Tin tức ngày – 06/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin tức ngày – 06/05/2018

Hoa Kỳ lên án Trung Cộng kiểm soát vô nghĩa

trang mạng các hãng hàng không quốc tế

Ảnh: Youtube

Washington, DC. (CBS) – Tòa Bạch Ốc chỉ trích mạnh mẽ nỗ lực của Trung Cộng,  buộc các hãng hàng không ngoại quốc phải đổi cách họ nhắc tới Đài Loan, Hong Kong và Macau.

Hoa Kỳ gọi nỗ lực mới nhất của Trung Cộng là kiểm soát ngôn ngữ, miêu tả vấn đề lãnh thổ nhạy cảm chính trị là chủ nghĩa Orwell vô nghĩa, trong bối cảnh leo thang cuộc chiến của Trung Cộng về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.

Tòa Bạch Ốc cho biết Cơ Quan Hàng Không Dân Dụng Trung Cộng gởi thư tới 36 hãng hàng không ngoại quốc, trong đó có một số hãng của Hoa Kỳ, yêu cầu thay đổi. Theo các viên chức hàng không và chính phủ Mỹ, các hãng được yêu cầu xóa những giới thiệu trên trang mạng hoặc trong những tài liệu khác về 3 vùng này. Trung Cộng muốn gợi ý Đài Loan, Hong Kong và Macau là một phần của quốc gia độc lập từ Trung Cộng.

Tòa Bạch Ốc cho biết trong một thông cáo rằng Tổng Thống Donald Trump sẽ bảo vệ người Mỹ, chống lại những nỗ lực của đảng cộng sản Trung Hoa để áp đặt quan điểm chính trị Trung Cộng lên các công ty và công dân Mỹ.

Đài Loan là một vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của Trung Cộng. Bắc Kinh coi đảo quốc tự trị, dân chủ là một tỉnh cứng đầu của họ. Hong Kong và Macau từng là thuộc địa của Âu Châu, nay thuộc Trung Cộng nhưng được phép hoạt động cởi mở hơn. (Nguyên Trân)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-len-an-trung-cong-kiem-soat-vo-nghia-cac-trang-mang-hang-khong/

 

Iran cảnh báo Trump sẽ gặp ‘hối hận lịch sử’

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Mỹ sẽ chịu “hối hận lịch sử” nếu Tổng thống Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

Hạt nhân Iran: Ngoại trưởng Anh thăm Mỹ

Macron nói Trump sẽ từ bỏ thỏa thuận Iran

Thỏa thuận ký giữa Iran, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh năm 2015, dỡ bỏ trừng phạt kinh tế với Iran trong khi Iran tạm ngừng chương trình hạt nhân.

Các đồng minh châu Âu Pháp, Anh và Đức đồng ý rằng thỏa thuận là cách tốt nhất ngăn không cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Nhưng ông Trump đã dọa sẽ rút ra trừ phi các nước “sửa chữa những khiếm khuyết nghiêm trọng”.

Ông Trump nói thỏa thuận chỉ hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran trong thời gian giới hạn và không ngăn phát triển tên lửa đạn đạo.

Phát biểu trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran hôm Chủ nhật, Tổng thống Rouhani nói: “Nếu Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, việc này sẽ đem lại hối hận lịch sử.”

Ông nói Iran “có kế hoạch chống lại mọi quyết định mà Trump có thể đưa ra”.

Iran luôn nói chương trình hạt nhân của họ chỉ mang tính hòa bình.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã bay sang Washington, dự kiến gặp Phó tổng thống Mike Pence, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và các lãnh đạo đối ngoại của Quốc hội.

Ông Trump còn hạn chót ngày 12/5 để đưa ra quyết định.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44022309

 

Thỏa thuận hạt nhân Iran :

Teheran có nhiều kế hoạch đối phó với Donald Trump

Thùy Dương

Tổng thống Iran Hassan Rohani khẳng định đã lên nhiều kế hoạch đối phó nếu Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.Reuters

