Tin Việt Nam – 24/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 24/04/2018

Tắc nghẽn vì dân nộp ảnh chân dung giữ SIM

Hàng triệu người dùng di động Việt Nam ùn ùn đổ đi nộp ảnh chân dung vào hạn chót 24/4 do sợ bị khóa SIM khiến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tắc nghẽn.

Trong khi nhiều khách hàng than nhà mạng gây phiền nhiễu, giới chức cho rằng việc này cần thiết ‘để đảm bảo an ninh quốc gia’.

Tắc nghẽn

Hàng nghìn người chờ được chụp ảnh chân dung tại trụ sở các nhà cung cấp mạng viễn thông tạo nên cảnh hỗn loạn ngày 24/4.

Đây là hạn chót cho các nhà mạng để thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Trong đó quy định các nhà mạng phải có trách nhiệm đảm bảo tính xác thực của thông tin thuê bao.

Việt Nam cho cá cược bóng đá quốc tế

Mạng xã hội theo ý thức hệ gì?

Sự cố Galaxy Note 7 ‘tác động tới VN’?

Nhật: Giấy vệ sinh cho… điện thoại

Điều này kéo theo hàng triệu khách hàng phải chạy đua để nộp bổ sung thông tin, đặc biệt là ảnh chân dung với nỗi lo trễ hạn sẽ bị khóa máy, theo Vietnamnet.

Theo VnExpress, đại diện ba nhà mạng lớn đều thừa nhận tình trạng quá tải ở tất cả các kênh.

Phiền nhiễu?

Tại sao hàng triệu khách hàng phải tới tận nơi để được nhà mạng chụp ảnh chân dung, thay vì làm thủ tục online?

Một người dùng là Trần Đức Anh Sơn chia sẻ trên Facebook là do quá bận, anh đã cố tìm thông tin trên mạng để được nộp ảnh online nhằm ‘cứu’ số điện thoại đã dùng hơn chục năm của mình, nhưng không có.

Khi gần đến ‘giờ G’, các nhà mạng dường như đồng loạt công bố cách thức đăng ký thông tin online, nhưng thủ tục online dường như cũng không hẳn đơn giản.

Ví dụ người dùng Viettel sẽ phải qua ít nhất bốn bước bước gồm tải app; đăng ký; nhập số điện thoại để nhận mã xác thực; điền thông tin khách hàng như ngày tháng năm sinh, ảnh chứng minh thư hai mặt trước sau, ảnh chân dung, chữ ký.

Đã thế, theo Vnexpress ‘các kênh nộp ảnh chân dung của nhà mạng đều nghẽn’.

Người dùng Facebook có tên Phạm Xuân Thủy đặt câu hỏi:

“Tại sao có cách tự đăng ký mà nhà mạng không phổ biến cho người dân để già trẻ trai gái bỏ công bỏ việc đi xếp hàng đăng ký chính chủ trong khi mạng nghẽn, giấy hết, phải chờ?”

Bà Minh Hiền, 62 tuổi, than thở với Vnexpress tại điểm giao dịch của một nhà mạng trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) chiều 20/4:

“10h sáng, tôi đã ra cửa hàng nhưng chờ đến giờ nghỉ trưa vẫn chưa tới lượt nên đành về ăn cơm đợi chiều quay lại. Tôi lại vừa phải xếp hàng gần một tiếng mới chụp xong ảnh và nộp đủ thông tin.”

Còn báo Tuổi Trẻ ngày 20/4 thì tường thuật người dân ‘đội mưa đi bổ sung ảnh cho thuê bao di động’.

‘Đảm bảo an ninh quốc gia’

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời Vietnamnet, cho hay, việc nộp ảnh chân dung cá nhân thuê bao di động là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và quyền lợi chính đáng của người dân.

Trước câu hỏi tại sao đã có chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu là những giấy tờ nhân thân có tính pháp lý mà nhà mạng lại cần thêm ảnh chân dung, bà Mơ nói:

“Nhưng chứng minh thư của chúng ta có rất nhiều loại giấy tờ, ví dụ như bản giấy thì có giá trị đến 15 năm.”

“Ảnh của một người khi họ 15 tuổi, 25 tuổi hay 30 tuổi là hoàn toàn khác nhau. Nhân viên giao dịch cũng không thể phân biệt được ảnh này, chứng minh thư này có đúng của người ngồi trước mặt mình hay không.”

Bà thừa nhận để tình trạng khách hàng phải chờ đợi, xếp hàng chen chúc để nộp ảnh là ‘lỗi’ của doanh nghiệp, “vì nhà mạng phải triển khai thực hiện trong gần một năm vừa qua nhưng nhà mạng đã không làm”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43875340

 

Thầy giáo Đào Quang Thực nhập viện

vì bị ngược đãi trong tù

Thầy Đào Quang Thực, một facebooker và là một giáo viên tiểu học về hưu, người bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ đã phải nhận viện cấp cứu tại bệnh viện Hòa Bình vào ngày 13 tháng 4 vừa qua do điều kiện sức khỏe ngày càng giảm vì bị ngược đãi trong nhà giam.

Cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, Con gái của thầy giáo Đào Quang Thực vào ngày 23/4/2018 đã xác nhận thông tin này cho RFA:

“Hiện nay bố em vẫn đang trong bệnh  viện đa khoa Hòa Bình, nhà không được gặp nhưng chỉ gởi tiếp tế. Bố em cứ kêu đau đầu từng cơn liên tục, huyết áp có dấu hiệu tăng, và đầu đau”

Vẫn theo cô Quỳnh Trang thì thầy Đào Quang Thực sau đó đã được chuyển đến bệnh viện 198 của bộ công an, nhưng gia đình cũng chỉ được gặp thầy Đào Quang một lần vào hôm thứ 7, 21 tháng 4. Từ đó đến nay, thầy Đào Quang Thực đã bị an ninh canh gác tại bênh viện, không cho tiếp xúc với gia đình. Theo cô Quỳnh Trang, vào ngày 22 tháng 4, mẹ cô đã cố gắng đến để xin vào thăm nhưng cũng bị xua đuổi, và chỉ được nghe tiếng thầy Quang Thực nói lớn ra cho biết ông bị ngược đãi ra sao trước khi được chuyển đến bệnh viện cấp cứu điều trị:

Bố em trong phòng nói rộng ra là 2 tháng đầu tiên lúc bố em vào người ta để cho bố em chết đói chết khát không cho tiếp tế, không cho ăn uống gì cả và 4 điều tra viên liên tục vào hỏi cung và đánh đập bố em

Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960. Ông từng là giáo viên tiểu học suốt 30 năm và hiện đã nghỉ hưu. Vào ngày 5 tháng 10, 2017, cơ quan an ninh điều tra thuộc công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đào Quang Thực với cáo buộc là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 79 bộ luật hình sự Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-hospitalized-due-to-ill-treatment-in-prison-04242018092926.html

 

Thực hư Cốc Cốc

thu thập dữ liệu người dùng Việt Nam?

Tại Việt Nam đang xuất hiện cáo buộc từ một số người trong giới công nghệ và bảo mật cho rằng trình duyệt Cốc Cốc tự động tải thông tin người dùng gõ trên bàn phím lên máy chủ (server) của Cốc Cốc.

Công ty Cốc Cốc trả lời BBC rằng họ cam kết tuân thủ “các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất về sự riêng tư và đạo đức kinh doanh của người dùng”.

Làm sao để ‘giữ mình’ an toàn trên mạng?

Ứng dụng theo dõi sức khỏe làm lộ căn cứ quân sự

Facebook cải tiến bảo mật sau vụ bê bối

Ra đời năm 2013 và đặt trụ sở ở Hà Nội, Cốc Cốc đang là một trong những công cụ tìm kiếm và trình duyệt web phổ biến ở Việt Nam.

Tranh cãi ban đầu là do anh Trần Văn Hòa công bố khi sử dụng ứng dụng Ninja Fast Login Facebook thì thấy thông tin đăng nhập bị tự động tải lên server của Cốc Cốc.

Cốc Cốc nhanh chóng cho đó là một trường hợp cá biệt, vì sự “không tương thích” giữa ứng dụng Ninja Fast Login Facebook với ứng dụng sửa lỗi chính tả mặc định của trình duyệt.

Ông Hòa cũng nói với BBC là thông tin Cốc Cốc lưu dữ liệu Facebook của người dùng là không chính xác nên ông xóa bài viết cũ.

Lỗi bảo mật?

Nhưng sau đó một số chuyên gia bảo mật lại nói rằng có một vấn đề khác nghiêm trọng hơn, đó là nội dung tin nhắn người dùng gửi trong Facebook dường như tự động bị gửi lên server, mà lại trong tình trạng không mã hóa.

Một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng cho thấy, khi dùng phiên bản Cốc Cốc trước hôm 16/4, nội dung tin nhắn không dấu, đã được ứng dụng sửa chính tả của Cốc Cốc sửa thành có dấu, nhưng đồng thời gửi nội dung y chang lên server.

Ngay sau đó, Cốc Cốc cung cấp bản cập nhật mới nhất, cho thấy nội dung tin nhắn không còn bị gửi lên server spell.itim.vn, được cho là server ứng dụng sửa chính tả của Cốc Cốc.

Báo Người Lao Động ngày 17/4 cho hay phiên bản mới nhất được Cốc Cốc phát hành ngày 16/4 thì thông tin dữ liệu người dùng gõ không còn được gửi về server.

Tờ báo đặt giả thiết: “Như vậy, với phiên bản Cốc Cốc phát hành trước ngày 16-4 thì thông tin của người dùng có thể đã được chuyển về cho Cốc Cốc, theo các thành viên Whitehat.vn.”

Cốc Cốc trả lời BBC

Ngày 24/4, ông Hiếu Phan, Trưởng nhóm phát triển Trình duyệt Cốc Cốc, chính thức trả lời BBC về nghi ngờ trình duyệt có lỗi bảo mật, tự tải nội dung tin nhắn người dùng lên server spell.itim.vn.

Ông Hiếu Phan khẳng định đây “không phải là một lỗi bảo mật”.

Ông giải thích vấn đề này liên quan đến tính năng sửa lỗi chính tả và thêm dấu của trình duyệt Cốc Cốc.

“Tính năng này được Cốc Cốc phát triển với mục đích giúp phát hiện các lỗi chính tả và gợi ý cách sửa cho người dùng, đồng thời hỗ trợ việc thêm dấu khi người dùng viết tiếng Việt không dấu.”

“Cụ thể, khi người dùng bình luận trên Facebook hoặc gõ văn bản trên các cửa sổ soạn thảo văn bản trực tuyến, Cốc Cốc sẽ đưa ra gợi ý chính tả. Khi người dùng gõ bằng tiếng Việt không dấu, trình duyệt Cốc Cốc sẽ tự động điền đấu tiếng Việt có dấu với độ chính xác gần 100%.”

Ông Hiếu Phan cho biết để phục vụ cho tính năng này, trình duyệt Cốc Cốc “bắt buộc phải gửi những gì người dùng gõ vào các trường văn bản (text field) lên máy chủ”.

“Máy chủ sẽ kiểm tra và trả kết quả gợi ý trở lại cho trình duyệt. Tất cả dữ liệu gửi tới Cốc Cốc là dữ liệu là vô danh (anonymous) và Cốc Cốc không thể biết chính xác ai đã gửi dữ liệu này lên.”

