalem hôm thứ Hai, và nói rằng động thái này sẽ làm tăng căng thẳng tình hình ở Trung Đông.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết: “Chúng tôi không đồng tình với quyết định của Hoa Kỳ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel” trước khi đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng ở Trung Đông.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án bạo lực hôm thứ hai tại Gaza, nơi binh sĩ Israel đã giết chết 52 người dân Palestine trong các vụ đụng độ tại biên giới. Ông Macron cho biết ông đã “cảnh báo nhiều lần về hậu quả” từ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trong một tuyên bố, văn phòng của ông Macron cho biết ông “sẽ nói chuyện với tất cả các bên liên quan ở khu vực trong những ngày tới.”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lặp lại phản đối của Moscow về động thái này. “Chúng tôi tin chắc rằng đơn phương đảo chiều quyết định của cộng đồng quốc tế theo cách này là hành động bất xứng”, ông nói.

Nhiều nhà lãnh đạo Ảrập cũng đã lên án động thái này, trong đó Thủ tướng Li- Băng Saad Hariri gọi quyết định này là hành động “khiêu khích”, còn Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thì mô tả đây là “một ngày đáng xấu hổ”.

Ả Rập Xê Út lên án vụ nổ súng của binh lính Israel đối với người Palestine ở Gaza nhưng không đề cập đến việc mở cửa đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem.

“Ả Rập Xê Út đã lên án mạnh mẽ vụ nổ súng do lực lượng chiếm đóng của Israel thực hiện chống lại những người dân Palestine không có vũ khí khiến hàng chục người chết và bị thương”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết trong chuyến viếng thăm London rằng việc di chuyển đại sứ quán là “rất, rất đáng tiếc” và rằng hành động này chứng tỏ Hoa Kỳ không thích hợp làm nhà hòa giải cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho hay họ yêu cầu đại sứ Mỹ “giải thích” về việc Washington dời Ðại sứ quán đến Jerusalem. Ankara cũng triệu hồi đại sứ của họ ở Israel tiếp theo sau cái gọi là “cuộc tàn sát” người Palestine ở biên giới Gaza.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng triệu tập một cuộc họp khẩn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tổ chức lớn nhất thế giới của cá quốc gia có đa số người theo Hồi giáo. Tổng thống Erdogan muốn tiến hành cuộc họp vào thứ Sáu 18/5. Đáp lại việc hàng ngàn người xuống đường ở Istanbul hôm thứ Hai, Tổng thống Erdogan hứa sẽ tổ chức một cuộc mít tinh ủng hộ người Palestine vào thứ Sáu ngay sau cuộc họp của OIC.

https://www.voatiengviet.com/a/the-gioi-phan-ung-viec-my-doi-dai-su-quan-den-jerusalem/4394387.html

 

Bạo lực Gaza:

Israel nói ‘tự vệ’, 55 dân Palestine thiệt mạng

Trong ngày chết chóc nhất ở Gaza kể từ cuộc chiến năm 2014, các quan chức Palestine nói quân đội Israel đã giết 58 người và làm bị thương 2.700 người.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói quân đội của ông đã hành động tự vệ chống lại các nhà cai trị Hồi giáo của Gaza, nhóm Hamas, những người mà ông nói muốn hủy diệt Israel.

Chính quyền Palestine gọi đây là một vụ thảm sát. Liên Hợp Quốc gọi đây là “các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Sang ngày thứ Ba, là ngày tưởng niệm Nakba, cuộc di cư cưỡng bức xảy ra 70 năm trước với người Palestine sau khi nhà nước Israel ra đời, có thể sẽ có thêm bạo lực.

Bạo lực tồi tệ nhất từ năm 2014 xảy ra trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa mở trụ sở đại sứ quán ở Jerusalem hôm thứ Hai, gây ra nhiều tranh cãi.

Hạt nhân Iran: Mỹ ủng hộ cáo buộc của Israel

Israel bắn trả đũa vào mục tiêu Iran ở Syria

Bạo lực lúc Hoa Kỳ mở Sứ quán ở Jerusalem

Việc chuyển trụ sở Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem đã làm sôi sục người dân Palestine, những người tuyên bố miền đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai.

Họ cho rằng động thái của Hoa Kỳ là một sự ủng hộ dành cho Israel.

Điều gì đã xảy ra ở biên giới Gaza?

Người Palestine đã biểu tình hôm thứ Hai như họ đã làm trong suốt sáu tuần qua. Các buộc biểu tình được tổ chức bởi Hamas, được gọi là “Đại lễ trở lại”.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình hôm thứ Hai – và được lên kế hoạch cho thứ Ba – là đỉnh điểm, khi trùng với kỷ niệm ngày thành lập của Israel vào năm 1948 và hay còn được người Palestine gọi là Nakba hoặc Ngày Thảm họa, vì hàng trăm ngàn người đã phải di tản đi nơi khác khi cuộc chiến diễn ra không lâu sau đó.

Phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết binh lính đã bắn vào những người “hoạt động khủng bố, chứ không phải những người biểu tình, những người này bị phân tán bởi các biện pháp thông thường như hơi cay theo quy định”.

Israel cho biết khoảng 40.000 người Palestine đã tham gia vào “cuộc bạo động bạo lực” tại 13 địa điểm dọc theo hàng rào an ninh Dải Gaza.

Người Palestine ném đá và các thiết bị gây cháy, trong khi quân đội Israel sử dụng khí hơi cay và súng bắn tỉa.

Ông Netanyahu bảo vệ quân đội của mình, nói: “Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ bảo vệ biên giới của mình.

“Tổ chức khủng bố Hamas tuyên bố ý định hủy diệt Israel và gửi hàng ngàn người vi phạm qua hàng rào biên giới để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động với quyết tâm bảo vệ chủ quyền và công dân của chúng tôi.”

Công bố ba ngày tang lễ, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói: “Hôm nay, lại một lần nữa, các vụ thảm sát chống lại nhân dân chúng ta lại tiếp tục.”

Phản ứng từ quốc tế

Đã có một luồng phản ứng xung đột dữ dội từ quốc tế:

Phát ngôn nhân Nhà Trắng Raj Shah nói: “Trách nhiệm đối với những cái chết bi thảm này là của Hamas … Hamas cố tình kích động phản ứng này.”

Kuwait đã soạn thảo một tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về bạo lực – và thể hiện “sự phẫn nộ và buồn đau” – nhưng điều này động thái này đã bị Mỹ ngăn chặn.

Giám đốc đối ngoại của EU, Federica Mogherini và Anh kêu gọi kiềm chế

Đức cho biết Israel có quyền tự bảo vệ nhưng phải làm như vậy một cách thích đáng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án bạo lực của quân đội Israel chống lại những người biểu tình

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Hoa Kỳ cũng phải chịu trách nhiệm với Israel về “vụ thảm sát tàn khốc” và đã triệu hồi các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ từ Mỹ và Israel

Một trong những tuyên bố mạnh nhất đến từ Cao ủy LHQ về Nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein, người lên án vụ giết hại hàng chục người, gây thương tích hàng trăm do phía Israel xả súng.

Nam Phi cũng đã triệu hồi đại sứ của mình tại Israel, lên án “sự bừa bãi và nghiêm trọng của cuộc tấn công mới nhất của Israel”

Vụ bạo lực có liên quan đến việc mở đại sứ quán Mỹ?

Có một số cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và những người biểu tình giương cờ Palestine ở bên ngoài đại sứ quán mới ở Jerusalem và một số người biểu tình đã bị bắt giữ.

Hamas đã nói rằng các cuộc biểu tình biên giới đang được đẩy mạnh vào thứ Hai và thứ Ba, nhưng phản ứng của ông Abbas đối với việc di chuyển đại sứ quán Mỹ cho thấy sự giận dữ của người Palestine.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44118765

 

Gaza chôn những người chết

sau ngày đẫm máu ở biên giới Israel

Người Palestine tập trung tại Gaza hôm thứ Ba 15/5 để an táng những người bị binh lính Israel bắn chết ngày hôm trước, trong khi tại biên giới Gaza-Israel, các lực lượng Israel chiếm giữ các vị trí sẵn sàng đối đầu với phong trào biểu tình phản đối của người Palestine trong ngày cuối cùng.

Bạo động hôm thứ Hai ở biên giới diễn ra vào lúc Hoa Kỳ khai trương đại sứ quán mới ở Jerusalem, là ngày khiến nhiều người Palestine đổ máu nhất kể từ cuộc xung đột ở Gaza năm 2014.

Tổng số người chết lên đến 60 người tính đến tối hôm thứ Hai, trong đó có một em bé tám tháng tuổi chết ngạt vì hơi cay khi đang ở cùng bố mẹ trong một lán trại của người biểu tình hôm thứ Hai. hơm 2.200 người Palestine bị thương vì trúng đạn hoặc hơi cay.

Các nhà lãnh đạo Palestine gọi những diễn biến hôm thứ Hai là một cuộc tàn sát, và việc Israel bắn đạn thật vào những người biểu tình bị thế giới lên án và lo ngại.

Israel nói rằng hành động của họ là để tự vệ và bảo vệ biên giới và cộng đồng của họ. Đồng minh chính của Israel là Mỹ hậu thuẫn cho lập trường đó, và cả hai nói rằng nhóm Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza châm ngòi cho bạo động.

Dư luận lo rằng sẽ có thêm đổ máu trong ngày thứ Ba khi người Palestine dự định tiếp tục biểu tình phản đối để đánh dấu ngày “Thảm họa.”

