Tin tức ngày – 03/05/2018
Trump mất thêm luật sư
cho vụ điều tra Trump-Nga
Luật sư của Tổng thống Donald Trump cho cuộc điều tra về cáo buộc thông đồng giữa nhóm bầu cử của ông Trump và Nga đã bị thay thế.
Ty Cobb sẽ được thay thế bởi Emmet Flood, một luật sư từng bảo vệ cựu Tổng thống Bill Clinton trong suốt quá trình luận tội của ông cách đây 20 năm.
Thư ký báo chí Nhà Trắng nói với BBC rằng ông Cobb đã cân nhắc việc nghỉ hưu.
Ông Trump và phía Nga đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc thông đồng.
Trump ‘trông đợi’ được thẩm vấn
Mỹ: Andrew McCabe ‘nộp ghi chú về Trump-Nga’
Mỹ: Manafort ‘trả tiền cho cựu chính khách châu Âu’
Sự ra đi của ông Cobb xảy ra sau khi Robert Mueller, công tố viên đặc biệt của Bộ tư pháp Mỹ dẫn đầu cuộc điều tra, có thể buộc ông Trump phải ra làm chứng.
Đây là lần đầu tiên ông Mueller đưa ra khả năng có trát đòi hầu tòa.
Tại sao lại có sự thay đổi này?
Kể từ khi ông Trump tuyên bố hồi tháng trước rằng ông “RẤT hài lòng” với các luật sư của mình, thì chính đội luật sư của ông lại có nhiều thay đổi.
Ông Flood, một luật sư của đảng Cộng hòa, được cho biết là sẽ có cách tiếp cận đối đầu hơn với cuộc điều tra của Mueller.
Ông Cobb, người gia nhập đội ngũ Nhà Trắng vào tháng 8 năm ngoái, được biết là đã khuyên ông Trump nên hợp tác với cuộc điều tra của Mueller.
Ông đã được biết đã khuyên tổng thống nên cho phép ông Mueller thẩm vấn để thúc đẩy cuộc điều tra dai dẳng theo suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói với BBC rằng ông Cobb đã nói về việc nghỉ hưu trong vài tuần gần đây và ông đã “hoàn thành xuất sắc công việc”.
Sự ra đi của ông Cobb chỉ được biết vài giờ sau khi ông này nói với ABC News việc ông Trump phải đối mặt với ông Mueller là “chắc chắn không thể không xảy ra”.
Luật sư trưởng trước đây của ông Trump, ông John Dowd, đã từ chức vào tháng Ba, được cho là vì ông cảm thấy khách hàng của ông đã phớt lờ lời khuyên pháp lý của ông.
Tại sao Mueller lại đề cập trát đòi hầu tòa?
Ông Mueller cho biết có thể sẽ có trát đòi hầu tòa, một lệnh của tòa án buộc một nhân chứng làm chứng trước tòa, trong cuộc hội đàm với các luật sư của ông Trump vào tháng Ba.
Các luật sư của tổng thống đã nhấn mạnh trong cuộc họp rằng tổng thống không có nghĩa vụ phải đối mặt với các câu hỏi của các nhà điều tra liên bang liên quan đến cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga, theo truyền thông Mỹ.
Tuy nhiên, nhóm của ông Mueller phản hồi rằng sẽ đưa ra trát đòi hầu tòa nếu ông Trump từ chối.
Họ đồng ý cung cấp cho các luật sư của tổng thống những thông tin cụ thể hơn về những câu hỏi mà họ muốn hỏi ông Trump.
Chính tổng thống Mỹ đã nói ông sẵn lòng nói chuyện với ông Mueller, nhưng truyền thông Mỹ cho biết sự nhiệt tình của ông đã nguội đi sau khi văn phòng các luật sư cá nhân của ông bị lục soát.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43985423
Luật sư của Trump:
Cuộc phỏng vấn Mueller-Trump sẽ bị giới hạn
Bất kỳ cuộc phỏng vấn nào với ông Donald Trump thực hiện bởi công tố viên đặc biệt điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đều có hạn chế về phạm vi lẫn thời lượng, phóng viên của báo The Washington Post dẫn lời luật sư đại diện Tổng thống Donald Trump, Rudy Giuliani, cho biết trên Twitter.
“Một số người bàn tán về một cuộc phỏng vấn khả dĩ kéo dài 12 tiếng. Nếu có phỏng vấn, sẽ không dài như thế. Tối đa là hai, ba tiếng thôi xung quanh một tập hợp các câu hỏi hạn hẹp,” ông Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York và là người ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, tuyên bố, theo tin của phóng viên Washington Post đăng trên Twitter.
Trong một tin khác, ông Giuliani nói với Bloomberg News rằng đội ngũ luật sư của ông Trump “có thể sẽ” cho phép Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller phỏng vấn Tổng thống. “Chúng tôi có thể sẽ làm điều đó,” ông Giuliani nói, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, ông nói nếu ông Mueller đã quyết định tin lời trần thuật của cựu giám đốc FBI James Comey, “thì chúng tôi sẽ chỉ dẫn ông ấy vào hang cọp mà thôi,” Bloomberg cho biết. Một năm trước, ông Trump sa thải ông Comey, người đã viết một cuốn sách chỉ trích hành vi của Tổng thống.
Ở nơi công khai, ông Trump đã dao động về việc liệu ông sẽ ngồi xuống trả lời câu hỏi từ toán điều tra của ông Mueller hay không, những người đang điều tra liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow hay không.
Cả ông Trump và Moscow đều phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, và Tổng thống đã gọi cuộc điều tra là một cuộc truy bức chính trị.
Bà Lưu Hà bị quản chế và ‘sẵn sàng chết tại nhà’
Vợ góa của Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động Trung Quốc đoạt giải Nobel Hòa bình, nói bà sẵn sàng chết để phản kháng việc bị giới chức quản chế tại gia.
Bà Lưu Hà, 57 tuổi, đã bị quản thúc kể từ 2010, sau khi chồng bà được trao giải Nobel.
