Ðứa con lai… hải tặc
Xong tú tài 2 tôi vào Saigon cư ngụ trong đại học xá Minh Mạng Chợ Lớn để tiếp tục việc học. Sau này có một anh sinh viên dự bị y khoa được xếp chung phòng.
Khi ra trường phải động viên vào quân đội, tôi nhường anh chân gia sư dạy kèm 2 học sinh trung học, một trai một gái. Họ là con của một ông Trung Tá bộ tổng tham mưu và bà chủ một công ty nhập cảng vải lụa.
Cuộc biển dâu xảy ra. Tôi và ông Tr/T đều bị nhập trại “tập trung học tập cải tạo”. Tôi “học tập” một thời gian không dài lắm, có lẽ vì cấp bậc nhỏ ít nợ máu. Ông Tr/T bị chuyển ra trại tù miền Bắc.
Được trả tự do nhưng không việc làm, lê lết ở các quán cà phê vỉa hè, một ngày nọ tình cờ gặp lại bạn. Bấy giờ anh đã là bác sĩ tại một bệnh viện thuộc quận nhất của thành phố.
Và câu chuyện bắt đầu từ đây.
Chuyện kể, khi cô học trò nhỏ không còn nhỏ nữa thì quan hệ giữa cậu cựu gia sư và tiểu thư tân sinh viên văn khoa đã bước vào giai đoạn anh anh-em em (âu cũng là điều dễ hiểu). Gia đình cả hai bên đều hoan hỉ, trông đợi ngày đại đăng khoa và tiểu đăng khoa.
Thế nhưng thời cuộc đã đảo lộn tất cả. Ông bố Trung Tá đi không biết ngày về. Bà mẹ mất cơ sở kinh doanh. Cậu con trai lớn tìm lãng quên trong những con hẻm nhầy nhụa. Tiểu thư tuy vẫn còn đậm nét tiểu thư nhưng chớm trầm cảm vì cuộc sống đã nhuộm đỏ giấc mơ hồng. Cậu bác sĩ chung tình đeo thêm gánh nặng phiền muộn.
Rồi phong trào vượt biển rầm rộ khắp nơi.
Trong lần đi thăm nuôi cuối cùng, bà Trung Tá đưa tiểu thư và cậu bác sĩ ra tận trại tù Hoàng Liên Sơn dò hỏi ý chồng. Ông Trung Tá bỗng trở nên lạc quan sau những năm tháng tuyệt vọng. Ông biết sức khỏe và bệnh trạng của ông, biết ngày tàn không còn xa. Ông không những đồng ý với vợ mà còn mong vợ phải thực hiện chuyến đi cho các con bằng mọi giá.
Bà đã được cha mẹ cậu bác sĩ thuận kết sui gia. Nhân tiện gặp ông, bà và ông tác thành luôn cho đôi trẻ. Đối với cả hai gia đình, họ đã nên duyên vợ chồng.
Ông xin các con hứa, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lúc vui buồn hay lúc cùng cực cũng phải gắn bó, không được chối bỏ nhau. Đôi trẻ kín đáo cúi đầu quỳ lạy thay lời thề chung thủy.
Bạn tôi cùng vợ và người anh vợ đăng ký chuyến đi bán chính thức của người Hoa. Khi ra đến bến bãi một sự việc diễn ra ngoài dự tính của nhóm tổ chức. Chỉ những người Hoa chính gốc mới được nhận. Người Hoa giả mạo bị loại ra.
Chủ tàu là một đại gia có mẹ già mang bệnh kinh niên nên cần thầy thuốc. Hắn hối lộ để xin đặc ân cho hai vợ chồng bạn tôi nhưng họ chỉ chấp nhận một người. Dùng dằng mãi, cuối cùng một mình bạn tôi lên tàu.
Chuyến hải hành tương đối êm ả đưa người chồng đến đảo Bidong Mã Lai. Người anh vợ và người vợ trở về buồn hiu hắt.
Anh may mắn được gia đình một luật sư làm việc trong chính quyền tiểu bang Michigan bảo lãnh qua Mỹ.
Sau hơn 2 năm ôn luyện bài vở, anh được nhận vào nội trú để hoàn tất bằng hành nghề.