Đó là ngày người Palestine oán hận việc thành lập nước Israel năm 1948, khi hàng trăm ngàn người Palestine phải di tản hoặc bị cưỡng buộc rời khỏi nhà cửa trong bạo động với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh giữa nhà nước Do Thái vừa hình thành với các nước Ả Rập trong khu vực năm 1948.

Chiến dịch biểu tình phản đối ở biên giới dài 6 tuần mang tên “Cuộc tuần hành hồi hương vĩ đại” lập lại lời kêu gọi để cho người tị nạn có quyền trở lại quê hương của họ nay nằm bên trong Israel.

Hiện chưa rõ liệu các đám đông có kéo về biên giới trong ngày đỉnh điểm của phong trào sau những thiệt hại nặng nề nhất hôm thứ Hai.

Các giới chức y tế Palestine cho hay 104 người Gaza đã thiệt mạng kể từ lúc bắt đầu các cuộc biểu tình, gần 11.000 bị thương, và khoảng 3.500 người bị trúng đạn thật. Không có báo cáo thương vong nào bên phía Israel.

Binh sĩ Israel có cả xe tăng đang triển khai dọc biên giới Gaza hôm thứ Ba. Tình hình khá yên lặng vào lúc sớm, khi có nhiều người Gaza đi đám tang những người biểu tình chết ngày hôm trước. Người biểu tình dự trù sau đó sẽ kéo đến biên giới.

Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine ra lệnh tổng biểu tình phản đối trên khắp các lãnh thổ của người Palestine trong ngày thứ Ba, và toàn thể người Palestine để tang trong ba ngày.

https://www.voatiengviet.com/a/gaza-chon-nhung-nguoi-chet-sau-ngay-dam-mau-o-bien-gioi-israel/4394503.html

 

Biểu tình tại Washington

lên án Mỹ dời sứ quán tới Jerusalem

Ngày thứ Hai 14/5, hàng chục người Do Thái biểu tình, hò hát và la to các khẩu hiệu, gây tắc nghẽn một con đường chính tại Washington để lên án lệnh của Tổng thống Donald Trump chuyển tòa đại sứ Mỹ đến Jerusalem và việc Israel bắn chết các người biểu tình tại biên giới Dải Gaza.

Hô to khẩu hiệu “Chấm dứt bạo động,” khoảng 100 người biểu tình thuộc phong trào IfNotNow, chặn đại lộ Pennsylvania, nối Tòa Bạch Ốc với Điện Capitol, khoảng hai giờ trước Khách sạn Quốc tế Trump.

“Nơi cư ngụ hòa bình cũng phải mở rộng cho người Palestine,” cô Sarah Brammer-Shlay, 26 tuổi sinh viên Do Thái giáo đến từ Philadelphia và là một trong những người tổ chức biểu tình, nói.

Những người biểu tình, nhiều người đội mũ chỏm đầu và áo thun màu đen với dòng chữ “Tương lai của người Do Thái đòi hỏi tự do của người Palestine,” hát bài “Chúng ta sẽ xây dựng thế giới này bằng tình yêu thương.”

Các diễn giả liên tục cập nhật cho đám đông về con số tử vong tại biên giới Gaza, nơi có ít nhất vài chục người trong số hàng ngàn người biểu tình phản đối việc mở tòa đại sứ Mỹ tại Jerusalem bị binh sĩ Israel bắn chết.

Việc mở tòa đại sứ Mỹ tại Jerusalem hoàn tất lời hứa của ông Trump, một đảng viên Cộng hòa, công nhận thành phố thánh địa này là thủ đô của Israel dù chính sách của Hoa Kỳ trong nhiều năm qua là giữ tòa đại sứ Mỹ tại Tel Aviv. Động thái của ông Trump làm người Palestine phẫn nộ và nhiều chính phủ nước ngoài chỉ trích như là một bước thụt lùi của những nỗ lực hòa bình.

Cuộc biểu tình tại Washington là cuộc biểu tình thứ nhì của IfNotNow chống lại bạo động tại Gaza. Phong trào này thúc đẩy các tổ chức Do Thái tại Mỹ chấm dứt ủng hộ chính sách của Israel đối với vùng Bờ Tây và Dải Gaza bị Israel chiếm đóng.

Ngày thứ Hai 14/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói hành động của Israel tại hàng rào biên giới Gaza là tự vệ chống lại Phong trào Hamas hiện đang cai trị vùng đất này.

Tháng trước, 37 người biểu tình thuộc phong trào IfNotNow bị bắt tại 6 thành phố, trong đó có cuộc biểu tình tại văn phòng Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein và văn phòng của Thượng nghị sĩ Ben Cardin, tổ chức này cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-tai-washington-len-an-my-doi-su-quan-toi-jerusalem/4393707.html

 

Bạo động ở Gaza:

Quốc tế kêu gọi Israel tự kềm chế

Trọng Nghĩa

Hôm qua, 14/05/2018, là một ngày đẫm máu nhất trong cuộc tranh chấp Israel-Palestine từ sau chiến dịch quân sự của quốc gia Do Thái đánh vào dải Gaza từ mùa hè năm 2014đến nay. Theo số liệu mới nhất do phía Palestine đưa ra hôm nay, 15/05, đã có đến 59 người Palestine thiệt mạng, và 2.400 người khác bị thương, ở vùng biên giới Gazavà Israe,l khi quân đội Israel đàn áp đẫm máu những người Palestine biểu tình phản đối việc Mỹ khánh thành đại sứ quán tại Jerusalem.

Trong số các nạn nhân, có cả một em bé Palestine, bị chết ngạt vì hơi cay. Cơ quan y tế Palestine tại vùng Gaza còn cho biết là đa số những người chết là do bị trúng đạn bắn tỉa của quân lính Israel.

Trong lúc phía Palestine tố cáo một vụ « tàn sát khủng khiếp », thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng nước ông chỉ tự vệ chống lại các hành vi « khủng bố » của tổ chức Hồi Giáo Palestine Hamas, đang quản lý vùng Gaza. Luận điệu của Israel đã được Mỹ công khai ủng hộ, khi Washington quy trách nhiệm về những gì đã xẩy ra cho tổ chức Hồi Giáo Hamas.

Như thông lệ, Mỹ và Israel không được nhiều nước ủng hộ. Kể từ hôm qua, cộng đồng quốc tế hầu như đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi các bên, và nhất là Israel tự kềm chế, để khỏi gây nên quá nhiều thương vong.

Nước Pháp đã lên án các hành vi bạo lực, và phủ tổng thống Pháp cho biết là ông Macron sẽ điện đàm với thủ tướng Israel vào hôm nay. Ngay hôm qua, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas và Quốc Vương Jordani Abdallah II, tổng thống Pháp đã lên án đích danh các hành động bạo lực của quân đội Israel nhằm vào những người biểu tình.

Chính phủ Anh cũng kêu gọi giữ « bình tĩnh »  « tự kềm chế » trong lúc quốc vụ khanh phụ trách Trung Đông và Bắc Phi thì đòi tránh sử dụng « đạn thật ». Trung Quốc một thành viên khác của Hội Đồng Bảo An hôm nay cũng yêu cầu các bên tự kềm chế, « đặc biệt là Israel ».

Một số nước và tổ chức đã có những phản ứng dữ dội hơn, như Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ của họ ở Mỹ và Israel về nước, Nam Phi cũng triệu hồi đại sứ tại Tel Aviv.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng lên án Israel. Ân Xá Quốc Tế gọi vụ bắn giết người Palestine là « tội ác chiến tranh », trong lúc Human Rights Watch cho đấy là « một vụ tắm máu mà bất kỳ ai cũng đoán trước được ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180515-quoc-te-keu-goi-israel-tu-kem-che-sau-cai-chet-cua-59-nguoi-palestine

 

Hội Đồng Bảo An họp khẩn sau bạo động ở dải Gaza

Thụy My

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn hôm nay 15/05/2018 theo yêu cầu của Koweit, sau khi bạo động nổ ra ở dải Gaza hôm qua làm 59 người chết và 2.400 người bị thương. Hàng chục ngàn người Palestine ở Gaza đã biểu tình phản đối việc khánh thành đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem, một số người ném đá, cố gắng vượt qua vùng biên giới, và lính Israel đã nổ súng.

Tình hình tiếp tục căng thẳng hôm nay, ngày mà người Palestine gọi là « Nakba » tức « thảm họa » : việc thành lập Nhà nước Israel năm 1948 đã khiến hàng trăm ngàn người Palestine phải tha phương. Họ muốn Liên Hiệp Quốc lên án và đòi điều tra độc lập về vai trò của lực lượng Israel trong vụ bạo động đẫm máu hôm qua, nhưng Mỹ phản đối.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết :

« Các nhà ngoại giao không thể giữ im lặng sau sự kiện ngày hôm qua, là ngày đẫm máu nhất kể từ khi khởi đầu những cuộc biểu tình tại dải Gaza hôm 30/3. Trong một thông cáo gởi đến báo chí, Hội Đồng Bảo An bày tỏ sự phẫn nộ, đau buồn, cho rằng cần phải điều tra một cách độc lập và minh bạch, ngõ hầu đưa những người chịu trách nhiệm về bạo động ra trước công lý.

Nhưng Hoa Kỳ đã chống lại như thường lệ : từ bảy tuần lễ qua, Mỹ luôn ngăn cản tất cả những phát biểu của Hội Đồng Bảo An trong hồ sơ này.

Văn bản cũng nhắc lại tất cả mọi quyết định được cho là nhằm thay đổi hiện trạng của Jerusalem đều không có giá trị pháp lý nào, và phải bị hủy bỏ, theo như các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An. Quan điểm này tất nhiên là không thể chấp nhận được đối với Hoa Kỳ, vừa mới di chuyển đại sứ quán sang Jerusalem.

