Thái Lan sẽ hoãn bầu cử một năm
Phát biểu đầu tiên trên truyền hình của Tướng Prayuth từ khi xảy ra đảo chính
Theo BBC – 04:21 GMT – thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014
Lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan nói sẽ hoãn bầu cử trong hơn một năm để tạo thời gian cho hòa giải chính trị và cải cách.
Trong bài phát biểu được phát trên sóng truyền hình, Tướng Prayuth Chan-ocha kêu gọi tất cả các bên cộng tác và ngưng biểu tình.
Ông cũng cảnh báo người dân không nên chống lại quân đội.
Quân đội Thái Lan đã giành quyền lực hôm 22/5 và bắt giữ nhiều chính trị gia cấp cao trong vài ngày với lý do sự ổn định phải được phục hồi sau nhiều tháng bất ổn.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng kể từ ngày đảo chính, Tướng Prayuth nói: “Chính quyền [quân đội] đã đặt ra khung thời gian một năm và ba tháng để tiến tới bầu cử.”
“Đã quá nhiều thời gian bị tiêu hao vào các cuộc xung đột”.
Tướng Prayuth nói giai đoạn đầu trong kế hoạch của quân đội, dự kiến kéo dài ba tháng, sẽ tập trung vào “hòa giải”, thiết lập một nội các và đưa ra một dự thảo hiến pháp mới.
“Hãy cho chúng tôi thời gian để giải quyết những vấn đề này cho các bạn. Sau đó các binh sỹ sẽ lùi về để nhìn Thái Lan từ đằng xa,” ông nói thêm.
Tướng Prayuth trước đó đã cảnh báo sẽ dùng vũ lực nếu các cuộc biểu tình tiếp diễn.
Trong bài phát biểu, ông lặp lại lời cảnh báo này, và nói rằng sự chống đối sẽ chỉ làm trì hoãn nỗ lực mang lại “hạnh phúc” cho người dân Thái Lan.
Tối ngày 30/5, hàng trăm binh sỹ đã phong tỏa nhiều chốt giao thông chính ở thủ đô Bangkok vào giờ cao điểm để ngăn chặn một kế hoạch biểu tình.
Ít nhất 28 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua.
Kể từ khi nắm quyền, quân đội đã triệu tập và tạm giữ hàng chục chính trị gia cao cấp, trong đó có bà Yingluck. Bà này hiện đã được trả tự do, nhưng vẫn bị đặt dưới nhiều giới hạn.
Nhiều nhà báo và các học giả cũng đã bị yêu cầu trình diện.
Hôm 26/5, các lãnh đạo đảo chính cho biết đã nhận được sự phê chuẩn từ hoàng gia.
Bất ổn hiện nay bắt nguồn từ năm 2006, sau khi quân đội lật đổ anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, trong một cuộc đảo chính.
Cả hai người này đều thắng cử nhờ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ vùng nông thôn và khu vực phía bắc, nhưng lại bị giới trung lưu và chóp bu ở thành thị, thành phần chính của các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra hồi tháng 11 năm 2013, chống đối gay gắt.