Đọc báo Pháp – 07/05/2018
Nước Nga Putin phân vân giữa Âu và Á :
châu Âu phải làm gì ?
Nước Nga là một chủ đề chính của báo chí thứ Hai ngày 7/5/2018, ngày ông Vladimir Putin nhậm chức tổng thống lần thứ tư, với buổi lễ đăng quang được tổ chức một cách « kín đáo », theo Libération. Trước hết xin giới thiệu một bài nhận định đáng chú ý về nước Nga, về triển vọng quan hệ Nga với châu Âu, trong mục « Tranh luận » của Le Figaro, mang tựa đề « Vladimir Putin muốn một nước Nga nào ? ».
Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, bà Hélène Carrère d’Encausse (1), trước hết đề nghị độc giả gạt qua một bên cái nhìn mang tính đơn giản hóa, đơn thuần coi kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Nga vừa qua là « chiến thắng của một nhà độc tài », « của một nền dân chủ chuyên chế » (démocrature), một đe dọa với các nước láng giềng, và thậm chí với hòa bình thế giới. Tác giả bài viết mời bạn đọc cùng tìm hiểu và suy nghĩ kỹ càng hơn về thực tế xã hội Nga, về quan điểm và hành xử thực sự của người đứng đầu nước Nga.
Theo bà Carrère d’Encausse, về chiến thắng của ông Putin, có thể nhìn thấy cội nguồn trong tâm lý muốn « ổn định chính trị » tại Nga, một đa số người Nga thừa nhận là một đất nước mênh mông, với dân cư thuộc 150 « dân tộc » khác nhau, ba tôn giáo lớn, cần đến một cách điều hành « tập trung hóa » (khoảng 60% cử tri ủng hộ các quyết định của ông Putin, theo nhiều thăm dò dư luận).
Về mặt đối ngoại, ông Putin đã phần nào đưa nước Nga tìm lại được « vị thế của một cường quốc », có tiếng nói trong các hồ sơ quốc tế lớn, mà Matxcơva vốn bị mất kể từ năm 1991.
Tuy nhiên, viện sĩ Pháp cũng chỉ ra điểm yếu trầm trọng của Nga là về kinh tế, mà « nguyên nhân thực sự » là do Matxcơva đã không thực hiện nổi các cải cách cần thiết kể từ năm 2000, để đa dạng hóa kinh tế, đầu tư, cũng như trong lĩnh vực chống tham nhũng. Ê kíp cầm quyền tại Nga không ngừng « lấy làm tiếc » về thất bại này, nhưng trên thực tế họ đã không làm được gì để thay đổi.
Tác giả bài nhận định trên Le Figaro đồng thời nhấn mạnh đến tính mâu thuẫn trong chính sách đối nội của Putin. Một mặt, tổng thống Nga tỏ ra đứng về cùng phe với thế lực « bảo thủ », nhưng mặt khác, có thể thấy từ 2 năm nay, ông ta đã tạo cơ hội cho một thế hệ trẻ « hậu Xô Viết », tham gia vào chính quyền cấp khu vực. Nhiều lãnh đạo địa phương mới lên này – có quan hệ gần gũi với khu vực tư nhân, có nhiều quyền lực thực sự – hứa hẹn sẽ trở thành thế hệ « hậu Putin ». Nước Nga Putin đang đứng giữa ngã ba đường.
Theo viện sĩ Carrère d’Encausse, vấn đề mang tính chiến lược trong quan hệ với Nga là Liên Hiệp Châu Âu nên chọn con đường nào : « thân Mỹ và chống Nga » như hiện nay hay tìm cách cải thiện quan hệ với Matxcơva, vốn đang trong giai đoạn tìm kiếm hướng đi mới ?
Nga không giữ được không gian « hậu Xô Viết » trong vòng ảnh hưởng
Để trả lời cho câu hỏi này, cần hiểu đúng hơn về vị thế của Matxcơva hiện nay. Trong bối cảnh, quan hệ của Nga với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là « một trong các thất bại lớn của giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 21 ». Phần lớn các nước Liên Xô trước đây đều đã gia nhập khối NATO, hoặc hy vọng gia nhập. Đa số hướng sang Liên Hiệp Châu Âu và ngờ vực Nga.
Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh « không tạo nổi một không gian hậu Xô Viết mang tính hữu nghị », một khu vực nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga, Matxcơva có xu hướng quay sang với thế giới châu Á đang nổi lên.