Ông Hiếu Phan cũng khẳng định các dữ liệu này “chỉ được lưu trữ tạm thời và được xóa bỏ ngay sau khi kết quả gợi ý được trả về cho người dùng”.

Đại diện của Cốc Cốc nói thêm rằng “không chính xác” khi cho rằng ở “phiên bản cũ” của trình duyệt Cốc Cốc tính năng này không được bảo mật và mã hoá.

“Các phiên bản trước tháng 12/2017 tính năng này cũng đã được mã hóa đảm bảo bảo mật. Từ tháng 12/2017 Cốc Cốc đã tiếp tục bổ sung thêm một bước mã hoá cho tính năng này.”

“Việc bổ sung thêm một bước mã hóa nhằm tăng cường tính bảo mật, đảm bảo thông tin riêng tư của người dùng không bị rò rỉ ngay cả trong trường hợp họ bị tấn công mạng,” ông Hiếu Phan nói.

‘Chưa xảy ra sự cố’

Theo đại diện Cốc Cốc, liên quan đến thông tin người dùng có hai loại: thông tin chung về hành vi, tương tác của người dùng ở quy mô dữ liệu lớn; và thông tin cá nhân như định danh, mật khẩu, thẻ ngân hàng.

Ông Hiếu Phan khẳng định Cốc Cốc “không thu thập, lưu trữ các thông tin cá nhân này”.

“Trong vụ việc vừa qua đã có sự đánh đồng việc thu thập dữ liệu chung với việc thu thập thông tin cá nhân,” ông nói.

“Kể từ khi Cốc Cốc cung cấp dịch vụ kiểm tra chính tả, chưa có bất kì sự cố nào liên quan tới mất mát thông tin của người dùng.”

“Sau khi tính năng kiểm tra chính tả đưa ra gợi ý cho người dùng các dữ liệu này sẽ ngay lập tức được xóa bỏ.”

“Tất nhiên, khi những thông tin này gửi về máy chủ của Cốc Cốc, người dùng có quyền đặt câu hỏi về việc Cốc Cốc có thể khai thác các thông tin đó hay không.”

Ông Hiếu Phan nói: “Chúng tôi một lần nữa khẳng định không thu thập, lưu trữ các thông tin cá nhân của người dùng.”

“Cốc Cốc chỉ sử dụng dữ liệu vô danh về hành vi của người dùng trên internet để cải tiến chất lượng dịch vụ như phần lớn các công ty công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang thực hiện hiện nay.”

Giới chuyên gia phản ứng thế nào?

Trước khi có phản hồi của Cốc Cốc gửi BBC hôm 24/4, đại diện của Cốc Cốc cũng được một số tờ báo ở Việt Nam dẫn lời giải thích.

Khi đó, đọc những thông tin trên báo này, anh Lê Nam, quản trị nhóm SEM Việt Nam, nơi những nghi vấn đầu tiên về Cốc Cốc nổ ra, chưa được thuyết phục.

Thêm vào đó, anh Nam cho rằng một lỗi khác của Cốc Cốc là cài đặt mặc định ứng dụng kiểm tra chính tả, mà không cho người dùng lựa chọn tắt ứng dụng, hay cho người dùng biết nội dung tin nhắn bị tự động tải lên server.

“Giờ họ nói họ mã hóa nhưng trong tương lại, biết đâu họ mở mã hóa họ xem được,” anh Lê Nam nghi ngờ.

Trong khi đó, chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc cũng tỏ ra hồ nghi.

“Với nguồn Big Data, khi dữ liệu gửi về sẽ luôn có sự định danh từ một trình duyệt, và có thể kết nối với các dữ liệu khác để kết nối với người dùng. Việc định danh một người dùng trình duyệt nào, số điện thoại thì giờ điều đó quá dễ dàng.”

Từ năm 2014, anh Phúc cho biết, diễn đàn giới công nghệ đã có một số cảnh báo về vấn đề bảo mật của trình duyệt Cốc Cốc.

“Vụ việc này không lạ và càng làm thì càng lòi ra thêm,” anh Phúc lo lắng.

Cốc Cốc là trình duyệt thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam, dựa trên nền tảng mã nguồn mở Chromium.

Trang web Cốc Cốc nói khi so với các mạng quảng cáo online ở Việt Nam, Cốc Cốc là nền tảng quảng cáo “lớn nhất với hơn 22 triệu người dùng”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43833734

 

Y án 14 năm tù cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình

Nhà hoạt động dân chủ Hoàng Đức Bình nhận y án 14 năm tù giam trong phiên phúc thẩm ngày 24/4 tại Nghệ An.

Luật sư Hà Huy Sơn, người hỗ trợ pháp lý cho Hoàng Đức Bình trong phiên tòa ngày 24/4, chia sẻ trên Facebook cá nhân ngay sau khi kết thúc phiên tòa:

“Phiên toà anh Hoàng Đức Bình mở lúc 8:00 kết thúc lúc 11:15. Kết quả y án sơ thẩm 14 năm.”

“Tôi cho rằng hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm bất công, vi phạm luật tố tụng. Toà không trình chiếu các video clip diễn biến sự việc. Toà chỉ dùng các lời khai một phía từ các nhân viên công vụ là cảnh sát giao thông và không có giám định về nội dung của các video clip.”

Trong một cập nhật trước đó, luật sư Hà Huy Sơn cho hay ông Bình nói các vết thâm tím ở vùng mắt mà mọi người thấy trong phiên sơ thẩm ngày 6/2 là ‘do bị giam cùng buồng tử tù, bị tử tù đánh.’