Người vợ đi thêm 2 chuyến nữa không thành công.
Chuyến sau cùng chủ tàu gọi đi khẩn cấp. Người anh trai còn mải vui chốn giang hồ không kịp nhận tin, đành đi chuyến sau. Tôi đến chơi đúng thời điểm. Bà Tr/T cho tôi trám chỗ, đồng hành với vợ người bạn.
Đâu có ai ngờ một chuyến đi định mệnh đang chờ đợi!!!
Con tàu chạy vòng vo 2 ngày 3 đêm vẫn chưa nhìn thấy đất đảo như hoạch định. Tàu trôi, trôi như vô tận. Tài công thú nhận không có kinh nghiệm lái đường biển..
Buổi trưa, vừa nhai xong một nhúm cơm và uống một nắp nước do tàu cấp phát thì mọi người dưới hầm nghe nhiều tiếng chạy thình thịch náo động trên boong tàu. Qua kẽ hở, biết tàu đã bị hải tặc xâm chiếm không biết từ lúc nào. Họ hoàn toàn làm chủ tình hình. Trong vòng một tiếng đồng hồ không gặp kháng cự, những tên hải tặc đã đủ thì giờ lục lọi tìm kiếm vàng bạc và giở trò khả ố với những đàn bà con gái nằm la liệt trên sàn tàu mà trước đó đã được ưu tiên dời lên vì kiệt sức.
Sau khi đã chiến thắng được sự sợ hãi tột cùng ban đầu, một số thanh niên còn khỏe mạnh họp lại tính chuyện phản công. Đám hải tặc vẫn còn e dè, chặn cửa hầm chưa dám xuống.
Để chiến đấu, mỗi người tự trang bị vũ khí cho mình. Với kìm búa gậy sắt gậy gỗ, họ phá bật nắp cửa hầm, reo hò vùng lên quyết sinh tử khiến đám hải tặc rúng động. Biết không địch nổi số đông áp đảo, không đợi lệnh, các tên hải tặc chen nhau nhảy xuống biển bơi về tàu của chúng, xả máy rút lui.
Tôi cố tìm nguời vợ của bạn.
Một tên hải tặc mang vết sẹo dài trên vai trái bước ra từ phòng lái đầu hàng. Cô gái trong phòng nằm trên tấm nệm cao su vẫn còn loã thể chính là người tôi tìm.
Một tên nữa cũng chậm chân nên bị bắt giữ vì còn mải nhập thiên thai. Tên có sẹo có lẽ là đầu đảng, xá lạy xin đái công chuộc tội bằng cách hướng dẫn tài công lái đúng đường, cặp vào đảo Tarempa Nam Dương.
Ngoại trừ những người bị nhốt dưới hầm, tất cả đàn ông đều bị trói gô chân tay. Một phụ lái bị giết chết vì kháng cự. Chủ tàu bị ném xuống biển vì cố che chở cho con gái nhỏ sắp bị hãm hiếp. Hai phụ nữ hoảng hốt nhảy xuống biển tự vận để bảo toàn trinh tiết.. Mười một phụ nữ trẻ bị liên tục thay phiên hãm hiếp, riêng người vợ của bạn tôi được tên đầu đảng giành độc quyền. Một nam thanh niên trượt chân rơi xuống biển và năm thanh niên khác bị thương khi chiến đấu. Hai hải tặc bị bắt giữ nhưng trốn thoát khi tàu vừa cặp bến vào đảo Tarempa.
Chính quyền địa phương đưa tàu qua đảo Kuku tạm trú. Một tháng sau được chuyển sang đảo Galang.
Chút vốn liếng tiếng Anh sót lại từ thời trung học giúp tôi tìm được một việc làm trong văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ. Có cơ hội thuận tiện, tôi tường trình trung thực những gì đã xảy ra.
Tôi thuyết phục các phụ nữ bị làm nhục ra trước ủy ban điều tra quốc tế đối chứng với lời khai của tôi nhưng chỉ có người vợ của bạn và một người vợ của anh thợ máy đồng ý. Tiếng kêu tuy yếu ớt được ghi nhận.
