Tin Biển Đông
Trung Quốc triển khai máy bay quân sự
tới Trường Sa
Trung Quốc đã triển khai máy bay quân sự tới một hòn đảo nhân tạo thứ ba ở Biển Đông.
Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Independent và Bloomberg, dẫn lại thông tin của tổ chức có tên gọi Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, đưa rằng máy bay quân sự Shaanxi Y-8 đáp xuống bãi đá Subi ở Trường Sa.
Theo AMTI, “đây là máy bay vận tải quân sự, nhưng một số biến thể của loại máy bay này có thể được dùng để tuần tra hàng hải hoặc trinh sát”.
Các bức ảnh được cơ quan này đăng tải cho thấy việc lần đầu tiên máy bay quân sự được triển khai trên hòn đảo này.
AMTI nói rằng như vậy, máy bay quân sự Trung Quốc có thể hạ cánh xuống tất cả ba đường băng mà nước này xây dựng ở Biển Đông.
Hai năm trước, một chiếc máy bay tuần tra của hải quân Trung Quốc đã đáp xuống Đá Chữ Thập.
Trong khi đó, đầu năm nay, hai chiếc máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 đã bị phát hiện ở Đá Vành Khăn.
Hôm 2/5, kênh CNBC dẫn các nguồn thạo tin đưa rằng Trung Quốc mới lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên ba tiền đồn ở Hoàng Sa.
Ít ngày sau đó, trong một tuyên bố mà nhiều người coi là mạnh mẽ, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc “rút các thiết bị quân sự” ra khỏi Biển Đông.
Ảnh vệ tinh : Máy bay vận tải quân sự Trung Quốc
đậu tại Đá Xu Bi, Trường Sa
Các ảnh vệ tinh chụp ngày 28/04/2018 và được tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á – AMTI, công bố ngày 09/05/2018 cho thấy rõ hình ảnh một chiếc Thiểm Tây Y-8 (Shaanxi Y-8), loại máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đang đỗ tại Đá Xu Bi, trong vùng quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.
Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, được báo The Telegraph trích dẫn, Thiểm Tây Y-8 là máy bay vận tải quân sự đa năng, còn có thể được dùng để tuần tra hàng hải hoặc do thám.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay vận tải quân sự đến Đá Xu Bi, nơi có một trong ba phi đạo chiến lược của Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường Sa.
Như vậy, Trung Quốc đã điều các máy bay quân sự đến cả ba thực thể được bồi đắp nhân tạo, đó là Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập.
Các chuyên gia của AMTI cho biết, cách nay hai năm, máy bay tuần tra hàng hải của Trung Quốc đã hạ cánh xuống Đá Chữ Thập và hồi tháng Giêng năm 2018, hai máy bay vận tải quân sự Tây An Y-7 (Xian Y-7) đã hạ cánh xuống Đá Vành Khăn.
Vẫn theo AMTI, việc Trung Quốc cho máy bay tới Đá Xu Bi làm cho chính quyền Manila lo ngại vì Đá Xu Bi chỉ cách đảo Thị Tứ (Thitu) khoảng 12 hải lý, trên đó có một trại lính của Philippines và khoảng 100 thường dân sinh sống.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180511-anh-ve-tinh-may-bay-quan-su-tq-da-xu-bi-truong-sa
Oanh tạc cơ Trung Quốc lại vờn quanh Đài Loan
Oanh tạc cơ và chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc lại tiến hành các buổi diễn tập bay vây quanh Đài Loan hôm 11/5. Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt các cuộc diễn tập quân sự ngày càng thường xuyên mà Đài Bắc lên án là “đe dọa” trong khu vực gần đảo tự trị, theo Reuters.
Trong năm qua, Bắc Kinh đã gia tăng các cuộc diễn tập quân sự, vốn được thiết kế nhằm gửi đi một thông điệp tới Đài Loan rằng Trung Quốc sẽ ngăn cản bất kỳ động thái nào mà nước này xem là để nhắm tới độc lập cho Đài Loan, ngay cả khi Tổng thống Thái Anh Văn đã cam kết giữ nguyên hiện trạng và hòa bình.
Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói trong một tuyên bố trên trang blog chính thức rằng máy bay ném bom H-6K và máy bay giám sát đã bay theo hướng ngược nhau vòng quanh Đài Loan, cho thấy “một mức nâng cấp mới về khả năng tham chiến”.
Tuyên bố cho biết đây là lần đầu tiên máy bay tiêm kích Su-35 bay với các máy bay ném bom qua kênh Bashi, khoảng phân cách Đài Loan với Philippines.
Trung Quốc đang trong chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng, phát triển các chiến đấu cơ tàng hình, hàng không mẫu hạm và tên lửa tiên tiến trong lúc nỗ lực để có được một lực lượng quân đội tầm cỡ thế giới vào giữa thế kỷ này.
Mục tiêu đó, cùng với lập trường ngày càng quyết đoán ở khu vực tranh chấp Biển Đông và xung quanh Đài Loan, đã khiến các nước xung quanh khu vực và Washington cảm thấy bất an.
Đài Loan vốn được trang bị tốt với hầu hết các loại vũ khí do Mỹ sản xuất, nhưng cũng đã thúc giục Washington bán các thiết bị tiên tiến hơn, bao gồm các máy bay chiến đấu mới, để giúp đảo quốc này ngăn chặn gã hàng xóm khổng lồ.
Các chuyên gia quân sự cho rằng cán cân quyền lực giữa Đài Loan và Trung Quốc giờ đây đã chuyển dịch sang phía có lợi cho Trung Quốc, có thể áp đảo hòn đảo tự trị trừ phi có sự trợ giúp nhanh chóng của các lực lượng Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/oanh-tac-co-trung-quoc-lai-von-quanh-dai-loan/4389599.html