Tin khắp nơi – 11/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 11/05/2018

Pháp lên án Mỹ về lệnh trừng phạt Iran

Pháp lên án động thái của Hoa Kỳ là “không thể chấp nhận” khi tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty kinh doanh với Iran.

Hành động này của Washington được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

Mỹ tăng áp lực trừng phạt lên Iran

Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận Iran

Trump rút khỏi thỏa thuận Iran, Obama nói sai lầm

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng các công ty châu Âu không phải trả giá cho quyết định của Mỹ.

Mỹ cho biết các công ty có sáu tháng để ngừng kinh doanh và không thể tham gia vào các hợp đồng mới hoặc họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Ông Le Drian nói gì?

Trong một cuộc phỏng vấn với Le Parisien, bộ trưởng ngoại giao Pháp nói: “Chúng tôi cảm thấy rằng đặc quyền với các biện pháp trừng phạt của họ là không thể chấp nhận được. Người châu Âu không phải trả tiền cho việc rút khỏi thỏa thuận của Hoa Kỳ, mà chính họ đã từng đóng góp vào đó.”

Ông Le Drian nói rằng cam kết của các đối tác khác đối với thỏa thuận Iran cần phải được tôn trọng.

Ông cho rằng cách thức trừng phạt mới cũng sẽ ảnh hưởng đến Mỹ và rằng châu Âu sẽ “đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các công ty của chúng ta và bắt đầu đàm phán với Washington” về vấn đề này.

Ông Le Drian nói rằng cam kết của các đối tác khác đối với thỏa thuận Iran cần được tôn trọng.

Ông cho biết tác động từ động thái này của Mỹ đã được cảm thấy trong việc tăng chi phí dầu và sự gia tăng bất ổn chính trị ở Trung Đông.

Pháp, Anh và Đức đều nói rằng họ sẽ làm việc với Iran để cố gắng cứu vãn thỏa thuận.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết ông sẽ làm việc với các công ty bị ảnh hưởng để cố gắng “giảm thiểu hậu quả tiêu cực” từ động thái này của Mỹ.

Ông bổ sung rằng: “Điều đó có nghĩa là, chắc chắn sẽ giới hạn thiệt hại.”

Những công ty nào có thể bị ảnh hưởng?

Macron nói Trump sẽ từ bỏ thỏa thuận Iran

Trump và Macron: Có thể có thỏa thuận Iran mới

Hạt nhân Iran: Ngoại trưởng Anh thăm Mỹ

Nhiều công ty Pháp đã ký kết các thỏa thuận có giá trị hàng tỷ đô la với Iran kể từ khi hiệp định hạt nhân được ký kết năm 2015.

Bao gồm Airbus, tập đoàn dầu mỏ Total và các nhà sản xuất ô tô Renault và Peugeot.

Họ sẽ phải hoàn tất đầu tư vào tháng 11 hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chính trị ‘bất ổn’ ông Le Drian nói đến là gì?

Ví dụ mới nhất là đụng độ quân sự giữa Iran và Israel ở Syria.

Israel bắn trả đũa vào mục tiêu Iran ở Syria

Israel cáo buộc Quds Force – là giới tinh hoa ở nước ngoài hoạt động như cánh tay của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) – đã bắn 20 tên lửa vào các vị trí quân sự của nước này ở Syria hôm sáng thứ Năm.

Israel cho biết máy bay chiến đấu của nước này sau đó tấn công 70 mục tiêu quân sự của Iran ở Syria.

Việc Iran triển khai quân tới Syria để giúp Tổng thống Bashar al-Assad đã được Israel cảnh báo.

Động thái trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ là gì?

Hôm thứ Năm, các cá nhân và tổ chức của Hoa Kỳ bị cấm kinh doanh với sáu cá nhân và ba công ty của Iran mà Washington cho rằng có quan hệ với Vệ binh Cách mạng.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết hình phạt nhắm đến những cá nhân đã quyên góp hàng triệu đô la cho nhóm này, tài trợ cho “hoạt động xấu xa” của chúng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44085203

 

Anh Quốc xin lỗi và bồi thường

hai nạn nhân bắt cóc

Pháp: Sarkozy ‘sẽ phải ra tòa’

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’

Ông Belhaj, một nhà bất đồng chính kiến Libya và vợ nói họ bị an ninh Mỹ bắt ở Thái Lan năm 2004 nhờ thông tin chỉ điểm của cơ quan tình báo Anh, MI6.

Sau đó, họ bị đưa sang Libya và tại đó, an ninh của chế độ Gaddafi đã cầm tù và “tra tấn” cả hai.

Nay, Thủ tướng Theresa May đã xin lỗi và nói cặp vợ chồng người Libya đã bị “đối xử vô cùng tồi tệ” sau một vụ kiện được báo chí theo dõi.

Theo BBC News, chính phủ Anh thừa nhận vai trò của mình trong việc khiến ông Belhaj bị bắt, chuyển sang Libya và phải ngồi tù 6 năm ở Tripoli.

Vợ ông, bà Boudchar, người Morocco, cũng bị bắt nhưng được thả sau khi sinh con.

Bài học cho các chính phủ

Nay, nói với BBC News, ông Belhaj cho rằng lời xin lỗi của chính phủ Anh là “bài học” cho các chính phủ không lặp lại chuyện bắt cóc và vận chuyển người trái luật.

Theo phóng viên chuyên về nội vụ của BBC, Dominic Casciani, các bằng chứng tìm thấy ở Tripoli sau khi chế độ của Đại tá Muammar Gaddafi sụp đổ năm 2011 đã khiến tình báo Anh “không thể chối cãi” về sự can dự của họ trong vụ bắt cóc.

Phóng viên BBC cũng nói chính phủ Anh đã thua trong vụ kiện và phải trả tiền án phí.

Được gọi là “rendition”, đây là hoạt động của một số cơ quan an ninh bắt người bất chợt không có lệnh của toà án, đôi khi ngay ngoài phố.

Nạn nhân của các vụ bắt “ngoài luồng” này có thể là nghi phạm khủng bố, theo quan điểm của chính quyền Mỹ, Anh và một số nước đồng minh, nhưng cũng có thể là người hoàn toàn vô tội, bị bắt nhầm.

Một phần của hoạt động “rendition” là chuyển người bị bắt đến một nước khác, nơi các quy định về nhân quyền dễ dãi hơn tại các nước Phương Tây để tra khảo.

CIA đã bị cáo buộc thực hiện nhiều vụ rendition ở châu Á, Trung Đông và cả châu Âu.

Bà Boudchar nay đã chấp nhận lời xin lỗi từ Thủ tướng ANh và sẽ nhận được 500 nghìn bảng tiền bồi thường.

Theo Washington Post từ 2013, có ít nhất 54 nước trên thế giới bị nghi vấn đã tham gia vào các chương trình rendition của an ninh và tình báo Mỹ từ sau vụ sau 9/11.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44081893

 

Xôn xao việc nữ sinh Mỹ mặc đồ lót

thuyết trình tốt nghiệp

Nữ sinh người Mỹ Letitia Chai phản ứng góp ý của một giáo sư về trang phục bằng cách mặc mỗi đồ lót trong buổi cô thuyết trình tốt nghiệp.

Trước đó, trong buổi thuyết trình thử, Letitia Chai, sinh viên năm cuối Đại học Cornell (Mỹ) mặc áo sơ minh xanh dương và quần short.

Giáo sư Rebekah Maggor được cho là đã hỏi cô: “Đó thực sự là thứ mà em sẽ mặc ư?” và nói chiếc quần ‘quá ngắn’, theo trang New York Post.

Trên Facebook cá nhân, Letitia Chai thuật lại: “Vị giáo sư nói với tôi, trước mặt cả lớp, rằng tôi đang khiến các sinh viên nam tập trung vào cơ thể tôi thay vì nội dung bài thuyết trình.”

Việt Nam: Chiếc xe đò mang tên Đại học

‘Nhiều người không phục về cách phong GS ở VN’

Vụ GS Trương Nguyện Thành: Sửa Luật Đại học?

“Tôi nghĩ là tôi đã kinh ngạc đến nỗi không biết phải phản ứng thế nào”, Chai nói với tờ Co.

Chai đã bước ra khỏi phòng với những giọt nước mắt giận giữ, sau khi hỏi cả lớp: “Tôi có xúc phạm mọi người về mặt đạo đức hay không?”

Chai cũng kể lại vị giáo sư sau đó bước ra hỏi cô rằng mẹ cô nghĩ gì về trang phục của cô hôm đó.

“Mẹ tôi là giáo sư nghiên cứu về giới tính và nữ quyền. Mẹ tôi không có vấn đề gì với quần đùi của tôi,” Chai nói.

Một số sinh viên ủng hộ Chai, nói rằng vị giáo sư cư xử không phù hợp và đặt câu hỏi về định kiến của bà về nam giới, nhưng một sinh viên quốc tế thì đứng về phía giáo sư, nói rằng Chai nên ăn mặc thận trọng hơn.

Tối hôm đó, Chai viết trên Facebook về sự việc và mời các sinh viên tới dự buổi thuyết trình của cô hôm thứ Bảy với trang phục lót mà họ ưa thích nhất.

Cô Chai sau đó cởi áo ngoài, để lộ đồ lót, livestream buổi thuyết trình, có bố mẹ cô từ Korean theo dõi qua màn hình từ Hàn Quốc.