Do không thể ra nghị quyết lên án, một hội nghị công khai của Hội Đồng Bảo An sẽ được tổ chức trong những tiếng đồng hồ sắp tới. Cuộc họp sẽ chứng tỏ sự cô lập của Washington, và cả quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ với Israel, đã ngăn trở mọi hành động của Liên Hiệp Quốc trong vấn đề này. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180515-hoi-dong-bao-an-hop-khan-sau-bao-dong-dam-mau-o-dai-gaza

 

Trạm cho thuê súng’ mỉa mai văn hóa súng ở Mỹ

Một buổi triển lãm nghệ thuật công cộng ở Chicago đã khiến nhiều người “nhíu mày” với cái cách tác giả thể hiện văn hóa về súng ở Mỹ.

Màn hình hiển thị, Chicago Gun Share Program, (Chương trình Chia sẻ Súng ở Chicago), mô phỏng theo một trạm thuê xe đạp đô thị, nhưng thay vì xe đạp, trạm sẽ “giả vờ” cho mọi người cơ hội thuê một khẩu súng trường.

Biển hiệu mời bất cứ ai “mở khóa và nạp đạn” vào một khẩu súng trường công suất cao, bản sao của khẩu AR-15.

Mỹ: NRA ‘không ủng hộ bất kỳ lệnh cấm súng’

FBI bị chỉ trích vì vụ xả súng ở Florida

Trump thúc đẩy lệnh cấm lẫy đạn bắn liên thanh

Các tác giả – các nhà hoạt động – nói họ muốn nâng cao nhận thức về sự dễ dàng “sở hữu một vũ khí chiến tranh” ở Mỹ.

Buổi triển lãm này được đặt tại trung tâm thương mại Daley Plaza ở trung tâm thành phố Chicago, bang Illinois và là được dựng lên bởi Chicago The Escape Pod, trưng bày 10 khẩu súng AR-15 giả.

Khẩu súng AR-15 thật được bày bán hợp pháp và được sử dụng trong các cuộc tấn công xả súng hàng loạt gần đây, bao gồm một cuộc tấn công tại một trường trung học ở Florida khiến 17 người chết hồi tháng Hai.

Một phần của buổi triển lãm còn bao gồm các số liệu thống kê, các tội ác do súng ở Chicago.

“Khi bạn thuê một chiếc xe đạp, nó dễ dàng. Và việc thuê một chiếc súng cũng dễ dàng như thế, thì cũng quá dễ dàng để giết người bằng súng,” một khách du lịch trẻ tuổi, Omar Bahey Eldin, 12 tuổi, nói với đài NBC Chicago sau khi xem triển lãm.

Nghị sĩ Illinois Mike Quigley, đăng trên Twitter, một bức ảnh khi đích thân ông đến thăm triển lãm vào thứ Hai: “Việc nhận được một khẩu súng không nên dễ dàng như thuê một chiếc xe đạp – nhưng trong nhiều trường hợp, nó là thực sự là như thế”.

Trung tâm Brady, tác giả buổi triển lãm, ủng hộ việc cấm súng AR-15, và quy định sự kiểm tra lý lịch gắt gao cho tất cả loại súng được bán ra và ủng hộ việc tòa án có quyền cấm sở hữu súng với những người có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.

Triển lãm sẽ mở cửa cho đến ngày 16/5.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44118766

 

‘Cẩm nang’ về Đám cưới Hoàng gia Anh 19/05

Mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về Anh Quốc ngày 19 tháng 5 khi một thành viên của Hoàng gia Anh lên xe hoa với một nữ diễn viên người Mỹ. Đám cưới như trong cổ tích nhận được sự quan tâm của nhiều người trên thế giới. Và họ có nhiều câu hỏi mà có lẽ người Anh sẽ không bao giờ nghĩ đến.

Ai sẽ là người kết hôn lần này?

Hoàng tử Harry, cháu nội của Nữ Hoàng Anh Elizabeth II, con trai của Công tước xứ Wales và Lady Diana quá cố, Nữ Công tước xứ Wales.

Cô dâu sẽ là nữ diễn viên Hollywood đã thôi hành nghề, Meghan Markle.

Harry xếp hàng thứ 6 trong danh sách kế vị ngôi báu của Anh.

Cặp đôi này gặp nhau qua những người bạn chung và chàng hoàng tử đã cầu hôn vào một buổi tối khi họ làm món gà nướng.

Anh có háo hức chờ ngày 19/05?

Meghan sẽ thành công dân Anh thế nào?

Công chúa Hollywood sẽ nhận họ gì?

Được rồi, vậy vì sao tôi phải quan tâm?

Bạn là một tín đồ của sự lãng mạn?

Bạn quan tâm đến đời sống của người giàu và nổi tiếng? Bạn đã từng khóc khi chứng kiến đám cưới của Thái tử Charles và Công nương Diana?

Nếu bạn có câu trả lời là có cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên thì có lẽ bạn sẽ muốn theo dõi. Đám cưới hoàng gia chắc chắn sẽ là sự kiện ngoạn mục về tình yêu, truyền thống và các kiểu thời trang.

Bất kể quốc gia của bạn có thuộc chế độ quân chủ hay không, hay bạn ủng hộ chế độ, thể chế nào, ai mà không muốn xem một chút tin tức lãng mạn và hào nhoáng giữa dòng thời sự hiện nay?

Điều gì sẽ xảy ra vào ngày cử hành hôn lễ?

Lễ cưới sẽ được diễn ra tại Nhà nguyện Thánh George tại Lâu đài Windsor, cách trung tâm London 34 km về phía Tây, vào trưa ngày 19 tháng 5 theo giờ địa phương.

Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn muốn xem từ Việt Nam hoặc Bắc Mỹ, bạn sẽ phải theo dõi vào lúc 7:00 EDT.

Còn đối với những người quan tâm từ Australia, phía bên kia châu Đại dương sẽ là lúc 22:00 AEST.

Sau buổi lễ, cặp đôi mới cưới sẽ di chuyển bằng xe ngựa qua thị trấn Windsor, nơi Lâu đài Windsor tọa lạc, một trong những dinh thự của Nữ hoàng.

Cặp đôi đã lựa chọn chiếc xe ngựa Ascot Landau, chuyên được sử dụng trong các sự kiện và nghi lễ cấp nhà nước.

Hoàng tử Harry và vị hôn thê thăm Nottingham

Hoàng tử William có thêm một con trai

Cuộc diễu hành sẽ kết thúc tại St George’s Hall, một phòng tiệc tại lâu đài, nơi có khoảng 600 khách sẽ được mời đến tiệc chiêu đãi do Nữ hoàng tổ chức.

Cùng trong buổi tối hôm đó, đôi uyên ương sẽ cùng thưởng thức một bữa tiệc nhỏ, dưới không gian ánh sáng tuyệt vời tại Frogmore House, nơi sẽ có sự hiện diện của 200 bạn thân của họ.

Đây là dinh thự của Hoàng gia nơi hai người đã chụp bộ ảnh đính hôn.

Liệu nước Anh có ngưng trệ hôm đó?

Câu trả lời là không, tuy nhiên đừng đến tham quan Windsor trong thời gian này trừ khi bạn là người thích đám đông.

Đương nhiên đây sẽ là một sự kiện truyền hình lớn tại Anh, tuy nhiên, hôm đó là một ngày thứ 7 nên cũng có thể nhiều người Anh sẽ lựa chọn tiếp tục thói quen cuối tuần của họ như bình thường.

Còn đối với những người hâm mộ bóng đá, hôm đó cũng là ngày diễn ra trận chung kết cup FA giữa Manchester United và Chelsea, một sự kiện quan trọng hơn nhiều cho các fan bóng đá.

Vào năm 2011, đã có hơn 24 triệu người Anh đã theo dõi đám cưới của anh trai của Hoàng tử Harry là Hoàng tử William kết hôn với Công nương Kate trên truyền hình, và chương trình đã lọt vào top 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất trong lịch sử Anh, chỉ đứng sau trận Chung kết World Cup năm 1966 (32,3 triệu người xem) và Lễ tang của Công nương Diana năm 1997 (32,1 triệu người xem)

Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số này, có rất nhiều cách để theo dõi sự kiện này, trong năm 2011, tính riêng trên các nền tảng của BBC thì số lượng người xem đã vượt quá con số 34 triệu.

Hàng trăm triệu người trên thế giới được dự kiến sẽ dõi theo Hoàng tử Harry theo bước anh trai mình là hoàng tử Williams trong sự kiện sắp tới.

Buổi hôn lễ sẽ được diễn ra như thế nào?

Nữ hoàng là người đứng đầu Giáo hội Anh, là một phần của Cộng đồng, một nhánh của đạo Tin lành.

Điều đó có nghĩa các thành viên của Hoàng gia Anh cũng là những người trong Giáo hội Anh. Cô Markle đã làm lễ rửa tội để vào Giáo hội Anh hồi tháng 3 vừa qua, một buổi lễ do Tổng giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby chủ trì.

Ngài Welby cũng sẽ là người chủ trì cho buổi hôn lễ, trong đó sẽ bao gồm lời thề từ kinh thánh, những bài thánh ca tôn giáo, và những đoạn dẫn từ kinh thánh.

Bên ngoài dàn hợp xướng Anh truyền thống, buổi lễ cũng có sự tham gia của nhóm nhạc gospel Karen Gibson, Dàn hợp xướng Vương quốc Anh cùng nghệ sĩ cello Sheku Kanneh-Mason, người đã giành giải thưởng Nhạc sĩ trẻ của BBC năm 2016.

