Tin khắp nơi – 20/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 20/04/2018

Thái tử Charles sẽ là lãnh đạo Commonwealth

Thái tử xứ Wales sẽ là người đứng đầu tiếp theo của Commonwealth (Khối Thịnh vượng chung).

Nữ hoàng Elizabeth II nói đó là “mong muốn chân thành” của bà khi Thái tử Charles sẽ thành công trong vai trò này vào “một ngày”, BBC News đưa tin.

Các nhà lãnh đạo các quốc gia trong Khối Commonwealth đã thảo luận vấn đề này trong một cuộc họp kín ở lâu đài Windsor.

Nữ hoàng Anh: ‘Tâm trạng u ám’

Công tước xứ Cambridge thăm Hà Lan

Thông điệp Giáng sinh của Nữ hoàng nói gì?

Phóng viên ngoại giao của BBC James Landale cho biết một nguồn tin nói với BBC rằng các nhà lãnh đạo Khối Commonwealth đã đồng ý việc bổ nhiệm.

Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trước đó đã ủng hộ Thái tử Charles trở thành người lãnh đạo khối.

Khối Commonwealth đại diện cho 2,4 tỷ dân, nhưng bị chỉ trích là quá khác biệt đến mức người ta phải đấu tranh để biết tổ chức này là gì, phóng viên BBC Jonny Dymond nói.

Người đứng đầu Khối Commonwealth có vai trò thống nhất 53 quốc gia thành viên và để đảm bảo mục tiêu cốt lõi của khối được đáp ứng, gồm việc liên kết các quốc gia thông qua thương mại và hợp tác quốc tế.

Người đứng đầu Khối Commonwealth, hiện là Elizabeth II, thường xuyên thăm các nước thành viên để thúc đẩy những mối quan hệ này.

Quyết định về người đứng đầu phải được các nhà lãnh đạo các nước Khối Commonwealth thông qua.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43837325

 

Năm địa điểm

hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim có thể diễn ra

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết đang xem xét năm địa điểm để tổ chức cuộc họp dự kiến với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Ông Trump không cho biết chi tiết về những nơi này, nhưng dư luận đang xôn xao bàn tán, và đưa ra tên nhiều nơi có triển vọng được chọn, trong đó có Panmunjom, Pyongyang, Seoul, Beijing, Singapore và Việt Nam, theo AFP.

Panmunjom

Được xem là ‘làng đình chiến’, nằm ngay trong khu phi quân sự chia cắt Bắc và Nam Hàn, là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in vào tuần tới.

Đây là địa điểm cả hai bên dễ dàng tiếp cận, và an ninh chặt chẽ nhưng lại không được các nguồn ngoại giao đánh giá cao vì từng là nơi xảy ra vụ thảm sát năm 1976, khi quân Bắc Hàn giết chết hai sỹ quan Mỹ.

Địa điểm này không được Washington hoan nghênh, và cũng là lời nhắc nhở rõ ràng nhất về sự phân chia giữa Bắc và Nam Hàn.

Bình Nhưỡng

Hình ảnh một vị tổng thống Mỹ bước lên đường băng tại phi trường Pyongyang – nơi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un giám sát việc phóng tên lửa vào tháng Chín vừa qua – và lái xe qua quảng trường Kim Il Sung Square sẽ rất ngoạn mục.

Nó sẽ thu hút khuynh hướng kịch tính của hai người đàn ông này.

Nhưng việc chọn địa điểm này có nguy cơ mang lại cho Bắc Hàn quá nhiều quyền kiểm soát, và thưởng cho nước có vũ khí hạt nhân này cuộc viếng thăm của tổng thống Mỹ trước khi đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Chứng khoán châu Á khởi sắc trước cuộc gặp Trump-Kim

Nga: Trump và Kim cư xử như trẻ mẫu giáo

Trump gặp Kim: Chiến lược của Mỹ hiệu quả

Seoul

Một thành viên của gia đình Kim Jong-un đã đến thủ đô Nam Hàn trong năm nay. Kim Yo Jong, em gái Kim Jong-un, đóng vai trò sứ giả cho anh trai trong Thế vận hội Mùa đông ở Nam Hàn, gây ra cơn lốc về ngoại giao trên bán đảo này.