Có 28 trong số 44 người trong phòng cũng cởi quần áo ngoài, phô bày đồ lót trong buổi thuyết trình của Chai, tờ New York Post cho hay.

Vị giáo sư của Chai nói với tờ The Sun rằng bà không yêu cầu sinh viên phải mặc gì hoặc mặc thế nào cho phù hợp. “Tôi nói họ tự suy nghĩ và đưa ra quyết định phù hợp”, giáo sư Rebekah Maggor nói.

Có 11 trong số 13 sinh viên trong lớp tuyên bố ủng hộ phản ứng của Chai, nhưng không phải ủng hộ ‘phiên bản’ sự việc mà Chai kể lại.

Các sinh viên này cho hay “trong khi có sai sót trong từ ngữ” về phía vị giáo sư, thực ra bà chỉ cố gắng truyền đạt tầm quan trọng của tính chuyên nghiêp trong các tình huống nói chuyện trước công chúng.

Phản ứng trên mạng xã hội chia làm hai phe trước cách hành xử của Chai.

Một vài ý kiến nổi bật:

Sam Samaritan: Nếu chúng ta có thêm nhiều sinh viên điên rồ như vậy thì chúng ta hẳn sẽ rất muốn được nhận vào trường này?

Thảo An Nguyễn Thị: Sinh viên gì mà vô liêm sỉ như vậy. Cô này học được cái gì?

Matt Lovely: Khi cô ta đi làm và ông chủ nói cần ăn mặc theo chuẩn mực công ty thì cô ta sẽ làm như vậy một lần nữa…. Đây là lý do vì sao tuổi bầu cử là 25… Phản ứng như vậy chỉ chứng tỏ là những học sinh này cần phải được va chạm thực tế, bởi vì chúng không biết tí gì rằng đời thực không như những bong bóng mà chúng đang sống bên trong.

Ryan Patrick: Cô ấy chỉ đang cố gắng chứng tỏ trang phục không phải vấn đề mà phải điểm chính là phẩm chất của bài thuyết trình. Nếu chúng ta quan tâm tới việc mọi người trông như thế nào thì chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành. Một số người có thể nghèo nhưng có ý tưởng tuyệt vời, và chúng ta có thể gạt họ đi chỉ vì trang phục không thích hợp do họ thiếu tiền.

Sherine Abboud: Tôi hiểu [phản ứng của cô ấy] nhưng tôi cũng tin vào việc ăn mặc phù hợp tùy tình huống. Nào hãy cho tôi biết có phải bạn sẽ mặc short tới buổi phỏng vấn xin việc? Nếu bạn đang muốn gây ấn tượng tốt ban đầu cho sếp tương lai và bạn bước vào với quần short và dép tông, bạn nghĩ là người ta sẽ tuyển bạn ư? Xin lỗi nhưng nếu tôi là nhà tuyển dụng, tôi chắc chắn không tuyển bạn. Bạn có thể là người tài năng và chăm chỉ nhất mà tôi từng gặp nhưng nếu bạn không ăn mặc một cách chuyên nghiệp thì nó không có tác dụng. Chẳng ai nói là bạn phải mặc quần áo đắt tiền cả.

Chính Tâm Nguyễn: Không chắc là tôi sẽ ủng hộ cô ấy làm như vậy… Cô ấy không phải là một hình mẫu mà tôi muốn con gái tôi học theo. Nếu tôi là giáo viên, tôi sẽ tống cỏ cô ta ra khỏi lớp. Nếu cô ta làm vậy trong buổi phỏng vấn của tôi, tôi sẽ chấm dứt và yêu cầu cô ta rời đi. Không biết tại sao một số người lại ủng hộ cô ta nhân danh tự do hay bất cứ cái gì đi nữa!

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44078374

 

Mexico: Biểu tình chống Trump trong ngày Lễ Mẹ

Trong ngày Lễ Mẹ 10/5, di dân ở biên giới Mỹ-Mexico biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump, người ‘từng xúc phạm họ rất sâu sắc’.

AFP đưa tin hàng chục người biểu tình hét vang “Trump, chinga tu madre!”, “Trump, chinga tu madre!” bằng tiếng Tây Ban Nha tại hàng rào biên giới ngăn cách Tijuana, Mexico với San Diego, bang California, Hoa Kỳ.

Donald Trump trở thành một nhân vật bị xỉ vả khắp Mexico kể từ khi ông phát động chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2015.

Ông Trump lúc đó gọi người nhập cư Mexico là ‘những kẻ hiếp dâm’, rồi thề xây một bức tường ngăn hai quốc gia và bắt Mexico trả tiền.

Trong những tuần gần đây, ông Trump đổ thêm dầu vào lửa khi đả kích một đoàn xe chở di dân Trung Mỹ băng qua Mexico về phía Hoa Kỳ. Ông cũng yêu cầu chính phủ Mexico ngăn chặn đoàn người này và đưa hàng ngàn binh sỹ đến biên giới. Người châu Á phản đối Trump muốn nói điều gì?

Biểu tình đòi Trump công khai hồ sơ thuế

Xúc phạm đến mẹ bắt nguồn từ tập tục người Mexico dành cho ai sỉ nhục mình.

Vì thế, trong ngày Lễ Mẹ năm nay, một nhóm người Mexico bị trục xuất và những di dân hy vọng vào được Hoa Kỳ quyết định gửi ông Trump một thông điệp chính về mẹ ông, bằng cách tổ chức một cuộc biểu tình gọi là “mentada de madre” (xúc phạm đến mẹ).

“Đây là một biểu hiện bằng lời nói và biểu tượng mà người Mexico chúng tôi dùng để biểu lộ sự phẫn nộ và giận dữ sâu sắc nhất.” Ông Sergio Tamai, lãnh đạo một nhóm đấu tranh có tên “Thiên thần không biên giới” cho biết.

Đứng dọc theo hàng rào biên giới, dương cờ Mexico và nhảy múa theo nhạc Mexico truyền thống, người biểu tình cũng dành nhiều lời giận dữ khác cho tổng thống Mỹ: “Trump, chúng tôi sẽ không trả tiền cho bức tường của ông”, “Hãy dừng việc trục xuất hàng loạt”, và những câu tương tự…

Đoàn người kết thúc cuộc biểu tình bằng cách đốt một hình nộm ông Trump với mái tóc vàng lòa xòa trên trán.

Cuộc biểu tình diễn ra dưới sự cảnh giới thận trọng của các nhân viên tuần tra biên giới Mỹ, đứng canh gác trên bãi biển, ngay phía bên kia hàng rào.

http://www.bbc.com/vietnamese/44079008

 

Mỹ tăng áp lực trừng phạt lên Iran

Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt đối với sáu người và ba công ty bị cáo buộc có quan hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran (IRGC).

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết lệnh trừng phạt nhắm vào những người đã quyên góp hàng triệu đô la tài trợ cho “hoạt động tàn bạo” của tổ chức này.

Ngân hàng trung ương Iran cũng bị buộc tội giúp IRGC nhận tiền.

Bộ Tài chính không nêu tên các cá nhân bị trừng phạt, nhưng nói rằng tất cả đều là người Iran.

Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận Iran

Trump rút khỏi thỏa thuận Iran, Obama nói sai lầm

Iran cảnh báo Trump sẽ gặp ‘hối hận lịch sử’

Hạt nhân Iran: Mỹ ủng hộ cáo buộc của Israel

Động thái này – được thực hiện cùng với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) – nghiêm cấm các cá nhân và tổ chức của Hoa Kỳ có các hoạt động kinh doanh với IRGC.

Ông Mnuchin cho biết: “Iran và Ngân hàng Trung ương đã lạm dụng quyền tiếp cận các tổ chức ở UAE để mua đô la Mỹ nhằm tài trợ cho các hoạt động tàn bạo của IRGC, bao gồm cả việc tài trợ và vũ trang cho các tổ chức đại diện.”

“Chúng tôi có ý định cắt đứt nguồn thu nhập của IRGC bất chấp nguồn này đến từ đâu và đến nơi nào”, ông nói thêm.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran

IRGC được thành lập năm 1979 để bảo vệ thể chế Hồi giáo của Iran và là một lực lượng quân sự, chính trị và kinh tế lớn của nước này. Các biện pháp trừng phạt đặc biệt nhắm vào tổ chức hoạt động ở nước ngoài của IRGC, lực lượng Quds.

Tổng thống Donald Trump gọi đây là “lực lượng khủng bố” và áp lệnh trừng phạt vào tháng 10/2017.

Những lệnh trừng phạt mới nhất được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và cam kết sẽ tăng áp lực lên Tehran.

Thỏa thuận năm 2015 đã kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU.

Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei mô tả quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của ông Trup là một “sai lầm”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44078369

 

Tàu, xe và chuyên cơ của Kim Jong-un ra sao?

Một chiếc máy bay bí ẩn của Bắc Hàn đỗ tại sân bay Đại Liên của Trung Quốc là chủ đề bàn luận hôm 7 và 8/5.

Cuối cùng chiếc máy bay đã được xác nhận là của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người hóa ra đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thành phố cảng này.

Trump gặp Kim ở Singapore ngày 12/6

Kim Jong-un đi tàu thăm Bắc Kinh?

