Tin Việt Nam – 13/05/2018
Vụ Nguyễn Khắc Thuỷ ấu dâm:
gia đình nạn nhân kháng án
Gia đình nạn nhân ấu dâm ở Vũng Tàu quyết định sẽ nộp đơn lên giám đốc thẩm sau khi toà phúc thẩm hôm 11/5 tuyên án tù treo đối với ông Nguyễn Khắc Thuỷ, 78 tuổi, vì tội dâm ô trẻ em.
Chị Th, mẹ một nạn nhân cho đài Á Châu Tự Do biết về quyết định này qua điện thoại vào sáng ngày 12/5:
“Sau bản án hôm qua thì dư luận xã hội đều ủng hộ kháng cáo vụ án này lên giám đốc thẩm, đồng thời những nhân chứng và bị hại trong vụ án thì tất cả mọi người đều họp nhau lại và thống nhất đi đến giám đốc thẩm. Sáng thư hai này tôi sẽ làm hồ sơ để gửi về Sài Gòn để kháng cáo bản án của toà án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu”
Ngày 11/5, toà án Nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt ông Nguyễn Khắc Thuỷ 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội dâm ô với một bé gái.
Theo Hội đồng xét xử, trong hai vụ dâm ô với hai cháu gái ở Vũng Tàu hồi năm 2014 được đưa ra trước toà phúc thẩm, chỉ có một trường hợp có đủ chứng cứ buộc tội ông Thuỷ dâm ô. Trường hợp còn lại không đủ chứng cứ vững chắc để quy kết bị cáo.
Ông Thuỷ được hưởng án treo vì các tình tiết giảm nhẹ như là đảng viên có nhiều cống hiến cho ngành ngân hàng. Ngoài ra bị cáo đang có bệnh và có nơi cư trú rõ ràng nên HĐXX áp dụng cho hưởng án treo.
Nói về bản án của toà phúc thẩm, chị Th cho biết sự búc xúc của mình: “Cảm giác nói chung không phải chỉ có mình tôi đâu mà tất cả những người dự phiên toà cảm thấy hụt hẫng và rất bức xúc với bản án gần như là cho không như vậy đó”
Ngay sau khi bản án được tuyên, dư luận trên mạng cũng lên tiếng chỉ trích cho rằng bản án không đúng, quá nương nhẹ đối với tội của ông Thuỷ.
Luật sư Lê Ngọc Luân, người từng theo đuổi vụ án cho đến trước khi vụ án được khởi tố vào năm ngoái, viết trên Facebook cá nhân vào ngày 11/5 “mức án 18 tháng tù, cho hưởng án treo là “sự phỉ báng vào công lý” nên tôi buộc phải lên tiếng và tiếp tục.”
Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm ở Vũng Tàu vào ngày 17/11 năm ngoái, ông Thuỷ bị tuyên án 3 năm tù vì tội dâm ô với 3 bé gái từ năm 2014 đến năm 2016.
Ông Thuỷ trong cả hai phiên toà đều khẳng định mình vô tội. Sau khi bị tuyên án tại phiên sơ thẩm năm ngoái, ông Thuỷ đã lớn tiếng phản đối bên trong và ngoài toà, nói rằng mình vô tội, toà không cân nhắc ông đã 51 năm tuổi đảng, và doạ đốt thẻ đảng.
