Tin khắp nơi – 05/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hoa Kỳ nói TQ bắn laser vào phi công

tại căn cứ ở Đông Phi

Hoa Kỳ đã chính thức than phiền với Trung Quốc về các vụ việc phi công bị bắn tia laser mà Hoa Kỳ cho là đến từ một căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti, Đông Phi.

Lầu Năm Góc cho biết đã yêu cầu Trung Quốc điều tra một số “sự cố vô cùng nghiêm trọng”.

Hoa Kỳ nói người Trung Quốc ở căn cứ ở phía đông châu Phi đã chiếu tia laser quân sự vào các phi công Mỹ đang hạ cánh.

Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?

Mỹ tính rút quân ở Nam Hàn, TQ sang thăm Bắc Hàn

Mỹ phản ứng việc TQ lắp tên lửa ở Biển Đông

Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc, cho rằng thông tin trên “không nhất quán với sự thật”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói các báo cáo đã được xác minh cẩn thận và Mỹ đã được thông báo rằng thông tin trên không đúng sự thật.

“Bạn có thể nhắc nhở những người có liên quan ở Mỹ nên chú ý đến sự thật và không đưa ra những cáo buộc vô căn cứ,” bà Hoa Xuân Oánh nói.

Động cơ không rõ ràng

Hoa Kỳ có căn cứ quân sự ở Djibouti trên vùng Sừng Châu Phi, được sử dụng cho các hoạt động chống khủng bố ở châu Phi và Trung Đông.

Năm ngoái, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở đây chỉ cách căn cứ của Mỹ vài cây số.

“Đây là những sự cố rất nghiêm trọng,” phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White nói với các phóng viên. “Chúng tôi đã chính thức đề cập với phía Trung Quốc và đã yêu cầu Trung Quốc điều tra những sự cố này.”

Bà White nói rằng Lầu Năm Góc chắc chắn rằng dù động cơ không rõ ràng, nhưng chắc chắn các tia laser do phía Trung Quốc bắn.

Trong vài tuần qua, khoảng 10 vụ việc như thế này đã xảy ra, bà cho biết.

Trong một vụ việc, hai phi công trên một chiếc máy bay chở hàng bị thương nhẹ ở mắt khi họ tiếp đất, các quan chức Mỹ cho biết.

Trước đó, Nhà Trắng đã có một phản ứng về việc trung Quốc lắp đặt các hệ thống tên lửa trên Biển Đông.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói hôm 3/5: “Chúng tôi biết rõ về tình trạng quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng tôi đã nêu rõ sự quan ngại trực tiếp với phía Trung Quốc về vấn đề này và rằng sẽ có hậu quả gắn hạn và dài hạn. “

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44014187

 

Hải quân Mỹ khôi phục Hạm đội Hai

để đối trọng với Nga

Hải quân Mỹ cho hay sẽ tái thiết lập Hạm đội Hai trong bối cảnh Nga đang ngày một hung hăng.

Đô đốc John Richardson, Chủ nhiệm Tác chiến Hải quân, nói hạm đội được giải thể năm 2011 này sẽ có quyền điều hành các lực lượng trên Bờ Đông Mỹ và Bắc Đại Tây Dương.

Ông nói Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ, được công bố hồi đầu năm nay, chỉ rõ kỷ nguyên cạnh tranh của các cường quốc trên thế giới đã trở lại.

Chiến lược này coi đối trọng với Nga và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.

Ham đội Hai, bị giải thể vì lý do tiết kiệm chi phí và cấu trúc nhân sự, sẽ đóng tại căn cứ cũ ở Norfolk, tiểu bang Virginia.

Đô đốc Harris ‘không ưa TQ’ làm đại sứ Mỹ ở Úc

Mua vũ khí: Việt Nam là khách hàng lớn của ai?

Hải quân Mỹ sa thải Tư lệnh Hạm đội 7

“Chiến lược Quốc phòng Quốc gia cho thấy rõ rằng chúng ta đã quay trở lại kỷ nguyên của cạnh tranh giữa các cường quốc trong lúc môi trường về an ninh trở nên ngày một phức tạp và nhiều thách thức,” Đô đốc Richardson nói trong một thông báo từ boong tàu USS George H W Bush ở Norfolk.

“Vì thế hôm nay, chúng ta tái lập Hạm đội Hai để đối phó với những thay đổi này, đặc biệt là ở vùng Bắc Đại Tây Dương.”

Đô đốc Richardson nói thêm hạm đội này sẽ “có quyền về tác chiến và hành chính đối với các tàu chiến, phi cơ và lực lượng bộ binh được giao.”

Hiện chưa có quyết định ai sẽ là chỉ huy trưởng và hạm đội sẽ gồm những thiết bị nào.

Hải quân Mỹ ra lệnh ‘tạm ngừng hoạt động’ sau vụ đâm tàu

USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế

Norfolk cũng được đề xuất là nơi đóng của Ban chỉ huy Lực lượng chung NATO khu vực Đại Tây Dương.

Các quan chức NATO nói Nga đã tăng các đợt tuần tra trên Biển Baltic, Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực, và các hoạt động tàu ngầm của Nga là ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi nhiều trong vài tháng qua trong bối cảnh có cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ, sự ủng hộ của Moscow cho Tổng thống Syria ông Bashar al-Assad và vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal mà Anh đổ cho Nga gây ra.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44015429

 

Korean Air:

Nhân viên biểu tình phản đối gia đình Cho

Hàng trăm nhân viên hãng hàng không Korean Air đeo mặt nạ xuống đường ở Seoul biểu tình phản đối gia đình điều hành hãng này hôm 4/5.

Những người qua đường cũng tham gia cùng hô khẩu hiệu yêu cầu vị chủ tịch hãng Korean Air, ông Cho Yang-ho, từ chức.

Một loạt vụ việc về cách cư xử tồi tệ đã đưa gia đình ông vào hàng những người siêu giàu tai tiếng nhất của Hàn Quốc.

Cựu lãnh đạo Korean Air xin lỗi tiếp viên

Hàng không Nhật và Hàn ‘cũng thấy tên lửa’

Korean Air kiên quyết xử lý hành khách gây rối

Trong vụ việc mới nhất, con gái út Cho Hyun-min của gia đình đã nổi nóng trong một cuộc họp.

Khi được cảnh sát tra hỏi hôm thứ ba 1/5, cô bác bỏ đã hất cốc nước vào mặt một người trong cuộc họp, nhưng thừa nhận cô đã đẩy người quản lý của một công ty quảng cáo.

Gia đình Cho bị chú ý nhiều đến từ hồi 2014 khi chị cả của cô Hyun-min, bà Hyun-ah, đã làm một chuyến bay bị hoãn chỉ vì một gói hạt các loại trên máy bay. Sau vụ “nổi điên vì hạt”, bà bị cho nghỉ việc và phải đi tù năm tháng.

Hồi đầu năm nay, bà Hyun-ah được cử vào một vị trí giám đốc khác, sau đó lại xin từ chức cùng cô em út mới đây.

Cảnh sát nói họ cũng đang điều tra các cáo buộc mẹ của hai người, bà Lee Myung-hee, đã bạo hành về lời nói và hành động.