Kim Jong-un ‘từng dùng hộ chiếu Brazil giả’

Olympics: Kim Jong-un kêu gọi thêm hòa giải

Sự xuất hiện quốc tế ngày một nhiều của ông Kim đã cho thế giới thấy cách thức ông đi lại, với mỗi chuyến thăm là một phương tiện di chuyển khác nhau.

Máy bay – chỉ của hãng Ilyushin

Chuyến thăm Trung Quốc của Kim Jong-un tuần này đánh dấu chuyến bay quốc tế đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền, nhưng tin truyền thông cho biết trước đó ông đã sử dụng máy bay riêng của mình để đi du lịch trong nước.

Chiếc máy bay đưa ông đến Trung Quốc là một chiếc máy bay tầm xa của Liên Xô, chiếc Ilyushin-62 (Il-62).

Những nhà quan sát Bắc Hàn trên trang web NK News cho biết nó được gọi là “Chammae-1”, được đặt tên theo một loài chim ưng của nước này.

Vỏ ngoài màu trắng của máy bay được trang trí với tên chính thức của Bắc Hàn bằng tiếng Triều Tiên ở cả hai bên thân, với lá cờ quốc gia bên cạnh dòng tên.

Đuôi máy bay có hình ngôi sao màu đỏ bên trong vòng tròn màu đỏ và màu xanh.

Chiếc máy bay này có nội thất hiện đại, và ông Kim thỉnh thoảng được chụp ảnh đang làm việc và họp trên máy bay.

Chiếc Chammae-1 là điểm nổi bật hồi tháng Hai khi nó chở đoàn đại biểu Olympics cấp cao của Bình Nhưỡng, gồm cả em gái của lãnh đạo Kim là Kim Yo-jong, đến Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết chuyến bay có số hiệu dễ nhận dạng “PRK-615”, có thể là con số tượng trưng cho Tuyên bố chung Bắc-Nam ngày 15/6 đã được hai nước ký vào năm 2000.

Kim Jong-un lần đầu tiên nói ‘có thể’ họp với Mỹ

Kim Jong-un chiêu đãi phái đoàn Hàn Quốc

Kim Jong-un ‘cảm động’ vì K-pop ở Bình Nhưỡng

Ông Kim cũng từng được nhìn thấy sử dụng chiếc Antonov-148 (AN-148), có logo của hãng hàng không quốc gia Air Koryo, trong một bộ phim tài liệu được phát sóng năm 2014 do Đài Truyền hình Trung ương Bắc Hàn (KCTV).

Cha của Kim Jong-un là Kim Jong-il và ông nội là Kim Il-sung tránh xử dụng hàng không, được cho là do sợ bay.

Ông Kim dường như không gặp phải vấn đề như vậy, và truyền thông nhà nước năm 2015 thậm chí còn quay cảnh ông điều khiển một chiếc máy bay hạng nhẹ ‘nội địa’ và ngồi ở ghế điều khiển của chiếc máy bay quân sự hai tầng cánh AN-2.

Tàu hỏa lớn

Khi Kim Jong-un thăm Bắc Kinh vào tháng 3 năm nay, ông đã sử dụng ‘tàu hỏa đặc biệt’ được cho là giống với chiếc tàu hỏa mà cha của ông đã sử dụng để di chuyển quốc tế cho đến khi qua đời tháng 12/2011.

Cảnh “đoàn tàu màu xanh đậm với (một) sọc vàng” được Kim Jong-un sử dụng cho chuyến thăm Trung Quốc đã lan truyền trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc vào thời điểm đó, tạo ra sự so sánh với tàu hỏa của Kim Jong-il.

Tháng 11/2009, nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết, tàu bọc thép của Kim Jong-il có khoảng 90 toa.

Trên tàu có các phòng hội nghị, phòng tiếp khách và phòng ngủ, với điện thoại vệ tinh và tivi được cài đặt cho các cuộc họp.

Theo tin tức của Bắc Hàn, Kim Jong-il đã chết trên chuyến tàu đi kiểm tra khu vực bên ngoài Bình Nhưỡng.

Bình luận về cảnh quay đoàn tàu của đài truyền hình KCTV năm 2011, một nguồn tin nói với Chosun Ilbo rằng đồ nội thất chủ yếu màu trắng dường như là “được làm bởi các nghệ nhân nước ngoài với vật liệu chất lượng hàng đầu”.

Tàu của Kim Jong-un có nội thất tương tự, nhưng ghế sofa và ghế bành bây giờ có màu san hô sang trọng.

Truyền thông nhà nước cho thấy cả hai cha con ông Kim đều sử dụng tàu để tổ chức các cuộc họp trong các chuyến thăm quốc tế của họ.

Bạn sẽ không mua cho tôi một chiếc Mercedes-Benz?

Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Kim đã sử dụng chiếc Mercedes-Benz S-Class cá nhân của mình để đi du lịch trong thành phố.

Theo nhật báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc, chiếc xe đã được vận chuyển đặc biệt trên tàu của nhà lãnh đạo.

Báo cáo cho hay chiếc xe, sản xuất năm 2010, có giá khoảng 2 tỷ won (1,8 triệu USD).

Theo báo cáo, đoàn hộ tống của ông tại hội nghị thượng đỉnh có một chiếc xe với nhà vệ sinh riêng, được nhà lãnh đạo sử dụng khi đi du lịch.

Điều này cũng được đề cập trong một báo cáo năm 2015 bởi trang web DailyNK đặt tại Seoul, nói rằng một phòng tắm theo yêu cầu được xây dựng trong một trong những chiếc xe bọc thép của Kim.

Du thuyền bí ẩn

Truyền thông nhà nước Bắc Hàn cho thấy ông Kim đi trên các phương tiện khác nhau như thuyền, tàu ngầm, xe bus và thậm chí cả thang kéo cho môn trượt tuyết.

Ông cũng được đồn đoán sử dụng các phương tiện vận chuyển khác, nhưng vẫn chưa được nhìn thấy trong các chuyến du ngoạn nước ngoài của ông.

Khi truyền thông nhà nước công bố các hình ảnh về chuyến thăm của ông đến một trại cá quân đội vào tháng 5/2013, NK News quan sát thấy một chiếc du thuyền trong phông ảnh.

Không có xác nhận rõ ràng rằng chiếc du thuyền, ước tính trị giá 7 triệu USD, thuộc về ông Kim, hay thậm chí bằng cách nào nó được nhập khẩu bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế đối với các hàng hóa xa xỉ.

Tuy nhiên, với mức giá này, nhiều hãng truyền thông quốc tế đã chọn ra nhà lãnh đạo quốc gia là chủ sở hữu có khả năng nhất.

Tháng 6/2015, Đài phát thanh tự do châu Á có trụ sở tại Washington đưa tin rằng một nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một đường băng lên thẳng mới tại biệt thự ven hồ của Kim ở tỉnh Nam Pyongan.

Nhà nghiên cứu ở trường Johns Hopkins, cho rằng đường băng lên thẳng có thể được sử dụng bới gia đình Kim hoặc khách mời.

Tin mới nhất cho hay ông Kim Jong-un và Donald Trump đồng ý gặp nhau ở Singapore vào ngày 12/06.

Các báo châu Á tin rằng chiếc chuyên cơ Chammae-1 sẽ đưa ông Kim đến đảo quốc Đông Nam Á, nằm trong tầm bay của nó.

Bài của BBC Monitoring do Shreyas Reddy và Alistair Coleman tổng hợp.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44066908

 

Khí CO2 vượt ngưỡng đáng ngại

 trong bầu khí quyển

Nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển lần đầu tiên vượt  410 phần triệu, đây là ngưỡng khiến Trái Đất ấm nóng đến gần mức vượt độ an toàn mà giới khoa học và cộng đồng quốc tế xác định.

Chỉ số đọc được từ  Đài thiên văn Mauna Loa ở Hawaii và được bảng tin khoa học của tờ Washington Post loan đi ngày 10/5/2018.  Lần đọc đầu tiên vượt quá 410 vào ngày 18 tháng 4 năm 2017, chỉ khoảng một năm trước.

Theo tờ Washington Post, nồng độ carbon dioxide chỉ ở mức khoảng 280 phần triệu vào  năm 1880, thời điểm khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp. Bây giờ con số cao hơn 46%.

Trong 1 tuyên bố quan trọng về sự việc này, giáo sư Katharine Hayhoe, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Texas Tech nêu rõ điều các nhà khoa học quan tâm nhất không phải là con số vượt mức an toàn, nhưng nếu điều này tiếp tục tăng lên thì có nghĩa chúng ta đã đi 1 tốc độ quá xa, trước các thử nghiệm chưa từng có đối hành tinh này, ngôi nhà duy nhất chúng ta có.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/Earth-atmosphere-just-crossed-another-troubling-climate-change-threshold-05112018091007.html

 

Trung Quốc cấp tốc chế tạo vũ khí tối tân

để đối lại Mỹ

Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển nhiều loại vũ khí hiện đại nhằm đối đầu với Mỹ.

Đó là nội dung trong một báo cáo được các chuyên gia vũ khí chiến lược Mỹ được đưa ra vào ngày thứ năm 10/5/2018.

Báo cáo này dựa trên một công trình nghiên cứu trong thời gian qua được một ủy ban của Quốc Hội Mỹ bảo trợ.

