Đọc báo Pháp – 24/04/2018
« Đôi bạn » Trump-Macron và ba chủ đề « hóc búa »
Trong chuyến công du cấp Nhà nước tới Mỹ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay 24/04/2018 có buổi làm việc với đồng nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump. Trong bài viết có tiêu đề « Trump-Macron : Những chủ đề gây bực tức », báo Les Echos điểm lại ba vấn đề chính khiến hai nguyên thủ bất đồng với nhau.
Mặc dù đã nhiều lần nói đến « mối quan hệ đặc biệt », nhưng hai nhà lãnh đạo không thể phủ nhận một điều là họ vẫn có nhiều căng thẳng, đặc biệt là trên ba hồ sơ lớn : thuế đánh vào thép, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và cuộc chiến ở Syria. Phái đoàn Pháp cũng tỏ ra rất thận trọng về khả năng hai nguyên thủ quốc gia đạt được đồng thuận về một trong ba hồ sơ nói trên.
Ông Erik Brattberg, giám đốc Quỹ Carnegie cho hòa bình quốc tế – chi nhánh châu Âu – dự đoán : « Nếu Emmanuel Macron trở về Pháp mà không đạt được thỏa ước nào liên quan tới các chủ đề đang có bất hòa, có thể ông ấy sẽ xem xét lại chiến lược cởi mở với Donald Trump ».
Thép : Bóng ma chiến tranh thương mại
Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News của Mỹ cuối tuần qua, tổng thống Pháp đã tuyên bố : « Chúng tôi không lao vào chiến tranh thương mại chống lại các đồng minh ». Theo Les Echos, câu hỏi về thương mại, nhất là thuế Washington đánh vào thép và nhôm nhập từ châu Âu sẽ là tâm điểm trong buổi trao đổi sáng hôm nay giữa hai nhà lãnh đạo. Thời hạn 01/05 sắp tới, nhưng dường như Hoa Kỳ và châu Âu vẫn chưa đi tới bất kỳ đồng thuận nào về vấn đề này.
Tạ Berlin hôm thứ Năm tuần trước, cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương và chính sách đa phương. Hôm qua điện Elysée cũng giải thích : « Chắc chắn tổng thống Macron sẽ nhắc lại là ông cực lực phản đối việc châu Âu và Mỹ cùng tăng thuế để đáp trả lẫn nhau. Lý lẽ « bảo vệ an ninh quốc gia » mà Washington đưa ra là vô căn cứ. Cả Paris và Berlin đều đồng ý về điểm này và được Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ. »
Tuy nhiên, báo Les Echos nhận xét là thực ra không hẳn Pháp và Đức hoàn toàn thống nhất về vấn đề này. Trên thực tế, Pháp không muốn thương lượng về thuế quan mà muốn tiến hành cải cách rộng rãi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Ngày 23/03, Macron đã cảnh báo : « Chúng tôi không muốn nói gì với quốc gia dí súng vào đầu chúng tôi ». Ngược lại, Berlin lại bắn tín hiệu sẵn sàng nhượng bộ, chẳng hạn giảm thuế áp trên một số mặt hàng công nghiệp của Mỹ. Sự cứng rắn của Pháp khiến Đức lo ngại, vì Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và thặng dư thương mại của Đức đối với Mỹ lên tới 50 tỉ euro.
Iran : Lập trường xa cách
Về hồ sơ Iran, lập trường của Pháp và Mỹ dường như cũng rất xa cách, thậm chí là không thể dung hòa. Thời gian không còn nhiều : 12/05 là thời hạn Washington phải tuyên bố ở lại hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Giám đốc Quỹ Carnegie cho hòa bình quốc tế – chi nhánh châu Âu – nhấn mạnh : « Hồ sơ này là biểu tượng cho sự đồng thuận giữa Pháp, Đức và Anh Quốc. Nếu có một lãnh đạo châu Âu nào có thể tác động tới Donald Trump, thì đó là Emmanuel Macron. »
Nhưng tại Mỹ, theo báo Les Echos, sức ép cũng tăng mạnh trong những ngày qua. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Bob Corker, nhắc lại là Donald Trump chắc chắn sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận nếu thỏa thuận không có « bất cứ cải thiện đáng kể nào ». Trong khi đó, ngoại trưởng Iran, ông Javad Zarif, hôm Chủ Nhật 22/04 tuyên bố nếu Washington hủy thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Teheran sẽ tái khởi động mạnh mẽ chương trình hạt nhân.