Iran đã lên nhiều kế hoạch đối phó trong trường hợp tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Tổng thống Iran, ông Hassan Rohani, hôm nay 06/05/2018 tuyên bố nếu Washington rút ra khỏi hiệp định hạt nhân, Mỹ sẽ phải « hối hận về điều này, như chưa từng có trong lịch sử ». Theo Reuters, bài diễn văn ngày hôm qua của tổng thống Hassan Rohani đã được phát trực tiếp trên kênh truyền hình Nhà nước Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố là vào ngày 12/05/2018, sẽ cho biết Hoa Kỳ quyết định duy trì hay hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, hôm thứ Tư 02/05, hai quan chức Nhà Trắng và một nguồn tin thân cận với chính quyền Mỹ cho biết tổng thống Doanld Trump gần như chắc chắn quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 5+1 ký kết tại Vienna vào năm 2015.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi thời hạn 12/05 đang gần kề, ngày hôm qua 05/05 tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Anh Theresa May đã điện đàm về hồ sơ Iran. Nhà Trắng cho biết ông Trump nhấn mạnh với thủ tướng Anh là ông muốn được yên tâm về việc Iran không bao giờ có vũ khí nguyên tử.

Ngày mai 07/05, ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng bắt đầu chuyến công du Washington trong vòng hai ngày. Ngoại trưởng Anh sẽ có buổi trao đổi với phó tổng thống Mỹ Mike Pence và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton về các vấn đề Iran, Syria và nhất là Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180506-thoa-thuan-hat-nhan-iran-teheran-co-nhieu-ke-hoach-doi-pho-voi-donald-trump

 

Ngoại trưởng Anh thăm Mỹ

về Thỏa thuận hạt nhân Iran

Boris Johnson bay tới Washington để giục Tổng thống Mỹ Donald Trump không từ bỏ thỏa thuận quốc tế được thiết lập để ngăn Iran phát triển chương trình hạt nhân.

Anh quốc và các đồng minh châu u có hạn chót ngày 12/5 để thuyết phục tổng thống Mỹ duy trì thỏa thuận này.

Ông Trump đã phê phán mạnh mẽ thỏa thuận mà ông gọi là “điên rồ”.

Macron nói Trump sẽ từ bỏ thỏa thuận Iran

Trump và Macron: Có thể có thỏa thuận Iran mới

Hạt nhân Iran: Mỹ ủng hộ cáo buộc của Israel

Trump dọa hủy thỏa thuận hạt nhân Iran

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May vào hôm 5/5, tổng thống Trump “nhấn mạnh cam kết để đảm bảo rằng Iran không bao giờ phát triển chương trình hạt nhân”.

Trong thỏa thuận mang tính bước ngoặt – được Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Anh và Iran ký kết – Iran đồng ý giới hạn các hoạt động hạt nhân để đổi lại việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Các đồng minh Pháp, Anh và Đức đều đồng ý thỏa thuận hiện nay là cách tốt nhất để ngăn Iran phát triển chương trình hạt nhân và Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo ông Trump không nên từ bỏ thỏa thuận này.

Nhưng ông Trump đã đe dọa rút lui trừ khi các bên ký kết đồng ý “sửa chữa những sai sót kinh khủng của thỏa thuận”.

Ông Johnson sẽ gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và các nghị sĩ phụ trách chính sách đối ngoại.

Bắc Hàn ‘ở ngưỡng’ có thể tấn công hạt nhân

CIA nói gì về nguy cơ chiến tranh hạt nhân?

Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã đến Nam Hàn

TQ ‘hết sức quan ngại’ đe dọa hạt nhân Bắc Hàn

Trước chuyến đi này, ông Johnson nói rằng Anh và Mỹ đang “nhất trí” về nhiều vấn đề chính sách đối ngoại toàn cầu và ông nêu cụ thể là phản ứng trước việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và vụ đầu độc điệp viên ở Salisbury.

Ông nói thêm: “Anh, Mỹ và các đối tác châu u cùng đoàn kết trong nỗ lực xử lý các hành vi Iran khiến cho cho khu vực Trung Đông kém an ninh hơn – các hoạt động mạng, trợ giúp các nhóm như Hezbollah và chương trình tên lửa nguy hiểm, trang bị vũ khí cho phiến quân Houthi ở Yemen. “

Các cuộc đàm phán Anh-Mỹ diễn ra sau khi Israel tiết lộ “các tập tin hạt nhân bí mật” cáo buộc Iran lén lút tiến hành chương trình hạt nhân bí mật.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44020769

 

Hai viên chức FBI

từng làm việc với ông James Comey rời nhiệm sở

Washington, DC. (CBS) – Theo tờ New York Times, hai phụ tá quan trọng, từng làm việc chặt chẽ với cựu giám đốc FBI James Comey đã rời FBI.