Chuyến đi đến Nam Hàn của chính Kim Jong-un cũng mang tính biểu tượng cao nhưng lại có nguy cơ gây tranh cãi ở miền Nam qua quang phổ chính trị.

Chuyến đi cũng có thể làm cho Kim Jong-un được chú ý nhiều hơn Trump, điều mà Nhà Trắng muốn tránh, và có thể làm giảm hiệu quả của các cuộc đàm phán.

Bắc Kinh

Cả Donald Trump và Kim Jong-un đã viếng thăm thủ đô của Trung Quốc trong vòng sáu tháng qua.

Nhưng một hội nghị thượng đỉnh ở đó sẽ có thể có nhiều biến chứng – Trung Quốc trước đây từng tham gia vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, khi quân đội nước này giúp Kim Il Sung, ông nội của Kim Jong-un, khỏi thất trận, và là người ký hiệp ước đình chiến năm 1953 để chấm dứt cuộc chiến.

Bắc Kinh từ lâu đã trở thành hậu vệ ngoại giao chính của Bình Nhưỡng và nguồn thương mại và viện trợ, và trong khi mối quan hệ gần đây đã hơi bị tổn hại, Kim Jong Un đã đến đó tháng trước, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nắm quyền lực để tỏ sự tôn kính nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh cũng có nguy cơ cho Tập Cận Bình quá nhiều ảnh hưởng.

Singapore, Việt Nam

Các lựa chọn khác tại châu Á được cũng được đưa ra, bao gồm Singapore, nơi ông Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu gặp nhau vào năm 2015, trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Đài Bắc kể từ khi họ chia tay vào cuối cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949.

Việt Nam cũng đang được cân nhắc. Là một trong những nước đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ một cách rõ rệt kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, với một nền kinh tế ngày càng trở nên sôi động trong những năm gần đây.

http://www.bbc.com/vietnamese/43821514

 

Liệu TQ sẽ đi đầu thế giới về tổng hợp hạt nhân?

Stephen McDonellPhóng viên BBC News, từ An Huy

Trong một thế giới mà nhu cầu về điện ngày càng tăng còn môi trường thì ngày càng xấu đi, có vẻ như Trung Quốc đang đi đầu trong việc phát triển một thứ có thể xem là chén thánh của năng lượng.

Phóng viên BBC Stephen McDonell đã có một cơ hội hiếm hoi để tiếp cận một cơ sở ở tỉnh An Huy.

Hãy tưởng tượng năng lượng vô hạn và không tạo ra chất thải: đây là chính là điều mà công nghệ tổng hợp hạt nhân hứa hẹn.

Hòn đảo chết chóc nhất thế giới thời hậu Liên Xô

Lực lượng nào bảo vệ nhà máy điện hạt nhân của Anh?

Chất thải từ người là năng lượng tương lai?

Trên Hòn đảo Khoa học ở tỉnh An Huy miền Đông Trung Quốc, có một khối kim loại trông như một chiếc bánh donut bọc trong một chiếc hộp tròn, sáng bóng to bằng tòa nhà hai tầng. Đó chính là lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thử nghiệm Tokamak (EAST).

Bên trong, các nguyên tử hydro hợp nhất và trở thành helium, một ngày nào đó có thể tạo ra nhiệt độ cao gấp nhiều lần nhiệt độ của lõi mặt trời.

Những nam châm mạnh sẽ kiểm soát phản ứng, và sau này có thể tạo ra một lượng điện khổng lồ nếu được duy trì.

Khắp thế giới, nhiều nước đang cố gắng thông thạo công nghệ tổng hợp hạt nhân này – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil và Liên minh châu Âu – nhưng không ai có thể duy trì nó ổn định như nhóm khoa học gia ở An Huy.

Ngay bây giờ, thời gian duy trì là 100 giây và nhưng mỗi năm thời gian này ngày càng kéo dài hơn. Ở đây thì họ đã bàn về mục tiêu xa gấp 10 lần, ở nhiệt độ 100 triệu độ C.

Nhưng có một lý do vì sao mà công nghệ hợp nhất nguyên tử đã lẩn trốn được các nhà khoa học và kỹ sư , dù được phát triển từ thời Liên bang Xô Viết vào những năm 1950.Vì nó thực sự rất khó.

