Tin khắp nơi – 23/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 23/04/2018

Tổng thống Pháp Macron công du Hoa Kỳ

Thanh Hà

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo chung tại Điện Elysée, Paris, ngày 13/07/2017.REUTERS/Kevin Lamarque

Hôm nay, 23/04/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân lên đường công du Hoa Kỳ đến 25/04/2018. Đây là lần đầu tiên tổng thống Donald Trump tiếp một nguyên thủ nước ngoài với nghi lễ của một chuyến viếng thăm cấp nhà nước. Paris và Washington muốn chứng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa hai đồng minh truyền thống, cho dù đôi bên có nhiều bất đồng.

Chuyến viếng thăm chính thức chỉ bắt đầu vào ngày mai 24/04/2018, nhưng ngay tối nay, tổng thống Macron và phu nhân dùng cơm thân mật với nguyên thủ Mỹ và phu nhân tại một địa điểm mang ý nghĩa biểu tượng rất cao trong quan hệ Pháp-Mỹ là ngôi nhà của vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, George Washington tại Mount Vernon. Thông tín viên đài RFI, Anne Corpet từ Washington cho biết về mối quan hệ đặc biệt và rất cá nhân giữa hai vị lãnh đạo Pháp và Mỹ :

“Đúng là tổng thống Mỹ muốn đáp lễ sau khi đã được tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân mời dùng cơm tối tại Tháp Eiffel hồi tháng 7 năm ngoái. Donald Trump đã chọn một địa điểm đầy ý nghĩa biểu tượng, đó là ngôi nhà của George Washington tại Mount Vernon. Hiếm khi nào một bữa dạ tiệc mang tính chính thức được tổ chức tại nơi được xem là rất thiêng liêng đối với lịch sử của Hoa Kỳ này. Đây cũng là nơi tướng La Fayette thường xuyên lui tới dưới thời tổng thổng Washington.

Qua quyết định đón tiếp tổng thống Macron với nghi lễ của một chuyến viếng thăm cấp nhà nước, nguyên thủ Mỹ muốn vinh danh mối bang giao lịch sử giữa Hoa Kỳ và Pháp. Ngoài ra, đây cũng là cách để tổng thống Trump thể hiện tình bạn cá nhân ông dành cho nguyên thủ Pháp. Cả Paris lẫn Washington thường xuyên nhắc đến mối quan hệ hữu hảo giữa hai vị lãnh đạo, đến nhiều điểm tương đồng giữa hai ông Trump và Macron : cả hai từng làm việc trong lĩnh vực tư nhân trước khi trở thành tổng thống, cả hai đều đã đảo ngược tình thế trên bàn cờ chính trị và cả đôi bên đều khẳng định quyết tâm làm thay đổi thể thức vận hành của guồng máy chính trị trên đất nước họ.

Nhưng giữa hai nguyên thủ Pháp và Mỹ vẫn có nhiều điểm bất đồng Chẳng hạn trên hồ sơ chống biến đổi khí hậu, thương mại hay hạt nhân Iran, với những hạn định sắp tới. Ví dụ như đến ngày mồng 01 tháng 5 này, biện pháp áp thuế đánh vào nhôm và thép nhập sang Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực ; hay là đến hạn ngày 12 tháng 5 này, Donald Trump phải quyết định có tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran hay không. Tuy nhiên, có nhiều hồ sơ Pháp và Mỹ chia sẻ cùng quan điểm.

Washington hài lòng khi thấy Paris gánh vác một phần trách nhiệm trên hồ sơ an ninh và khi cần thì Paris cũng không ngần ngại can thiệp quân sự ở ngoài lãnh thổ Pháp, như khi Pháp tham gia oanh kích Syria. Đây chính là mô hình hợp tác mà Trump mong muốn, tức Pháp là là một đồng minh vững mạnh về mặt quân sự để chia sẻ gánh nặng với Mỹ.

Tất cả những chủ đề dù có khiến tổng thống Trump phẫn nộ hay không đều sẽ được đề cập tới trong chuyến công du cấp nhà nước lần này. Dù vậy, đây là một chuyến viếng thăm trước hết là mang tính nghi thức, thành thử sẽ không có nhiều kết quả cụ thể, ngoại trừ việc đôi bên cùng tôn vinh tình hữu nghị Pháp – Mỹ”.

Ngày mai, tổng thống Pháp sẽ làm việc với đồng nhiệm Mỹ tại Nhà Trắng. Hai bên chủ yếu bàn về hồ sơ hạt nhân Iran, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và bất đồng trong chính sách thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Trong ngày cuối cùng tại Washington, tổng thống Emmanuel Macron sẽ đọc bài diễn văn trước Quốc Hội Lưỡng Viện Hoa Kỳ, trước khi trở lại Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20180423-phap-my-moi-quan-he-dac-biet

 

Pháp phê chuẩn dự luật di trú gây tranh cãi

Quốc hội Pháp đã thông qua một luật di trú mới khó khăn và thắt chặt các quy tắc xung quanh tị nạn.

Dự luật mới rút ngắn thời hạn nộp đơn xin tị nạn, tăng gấp đôi thời gian mà người di dân bất hợp pháp có thể bị giam giữ, và đưa ra bản án tù một năm cho người vào Pháp bất hợp pháp.

Đảng của Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng dự luật sẽ đẩy nhanh quá trình cứu xét đơn xin tị nạn.

Nhưng các nhân vật đối lập và các nhóm nhân quyền nói rằng các biện pháp này đi quá xa.

Dự luật được thông qua với 228 phiếu thuận, 139 chống, với 24 phiếu trắng.

Dự luật di trú ‘ảnh hưởng hàng trăm ngàn người Việt’

Trump ban hành hướng dẫn mới về di dân

Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?

Cuộc bỏ phiếu kéo dài qua cuối tuần sau khi hàng trăm sửa đổi đã được đề xuất.

Một thành viên của đảng Tiến Bước (La République en Marche – LREM) của ông Macron, Jean-Michel Clément, đã bỏ phiếu chống lại luật và 14 thành viên bỏ phiếu trắng.

