Tin khắp nơi – 14/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 14/05/2018

Bạo lực lúc Hoa Kỳ mở Sứ quán ở Jerusalem

Ít nhất 41 người Palestine đã bị giết, và 1.800 người bị thương do quân Israel trong các vụ đụng độ ở biên giới Gaza, theo lời giới chức Palestine.

Bạo lực xảy ra do Mỹ khai trương sứ quán ở Jerusalem, làm người Palestine giận dữ.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ sẽ tham dự lễ khánh thành, gồm cả con gái Tổng thống Donald Trump Ivanka và chồng là Jared Kushner.

Hôm 14/5 Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ tin báo chí nói đại diện Việt Nam dự buổi lễ của Thủ tướng và Ngoại trưởng Israel hôm 13/5 để mừng Mỹ mở sứ quán ở Jerusalem.

Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam nói Việt Nam “không có đại diện tại buổi lễ như tin của một số cơ quan”.

Israel bắn trả đũa vào mục tiêu Iran ở Syria

Hạt nhân Iran: Mỹ ủng hộ cáo buộc của Israel

Israel thông qua luật về khu định cư Bờ Tây

Người Palestine phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Họ tuyên bố khu vực phía đông thành phố thuộc Palestine, nhưng Israel tuyên bố không bao giờ chia cắt thành phố.

Người Palestine ở Gaza đụng độ với quân đội Israel ở biên giới hôm thứ Hai (14/5) và hai người Palestine bị bắn chết.

Bộ Y tế của Gaza cho biết họ bị giết ở phía bắc và phía nam của lãnh thổ.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Gaza, Hamas, tổ chức các cuộc biểu tình hàng loạt mang tên ‘Great March of Return’ nhằm phá vỡ hàng rào biên giới trong sáu tuần qua.

Khoảng 45 người Palestine bị quân Israel bắn chết, và hàng ngàn người bị thương.

Tại sao việc dời ĐSQ gây tranh cãi?

Tình trạng của Jerusalem là trung tâm của xung đột Israel-Palestine.

Chủ quyền của Israel đối với Jerusalem không được quốc tế công nhận và, theo hiệp ước hòa bình Israel-Palestine năm 1993, tình trạng cuối cùng của Jerusalem sẽ được thảo luận trong giai đoạn sau của đàm phán hòa bình.

Hoa Kỳ muốn chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem

Erdogan: ‘Jerusalem phải là thủ đô Palestine’

Kẻ tấn công ở Jerusalem ‘ủng hộ IS’

Israel chiếm đóng Đông Jerusalem kể từ chiến tranh Trung Đông năm 1967.

Israel chính thức sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ của mình, mặc dù không được sự đồng ý của bất kỳ quốc gia nào cho đến khi có tuyên bố của Tổng thống Trump tháng 12/2017.

Từ năm 1967, Israel đã xây dựng hàng tá khu định cư cho khoảng 200.000 người Do Thái, ở Đông Jerusalem. Hành động được coi là trái luật quốc tế, mặc dù Israel tranh cãi điều này.

Nhiều quốc gia từng có ĐSQ ở Jerusalem, nhưng đã di dời sau khi Israel thông qua luật năm 1980 chính thức coi Jerusalem là thủ đô.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump năm 2017 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã phá vỡ vai trò trung lập của Mỹ trong hàng thập kỷ đối với vấn đề này và khiến Mỹ trở nên khác biệt với cộng đồng quốc tế.

Khai trương gì và ai sẽ tham dự?

Một Đại Sứ quán nhỏ tạm thời sẽ bắt đầu hoạt động vào thứ Hai bên trong tòa lãnh sự quán của Mỹ ở Jerusalem.

Một khu vực lớn hơn sẽ được thành lập sau khi phần còn lại của ĐSQ chuyển về từ Tel Aviv.

Lễ khánh thành ĐSQ diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh Israel.

Tổng thống Trump dự kiến phát biểu tham dự sự kiện hôm thứ Hai (14/5) qua video.

Cùng với Ivanka Trump và Jared Kushner, là hai cố vấn cao cấp của Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Ngoại trưởng John Sullivan có mặt tại buổi lễ.

EU lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc di dời ĐSQ của Mỹ tới Jerusalem.

Báo Times of Israel hôm 13/05 cho hay Việt Nam là một trong ba nước Đông Nam Á, gồm cả Myanmar và Philippines cử đại sứ tới dự lễ ra mắt Sứ quán Mỹ ở Jerusalem.

Tuy nhiên, trong ngày 14/05, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ tin này.

Các nước Asean khác, và hai cường quốc là Nga và Trung Quốc đều tẩy chay lễ này, theo báo Israel.

Israel và Palestine phản ứng ra sao?