Năng lượng hạt nhân an toàn

Hơn 50 năm qua, đã có công nghệ để duy trì một phản ứng tổng hợp hạn chế trong một môi trường được kiểm soát .

Nhưng thời gian duy trì vẫn quá ngắn so với những gì bỏ ra để thu được nguồn năng lượng khổng lồ và biến nó thành điện năng.

Hệ thống EAST là một phiên bản thay đổi của thiết kế ban đầu của Nga.

Vào ngày BBC đến thăm, chúng tôi được chứng kiến một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi trong phòng kiểm soát. Có vấn đề rò rỉ – không phải vật liệu bị rò rỉ ra, mà không khí bị hút vào chân không bên trong – và họ cần tìm một giải pháp.

Một nhóm riêng biệt phản hồi qua đường bộ đàm nối với phòng điều khiển. Họ di chuyển xung quanh lò phản ứng, đường dây điện và bậc thang xung quanh Tokamak, tìm kiếm nơi bị rò rỉ.

Khi Tập Cận Bình đến thăm cơ sở, Chủ tịch Trung Quốc nói ông muốn biết về sự nguy hiểm của công nghệ này.

Song Yuntao, phó giám đốc của EAST, cho biết: “Một lò phản ứng nhiệt hạch khá an toàn so với lò phản ứng phân hạch.”

Trung Quốc cấp visa 10 năm cho ‘tài năng xuất chúng’

Chiến tranh hạt nhân: Nhân loại đã sẵn sàng tới đâu?

Stockholm, thành phố được sưởi ấm bằng internet

“Quá trình giữ bằng từ trường là cơ chế nhiệt hạch kiểm soát được, tôi có thể tắt nguồn điện và nó an toàn tuyệt đối, sẽ không có thảm họa hạt nhân nào cả”.

Các lò phản ứng hạt nhân hiện tại dựa vào cơ chế phân hạch và sự phân tách của một nguyên tử sẽ thải ra chất thải độc hại, mà phải mất hàng chục nghìn năm để xử lý an toàn.

Một nhà máy điện tổng hợp hạt nhân thay vào đó sẽ xuất phát từ sự kết hợp của hai hạt nhân để tạo ra một hạt nhân và sau đó nam châm bên trong sẽ kiểm soát phản ứng ở trong lò.

Điều quan trọng, chúng tôi được dặn, đó là quá trình này sẽ không thải ra bất cứ chất thải nào.

Chi phí đắt đỏ

Tuy nhiên, công nghệ này không hề rẻ.

Nó sẽ tiêu tốn khoảng 15.000 đô la một ngày chỉ để bật hệ thống và đó là chưa tính đến tiền lương của hàng trăm chuyên gia, chi phí xây dựng òa nhà và các thứ khác.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn cố gắng dốc túi tài trợ cho dự án này dù biết rằng nó có thể nhiều sẽ mất nhiều thập kỷ trước khi năng lượng nhiệt hạch có thể chiếu sáng các thành phố lớn.

“Phản ứng tổng hợp hạt nhân sẽ đòi hỏi đột phá lớn từ các nhà khoa học và kỹ sư cũng như sự ủng hộ tài chính vô cùng lớn từ chính phủ,” ông Song nói.

“Đây là một một dự án có chi phí rất cao nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng nó sẽ là điều tuyệt vời cho sự phát triển bền vững của nhân loại.”

Bởi vì chi phí quá đắt đỏ và bởi vì công nghệ quá khó, có rất ít sự hợp tác đa quốc gia trong việc theo đuổi công nghệ tổng hợp hạt nhân.

Trung Quốc là một trong những nước đóng góp cho dự án Lò phản ứng thí nghiệm tổng hợp hạt nhân quốc tế đầy tham vọng (ITER) ở miền Nam nước Pháp – ngoài các quốc gia châu Âu – thu hút Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Dự kiến bắt đầu thử nghiệm vào năm 2025. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tạo ra những bước nhảy vọt.

Bước tiếp theo của nhóm nhà khoa học Trung Quốc là thiết kế được một lò phản ứng tổng hợp hạt nhân có khả năng tạo ra điện.

