Tin Việt Nam – 20/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 20/04/2018

Bình Định: Dân bao vây trụ sở xã,

giam lỏng bí thư và chủ tịch

Hàng trăm người dân giam lỏng 5 cán bộ, trong đó có bí thư và chủ tịch xã ở tỉnh Bình Định hôm 20/4 để gây áp lực yêu cầu lực lượng chức năng thả 14 người trước đó bị bắt giữ vì phản đối việc xây dựng nhà máy điện gió tại địa phương.

Báo Giao thông cho biết đến trưa ngày 20/4, có 5 cán bộ bị người dân giam lỏng tại Uỷ ban xã Mỹ Thọ , huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, để phản đối việc công ty Vietracimex thi công, xây dựng cột quan trắc gió tại địa phương và buộc thả 14 người bị bắt trước đó.

Báo VNExpress cho biết sáng ngày 20/4, khoảng 500 người bao vây trụ sở ủy ban xã, yêu cầu cảnh sát thả tất cả những bị bắt giữ khi tập trung phản đối dự án điện gió hai hôm trước.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch huyện Phù Mỹ hôm 20/4 cho biết, người dân đang giam lỏng 3 cảnh sát, bí thư và chủ tịch xã trong trụ sở, công việc hành chính bị gián đoạn.

Báo VNExpress trích lời Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó giám đốc Công an Bình Định cho biết, trong vụ phản đối dự án điện gió hai hôm trước, 14 người bị bắt về hành vi “gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.”

Báo này trích lời người dân cho rằng, thời gian gần đây rừng dương ở khu vực khảo sát dự án điện gió bị kẻ xấu đốt cháy; họ lo ngại dự án triển khai sẽ làm rừng bị phá hoại, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nên phản đối.

Truyền thông trong nước cho biết hàng trăm người đã tập trung phản đối, một số người đã ném cát vào lực lượng cảnh sát cơ động.

https://www.voatiengviet.com/a/binh-dinh-dan-bao-vay-tru-so-xa-giam-long-bi-thu-va-chu-tich/4357561.html

 

Chủ tịch Trần Đại Quang

vắng mặt dịp đón bà Suu Kyi

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang dường như đang không có mặt ở Việt Nam với việc không xuất hiện tiếp phái đoàn Myanmar.

Báo Nhật bàn về sự vắng bóng của Chủ tịch Quang

Bịa tin về Tướng Phùng Quang Thanh là ‘độc địa’

Theo thông lệ, ba trong bốn “tứ trụ” Việt Nam – Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội – đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn nhà nước Myanmar, thăm Hà Nội từ 19 đến 20/4.

Nhưng truyền thông Việt Nam không đưa tin về Chủ tịch nước, mà chỉ cho hay theo lịch trình, bà Suu Kyi có thăm khu nhà sàn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Chiều 19/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón tại Phủ Chủ tịch dành cho Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi, theo báo chí Việt Nam.

Sang ngày 20/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lần lượt tiếp bà Suu Kyi.

Sức khoẻ và thủ tục

Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang vắng mặt dường như làm tăng sức nặng cho tin không chính thức nói ông đã sang Nhật Bản khám bệnh từ đầu tháng Tư.

Truyền thông nhà nước những ngày qua cũng nhắc tên Chủ tịch nước qua một số động thái ngoại giao như việc ông gửi điện mừng ngày 19/4 tới Tổng thống Nhà nước Israel nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Độc lập của Nhà nước Israel (1948 – 2018).

Hôm 20/4, truyền thông Việt Nam đưa tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng ông Miguel Diaz-Canel được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba.

Tuy nhiên, trang web Văn phòng Chủ tịch nước (vpctn.gov.vn) trong mấy ngày qua chỉ có ảnh và bài về hoạt động của Phó Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Dù không phải là Tổng thống, bà Aung San Suu Kyi được coi là nhà chính trị quyền lực nhất Myanmar và theo thủ tục ngoại giao uôn được đón như nguyên thủ quốc gia khi xuất ngoại.

Trong hai lần đến Trung Quốc năm 2017, bà Suu Kyi đều được Chủ tịch nước Tập Cận Bình đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Vào tháng Tám 2017, Giáo sư Phạm Gia Khải, cố vấn chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp cao, từng nói với BBC rằng Chủ tịch Trần Đại Quang đã “sang Nhật điều trị bệnh”.

“Dân chúng rất muốn biết sức khỏe của lãnh đạo thế nào, nhưng ở Việt Nam thì có vẻ người ta không có chủ trương cho biết,” giáo sư Khải nói khi đó.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43840776

 

Vụ cháy Carina: Bắt tạm giam chủ đầu tư

Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thanh, chủ đầu tư dự án chung cư Carina ở TP. HCM, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Cháy Carina Plaza: 13 người chết và 39 người bị thương

Báo Công an TP. HCM đưa tin ngày 20/4, ông Nguyễn Văn Tùng bị công an TP. HCM bắt giam trong cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người thiệt mạng, khoảng 50 người bị thương.

Các báo khác như Tuổi Trẻ và Zing cũng tường thuật việc khởi tố, bắt giam ông Tùng.

