Tin Việt Nam – 22/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/04/2018

Xung quanh vụ trường GWIS ‘bám rễ ở Việt Nam’

Mạch Lê DungGửi cho BBC từ Hà Nội

Ý kiến lý giải vì sao một trường ‘ma’ ở Mỹ có thể liên kết với hàng loạt trường Việt Nam để giăng bẫy các học sinh.

Đầu năm nay, ông Nick Võ – hiệu trưởng một trường tư thục ở Sài Gòn, đã rất bất ngờ khi sang Hoa Kỳ thăm và gặp gỡ một trường đối tác liên kết giáo dục nhưng không thấy bất cứ ngôi trường nào tại địa chỉ của trường ở tiểu bang California. Thay vào đó là một trung tâm chuyên cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện.

Trước đó, ông đã nhờ người thân tới địa chỉ trước kia của trường ở tiểu bang Florida để tìm hiểu, nhưng cũng chỉ thấy một đại lý Mail&More cung cấp dịch vụ cho thuê hộp thư.

VN: ‘Khai trừ’ đảng viên là phụ huynh ‘bắt cô giáo quỳ’

‘Nhiều người không phục về cách phong GS ở VN’

Việt Nam và cải cách sách giáo khoa

Việt Nam: Học càng cao, càng thất nghiệp?

Bất cập giáo dục VN ‘bộc lộ rõ’ qua kỳ thi PTTH

Ông Nick Võ chỉ là một trong rất nhiều người làm giáo dục ở Việt Nam đã được Trường Quốc tế George Washington (GWIS) tiếp cận chào mời hợp tác. GWIS tự xưng là một trường phổ thông “đang phát triển tốt” ở Hoa Kỳ muốn mở rộng liên kết để cung cấp các môn học bằng tiếng Anh có thể tích hợp với chương trình giáo dục phổ thông của các nước khác.

Các học sinh theo học chương trình GWIS được hứa hẹn “song bằng”: một bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam và một bằng của Hoa Kỳ “được các trường đại học Mỹ công nhận”. Bắt đầu triển khai hợp tác với Trường Phổ thông Quốc tế Newton tại Hà Nội vào năm 2012, tới nay GWIS đã vươn rộng ra 14 tỉnh và thành phố, tập trung nhiều ở khu vực phía nam.

“Sau chuyến đi, tôi tin chắc 90 phần trăm là trường GWIS này không tồn tại nên đã quyết định ngừng toàn bộ chương trình liên kết này,” ông Nick Võ cho tôi biết.

Ông Nick Võ cũng gửi email cho các trường đối tác khác của GWIS ở Việt Nam để cảnh báo về những thông tin mà mình vừa tìm được. Tuy nhiên, ông quyết định không công bố rộng rãi những thông tin này ra trước dư luận, để đồng nghiệp của mình tại các trường khác có thời gian tìm kiếm và triển khai một chương trình học mới, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các em học sinh.

Nhưng đầu tháng này, một người báo tin ẩn danh đã tung những thông tin về sự đáng ngờ của GWIS lên mạng xã hội.

Câu chuyện “trường ma” nhanh chóng lan ra khắp mạng xã hội và xuất hiện trên các mặt báo.

“Không thể tìm thấy GWIS”

Theo tra cứu trên danh mục trường tư thục của cả hai tiểu bang Florida và California, Trường Quốc tế George Washington không có mặt trong bất cứ danh sách nào.

GWIS cũng không có mặt trong danh sách các trường học đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định có trong hệ thống của Bộ Giáo dục liên bang (USDE) và Hội đồng đánh giá chuẩn giáo dục phổ thông và đại học Mỹ (CHEA). Không được kiểm định cấp quốc gia, trường GWIS cũng không có mặt trong danh sách các tổ chức kiểm định vùng ở Florida và California.

Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong một cuộc họp báo ngày 12/4, GWIS đã nộp lên sở một chứng chỉ kiểm định do một tổ chức có tên là Công ty Hội đồng Thẩm định vùng Florida (FRACC) cấp tháng 8 năm 2011.

Tuy nhiên, theo biên bản số L12-3-1075 lưu tại Văn phòng Tổng chưởng lý tiểu bang Florida, vào tháng 9 năm 2012, Sở Tư pháp tiểu bang Florida đã điều tra và phát hiện FRACC có hành vi gian lận trong việc cung cấp dịch vụ thẩm định chất lượng trường học cũng như không đặt ra tiêu chuẩn hợp lý trong thẩm định. Tổ chức này đã bị buộc phải giải thể và phải trả 10.000 USD là chi phí điều tra cho Sở Tư pháp.

Như vậy, tới thời điểm hiện tại, GWIS không có mặt trong danh sách trường tư thục các tiểu bang và cũng không được các tổ chức kiểm định có uy tín công nhận – điều này trùng hợp với tuyên bố của bà Karen Tang, trợ lý Tùy viên Văn hóa thuộc Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.

“Chúng tôi không thể tìm thấy GWIS tại những nguồn thông tin mà thông thường lẽ ra người ta phải tìm thấy,” đại diện ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Những lỗ hổng chết người

GWIS không có trường sở, giáo viên, học sinh ở Hoa Kỳ, không được thẩm định chất lượng mà vẫn dễ dàng “xuất khẩu” chương trình của mình sang Việt Nam có một phần nhiều nguyên do là sự khác biệt quá lớn giữa cách thức quản lý giáo dục của hai nước.

Nếu như ở Việt Nam, trường tư thục nằm dưới sự giám sát khá chặt chẽ của cơ quan quản lý, thì tại rất nhiều tiểu bang Hoa Kỳ trong đó có Florida và California là hai nơi GWIS đăng ký hoạt động, Sở Giáo dục tiểu bang gần như thả nổi hoạt động của những trường này.

Sở Giáo dục không quản lý, kiểm định chất lượng hay phê chuẩn các trường tư thục mà để các trường này chịu trách nhiệm trực tiếp với học sinh của mình. Không nắm được khác biệt này, nhiều trường học đã ký hợp đồng liên kết bởi mặc định rằng trường được phép hoạt động nghĩa là đã chịu sự giám sát, kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý Hoa Kỳ.

