Đọc báo Pháp – 08/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chủ nghĩa tư bản theo Tập Cận Bình

Minh Anh

Nhật báo Le Monde số ra ngày 08/05/2018, trên phụ trang kinh tế có bài « Chủ nghĩa tư bản theo quan điểm Tập Cận Bình ». Chưa bao giờ đảng Cộng Sản Trung Quốc chi phối mạnh mẽ đời sống doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài như lúc này. Sau ngành công nghiệp và tài chính, chính quyền bắt đầu tấn công vào lĩnh vực công nghệ.

Đầu tiên hết Le Monde nhắc lại: Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, là một trong những nhà cách mạng lớn theo chân Mao Trạch Đông. Năm 1976, sau cái chết của « người Cầm Lái Vĩ Đại », ông đã trở thành một trong những cố vấn chính của Đặng Tiểu Bình trong công cuộc cải cách kinh tế.

Le Monde nghi ngờ đặt câu hỏi : « Liệu rằng 40 năm sau con ông là Tập Cận Bình có sẽ là người tiến hành mở cửa ? ». Câu trả lời là : « Chưa chắc ». Bởi vì, bốn thập niên sau, Tập Cận Bình con ông, sau khi đã trở thành lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, trong kỳ Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, hồi tháng 10/2017, đã kêu gọi củng cố hơn nữa vai trò của đảng « trong chính phủ, quân đội, xã hội, ở bắc, nam, đông, tây và cả ở miền trung ». Nói tóm lại, « đảng lãnh đạo tất cả ».

Le Monde trích tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, mới đây cho biết công ty liên doanh sản xuất động cơ ô tô Đông Phong với hãng Cummins Engine của Mỹ, chi bộ đảng tại công ty liên doanh này đã bác quyết định bổ nhiệm một lãnh đạo do phía Mỹ đề bạt, với lý do là « đồng chí này thiếu tư cách lãnh đạo và hiểu biết chung ».

Le Monde cảnh báo, những doanh nghiệp nào không muốn đáp ứng yêu cầu của đảng và Nhà nước thì phải chuẩn bị tư thế đối mặt với nhiều tình huống xảy ra. Hoặc chủ nhân bị biến mất vài ngày, thậm chí vài tháng để « giúp » cảnh sát điều tra như đã xảy ra với ông Quách Quảng Xương (Guo Guangchang), chủ doanh nghiệp Fosun International, có cổ đông tại công ty khai thác hàng không Toulouse (Pháp) hay Mike Poon.

Hoặc như trường hợp của ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), chủ tập đoàn kinh doanh bất động sản Vạn Đạt, chủ hệ thống rạp chiếu phim AMC lớn nhất thế giới, đã bị chính phủ Trung Quốc cản trở làm ăn. Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng lớn trong nước ngưng cho Vạn Đạt vay. Ông chủ tập đoàn đầy tham vọng này bị chỉ trích, vì đã gia tăng các khoản đầu tư ở nước ngoài, vào lúc mà Trung Quốc do e sợ bị thất thoát vốn, đã đề nghị các doanh nghiệp tập trung đầu tư trong nước.

Một nhân vật khác cũng hứng chịu chung số phận đó là chủ tập đoàn bảo hiểm An Bang, vốn là cháu rể của Đặng Tiểu Bình, đã bị bắt và đem ra xử chóng vánh trong năm 2017, vì tội đã bán ra hơn 90 tỷ euro hợp đồng bảo hiểm, tức cao hơn hạn mức quy định của chính phủ…

Tập Cận Bình : « Không tự do, cũng không cải cách »

Vẫn theo nhật báo Pháp, đảng Cộng Sản Trung Quốc giờ đây can thiệp trên mọi lĩnh vực. Sau các ngành công nghiệp và tài chính, đến lượt các tập đoàn khai thác mạng như Tencent, Alibaba, những đối thủ cạnh tranh của Facebook và Amazon cũng phải nghiêm chỉnh đi theo hàng ngũ đảng, sau nhiều năm được « tự do bay nhảy ».

Dĩ nhiên với những biện pháp này, đảng Cộng Sản Trung Quốc bảo đảm có được sự trung thành của tuyệt đối của lĩnh vực tư nhân, sự ổn định của nền kinh tế – tài chính. Nhưng tất cả những điều đó cũng có cái giá phải trả.

Nhiều cải cách mà ông Tập Cận Bình hứa hẹn đã bị bỏ quên. Phát triển kinh tế Trung Quốc tiếp tục dựa vào đầu tư công, từ chính quyền địa phương, vốn dĩ đã mang nợ nhiều. Chính sách kiểm soát dòng vốn có nguy cơ gây khó khăn cho nhiều tập đoàn đa quốc gia. Và nhất là cam kết quốc tế hóa đồng nhân dân tệ dường như cũng đang bị rơi vào quên lãng.