Nhân viên hải quan đang điều tra tố giác rằng gia đình này trong nhiều năm đã dùng các chuyến bay của Korean Air để buôn lậu hàng xa xỉ phẩm vào Hàn Quốc và tránh thuế nhập khẩu.

“Chúng tôi không thể tiếp tục chấp nhận sự bạo hành của gia đình họ Cho nữa,” ông Park Chang-jin, một tiếp viên hàng không có liên quan đến vụ “nổi điên vì hạt” nói với các đồng nghiệp cùng tham gia biểu tình. “Gia đình Cho, hãy rời khỏi hãng!”

Một số người biểu tình mang theo cả hành lý và dường như đã tới thẳng cuộc biểu tình sau khi vừa hoàn thành chuyến bay, truyền thông địa phương đưa tin.

“Không khoan nhượng!” những người khác hô to.

Gia đình ông Cho Yang-ho (người cũng là chủ tịch Tập đoàn Hanjin, chủ sở hữu của hãng Korean Air) đã có lời xin lỗi về cách xử sự của gia đình mình, nhưng vụ scandal này có vẻ vẫn ngày một lớn.

Hàng loạt nhân viên hãng hàng không này đã tham gia một diễn đàn chat trên mạng để tố cáo những vụ việc họ cho là sai trái của gia đình Cho.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44015426

 

Chính quyền Trump quyết định

trục xuất 57.000 người Honduras

Chính quyền Trump hôm thứ Sáu cho biết sẽ chấm dứt những sự bảo vệ tạm thời dành cho những người nhập cư ở Mỹ đến từ Honduras vào ngày 5 tháng 1 năm 2020, khiến 57.000 người rơi vào diện bị trục xuất.

Đây là quyết định mới nhất trong một loạt các quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc đình chỉ Tư cách Được Bảo vệ Tạm thời (TPS) cấp cho những người nhập cư sau thiên tai hoặc xung đột bạo lực khiến họ không thể quay trở về quê hương một cách an toàn.

Chính phủ Honduras hôm thứ Sáu nói họ “hết sức lấy làm tiếc về việc hủy bỏ chương trình này” và cam kết hỗ trợ pháp lý và lãnh sự miễn phí cho người Honduras sinh sống ở Mỹ.

Marlon Tabora, đại sứ Honduras tại Mỹ, nói hiện đất nước Trung Mỹ này không có đủ điều kiện để ứng phó với việc hàng chục ngàn người hồi hương như vậy.

“Những gia đình này đã sống ở Mỹ suốt 20 năm và tái hội nhập họ sẽ không dễ dàng nếu họ quyết định trở về,” ông nói.

Sau El Salvador, Honduras là quốc tịch lớn thứ hai bị mất TPS, vốn được cấp cho nước này vào năm 1999 sau khi Bão Mitch tàn phá nặng nề.

Chính phủ Mỹ cho biết họ đã xét duyệt lại và nhận thấy “các điều kiện ở Honduras kể từ sau cơn bão đã cải thiện đáng kể.” Thời hạn 18 tháng để chấm dứt chương trình này sẽ cho phép “các cá nhân có TPS thu xếp rời đi hoặc tìm cách khác để nhập cư hợp pháp,” Bộ An ninh Nội địa nói trong một thông cáo.

Ủy ban Luật sư vì Dân quyền và Công lý Kinh tế, một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý đặt tại thành phố Boston, hôm thứ Sáu nói họ sẽ chỉnh sửa một đơn khiếu kiện pháp lý đệ trình vào tháng 2 để bao gồm những người Honduras bị ảnh hưởng. Đơn khiếu kiện ban đầu đã thách thức quyết định của chính quyền Trump chấm dứt một chương trình tương tự bảo vệ những người nhập cư đến từ Haiti và El Salvador.

Vào tháng 1, chính quyền Trump đã chấm dứt phân loại TPS đối với khoảng 200.000 người Salvador, những người đã được cho phép sống và làm việc tại Mỹ kể từ năm 2001. Tư cách của họ sẽ hết hạn vào năm 2019.

Chính quyền gần đây cũng đã chấm dứt chương trình dành cho người Nepal.

Những người chỉ trích TPS phàn nàn việc triển hạn liên tục khoảng thời hạn sáu đến 18 tháng, đôi khi kéo dài qua mấy thập niên, trên thực tế đã cho những người thụ hưởng tư cách thường trú nhân tại Mỹ.

Hồi tháng 11, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke đã ấn định hạn chót sáu tháng để đưa ra quyết định về TPS cho Honduras, một trong những nước bạo lực nhất ở Tây Bán cầu và gần đây đã rúng động vì các cuộc biểu tình phản đối sau cuộc bầu cử tổng thống. Bà Duke không còn nắm quyền và đã được thay thế bởi bà Kirstjen Nielsen.

Hầu hết các nước khác được xét duyệt lại TPS đều đã bị đình chỉ tư cách, ngoại trừ Syria, nước đang chìm trong cuộc nội chiến gây tàn phá.

Canada đã trở thành mục tiêu lựa chọn cho những người lo sợ bị trục xuất khỏi Mỹ. Năm ngoái, gần 10.000 người Haiti đã vượt biên bất hợp pháp vì lo ngại tư cách được bảo vệ tạm thời của họ ở Mỹ có thể bị đình chỉ.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-quyet-dinh-truc-xuat-57000-nguoi-honduras/4381045.html

 

Thẩm phán liên bang

chất vấn gay gắt Mueller vì săm soi Manafort

Một thẩm phán liên bang nói rằng Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller không nên có “quyền hạn không bị cản trở” trong việc điều tra các mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga, và cáo buộc ông Mueller sử dụng các vụ án hình sự để gây áp lực buộc các đồng minh của ông Trump trở mặt với ông.

Trong một phiên tòa căng thẳng tại tòa án liên bang ở bang Virginia hôm thứ Sáu, Thẩm phán T.S. Ellis III chất vấn gay gắt liệu ông Mueller có vượt quá thẩm quyền của mình trong việc đệ trình những cáo buộc khai khống thuế và gian lận ngân hàng đối với ông Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump hay không.

Ông Ellis nói bản cáo trạng dường như là một cách để ông Mueller ép ông Manafort cung cấp thông tin về ông Trump.

“Ông thực chất đâu có quan tâm đến ông Manafort,” thẩm phán nói. “Ông chỉ quan tâm đến những thông tin mà ông Manafort có thể cung cấp cho ông để dẫn tới ông Trump” và cuối cùng là truy tố hoặc luận tội ông ta.

“Ông sẽ khó lòng thuyết phục được tôi rằng công tố viên đặc biệt có quyền hạn không bị cản trở để làm bất cứ điều gì ông ta muốn,” ông Ellis, người được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm, phát biểu tại một phiên tòa nghe yêu cầu của ông Manafort bác bỏ các cáo buộc ở Virginia.

Ông Manafort, người từng làm quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump trong năm tháng, cũng đang đối mặt với các cáo buộc liên bang ở Washington, nơi ông bị buộc tội âm mưu rửa tiền và không đăng ký làm đại diện nước ngoài khi ông vận động hành lang cho chính phủ Ukraine thân Nga.