Bộ hồ sơ pháp lý mà GWIS cung cấp cho ông Nick Võ chỉ gồm có một đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có tên George Washington International School Inc. và một thư biên nhận của Sở giáo dục Tiểu bang California gửi cho GWIS, trong đó xác nhận đã tiếp nhận và nhập vào hệ thống đơn đăng ký tư cách trường tư thục của GWIS. Chỉ với những giấy tờ sơ sài này, GWIS đã “qua mặt” nhiều đối tác cũng như cơ quan quản lý để cung cấp chương trình giáo dục ở Việt Nam.

Trả lời trước báo giới ngày 12/4, bà Bùi Thị Minh Nga – Phó phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết ngay sau khi nghi vấn “trường ma” xuất hiện trong dư luận, chủ tịch GWIS Phillip Nguyễn đã về Việt Nam làm việc với cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như Đại sứ quán Hoa Kỳ và cung cấp giấy tờ, thông tin cần thiết để chứng minh tính pháp lý và thực tế của GWIS.

“Ông Phillip Nguyen đã làm việc với Đại sứ quán Mỹ và đã được Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp THPT do Trường Quốc tế George Washington cấp cho những học sinh học chương trình GWIS,” bà Nga cho biết.

Việt Nam: Tảo hôn ‘vẫn tiếp diễn’

Việt Nam ‘tiến bộ về sáng tạo’

Việt Nam và cải cách sách giáo khoa

Đó là những học sinh của trường Phổ thông Quốc tế Newton – một đối tác liên kết của GWIS tại Hà Nội. Những học sinh này đã hân hoan nhận lại tấm bằng của mình, lần này có thêm chữ ký xác nhận của nhân viên lãnh sự Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một lần nữa Đại sứ quán Hoa Kỳ đã phủ nhận các thông tin mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra. “Chính phủ Mỹ chỉ có thẩm quyền và khả năng giám sát những trường được thành lập và hoạt động trên đất Mỹ chứ không được quyền giám sát các trường Mỹ hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ,” bà Tang nói.

“Mặc dù Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội vẫn có dịch vụ công chứng giấy tờ, song việc chứng nhận giấy tờ có tính chất bằng cấp, bảng điểm thì phải tuân thủ một quy tắc rất khác, yêu cầu phải có quá trình xác minh được thực hiện tại Mỹ.”

Theo bà Karen Tang, văn bản mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho là chứng thực của Đại sứ quán Hoa Kỳ về “tính hợp pháp” của bằng GWIS thực chất chỉ là một bản xác nhận tuyên thệ. Văn bản này không có ý nghĩa là Đại sứ quán Mỹ chứng thực bằng cấp của GWIS, mà chỉ có ý nghĩa chứng thực việc ông Phillip Nguyen đã tuyên thệ rằng bằng GWIS là bằng thật.

Sự cố “Sở Giáo dục nói có – Đại sứ quán nói không” này một lần nữa cho thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật của Hoa Kỳ đã tạo ra những lỗ hổng chết người trong quy trình thẩm định của cơ quan quản lý ở Việt Nam, khiến GWIS vươn ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Một kịch bản được chờ đợi

Sau sự lên tiếng của đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, dư luận cũng như phụ huynh và học sinh của hệ GWIS đã rút ra được kết luận của riêng mình. Trên mạng xã hội, một số phụ huynh tuyên bố sẽ tiếp tục cho con theo học hệ GWIS do hài lòng với chất lượng giảng dạy của chương trình.

Một số khác, phần nhiều sử dụng các tài khoản Facebook ảo, bày tỏ sự phẫn nộ và ý định sẽ chuyển trường cho con ngay khi điều kiện cho phép.

Ngày 13/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo Trường Phổ thông Quốc tế Newton phải dừng hợp đồng hợp tác với GWIS, đồng thời đề nghị các Sở Giáo dục của chín tỉnh và thành phố khác khẩn trương báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của chính quyền địa phương, dừng hợp tác với GWIS theo quy định của pháp luật.

Phương án này cần một lộ trình hợp lý và một chương trình thay thế mang tính quốc tế cao. Kịch bản này phù hợp với nguyện vọng của ông Nick Võ, cũng như rất nhiều phụ huynh có con đang theo học hệ GWIS.

“Theo tôi, các nơi lỡ ký hợp tác với GWIS thì giờ đây nên cùng nhau đi tìm một trường khác để thay thế cho GWIS,” ông Nick Võ nói.

“Như vậy, các em đã lỡ theo học sẽ không uổng phí, các trường học không phá sản và mất uy tín. Bộ Giáo dục cần phát huy vai trò đứng ra trợ giúp các trường học tìm kiếm một đối tác mới đáng tin cậy.”

Đại sứ quán Mỹ nói gì?

Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khẳng định, họ không tìm thấy tên trường Quốc tế George Washington (GWIS – Mỹ) trong danh sách trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế ở Mỹ hay trường ở California, Florida.

Website của Cục An ninh Nội địa Mỹ là cơ quan quản lý danh sách các trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế tại Mỹ theo thị thực F-1 và M-1.

Mỗi tiểu bang duy trì danh sách các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 và công khai trên mạng.

Nhân viên đại sứ quán đã kiểm tra và không tìm thấy tên GWIS trong các danh sách này.

Bài viết là kết quả tìm hiểu sau nhiều ngày câu chuyện trường GWIS của tác giả Mạch Lê Dung, nhà báo tại Hà Nội. Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43820593

 

VN: ‘Bảo trợ chính trị’

đang gây nguy hại cho chế độ?

PGS. TS. Phạm Quý ThọGửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

Đảng Cộng sản Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, một số vụ án được khởi tố, nhiều lãnh đạo bị Đảng kỷ luật, nhiều cá nhân bị đưa ra xét xử, tuy nhiên tội tham nhũng đã không được chỉ đích danh.

Trong nhiều vụ xét xử, phần lớn các bị cáo nguyên là các cán bộ đảng hay lãnh đạo các các tập đoàn nhà nước bị tuyên với tội danh ‘cố ý làm trái các quy định pháp luật làm thất thoát tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng’.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều vụ việc đã diễn ra trong nhiều năm trước, nay mới bị khởi tố, điều tra và xét xử? Phải chăng có sự ‘chống lưng’,’bao che’ từ các thế lực nào đó?

Vụ việc ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh ‘có hiệu ứng tốt’

Vụ đất Quốc Cường Gia Lai: Thành ủy vào cuộc

VN: Chống tham nhũng cần nhất điều gì?