Nói tóm lại, theo như nhận định của ông Jean-François Huchet, giáo sư Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco), khi nhìn lại 5 năm cầm quyền đã qua, « Tập Cận Bình không phải là người mang tư tưởng tự do, cũng không phải là một nhà cải cách lớn ».

Iran : Kẻ thù chung của Mỹ và Israel

Vào lúc Washington sắp ra tuyên bố về thỏa thuận hạt nhân Iran, Libération nhận thấy chính quyền Tel Aviv ngày càng có những lời lẽ hiếu chiến, gần như tỏ rõ thái độ công khai đối đầu trực diện với Teheran về sự hiện diện của Iran trên lãnh thổ Syria.

Chủ Nhật 06/05/2018, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou khẳng định « quyết tâm ngăn chặn mọi hành động gây hấn của Iran ngay từ giai đoạn đầu tiên, cho dù điều đó có dẫn đến xung đột ». Ông tuyên bố : « Tốt hơn hết là ngay từ bây giờ hơn là sau này ».

Thủ tướng Israel không ngần ngại đe dọa tổng thống Syria : « Nếu Bachar al-Assad tiếp tục để quân lính Iran hoạt động trên lãnh thổ Syria, ông ta xem như đã ký giấy khai tử cho mình : chúng tôi sẽ lật đổ chế độ của ông ta ».

Trong bối cảnh này, Le Monde khẳng định Hoa Kỳ cầm chắc đã có một đồng minh để chống Iran. Bởi vì giờ đây nước Mỹ của Donald Trump đã có « Israel đi vận động chống thỏa thuận hạt nhân với Iran ».

Con người đang tàn phá môi trường

Trở lại với Trung Quốc nhưng trong lĩnh vực môi trường. Le Figaro cho hay « tại Tứ Xuyên, công trình xây đập thủy điện đe dọa những ngọn núi thiêng ».

Tại Lưỡng Hà Khẩu, cao nguyên Tây Tạng, phía tây Tứ Xuyên, chính phủ Trung Quốc đang cho xây dựng một đập thủy điện khổng lồ, cao 295m, gần bằng với tháp Eiffel. Đây sẽ là đập thủy điện thứ ba lớn nhất trên thế giới.

Được khởi công vào năm 2014, dự án này đang làm thay đổi diện mạo của vùng. Hồ chứa nước mênh mông, nuốt chửng ba dòng sông, và sẽ nhấn chìm nhiều thung lũng. Cuộc sống nhiều dân làng xung quanh bị xáo trộn : ít nhất 4 ngôi đền chùa bị xóa sổ và phải xây dựng lại ở nơi khác, hơn 6.000 người di tản. Đáng lo hơn nữa, công trình này không được người dân hưởng ứng, vì sẽ tác động đến nhiều ngọn núi được cho là thiêng liêng đối với người Tây Tạng.

Le Figaro còn có bài báo động « Khi các hoạt động con người và khí hậu hợp lại tàn sát loài san hô ». Sau rạn san hô Great Barrier, đến lượt các rạn san hô tại quần đảo Samoa, ở nam Thái Bình Dương đang bị chết trắng. Theo quan sát của các nhà khoa học, ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, việc con người thải các chất hóa học, nước thải chưa qua xử lý, đánh bắt quá mức, đã tàn sát các loài san hô ở đây.

Cũng liên quan đến môi trường, Le Monde lo ngại trước hiện tượng « Khan hiếm nước đe dọa Ấn Độ ». Việc khai thác quá mức các mạch nước ngầm cộng thêm với nạn ô nhiễm và hệ thống dẫn nước tồi tàn là nguồn cội của nạn hạn hán mà người dân vùng Karnatka đang phải gánh chịu.

Cannes lần thứ 71 : Trang nhất báo Pháp

Tuần lễ Liên Hoan Điện Ảnh Cannes lần thứ 71 chính thức khai mạc ngày hôm nay. Le Monde, Le Figaro và Libération đều dành nhiều trang báo để nói về sự kiện văn hóa thường niên quan trọng này của Pháp.

Le Figaro đưa tít lớn trên trang nhất : « Liên hoan Cannes muốn sang trang vụ Weinstein ». Liệu rằng Cate Blanchett có thể mang lại sự quyến rũ cho một cuộc tranh tài, vốn dĩ đã bị hoen ố trước các vụ tai tiếng quấy rối tình dục của nhà sản xuất phim ảnh của Mỹ hay không ?