Quyết định của Tổng thống Trump công nhận Israel là thủ đô của Jerusalem và việc di dời ĐSQ được ủng hộ mạnh mẽ bởi người Do Thái Israel thông qua các nhóm chính trị bảo thủ.

Đó là một chiến thắng ngoại giao cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã gọi đó là sự thừa nhận thực tế.

Tuy nhiên, chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas gọi quyết định của ông Trump là ‘cái tát của thế kỷ’.

Ông nói rằng Mỹ không còn là nhà trung gian hòa giải trong đàm phán hòa bình Israel-Palestine và sẽ không còn có vai trò trong tương lai.

Tại Gaza, người Palestine biểu tình hàng tuần, đã biến thành bạo lực, trong khi tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm mà họ gọi là ‘Nakba’ hay ‘Catastrophe’ (Thảm họa), khi hàng trăm ngàn người chạy trốn khỏi nhà hoặc bị đuổi đi sau khi Nhà nước Israel thành lập ngày 14/5/1948.

Hamas, đang ở trong tình trạng xung đột với Israel, cho biết họ sẽ đẩy mạnh các cuộc biểu tình hàng loạt mang tên ‘Great March of Return’ vào thứ Ba, ngày lễ ‘Nakba’ chính thức.

Hamas nói rằng họ muốn thu hút sự chú ý đến những gì người Palestine xem là quyền của họ để trở về mảnh đất tổ tiên, nơi đã trở thành Israel.

Israel cho biết các cuộc biểu tình nhằm phá vỡ biên giới, mà nước này bảo vệ rất nghiêm ngặt, và tấn công cộng đồng Israel gần đó.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44109691

 

TQ nói sẽ bắt tay Mỹ trong đàm phán thương mại

Trung Quốc nói sẽ làm việc với Hoa Kỳ để có kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại, theo Reuters.

Trung Quốc hôm thứ Hai, cho biết họ sẵn sàng làm việc với Hoa Kỳ để có được kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại tuần này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng đưa ra bình luận này tại một cuộc họp thường xuyên.

TQ đã vượt Mỹ về siêu máy tính

Có phải Trung Quốc đang làm mất việc của người Mỹ?

Khi ‘Trung Hoa mộng’ gặp ‘Nước Mỹ vĩ đại’

Tin cho biết ông Lưu Hà, phó thủ tướng Trung Quốc sẽ tham dự các cuộc đàm phán về thương mại ở Washington từ ngày 15 đến 19 tháng 5.

Các cuộc thảo luận cấp cao ở Bắc Kinh hồi đầu tháng này dường như có rất ít tiến bộ nhưng gần đây đã có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng.

Trung Quốc nói Mỹ ‘đạo đức giả’

Mỹ-Trung ký thỏa thuận thương mại

Mỹ điều tra thép TQ ‘đội lốt Việt Nam’

Chứng khoán Trung Quốc tăng hôm thứ Hai, trước các dấu hiệu nới lỏng căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44105553

 

‘IS vẫn đang đe dọa châu Âu’

Người đứng đầu Cơ quan tình báo Anh Quốc (MI5) cảnh báo rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) mong muốn thực hiện những cuộc tấn công mang tính hủy diệt và phức tạp hơn ở châu Âu sau khi mất lãnh thổ ở Trung Đông.

Tổng giám đốc MI5, ông Andrew Parker sẽ đưa ra cảnh báo tại một cuộc họp của các giám đốc an ninh châu Âu tại Berlin.

Ông cũng sẽ lên án Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên ở Salisbury.

Ông cũng sẽ tiết lộ rằng Anh đã chặn đứng được 12 cuộc tấn công khủng bố bị kể từ cuộc tấn công Westminster vào năm 2017.

Bài phát biểu của ông Parker được đưa ra sau khi một người chết và bốn người bị thương trong vụ đâm dao ở Paris hôm thứ Bảy. IS đã đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công.

Tháng 12/2017, ông Parker báo cáo rằng chín vụ tấn công khủng bố đã bị ngăn chặn bởi lực lượng an ninh và cảnh sát trong năm 2017.

Số liệu cập nhật hôm thứ Hai 14/5 nâng tổng số vụ tấn công bị ngăn chặn ở Anh lên đến 25 kể từ năm 2013.

Trong bài phát biểu, tổng giám đốc MI5 nói ông “tự tin vào khả năng giải quyết những mối đe dọa này, vì sức mạnh và khả năng chống chịu của các hệ thống dân chủ, khả năng chống chịu của xã hội và các giá trị mà chúng tôi chia sẻ với các đối tác châu Âu” .

Ông Parker cũng sẽ cáo buộc điện Kremlin “vi phạm luật lệ quốc tế” trong vụ đầu độc một điệp viên người Nga và con gái ông ở Salisbury hồi tháng Ba.

Cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia bị phơi nhiễm một chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok.