Michael Dreeben, phó trưởng luật sư tranh tụng làm việc với ông Mueller, lập luận rằng phạm vi điều tra của công tố viên đặc biệt bao gồm hoạt động được nêu trong bản cáo trạng.

Trong một thông tri ra ngày 2 tháng 8 năm 2017, Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã chấp thuận cho ông Mueller điều tra liệu ông Manafort có “phạm một tội hoặc các tội phát sinh từ các khoản thanh toán mà ông ta nhận được từ chính phủ trước đây của Ukraine và trong nhiệm quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych hay không.”

Cựu lãnh đạo Ukraine này đã bị truất quyền và chạy sang Nga vào tháng 2 năm 2014, hơn hai năm trước khi ông Trump tuyên bố ứng cử tổng thống.

Ông Trump đã hăm hở đọc to phát biểu của vị thẩm phán trước cử tọa trong một bài phát biểu trước Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) ở thành phố Dallas, nói rằng những phát biểu này giống như những quan điểm lâu nay của ông. Ông gọi ông Ellis là “một người rất đáng kính.”

“Tôi đã nói điều này từ rất lâu rồi. Đó là một cuộc săn lùng phù thủy (hàm ý truy bức chính trị),” ông nói về cuộc điều tra của ông Mueller về những liên hệ của ban vận động của ông với Nga và liệu họ có thông đồng với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 hay không.

Ông cũng giữ khoảng cách với ông Manafort, gọi ông này là người tốt nhưng nói “ông ta chỉ làm việc cho tôi trong một khoảng thời gian rất ngắn.”

Giọng điệu gay gắt trong phát biểu của thẩm phán có thể gây rắc rối cho luận cứ của ông Mueller chống lại ông Manafort và gây áp lực lớn hơn đối với ông Rosenstein kiềm chế cuộc điều tra Nga.

Nhưng một số chuyên gia pháp lý cảnh báo chớ suy diễn quá nhiều những phát biểu này.

Phiên tòa hôm thứ Sáu là lần thứ ba ông Manafort cố gắng yêu cầu thẩm phán bãi bỏ những cáo buộc nhắm vào ông. Một vụ kiện dân sự cáo buộc sắc lệnh của Bộ Tư pháp bổ nhiệm ông Mueller là quá rộng đã bị bãi bỏ vào tháng trước.

Ông cũng yêu cầu bác bỏ các cáo buộc hình sự ở Washington về các căn cứ pháp lý tương tự, nhưng chưa có phán quyết nào.

Ông Ellis không đưa ra phán quyết về đề nghị bác bỏ ngày thứ Sáu.

https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-lien-bang-chat-van-gay-gat-mueller-vi-sam-soi-manafort/4380997.html

 

Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp trên đà giảm

Tăng trưởng việc làm ở Mỹ tăng thấp hơn dự kiến trong tháng tư và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,9% từ mức 4,1% hồi tháng ba, theo phúc trình của Bộ Lao động ngày 4/5.

Đây là lần đầu tiên trong nửa năm qua, tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Tổng thống Trump ngày 4/5 bày tỏ vui mừng trước các con số thống kê mới cho thấy tình trạng thất nghiệp giảm. “Chúng ta đang tiến triển tốt,” ông nói.

Các nhà kinh tế dự báo từ đây tới cuối năm, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm xuống còn 3,5%.

Trong tháng qua, tỷ lệ những người muốn đi làm nhưng bỏ cuộc ngưng không tìm việc nữa và tỷ lệ những người làm việc bán thời gian vì không tìm được việc làm toàn thời gian cũng giảm xuống còn 7,8% từ con số 8% hồi tháng 3. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2001.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/my-ty-le-that-nghiep-tren-da-giam-/4378468.html

 

Trump đổi ý về cuộc thẩm vấn

với Công tố viên Mueller

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/5 thay đổi lập trường về cuộc nói chuyện có thể diễn ra với Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ông Trump nói luật sư của ông đã khuyên không nên gặp ông Mueller nhưng ông sẽ chấp nhận bị chất vấn nếu chất vấn đó là ‘công bằng’.

Trump từng nhiều lần tuyên bố muốn nói chuyện với ông Mueller, người cùng Đảng Cộng hòa với ông Trump và đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và khả năng Nga có sự thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump. Cả ông Trump lẫn Nga đều bác các cáo giác này.

“Tôi muốn nói. Không ai muốn nói nhiều hơn tôi… vì chúng tôi không có làm gì sai,” ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

“Nhưng tôi phải tìm ra cách nào đó để mình được đối xử công bằng.”

“Nếu tôi cho rằng nó công bằng thì tôi sẽ không nghe theo lời của luật sư,” ông nói thêm.

Trump cũng bảo vệ cho ông Rudy Giuliani, người mới được ông chỉ định để đại diện cho ông trong vụ việc. Trong một loạt các cuộc phỏng vấn tuần này, ông Giuliani, một cựu công tố viên liên bang, đã khơi dậy những thắc mắc về hành động và động cơ của ông Trump.

Ngày 3/5, ông Giuliani nói bất kỳ cuộc phỏng vấn nào của Công tố viên Đặc biệt Mueller với Tổng thống Trump đều phải có giới hạn.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-%C4%91%E1%BB%95i-%C3%BD-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%99c-th%E1%BA%A9m-v%E1%BA%A5n-v%E1%BB%9Bi-c%C3%B4ng-t%E1%BB%91-vi%C3%AAn-mueller/4378458.html

 

Dự luật ngân sách quốc phòng Mỹ

nhắm mục tiêu Nga, Trung

Các thành viên trong Hạ viện Mỹ ngày 4/5 công bố chi tiết về dự luật chính sách quốc phòng thường niên trị giá 717 tỷ đô la, bao gồm các nỗ lực cạnh tranh với Nga và Trung Quốc và một biện pháp nhằm tạm ngưng bán võ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ủy ban Quân vụ Hạ viện tuần tới sẽ thảo luận về Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng (NDAA), vốn cho phép mức chi tiêu quốc phòng và đề ra chính sách kiểm soát việc sử dụng ngân quỹ.

Dự luật sẽ được công bố vào tuần tới, nhưng các nghị sĩ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa cho biết nội dung tóm tắt như sau:

Về vấn đề Nga

NDAA cho năm tài khóa 2019 có các điều khoản như ban hành cấm vận mới lên ngành công nghiệp võ khí của Nga để đáp lại các vi phạm hiệp ước, cấm hợp tác giữa quân đội với quân đội, và cấp thêm quỹ cho cuộc chiến trên mạng.

Tuy nhiên, dự luật cũng có quy định cho phép Tổng thống Trump chấm dứt một vài chế tài đối với Nga có trong văn kiện luật mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm ngoái bất chấp sự phản đối của ông Trump.

Về vấn đề Trung Quốc

Dự luật bao gồm các điều khoản như cải thiện khả năng quốc phòng của Đài Loan và cấm bất kỳ cơ quan nào của chính phủ Mỹ dừng công nghệ ‘đầy rủi ro’ của tập đoàn Công nghệ Huawei và tập đoàn ZTE, hai công ty được mô tả là có liên hệ với bộ máy tình báo của đảng cộng sản Trung Quốc.