Người vợ của bạn tôi suy sụp khủng hoảng tinh thần cực độ khi biết đã mang thai. Cô nài nỉ tôi tìm mọi cách giúp phá nếu không sẽ tự vận. Tôi thật sự khổ sở giữa nên hay không nên. Nếu nên thì cũng không biết làm sao. Phương tiện y tế hạn chế, dễ gây hậu quả xấu cho người mẹ.
Sau một đêm dài trằn trọc tôi quyết định viết một lá thư kể toàn bộ sự việc diễn tiến trên tàu, nhờ gửi khẩn cho người chồng. Năm tuần lễ sau nhận được hồi âm. Anh cho biết vị luật sư bảo lãnh anh đã tích cực vận động với các dân biểu và nghị sĩ tiểu bang cũng như liên bang lên tiếng với bộ ngoại giao Hoa Kỳ, thỉnh cầu can thiệp trực tiếp trường hợp của vợ anh để xin được đi định cư trong thời gian sớm nhất trước khi tiên liệu xấu xảy ra. Anh tha thiết xin vợ đừng phá thai, sẵn sàng nhận vai trò làm cha.
Tôi đã được phái đoàn Canada chấp nhận và thông báo ngày đi định cư nhưng phải xin đình hoãn.
Sáu tháng vận động đã có kết quả. Anh bạn tôi đi cùng với nhân viên lãnh sự quán HK tại Singapore đến Galang. Qua thủ tục đặc biệt, mang được người vợ đến Mỹ.
Đứa bé được sinh ra trên đất Mỹ với khai sinh mang họ của bạn tôi.
Trong buổi hội ngộ tiệc thôi nôi, vợ chồng anh bạn và người anh vợ cùng tôi đồng thuận tuyệt đối giữ bí mật mọi chuyện để sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ không bị ảnh hưởng và sẽ lớn lên như một người Việt Nam trong một gia đình Việt tỵ nạn.
Thỉnh thoảng có dịp thăm viếng tôi tưởng như nhìn thấy hạnh phúc thật sự trong gia đình họ. Cậu bé lớn lên trong tình yêu tràn đầy của cha lẫn mẹ.
Sinh kế đã làm giảm tần xuất liên lạc giữa chúng tôi một thời gian. Mỗi năm chỉ còn nhớ đến nhau qua những tấm thiệp xuân. Cho đến một lần, thay vì nhận được thiệp thì là một lá thư dài kể lại tai nạn thảm thương cướp mất người vợ..
Thường ngày người chồng nhắc nhở vợ dùng thuốc đều đặn vì hậu chấn thương trên biển cả khiến người vợ cần được săn sóc tâm thần và tâm lý trị liệu lâu dài. Lần đó người chồng đi dự hội thảo chuyên môn ở tiểu bang xa nhà.. Người vợ đã bỏ thuốc nhiều ngày, giữa đêm mưa gió đi lang thang ngoài bờ sông không tự kiểm soát được, ngã xuống nước trôi mất tích..
Vợ chết. Bệnh trầm cảm truyền qua anh. Mặc cảm có tội luôn luôn ám ảnh. Anh dồn hết tình thương cho đứa bé, nay đã trở thành một thiếu niên.
Đến lúc đứa con phải xa nhà vì học vấn anh không thể đương đầu với nỗi buồn gặm nhấm, trầm cảm nặng hơn.
Nhiều năm nữa trôi qua. Tin buồn khác lại đến. Bạn tôi qua đời sau một thời gian ngắn nhuốm bệnh. Anh biết bệnh mình trầm kha, nhưng buông xuôi không quan tâm chữa trị, có lẽ muốn gặp vợ để giữ trọn lời thề năm xưa.
*
Đứa con từ chuyến vượt biển của người vợ bạn tôi năm xưa nay đã là người lớn. Cha mẹ đều mất. Bác ruột di cư sang Úc theo vợ. Tôi trở thành người thân duy nhất để chàng thanh niên, tức đứa bé ngày xưa, xả tâm tình. Chúng tôi xem nhau như chú cháu.
Những lá thư qua lại làm tôi lây những ưu tư của một người trẻ nghĩ về thân phận mình. Sau đây là một số trích đoạn từ những lá thư của cháu từ nước Mỹ với ông chú, thư viết bằng Anh ngữ, và do tôi trích dịch:
.. . .