“Tôi không chắc là chúng ta đang gửi cho công dân thế giới thông điệp phổ quát luôn luôn của nước Pháp chúng ta”, ông Clement nói trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng thời hạn nộp đơn xin tị nạn bị rút ngắn có thể tác động tiêu cực đến “những người xin tị nạn dễ bị tổn thương nhất, những người sẽ là những người có nhiều xác suất bị trễ hạn nộp đơn nhất”.

“Dưới vỏ bọc cung cấp một hệ thống tị nạn hiệu quả hơn, dự luật bao gồm một loạt các biện pháp sẽ làm giảm khả năng được tiếp nhận sự bảo vệ”, giám đốc Pháp của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, bà Bénédicte Jeannerod cho biết trong một tuyên bố.

Dự luật sẽ được tranh luận tại Thượng viện vào tháng Sáu.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43861812

 

Nam Hàn tắt loa phát thanh nhắm vào Bắc Hàn

Nam Hàn ngừng phát sóng các chương trình tuyên truyền qua hệ thống loa phóng thanh dọc biên giới Bắc Hàn trước các cuộc đàm phán cấp cao cuối tuần này.

Nam Hàn có hàng chục loa phóng thanh dọc theo khu vực biên giới, phát đủ thứ từ nhạc K-pop đến các tin tức quan trọng của miền Bắc.

Các chương trình phát sóng có thể được nghe bởi quân đội Bắc Hàn đóng dọc theo biên giới và dân thường trong khu vực.

Người ta không biết liệu Bắc Hàn có tắt hệ thống loa của mình hay không.

Bắc Hàn tuyên bố diễu binh lớn trước Olympics

Bắc Hàn thường phát thanh các thông tin quan trọng của Seoul và các đồng minh.

Động thái này của Nam Hàn nhằm “giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền Nam Bắc, và tạo ra bầu không khí của các cuộc đàm phán hòa bình”, Bộ Quốc phòng cho biết trong một thông báo gửi tới hãng tin Yonhap.

Bắc Hàn thông báo vào cuối tuần rằng họ đã ngưng các thử nghiệm hạt nhân và đóng cửa một địa điểm thử nghiệm nguyên tử. Bắc Hàn thông báo tin bất ngờ này khi đang chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lịch sử với Mỹ.

Lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào thứ Sáu 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom, đánh dấu hội nghị thượng đỉnh liên triều sau hơn một thập kỷ.

Ông Kim cũng sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Sáu. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai lãnh đạo đương nhiệm của Bắc Hàn và Hoa Kỳ.

Các chương trình phát thanh tuyên truyền của Nam Hàn được bập bõm phát đi kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Ý tưởng là để thuyết phục lính Bắc Hàn nghi ngờ những gì họ được nghe từ lãnh đạo của họ.

Năm 2004, các chương trình phát sóng bị tạm ngừng như là một phần của thỏa thuận được thương lượng giữa hai nước.

Nhưng vào năm 2015, sau khi hai binh sĩ Nam Hàn bị thương nặng do Bắc Hàn gài mìn ở khu phi quân sự (DMZ), Nam Hàn bật loa trở lại.

Sau đó nó lại ngưng vào năm 2015 và mở lại vào năm 2016 để phản ứng việc Bắc Hàn thử nghiệm một quả bom khí.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43861683

 

Quá khứ quyết định Hiện tại Trung Quốc ra sao?

Giáo sư Rana MitterĐại học Oxford

Để hiểu cách tiếp cận ngày nay của Trung Quốc đối với các vấn đề như thương mại, chính sách đối ngoại hoặc kiểm duyệt internet, hãy cùng nhìn lại lịch sử quốc gia này.

Đất nước này có lẽ tự ý thức về lịch sử của mình hơn bất cứ xã hội lớn nào khác trên thế giới. Việc hồi tưởng đó rất cục bộ – các sự kiện như Cách mạng Văn hóa của Mao vẫn rất khó để thảo luận ở Trung Quốc. Nhưng thật ngạc nhiên khi tiếng vang của quá khứ vẫn có thể được tìm thấy ở hiện tại.

Tập Cận Bình nói TQ không được tự mãn

TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’

Chính sách “Một Trung Quốc” là gì?

Trung Quốc và Bắc Hàn tăng mậu dịch song phương

Thương mại

Trung Quốc vẫn nhớ thời kỳ nước này bị buộc giao thương không theo ý muốn. Ngày nay, họ xem những nỗ lực đòi mở cửa thị trường của phương Tây như gợi nhớ về thời kỳ bất hạnh đó.

Mỹ và Trung Quốc hiện tranh cãi về việc liệu Trung Quốc có đang xuất khẩu vào Mỹ trong khi vẫn đóng cửa thị trường nội địa với hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, cán cân thương mại không phải lúc nào cũng có lợi cho Trung Quốc.

Ở Bắc Kinh có nhiều kỷ niệm về một thời kỳ, khoảng một thế kỷ rưỡi trước, khi Trung Quốc có ít quyền tự kiểm soát thương mại.

Anh tấn công Trung Quốc bằng các cuộc Chiến tranh Nha phiến, nổ ra vào năm 1839. Trong hàng thập niên sau đó, Anh thành lập tổ chức Dịch vụ Hải quan Hàng hải Hoàng gia để điều chỉnh thuế quan hàng hóa nhập vào Trung Quốc.

Tổ chức này là một phần của chính phủ Trung Quốc, nhưng vẫn mang đậm Anh, được điều hành không phải từ Bắc Kinh mà từ Portadown, Bắc Ireland.

Sir Robert Hart trở thành tổng thanh tra của Hải quan Trung Quốc, nơi thực tế là sân chơi cho người Anh trong một thế kỷ. Hart là người trung thực và giúp tạo ra nhiều thu nhập cho Trung Quốc.

Nhưng những ký ức của thời kỳ đó vẫn gây đau đớn.

Philippines-TQ sẽ ‘sớm hợp tác ở Biển Đông’?

Mỹ áp thuế quan mới, TQ bị tổn hại tới đâu?

TQ áp thuế hàng Mỹ trị giá 3 tỷ USD để trả đũa

TQ ‘sẽ áp thuế quan 25% với một số sản phẩm Mỹ’

Điều này rất khác dưới triều đại nhà Minh, vào đầu thế kỷ 15, khi Đô đốc Trịnh Hòa đưa bảy hạm đội lớn tới Đông Nam Á, sang Ceylon (tên gọi cũ của Sri Lanka ngày nay) và thậm chí tới cả bờ biển Đông Phi để giao thương và thể hiện sức mạnh Trung Hoa.