Vụ cháy chung cư Carina xảy ra khoảng 1 giờ 30 sáng hôm 23/3, bắt đầu từ ngọn lửa bùng phát tại tầng hầm để xe của chung cư.

Đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) TP.HCM nói ở họp báo ngày 29/3 rằng vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng là do báo cháy chậm.

Ngoài ra, ông nói còn hai nguyên nhân khác là hệ thống PCCC của chung cư không hoạt động, hệ thống thoát nạn (cầu thang thoát hiểm) bị vô hiệu hóa.

Trước đó ngày 15/4, tin cho hay công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (577) đã miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Công ty Hùng Thanh của ông Nguyễn Văn Tùng.

Theo báo Infonet, công ty 577 góp 95% vốn vào công ty Hùng Thanh.

Công ty 577 đã cử một người khác đại diện cho 577 quản lý phần vốn tại công ty Hùng Thanh thay ông Tùng.

Sau khi xảy ra vụ cháy, 577 đã phát đi thông báo nói 577 chỉ sở hữu vốn góp vào Hùng Thanh và rằng công ty Hùng Thanh là doanh nghiệp có pháp nhân độc lập và là chủ đầu tư duy nhất của dự án chung cư Carina.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43840775

 

Cà phê nhuộm pin ‘là thứ lần đầu được nghe’

Dư luận Việt Nam bị chấn động bởi tin từ tỉnh Đắk Nông rằng có cơ sở làm cà phê bột trộn bột đen từ pin.

“Trước đây chúng tôi mới chỉ nghe đến chuyện là có hóa chất trong cà phê tạo mùi, tạo vị và họ pha bằng đậu nành hoặc ngô nhưng mà bây giờ nghe đến pin thì là lần đầu tiên,” ông Hoàng Trọng Nghĩa, một bạn trẻ gốc Ban Mê Thuột yêu cà phê, từ Hà Nội nói trong cuộc thảo luận Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 19/4/2018.

Công an Đắk Nông hôm 16/4 đã tịch thu ở một cơ sở chế biến cà phê bột 12 tấn loại cà phê này, cùng 35 kg bột đen từ pin con Ó và 1 xô nước màu đen đã hòa tan khoảng 10kg.

Cà phê bẩn: Từ ‘pin’ thành phin

Việt Nam: Thực phẩm ‘bẩn’ tồn tại ‘hàng chục năm’

Tranh cãi vì ‘nước mắm chứa thạch tín’

Theo truyền thông Việt Nam, đây dường như là một trường hợp cá biệt, xảy ra ở một cơ sở ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.

Vui hay lo?

“Điều đầu tiên khi mà chúng tôi nghe được tin này thì rất là vui. Vui vì cuối cùng chuyện mà rất nhiều người yêu cà phê biết cũng đã lần đầu tiên bị ra ánh sáng,” ông Hoàng Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

“Khi biết được những chỗ cà phê giả như thế này, đối với những người sản xuất cà phê thật thì đó là tin mừng vì là dung lượng thị trường thì vẫn giữ nguyên nhưng đối thủ cạnh tranh bẩn thì đã giảm đi.”

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng bày tỏ những lo ngại liên quan đến vụ việc lần này.

“Nhiều người trong số bạn bè tôi đang thực sự chưa lo ngại về cảnh báo trước đây thì họ thấy thực sự rất đáng lo ngại trong lần này.”

“Tôi có một sự lo ngại và tôi nghĩ thị trường không chỉ có một nhà sản xuất này là sản xuất giả. Tôi nghĩ là còn rất nhiều nhà sản xuất giả khác.”

“Người ta đã quen dùng hàng giả rồi nên lúc dùng hàng thật thì người ta không tin đó là hàng tốt hơn. Đấy là một vấn đề rất là lớn nếu như không giải quyết từ gốc thì sẽ không giải quyết được bởi vì khẩu vị của người tiêu dùng đã bị làm hỏng.”

Từ góc nhìn chuyên môn, bác sĩ Phan Đình Hiệp, từ Melbourne, Úc, người sáng lập nhóm “Phản đối – thức ăn độc hại” trên Facebook, và cũng điều hành nhóm hơn hai năm qua, nói với BBC:

“Là một người bác sĩ hay kể cả một người bình thường khi chúng ta nghe nguồn tin thế này lập tức phản ứng của chúng ta rất là giận dữ.”

“Đây là việc không thể chấp nhận được.”

Thị trường cà phê có bị ảnh hưởng?

Ông Nghĩa cho rằng sự việc này sẽ không ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ cà phê ở Việt Nam.

“Cà phê là một thứ đồ uống mà nó có tính chất gây nghiện nhất định cho nên là người sử dụng cà phê họ sẽ vẫn sử dụng nhưng họ sẽ tìm đến những nguồn cà phê sạch và an toàn hơn.”

Tôm sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VN?

Ly cà phê của bạn ra sao nếu Colombia có dịch bệnh?