Cũng theo tờ Times, một trong hai viên chức là bà Lisa Page, làm việc trong cuộc điều tra máy chủ email của bà Hillary Clinton. Trong một thời gian, bà cũng làm việc trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller vào việc Nga can thiệp bầu cử và bất kỳ mối quan hệ nào với cộng sự của ông Trump. Bà Page bị một số nhân vật bảo thủ chỉ trích vì những tin nhắn mà bà trao đổi với viên chức FBI Peter Strzok. Một số tin nhắn có ý chống lại ông Trump. Bà Page rời nhóm của công tố viên đặc biệt vào năm ngoái, trở lại FBI vào giữa tháng 7.

Viên chức hàng đầu khác rời FBI là ông James Baker. Ông làm cố vấn luật pháp trước khi ông Christopher Wray đẩm nhận chức vụ. Ông Baker xác nhận việc từ chức với CBS News, nói rằng từ Thứ Hai, ông bắt đầu làm việc tại Viện Brookings, viết cho blog an ninh quốc gia Lawfare.

Ông Trump nhiều lần tấn công FBI vì cuộc điều tra Nga, cũng nhưng những gì mà ông cho là sự thất bại của Bộ Tư Pháp và FBI trong việc chuyển giao tài liệu cho Quốc Hội, cùng các cuộc khám xét nhà và văn phòng của luật sư Michael Cohen. Ông Trump tiếp tục gọi cuộc điều tra Nga là cuộc săn lùng phù thủy. (Nguyên Trân)

https://www.sbtn.tv/hai-vien-chuc-fbi-tung-lam-viec-voi-ong-james-comey-roi-nhiem-so/

 

Núi lửa Hawaii phun trào dung nham

sau trận động đất mạnh

Đảo Lớn của Hawaii được đặt trong tình trạng cảnh giác cao hôm thứ Bảy sau khi núi lửa Kilauea phun trào thêm nham thạch ở mạn đông của hòn đảo, buộc hàng trăm người phải di tản.

Nham thạch, đá nóng chảy và khí độc tiếp tục phun ra và ảnh hưởng tới các khu vực lân cận theo sau trận động đất mạnh 6,9 độ vào ngày thứ Sáu, là trận động đất lớn nhất ở hòn đảo này trong hơn 40 năm qua. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 32 phút trưa giờ địa phương gần phần phía nam của núi lửa.

Một trận động đất khác mạnh 5,7 độ làm rung chuyển hòn đảo này trước đó trong ngày thứ Sáu và nhà chức trách nói họ cho rằng sẽ có thêm hoạt động địa chấn nữa.

Video quay từ trên không cho thấy magma màu da cam phun ra từ các kẽ nứt trên mặt đất và len lỏi qua một khu vực cây cối rậm rạp.

Vụ phun trào bắt đầu hôm thứ Năm đã buộc gần 1.500 người phải rời bỏ nhà của họ ở trên núi. Giới hữu trách cho biết ít nhất 100 người đang ở trong những nơi tạm trú vào ngày thứ Sáu, với hầu hết những người di tản tá túc với gia đình và bạn bè.

Không có báo cáo về thương vong. Các quan chức cảnh báo hôm thứ Sáu rằng họ đã phát hiện lượng khí lưu huỳnh cao trong không khí có thể đe dọa người già và những người có vấn đề về hô hấp.

Các quan chức cấp quận, bang và liên bang đã cảnh báo người dân suốt cả tuần này rằng họ nên chuẩn bị di tản, vì một vụ phun trào có thể sắp xảy ra.

Thống đốc David Ige đã kích hoạt Vệ binh Quốc gia của Hawaii và kêu gọi người dân chú ý đến các cảnh báo chính thức. Ông Ige cũng đã ký một sắc lệnh khẩn cấp giải phóng ngân quỹ thiên tai cho Đảo Lớn.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Brian Schatz, người đại diện bang Hawaii, cho biết Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang đang huy động các nguồn lực và theo dõi các vụ cháy bùng phát, tình trạng thiếu nước và cúp điện.