Để có thể hoạt động, lò phản ứng sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã thấy và có thể kiểm soát phản ứng plasma vô thời hạn thay vì trong một phút rưỡi.

Ông Song nói: “Nhu cầu về năng lượng là rất lớn ở mọi quốc gia và Trung Quốc đã có lộ trình cho năng lượng nhiệt hạch.”

“Chúng tôi muốn hoàn thành thiết kế cho một lò thử nghiệm tổng hợp hạt nhân trong vòng năm năm. Nếu thành công, nó sẽ là lò tổng hợp hạt nhân đầu tiên trên thế giới.”

Hy vọng cuối cùng là công nghệ tổng hợp hạt nhân có thể tạo ra lượng điện vượt xa cả những mộng tưởng xa vời nhất của nhân loại.

Nghe có vẻ vẫn hơi viển vông nhưng Bắc Kinh đang đối đầu với thách thức này một cách rất nghiêm túc, có nghĩa là, nếu nó thành công, Trung Quốc đánh bại tất cả trong lĩnh vực năng lượng của tương lai.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43833733

 

NASA sắp thiết lập trạm vũ trụ

bay quanh mặt trăng

Mục tiêu của NASA quay trở lại mặt trăng sẽ được thúc đẩy thêm nhiều vào đầu năm 2019, khi cơ quan này trao hợp đồng đầu tiên cho chương trình “Cửa ngõ” mặt trăng.

Theo kế hoạch của NASA, Trạm Quỹ đạo Cửa ngõ Mặt trăng là một “bàn đạp” có mục đích phục vụ các cuộc nghiên cứu mặt trăng và môi trường sâu trong vũ trụ. Về sau này, nó sẽ hoạt động như một trạm trung gian dành cho các phi hành gia đi đến và quay về từ sao Hỏa.

Khoản chi đầu tiên của NASA cho trạm này sẽ dành cho các thiết bị phát điện và phát lực đẩy vào đầu năm tới, tiếp theo là các bộ phận phục vụ việc sinh sống, Phó Giám đốc NASA William Gerstenmaier cho biết hôm 19/4 tại hội nghị chuyên đề về vũ trụ ở Colorado Springs, Colorado. Các bộ phận đó có thể sẽ được phóng lên mặt trăng, theo thứ tự đó, bắt đầu từ năm 2022.

Trạm này dự kiến sẽ bay trên quỹ đạo quanh mặt trăng vào năm 2025, ông Gerstenmaier cho biết. Ông là quan chức kỳ cựu của NASA trong 41 năm, giám sát hoạt động thăm dò và các chương trình của con người. Ông cho hay trạm mang theo phi hành đoàn gồm 4 phi hành gia thực hiện trong các nhiệm vụ kéo dài 30 ngày mỗi lượt.

Trạm “Cửa ngõ” cũng sẽ thúc đẩy thêm mục tiêu của NASA là lại đưa người hạ cánh xuống mặt trăng, và sẽ giúp xác định xem nước gần bề mặt có thể sử dụng được hay không để sản xuất nhiên liệu đẩy cho các chuyến đi sâu vào vũ trụ. Lực hút của mặt trăng cũng có thể giúp tàu vũ trụ giảm tốc độ rất lớn trong các chuyến đi dài 6 tháng đi và về từ sao Hỏa, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất.

Các chuyến đi đến “Cửa ngõ” sẽ thực hiện bằng tàu Orion, phi thuyền đang do Lockheed Martin lắp ráp, với module dịch vụ do Cơ quan Vũ trụ châu Âu cung cấp. Chuyến bay đầu tiên của Orion, không có phi hành đoàn, được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào năm tới. Tàu này đóng vai trò là sở chỉ huy khi nó lắp ghép với trạm “Cửa ngõ”.

(Bloomber, SCMP)

https://www.voatiengviet.com/a/nasa-sap-thiet-lap-tram-vu-tru-bay-quanh-mat-trang/4357806.html

 

Cựu GĐ FBI: TT Trump lo ngại

về cáo buộc thông đồng với Nga

Các tài liệu mà Giám Đốc FBI James Comey ghi chép sau các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái đã được tiết lộ hôm thứ Năm.