Viện sĩ Carrère d’Encausse nhấn mạnh là, cho đến nay ông Putin vẫn coi « xu thế ngả sang châu Á » mới chỉ là « một giả thiết » và chủ trương « thân phương Tây » vẫn nằm trong kế hoạch. Tuy nhiên, châu Á ngày càng quyến rũ với Nga, nếu không có động thái thuận lợi từ Liên Âu, Matxcơva có thể ngả hẳn sang châu Á – trung tâm của bàn cờ quốc tế hiện nay. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một mất mát rất lớn, như thể là châu Âu « mất đi một phần thân thể » của mình, bởi « nước Nga trước hết thuộc về châu Âu ».
Viện sĩ Pháp bày tỏ hy vọng là chương trình hành động của tổng thống Nga, sau ngày nhậm chức, sẽ là « tái hòa giải nước Nga với châu Âu », nhưng theo bà, quyết định này cũng phụ thuộc vào các tín hiệu từ châu Âu.
Washington trừng phạt nặng Matxcơva, « trái bóng » trong chân Liên Âu
Về quan hệ giữa phương Tây và Nga, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý khác của nhà cựu ngoại giao người Anh Nigel Gould-Davis, từng làm việc nhiều năm tại Nga. Bài viết mang tựa đề « Matxcơva và Washington, hai lập trường đối nghịch » lưu ý trước hết đến loạt trừng phạt mới ngày 6/4, được coi là « loạt trừng phạt kinh tế chưa từng có nhằm vào Nga ».
Điểm lại lịch sử quan hệ với Nga, theo tác giả, phương Tây đã thành công trong việc kiềm chế được Liên Xô trước đây, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vấn đề là « hội nhập » nước Nga.
Nỗ lực này đã thành công trong một thời gian. Từ năm 2000 đến 2008, kinh tế Nga đã tăng trưởng gấp đôi và Matxcơva đã tham gia vào câu lạc bộ G8, vốn trước đó chỉ bao gồm các cường quốc kinh tế phương Tây. Matxcơva từng là chủ tịch G8 năm 2006.
Vấn đề là, cùng lúc đó, hệ thống chính trị Nga ngày càng trở nên « độc đoán hơn », « ít đa nguyên hơn », quan hệ với phương Tây trở nên « nguội lạnh ». Tác giả tìm cách lý giải nguyên nhân của tình trạng này trong chính sách đối nội, đề cao quyền lực độc đoán, và chính sách đối ngoại, khai thác các quan hệ kinh tế với phương Tây vì mục tiêu chính trị, đặc biệt là năng lượng đã được sử dụng như một vũ khí chiến lược.
Trở lại với loạt trừng phạt ngày 6/4 của Mỹ, tác giả cho rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng « trả giá đắt » để chống lại các đe dọa từ Nga, trên quy mô toàn cầu, và Matxcơva đang phải tìm cách chống trả. « Trái bóng » hiện nay đang trong chân Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhà cựu ngoại giao Anh, nếu Liên Âu quyết định hành động, đặc biệt về mặt trừng phạt tài chính, thì toàn bộ mạng lưới ủng hộ điện Kremlin trên toàn cầu, cụ thể là giới tinh hoa Nga sống ở hải ngoại, sẽ lâm vào tình trạng rất khó khăn.
Quân đội Nga đáng sợ hơn thời Liên Xô
Cũng về mối đe dọa Nga, Le Monde có bài nghiên cứu công phu mang tựa đề « Nước Nga : Một quân đội được tôi luyện qua chiến tranh », nhấn mạnh đến chính sách luyện quân của Matxcơva trong những năm gần đây, đặc biệt với cuộc chiến tranh tại Syria, mà Nga tham gia để hậu thuẫn chế độ Bachar al-Assad.
Gần như toàn bộ sĩ quan Nga trong thời gian vừa qua được gửi đến chiến trường Syria, thông qua hình thức luân chuyển, theo chuyên gia quân sự Alexandre Khramtchikhine.
Hồ sơ của Le Monde dành nhiều quan tâm cho vấn đề chiến thuật « chiến tranh hợp thể » (guerre hybride), trong đó chiến tranh tâm lý đóng vai trò rất quan trọng, lý thuyết vốn được tổng tham mưu trưởng Nga Valeri Guerassimov đưa ra vào năm 2013.
Theo nhà báo, nhà phân tích chính trị Nga Fiodor Loukianov, « nước Nga hiện nay được chuẩn bị tốt hơn cho thế đối đầu, hơn là Liên Xô trước đây, cho dù Liên Xô về mặt chính thức được coi là hùng mạnh hơn ».