Vụ án của ông Thuỷ lần đầu tiên bị tố giác lên công an phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu vào năm 2014, nhưng đã không được những người thực thi luật pháp tại địa phương chú ý. Chị Th sau đó vào ngày 26/6/2017 đã đưa đơn kiện ông Thuỷ lên công an phường Nguyễn An Ninh sau khi phát hiện con gái chị lúc dó 6 tuổi bị ông Thuỷ dâm ô. Chị Th cũng công khai video cuộc nói chuyện với con gái trên mạng. Vụ việc tới lúc đó đã khiến dư luận chú ý và bất bình. Tuy nhiên, việc điều tra và khởi tố ông Thuỷ lại chậm trễ. Chị Th cho biết :“Những ngày tháng đầu tiên khi mà bắt đầu đơn tố cáo với bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ tức vào đầu năm 2016, khi tôi phát hiện hành vi dâm ô của ông Nguyễn Khắc Thuỷ đối với một số cháu bé ở chung cư ở thành phố Vũng Tàu thì lúc đó tôi có nhận một số áp lực từ công an của phường Nguyễn An Ninh. Họ muốn giữ hồ sơ vì có một số vấn đề không được trôi chảy cho lắm vì khi tố cáo ông Nguyễn Khắc Thuỷ thì lại liên quan đến phường An Ninh mà xảy ra vụ án“.
Chính bản thân luật sư Luân trên Facebook cũng viết “Nếu ai đã theo dõi vụ này từ đầu chắc chắn biết có những thời điểm, tất cả nhận định sẽ không bao giờ khởi tố được Bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ ra toà và ông ấy sẽ thoát vòng lao lý vì là Đảng viên cấp cao, Nguyên Giám đốc CN Ngân hàng Nhà nước.”
Trước phiên phúc thẩm diễn ra, chị Th cho biết gia đình chị đã không nhận được thông báo nào từ toà cho đến khoảng một ngày trước khi phiên toà diễn ra. Điều này khiến chị và những gia đình nạn nhân có liên quan bức xúc.
Ngoài ra, chị Th cũng cho biết khi vụ án xảy ra, chị đã gặp khó khăn từ chính quyền địa phương trong việc tiếp xúc với báo chí, đặc biệt là báo nước ngoài. “Trước đây một số phóng viên từ đài BBC và đài Mỹ ban Việt ngữ gọi điện cho tôi phỏng vấn nhưng chính quyền địa phương không muốn báo chí quốc tế đưa tin. Tôi đã giữ kẽ hết sức để lên tiếng tìm công lý cho con một cách bình yên vì mình không muốn xáo trộn gì. Nhưng hiện nay nếu được sự giúp đỡ của các cơ quan truyền thông để lên tiếng bảo vệ các cháu thì tôi xin được cảm ơn”, chị Th nói.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/victim-appeal-nguyen-khac-thuy-case-05122018225252.html
Vụ Thủ Thiêm ‘đã động đến các quyền của dân’
Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Vụ việc đất đai ở Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, đã ‘động đến các quyền’ của người dân và ‘động đến những khoản chi rất lớn’, một cựu quan chức trong Ban lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thừa nhận với Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt.
Cần phải đưa những quan chức liên quan, không chỉ các cựu quan chức lãnh đạo thành phố hữu trách trong các giai đoạn có liên quan, mà cả những ‘bộ, ban, ngành’ và những quan chức lãnh đạo các cuộc thanh tra, điều tra mà không phát hiện các ‘sai phạm nghiêm trọng’ ra xem xét trách nhiệm, theo một số nhà quan sát, phân tích, bình luận thời sự và chính sách từ Việt Nam.
Bàn tròn thứ Năm: Hội nghị TƯ7 và chuyện đất đai Thủ Thiêm
Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo
Tôi cũng thấy là muộn, nhưng còn hơn là không bởi vì việc cũng mới nổ ra và Đoàn Đại biểu cũng đã tổ chức được những cuộc tiếp xúc, đối thoại với cử tri, như thế cũng rất là cần thiết, còn cái chậm theo tôi còn liên quan đến việc ‘Anh đã phát hiện ra tình hình ở Thủ Thiêm được sớm hay chưa?Ông Lê Truyền
Vụ Thủ Thiêm: ‘Dân mất, chính quyền cũng mất’
Mất hay không có bản đồ Khu đô thị Thủ Thiêm?