Dự luật cũng yêu cầu Ngũ Giác Đài cung cấp cho Quốc hội báo cáo về mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ ngưng không cho bán thiết bị quốc phòng chính yếu cho nước này cho tới khi nào có phúc trình hoàn tất.

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cuộc chiến của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo nhưng ngày càng tỏ ra quan ngại về việc Mỹ hậu thuẫn cho các chiến binh người Kurd ở Syria.

Còn phải thêm nhiều bước nữa dự luật NDAA mới có thể trở thành luật. Phiên bản cuối cùng của dự luật này sẽ xuất phát từ sự thương lượng, thảo luận giữa Hạ và Thượng viện.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/du-luat-ngan-sach-quoc-phong-my-nham-muc-tieu-nga-trung-/4378457.html

 

Mỹ-Hàn bàn về thượng đỉnh Mỹ-Triều

Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đang có mặt ở Washington để gặp người đồng cấp phía Mỹ John Bolton trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Reuters dẫn lời các quan chức ở Washington và Seoul cho hay.

Chuyến thăm này diễn ra theo yêu cầu của phía Mỹ để thảo luận những vấn đề có liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, một quan chức phủ Tổng thống Hàn Quốc nói với các phóng viên hôm thứ Sáu 4/5.

Quan chức giấu tên này cũng cho biết phía Mỹ đã yêu cầu chuyến thăm này được giữ bí mật do tính chất những vấn đề sẽ được thảo luận tại cuộc gặp. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp phía Mỹ đã xác nhận chuyến thăm này của ông Chung và cuộc gặp với ông John Bolton.

Seoul đã phối hợp chặt chẽ với Washington trong nỗ lực kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên với việc giảm nhẹ căng thẳng trong những tháng gần đây sau những lời đe dọa chiến tranh của Triều Tiên và Tổng thống Trump.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều hôm 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết hướng đến ‘phi hạt nhân hóa hoàn toàn’ trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên nói họ sẵn sàng thảo luận về việc phi hạt nhân hóa và từ bỏ chương trình hạt nhân của mình miễn là an ninh của chế độ nhà Kim được đảm bảo

Tổng thống Moon cũng đã trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc. Theo đó, ông Moon nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của Trung Quốc là rất quan trọng đối với việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài.

Hai nhà lãnh đạo Moon và Tập đã đồng ý hợp tác trong quá trình ký hiệp định hòa bình để chấm dứt tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên, vẫn theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

Trong số các vấn đề cần quyết định trước cuộc gặp Trump-Kim là thời gian và địa điểm của cuộc gặp. Ông Trump đã đề xuất tổ chức cuộc gặp, vốn dự trù được diễn ra vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu, tại làng Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, nơi ông Moon đã gặp ông Kim.

Ngày 4/5, ông Trump loan báo ngày giờ và địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã được ấn định và sẽ sớm được công bố.

Cùng ngày, Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 22/5 tới đây và đôi bên sẽ thảo luận về thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-h%C3%A0n-b%C3%A0n-v%E1%BB%81-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-m%E1%BB%B9-tri%E1%BB%81u-/4378445.html

 

Binh sĩ Israeli bắn đạn thật vào người biểu tình Palestine,

1,100 người bị thương

Gaza. (Reuters)- Binh sĩ Israel bắn đạn thật và xịt hơi cay vào đám đông người biểu tình Palestine ở biên giới Gaza (sau khi bạo lực bùng nổ tại đây), khiến khoảng 1,100 người biểu tình bị thương.

Viên chức y tế cho biết có khoảng 82 người bị thương vì trúng đạn thật, 800 người khác được điều trị tại chỗ vì hít phải hơi cay. Những người còn lại bị thương trong lúc tìm cách trèo qua hàng rào biên giới, nơi người Palestine dựng lều trại vào ngày 30 tháng 3 để đòi trở về nhà cũ. Nhiều thanh niên lẫn thiếu niên Palestine đốt cháy vỏ xe rồi lăn về phía hàng rào biên giới, rồi tận dụng những làn khói đen dày đặc để ném đá về phía binh sĩ Israel, hoặc để trốn tránh những tay súng bắn tỉa của Israel.

Reuters cho biết trong tháng 4, binh sĩ Israel bắn đạn thật giết chết ít nhất 43 người biểu tình. Một nhóm thanh niên lẫn thiếu niên cho biết họ sử dụng súng cao su bắn hạ 2 máy bay không người lái do thám của Israel. Trong một tuyên bố, quân đội nước này xác nhận họ bị mất 2 máy bay không người lái, và nói thêm rằng người biểu tình nổi loạn, phá hỏng các đường ống dẫn nhiên liệu từ Israel tới Dải Gaza, gây cháy nổ ở Kerem Shalom.

Khi bị cộng đồng thế giới chỉ trích vì sử dụng đạn thật để đối phó với người biểu tình, quân đội Isarel nói rằng họ chỉ bảo vệ biên giới, và chỉ nổ súng khi người biểu tình ném bom xăng và chất nổ về phía họ. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/binh-si-israeli-ban-dan-that-vao-nguoi-bieu-tinh-palestine-1100-nguoi-bi-thuong/

 

Pháp : Chủ tịch tập đoàn từ chức,

Air France gặp khủng hoảng

Thanh Phương

Hôm qua, 04/05/2018, chủ tịch tổng giám đốc Air France – KLM, , Jean-Marc Janaillac đã từ chức, đẩy tập đoàn hàng không này vào khủng hoảng, với nguy cơ mất thêm thị phần tại thị trường châu Âu cạnh tranh ác liệt.

Ông Janaillac đã từ chức sau khi đa số nhân viên Air France bỏ phiếu chống thỏa thuận về lương bổng mà ban giám đốc đề nghị. Tuy cuộc bỏ phiếu này không có giá trị pháp lý, nhưng chủ tịch tổng giám đốc Air France – KLM cho rằng ông đã bị mất tín nhiệm, không thể tiếp tục giữ chiếc ghế lãnh đạo. Năm nay 65 tuổi, ông Janaillac đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo tập đoàn Pháp – Hà Lan Air France – KLM từ tháng 7/2016.

Chủ tịch tổng giám đốc Air France – KLM từ chức vào đúng ngày đình công thứ 13 ( kéo dài từ tháng 2 ) của nhân viên Air France. Theo thông báo của Air France- KLM, 13 ngày đình công đã gây thiệt hại khoảng 300 triệu euro cho tập đoàn hàng không này. Trong khi đó, đến hôm qua, các cuộc thương lượng giữa ban giám đốc với các công đoàn vẫn gặp bế tắc cả về vấn đề lương bổng lẫn các vấn đề khác.

Như vậy là Air France – KLM lâm vào khủng hoảng vào lúc tập đoàn này đang đối đầu với sự cạnh tranh ác liệt từ các hãng hàng không vùng Vịnh và các hãng hàng không giá rẻ. Đó là chưa kể sự cạnh tranh từ hai tập đoàn châu Âu Lufthansa ( Đức ) và IAG ( công ty mẹ của Iberia và Vueling của Tây Ban Nha, British Airways của Anh và Aer Lingus của Ireland ).