Chú ơi! Từ lúc bắt đầu hiểu biết cháu đã linh cảm có điều gì rất nghịch lý trong gia đình cháu. Hạnh phúc như con bướm lượn lờ trên những bông hoa mời chào, ngập ngừng muốn đậu rồi lại bay đi.
Cha cháu chiều chuộng cháu hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Mẹ cháu hay vuốt tóc, hôn cháu trong không gian tĩnh lặng, nói nhỏ, con của mẹ, mẹ yêu con, lặp đi lặp lại.
Nhưng cũng có đôi lúc cháu bắt gặp cặp mắt thất thần của mẹ nhìn ra cõi xa xăm.
Mẹ rất sợ sông, biển. Những kỳ đi nghỉ hè cha luôn luôn tránh vùng biển.
Cha săn sóc mẹ từ miếng ăn giấc ngủ. Mẹ biếng ăn, cha bỏ bữa. Mẹ mất ngủ, cha “hầu quạt”. Mẹ buồn, cha làm hề, dí ngón tay lên trán gọi mẹ là cô bé bướng bỉnh, mẹ mỉm cười gọi cha là cậu giáo khó tính, thế là buồn tiêu tan. Cha biết làm cho mẹ vui vẻ hoạt bát qua những viên thuốc mà cha gọi là thuốc tiên, bắt mẹ uống mỗi ngày (sau này cháu mới biết là những thuốc trị tâm thần).
Mấy đứa bạn của cháu thắc mắc tại sao cha mẹ cháu đều có nước da sáng, cao lớn, mũi thẳng mà cháu thì sậm da, người tròn thấp, cánh mũi to.
Cháu muốn quên mà không quên được cái hình hài không giống ai của cháu. Có phải cháu là con ngoại hôn của mẹ không chú? Hay cháu là con nuôi? Hay là cháu đến từ một hành tinh khác?
.. . .
– Chú không hiểu tại sao cháu lại có những suy nghĩ lẩm cẩm như thế. Chuyện giống hay không giống là quyền của… ông trời. Cố học thành tài nối nghiệp cha.
.. . .
Chú ạ. Cháu báo cho chú tin động…. ông trời. Cháu đã xin thử DNA. Ông trời đã sụp đổ trước mắt cháu! Kết quả đúng như cháu hoang mang lo sợ.. Cháu không có liên quan phụ hệ với cha cháu!
.. . .
– Chú hiểu tâm trạng của cháu. Nếu chia sẻ được xin cho chú chia sẻ. Chú nhớ có đọc ở đâu đó:
Cha không được định nghĩa như người đã tạo ra đứa trẻ, mà khác hơn thế, là người dang rộng vòng tay và dành thì giờ nuôi nấng đứa trẻ bằng cả tâm trí và tình yêu. Huyết thống không luôn luôn làm nên người cha. Chữ cha phải thoát ra từ tấm lòng. Ai cũng có thể tạo ra một đứa trẻ nhưng cha đúng nghĩa nhất chính là người đã nuôi nấng đứa trẻ.
Không liên hệ máu mủ không làm cho người cha kém tình phụ tử. Xác nhận một người cha đích thực, không phải ở DNA, mà ở trong trái tim người ấy.
.. . .
Cháu cám ơn chú đã mở mắt cho cháu. Nghĩ lại, cháu không còn vướng mắc chuyện… ông trời nữa. Nhưng chú ơi! Giòng máu đang chảy trong người cháu là của ai? Cháu muốn biết và cháu biết chắc chắn chú biết.
.. . .
Lá thư của chàng trai khiến tôi phải trăn trở thao thức. Không thể chối cãi là tôi và cha mẹ cháu đã giấu diếm nguồn gốc của cháu.
Tôi sẽ tiếp tục giữ hay phá lời thề khi phải trả lời cháu?
Tôi đặt lên bàn cân, một bên là sự đòi hỏi chính đáng của cháu, một bên là lời cam kết với vợ chồng bạn. Cháu đã trưởng thành, có suy nghĩ chín chắn.. Sẽ mang tội với cháu nếu vẫn giữ điều bí mật. Vì thế tôi khấn vái vong linh hai người bạn, xin đựợc giải lời thề giúp tôi thanh thản tiết lộ sự thật, từ tình sử thơ mộng của hai người cho đến thảm kịch trong chuyến đi định mệnh.
