Tin Việt Nam – 30/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 30/04/2018

Cá sông chết hàng loạt tại tỉnh Quảng Ngãi

Có nhiều khả năng nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở khu vực sông Bàu Giang, tỉnh Quảng Ngãi là do nước thải từ cơ sở sản xuất nông sản xả vào. Đó là nhận định của đoàn kiểm tra của huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra khi đi kiểm tra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang được tờ Tuổi Trẻ dẫn lời vào ngày 30/4.

Trước đó, vào ngày 29/4, Truyền thông trong nước cho biết tại khu vực sông Bàu Giang, đoạn qua thi trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, người dân  đã phát hiện hiện tượng cá chết hàng loạt, với số lượng được mô tả là cực lớn.

Tuyền thông trong nước loan tin cho biết các loại cá với kích cỡ khác nhau từ nhỏ bằng đầu ngón tay đến nặng hơn một kg chết nổi trắng mặt nước. Người dân khu vực này rất hoang mang vì chưa bao giờ cá sông Bầu Giang chết nhiều đến như vậy.

Tình trạng này được nói kéo dài gần 10 km tính từ chân cầu Bàu Giang.

Cơ quan chức năng huyện Tư Nghĩa vào chiều ngày 30 tháng 4 đã lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước, và cá đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân cá chết. Theo dự kiến khoảng 5 ngày nữa mới có kết quả.

Theo Tuổi Trẻ, chính quyền huyện Tư Nghĩa đã chỉ đạo việc kiểm tra lại toàn bộ quy trình thủ tục của một số cơ sở chế biến nằm dọc theo sông Bàu Giang và các kênh mương dẫn nước khác có đầu nối vào con sông này.

Hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bàu Giang đã từng xảy ra 2 ngày vào đầu năm nay. Cơ quan chức năng lúc đó đã lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng chưa bao giờ công bố nguyên nhân.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mass-fish-deaths-at-a-river-in-vns-south-central-quang-ngai-province-04302018085503.html

 

Viết cho tháng Tư

Song Chi

Như rất nhiều người Việt Nam nói chung và người miền Nam nói riêng, cứ vào tháng Tư tôi thường có tâm trạng khá nặng nề khi nghĩ lại biến cố lịch sử năm 1975, và vận nước kể từ đó.

Tháng Tư năm nay càng đau hơn khi nhìn thấy cái bắt tay lịch sử của hai nhân vật đứng đầu Bắc Hàn, Nam Hàn, khi thấy một chế độ độc tài phi nhân, bị cả thế giới coi là man rợ hóa ra vẫn còn hơn đảng cộng sản VN mấy cái đầu; đó là biết tự lực xây dựng quân đội, vũ khí hạt nhân cho mạnh để láng giềng dẫu có to xác, hung hăng hiếu chiến cũng không dám bắt nạt và không quyết thống nhất đất nước đến cùng bằng xương máu của nhân dân.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thế giới có 3 quốc gia bị chia đôi là Đông Đức-Tây Đức, Bắc Hàn-Nam Hàn, Bắc Việt-Nam Việt, ngoài ra còn có Đài Loan cũng tự tách mình khỏi Trung Hoa đại lục để thành lập quốc gia riêng. Người Đức thông minh chọn con đường thống nhất đất nước trong hòa bình đã đành, Bắc Hàn và Nam Hàn cũng chỉ chiến tranh dữ dội trong 3 năm (1950-1953), nhờ thế mà Nam Hàn mới có thể phát triển thịnh vượng như ngày hôm nay, và ngày 27.4 vừa qua thì Chủ tịch Kim Jong-un của Bắc Hàn đã chính thức gặp gỡ Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in để đàm phán hòa bình lâu dài (tương lai của bán đảo Triều Tiên như thế nào vẫn còn là câu hỏi để ngỏ, nhưng thế giới có thể thấy rằng cả hai bên đều mong muốn giảm thiểu tối đa nguy cơ chiến tranh). Hay ngay cả Trung Cộng, xúi dân khác đánh nhau, cướp đảo cướp biển của dân khác thì được chứ cũng chưa dùng vũ lực để đánh chiếm Đài Loan vì “người Hoa không đánh người Hoa”.

Chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là nhất quyết thống nhất đất nước bằng chiến tranh, bằng máu, máu của chính người VN, quyết đánh Mỹ từ khi Mỹ chưa có mặt ở VN và đánh Mỹ khi Mỹ đã đi rồi, đánh đến cùng kể cả khi Hiệp định Hòa bình vừa được ký chưa ráo mực. Tất cả chỉ nhằm giành độc quyền lãnh đạo đất nước mà thôi.

Rốt cuộc sau 43 năm VN bây giờ như thế nào?

Đứng về phía đảng cộng sản, họ đã thắng một cuộc chiến. Để rồi đại bại trong hòa bình.

Có người sẽ bảo sao gọi là thất bại khi mà hai mục đích tối thượng đối với đảng cộng sản họ đã làm được: giành toàn quyền lãnh đạo đất nước bằng mọi giá, và giữ được quyền lãnh đạo đó, cũng bằng mọi giá. Sau 43 năm, họ vẫn giữ được chế độ, và đất nước bây giờ là tài sản riêng của đảng, muốn sử dụng, khai thác, cầm cố, cho vay…thế nào tùy ý. Hơn 90 triệu nhân dân thì trở thành đàn cừu ngoan ngoãn, muốn bóc lột, trừng phạt thế nào cũng được.

Song, thắng một cuộc chiến để rồi đi ngược lại toàn bộ lý tưởng, lý thuyết, lý luận, mục tiêu chiến đấu ngày xưa cho tới mô hình xây dựng đất nước tương lai mà họ tự vẽ ra trước kia, là thất bại.

Thắng một cuộc chiến, thống nhất được giang sơn nhưng không thống nhất được lòng người, hay nói cách khác, không thu phục được nhân tâm đại đa số nhân dân, ngược lại, thời gian càng lùi xa thì lòng dân càng chia rẽ, oán hận, là thất bại.