Theo nhận định của ông Marc Rochet, lãnh đạo của hai hãng hàng không Air Caraibes và French Bee, vụ từ chức của ông Janaillac là « một trận sóng thần » đối với Air France. Theo các nhà quan sát, Air France cần phải có một kế hoạch phát triển mới nhằm thoát ra khỏi vị thế suy yếu như hiện nay, bởi vì các đối thủ sẽ nhân tình hình này để gia tăng cạnh tranh với hãng hàng không Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20180505-phap-chu-tich-tap-doan-tu-chuc-air-france-gap-khung-hoang

 

Tổng thống Iran đối diện nhiều thách thức

liên quan đến thỏa thuận hạt nhân

Tehran, Iran. (Reuters) – Phe bảo thủ tại Iran đang chuẩn bị gây áp lực lên Tổng Thống Hassan Rouhani, nếu Hoa Kỳ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc phương Tây, theo giới phân tích suy đoán.

Tổng Thống Donald Trump đã đe dọa sẽ hủy bỏ hiệp ước 2015, bằng cách không gia hạn lệnh miễn trừng phạt đối với Iran khi lệnh này hết hạn vào ngày 12 tháng 5, nếu Anh, Pháp, và Đức không điều chỉnh các lỗ hổng trong hiệp ước. Điều này có thể làm tái diễn cuộc cạnh tranh chính trị trong nội bộ Iran, quốc gia có cấu trúc quyền lực phức tạp. Việc hiệp ước bị hủy bỏ có thể khiến cán cân quyền lực tại Iran nghiêng về phe bảo thủ, vốn luôn muốn kềm chế Tổng Thổng Rouhani, một người có lập trường tương đối ôn hòa, và muốn mở cửa với phương Tây.

Theo một viên chức ẩn danh của Iran, hiện nay, khi mọi sự chú ý đang dồn về ông Trump, chính phủ Tehran có vẻ khá hòa thuận. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng trôi qua, phe bảo thủ sẽ cố làm suy yếu và tấn công tổng thống. Đối với ông Rouhani, nếu hiệp ước thất bại, uy tín chính trị của ông có thể sẽ bị suy giảm, và mọi hy vọng về việc cải tổ Iran sẽ tan biến.

Nhiều nước phương Tây đã cố gắng thuyết phục ông Trump không hủy bỏ hiệp ước, vì họ vẫn muốn duy trì giao thương với Iran. Ngoài ra, theo một số viên chức Iran, cho dù ông Trump có hủy hiệp ước, nếu Tehran vẫn không bị cách ly với hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu, nước này vẫn có thể cân nhắc tiếp tục thực hiện thỏa thuận. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-iran-doi-dien-nhieu-thach-thuc-lien-quan-den-thoa-thuan-hat-nhan/

Tây Ban Nha không nhượng bộ

dù lực lượng ly khai ETA giải thể

Thanh Hà

Ngày 04/05/2018, Tây Ban Nha đã khép lại một trang sử đen tối sau sự kiện tổ chức ly khai của người Basque ETA chính thức thông báo giải thể. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy từ chối đến dự buổi lễ ở Cambo –les –Bains. Madrid khẳng định tư pháp tiếp tục điều tra và xét xử những tội ác của ETA trong 60 năm hoạt động làm hơn 850 người thiệt mạng.

Thông tín viên đài RFI François Musseau  từ Madrid:

“Không có chuyện giải thể ETA, tổ chức này đã không chọn lấy giải pháp đó. Nền dân chủ Tây Ban Nha đã đánh gục tổ chức này”. Trên đây là tuyên bố của thủ tướng Mariano Rajoy sau buổi lễ được ETA tổ chức tại thị trấn Cambo-les-Bains trên lãnh thổ Pháp ngày hôm qua.

Thủ tướng Tây Ban Nha không tham dự buổi lễ này vì theo ông, có mặt tại Cambo-les-Bains như thể là nhìn nhận đường lối đấu tranh đẫm máu và phạm pháp của lực lượng vũ trang Basque.

Chưa bao giờ ông Rajoy để ý đến việc ETA thông báo buông súng hồi tháng 4/2017 hay việc tổ chức này vào tháng trước đã lên tiếng xin lỗi vì một phần những tội ác đã diễn ra trong nhiều thập niên qua.

Tương tự như vậy, thủ tướng Rajoy cũng đã không xem đối thoại của ETA với các nhà trung gian quốc tế là một sự kiện quan trọng. Ông chỉ nhìn nhận rằng, việc ETA giải thể là ‘một tin vui’ và điều đó có nghĩa là tổ chức này đã’ thất bại trong 60 năm hiện hữu’.

Điều quan trọng giờ đây là chính quyền trung ương xử lý như thế nào về trường hợp 297 tù nhân Basque. Chủ tịch vùng Basque, Inigo Urkullu, một người có đường lối dân tộc chủ nghĩa ôn hòa, thiên về giải pháp đưa các tù nhân này về những trại tù trên lãnh thổ Basque hay vùng gần khu vực này, một khi mà ETA không còn tồn tại.

Trước mắt Mariano Rajoy không tỏ dấu hiệu khoan nhượng. Không có chuyện lùi bước hay áp dụng những biện pháp nhân đạo trên hồ sơ này. Dù vậy có khả năng là trong một vài tuần lễ tới, thủ tướng Tây Ban Nha sẽ phải nhượng bộ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180505-tay-ban-nha-quyet-khong-nhuong-bo-cho-du-luc-luong-ly-khai-basque-eta-da-giai-the

 

Thái Lan :

Sinh viên biểu tình đòi tổ chức sớm bầu cử Quốc Hội

Hôm nay, 05/05/2018, tại Bangkok, Thái Lan, diễn ra cuộc tập hợp của sinh viên đòi chính quyền tổ chức bầu cử Quốc Hội ngay trong năm nay. Cuộc tập hợp này được chính quyền quân sự cho phép, với điều kiện người biểu tình không được ra khỏi khuôn viên học xá. Trong quá khứ các cuộc biểu tình của sinh viên tại Thái Lan đã từng dẫn đến xô xát với cảnh sát.

Thông tín viên Arnaud Dubus cho biết thêm chi tiết :

Cuộc biểu tình diễn ra vào chiều tối bên trong khu học xá Thammasat, một địa điểm mang tính biểu tượng của các cuộc tập hợp vì dân chủ tại Thái Lan. Cuộc mít tinh này được cảnh sát cho phép với điều kiện những người biểu tình không ra khỏi khuôn viên khu học xá. Người biểu tình cũng đã hứa không diễu hành ngoài phố.

Tháng 5 này đánh dấu kỷ niệm 4 năm xảy ra cuộc đảo chính 2014 của giới tướng lĩnh lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawtra. Thái Lan đang trải qua thời kỳ độc tài quân sự dài nhất kể từ gần nửa thế kỷ qua. Các sinh viên phẫn nộ dự trù tổ chức một loạt các cuộc biểu tình trong những tuần tới.