Ông Comey cho biết ông đã ghi chép nội dung các cuộc đối thoại với Tổng thống ngay sau khi làm việc với ông Trump bởi vì ông cảm thấy bất an về các cuộc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Mỹ.

Trong các tài liệu ghi chép, ông Comey ghi lại rằng tổng thống Trump lo ngại về những cáo buộc rằng ông đã thông đồng với Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, và rằng có một băng video thâu hình ông Trump với gái mại dâm Nga.

Trong sổ ghi chép viết ngay sau khi ông Comey nói chuyện với Trump vào ngày 30 tháng 3 năm 2017, ông Comey ghi lại rằng ông Trump “nói ông ấy đang cố gắng điều hành đất nước và đám mây đen liên quan tới vụ việc Nga đã gây khó khăn cho công việc của ông.”

Tổng thống Trump sa thải ông Comey vào tháng 5 năm 2017, giữa lúc Giám đốc FBI đang dẫn đầu một cuộc điều tra về những cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và có thể có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với người Nga.

Cuối ngày thứ Năm 19/4, Ông Trump đăng trên Twitter dòng chữ: “Tài liệu của James Comey cho thấy rõ ràng là KHÔNG CÓ THÔNG ĐỒNG, và KHÔNG CÓ CẢN TRỞ PHÁP LÝ. Ngoài ra, ông ta còn tiết lộ thông tin mật. WOW! Liệu cuộc săn phù thủy có tiếp tục?”

Nga đã phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Comey còn ghi lại rằng tổng thống Trump thường xuyên hỏi ông về cáo buộc cho rằng có một băng video thu hình ông với gái mại dâm trong một khách sạn ở Moscow.

“Người Nga chúng tôi có một số gái mại dâm đẹp nhất trên thế giới.”

TT Nga Putin nói với TT Mỹ Donald Trump, theo ‘sổ tay’ của cựu Giám Đốc FBI James Comey

Ông Comey viết: Tổng thống nói “cái vụ gái mại dâm này” là điều phi lý. Nhưng ông thuật lại rằng ông Trump có kể là ông Putin từng nói với ông: “Người Nga chúng tôi có một số gái mại dâm đẹp nhất trên thế giới.”

Sổ ghi chép còn rằng ông Trump bày tỏ lo ngại về óc phán xét của cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông, Michael Flynn.

Không lâu sau lễ nhậm chức Tổng thống, ông Trump dùng bữa ăn tối với ông Comey. Về cuộc gặp này, ông Comey ghi chép: Tổng thống Trump nói ông “trông đợi lòng trung thành” từ ông Comey.

Trong cuốn sách “Một lòng trung thành cao hơn: Sự thực, những lời nói dối và Lãnh đạo” xuất bản trong tuần này, cựu Giám Đốc FBI Comey so sánh tổng thống Trump với một trùm tội phạm nhất mực đòi những người làm việc với ông phải “trung thành với ông” và không mấy quan tâm tới vấn đề đạo đức, hay sự thật.

Sau khi ông Comey bị sa thải, công tố viên đặc biệt Robert Mueller được bổ nhiệm để tiếp tục cuộc điều tra về việc Nga xen vào cuộc bầu cử Mỹ.

Các tài liệu do ông Comey ghi chép được Bộ Tư pháp công khai cho quốc hội hôm thứ Năm 19/4, truyền thông báo chí sau đó đã tiếp cận các thông tin này.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-gd-fbi-tt-trump-lo-ngai-ve-cao-buoc-thong-dong-voi-nga/4357579.html

 

Nga: Putin sẵn sàng sang Mỹ gặp Trump

Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Tổng Thống Vladimir Putin sẵn sàng nhận lời mời của Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump sang thăm Washington.

Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti – hãng tin do nhà nước Nga điều hành, ông Lavrov nói ông Putin đã “sãn sàng cho một cuộc gặp gỡ như vậy.”

“Chúng tôi được hướng dẫn bởi sự kiện Tổng thống Mỹ trong một cuộc điện đàm mà ai cũng biết đã diễn ra- ông Trump có nói ông sẽ vui mừng gặp ông Putin tại Toà Bạch Ốc, chẳng có gì bí mật về lời mời đó.”

Ông Lavrov nói thêm rằng ông Trump nhắc lại lời mời đó vài lần trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga và nói thêm rằng ông sẽ lấy làm vui được thực hiện một chuyến đi thăm Nga để đáp lễ.