Vụ Vũ Nhôm: Bắt tướng công an và cựu chủ tịch Đà Nẵng

Chủ nghĩa bảo trợ được cho là hiện tượng nội sinh trong quá trình tiến đến nhà nước hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay nó thách thức sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sảnPGS. TS. Phạm Quý Thọ

Hiện tượng này gọi là chủ nghĩa bảo trợ. Đó là sự trao đổi phiếu bầu và ủng hộ chính trị để đổi lấy lợi ích cá nhân. Nghĩa là kiểu quan hệ trong đó những người có thế lực bảo trợ cho những người dưới quyền hoặc có liên quan để có được ủng hộ chính trị, chẳng hạn qua lá phiếu, còn người được bảo trợ nhận được lợi ích cho bản thân, như ân huệ, hàng hóa, dịch vụ.

Chủ nghĩa bảo trợ tạo ra các nhóm lợi ích và có liên hệ với tham nhũng. Tham nhũng do tha hóa quyền lực bởi một số nguyên nhân cơ bản, trong đó có sự bảo trợ chính trị. Nhận diện các hình thức bảo trợ và làm rõ bản chất của hiện tượng này, không những sẽ giải nghĩa thực chất chiến dịch chống tham nhũng, mà còn gợi mở nhìn nhận về những nỗ lực củng cổ tổ chức đảng và cải tổ bộ máy nhà nước hiện nay.

Chủ nghĩa bảo trợ được cho là hiện tượng nội sinh trong quá trình tiến đến nhà nước hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay nó thách thức sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản (CS). Đảng đang nỗ lực loại bỏ nó.

‘Loại khỏi cuộc chơi?’

Việt Nam: Đảng viên đã qua đời vẫn có thể bị kỷ luật?

Việt Nam: Mới mẻ trong xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm?

Con trai ông Lê Thanh Hải bị khiển trách

Nguyên tắc sống còn trong hoạt động của Đảng CS là tập trung quyền lực. Ai thách đố nguyên tắc này sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Những lãnh đạo vi phạm nguyên tắc này được xử lý nội bộ đảng, không công khai. Lịch sử đảng ghi nhận những cá nhân như Hoàng Văn Hoan, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan là những nguyên ủy viên Bộ chính trị (BCT) bị xử lý kỷ luật đảng.

Tuy nhiên, hiện nay nguyên ủy viên BCT Đinh La Thăng không chỉ bị đảng kỷ luật mà còn bị đưa ra xét xử trước tòa ở hai vụ án với tội danh cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng với hai bản án là 13 và 18 năm tù giam.

Tại sao không thể kỷ luật người mà Đảng ‘phân công’ ‘phân quyền’? Truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng đã bị thách thức? Sự đồn đoán về phe phái, phe đảng, phe chính phủ từ ‘lề trái’ có thể chỉ là suy đoán?PGS. TS. Phạm Quý Thọ

Hai phiên tòa xử sơ thẩm bị cáo Thăng tương đối công khai. Bị cáo nhiều lần kêu oan với các lý do, trong đó cho rằng không thể thực hiện hành vi đó nếu không có chủ trương, và tiếp tục kháng cáo lên tòa cấp cao hơn.

Bốn năm trước, năm 2014, tại Hội nghị trung ương 6 khóa 11 của Đảng BCT nhất trí kỷ luật Nguyên thủ tướng hai nhiệm kỳ 2006-2016, song hơn 70% số ủy viên Ban chấp hành trung ương (BCHTƯ) không đồng ý.

Tại sao không thể kỷ luật người mà Đảng ‘phân công’ ‘phân quyền’? Truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng đã bị thách thức? Sự đồn đoán về phe phái, phe đảng, phe chính phủ từ ‘lề trái’ có thể chỉ là suy đoán?

Chủ nghĩa bảo trợ đang lan rộng ở các cấp các ngành và lĩnh vực, gây nguy hại cho sự tồn vong chế độ.

Những kết luật kỷ luật đảng và các vụ án được khởi tố gần đây giải thích rõ hơn hiện tượng này. Đằng sau các bản án đều có dấu ấn của ‘sự bảo kê’ dưới các hình thức khác nhau của các cán bộ lãnh đạo:

Nguyên bộ trưởng Bộ Công thương bị kỷ luật do sai phạm trong quy trình bổ nhiệm cán bộ; Trong ‘vụ Mobifone mua AVG’, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã có nhiều lãnh đạo tại một số bộ có sai phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước lên đến gần 7000 tỷ đồng;

Nguyên các tướng công an như cựu tổng cục trưởng cảnh sát và cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao… tổ chức, bảo kê cho mạng lưới đánh bạc lớn online; Điều tra mở rộng vụ án ‘Vũ nhôm’ phát hiện đường dây bảo kê, trong đó khởi tố cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo, hai đời nguyên chủ tịch tỉnh Đà Nẵng trong thời kỳ 2006 – 2014, và nguyên bí thư Đà Nẵng đã bị cách chức vào cuối năm 2017;

Quy tắc cơ bản của chủ nghĩa bảo trợ là ‘lòng tốt có đi có lại’. Lợi ích cá nhân vốn là bản chất của chủ nghĩa bảo trợ, và trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường nó sẽ mạnh hơn và lấn át các chính sách, quy định hiện hành của đảng và nhà nướcPGS. TS. Phạm Quý Thọ

Các lãnh đạo cấp địa phương ‘bảo trợ’ cho các quan hệ thân hữu, con cháu, họ hàng, như Quảng Nam, Hà Giang, Hà Nội, Đắc Lắc…; Cán bộ cấp phường bảo kê cho các hàng quán vỉa hè, các bãi trông xe; Các lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, và đơn vị công lập được bảo trợ vì lợi ích kinh tế…

‘Có đi và có lại’

VN đang có ‘bước tiến tốt, tích cực’ trong chống tham nhũng

Bàn tròn BBC: về Chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng và Quy định 102

Tiến sỹ Vũ Quang Việt bình luận về tái sắp xếp ở Bộ Công An

Quy tắc cơ bản của chủ nghĩa bảo trợ là ‘lòng tốt có đi có lại’. Lợi ích cá nhân vốn là bản chất của chủ nghĩa bảo trợ, và trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường nó sẽ mạnh hơn và lấn át các chính sách, quy định hiện hành của đảng và nhà nước.