Họ đòi tổ chức bầu cử sớm nhất có thể, vì cho rằng thời điểm bầu cử vào tháng 2/2019 do chính quyền quân sự ấn định là không thể chấp nhận được. Họ cũng đòi chính phủ quân sự tuân thủ vai trò của một chính phủ lâm thời, không được đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến tương lai đất nước.

Về phần chính quyền, lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Prayuth Chan Ocha ngày càng lộ rõ quyết tâm lãnh đạo đất nước sau tuyển cử.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180505-thai-lan-sinh-vien-bieu-tinh-doi-to-chuc-som-bau-cu-quoc-hoi

 

Nhiều công ty Hà Lan

bị điều tra vì tham gia xây cầu Crimée

Hôm nay, 05/05/2018, cây cầu vượt biển Crimée chính thức thông xe đợt đầu. Công trình cầu  dài 19 km bắc  qua eo biển Kertsch nối liền Crimée với nước Nga. Dự án được tổng thống Nga Vladimir Putin  khởi xướng sau khi sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014. Với chi phí lên tới 4 tỷ euro, công trình cầu Crimée thu hút sự tham gia của rất nhiều công ty, trong đó có các công ty Hà Lan, bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu.  Tư pháp Hà Lan đã mở điều tra về các công ty bị tình nghi nói trên.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Benazet, tường trình :

Bảy công ty Hà Lan có thể đã tham gia vào công trình xây dựng cầu Crimée, mặc dù mọi đầu tư vào bán đảo này đều nằm trong lệnh cấm của Liên Hiệp Châu Âu. Các công ty Hà Lan trên bị nghi ngờ đã cung cấp, lắp đặt, bảo dưỡng máy móc cũng như thiết bị phục vụ công trình cầu.

Chẳng hạn như một trong số các công ty đó vào năm 2016 đã cung cấp máy đóng cọc thủy lực dùng để xây trụ cầu. Trong vùng địa chất không ổn định như eo biển Kertsh, cần phải đào sâu tới 56 mét để chôn hàng trăm trụ cầu.

Giám đốc công ty này khẳng định thiết bị của họ chỉ được sử dụng trong phần công trình xây bên nước Nga. Nhưng lập luận này có thể bị bác bỏ trong một phiên tòa nếu diễn ra.

Tòa án Tư pháp châu Âu nhận định cây cầu này xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ Ukraina và chính phủ Hà Lan vẫn lên án mọi hành động nhằm mặc nhiên bình thường hóa tình hình.

Các công ty vi phạm trên có nguy cơ bị phạt 820 nghìn euro và lãnh đạo của họ có thể bị mức án 6 năm tù, cùng với khoản tiền phạt có thể lên tới 82.500 euro.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180505-nhieu-cong-ty-ha-lan-bi-dieu-tra-vi-tham-gia-xay-cau-crimee

 

Đức : Biểu tình chống đặt tượng Karl Marx

Thanh Phương

Hôm nay, 05/05/2018, nước Đức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx, nhưng di sản của nhà triết học Đức này vẫn còn gây nhiều tranh cãi, gần 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, thể hiện qua các cuộc biểu tình chống việc dựng tượng tác giả «Tư bản luận» tại sinh quán của ông.

Theo hãng tin AFP, ít nhất 600 sự kiện triển lãm, kịch, hội thảo, hòa nhạc được tổ chức hôm nay tại Trier, thành phố nằm gần Pháp và Luxembourg, nơi mà Karl Marx đã chào đời ngày 05/05/1818. Những hoạt động này nhằm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật mà tư tưởng đã được dùng làm nền tảng cho chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng có một sự kiện sẽ làm xáo trộn kỷ niệm ngày sinh của Karl Marx, đó là lễ khánh thành bức tượng bằng đồng của nhà triết học Đức, cao 5,5 mét, quà tặng của Trung Quốc, quốc gia vẫn còn theo chế độ cộng sản. Bức tượng này gây bất bình cho nhiều người tại Đức, quốc gia từng bị chia đôi trong nhiều thập niên và bên Đông Đức cộng sản, người dân từng bị đàn áp khốc liệt.

Các hiệp hội nạn nhân của cộng sản và đảng cực hữu Đức tổ chức nhiều cuộc biểu tình hôm nay tại Trèves để phản đối việc vinh danh Karl Marx, mà họ xem là cha đẻ của các chế độ cộng sản toàn trị.

Về phần thị trưởng Trier, Wolfram Leibe, trả lời AFP, ông bác bỏ những lời chỉ trích rằng ông đã nhận bức tượng Karl Marx để lấy lòng du khách và nhà đầu tư Trung Quốc.

Hiện nay trên thế giới chỉ còn vài nước theo chế độ cộng sản, như Trung Quốc và Việt Nam. Hôm qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố là Trung Quốc « sẽ tiếp tục giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Marx ». Còn tại Việt Nam, chủ tịch Trần Đại Quang trong một bài viết đăng trên mạng ngày 02/04 cũng cho rằng, đối với Việt Nam, « chủ nghĩa Mác- Lênin đã trở thành sức mạnh vật chất và di sản tinh thần quý báu, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc ta ».

Theo AFP, hơn 130 năm sau khi Karl Marx qua đời tại Luân Đôn năm 1883, tác giả « Tư bản luận » vẫn là một trong những nhà trí thức được bình luận nhiều nhất. Gần đây nhất, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, một số người đã sử dụng những tư tưởng của Marx để chỉ trích hệ thống kinh tế tư bản.

Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier, thuộc đảng Dân chủ Xã hội SPD, hôm thứ năm vừa qua đánh giá Karl Marx vẫn là « một nhà tư tưởng lớn ». Theo tổng thống Đức, « chúng ta không nên sợ Marx, nhưng cũng không nên dựng tượng vàng cho ông. Nói tóm lại : Marx phải vẫn là một nhân vật gây tranh cãi ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180505-duc-bieu-tinh-chong-buc-tuong-karl-marx

 

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn bế tắc

Thanh Phương

Hôm qua, 04/05/2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kết thúc 2 ngày đàm phán tại Bắc Kinh nhưng vẫn chưa giải quyết được bất đồng thương mại chủ yếu giữa hai nước. Chỉ còn chưa tới 3 tuần nữa là Washington sẽ áp thuế hải quan lên hàng chục tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ. Hôm nay, phái đoàn đàm phán của Mỹ gặp tổng thống Donald Trump để báo cáo về kết quả đàm phán ở Bắc Kinh.

Trong một thông cáo ra hôm qua (04/05), Nhà Trắng cho biết phái đoàn cao cấp của Mỹ đã có các cuộc thảo luận «thẳng thắn» với phía Trung Quốc về việc tái cân bằng lại quan hệ kinh tế song phương Mỹ-Trung, về việc cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và về vấn đề Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.

Cuộc đàm phán đã diễn ra trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang đến gần, vì ngày 22/05 tới, Washington dự trù sẽ áp thuế hải quan lên 50 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ và Bắc Kinh đã tuyên bố sẵn sàng trả đãa bằng cách đánh thuế trên 50 tỷ đôla hàng hóa của Mỹ nhập vào thị trường Trung Quốc.