Thắng một cuộc chiến nhưng không làm cho đất nước giàu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, thậm chí, ngay sau khi cuộc chiến vừa kết thúc chưa bao lâu, người Việt đã ồ ạt bỏ nước ra đi và suốt hơn 40 năm, dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại, là thất bại.

Không những thế, đảng cộng sản đã thực sự trở thành một đảng cầm quyền phản bội. Phản bội lý tưởng, phản bội nhân dân, phản bội đất nước. Làm mất thêm một phần lãnh thổ lãnh hải và để đất nước lún sâu vào vòng lệ thuộc với Trung Cộng.

Đứng về phía người dân VN, dù ở bên thắng cuộc hay bên thua cuộc, cũng đều đại bại. Nhưng sau 43 năm, chúng ta càng là một dân tộc thất bại vì vẫn để cho một đảng cầm quyền độc tài tham nhũng tiếp tục tồn tại, tàn phá đất nước.

Cái giá máu xương phải trả cho cuộc chiến 20 năm đã quá đắt. Lại càng đắt gấp bội, tính cả vốn lẫn lãi, sau 43 năm.

Cả một cuộc chiến tranh dài, máu người Việt từng chảy thành sông, xương phơi thành núi, đất nước tan hoang, mọi giá trị vỡ nát… Bên nào cũng thua, từ người Mỹ, người Việt cho tới đảng cộng sản. Rốt cuộc ai thắng? Trung Cộng. Từ chỗ không một mảnh đất cắm dùi trên biển Đông, khởi đầu là đánh chiếm Hoàng Sa rồi một phần Trường Sa và bây giờ thì toàn bộ khu vực biển Đông này gần như đã trở thành ao nhà của Trung Cộng, với Hoàng Sa, Trường Sa và cảc đảo nhân tạo trở thành những căn cứ quân sự, hải quân vô cùng vững chắc; đáng nói hơn, Bắc Kinh chưa cần đánh mà từ lâu nay đã có thể khống chế VN từ ngoài khơi cho tới trên bờ, từ Nam chí Bắc cho tới toàn bộ Bộ Chính trị của Hà Nội!

Khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu…(tựa tiếng Việt cuốn tiểu thuyết “Cry, the Beloved Country” của nhà văn Nam Phi Alan Stewart Paton (1903 –1988)

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/write-for-april-04302018123015.html

 

Một số trí thức Việt có cái nhìn ‘xét lại’ ngày 30/4

Một số trí thức Việt Nam có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội mới đây đưa ra những quan điểm có tính chất “xét lại” sự kiện 30/4, ngày Việt Nam gọi là “giải phóng miền Nam” nhưng nhiều người lại coi là “ngày quốc hận”, thu hút hàng nghìn lượt phản ứng và chia sẻ trên mạng.

Họa sĩ Thành Chương hôm 28/4 đăng một bài ngắn trên Facebook cá nhân, cho biết, năm 1967 ông đã từ chối đi học ở Đức để nhập ngũ, “sẵn sàng hy sinh, chiến đấu cho lý tưởng Cộng Sản cao đẹp và sự nghiệp Chống Mỹ Cứu Nước vĩ đại!”

Đăng cùng bài là tấm ảnh cho thấy một số huân chương, huy chương mà ông được trao, ghi nhận ông “có công” trong quân ngũ. Song họa sĩ nổi tiếng hiện sống ở Hà Nội viết: “Xưa những tấm huân chương, huy chương này là niềm vinh dự tự hào! Nay thấy chúng thật vớ vẩn, vô nghĩa!” Ông cũng tự hỏi “nên giữ hay vứt chúng đi đây???”

Họ hy sinh xương máu như vậy là để phấn đấu cho một đất nước giang sơn liền một dải, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, tiến kịp các nước. Nhưng cung cách quản lý, điều hành đất nước của nhà cầm quyền hiện nay khiến họ buồn quá.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Trong một đoạn khác, ông Chương nói 43 năm qua, cứ đến ngày 30/4, “luôn có một đám” mà ông mô tả rằng không chỉ “ăn mày dĩ vãng, giờ chúng Ăn Cướp cả qúa khứ và dĩ vãng để mưu cầu danh lợi!”

Họa sĩ không nói cụ thể những người ông gọi là “một đám” đó là ai. Ông kêu gọi “Xin gác cái quá khứ hào hùng ấy lại! Sống cho hiện tại và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn!”

Bài viết 171 từ của ông đã nhận được ít nhất 5000 phản ứng ủng hộ lẫn chia sẻ trên mạng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một blogger có nhiều ảnh hưởng qua các bài viết phản biện về chính quyền, nói với VOA rằng ông thấy “bàng hoàng” về những ý kiến “gay gắt” của họa sĩ 69 tuổi, vốn từng có thời gian dài làm báo và suốt đời không “va chạm gì với chính trị”.

Ông Diện cho rằng quan điểm mới thể hiện của ông Chương cho thấy trong lòng cá nhân họa sĩ, và rộng hơn là nhiều trí thức Việt Nam, họ “nuối tiếc” những hy sinh ở tuổi thanh xuân để rồi nhận lại là một đất nước sau nhiều thập kỷ còn kém phát triển, cùng với tham nhũng tràn lan.

Ông Diện nói với VOA:

“Họ hy sinh xương máu như vậy là để phấn đấu cho một đất nước giang sơn liền một dải, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, tiến kịp các nước. Nhưng cung cách quản lý, điều hành đất nước của nhà cầm quyền hiện nay khiến họ buồn quá. Phản ứng đó là không phải là với quá khứ của cuộc chiến, mà đấy là sự phản ứng của người trí thức từng tham gia cuộc chiến đối với cách điều hành và lãnh đạo đất nước của nhà cầm quyền hiện tại”.

Các con số thống kê chính thức của Việt Nam và các tổ chức quốc tế cho hay GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 ở mức 2.385 đôla. Trong khối ASEAN, con số này thua Lào, chỉ hơn Campuchia và Myanmar.