Những chuyến vượt biển của Trịnh Hòa một phần nhằm tạo ấn tượng.

Rất ít đế quốc khác có thể tự hào về những hạm đội viễn dương, và đó cũng là cơ hội để mang những vật phẩm kỳ lạ và tuyệt vời về Bắc Kinh, như là con hươu cao cổ đầu tiên cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, thương mại cũng rất quan trọng, đặc biệt ở các khu vực khác của Châu Á. Và Trịnh Hòa có thể, và đã chiến đấu khi ông muốn, đánh bại ít nhất một nhà cai trị của Ceylon.

Tuy nhiên, những chuyến vượt biển của ông là một ví dụ hiếm hoi của một dự án hàng hải do nhà nước thực hiện. Hầu hết giao dịch thương mại nước ngoài của Trung Quốc trong vài thế kỷ tới sẽ không chính thức.

Rắc rối với láng giềng

Trung Quốc luôn quan tâm làm sao các nước có chung biên giới với nước này ở trong tình trạng yên ổn. Đó là một phần lý do Trung Quốc quan hệ rất thận trọng với một Bắc Hàn khó đoán ngày nay.

Đây không phải là lần đầu Trung Quốc có vấn đề với các quốc gia láng giềng.

Thực tế, lịch sử cho thấy Trung Quốc còn có những người hàng xóm tệ hơn cả lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, người gần đây đã có chuyến thăm bất ngờ đến Bắc Kinh, chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2011.

Dưới triều đại nhà Tống năm 1127, một người phụ nữ tên Lý Thanh Chiếu đã trốn khỏi nhà ở thành phố Khai Phong. Chúng ta biết đến câu chuyện của bà bởi vì bà là một trong những nhà thơ giỏi nhất của Trung Quốc, và các tác phẩm của bà vẫn được đọc rộng rãi. Bà chạy trốn vì đất nước bị tấn công.

Nam Hàn có bị Trung Quốc xử tệ?

Trung Quốc tẩy chay phim Hàn vì tên lửa

Tại sao căng thẳng Trung-Ấn?

Trung Ấn đụng độ ở biên giới Himalaya

Một bộ tộc từ miền bắc, tộc Nữ Chân đã nổi dậy chống Trung Quốc sau một thời gian dài liên minh không hài lòng với hoàng đế nhà Tống. Tầng lớp tinh hoa của nền văn minh Trung Quốc đã phải trốn chạy khắp cả nước khi thành phố bị đốt cháy.

Lý Thanh Chiếu đã phải chứng kiến bộ sưu tập nghệ thuật yêu quý của bà bị phân tán khắp các thành phố. Số phận của triều đại của bà là một bài học về sự nhân nhượng vô nguyên tắc với ‘hàng xóm’ có lẽ vẫn còn giá trị lâu dài.

Một thời gian, triều đại nhà Kim cai trị phương Bắc Trung Hoa, và nhà Tống lập nước mới ở Hoa Nam.

Nhưng cuối cùng, cả hai rơi vào tay Mông Cổ.

Các đường dịch chuyển trên bản đồ cho thấy định nghĩa về Trung Quốc thay đổi theo thời gian. Văn hóa Trung Quốc gắn liền với những tư tưởng nhất quán như ngôn ngữ, lịch sử và hệ thống đạo đức như Nho giáo.

Tuy nhiên, các tộc người khác như Mãn tộc và Mông Cổ từ phương Bắc đã nhiều lần chiếm Trung Quốc, cai trị nước này bằng việc sử dụng chung tư tưởng và nguyên tắc mà các dân tộc Trung Quốc dựa vào.

Những láng giềng này không phải lúc nào cũng ở yên. Nhưng đôi khi họ theo và thực hiện các giá trị Trung Quốc một cách hiệu quả giống như người Trung Quốc.

Lưu lượng thông tin

Ngày nay, internet Trung Quốc kiểm duyệt tài liệu nhạy cảm về chính trị và những người lên tiếng về các vấn đề chính trị bị chính quyền coi là có vấn đề có thể bị bắt hoặc tệ hơn.

Khó khăn trong việc nói lên sự thật với giới cầm quyền từ lâu đã là vấn đề. Các sử gia Trung Quốc thường cảm thấy họ phải viết điều nhà nước muốn hơn là điều mà họ nghĩ là quan trọng.

Nhưng Tư Mã Thiên – thường được coi là “sử gia vĩ đại” của Trung Quốc – đã chọn cách khác.

Tác giả của một trong những tác phẩm quan trọng nhất của biên niên sử Trung Quốc, thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, đã dám bảo vệ một vị tướng bại trận. Làm như vậy ông bị cho rằng đã sỉ nhục hoàng đế và bị thiến.

Tuy nhiên, ông đã để lại một di sản đã định hình việc viết sử ở Trung Quốc cho đến ngày nay.

Sử ký Tư Mã Thiên pha trộn nhiều nguồn khác nhau, phê bình những hình tượng từ quá khứ lịch sử, và cũng sử dụng sử truyền miệng để tìm ra thông tin trực tiếp từ những người tham gia về những gì đã thực sự xảy ra.

Tất cả điều này là một cách viết sử mới, nhưng nó tạo tiền đề cho những người ghi chép sau này: nếu bạn sẵn sàng mạo hiểm an toàn của mình, bạn có thể viết sử “một cách trần trụi” hơn là tự kiểm duyệt.

Tự do tôn giáo

Trung Quốc hiện đại khoan dung hơn với hoạt động tôn giáo so với thời kỳ Cách mạng Văn hóa của Mao – trong giới hạn – nhưng kinh nghiệm quá khứ khiến Trung Quốc thận trọng với các phong trào dựa trên đức tin có khả năng vượt tầm kiểm soát và đặt ra thách thức cho chính phủ.

Các ghi chép cho thấy sự cởi mở với tôn giáo từ lâu đã là một phần của lịch sử Trung Quốc.

Vào thế kỷ VII, Nữ hoàng Võ Tắc Thiên đã chấp nhận Phật giáo như một cách để đẩy lùi những gì bà xem như là chuẩn mực cứng ngắc của truyền thống Nho giáo Trung Quốc.