Trước hết, từ Hà Nội, ông Lê Truyền, cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, nói với Bàn tròn hôm 10/5/2018:
“Vấn đề Thủ Thiêm thì tôi cũng mới được nghe thông tin thôi, nhưng mà cũng thấy có nhiều chuyện liên quan đến quản lý đất đai, đến vai trò của quản lý nhà nước và nó liên quan đến những dự án lớn, đụng đến những quyền của nhân dân về đất đai, rồi đụng đến những khoản chi rất là lớn.
“Bây giờ tôi vẫn tiếp tục theo dõi và ở trong TP. Hồ Chí Minh cũng có nhiều ý kiến. Hôm nay, mới được nghe tin là Đoàn Đại biểu của Quốc hội có về tiếp xúc với nhân dân ở Quận II, rồi với nhân dân ở Thủ Thiêm và tôi thấy đáng mừng là bởi vì đã nổ ra những câu hỏi, những nhu cầu, những nguyện vọng và Đoàn Đại biểu cũng đã trả lời là sẽ giải quyết và sẽ sớm báo cáo với Đảng, với chính quyền thành phố để đáp ứng nhu cầu đặt ra của nhân dân.”
Bình luận phản hồi tại chỗ về ý kiến này của ông Lê Truyền, từ Sài Gòn, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nói với Bàn tròn:
“Tôi xin có một bình luận nhỏ đó là việc tiếp xúc với cử tri Quận II cho đến bây giờ mới làm một cách công khai, có nhiều cử tri dân oan mới được tham gia những buổi tiếp xúc như thế này, theo tôi là quá muộn rồi!”
‘Muộn vẫn còn hơn không?’
Khi được đề nghị đáp lời, cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, ông Lê Truyền nói:
“Vâng thì tôi cũng thấy là muộn, nhưng còn hơn là không bởi vì việc cũng mới nổ ra và Đoàn Đại biểu cũng đã tổ chức được những cuộc tiếp xúc, đối thoại với cử tri, như thế cũng rất là cần thiết, còn cái chậm theo tôi còn liên quan đến việc ‘Anh đã phát hiện ra tình hình ở Thủ Thiêm được sớm hay chưa?’, thì cái ấy lại còn liên quan đến những chuyện khác.
Vì sao cần tìm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm?
‘Kiểm điểm trách nhiệm’ ông Tất Thành Cang
Thủ Thiêm: Hòn ngọc bị đánh cắp?
Trả lời câu hỏi của khán giả gửi tới Bàn tròn trực tuyến này về vấn đề ai phải chịu trách nhiệm trong vụ việc đất đai ở Thủ Thiêm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu nói:
Là người đứng đầu của chính quyền thành phố, thì tất nhiên phải chịu trách nhiệm về những việc xảy ra, đặc biệt những việc làm tổn hại đến nhân dân, không thể để trách nhiệm cho người khác đượcTS. Nguyễn Thị Hậu
“Tất nhiên lãnh đạo cao nhất của thành phố thời kỳ mà tiến hành quy hoạc và giải tỏa Thủ Thiêm như vậy,” chuyên gia này nói và giải thích thêm:
“Là người đứng đầu của chính quyền thành phố, thì tất nhiên phải chịu trách nhiệm về những việc xảy ra, đặc biệt những việc làm tổn hại đến nhân dân, không thể để trách nhiệm cho người khác được.”
Khi được hỏi ‘chịu trách nhiệm thế nào’, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu nói thêm trên quan điểm riêng:
“Theo tôi được biết trong năm ấy, đồng chí Bí thư Thành ủy [khi đó] là người chỉ đạo trực tiếp tất cả những việc này, vậy đối với tôi là một người cán bộ bình thường, thì mình đã nhận việc gì và trong tầm trách nhiệm của mình thì việc tốt, việc xấu, mình cũng phải chịu trách nhiệm.
“Và đến bây giờ, khi quá trình giải tỏa Thủ Thiêm để lại quá nhiều những sai lầm như thế, để lại quá nhiều tổn hại cho nhân dân như thế, thì chắc chắn đồng chí Bí thư Thành ủy thời kỳ đó phải chịu trách nhiệm.”
Ai phải chịu trách nhiệm?