Bà Lưu chưa từng bị cáo buộc bất kỳ tội hình sự nào.
Lưu Hiểu Ba: Chuyện tình vượt lên trên lao tù
Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel Hòa bình, vừa qua đời
Số phận Lưu Hiểu Ba: Trung Quốc muốn chứng tỏ ‘chính nghĩa’
Ông Lưu Hiểu Ba là một trong những nhà vận động đòi dân chủ nổi tiếng nhất Trung Quốc, và là người chỉ trích nhà nước gay gắt.
Ông qua đời hồi năm ngoái, sau khi chịu án tù 11 năm về tội “lật đổ”.
Lo ngại về sức khoẻ của bà Lưu Hà
Đã có những quan ngại ngày càng tăng về tình trạng của bà Lưu Hà sau cái chết của chồng bà.
Tin tức nói bà bị trầm cảm sau khi phải ở trong nhà nhiều năm, bị giám sát nghiêm ngặt; bạn bè và luật sư của bà nói họ tin rằng bà đang bị giam cầm theo kiểu “cấm cố”. Các phóng viên không được phép tới thăm bà.
Các nhóm vận động trong nhiều năm qua đã kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho bà Lưu Hà, nhưng giới chức nói bà là công dân tự do, và rằng do đau buồn sau cái chết của chồng, bà không muốn liên hệ với ai.
Bạn của bà Lưu Hà là Liệu Diệc Vũ nói rằng ông đã nói chuyện qua điện thoại với bà vào đầu tuần rồi, và nghe bà nói rằng “chết dễ hơn là sống. Dùng cái chết để phản kháng với tôi bây giờ là điều đơn giản.”
Viết trên trang web ChinaChange, ông Liệu, người hiện sống tại Đức, cho biết bà Lưu nói với ông rằng:
“Tôi chẳng có gì để sợ. Nếu tôi không thể ra đi, tôi sẽ chết trong nhà mình. Hiểu Ba đã đi xa, tôi chẳng còn gì trên thế giới này nữa.”
Các nhà ngoại giao phương Tây kêu gọi Bắc Kinh cho phép bà Lưu đi ra nước ngoài, và đại sứ Đức tại Trung Quốc nói với tờ South China Morning Post rằng bà được chào đón tới Đức sống.
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói bà không có thông tin gì về tình hình hiện nay của bà Lưu.
“Lưu Hà là một công dân Trung Quốc. Các cơ quan Trung Quốc có thẩm quyền sẽ xử lý các vấn đề liên quan, phù hợp với pháp luật,” bà Hoa Xuân Oánh nói.
Ông Lưu, 61 tuổi, là khôi nguyên Nobel Hòa bình đầu tiên chết trong khi bị giam cầm kể từ sau khi nhà hoạt động vì hòa bình người Đức Carl von Ossietzky qua đời tại Đức dưới thời Quốc xã, hồi 1938.
Ông Lưu được đưa ra khỏi nhà tù ở Liêu Ninh để chữa trị ung thư gan giai đoạn cuối nhưng sau đã tạ thế.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43963266
Những người Mỹ bị giam ở Bắc Hàn là ai?
Có ghi nhận rằng ba người Mỹ bị giam giữ ở Bắc Hàn được chuyển đến một khách sạn ở Bình Nhưỡng và được nhận thực phẩm và chăm sóc y tế.
Các báo cáo cho hay ba người này có thể được thả, để biểu thị thiện chí, trong bối cảnh sắp có cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump nói rằng Hoa Kỳ đang “tranh đấu không ngừng” để họ được phóng thích.
Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn ‘bất ngờ’ thăm Thụy Điển
Kim Jong-un đi tàu thăm Bắc Kinh?
Hoa Kỳ đang đối thoại trực tiếp với Bắc Hàn
“Như mọi người đã biết, chính quyền Hoa Kỳ từ lâu đã yêu cầu ba con tin được thả khỏi một trại lao động Bắc Hàn, nhưng vô ích,” ông nói.
Chỉ hai trong số ba người này bị bỏ tù năm 2017, sau khi ông Trump trở thành tổng thống.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể xác nhận tính hợp lệ của các báo cáo về việc di chuyển tù nhân, được cung cấp bởi Choi Sung-ryong, một nhà hoạt động Hàn Quốc có các liên lạc ở miền Bắc.
Nhưng một phát ngôn viên cho biết Mỹ đang “nỗ lực đưa các công dân Hoa Kỳ bị giam giữ ở Bắc Hàn về nước càng sớm càng tốt”.
Đây là những gì chúng ta biết về ba tù nhân:
Kim Hak-song
Kim Hak-song làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST) và bị giam do bị nghi ngờ có “hành vi thù địch” vào ngày 6/5/2017. Ông bị bắt giữ khi đang ở nhà ga Bình Nhưỡng.
Trường đại học này chủ yếu dạy con nhà giới thượng lưu Bắc Hàn, được thành lập năm 2010 bởi một doanh nhân Cơ đốc giáo người Mỹ gốc Hàn, với kinh phí hầu hết được tài trợ bởi các quỹ từ thiện Cơ đốc giáo Hoa Kỳ và Nam Hàn.
Một số giảng viên nước ngoài được cho là dạy ở đó.
Kim Hak-song trước đó mô tả mình là một nhà truyền giáo Cơ đốc, người dự định bắt đầu mở một nông trại thử nghiệm tại PUST, Reuters đưa tin.
Báo cáo cho hay ông là người gốc Hàn Quốc, sinh ra ở Trung Quốc nơi giáp ranh biên giới Bắc Hàn, di cư sang Hoa Kỳ những năm 1990. Ông được cho là tiếp tục nghiên cứu về nông nghiệp ở khu tự trị Yanbian trước khi chuyển đến Bình Nhưỡng.
Kim Sang-duk / Tony Kim
Hai tuần trước khi Kim Hak-song bị bắt, Kim Sang-duk – còn được gọi là Tony Kim – bị giam giữ với tội danh gián điệp.