Các tác giả đã kể ra nhiều loại vũ khí mà Trung Quốc đang nghiên cứu là hỏa tiễn siêu thanh, hỏa tiễn diệt vệ tinh, đầu đạn điều khiển, vũ khí laser, súng điện từ, vũ khí sử dụng thiết bị không người lái, khả năng thực hiện chiến tranh mạng … Điều quan trọng nhất là các hệ thống vũ khí này sử dụng triệt để công nghệ nghiên cứu trí khôn nhân tạo.

Các nhà nghiên cứu cho biết mục đích của Trung Quốc là để chiếm thế thượng phong trước Hoa Kỳ, chống lại sức ép mà Bắc Kinh cảm thấy, cho là mình đang bị bao vây tại vùng Châu Á- Thái Bình Dương, bị Mỹ và các đồng minh cản trở không cho Trung Quốc trở nên một đế quốc trong khu vực.

Các nhà nghiên cứu nêu lên quan ngại rằng Mỹ chỉ còn rất ít thời gian, chỉ khoảng 10 năm để ngăn cản Trung Quốc vượt qua mình.

Họ cũng thúc giục Washington tích cực liên kết với ba đồng minh trong tứ giác Ấn Độ Thái Bình Dương, là Úc , Nhật và Ấn Độ để chống lại Bắc Kinh.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá cho rằng dù sao Trung Quốc không phải có ưu thế tuyệt đối, vì họ phải đối mặt với những khó khăn, những khiếm khuyết nội tại của chính hệ thống xã hội chính trị Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu còn đề nghị khai thác nỗi sợ của người láng giềng phương Bắc của Trung Quốc là nước Nga, vì Mat Cơ Va luôn lo ngại sự trỗi dậy đáng sợ của Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-modern-weapon-05112018082835.html

 

Mỹ, UAE chế tài mạng lưới chuyển tiền

cho tổ chức an ninh của Iran

Mỹ hôm thứ Năm áp đặt chế tài lên sáu cá nhân và ba công ty mà họ nói đã chuyển hàng triệu đôla cho Lực lượng Quds tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Bộ Tài chính, hành động cùng với Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất nơi đặt trụ sở các công ty bình phong, cho biết đã triệt phá các hoạt động của mạng lưới to lớn này, và cáo buộc ngân hàng trung ương Iran giúp nhóm này tiếp cận đôla Mỹ do các ngân hàng nước ngoài nắm giữ để tránh những chế tài của phương Tây.

IRGC tới giờ là cơ quan an ninh hùng mạnh nhất của Iran và nắm nhiều quyền kiểm soát trong nền kinh tế cũng như ảnh hưởng to lớn trong hệ thống chính trị của Iran. Lực lượng Quds là một đơn vị ưu tú chịu trách nhiệm về các hoạt động ở nước ngoài của IRGC.

Sáu ngân hàng và ba thực thể, bao gồm các công ty bình phong của IRGC và Lực lượng Quds và các chủ thể giao dịch tiền tệ, bị chế tài theo các quy định của Mỹ nhắm mục tiêu vào các nghi phạm khủng bố toàn cầu được định danh đặc biệt và nhắm vào hoạt động tài chính của Iran, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cho biết sau đó rằng họ đã đưa những công ty và những người nói trên vào danh sách những cá nhân và tổ chức khủng bố làm ăn với IRGC và Lực lượng Quds.

Chế tài nay được đưa ra trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hối thúc các đồng minh ở Châu Âu, Châu Á và Trung Đông gây áp lực buộc Iran quay trở lại các cuộc đàm phán về các chương trình hạt nhân và phi đạn của Tehran.

Quyết định của ông Trump cho thời gian ân hạn 90 ngày cho tới sáu tháng để các công ty giảm dần giao dịch với Iran.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-uae-che-tai-mang-luoi-chuyen-tien-cho-to-chuc-an-ninh-cua-iran/4388782.html

 

Mỹ: Chủ tịch Hạ viện kêu gọi

ra luật di trú trước bầu cử giữa kỳ

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan hôm thứ Năm cho biết ông muốn một dự luật di trú lưỡng đảng được ban hành trước các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới đây bằng cách giải quyết tình trạng của những người nhập cư bất hợp pháp “Dreamer” cũng như các vấn đề an ninh biên giới.

“Tôi muốn sửa chữa vấn đề này, vì vậy tôi muốn có một cuộc biểu quyết về di trú trước các cuộc bầu cử giữa kỳ,” ông Ryan nói trong một cuộc họp báo.

Phát biểu của ông được đưa ra một ngày sau khi một nhóm li khai toàn các nghị sĩ Cộng hòa nỗ lực buộc Hạ viện đưa ra hành động để những người được gọi là Dreamer – những người nhập cư trẻ tuổi được đưa vào Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ – khỏi bị trục xuất.

Ông Ryan trước đây đã bày tỏ sự ủng hộ cho việc giúp đỡ những Dreamer. Nhưng ông chưa bật đèn xanh cho việc tranh luận về bất kỳ dự luật nào, dù các cuộc khảo sát ý kiến công chúng cho thấy sự ủng hộ rộng rãi trong nước đối với việc giúp đỡ các Dreamer.

Những người này trước đây đã có được những sự bảo vệ tạm thời vào năm 2012 từ Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama.

Nhưng tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã ra lệnh cho chương trình của ông Obama mang tên Hành động Trì hoãn cho Người đến Mỹ lúc nhỏ (DACA) phải chấm dứt vào ngày 5 tháng 3 năm 2018. Những cuộc chiến pháp lý tại tòa án đã trì hoãn việc đình chỉ DACA, khiến hàng trăm ngàn người nhập cư rơi vào tình thế bất định.

Thượng viện vào tháng 2 đã thất bại trong một nỗ lực thông qua luật cung cấp sự bảo vệ vĩnh viễn cho các Dreamer mà lẽ ra sẽ cho phép họ sống và làm việc hợp pháp tại Mỹ và thậm chí có thể có được quốc tịch.

https://www.voatiengviet.com/a/my-chu-tich-ha-vien-keu-goi-ra-luat-di-tru-truoc-bau-cu-giua-ky/4388774.html

 

Quân đội Mỹ: Hàng loạt thất bại

đưa tới vụ phục kích chết người ở Niger

Một loạt những thất bại của cá nhân và tổ chức, bao gồm thiếu huấn luyện và nhận thức tình huống, đã góp phần đưa tới một vụ phục kích gây chết người ở Niger vào năm ngoái làm bốn binh sĩ Mỹ tử trận, một báo cáo của Ngũ Giác Đài công bố hôm thứ Năm cho biết.

Vụ phục kích vào tháng 10, do một chi nhánh Hồi giáo cực đoan địa phương thực hiện, đã thu hút nhiều sự chú ý tới nhiệm vụ chống khủng bố của Mỹ tại quốc gia Tây Phi này, và báo cáo có phần chắc sẽ khơi lên thêm nghi vấn nữa về các hoạt động quân sự của Mỹ trên lục địa này.

Việc Tổng thống Donald Trump truyền đạt thông điệp chia buồn tới gia đình của những binh sĩ Mỹ thiệt mạng cũng bị các nhà lập pháp ở Washington chỉ trích và càng khiến vụ việc được chú ý.

“Cuộc điều tra xác định những thất bại cá nhân, tổ chức và thể chế và những thiếu sót góp phần vào các sự kiện bi thảm ngày 4 tháng 10 năm 2017 … không có sự thất bại hay thiếu sót riêng lẻ nào là lí

do duy nhất cho các sự kiện này,” một bản tóm tắt tám trang của báo cáo cho biết. Phiên bản bị bôi đen của bản báo cáo đầy đủ có thể sẽ vẫn chưa được công bố trong vài tháng tới.

Báo cáo không quy trách nhiệm, nhưng nói các khuyến nghị đã được đưa ra cho Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm của Mỹ về các hành động có thể được thực hiện đối với các quân nhân. Quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ ở Châu Phi nói chung quy ông là người chịu trách nhiệm.

“Tôi chịu trách nhiệm về tất cả những sự kiện liên quan đến vụ phục kích ngày 4 tháng 10. Một lần nữa, trách nhiệm là của tôi,” Tướng Thủy quân lục chiến Thomas Waldhauser, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Châu Phi Hoa Kỳ, nói trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài.

Ngay cả trước khi Toán Lực lượng Đặc nhiệm của Mỹ đến Niger, biến động nhân sự đã ngăn toán binh sĩ thực hiện hoạt động huấn luyện quan trọng trước khi triển khai, báo cáo kết luận.

Chỉ có một nửa toán binh sĩ huấn luyện cùng nhau khi họ đến Niger vào mùa thu năm 2017.

Vào ngày 3 tháng 10, toán lực lượng đặc nhiệm, cùng với các lực lượng đối tác của Niger, bắt đầu tiến hành một nhiệm vụ nhắm vào một chiến binh Nhà nước Hồi giáo chủ chốt ở gần làng Tiloa, Niger. Toán binh sĩ đã không huấn luyện cho nhiệm vụ này và đã không báo cho các chỉ huy cấp cao hơn biết họ đang thực hiện nó.

Dù toán binh sĩ mô tả không đúng nhiệm vụ này, báo cáo không nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa điều đó và vụ phục kích giết chết bốn binh sĩ Mỹ.

Tướng Mỹ hàng đầu năm ngoái nói rằng toán binh sĩ khi đó đang thực hiện một nhiệm vụ trinh sát.