Cà phê cấm internet để khuyến khích hội thoại

“Tôi lạc quan về tương lai ngành cà phê vì đằng sau biến động, câu chuyện này đối với những người làm cà phê sạch họ đang rất chật vật khi phải cạnh tranh với cà phê bẩn với giá thành thấp; thì cà phê sạch tôi nghĩ họ sẽ có cơ hội tốt hơn để gia nhập thị trường và cạnh tranh.”

Theo quan điểm chuyên môn, Thạc sĩ quản trị chất lượng Vũ Thế Thành nói với BBC hôm 18/4:

“Vụ cà phê pin Con Ó đúng là gây chấn động, nếu hiểu theo kiểu scandal của báo chí, nhưng tác hại thì quá ít, vì chỉ một vài cơ sở siêu nhỏ, hộ gia đình làm ẩu. Truy tố họ ư? Dễ thôi, nhưng họ có gì để mất?”

Ông Thành nhấn mạnh, rằng vụ việc cà phê pin Con Ó chỉ là “việc làm ẩu tả, phạm pháp của vài cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình.”

“Không nên dùng scandal này để [kết luận] khái quát rằng, cà phê ở Việt Nam đều pha chế cẩu thả.”

Tác hại như thế nào đến người tiêu dùng?

Theo bác sĩ Phan Đình Hiệp, việc nghiên cứu tác hại của loại cà phê ‘pin’ này lên cơ thể con người là rất khó thực hiện.

“Trên thế giới cho đến giờ chúng ta chưa thể có một nghiên cứu nào mà gọi là thử người nào dám ăn hoặc uống đồ ăn này để người ta đánh giá là sau ba năm hoặc sau mười năm thì nguy cơ ung thư hay là nguy cơ thủng bao tử chừng nào.”

Về thành phần trong pin, ông Hiệp cho biết pin con Ó là loại pin khô, thường có thành phần kẽm bọc bên ngoài, bên trong là lõi carbon, chất màu đen là manganese dioxide.

“Pin đó thường hay có các chất như là chì, thủy ngân, cameum và ngay cả những hóa chất khác như thạch tín có thể có trong đó mà chúng ta chưa biết là hàm lượng bao nhiêu.”

“Và những chất gọi là hóa chất kim loại nặng thì rất là nguy hiểm cho sức khỏe con người.”

Cùng nhận định, ông Vũ Thế Thành, cho biết pin con Ó có nhiều hóa chất công nghiệp, lẫn nhiều tạp chất có hại, không được phép dùng trong chế biến thực phẩm, trong đó có manganese dioxide.

Việc cho rằng manganese dioxide là yếu tố vi lượng cần cho cơ thể con người nên có thể đưa vào, theo bác sĩ Hiệp “đó là ngụy biện mà thôi”.

“Cơ thể người cũng cần Mangan để hỗ trợ cho hoạt động của vài enzyme trong vai trò giải độc, với số lượng rất ít, chỉ ở dạng vết. Con người hầu như không thiếu manganese như thiếu các khoáng khác,” thạc sĩ Thành, nói với BBC hôm 18/4.

Theo báo Zing, PGS TS Trần Hồng Côn nói cụ thể là “Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể.”

Thực phẩm chế biến quá mức ‘có thể gây ung thư’

50 loại thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe

Ở sạch mau chết?

Về thành phần chì có trong pin, theo các chuyên gia trong nước nếu chì vào cơ thể hằng ngày, lâu dần sẽ tích lũy, gây ngộ độc chì mạn, biểu hiện bởi tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt và ảnh hưởng thần kinh…, báo Tuổi trẻ (15/4/2017) đưa tin.

Tình trạng nhiễm độc chì vào cơ thể con người đã được cảnh báo ở Việt Nam từ nhiều năm nay.

Các chuyên gia cho rằng việc xác định chì có trong thực phẩm không thể thực hiện bằng mắt thường vì chì không mùi, không vị nên phải kiểm nghiệm mới xác định được.

Tuy nhiên, bác sĩ Hiệp cho rằng:

“Chúng ta nên cân nhắc việc ngộ độc tính theo số lượng và thời gian; tức là nồng độ không phải nhiều hoặc thời gian tiếp xúc bao lâu và nhiều bao nhiêu thì nó mới ảnh hưởng đến cơ thể con người.”

Trách nhiệm của ai?

“Đứng về góc độ y khoa, về khoa học, về sức khỏe con người thì giới y tế là giới đầu tiên phải lên tiếng về chuyện này,” bác sĩ Phan Đình Hiệp nêu quan điểm.

Cả hai khách mời có đồng quan điểm, ngoài việc người sản xuất cà phê bẩn cần phải bị xử lý thì cơ quan quản lý thị trường cũng cần phải chịu trách nhiệm.

“Cơ quan quản l‎ý thị trường nếu như không phát hiện ra, để nó tồn tại bao lâu thì cơ quan quản l‎ý thị trường địa bàn đấy phải có án phạt nào đó thì những sự việc đó mới thực sự là giải quyết được,” ông Hoàng Trọng Nghĩa, nói trong cùng cuộc thảo luận 19/4.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm liên quan của những người công nhân và người buôn bán.