Trước đó, hai nhà lãnh đaọ đồng ý về một cuộc họp thượng đỉnh tại Washington.

Ông Trump gọi cho Tổng thống Nga vào ngày 20/3/2018 để chúc mừng ông Putin đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga trước đó 2 ngày.

Toà Bạch Ốc và điện Kremlin lúc đó cho biết hai vị Tổng thống thảo luận về khả năng một cuộc gặp mặt trực tiếp.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-putin-san-sang-sang-my-gap-trump/4357429.html

 

Bloomberg: Trump được cho biết

không phải là mục tiêu trong cuộc điều tra Nga

Phó Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Rod Rosenstein đã nói với Tổng thống Donald Trump vào tuần trước rằng ông không phải là mục tiêu của bất kỳ phần nào trong cuộc điều tra Nga của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, Bloomberg News loan tin hôm thứ Năm.

Dẫn hai nguồn không nêu tên, Bloomberg cho biết ông Rosenstein nêu lên vấn đề này và đưa ra sự bảo đảm trong một cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng vào ngày 12 tháng 4, và rằng diễn biến này “giúp giảm bớt mong muốn của tổng thống loại bỏ ông Rosenstein hoặc ông Mueller.”

Ông Trump nói với một số cố vấn thân cận nhất của ông sau cuộc gặp rằng chưa phải thời điểm thích hợp để loại bỏ một trong hai người vì ông không phải là mục tiêu của cuộc điều tra, Bloomberg cho hay.

Bộ Tư pháp nói với Reuters rằng họ không bình luận về các cuộc nói chuyện với tổng thống. Nhà Trắng không phản ứng ngay tức thì về yêu cầu bình luận.

Ông Mueller đang điều tra các cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ và sự thông đồng khả dĩ với ban vận động tranh cử Trump.

Nga đã phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử. Ông Trump đã nói rằng không có sự thông đồng và đã nhiều lần gọi cuộc điều tra của ông Mueller là “săn phù thủy” (ý nói ông bị truy bức chính trị), khơi lên lo ngại ông có thể tìm cách sa thải công tố viên đặc biệt hoặc ông Rosenstein, người giám sát cuộc điều tra.

Theo chính sách của Bộ Tư pháp, một mục tiêu điều tra là người được cho là có hành vi phạm tội và có phần chắc sẽ đối mặt với các cáo buộc, trong khi một đối tượng điều tra là người có hành vi nằm trong phạm vi điều tra.

Báo The Washington Post hồi đầu tháng này đưa tin ông Trump là đối tượng của cuộc điều tra này.

Tuy nhiên, một đối tượng có thể trở thành mục tiêu của cuộc điều tra khi các bằng chứng đáng kể mới xuất hiện.

Một lý do ông Trump được coi là đối tượng chứ không phải là một mục tiêu có thể là vì ông Rosenstein đưa ra đánh giá dựa trên giả định một tổng thống tại nhiệm không thể bị truy tố.

https://www.voatiengviet.com/a/bloomberg-trump-duoc-cho-biet-khong-phai-la-muc-tieu-trong-cuoc-dieu-tra-nga/4356696.html

 

Lầu Năm Góc: Không có thương vong thường dân

trong cuộc không kích Syria

Lầu Năm Góc cho biết không có báo cáo về thương vong thường dân từ các cuộc không kích phi đạn vào tuần trước do Mỹ, Pháp và Anh thực hiện.

Phát ngôn viên Dana W. White nói điều này là minh chứng cho tính chính xác của vũ khí của Mỹ và đồng minh. Bà cũng phản bác tuyên bố của Nga rằng một số lượng lớn phi đạn đã bị bắn hạ.

Phát biểu cùng với bà White tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Trung tướng Lục quân Kenneth McKenzie nói Mỹ xác tín – nhưng không chắc chắn 100 phần trăm – là các chất hóa học có ở cả ba địa điểm bị tấn công. Ông nói có phần chắc cũng có khí clo và sarin.