Trên đường trở về căn cứ của mình, sau khi thực hiện một nhiệm vụ thu thập tình báo riêng rẽ, toán binh sĩ đã dừng lại ở làng Tongo Tongo để tái tiếp tế. Đó là lúc các binh sĩ Mỹ, cùng với các đối tác Niger, bị những kẻ chủ chiến phục kích.

Bản báo cáo và video dài 10 phút chiếu cho các phóng viên mô tả chi tiết vụ đấu súng và việc Trung sĩ Lục quân La David Johnson đã tìm cách bỏ chạy ra sao để thoát khỏi những kẻ chủ chiến sau khi anh không thể vào được xe của mình. Cuối cùng anh bị hạ sát cách chiếc xe khoảng 1.000 mét.

Bằng chứng cho thấy cả bốn binh sĩ đều bị tước bỏ bất kỳ thiết bị nào có thể sử dụng được và những kẻ chủ chiến đã tìm cách đem theo thi thể của họ.

Hai trong số thi thể của những người lính được tìm thấy ở sau xe của một kẻ chủ chiến và một thi thể bên cạnh xe, theo Thiếu tướng Lục quân Roger Cloutier, người dẫn đầu cuộc điều tra vụ phục kích.

Sau vụ việc vào tháng 10, lực lượng của Mỹ ở Châu Phi giờ sẽ “thận trọng” hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ và đã có những cải tiến cho binh sĩ trong các lĩnh vực như hỏa lực và thiết bị, thời gian phản ứng và mức độ tình báo được cung cấp, ông Waldhauser nói.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-my-hang-loat-that-bai-dua-toi-vu-phuc-kich-chet-nguoi-o-niger/4388769.html

 

Phó TT Pence hối thúc ông Muller

nhanh chóng kết thúc điều tra

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm thứ Năm 10/5 nói đã đến lúc Công tố viên đặc biệt Robert Mueller phải kết thúc cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và việc liệu Tổng thống Donald Trump có cản trở công lý hay không.

Phó Tổng thống Pence nói với Kênh truyền hình NBC News:”Vì lợi ích của đất nước, tôi nghĩ đã đến lúc phải kết thúc cuộc điều tra.”

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Mueller sắp kết thúc cuộc điều tra đã kéo dài một năm qua. Nhóm pháp lý của ông đã đàm phán với các luật sư của ông Trump về việc liệu tổng thống sẽ đồng ý để thẩm vấn và theo những điều kiện nào, chẳng hạn như các chủ đề nào sẽ được thảo luận trong cuộc thẩm vấn, thời gian thẩm vấn và liệu ông Trump có tuyên thệ hay không.

Nếu không đạt được một thỏa thuận nào, ông Mueller đã đề nghị ra trát mời ông Trump ra khai chứng hữu thệ trước bồi thẩm đoàn. Điều này có thể dẫn đến một cuộc tranh tụng pháp lý mà Tòa án Tối cao sẽ phải quyết định liệu một tổng thống đương nhiệm có bị buộc ra khai chứng hay không.

Ông Pence nói: “Đã một năm rồi kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu. Chính quyền của chúng tôi cũng đã cung cấp hơn một triệu tài liệu. Chúng tôi hoàn toàn hợp tác với cuộc điều tra này.”

Ông Pence nói thêm: “Tôi rất trân trọng mong muốn công tố viên đặc biệt và nhóm làm việc của ông hãy nhanh chóng kết thúc việc điều tra.”

https://www.voatiengviet.com/a/pho-tt-pence-hoi-thuc-ong-muller-nhanh-chong-ket-thuc-dieu-tra/4388004.html

 

Thẩm phán cho xúc tiến vụ kiện

phản đối khám xét điện thoại ở biên giới

Một thẩm phán liên bang hôm thứ Năm khước từ nỗ lực của chính quyền Trump muốn xóa sổ vụ kiện chính phủ liên bang về việc tăng cường khám xét điện thoại và máy tính xách tay của người Mỹ bị chặn lại ở biên giới mà không có lệnh của tòa án.

Thẩm phán Khu vực tư pháp liên bang Denise Casper ở thành phố Boston phán quyết rằng vụ kiện của 11 hành khách đã đưa ra một tuyên bố hợp lý rằng những vụ khám xét như vậy tại biên giới vi phạm những sự bảo vệ trong Tu chính án thứ Tư của Hiến pháp Hoa Kỳ, qui định người dân có quyền không bị khám xét hoặc bị thu giữ đồ đạc một cách phi lý.

Dù bà Casper mô tả luật này là không rõ ràng, song bà nói vấn đề này không khác gì một vụ kiện lớn về quyền riêng tư mà Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết vào năm 2014, trong đó cảnh sát buộc phải xin trát của tòa án để khám xét điện thoại di động của một nghi phạm bị bắt giữ.

Thẩm phán nói rằng phán quyết của Tòa án Tối cao “cho thấy các thiết bị điện tử có dính dáng đến quyền riêng tư theo một cách khác biệt căn bản so với những vụ khám xét những phương tiện chứa đựng tài liệu thông thường hoặc thậm chí là khám xét người.”

“Tóm lại, Tòa án không cảm thấy thuyết phục với lập luận rằng Nguyên đơn đã không trình bày một tuyên bố hợp lý liên quan tới Tu chính án thứ Tư ở đây,” bà Casper viết.

Bà cũng bác bỏ lập luận của chính phủ nói rằng các nguyên đơn, gồm 10 công dân Mỹ và một thường trú nhân, không đủ tư cách để theo đuổi vụ kiện.

Theo dữ liệu năm tài chính từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, những vụ khám xét thiết bị điện tử đã tăng từ khoảng 8.500 vụ vào năm 2015 lên khoảng 19.000 vào năm 2016 và 32.000 vào 2017.

Vụ kiện được đệ trình vào tháng 9 năm ngoái bởi những hành khách bao gồm một cựu chiến binh, một kỹ sư của Cục Hàng Không và Không gian Quốc gia, hai nhà báo và một lập trình viên máy tính. Một số nguyên đơn là người Hồi giáo hoặc thuộc sắc dân thiểu số.

Nhìn chung tại Mỹ, cơ quan chấp pháp bắt buộc phải xin trát của tòa án trước khi có thể khám xét các thiết bị điện tử của người Mỹ.

Nhưng cái gọi là biệt lệ khám xét tại biên giới cho phép nhà chức trách liên bang tiến hành khám xét trong phạm vi 100 dặm (160 km) tính từ biên giới của Mỹ mà không cần trát.

https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-cho-xuc-tien-vu-kien-phan-doi-kham-xet-dien-thoai-o-bien-gioi/4388763.html

 

Tân Thủ tướng Malaysia

sẵn sàng ân xá cho lãnh đạo đối lập

Thủ tướng mới nhậm chức của Malaysia nói ông sẵn sàng giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử là ân xá cho lãnh tụ đối lập Anwar Ibrahim.

Ông Mahathir Mohamad hôm thứ Sáu nói: “Chúng tôi sẽ bắt đầu tiến trình theo quy định để có lệnh ân xá cho ông Datuk Sri Anwar”, ông sử dụng từ ngữ trọng thị trong tiếng Mã Lai.

Ông Mahathir cho biết quốc vương cũng “đã tỏ ý sẵn sàng ân xá” cho ông Anwar.

Thủ tướng Malaysia nói thêm rằng ông Anwar “nên được phóng thích ngay khi ông được ân xá”.

Lãnh đạo phe đối lập đang ngồi tù vì tội tham nhũng và tội giao cấu trái tự nhiên. Việc tống giam ông Anwar bị dư luận lên án là mang động cơ chính trị.

Ông Anwar từng là phó thủ tướng và bộ trưởng tài chính trong chính phủ của ông Mahathir. Ông được xem là người sẽ kế nhiệm ông Mahathir cho đến khi ông bị sa thải vào năm 1999.

Ông Mahathir, cựu lãnh đạo của Malaysia, tuyên thệ nhậm chức hôm 10/5 với tư cách là vị thủ tướng thứ bảy của nước này sau chiến thắng bầu cử vang dội vào ngày hôm trước, một kỳ tích khiến ông trở thành nhà lãnh đạo dân cử lớn tuổi nhất thế giới.

Cựu thủ tướng 92 tuổi được biết đến với chế độ độc tài, và liên minh của ông với các đảng đối lập — Liên minh Hy vọng — đã lật đổ liên minh Barisan Nasional của Thủ tướng Najib Razak, trong đó có UMNO, đảng sắc tộc Malay đã cai trị Malaysia từ thời lập nước cho đến khi trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1957.

Ông Najib thất cử một phần do chính sách sưu cao thuế nặng của ông ảnh hưởng đến người nghèo ở nông thôn và những vụ bê bối tham nhũng, trong đó có hàng tỷ đôla được cho là đã bị đánh cắp từ một quỹ đầu tư nhà nước mà ông kiểm soát. Ông Najib phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Thủ tướng Mahathir nói ông không tìm cách “trả thù” các đối thủ chính trị, nhưng hứa sẽ khôi phục lại luật pháp và trật tự.

Ông Mahathir đã lãnh đạo Malaysia từ năm 1981 đến năm 2003. Ông được ghi nhận có công xây dựng một nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nhiều người Malaysia vẫn khó chịu về cách “đối xử khắc nghiệt” của ông Mahathir đối với các đối thủ chính trị và đàn áp tự do ngôn luận.