Đây cũng chính là điều mong mỏi của ban tổ chức khi trông cậy hoàn toàn vào cô đào điện ảnh. Tuy nhiên, nếu như việc chọn Blanchett làm chủ tịch cho thấy thiện chí cân bằng nam – nữ trong ban giám khảo, thì Le Figaro lưu ý là trong số 21 phim tranh giải, chỉ có 3 nữ đạo diễn. Câu hỏi đặt ra : Người ta có dám trao một cành cọ vàng cho phái nữ hay không ?

Libération không có cùng góc nhìn với đồng nghiệp cánh hữu khi tự hỏi : « Liệu ban tổ chức có trao giải cho người vắng mặt ? ». Bởi vì, Cannes phiên bản 2018 có nhiều đạo diễn phim tham gia tranh giải đã không được phép rời lãnh thổ đến dự liên hoan.

Nhật báo thiên tả liệt kê một số trường hợp như đạo diễn người Iran, ông Ashgar Farhadi, với bộ phim Everybody Knows được chiếu trong đêm khai mạc. Đạo diễn người Nga Kirill Serebrennikov, bị bắt vào tháng 08/2017 khi đang quay bộ phim Leto và hiện đang bị quản thúc tại gia ở Matxcơva trong khi chờ phiên xử. Ông có nguy cơ lãnh án 10 năm tù, vì tội « gian lận thuế có quy mô và biển thủ tiền tài trợ trong khuôn khổ các hoạt động kịch nghệ ».

Một đạo diễn người Iran khác cũng không đến được Cannes là ông Jafar Panahi, từng đoạt giải Gấu Vàng tại Berlin năm 2015 cho bộ phim Taxi Teheran. Đạo diễn Panahi nổi tiếng với bộ phim quay bí mật, dù đang phải chịu án 6 năm tù và cấm quay phim hay rời lãnh thổ trong vòng 20 năm. Án được tuyên vào năm 2010 vì tội « hoạt động chống lại an ninh quốc gia và tuyên truyền chống chế độ ».

Tranh giải năm nay còn có những bộ phim gây tranh cãi và bị kiểm duyệt tại một số nước, như trường hợp của Rafiki của nữ đạo diễn người Kenya Wanuri Kahiu. Bộ phim bị cấm trong nước vì bị chỉ trích là ủng hộ đồng tính, đi trái với luật lệ trong nước.

Nhìn một cách tổng quan, Le Monde tóm lược sự kiện Cannes năm nay trong dòng tựa « Những bước đi của thế giới ». Từ Trung Quốc cho đến Hoa Kỳ, đi qua cả Kenya, liên hoan Cannes lần thứ 71 hứa hẹn một mùa điện ảnh mang nhiều mầu sắc chính trị hơn, ít quyến rũ hơn, nhưng bám sát thời đại hơn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180508-chu-nghia-tu-ban-theo-tap-can-binh

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Trực thăng Nga rớt tại Syria, hai phi công tử nạn. Một trực thăng quân sự Nga tối qua 07/05/2018 đã bị rơi tại miền đông Syria, cả hai phi công đều thiệt mạng. Bộ Quốc Phòng Nga cho biết chiếc trực thăng Ka-52 bay tuần tra thường lệ và bị sự cố kỹ thuật, đội ngũ cứu nạn đã lấy được xác hai phi công. Đây là vụ rơi máy bay thứ hai của quân đội Nga tại Syria trong vòng chưa đầy một tuần lễ, mới đây hôm 3/5 một phi cơ tiêm kích bị rơi trong lúc cất cánh làm hai phi công thiệt mạng. Trước đó vào tháng Ba, một máy bay vận tải Nga cũng bị tai nạn tại căn cứ Hmeimim ở Syria làm 39 người chết.

(Reuters) – Philippines tìm mua phụ tùng cho trực thăng « Huey ». Hôm qua, 07/05/2018, tư lệnh không quân Philippines, trung tướng Galileo Kintanar, cho biết là nước này đang thảo luận với Nhật Bản về việc mua phụ tùng cho những chiến trực thăng « Huey » đã cũ. Hợp đồng mua các phụ tùng trị giá tổng cộng 96 triệu đôla sẽ giúp cho 80 chiếc trực thăng « Huey », do Mỹ sản xuất, có thể bay cho đến năm 2020. Đến thời điểm đó, Philippines dự trù sẽ mua trực thăng mới.