Liệu cô Markle có trở thành công nương?

Tước hiệu “công nương” là không đơn giản cho Hoàng gia Anh. Với tư cách là vợ của Hoàng tử Harry, cô Markle sẽ mang tước hiệu Công nương Henry xứ Wales. (Her Royal Highness Princess Henry of Wales.)

Tuy nhiên chỉ những người sinh ra trong gia đình hoàng gia mới có thể sử dụng tước hiệu “công nương” đằng trước tên của họ. Thay vào đó, có khả năng Nữ hoàng sẽ ban cho cặp vợ chồng mới cưới tước vị Công tước, như bà đã làm với Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge, anh trai và chị dâu của Hoàng tử Harry.

Và sau khi được phong tước hiệu Công tước, cô Markle sẽ được gọi là Meghan, Nữ công tước xứ… (tên một vùng đất phong bởi Hoàng gia). Ngay cả Diana chưa bao giờ được chính thức gọi là Công nương Diana. Bà là Công nương xứ Wales và sau khi ly hôn với Hoàng tử Charles, bà là Diana, Công nương xứ Wales.

Liệu Meghan Markle có đeo vương miện?

Bất kể tước hiệu của mình, cô Markle chắc chắn sẽ mang nhiều đồ trang sức hoàng gia.

Khi Diana qua đời, bà đã để lại rất nhiều đồ trang sức cho các con trai trao cho vợ. Nữ Công tước xứ Cambridge đã đeo rất nhiều đồ trang sức của bà, cũng như những trang sức thuộc về Nữ hoàng, trong lễ cưới chính thức của mình.

Bộ váy cưới của cô Markle hiện tại vẫn đang là một “bí mật quốc gia”. Bạn sẽ phải chờ xem vào ngày 19/5 tới.

Danh sách khách mời gồm những ai?

Mặc dù mới có một số ít người nổi tiếng cho biết họ đã nhận được thiếp mời, nhưng nhiều người nổi tiếng khác được cho là chắc sẽ có mặt trong hôn lễ.

Nhạc sỹ Elton John đã hủy hai buổi hòa nhạc của mình cận ngày đám cưới Hoàng gia với lý do là “bị trùng lịch”.

Nữ ca sỹ Mel B cũng đánh tiếng rằng cô cùng các thành viên nhóm nhạc Spice Girls cũng đã được mời tham dự.

Về phía Hoàng tử Harry, chắc chắn sẽ có tất cả những gương mặt hoàng gia quen thuộc. Ngoài bố đẻ của Harry, Thái tử Charles và mẹ kế, Nữ Công tước xứ Cornwall, thì toàn bộ các con và cháu của Nữ Hoàng; cô, chú cùng các anh chị em họ của Harry sẽ có mặt đầy đủ.

Bố của cô Markle, ông Thomas Markle, lúc đầu dự kiến sẽ là người dẫn con gái xuống lễ đường, nhưng chỉ vài ngày trước đám cưới, một trang web đưa tin về người nổi tiếng đưa tin ông quyết định không dự lễ cưới vì bị đau tim

Cựu kỹ sư về ánh sáng hiện đang sống tại Mexico, nơi có người nhìn thấy ông đọc cuốn sách với tiêu đề “Hình ảnh của nước Anh: Hành trình lịch sử qua ảnh” tại một quán Starbuck.

Mẹ của cô dâu, bà Doria Radlan sẽ tham dự lễ cưới.

Ngoài ra, cũng có khoảng 1200 người dân được mời đến chứng kiến lễ thành hôn trong khuôn viên của lâu đài Windsor vì những đóng góp cho hoạt động từ thiện của họ.

Những ai không được mời?

Đã có bàn cãi về chuyện liệu tổng thống Mỹ đương thời, ông Donald Trump, người trong qua khứ đã từng đùa ông muốn hẹn hò với mẹ của Harry là bà Diana, sẽ không được mời và người tiền nhiệm của ông, đồng thời là bạn của Hoàng tử Harry, ông Barack Obama, sẽ không được mời.

Nhưng thay vào đó, các chính trị gia hàng đầu của Anh cũng không được thiệp mời. Không biết nên vui hay buồn, nhưng chắc chắn sẽ là một cú thở phào đối với những người đứng đầu phố Downing vì nếu được mời, họ sẽ rất khó để giải thích đối với những người cùng cấp phía Nhà Trắng.

Vì vậy, chịu chung số phận cùng ông Trump và ông Obama, Thủ tướng Anh Theresa May và người đứng đầu Đảng Đối lập Jeremy Corbyn cũng sẽ không được mời tham dự.

Hai người anh chị cùng cha khác mẹ của cô Markle cũng gần như chắc chắn không có trong danh sách khách mời.

Những ai sẽ dự tiệc cưới?

Hoàng tử William đã xác nhận sẽ làm phù rể cho em trai mình, Hoàng tử Harry, người trước đây cũng đã làm phù rể trong đám cưới của anh năm 2011.

Hoàng tử William gọi đây là “một sự trả thù ngọt ngào”.

Điện Kensington cho biết cô Markle sẽ không có phù dâu danh dự và tất cả phù dâu và phù rể của cô đều là trẻ em.

Người phụ trách truyền thông của Điện Kensington, ông Jason Knauf cũng cho biết “Cô Markle có một nhóm bạn rất thân thiết, vì thế cô không muốn phải chọn ai bớt ai trong những người này”.

Tại sao các vị khách nữ đội những chiếc mũ ‘kỳ quặc’?

Hàng loạt những chiếc mũ độc đáo, khác lạ được diện bởi các vị khách nữ có lẽ là món quà thời trang tuyệt nhất mà người Anh đã tặng cho thế giới.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi rằng, truyền thống này bắt nguồn từ khi nào?

Trong suốt nhiều thế kỉ, phụ nữ che phủ tóc của mình trước công chúng để thể hiện sự khiêm nhường. Tập quán này đã không còn từ năm những năm 1950, tuy nhiên phụ nữ vẫn tiếp tục che tóc trong những dịp đặc biệt, ví dụ như khi đi nhà thờ.

Nghi lễ hoàng gia quy định rằng tất cả các phụ nữ trong hoàng tộc phải đội mũ trong các buổi lễ chính thức, và cô Markle đã được thấy tiếp nối truyền thống này, khi cô đội chiếc mũ beret màu kem trong Ngày hội khối Thịnh vượng chung tại Tu viện Westminster vào đầu năm nay.

Còn tiệc cưới? Liệu khách mời có phải trả tiền đồ uống tại quầy bar?

Khả năng mà khách hàng phải tự bỏ tiền để mua đồ uống của mình tại quầy bar sẽ rất khó xảy ra.

Mặc dù thực đơn cho bữa và bữa tối của đám cưới chưa được công bố, chắc chắn sẽ có champaign miễn phí cho tất cả mọi người.

Hiện tại, có tới 8 hãng sẳn xuất champaigne có ấn của hoàng gia. Nữ Hoàng từng mời khách dùng champaigne của hãng Bollinger tại đám cưới của bà, nhưng các thương hiệu nổi tiếng khác như Moet & Chandon và Veuve Clicquot cũng được sự phê chuẩn của Hoàng gia.

Nội dung không có

Tại sao bánh cưới lại được làm bởi người Mỹ?

Cô Markle đã quyết định không tiếp nối truyền thống sử dụng bánh trái cây theo thông lệ của các đám cưới hoàng gia.

Thay vào đó, cô theo truyền thống Mỹ với chiếc bánh cưới màu trắng kinh điển do đầu bếp Mỹ Claire Ptak làm.

Giống như cô Markle, bà Ptak hiện đang sống ở London, nhưng lớn lên tại California. Tiệm bánh Hackney Violet Cakes của bà sử dụng các nguyên liệu theo mùa và toàn là hữu cơ, và bà sẽ chuẩn bị một chiếc bánh vị hoa cơm cháy và chanh được cho là “sẽ kết hợp hương vị tươi sáng của mùa xuân”.

Theo như thông tin từ điện Kensington, chiếc bánh sẽ được bao phủ bởi kem bơ và được trang trí bằng hoa tươi.

DJ hay là Ban nhạc?

Nhiều khả năng là ban nhạc sẽ được lựa chọn.

Nếu những lời đồn đại là sự thật và ban nhạc Spice Girls được mời, có lẽ ca khúc “Two become one” sẽ là bài hát được chơi cho điệu nhảy đầu tiên của cặp vợ chồng mới cưới.

Hay có thể nhạc sỹ/ca sỹ Elton John sẽ biểu diễn ca khúc bất hủ ‘Can you feel the love tonight’.

Hiện tại chúng tôi vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về danh sách nhạc cho bữa tiệc, những tạp chí The Sun đăng tin cặp đôi đã chọn bài “I wanna dance with somebody” của Whitney Houston để mở màn cho bữa tiệc.

Làm thế nào để có thể theo dõi được Đám cưới Hoàng gia bên ngoài lãnh thổ nước Anh?

BBC News Tiếng Việt sẽ có bài tường thuật trực tiếp về lễ cưới trên website bbcvietnamese.com, cũng như các tin, ảnh và livestream trên Facebook.

BBC ở Bắc Mỹ và BBC World News đều sẽ phát sóng truyền tin trực tiếp vào ngày hôm đó.

Chúng tôi cũng sẽ đưa tin tường thuật các diễn biến của đám cưới Hoàng gia tại tài khoản Facebook, Twitter và Instagram của BBC News.

Có điểm gì khác nhau với đám cưới giữa Công tước và nữ Công tước xứ Cambridge?