Chế độ của ông Najib cũng đã phải đối mặt với các cáo buộc về hành vi đàn áp công dân. Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc hôm 10/5 nói cuộc bầu cử là “một cơ hội lịch sử để dẹp bỏ các vi phạm nhân quyền trong quá khứ”.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc liên minh Barisan Nasional đã “liên tục tấn công vào quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa, giam giữ tùy tiện theo luật hà khắc”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói ông Mahathir có thể bắt đầu cải cách bằng cách hoàn thành lời hứa trong chiến dịch tranh cử là phóng thích ông Anwar.

Tổ chức này cũng kêu gọi Thủ tướng Mahathir bãi bỏ các đạo luật có tính chất đàn áp như Luật chống Tin giả gần đây, mà tổ chức này nói là “được thiết kế nhằm ngăn chặn tranh luận trực tuyến”.

https://www.voatiengviet.com/a/tan-thu-tuong-malaysia-san-sang-an-xa-cho-lanh-dao-doi-lap/4389818.html

 

Nguy cơ bùng nổ xung đột

trực tiếp giữa Israel và Iran?

lực lượng Iran ra khỏi Syria, và cảnh cáo sự hiện diện của lực lượng này chỉ mang lại rắc rối cho Syria mà thôi.

Trong phản ứng chính thức đầu tiên sau các cuộc tấn công do Israel thực hiện nhắm vào các mục tiêu Iran ở Syria, Iran nói Damascus có quyền chính đáng để trả đũa những hành động mà theo Iran, là những vụ “vi phạm chủ quyền của Syria”, rồi biện minh cho hành động của mình dựa trên “những lý do bịa đặt và vô căn cứ”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, ông Braham Ghasemi, còn nói rằng sự im lặng của quốc tế trước những hành động hung hăng đó, không khác nào là “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.

Một giáo sĩ cực đoan người Iran đe dọa nước ông sẽ trả đũa nếu Israel “làm điều gì điên rồ”.

Israel tấn công hàng chục mục tiêu nghi là của Iran tại Syria trong các cuộc đột kích qua đêm mà Tel Aviv nói là để đáp lại một loạt cuộc tấn công bằng đạn rocket đến từ người Iran. Đây là vụ đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất từ trước tới giờ giữa hai kẻ thù cay đắng của nhau. Cuộc đối đầu quân sự xuyên biên giới tại đây đã nhường bước cho một cuộc đấu khẩu.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi hãy “ngưng ngay mọi hành động thù nghịch” để “tránh đổ dầu thêm vào ngọn lửa” ở Trung Đông.

Bị chia rẽ trầm trọng trong nội bộ về vấn đề Syria, Hội đồng Bảo an LHQ khó có thể ra một tuyên bố chung, và cho tới sáng ngày 11/5, chưa có thành viên nào trong Hội đồng kêu gọi tổ chức một buổi họp để bàn về tình hình Syria.

Iran có nhiều cố vấn và chuyên gia, và trong thời gian qua đã hậu thuẫn hàng chục ngàn dân quân đang sát cánh chiến đấu với các lực lượng của ông Assad trong cuộc nội chiến tại Syria. Israel cảnh cáo họ sẽ không chấp nhận sự hiện diện quân sự của Iran, một nước thù nghịch, ngay tại sân nhà của họ.

Từ lâu, Iran và Israel đã đối đầu nhau thông qua các bên thứ ba.

Quy mô các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu Iran ở Syria, mà Israel cho là các cuộc tấn công lớn nhất tính từ chiến tranh Trung Đông năm 1973, có thể là một dấu hiệu báo trước nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ toàn diện giữa hai nước trên lãnh thổ Syria, một cuộc xung đột có nguy cơ lôi kéo nhóm chủ chiến nhóm chủ chiến Hezbollah và Lebanon, với hậu quả khó lường.

Căng thẳng leo thang ở Syria giữa lúc Hoa Kỳ quyết định rút ra khỏi hiệp định hạt nhân ký với Iran vào năm 2015, để áp đặt các biện pháp chế tài mới hầu tăng áp lực đối với chính quyền Iran.

Tại Teheran, Giáo sĩ Ayatollah Ahmad Khatami khuyến cáo rằng áp lực từ các nước Phương Tây có thể phản tác dụng. Ông Khatami đe dọa Israel có thể phải trả giá đắt cho các hành động của mình.

https://www.voatiengviet.com/a/nguy-co-bung-no-xung-dot-israel-iran/4389773.html

 

Điện Kremlin: Đổi luật để Putin thêm nhiệm kỳ

không có trong nghị trình

Điện Kremlin hôm 11/5 nói rằng đề xuất thay đổi hiến pháp của các nhà lập pháp khu vực nhằm cho phép Tổng thống Vladimir Putin cầm quyền thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2024 không nằm trong chương trình nghị sự của ông Putin.

Theo Reuters, các nhà lập pháp ở khu vực phía nam Chechnya tuần này đã đề nghị Nga thông qua một đạo luật cho phép tổng thống phục vụ ba nhiệm kỳ liên tiếp. Hiến pháp hiện tại cấm bất kỳ ai làm tổng thống hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 11/5, khi được hỏi về đề xuất này, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói: “Đây là một câu hỏi về hiến pháp”, ông Peskov nói với các nhà báo. “Đây không phải là một mục trong chương trình nghị sự của tổng thống”.

Phát ngôn viên Peskov nói thêm rằng Tổng thống Putin đã đưa ra quan điểm rõ ràng về việc thay đổi hiến pháp trước đây.

Năm 2008, ông Putin rời điện Kremlin sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp theo hiến pháp, và nhường bước cho đồng minh thân cận, ông Dmitry Medvedev, làm tổng thống một nhiệm kỳ duy nhất trong lúc ông làm thủ tướng.

Sau đó, năm 2012, ông Putin quay trở lại chức vụ tổng thống và giành thêm một nhiệm kỳ 6 năm trong năm này, dẫn tới những suy đoán về những điều sắp tới ông sẽ làm khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2024. Khi đó, ông Putin đã 71 tuổi.

https://www.voatiengviet.com/a/dien-kremlin-doi-luat-de-putin-them-nhiem-ky-khong-co-trong-nghi-trinh/4389652.html

 

Singapore:

Điểm lý tưởng cho thượng đỉnh Trump-Kim

lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, các chuyên gia nhận xét sau khi ông Trump loan báo về thời gian và địa điểm của cuộc gặp lịch sử.

Tổng thống Mỹ ngày 10/5 tuyên bố sẽ gặp lãnh tụ Triều Tiên vào ngày 12/6 tại Singapore.

Là một quốc đảo giàu có và có kỷ luật, Singapore cũng là một trong những đối tác quân sự gắn bó nhất của Mỹ. Hải quân Mỹ đã có mặt ở đây từ năm 1968 và được phép tiếp cận các cơ sở quân sự của Singapore vào năm 1990.

Trên hết, quốc gia này cũng đủ trung lập để Triều Tiên tin tưởng.

“Singapore là một người bạn tuyệt vời của Mỹ, nhưng nước này cũng cẩn thận để có thể làm bạn với tất cả các nước,” cựu Đại sứ Mỹ ở Singapore David Adelman nói với hãng tin AP.

Trong lịch sử, quốc gia này đã là ‘nhà trung gian chân thành giữa Đông và Tây,” ông Adelman cho biết và nói thêm rằng Singapore có kinh nghiệm tổ chức các cuộc gặp cấp cao.

Ngay từ đầu, Singapore đã được xem là một lựa chọn hàng đầu của các quan chức chính quyền Mỹ do sự trung lập của nơi này cả về chính trị lẫn địa lý, Đài CNBC cho biết. Đây là đối tác thương mại lớn của Mỹ và là nhà đầu tư châu Á lớn thứ hai vào Mỹ.

Sự trung lập tương đối của nước này sẽ giúp đảm bảo các cuộc thảo luận Trump-Kim không bị giám sát từ phía Trung Quốc – vốn đóng vai trò quan trọng trong việc phá băng mối quan hệ giữa cựu thù Washington và Bình Nhưỡng.

“Không thể nào tổ chức cuộc gặp này trên đất Trung Quốc được vì tình báo Trung Quốc có thể nghe trộm cuộc nói chuyện giữa Trump và Kim,” ông Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, nói với CNBC.

Tổ chức cuộc gặp ở Singapore cũng sẽ tạo được hình ảnh tốt hơn cho ông Trump hơn là đến khu phi quân sự ở biên giới hai miền Triều Tiên – một địa điểm mà Tổng thống Mỹ từng nhắc tới như là một khả năng.

“Nơi này tốt hơn là Tổng thống Mỹ đến trước cửa nhà ông Kim Jong-un,” ông Ian Bremmer, CEO của Eurasia Group, nói. Ông nhận định rằng cuộc gặp thượng đỉnh lần này ‘được chuẩn bị để diễn ra tốt đẹp.”

Singapore cũng là ‘vị trí tốt’ cho nhà lãnh đạo ẩn dật của Triều Tiên, theo ông Tom Plant, một chuyên gia về các vấn đề hạt nhân và phổ biến vũ khí ở London nhận định.

“Ông Kim sẽ ở một nơi thân thiện chứ không phải một nơi thù địch,” ông Plant được AP dẫn lời nói.

