Tướng tình báo Phan Hữu Tuấn làm lộ ‘bí mật nhà nước’ nào?
Tổng cục V Bộ Công an đang bước vào mùa gặt hái thắng lợi chưa từng có: một tướng tình báo cùng họ Phan với Phan Văn Anh Vũ – ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tống giam về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” vào ngày 17/4/2018.
Vẫn chưa đầy 1%
Cùng bị bắt với tướng Tuấn trong đợt này là Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, cũng về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách là hai cái tên đầu tiên trong danh sách 7 người bị bắt và câu lưu của Bộ Công an.
Có thể cho rằng đây là một trong số hiếm hoi vụ scandal ở Tổng cục Tình báo Bộ Công an bị phanh phui, và là lần đầu tiên một “điệp vụ tình báo” đầy bê bối như thế được đảng cầm quyền bật đèn xanh cho tung hê lên mặt báo chí.
Vụ bắt tướng Phan Hữu Tuấn xảy ra chỉ 11 ngày sau khi cựu Tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát – Trung tướng Phan Văn Vĩnh – bị khởi tố và tống giam vì liên quan đến đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, ngành công an đã phải chịu một “tổn thất” lớn với 3 “đồng chí cấp tướng” – tính luôn cả Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – nhân vật chủ chốt trong đường dây đánh bạc công nghệ cao mà khi bị bắt vẫn còn là Cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an.
Song con số 3 tướng trên vẫn chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 1% trong tổng số 300 – 400 tướng công an đang hiện hữu. Phần lớn con số bị xem là “lạm phát” này nảy sinh vào thời “bão thăng tướng” – thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng công an Trần Đại Quang.
Danh sách tình báo viên hay hình ảnh ăn chơi?
Trở lại vụ Phan Hữu Tuấn. Mặc dù bản thông báo của Bộ Công an không đề cập về mối quan hệ giữa hai quan chức Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách, nhưng nhiều khả năng hai quan chức này là chung vụ, với Phan Hữu Tuấn là “đầu vụ”.
Như vậy cho đến nay và liên quan đến tội danh “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, đã xuất hiện ít nhất một tam giác với 3 đỉnh: Phan Hữu Tuấn – Nguyễn Hữu Bách – Phan Văn Anh Vũ.
Tất cả đều là người của Tổng cục Tình báo Bộ Công an.
Dấu hỏi lớn là “bí mật nhà nước” nào đã bị cố ý làm lộ bởi ba quan chức trên?
Vào cuối tháng 12/2017, vào lúc Vũ “Nhôm” – tức Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ đào tẩu và bị phát lệnh truy nã quốc tế, có một chi tiết “lạ”: trong khi báo chí nhà nước ồn ào đưa tin về rất nhiều dự án đất đai và nhà công sản mà Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi chính sách để có được và làm giàu bất chính, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an lại tung ra lệnh truy nã của đối với Phan Văn Anh Vũ và khởi tố Vũ do có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”.
Nếu quả thực Phan Văn Anh Vũ có tài liệu bí mật và chủ ý làm lộ tài liệu bí mật ấy, tài liệu này có thể được chỉ đạo cung cấp bởi tướng Phan Hữu Tuấn, còn cán bộ Nguyễn Hữu Bách là người trực tiếp chuyển giao tài liệu.
Có thể là tài liệu nào?
Vào thời gian Phan Văn Anh Vũ bị truy nã, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước. Nếu bản danh sách này bị lộ ra thì đó sẽ là một chấn động không chỉ đối nội mà còn đối ngoại và mang tầm cỡ quốc tế, khiến không chỉ Tổng cục Tình báo mà cả Bộ Công an cũng “đi đứt”.
Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có một danh sách như thế được công khai hóa trên mạng xã hội hay được đề cập bởi báo chí quốc tế.