Hồ sơ của Công an Nghệ An viết: “trong thời gian sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Bình có tham gia một số tổ chức, hội nhóm. Ngày 25/12/2015, Bình rải tờ rơi tại TP.HCM, bị công an tạm giữ, phạt hành chính. Tuy nhiên anh ta không nộp phạt mà trốn về Nghệ An. Sau khi về Nghệ An, Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng.”

HRW: ‘Việt Nam không có phiên toà thực sự’

Việt Nam: Ông Hoàng Đức Bình bị tuyên 14 năm tù

LHQ kêu gọi VN thả người ‘liên quan phản đối Formosa’

13 năm tù cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu trong một thông cáo gửi đi ngày 24/4:

“Tội’ duy nhất của Hoàng Đức Bình là luôn yêu cầu chính phủ tôn trọng nhân quyền nhưng trong chế độ độc tài độc đảng của Việt Nam thì như vậy đã đủ cho một án tù dài.”

“Hà Nội đang bận rộn lấp đầy các nhà tù của mình bằng các tù nhân chính trị trong khi thế giới thì khoanh tay và ngoảnh mặt đi. Việt Nam cần bỏ ngay mọi cáo buộc và thả lập tức Hoàng Đức Bình và các tù nhân chính trị khác, đồng thời cải cách luật pháp để chấm dứt những hành động tương tự trong tương lai.”

“Cho đến lúc đó, các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ nên công khai gây áp lực lên Việt Nam để buộc chấm dứt việc tăng cường đàn áp các nhà hoạt động vốn đã khiến nó trở thành một trong những chính phủ có tình trạng lạm quyền tồi tệ nhất Đông Nam Á.”

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, hay còn gọi là Hoàng Bình bị xử 14 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm ngày 6/2 với hai cáo buộc: “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân.”

Thời điểm đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối bản án dành cho ông. Hoa Kỳ tuyên bố ‘quan ngại sâu sắc’. Quan chức đặc trách về nhân quyền của Chính phủ Liên Bang Đức, bà Barbel Kofler cũng ra tuyên bố chỉ trích chính phủ Việt Nam.

Hoàng Đức Bình là một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng bị kết án và bỏ tù vì các hoạt động chống lại Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải chất thải độc hại và gây thảm họa môi trường ở bờ biển miền Trung Việt Nam tháng 4/2016.

Ông Bình đồng thời là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, một tổ chức độc lập được thành lập từ năm 2008 để thúc đẩy quyền của người lao động. Tháng 12/2015, công an câu lưu ông Bình sau khi ông phân phát tờ rơi kêu gọi chính quyền cho phép thành lập các công đoàn độc lập.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43875338

 

Phiên xử nghi phạm ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’

Phiên tòa xử nghi phạm tham gia vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bắt đầu diễn ra từ sáng thứ Ba, 24/4/2018.

Bị cáo, được nêu danh tính viết tắt là Long N. H. 47 tuổi, bị cáo buộc là đã thuê và lái chiếc xe van được dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng Bảy năm ngoái tại Berlin.

Cơ quan công tố cáo buộc bị cáo hoạt động gián điệp và hỗ trợ cho “vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh và người đi cùng”.

Ông Long, người sống nhiều năm tại Cộng hòa Czech, bị cáo buộc là đã thuê hai chiếc xe cho điệp vụ này.

“Một trong hai xe được dùng để theo dõi các nạn nhân, còn một là để thực hiện vụ bắt cóc. Sau đó, bị cáo đã lái cả hai chiếc xe về Prague, Cộng hòa Czech, nơi ông ta thuê,” đại diện cơ quan công tố nói.

“Dựa trên các thông tin chúng tôi có, thì chiến dịch này đã được lên kế hoạch và được thực hiện bởi cơ quan mật vụ Việt Nam, với sự tham gia của các nhân viên Tòa đại sứ Việt Nam ở Berlin.”

Ông Trịnh Xuân Thanh thông qua luật sư đại diện tuyên bố ông là nguyên cáo trong vụ việc, và tuyên bố này “đã được tòa án chấp nhận”.

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, đại diện cho thân chủ trước tòa.

Vụ xử diễn ra tại Tòa Hình sự ở Berlin, theo kế hoạch kéo dài đến cuối tháng Tám, trong 21 ngày không liên tục.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-43872194

 

Vụ Trịnh Xuân Thanh:

Đức xét xử một gián điệp gốc Việt

Đức hôm 24/4 đưa người đàn ông Czech gốc Việt Nam ra xét xử về tội hoạt động gián điệp, với cáo buộc là có can dự vào vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ của Đức.

Hãng tin AFP đưa tin ông Long N. H., 47 tuổi, người được cộng đồng người Việt ở châu Âu xác định là ông Nguyễn Hải Long, bị Đức đưa ra tòa vì đã thuê một chiếc xe từ thủ đô Prague và hỗ trợ hậu cần để giúp bắt cóc ông Thanh hồi tháng 7 năm ngoái tại thủ đô Berlin của Đức.

Ông Lê Trung Khoa, chủ bút tờ Thoibao.de, người tham dự phiên tòa, cho VOA biết về bản cáo trạng được trình bày trong phiên khai mạc kéo dài gần hai giờ hôm 24/4:

“Cáo trạng tổng thể nhưng rất là chi tiết. Họ nói đây là vụ bắt cóc người trên lãnh thổ Đức, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và Hiến pháp Đức. Cáo trạng nói mật vụ Việt Nam, cụ thể là Tổng cục An ninh của Việt Nam đã tổ chức bắt cóc công dân trên lãnh thổ Đức. Tổng cộng sẽ có 21 phiên xử được lên lịch cho đến này 29/8.”