Núi lửa Kilauea đã phun trào định kỳ suốt hơn ba thập niên qua. Dung nham chảy từ núi lửa này, một trong năm núi lửa trên hòn đảo, đã chôn vùi một diện tích khoảng 125 km vuông, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

Các nhà khoa học cho biết họ không thể dự đoán vụ phun trào hiện thời sẽ kéo dài bao lâu.

https://www.voatiengviet.com/a/nui-lua-hawaii-phun-trao-dung-nham-sau-tran-dong-dat-manh/4381217.html

 

Tù chung thân cho cựu binh Mỹ sát hại kĩ sư Ấn Độ

trong quán bar Kansas

Một cựu chiến binh Hải quân Hoa Kỳ, người được nói là đã bảo một kĩ sư phần mềm người Ấn Độ “cút khỏi nước của tao” trước khi bắn chết anh ta và làm bị thương hai người khác trong một quán bar ở bang Kansas năm ngoái, đã bị kết án tù chung thân.

Theo bản án này, Adam Purinton, 52 tuổi, người đã nhận tội sát nhân cấp độ một vào tháng 3, sẽ không đủ điều kiện để được ra tù trước hạn trong 50 năm, Công tố viên Quận Steve Howe nói trong một phát biểu hôm thứ Sáu.

Thẩm phán Tòa án Quận Johnson, Charles Droege, cũng kết án Purinton thêm 165 tháng tù nữa cho mỗi trong số hai cáo buộc khác xuất phát từ việc làm bị thương hai người đàn ông khác, ông Howe nói.

Vụ giết hại Srinivas Kuchibhotla, 32 tuổi, vào tháng 2 năm 2017 trong một quán bar ở khu ngoại ô Olathe của thành phố Kansas City đã thu hút sự chú ý của quốc tế giữa một làn sóng những vụ tấn công khắp nước Mỹ nhắm vào người da đen, người Do Thái, người Hồi giáo và các nhóm sắc dân khác sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Trump lúc vận động tranh cử đã tuyên bố sẽ trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Anh Kuchibhotla có visa làm việc và là thường trú nhân hợp pháp ở Mỹ.

Báo Kansas City Star đưa tin ít nhất một người ngoài cuộc cho biết Purinton đã hét lên “cút khỏi nước của tao” trước khi nổ súng bắn anh Kuchibhotla và hai người đàn ông khác khi đó đang uống rượu sau giờ làm việc tại quán Austins Bar and Grill ở Olathe.

Bị thương trong vụ tấn công là Alok Madasani, đồng nghiệp của anh Kuchibhotla tại công ty Garmin của Mỹ, chuyên sản xuất thiết bị định hướng và theo dõi sức khỏe, và Ian Grillot, một người Mỹ cố gắng can ngăn.

Purinton vẫn đối mặt với cáo buộc của liên bang về tội ác thù hằn và súng ống theo sau một bản cáo trạng của bồi thẩm đoàn liên bang hồi tháng 6 năm ngoái, cáo buộc ông ta bắn hai người đàn ông Ấn Độ vì chủng tộc, màu da, tôn giáo và quê quán của họ.

Trong một phát biểu được đăng bởi báo Kansas City Star, vợ của anh Kuchibhotla, Sunayana Dumala, nói với tòa rằng chồng cô đã sống một cuộc đời “yêu thương và tôn trọng người khác” và có ước mơ lớn lao cho ngành hàng không mà lẽ ra sẽ làm lợi cho những người lao động khác.

“Tôi hy vọng trong những năm mà ông phải ngồi trong nhà tù, một ngày kia ông sẽ nhận thấy sai lầm hết sức to lớn của mình và sẽ nỗ lực hướng tới sám hối,” cô nói với ông Purinton.

https://www.voatiengviet.com/a/tu-chung-than-cho-cuu-binh-my-sat-hai-ki-su-an-do-trong-quan-bar-kansas/4381191.html

 

NSA thu thập dữ liệu điện thoại

từ người Mỹ nhiều gấp ba lần

Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) thu thập hơn 534 triệu dữ liệu cuộc gọi điện thoại và tin nhắn từ người Mỹ vào năm ngoái, hơn gấp ba lần số lượng thu thập trong năm 2016, theo một báo cáo mới.

Báo cáo, được Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia công bố hôm thứ Sáu, cho thấy sự gia tăng đột biến diễn ra trong năm thứ hai áp dụng một hệ thống do thám mới được ra mắt sau khi Quốc hội thông qua luật năm 2015 nhằm hạn chế khả năng của NSA thu thập các dữ liệu đó với số lượng lớn.