Không giống như người anh trai của mình, Hoàng tử Harry không trong danh sách kế vị, và vì thế đám cưới của anh với cô Meghan Markle sẽ có ít nghi thức hơn (theo tiêu chuẩn của Hoàng gia)

Ngày cử hành hôn lễ là một ví dụ. Khi Hoàng tử William tổ chức đám cưới với Kate vào ngày thứ Sáu 29 tháng 4 năm 2011, Chính phủ Anh đã phải tuyên bố hôm đó là một ngày nghỉ lễ cho toàn quốc, để người dân có thể được nghỉ ở nhà và theo dõi buổi lễ.

Tuy nhiên, những người đi làm sẽ không được may mắn như thế nữa vì lần này đám cưới của Hoàng tử Harry được cử hành vào ngày nghỉ, Thứ bảy, ngày 19 tháng 5.

Bên cạnh đó, hôn lễ giữa Hoàng tử Harry và cô Markle cũng không được tổ chức tại Tu viện Westminster, thánh đường nổi tiếng và cũng là nơi đã từng tổ chức rất nhiều đám cưới hoàng gia gần đây như đám cưới của chính anh trai của Harry, cô của anh, một trong những người chú của anh và dĩ nhiên là của cả bà ngoại của anh, Nữ Hoàng Elizabeth II.

Để so sánh thì hôn lễ của Hoàng tử Harry và cô Markle sẽ được tổ chức thân mật hơn tại Nhà nguyện Thánh George với sức chứa khiêm tốn là 800 khách so với sức chứa của Tu viện Westminster là 1900 khách.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44122816

 

Phi công TQ ‘bị hút nửa người’ ra ngoài máy bay

Một phi công Trung Quốc ‘bị hút nửa người’ ra ngoài buồng lái trên chiếc Airbus A319 nhưng được cơ trưởng kéo vào và cứu sống.

Chuyến bay nội địa của hãng hàng không Tứ Xuyên (Sichuan Airlines 3U8633) từ Trùng Khánh đi Lhasa bị vỡ kính buồng lái lúc tăng độ cao.

Bạn có dám đi máy bay không người lái?

27 người bị thương trên chuyến bay Nga

‘Cánh tà hỏng’ làm rơi máy bay Nga

Tổ bay Cathay Pacific ‘thấy tên lửa Bắc Hàn’

Sau một tiếng động mạnh, kính buồng lái bị vỡ tung.

Cơ trưởng Lưu Chuyên Kiện đã cứu đồng nghiệp khi người này bị hút nửa thân mình ra bên ngoài không trung ở độ cao 9700 mét.

Nhờ vẫn đeo dây an toàn, phi công phụ chỉ bị sái cổ tay và sứt đầu.

Sau đó, cơ trưởng Lưu đã đáp khẩn cấp chiếc máy bay hành khách xuống sân bay Song Lưu ở Thành Đô.

Cục Hàng không Quốc gia Trung Quốc cho hay chỉ có thêm một thành viên phi hành đoàn bị thương nhẹ trong sự cố hôm 14/05 và 119 hành khách không hề hấn gì.

Hành động cứu đồng nghiệp và đáp được chiếc phi cơ mất hẳn một bộ kính phải trong buồng lái xuống đất khiến Lưu Chuyên Kiện được mạng xã hội Trung Quốc coi là anh hùng.

Sang đến ngày 15/05, #ChinaHeroPilot được 160 triệu lượt xem trên trang Sina Weibo.

Một hashtag khác, nói về chuyện kính vỡ ở buồng lái của hàng không Tứ Xuyên (#SichuanAirlinesWindscreenGlassCracked) cũng nhận được 68 triệu lượt người xem.

Hiện nay cả hãng sản xuất Airbus và cơ quan hàng không Trung Quốc đang cùng điều tra sự việc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44128597

 

Melania Trump phải giải phẫu thận

Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump vừa giải phẫu bướu thận ‘lành tính’ thành công, Nhà Trắng cho hay.

Văn phòng của bà Trump cho biết các bác sĩ thực hiện một thủ tục làm nghẽn động mạch tại Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed.

Thủ thuật này nhằm ngăn chặn máu lưu thông tới khối u lành tính hoặc ác tính.

Cuộc phẫu thuật thành công, không có biến chứng, phát ngôn viên của bà nói.

Ăn mừng Đệ nhất phu nhân Mỹ ở Slovenia

New York: Thương vong trong vụ cháy Tháp Trump

Cáo buộc về Trump: Stormy Daniels nói ‘từng bị đe dọa’

Bà Trump, 48 tuổi, dự kiến dành thời gian từ nay đến cuối tuần để hồi phục tại trung tâm y tế ở Bethesda, Maryland.

Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng ông đang trên đường đến thăm bà.

Bà Stephanie Grisham, phát ngôn viên của bà Trump, cho hay trong một thông cáo: “Đệ nhất phu nhân trông đợi hồi phục hoàn toàn để có thể tiếp tục công việc đại diện cho trẻ em ở mọi nơi”.

Tuần trước, bà Trump công bố sáng kiến ‘Be Best’ nhằm dạy trẻ em tầm quan trọng của sức khỏe xã hội, xúc cảm và thể chất.

Bà cho biết chiến dịch nhằm mục đích thúc đẩy cuộc sống lành mạnh và chống lạm dụng các chất gây nghiện.

Nhà Trắng cũng công bố hôm thứ Hai 14/5 rằng cựu Thượng nghị sỹ Harry Reid, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ, 78 tuổi, trải qua phẫu thuật ung thư tuyến tụy.

Gia đình ông Reid cho biết các bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore “tự tin ca phẫu thuật thành công và tiên lượng hồi phục rất tốt”.

Các bác sĩ đã phát hiện bệnh sớm trong quá trình sàng lọc định kỳ, thông cáo cho hay.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Hoa Kỳ John McCain, 81 tuổi, đang chiến đấu với một dạng ung thư não hiếm gặp, nằm trong danh sách những người gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới ông Reid trên Twitter.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44118965

 

Phụ tá Tòa Bạch Ốc ‘mắng’ McCain bị xử lý nội bộ

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai thông báo rằng người phụ tá bác phản đối của Thượng nghị sĩ John McCain về ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đề cử làm Giám đốc CIA bằng câu nói “dù gì ông ta cũng sắp chết” đã bị “xử lý nội bộ”. Tuy nhiên, phát ngôn viên Raj Shah không tiết lộ cụ thể biện pháp xử lý như thế nào.

Bị hỏi dồn tại cuộc họp báo, người phát ngôn Shah nói phụ tá truyền thông Kelly Sadler đã gửi lời xin lỗi riêng tới gia đình ông McCain và vẫn giữ công tác sau phát ngôn gây tranh cãi trong một cuộc họp kín tuần trước.

Người phát ngôn Shah, vốn chủ trì cuộc họp mà bà Sadler đưa ra bình luận, từ chối cho biết liệu có bất kỳ biện pháp kỷ luật nào đã được thực hiện hay không. Ông nói rằng ông không thể thông tin cụ thể việc “giải quyết nội bộ” như thế nào vì như thế thì sẽ không còn là nội bộ nữa.

Ông McCain năm nay 81 tuổi được chẩn đoán ung thư não vào tháng 7 vừa qua. Ông đã rời Washington vào tháng 12 và không có nhiều hy vọng sẽ quay trở lại.

Bà Sadler đã gọi điện cho con gái của Nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện bang Arizona, cô Meghan McCain, người đồng dẫn chương trình “The View” của Đài ABC, để xin lỗi vào tuần trước. Cô Meghan McCain nói với ABC News rằng, trong cuộc trò chuyện đó, cô đã yêu cầu bà Sadler xin lỗi công khai và bà đã đồng ý.

“Kể từ đó, tôi chưa nói chuyện lại với bà ấy và tôi đoán là điều đó sẽ không xảy ra”, cô Meghan McCain nói với ABC.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc lên án việc rò rỉ thông tin về cuộc trò chuyện riêng tư này, và một số người đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với bà Sadler.

https://www.voatiengviet.com/a/phu-ta-toa-bach-oc-mang-mccain-bi-xu-ly-noi-bo/4393715.html

 

Ủy ban Thượng viện sắp biểu quyết

về tân Giám đốc CIA

Ủy ban Tình báo Thượng viện sáng ngày thứ Tư 15/5 sẽ bỏ phiếu về việc Tổng thống Donald Trump đề cử bà Gina Haspel làm tân Giám đốc CIA, một phụ tá ủy ban cho biết ngày 14/5.

Đây sẽ là một cuộc biểu quyết kín theo như thông lệ của Ủy ban Tình báo.

Bà Haspel đã bị các nhà lập pháp chất vấn gay gắt tại buổi điều trần trong tuần qua về vai trò trong hệ thống thẩm vấn khắc nghiệt trước đây của CIA. Bà Haspel hứa sẽ không bao giờ tái lập chương trình này hay tuân theo những lệnh trái với đạo lý.

Bà Haspel nếu được chuẩn thuận sẽ là nữ giám đốc đầu tiên của CIA. Dự kiến bà sẽ được Ủy ban Tình báo chấp thuận và được phiên họp toàn thể Thượng viện chuẩn nhận vì hiện có ít nhất hai Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin và Joe Donelly nói sẽ cùng các Thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ bà.