Công nhân trực tiếp “tham gia sản xuất” và “làm gian lận như vậy thì những người công nhân có trách nhiệm như thế nào trong việc này?”

Về tình, “chúng ta đã mất lương tâm của con người,” ông Hiệp nói thêm.

“Vì mất lương tâm mà chuyện vô cảm, việc hèn nhát không dám đứng lên cũng là mất lương tâm. Nếu chúng ta còn lương tâm bảo vệ cho con cháu chúng ta, bảo vệ cho cộng đồng chúng ta thì những việc làm ăn buôn bán đó chúng ta không thể chấp nhận được.”

“Chúng ta phải chung tay với nhau để loại bỏ đồ ăn thức uống không an toàn ra khỏi bàn ăn của chúng ta,” bằng cách lên tiếng phản biện, “bởi vì nếu mọi người dám lên tiếng thì người ở gần nhất cơ sở sản xuất đó người ta sẽ là người tố cáo chứ còn chúng ta cứ đợi quản l‎ý thị trường thì chậm lắm”, bác sĩ Phan Đình Hiệp trao đổi.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-43837324

 

Chiến hạm Singapore thăm Đà Nẵng

Tàu khu trục RSS Intrepid của Hải Quân Singapore sẽ có chuyến thăm Đà Nẵng từ ngày 26 đến 29 tháng tư này.

Chuyến thăm lần này do Thượng Tá Joseph Neo làm trưởng đoàn dẫn đầu với 150 sĩ quan và thủy thủ cùng tham gia.

Hai phía sẽ luyện tập chung về tìm kiếm cứu nạn trên biển, huấn luyện sử dụng tín hiệu cờ quốc tế, ánh đèn, thông tin vô tuyến. Bên cạnh đó là một số hoạt động thăm tàu của nhau, giao lưu văn hóa, thể thao.

Tàu khu trục RSS Intrepid thuộc lớp Formidable. Đây là lớp khinh hạm có khả năng ‘tàng hình’ tốt, hỏa lực mạnh. Tàu RSS Intrepid của Singapore được trang bị hệ thống tên lửa hành trình RGM-84C với tầm bắn 124 kilomet, mang theo đầu đạn nặng 221 kilogram và tên lửa phòng không ASTER. Thêm vào đó là ngư lôi chống ngầm, hỏa lực phòng không Typhoon do Israel chế tạo.

Trước đây vào tháng 3 năm 2014, tàu đổ bộ RSS Resolution của Singapore cũng có chuyến thăm đến Đà Nẵng 4 ngày; và vào tháng 9 năm 2012, tàu đổ bộ RSS Persistence đến cảng Đà Nẵng. Đó là lần thứ ba tàu này thăm Đà Nẵng và là lần thứ 6 đến thăm Việt Nam.

Vào tháng 3 năm 2016 và tháng 2 năm 2017, chiến hạm đổ bộ RSS Endurance của Singapore có hai chuyến thăm đến cảng Cam Ranh của Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/singapore-warship-visits-danang-04202018110706.html

 

Rủi ro khi Trung Quốc vượt Mỹ

nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam

Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trong khi ảnh hưởng của Mỹ giảm dần

Trung Quốc thay thế Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và làm cho mong muốn ‘thoát Trung’ của quốc gia Đông Nam Á ngày càng khó khăn.

Mỹ là những nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong 15 năm qua cho đến khi Trung Quốc chiếm lĩnh vị trí này vào năm ngoái, theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được Bloomberg trích dẫn.

Gần đây một số chính sách của Hoa Kỳ có tính chất bảo hộ nhiều hơn và vì vậy cho nên có thể sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định cho xuất khẩu của Việt Nam.

Lê Đăng Doanh, TS kinh tế

Sự thay đổi này bắt đầu vào năm 2017 khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 33.5% so với năm trước đó trong khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 20%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Việt Nam dựa vào Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, một nước láng giềng có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam trong nhiều mặt, bao gồm cả kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có chủ trương hướng nội bằng việc theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại mà ông gọi là “Nước Mỹ trên hết”, Trung Quốc đã nổi lên để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại bằng cách tăng cường thương mại và đầu tư ở khu vực Đông Nam Á.

Hai chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và Phạm Chí Dũng nhận định với VOA rằng chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump là một yếu tố chính ảnh hưởng đến sự sụt giảm tầm ảnh hưởng về kinh tế thương mại đối với Việt Nam và tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

“Gần đây một số chính sách của Hoa Kỳ có tính chất bảo hộ nhiều hơn và vì vậy cho nên có thể sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định cho xuất khẩu của Việt Nam,” theo TS Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Ngay sau khi lên nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2017, ông Trump lập tức rút Mỹ ra khỏi hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất, mà theo ông nói để bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ. Trong những tháng gần đây vị tổng thống này đã áp dụng tăng các mức thuế đối với nhiều mặt hàng như nhôm, thép, tôm và cá – là những mặt hàng mà Việt Nam xuất nhiều sang Mỹ. Ông Trump cũng đưa Việt Nam vào danh sách 16 nước có thể gây hại cho kinh tế Mỹ. Việt Nam đứng thứ 5 với mức thặng dư thương mại 38.3 tỷ USD trong cán cân thương mại với Mỹ.