Gia đình đánh bom ở Indonesia ‘từng đến Syria’

Nghi phạm vụ Paris ‘sinh ở Chechnya thuộc Nga’

Bắc Hàn sẽ ‘dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân chính’

Indonesia: Đánh bom nhà thờ, chín người chết

Chính phủ Nga phủ nhận bất kỳ can dự nào trong vụ tấn công ngày 4/3. Nhưng sự việc đã trở thành chủ đề lên án và trừng phạt ngoại giao từ phương Tây.

Ông Parker sẽ mô tả vụ ám sát ông Skripals như là một “hoạt động tàn ác có chủ ý”, điều này khiến Nga có nguy cơ bị cô lập hơn.

Ông cũng sẽ lên án Moscow bằng cách kêu gọi sự cần thiết phải “soi rọi vào màn sương mù của sự dối trá… trong bộ máy tuyên truyền của Nga”.

Ông Parker sẽ nói thêm rằng các cơ quan tình báo châu Âu “hơn bao giờ hết phải dựa vào hợp tác chung”.

“Hợp tác tình báo châu Âu ngày nay chỉ đơn giản là không giống với năm năm trước đây”, ông sẽ nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44105029

 

Kim Jong-un thấy thoải mái ở Singapore

Karishma VaswaniBBC News, Singapore

Sau nhiều tuần đồn đoán cuối cùng thông tin cũng được công bố – Singapore nhỏ bé sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim.

Ngoài một sân bay tuyệt vời và một vài khu vườn được cắt tỉa gọn gàng, tại sao lại là Singapore?

Trump gặp Kim ở Singapore ngày 12/6

Kim Jong-un di chuyển bằng phương tiện gì?

Bắc Hàn thả ba tù nhân Mỹ

Singapore là một trong số ít các quốc gia vẫn có đại sứ quán Triều Tiên, và bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, ít nhất hai công ty Singapore bị cáo buộc tiếp tục làm ăn với Bắc Hàn như tôi đã phát hiện trong một cuộc điều tra hồi đầu năm – các cáo buộc hai công ty đã phủ nhận.

Ngoài ra, các tàu chở hàng giữa Bình Nhưỡng và Singapore thường không được kiểm tra hoặc không kiểm soát, một phần do thiếu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Singapore, như tờ Washington Post đưa tin năm 2016.

Nhưng còn hơn thế. Bản thân gia đình Kim cảm thấy rất thoải mái ở đây, theo các nguồn tin cho tôi biết.

Đó là một đất nước họ cảm thấy an toàn. Họ đã từng có tài khoản ngân hàng ở đây, và cũng được cho rằng đã đến đây để khám bệnh.

Bộ ngoại giao Singapore nói với tôi trong những dịp vừa qua khi tôi đưa tin về các hoạt động của Bắc Hàn ở Singapore, rằng nước này cấm các tổ chức tài chính của mình cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc dịch vụ để phục vụ cho bất kỳ giao thương nào với Bắc Hàn.

Singapore là lãnh thổ trung lập

Có những lý do phi kinh tế khác khiến Singapore có thể hấp dẫn.

Như Ankit Panda của The Diplomat chỉ ra, một lý do tại sao Singapore được Kim Jong-un chấp nhận là bởi vì nó là một “nhà nước không đứng về bên nào, không ký kết Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế”, vì vậy về lý thuyết không có nguy hiểm cho nhà lãnh đạo Bắc Hàn bị lôi kéo vào các cáo buộc về nhân quyền khi ông đến đây.

Nước nào có tham vọng nhất thế giới?

Xa xỉ phẩm được gửi trái phép đến Bắc Hàn

Kim Jong-un đi tàu thăm Bắc Kinh?

Ngoài ra còn có tiền lệ lịch sử: năm 2015 Singapore đã tổ chức một cuộc họp cấp cao nhưng có khả năng gây tranh cãi – giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan.

Không dễ dàng là một người chơi địa chính trị trong bầu không khí hậu hiện tại. Có nghĩa là phải đối phó với một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ dễ thay đổi và định hướng sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhưng Singapore đã làm khá tốt cả hai, mặc dù vẫn còn một số sai sót.

Ngoại giao khéo léo của Singapore với cả hai bên không phải là điều duy nhất khiến nước này được chọn.

Nước này được biết đến trong khu vực như là ngân hàng của ASEAN – ý tôi là một nơi an toàn, kín đáo để làm ăn và không có quá nhiều câu hỏi về những gì bạn sẽ làm – miễn là bạn tuân thủ khung pháp lý của Singapore.

Nhưng trong khi các chính quyền trước đây của Mỹ như Clinton hay Obama có thể đã cố gắng thuyết phục Singapore ngừng kinh doanh với Bình Nhưỡng, trớ trêu thay đó là mối liên kết chặt chẽ giữa hai bên mà có thể đã giúp Singapore trở thành địa điểm lựa chọn.