Dù hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và Rand Paul loan báo chống lại bà Haspel nhưng Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số 51/49 tại thượng viện và Phó Tổng thống Mike Pence có thể bỏ phiếu để phá vỡ trường hợp ngang bằng số phiếu.

https://www.voatiengviet.com/a/uy-ban-thuong-vien-sap-bo-phieu-ve-tan-giam-doc-cia/4393722.html

 

Mỹ tìm kiếm sự hợp tác của EU trong vấn đề Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trao đổi với các đối tác Đức, Pháp và Anh trong những ngày gần đây để thảo luận về hợp tác đối với vấn đề Iran, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ngày thứ Hai 14/5 cho biết, một tuần lễ sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Phát ngôn viên Heather Nauert nói trong một thông báo “Ngoại trưởng nhấn mạnh là Hoa Kỳ va các đồng minh châu Âu cùng chia sẻ một cách mạnh mẽ những lợi ích trong việc ngăn ngừa Iran chế tạo vũ khí hạt nhân và chống lại việc chế độ Iran có những hàng động gây bất ổn trong vùng.”

Bà nói thêm “Ngoại trưởng hy vọng là chúng ta có thể tiếp tục hợp tác mạnh mẽ.”

Ngày Chủ Nhật 13/5, Tòa Bạch Ốc đe dọa áp đặt chế tài đối với các công ty châu Âu giao dịch với Iran sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận năm 2015 do chính quyền Obama thương thuyết.

Ông Pompeo có mặt tại Bình Nhưỡng khi ông Trump loan báo việc này và các giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao nói Ngoại trưởng sẽ cố thuyết phục các đồng minh châu Âu, Trung Đông, và châu Á làm áp lực để Tehran trở lại thương thuyết.

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Bolton ngày Chủ Nhật 13/5 nói các chế tài của Mỹ đối với các công ty châu Âu vẫn còn giao dịch buôn bán với Iran “có thể xảy ra” dù ông Pompeo vẫn hy vọng là Washington và các nước đồng minh có thể ký một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.

Cho đến nay, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh Đức và Iran vẫn tôn trọng thỏa thuận kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran và nới lỏng những chế tài kinh tế đối với Iran và những công ty giao dịch với nước này.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói sau khi đàm đạo với Bộ trưởng ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian rằng cả hai nước đều quyết tâm “giữ gìn những điều cốt lõi của thỏa thuận hạt nhân Iran.”

Ông nói thêm là các giới chức Anh và châu Âu sẽ họp tại Brussels vào ngày thứ Ba 15/5 để thảo luận về các phương cách bảo vệ các công ty trước các chế tài của Mỹ đối với Iran. Các chế tài đó sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng tới.

https://www.voatiengviet.com/a/my-tim-kiem-su-hop-tac-cua-eu-trong-van-de-iran/4393691.html

 

Đài Loan phản đối Air Canada

 liệt kê Đài Bắc thuộc về Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Đài Loan trong một tuyên bố hôm 15/5 cho biết đang yêu cầu hãng hàng không Canada “nhanh chóng sửa sai” quyết định liệt kê Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan, là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc trên trang web đặt vé của hãng này.

Không rõ thay đổi đó đã được thực hiện khi nào, nhưng mới hồi tuần trước, các thông tin trên trang web về Đài Loan không hề đề cập tới Trung Quốc, theo kiểm tra của hãng tin Reuters.

Phát ngôn viên của Air Canada, bà Isabelle Arthur, nói rằng “chính sách của Air Canada là tuân thủ tất cả các quy định trong tất cả các khu vực pháp lý trên toàn thế giới nơi máy bay của hãng hoạt động”.

Bắc Kinh luôn tuyên bố đảo quốc tự trị Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc và là điểm nóng, nơi có nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự. Trung Quốc từng gây áp lực đối với các hãng hàng không phải xem Đài Loan như một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về động thái của Air Canada nhắc tới Đài Loan như là một phần của Trung Quốc trên trang web đặt vé của hãng hàng không này.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-phan-doi-air-canada-liet-ke-dai-bac-thuoc-ve-trung-quoc/4394782.html

 

Đức thuê máy bay không người lái của Israel

Bộ Quốc phòng Đức sẽ sớm thông báo cho bên lập pháp việc xúc tiến kế hoạch thuê máy bay không người lái trinh sát Heron-TP do Israel chế tạo, chương trình vốn bị trì hoãn hồi năm ngoái, theo loan báo của Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen hôm 14/5.

Bộ Quốc phòng đã hoãn kế hoạch thuê 5 máy bay không người lái không vũ trang, một thỏa thuận theo đánh giá của các nguồn tin an ninh là trị giá khoảng 1 tỉ euro, giữa những quan ngại về việc sử dụng các loại máy bay này do Đảng Xã hội Dân chủ trung tả nêu lên.

Các đảng bảo thủ và Đảng Xã hội Dân chủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng ý trong thỏa thuận liên minh mới được ký vào tháng 2 năm nay việc thuê các máy bay không người lái do Công nghiệp Hàng không Không gian Israel chế tạo trong khi các công việc vẫn tiếp tục trong một chương trình khác để phát triển một máy bay không người lái mới do châu Âu chế tạo.

Bộ trưởng Von der Leyen nói thông báo sẽ sớm được chuyển sang quốc hội nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Các giới chức Bộ Quốc phòng nói các nhà lập pháp sẽ được yêu cầu duyệt xét hai hợp đồng riêng rẽ gần như hoàn tất-một với công ty Airbus lo việc quản trị chương trình và một với chính phủ Israel để lo về huấn luyện, hạ tầng cơ sở và tiếp liệu cho các máy bay không người lái.

Mùa hè vừa qua, Đảng Xã hội Dân chủ, trong một động thái bất ngờ, đã ngăn chận việc thuê các máy bay không người lái được dự trù từ lâu, nêu lên những quan ngại về việc vũ trang các máy bay trong tương lai. Tuy nhiên các giới chức Đảng Xã hội Dân chủ sau đó đồng ý tiến hành việc thuê các máy bay không người lái không vũ trang và yêu cầu tranh luận rộng rãi về những hậu quả đạo đức, hiến pháp và luật pháp của việc vũ trang các máy bay không người lái trong tương lai.

Đáp yêu cầu ngày 5/3 của ông Andrej Hunko thành viên của đảng cánh tả, một giới chức Bộ nói chính phủ dự trù giải pháp mua thêm 2 máy bay Heron-TP.

Đức cũng có kế hoạch tiến hành việc thương thuyết để có thêm 3 máy bay không người lái không vũ trang MQ-4C Triton bay ở cao độ do công ty Northrop Grumman chế tạo sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận thương vụ này vào ngày 4/4 năm nay.

Bộ Quốc phòng Đức hy vọng nhận được đề nghị bán ba máy bay không người lái của Northrop trong quý 3 năm nay, và muốn bắt đầu sử dụng những máy bay không người lái này vào giữa những năm 2020, một phát ngôn viên của Bộ cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/duc-thue-may-bay-khong-nguoi-lai-cua-israel/4393678.html

 

Cảnh sát Indonesia

đòi quân đội giúp sức chống khủng bố

Trọng Nghĩa

Lãnh đạo ngành cảnh sát Indonesia vào hôm qua, 14/05/2018 đã kêu gọi tổng thống Indonesia ra lệnh cho quân đội tham gia các chiến dịch chống khủng bố. Lời kêu gọi này được đưa ra vài tiếng đồng hồ sau khi nổ ra vụ khủng bố tự sát thứ hai trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nhắm vào trụ sở cảnh sát Surabaya, thành phố lớn thứ hai tại Indonesia.

Theo ông Tito Karnavian, lực lượng cảnh sát đã tiến hành 13 cuộc tấn công vào các nghi phạm khủng bố trong những ngày gần đây, hạ sát 4 người và bắt giữ 9 người. Tuy nhiên, phía cảnh sát cần thêm hỏa lực để đối phó với khủng bố, do đó cần phải hợp tác chặt chẽ với quân đội.

Cho đến nay, tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn ủng hộ việc giao cho quân đội quyền độc lập xử lý những vụ có liên quan đến khủng bố trong nước. Ông đã yêu cầu thông qua luật về vấn đề này trong vòng vài tuần lễ tới đây.

Tuy nhiên, quyết định của tổng thống Indonesia đã khiến cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền quan ngại, sợ rằng điều đó có thể dẫn đến việc vi phạm nhân quyền như từng xẩy ra trong quá khứ.

Cũng trong lãnh vực chống khủng bố, cảnh sát Indonesia hôm nay 15/05/2018 cho biết là đã hạ sát một tay khủng bố và bắt giữ 13 người khác bị tình nghi dính líu đến hai loạt khủng bố mới đây nhắm vào nhà thờ Thiên Chúa Giáo và trụ sở cảnh sát Surabaya hai hôm 13 và 14/05.

Play Video

Theo ông Frans Barung Mangera – phát ngôn viên cảnh sát Surabaya, một nghi phạm đã bị bắn chết trong một vụ chạm súng vào hôm nay với lực lượng cảnh sát chống khủng bố đến bắt giữ người này trong cuộc điều tra về các vụ tấn công khủng bố.

Ông cho biết các cuộc truy lùng tại Surabaya và các thành phố lân cận Malang và Pasuruan đã dẫn đến 13 vụ bắt giữ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180515-canh-sat-indonesia-yeu-cau-quan-doi-giup-suc-chong-khung-bo

 

Hạt nhân Iran :

Ngoại trưởng Iran tìm hậu thuẫn ở Bruxelles

Tú Anh

Mahammad Zarif, ngoại trưởng Iran, đã gặp đại diện ngoại giao châu Âu Federica Mogherini ngày thứ Ba 15/05/2018 để bàn về hiệp định hạt nhân vừa bị tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ. Tiếp theo đó, ngoại trưởng Iran thảo luận với đồng nhiệm Anh, Pháp, Đức, 3 trong số 6 nước cùng ký kết thỏa thuận với Iran vào năm 2015.