“Nguyên tắc của Trump là công bằng và đối ứng trong kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam,” theo TS Dũng. “Vậy có thể nói thị trường Mỹ đang đóng cửa dần đối với Việt Nam. Trước mắt nếu tăng thuế lên từ 200-300% đối với thép và nhôm và tăng gấp 4 lần đối với tôm và cá basa thì có thể nói là thép, nhôm và cá basa (của Việt Nam) không còn cửa vào thị trường Mỹ nữa.”

Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng cho rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2018 sẽ giảm đáng kể so với 2017.

Trong 2 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 6 tỷ USD trong khi sang Trung Quốc đạt 9.4 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.

Ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc

Kim ngạch buôn bán với Việt Nam không là gì so với con số 600 tỷ USD/năm giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc có thể lấy vai trò tư thế nước lớn để áp đặt và khống chế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Phạm Chí Dũng, TS kinh tế

Việc “Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành thị trường có kim ngạch buôn bán lớn nhất với Việt Nam chẳng phải là điều hay ho”, theo TS Phạm Chí Dũng, cũng là một nhà báo độc lập. Theo phân tích của vị TS này, trong 1/4 thập kỷ qua Việt Nam mỗi năm nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 50 tỷ USD, gồm cả hàng tiểu ngạch, và mức nhập siêu sẽ lớn hơn nữa khi nước láng giềng phương Bắc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

“Việt Nam đã phụ thuộc vào Trung Quốc từ lâu rồi và Việt Nam sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc ở nhiều mặt hàng hơn nữa,” theo TS Dũng, cũng là một nhà báo độc lập.

Bloomberg cảnh báo với kim ngạch xuất khẩu gần tương đương 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017, việc quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu có thể đặt ra rủi ro cho kinh tế Việt Nam.

Điều này đặc biệt nguy hiểm khi thị trường đó là Trung Quốc.

“Với vai trò tư thế của một nước lớn chuyện kim ngạch buôn bán với Việt Nam không là gì so với con số 600 tỷ USD/năm giữa Trung Quốc và Mỹ. Cho nên Trung Quốc có thể lấy vai trò tư thế nước lớn để áp đặt và khống chế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc,” theo nhận định của TS Dũng.

TS Phạm Chí Dũng nêu một trong nhiều ví dụ cho thấy việc khống chế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Đó là tình trạng dồn ứ của các xe tải chở trái cây qua cửa khẩu Móng Cái sang tiêu thụ ở Trung Quốc gần đây do việc “đánh thuế hoặc một động tác gì đó về mặt hải quan” của phía Trung Quốc.

Việc Việt Nam gần đây phải 2 lần dừng các dự án thăm dò dầu khí với đối tác Repsol của Tây Ban Nha tại mỏ Cá Rồng Đỏ trên biển Đông dưới sức ép của Bắc Kinh, theo TS Dũng, cho thấy việc Trung Quốc có thể ảnh hưởng và khống chế Việt Nam.

TS cho rằng Trung Quốc “đã không có thiện chí trong vấn đề dầu khí thì nó là một chứng minh cho thấy trong (con dao) cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam thì Trung Quốc nắm đằng chuôi.”

TS Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cũng có nhận định tương tự và cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Chúng tôi nhắm mục đích tăng cường xuất khẩu tới các thị trường khác,” người đứng đầu Vụ chính sách thương mại đa biên của Bộ Công thương, Lương Hoàng Thái, cho Bloomberg biết.

Việt Nam cũng đang tìm cách tham gia vào các hiệp định thương mại tự do để tăng cường khả năng tiếp cận vào các thị trường mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việt Nam là một trong 11 quốc gia tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký kết hôm 8/3 trong khi vẫn theo đuổi hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA). Tuy nhiên theo nhận định của nhiều nhà quan sát, việc xúc tiến EVFTA đã bị dừng lại do vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/rui-ro-khi-trung-quoc-vuoi-my-tro-nhap-khau-nhieu-nhat-tu-viet-nam/4357764.html

 

Cuộc sống ở VN của người bị Mỹ trục xuất:

 ‘không nghề, không tiền’

Không phải tới khi ông Phạm Chí Cường nhìn thấy chiếc máy bay chờ trục xuất mình khỏi nước Mỹ mới làm ông suy sụp khi bị đưa trở về Việt Nam, đất nước mà ông đã trốn chạy vào năm 1990.

Theo hãng tin Reuters, trước đó ông Cường và ít nhất ba người bị trục xuất khác đã sống ở nước Mỹ trong nhiều thập kỷ cho tới khi bị trục xuất về Việt Nam vào tháng 12/2017, theo chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm trục xuất những người di cư đã phạm pháp ở Mỹ.

Việc trục xuất được thực hiện dù theo một hiệp định song phương được ký vào năm 2008 rằng người nhập cư từ Việt Nam đến nước Mỹ trước 1995 sẽ không bị trục xuất. Phần nhiều trong số đó là những người theo chính quyền miền Nam Việt Nam được Mỹ hậu thuẫn.