Cáo trạng nói mật vụ Việt Nam, cụ thể là Tổng cục An ninh của Việt Nam đã tổ chức bắt cóc công dân trên lãnh thổ Đức.

Ông Lê Trung Khoa, người tham dự phiên tòa hôm 24/4/2018 tại Berlin.

Từ Berlin, ông Nguyễn Duy, một người gốc Việt tại Đức nhận định về phiên tòa như sau:

“Tôi biết tòa án Đức sẽ xử công tâm. Tôi cho rằng việc làm có hại cho đất nước Việt Nam như vậy thông qua việc xét xử của tòa án Đức sẽ truy ra được những người làm hại cho đất nước Việt Nam.”

Ông Long bị bắt giữ tại Cộng hòa Czech vào tháng 8 năm ngoái và sau đó bị dẫn độ sang Đức. Viện công tố Đức cáo buộc ông Long đã làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài và hỗ trợ vụ bắt cóc. Reuters tường thuật rằng mỗi tội danh bị cáo buộc có thể khiến ông Long đối diện án tù 10 năm.

Thông qua việc xét xử của tòa án Đức sẽ truy ra được những người làm hại cho đất nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy, một người gốc Việt sống tại Đức.

Ông Long được cộng đồng người Việt xác nhận là Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram tại chợ Sapa, Prague, Cộng hòa Czech.

Ông Lê Quang Thành, một người gốc Việt, sống tại Đức nhận định với VOA:

“Đây là lần đầu tiên mà Đức xét xử người Việt bên Cộng hòa Czech mà có liên quan đến nhà cầm quyền Việt Nam, trong đó có Bộ Công an và chính phủ. Qua phiên tòa nay tôi hy vọng rằng sẽ tìm hiểu thêm số chuyện bên trong hậu trường, những chuyện mà người dân chưa được biết, những dây mơ rễ má như thế nào…sẽ được đưa ra ánh sáng.”

Qua phiên tòa nay tôi hy vọng rằng sẽ tìm hiểu thêm số chuyện bên trong hậu trường, những chuyện mà người dân chưa được biết, những dây mơ rễ má như thế nào…sẽ được đưa ra ánh sáng.

Ông Lê Quang Thành, một người Việt sống tại Đức.

Hãng tin AFP nói theo cáo trạng mà viện công tố Đức đưa ra, ông Long được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.

Theo ông Khoa, bản cáo trạng có nêu chi tiết những nội dung mà theo phía Đức, mô tả ông Long cùng các nhân viên mật vụ khác của Việt Nam, trong đó Trung Tướng Công An Đường Minh Hưng, đã trực tiếp bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Nguyễn Hải Long bị cáo buộc đã thuê xe và trợ giúp công việc hậu cần cho mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Họ có đầy đủ bằng chứng hết. Họ chiết xuất rất rõ từ camera của khách sạn và camera ghi trên đường phố. Họ ghi lại toàn bộ cuộc gọi từ ông Nguyễn Hải Long gọi trực tiếp cho ông Đường Minh Hưng, trung tướng công an Việt Nam.”

Bà Petra Isabel Schlagenhauf, Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, xác nhận với VOA rằng viện công tố Đức thông báo là ngoài ông Long, còn có các nghi phạm khác tham gia trực tiếp vào vụ bắt cóc, trong số đó có ông Đường Minh Hưng.

Vào hồi tháng 3, truyền thông Đức đề cập tới ông Đường Minh Hưng, nói ông là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, và đã bị cơ quan công tố Đức điều tra.

Họ có đầy đủ bằng chứng hết. Họ chiết xuất rất rõ từ camera của khách sạn và camera ghi trên đường phố. Họ ghi lại toàn bộ cuộc gọi từ ông Nguyễn Hải Long gọi trực tiếp cho ông Đường Minh Hưng, trung tướng công an Việt Nam.

Ông Lê Trung Khoa, người tham dự phiên tòa tại Berlin hôm 24/4/2018.

Công tố viên Đức hôm 24/8 cho biết hãng tin AP biết ông Long N.H., bị bắt ở Cộng hòa Czech ngày 12/8/2017 và giải giao cho Đức hôm 23/8/2017.

Hãng tin AFP hôm 24/4 dẫn một nguồn tin nói rằng bà Thi Minh P. D., ‘người tình bí mật’ của ông Trịnh Xuân Thanh, vào tháng 7 năm ngoái bay từ Paris sang gặp ông Thanh ở một khách sạn tại Berlin và khi hai người đi dạo ở công viên Tiergarten thì bị bắt cóc.

Báo Đức Sueddeutsche nhận định rằng hình như hơn nửa số nhân viên của tòa đại sứ Việt Nam tại Berlin có dính líu tới vụ bắt cóc ông Thanh, kể cả nhân viên ngoại giao chính thức, và vợ của một tùy viên quốc phòng của sứ quán đã hỗ trợ việc đăng ký mua vé máy bay cho các mật vụ bay về nước.

Ngày 23/7 năm ngoái, chính quyền Đức tố cáo cơ quan tình báo Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và trục xuất một số nhân viên tình báo của Hà Nội ra khỏi nước. Việt Nam nói ông Thanh đã tự ra đầu thú ngày 31/7 tại Hà Nội.

Hà Nội không thừa nhận đã thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh như cáo buộc của chính phủ Đức, và đã tuyên phạt ông Thanh hai án tù chung thân về tội tham ô.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-trinh-xuan-thanh-duc-xet-xu-mot-gian-diep-goc-viet/4362417.html

 

Bắt giữ 5 người liên quan

đến việc dùng pin để nhuộm cà phê

Công an tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố và bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến việc dùng pin con ó để nhuộm cà phê.