Sự bảo trợ làm suy yếu năng lực nhà nước. Bộ máy công quyền đang phình to khiến Đảng cải cách mạnh hơn bộ máy cán bộ, công chức. Những động thái tức thì, cấp thiết để tập trung quyền lực đã được thực thi. Đảng đã kịp thời ‘bịt’ lỗ hổng này bằng việc ban hành và thực hiện các quyết định định liên quan đến quy trình kỷ luật và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ đảng ứng cử, … Các đề án về tổ chức, xây dựng đảng, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, cải cách bộ máy đang được khởi động. Phải chăng đề án cải tổ Bộ Công an đang là lựa chọn khởi đầu. Với những nỗ lực ‘nhốt quyền lực’ trong ‘lồng pháp luật, cơ chế’ Đảng đang chủ trương cải cách theo phương châm ‘ổn định chính trị’, xã hội và thay đổi từ từ.

Hệ thống chính trị hiện hành có đặc trưng là quyền lực tập trung cao, thiếu cơ chế giám sát hữu hiệu, các cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước chi phối các hoạt động phân phối tài nguyên và nguồn lực công. Bởi vậy các quan hệ bảo trợ chính trị và kinh tế dễ dàng xuất hiện ở cả hai phía: người bảo trợ và người được bảo trợ. Mỗi khi đạt được quyền lực chính trị, người bảo trợ thích ứng với hệ thống thứ bậc để củng cố địa vị của chính mình, gia đình và bạn bè. Những người được bảo trợ tìm được lợi ích cá nhân để ủng hộ mối quan hệ này.

Đảng nỗ lực duy trì tính chính danh thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường khi còn thiếu những nền tảng vận hành của nó liệu có thể đưa đến một mô hình phát triển đất nước bền vững?PGS. TS. Phạm Quý Thọ

Dưới góc nhìn xây dựng thể chế, chủ nghĩa bảo trợ được hình thành và củng cố bởi những tư tưởng, lễ nghi, thậm chí là tôn giáo biện minh cho các đường dây bảo trợ hoặc các nhóm lợi ích. Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 nhận định hiện tượng đó là ‘sự thoái hóa về tư tưởng và đạo đức’ của một bộ phận cán bộ đảng viên.

Ngoài ra, chủ nghĩa bảo trợ được coi là hình thức huy động chính trị hiệu quả trong những xã hội có mức thu nhập và chất lượng giáo dục thấp, quan hệ thân hữu dựa vào gia đình, bạn bè là khuynh hướng tự nhiên của con người không thể giải quyết triệt để nếu thiếu một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy người ta hành động.

Độc tôn chính trị sẽ loại bỏ mọi lực lượng xã hội mới, kể cả tổ chức xã hội dân sự có ích cho việc tạo ra một nhà nước trong sạch, hiện đại. Đảng nỗ lực duy trì tính chính danh thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường khi còn thiếu những nền tảng vận hành của nó liệu có thể đưa đến một mô hình phát triển đất nước bền vững?

Quan điểm trong xây dựng thể chế rằng xã hội cần trật tự trước khi cần đến dân chủ, và sẽ tốt hơn nếu xã hội từ một chính quyền chuyên chế quá độ lên một hệ thống chính trị và kinh tế hiện đại, thay vì cố gắng thay đổi trực tiếp lên dân chủ liệu có chỗ đứng nếu phải trả giá đắt vì mất dân chủ?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phân tích về chính sách công, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43857221

 

Vụ đất Quốc Cường Gia Lai: Thành ủy vào cuộc

Tin cho hay Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM yêu cầu vụ bán đất cho Quốc Cường Gia Lai phải “báo cáo Ban thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5.”

Truyền thông Việt Nam tường thuật, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy “kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong vụ chuyển nhượng hơn 30 hecta đất tại Phước Kiển cho công ty Quốc Cường Gia Lai.”

Thủ tướng Phúc ‘muốn rà soát đất đai’

Bắn ba người vì đất đai: ‘Con đường nguy hiểm’

VN: ‘Vướng mắc đất đai tước cơ hội của nông dân’

Trước đó, Văn phòng Thành ủy TP.HCM phát đi thông báo cho hay, ngày 5/6/2017, Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) “đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã được đền bù tại khu dân cư Phước Kiển ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.”

“Diện tích đất được bán là hơn 30ha với giá 1,29 triệu đồng/m2.”

Ủy ban kiểm tra Thành ủy yêu cầu vụ việc này phải “báo cáo Ban thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5.”

‘Công sản quốc gia’

Hôm 22/4, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói với BBC: “Sự kiện mua bán đất đai giữa Thành ủy TP.HCM và Quốc Cường Gia Lai phải nhìn từ góc độ công sản quốc gia.”

“Tại Việt Nam, giao dịch mua bán đất được luật pháp gọi dưới cái tên “chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Với cơ chế hiện nay, thực chất sự thất thoát tài sản của Đảng chính là sự thất thoát công sản, tức tài sản của nhân dân, chưa kể đến việc xác định động cơ thúc đẩy việc bán tài sản cho tư nhân với giá rẻ mạt.luật sư Đặng Đình Mạnh

“Nhưng với tôi, tôi sẽ gọi đúng tên theo bản chất của giao dịch và cũng là khái niệm mà công chúng vẫn thường dùng với nhau: Mua bán đất.”

“Vụ mua bán tài sản bất thành giữa Thành ủy TP.HCM và Quốc Cường Gia Lai đã làm lộ ra góc khuất về tài sản do tổ chức Đảng sở hữu, quản lý là chủ đề mà công chúng ít được thông tin từ báo giới chính thống từ trước cho đến nay.”

“Nhưng lần này, truyền thống giữ thông tin “mật” lại được bạch hóa công khai cho công chúng biết là một động thái khá lạ.”

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư TPHCM

Con trai ông Lê Thanh Hải bị khiển trách

TP.HCM: Một cán bộ quận ‘chiếm dụng 54 tỷ đồng’

Sẽ thành công hơn nếu ‘làm ngược’ với Đảng?

Kỷ luật em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải

“Có lẽ, người chủ trương bạch hóa cần sự cổ vũ của công chúng về những sự kiện được thông tin với mục tiêu chống tham nhũng trong đảng và trong chính quyền. Nhất là trong giao dịch mua bán đất đai này đã được cho là làm thiệt hại cho bên bán (Thành ủy TP.HCM) hàng nghìn tỷ đồng vì giá chuyển nhượng đã được định rẻ mạt.”