Cuối cùng, Singapore là nơi giao dịch kinh doanh quốc tế đang gia tăng trong khu vực.

Cho nên đừng nghĩ cuộc gặp giữa Bình Nhưỡng và Washington như cuộc họp chính trị. Hãy nghĩ rằng đó là cuộc đàm phán kinh doanh, được dẫn dắt bởi hai trong số những nhà hoạch định lớn nhất trong bối cảnh chính trị toàn cầu hiện nay – với Singapore đóng vai trò trọng tài và là một chủ nhà đặc biệt thu hút.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44085204

 

Giá đất dọc biên giới liên Triều đang bốc lửa

Trước việc Bắc Hàn cam kết giảm bớt căng thẳng và cải thiện quan hệ với miền Nam, thị trường bất động sản nóng nhất Hàn Quốc hiện đang nằm dọc theo biên giới hai nước.

Theo tin của hãng thông tấn Reuters, nhu cầu bất động sản ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn thưa thớt xung quanh khu phi quân sự (DMZ) của Hàn Quốc đang tăng mạnh vì kỳ vọng của giới đầu tư.

Cuộc gặp lịch sử sẽ dẫn tới hòa bình lâu dài?

Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn diễn ra ‘ba, bốn tuần tới’

Ông Kang Sung-wook, một nha sĩ 37 tuổi, ở thành phố biên giới Paju của Hàn Quốc, đã mua tám lô đất khác nhau bên trong và xung quanh vùng DMZ kể từ giữa tháng Ba.

Năm trong tám lô đất này, ông Kang mua nhưng chưa bao giờ đặt chân vào, mà chỉ sử dụng hình ảnh và bản đồ vệ tinh của Google Earth. Lý do là vì thường dân không được bước vào các khu vực bên trong vùng này.

Ông Kang cho biết, việc háo hức mua đất ở quanh đây đã tăng vọt khi mối quan hệ giữa hai cựu thù cải thiện, vì thế ông phải rất nhanh tay.

“Tôi đã bắt đầu tìm kiếm mua từ khi tin về hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Hàn-Hoa Kỳ được công bố vào tháng Ba, thế mà có vẻ như tất cả những lô đất tốt nhất đã biến khỏi thị trường mất rồi”, ông Kang nói. “Tôi chợt nhận ra rằng thị trường hiện đang bốc lửa.”

Đầu tư dọc theo biên giới của ông hiện giờ tổng cộng 3 tỷ won (2,8 triệu USD) cho 49 mẫu Anh (20 ha) đất.

Trong nhiều thập niên, DMZ đã là một địa điểm nóng, nhưng theo một ý nghĩa khác. Khung cảnh thường thấy ở đây là sự khiêu khích quân sự đôi khi chết người giữa hai bên, và những cuộc đào thoát táo bạo từ miền Bắc.

Khu vực này rải rác các chòi canh gác giăng kín hàng rào dây kẽm gai sắc như lưỡi dao cạo, được thành lập sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hai miền Bắc và Nam Hàn vẫn không chính thức công nhận nhau, và trên nguyên tắc, vẫn đang ở trong trạng thái chiến tranh, bởi vì cuộc xung đột chấm dứt trong một thỏa thuận ngừng bắn, không phải một thỏa thuận hòa bình.

Hơn một triệu bãi mìn được đặt ở các khu vực biên giới bao gồm DMZ và Khu kiểm soát dân sự ở miền Nam, Jeong In-cheol, chuyên gia về bom mìn tại Mạng lưới Bảo tồn Công viên Quốc gia cho biết.

Nhưng trong khi việc đi lại ở đây bị hạn chế, đất đai trong vòng 2km (1,2 dặm) của DMZ phía Nam Hàn, và các khu vực biên giới khác, vẫn có thể được mua và đăng ký.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44105550

 

Indonesia: Gia đình năm người

đánh bom đồn cảnh sát

Các gia đình thực hiện các vụ đánh bom nhà thờ và trụ sở cảnh sát từng trở về từ Syria, cảnh sát cho hay.

Cuộc đánh bom tự sát vào đồn cảnh sát tại thành phố Surabaya, Indonesia do một gia đình gồm năm người, đi trên hai chiếc xe máy, thực hiện.

Vụ đánh bom này xảy ra sau vụ đánh bom một nhà thờ Cơ đốc giáo do một gia đình khác thực hiện vào 07:30 giờ địa phương (00:30 GMT) làm 13 người chết ngày 13/5.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo tuyên bố gây ra các cuộc tấn công.