Le Figaro cũng có bài « Chính sách đối ngoại gây hấn của Nga tạo một không khí ngờ vực lâu dài với phương Tây ». Le Figaro đặc biệt lưu ý đến sự ủng hộ của Nga đối với các phong trào dân túy và cực hữu, đang mọc lên như nấm tại châu Âu.
Putin đăng quang lặng lẽ, người biểu tình Nga bị đánh đập
Về lễ nhậm chức tổng thống Nga của ông Putin diễn ra trong không khí rất lặng lẽ tại điện Kremlin, Libération có bài bình luận. Theo nhà chính trị học Dmitri Orechkine, ẩn đằng sau phương thức tổ chức « khiêm tốn » này là chủ trương của tổng thống Nga muốn tỏ ra là một nhà lãnh đạo « giản dị », « gần gũi dân chúng », giống như Stalin trước đây, trong lúc trên thực tế toàn bộ quyền hành tại Nga tập trung vào tay ông ta.
Libération cũng chú ý đến các cuộc biểu tình phản đối Putin cuối tuần qua, khi nhiều thanh thiếu niên tham gia, bị cảnh sát đánh đập, hình ảnh được các phương tiện truyền thông độc lập tại Nga và phương Tây loan tải. Truyền thông Nhà nước Nga như thường lệ đã hoàn toàn im lặng trước sự kiện này.
Đàm phán thương mại Mỹ – Trung
không đạt kết quả
Về thời sự quốc tế, Les Echos tiếp tục theo dõi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Theo tờ báo kinh tế, Washington và Bắc Kinh đã không đạt được thỏa thuận sau hai ngày đàm phán cấp cao tuần qua.
Đoàn đàm phán Mỹ gồm hầu hết các nhân vật theo chủ trương cứng rắn, trong đó có cố vấn Peter Navarro, tác giả cuốn « Chết dưới tay Trung Quốc ».
Tình trạng Trung Quốc xuất siêu sang Hoa Kỳ, với 375 tỉ đô la hồi năm ngoái, là tâm điểm của mâu thuẫn. Thâm hụt thương mại tiếp tục gia tăng trong quý một năm nay. Les Echos, trong mục điều tra, lược lại quan hệ kinh tế Hoa Kỳ – Trung Quốc 15 năm qua, với nhận xét : cho dù xuất khẩu của Mỹ trong Trung Quốc không ngừng gia tăng, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh hơn gấp bội, mà các mặt hàng công nghệ cao đang ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn. Để thu hẹp khoảng cách này, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải mất nhiều năm nữa.
Về các đe dọa tăng thuế của Mỹ đối với hàng thép nhập từ châu Âu, hiện đang được bỏ lửng, Les Echos có bài phỏng vấn quốc vụ khanh bên cạnh bộ trưởng Ngoại Giao Pháp, ông Jean-Baptiste Lemoyne. Giới chức nói trên nhấn mạnh là lập trường của Paris về các bất đồng thương mại là « không thương lượng trực tiếp » với Washington, mà sẽ làm việc với Mỹ trong khuôn khổ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Pháp sẵn sàng cùng Mỹ cải cách WTO và « tái xây dựng lại hệ thống kinh tế đa phương toàn cầu ».
Một năm Macron :
50% tin tưởng vào cải cách của tổng thống
Trở lại dịp một năm cầm quyền của tổng thống Pháp, Le Monde phân tích các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, tổng thống Emmanuel Macron « trụ vững hơn » so với những người tiền nhiệm trong cùng một thời gian.
Điều tra do Trung tâm nghiên cứu của Học viện Chính trị Paris (Cevipof), Quỹ Jean Jaurès và báo Le Monde tiến hành trong tuần lễ cuối tháng 4, đầu tháng 5 cho thấy 45% người trả lời tán đồng các biện pháp của chính quyền. Bên cạnh các phẩm chất « không thể phủ nhận » được của Emmanuel Macron là một người « đầy năng lượng », « hiện đại », « có phong cách tổng thống », một đa số người Pháp (53%) thì phê phán tổng thống là « không hiểu rõ » các vấn đề của họ.
50% người Pháp tin rằng tổng thống Macron và chính phủ « thực sự mong muốn cải cách nước Pháp » và họ sẽ thành công.
Một điểm nổi bật trong kết quả điểm tra là tổng thống Pháp tiếp tục không có đối thủ chính trị đồng cân hạng. Chỉ có 14% người được hỏi nghĩ rằng lãnh đạo phong trào cánh tả triệt để Jean-Luc Mélenchon, nếu trở thành tổng thống, sẽ « làm tốt hơn » Macron. Con số tương tự với lãnh đạo cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen. Rõ ràng là « vụ Big Bang chính trị (của nước Pháp) năm 2017 » vẫn chưa thôi để lại các hệ quả.