Ông đã cố gắng rời Bắc Hàn sau khi làm việc một tháng tại PUST. Truyền thông Nam Hàn cho hay người đàn ông 55 tuổi này từng tham gia vào các hoạt động nhân đạo ở Bắc Hàn.
“Một số công chức tại PUST nói với tôi rằng vụ bắt giữ không liên quan đến công việc của ông tại PUST,” hiệu trưởng Park Chan-Mo nói với hãng tin Reuters.
“Ông ấy đã tham gia một số hoạt động khác ngoài PUST, chẳng hạn như giúp đỡ một trại trẻ mồ côi.”
Ông Kim học kế toán tại hai trường đại học ở Mỹ và từng làm kế toán tại Mỹ hơn một thập niên, trang Facebook của ông cho biết.
Ông cũng từng dạy ở Yanbian.
Kim Dong-chul
Công dân Hoa Kỳ gốc Hàn Kim Dong-chul là một mục sư khoảng hơn 60 tuổi.
Ông bị giam giữ năm 2015 với tội danh gián điệp và bị kết án 10 năm lao động khổ sai vào năm 2016.
Trước khi xét xử, ông được cho xuất hiện tại một cuộc họp báo do chính phủ sắp xếp, nơi ông dường như thú nhận thông đồng với Nam Hàn để ăn cắp bí mật quân sự – một tuyên bố mà Seoul phủ nhận.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng 1/2016, ông Kim cho biết ông từng sống ở Fairfax, Virginia.
Ông nói từng điều hành một công ty thương mại và dịch vụ khách sạn ở Rason, một đặc khu kinh tế gần biên giới phía đông bắc của Bắc Hàn.
Ông nói với CNN rằng ông để lại vợ và hai con gái ở Trung Quốc, nhưng đã không liên lạc với họ kể từ khi bị giam giữ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43985874
Triều Tiên sắp phóng thích ba công dân Mỹ
CNN cho biết hôm 3/5 rằng Triều Tiên sẽ sớm phóng thích ba công dân Mỹ bị giam giữ như những tù nhân, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên Hoa Kỳ – Triều Tiên dự kiến trong vài tuần tới.
CNN trích dẫn một nguồn tin yêu cầu không nêu tên cho biết động thái này bắt nguồn từ việc ngoại trưởng Triều Tiên đến Thụy Điển và đề xuất ý kiến thả tù nhân cách nay 2 tháng.
Theo Reuters, ông Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống Donald Trump nói với kênh truyền hình Fox News rằng Triều Tiên sẽ thả ba tù nhân vào thứ Năm 3/5.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã nhấn mạnh việc phóng thích các công dân Mỹ như một cách cho thấy thiện chí của Triều Tiên trước cuộc gặp giữa ông Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders cho biết bà không thể xác nhận chi tiết về việc thả tù nhân, nhưng bà nói Washington “rất lạc quan” về các cuộc đàm phán đang diễn ra với Bình Nhưỡng.
Trong một bài đăng trên Twitter vào cuối ngày thứ Tư 2/5, ông Trump nói: “Như mọi người đều biết, chính quyền trước đây đã từ lâu yêu cầu Triều Tiên phóng thích ba con tin đang bị giam tại một trại lao cải ở Triều Tiên, nhưng vô ích. Hãy theo dõi!”
Hôm thứ Tư, truyền thông Hàn Quốc dẫn lời một nhà hoạt động Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã di chuyển ba công dân Mỹ từ một trại lao cải đến một khách sạn ở ngoại ô Bình Nhưỡng.
Khả năng phóng thích ba người Mỹ đã được thảo luận khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng vào tháng trước, theo Wall Street Journal.
Trước đó Hoa Kỳ đã yêu cầu Triều Tiên thả các ông Kim Hak-song, Kim Sang-duk và Kim Dong-chul.
Kim Dong-chul, một mục sư người Mỹ gốc Hàn, đã bị giam ở Triều Tiên từ năm 2015 khi ông bị bắt vì tội gián điệp. Ông bị kết án 10 năm lao động khổ sai vào năm 2016.
Ông Kim Hak-song và Kim Sang-duk, bị bắt năm ngoái vì tình nghi có “hành động thù địch” khi cả hai đang làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-sap-phong-thich-ba-cong-dan-my/4376018.html
Zimbabwe:
Đảng đối lập MDC ‘sẽ đuổi nhà đầu tư TQ’
Một lãnh đạo đảng đối lập Zimbabwe cam kết sẽ đuổi hết các nhà đầu tư Trung Quốc nếu ông thắng cử vào tháng Bảy.
“Họ đang bận rộn tước đoạt các nguồn tài nguyên của đất nước này,” ông Nelson Chamisa nói tại lễ mít tinh ngày Quốc tế Lao động ở thủ đô harare hôm 1/5.
Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, dự tính diễn ra vào tháng Bảy/tháng Tám 2018, sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nhà cầm quyền lâu năm Robert Mugabe từ chức hồi năm ngoái.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư và nhà đầu tư lớn nhất của Zimbabwe.
Zimbabwe ‘luôn là bạn của Trung Quốc’
Trung Quốc ảnh hưởng Zimbabwe tới mức nào?
Zimbabwe ‘đổi quyền không cần bạo lực’
Ông Chamisa lên nắm vai trò lãnh đạo đảng Phong trào Thay đổi Dân chủ (MDC) hồi tháng Hai.
Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người có biệt danh là “Ngwena” hay “Cá sấu” trong tiếng Shona, sẽ ra tranh cử tổng thống với tư cách ứng cử viên của đảng cầm quyền Zanu-PF.
Ông là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách “Nhìn sang Phương Đông”, đồng thời cũng ve vãn các nhà đầu tư phương Tây kể từ khi nhậm chức tháng 11/2017.
“Tôi đã xem các hợp đồng mà Ngwena đã ký với phía Trung Quốc và các nước khác. Họ đang bận rộn tước đoạt các nguồn tài nguyên của đất nước này,” ông Chamisa nói tại buổi mít tinh.