Syria : bất đồng về phương pháp
Liên quan tới cuộc chiến ở Syria, để thuyết phục Donald Trump ở lại,nguyên thủ Phápđã không ngần ngạicảnh báo : « Ngày mà chúng ta kết thúc cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nếu chúng ta rút hết quân và vĩnh viễn, chúng ta sẽ để lại nơi đó cho chế độ Iran, cho Bachar Al Assad và đồng minh của ông ta. Và chính họ sẽ chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới. Họ sẽ nuôi dưỡng những kẻ khủng bố mới ».
Vì hai lãnh đạo Pháp-Mỹ dường như khá đoàn kết trên mặt trận Syria, nên theo Les Echos, Emmanuel Macron và Donald Trump sẽ phải tìm một giải pháp trung hòa.
Pháp : Lộ trình chấm dứt
thời đại « mọi thứ đều có thể bị vứt đi »
Trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, Le Monde giới thiệu « Kế hoạch thoát khỏi thời đại cái gì cũng có thể bị vứt bỏ ». Để chấm dứt thời đại « mọi thứ đều có thể bị vứt đi », hay còn gọi là thời đại « sản xuất, tiêu dùng và vứt đi », cũng như thúc đẩy « nền kinh tế tuần hoàn » phát triển, đích thân thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm qua 23/04/2018 đã trình bày một lộ trình với 50 biện pháp nhằm quản lý hiệu quả hơn rác thải, đề ra chính sách tái xử lý rác thải một cách có hệ thống, đấu tranh chống lãng phí và chống chủ ý rút ngắn thời gian sử dụng của sản phẩm.
Mục tiêu của chính phủ Pháp là tới năm 2025, lượng rác thải không nguy hiểm thải ra giảm 50% so với năm 2010, 100% rác nhựa được tái chế vào năm 2025, giảm 30% tiêu thụ tài nguyên từ nay đến năm 2030 ; tạo thêm 300.000 việc làm trong các lĩnh vực « kinh tế tuần hoàn ».
Le Monde cho biết mặc dù có tiến bộ, nhưng Pháp vẫn « chậm chân » hơn nhiều nước khác về phát triển « kinh tế tuần hoàn ». Vào năm 2014, tỉ lệ tái sử dụng rác thải sinh hoạt tại Pháp chỉ đạt 40% so với tỉ lệ 65% tại Đức và 50% tại Bỉ. Tỉ lệ thu gom rác thải nhựa chỉ đạt 20% trong khi tỉ lệ trung bình tại Liên Hiệp Châu Âu là 30%. Chỉ có 30% số chai nhựa qua sử dụng được thu gom so với con số 90% tại Bắc Âu.
Khi nạn đói hoành hành ở Venezuela
Nhìn ra quốc tế, báo công giáo La Croix dõi theo cuộc sống người dân Venezuela, đất nước đang dần sụp đổ. Trong bài viết « Khi nạn đói hoành hành ở Venezuela », đặc phái viên báo La Croix tại Caracas nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế đang tàn phá đất nước dầu lửa ở mức chưa từng có. Số người đói ăn tăng vọt chỉ sau một năm. Đó không chỉ là người vô gia cư mà cả người làm công ăn lương. Không có số liệu thống kê chính thức về số người thiếu ăn, suy dinh dưỡng và chết đói, nhưng theo một cuộc thăm dò ý kiến, 70% số hộ được hỏi cho biết họ không thể mua đủ lương thực thực phẩm cho gia đình.