Nếu so sánh với GDP đầu người của Hàn Quốc, con số của Việt Nam chỉ bằng 8% của mức 29.780 đôla mà người Hàn đạt được năm 2017.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, người hay bình luận về đời sống chính trị, xã hội Việt Nam trên mạng xã hội, đã bàn về “cái giá của sự thống nhất” trong bài viết đăng hôm 27/4 trên trang Facebook cá nhân có hơn 50.000 người theo dõi.

Ông viết rằng thời nhỏ khi ông hỏi người lớn rằng tại sao Đức và Triều Tiên không có “chiến tranh giải phóng dân tộc”, ông thường nhận được câu trả lời là “chúng ta yêu nước hơn họ”.

Cuộc chiến mà những người cộng sản Việt Nam gọi là “chống Mỹ cứu nước” kết thúc năm 1975, với chiến thắng lại cho người cộng sản toàn quyền cai trị nước Việt Nam thống nhất.

Giờ đây, ở độ tuổi trung niên, bác sĩ Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh tóm tắt lại thực trạng đất nước: “Đạo đức xã hội băng hoại, đất nước bị chia rẽ sâu sắc, xã hội ngày càng mất ổn định, những kẻ trong bộ máy cầm quyền càng ngày càng tham lam, độc ác, người dân càng ngày càng cảm thấy bế tắc, hoang mang”.

Ông cũng nhắc đến một thực tế là hàng triệu người đã bỏ đất nước ra đi “vì kinh tế, vì bức bách, vì chán chường, vì mong muốn một tương lai cho con, cháu…”

Theo báo chí trong nước, chỉ riêng năm 2017, có gần 135.000 người “lao động xuất khẩu” Việt Nam được đưa ra nước ngoài, nâng tổng số người đi làm việc theo hình thức này lên đến khoảng 500.000.

Con số chính thức đó không bao gồm hàng vạn người khác đi làm việc “chui” ở nhiều nước.

Trong khi đó, ở trong nước, giới chuyên gia kinh tế dẫn các số liệu khẳng định khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Họ đóng góp đến 1/5 GDP, 3/4 cho xuất khẩu và 1/4 vốn đầu tư toàn xã hội. Trong số các doanh nghiệp FDI có nhiều hãng của Hàn Quốc và Đức thuê hàng trăm ngàn người lao động Việt Nam.

Đề cập đến hơn 3,3 triệu người Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh, bác sĩ Võ Xuân Sơn nêu ra kết luận: “Cái giá mà chúng ta phải trả cho thống nhất đất nước thật sự là quá đắt. Đấy là chưa kể, chúng ta đang trở thành những kẻ làm thuê rẻ mạt, đang bị chính những kẻ ‘không yêu nước bằng chúng ta’ sai khiến, bóc lột”.

Bên cạnh những cái nhìn bày tỏ thất vọng, đã xuất hiện ý kiến kêu gọi nhà nước và xã hội kỷ niệm ngày 30/4 theo hình thức khác.

Luật sư Nguyễn Danh Huế đề xuất qua Facebook cá nhân rằng nên lấy tên gọi chính thức là “ngày thống nhất” và cũng là “ngày đại đoàn kết toàn dân”.

Theo ông, thay vào “tổ chức kỷ niệm tưng bừng chiến thắng” sẽ là các lễ tưởng niệm những nạn nhân của chiến tranh trên khắp đất nước, thắp hương tưởng nhớ những người lính “tại các nghĩa trang cả 2 phía”.

… người cộng sản khi họ đã nghĩ điều gì thì họ không bao giờ thay đổi. Và nó như một cái đinh đã đóng chết vào một bức tường. Không bao giờ họ thay đổi … Và chúng tôi cũng không thấy dấu hiệu nào về việc hòa hợp hòa giải

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Ông cũng gợi ý nên thăm hỏi, chăm sóc các thương binh và những người chịu mất mát do chiến tranh “bất kể họ ở phía nào của cuộc chiến”. Việc tìm kiếm và quy tập hài cốt những người lính mất tích cũng cần được tiến hành “không phân biệt họ thuộc phía nào”.

Luật sư cho rằng những việc nêu trên “nếu không làm ngay thì sẽ muộn”.

Nhưng dưới con mắt tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, đề xuất của ông Huế – dù được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội – dường như vẫn chỉ là những lý tưởng đẹp khó trở thành hiện thực, dù nó nói lên khát vọng của đông đảo những người ở cả hai phía.

Ông Diện đưa ra lý do:

“Khó lắm. Bởi vì là người cộng sản khi họ đã nghĩ điều gì thì họ không bao giờ thay đổi. Và nó như một cái đinh đã đóng chết vào một bức tường. Không bao giờ họ thay đổi. Cái đó rất khó. Và chúng tôi cũng không thấy dấu hiệu nào về việc hòa hợp hòa giải”.

Hôm 27/4, báo chí Việt Nam đăng một bài viết dài của chủ tịch nước Trần Đại Quang về “kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Bài viết dài hàng nghìn từ, như thường lệ, dành phần lớn để ca ngợi thắng lợi do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Toàn bài chỉ có một câu ngắn nói về “xây dựng con người Việt Nam yêu nước, đoàn kết, có năng lực sáng tạo, trung thực, trách nhiệm và nhân ái”, trong khi không có bất cứ từ “hòa hợp” hay “hòa giải” nào.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-so-tri-thuc-co-cai-nhin-xet-lai-ngay-30-thang-4/4370803.html

 

Nghi ngờ Trịnh Xuân Thanh ‘bị đưa sang Slovakia’

Bộ Nội vụ Slovakia tuyên bố rằng họ quan ngại về việc chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hồi năm ngoái có thể đã bị ‘lợi dụng’ cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương, truyền thông nước này hôm 29/4 nói.

Vali nạn nhân nữ vụ bắt cóc Berlin ‘bị lục tung’

Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’

Ông Long là ‘tốt thí’ trong vụ bắt cóc ở Berlin?

TASR, hãng thông tấn của Slovakia, dẫn nguồn từ Vụ Báo chí thuộc Bộ Nội vụ nói rằng Bộ đang phải phản hồi các thông tin từ truyền thông Đức, theo đó nói chuyến công du của ông Tô Lâm có thể có liên hệ tới hoạt động của cơ quan an ninh Việt Nam tại Đức.