“Tôi đã nói đến đầu tháng Chín khi tôi lên nhậm chức, tôi sẽ gọi cho người Trung Quốc và nói với họ các thỏa thuận đã ký kết là không chấp nhận được và họ phải quay trở về nước họ.”
Bắt hiệu trưởng ĐH cấp bằng TS cho vợ Mugabe
Ở sân bay Bangkok ba tháng vì ‘sợ bị ngược đãi’
Con đường Zimbabwe: Từ vựa lúa đến đói nghèo
Trung Quốc có các khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ đô la ở Zimbabwe trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp tới xây dựng.
Theo tờ báo nhà nước Herald, Trung Quốc đã trợ giúp mở rộng nhà máy thủy điện ở đập Kariba và sửa chữa các công trình nước cho Harare và các thị trấn xung quanh.
Trung Quốc cũng cung cấp vốn cho dự án mở rộng sân bay, một nhà máy nhiệt điện và dự án xây tòa nhà quốc hội mới, tờ báo này đưa tin.
Ông Chamisa, 40 tuổi, trở thành lãnh đạo đảng MDC sau khi ông Morgan Tsvangirai, một địch thủ mạnh của Zanu-PF, qua đời vì bệnh ung thư ruột.
Nhưng quyền lãnh đạo của ông đang bị một nhóm do cựu Phó Thủ tướng Thokozani Khupe đứng đầu thách thức.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43982213
TT Trump thừa nhận
đã hoàn trả 130 ngàn đôla cho LS Michael Cohen
Trong một loạt các tweet vào sáng ngày 3/5, Tổng thống Trump đã xác nhận ông đã hoàn trả số tiền 130 ngàn đôla mà luật sư này trước đó đã “chi” cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels vào năm 2016 để bà im tiếng trước cáo giác rằng ông Trump có quan hệ tình dục với bà vào năm 2006.
Hãng tin Reuters loan tin rằng ông Trump đã hoàn số tiền 130 ngàn đôla cho luật sư Cohen theo một thỏa thuận riêng, gọi là ‘thỏa thuận không tiết lộ’ với bà Daniels.
Trên Twitter, ông Trump cũng nhấn mạnh rằng không có việc dùng quỹ tranh cử để trả tiền cho ông Cohen, và gọi đó là một “thỏa thuận riêng.”
Hôm 2/5, Cựu thị trưởng thành phố New York, ông Rudy Giuliani, nói rằng Tổng thống Trump đã hoàn trả cho một luật sư riêng của ông khoản tiền 130.000 đôla, số tiền mà luật sư này trước đó để chi cho một ngôi sao phim khiêu dâm vào 2006.
Tuy nhiên, ông Giuliani, người vừa mới gia nhập đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump, nói với đài truyền hình Fox News hôm thứ Tư 3/5 rằng ông Trump “không biết về chi tiết cụ thể, nhưng theo như tôi biết, ông ấy có biết về sự sắp xếp tổng thể này.”
Vào tháng trước, ông Trump trả lời báo chí trên Chuyên cơ Air Force One rằng ông không biết về khoản chi cho và Daniels hay chi bằng nguồn tiền nào.
Tòa Bạch Ốc bác bỏ tin nói rằng ông Trump có quan hệ tình ái với bà Daniels.
Iran ‘không tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân’
Ngoại trưởng Iran hôm 3/5 nói rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu thay đổi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc trên thế giới là điều “không thể chấp nhận được”.
Theo Reuters, ông Trump trước đó nói rằng ông sẽ từ chối gia hạn việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran nếu các đồng minh châu Âu tới ngày 12/5 không lấp “các lỗ hổng tệ hại” trong thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ông Mohammad Javad Zarif nói trong đoạn video đăng trên YouTube: “Iran sẽ không tái đàm phán điều đã đạt được đồng thuận nhiều năm trước và đã được thực thi”.
Các nước châu Âu ký vào thỏa thuận thời gian qua đã tìm cách thuyết phục ông Trump duy trì thỏa thuận.
Họ cho rằng Iran đã tuân thủ các điều khoản và tình báo Mỹ cũng đã có quan điểm như vậy.
“Để tôi nói rõ một lần duy nhất: chúng tôi sẽ không bao giờ nhờ vả bên ngoài để duy trì an ninh, hay sẽ không bao giờ tái đàm phán hoặc đưa thêm vào thỏa thuận đã được thực thi tốt đẹp”, ông Zarif nói.
Theo Reuters, ông Trump từng cho rằng thỏa thuận mà Iran đồng ý ngưng các hoạt động hạt nhân để được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt về kinh tế đã được thương thảo một cách tệ hại.
Trong đoạn video trên YouTube, ông Zarif nói rằng Hoa Kỳ đã “liên tiếp vi phạm thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt là ép buộc người khác để ngăn cản các doanh nghiệp trở lại Iran”.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-tuyen-bo-khong-tai-dam-phan-thoa-thuan-hat-nhan/4375835.html
Cambridge Analytica và công ty mẹ đóng cửa, khai phá sản
Cambridge Analytica, công ty dữ liệu vướng vào vụ tranh cãi về việc xử lý dữ liệu người dùng Facebook, và công ty mẹ SCL Elections của họ ở Anh, đóng cửa, công ty này cho biết hôm thứ Tư.
SCL Elections và Cambridge Analytica sẽ bắt đầu thủ tục tuyên bố phá sản, công ty cho biết, sau khi mất khách hàng và đối diện chi phí pháp lý chồng chất trong vụ tranh cãi liên quan tới các bản tin cho hay công ty này đã thu thập dữ liệu cá nhân về người dùng Facebook bắt đầu vào năm 2014.
Thông cáo của công ty quy trách giới truyền thông về việc khiến gần như toàn bộ khách hàng và nhà cung cấp của họ bỏ đi.
Cambridge Analytica, được ban vận động tranh cử tổng thống năm 2016 của Tổng thống Donald Trump thuê, bị cáo buộc sử dụng không thỏa đáng dữ liệu về 87 triệu người dùng Facebook. Các cáo buộc này đã gây tổn hại cho cổ phiếu của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới và khơi ra nhiều cuộc điều tra chính thức.