Dưới triều Minh, nhà truyền giáo Matteo Ricci đã đến triều đình và được đối xử như một người đối thoại đáng kính, mặc dù có thể có nhiều quan tâm đến kiến thức của ông về khoa học phương Tây hơn là những nỗ lực của ông nhằm thay đổi (tôn giáo) người nghe.

Nhưng đức tin luôn là một công việc nguy hiểm.

Cuối thế kỷ XIX, Trung Quốc bị biến động bởi một cuộc khởi nghĩa được khởi xướng bởi Hồng Tú Toàn, người tự xưng là em trai của Chúa Jesus.

Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc hứa hẹn mang lại một vương quốc hòa bình thiên đường cho Trung Quốc nhưng thực sự đã mang đến một trong những cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử, giết chết khoảng 20 triệu người theo một số thống kê.

Quân lính nhà nước lúc đầu thất bại trong việc kiềm chân lực lượng nổi dậy, và phải cho phép binh lính địa phương tự cách tân trước khi dập tắt cuộc khởi nghĩa với sự tàn bạo vô cùng vào năm 1864.

Cơ đốc Giáo là trung tâm của cuộc nổi dậy khác vài thập kỷ sau đó. Năm 1900, phiến quân nông dân tự xưng là Nghĩa Hòa Đoàn xuất hiện ở miền Bắc Trung Quốc kêu gọi giết những người truyền giáo và cải đạo Cơ đốc giáo, sau này bị coi là những kẻ phản bội Trung Quốc.

Ban đầu, triều đình ủng hộ họ, dẫn đến cái chết của nhiều người theo đạo Cơ đốc Trung Quốc, trước khi cuộc nổi dậy cuối cùng bị dập tắt.

Qua thế kỷ sau, và cho đến ngày nay, nhà nước Trung Quốc đã thay đổi giữa khoan dung tôn giáo và sự lo sợ rằng nó có thể lật đổ nhà nước.

Công nghệ

Ngày nay, Trung Quốc tìm cách trở thành trung tâm thế giới về công nghệ mới. Một thế kỷ trước, Trung Quốc trải qua một cuộc cách mạng công nghiệp sớm hơn – và phụ nữ là trung tâm của cả hai.

Trung Quốc là nhà lãnh đạo thế giới khi nói đến trí tuệ nhân tạo (AI), nhận dạng giọng nói và dữ liệu khổng lồ.

Rất nhiều điện thoại thông minh trên khắp thế giới được chế tạo bằng các con chip do Trung Quốc sản xuất. Nhiều nhà máy sản xuất sử dụng nhân công là phụ nữ trẻ, những người thường phải chịu đựng điều kiện làm việc kinh khủng, nhưng cũng đang tìm kiếm một nơi trong nền kinh tế thị trường công nghiệp lần đầu tiên.

Họ thừa hưởng kinh nghiệm của những người phụ nữ trẻ cách đây 100 năm đã đến các nhà máy mọc lên ở Thượng Hải và đồng bằng sông Dương Tử.

Họ không sản xuất chip máy tính, nhưng dệt lụa và bông.

Công việc khó khăn và có khả năng gây bệnh phổi hoặc gây chấn thương và điều kiện ăn ở của công nhân vô cùng thiếu thốn.

Tuy nhiên, phụ nữ cũng nhớ lại niềm vui của việc tự kiếm đồng lương, tuy nhỏ nhoi và khả năng đến hội chợ hoặc nhà hát vào một dịp nghỉ hiếm hoi.

Một vài người thì đi xem – không phải để mua – tại các cửa hàng bách hóa mới sáng bóng ở trung tâm Thượng Hải, một trong những biểu tượng của sự hiện đại.

Ngày nay, trên đường Nam Kinh ở Thượng Hải, bạn vẫn có thể nhìn thấy tầng lớp trung lưu và công nhân mới của Trung Quốc đang được hưởng nhiều hàng hóa tiêu dùng như một phần của nền kinh tế theo hướng công nghệ hiện đại của Trung Quốc.

Quan điểm của các sử gia tương lai?

Chúng ta đang sống ở một thời kỳ biến đổi đáng kể với Trung Quốc. Các sử gia tương lai sẽ lưu ý rằng một đất nước vốn nghèo và hướng nội vào năm 1978 đã trở thành – trong vòng một phần tư thế kỷ – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Họ cũng sẽ lưu ý rằng Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất để chống lại những gì dường như là một xu thế tất nhiên của dân chủ hóa.

Có thể các nhân tố khác như chính sách một con (đã chấm dứt) và việc sử dụng kiểm soát trí tuệ nhân tạo có thể thu hút sự chú ý của các nhà ghi chép tương lai. Hoặc có thể là một vài thứ khác như môi trường, thăm dò không gian hoặc tăng trưởng kinh tế, mà thậm chí còn chưa rõ ràng với chúng ta.

Một điều gần như chắc chắn – một thế kỷ từ giờ, Trung Quốc sẽ vẫn là nơi mê hoặc cho những ai sống ở đó và những ai sống với nó, và lịch sử phong phú của Trung Quốc sẽ tiếp tục định hướng hiện tại và tương lai của đất nước này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43863963

 

Mỹ: Tay súng khỏa thân

từng bị bắt gần Nhà Trắng

Cảnh sát thành phố Nashville, bang Tennessee hôm 23/4 cho biết vẫn chưa tìm ra manh mối đáng tin cậy nào về tung tích của nghi can trong vụ xả súng làm 4 người chết tại nhà hàng Waffle House vào cuối tuần qua, trong khi xuất hiện tin người đàn ông 29 tuổi này từng bị mật vụ Mỹ bắt gần Nhà Trắng, theo hãng tin Reuters.

Hôm 22/4, Travis Reinking, 29 tuổi, chỉ mặc duy nhất áo khoác màu xanh lá cây, bắn chết ít nhất 4 người và làm ba người khác bị thương tại một nhà hàng gần Nashville, tiểu bang Tennessee.

Cảnh sát nói rằng người ta nhìn thấy nghi can lần cuối sáng 22/4, khi ấy hắn chỉ mặc quần dài đen. Nghi can từng sống ở bang Illinoi và gần đây chuyển tới sống ở một căn hộ, cách nhà hàng nơi hắn xả súng không xa.