Truyền thông Đức trong những ngày gần đây nói rằng Slovakia ‘có thể đã có dính líu’ vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi 7/2017 tại Berlin.

Chính phủ Slovakia không xác nhận tin báo chí này nhưng nói hôm 29/04:

“Kể từ tháng 8 năm ngoái, Bộ Nội vụ Slovakia đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan của Đức để làm rõ vấn đề, để hợp tác tối đa thông qua việc trợ giúp pháp lý quốc tế.”

“Nếu như thông tin từ phía Đức đưa ra được xác nhận, thì chúng tôi sẽ coi đó là việc đối tác Việt Nam đã hành xử không công bằng, lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi để làm những việc không nằm trong phạm vi quan hệ hữu nghị, và việc đó làm bất ổn quan hệ song phương vốn đang rất tốt đẹp giữa hai nước,” Bộ Nội vụ Slovakia được TASR dẫn lời nói.

Vụ việc đang tiếp tục làm rung động quan hệ Đức – Slovakia, khiến đương kim Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini (Đảng Smer-SD) đã phải trả lời truyền hình và xác nhận nước ông bị cho là “có dính líu” đến vụ Trịnh Xuân Thanh.

Theo trang slovensko.hnonline.sk, Thủ tướng Pellegrini hứa ông sẽ yêu cầu có cuộc điều tra về vụ này.

Khách sạn Borik

Cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó của Slovakia, Robert Kalinak, và ông Tô Lâm, diễn ra tại khách sạn Borik ở Blatislava hồi 7/2017.

Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp được thu xếp trong chuyến đi trước đó của phái đoàn Slovakia tới Việt Nam nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tờ FAZ (Frankfurter AllgemeineZeitung) của Đức, số ra ngày 25/4/2018, nói rằng chỉ ba ngày sau vụ bắt cóc ở Berlin, vào ngày 26/7/2017, nhiều nhân vật tình nghi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã từ Prague trên các xe thuê chạy tới Pressburg và đỗ xe tại bãi đỗ của khách sạn Borik.

Trịnh Xuân Thanh trốn bằng cách nào?

EU-VN: Thương mại, nhân quyền và Trịnh Xuân Thanh

Bắt Trịnh Xuân Thanh ‘phải có thời gian’

‘Hồ sơ Trịnh Xuân Thanh ở Đức không đổi’

Báo này cũng nêu rõ Khách sạn Borik là nơi nằm dưới sự chủ quản của chính phủ Slovakia và là nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak, người đồng thời là Phó thủ tướng cho đến ngày 12/03.

Bài tường thuật của FAZ nói trong phái đoàn Việt Nam có cả Tướng Đường Minh Hưng, người hiện đang bị cơ quan điều tra Đức cho là đã trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Cơ quan công tố Đức nói Tướng Hưng đã rời Berlin về Việt Nam ngay sau vụ bắt cóc, và trong những ngày đó, Đức tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đang còn bị giữ tại một địa điểm bí mật nào đó ở Châu Âu.

FAZ nói rằng ông Hưng đã quay ngay trở lại châu Âu để tham dự cuộc gặp giữa phái đoàn Việt Nam với các chính trị gia cao cấp của Slovakia, và đặt câu hỏi phải chăng đây là cuộc gặp để hai bên thương lượng trong việc Slovakia giúp đỡ Việt Nam đưa ông Trịnh Xuân Thanh về nước.

Hôm 24/4, phiên tòa xử nghi phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bắt đầu tại Berlin.

Cơ quan điều tra Đức nói rằng một phụ nữ đi cùng ông Trịnh Xuân Thanh vào thời điểm xảy ra vụ bắt cóc cũng bị bắt đi.

Theo nội dung cáo trạng, chiếc xe chở những người bị bắt đã chạy thẳng về Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Người phụ nữ bị bắt cóc cùng ông Thanh, được nêu danh tính là cô Thi Minh P. D., đã rời Đức về Việt Nam ngay trong ngày, qua ngả Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cơ quan công tố Đức nói rằng ông Thanh sau khi bị đưa về Đại sứ quán đã được đưa về Việt Nam “bằng cách nào đó không rõ”.

Các điều tra viên nghi ngờ rằng đối tượng bị bắt cóc có thể đã được đưa vào xe dịch vụ cứu thương để đưa tới thủ đô Bratislava của Slovakia, sau đó bay về Hà Nội, nhật báo Đức Tageszeitung tường thuật.

Trịnh Xuân Thanh bị điều tra ‘rửa tiền’?

Phiên tòa ở Berlin xử ông Nguyễn Hải Long, bị cáo buộc có liên quan tới vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đã tạm nghỉ sau hôm khai mạc 24/4.

Tòa án sẽ mở lại vào hai ngày 7 và 8/5.

Truyền thông Đức đã đăng nhiều tin bài về phiên xử, trong đó có thông tin gây chú ý từ tuần báo Focus hôm 26/4.

Tờ báo này nói vào năm 2013, giới chức Đức chú ý một tài khoản mà người vợ ông Trịnh Xuân Thanh đã mở ở ngân hàng Sparkasse ở Đức.

Tài khoản này nhận vào 635.000 euro. Người gửi, tờ báo Focus ghi, là ông Hong Quang NL, đăng ký chỗ ở giống địa chỉ nhà vợ ông Thanh.

Tờ Focus cũng tường thuật giới chức Đức tìm thấy danh sách ghi các tài khoản ở Đức của vợ chồng ông Thanh.

Đến ngày 28/4, cũng tờ Focus lại đăng bài thứ hai, nói rằng chính nhân vật Hong Quang NL, thông qua một luật sư, đã liên lạc với cảnh sát Đức, hai ngày sau khi xảy ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” ở Berlin.

Nhân vật NL này, theo báo Focus, đã cung cấp các thông tin như tin về một cô gái được cho là người tình của Trịnh Xuân Thanh, thẻ tín dụng ông Thanh, và các chuyến bay mà có thể đã đưa ông Thanh ra khỏi nước Đức.