Tâm sự từ trại giam của sinh viên Việt sắp bị Mỹ trục xuất

Phóng viên Reuters trong tuần này đã gặp ông Cường và những người bị trục xuất khác ở thành phố Hồ Chí Mình, họ cho biết đã bay trong 1 chuyến bay dài 17 tiếng trong sự im lặng ép buộc, tay và chân bị trói.

Tất cả những người được phỏng vấn đều than phiền rằng hòa nhập với cuộc sống mới ở Việt Nam thật là khó khăn. Họ bị cán bộ Việt Nam nhìn với con mắt nghi ngờ và gặp nhiều trở ngại khi tìm việc làm.

Bỏ lại vợ con ở thành phố Orland, Florida, ông Cường nói: “Nếu quý vị hỏi tôi rằng Tôi có muốn trở về Mỹ không? Tôi sẽ trả lời là có, nhưng tôi không biết làm cách nào.”

Một người khác, yêu cầu không tiết lộ danh tính và chỉ cho biết ông họ Nguyễn, nói với Reuters rằng cán bộ công an địa phương đã tra hỏi ông rằng có phải ông về Việt Nam để làm việc cho CIA hay không.

Ông nói rằng ông đã bị trục xuất về vịnh Cam Ranh, nơi mà ông đã chạy trốn sau cuộc chiến tranh vì mối quan hệ của gia đình ông với phe thua cuộc, ‘Tôi đã tháo chạy khỏi nơi đó’, ông Nguyễn nói.

“Thời đó có rất nhiều người Mỹ tới, gia đình tôi làm thuê cho họ” ông Nguyễn nói thêm. “Ông chú của tôi đã thiệt mạng trong cuộc chiến, ông là một người lính của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.”

Không rõ có bao nhiêu người nhập cư từ Việt Nam tới Mỹ trước 1995 bị trục xuất giống như ông Nguyễn và ông Cường, nhưng chính sách mới của ông Trump nhằm trục xuất thêm hàng ngàn người như vậy, cựu đại sứ của Hoa Kỳ ở Việt Nam cho Reuters biết trong một buổi phỏng vấn tuần trước.

Trong khi đó Việt Nam lại miễn cưỡng tiếp nhận người bỏ trốn đất nước trước năm 1995.

Theo một tuyên bố của ICE, trong số 8,600 người gốc Việt ở Mỹ bị Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đưa vào danh sách bị trục xuất vào tháng 12 năm ngoái, có đến “7.821 người có tiền án, tiền sự.”

ICE cũng cho rằng họ không thể đưa ra con số người nhập cư trước năm 1995 sắp bị trục xuất là bao nhiêu.

Tòa Bạch Ốc đã từ chối bình luận về việc trục xuất những người gốc Việt. Nhưng chính quyền của ông Trump nói rằng Việt Nam cùng 8 quốc gia khác đã “ngoan cố” vì muốn chống lại việc tiếp nhận người nhập cư này.

Trang Catholic News Agency hôm 19/4 cho biết hàng ngàn người nhập cư Việt Nam tại Hoa Kỳ, những người trước đây được bảo vệ theo hiệp định năm 2008, có thể phải đối mặt với việc bị giam giữ và trục xuất trong những tháng tới.

Phân biệt đối xử và áp bức

Ông Cường là một người con lai, bố ông là một quân nhân nhân Mỹ từng đóng quân ở Sài Gòn trong cuộc chiến. Sau cuộc chiến, những người con lai như ông đã bị sách nhiễu và phân biệt đối xử.

Ông không được đi học mà phải đi làm ruộng. Cho tới khi chương trình con lai mở ra vào năm 1990, ông được cơ hội sang Mỹ định cư.

Nhưng dù là con của một người cha quốc tịch Mỹ và có 3 người con mang quốc tịch Mỹ ở bang Florida, ông Cường vẫn chưa có quốc tịch Mỹ.

Ông Cường nói rằng nhập tịch cũng chưa cần thiết, vì ông đã nhập cư Mỹ hợp pháp, và được phép đi làm. Nhưng vào năm 2000, ông bị buộc tội hành hung và phải đi tù 18 tháng. Vào năm 2007, ông cũng bị phạt một năm thử thách vì lái xe khi trong người có rượu.

Cả 2 lần phạm pháp, ông Cường bị cảnh cáo rằng các tội mà ông mắc phải có thể sẽ khiến ông bị trục xuất theo luật của Mỹ, nhưng khoảng thời gian đó Việt Nam chưa tiếp nhận người bị Mỹ trục xuất.

Vào năm 2008, ông Cường cảm thấy nhẹ người khi mà hiệp định song phương Việt-Mỹ về việc hồi hương cho người gốc Việt không áp dụng cho những người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995.

Sau những lần bị bắt, ông Cường phải thường xuyên trình diện với cơ quan ICE, và không còn gặp trở ngại nữa.

Ông làm đầu bếp sushi và nuôi dưỡng con trai ăn học trong 3 năm học cao đẳng.

Thế nhưng vào tháng 10 năm 2017, ông đã bị đưa tới trại tạm giam của cơ quan ICE và 2 tháng sau đó thì bị đưa lên máy bay về Việt Nam.