Công ty này đình chỉ hoạt động ngay lập tức vào ngày thứ Tư và các nhân viên đã được yêu cầu trả lại máy tính của họ, báo The Wall Street Journal đưa tin trước đó.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban của Quốc hội Anh chuyên trách về Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông, và Thể thao, Damian Collins, yêu cầu chớ để cuộc điều tra về Cambridge Analytica bị cản trở bởi việc công ty khai phá sản hay đóng cửa.
Cambridge Analytica thuộc công ty SCL Group. SCL Group, một nhà thầu chính phủ và quân đội, cho biết họ tham gia trong mọi lĩnh vực từ nghiên cứu an ninh lương thực tới chống ma túy đến các chiến dịch tranh cử chính trị. SCL được thành lập hơn 25 năm trước, theo website của công ty này.
Cambridge Analytica được thành lập vào khoảng năm 2013 với trọng tâm ban đầu là các cuộc bầu cử ở Mỹ. Công ty nhận khoản tiền tài trợ 15 triệu đôla từ nhà tài trợ ủng hộ Đảng Cộng hòa Robert Mercer và một cái tên được chọn bởi cố vấn Nhà Trắng tương lai của ông Trump, Steve Bannon, báo The New York Times đưa tin.
Cambridge Analytica quảng bá mình là một công ty cung cấp nghiên cứu người tiêu dùng, quảng cáo nhắm mục tiêu và các dịch vụ liên quan đến dữ liệu khác cho các khách hàng chính trị lẫn doanh nghiệp.
Sau khi ông Trump đắc cử vào Nhà Trắng vào năm 2016, một phần nhờ sự giúp đỡ của công ty này, Giám đốc Điều hành Cambridge Analytica Alexander Nix đã tiếp cận nhiều khách hàng hơn để quảng bá dịch vụ của mình, tờ Times cho biết vào năm ngoái. Công ty này khoe họ có thể lập nên mô tả tâm lý của người tiêu dùng và cử tri, một “bí quyết” mà công ty này sử dụng để gây ảnh hưởng tới những đối tượng đó hữu hiệu hơn quảng cáo truyền thống.
Một câu hỏi chưa được giải đáp trong cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc liệu có bất kỳ sự thông đồng nào giữa ban vận động Trump và Nga hay không, là liệu Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga hay tình báo Nga có sử dụng các dữ liệu mà Cambridge Analytica lấy từ Facebook hoặc các nguồn khác để giúp nhắm mục tiêu các thông điệp chống Hillary Clinton, ủng hộ Trump và có tính chia rẽ về chính trị và chủng tộc trong cuộc bầu cử hay không.
Ông Bannon từng là phó chủ tịch của công ty đóng tại London này, và ông Mueller đã yêu cầu công ty cung cấp các tài liệu nội bộ về cách thức mà dữ liệu và phân tích của công ty được sử dụng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, các nguồn tin nắm rõ cuộc điều tra nói với Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/cambridge-analytica-va-cong-ty-me-dong-cua-khai-pha-san/4375070.html
Trump tuyên bố có quyền miễn trừ
trong vụ kiện thù lao từ nước ngoài
Tổng thống Donald Trump một lần nữa yêu cầu một tòa án liên bang bác bỏ một vụ kiện cáo buộc ông vi phạm các quy định chống tham nhũng trong hiến pháp vì không chịu dứt bỏ những liên hệ với đế chế kinh doanh của mình khi đang tại nhiệm Tổng thống. Ông Trump tuyên bố có “quyền được miễn trừ tuyệt đối.”
Vụ kiện, được đệ trình bởi bang Maryland và Địa khu Columbia (thủ đô Washington), cáo buộc ông Trump vi phạm điều khoản “thù lao” của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm các quan chức liên bang nhận quà tặng hoặc các khoản tiền chi trả khác từ chính phủ nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Điều khoản này cũng cấm Tổng thống nhận quà tặng và các khoản tiền chi trả từ các bang riêng lẻ.
“Nếu Nguyên đơn muốn kiện Tổng thống về các hành vi được thực hiện trong khi tại nhiệm, họ phải kiện ông ấy trên cương vị chính thức. Nhưng ông ấy được miễn trừ tuyệt đối khỏi bất kỳ vụ kiện nào, kể cả vụ kiện này, tìm cách áp đặt trách nhiệm cá nhân dựa trên chỉ mỗi việc ông ấy là Tổng thống,” luật sư của ông Trump, William Consovoy, viết trong đơn đệ trình tòa án hôm thứ Ba.
“Tòa án Tối cao đã kết luận rằng tổn thất đối với Quốc gia từ việc cho phép những vụ kiện như vậy làm Tổng thống xao lãng khỏi trọng trách của ông là lớn hơn bất kỳ lợi ích đối kháng nào. Sự lựa chọn đó phải được tôn trọng,” ông Consovoy nói thêm.
Nhóm luật sư của ông Trump trước đây đã tìm cách để thẩm phán bãi bỏ vụ kiện nhưng thẩm phán Peter Messitte ở Greenbelt, bang Maryland, hồi tháng trước cho phép nó được xúc tiến ngay cả khi ông thu hẹp các tuyên bố chỉ liên quan tới khách sạn của ông Trump ở trung tâm thủ đô Washington mà thôi.
Tổng chưởng lý bang Maryland Brian Frosh và Tổng chưởng lý Địa khu Columbia Karl Racine, cả hai đều theo Đảng Dân chủ, lập luận trong vụ kiện của họ đệ trình vào tháng 6 năm ngoái rằng, cư dân địa phương bị tổn hại vì sự cạnh tranh không công bằng từ khách sạn và các doanh nghiệp khác của ông Trump. Các luật sư đại diện Tổng thống Đảng Cộng hòa trước đó lập luận rằng những tổn hại như vậy mang tính võ đoán và khó liên kết trực tiếp tới ông Trump.