Các cuộc gặp gỡ này tại Bruxelles nhằm hai mục đích : thứ nhất, không để cho Iran cũng hủy bỏ hiệp định hạt nhân 2015 để khởi động lại chương trình tinh lọc uranium. Thứ hai là tìm cách bảo vệ các công ty Châu Âu kinh doanh với Iran lách né các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Châu Âu cũng nhân cơ hội này thảo luận với ngoại trưởng Iran về những mối lo phát xuất từ chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran và cơ nguy xáo trộn tại Trung Đông, theo tuyên bố của trưởng đại diện ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini. Cũng theo bà Federica Mogherini, hiệp định hạt nhân 2015 có hiệu quả và Bruxelles sẽ làm mọi cách để duy trì.

Sau khi Washington tuyên bố hủy bỏ hiệp định, ngoại trưởng Iran tìm hậu thuẫn ở năm nước còn lại trong lục cường Trung Quốc, Nga và Anh, Pháp, Đức. Bruxelles là chặn thứ ba sau Bắc kinh và Matxcơva.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180515-hat-nhan-iran-ngoai-truong-iran-tim-hau-thuan-o-bruxelles

 

Hạt nhân: Châu Âu

giữa áp lực của Washington và Teheran

Tú Anh

Sau khi được Bắc Kinh và Matxcơva ủng hộ, ngoại trưởng Iran đến Bruxelles để « thuyết phục » Anh, Pháp, Đức cứu vãn hiệp định hạt nhân 2015 vừa bị Mỹ, một trong lục cường ký kết, xé bỏ. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu đứng trước một bài toán nan giải : hậu thuẫn Iran hay Mỹ đều bất toàn.

Ngày 15/05/2018, một cuộc họp quan trọng được tổ chức tại Bruxelles, gồm các ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức, Iran và do đại diện ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini chủ trì. Bruxelles là chặng thứ ba trong vòng vận động ngoại giao của ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif, sau Bắc Kinh và Matxcơva, để tìm hậu thuẫn bảo vệ hiệp định hạt nhân 2015, có hiệu lực cho đến 2025. Trong giai đoạn 10 năm này, các nước ký kết cam kết hủy bỏ trừng phạt kinh tế tài chính, đổi lại Iran hứa ngưng chương trình hạt nhân quân sự.

« Nga-Âu quyền lợi tương đồng ? »

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump rút bỏ hiệp định mà ông cho là có quá nhiều sơ hở đã vô tình làm cho Nga và Châu Âu xích lại gần nhau trong bối cảnh xung khắc sâu rộng từ Syria, Ukraina, tin tặc, cho đến vụ mưu sát cựu điệp viên Serguei Skripal tại Anh Quốc. Theo tuyên bố của tổng thống Putin, Nga tiếp tục tôn trọng hiệp định hạt nhân, cho dù Mỹ rút lui. Ngoại trưởng Serguei Lavrov thẩm định là Nga và Châu Âu cần « hợp tác để bảo vệ quyền lợi chung ».

Hoa Kỳ còn năng động hơn. Trong những ngày qua, ngoại trưởng Mike Pompeo liên tiếp trao đổi với các đồng nhiệm Anh, Pháp, Đức kêu gọi các nước đồng minh « hợp tác chặt chẽ » với Washington, để « bảo vệ lợi ích chung » của Tây phương là ngăn chặn « chế độ Iran trang bị bom nguyên tử và gây bất ổn trong khu vực ».

Trong khi đó, lập trường của Anh, Pháp, Đức là « duy trì hiệp định 2015 » và thương lượng một « thỏa thuận rộng hơn », theo tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

« Áp lực của Mỹ »

Vấn đề là đứng trước quyền lợi kinh tế và chiến lược địa chính trị, Liên Hiệp Châu Âu không có lựa chọn toàn hảo.

Về kinh tế, Washington đe dọa sẽ trừng phạt các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn buôn bán với Iran, bất tuân một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An thông qua cách nay 3 năm. Ngày 10/05 vừa qua, tân đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell, đã kêu gọi các công ty Đức hoạt động tại Iran phải rút đi lập tức.

Trước đe dọa của Mỹ, châu Âu phải đối phó ra sao ? Trong ngắn hạn, Bruxelles có thể dựa vào một nguyên tắc của Hội đồng các cộng đồng châu Âu 1996, gọi là « Blocking Regulations », cấm mọi công dân tuân thủ các biện pháp hành chính, lập pháp và tư pháp của nước ngoài. Nhưng hiệu năng của biện pháp này hoàn toàn tùy thuộc vào tương quan lực lượng mà Hoa kỳ luôn vượt trội. Châu Âu cũng có thể đe dọa dùng biện pháp thuế quan trả đũa Mỹ, nhưng phải cẩn thận cân nhắc lợi hại.

Một biện pháp khác đã được tính tới là sử dụng đồng euro thay vì đôla. Vào năm 2016, ngân hàng BNP của Pháp bị phạt 9 tỷ đôla vì dùng tiền Mỹ để tài trợ các thương vụ với Cuba.

« Nước cờ khó đoán »

Về địa chiến lược, trái lại, chính Iran là nước ở thế thượng phong đối với châu Âu và cho biết sẵn sàng khai thác lợi thế này để bắt chẹt. Cuối tuần trước tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Mahammad Zarif cảnh báo là Iran chuẩn bị « tái tinh lọc uranium phóng xạ cao » nếu Liên Hiệp Châu Âu « không cam kết » tiếp tục đầu tư, buôn bán với Iran.

Theo nhận định của chuyên gia Clément Therme, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược IISS ở Luân Đôn, nếu doanh nhân châu Âu rút bỏ Iran vì sợ trừng phạt của Mỹ, thì về lâu về dài, Iran là nước bị thiệt hại nặng nhất . Thứ nhất, bởi vì Iran không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc. Thứ hai, nhu cầu lớn nhất của Teheran là mua được công nghệ như Total, Siemens, Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ, những thứ mà Trung Quốc và Nga không có. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc chỉ sử dụng mối quan hệ với Iran để gây áp lực khi đàm phán với Mỹ.

Phải chăng đây cũng sẽ là chiêu thức của Liên Hiệp Châu Âu ?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180515-hat-nhan-iran-chau-au-truoc-ap-luc-cua-washington-va-teheran

 

Hoa Kỳ và châu Âu thương lượng về thép và nhôm

Thụy My

Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross hôm nay 15/05/2018 gặp ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmström, để thương lượng về việc Hoa Kỳ áp thuế lên thép và nhôm châu Âu, biện pháp mà Washington đã tạm hoãn áp dụng cho đến nửa đêm 31/05/2018.

Vào đầu tháng Năm, Nhà Trắng đã gia hạn thêm một tháng việc hoãn đánh thuế 25% lên thép nhập khẩu từ châu Âu, và 10% lên nhôm, cho rằng đôi bên có thể vượt qua được những bất đồng thương mại.

Washington đòi Liên Hiệp Châu Âu (EU) phải mở cửa thị trường rộng hơn cho hàng Mỹ, để đổi lấy việc miễn hẳn sắc thuế trên. Tuy nhiên, Bruxelles yêu cầu phía Mỹ phải miễn « hoàn toàn và vô điều kiện » thuế hải quan đánh vào thép và nhôm, trước khi khởi đầu đàm phán.

Các cuộc thương lượng này diễn ra trong bối cảnh vốn đã căng thẳng với đối tác Mỹ, do quyết định của tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp định nguyên tử với Iran.

Donald Trump biện minh về hồ sơ ZTE

Cũng trong hôm nay, phía Mỹ bắt đầu thương thảo với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) đang ở thăm Washington. Bên cạnh việc Hoa Kỳ đòi giảm bớt thâm hụt thương mại 200 tỉ đô la với Trung Quốc, mà theo đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh là « quan điểm đôi bên còn rất xa nhau », có cả hồ sơ ZTE.

Mỹ tố cáo tập đoàn viễn thông Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận với Iran và Bắc Triều Tiên, và vào giữa tháng Tư đã cấm xuất các linh kiện điện tử Mỹ cho ZTE trong vòng bảy năm, khiến tập đoàn này có nguy cơ phá sản.

Bị Quốc Hội chỉ trích mạnh mẽ vì hôm Chủ Nhật tuyên bố rằng đã ra lệnh cho bộ Thương Mại tìm ra một giải pháp với Bắc Kinh, hôm qua tổng thống Donald Trump biện minh đó là do ZTE là khách hàng quan trọng của Mỹ. Reuters hôm nay dẫn các nguồn tin thông thạo cho biết Bắc Kinh đòi hỏi vấn đề ZTE phải được giải quyết trước khi đàm phán rộng rãi hơn về thương mại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180515-hoa-ky-va-chau-au-thuong-luong-ve-thep-va-nhom

 

Tân lãnh đạo Catalunya chống Madrid dữ dội hơn

Trọng Nghĩa

Vào hôm qua, 14/05/2018, vùng Catalunya đã bầu một lãnh đạo mới, ông Quim Torra, 55 tuổi, nhân vật được chính ông Carles Puigdemont, cựu lãnh đạo ly khai, đề nghị. Ông Torra là luật sư, kiêm nhà văn và … không có kinh nghiệm chính trị. Ông có ưu điểm là không nằm trong danh sách các chính khách bị chính quyền trung ương truy tố, nhưng do quan điểm rất địa phương chủ nghĩa của ông, giới quan sát đang lo ngại là vùng Catalunya sẽ lại đối đầu, và lần này là mạnh mẽ hơn, với chính quyền trung ương Tây Ban Nha ở Madrid.