Tuy vậy, sau 2 ngày đàm phán ở Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã, « hai bên chỉ đạt vài đồng thuận trên một số điểm, và nhìn nhận còn những bất đồng rất lớn trên một số vấn đề ».

Đúng là phía Hoa Kỳ đã đưa ra yêu cầu rất cao. Theo tài liệu đàm phán mà hãng tin Bloomberg News đọc được, chính quyền Trump đòi phía Trung Quốc từ đây đến năm 2020 phải cắt giảm ít nhất 200 tỷ đôla thâm thủng trong trao đổi mậu dịch hàng năm giữa hai nước ( 375 tỷ đôla năm 2017 ). Trong khi đó, ban đầu mục tiêu  Nhà Trắng thông báo là 100 tỷ. Phái đoàn Mỹ còn đưa ra những điều kiện khác mà phía Trung Quốc rất khó chấp nhận.

Theo AFP, báo chí chính thức của Trung Quốc hôm qua không nói nhiều về đàm phán thương mại với phái đoàn Mỹ, mà chỉ tập trung nhiều vào phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi Karl Marx nhân 200 năm ngày sinh của nhà triết học Đức, tác giả của «Tư bản luận».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180505-dam-phan-thuong-mai-my-trung-van-be-tac

 

Donald Trump hứng bão « Stormy » tại Nhà Trắng

Minh Anh

Cơn bão « Stormy Daniels » làm chủ nhân Nhà Trắng lao đao; Làn sóng #Metoo và vụ tai tiếng tình dục Weinstein tiếp tục gây thêm nhiều nạn nhân mới; Giới trẻ Pháp thờ ơ với kỷ niệm 50 năm phong trào phản kháng sinh viên mùa xuân tháng 5/1968 và Gibson, dù phá sản nhưng tiếng đàn vẫn rộn rã. Trên đây là chủ đề chính của Tạp Chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Tại trời Mỹ, mọi cặp mắt giờ đang đổ về Nhà Trắng và tự hỏi : Chủ nhân Nhà Trắng làm thế nào chống chọi với cơn bão « Stormy Daniels » ? Hôm thứ Tư 02/05, luật sư mới của ông là Rudy Giuliani tiết lộ Donald Trump đã hoàn trả tiền cho Michael Cohen… Vị cựu luật sư này trước đó cho biết đã chi cho cô đào bốc lửa « phim khiêu dâm » một số tiền 130.000 đô la nhằm mua sự im lặng của cô về mối quan hệ của cô với ông Donald Trump.

Những tuyên bố này đã được tổng thống Mỹ hôm thứ Năm 03/05 xác nhận và còn nêu rõ đó là số tiền chi hàng tháng. Vấn đề là từ trước đến giờ, ông Donald Trump luôn chối bỏ sự việc, khẳng định không hay biết gì về vụ chi trả này. Theo tường thuật của thông tín viên Anne Corpet từ Washington, những phát biểu trái ngược nhau này của tổng thống Mỹ đang gây xáo trộn tại Nhà Trắng:

« Nhiều cố vấn dường như bị bất ngờ bởi các tuyên bố của vị luật sư của tổng thống, cũng như các tweet của chính tổng thống. Theo nhóm cố vấn, việc luật sư Rudy Giuliani lên truyền hình phát biểu không nằm trong chiến lược được soạn thảo. Trên truyền hình, luật sư Rudy Giuliani đã tiết lộ là Donald Trump đã thanh toán khoản tiền 130 000 đô la được chi trả trước đó cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, 03/05 tại Nhà Trắng, phát ngôn viên Sarah Sanders đã cực kỳ vất vả trước các câu hỏi của các nhà báo. Bà nói : Tôi đã cung cấp cho các vị tất cả những thông tin mà tôi có lúc đó và tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Một nhà báo khác vặn hỏi : Tại sao bà không trả lời là có hay không ? Bà Sanders tiếp tục nhắc lại : Tôi nghĩ rằng câu trả lời của tôi rất đơn giản. Tôi đã cung cấp cho các vị tất cả những thông tin mà tôi có và tôi sẽ cố gắng làm việc này tốt nhất mỗi ngày.

Câu trả lời : « Tôi sẽ cố gắng làm việc này tốt nhất » cho thấy sự bối rối của nhóm cố vấn tổng thống. Họ đã không thể ngăn chặn được những phát biểu, các tweet tùy hứng của tổng thống.

Trong các tweet, Donald Trump nói rõ là tiền mà ông trả không phải lấy từ quỹ vận động tranh cử. Nhưng đây là một hướng thăm dò, điều tra của tư pháp và tổng thống vẫn tiếp tục khẳng định là ông không có quan hệ gì với Stormy Daniels. Điều này lại càng khó hiểu : tại sao lại chi tới 130 000 đô la nếu không có chuyện gì xẩy ra.

Tóm lại, với các phát biểu của vị luật sư mới của tổng thống, với tràng twitt của tổng thống, vụ Stormy Daniels rõ ràng lại được dấy lên và điều này xẩy ra trong lúc Donald Trump đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn của công  tố viên Mueller, trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ».

Nạn nhân của « #Metoo » rơi rớt như lá mùa thu

Nếu như chủ Nhân Nhà Trắng đang phải vất vả với cơn bão « Stormy Daniel », thì danh sách các nạn nhân « không ngờ đến » của làn sóng ngầm « #Metoo » tiếp tục dài thêm. Bất ngờ lớn nhất cho đến lúc này là vụ tai tiếng tình dục tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển, nơi trao giải thưởng Nobel văn học danh giá hàng năm.

Các tiết lộ về những vụ xâm hại tình dục và biển thủ công quỹ đã làm chao đảo viện hàn lâm được cho là có « uy tín » nhất thế giới. Kết quả là sau nhiều tháng ầm ĩ, Viện Hàn lâm Thụy Điển thứ Sáu 04/05/2018 thông báo tạm ngưng trao giải Nobel Văn học một năm.

Trong xu hướng này, thông tín viên RFI, Eric de Salve tại San Francisco cho biết là Viện Điện Ảnh Oscar hôm thứ Năm 03/05 cũng vừa ra thông báo khai trừ ngôi sao truyền hình Bill Cosby, bị kết tội xâm hại tình dục và đạo diễn gạo cội Roman Polanski, sau khi ông thừa nhận đã có quan hệ tình ái bất chính với một bé gái vị thành niên 13 tuổi cách nay 40 năm.

« Trong bối cảnh phong trào Me Too và sau vụ bê bối Harvey Weinstein, có hai nhân vật làm cho viện Oscar khó xử.

Người thứ nhất là Bill Cosby, 80 tuổi, ngôi sao truyền hình bị hạ bệ, đã bị kết án xâm hại tình dục, hôm thứ Năm 26/4, sau khi đương sự bị khoảng một chục phụ nữ tố cáo những vụ việc xẩy ra trong suốt 30 năm qua. Trước đó, nhân vật đóng vai người cha lý tưởng trong bộ phim truyền hình nhiều tập The Bill Cosby Show, đã bị trục xuất khỏi viện khoa học và nghệ thuật truyền hình Mỹ.