Ông Trump có hàng loạt những hoạt động kinh doanh bất động sản cũng như các sân golf và một xưởng làm rượu vang ở Virginia. Ông đã bàn giao việc quản lý hàng ngày cho hai người con trai. Nhưng các nguyên đơn nói ông Trump đã không dứt ra khỏi hoạt động kinh doanh đó và dễ bị dẫn dụ bởi những người bao gồm cả các quan chức nước ngoài tìm kiếm sự ưu đãi.
Ông Frosh và ông Racine đã cho biết họ sẽ tìm kiếm nhiều tài liệu liên quan đến ông Trump, bao gồm hồ sơ khai thuế của ông. Ông Trump đã phá vỡ tiền lệ với việc không công bố hồ sơ khai thuế của mình trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 hoặc trong tư cách Tổng thống.
Một thẩm phán liên bang ở quận Manhattan (thành phố New York) tháng 12 năm ngoái đã bác bỏ một vụ kiện tương tự chống lại ông Trump do một nhóm nguyên đơn khác đệ trình.
Trump cân nhắc dân biểu Miller
ra lãnh đạo Bộ Cựu Chiến Binh
Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc quyết định chọn cựu Chủ tịch Ủy ban Cựu Chiến binh Hạ viện Hoa Kỳ ra lãnh đạo Bộ Cựu Chiến binh, một viên chức Tòa Bạch Ốc cho biết hôm thứ Tư 2/5.
Hãng tin Reuters trích lời viên chức này nói ông Trump sẽ phỏng vấn ông Jeff Miller cho chức Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh trong tuần này. Ông Miller từng là dân biểu của Đảng Cộng hòa từ năm 2001 đến năm 2017 trước khi về hưu. Ông hiện là một nhà vận động hành lang cho công ty McDermott Will & Emery.
Ông Miller đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban Cựu chiến binh Hạ viện Hoa Kỳ vào năm 2011, ưu tiên cho việc xử lý các đơn xin trợ cấp cựu chiến binh bị tồn động tại Bộ Cựu Chiến Binh cũng như giảm thiểu nạn lãng phí và những sai phạm trong quản lý.
Cố vấn thương mại của TT Trump
muốn mở cửa thị trường TQ
Đại diện Thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/5 nói ông không đàm phán nhằm thay đổi hệ thống kinh tế Trung Quốc, mà thương thuyết để mở nền kinh tế Trung Quốc cho cạnh tranh từ nước ngoài. Dự kiến Đại diện Thương mại Mỹ sẽ đàm phán với phía Trung Quộc ở Bắc Kinh trong tuần này.
Theo hãng tin Reuters, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer nói với Phòng thương mại Hoa Kỳ rằng ông coi các nội dung đàm phán với các quan chức hàng đầu Trung Quốc vào ngày thứ Năm và thứ Sáu như là bước đầu tiên trong một tiến trình học hỏi lâu dài cho cả Washington lẫn Bắc Kinh để giải quyết tốt hơn những khác biệt thương mại giữa hai nước.
Ông Lighthizer nói: “Mục tiêu của tôi không phải là thay đổi hệ thống kinh tế của Trung Quốc, mặc dù theo các dấu hiệu bề ngoài, hệ thống này dường như có lợi hơn cho phía họ….Nhưng tôi phải đặt mình trong vị thế làm thế nào để Hoa Kỳ có thể giải quyết tình trạng dó, để Hoa Kỳ không là nạn nhân của hệ thống đó, và đó là nhiệm vụ của chúng tôi.”
Ngoài ông Lighthizer, trong phái đoàn của chính quyền ông Trump đi đàm phán ở Bắc Kinh còn có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn Sản xuất và Thương mại thuộc Tòa Bạch Ốc Peter Navarro, và cố vấn Kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow.
Hôm 1/5 ông Ross cho biết Tổng thống Trump sẵn sàng áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nếu phái đoàn không đạt được một thỏa thuận để giảm thâm hụt cán cân thương mại Mỹ – Trung.
Phát biểu trên đài truyền hình CNBC trước khi lên đường sang Trung Quốc, ông Ross nói ông đã đạt được thỏa thuận “với nhiều hy vọng” có thể giải quyết những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/co-van-thuong-mai-cua-tt-trump-muon-mo-cua-thi-truong-tq/4374865.html
Kim Jong Un cam kết phi hạt nhân hóa
khi tiếp Ngoại Trưởng TQ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un nói với Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Năm 3/5 rằng ông đã cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hãng tin Reuters loan tin Ngoại Trưởng Vương Nghị đang thăm Triều Tiên sau cuộc họp lịch sử tuần trước giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim Jong Un.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khi tiếp ông Vương Nghị ông Kim Jong Un nói rằng những thay đổi tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên hữu ích cho một giải pháp hòa bình.
“Ông Kim Jong Un nói đạt được việc phi hạt nhân hóa bán đảo thể hiện lập trường vững chắc của phía Triều Tiên,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho hay ông Vương Nghị đã chúc mừng lãnh đạo hai miền Triều Tiên về cuộc họp thượng đỉnh thành công hôm 27/4.
Thông cáo của Bộ nói Trung Quốc ủng hộ cam kết của Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như quyết định của Triều Tiên tập trung nỗ lực phát triển kinh tế.
“Chúng tôi hy vọng đối thoại giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với Hoa Kỳ sẽ thành công và đạt được tiến bộ đáng kể,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn phát biểu của ông Vương.
Cũng trong chuyến công du đến Bình Nhưỡng, ông Vương Nghị đã gặp Ngoại Trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho.
Seoul vận động Tokyo và Bắc Kinh
ủng hộ Tuyên Bố Bàn Môn Điếm
Hàn Quốc hiện đang nỗ lực thuyết phục Trung Quốc và Nhật Bản cùng thông qua một bản tuyên bố đặc biệt nhằm ủng hộ kết quả của hội nghị thượng đỉnh lịch sử gần đây giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Theo phát ngôn viên văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm 03/05/2018, đó sẽ là một bản Thông Cáo Chung Đặc Biệt trong đó lãnh đạo ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản bày tỏ hậu thuẫn cho Bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04.