Đây là thông tin được báo Dân Trí loan đi vào ngày 23 tháng 4 năm 2018.

Theo báo Dân Trí, năm người bị bắt giữ gồm bà Nguyễn Thị Thanh Loan – chủ cơ sở nhuộm tạp chất cà phê với than pin, cùng chồng bà là ông Nguyễn Xuân Bảo, và anh Ngô Ngọc Sơn – người trực tiếp làm việc tẩm than pin cho cà phê, cùng 2 người khác.

Trao đổi với truyền thông trong nước, Đại tá Lê Vinh Quy cho biết hiện Công an tỉnh Đắk Nông đã đủ chứng cứ để khởi tố những vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở do bà Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ theo điều 317 Bộ Luật Hình sự.

Trước đó, khi Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông đến cơ sở thu mua nông sản của bà Loan từ ngày 15-17/4, đã thấy được hoạt động trộn lẫn dung dịch nước và bột pin con ó để ngâm nhuộm những tạp chất cà phê, bột đá. Đồng thời thu giữ được nhiều tang vật tại đây như thùng đựng vỏ pin, nước pha bột pin, và 21 tấn tạp chất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ra chỉ thị yêu cầu cơ quan công an tỉnh Đắk Nông nhanh chóng điều tra, khởi tố vụ việc đại lý nông sản sử dụng than pin nhuộm các tạp chất cà phê.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/arrested-5-people-related-to-use-batteries-to-stain-coffee-04242018101342.html

 

Doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất

đưa lao động sang Việt Nam, và sở hữu nhà 100 năm

Một doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc vừa đề nghị thành phố Hồ Chí Minh cho phép người Trung Quốc sở hữu nhà với thời hạn tới 100 năm vì doanh nghiệp này có thể sẽ đưa nhân viên Trung Quốc sang làm việc.

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Chính Hiệp Thượng Hải Trung Quốc và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hôm 24/4.

Tại buổi làm việc, ông Ding Zuyu Tổng giám đốc tập đoàn E-House của Trung Quốc cho biết, tập đoàn này đang có kế hoạch mở rộng đầu tư bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay tập đoàn đã tham gia một vài dự án tại đây và sẽ mở bán trong thời gian tới cùng với việc mở công ty tại Việt Nam.

Ngoài ra ông Ding Zuyu còn đề nghị đưa các nhân viên từ Trung Quốc sang Việt Nam để làm việc và việc sở hữu nhà dành cho người nước ngoài lên tới 100 năm thay vì sở hữu 50 năm như luật qui định.

Hiện nay, Trung Quốc có 202 dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư các dự án lên tới hơn 150 triệu đô la và dự án lớn nhất lên tới 30 triệu đô la. Với tổng vốn đầu tư này Trung Quốc hiện xếp thứ 20 trong 96 quốc gia đầu tư tại đây.

Báo Thanh Niên trích lời bà Lê Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo luật Nhà ở, người nước ngoài được quyền mua nhà tại Việt Nam nhưng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Bà nói việc xem xét kéo dài thời gian sở hữu chỉ áp dụng đối với những dự án đặc biệt quan trọng tới sự phát triển của Việt Nam và phải do Thủ tướng xem xét.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-business-proposal-to-the-100-years-homeowner-in-hcm-city-04242018095156.html

 

Việt Nam sẽ duy trì diện tích trong mía 300.000 ha

đến năm 2030

Việt Nam sẽ duy trì diện tích trồng mía ổn định ở mức 300.000 ha đến năm 2030 song song với việc tăng sản lượng và chất lượng đường, theo kế hoạch phát triển ngành mía đường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) đưa ra nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh, phát triển ổn định ngành mía đường nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ đảm bảo sản lượng mía đạt trên 20 triệu tấn và sản lượng đường đạt 2 triệu tấn, trong đó có 1,3 triệu tấn đường tinh luyện; tổng công suất các nhà máy sẽ là 174.000 tấn mía mỗi ngày.

Trong giai đoạn này sẽ không xây dựng thêm các nhà máy đường mới mà chú trọng tăng công suất của các nhà máy hiện tại.

Bộ NN & PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 70% các nhà máy và cụm nhà máy sẽ có thể chế biến khoảng 4.000 tấn mía mỗi ngày. Khoảng 90% bã mía sẽ được sử dụng để sản xuất hơn 1 triệu kwh điện mỗi năm.

Đến năm 2030, hơn 90% nhà máy sẽ chế biến ít nhất 4.000 tấn mía mỗi ngày. Lúc đó lượng điện sản xuất từ bã mía hàng năm sẽ lên đến 1,6 tỷ kwh điện.

Trong khi Hiệp hội Mía đường Việt Nam phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát nguyên liệu đường, giá bán buôn, bán lẻ và xuất khẩu thì ngành nông nghiệp phải chịu trách nhiệm phát triển các giống mía tốt để phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ các nhà máy đa dạng hóa sản phẩm đường.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-keep-sugarcane-area-at-300000-ha-by-2030-04242018092835.html

 

Ông Đinh La Thăng sẽ bị khai trừ khỏi đảng

Tại kỳ họp của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 23/4, ông Đinh La Thăng nguyên Ủy viên Bộ chính trị, đương kim Ủy viên trung ương đảng bị đề nghi kỷ luật với hình thức cao nhất.

Điều này có nghĩa là ông sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước đó Bộ chính trị đã đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy, và chức vụ Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương của ông Đinh La Thăng.

Ông Đinh La Thăng từng là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông bị truy tố về những sai phạm khi làm quản lý ở Tập đoàn Dầu khí với hai bản án tổng cộng 31 năm tù.

Ông Đinh La Thăng là cán bộ đảng có chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam bị xử án công khai từ trước đến nay.