Trước tin của tờ Focus về cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin bình luận:

“Theo tôi, có hai vấn đề riêng rẽ. Cáo buộc rửa tiền, giả sử ông Thanh vẫn còn đang ở Đức, nhưng lý do xin tị nạn bị xem là không xứng đáng, rằng ông chạy trốn như tội phạm kinh tế, chưa chắc ông ấy đã được cho tị nạn.”

“Nhưng trong khi thủ tục xin tị nạn của ông Thanh chưa xong, chưa đến ngày thẩm vấn thì xảy ra vụ mà Đức gọi là bắt cóc, sau đó bị xử án mà tưởng có nguy cơ bị tử hình. Dường như vì vậy Đức đã cấp cho ông quyền cư trú tị nạn chính trị.”

Ông Hùng đặt giả thuyết: “Giờ đây ví dụ ông Thanh lại được quay lại Đức, biết đâu ông ấy lại phải ra tòa vì cáo buộc rửa tiền.”

Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak và thủ tướng Robert Fico đều đã từ chức sau khi bị hàng vạn dân biểu tình phải đối vì vụ việc có liên quan đến cái chết của nhà báo Jan Kuciak và vị hôn thê.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43949432

 

Xôn xao việc Whole Foods hợp tác với ‘Yellow Fever’

Công ty Whole Foods Market vài ngày qua bị dân mạng tấn công tới tấp là có thái độ kỳ thị khi tiệm mới nhất của hệ thống này hợp tác với một nhà hàng Á Đông có tên Yellow Fever.

“Tôi đã bị sốc. Tôi thấy cái tên này gây khó chịu. Yellow Fever đại khái có ý chế nhạo những người mê người châu Á hay những gì liên quan đến châu Á.” Brin Kinks nói với đài CBS, Los Angeles.

Sự ồn ào nổi lên khi một tiệm ăn của Yellow Fever được nằm khang trang bên trong tiệm Whole Foods Market mới nhất vừa khai trương tại thành phố Long Beach, California.

Các bài viết về sự hợp tác giữa hai bên, bài nào cũng được chuyển đi hàng trăm lần, với nhiều bài nhận được gần cả ngàn lời bình, đa số lên án Whole Foods Market có thái độ kỳ thị.

Yellow Fever, tiếng Việt là “sốt vàng”, một bệnh nghiêm trọng khiến bệnh nhân bị vàng da, do siêu vi trùng gây ra và truyền lan qua muỗi bị nhiễm bệnh.

Nhưng lý do khiến nhiều người trong cộng đồng mạng giận dữ là vì “Yellow Fever” lại là tiếng lóng chỉ sự thu hút, hấp dẫn tình dục của phụ nữ châu Á với nam giới da trắng. Nói một cách khác đàn ông da trắng mê phụ nữ Á Đông thường hay bị dè bỉu là ”mắc phải bệnh sốt vàng.”

Tại sao làm ‘ẩm thực Việt – Pháp’ ở Paris?

Chuyến hành hương tìm bát phở ‘ngon nhất Việt Nam’

Sự thật về tempura Nhật Bản

‘Cuộc chiến Hummus’ ở Trung Đông

Nghị sĩ California kêu gọi thả người Việt

Ông Jonathan Nguyễn, 38 tuổi, cư dân Long Beach, nói với BBC Tiếng Việt hôm 29/4:

“Thấy mạng xã hội ồn ào quá tôi đến Whole Foods Market xem tiệm Yellow Fever ở đây làm ăn ra sao. Còn gọi cả vài món ăn thử. Thức ăn thì tôi không mê, vì đã bị pha chế theo khẩu vị phương Tây.”

“Nhưng tôi mê ngay cô cashier rất xinh, và chẳng cảm thấy mình bị bị kỳ thị gì cả. Dĩ nhiên có lẽ vì tôi là người châu Á.” Ông Nguyễn nói với tiếng cười sảng khoái.

Ông David Burns, một dân cư Long Beach khác, có bạn gái người Việt Nam, thú nhận với BBC rằng, “thoạt nghe cụm từ Yellow Fever, tôi cũng thấy hơi khó chịu…”

“…Có lẽ vì tôi từng bị bạn bè, nhất là phụ nữ da trắng, chế riễu vì thích phụ nữ Á Đông. Dầu sao, tôi nghĩ họ có thể dễ dàng tìm được cái tên hay hơn để đặt cho tiệm ăn, tại sao phải dùng cái tên gây tranh cãi này.” ông David Burns phàn nàn.

Nhưng cô Bích Hạnh Phan, bạn gái ông David Burns, cho BBC Tiếng Việt biết cô “chẳng quan tâm hay phiền lòng gì về cái tên này.”

“Tên Yellow Fever được các nữ chủ nhân là người Nam Hàn đặt ra, thì có vấn đề gì phải nói. Họ là Á Đông, họ cũng là phụ nữ, nhưng họ có thấy bị kỳ thị gì đâu?” Cô Bích Hạnh giải bày, và đặt câu hỏi:

“Hay chính những người khó chịu với cái tên mới là những người có vấn đề?”

Sarah Storm tweeted: “Trời! Không có ai trong công ty bạn nói cho bạn biết ý tưởng độc hại mà cái tên phân biệt chủng tộc này gợi ra?”

Facebooker Lagilelei Manu Amosa-Andrews viết: “May là chủ nhà hàng là người Á Đông thì không sao, nhưng nếu chủ là da trắng thì phải biết.”

Facebooker Suzanne Teten Vitale bình: “Tôi không nghĩ cái tên này phân biệt chủng tộc chút nào. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: Yellow Fever thật là một tên khủng khiếp cho một nhà hàng! Bạn đang đặt tên nó cho một căn bệnh chết người!”

Facebooker Kelvin Leong: “Là một người châu Á, tôi thấy việc mọi người xôn xao về cái tên này thật buồn cười. Chúng ta sống trong một thời đại mà mọi người căng quá, quên cười mất rồi.”

Quanh việc TP Westminster ủng hộ Bộ Tư Pháp kiện California

Người VN trèo rào Nhà Trắng ‘được tại ngoại’

Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất

Rút dự luật ‘đảng viên cộng sản được làm công chức Californ

Cho đến giờ, công ty Whole Foods Market từ chối trả lời phỏng vấn.