Tổng thống Hàn Quốc sẽ họp thượng đỉnh với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Tokyo ngày 09/05 tới đây, Seoul mong muốn các lãnh đạo Đông Bắc Á nhân dịp đó ra một thông cáo riêng biệt về Bản Tuyên Bố Liên Triều được hai lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ký kết tại Bàn Môn Điếm ngày 27/04 vừa qua, xác định sẽ không còn chiến tranh giữa hai nước, và cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Theo phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc, bản thông cáo chung đặc biệt mà Seoul đề xuất sẽ ủng hộ toàn văn Bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm, do vậy, không cần đưa vào đó những lời kêu gọi thêm về việc đề ra những biện pháp nhằm xác minh tiến trình giải thể chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Lời nhấn mạnh trên đây được đưa ra sau khi một tờ báo Nhật Bản cho biết rằng ba nhà lãnh đạo có thể kêu gọi đề ra các biện pháp để kiểm tra việc tháo dỡ hoàn toàn và không thể đảo ngược chương trình phát triển vũ khí hạt nhân ở miền Bắc.
Seoul cố vận động Tokyo và Bắc Kinh tránh ràng buộc Bình Nhưỡng một cách quá chặt chẽ, vào lúc ngoại trưởng Trung Quốc đi thăm Bắc Triều Tiên. Vào hôm nay, 03/05, trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ông Vương Nghị đã tuyên bố rằng Trung Quốc ủng hộ việc hai nước Triều Tiên ký kết hiệp ước hòa bình, để thay thế cho thỏa thuận hưu chiến tồn tại từ 65 năm nay. Bắc Kinh cũng sẽ ủng hộ công cuộc phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng, và hậu thuẫn đồng minh trong việc giải tỏa các « mối quan ngại chính đáng về an ninh trong tiến trình phi hạt nhân hóa ».
Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, mục tiêu sâu xa của ông Vương Nghị trong chuyến thăm chính là ép Bình Nhưỡng dành cho Bắc Kinh một vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán hạt nhân, vào lúc Bắc Triều Tiên chuẩn bị thương thuyết tay đôi với Mỹ. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm nay đã nói trắng ra mục tiêu đó khi khẳng định rằng « Trung Quốc là nhân tố không thể thiếu cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên »:
“Không thể để cho Mỹ và Bắc Triều Tiên tự mình xử lý hồ sơ nóng bỏng là vấn đề hạt nhân : Theo Tân Hoa Xã, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc nhở Bình Nhưỡng rằng « Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò tích cực trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị ». Đây chính là cách để Trung Quốc tự mời mình vào bàn đàm phán về một hiệp ước hòa bình sẽ thay thế lệnh hưu chiến từ 65 năm qua.
Ông Vương Nghị đã cho Bình Nhưỡng biết « sự hỗ trợ đầy đủ » của Bắc Kinh trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo. Ông hy vọng rằng « cuộc đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ sẽ diễn ra một cách bình tĩnh và đạt được những tiến bộ có thực chất ».
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo sáng nay đã khẳng định rằng « Lập luận cho là Trung Quốc bị gạt ra bên lề tại bán đảo Triều Tiên chỉ là một nỗ lực nhỏ nhoi nhằm lũng đoạn dư luận xã hội ». Tờ báo cũng không ngần ngại chế nhạo tổng thống Mỹ Donald Trump đã khoe khoang về hội nghị thượng đỉnh của ông với Kim Jong Un dù hội nghị chưa bắt đầu.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc cho rằng không ai có thể gạt Bắc Kinh ra rìa vì « Trung Quốc là trụ cột chính trị duy nhất của Bắc Triều Tiên và là đối tác thương mại quan trọng nhất của cả hai nước Triều Tiên ».
Armenia : Đảng cầm quyền
thỏa thuận hợp tác với lãnh đạo đối lập
Khủng hoảng chính trị tại Armenia có khả năng lắng dịu, sau hơn hai tuần lễ phản kháng của xã hội dân sự và đối lập. Hôm nay, 03/05/2018, đảng Cộng Hòa cầm quyền cho biết đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với thủ lĩnh đối lập Pachinian. Lãnh đạo đối lập kêu gọi phong trào phản kháng tạm ngưng, để chuẩn bị cho cuộc bầu thủ tướng tại Quốc Hội, mà ông là ứng cử viên duy nhất.
Hãng tin Reuters dẫn lời lãnh đạo đảng Cộng Hòa, ông Vahram Baghdasaryan, theo đó tân thủ tướng sẽ được các nghị sĩ bầu lên ngày 08/05 tới. Lãnh đạo đảng cầm quyền nhắc lại là đảng của ông sẽ không đề cử ứng viên nào, và sẽ ủng hộ bất cứ ai nhận được sự hậu thuẫn của một phần ba dân biểu. Phát biểu của lãnh đạo đảng Cộng Hòa được đưa ra sau cuộc đối thoại với thủ lĩnh đối lập.
Gần như cùng lúc với thông báo của lãnh đạo đảng cầm quyền, lãnh đạo đối lập Nikol Pachinian thông báo tạm ngưng « phong trào bất tuân dân sự rộng lớn », được chính ông khởi động ngày hôm qua, nhằm gây áp lực với phe đa số, sau khi các đàm phán tạm thời không đạt kết quả, và đảng Cộng Hòa đã không bỏ phiếu cho Pachinian trong phiên họp ngày thứ Ba 01/05 như dự kiến.
Vẫn theo đảng cầm quyền Armenia, nếu mùng 08/05 tới, các nghị sĩ không bầu được tân thủ tướng, Quốc Hội sẽ giải tán, để mở đường cho bầu cử trước thời hạn.