Luật sư Mạnh phân tích thêm: “Thành ủy TP.HCM đã đặt vấn đề “thương lượng” với “đối tác” là Quốc Cường Gia Lai để hủy bỏ giao dịch mua bán đất. Bên cạnh đó, một trong các chủ sở hữu Quốc Cường Gia Lai đã đề cập đến khả năng có thể phải giải quyết hợp đồng mua bán đất đã có giữa hai bên bằng biện pháp tài phán, hàm ý bác bỏ sự thương lượng.”

“Thực tế, tôi cho rằng nếu Quốc Cường Gia Lai quyết tâm khởi kiện sự việc ra tòa án để giải quyết về giao dịch mua bán đất là một quyết định khôn ngoan, nếu tính toán thiệt hơn như một vụ kinh doanh.”

“Bởi lẽ, khi hủy bỏ giao dịch, thì thông thường tòa án sẽ cho tính khoản thiệt hại phát sinh từ giao dịch, Trong đó, khoản chênh lệch giữa giá bán và giá hiện tại được thẩm định qua đơn vị có chức năng sẽ được xem là khoản thiệt hại.”

“Căn cứ mức độ lỗi của từng bên trong giao dịch, tòa án sẽ buộc bên có lỗi phải bồi thường. Đối với bên Quốc Cường Gia Lai, khách quan thì khó có thể chỉ ra lỗi của họ!”

“Việc họ mua được tài sản với giá hời không thể xem là lỗi. Thế nên, kết quả vụ án (nếu có) chắc chắn không làm Quốc Cường Gia Lai quá thiệt thòi về quyền lợi.”

“Sự thiệt thòi nếu có, trong trường hợp này chính là nhân dân mới là người bị thiệt thòi. Vì lẽ, cái gọi là tài sản của Đảng thực tế là tài sản của nhân dân.”

‘Thiện chí’

Ông Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, được báo Dân Việt dẫn lời: “Cần phải xem lại sự việc có sự “móc ngoặc” hay “thỏa thuận ngầm” giữa doanh nghiệp với quan chức để từ đó có thể mua được tài sản công với giá rẻ, không thông qua đấu giá hay không? Thậm chí, kể cả có đấu giá cũng vẫn có nhiều vụ việc xảy ra tình trạng “thỏa thuận” trong mua bán tài sản công để “trục lợi”.

“Việc mua bán “có móc ngoặc” luôn luôn được một số phần tử trong cơ quan nhà nước thực hiện để nhằm trục lợi trong mua bán tài sản công. Đây không phải là một vấn đề gì mới đã từng xảy ra nhiều nơi rồi. Việc công ty Tân Thuận ký hợp đồng, nếu như đúng là đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ thì những người đưa ra quyết định ký hợp đồng chuyển nhượng phải chịu trách nhiệm chính và phải bồi thường thất thoát đó,” ông Thịnh nói.

Trở lại cuộc phỏng vấn hôm 22/4 với BBC, Trưởng văn phòng luật Đặng Đình Mạnh nhấn mạnh: “Hoạt động đảng phái nói chung, về nguyên tắc trước nay vẫn được hiểu là được nuôi dưỡng bằng sự đóng góp tài chính từ nguồn đóng góp của các thành viên, được gọi tên là đảng phí từ đảng viên và nguồn lợi phát sinh từ các hoạt động kinh tài của họ trên nền tảng đảng phí.”

“Nhưng với đảng Cộng sản Việt Nam, tư cách là đảng phái duy nhất nắm giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia thì tài sản của họ được hình thành không theo sự hiểu biết thông thường theo nguyên tắc nêu trên. Nếu bạch hóa nguồn gốc tài sản mà hiện nay đảng Cộng sản đang sở hữu, quản lý, thì nhận định vừa nêu sẽ được chứng minh.”

“Với cơ chế hiện nay, thực chất sự thất thoát tài sản của Đảng chính là sự thất thoát công sản, tức tài sản của nhân dân, chưa kể đến việc xác định động cơ thúc đẩy việc bán tài sản cho tư nhân với giá rẻ mạt.”

“Sự việc đã giúp chỉ ra lổ hổng của luật pháp hiện nay đối với vấn đề giao sở hữu, quản lý, định đoạt công sản quốc gia.”

Trước đó, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT công ty Quốc Cường Gia Lai được báo Zing dẫn lời: “Tôi khẳng định Quốc Cường Gia Lai giải quyết chuyện này trên phương diện thiện chí, hai bên tìm ra những thỏa thuận hợp lý và căn cứ trên hợp đồng. Nếu Thành ủy thu hồi khu đất, chúng tôi cũng sẵn sàng giao lại chứ không hề có ý định đưa mọi việc ra tòa vì mọi việc đều căn cứ trên hợp đồng.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43854499

 

30 tháng 4 và câu chuyện về đất

Xáo động về đất đai

Sở dĩ khi nhắc đến ngày 30 tháng 4, ngày mà với người Việt Nam Cộng Hòa ở phía Nam vĩ tuyến 17 là ngày quốc hận, quốc tang thì với người Cộng sản Bắc Việt, đây là ngày chiến thắng, ngày mỹ mãn nhưng với nhân dân Việt Nam, ngày 30 tháng 4 lại là cột mốc lịch sử đóng vai trò xuất phát điểm cho những xáo động về đất đai mãi đến ngày nay. Và càng ngày, sự xáo động về đất đai, về quyền làm chủ trên mảnh đất của người dân đang ngày càng trở nên báo động.

Nói về mức độ an tâm của người dân về nhà ở, đất ở dưới thời Việt nam Cộng Hòa, nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ: “Hồi đó là mọi thứ đều giấy tờ rõ ràng, không ai lo sợ về chỗ ở của mình hết vì mình có nhà có cửa là nó thuộc quyền sở hữu của mình rồi, về cảm giác hoang mang thì không có đâu tại vì mọi thứ đều có luật pháp hết, đâu có dễ mà như bây giờ. Nếu ai có gia đình, tài sản dù lớn dù nhỏ gì đều hợp pháp đều có giấy tờ, đều có luật pháp hết. Đơn giản ví dụ như ngày xưa nhà bán nhà này đi nhà khác, tức là bán nhà này rồi đi ở nhà khác, đổi chỗ ở là không bị lo âu là nhà kia có hợp pháp, hợp lệ hay không, có bị treo hay không, không có chuyện đó.”

Nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ thêm rằng thời đó, ông vẫn còn là một thiếu niên, dường như ông không để ý gì đến chuyện đất đai hay nhà cửa. Nhưng rõ ràng cảm giác an tâm và ổn định từ gia đình có tác động không nhỏ đến tâm hồn ông. Thời đó, ông chưa bao giờ chứng kiến cảnh người ta bị cưỡng chế nhà cửa hay đất đai như bây giờ.

Và với một thi sĩ, một nghệ sĩ, việc chứng kiến đồng loại bị cưỡng chế, bị đẩy ra đường là một vết thương khó tả. Trừ khi anh ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đồng lõa với việc người khác bị hất ra đường như một hiển nhiên trong phép toán tư lợi của anh thì việc ấy bình thường, còn một khi anh còn nghĩ đến con người, anh còn biết rung động thì chắc chắn việc đồng loại bị hất ra đường hay việc lãnh thổ quốc gia bị ngoại bang cắt xén, giày xéo không thể làm anh ăn ngon, ngủ yên được.

Có thể nói rằng vấn đề đất đai hiện nay là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Bởi quyền sở hữu đất đai từng có trước 30 tháng 4 năm 1975 đã bị hô biến thành quyền sử dụng đất lâu dài. Mà quyền sử dụng chỉ là một trong các thuộc tính của quyền sở hữu gồm: Chiếm dụng; Sử dụng và; Định đoạt. Một khi không có quyền sỡ hữu thì hai thuộc tính còn lại cũng mất, đây là kẽ hở pháp luật lớn nhất để những tay quan chức địa phương có thể lợi dụng làm càn.

Bởi người dân chỉ có quyền sử dụng lâu dài nhưng bị lấy mất quyền chiếm dụng và định đoạt. Nên mỗi khi có tập đoàn kinh tế hay công ty nào đó muốn chiếm dụng một diện tích đất nào đó mà người dân đã thụ đắc lâu năm, họ chỉ cần làm việc với chính quyền địa phương có tham nhũng để lên dự án có tính xã hội hóa, sau đó mượn tay chính quyền địa phương đó để chiếm dụng trên danh nghĩa thu hồi đền bù. Và người dân cũng không có quyền định đoạt nên giá trị đền bù do chính quyền địa phương định đoạt, áp giá rẻ rúng. Điều này kéo theo hệ lụy oan sai về đất triền miên.

Đòi lại công bằng

Ông Phan Xuân Lương, người đã nỗ lực đấu tranh đòi công bằng về đất đai lâu năm, hiện sống ở Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc, chia sẻ: “Thì theo tôi thấy tình hình sử dụng đất đai của Việt Nam mình không ổn định được. Mỗi người dân chỉ có giấy quyền sử dụng đất thôi mặc dù là tùy đất có ghi sử dụng lâu dài nhưng mà điều luật họ ràng buộc lúc nhà nước cần sử dụng đất để làm gì đó theo luật thì người dân phải hiến đất đó cho nhà nước sử dụng. Tất nhiên là sự đền bù một mức độ nào đó nó không được sự thỏa mãn. Quyền sử dụng đất đai thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 là quyền sở hữu cá nhân, quyền định đoạt mảnh đất của mình. Như Mỹ chẳng hạn, ví dụ như có công trình nào đó thì người ta đền cho chủ sở hữu mảnh đất đó gấp 4 lần nhưng nếu họ không chịu thì có thể kiện ra tòa nhưng ở Việt Nam thì khi nhà nước đưa ra rồi làm sao đó 80% người ủng hộ thì 20% còn lại buộc phải theo.”

Ông Lương chia sẻ thêm, hầu hết những oan sai về đất đai ở Tây Nguyên Việt Nam đều có dính đến chương trình kinh tế mới sau 30 tháng 4 năm 1975. Nghĩa là thời đó, những gia đình có nhà cửa ổn định, kinh tế tương đối vững ở đồng bằng đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước đi kinh tế mới, khai thác đất hoang ở Tây Nguyên để trồng trọt, tạo ra lương thực.

Các gia đình muốn có được lương thực thì phải phát hoang, tạo ra những nương rẫy rộng lớn trên vùng đất Tây Nguyên để trồng trọt, thu hoạch. Việc khai hoang, trồng trọt và thu hoạch được sự đồng viên, hỗ trợ từ nhà nước và tất cả quĩ đất khai hoang được mặc định là của các ông chủ, bà chủ “kinh tế mới”. Nhưng đùng một cái, chính sách Khoán 10, rồi chính sách thu hồi đất diễn ra liên tục, quĩ đất khai hoang của người dân teo tóp lại còn chưa được 10% so với trước. Bên cạnh đó, có hàng trăm nỗi hoang mang về đất đai đang ngày càng hiện rõ.

Thực tế tôi thấy nhiều cái còn rất bất cập, như tôi và nhiều gia đình ở đây từ khi vào đây theo chương trình kinh tế mới của nhà nước thì họ phát dọn lên nhưng bây giờ theo một hình thức nào đó mà bây giờ người ta đang mất dần quyền sử dụng đất, thì càng ngày càng có nhiều người mang đơn thư, biểu ngữ…
-Phan Xuân Lương

Nói về vấn đề các tập đoàn, công ty toa rập với chính quyền địa phương để lấy đất của dân, ông Lương chia sẻ: “Bây giờ thực tế là cho dù người dân nộp thuế quyền sử dụng đất đai rất cao nhưng không có quyền định đoạt mảnh đất của mình. Thực tế tôi thấy nhiều cái còn rất bất cập, như tôi và nhiều gia đình ở đây từ khi vào đây theo chương trình kinh tế mới của nhà nước thì họ phát dọn lên nhưng bây giờ theo một hình thức nào đó mà bây giờ người ta đang mất dần quyền sử dụng đất, thì càng ngày càng có nhiều người mang đơn thư, biểu ngữ…”

Được và mất

Có thể nói rằng sau cột mốc 30 tháng 4 năm 1975, người Việt Nam bước vào một trang sử mới, trong đó, có những điểm được như người miền Nam có thể bắt xe đò, mua vé máy bay, chạy xe gắn máy hoặc mua vé tàu lửa đi thẳng ra Hà Nội, Lào Cai mà không cần qua một cửa an ninh của chế độ khác, không gặp khó khăn nào. Nhưng, cũng từ sau cột mốc lịch sử này, vấn đề đất đai bị qui vào sở hữu toàn dân đã gây khó khăn không nhỏ cho nhân dân và bên cạnh đó là sự mọc ra ngày càng nhiều các nhóm giới chức địa phương lợi dụng kẽ hở của luật pháp.

