Tin Việt Nam – 06/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 06/05/2018

Bộ công an CSVN không công bố

nguyên nhân cái chết của đại tá Võ Tuấn Dũng

Trong một thông cáo đưa ra hôm Thứ Sáu 4 tháng 5, tổng cục cảnh sát, bộ công an CSVN chỉ nói đại tá Võ Tuấn Dũng, phó cục trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao C50, bị “đột tử”.

Thông cáo không cho biết nguyên do cái chết của viên đại tá đang bị điều tra vì có dính líu trong đường dây đánh bạc qua mạng trị giá 420 triệu Mỹ kim được các tướng công an bảo kê. Tin cho hay, công an Hà Nội đã phong tỏa khu vực trụ sở bộ công an nơi có văn phòng của ông Tuấn tại quận Cầu Giấy, nhưng không mô tả chi tiết quang cảnh trong văn phòng. Những chi tiết rõ nhất trong thông cáo của tổng cục cảnh sát là về một lễ truy điệu và lễ tang.

Trong một diễn biến có liên quan, báo Pháp Luật Online vào buổi chiều cùng ngày dẫn một nguồn tin có thẩm quyền thuộc cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ cho biết, cái chết của đại tá Võ Tuấn Dũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc điều tra về vụ án đánh bạc do các tướng công an bảo kê. Theo nguồn tin này, ông Dũng được xác định là người có liên quan đến đường dây đánh bạc công nghệ cao. Vì vậy, các nhà điều tra từ tỉnh Phú Thọ đã ra Hà Nội để trực tiếp gặp và làm việc với ông Dũng. Cũng theo nguồn tin này, buổi làm việc gần đây nhất là vào ngày 3 tháng 5, một ngày trước khi ông Dũng bị cho là “đột tử”. Tại buổi làm việc này, nguồn tin từ tỉnh Phú Thọ cho biết, ông Dũng được đánh giá là có tinh thần tốt, không có dấu hiệu gì bất thường.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/bo-cong-an-csvn-khong-cong-bo-nguyen-nhan-cai-chet-cua-dai-ta-vo-tuan-dung/

 

Việt Nam phản đối Báo cáo nhân quyền 2017 của Mỹ

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/5 lên tiếng phản bác những nhận định về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì cho rằng báo cáo này đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao có đoạn viết:

Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam

Ngày 20/4 vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo nhân quyền thường niên toàn cầu. Trong phần báo cáo về Việt Nam, phúc trình nhận định còn tồn tại các tình trạng đàn áp nhân quyền bao gồm: tình trạng tước đoạt sự sống một cách tùy tiện, phi pháp; nạn tra tấn và đối xử tàn ác, phi nhân, hạ thấp phẩm giá con người; vấn đề bắt và giam giữ tùy tiện những tiếng nói đối lập ôn hòa; tình trạng vi phạm một cách có hệ thống trong lĩnh vực tư pháp gồm không cho tiếp cận luật sư, không cho gia đình thăm nuôi; xét xử không công bằng và chóng vánh; chính quyền can thiệp vào quyền riêng tư, gia đình và thư tín; hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, quyền đi lại và quyền tự do tôn giáo, gồm các biện pháp như kiểm duyệt báo chí, giới hạn quyền tự do Internet; rồi nạn tham nhũng; bạo lực gia đình; lạm dụng trẻ em; cũng như giới hạn quyền của người lao động trong việc thành lập và tham gia nghiệp đoàn.

Theo người phát ngôn phía Việt Nam, “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.”

Theo thống kê của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hiện có hơn 100 người tại Việt Nam bị án tù chỉ vì lý do chính trị hoặc tôn giáo. Báo cáo nhân quyền của Mỹ cũng nêu các trường hợp cụ thể bị đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Ví dụ điển hình là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được Hoa Kỳ trao giải Người Phụ Nữ Can Đảm, bị Hà Nội kết án 10 năm tù vào năm ngoái sau khi những bài viết về nhân quyền, vấn đề đất đai và quan ngại về môi trường của bà trên mạng xã hội được nhiều người theo dõi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-protests-us-human-right-report-05052018153635.html

 

‘Kiểm điểm trách nhiệm’ ông Tất Thành Cang

Thành ủy TPHCM nói cần kiểm điểm trách nhiệm đương kim Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM vì một vụ chuyển nhượng đất.