Theo Reuters, tay súng sử dụng một khẩu súng trường tấn công AR-15 để bắn các khách hàng lúc 3 rưỡi sáng.

Cảnh sát Nashville viết trên Twitter rằng một người sau đó đã vật lộn với kẻ tấn công và cướp lấy vũ khí của hắn.

Cảnh sát nói với kênh CNN rằng nghi can vứt bỏ áo khoác trước khi bỏ chạy.

Reinking từng có tiền án. Vào tháng 7/2017, anh ta bị mật vụ Mỹ bắt khi xâm nhập khu vực cấm trong khuôn viên của Tòa Bạch Ốc và bị truy tố vì tội xâm nhập bất hợp pháp sau khi vượt qua một hàng rào an ninh, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

Theo Fox News, nghi can khi đó khai hắn muốn “sắp đặt một cuộc gặp với Tổng thống Trump.”

Sau đó, chính quyền đã thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí của Reinking và tịch thu bốn khẩu súng, trong đó có khẩu súng AR-15 được sử dụng trong các vụ bắn giết ở nhà hàng Waffle House, cảnh sát Nashville cho biết.

Cảnh sát còn cho biết bốn khẩu súng này sau đó đã được giao lại cho cha của Reinking, người thừa nhận có đưa những khẩu súng này cho con trai của mình.

Đến ngày 23/4, hai trong số bốn khẩu súng vẫn chưa được xác định. Khi lục soát căn hộ của Reinking, cảnh sát cũng đã phát hiện một khẩu súng.

https://www.voatiengviet.com/a/my-tay-sung-khoa-than-tung-bi-bat-gan-nha-trang/4360969.html

 

TQ hoan nghênh

quan chức Mỹ tới xử lý tranh cãi thương mại

Trung Quốc hôm 22/4 cho biết nước này hoan nghênh kế hoạch thăm Bắc Kinh của các quan chức hàng đầu Hoa Kỳ nhằm thảo luận các vấn đề thương mại và kinh tế, nhất là căng thẳng hiện thời liên quan tới việc áp thuế giữa hai nước.

Reuters dẫn lời tuyên bố ngắn đăng trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng “phía Trung Quốc đã nhận được thông tin cho biết rằng phía Mỹ hy vọng sẽ tới Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề kinh tế và thương mại”.

Bộ này được trích lời nói tiếp rằng “Trung Quốc hoan nghênh điều này”.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin hôm 21/4 nói rằng ông tiếp tục có các cuộc thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc để tìm cách xử lý các khác biệt về thương mại, và nói rằng ông có thể tới Trung Quốc”.

“Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào về thời gian, hay về các xác nhận khác, nhưng một chuyến đi đang được cân nhắc”, ông Mnuchin nói.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ từ chối cho biết ông muốn gì trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, theo Reuters.
Hoa Kỳ đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 150 tỷ đôla từ Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải thay đổi các chính sách về công nghiệp mà Washington nói rằng nhằm chiếm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Trung Quốc cũng dọa sẽ đáp trả nếu Washington thực thi việc áp thuế đó.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-hoan-nghenh-quan-chuc-my-toi-xu-ly-tranh-chap-thuong-mai/4360039.html

 

Vua Campuchia kêu gọi

Thượng viện bảo vệ công lý, nhân quyền

Quốc vương Norodom Sihamoni hôm 23/4 kêu gọi các thượng nghị sĩ Campuchia hãy bảo vệ công lý và nhân quyền vào lúc thượng viện triệu tập lần đầu tiên kể từ khi đảng đương quyền đắc thắng trong cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi vào tháng Hai vừa rồi.

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ Tướng Hun Sen chiếm được tất cả các ghế bỏ ngỏ trong cuộc bầu cử ngày 25/2 sau khi những người ủng hộ phe đối lập bị tước quyền bầu cử vào cuối năm ngoái.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền và giới lãnh đạo đối lập mô tả cuộc bầu cử là “gian lận” và “phản dân chủ”, trong khi các chính phủ tây phương đình chỉ viện trợ và áp đặt các biện pháp trừng phạt, gồm cấm du hành đối với một số thành viên cấp cao của CPP.

Trong một bài diễn văn hôm thứ Hai chào mừng các nhà lập pháp tân cử, nhà vua Campuchia nói:

“Thượng viện phải bảo vệ công lý và nhân quyền hầu có thể cải thiện tình trạng an hòa trong xã hội chúng ta.”

Nhiệm vụ của Thượng viện là “bảo vệ các quyền hiến định căn bản và bảo vệ nền dân chủ, cũng như tự do và lợi ích của tất cả.”

Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni

Nhà vua nhắc nhở các nghị sĩ rằng nhiệm vụ của Thượng viện là “bảo vệ các quyền hiến định căn bản và bảo vệ nền dân chủ, cũng như tự do và lợi ích của tất cả.”

Người phát ngôn của Đảng Nhân dân Campuchia Sok Eysan không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Đảng CPP chiếm được 58 trong tổng cộng 62 ghế tại Thượng viện Campuchia, trong đó có hai thành viên do nhà vua bổ nhiệm, và 2 do Quốc hội chọn.

Bốn người được bổ nhiệm là thành viên của đảng bảo hoàng Funcinpec của Hoàng Tử Norodom Ranariddh, người từng là đối thủ chính của Thủ Tướng Hun Sen, nhưng giờ lại ngả về phía ông Hun Sen.

Tháng 11 năm ngoái, Tòa án Tối cao Campuchia giải tán Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia (CNRP), theo yêu cầu của chính quyền Hun Sen.

https://www.voatiengviet.com/a/vua-campuchia-keu-goi-thuong-vien-bao-ve/4360971.html

 

Trung Quốc và Nga

bàn về chuyến thăm của ông Putin

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng nhiệm Trung Quốc hôm 23/4 đã thảo luận về chuyến thăm sắp tới đến quốc gia đông dân nhất thế giới của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Lavrov gặp ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ở Bắc Kinh.

Reuters dẫn lời ông Lavrov nói rằng người đứng đầu điện Kremlin sẽ tới Trung Quốc vào tháng Sáu để tham dự một cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Nhà ngoại giao Nga được trích lời nói trong cuộc họp báo chung rằng “hôm nay, chúng tôi tập trung vào quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc”.