Sự gia tăng đột biến này cũng trùng với khoảng thời gian có sự gia tăng sử dụng các phương pháp do thám khác, khơi lên lo ngại về việc chính phủ xâm nhập đời sống cá nhân của người dân Mỹ.

Dù có sự tăng mạnh tổng số lượng dữ liệu được thu thập trong năm 2017, song con số này vẫn ít hơn hàng tỉ dữ liệu được thu thập mỗi ngày dưới hệ thống do thám hàng loạt trước đây của NSA. Hệ thống này đã bị cựu nhân viên hợp đồng Edward Snowden phát hiện và anh ta đã rò rỉ thông tin mật ra cho báo chí.

Các dữ liệu của NSA bao gồm các số điện thoại và thời điểm mà một cuộc gọi hoặc một tin nhắn được thực hiện hoặc gửi đi, nhưng không phải nội dung của những liên lạc này.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia không giải thích lí do đằng sau sự gia tăng đột biến này, khiến nhiều người ủng hộ quyền riêng tư cảm thấy khó hiểu và lo lắng.

Phát ngôn viên của văn phòng, Timothy Barrett, nói chính phủ liên bang “đã không thay đổi cách thức mà theo đó họ sử dụng thẩm quyền của mình để thu thập cái gọi là dữ liệu chi tiết, những dữ liệu viễn thông ghi nhận ai thực hiện liên lạc và liên lạc khi nào.”

NSA cho biết nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến số lượng dữ liệu thu thập, theo ông Barrett. Chúng bao gồm số lượng những “selection terms” được tòa án chấp thuận, có thể là số điện thoại của một người là đối tượng tiềm năng của một cuộc điều tra, hoặc số lượng dữ liệu được các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại giữ lại trong một khoảng thời gian dài.

Báo cáo cũng cho biết có sự gia tăng số lượng người nước ngoài sống ở Mỹ bị nhắm mục tiêu trong một chương trình do thám Internet không cần lệnh tòa án mà các nhà lập pháp đã gia hạn vào đầu năm nay. Chương trình này được gọi là Mục 702 của Đạo luật Do thám Tình báo Nước ngoài.

Hơn 129.000 người nước ngoài bị nhắm mục tiêu trong năm 2017, ước tính tăng 45 phần trăm trong năm năm qua.

Các cơ quan tình báo Mỹ khẳng định Mục 702 là thiết yếu đối với an ninh quốc gia, nhưng những người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng chương trình này thu thập một số lượng dữ liệu không xác định từ những liên lạc thứ yếu của những công dân Mỹ không bị nhắm mục tiêu.

https://www.voatiengviet.com/a/nsa-thu-thap-du-lieu-dien-thoai-tu-nguoi-my-nhieu-gap-ba-lan/4381162.html

 

Nga : Biểu tình phản đối trước ngày Putin nhậm chức,

hơn 1.500 người bị câu lưu

Trọng Thành

Ngày mai, 07/05/2018, ông Vladimir Putin chính thức nhậm chức tổng thống lần thứ tư. Đối lập Nga không ngồi yên. Hàng chục cuộc biểu tình phản đối diễn ra trên cả nước hôm qua, thứ Bảy 05/05, theo lời kêu gọi của lãnh đạo đối lập Alexei Navalny.

Trên Twitter, nhà đối lập Nalvany không ngần ngại lên án tổng thống Nga Putin là « ‘lão già hèn nhát’ tự coi mình là ‘Sa hoàng’». « Nước Nga không Putin », « Đả đảo Sa Hoàng » là các khẩu hiệu chính trong các cuộc tuần hành. Bắt bớ xảy ra tại ít nhất 19 thành phố, với khoảng 1.500 người bị câu lưu, 500 người riêng tại thủ đô Matxcơva. Hôm trước cuộc biểu tình, đã có nhiều nhà hoạt động bị câu lưu, nhiều trụ sở của đối lập bị cảnh sát lục soát.

Thông tín viên Paul Gogo tường trình từ Matxcơva :

« Nước Nga không có Putin! Khẩu hiệu nói trên là điều thường thấy, nhưng thời điểm xuất hiện mang tính biểu tượng. Hôm qua, hàng nghìn người chống Putin đã tuần hành tại nhiều thành phố trên cả nước đòi tổng thống Nga từ chức. Lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư của ông Putin sẽ diễn ra vào ngày mai, tại điện Kremlin.