Theo dự đoán của Quỹ tiền tệ Quốc tế, năm nay, giá cả sẽ tăng tới 13.000% tại Venezuela. Mặc dù cứ hai tháng/lần, chính phủ tăng lương tối thiểu, khoảng 30%-50%, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Giá cả vẫn tăng, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Người dân ngày càng phải « thắt lưng, buộc bụng ». Các siêu thị đều khan hiếm hàng, còn ở chợ đen, một tháng lương tối thiểu chỉ đủ mua 4 kg gạo hoặc 3 kg thịt gà. Các chuyên gia đã gióng hồi chuông báo động về tác hại của nạn đói tới sức khỏe người dân, nhất là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
Bò sữa : loài thú lớn nhất trong tương lai ?
Trong lĩnh vực khoa học, báo Le Figaro có bài viết « Trong 200 năm nữa, bò sữa có thể trở thành loài thú lớn nhất », trích kết quả một nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu Mỹ về mối liên hệ giữa tầm vóc các loài động vật có vú và sự « bành trướng » của loài người trên hành tinh. Theo kết quả nghiên cứu được đăng tên tạp chí khoa học Science, trong vòng 200 năm tới đây, loài thú lớn nhất hành tinh sẽ bò sữa với trọng lượng 900kg. Thực ra, không phải là vóc dáng các loài thú nhỏ đi, mà là các loài động vật có vú với thân hình to lớn dần tuyệt chủng.
Tiệm sách cũ dọc sông Seine :
Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ?
Trong lĩnh vực văn hóa, Le Monde có bài viết « Các tiệm sách cũ tại Paris tin rằng sẽ được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa ». Có 210 tiệm sách cũ sơn màu xanh lá cây thẫm bên bờ sông Seine, với khoảng 300.000 cuốn sách, bản khắc, tạp chí cũ … là khu chợ sách ngoài trời duy nhất trên thế giới nằm dọc bờ sông.
Tuy nhiên, từ lâu nay, để chiều lòng du khách, các món hàng lưu niệm đã chiếm mất nhiều chỗ vốn lẽ ra phải được dành cho các cuốn sách. Theo quy định, đồ lưu niệm chỉ được bày trong ¼ số thùng hàng. Thành phố Paris đã xử phạt nhiều lần các chủ tiệm sách vi phạm quy định. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Đồ lưu niệm vẫn được bán tràn lan ở các tiệm sách cũ. Để khắc phục tình trạng chệch hướng nói trên, ông Jérôme Calais, chủ tịch hiệp hội các tiệm sách cũ Paris đang đấu tranh để quần thể tiệm sách cũ dọc bờ sông Seine được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ý tưởng trên được thị trưởng các quận có liên quan (quận 1, 4, 6 và 7) và thị trưởng Paris Anne Hidalgo ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ danh sách đệ trình lên UNESCO của Pháp đã khá dài và cứ hai năm, nước Pháp mới được đệ trình một hồ sơ. Sớm nhất là tới năm 2021, thậm chí 2023 bộ Văn Hóa Pháp mới có thể làm hồ sơ lên UNESCO xin xét duyệt cho các tiệm sách cũ. Đại sứ Pháp tại UNESCO cũng dè chừng là « dự án nghe thì hấp dẫn nhưng cánh cửa vào lại khá hẹp ». Trợ lý phụ trách di sản của Paris cũng dự báo « có khá nhiều trở ngại ».
Trang nhất các báo Pháp
Le Monde quan tâm tới tình hình chính trị trong nước, nhất là về ý định xích lại gần nhau giữa cánh hữu và cực hữu. Nhiều chính trị gia thiên hữu mới đây đã cùng nhau ký vào bản kêu gọi « thành lập một liên minh lớn ». Các tranh luận vừa qua về dự luật tị nạn – nhập cư của chính phủ đã khẳng định cánh hữu và cực hữu có một số đồng thuận, cả về tư tưởng và chiến lược.
Cũng chú ý tới thời sự nước Pháp, Le Figaro nhận định tổng thống Emmanuel Macron đang phải đối mặt với nguy cơ người dân cảm thấy ngán ngẩm về các quy định thuế khóa. Vẫn liên quan tới thuế, báo kinh tế Les Echos cho biết bộ Tài Chính Pháp muốn tiếp tục giảm thuế cho doanh nghiệp.