Hồi đầu tháng này, ông Putin cho biết rằng ông có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại nhiều sự kiện, trong đó có SCO, cũng như tại cuộc họp của các nền kinh tế mới nổi BRICS, hội nghị G20 và tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, theo hãng tin Nga TASS.

Ngoài chuyến thăm của nguyên thủ Putin, ông Lavrov hôm 23/4 còn cho biết rằng ông đồng ý với người đồng nhiệm Trung Quốc rằng Moscow và Bắc Kinh sẽ tìm cách ngăn cản Mỹ phá hoại thỏa thuận hạt nhân Iran, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-va-nga-ban-ve-chuyen-tham-cua-ong-putin/4360847.html

 

Trung Quốc ‘sắp thử nghiệm’ tàu sân bay tự đóng

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng dường như sắp chạy thử nghiệm, sau khi xuất hiện các hình ảnh trên mạng Internet cho thấy con tàu này đang rời cảng Đại Liên ở đông bắc Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

Cũng vào thời gian này vào năm ngoái, tàu sân bay chưa có tên này được xuất xưởng. Nhưng kể từ đó, tàu đã được trang bị vũ khí cũng như các hệ thống khác và hiện vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Hôm 23/4, cổng thông tin trực tuyến của Trung Quốc, bao gồm cả trang Sina, đăng các hình ảnh cho thấy con tàu này được lai dắt ra khỏi ụ, nhưng không rõ con tàu tiến đến địa điểm nào.

Tờ South China Morning Post hôm 23/4 cho biết, việc chạy thử nghiệm trên biển lần đầu tiên của tàu sân bay loại 001A của Trung Quốc có thể diễn ra trong tuần này, tùy theo tình hình thời tiết và đại dương.

Cũng theo tờ báo của Hồng Kông này, việc thử nghiệm này diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập của lực lượng hải quân của Trung Quốc.

Trước đó, Cơ quan An toàn đường biển Liêu Ninh đã thông báo hôm 20/4 rằng 3 khu vực ở phía đông bắc Bột Hải và Hoàng Hải sẽ bị phong toả vì mục đích quân sự từ ngày 20 – 28/4. Đây là những vùng gần cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi tàu sân bay được đóng.

Tờ South China Morning Post cho biết thêm rằng tàu sân bay này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, 12 tháng sớm hơn dự kiến.

Các trang mạng Trung Quốc cho biết rằng tàu sân bay này có thể đã sẵn sàng chạy thử nghiệm trên biển.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của báo chí.

Chính phủ Trung Quốc cho biết thiết kế của tàu sân bay mới này dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của quốc gia, tàu Liêu Ninh. Tàu Liêu Ninh là tàu cũ, mua của Ukraine vào năm 1998 và được tái trang bị tại Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn các chuyên gia nói rằng Trung Quốc cần ít nhất sáu tàu sân bay.

Hoa Kỳ hiện có 10 tàu sân bay đang hoạt động và có kế hoạch đóng thêm hai tàu nữa.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-sap-thu-nghiem-tau-san-bay-tu-dong/4360677.html

 

Tại sao tổng thống Macron tặng cây sồi

cho đồng nhiệm Trump?

Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tặng nguyên thủ chủ nhà Donald Trump một cây sồi, được chiết từ rừng Belleau, gần Château-Thierry (tỉnh Aisne, miền bắc Pháp), nơi gần 2.000 lính thủy Mỹ đã ngã xuống trong Thế Chiến I. Đây cũng là món quà mang tính biểu tượng sau quyết định rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris của tổng thống Trump.

Chính tổng thống Macron là người đưa ra ý tưởng trên trong một cuộc họp trù bị cho chuyến công du cấp Nhà nước. Theo một cộng sự viên của tổng thống Pháp, « quà tặng là một công cụ ngoại giao riêng biệt ».

Cây sồi vừa cho phép đề cao lịch sử chung giữa hai nước, vừa kín đáo nhắn nhủ với chủ nhân Nhà Trắng về việc cần phải bảo vệ môi trường và giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Đầu tiên, ý tưởng tặng cây sồi được gửi đến bộ phận lễ tân của Mỹ. Khi được chính quyền tổng thống Trump thông qua, Cơ quan Quản lý Rừng của Pháp có nhiệm vụ tìm một cây nhỏ, được lấy giống từ một cây sồi bách niên từng trải qua trận Bois Belleau thời Thế Chiến I. Rễ của cây sồi được rửa sạch sẽ để đáp ứng yêu cầu kiểm tra hải quan của Mỹ.

Cập cảng Mỹ từ 22/04/2018, cây sồi biểu tượng tình hữu nghị Pháp-Mỹ được nguyên thủ hai nước trồng tại khuôn viên Nhà Trắng vào chiều 23/04… chỉ cách nơi ông Trump từng tuyên bố rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris vài mét.

http://vi.rfi.fr/phap/20180423-tai-sao-tong-thong-macron-tang-cay-soi-cho-dong-nhiem-trump

 

Hạt nhân Iran:

Macron có thể thuyết phục được Trump?

Thanh Hà

“Thỏa thuận hạt nhân với Iran không hoàn hảo nhưng chúng ta không có giải pháp nào khác và tôi không có kế hoạch B cho hồ sơ này”. Trước chuyến công du Hoa Kỳ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố như trên với phóng viên của đài truyền hình Mỹ Fox News.

Theo tất cả các nhà quan sát, Iran là chủ đề nhạy cảm nhất trong suốt ba ngày tổng thống Macron có mặt tại Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh đến ngày 12 tháng 5 tới đây, ông Donald Trump sẽ quyết định có tăng cường các biện pháp trừng phạt Teheran hay không, hoặc trong kịch bản xấu nhất, có rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận mà chính quyền Iran đã đạt được hồi tháng 7/2015 với Đức và 5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga) hay không.

Vậy trên hồ sơ này, quan điểm của mỗi bên là gì ? Emmanuel Macron có những lá chủ bài nào để thuyết phục Donald Trump “ở lại” trong thỏa thuận hạt nhân Iran ?

Ngay trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ, nhà tỷ phú địa ốc New York Donald Trump đã hứa sẽ “xé bỏ” văn bản mà Hoa Kỳ và 5 quốc gia kia đã đạt được với Teheran. Thỏa thuận này được chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Barack Obama ký kết vào tháng 7/2015 nhằm ngăn chận Teheran trang bị vũ khí hạt nhân. Nhưng trong mắt vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, quốc tế đã quá “dễ dãi” với Iran.

Từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump không hề thay đổi lập trường. Washington một mặt liên tục duy trì và gia tăng áp lực lên nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, tăng cường các biện pháp trừng phạt Teheran. Mặt khác, ông Trump đòi có “một thỏa thuận bổ sung” giữa một bên là Mỹ và bên kia là ba nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức) đã đặt bút ký vào hiệp ước hạt nhân Iran hồi tháng 7/2015. Trong thỏa thuận bổ sung này, Donald Trump muốn các đồng minh phương Tây của Hoa Kỳ phải cam kết là sẽ không để cho Iran trang bị bom nguyên tử một khi thỏa thuận tháng 7/2015 với Teheran hết hiệu lực.

Paris, Luân Đôn và Berlin thoạt đầu bất bình về thái độ của Washington, nhưng ba nước châu Âu này, đứng đầu là Pháp, đã nỗ lực đóng vai trò trung gian hòng cữu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Cụ thể là Paris cũng đồng ý rằng vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran ở Trung Đông và việc quốc gia Hồi Giáo này phát triển tên lửa đạn đạo là một mối lo ngại.

Anh, Pháp, Đức sẵn sàng chiều ý Mỹ, nhưng lại vấp phải một trở ngại lớn : làm thế nào điều chỉnh một hiệp ước mà không có sự đồng thuận của Iran, Trung Quốc và Nga, khi mà từ Teheran, đến Bắc Kinh và Maxcơva đều muốn giữ nguyên trạng ?

Do vậy, theo giới phân tích, đến Washington lần này, thông điệp chính tổng thống Macron nhắn gửi tới Donald Trump là, tuy thỏa thuận hạt nhân với Iran không hoàn hảo, nhưng nếu Mỹ rút lui thì không biết tới khi nào cộng đồng quốc tế mới được bảo đảm là sẽ đạt được một thỏa thuận hoàn thiện hơn với Teheran. Quan trọng hơn cả là thế giới tính sao đây, nếu như Iran lợi dụng sự vắng mặt của Hoa Kỳ để lập tức lao vào một cuộc chạy đua nguyên tử ?

Tuy nhiên, nỗ lực của tổng thống Pháp trên hồ sơ Iran gặp nhiều trở ngại : Một là Nhà Trắng đang tỏ thái độ cứng rắn hơn. Trong vài tuần lễ, tổng thống Trump đã cách chức từ ngoại trưởng Tillerson đến cố vấn an ninh McMaster, để gài vào hai vị trí then chốt này những nhân vật nổi tiếng diều hâu Pompeo và Bolton.

Hai là trên rất nhiều các hồ sơ nóng khác, từ Syria đến cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc hay hạt nhân Bắc Triều Tiên, chủ nhân Nhà Trắng đều cho thấy ông chỉ làm theo ý mình, bất chấp những khuyến cáo của các cố vấn. Trong hoàn cảnh đó, liệu “ông bạn” trẻ Emmanuel Macron của Donald Trump là sẽ làm được những gì, khi mà tổng thống Trump giữ nguyên ý định “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân với Iran ?

http://vi.rfi.fr/phap/20180423-hat-nhan-iran-macron-co-the-thuyet-phuc-duoc-trump

 

Khủng bố:

Tư pháp Bỉ kết án Salah Abdeslam 20 năm tù

Trọng Thành

Tòa án Bỉ hôm nay, 23/04/2018, kết án Salah Abdeslam 20 năm tù giam, do tham gia vào cuộc tấn công chống lại cảnh sát. Salah Abdeslam nổi tiếng là người cuối cùng còn sống sót trong các nhóm tiến hành loạt tấn công khủng bố ngày 13/11/2015, tại Paris và Saint-Denis, khiến 130 người chết và hàng trăm người bị thương.

Salah Abdeslam, 28 tuổi, không có mặt tại phiên tòa hôm nay, do đang bị giam giữ tại Pháp. Tòa án Bỉ khép Salah Abdeslam vào tội mưu sát cảnh sát, trong bối cảnh khủng bố, khi tham gia vào cuộc tấn công tại Bruxelles ngày 15/03/2015. Salah Abdeslam bị bắt ba ngày sau đó.

Một tháng sau khi bị cảnh sát Bỉ bắt giữ, Salah Abdeslam bị tư pháp Pháp truy tố về tội tấn công khủng bố. Kể từ đó đến nay, gần hai năm sau, nhân vật này vẫn gần như im lặng.

Theo tư pháp Pháp, Salah Abdeslam đã đóng vai trò quan trọng trong khâu chuẩn bị loạt khủng bố 13/11/2015, được coi là đợt khủng bố đẫm máu chưa từng thấy tại Pháp. Bản thân Abdeslam đã mang đai thuốc nổ, nhưng đai không được kích hoạt, do bị sự cố. Trong một bức thư, được cho là của nhân vật này, Abdeslam cho biết muốn chết như một « chahid », tức « người tử đạo ».

Tuy nhiên, theo công tố viên François Molins, sau khi bị bắt, Abdeslam đã tìm cách giảm nhẹ vai trò của mình, khi kể với các nhà điều tra là chính anh ta đã quyết định không kích hoạt đai thuốc nổ tại sân vận động Stade de France.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180423-tan-cong-canh-sat-tu-phap-bi-ket-an-salah-abdeslam-20-nam-tu

 

Đức : Đảng Xã Hội Dân Chủ

có nữ chủ tịch đầu tiên

Trọng Thành

Hôm qua, 22/04/2018, đảng Xã Hội Dân Chủ Đức (SPD) đã bầu bà Andrea Nahles làm chủ tịch đảng. Đây là nữ chủ tịch đầu tiên của SPD kể từ khi đảng được thành lập cách nay 150 năm. Tân chủ tịch SPD đứng trước các thách thức rất lớn, với thất bại lịch sử của đảng này trong cuộc bầu cử nghị viện tháng 12 năm ngoái, cho dù SPD đã thiết lập được một thỏa hiệp cầm quyền với đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) của thủ tướng Merkel, sau nhiều tháng thương lượng gay go.

Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin,

“« Tôi không phải là người mới », bà Andrea Nahles thừa nhận điều này trong bài diễn văn. Ở tuổi 47 tuổi, người phụ trách khối dân biểu SPD trong Quốc Hội Đức đã có cả một sự nghiệp chính trị sau lưng. Bà từng là bộ trưởng Lao Động trong chính phủ trước, là tổng thư ký đảng trong quá khứ. Tuy nhiên, giờ cũng chính bà nhận trở lại nhiệm vụ đổi mới đảng Xã Hội Dân Chủ đang hồi gian khó, sau thất bại lịch sử trong các cuộc bầu cử mới nhất, và kể từ đó là những tranh cãi nội bộ dữ dội, thể hiện nỗi giận dữ của các đảng viên ở cơ sở đối với ban lãnh đạo.

Andrea Nahles muốn thuyết phục những người lưỡng lự nhất : « Chúng ta phải đến đích cùng nhau. Chính vì vậy mà tôi yêu cầu các vị hãy ủng hộ tôi và tin tưởng vào tôi. Nhưng tôi cũng yêu cầu cả sự hỗ trợ của các vị. Chúng ta sẽ đến đích. Đoàn kết, chúng ta sẽ mạnh mẽ. Tôi xin hứa ».

Kết quả là ứng cử viên số một Andrea Nahles đã đắc cử, nhưng chỉ với 66%. Chắc chắn là chưa bao giờ nhà lãnh đạo này đạt được một tỉ lệ bỏ phiếu cao trong các hội nghị của đảng SPD. Tuy nhiên, đối với người mang trọng trách xốc dậy SPD, kết quả nói trên rõ ràng cho thấy bà không được ủng hộ mạnh. Ứng cử viên đối thủ vào chức chủ tịch đảng, một người gần như vô danh cho đến thời gian gần đây, cũng nhận được đến 28% phiếu bầu. Một tỉ lệ cho thấy tâm trạng bối rối của đảng viên ở cơ sở.

Với một lập trường thiên mạnh về tả, ứng cử viên Simone Lange đã lên án các hậu quả của những cuộc cải cách dưới thời cựu lãnh đạo Schröder.

Simong Lange phát biểu : « Chúng ta đã chấp nhận việc để những người lao động phải sống trong nghèo khó. Tôi gửi lời xin lỗi đến họ ».

Ban lãnh đạo mớ của SPD không chỉ phải mở lại các đối thoại trong nội bộ với các đảng viên, mà trong thời gian tới còn phải thu hút được nhiều người Đức hơn. Sau thất bại hồi tháng 9 năm ngoái, đảng SPD vẫn tiếp tục mất thêm uy tín, theo các thăm dò dư luận. Hai cuộc bầu cử cấp vùng vào mùa thu tới sẽ là những trắc nghiệm đầu tiên đối với tân chủ tịch Andrea Nahles.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180423-duc-dang-xa-hoi-dan-chu-lan-dau-co-chu-tich-nu

 

G7: Đoàn kết chống Nga,

cứng rắn với Bắc Triều Tiên, chia rẽ về Iran

Thu Hằng

Trong cuộc họp cấp ngoại trưởng ngày 22/04/2018 tại Toronto, các cường quốc thuộc khối G7 đã tỏ ra đoàn kết để đương đầu với Nga. Tuy nhiên, nếu như thái độ cứng rắn trước Bắc Triều Tiên được ngoại trưởng bảy nước nhất trí, hồ sơ hạt nhân Iran vẫn gây chia rẽ các thành viên trong ngày làm việc 23/04.

Phát biểu với báo giới, một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết : « Có sự đoàn kết trong khối G7 nhằm phản đối thái độ tai hại của Nga ». Ngoài ra, ngoại trưởng các nước cũng liệt kê một số biện pháp « để ngăn chặn các xu hướng tiêu cực của điện Kremlin đang đe dọa đến hòa bình và an ninh ». Theo AFP, các cuộc thảo luận cũng đề cập đến việc « củng cố nền dân chủ để chống lại can thiệp từ nước ngoài », ám chỉ đến nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Ngày 22/04, đánh giá về vai trò của Nga khi trả lời đài Fox News từ Paris trước khi lên đường thăm Mỹ, tổng thống Pháp nhận định « không bao giờ được tỏ ra yếu đuối trước tổng thống Putin. Nếu chúng ta yếu đuối, người ta lợi dụng nó để làm suy yếu các nền dân chủ ». Đây cũng là quan điểm của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Toronto, « cần phải cứng rắn » những vẫn tiếp tục tìm cách đối thoại với Matxcơva.

Bắc Triều Tiên và Iran là hai hồ sơ quốc tế được đưa ra thảo luận nội bộ trong ngày 23/04. Trước hết, các ngoại trưởng G7 sẽ ra thông cáo chung khẳng định không nới lỏng sức ép và trừng phạt quốc tế đối với chế độ Bình Nhưỡng để đạt đến mục tiêu cuối cùng là « phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được » trên bán đảo Triều Tiên.

Hồ sơ hạt nhân Iran là chủ đề bất đồng giữa Mỹ và 4 nước thành viên Hội Đồng Bảo An cùng với Đức. Ngày 12/05, tổng thống Donald Trump sẽ quyết định duy trì hay từ bỏ thỏa thuận đã ký với Iran vào năm 2015, luôn bị ông đánh giá là quá khoan dung. Nhiều ngoại trưởng đã nỗ lực thuyết phục quyền ngoại trưởng Mỹ John Sullivan để Washington không vứt bỏ thỏa thuận, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho Iran rút khỏi thỏa thuận và điều này sẽ gây ra « những hậu quả nghiêm trọng ».

Thuyết phục tổng thống Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran là điểm chủ đạo trong chuyến công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ ngày 23 đến 25/04, vì theo ông Macron, hiện tại « không có phương án B ».

Theo điện Kremlin, trong cuộc điện đàm tối 22/04, tổng thống Pháp và đồng nhiệm Nga đã nhất trí là phải duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cũng cho biết Bắc Kinh và Matxcơva sẽ ngăn chặn mọi ý đồ « phá hoại » thỏa thuận trên.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180423-g7-doan-ket-chong-nga-cung-ran-voi-bac-trieu-tien-chia-re-ve-iran