Ngoài ra, trong phiên họp này của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có lời đề nghị thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Đồng Nai, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội Tỉnh Đồng Nai về những sai phạm của bà liên quan đến việc quản lý kinh tế tại tỉnh này, trong đó có tố cáo là bà đã ưu ái cho một công ty xây dựng do chồng bà làm chủ.

Chưa thấy có đề nghị hình thức kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Cùng bị kỷ luật với bà Thanh là ông Đinh Quốc Thái, Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Ông Thái bị đề nghị hình thức kỷ luật khiển trách.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dinh-la-thang-outed-from-party-04242018083204.html

 

Bộ Công an điều tra

tiếp nhận hồ sơ Mobifone mua AVG

Tài liệu về những sai phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) với giá gần 8.900 tỉ đã được thanh tra Chính phủ chuyển sang Bộ Công an để điều tra, xem xét vào ngày 24/4. Báo Tuổi Trể online dẫn nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ và tổng cục Cảnh sát điều tra cho biết tin vào cùng ngày.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo thủ tướng đồng ý với kết luận thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG của TTCP.

Theo kết luận, Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định dự án đầu tư này chưa được Thủ tướng phê duyệt nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone gây ra nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ trách nhiệm cá nhân của ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin – truyền thông, đồng thời là tổ trưởng tổ thẩm định, đã sử dụng thông tin do AVG báo cáo với Bộ TT-TT về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài là 700 triệu USD (dù Bộ TT-TT không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực) nhưng vẫn dùng để so sánh, nhận xét về giá mua 95% cổ phần AVG.

Dư luận và báo giới trong nước từng lên tiếng về giá mua 95% cổ phần AVG vì AVG từ khi bước vào thị trường truyền hình cho đến lúc “bán được” cho MobiFone bị cho rằng đang kinh doanh thua lỗ.

Quyết định bắt đầu thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG đã được Thường trực Ban Bí thư Trung ương lúc đó là ông Đinh Thế Huynh đưa ra và chỉ đạo vào tháng 8/2016. Nhưng sau 2 năm, cho đến sau cuộc họp ngày 8/3/2018 của Ban Bí thư dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quyết định “khẩn trương xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần  AVG” mới được mở lại.

Ngay sau đó, cuối tháng 3, thông tin trong nước cho biết ông Phạm Nhật Vũ, đại diện cho nhóm cổ đông của AVG  đã thực hiện việc chuyển trả hơn 2.540 tỷ đồng cho Mobifone, là số tiền bán cổ phần do Mobifone đã thanh toán năm 2015.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Ministry-of-public-security-investigated-mobifone-avg-04242018082833.html

 

Việt Nam khuyến khích ngư dân

sản xuất trên vùng biển chủ quyền

Lệnh dừng đánh cá của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam là vô giá trị và ngư dân cần bám sát biển sản xuất bình thường, tổ chức thành đoàn, đội khi đi đánh bắt để hỗ trợ nhau trên biển. Mạng báo Tuổi trẻ dẫn thông báo gửi đến các tỉnh, thành phố ven biển của ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam loan tin này hôm 23/4.

Thông báo trên được đưa ra sau khi phía Trung Quốc ra lệnh tạm ngừng đánh cá từ ngày 1/5 đến 16/8/2018 trên biển Đông, vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông, kể cả Vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng yêu cầu các tàu cá có giấy phép được đánh bắt trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ năm 2017-2018 không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ trong thời gian trên.

Lệnh đánh bắt cá trên biển Đông được Trung Quốc đơn phương đưa ra hàng năm. Việt Nam từ trước đến nay vẫn phản đối lệnh cấm đơn phương này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-nam-khuyen-khich-ngu-dan-san-xuat-tren-vung-bien-chu-quyen-04242018082411.html

 

Thuốc giả lan tràn, thuốc thật bị huỷ

Mỹ Lan RFA

2 triệu VNĐ cho 1 lọ thực phẩm chức năng “made in Vietnam” được quảng cáo có công dụng chữa và hỗ trợ điều trị ung thư ống tiêu hoá số 1 thế giới hiện nay. Thế nhưng, thay vì bao gồm thành phần carbon nano như quảng cáo trên bao bì nhãn mác, nguyên liệu chủ yếu của loại thực phẩm chức năng này lại được sản xuất từ bột than tre, tại một cơ sở sản xuất vô cùng mất vệ sinh và được đóng gói thủ công bởi những công nhân không chút kiến thức về sản xuất dược liệu.

Điều đáng nói là loại thực phẩm chức năng này trong một thời gian ngắn đã được tiêu thụ ra thị trường không ít thông qua các đại lý mở rộng từ Bắc vào Nam. Bao nhiêu bệnh nhân nhẹ dạ đã dốc hầu bao để mua loại thuốc giả mà họ kỳ vọng là có thể chữa lành căn bệnh hiểm nghèo đang mắc? Đã bao nhiêu gia đình đang dần khánh kiệt bởi mua phải những loại thuốc giả không hề giúp người thân thuyên giảm bệnh tật mà thậm chí còn mắc bệnh nặng hơn bởi sử dụng thuốc độc hại, kém chất lượng?