Indonesia: Đánh bom nhà thờ, chín người chết

Tàn sát cộng sản Indonesia: Mỹ ‘biết nhưng im lặng’

Tổng thống Indonesia hủy công du Úc sau vụ biểu tình

Biểu tình lớn chống Thống đốc Jakarta

Trong vụ tấn công thứ nhất, một người mẹ và hai con gái đánh bom tự sát tại một nhà thờ, trong khi người cha và hai con trai nhắm vào hai mục tiêu khác ở thành phố Surabaya.

Con gái chín tuổi sống sót sau vụ đánh tấn công, cảnh sát cho biết.

Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Tito Karnavian nói những người này thuộc về một mạng lưới lấy cảm hứng từ IS, Jemaah Ansharut Daulah (JAD).

Cảnh sát cho biết gia đình này nằm trong số hàng trăm người Indonesia trở về từ Syria, nơi IS chiến đấu chống quân chính phủ.

Không có chi tiết nào được đưa ra về sự liên quan của gia đình kẻ đánh bom với cuộc xung đột đó.

Các vụ đánh bom này là vụ thảm sát chết người nhiều nhất ở Indonesia trong hơn một thập kỷ.

Đến hiện trường của một nhà thờ trong các vụ tấn công, Tổng thống Joko Widodo mô tả vụ này “thật dã man” và nói thêm rằng ông đã ra lệnh cho cảnh sát “truy tìm và phá vỡ mạng lưới thủ phạm”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44098054

 

Thủ lĩnh sinh viên Hong Kong

bị lên án liên quan quốc ca Trung Quốc

Một lãnh đạo sinh viên Hong Kong bị truyền thông Trung Quốc gọi là “kẻ thù của nhân dân” do có những phát biểu phản đối luật mới về ‘quốc ca Trung Quốc’.

Cô Alice Cheung, 21 tuổi, người đứng đầu Liên đoàn sinh viên Hong Kong, nói trong một cuộc họp thu thập ý kiến về luật mới tại Hội đồng lập pháp của thành phố vào tuần trước rằng cô “muốn ói” mỗi khi nghe bài quốc ca này bởi Hong Kong không có riêng bài quốc ca của mình.

Cô nói rằng “Đó là bằng chứng cho thấy chế độ sát nhân này vẫn tồn tại và vững mạnh”.

Cô Alice Cheung nói với hãng tin AFP rằng cô bị áp lực và gia đình cô lo lắng vì mạng xã hội và truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi cô là một người hoạt động độc lập.

Hong Kong mới đây phải giới thiệu luật mới về quốc ca Trung Quốc, trong đó điều khoản chế tài đã bị tăng nặng thành 3 năm tù.

Đây được coi là một biện pháp của Trung Quốc nhằm thắt chặt quyền tự do của người dân Hong Kong.

Theo hiến pháp Hong Kong, người dân được bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nhưng việc truy tố các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cho thấy quyền tự do đang bị đe dọa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hongkong-student-leader-draws-fury-in-china-over-anthem-05142018094725.html

 

Mỹ sẽ ‘bỏ lệnh trừng phạt

nếu Bắc Hàn đáp ứng yêu cầu’

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/5 nói rằng Washington sẽ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn nếu nước này từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.

Reuters dẫn lời ông Pompeo nói trên một số chương trình truyền hình của Mỹ rằng Hoa Kỳ sẽ không sẵn lòng đầu tư tiền thuế của người dân để giúp Bắc Hàn, nhưng sẵn sàng “dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt” để mở đường cho các nguồn đầu tư tư nhân của Mỹ vào các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp và năng lượng của Bắc Hàn.

“Chúng tôi có thể tạo các điều kiện dẫn tới sự thịnh vượng kinh tế cho người dân Bắc Hàn để có thể cạnh tranh với miền Nam”, ông Pompeo nói trong chương trình “Face the Nation” trên kênh CBS.

Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra ít tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un vào ngày 12/6.

Truyền thông Bắc Hàn hôm qua đưa tin rằng nước này đã lập kế hoạch phá bỏ địa điểm thử nghiệm bom hạt nhân vào cuối tháng này.

Theo Reuters, ông Pompeo đã hoan nghênh tin trên. Ông được trích nói trên kênh “Fox News Sunday” rằng việc Bắc Hàn phá bỏ “mọi địa điểm có thể gây nguy cơ cho người dân Mỹ” là “tin tức tốt lành cho người dân Mỹ và cho thế giới”.

Tháng trước, ông Pompeo trở thành quan chức Mỹ đầu tiên gặp ông Kim, đặt nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Trump.

Tuần trước, ngoại trưởng Mỹ trở lại Bắc Hàn lần hai, và dịp này, lãnh tụ Kim đã đồng ý thả ba tù nhân Mỹ gốc Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-s%E1%BA%BD-b%E1%BB%8F-l%E1%BB%87nh-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-n%E1%BA%BFu-b%E1%BA%AFc-h%C3%A0n-%C4%91%C3%A1p-%E1%BB%A9ng-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-/4392106.html

 

Tình báo Anh: Nga lan truyền dối trá

nhằm làm suy yếu phương Tây

Giám đốc tình báo Anh MI5 hôm 14/5 cáo buộc Nga đang cố lật đổ các nền dân chủ phương Tây bằng cách gieo rắc thông tin sai lệch và lan truyền dối trá, theo Reuters.