Mừng thắng lợi
Đối với những người tham gia phong trào phản kháng tại Armenia, thông tin nói trên cho thấy phong trào đã giành thắng lợi. Đặc phái viên Anastasia Becchio tường trình từ Erevan :
« Khoảng vài chục người theo dõi sát tình hình tại khu vực xung quanh khách sạn lớn nơi lãnh đạo đối lập Nikol Pachinian thường tổ chức các cuộc đối thoại. Vài chục người ủng hộ không điều kiện, kiên nhẫn chờ đợi, để chờ dịp nhìn thấy hay chụp ảnh nhà lãnh đạo của họ.
Karen Ghazinia, một kiến trúc sư, bày tỏ : ‘‘Tôi cho rằng ông ấy thật vô cùng tuyệt vời khi đã biết cách đoàn kết toàn dân. Tôi rất biết ơn ông ấy, bởi ông ấy là người duy nhất đã thực hiện được điều này. Tôi coi ông ấy là một anh hùng dân tộc’’.
Còn tại quảng trường Cộng Hòa đen đặc người, nơi Nikol Pachinian đang hiệu triệu dân chúng, Sona – một nữ sinh viên – tưởng tượng đến cảnh nhà lãnh đạo đối lập trong chiếc ghế thủ tướng.
Cô nói : ‘‘Chính nhân dân đã mang lại cho ông sức mạnh ấy, chứ không phải những sức mạnh bên ngoài, như người ta vẫn nghĩ, dù là Nga, là Mỹ hay Châu Âu. Hoàn toàn không phải như vậy. Nicol phải tiếp nhận một đất nước Armenia trong trạng thái tồi tệ, với thất nghiệp, nghèo đói, nạn người dân bỏ nước ra đi. Trở thành thủ tướng, đối với ông ấy không hề là một món quà’’.
Việc Nikol Pachinian không hề có kinh nghiệm chính trị nào ngoài việc là nhà đối lập không khiến Sona lo sợ. Người phụ nữ trẻ tuổi chuẩn bị sang Hoa Kỳ để lập gia đình, thậm chí hy vọng thuyết phục được người chồng tương lai trở về nước, nếu Nikol Pachinian đắc cử thứ Ba tới ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180503-armenia-dang-cam-quyen-thoa-thuan-hop-tac-voi-lanh-dao-doi-lap
“Chip điện tử” :
Một cuộc chiến khác giữa Washington và Bắc Kinh
Ngày 03/05/2018, một phái đoàn của Hoa Kỳ đã đến Trung Quốc để thảo luận về các tranh chấp thương mại đôi bên. Thế nhưng, cuộc chiến nhôm, thép và nông sản chỉ là bề nổi. Ẩn sau cuộc tranh chấp thương mại này là một cuộc đọ sức khác không kém phần gay cấn, đang khiến Washington lo ngại: « Cuộc chiến con chip điện tử ».
Trung Quốc « phải tự cung tự cấp » trong lĩnh vực công nghệ quan trọng và « tập hợp mọi sức lực để thực hiện những điều lớn lao », chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh như trên khi đến thăm một hãng công nghệ cao.
Nhưng con đường « thực hiện những điều lớn lao » đó vẫn còn một cản lực : Bắc Kinh chưa thể làm chủ công nghệ bán dẫn để tự sản xuất chip điện tử, một linh kiện điện tử thiết yếu trong các sản phẩm điện tử, từ điện thoại thông minh cho đến các loại máy vi tính. Trung Quốc, công xưởng thế giới giá rẻ, lại phải nhập khẩu đến 80% chip điện tử, chủ yếu là từ Hoa Kỳ, nơi mà những thương hiệu lớn như Intel, Qualcomm và Micron đang thống lĩnh thị trường này.
Với « Kế hoạch 2025 », Trung Quốc thời Tập Cận Bình giờ muốn khắc phục sự chậm trễ đó. Mục tiêu của kế hoạch là làm thế nào hoàn thiện việc sản xuất trong nước công nghệ bán dẫn để giảm 50% sự lệ thuộc vào nguồn cung ứng bên ngoài, biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ tân tiến, có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Tham vọng này của Bắc Kinh thật sự khiến Washington lo ngại vì có liên quan đến vấn đề « sở hữu trí tuệ », một điểm gai góc nhất trong cuộc tranh chấp này, như nhận định của ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương Mại Mỹ USRT với hãng tin Pháp AFP.
Hoa Kỳ luôn lên án cách hành xử của Bắc Kinh, như « ép buộc » doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc ; hay cạnh tranh không lành mạnh, luồn lách các luật lệ cạnh tranh, qua việc thực hiện những chính sách hỗ trợ tài chính ồ ạt.
Theo các số liệu thống kê của USTR, từ năm 2014, chính quyền trung ương và địa phương tại Trung Quốc đã tài trợ khoảng 100 tỷ đô la cho nhiều tập đoàn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, như Hua Hong, có nhà xưởng ở thành phố Vô Tích (đông Trung Quốc), Thanh Hoa Unigroup hay ZTE…
Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross đã đánh giá « Kế hoạch 2025 » này của Trung Quốc là « đáng sợ », và cho đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm thủng thương mại của Mỹ ngày càng lớn.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Donald Trump đã ra sức ngăn chặn các chiến dịch Trung Quốc mua lại công nghệ Mỹ. Tháng 9/2017, tổng thống Mỹ, lấy lý do an ninh quốc gia, phản đối thương vụ một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc mua lại công ty chế tạo bán dẫn Lattice. Tương tự, Thanh Hoa Unigroup năm 2015 đã thất bại trong việc tìm cách sở hữu Micron.
Dù có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ còn phải mất đến nhiều năm nữa mới có thể « sánh vai » với Hoa Kỳ, nhưng điều gì có thể cản trở được nước này trong tương lai sở hữu được lĩnh vực công nghệ này, khi mà giờ đây Trung Quốc gần như đã có tất cả, từ bom nguyên tử cho đến cả công nghệ không gian. Thậm chí, “Silicon Valley của Trung Quốc” cũng đang trên đà qua mặt các cường quốc khác. Theo nhận định của AFP, rõ ràng, « cuộc chiến chip – rận điện tử đang làm “mẩn ngứa” quan hệ thương mại Mỹ – Trung ».