.. . .
Cháu xin lỗi đã ngưng liên lạc với chú khá lâu. Cả năm nay cháu đi đi về về giữa Mỹ và Thái Lan..
Cháu thuê thám tử tư quyết tìm ra tên hải tặc đã mang tai họa cho gia đình cháu.
Bà ngoại cháu trước khi qua đời vẫn tin tưởng cha mẹ cháu sống hạnh phúc và rất hãnh diện về đứa cháu ngoại. Ông ngoại cháu đã chết trong trại tù không lâu sau lần thăm nuôi, chắc không yên tâm nhắm mắt.
Ông bà nội từng kỳ vọng ở đứa cháu đích tôn một ngày về vinh quy bái tổ, làm rạng danh dòng họ. Ở bên kia thế giới hai cụ có phẫn nộ vì chi nhánh con cháu chính thống đã thay máu từ đây?
Mọi người đều bị lừa dối.
Cháu có nhờ cô thông dịch viên, đang theo học khoa ngôn ngữ đại học Chulalongkorn, trợ giúp. Cô này có hoàn cảnh hơi giống cháu. Cha là hải tặc hoàn lương. Mẹ là thuyền nhân suýt bị nạn trên biển như mẹ cháu.
Nhờ thám tử và cô bạn, cháu đã tìm thấy và trực diện với người gieo giọt máu oan nghiệt cho mẹ cháu. Bây giờ ông ta đã trở thành một nhà sư, trụ trì ngôi chùa nhỏ trong một làng đánh cá.
Cháu tham khảo các luật sư của Mỹ và Thái với ý định đưa ông ra toà án để đòi lại công lý cho các nạn nhân, trong đó có mẹ cháu.
.. . .
Chú ơi giúp cháu.
Tiến thối lưỡng nan!
Nếu bị kết án, ông sư già có thể phải vào tù, trả giá cho tội lỗi trong quá khứ. Nhưng điều đó có đổi lại bình an cho cháu không? Nên hay không nên tiến hành thủ tục pháp lý?
Cháu lâm vào tình trạng y hệt như chú khi xưa (phân vân giữa việc nên hay không nên giúp mẹ cháu phá thai).
Chú ơi, có bao giờ chú hối hận vì đã không giúp mẹ trục thai nhi cháu không? Nếu không có cháu trên đời thì sao chú nhỉ? Cha mẹ cháu sẽ sống trong thiên đàng hạnh phúc với những đứa con kết tinh từ tình yêu.
Chú có nghĩ rằng cháu đang nuôi đau khổ vì nan giải?
Chú ơi, cháu là ai?
Việt Nam hay ngoại tộc Việt Nam?
Thái Lan ư? Ô nhục!
Mỹ ư? Chỉ trên giấy tờ!
Những đứa con lai Mỹ dù có bị kỳ thị nhưng vẫn không bị khước từ giòng máu Việt. Còn cháu, cháu có đựợc cái hãnh diện giới thiệu với mọi người “tôi là người Mỹ gốc Việt”?
Cháu muốn ra biển hét thi với sóng, gào lên, hỏi ông trời! Tôi là ai? Tôi là ai? Tôi là ai?
.. . .
– Chú rất thán phục sự quyết tâm và ý chí của cháu. Có lương tâm dẫn dắt, cháu hãy đi theo, làm những gì cháu thấy nên làm. Nếu cháu muốn được tư vấn thì đừng chê quan niệm lỗi thời của chú nhé.
Thời của cha mẹ cháu cũng như chú, không thiếu những chứng tích của tội ác man rợ. Cũng không thiếu những chứng tích đau thương bi thảm. Trong số này, có số phận của những đứa con lai hải tặc.
Người ta thường tìm cách che dấu thứ mà người ta muốn quên. Nhưng cháu, một trong những đứa con đó, đã dũng cảm nói lên tiếng nói của con người, bình đẳng như mọi người của thế gian này..
Giáo lý Phật Đà dạy ta dùng từ bi và tha thứ để đối phó với nghịch cảnh. Lòng từ bi không chấp nhận hành động sai nhưng có thể tha thứ cho người làm sai.