Hội nghị TƯ 7: Thay đổi nhân sự để củng cố quyền lực?

Vì sao cần tìm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm?

Mặc dù 6/5 là ngày Chủ nhật, nhưng Ban thường vụ Thành ủy TPHCM đã thông tin cho báo chí “kết luận ban đầu” về vụ một doanh nghiệp 100% vốn Thành ủy.

Vụ việc liên quan Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng khu đất 32,5 ha tại xã Phước Kiển (Tân Thuận) cho công ty Quốc Cường Gia Lai.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Ban thường vụ Thành ủy TPHCM cho rằng Phó bí thư thường trực Thanh ủy Tất Thành Cang “có trách nhiệm liên quan” tới việc chấp nhận chủ trương chuyển nhượng không đúng thẩm quyền, yêu cầu phải kiểm điểm.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bị Thành ủy tạm đình chỉ chức vụ.

Thành ủy TPHCM nói sẽ “thanh tra toàn diện” công ty này và “rà soát” các dự án khác.

Trước đó hôm 20/4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo “kiểm tra, xử lý nghiêm” vụ bán khu đất.

Vụ việc ban đầu được tường thuật hôm 17/4 trên một tờ báo, Người Tiêu Dùng, với cáo buộc khu đất công được bán với giá “bèo bọt” 419 tỷ đồng. Tờ báo cho rằng nhà nước bị thất thoát tới gần 2.000 tỷ.

Báo Người Tiêu Dùng hôm 1/5 đăng tiếp bài cáo buộc ông Tất Thành Cang vào khoảng tháng 6/2017 đã “lạm quyền” khi chỉ đạo đồng ý chủ trương chuyển nhượng phần đất.

Truyền thông Việt Nam những ngày gần đây cho biết thêm rằng vụ chuyển nhượng bị Thành ủy TPHCM cho dừng vào cuối tháng 12/2017, và yêu cầu đàm phán lại.

Ông Tất Thành Cang, sinh năm 1971, nguyên là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương từ Đại hội Đảng 11.

Đến Đại hội 12 năm 2016, ông trở thành một trong 180 Ủy viên Trung ương chính thức đầy quyền lực ở Việt Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44023632

 

Hội nghị TƯ 7: Thay đổi nhân sự để củng cố quyền lực?

PGS TS Phạm Quý ThọHọc viện Chính sách và Phát triển

Tại sao dư luận lại quan tâm ai sẽ được chọn để thay thế những vị trí ‘khuyết’ trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 12? Không thể hiểu thấu đáo những gì đang diễn ra nếu không đề cập đến bản chất công tác cán bộ và tổ chức đảng, trong đó vai trò của cá nhân người đứng đầu luôn quan trọng trong hoạt động chính trị nhằm củng cố quyền lực.

Hội nghị Trung ương 7 khoá 12, theo chương trình, sẽ diễn ra trong tháng năm này, dự kiến thảo luận 3 đề án: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” và “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”.

Vụ ông Thăng: Đâu là trách nhiệm của Đảng?

Đảng có kiểm soát nổi kinh tế thị trường?

Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?

Hội nghị TW 7: Sẽ có thay đổi nhân sự?

Các đề án đã được Bộ chính trị, Ban bí thư cho ý kiến khi các cơ quan soạn thảo chuẩn bị. Tuy nhiên, dư luận, các nhà phân tích chú ý là về những thay đổi nhân sự có thể diễn ra trong Hội nghị cho các vị trí lãnh đạo cao nhất trong Bộ Chính trị, cũng như dự kiến quy hoạch cán bộ chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ khoá 13.

Bộ Chính trị hiện thời gồm 19 uỷ viên. Sau hơn 2 năm hoạt động, nay ‘khuyết’ 2, trong đó 1 vì lý do sức khoẻ, 1 do bị kỷ luật và án tù. Những vị trí Thường trực ban bí thư và Bí thư thành phố Hồ Chí Minh đã có các uỷ viên khác thay thế. Sự thay đổi nhân sự có thể tiếp tục. Ngoài ra, gần đây lan truyền đồn đoán về vị trí chủ tịch nước cũng có thể thay đổi trong hội nghị này.