Tại Matxcơva, Artem, 20 tuổi, một người tranh đấu cho thay đổi chính trị tại Nga, nhận xét : 20 năm cầm quyền không phải là chuyện bình thường, bởi vì thay đổi quyền lực là điều kiện cho sự tiến bộ của một đất nước. Nếu không có thay đổi, tham nhũng vẫn tiếp diễn tại đất nước chúng tôi. ‘‘Putin là một kẻ cắp’’, tôi đồng ý với khẩu hiện này. Ở nước nào quyền lực cũng thay đổi. Ở đây, chúng tôi chỉ có mỗi ông Putin. Đó là điều không bình thường.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180506-nga-bieu-tinh-phan-doi-truoc-ngay-putin-dang-quang-hon-1500-nguoi-bi-cau-luu

 

Pháp : Tuần hành « Ngày hội chống Macron »

Ngày mai 07/05/2018 đánh dấu tròn một năm Emmanuel Macron chính thức nhậm chức tổng thống Pháp. Hôm qua 05/05, hàng chục ngàn người tuần hành tại Paris để phản đối các kế hoạch cải cách sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của tổng thống Macron.

Các nhà tổ chức cuộc tuần hành « Ngày hội chống Macron » cho biết có hơn 100.000 người tham gia tuần hành. Còn theo lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất, có khoảng 160.000 người tuần hành để yêu cầu tổng thống Macron ngưng cải cách. Tuy nhiên, cảnh sát Pháp cho rằng số người tham gia tuần hành trên thực tế chỉ bằng 1/4 con số phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất thông báo.

2.000 cảnh sát và hiến binh đã được điều động bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, nếu cuộc tuần hành trong ngày lễ Lao Động 01/05/2018 diễn ra trong bạo lực, thì các cuộc tuần hành chống tổng thống Macron hôm qua lại diễn ra không khí lễ hội. Sự cố đáng nói nhất là vụ chiếc xe của Đài phát thanh FranceInfo bị ném lựu đạn khói tại quảng trường Bastille khiến một cảnh sát bị thương nhẹ. AFP cho biết, có 8 người bị cảnh sát thẩm vấn.

Ngoài Paris, tuần hành còn diễn ra ở nhiều thành phố khác. Nhiều hiệp hội, nghiệp đoàn, đảng phái chính trị dự kiến tổ chức « ngày phản đối » 26/05/2018. Lãnh đạo đảng cực tả, ông Jean-Luc Mélenchon, người đối đầu mạnh nhất với tổng thống Macron, hôm qua kêu gọi hàng triệu người tham gia tuần hành nhằm tạo ra một « thay đổi lịch sử ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180506-phap-tuan-hanh-%C2%AB-ngay-hoi-chong-macron-%C2%BB

 

Nhật Bản và Trung Quốc nối lại

chương trình trao đổi giảng viên quốc phòng

Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tiếp tục chương trình trao đổi giảng viên quốc phòng sau 6 năm gián đoạn. Các quan chức Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết viện Nghiên Cứu Quốc Phòng của Nhật và đại học Quốc Phòng Trung Quốc dự kiến ​​chính thức khởi động lại chương trình trao đổi vào tháng 09/2018.

Nhiều sĩ quan của hai cơ sở trên sẽ tham dự một hội nghị quốc tế về học viện quân sự ở Tokyo. Theo đài NHK của Nhật, Tokyo có thể sẽ mời một giảng viên Trung Quốc giảng bài về các chính sách quốc phòng trong năm 2018.

Chương trình trao đổi song phương bắt đầu vào năm 1997, nhưng bị đình chỉ sau khi chính phủ Nhật Bản mua một số đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản vào năm 2012. Nhật Bản hiện kiểm soát các đảo ở biển Hoa Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc và Đài Loan.

Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng Nhật Bản kêu gọi nối lại chương trình trao đổi, sau khi thủ tướng Shinzo Abe và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý cải thiện quan hệ song phương tại thượng đỉnh hồi tháng 07/2017.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180506-nhat-ban-va-trung-quoc-noi-lai-chuong-trinh-trao-doi-giang-vien-quoc-phong

 

Bắc Triều Tiên khẳng định muốn đối thoại

không phải vì sức ép của Mỹ

Thùy Dương

Bắc Triều Tiên hôm nay 06/05/2018 kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt gây sức ép, đe dọa tấn công quân sự chống chế độ Bình Nhưỡng, vì những việc đó không giúp giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn chính thức KCNA, một phát ngôn viên xin ẩn danh của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên hôm nay tuyên bố rằng nếu Hoa Kỳ đánh giá sai ý muốn của Bình Nhưỡng trong việc tạo thuận lợi cho tiến trình tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và coi đây là một dấu hiệu của « sự yếu kém », thì điều này sẽ không góp phần thúc đẩy đối thoại, giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa.

Quan chức ngoại giao trên cũng phê phán Mỹ lừa dối công luận khi cho rằng ý định phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được ghi trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm tại thượng đỉnh liên Triều vừa qua là kết quả của các biện pháp trừng phạt và sức ép của Hoa Kỳ.

Bình Nhưỡng cũng tố cáo Washington « cố tình » gây hấn, khiêu khích Bắc Triều Tiên vào thời điểm bán đảo đang dần tiến tới hòa bình và hòa giải nhờ thượng đỉnh lịch sử hai miền nam-bắc và Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Quan chức ngoại giao Bắc Triều Tiên đánh giá hành động của Mỹ rất nguy hiểm, sẽ phá hủy không khí đối thoại vốn phải khó khăn lắm mới đạt được và có thể khiến các bên quay trở về vạch xuất phát.

Tuyên bố trên là một trong số những chỉ trích hiếm hoi của Bắc Triều Tiên nhắm vào Hoa Kỳ trong những tuần qua, vào lúc hai nước đang chuẩn bị cho một cuộc thượng đỉnh chưa từng có trong lịch sử.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180506-bac-trieu-tien-khang-dinh-muon-doi-thoai-khong-phai-vi-suc-ep-cua-my

 

Lần đầu tiên từ 9 năm qua, Liban bầu Quốc Hội

Hôm nay, 06/05/2018, hơn 3,7 triệu cử tri Liban được kêu gọi đi bỏ phiếu lựa chọn 128 dân biểu Quốc Hội, trong đó dân biểu Hồi Giáo và Cơ Đốc giáo có số lượng ngang bằng nhau. Đây là lần đầu tiên kể từ 9 năm qua, Liban mới tổ chức bầu Quốc Hội, do chiến tranh tại Syria và bất đồng giữa các phe phái chính trị Liban về luật bầu cử.

Thông tín viên Paul Khalifeh, từ Beyrouth, phân tích các thách thức địa chính trị và kinh tế đằng sau cuộc bầu cử ngày hôm nay.

« Cuộc bầu cử lập pháp này bao hàm những thách thức địa chính trị và kinh tế quan trọng, bởi vì đằng sau sự tranh đua giữa các đảng phái Liban là cuộc xung đột ảnh hưởng giữa Iran và Ả Rập Xê út.

Mục tiêu của phong trào Hezbollah thân Iran là tái khẳng định và củng cố tính chính đáng, được người dân bầu ra, vào thời điểm các căng thẳng trong khu vực gia tăng một cách nguy hiểm giữa một bên là Iran và bên kia là Hoa Kỳ , Ả Rập Xê Út và Israel. Đảng theo đạo Hồi hệ Shia này muốn tạo dựng một mạng lưới bảo vệ an toàn vượt qua mọi ngăn cách trong cộng đồng, để có thể trách được mọi ý đồ muốn cô lập họ về chính trị.

Về phần mình, thủ tướng Saad Hariri, thân Ả Rập Xê Út, theo hệ phái Sunni Hồi Giáo, muốn khẳng định lại vai trò lãnh đạo của ông, qua việc thành lập một khối nghị sĩ lớn nhất. Như vậy, ông sẽ đương nhiên là ứng viên vào chức thủ tướng và có thể thực hiện các khuyến cáo của cộng động quốc tế, vào lúc hội nghị quốc tế về Liban tại Paris, ngày 06/04, vừa hứa hẹn hỗ trợ Liban 11 tỷ đô la, chủ yếu dưới dạng cho vay.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180506-lan-dau-tien-tu-9-nam-qua-liban-bau-quoc-hoi