Về một năm Macron, tờ báo thiên tả Libération thốt lên lời than trên trang nhất : « Thế là cánh hữu cuối cùng đã có được tổng thống của mình ! ». Dù sao Libération cũng thừa nhận, cử tri Pháp vẫn tiếp tục dành cho tổng thống Macron cơ hội cải cách đất nước, trong bối cảnh các lực lượng chính trị tả cũng như hữu có khả năng cầm quyền đều không có được tiếng nói có trọng lượng. Cánh cực tả và cực hữu thì không đáng tin cậy.
Trang nhất các báo
Thời sự trong nước là chủ đề trang nhất của nhiều nhật báo Pháp. Khủng hoảng nội bộ của hãng hàng không Air France là chủ đề lớn của Le Monde và Les Echos. Le Figaro chú ý đến cuộc cải cách Công Ty Đường Sắt Quốc Gia (SNCF), trước cuộc họp hôm nay giữa thủ tướng Philippe và đại diện các nghiệp đoàn, được coi như một dấu hiệu hòa giải của chính phủ, sau khi các nghiệp đoàn từ chối làm việc với bộ trưởng Giao Thông.
Cũng như nhiều báo khác, chủ đề chính của Libération là một năm cầm quyền của tổng thống Pháp, tờ báo thiên tả chạy tựa : « Cánh hữu cuối cùng đã có được tổng thống của mình ».
La Croix chú ý đến Liên hoan phim quốc tế Cannes khai mạc ngày mai. Tỉ lệ phụ nữ đạo diễn quá ít ỏi là mối lo ngại của báo. Trong 21 bộ phim tranh giải, chỉ ba phim là có nữ đạo diễn. Đây là một điều mà La Croix cho là hết sức nghịch lý, khi hơn một nửa học viên các trường điện ảnh là nữ giới.
—-
(1) Nhà sử học Hélène Carrère d’Encausse, sinh năm 1929, có cha là người Gruzia, di cư sang Pháp, sau cách mạng 1917. Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp này cũng là viện sĩ người nước ngoài của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga. Bà Carrère d’Encausse là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về nước Nga, trong đó có cuốn « Đế chế Á-Âu : lịch sử về đế chế Nga từ 1552 đến hiện nay » (2005) và « Tướng De Gaulle và nước Nga » (2017).
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180507-nuoc-nga-putin-phan-van-giua-au-va-a-chau-au-phai-lam-gi
Tin đọc nhanh
(FidjiTimes) – Hải quân Mỹ sẽ tuần tra cùng Úc quanh các đảo quốc Thái Bình Dương. Phát biểu với ABC ngày 07/05/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Marise Payne cho biết cuộc tuần tra mang tên « Indo-Pacifice Endeavour 18 », được chuẩn bị từ cuối năm 2017 và là « một hoạt động quan trọng đối với với lực lượng quốc phòng Úc nhằm bảo vệ an ninh trong vùng nhờ hàng loạt cam kết song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực ». Trong khuôn khổ hoạt động này, các chiến hạm HMAS Adelaide, HMAS Melbourne, HMAS Toowoomba và HMAS Success thuộc lực lượng Hải Quân Hoàng Gia sẽ tham gia « nhiều hoạt động đào tạo và huấn luyện tại Fidji, Vanuatu, Tonga, Samoa và quần đảo Salomon ».
(AFP) – Pakistan : Bộ trưởng Nội Vụ bị ám sát hụt. Ông Ahsan Iqbal, 59 tuổi, đã bị trúng đạn vào cánh tay phải sau khi tiếp xúc với cử tri. Kẻ nổ súng vào bộ trưởng Nội Vụ được cho là mang tên Abid, khoảng 20 tuổi, bị bắt khi chuẩn bị bắn phát súng thứ hai. Ông Ahsan Iqbal được đưa vào bệnh viện, vết thương không gây nguy hiểm về tính mạng. Một cuộc điều tra đang được tiến hành. Nhiều người dân và các nhà quan sát bày tỏ lo ngại trong bối cảnh kỳ bầu cử lập pháp đang đến gần.