Bà White mô tả các cuộc không kích là thành công. Bà cho biết hiện tại không có chỉ dấu nào cho thấy Syria đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa.

https://www.voatiengviet.com/a/lau-nam-goc-khong-co-thuong-vong-thuong-dan-trong-cuoc-khong-kich-syria/4356693.html

 

Trump không đồng ý

miễn thuế nhập khẩu cho Nhật Bản

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Tư cho biết họ đã không đạt được một thỏa thuận cho Nhật Bản miễn chịu thuế mới của Mỹ đánh vào thép và nhôm nhập khẩu, điều mà ông Abe đã muốn.

Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo thông báo họ đã đồng ý bắt đầu các cuộc thương thuyết về một thỏa thuận thương mại “tự do, công bằng và đối ứng” mới giữa hai nước sau hai ngày hội đàm.

Ông Trump nói rằng thâm hụt thương mại hiện tại giữa hai nước là quá cao để có thể được miễn trừ bây giờ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản là 56,1 tỉ đôla vào năm ngoái.

Đó là một sự thất vọng đối với Nhật Bản. Hầu hết các đồng minh quan trọng khác của Mỹ – bao gồm Úc, Canada, Liên minh Châu Âu và Mexico – đã được Mỹ miễn trừ các biện pháp bảo hộ của ông Trump. Và Nhật Bản trước đây đã bày tỏ sự miễn cưỡng đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, nói rằng họ muốn Mỹ tái gia nhập thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Trump đã nói rõ rằng ông muốn có một thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản thay vì tái gia nhập TPP

Nhưng ông Abe dường như giành được những bảo đảm từ ông Trump liên quan đến Triều Tiên. Ông Trump hứa trong cuộc hội kiến với lãnh tụ Kim Jong Un, ông sẽ nêu vấn đề công dân Nhật Bản đã bị miền Bắc bắt cóc.

Ông Abe đã đặt vấn đề này là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-khong-dong-y-mien-thue-nhap-khau-cho-nhat-ban/4356685.html

 

Hàn, Triều lập đường dây nóng trực tiếp giữa hai lãnh đạo

Triều Tiên và Hàn Quốc, lâu nay được coi là kẻ thù của nhau, hôm 20/4 lắp đặt đường dây điện thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo, cùng lúc họ chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ năm 2007. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói chất lượng kết nối rất tốt.

Theo Văn phòng Tổng thống, Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc, và Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên đã kiểm tra đường dây nóng trong bốn phút, trước khi ông Moon Jae-in của Hàn Quốc và và ông Kim Jong Un của Triều Tiên nói chuyện trước hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.

“Chất lượng cuộc gọi rất tốt và chúng tôi cảm thấy giống như nhận một cuộc gọi từ người hàng xóm cạnh nhà”, giám đốc Phòng Tình huống của chính phủ Hàn Quốc, Youn Kun-young, nói với các phóng viên.

Ông Moon giờ đây sẽ có thể nhấc điện thoại văn phòng lên nói chuyện với ông Kim, thay vì liên lạc qua một đường dây nóng tại Khu vực An ninh Chung trong làng biên giới Panmunjom.

Kế hoạch này đã được cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong công bố, sau khi ông này gặp ông Kim hồi tháng trước ở Bình Nhưỡng.

Triều Tiên nghèo đói và Hàn Quốc dân chủ, giàu có về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950-53 giữa hai nước dừng lại với một thỏa thuận ngừng bắn, không phải là một hiệp định hòa bình. Nhưng căng thẳng đã giảm bớt trong những tháng gần đây.

Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ họp vào tuần tới. Tiếp đến, ông Kim và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ họp thượng đỉnh lần đầu vào tháng 5 hoặc tháng 6, với chủ đề chính là phi hạt nhân hóa.

https://www.voatiengviet.com/a/han-trieu-lap-duong-day-nong-truc-tiep-giua-hai-lanh-dao/4357430.html

 

Tây Ban Nha :

Tổ chức ly khai ETA xin lỗi các nạn nhân

Thanh Phương

Hôm nay, 20/04/2018, ETA, tổ chức đấu tranh đòi độc lập cho xứ Basque ở Tây Ban Nha, lần đầu tiên đã ra thông cáo xin lỗi các nạn nhân, chuẩn bị cho việc đơn phương giải thể một trong những tổ chức đấu tranh võ trang lâu đời nhất ở châu Âu.