Từ Madrid, thông tín viên RFI François Musseau phân tích :

“Một cuộc đối đầu mới giữa Barcelona và Madrid, giữa phe ly khai Catalunya và chính quyền thủ tướng Mariano Rajoy phải chăng sẽ tái diễn? Nhiều người đang lo ngại như vậy, đặc biệt là do tính cách của tân chủ tịch vùng Catalunya : rất địa phương chủ nghĩa, cương quyết ly khai, căm nghét Tây Ban Nha và xem việc chia tay với một quốc gia « ăn cắp, cưỡng đoạt vùng Catalunya giàu có » là giải pháp duy nhất.

Quim Torra là một nhân vật cực đoan đã đánh giá rằng Catalunya đã sống dưới ách của Tây Ban Nha từ 3 thế kỷ nay và nay phải dứt khoát thoát khỏi ách này.

Cho nên, tại Tây Ban Nha người ta rất lo ngại cho những ngày sắp tới, sợ là chính quyền mới ở Catalunya sẽ đơn phương tuyên bố độc lập, bất chấp luật lệ và Hiến Pháp Tây Ban Nha.

Play Video

Trước mắt, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói đến đối thoại với Quim Torra. Nhưng ông Torra biết rõ là mình có đa số tuyệt đối ở Nghị Viện Vùng và không hề muốn xích lại gần Madrid.

Tóm lại, trước mắt có hai lô gíc trái ngược nhau, hai phe không muốn thỏa hiệp. Theo đánh giá chung, việc bầu ông Quim Torra là khúc dạo đầu cho một cuộc đối đầu mới giữa phe ly khai Catalunya và chính quyền trung ương Tây Ban Nha.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180515-tan-lanh-dao-catalunya-co-kha-nang-chong-madrid-du-doi-hon

 

Địa điểm thử nguyên tử Bắc Triều Tiên

được tháo dỡ gần xong

Thụy My

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng đã bắt đầu tháo dỡ địa điểm thử nguyên tử duy nhất được quốc tế biết đến, trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trang web uy tín “38 North”, chuyên nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, hôm nay, 15/05/2018, cho biết như trên.

Vào cuối tuần qua, Bình Nhưỡng loan báo sẽ phá hủy « toàn bộ » địa điểm Punggye-ri ở miền đông bắc, trong một buổi lễ dự kiến trong khoảng ngày 23 đến 25/05, trước báo chí quốc tế được mời. Chính tại đây, Bắc Triều Tiên đã cho thử nguyên tử sáu lần. Lần cuối cùng vào tháng 09/2017, được cho là thử bom H (bom khinh khí, nhiệt hạch).

Các hình ảnh chụp được từ vệ tinh được trang web “38 North” đăng tải cho thấy « những bằng chứng rõ ràng là việc tháo dỡ địa điểm thử nguyên tử đã gần xong ». Nhiều tòa nhà quan trọng, cũng như các cấu trúc nhỏ hơn đã bị san bằng. Những đường ray nối các đường hầm với những đống xà bần đào lên đã được tháo đi, và việc đào xới cũng đã ngưng lại kể từ tháng Ba.

Những ảnh chụp còn chứng tỏ các hoạt động chuẩn bị cho buổi lễ, với một sân khấu dường như để các phóng viên đặt máy quay phim. Tuy vậy, lối vào các đường hầm vẫn chưa đóng hẳn, có lẽ là để chờ thực hiện trước sự chứng kiến của báo chí.

Reuters cho biết Bắc Triều Tiên có mời các nhà báo của một hãng thông tấn và một đài truyền hình Hàn Quốc tham dự lễ đóng cửa Punggye-ri. Họ sẽ bay sang Bắc Kinh cùng với các cơ quan truyền thông quốc tế khác, sau đó đi xe lửa đến Punggye-ri.

Đàm phán cấp cao liên Triều

Song song đó, Bình Nhưỡng đã đề nghị đàm phán liên Triều cấp cao vào ngày mai 16/05, nhằm bàn bạc chi tiết về thủ tục kết thúc chiến tranh và phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Phái đoàn Bắc Triều Tiên có 29 thành viên do Ri Son Gwon, chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình dẫn đầu. Phía Hàn Quốc có năm đại biểu do bộ trưởng bộ Thống Nhất lãnh đạo.

Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Chung In, cảnh báo ý tưởng giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn được cho là sẽ được nêu ra trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/06 giữa ông Kim Jong Un và Donald Trump, không được cả tổng thống Mỹ lẫn Hàn Quốc, Nhật Bản chấp nhận.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180515-dia-diem-thu-nguyen-tu-bac-trieu-tien-da-duoc-thao-do-gan-xong

 

Nhật Bản : Chính sách đại dương

tập trung trên an ninh biển

Trọng Nghĩa

Chính quyền Tokyo hôm nay, 15/05/2018, đã thông qua một chính sách mới về đại dương, nêu bật mối quan tâm của Nhật Bản về vấn đề an ninh trên biển, trong bối cảnh đe dọa ngày càng tăng từ phía Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Trọng tâm mới này đã đi ngược lại với chính sách trước đây, chủ yếu tập trung trên việc phát triển tài nguyên biển.

Theo hãng tin Kyodo, chính sách đại dương của Nhật đã nêu lên các mối đe dọa đến từ hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên và các hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.

Trong cuộc họp với ủy ban chính phủ về chính sách biển, thủ tướng Shinzo Abe khẳng định : « Trong bối cảnh tình hình trên biển ngày càng nghiêm trọng, chính phủ sẽ nỗ lực trong việc bảo vệ cả lãnh hải quốc gia và lẫn lợi ích trên biển ».

Chính sách nói rõ là tình hình an ninh biển mà Nhật phải đối phó « có rất nhiều khả năng xấu đi nếu không có biện pháp nào được đưa ra. ». Nhận định này dự báo việc tăng thêm ngân sách quốc phòng trong thời gian tới đây.

Chính quyền Nhật còn có kế hoạch sử dụng các trạm radar trên bờ biển, máy bay và tàu thủy của Quân Đội và Lực Lượng Tuần Duyên, kết hợp với mạng lưới vệ tinh tối tân của Cơ Quan Thám Hiểm Không Gian Nhật Bản để tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo.

Chính sách về đại dương còn nhấn mạnh trên nhu cầu hợp tác giữa Lực lượng Tuần Duyên và Cơ Quan Ngư Nghiệp để tăng cường năng lực đối phó với nạn đánh cá lậu của Bắc Triều Tiên và quốc gia khác trong bối cảnh nạn đánh bắt trái phép đang gia tăng trong vùng biển Nhật Bản.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, chính sách mới của Nhật cũng quy định việc phát huy chiến lược « Một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa » mà thủ tướng Abe đang thúc đẩy, nhằm duy trì và củng cố một trật tự thông thoáng và tự do trong vùng, trên nền tảng tôn trọng Nhà Nước Pháp Quyền.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180515-nhat-ban-chinh-sach-moi-ve-dai-duong-tap-trung-tren-an-ninh-bien

 

Gap xin lỗi vì bán áo in bản đồ Trung Quốc ‘sai sót’

Công ty sản xuất thời trang Mỹ xin lỗi vì mẫu áo thun in hình bản đồ không bao gồm Tây Tạng, Đài Loan cũng như Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, báo Anh đưa tin.

Theo tờ Guardian, thông cáo của Gap nói họ sẽ thực hiện “những đánh giá nghiêm ngặt” để ngăn sự việc này tái diễn.

Lời xin lỗi được đưa ra sau khi ảnh chụp mẫu áo thun được lan truyền trên mạng Weibo và bình luận thêm rằng thiếu các vùng lãnh thổ của Trung Quốc, gồm Tây Tạng, Đài Loan và Biển Đông.

Khách TQ mặc áo in bản đồ ‘lưỡi bò’ vào VN

Bảo tàng Anh thôi bán địa cầu ‘lưỡi bò’

Chủ quyền TQ ở Trường Sa đến từ ‘lỗi dịch thuật’?

VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?

Tấm ảnh được ghi chú là chụp tại một cửa hàng bán lẻ ở Canada.

“Gap Inc. tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi biết rằng một mẫu áo thun Gap được bán ở một số thị trường nước ngoài không thể hiện đúng bản đồ Trung Quốc. Chúng tôi thành thật xin lỗi vì sai sót không chủ ý này,” Chuỗi thời trang Mỹ post trên tài khoản Weibo của họ đêm 14/5.

Họ nói thêm rằng các sản phẩm này đã được rút khỏi thị trường Trung Quốc và bị tiêu hủy.

Vụ này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường tuyên truyền về bản đồ “đường lưỡi bò.”

Các doanh nghiệp Mỹ khác từng đưa ra lời xin lỗi về sự cố tương tự, gồm Delta Air Lines và Marriott International.

Trong tháng này, Nhà Trắng chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc ép buộc các hãng hàng không nước ngoài thay đổi cách họ mô tả Đài Loan, Hong Kong và Macau trên website và gọi đó là “sự kiểm soát vô nghĩa lý”.

Trung Quốc ban hành hộ chiếu mới vào năm 2012 in bản đồ “đường lưỡi bò” khiến các quốc gia trên khắp Châu Á nổi giận. Việt Nam, Philippines, Ấn Độ và Đài Loan phản đối động thái này.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Việt Nam cho hay hôm 14/5, Công an cửa khẩu sân bay Cam Ranh “xử lý” hơn chục du khách Trung Quốc nhập cảnh mặc áo thun in hình bản đồ “đường lưỡi bò”.

Công ty du lịch nhận đoàn khách trên được ghi nhận “đã thu giữ hết các áo thun in hình “đường lưỡi bò.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44098057