(AFP) – Biển chỉ đường « Sứ quán Mỹ » đã xuất hiện ở Jerusalem. Ngày 07/05/20018, nhiều công nhân ở Jerusalem đã dựng những tấm biển đầu tiên chỉ đường đến Sứ quán Mỹ, dự kiến mở cửa ngày 14/05, cùng lúc với sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Quốc gia Israel. Cắt đứt với truyền thống ngoại giao Mỹ từ vài thập kỷ qua và thỏa thuận quốc tế, ngày 06/12/2017, tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định chuyển sứ quán từ Tel Aviv đến thành phố Thánh.
(AFP) – Tập đoàn viễn thông ZTE Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ lệnh trừng phạt. Theo cáo buộc của Mỹ, tập đoàn ZTE đã tái xuất khẩu nhiều trang thiết bị mua từ Mỹ sang Iran và Bắc Triều Tiên, hai nước bị Washington cấm. Tập đoàn nổi tiếng về phát triển hạ tầng mạng 5G ở Trung Quốc ngày 06/05/2018 cho biết đơn yêu cầu đã được gửi đến bộ Thương Mại Mỹ. Hồ sơ cũng được phía Trung Quốc chính thức đề cập ngày 04/05 trong cuộc đàm phán hai ngày với phái đoàn Mỹ để tránh nguy một cuộc chiến thương mại khi Washington áp dụng mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc.
(Reuters) – Phe Hezbollah và đồng minh giành đa số tại Nghị Viện Liban. Theo kết quả sơ bộ được công bố ngày 07/05/2018, liên minh Hezbollah, theo hệ phái Shia và được Iran ủng hộ, đã giành được ít nhất 67 ghế, hơn nửa số ghế, tại Nghị Viện trong cuộc bầu cử hôm qua, 06/05. Bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố, Hezbollah Liban trở nên mạnh mẽ hơn từ khi tham chiến tại Syria và ủng hộ tổng thống Bachar Al Assad. Sự trỗi dậy của Hezbollah tại Liban càng củng cố sức ảnh hưởng của Teheran tại vùng Syria-Irak-Liban.
( AFP ) – Lập chính phủ mới ở Ý : Thương lượng vẫn bế tắc. Hôm nay, 07/05/2018, các chính đảng được tổng thống Ý Sergio Mattarella tiếp lần cuối cùng vào lúc mà các cuộc thương lượng, mặc cả về việc lập tân nội các vẫn chưa đạt kết quả, hai tháng sau cuộc bầu cử Quốc Hội. Tổng thống Mattarella đã dọa là nếu thương lượng vẫn bế tắc, ông sẽ chỉ định một chính phủ kỷ trị, theo mô hình của chính phủ Mario Monti ( 2011-2013 ).
(AFP) – Ấn Độ : Hai thiếu nữ bị hãm hiếp và thiêu sống. Hôm nay, 07/05/2018, thêm một thiếu nữ đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, sau khi bị cưỡng hiếp, tẩm xăng và thiêu sống, theo thông báo của cảnh sát Ấn Độ. Cảnh sát đã bắt giữ một thanh niên 19 tuổi sống cùng khu phố với nạn nhân 17 tuổi. Vụ này xảy ra cùng ngày và tại cùng một vùng xảy ra một vụ tương tự, đó vụ hãm hiếp và thiêu sống một thiếu nữ khác, 16 tuổi. Trong vụ đầu tiên, trưởng làng, nghi can chính, đã bị bắt giữ. Những vụ này xảy ra vào lúc chính phủ New Delhi vừa ra một luật mới, trừng trị nghiêm khắc hơn tội hãm hiếp.
(AFP) – Cam Bốt : Phnom Penh Post gặp khủng hoảng. Hôm nay, 07/05/2018, hai ngày sau khi bất ngờ thông báo đã được bán cho một nhà đầu tư Malaysia, Sivakumar S Ganapathy, tờ The Phnom Penh Post, nhật báo độc lập cuối cùng ở Cam Bốt, đã lâm vào khủng hoảng : Tổng biên tập bị cách chức, nhiều nhà báo thâm niên từ chức. Vụ bán tờ Phnom Penh Post đã gây lo ngại cho một bộ phận phóng viên ở Cam Bốt, vì Sivakumar S Ganapathy là giám đốc công ty giao tế Asia PR, mà một trong những khách hàng là đương kim thủ tướng Hun Sen. Khủng hoảng ở Phnom Penh Post xảy ra vào lúc báo chí độc lập ở Cam Bốt gặp ngày càng nhiều khó khăn, trong bối cảnh nước này sẽ bầu lại Quốc Hội tháng 7 tới, với đảng cầm quyền chắc chắn sẽ tái đắc cử.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180507-tin-doc-nhanh