Trong khi đó bà Kelly Kim, đầu bếp điều hành và đồng sáng lập viên của Yellow Fever, cũng điều hành hai nhà hàng khác cùng tên ở khu vực Los Angeles, nói với hãng thông tấn Reuters:

” Yellow Fever ca ngợi mợi thứ châu Á: thực phẩm, văn hóa và con người. Thực đơn của chúng tôi có các món ăn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Hawaii.”

“Chúng tôi hãnh diện là những phụ nữ Á Đông trong giới doanh thương.”

Và mặc cho mọi sự ồn ào, có vẻ bà Kelly Kim và những người hợp tác không nao núng.

“Tiệm Yellow Fever ở Long Beach đông khách hơn hai tiệm còn lại rất nhiều.” Bà Kim nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43946880

 

Âm nhạc Nguyễn Văn Đông có gì đặc biệt?

Nguyễn Văn Đông: ‘Đường đời mưa bay gió cuốn’

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời

Rất nổi tiếng ở miền Nam thời chiến, ông Nguyễn Văn Đông bị bắt đi “học tập cải tạo” sau 1975 cho đến khi được trả tự do năm 1985.

Kể từ đó, ông sống lặng lẽ ở Sài Gòn và dường như không còn sáng tác âm nhạc.

Trung tâm nhạc Thúy Nga hôm 29/4 vừa thực hiện chương trình Paris By Night 125 – Chiều Mưa Biên Giới ở California nhằm vinh danh các ca khúc của người nhạc sĩ.

Hai cây bút từ Melbourne, Úc và California, Hoa Kỳ, cho BBC biết đánh giá về âm nhạc Nguyễn Văn Đông.

Nguyễn Khắp Nơi, Melbourne, Úc

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã nối tiếng từ những năm 1956 – 1957, nhưng lần đầu tiên tôi biết tới ông là qua bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới” do ca sĩ Trần Văn Trạch hát, vào khoảng năm 1961.

Từ khi bài hát “Chiều Mưa Biên Giới” được nổi tiếng, những bài hát khác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mới bắt đầu nổi tiếng theo, nhất là sáng tác đầu tay của ông về Lính: “Phiên Gác Đêm Xuân”.

Mặc dù trong thời gian 1961, chiến tranh chưa lan rộng, chưa có những cảnh hàng loạt học sinh sinh viên giã từ tuổi thư sinh theo tiếng gọi quân trường, nhưng vì những bản nhạc về Đời Lính của nhạc sĩ quá hay, nên mọi người, mọi giới đều thích những bản nhạc đó.

Tôi cũng nằm trong danh sách những người thích nhạc Lính nói trên, nên tôi đã say mê hát theo, thuộc làu từng lời ca tiếng nhạc của từng bài hát của nhạc sĩ.

Đem so sánh những bài nhạc Lính của Nguyễn Văn Đông với những bài hát về Lính đương thời, tôi thấy nhạc của ông có cái gì đó khác với nhạc Lính đương thời. Khi hát lên, có điều gì đó khác nhau mà tôi không hiểu là khác ở đâu? Và khác cái gì?

Mãi đến sau này, khi đọc nhật ký của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đăng trên báo “Người Việt Tây Bắc” năm 2016, tôi mới tìm ra lời giải đáp.

“. . . Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười (Gò Bắc Chiêng, Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường.)

Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh của người em gái hậu phương.

Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác..

Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân.

Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:

“Đón giao thừa một phiên gác đêm

chào Xuân đến súng xa vang rền.

Xác hoa tàn rơi trên báng súng

ngỡ rằng pháo tung bay

ngờ đâu hoa lá rơi…”

” . . . Khi ấy, tôi mới 24 tuổi, là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến.

Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời.

Và từng chập gió buốt kéo về như muới sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”

Thì ra, hai bản nhạc đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được viết khi ông đang là lính, đang đi hành quân giữ an ninh cho đất nước, nên lời của những bản nhạc này tả lại thật rõ ràng người lính đang làm gì, và tâm tư của người lính đang nghĩ gì.

Đó mới chính là Nhạc Lính – Nhạc của người Lính Chiến, viết ra tại chiến trường, hát lên cho những người Lính cũng đang ở chiến trường, cùng nghe.

Nhạc Lính của Nguyễn Văn Đông là như vậy đó!

Nhạc sĩ Lê Xuân Trường, California, Hoa Kỳ

“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh mơ rằng đây mái nhà tranh mà ước chiếc bánh ngày xuân cùng hương khói vương niềm thương…”

Những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đời trong khi đất nước còn chinh chiến, tang thương.

Trong trái tim của người nhạc sĩ đôn hậu hiền hòa này không một phút nào không mơ tưởng đến một ngày đất nước được thanh bình.

Những ca khúc được ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây nửa thế kỷ, đánh dấu một chuỗi sáng tác của ông như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt… v..v..

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của chính ông.

Tôi còn nhớ những năm tháng trước năm 1975, đài truyền hình thỉnh thoảng vẫn phát những bài hát của Nguyễn Văn Đông.

Tôi nhớ mãi ca khúc Mấy Dặm Sơn Khê và Sắc Hoa Mầu Nhớ. Sắc Hoa Mầu Nhớ được lồng trong vở kịch Dưới Hai Mầu Áo của đoàn kịch Kim Cương. Những ngày cuối của tháng 4 năm 1975, Sài Gòn đã tiễn biệt những đợt thị dân di tản. Những âm thanh xưa cũ nay đã không còn.

Biết bao nhiều dấu ái của một nền tảng âm nhạc của biết bao nhạc sĩ thời đó cũng đã lẳng lặng biến mất vào mùa hè năm ấy.

Tôi được may mắn hầu chuyện với nhiều nhạc sĩ lớn trước đây, chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là tôi chưa được trò chuyện cùng ông.

Nhạc của ông cấu trúc giản dị, nhưng để lại những man mác trong lòng người nghe, một phần vì theo sát thời cuộc và một phần là ai cũng cùng chung một tâm trạng như ông, do đó nhạc của ông gần với mọi người.