Cũng từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nêu quan điểm riêng cho rằng nếu nói về vấn đề trách nhiệm thì nhiều người phải chịu trách nhiệm, mà không chỉ riêng vị trí cựu Bí thư Thành ủy hay nguyên Phó Bí thư Thành ủy, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, mà theo ông có thể có những trường hợp và cơ quan ‘bộ, ngành’ khác nữa, ông nói:
“Tôi cho rằng về mặt trực tiếp vào thời điểm đó, thời điểm xét quy hoạch Thủ Thiêm, thì ông Chủ tịch UBND Thành phố vào thời kỳ đó và ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố thời kỳ đó phải chịu trách nhiệm.”
Theo nhà báo tự do này, thì người được cho là ‘ký văn bản vượt thẩm quyền’ vào văn bản thay thế văn bản của Thủ tướng Chính phủ mà “được coi là dọn đường, mở đường để giải tỏa lố 160 héc-ta đất dành cho tái định cư cho người dân, chính là người phải chịu trách nhiệm”.
Khởi tố điều tra thôi, làm nhanh, làm ngay và làm dứt khoát, kiên quyếtTiến sỹ Phạm Chí Dũng
“Nhưng mà không chỉ vậy, mà thời kỳ đó còn phải xét các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng, vai trò của Bộ Xây dựng lúc đó như thế nào? Tôi đang nghe đến lúc này một Thứ trưởng Bộ Xây dựng lên tiếng bảo vệ quan điểm rằng văn bản của ông Đua ký là đúng, và nếu xét Quy hoạch Thủ Thiêm là Quy hoạch năm 2002, chứ không phải là Quy hoạch năm 1996, như vậy là bảo vệ cho quan điểm giải tỏa lố đất đai của người dân.
“Thành thử phải quy luôn trách nhiệm những nhân vật của Bộ Xây dựng và cao hơn nữa là những nhân vật đã duyệt, phê duyệt Quy hoạch năm 2002, 2003 trở đi, đó là những nhân vật nào ở Chính phủ? Và quan điểm của tôi là vụ Thủ Thiêm là một vụ trọng án, đại án quốc gia rất lớn, vì ở đây có dấu hiệu tham nhũng kinh khủng,” ông Phạm Chí Dũng nêu quan điểm riêng của mình.
Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng những quan chức lãnh đạo các đợt kiểm tra, thanh tra đất đai trong vụ Thủ Thiêm mà ‘không phát hiện ra sai phạm gì’ từ trước đến nay, cũng phải chịu trách nhiệm.
Cần xử lý thế nào?
Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công, nêu bình luận về việc nên giải quyết, xử lý vụ Thủ Thiêm ra sao cho thấu tình, đạt lý, ông nói:
“Vụ việc Thủ Thiêm đẩy lên một cao trào rất mạnh của hậu quả gọi là ‘Sở hữu toàn dân và nhà nước’ về đất đai, thì nay cần phải xét lại hết, thế mà chúng ta chỉ thấy nhà nước quản lý đất đai thông qua các quy hoạch, thậm chí bây giờ những nhà quản lý dấu đi, hoặc vì lý do gì đấy, người ta ‘thất lạc’ trong nháy nháy.
“Thì những việc này cần phải hoàn thiện thể chế một cách quyết liệt, mọi chính sách mà hướng tới Thủ Thiêm coi như là một bài học. Tôi chia sẻ với Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu là phải hướng tới dân, trước hết, những gì thuộc về dân oan, những gì thuộc về bức xúc của người dân, thiệt thòi với người dân và lại làm tổn hại đến các công trình văn hóa, tôn giáo, thì đều phải phục hồi nguyên như thế.