Việc thay đổi các cá nhân cụ thể không phải là công việc khó khăn. Riêng trong năm 2017, ngoài 5 vị trí Uỷ viên BCT, Ban bí thư, Đảng CSVN bổ nhiệm, điều động, luân chuyển một số bộ trưởng và tương đương, trưởng ban cơ quan đảng, đoàn thể trung ương, bí thư tỉnh, thành và đảng uỷ trực thuộc trung ương… Tuy nhiên, sự quan tâm đặc biệt hơn gắn liền với ‘chống tham nhũng’ sau những ‘bất ổn’ kéo dài.

‘Thuần hóa’

Phương thức hoạt động của Đảng CSVN, về nguyên lý, không thay đổi. Đó là các cán bộ lãnh đạo được lựa chọn dựa trên cơ sở công trạng và thành tích; Sự lãnh đạo tập thể ở Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương tạo sự thống nhất, làm dịu đi ‘khác biệt’; Việc đề ra chủ trương, chính sách của đảng, về cơ bản, theo chương trình toàn khoá và chỉ đạo tập trung. Song, không thể hiểu thấu đáo những gì đang diễn ra nếu chỉ đề cập đến thể chế, mà không gắn với vai trò của cá nhân được tạo ra bởi thể chế đó.

Sau Đại hội 12 Đảng CSVN đã ban hành và thực hiện nhiều quy định mới thay thế cho nội dung cũ về công tác cán bộ. Trong đó đáng chú ý là Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy định số 105-QĐ/TƯ về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Các quy định mới tạo ra ‘luật chơi’ mang tính nguyên tắc đã khiến quyền lực tập trung mạnh hơn cho Bộ Chính trị và cá nhân Tổng bí thư.

Tập trung quyền lực cao độ để củng cố Đảng CSVN, song vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” chống tha hoá không theo mô hình tam quyền phân lập sẽ như thế nào?PGS TS Phạm Quý Thọ

Việc theo dõi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chống tham nhũng, từ vụ Trịnh Xuân Thanh đến ‘không vùng cấm’, trong khoảng 2 năm nhiều đại án được xét xử, các bị cáo từ nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên các tướng công an, nguyên lãnh đạo đã nghỉ hưu… đến nguyên cán bộ các tập đoàn nhà nước, nhân viên ngân hàng… Qua các phương tiện truyền thông nhà nước, sự ‘vận động quần chúng’ công khai khiến cho uy tín cá nhân Tổng bí thư được nâng cao, và ông tạo được hình ảnh như người thực hiện sứ mệnh của Đảng CSVN, tạo sức ép đối với chế độ quan liêu, tham nhũng để cứu chế độ, lấy lại niềm tin. Ông và các đồng chí trong Bộ Chính trị dường như đã ‘thuần hoá’ được Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo các địa phương. ‘Sự chuyển hoá’ trong nội bộ trước đây đã không thể tạo thành phe phái nổi lên ‘thách thức’ quyền lực tập trung của đảng.

Hội nghị TƯ 7 là quan trọng, bởi vì các động thái thay đổi nhân sự trước mắt cũng như việc quy hoạch người kế cận và đội ngũ lãnh đạo chiến lược có ý nghĩa thiết yếu để tiếp tục củng cố quyền lực đảng.

Từ năm 2014 Đảng CSVN, lần đầu tiên, đã công khai danh sách các cán bộ được coi là chiến lược, luân chuyển về địa phương tỉnh, thành phố, trong đó hơn nửa đã được cơ cấu vào BCHTƯ khóa 12, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Ngoài ra, theo truyền thống kế cận, một số con em các lãnh đạo thế hệ trước được tiếp nối giữ các cương vị cao trong bộ máy đảng, nhà nước.

‘Đã nhúng chàm liệu còn rửa được không?’

Hội nghị TW 6 ‘sắp đặt lại hệ thống chính trị’

Câu hỏi lớn cho TBT Trọng: Đột phá hay sa lầy?

Trung ương 5 và vấn đề ‘nhất thể hóa’

Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’

Danh sách trên cho thấy tính chất thoả hiệp trước Đại hội 12. Hơn thế, thực tế một số vụ kỷ luật đảng nổi cộm diễn ra ở cả trung ương và địa phương, như vụ nguyên bí thư Đà Nẵng, phó bí thư Đắc Lắc, Đồng Nai…, các hiện tượng ‘thái tử đảng’, ‘cả họ làm quan’, ‘nhóm lợi ích’, ‘sự thoái hoá, biến chất’ trong lực lượng bảo vệ pháp luật… buộc Đảng CSVN cân nhắc kỹ việc ai ở, ai đi, ai đến trước mắt cũng như lâu dài.