Rất may mắn văn nghệ Việt Nam có ông và cũng rất tiếc khi ông đã ra đi miên viễn.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43949433

 

Tại sao vụ Hội Thánh Đức Chúa Trời được làm rầm rộ?

Phi Cảnh

Truyền thông Việt Nam đang ầm ầm đưa tin về một loại “tà đạo” mang tên Hội Thánh Đức Chúa Trời. Cách thức đưa tin kiểu này có cái gì đó không bình thường.

Đưa tin một chiều

Trước tiên khẳng định một điều: Nếu có một loại “tà đạo” dẫn dắt con người đến con đường không đúng đắn thì việc cảnh báo người dân là cần thiết. Nhưng vấn đề là thế này: truyền thông Việt Nam có bao giờ đưa tin về những điều tích cực mà tôn giáo mang lại?

Chẳng bao giờ! Chính vì thế mà khi có một vụ việc không hay liên quan đến tôn giáo là đăng tin ồ ạt trên tất cả các phương tiện truyền thông thì rõ ràng nó mang dụng ý không tốt. Với những người Việt Nam phần lớn chỉ đọc tin lề phải, họ dễ dàng bị dẫn dắt theo hướng xa lánh tôn giáo, nhất là khi một “tà đạo” có cái tên chỉ đích danh Thiên chúa giáo như thế này.

Tầm quan trọng của tôn giáo

Chỉ ở những nước Cộng sản vô thần như Việt Nam, Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc mới xem nhẹ vai trò của tôn giáo.

Hiếm có người Việt Nam nào chưa nhìn thấy tờ Đô la, nhưng chắc họ chẳng bao giờ thắc mắc một đất nước của khoa học kỹ thuật như Hoa Kỳ mà trên đồng tiền lại in chữ “In God We Trust” (Chúng tôi tin vào Chúa).

Nước Mỹ – “Một quốc gia dưới Chúa” (One Nation, Under God), nơi “người ta không tôn kính Chính phủ, mà người ta tôn kính Chúa” – lời của Tổng thống Donald Trump.

Will Gervais từ Đại học Kentucky nói với báo The Times rằng nói: “Mọi người dường như cho rằng tôn giáo là yếu tố tất yếu của đạo đức. Và không có tôn giáo, mọi người sẽ hành xử hoang dã vì không có ai yêu cầu họ phải trung thực. Tại sao họ không nên nói dối, ăn cắp và hãm hiếp?”. Vì thế người Mỹ không bỏ phiếu cho một tổng thống vô thần.

Các nước giàu có văn minh đều là các nước tự do tôn giáo cả, đông nhất là các nước Tin lành và Công giáo. Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel nắm quyền 12 năm nay thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, có ai nghĩ đảng phái hàng đầu nước Đức lại có cái tên “cổ lỗ sĩ” như thế.

Tự do tôn giáo tất nhiên thỉnh thoảng có mang đến những vấn đề, nhưng lợi ích của nó mang lại vẫn rất lớn, vì vấn đề gặp phải chẳng thấm vào đâu so với đàn áp tôn giáo. Ở những nước không được tự do tôn giáo, tình trạng đạo đức đều xuống cấp. Cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói: “Nếu không có “Kinh Thánh”, chúng ta không thể phân biệt được thế nào là thiện ác”.

Ở Việt Nam, tình trạng lừa đảo phổ biến đến mức người dân cho đó là chuyện bình thường, cho là vì “ngốc nên mới bị lừa” chứ không nghĩ rằng do vấn đề đạo đức xã hội mà ra. Ngay cả lúc có việc đến các cơ quan công quyền (vốn để bảo vệ người dân) mà còn bị lừa kia mà!

Thời điểm đưa tin có vấn đề

Chính quyền Việt Nam vốn rất nhanh nhẹn trong việc đàn áp tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo dù tôn giáo này làm những việc tốt. Hay kể cả Phật giáo, ví dụ như Pháp Luân Công – bộ môn tu luyện thật sự tốt cho sức khỏe và làm người ta sống tốt lên thì lại đi ngăn cấm “vì Trung Quốc cũng cấm”.

Vậy mà “Hội Thánh Đức Chúa Trời” đã xuất hiện ở Việt Nam nhiều năm nay, được cho là làm toàn việc xấu mà tại sao bây giờ mới đưa tin rầm rộ – đây là một câu hỏi lớn.

Thật “tình cờ”, hoạt động của hội này được tung ra vào đúng dịp Ủy Hội Hoa Kỳ về Tôn giáo Quốc tế đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Liệu đây có phải là một sự ngẫu nhiên?

Một báo mạng Việt Nam có ngay một bài với cái tít: “Truyền bá tà đạo “Đức chúa trời mẹ” qua SIM rác”. Nội dung là “khó giải quyết tận gốc do thiếu thông tin chính xác về kẻ truyền giáo. Nguyên nhân là bởi kẻ xấu đã sử dụng SIM không chính chủ nên rất khó lần ra dấu vết”, chính vì thế “Quy định đăng ký lại thông tin thuê bao giúp xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, tin nhắn rác.”

Bài báo này vừa lên án hội “tà đạo”, vừa bào chữa cho công an lý do vì sao không dứt điểm được vụ việc, vừa bảo vệ Nghị định 49 bắt chụp ảnh chân dung, vừa không nhắc gì tới tình trạng sim rác là do chính nhà mạng gây nên. Đúng là 1 mũi tên trúng đến 3, 4 mục tiêu.

Chưa kể hội thánh này được đưa tin là xuất phát từ Hàn Quốc, cũng thật đúng thời điểm 30/4 khi mà các “thế lực thù địch” đang tuyên truyền rằng miền Bắc nghèo đói thì giải phóng miền Nam nỗi gì?

Đấy thấy chưa, tự do nhưng bất ổn như Hàn Quốc có hay ho gì không? Chúng tôi không đàn áp tôn giáo, chúng tôi chỉ ngăn cấm tà giáo và những người lợi dụng tự do tôn giáo. – Ý của Đảng là vậy.