Muốn được lòng dân thì phải xử lý tham nhũng một cách triệt để bởi vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dựa vào dân để chống tham nhũng, hiện nay là như vậy, thì phải làm thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng của người dânPGS. TS. Phạm Quý Thọ
“Và điểm tiếp theo, chắc chắn rồi, muốn được lòng dân thì phải xử lý tham nhũng một cách triệt để bởi vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dựa vào dân để chống tham nhũng, hiện nay là như vậy, thì phải làm thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng của người dân, mà tôi thấy tất cả những báo chí của nhà nước đưa gần đây phản ánh rất đúng nguyện vọng chính đáng của người dân và điều đó là phải làm ngay.
“Còn những kẻ tham nhũng thì phải đưa ra trừng trị mà thậm chí không chỉ là theo cảm tính mà vừa đúng pháp luật, nhưng phải làm đến nơi, đến chốn, không có vùng cấm, kể cả theo quyết định về kỷ luật là kể cả anh đã ‘hạ cánh’ rồi, nhưng mà cũng không được an toàn.
“Tôi nghĩ như vậy mới thỏa mãn được lòng dân, mọi vấn đề về chính sách bây giờ phải hướng tới lòng dân trước hết,” nguyên Chủ nhiệm Khoa chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói.
Còn về phần mình, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm: “Khởi tố điều tra thôi, làm nhanh, làm ngay và làm dứt khoát, kiên quyết!’, nhà báo tự do này nói với Bàn tròn thứ Năm.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn Bàn tròn của BBC News Tiếng Việt về chủ đề này với các khách mời tham gia thảo luận trên quan điểm riêng.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44099663
Nhìn nhận thế nào về các ‘hiện tượng tôn giáo mới’?
TS. Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, bình luận về hiện tượng ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ gây chú ý trên truyền thông và công luận trong nước.
Trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt nhà nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng trước hết nêu quan điểm về cách nhìn nhận ‘Hội Thánh’ này, đồng thời gợi ý về mở rộng ra sao cách nhìn về các ‘hiện tượng tôn giáo mới’ xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua.
TS. Nguyễn Thị Hậu nói về Thủ Thiêm và các công trình tôn giáo
Tin về Hội Thánh Đức Chúa Trời ‘cần được kiểm chứng’
Tư liệu: chuyên mục về tôn giáo
Báo cáo của Mỹ về tôn giáo VN ‘bị sai lệch’
Ông cũng nhắc tới ‘Đạo Hồ Chí Minh’ cùng một vài trường hợp ví dụ khác; và đưa ra bình luận nhân dịp này về cách thức một số ‘hiện tượng tôn giáo mới’ đang được một bộ phận truyền thông và công chúng ở Việt Nam đề cập, gọi tên ra sao.
Trả lời BBC từ Sài Gòn hôm 02/5/2018, TS. Nguyễn Quốc Tuấn còn lưu ý có sự khác biết giữa hai tên gọi ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ và ‘Hội Thánh của Đức Chúa Trời’ cùng ý nghĩa của sự phân biệt này.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-44100415
“Biểu tình cho nhân quyền Việt Nam
không phải là phản động”
Hôm nay, ngày 12/5/2018, nhân kỷ niệm 24 năm ngày Nhân quyền cho Việt Nam, cộng đồng người Việt từ Canada và nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã tề tựu về trước tòa đại sứ Việt Nam tại thủ đô Washington DC để biểu tình phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Tất cả mọi người có mặt tại công viên Sheridan với cờ vàng ba sọc và cờ Mỹ cùng nhiều băng rôn phản đối chính quyền Việt Nam đàn áp nhân quyền, cũng như kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho các thành viên Hội Anh Em dân Chủ đang bị cầm tù và giam giữ tại Việt Nam. Trong cái nắng nóng gay gắt giữa trưa hè, nhưng tất cả mọi người đều đồng lòng chung sức đấu tranh cho nhân quyền của người dân trong nước.
Ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch cộng đồng Việt Nam vùng Washignton D.C, Maryland và Virginia cho chúng tôi biết thành quả đạt được của cộng đồng người Việt trong những năm qua:
“Những thành quả chúng ta đạt được là đã biến những hành động giết người vô cớ của nhà cầm quyền đã bị dư luận lên tiếng và họ phải dè dặt với những hành động tàn ác đó. Việc chúng ta tranh đấu cho nhân quyền hôm nay thì kết quả chưa thể nhìn thấy rõ nhưng chính quyền đã phải thay đổi bằng cách thả bớt tù nhân lương tâm, chẳng hạn như Việt Khang. Và một điều quan trọng là người dân trong nước họ biết mình được hỗ trợ nên họ đứng lên đấu tranh không sợ hãi.”
Không chỉ những người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ tham gia biểu tình, mà ông Chương, một cư dân Canada đã không ngại đường xa cũng có mặt tại đây hôm nay bởi nhân quyền trong nước ngày càng tồi tệ. Ông cho biết điều ông quan ngại nhất hiện nay:
“Nhân quyền trong nước bây giờ rất tệ. Người dân biểu tình chống Tàu thì bị khủng bố, bị đánh đập, bị bắt. Nếu ở đây mình không lên tiếng thì ở bên đó không có con đường sống. Bởi vậy cuộc biểu tình nào tôi cũng có mặt hết. Họ dùng côn đồ đánh đập dân để dập tắt mọi tiếng nói chống đối trong nước. Nhưng càng đàng áp thì dân càng đứng lên vì họ không có sự lựa chọn. Chúng ta ở đây phải hậu thuẫn cho họ bằng mọi cách, từ vật chất đến tinh thần.
Một phụ nữ trẻ tên Mai, đến từ North Carolina cùng với một đứa con nhỏ với chiếc áo đen trong đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa cho chúng tôi biết lý do chị có mặt ở đây hôm nay:
“Đây là lần đầu tiên tôi tới đây để đấu tranh cho tự do của những người đang bị tù đày ở Việt Nam. Chỉ vì đứng lên đấu tranh mà họ bị tù mười mấy năm. Tôi muốn đất nước Việt Nam thay đổi thể chế chính trị để một ngày gần đây chúng ta có thể quay về một đất nước tự do.”
Anh Thái Hoàng đến từ New Jersey cùng vợ là chị Thanh Hằng cho rằng họ là những người trẻ nên cần phải có tiếng nói của mình thay cho những người quá bận rộn với mưu sinh mà không có điều kiện tham gia, cũng như những bạn trẻ cùng thế hệ trong nước không thể lên tiếng. Anh nói:
“Mình cùng tất cả các cô chú thế hệ trước đến đây để cùng nêu cao tinh thần yêu quê hương đất nước và cũng là dịp cho thế giới biết là cộng đồng Việt Nam cần thế giới chú ý đến nhân quyền Việt Nam cho các thế hệ sau nữa.”
Cộng đồng Việt Nam kiên trì đấu tranh phản đối sự đàn áp nhân quyền trong nước bằng nhiều cách. Ông Lê Minh đến từ miền Nam California cho biết ông đeo logo Đức Trần Hưng đạo lên ngực áo để nhắc nhở ông về lòng yêu nước của Đức Trần Hưng Đạo đã giúp dân tộc thoát khỏi giặc phương Bắc. Ông nói thêm:
“Vì thế tôi kêu gọi đồng bào của chúng ta trên toàn thế giới hãy đoàn kết. Tôi đặc biệt kêu gọi chính quyền cộng sản Hà Nội đừng vì cái tôi của mình, đừng vì cái chủ nghĩa đã lỗi thời đã tiêu diệt gần 200 triệu con người. Mong chế độ cộng sản hãy học gương của cựu Hoàng Bảo Đại. Phải từ bỏ để làm người Việt Nam độc lậ. Vì thế tôi có mặt tại đây để going lên tiếng nói cùng với đồng bào kêu gọi người lãnh đạo ở Việt Nam hãy vì dân tộc mà trả lại họ quyền tự quyết.”