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên bên ngoài nước Anh, người đứng đầu cơ quan tình báo MI5, Andrew Parker, nói nước Anh không muốn leo thang căng thẳng với Moscow nhưng hàng loạt hành động hung hăng và nguy hiểm gần đây do Điện Kremlin chỉ đạo là không thể chấp nhận được.

“Thay vì trở thành một quốc gia lớn đáng kính trọng, nước này lại có nguy cơ trở thành một nước hạ đẳng bị cô lập”, ông Parker, người từng học tiếng Nga, nói trước cử tọa ở Berlin.

“Chính sách được thực hiện nhuần nhuyễn của nhà nước Nga nhằm thao túng truyền thông, lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, xuyên tạc, cùng với các hình thức gián điệp mới, cũ, và các cuộc tấn công mạng cao cấp, lực lượng quân sự và tội phạm chính là những gì đang diễn ra ngày nay khi đề cập đến mối đe dọa ‘hybrid’”.

Giám đốc tình báo Anh nói việc hợp tác với các đối tác EU là rất cần thiết để chống lại các mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo và Nga.

“Chúng ta không được mạo hiểm để mất khả năng của nhau hoặc làm suy yếu nỗ lực tập thể trên khắp châu Âu”, ông Parker nói. “Chúng ta có trách nhiệm về điều đó với tất cả công dân của chúng ta trên khắp châu Âu”.

https://www.voatiengviet.com/a/tinh-bao-anh-nga-lan-truyen-doi-tra-nham-lam-suy-yeu-phuong-tay/4393084.html

 

Tân thủ tướng Malaysia sa thải tổng chưởng lý

Thủ tướng vừa đắc cử của Malaysia, Mahathir Mohamad, đã sa thải tổng chưởng lý của nước này khi ông chuẩn bị mở lại một cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.

Thủ tướng Mahathir hôm 14/5 tuyên bố ông sẽ thay thế Tổng Chưởng lý Apandi Ali bằng người giữ chức tổng biện lý sự vụ của nước này.

Ông Apandi là người đã xóa mọi cáo trạng đối với cựu Thủ tướng Najib Razak trong vụ bê bối năm 2016.

Giới hữu trách Mỹ nói các quan chức Malaysia đã tham ô 4,5 tỷ USD từ quỹ 1MDB, một phần trong số này đã được phát hiện nằm trong tài khoản ngân hàng cá nhân của ông Najib.

Cựu Thủ tướng Najib, Chủ tịch ban cố vấn của 1MDB, bác bỏ có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Tân Thủ tướng Mahathir cũng sẽ thay thế người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng của Malaysia. Hiện ông Dzulkifli Ahmad, do cựu Thủ tướng Najib bổ nhiệm năm 2016, đang nắm giữ chức vụ này.

Thủ tướng Mahathir đã ra lệnh cấm ông Najib và vợ rời khỏi Malaysia, sau khi thông tin rò rỉ cho biết ông Najib và vợ đã lên kế hoạch tới Jakarta trên một phi cơ riêng vào ngày thứ Bảy.

Trong khi đó, cựu giám đốc tình báo và điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia đã đệ đơn khiếu nại chính thức hôm 14/5 cáo buộc cựu Thủ tướng Najib ngăn chặn cuộc điều tra vụ bê bối 1MDB.

Sự giận dữ của cử tri về vụ bê bối 1MDB đã dẫn đến chiến thắng của Liên minh Hy vọng của ông Mahathir trước đối thủ Najib và liên minh Barisan Nasional của ông trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tuần trước, chấm dứt 61 năm cai trị của đảng này tại Malaysia. Chiến thắng đã đưa ông Mahathir, 92 tuổi, người được xem là đã cai trị Malaysia bằng “bàn tay sắt” từ năm 1981 đến 2003, trở thành nhà lãnh đạo dân cử lớn tuổi nhất thế giới.

https://www.voatiengviet.com/a/tan-thu-tuong-malaysia-sa-thai-tong-chuong-ly/4393043.html

 

Phái đoàn ngoại giao Triều Tiên thăm Bắc Kinh

Một phái đoàn ngoại giao từ Triều Tiên đã đến thăm và làm việc tại Bắc Kinh hôm thứ Hai 14/5, theo các hãng tin của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau khi đến Bắc Kinh, các nhà ngoại giao Triều Tiên đã lưu lại ở nhà khách Điếu Ngư Đài.