Còn báo Libération dành hồ sơ chính cho bộ trưởng Văn Hóa Pháp Nissen. Xuất thân từ xã hội dân sự, khi mới được nhiệm làm bộ trưởng, bà Nissen được đón nhận nồng nhiệt, nhưng giờ đây bộ trưởng Văn Hóa bị nhiều người đánh giá là thụ động và thiếu chuyên nghiệp.
Trong lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix nói về nỗi thống khổ của 25 triệu người bị cưỡng ép lao động trên toàn thế giới.
(Reuters) – Con đường tơ lụa mới: Bắc Kinh lại thất bại trong việc lôi kéo Ấn Độ. Trung Quốc đã không thuyết phục được Ấn Độ hậu thuẫn cho đề án hạ tầng cơ sở Con Đường Tơ Lụa Mới trong cuộc họp ngày 24/04/2018 tại Bắc Kinh của các ngoại trưởng thuộc Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải. Ấn Độ đã không ủng hộ đề án này, do việc Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 57 tỉ đô la, nằm trong dự án, lại đi qua vùng Kashmir do Pakistan quản lý nhưng vẫn bị Ấn Độ xem là phần lãnh thổ của mình.
(AFP) – Trung Quốc : Cháy tại một tiệm karaoke, 18 người thiệt mạng. Vụ hỏa hoạn xảy ra vào lúc nửa đêm ngày 24/02/2018, tại một tòa nhà ba tầng ở thị trấn Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông. Theo điều tra sơ bộ, cảnh sát cho rằng đây là một hành vi tội phạm. Một nghi can đã cố tình khóa trái cửa rồi phóng hỏa sau một cuộc tranh cãi. Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 32 tuổi, cư ngụ tại một xã lân cận.
(AFP) – Dân Armenia ăn mừng thủ tướng từ chức. Cựu tổng thống Armenia, Serge Sarkissian, vừa được bổ nhiệm làm thủ tướng ngày 23/04/2018 đã phải đệ đơn từ chức sau 11 ngày hàng chục nghìn người dân thủ đô biểu tình rầm rộ phản đối ông. Cùng ngày, lãnh đạo làn sóng phản đối chính phủ tại Armenia, ông Nikol Pachinian, bị bắt giữ trong một cuộc biểu tình tại thủ đô Erevan cũng đã được trả tự do.
(AFP) – Cựu tổng thống Mỹ George H. W Bush nhập viện. Năm nay 93 tuổi, cựu tổng thống Mỹ ngày 22/04/2018 đã phải nhập viện, ngay sau ngày mai táng vợ là bà Barbara. Theo giải thích của phát ngôn viên, nguyên nhân là ông bị nhiễm trùng máu.
(RFI) – Pháp : « Luật về Động Vật » nhân Ngày Thế Giới Động Vật. Ngày 24/04/2018 được chọn là Ngày Thế Giới Động Vật, chống lại việc sử dụng động vật trong các phòng thí nghiệm hay tố cáo việc đối xử tệ với động vật. Trong trào lưu này, hiệp hội « 30 triệu người bạn » tại Pháp vừa cho công bố một bộ Luật về Động Vật, bộ luật đầu tiên tại Pháp cũng như tại châu Âu. Bộ luật được dựa trên mô hình Luật Dân sự, bao gồm hàng nghìn điều khoản. Đây là kết quả một sự hợp tác giữa các giáo sư ngành luật với các chuyên gia bảo vệ động vật.
(AFP) – Yemen : Lãnh đạo phe nổi dậy Huthis tử vong. Theo thông báo của quân nổi dậy ngày 23/04/2018, ông Saleh al-Sammad, đã bị thiệt mạng trong một trận oanh kích của liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, diễn ra trước đó 4 ngày tại thành phố Hodeida, phía tây Yemen. Phe nổi dậy Huthis đe dọa sẽ trả thù cho cái chết của nhà lãnh đạo cao nhất của người Huthis Hồi Giáo theo hệ phái Shia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180424-tin-doc-nhanh