Chính cháu là người đau khổ nhất, không được gì, đúng không? Mong cho ông sư hải tặc rục xương trong tù? Tất cả chỉ làm tinh thần cháu kiệt quệ.
Cháu ạ, Kinh Pháp Cú 5 có câu:
Hận thù diệt hận thù,
Đời này không có được,
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
Có phải cháu muốn tìm sự bình an? Nếu cháu chưa sẵn sàng mở lòng bao dung thì cũng đừng để tâm bị xáo trộn. Tâm là cốt lõi của cuộc sống. Với tâm thanh tịnh thì hạnh phúc sẽ tìm đến. Với tâm bất ổn thì đau khổ sẽ bám không rời.
Vị sư già cũng đi tìm bình an như cháu. Câu kinh tiếng kệ là những tiếng than khóc tạo thành một vòng kín vô hình nhốt ông. Ông ta đang thi hành hình phạt nặng nề nhất của lương tâm. Cứ để ông ta thụ án. Cháu đâu cần phải cố sức bắt tội nguời có tội. Vào tù hay thoát khỏi tù là quyền của…ông trời!
.. . .
Thưa chú,
Chú đã giải tỏa đám mây u ám vần vũ trên đầu cháu. Cho cháu thấy ở phía trước một con đường sáng sủa hơn. Hành trang đeo trên vai cũng nhẹ hơn.
Cháu hối tiếc những ngày còn cha mẹ, cháu đã không mang đến cho các người tiếng cười hạnh phúc. Không có dịp thầm thì bên tai các người, cha mẹ ơi con yêu cha mẹ.
.. . .
Cha cháu đã đón nhận cháu như một quà tặng quí giá của tạo hoá. Mẹ cháu cũng mang nặng đẻ đau như các bà mẹ khác. Chú tin rằng ơn này còn nặng hơn ơn nghĩa sinh thành.
Phải vinh danh những người cha vĩ đại có trái tim thánh. Phải cúi đầu ngưỡng mộ và cảm thông cho những người mẹ bất hạnh. Người mẹ can đảm, mạnh mẽ đứng dậy sau khi bị vùi dập, cùng với người cha cưu mang, nuôi nấng sinh linh “lạ”, thay giòng máu ô nhiễm trong hài nhi bằng giòng máu vô nhiễm của tâm hồn.
.. . .
Chú đọc cho cháu thống kê của LHQ, tìm thấy trong thư viện, để cháu có cái nhìn tổng thể.
Khoảng 839,000 người Việt Nam đã vượt biển trên những chiếc thuyền mong manh từ 1975 đến 1997. Phỏng chừng 300,000 đến 400,000 người không đến được bến bờ tự do.
Chỉ riêng năm 1981 Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ báo cáo: 15,479 thuyền nhân đến Thái Lan đi trên 452 con tàu. Trong đó 349 tàu đã bị hải tặc tấn công, trung bình mỗi tàu 3 lần. 578 phụ nữ bị hãm hiếp. 228 phụ nữ bị bắt cóc. 881 chết hoặc biệt tích.
Con số thai nhi do hải tặc không được báo cáo chính xác vì bản chất phụ nữ Việt hiền lành, chịu đựng. Đa phần do xấu hổ nhục nhã nên không khai báo.
.. . .
Cháu đoán, những bào thai ấy nếu sống sót bây giờ đã trở thành những thanh niên, trung niên bằng hoặc hơn tuổi cháu. Họ có thể đã lập gia đình và có con cái.
Chú ơi, có ai mang cùng tâm trạng như cháu? Hỏi mãi một câu hỏi “Tôi là ai”?
.. . .
Thảm trạng lịch sử đã sang trang chưa? Có nên hâm lại chuyện cũ không? Chú không biết.
Tội ác, theo thời gian, có thể dần dần bị quên lãng nhưng chứng tích tội ác là những đứa con lai… hải tặc hiện hữu khắp nơi.
Chú nêu vấn đề với cộng đồng, mong câu hỏi “Tôi là ai?” của cháu sẽ được trả lời.
Bằng lòng với số phận? Sống để bụng chết mang theo?
Nghĩ sao?
30/4/ 2018
Nguyễn Cát Thịnh