Chuyến thăm này diễn ra một tuần sau khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thành phố Đại Liên, cuộc họp thứ thứ hai của hai nhà lãnh đạo kể từ cuối tháng 3 cho đến nay. Chuyến công du đến Bắc Kinh của các nhà ngoại giao Triều Tiên diễn ra sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loat các hoạt động ngoại giao trong những tuần qua, với cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Jae-in. Cả hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ làm việc theo hướng giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tiến đến một thỏa thuận hòa bình.

Ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 12/6 tại Singapore.

https://www.voatiengviet.com/a/phai-doan-ngoai-giao-trieu-tien-tham-bac-kinh/4392970.html

 

Quốc phòng: Phi công Pháp

tập dợt với hàng không mẫu hạm Mỹ

Tú Anh

Được Hoa Kỳ mời tập huấn, phi công chiến đấu cơ thuộc Hải Quân Pháp không bỏ lỡ cơ hội, tham gia tập luyện tối đa với các chiến hữu Mỹ trên hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush, ngoài khơi Đại Tây Dương .

Theo AFP, sau một tháng huấn luyện trên bộ ở Virginia, hơn 300 chiến binh Hải Quân Pháp thuộc lực lượng không chiến từ phi công, cơ khí cho đến chuyên viên hướng dẫn trên phi đạo, đã « đổ bộ » lên hàng không mẫu hạm USS George Bush. Chiếc tàu mang tên của cựu tổng thống George H.W. Bush, là một trong số 11 tàu sân bay của Mỹ, và lớn gắp đôi hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle của hải quân Pháp.

Chỉ trong một ngày 14/05/2018, ngày đầu tiên của chương trình kéo dài trong 10 ngày, 12 chiếc Rafale và một phi cơ giám sát đã thực hiện 130 phi vụ cất cánh, hạ cánh cùng lúc với các F-18 của Mỹ.

Mục đích của cuộc tập huấn « cấp tốc » này là để giúp cho phi công Pháp và chuyên viên kỹ thuật trên hàng không mẫu hạm có điều kiện luyện tập trong lúc hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle đang trong giai đoạn bảo trì, nằm ụ từ đầu năm 2017.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng quân đội Mỹ tính đến khả năng, một ngày nào đó, tiếp đón một phi đoàn chiến đấu cơ Pháp, để cùng hành quân chung trên cùng hàng không mẫu hạm ? Theo Sean Bailey, hạm trưởng USS George H.W. Bush, thì « một phần của chương trình tập huấn này theo kịch bản tác chiến chung trong tương lai ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180514-quoc-phong-phi-cong-phap-tap-dot-voi-hang-khong-mau-ham-my

 

Hiệp định hạt nhân: Iran muốn được bảo đảm

Tú Anh

Để tìm cách bảo vệ hiệp định hạt nhân ký với lục cường nhưng vừa bị Hoa Kỳ tuyên bố phủ nhận, ngoại trưởng Iran đi một vòng thuyết phục 5 nước còn lại từ Trung Quốc cho đến châu Âu, ủng hộ lập trường của Teheran.

Sau chặng Bắc Kinh, ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif đã đến Matxcơva ngày thứ Hai 14/05/2019. Theo AFP, trong cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, ngoại trưởng Iran cho biết mục đích của vòng công du này là tìm được cam kết là quyền lợi của người dân Iran, được bảo đảm qua hiệp định hạt nhân, sẽ được tôn trọng. Lập trường này được Nga ủng hộ.

Sau Maxtcơva, ngoại trưởng Iran sẽ đến Bruxelles vào ngày thứ ba 15/05 để tiếp xúc với các ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức.

Theo hiệp định ký vào tháng 7 năm 2015, Iran sẽ được quốc tế bỏ cấm vận, đổi lại chính quyền Hồi Giáo Iran phải từ bỏ ý định trang bị vũ khí nguyên tử. Teheran cam kết ngưng mọi hoạt động tinh lọc uranium đến năm 2025.

Tuần rồi, tổng thống Donald Trump thông báo rút chân ra khỏi hiệp định nhằm mục đích gây áp lực đòi Iran phải đàm phán lại hiệp định mà chủ nhân Nhà Trắng cho là có quá nhiều sơ hở.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố muốn hợp tác với các đồng minh châu Âu tìm một hiệp định mới, « hiệu quả hơn » để « chống lại thái độ tai hại » của Iran.

Thông điệp này nhằm trấn an Liên Hiệp Châu Âu đang lo ngại những biện pháp trừng phạt mới nếu được thi hành sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp châu Âu đang hoặc muốn đầu tư vào Iran.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180514-hiep-dinh-hat-nhan-iran-muon-duoc-bao-dam

 

Trung Quốc dùng bẫy nợ

khống chế 16 nước Châu Á Thái Bình Dương

Tú Anh

Bắc Kinh cho vay hàng tỷ đô la để kéo hàng chục nước nhỏ ở châu Á Thái Bình Dương, những nước nghèo không khả năng chi trả, vào quỹ đạo phục vụ chiến lược kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 30 năm tới đây. Đó là nội dung bản báo cáo mới của một cơ quan nghiên cứu độc lập dành cho bộ Ngoại Giao Mỹ, được báo chí Úc công bố ngày 14/05/2018.