Bị sốc hoàn toàn

Một người bị trục xuất khác, ông Bùi Thanh Hùng, sinh năm 1973, cũng là một người con lai Mỹ. Cả người mẹ Việt và người cha là lính Mỹ của ông đã chết trong cuộc chiến.

Ông Hùng bị buộc tội bạo hành gia đình vào năm 2010 dù ông đã bào chữa rằng ông làm như vậy vì bà vợ đã ngoại tình. Ông phải đi tù 6 năm, và vào năm ngoái ông được thả ra nhưng lại bị đưa vào trại tạm giam của cơ quan ICE và bị trục xuất vào tháng 12 năm ngoái.

Ông Hùng nói: “Ở đây, tôi không có việc làm, không người giúp đỡ, không nhà cửa.” Ông cho biết rằng ông tạm thời phải ở nhờ những người ông mới quen giúp đỡ.

Nhiều người ủng hộ người nhập cư lên tiếng rằng tại sao Hoa Kỳ lại lơ là đến những người con lai như ông Hùng và ông Cường, bởi vì họ có cha là người Mỹ và đã phải chịu sự phân biệt đối xử thời hậu chiến.

Ông Tín Nguyễn, một luật sư người Mỹ nhận định về chính sách trục xuất đang diễn ra: “Cộng đồng người Đông Nam Á chúng tôi đã bị sốc nặng.” Ông Nguyễn đã tình nguyện cùng với hội luật sư phi lợi nhuận của cộng đồng người nhập cư Đông Nam Á đứng ra hỗ trợ những người bị trục xuất.

“Cứ như họ đã quên cuộc chiến tranh ở Việt Nam vậy.”

Ông Cường và ông Nguyễn đã bị trục xuất cùng 30 người gốc châu Á khác, họ bị đưa lên cùng một chuyến bay đã hạ cánh ở Myanmar và Campuchia, sau đó tới địa điểm cuối cùng là Việt Nam.

Giờ đây khi quay trở về đất nước nơi mà họ từng chạy trốn, họ nói rằng không được chính quyền Việt Nam trợ giúp gì nhiều, trong khi tìm công ăn việc làm lại rất khó khăn.

“Tôi không kiếm ra tiền”, ông Cường nói. “Ngoài vợ tôi thỉnh thoảng gửi về vài trăm đôla, không ai giúp đỡ tôi cả, không giúp gì hết.”

https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-song-o-vietnam-cua-nguoi-bi-my-truc-xuat-khong-nghe-khong-tien/4357538.html

 

Việt Nam: Hội thánh Đức Chúa Trời là ‘tà đạo’,

 ‘không khác gì IS’

Truyền thông trong nước ngày 20/4 đồng loạt lên án các hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời tại thành phố Hải Phòng, cho rằng đây là một “tà đạo”, dựa trên luận điệu phản khoa học, khiến cho các tín đồ mê muội, bỏ bê công ăn việc làm, gây ly tán gia đình chẳng khác gì IS (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo).

Trong các bài viết và phóng sự nhiều kỳ, các cơ quan truyền thông nhà nước mô tả Hội thánh Đức Chúa Trời là một “tà đạo kinh hoàng như thôi miên” đang từ Hải Phòng lan ra khắp nơi như “vòi bạch tuộc”, với các đối tượng “đầu trộm đuôi cướp”, lôi kéo người dân từ bỏ truyền thống và cả người thân, khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh ly tán, suy sụp kinh tế.

Các bài viết cũng cho thấy tại nhiều địa phương đang diễn ra nhiều hoạt động khám xét, tịch thu, bắt bớ tín đồ của tổ chức tôn giáo này.

Theo báo Lao Động, Công an huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng hôm 27/3 đã tiến hành khám xét và bắt hai người của Hội thánh Đức Chúa Trời về trụ sở công an làm việc. Cơ quan chức năng nói đây là những “thành phần bất hảo, nghiện ma túy”. Báo này nói tiếp rằng trong lúc Công an huyện Thủy Nguyên đi truy tìm thì phát hiện họ đang “vận động lôi kéo” người dân tham gia vào hội thánh.

Trong tường thuật nhiều kỳ về “tà đạo” Hội thánh Đức Chúa Trời, VTC News cũng cho thấy cơ quan công an đã đột nhập khám xét và tịch thu nhiều tài liệu, phương tiện tại một căn nhà ở thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trong lúc tại đây đang có khoảng 20 người tụ tập cầu nguyện, học Kinh Thánh.

Cơ quan truyền thông nhà nước nói Hội thánh Đức Chúa Trời chỉ núp dưới dạng tuyên truyền giáo lý và kỹ năng mềm nhằm thực hiện mục đích “khiến cho đối tượng không còn lo làm ăn, kinh tế sa sút và ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình”, “lợi dụng giáo lý để trục lợi” khi buộc các tín đồ phải đóng góp 1/10 thu nhập, có dấu hiệu của mê tín dị đoan, tà đạo.