Các cán bộ muốn thăng tiến lên các vị trí cao cần phải trải qua, cọ sát với thực tế. Trong nền kinh tế tập trung, xã hội khép kín thì phẩm chất tuân thủ, trung thành với lý tưởng, với Đảng CSVN là nguyên tắc bất biến, nếu không sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Nhưng khi chuyển đổi sang thị trường, với độ mở nền kinh tế cao, trong hệ thống cấp bậc ‘tôn ty trật tự’ các cán bộ, đảng viên lãnh đạo không thể biết chắc liệu có phải đối mặt với những hậu quả hay không nếu thời thế chính trị thay đổi. ‘Bản kê khai tài sản’ của họ khó có thể được giải thích rõ ràng về nguồn gốc sự giàu có trong thời gian ngắn. Thay vì cần năng nổ trong kinh tế thị trường, họ luôn có động cơ tìm kiếm sự an toàn hoặc là dưới sự bảo trợ của một lãnh đạo cấp cao hoặc là ‘giấu mình chờ thời’.

Trong chuyến công tác đến nước Cộng hoà Cuba, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm ‘kinh tế thị trường không thể hủy hoại xã hội chủ nghĩa’. Đây là câu hỏi lớn để xây dựng thể chế chính trị phù hợp với thể chế kinh tế, cụ thể hơn Đảng Cộng sản lãnh đạo kinh tế thị trường như thế nào vẫn chưa có lời giải thuyết phục. Tập trung quyền lực cao độ để củng cố Đảng CSVN, song vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” chống tha hoá không theo mô hình tam quyền phân lập sẽ như thế nào?

Mặt khác, theo các nhà quan sát, cá nhân Tổng bí thư Trọng có uy tín cao, song ông đang gặp giới hạn về tuổi và 2 nhiệm kỳ, khiến ông không đủ thời gian có thể vận dụng bài học của Tổng bí thư, chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình để thay đổi điều lệ đảng và nhiệm kỳ nhằm tiếp tục thực hiện ‘sứ mệnh’. Vậy ai sẽ kế nhiệm?

Công tác cán bộ là cốt yếu của Đảng CSVN. Hội nghị TƯ 7 lần này bàn về thay đổi nhân sự trước mắt cũng như đề án quy hoạch cán bộ chiến lược về lâu dài. Sẽ thực chất hơn giá như nó được đặt trong tổng thể cải cách thể chế chính trị và kinh tế.

Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của TS PGS Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-44015430

 

Hãy quan tâm đến bản án 13 năm tù

của người cựu chiến binh già Trần Anh Kim

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Đi tù trước khi dấn thân vào con đường hoạt động dân chủ

Ngày 29/4/2018, chúng tôi tổ chức đi Thái Bình để gặp và trao quà cho hai gia đình tù nhân lương tâm là Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Túc. Cả hai đều ở Thái Bình là những tù nhân nổi tiếng, đã từng đi tù và lần này đều bị kết án nặng nề là 13 năm tù giam. Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thơm, vợ anh Kim nói buồn: “Nếu anh Kim còn sống cho đến khi ra tù thì đầu em đã bạc”. Tôi nghe mà nghẹn lòng chưa biết an ủi chị ra sao thì chị nói tiếp: “Anh ấy vừa cao tuổi, vừa bệnh tật, không biết có sống được đến ngày ra tù không”.

Tù nhân lương tâm đi tù lần thứ 2 bây giờ không hiếm. Nhưng Trần Anh Kim đi tù lần này là lần thứ 3. Lần tù thứ nhất trong đời, chấm dứt con đường binh nghiệp là lần anh bị bắt và bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế” rồi bị kết án 24 tháng tù giam. Trước khi đi tù, anh mang quân hàm trung tá, Phó chỉ huy chính trị, Ban quân sự thị xã Thái Bình.

Sau khi ra tù vào năm 1995, Quân khu III ra quyết định cho Trần Anh Kim nghỉ hưu, giải quyết trợ cấp thương tật nhưng anh không nhận vì cho rằng việc xử lý đối với anh là oan sai. Vì vậy, rời quân đội anh không hưởng một chế độ gì. Đơn thư kháng cáo của anh đã gửi lên tới Viện kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao nhưng đều bị bác bỏ. Anh tiếp tục gửi đơn đến các lãnh đạo cấp cao nhưng bặt vô âm tín. Anh còn gửi  thư đến các tổ chức quốc tế nhờ can thiệp. Việc này mãi khi đến thăm anh khi anh mới ra tù lần thứ 2, tôi mới nghe anh kể.