Bản báo cáo dày 40 trang cho biết có 16 nước bị Trung Quốc xem là đối tượng của chiến lược « bí kíp ngoại giao nợ » và khống chế. Trong số các nước rơi vào kế hoạch « một vành đai… » có Vanuatu, Philippines, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Tonga và Micronesia.

Theo báo Úc, The Australian Financial Review, một trong những trường hợp điển hình là Papua New Guinea, một quốc đảo nằm trong ảnh hưởng lịch sử của Úc, nhưng vì nợ nần Trung Quốc không trả được, phải chấp nhận trở thành một địa điểm chiến lược của Bắc Kinh và nhượng tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc khai thác. Trung Quốc cũng đang tiến hành thương lượng sơ bộ với quốc đảo Vanuatu để lập căn cứ hải quân chỉ cách nước Úc có 2000 km.

Trong số các nước Đông Nam Á, Cam Bốt và Lào đã trở thành « chi nhánh 100% của Trung Quốc ». Các chuyên gia tác giả bản nghiên cứu lo ngại Trung Quốc sử dụng Cam Bốt, Lào và Phippines như những « lá phiếu phủ quyết ủy nhiệm », làm tê liệt hiệp hội ASEAN trong nỗ lực chống Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền tại Biển Đông, con đường huyết mạch của hàng hải quốc tế.

Trả lời phỏng vấn báo chí Úc, chuyên gia Sam Parker, đồng tác giả bản báo cáo cho biết Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra « hằng trăm tỷ đô la, cho các nước không có khả năng thanh toán, vay mượn với dụng ý có qua có lại ».

Để đối phó với chiến lược bành trướng sức mạnh của Trung Quốc, bản báo cáo khuyến khích chiến lược hợp tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương gồm bốn đại cường dân chủ là Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, tăng cường vai trò của New Delhi và phát huy trật tự dựa trên nền tảng của khu vực.

Theo The Australian Financial Review, bản báo cáo mới dành cho bộ ngoại giao Mỹ có nhiều điểm tương đồng với chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump công bố hồi tháng 12/2017.

Washington cảnh báo công luận thế giới là Trung Quốc đang thi hành một chính sách « gài bẫy tín dụng » để phục vụ tham vọng bá quyền.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180514-trung-quoc-dung-bay-no-khong-che-16-nuoc-chau-a-thai-binh-duong

 

Pháp: Nhân viên hỏa xa SNCF bắt đầu cho ý kiến

về kế hoạch cải tổ

Mai Vân

Vào hôm nay, 14/05/2018, cuộc đình công của nhân viên ngành hỏa xa Pháp SNCF, bước sang ngày thứ 18. Đặc biệt kể từ hôm nay, và kéo dài cho đến ngày 21/05, tổng số 147.000 nhân viên tập đoàn SNCF được các công đoàn mời cho ý kiến về kế hoạch cải tổ ngành xe lửa Pháp mà chính quyền đang chuẩn bị.

Các công đoàn đã muốn nhân ngày này huy động trở lại lực lượng để gây sức ép với chỉ tiêu “Một ngày không tài xế lái tàu, một ngày không xe lửa”. Dù chỉ tiêu này không đạt được, nhưng tình hình lưu thông xe lửa cũng gần như bị gián đoạn.

Theo ban giám đốc SNCF, hôm nay chỉ có 1/3 các chuyến tàu cao tốc TGV, tàu ngoại ô Paris, Transilien, hay tàu liên tỉnh TER ở địa phương, là hoạt động.

Trong những ngày qua, người tham gia đình công có phần giảm sụt : như thứ Tư vừa qua chỉ còn là 15% hưởng ứng thay vì 34% như vào đầu tháng Tư.

Về cuộc trưng cầu ý kiến công nhân viên, các nhân viên SNCF sẽ trả lời câu hỏi “chấp thuận hay không cuộc cải tổ của chính phủ”. Các công đoàn đình công chỉ muốn gây sức ép lên chính quyền, và nói rõ là cuộc tham khảo là để có cơ sở thương lượng, chứ không phải là để đòi chủ tịch SNCF Guillaume Pépy từ chức.

Ông Pépy đã lên tiếng cho là cuộc tham khảo ý kiến này không có tính chính đáng.

http://vi.rfi.fr/phap/20180514-phap-nhan-vien-hoa-xa-sncf-bat-dau-cho-y-kien-ve-ke-hoach-cai-to