Một quan chức thuộc phòng Phòng chống phản động và Chống khủng bố, thuộc Công an tỉnh Bắc Giang, được VTC News dẫn lời cho biết đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, ngăn chặn các hoạt động tôn giáo được cho là “trái pháp luật” và “tăng cường công tác nắm tình hình” ở các địa phương.

Báo Xã Luận dẫn nguồn Ban Tôn giáo thành phố Hải Phòng cho biết Hội thánh Đức Chúa Trời bắt đầu có mặt tại đây từ năm 2015 và đã “lôi kéo được một số người tham gia, chủ yếu là phụ nữ, người già và học sinh, sinh viên”. Các nhóm sinh hoạt của tổ chức tôn giáo này đã liên tục thay đổi địa điểm hoạt động sau khi bị chính quyền địa phương theo dõi.

Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Vũ Chiến Thắng, được VOV dẫn lời nói cơ quan này đã nắm được “những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh” về Hội thánh Đức Chúa Trời và cần thời gian để kiểm chứng xem có sự chỉ đạo, điều hành của tổ chức nào không, hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi.

Cũng trong ngày 20/4, báo Người Lao Động cho hay công an ở tỉnh Vĩnh Long đang điều tra một nhóm người tiếp cận người dân địa phương để hỏi thăm về Hội thánh Đức Chúa Trời. Các trường đại học, cao đẳng tại đây cũng đã phát đi thông báo nhắc nhở cán bộ, nhân viên, sinh viên tránh tiếp xúc và tham gia vào tổ chức tôn giáo này.

Trong phúc trình công bố hôm 15/8/2017 về tự do tôn giáo tại Việt Nam năm 2016, của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Hà Nội tiếp tục hạn chế sinh hoạt tôn giáo của các nhóm tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, trong đó có việc cưỡng chế các cơ sở tôn giáo.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó lên tiếng phản bác, nói rằng phúc trình của Mỹ đưa thông tin “không khách quan” và trích dẫn “thông tin sai lệch”. Việt Nam khẳng định luôn “tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-hoi-thanh-duc-chua-troi-la-ta-dao-khong-khac-gi-is/4357772.html

 

Liên doanh VN, Macau, Hồng Kông

xây sòng bạc lớn ở Quảng Nam

Sòng bạc lớn nhất Việt Nam đang được xây dựng ven theo bờ biển dài 3 km ở Quảng Nam, miền trung Việt Nam, và dự kiến sẽ mở cửa vào năm tới.

Khi hoàn thành, dự án Hoiana trị giá 4 tỷ đôla sẽ có diện tích gần 1.000 ha, và cũng bao gồm các cửa hàng, nhà hàng, sân gôn và công viên nước.

Một nhà đầu tư chính cho dự án là Suncity Group Holdings Ltd. Hãng này đã kiếm hàng tỉ đôla với việc thu hút những con bạc – chủ yếu từ Trung Quốc – đến các sòng bài ở Macau, lãnh thổ của Trung Quốc.

Việt Nam đang đặt cược lớn vào việc phát triển ngành cờ bạc, nhắm mục tiêu vào các du khách Trung Quốc đã và đang đổ xô đến đất nước Đông Nam Á trong những năm gần đây.

Ngoài Hoiana, hai sòng bạc khác, một ở Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, và một trên đảo Phú Quốc ở miền nam, cũng đang được xây dựng. Hai dự án này nằm trong chương trình thí điểm lần đầu tiên cho phép công dân Việt Nam đánh bạc tại sòng bạc.

Hoiana sẽ là sòng bạc đầu tiên thuộc sở hữu của SunCity, công ty sẽ nắm 1/3 cổ phần trong dự án. VinaCapital, một công ty quản lý đầu tư và bất động sản của Việt Nam, và Tập đoàn Đầu tư VMS có trụ sở tại Hồng Kông cũng sẽ nắm tỉ lệ cổ phần tương tự.

“Chính phủ [Việt Nam] thực sự mong muốn mang du lịch đến đây”, Henry Tam, giám đốc Dự án Phát triển Nam Hội An, công ty địa phương đang xây dựng Hoiana cho biết. Ông nói thêm rằng việc dự án cũng sẽ bao gồm việc xây một trường học và sân vận động cho cư dân địa phương.

“Đây là một dự án 15-20 năm”, ông nói. “Khu vực này rộng gấp bốn lần dải Cotai của Ma Cao”.

Dự án Hoiana đi kèm với những thách thức. Người Việt Nam bản địa sẽ không được phép đánh bạc tại sòng bạc và các hoạt động còn tùy thuộc vào môi trường pháp lý bất định của Việt Nam.

Có chưa đến 10 sòng bạc ở Việt Nam, phần lớn ở ngoại ô các thành phố lớn. Hiện tại, chỉ có người mang hộ chiếu nước ngoài mới có thể vào và đánh bạc trong đó.

Giám đốc điều hành Suncity đang đặt hy vọng vào du khách Trung Quốc. Năm 2017, Việt Nam đón 4 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 49% so với năm trước.

https://www.voatiengviet.com/a/lien-doanh-vn-macau-hongkong-xay-song-bai-lon-o-quang-nam/4357530.html