Có lẽ vì nỗi oan ức của anh không được giải quyết và hiểu nguyên nhân vì đâu nên Trần Anh Kim mới dấn thân vào con đường dân chủ. Trên con đường này, anh xếp việc riêng của mình lại. Vì thế, ít người biết đến lần đi tù đầu tiên của anh. Đã có nhiều người bước vào con đường dân chủ bắt đầu từ nỗi oan ức riêng. Họ hiểu, nếu đất nước không có dân chủ thì những oan khiên vẫn tiếp tục diễn ra, công lý chỉ dừng ở khái niệm. Đấy mới là cái gốc của vấn đề.

Cũng từ đó, những năm tháng tù đày liên tiếp của Trần Anh Kim bắt đầu.

Thêm hai lần đi tù vì bất đồng chính kiến

Trên con đường đấu tranh dân chủ, Trần Anh Kim bị bắt vào ngày 7/7/2009. Anh bị cáo buộc tội danh “hoạt động lật đổ chính quyền”. Theo cáo trạng, Trần Anh Kim đã xin vào Đảng dân chủ Việt Nam, giữ chức danh phó tổng thư ký, tham gia khối 8406, trả lời đài nước ngoài… Tại phiên tòa ngày 28 tháng 12 năm 2009, tòa án Thái Bình đã kết án anh 5 năm 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế. Trước tòa, Trần Anh Kim tuyên bố không nhận mình có tội và không xin khoan hồng.

Ngày 7/1/2015, anh mãn hạn tù. Trả lời BBC, anh nói sẽ  “không thay đổi con đường đã chọn”.

Trần Anh Kim bị bắt lần thứ 3 vào ngày 21/9/2015 khi anh ra tù mới được hơn 8 tháng. Anh bị cáo buộc lập ra tổ chức “Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ” và lại bị truy tố theo điều 79. Tuy nhiên, Trần Anh Kim khẳng định hành vi này hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Lần này, anh bị kết án nặng tới mức không ai tin nổi: 13 tù giam và 4 năm quản chế. Cùng vụ án với anh có Lê Thanh Tùng, bị kết án 12 năm tù và 4 năm quản chế.

Quản chế gắt gao

Không biết có phải Trần Anh Kim quá nguy hiểm đối với nhà cầm quyền hay vì tính chất độc ác của công an Thái Bình mà cả hai tù nhân lương tâm Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Túc đều bị canh gác rất chặt trong thời gian giữa hai lần đi tù. Công an lập cả một chốt canh trước nhà các anh để theo dõi nhất cử nhất động hàng ngày. Tất cả những ai đến thăm các anh đều bị đưa về đồn công an thẩm vấn và bị đánh đập hoặc đe dọa. Tôi đã từng là nạn nhân của sự khủng bố này khi đoàn 12 người chúng tôi về thăm Trần Anh Kim bị bắt và bị đánh đập tàn bạo.

Không chỉ thế, bây giờ hai anh đã đi tù rồi, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục canh… hai bà vợ. Đợt đi thăm hai gia đình vừa qua, cả chị Nguyễn Thị Thơm (vợ anh Kim) và chị Bùi Thị Rề (vợ anh Nguyễn Văn Túc) đều nói với chúng tôi: “Lẽ ra, các anh chị đã về tới đây, chúng em phải mời về nhà chơi, ăn bữa cơm gia đình nhưng lại sợ họ gây chuyện với các anh chị nên các anh chị thông cảm”. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với hai gia đình đành phải tổ chức ở một quán cà phê, gần nơi chị Thơm ở.

Người cựu chiến binh già có qua nổi bản án 13 năm?

Về Hà Nội, tôi cứ ám ảnh mãi về câu nói của chị Nguyễn Thị Thơm: “Nếu anh Kim còn sống cho đến khi ra tù thì đầu em đã bạc”, “không biết anh ấy có sống được đến ngày ra tù không”. Chị Thơm khá trẻ so với anh Kim, anh sinh năm 1949 còn chị sinh năm 1966. Nếu tính đến ngày anh Kim mãn hạn tù thì chị cũng 63 tuổi, còn anh Kim sẽ là 80.