(AFP) – Lạm phát Venezuela lên đến gần 14.000%. Theo báo cáo của Quốc Hội Venezuela công bố hôm 07/05/2018, tỉ lệ lạm phát tại Venezuela tính đến tháng Tư năm nay đã bùng nổ ở mức 13.779%, so với tháng Tư năm ngoái. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc Hội công nhận đây là tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới, cho rằng cần phải có chính sách thuế khóa và hối suất mới để ổn định đồng tiền. Giá cả đã tăng 80% riêng trong tháng 4/2018, và nếu tính từ đầu năm đã tăng 897%.

(AFP) – Năm chính khách Mêhicô bị ám sát trong vòng một tuần. Vào cuối tuần qua, đã có thêm hai lãnh đạo các đảng chính trị bị ám sát tại bang Chihuahua của Mêhicô, nâng tổng số chính khách bị sát hại tại nước này lên năm người chỉ trong vòng một tuần lễ, vào thời điểm sắp đến tổng tuyển cử ngày 1/7. Xác của ông Eduardo Aragon, lãnh đạo đảng bảo thủ Encuentro Social được tìm thấy trong cốp xe hôm Chủ nhật 6/5, tay bị còng và người đầy vết đạn. Bà Liliana Garcia, đảng Cách mạng Dân chủ bị giết và quẳng xuống suối. Trước đó cảnh sát cũng tìm được xác của ba ứng cử viên đảng bảo thủ và Phong trào Công dân, tất cả đều bị bắn chết.

(AFP) – Hoa Kỳ : Biện lý New York từ chức. Biện lý của bang New York Eric Schneiderman, vừa từ chức hôm qua, 07/05/2018, sau khi bị báo chí cáo buộc về bạo hành đối với 4 phụ nữ. Đây là một điều hoàn toàn bất ngờ, vì vị biện lý Dân Chủ này là một trong những người ủng hộ phong trào #MeToo chống nạn sách nhiễu tình dục trong giới nghệ sĩ, tiếp theo sau vụ tai tiếng Weinstein. Ông Schneiderman từ chức nhưng vẫn bác bỏ các cáo buộc nói trên.

(AFP) – Thủ tướng Orban bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh Hungary chia rẽ sâu sắc. Ông Victor Orban chính thức được nghị sĩ đảng Fidesz bầu làm thủ tướng ngày 08/05/2018. Thủ tướng Orban có đa số tuyệt đối tại Nghị Viện, vì trên tổng số 199 tân nghị sĩ, có đến 133 người ủng hộ đảng Fidesz. Điều này cũng cho phép ông sửa đổi Hiến pháp. Trên đường phố Budapest, vài trăm người thuộc các phe đối lập đã tập hợp, giương cao lá cờ Liên Hiệp Châu Âu và cờ của cộng đồng LGBT, để phản đối những chính sách phản dân chủ của thủ tướng bảo thủ.

(AFP) – Paraguay có thể chuyển sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem vào tháng này. Theo nhiều nguồn tin ngoại giao ngày 07/05/2018, Paraguay đang nghiên cứu với Israel về chủ đề rất nhạy cảm này và « chỉ nêu vấn đề trên khi có tiến triển cụ thể ». Nếu có kết quả, Paraguay sẽ là nước thứ ba quyết định chuyển sứ quán đến Jerusalem, sau Mỹ và Guatemala.

(AFP) – Mỹ : Phong trào MeToo lan đến lĩnh vực thể thao. Ngày 07/05/2018, bốn nữ vận động viên Mỹ đã đệ đơn kiện Ủy ban Thế Vận Hội Mỹ (Usoc) và Liên đoàn Taekwondo Mỹ (USA TKD) vì đã bao che nhiều vụ xâm hại tình dục của hai huấn luyện viên, anh em nhà Lopez, mà cả bốn đều là nạn nhân, trong đó có Mandy Meloon, từng hai lần vô địch thế giới. Cô khẳng định bị Jean Lopez cưỡng bức năm 2007, khi mới 15 tuổi, trong giải Vô địch thế giới tổ chức tại Ai Cập.

(AFP) – Nữ ca sĩ Bỉ Maurane qua đời. Nữ ca sĩ người Bỉ Maurane đã được phát hiện chết tại nhà riêng ở Bruxelles hôm qua ở tuổi 57. Tên thật là Claudine Luypaerts, Maurane nổi tiếng trên sân khấu ca nhạc Pháp từ thập niên 1980, và nhất là khi bà tham gia vở ca nhạc kịch « Starmania ». Maurane qua đời chỉ vài ngày sau khi thông báo trên mạng là bà sẽ trở lại sân khấu sau 2 năm vắng mặt.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180508-tin-doc-nhanh