Người thứ hai là Roman Polanski, có quá khứ không phù hợp lắm với bầu không khí chống sách nhiễu tình dục ở Hollywood hiện nay. Năm 1977, ông đã bị kết án về tội quyến rũ trẻ vị thành niên và nhà làm phim người Ba Lan đã phải trốn khỏi Hoa Kỳ trước nguy cơ bị tống giam. Nếu không có thỏa thuận hòa giải với nạn nhân, Polanski có thể đã bị kết tội hãm hiếm trẻ vị thành niên dưới tác động của ma túy.

Sau khi Weinstein bị khai trừ khỏi viện Oscar hồi tháng 10 năm ngoái trong bối cảnh vụ sách nhiễu tình dụng gây tai tiếng khắp nơi trên thế giới, Cosby và Polanski cũng đã bị trục xuất sau cuộc bỏ phiếu của ban điều hành viện Oscar, hôm thứ Ba, 01/05. Quyết định trục xuất này được đưa ra 40 năm sau khi xẩy ra vụ việc. Theo một số bình luận trên mạng xã hội, thì quyết định này hơi muộn màng. »

Giới trẻ Pháp : Sự kiện tháng 5/1968 là chuyện đã xa rồi !

Ngày 03/05/1968 là ngày mang tính biểu tượng và trùng hợp với lúc cảnh sát chống bạo động CRS đến giải tán trường Sorbonne và sự kiện này châm ngòi thuốc nổ. Vài ngày sau đó, các trường trung học lần lượt nối đuôi theo phong trào phản kháng của sinh viên Pháp.

Năm mươi năm sau, sự kiện năm đó còn đọng lại chút gì ở giới trẻ ngày nay ? Trong không khí kỷ niệm 50 năm sự kiện tháng 5/1968, phóng viên đài RFI, William de Lesseux, có dịp phỏng vấn hỏi cô cậu học trò trường trung học Claude Bernard, trong quận 16 ở Paris.

Chính ngôi trường này vào ngày 10/05/1968 đã bị chiếm đóng để rồi phong trào lan dần sang các trường khác trong khu phố. Năm mươi năm trôi qua, địa điểm vẫn như cũ, nhưng với lớp học trò ngày nay, tháng 5/1968 đã xa và xưa lắm rồi.

Yassim Belkeida, học lớp 9 cho rằng thầy giáo môn sử sẽ chẳng có thì giờ để nói đến sự kiện này : « Trong chương trình có quá nhiều thứ để học, tôi không nghĩ là thầy giáo có thể đề cập tới ». Số khác thì cho biết có nghe đến phong trào tháng 5/1968, đơn giản đó chỉ là một giai đoạn có rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra, còn vì sao thì không hiểu …

Đâu đó vẫn có một số ít em học sinh thích tìm hiểu về chính trị nên có quan tâm đến sự kiện này, nhưng không phải qua chương trình học, mà là trên báo đài như cậu học sinh lớp 11, Maxime Porteos:

« Triết lý trong các thông điệp hồi tháng Năm 68 đã hoàn toàn trở nên lỗi thời vì ngày nay, người ta không cần phải tiến hành phong tỏa, ngăn chặn, để gây sức ép, thúc đẩy xã hội thay đổi. (…) Thông qua các phương tiện truyền thông, qua đài phát thanh và tôi cũng khá quan tâm đến chính bị nên tôi đã biết được nhiều hơn về chủ đề này. »

Nếu như giai đoạn lịch sử đương đại này có nguy cơ rơi vào quên lãng, đó đây vẫn có những hoạt động kỷ niệm như để níu kéo quá khứ. Truyền thông liên tục có những chương trình đặc biệt mời gặp lại các nhân chứng thuở xưa. Nhiều cuộc triển lãm trưng bày hình ảnh về sự kiện cũng được mở ra như tại Gare de Lyon.

Tại quán bar mang tên Ground Control, nhiều cuộc hội thảo và sinh hoạt về sự kiện tháng 5/1968 đã diễn ra. Tại đây, người tham gia có thể tìm lại được các bích chương, biểu  ngữ của thời đó, hay trò chuyện cùng một số nhà xã hội học vẫn còn hoài niệm về một quá khứ dữ dội.

Một quá khứ đối với thế hệ 68 là không thể nào quên được, nhưng với giới trẻ ngày nay, tháng 05/1968 là điều gì đó rất lạ lẫm. Theo các thăm dò, 1/3 số thanh niên trong độ tuổi 18-34 thật sự không biết điều gì đã xảy ra vào tháng 5 năm đó. Và ¼ thì cho biết chưa bao giờ được nghe nói đến.

Gibson : Dây đàn vẫn gảy dù phá sản

Thứ Ba, 01/05/2018, nhà sản xuất những chiếc đàn ghi-ta huyền thoại Gibson tuyên bố phá sản vì kết quả hoạt động kinh doanh tồi tệ của phân nhánh dịch vụ âm thanh. Tuy nhiên, với sự chấp thuận của đa số chủ nợ, hãng Gibson đã lập ra một kế hoạch tiếp tục hoạt động. Làm thế nào Gibson có thể đạt được điều kỳ diệu này ?

Theo AFP, doanh nghiệp này đã gặp khó khăn tài chính từ nhiều tháng nay và phải đối mặt với kỳ trả nợ quan trọng : Phải hoàn trả 375 triệu đô la trái phiếu hoặc tái cấp vốn vào ngày 01/08/2018.

Dường như chính ý định mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực giải trí, thông qua phân nhánh Gibson Innovation Business đã dẫn hãng này đến tình trạng khó khăn như hiện nay. Chiến lược đa dạng hóa hoạt động bắt đầu từ năm 2014 với việc chi ra 135 triệu đô la để mua lại dịch vụ giải trí của hãng Philips Hà Lan.

Nhưng cuối cùng Gibson đã quyết định chấm dứt hoạt động này, để tập trung vào việc kinh doanh nhạc cụ và hệ thống âm thanh chuyên nghiệp, theo như giải thích của thông cáo. Mặt khác, Gibson Brands, trụ sở chính của những cây đàn Gibson đã đạt được một thỏa thuận về phương thức thanh toán nợ từ các chủ nợ, vốn nắm giữ đến 69% trái phiếu đáo hạn vào đầu tháng 8 này. Những chủ nợ này còn chấp thuận cấp thêm một khoản tín dụng mới 135 triệu đô la.

Hãng Gibson được thành lập vào năm 1902 và hiện đóng trụ sở tại Nashville, điểm nổi tiếng của làng âm nhạc Mỹ. Theo AFP, một trong những cây đàn ghi-ta được biết đến nhiều nhất của Gibson là chiếc đàn đời Les Paul. Tiếng đàn Gibson hòa nhịp cùng với nhiều gương mặt ca sĩ trứ danh như B.B. King của dòng nhạc Blues, Keith Richards (ban nhạc The Rolling Stone – Hòn Đá Lăn), Jimmy Page (Led Zeppelin)…

http://vi.rfi.fr/phap/20180505-donald-trump-hung-bao-nha-trang-qt