Chính quyền Việt Nam thường bác bỏ đánh giá của các tổ chức nhân quyền quốc tế về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng thụt lùi. Vậy cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cần làm gì để thay đổi thực trạng nhân quyền ở VN hiện nay, ông Tùng, một cư dân Virginia đã tham gia biểu tình đủ 24 năm cho rằng không thể im lặng, bởi “Nếu chúng ta im lặng thì cộng sản sẽ tàn sát những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.Tiếng nói của chúng ta rất quan trọng. Biểu tình hôm nay không phải cho chúng ta ở đây mà là cho những người đang ở Việt Nam. Một lời nhắn nhủ rằng đây không phải là quá khích, không phải là phản động. Đây là nghĩa vụ và bổn phận của chúng ta. Tôi không tranh cử cho một chức vụ nào hết.”
Ngày 11/5/1990, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập Cao trào Nhân Bản và cũng là nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, đưa ra lời kêu gọi yêu cầu chính quyền Hà Nội tôn trọng nhân quyền căn bản của người dân, chấp nhận chính trị đa nguyên, và trả lại cho người dân quyền lựa chọn một thể chế chính trị qua các cuộc bầu cử tự do công bằng, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Bốn năm sau đó, năm 1994, Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết số SJ 168 ấn định ngày 11 tháng Năm thường niên là Ngày Nhân quyền cho Việt Nam. Nghị quyết này được Tổng thống Bill Clinton chuẩn y và ban hành thành sắc luật số 103-258.
Hàng ngàn người yêu cầu chính quyền
không phá hủy Dinh Thượng Thơ Sài Gòn
Một nhóm chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đã thu thập được hàng ngàn chữ ký, để ngăn cản nhà cầm quyền TPHCM san bằng một tòa nhà có từ thời thuộc địa, để làm khu vực mở rộng của trụ sở ủy ban nhân dân thành phố.
Nhóm nhà nghiên cứu và kiến trúc sư, đứng đầu là nhà bảo tồn Nguyễn Đức Hiệp ở Úc, cho rằng Việt Nam đang có “vấn đề nghiêm trọng” về quản trị di sản khi lên kế hoạch phá hủy tòa nhà tại số 59 tới 61 đường Lý Tự Trọng, quận 1.
Theo báo mạng VnExpress, tòa nhà hiện là trụ sở của Sở Thông Tin Và Truyền Thông thành phố, còn trước kia là Dinh Thượng Thơ. Đây là di tích lịch sử lâu đời nhất ở Sài Gòn, sau ngôi nhà 228 năm tuổi của Đức Giám Mục Bá Đa Lộc. Dinh Thượng Thơ được tu sửa thành tòa nhà hiện nay vào năm 1882. Từ năm 1865, đây là trụ sở hành chánh quản trị Sài Gòn và Nam Kỳ, lưu trữ các công văn, công báo, nghị định và hồ sơ hành chánh. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định Báo cũng được gởi từ đây đi đến các tỉnh thành và làng xóm ở Lục Tỉnh.
Các giới chức thành phố cho biết, tòa nhà này “có thể bị phá hủy” để mở rộng trụ sở ủy ban nhân dân thành phố ở ngay bên cạnh. Họ cho rằng tòa nhà không nằm trong danh sách bảo tồn của chính phủ, nên thành phố không có trách nhiệm phải bảo tồn. Các giới chức còn nói rằng có những cách khác để bảo tồn một tòa nhà lịch sử, chẳng hạn như giữ lại một mô hình của tòa nhà.
Ông Nguyễn Đức Hiệp nói với VnExpress rằng, nhiều nhà nghiên cứu đã bất bình khi chứng kiến nhiều di sản lịch sử và văn hóa của thành phố Sài Gòn bị tháo dỡ để dọn đường cho sự phát triển đô thị trong mấy năm vừa qua. Thỉnh nguyện thư của ông Hiệp đăng trên trang mạng Change.org đến hôm nay đã nhận được hơn 4,200 chữ ký.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-nguoi-yeu-cau-chinh-quyen-khong-pha-huy-dinh-thuong-tho-sai-gon/
An Giang Thử nghiệm cấp thẻ thường trú
cho người Việt trở về từ Cambodia
Tỉnh An Giang sẽ bắt đầu thử nghiệm việc cấp thẻ thường trú cho người Việt Nam di cư từ Cambodia về nước không có giấy tờ tùy thân.