Chính vì thế, việc Hội Thánh này có thật sự xấu như báo Đảng nói hay không, hoặc nếu nó có xấu thật thì người đứng sau nó là ai là những điều đáng phải suy ngẫm.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/why-vn-media-criticizes-church-of-god-04302018130328.html

 

Hội Thánh của Đức Chúa Trời

phản bác cáo buộc của truyền thông trong nước

“Hội thánh của Đức Chúa Trời (HTCDCT) phản đối các hoạt động tôn giáo cực đoan; người trong hội thánh không hành động như vậy” là khẳng định của truyền đạo sư Nguyễn Văn Hoà trước những cáo buộc của dư luận và các cơ quan chức năng tại Việt Nam xung quanh hoạt động của tổ chức này trong thời gian vừa qua. Mạng báo Pháp luật loan tin này hôm 30/04.

Theo bài phỏng vấn với báo Pháp Luật, ông Hòa cho biết cụ thể, tên gọi chính thức của tổ chức này là Hội thánh của Đức Chúa Trời chứ không phải là Hội thánh Đức Chúa Trời. Ngoài ra, trụ sở của của Hội thánh của Đức Chúa Trời chỉ có 4 điểm đăng ký sinh hoạt là trụ sở tại đường Lê Văn Quới, trụ sở tại quận Gò Vấp, Bình Thạnh và quận 8, các địa điểm khác thuộc các hệ phái khác chứ không thuộc Hội thánh của Đức Chúa Trời.

Bên cạnh đó, mục sư Nguyễn Văn Hoà cũng chính thức lên tiếng trước những cáo buộc liên quan đến hoạt động của hội thánh và khẳng định hội không dạy tín đồ những hành động mà truyền thông trong nước phản ảnh là trái với thuần phong mỹ tục như cho rằng con người không phải do cha mẹ sinh ra, rời bỏ gia đình và đóng tiền nuôi “hội thánh”… Ông Hoà cũng cho rằng những thông tin trên truyền thông thời gian qua gây hiểu lầm về hoạt động của hội thánh cũng như đã có nhiều cá nhân lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để gây ảnh hưởng đến uy tín của hội.

Trước đó vào ngày 29/04, tại tỉnh Nghệ An, nhà chức trách địa phương đã phát hiện một nhóm 12 người nam và nữ trong đó có sinh viên tại một căn hộ chung cư tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh được cho là đang sinh hoạt trái phép đạo Hội thánh Đức Chúa Trời. Tại hiện trường cảnh sát thu giữ được một số cuốn sách kinh thánh liên quan tới đạo thánh “Đức Chúa Trời”. Lãnh đạo công an thành phố Vinh cho biết việc truyền đạo Hội thánh Đức Chúa Trời là hoạt động trái với quy định pháp luật và 12 thành viên nói trên đã được công an mời về trụ sở làm việc.

Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Cần Thơ hôm 30/4 ra công văn chính thức thông báo về phương thức, thủ đoạn của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”và đề nghị các địa phương và cơ quan, đơn vị lưu ý người dân tránh việc bị lôi kéo cũng như kịp thời báo cho cơ quan công an địa phương để có biện pháp ngăn chặn, kịp thời xử lý, đồng thời tuyên truyền cho người dân không tham gia vào các hội nhóm trái phép cũng như hướng dẫn người dân một số biện pháp để từ chối và tránh né hoạt động tiếp cận của các đối tượng truyền giáo.

Mới đây, một số trường đại học và cao đẳng tại tỉnh Vĩnh Long, Tp Cần Thơ cũng đã chính thức ra thông báo đến cán bộ giáo viên và học sinh sinh viên về việc tránh tiếp xúc và tham gia vào Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Hội thánh Đức Chúa Trời có nguồn gốc từ tỉnh Kyunggi của Hàn Quốc do ông Ahn Sahng-hong sáng lập từ năm 1964. Đến năm 1985 thì được lan truyền rộng rãi với tên World Mission Society Church of God. Theo thông tin trên website chính thức của hội, đến nay, Hội Thánh Đức Chúa Trời đã xuất hiện tại 175 quốc gia, với khoảng hơn 2 triệu tín đồ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hoi-thanh-cua-duc-chua-troi-phan-bac-cao-buoc-cua-truyen-thong-trong-nuoc-04302018084326.html

 

Một nửa số doanh nghiệp mới thành lập

trong 4 tháng qua phải tạm dừng hoạt động

Gần 26.300 doanh nghiệp ở Việt Nam phải tạm dừng hoạt động trong vòng 4 tháng qua, trong đó hơn 12.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

Truyền thông trong nước hôm 30/4 trích báo cáo của Cục quản lý đang ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết như vừa nêu.

Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 4 tháng qua, cả nước đã có hơn 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 412.000 tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái.

Số doanh nghiệp mới thành lập chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghệ chế biến và chế tạo. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy chiếm số lượng đănng ký nhiều nhất.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/1-out-of-2-new-established-businesses-busted-in-the-last-4-months-04302018111720.html

 

Đà Nẵng chuẩn bị kiểm tra nhà, đất công sản

Truyền thông trong nước hôm 29/4 cho biết sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng thực tế của 25 nhà, đất công sản có tổng diện tích khoảng 32.000 m2 mà các hội, đoàn thể đang sử dụng. Thời gian thanh tra được xác định cho đến hết tháng 5/2018.

Mục đích của cuộc rà soát này được đưa ra là để đảm bảo sử dụng phù hợp, và tiết kiệm quỹ nhà công sản theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra hồi đầu năm nay.

Danh sách 25 hội đoàn nằm trong diện thanh tra đất lần này có hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hanh, hội người mù, hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh, liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố, hội văn học nghệ thuật…

Quyết định rà soát đất công sản  được đưa ra vào giữa lúc Đà Nẵng đang phải giải quyết vụ án của Vũ ‘nhôm’, tức Phan Văn Anh Vũ, một sĩ quan an ninh và chủ doanh nghiệp bình phong của Công An, người bị cho là đã lợi dụng chức quyền thâu tóm bất minh nhiều nhà đất công sản.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/danang-to-look-into-state-own-lands-04302018105900.html