Những tác dụng phụ của thuốc gây nên những rối loạn về khí huyết, mạch máu, thể dịch, kháng thể .. ở người bệnh vô hình chung làm cho bệnh tăng thêm – Bác sỹ Đỗ Thị Thuân

Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng từ Hà Nội lên án đó là một hành động vô cùng độc ác, vô cảm và tàn nhẫn:

Người bị bệnh ung thư thì đã giống như là một lần tuyên án rồi và người ta cần một cơ hội để chữa bệnh. Việc chữa được hay không đó là một cơ hội may rủi, nhỏ nhoi để sống sót và họ có duy nhất cơ hội đó để hy vong. Việc làm thuốc giả giống như là tước đi nốt cơ hội cuối cùng của họ mà thêm vào đó còn là nhát dao bồi vào cơ thế vốn đã yếu đuối đó”

Về góc độ chuyên môn, bác sỹ Đỗ Thị Thuân, nguyên Giám đốc bệnh viện Giao thông- Vận tải Hà Nội cho biết thuốc giả là những loại thuốc hàm lượng không đạt tiêu chuẩn cũng như nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh:

Đãng nhẽ ngày nào người ta cũng phải có thuốc uống thì mới ngăn chặn được căn bệnh nhưng không có thuốc thì làm cho bệnh nó phát triển nặng thêm và tạo gánh nặng cho người bệnh mà trong khi đó tiền người ta vẫn phải bỏ ra thuốc mà lại không có tác dụng. Chưa kể là những cái tác dụng phụ của thuốc, nó gây nên những rối loạn về khí huyết, về mạch máu, thể dịch, kháng thể .. ở người bệnh vô hình chung làm cho bệnh tăng thêm”

Một nhà quản lý trong ngành dược phẩm muốn giấu tên cho rằng việc sản xuất thuốc giả dưới mọi hình thức là rất nguy hiểm và cần phải truy cứu ở mức độ hình sự. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng thuốc ở Việt Nam quá lớn nên đã có nhiều doanh nghiệp cố tình tìm kiếm lợi nhuận để sản xuất thuốc giả bất chấp điều đó gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ và cả sinh mạng của bệnh nhân.

“Các doanh nghiệp tuy là ngành kinh doanh có điều kiện nhưng việc thành lập rất dễ dàng vì nó là kinh tế thị trường mà. Trong khi đó lực lượng chức năng lại quá mỏng và quan trọng hơn nữa là cái đạo đức của doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của những người hành nghề. Họ cố tình chộp giật chắp vá khi mà có thể bị tội nhưng họ vấn cố tình làm để tìm kiếm lợi nhuận một cách không chính đáng”

Liên quan đến những chế tài đối với các doanh nghiệp sai phạm quy định của Bộ Y tế trong lĩnh vực này, ông Đỗ Trung Hưng, Vụ phó Vụ pháp chế Bộ y tế cho biết:

Cái đấy thì bây giờ Luật Dược đã có quy định rồi thì Bộ Y tế đang sửa đổi về những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì trong đó có cả trong lĩnh vực dược

Tuy nhiên, ông này từ chối cung cấp thêm thông tin về các chế tài cụ thể được áp dụng đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược phẩm không đúng với tiêu chuẩn của Bộ.

Rất nhiều các đơn vị sản xuất và họ là sân sau của cơ quan quản lý nên họ cũng rất hạn chế lượng thuốc tốt cũng như những loại thuốc được cung cấp miễn phí đến cho người dân. Tất nhiên đây chỉ là thuyết âm mưu thôi nhưng chúng ta đều hiểu rằng họ đang gây cản trở để thuốc của họ đến với người bệnh thay vì những loại thuốc được cho tặng miễn phí kia – Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng

Trong khi đó tại Việt Nam xảy ra những vụ việc cụ thể là gần 20.000 viên thuốc chữa ung thư máu trị giá gần 14ty đồng được công ty Novartis (Thuỵ Sĩ) viện trợ cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tuỷ tại bệnh viên Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh lại bị đem thiêu huỷ hồi tháng tháng 5/2017.  Còn tại bệnh viên Ung bướu TP.HCM, 267 viên thuốc Nexavar, trị giá hơn 250 triệu đồng được viện trợ để điều trị ung thư gan và thận cho bệnh nhân tại đây cũng gặp tình cảnh tương tự. Lý do được đưa ra là không đủ các giấy tờ cần thiết để hoàn tất thủ tục nhập cảnh dẫn tình trạng thuốc bị lưu kho quá lâu, đến khi phía bệnh viện cung cấp được đủ giấy tờ thì những loại thuốc nói trên đã quá thời gian sử dung, do đó buộc phải tiêu huỷ. Là một người có nhiều mối quan tâm đến các vấn đề của xã hội, nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng cho rằng:

Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam có rất nhiều các đơn vị sản xuất và họ là sân sau của cơ quan quản lý nên họ cũng rất hạn chế lượng thuốc tốt cũng như những loại thuốc được cung cấp miễn phí đến cho người dân. Tất nhiên đây chỉ là thuyết âm mưu thôi nhưng chúng ta đều hiểu rằng họ đang gây cản trở để thuốc của họ đến với người bệnh thay vì những loại thuốc được cho tặng miễn phí kia”

Quay trở lại câu chuyện sản xuất thuốc ung thư giả bằng than tre Vinaca, sau những ồn ào xung quanh việc làm giả thành phần cho đến việc lọt vào top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam của doanh nghiệp này, mới đây Bộ Y tế đã chính thức khẳng định, sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào cấp phép lưu hành và cũng không được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng. Thế nhưng, người tiêu dùng đặt câu hỏi vì sao không đăng ký và không được phép lưu hành nhưng loại sản phẩm này lại được bán tràn lan trên thị trường thậm chí mở rộng địa bàn kinh doanh trên nhiều địa phương mà vẫn không bị một lực lượng chức năng nào “sờ gáy”, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Chúng tôi đã tìm cách liên lạc nhiều lần với ông Nguyễn Tất Đạt, Cục phó Cục Quản lý Dược , Bộ Y tế để hỏi về vấn đề này tuy nhiên ông này đã không bắt máy

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thuoc-gia-tran-lan-thuoc-that-bi-huy-04232018135142.html