Ông David David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, nói với tờ USA Today rằng do cuộc gặp diễn ra ở Singapore, mọi thứ sẽ được kiểm soát, từ báo chí cho đến an ninh.

Theo lời ông thì Singapore là một môi trường có kiểm soát hơn, nơi các lãnh đạo có thể gặp nhau đằng sau cánh cửa đóng kín và sau đó xuất hiện để truyền thông chụp ảnh theo kịch bản được sắp xếp trước.

“Singapore là một vùng đất rất có kỷ luật,” ông Robert Einhorn, một nhà phân tích về kiểm soát vũ khí tại Viện Brookings và một cựu quan chức Bộ Ngoại giao người đã từng đàm phán với Triều Tiên trong những năm 1990, nói. “Anh có thể tin tưởng vào chính quyền sở tại có thể đảm bảo được trật tự.”

Ông Einhorn cũng cho biết rằng phía Triều Tiên cũng thoải mái với lựa chọn Singapore vì họ từng tổ chức các cuộc họp ở đó và có đại sứ quán.

“Đó là một nơi mà các nhà ngoại giao Triều Tiên có thể cảm thấy thoải mái,” ông Einhorn nói.

Đó sẽ là một chuyến đi ngoại quốc hiếm hoi của ông Kim kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011. Chuyến đi mới đây của ông đến Đại Liên, Trung Quốc, là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bay ra nước ngoài trong hơn 30 năm.

Khoảng cách giữa thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên là khoảng 200 dặm so với khoảng cách 3.000 dặm từ Singapore đến Bình Nhưỡng.

https://www.voatiengviet.com/a/singapore-%C4%91i%E1%BB%83m-l%C3%BD-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-cho-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-trump-kim/4388821.html

 

Mỹ trừng phạt Iran : Những tập đoàn nào có liên quan

và có nguy cơ gánh lấy rủi ro gì ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Ba 08/05/2018 thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và cam kết ban hành « các lệnh trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất ». Nếu như những nước khác có tham gia ký kết đang tìm cách duy trì thỏa thuận, quyết định này của tổng thống Mỹ đe dọa nhiều doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với Iran.

Thứ nhất, nội dung của thỏa thuận hạt nhân Vienna là gì ?

Sau 21 tháng thương thuyết căng thẳng giữa Iran và nhóm « 5+1 », tức bao gồm năm nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, cộng thêm Đức, bản « Kế hoạch hành động chung toàn diện » đã được ký vào ngày 14/07/2015. Văn bản này dự kiến tái lập trao đổi thương mại với Iran và phục hồi nền kinh tế Iran để đổi lấy việc nước này từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.

Một cách cụ thể, thỏa thuận Vienna phong tỏa trong vòng 10 năm chương trình hạt nhân Iran và cấm Teheran làm giầu chất uranium ở một mức độ nào đó, có thể dẫn sử dụng cho quân sự. Nghĩa là, chương trình hạt nhân của Iran không được dỡ bỏ hoàn toàn mà chỉ bị giới hạn. Mặt khác, Iran phải chấp nhận để cho Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) giám sát chặt chẽ các cơ sở hạt nhân của mình và mở một cuộc điều tra về chương trình hạt nhân trước đó của nước này. Đổi lại, một phần lệnh cấm vận, hiện đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran, được dỡ bỏ.

Thỏa thuận đạt được mở ra nhiều triển vọng mới cho các doanh nghiệp phương Tây, và đặc biệt là châu Âu và các doanh nghiệp này đã vội vã lao vào thị trường có đến 80 triệu dân này. Trao đổi thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Iran tăng gấp 3 lần trong vòng 2 năm, từ 7,7 tỷ euro trong năm 2015 lên đến 21 tỷ vào năm 2017.

Thứ hai, tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gì ?

Ngay từ khi vận động tranh cử, Donald Trump đã không ngừng chỉ trích thỏa thuận được thương lượng dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, là một thỏa thuận « tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ chưa bao giờ ký ». Sau nhiều lần dọa dẫm, tổng thống Mỹ cuối cùng đã thông báo hôm mồng 08/05 rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Được Ả Rập Xê Út và Israel ủng hộ, chủ nhân Nhà Trắng muốn gây áp lực với Iran, buộc nước này chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo, các « hoạt động khủng bố trên thế giới » và « ngăn chặn hoạt động đe dọa của nước này trên toàn khu vực Trung Đông ».

Để làm điều đó, tổng thống Mỹ đã dùng đến đòn bẩy kinh tế. Donald Trump tuyên bố : «Chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất », đồng thời ông dọa rằng « Tất cả những quốc gia nào giúp đỡ Iran trong công cuộc phát triển vũ khí hạt nhân cũng có thể phải hứng chịu đòn trừng phạt nặng nề của Mỹ ».

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton nói thêm, việc tái lập các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực « ngay tức thì » đối với các hợp đồng mới và những doanh nghiệp nào đã hoạt động tại Iran có vài tháng để « ra đi ». Theo bộ Tài Chính Mỹ, thời hạn rút lui này kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Doanh nghiệp nào từ chối tuân thủ mệnh lệnh của Hoa Kỳ có nguy cơ lãnh lấy sự trừng phạt từ phía Mỹ. Chính quyền Washington dựa vào nguyên tắc « ngoài lãnh thổ » trong luật pháp của Hoa Kỳ cho phép nước này trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài nào vừa có trao đổi mậu dịch với Hoa Kỳ hay sử dụng đồng đô la để giao dịch vừa có làm ăn với những quốc gia bị cấm vận. Chính với danh nghĩa nguyên tắc này mà ngân hàng BNP-Paribas của Pháp đã bị phạt 8,9 tỷ đô la năm 2014.

Thứ ba, những doanh nghiệp lớn nào có liên quan ?

Các hãng chế tạo và lắp ráp máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu, những hãng lẽ ra có thể giúp cho Iran hiện đại hóa đội bay dân sự già cỗi của họ, đặc biệt bị đe dọa trước việc Hoa Kỳ quyết định rút ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran. Hãng Boeing năm 2016 đã ký với hãng hàng không quốc gia Iran Air một hợp đồng cung cấp 80 chiếc máy bay với tổng trị giá 16,6 tỷ đô la và với hãng Aseman một hợp đồng trị giá 3 tỷ đô la cho 30 chiếc. Dù biết rằng việc hủy những hợp đồng này có thể làm mất hàng chục ngàn việc làm tại Mỹ, nhưng tập đoàn Boeing tuyên bố sẽ tuân thủ theo quyết định của Washington.

Về phần mình, hãng Airbus cho biết có nhiều đơn đặt hàng cho 100 chiếc máy bay với nhiều hãng hàng không Iran khác nhau, với tổng giá trị là 10 tỷ đô la. Có một điều tất yếu là hãng chế tạo và lắp ráp hàng không châu Âu này đã bị vướng vào lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, do tập đoàn có nhiều nhà xưởng tại Mỹ và một lượng lớn linh kiện lắp đặt trong các máy bay do hãng chế tạo, được sản xuất tại Mỹ.

Tương tự, nhiều chi nhánh của tập đoàn công nghiệp General Electric đã ký kết nhiều hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô la để khai thác các mỏ khí đốt và phát triển sản phẩm hóa dầu cũng bị liên can. Hãng Total của Pháp, liên kết với tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC, đã ký một thỏa thuận đầu tư 5 tỷ đô la nhằm khai thác mỏ dầu South Pars.

Thông báo của Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran còn đe dọa nhiều tập đoàn chế tạo, lắp ráp xe hơi của châu Âu. Từ Volkswagen của Đức, Renault (Pháp) do sự hiện diện của hãng liên kết Nissan tại Mỹ, cho đến hãng Peugeot (Pháp).

Một số hãng hàng không châu Âu như British Airway (Anh) và Lufthansa (Đức) đã nối lại tuyến bay thẳng đến Teheran có nguy cơ phải chấm dứt hoạt động nếu muốn tiếp tục tự do nối tuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Ngành kinh doanh khách sạn cũng không ngoại lệ. Từ chuỗi khách sạn Accor của Pháp cho đến chuỗi Melia Hotels International của Tây Ban Nha và tập đoàn Rotana Hotels của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, dù đã đi vào hoạt động hay vừa có ý định đều phải xem xét lại chính sách đầu tư.

Đó là chưa kể đến tất cả những doanh nghiệp nào muốn đến đầu tư tại Iran có nguy cơ bị các ngân hàng lớn từ chối cho vay tín dụng do e sợ phải bị gánh lấy những đòn trừng phạt của Hoa Kỳ.

Cuối cùng, những doanh nghiệp này có nguy cơ hứng lấy những rủi ro gì ?

Các hình thức trừng phạt hiện chưa rõ ràng nhưng theo như cam kết của phủ tổng thống Pháp, châu Âu đang tính mọi cách và sẽ ráo riết thảo luận với Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Iran. Trong số các hướng đi được nhắm đến, có giải pháp duy trì các quyền cho các doanh nghiệp nào đã đi vào hoạt động và quyền « miễn trừ ».