Có một điều lấy làm lạ là đất đai qui vào sở hữu toàn dân dựa trên cơ sở kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã. Và nền kinh tế đó đã chấm dứt trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam từ năm 1986 của thế kỉ trước, thay vào đó là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái lõi của kinh tế thị trường lại nằm ở quyền tư hữu và quyền định đoạt cá nhân.

Nhưng ở đây, một nền kinh tế thị trường mà ở đó, quyền lớn nhất trong vấn đề tư hữu là quyền sở hữu đất vẫn còn là điểm mờ và câu chuyện về đất đai vẫn là câu chuyện của thời kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã. Có thể nói rằng với đà này, Việt Nam khó mà ổn định về kinh tế, chính trị cũng như xã hội. Bởi vấn đề quản lý nhà nước, tự thân nó đã có mâu thuẩn nội tại và hàm chứa những cái ổ gian lận ở cấp quản lý địa phương.

Nghĩa là sau gần 50 năm hai miền Nam – Bắc thống nhất, sự hoang mang trên đất nước hình chữ S này vẫn không hề dừng mà nó chuyển hóa từ hoang mang chiến tranh sang hoang mang chỗ ở.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/april-30-and-land-disputes-04202018130213.html

 

Các nhà hoạt động dân sự đến Đồng Tâm

bị xách nhiễu

Một nhóm gồm 7 nhân sĩ trí thức bị xách nhiễu khi đến thăm xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào ngày 21 tháng 4 nhân kỷ niệm 1 năm ngày Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đông Tâm đối thoại với người dân. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người tham gia đoàn thăm Đồng Tâm cho đài Á Châu Tự Do biết như vậy vào tối ngày 21/4.

Ngày 22/4 năm ngoái, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đích thân đến Đồng Tâm giải quyết vụ người dân bắt giữ con tin phản đối tình trạng lấy đất nông nghiệp và bắt giữ dân làng của chính quyền địa phương.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đoàn nhân sĩ trí thức khi đến cánh đồng Sênh, nơi diễn ra vụ tranh chấp đất giữa người dân và chính quyền địa phương vào năm ngoái, đã bị một xe công an đến chặn với lý do xe gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, sau đó phía công an đã không thể chứng minh được vụ tai nạn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết sau khi đoàn nhân sĩ trí thức dời khỏi Đồng Tâm sang địa bàn xã khác, có hai thanh niên tóc dài, xăm trổ, đi xe máy lạng lách và ngăn cản xe của đoàn.

Đến hết xã Đồng Tâm, đi thêm khoảng 1 km, đến Phúc Lâm thì thấy một xe máy có hai cậu xăm trổ, tóc dài, đi trước xe láng liệng. Đi them một chút nữa thì có xe 4 chỗ chặn xe chúng tôi giữa xe láng liệng. Hai cậu đó quay sang ăn vạ và bảo là xe các bác láng liệng…. 5 phút sau nó để xe đổ xuống trước xe của bọn tôi, ăn vạ rồi gọi công an cảnh sát đến. “

Cho tới 9 giờ tối đoàn nhân sĩ trí thức mới được thả từ Uỷ ban Nhân dân xã Phúc Lâm nơi họ bị giữ lại để giải quyết vụ tai nạn mà họ cho là đã được dàn dựng.

Vào tối cùng ngày, ông Lê Đình Công, người dân xã Đồng Tâm đã phát live trên Facebook tố cáo công an huyện Mỹ Đức, công an thành phố Hà Nôi và an ninh luôn  gây khó dễ cho các đoàn đến thăm người dân xã Đồng Tâm.

Trong đoạn truyền trực tiếp Facebook, người dân xã Đồng Tâm cũng tố cáo công an thường dùng côn đồ dựng chuyện gây khó dễ cho người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về cách làm quen thuộc này của công an như sau:

Nhiều lần họ làm kiểu như vậy. Tức là họ chặn không được thì họ vẽ ra chuyện hỏi như thế. Hỏi không được thì họ đưa côn đồ, làm thế này thế kia để tìm cách giữ mọi người, làm cho mọi người ngại sợ không đến thăm bà con nữa.”

Đây không phải là lần đầu tiên công an gây khó dễ cho người dân Đồng Tâm trong năm nay. Hồi tuần trước, người dân xã Đồng Tâm cũng tố cáo công an bao vây và gây khó dễ khi họ làm lễ kỷ niệm 1 năm xảy ra vụ việc Đồng Tâm.

Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế hồi năm ngoái cũng tố cáo chính quyền Việt Nam đã gia tăng sử dụng xã hội đen để xách nhiễu những người hoạt động nhân sự. Theo báo cáo này từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017 đã có 36 trường hợp những người hoạt động dân sự bị những người mặc thường phục đánh đập, thậm chí gây thương tích nặng.

Vụ tranh chấp ở xã Đồng Tâm xảy ra vào ngày 15/4 năm ngoái khi chính quyền địa phương cho bắt 4 người dân địa phương phản đối việc lấy đất nông nghiệp để trao cho công ty Viettel của quân đội. Cụ Lê Đình Kình là một trong 4 người bị bắt đã bị thương. Người dân bức xúc đã bắt giữ 38 cán bộ, công an để phản đối. Sau đó, 3 người bị người dân bắt giữ đã tự giải thoát, người dân thả 16 người khác. 19 người còn lại được thả sau khi Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp về Đồng Tâm và cam kết không truy tố người dân xã Đông Tâm, điều tra và xác minh vụ bắt và gây thương tích cho cụ Kình.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-use-thugs-to-harrass-civil-activists-visting-dong-tam-04212018104532.html

 

Đồng Tâm: ‘Tôi khẳng định có một sự dàn dựng’

Tròn một năm sau ngày Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để giải quyết vụ việc ‘tranh chấp đất đai’ và giải cứu các cán bộ, cảnh sát bị người dân ‘giữ nhốt’ trong lúc xảy ra xung đột, một đoàn nhân sỹ, trí thức tại Việt Nam đã tới thăm lại xã này để ‘tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng’ của người dân, tuy nhiên chuyến thăm đã bị ‘cản trở’, theo một nhân chứng và thành viên của đoàn này.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 22/4/2018, một ngày sau sự việc, cựu Đại tá An ninh Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang, đưa ra sự khẳng định về các diễn biến xảy ra mà ông nói đã chứng kiến từ đầu đến cuối:

‘Đất đai là thiêng liêng đối với nông dân’

Đất đai Đồng Tâm ‘rối như canh hẹ’ từ lâu

Chính sách đất đai và câu chuyện Đồng Tâm

Chúng tôi khẳng định đây là một sự dàn dựng cố tính để cản trở chúng tôi với một động cơ xấu xa nào đóCựu Đại tá Nguyễn Đăng Quang

Đồng Tâm: Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp?

