Tin đọc nhanh – 13/05/2018
(AFP) – Trung Quốc : 5 nhà ngoại giao phương Tây bị chặn khi tới thăm vợ góa của nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba. Theo nhiều nguồn tin ngoại giao phương Tây hôm nay 13/05/2018, những người đứng canh gác ở cửa tòa nhà và bên ngoài căn hộ của bà Lưu Hà hôm thứ Sáu 11/05 đã kiểm tra danh tính các nhà ngoại giao nhưng không giải thích tại sao họ không được vào nhà thăm vợ góa của giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, cho dù Bắc Kinh liên tục khẳng định bà Lưu Hà được tự do. Chuyến thăm hiếm hoi của ngoại giao phương Tây được tiến hành chỉ vài ngày sau khi có tin tức đáng lo ngại về sức khỏe của bà Lưu Hà.
(Reuters) – Indonésia : Tấn công khủng bố nhắm vào 3 nhà thờ. Ba vụ nổ diễn ra tại Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonésia, vào giờ diễn ra các buổi cầu nguyện sáng Chủ Nhật 13/05/2018 đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Các nhà điều tra nghi ngờ các kẻ đánh bom liều chết có liên quan tới tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Cảnh sát đã trấn an dân chúng và cho biết an ninh đang được tăng cường ở các nơi công cộng khác trong thành phố. Hiệp hội các nhà thờ Công Giáo Indonésia cũng kêu gọi chính phủ tăng cường bảo vệ các địa điểm tôn giáo.
(Reuters) – Miến Điện : Bạo động gần biên giới với Trung Quốc, 19 người chết. Sáng sớm 12/05/2018, phiến quân thuộc nhóm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA) đã tấn công một sòng bạc và một trạm quân sự ở ngoại ô thành phố Muse (bang Shan, miền bắc Miến Điện) chỉ cách con sông biên giới với Trung Quốc vài trăm mét. Theo phát ngôn viên chính phủ Miến Điện, trong số 19 người thiệt mạng, có 4 người là thành viên của lực lượng an ninh.
(AFP) – Eurovision : Israel vô địch với ca khúc về phong trào MeToo. Hàng triệu người xem truyền hình và 11.000 khán giả đã bị chinh phục bởi ca khúc Toy của nữ ca sĩ Netta Barzilai, 25 tuổi, đại diện cho Israel trong buổi chung kết Eurovision diễn ra tối 12/05/2018 tại Lisboa. Bài hát như lời kêu gọi giải phóng nữ giới và lên án mọi hình thức quấy rối. Đây là lần thứ tư Israel giành giải nhất tại Eurovision, sau các năm 1978, 1979 và 1998. Cặp ca sĩ Madame Monsieur đại diện cho nước Pháp đứng hạng thứ 13 dù ca khúc Mercy của họ được xếp trong top 5 trong các cuộc thăm dò trước đêm chung kết. Mercy cũng là tên một bé gái chào đời trên con tầu Aquarus của tổ chức SOS Méditerranée và Bác sĩ Không biên giới khi bà mẹ gốc Phi vượt Địa Trung Hải sang châu Âu.
(RFI) – Catalunya vẫn chưa có chủ tịch mới. Ông Quim Torra, một nhà xuất bản kiêm nhà văn chuyên về chính trị, đã không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các nghị vùng Catalunya ở vòng 1, được tổ chức ngày 12/05/2018, để trở thành vị chủ tịch thứ 131, sau khi cựu chủ tịch vùng Carles Puigdemont quyết định không lãnh đạo vùng. Cuộc bỏ phiếu vòng 2 sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.
(AFP) – Ailen chuẩn bị tổ chức trưng cầu dân ý bỏ lệnh cấm phá thai. Hai tuần trước ngày trưng cầu dân ý 25/05/2018, các nhà hoạt động của hai phe đối lập, « bảo vệ cuộc sống »(chiếm 34%) và « ủng hộ lựa chọn » (45%), tăng cường vận động trên mạng xã hội để thuyết phục 18% số người còn lưỡng lự. Ailen cấm phá thai từ năm 1983 nhưng từ năm 2013, luật pháp cho phép phá thai nếu sinh mạng của người mẹ bị đe dọa. Tuy nhiên, luật pháp cũng quy định bất kỳ ai hỗ trợ một phụ nữ phá thai có thể bị kết án đến 14 năm tù.
(AFP) – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thăm Luân Đôn. Hiện đang vận động tranh cử cho kỳ bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 24/06/2018, ông Erdogan sẽ công du Anh Quốc ngày 15/05 và gặp thủ tướng Theresa May nhằm « nâng cao giá trị quan hệ song phương và có những cuộc thảo luận quan trọng về những chủ đề mà cả hai bên cùng quan tâm ».
(AFP) – Nicaragua : 49 người chết vì biểu tình từ ba tuần qua. Cuộc đụng độ gần đây nhất xảy ra vào sáng sớm thứ Sáu 11/05/2018 giữa cảnh sát và sinh viên tại hai khu học xá ở thành phố Managua khiến 2 người chết và 10 người bị thương. Đề nghị đối thoại của tổng thống Danuel Ortega vẫn không làm dịu được sự tức giận của người dân. Lý do ban đầu của các cuộc biểu tình là cái cách hưu bổng (sau đã được từ bỏ). Tiếp theo, người biểu tình phản đối tình trạng thiếu tự do cá nhân và sự chuyên quyền của tổng thống Ortega, từng đứng đầu nhà nước năm 1979 đến 1990 và từ năm 2007.