Bởi vì những nước khác có tham gia ký kết thỏa thuận Vienna dường như đã tỏ ra quyết tâm duy trì văn bản này. Tổng thống Iran Hassan Rohani cho biết sẵn sàng thảo luận với châu Âu, Nga và Trung Quốc để nghiên cứu làm thế nào có thể bảo vệ được các lợi ích của nước Cộng Hòa Hồi Giáo, nhưng đồng thời ông cũng đe dọa nối lại chương trình làm giầu chất uranium « không giới hạn » nếu như các cuộc thương thuyết đó không đưa ra kết quả khả quan nào trong những tuần sắp tới.

Đối với ông Clément Therme, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế, lập trường này của châu Âu chỉ dẫn đến thất bại. Ông nói :

« Các doanh nghiệp tư nhân châu Âu không nghe theo tổng thống Macron lẫn thủ tướng Đức Merkel. Họ chỉ nghe theo tổng thống Mỹ. Châu Âu đang ở một thế yếu. Và theo quan điểm của tôi, châu Âu sẽ là nạn nhân chính trị từ quyết định này của Trump, bởi vì ông ấy sẽ tỏ cho thấy là châu Âu, ngoài những tuyên bố cứng rắn , thật sự sẽ không làm chủ được các sự kiện này và cũng không có khả năng tác động đến dòng chảy lịch sử ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180511-my-trung-phat-iran-tap-doan-rui-ro-qt

 

Mỹ-Trung tiếp tục đàm phán

để tránh « chiến tranh thương mại »

Đức Tâm

Đại diện thương mại Trung Quốc và Hoa Kỳ gặp lại nhau ngày 11/05/2018, tại Washington, để tiếp tục các cuộc thương lượng, được bắt đầu từ tuần trước.

Cuộc họp lần này cũng nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ, có thể vào tuần tới, của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), phụ trách về kinh tế.

Tuần trước, tại Bắc Kinh, đại diện Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành thương lượng nhưng hai bên không giải quyết được các bất đồng.

Theo Reuters, phía Mỹ đưa ra một danh sách dài bao gồm các đòi hỏi nhằm bảo đảm sự tôn trọng về sở hữu trí tuệ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động hỗ trợ cạnh tranh không lành mạnh và giảm 200 tỷ đô la trong khoản xuất siêu sang Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Bắc Kinh đòi Mỹ không được hạn chế đầu tư Trung Quốc vào lãnh thổ Hoa Kỳ, nhân danh an ninh quốc gia, từ bỏ việc áp thuế 25% đối với một số mặt hàng của Trung Quốc, như tổng thống Donald Trump thông báo.

Do bất đồng nghiêm trọng, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ cho biết thời điểm chuyến công du của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chưa chắc chắn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180511-my-trung-dam-phan-chien-tranh-thuong-mai

 

Mỹ trừng phạt hệ thống tài chính

của Vệ Binh Cách Mạng Iran

Đức Tâm

Theo Reuters ngày 10/05/2018, bộ Tài Chính Hoa Kỳ, phối hợp với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đề ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào 6 cá nhân và 3 doanh nghiệp, tất cả đều thuộc Al-Qods, lực lượng tinh nhuệ của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran.

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve cho biết thêm thông tin :

« Thông báo được đưa ra, hai ngày sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran và một ngày sau vụ bắn rốc két từ Syria sang phía Israel mà thủ phạm được cho là lực lượng Al-Qods. Hôm qua, Hoa Kỳ và đồng minh Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã quyết định đưa ra các trừng phạt nhắm vào một trong những mạng lưới tài chính của lực lượng tinh nhuệ, trực thuộc quân đội Iran.

Các trừng phạt nói trên nhắm vào 6 nhân vật Iran và 3 doanh nghiệp bị cáo buộc đã tham gia vào mạng lưới trao đổi ngoại tệ rộng lớn giữa Iran và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Đây là mạng lưới ngân hàng cung cấp hàng triệu đô la cho lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran.

Theo bộ Tài Chính Mỹ, khoản tiền này được dùng để tài trợ cho các hoạt động ở bên ngoài của lực lượng Al-Qods và đặc biệt là các tổ chức quân sự trong khu vực mà Teheran giật dây.

Hôm thứ Ba, 08/05, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tố cáo Iran ủng hộ tổ chức Hezbollah ở Liban, Hamas trên lãnh thổ Palestine. Thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ khẳng định : Chúng tôi muốn cắt các nguồn thu nhập của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, bất kể các khoản tài chính này có nguồn gốc từ đâu và được chuyển đi đâu ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180511-my-trung-phat-he-thong-tai-chinh-iran-quan-doi

 

Iran không muốn gây căng thẳng thêm ở Trung Đông

Mai Vân

Sau vụ pháo kích của lực lượng Iran tại Syria vào khu vực Israel kiểm soát ở cao nguyên Golan, quốc gia Do Thái đã trả đũa bằng hàng chục cuộc oanh kích ở Syria. Thủ tướng Israel cho là Iran đã vượt “lằn ranh đỏ”.

Liên Hiệp Châu Âu rất lo ngại trước cuộc leo thang đột ngột này, kêu gọi các bên “kềm chế”. Về phần mình, tổng thống Iran, Hassan Rohani, ngày 10/05/2018, đã lên tiếng trấn an : Iran không muốn vùng Trung Cận Đông « thêm căng thẳng ».

Thông tín viên RFI tại Teheran, Siavosh Ghazi, tường thuật :

“Iran không muốn có những căng thẳng mới trong khu vực”, tổng thống Rohani đã khẳng định như trên khi nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Đức Angela Merkel.

“Kết quả cuộc chiến đấu của Iran bên cạnh các dân tộc Syria và Irak chống lại những kẻ khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, là sự ổn định tương đối ở Syria, ổn định tốt ở Irak, điều này có lợi cho khu vực, cho thế giới và Châu Âu.”

Trong khi đó, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Nghị Viện Iran, Alaeddin Boroujerdi, khẳng định là “Iran lên án cuộc tấn công của Israel và đánh giá rằng mọi phản ứng của Syria là hành động tự vệ chính đáng”. Vị chủ tịch còn tố cáo Israel đi vào “một cuộc chơi nguy hiểm”.

Là “kẻ thù” của Israel, Iran đã cử cố vấn quân sự và quân tình nguyện người Iran, Afghanistan, và Pakistan, qua Syria hậu thuẫn cho quân đội Damas chống lại các nhóm vũ trang và lực lượng thánh chiến của Daech.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180511-iran-cang-thang-trung-dong-israel-qt

 

Mỹ : Nhiều nghị sĩ phản đối

ứng viên giám đốc CIA được tổng thống ủng hộ

Thu Hằng

Quyết định bổ nhiệm bà Gina Haspel làm giám đốc CIA sẽ không dễ dàng được thông qua. Chỉ một ngày sau phiên điều trần tại Ủy ban Thượng Viện, ngày 10/05/2018, rất nhiều nghị sĩ đã tỏ ý bỏ phiếu chống quyết định trên. Lý do là vì nữ ứng viên vào chức giám đốc CIA, được tổng thống Donald Trump ủng hộ, từng điều hành một nhà tù bí mật ở Thái Lan vào năm 2002 và đã sử dụng hình thức tra tấn tại đây.

Thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington nhận định, đối với đa số các nghị sĩ Dân Chủ, đây là điều không thể chấp nhận được. Bên đảng Cộng Hòa cũng có nhiều nghị sĩ tỏ ra phân vân :

« Trên Twitter, nghị sĩ John McCain, một tiếng nói rất được tôn trọng trong đảng Cộng Hòa, viết : “Tôi tin chắc bà Gina Haspel là một người yêu nước, nhưng việc bà không thừa nhận tra tấn là hành động vô đạo đức đã khiến bà mất tín nhiệm”. Tiếp đến là Jeff Flake, một nghị sĩ Cộng Hòa đối lập với tổng thống Trump, bình luận “quyết định này sẽ được cân nhắc”.

Việc tiêu hủy các video quay lại các cảnh tra tấn ở nhà tù do bà quản lý tại Thái Lan đã khiến nhiều nghị sĩ từ chối công nhận quyết định bổ nhiệm bà Haspel làm giám đốc CIA.

Đây chính là trường hợp của nghị sĩ độc lập Angus King của bang Maine. Ông phát biểu : “Về việc áp dụng biện pháp trấn nước, bà Haspel luôn khẳng định là hợp pháp, và tiến hành theo lệnh của tổng thống, hoặc bà ấy nghĩ là làm được việc gì đó để bảo vệ đất nước, nhưng lời bào chữa này không thích hợp với việc bà đã tham gia vào việc phá hủy các băng video hỏi cung trong năm 2005 khi Nghị Viện định điều tra. Chính điểm này làm tôi thất vọng nhất và cuối cùng đã làm tôi nhận ra rằng bà ấy không hề có thái độ hợp tác trong phiên điều trần, kể cả trong buổi họp kín”.

Trong phiên điều trần, bà Gina Haspel lên án hành động tra tấn, nhưng khẳng định rằng những thông tin quan trọng thu được chính là nhờ biện pháp này. Quyết định bổ nhiệm bà đứng đầu cơ quan tình báo CIA sẽ được biểu quyết trong cuộc bỏ phiếu chính thức, sẽ diễn ra trước cuối tháng Năm này. Nếu nhiều nghị sĩ Cộng Hòa theo bước nghị sĩ John Mc Cain, việc này sẽ trở nên khó khăn ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180511-my-nghi-si-giam-doc-cia-qt-tb