Đồng Tâm ‘cần trung gian của xã hội dân sự’

“Người ta hỏi tại sao xe của chúng tôi lại đánh võng, tức là ô tô đánh võng, thì chúng tôi nói điều đó hoàn toàn không đúng, bởi vì ngồi trên xe phần lớn là những người lớn tuổi, ngoài chú lái xe trẻ nhất, thì năm nay cũng đã 45 tuổi.

“Trong khi nói như vậy, thì có một chiếc xe máy đèo hai người thanh niên, vượt ngay lên trên mũi chiếc xe ô tô mà chúng tôi đang ngồi, và ngả cái xe máy ấy xuống, rồi hai thanh niên đó lại chạy vào bên lề đường.

“Rõ ràng ngay đó công an xã có mặt ngay lập tức và chiếc xe ô tô bốn chỗ ngồi tôi đã nói từ trước rời đi, còn lại chiếc xe máy đổ ngang ngay trước mũi xe của tôi, cách 0,80 cm, và tôi khẳng định rằng chiếc xe ô tô tôi đang ngồi, xe bảy chỗ, với chiếc xe máy mà được ngả ra nằm trước mũi xe của tôi là không hề có va chạm, không hề có đụng chạm.

‘Không hề có xây xước’

“Không có xây xước gì hết và tôi có nói với cảnh sát giao thông lúc đến sau là chiếc xe của tôi dừng lại trước khi chiếc xe máy này được hai thanh niên ngồi trên ấy ngã đổ ra phía trước, cho nên xe của tôi không hề có một vết phanh trên đường đi.

“Cho nên chúng tôi khẳng định đây là một sự dàn dựng cố tính để cản trở chúng tôi với một động cơ xấu xa nào đó,” cựu Đại tá An ninh Nguyễn Đăng Quang nói với BBC.

Chính sách đất đai và câu chuyện Đồng Tâm

Đồng Tâm ‘rào làng lập ấp’ nhìn từ bên trong

Gia đình ông Kình ‘bác thông tin chính quyền’

Đồng Tâm: Đối thoại bước đầu thành công

Trên đây là quan điểm riêng của người được phỏng vấn, BBC chưa có điều kiện liên lạc với chính quyền hay công an giao thông ở địa bản sở tại để kiểm chứng sự việc.

Ở phần đầu của cuộc phỏng vấn, Đại tá Nguyễn Đăng Quang chia sẻ cảm nhận và quan sát của ông về tình hình Đồng Tâm, khi về thăm địa bàn này cùng đoàn nhân sỹ, trí thức, trong đó có Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, Thạc sỹ Đào Tiến Thi và những người khác.

Theo Đại tá Quang, tình hình Đồng Tâm vẫn còn nhiều ‘căng thẳng’ sau một năm và người dân vẫn đang chờ đợi một ‘giải pháp’ giải quyết thấu đáo cuộc tranh chấp đã là điểm nóng và tâm điểm thời sự ở Việt Nam vào đầu tháng Tư năm 2017.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-43857219

 

 

Báo Việt Nam ‘xin lỗi’ độc giả vì nghi án hiếp dâm

Tuổi Trẻ, một trong các nhật báo được coi là lớn nhất Việt Nam, hôm 21/4, đã “gửi lời xin lỗi chân thành” tới các độc giả, sau khi xuất hiện cáo buộc một nhân viên của báo “hãm hiếp một cộng tác viên” là nữ sinh viên báo chí.

Trong bài viết có tựa đề “Đề nghị cơ quan pháp luật làm rõ vụ việc nhà báo Anh Thoa”, tờ báo là “cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên TP HCM” nói rằng lãnh đạo báo đã nhận được “đơn xin thôi nhiệm vụ trưởng Phòng Truyền hình của nhà báo Anh Thoa (tức Đặng Anh Tuấn)” và đã “chấp thuận” đơn này.

Đây là nghi can trong vụ nữ cộng tác viên của báo tố cáo “bị cưỡng hiếp”, gây rúng động báo giới Việt Nam vài ngày qua.

Ông Anh Thoa được trích lời nói rằng “cho dù đúng hay sai tôi vẫn là người không hoàn thành nhiệm vụ”, đồng thời “phủ nhận cáo buộc” và kêu gọi cơ quan điều tra của công an “vào cuộc”.

Tuổi Trẻ buộc phải lên tiếng hôm 19/4, một ngày sau khi xuất hiện trên mạng xã hội tin tức về vụ một nữ cộng tác viên của báo “tự tử” sau khi bị cưỡng hiếp mà báo này nói là “không chính xác”.

“Vụ việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của báo Tuổi Trẻ cùng những nhà báo, những cộng tác viên đã và đang làm việc tại Tuổi Trẻ”, tờ báo viết.

“Ban biên tập báo Tuổi Trẻ gửi lời xin lỗi chân thành đến tất cả bạn đọc và những người yêu mến Tuổi Trẻ vì đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc này, đã làm buồn lòng bạn đọc và công chúng của Tuổi Trẻ trong những ngày qua”.

Hôm 22/4, báo chí trong nước dẫn lại một công văn của Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, với chữ ký của trưởng khoa Huỳnh Văn Thông, viết rằng “rất thất vọng” với phát ngôn của báo Tuổi Trẻ hôm 19/4.

“Chúng tôi muốn lưu ý, chúng ta cần nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề là nữ sinh viên đã chịu đựng một quá trình khủng hoảng tâm lý nặng nề làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần, khiến cô ấy suy kiệt sức khỏe và phải đối diện với quyết định tiêu cực về cuộc đời mình”, công văn có đoạn.

“Mong muốn của Khoa Báo chí và Truyền thông là Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ phải có trách nhiệm xác minh, làm rõ bản chất vụ việc trên tinh thần tôn trọng những thông tin, chứng cứ mà nữ sinh viên đã can đảm chấp nhận đánh đổi rất nhiều để lên tiếng tố cáo”.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-viet-nam-xin-loi-doc-gia-vi-nghi-an-hiep-dam/4359898.html