Trong khi đó, thực tế có thể hình dung ngay là trong tay Vũ “Nhôm” rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ “xămxônai” (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức “lại quả” cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường… Những tài liệu và bằng chứng này chắc hẳn là nhiều hoặc rất nhiều mà Vũ “Nhôm” đã khai báo với cơ quan điều tra kể từ khi bị dẫn độ từ Singapore về Việt Nam vào đầu tháng Giêng năm 2018 đến nay.
Nhưng có lẽ “bí mật nhà nước” được hình dung bị lộ lọt rõ hơn cả là “Báo cáo tin tình báo”.
“Báo cáo tin tình báo” là có thật?
Một chi tiết liên quan vụ Vũ “Nhôm” nhưng có vẻ ít được dư luận chú ý là chỉ ít ngày sau khi Vũ “Nhôm” bị đặt vào lệnh truy nã, trên mạng xã hội bất thần hiện ra một tài liệu mang tên “Báo cáo tin tình báo”. Không biết tài liệu này có tính xác cứ nào hay không và nếu có thì xác cứ đến mức độ nào, nhưng địa chỉ được cho là phát hành nó là Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) – Bộ Quốc phòng, ký tên Trung tướng Phạm Ngọc Hùng – Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.
Bản “Báo cáo tin tình báo” trên dài đến 4 trang, đặc biệt đề cập về Vũ “Nhôm” và “phe cánh chính trị” không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lên đến “trung ương”, cùng mối quan hệ của Vũ “Nhôm” với một số nhân vật và quan chức khác.
Nếu đọc kỹ bản báo cáo trên thì có thể nhận ra một số “biện pháp nghiệp vụ” mà cơ quan được cho là Tổng cục 2 quân đội đã áp dụng để theo dõi Vũ “Nhôm”.
Vậy phía quân đội đã phản ứng thế nào với tài liệu hiếm có trên?
Thông thường, việc xuất hiện một tài liệu nghiệp vụ chuyên sâu cùng độ bảo mật cao như vậy là một sự kiện “động trời” trong ngành tình báo, phải khiến cho đương sự là Tổng cục 2 “nhảy nhổm lên”, để ngay lập tức có hành động “phản bác các luận điệu sai trái” trên mạng xã hội, nhất là khi Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã khoe khoang về “lực lượng 47” có đến 10.000 dư luận viên vào cuối năm 2017.
Nhưng rất lạ lùng là cho tới nay, đã 4 tháng trôi qua kể từ thời điểm hiện ra “Báo cáo tin tình báo” trên, người ta vẫn chưa thấy Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo hay có công bố nào để phản bác tính vô xác cứ của tài liệu này.
Mà như vậy, ngày càng xác cứ rằng “Báo cáo tin tình báo” trên là có thực.
Phải chăng Phan Văn Anh Vũ và những quan chức Tổng cục tình báo Bộ Công an đã chủ đích tung tài liệu trên lên mạng xã hội để “chơi lại” Tổng cục 2 quân đội?
Còn nhớ vào tháng Tư và tháng Năm năm 2017, một bàn tay bí ẩn ào đó đã tung lên mạng xã hội hàng loạt tài liệu đóng dấu “MẬT” và “TỐI MẬT” đỏ chói về sỹ quan tình báo Phan Văn Anh Vũ cùng “công ty bình phong” Nova 79, công văn do một thứ trưởng Bộ Công an ký giới thiệu công ty do Phan Văn Anh Vũ làm giám đốc quan hệ với một số tỉnh và thành phố, cảnh ăn chơi thác loạn của những doanh nhân liên quan đến Vũ “Nhôm”…
Những tài liệu không rõ nguồn gốc trên, mặc dù bị một số dư luận viên của ngành công an cho là tài liệu giả mạo, nhưng hiện tượng rất lạ lùng là bất chấp số tài liệu này đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, cho tới nay vẫn không có một phản ứng hay cải chính nào từ phía Bộ Công an. Cũng bởi thế, rất nhiều người dân đã tin rằng những tài trên là có cơ sở và được tuồn ra chỉ từ nguồn nội bộ với một dụng ý hay âm mưu nào đó.
Phạm Chí Dũng