Báo Thanh Niên đưa tin hôm Chủ Nhật 13/05, An Giang là 1 trong 10 tỉnh thử nghiệm chương trình cấp thẻ thường trú này. Tờ báo dẫn lời giới chức Bộ Tư Pháp CSVN cho biết, bộ này đã nhận được những ý kiến và thỉnh nguyện của người dân trong nước về việc tạo điều kiện nhập quốc tịch cho người Việt Nam di cư tự do từ Cambodia trở về nước. Bộ Tư Pháp cho biết đã soạn báo cáo gửi thủ tướng và được đồng ý về việc cấp thẻ thường trú cho những người di cư từ Cambodia về Việt Nam.
Được biết chương trình cấp thẻ thường trú sẽ được tiến hành thử nghiệm tại 10 tỉnh, mà An Giang là một trong các tỉnh này, nhưng tờ Thanh Niên không nêu rõ 9 tỉnh kia là những tỉnh nào, và khi nào thì các tỉnh đó sẽ áp dụng chương trình thử nghiệm cấp thẻ thường trú cho người di cư từ Cambodia.
Chương trình thử nghiệm xem ra chỉ là một bước đi rụt rè của nhà cầm quyền CSVN nhằm giải quyết quy chế di trú cho người Việt trở về từ Cambodia. Khoảng 70,000 người Việt sống ở Cambodia từ bao đời nay đang bị chính phủ Hun Sen tước mọi giấy tờ. Nhưng Cambodia cũng đang tiến hành một chương trình tương tự như cấp thường trú nhân cho người Việt. Và đây không phải là một chương trình thử nghiệm như nhà cầm quyền CSVN đang làm với kiều bào trở về nước.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/an-giang-thu-nghiem-cap-the-thuong-tru-cho-nguoi-viet-tro-ve-tu-cambodia/
Trung Cộng và CSVN
mở thêm tuyến đường du lịch tự lái xe xuyên biên giới
Tân Hoa Xã hôm Thứ Bảy 12 tháng 5 cho hay, vào tháng 6 tới đây, Trung Cộng và CSVN sẽ mở những tuyến đường cho người dân tự lái xe qua biên giới đi từ các thành phố Quế Lâm, Nam Ninh và Phòng Thành Cảng thuộc tỉnh Quảng Tây miền Nam Trung Cộng, tới các thành phố Móng Cái và Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Trong khi Thông Tấn Xã Việt Nam nói hai bên sẽ mở rộng khu vực du lịch tự lái xe qua biên giới đến và đi từ các thành phố vừa kể, thì Tân Hoa Xã chỉ nói các tuyến đường sẽ mở ra cho du khách Trung Cộng đi tới các thành phố của Việt Nam, trong đó có thành phố Hạ Long, cửa ngõ để thăm vịnh Hạ Long.
Con đường tự lái xe xuyên biên giới đầu tiên giữa Phòng Thành Cảng và Móng Cái được mở ra hồi tháng 11 năm 2016. Đến tháng 3 năm nay, phía Việt Nam cho phép tỉnh Quảng Ninh mở dịch vụ du lịch tự lái xe từ Trung Cộng đi thẳng tới thành phố Hạ Long.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, tính đến tháng 4 năm nay, có tổng cộng 146 xe chở 569 lượt du khách đi qua biên giới theo kiểu du lịch tự lái xe. Theo Tân Hoa Xã, số du khách ra đi từ Phòng Thành Cảng đã tăng tới hơn 3.1 triệu người hồi năm 2017.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/trung-cong-va-csvn-mo-them-tuyen-duong-du-lich-tu-lai-xe-xuyen-bien-gioi/