Không chỉ là tuổi già, Trần Anh Kim đi tù lần này trong khi cơ thể đầy bệnh tật. Anh bị viêm tiền liệt tuyến sưng to, ngoài khả năng điều trị của bệnh xá trại giam (Khi thành án, anh bị đưa về trại giam số 5 ở huyện Yên Định, Thanh Hóa). Vừa rồi, trại giam đưa anh lên tuyến bệnh viện tỉnh để mổ, vì vậy chị Thơm được ở bên anh 20 ngày để chăm sóc, tất nhiên trong vòng kiểm soát của công an. Ngoài bệnh tiền liệt tuyến, anh còn bị chứng đau đầu hành hạ do tổn thương sọ não. Đây là hậu quả của những năm tháng anh Kim tham gia chiến đấu chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Hiện giờ, hai hàm răng của anh bị rụng gần hết, chỉ còn vài chiếc răng cửa. Anh  đang yêu cầu trại giam cho ra ngoài để lắp hàm răng giả.

Vì vậy, nỗi lo lắng của chị Thơm là có cơ sở. Người thường, sống được trên 80 đã là thọ. Vậy mà Trần Anh Kim, khi ra tù thì cũng đã ở tuổi 80 trong khi cơ thể ốm yếu bệnh tật và sống trong môi trường khắc nghiệt của nhà tù.

Đã có một số tù nhân lương tâm được sự vận động của các tổ chức quốc tế, của chính phủ Mỹ và các nước Phương Tây, thỏa thuận với chính phủ Việt Nam nên được đi tị nạn chính trị. Đi hay ở, đều có cái giá phải trả, điều đó tùy mỗi tù nhân lương tâm cân nhắc. Tôi không phản đối hay cổ động việc này nhưng cảm thông, thấu hiểu thì có. Mỗi khi có một tù nhân lương tâm đi tị nạn chính trị, tôi vừa thấy vui vì các anh chị thoát khỏi ngục tù nhưng lại vừa thấy xa xót. Nhưng với anh Trần Anh Kim thì khác. Tôi rất muốn các tổ chức quốc tế, các quốc gia có uy tín vận động cho anh được đi tị nạn chính trị ở một quốc gia nào đó. Thêm vào đó là sự ủng hộ, khuyến khích của bạn bè, anh em dân chủ từ bên ngoài, tôi tin rằng anh sẽ chấp nhận.

*  Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/tran-anh-kim-05052018150846.html

 

Trần Đại Quang ‘xin vắng mặt’

trong buổi tiếp xúc cử tri

Nêu lý do bận công tác và chuẩn bị cho hội nghị trung ương 7 của đảng cộng sản sắp diễn ra, chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang đã “xin vắng mặt” trong buổi tiếp xúc với cử tri ở TPHCM.

Lần vắng mặt này tiếp nối chuỗi ngày tháng vắng mặt trước công chúng ngày càng thêm dài của ông Quang, giữa lúc có nhiều đồn đoán về việc ông sẽ bị thay thế trong cuộc họp đảng vào tháng này. Truyền thông trong nước đưa tin, ông Trần Đại Quang không có mặt trong buổi tiếp xúc cử tri của ba quận 1, 3 và 4 vào hôm Thứ Bảy 5 tháng 5.

Ông Quang thuộc tổ đại biểu số 1 của đoàn đại biểu quốc hội CSVN đến từ TPHCM. Buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức trước kỳ họp thứ năm của Quốc Hội khóa 14. Trong buổi tiếp xúc này, người ta chỉ thấy có các đại biểu như thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, chính ủy Bộ Tư Lệnh, ông Phan Nguyễn Như Khuê, phó trưởng đoàn đại biểu, và ông Lâm Đình Thắng, phó bí thư quận ủy Bình Thạnh. Lần tiếp xúc cử tri gần đây nhất của ông Quang là vào ngày 13 tháng 10 năm 2017.

Hiện có tin đồn theo hai hướng về việc ông Quang sắp mất chức chủ tịch nước. Một là ông sẽ bị thay thế bởi ông Nguyễn Thiện Nhân, đương kim bí thư thành ủy TPHCM. Và hai là tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm luôn chức chủ tịch nước, noi theo quan thầy ở Bắc Kinh tập trung hầu hết quyền lực trong chế độ vào một mối.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/tran-dai-quang-xin-vang-mat-trong-buoi-tiep-xuc-cu-tri/