ETA là chữ viết tắt của tổ chức mang tên Tổ quốc và Tự do (tiếng Basque: Euskadi Ta Askatasuna), được thành lập vào năm 1959 vào thời chế độ độc tài Franco. Đây là tổ chức chính trị và quân sự theo chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa dân tộc ly khai, hoạt động với mục đích giành độc lập cho xứ Basque (gồm một phần hiện là một khu vực bán tự trị thuộc Tây Ban Nha và một phần ở miền nam nước Pháp).

Gần 60 năm sau khi ra đời, tổ chức ETA ra thông cáo viết : « Chúng tôi ý thức là, trong một thời gian dài đấu tranh vũ trang, chúng tôi đã gây rất nhiều đau khổ và thiệt hại không gì có thể bù đắp được. Chúng tôi xin nghiêng mình hối lỗi trước những người đã chết, bị thương, và những nạn nhân của những hành động của ETA ».

Trong bản thông cáo, ETA ngỏ lời trực tiếp đến những nạn nhân không có tham gia trực tiếp vào xung đột, tức là những nạn nhân chỉ là thường dân chứ không phải là dân biểu, cảnh sát…, để trực tiếp xin lỗi họ.

Tổ chức ETA đã từ bỏ đấu tranh vũ trang từ tháng 10/2011 và đã buông vũ khí từ năm 2017. Theo nhà chức trách Tây Ban Nha trong cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập cho xứ Basque, ETA đã sát hại tổng cộng 829 người, và làm bị thương hàng ngàn người, chủ yếu trong các vụ khủng bố bằng bom. Chưa bao giờ tổ chức ETA lại có lời xin lỗi chân thành như thế với các nạn nhân.

Theo AFP, thân nhân của các tù nhân ETA hy vọng là việc ra thông cáo xin lỗi các nạn nhân và tiếp đến là việc tổ chức này tự giải thể sẽ thúc đẩy Tây Ban Nha và Pháp thay đổi chính sách về giam cầm, để các phạm nhân ETA được chuyển về giam gần nhà, đồng thời một số người được trả tự do có điều kiện.

Chính phủ bảo thủ của thủ tướng Mariano Rajoy đã ra thông cáo hoan nghênh việc ETA xin lỗi, xem đây là « thắng lợi của Nhà nước pháp quyền ». Nhưng trong khi đó, một đại diện của Hiệp hội các nạn nhân của khủng bố cho rằng thông cáo của ETA « không đáp ứng những mong đợi của họ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180420-tay-ban-nha-to-chuc-ly-khai-eta-xin-loi-cac-nan-nhan

 

Hoa Kỳ nới rộng quy định bán máy bay không người lái

Thụy My

Nhà Trắng hôm qua 19/04/2018 loan báo đã gỡ bỏ một số hạn chế về việc bán các loại máy bay không người lái (drone) tân tiến nhất, nhằm tăng cường sức mạnh cho các quân đội đồng minh và cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường vũ khí.

Theo ông Peter Navarro, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, quyết định này chủ yếu liên quan đến các loại máy bay chiến đấu không người lái, cho phép các tập đoàn vũ khí Mỹ chủ động buôn bán trực tiếp với khách hàng ngoại quốc – là các đồng minh và đối tác được cho phép – thay vì phải xin phép chính phủ như dưới thời ông Obama. Đồng thời cạnh tranh được các sản phẩm sao chép có chất lượng thấp của Trung Quốc.

Ông Navarro cho biết, xuất khẩu của Mỹ trong lãnh vực vũ khí và hàng không đạt 1.000 tỉ đô la một năm, duy trì được 2,5 triệu việc làm lương cao. Trong đó chỉ riêng thị trường máy bay không người lái đã đạt 50 tỉ đô la trong vòng một thập niên. Tuy nhiên « các thiết bị Trung Quốc sao chép công nghệ Mỹ » đã thâm nhập được vào khu vực Trung Đông.

Chẳng hạn loại drone bay ở độ cao trung bình Dực Long (Wing Loong) 2 do Chengdu Aircraft Group sản xuất, theo ông Peter Navarro, « rõ ràng là sao chép lại » kiểu MQ-9 Reaper của công ty Mỹ General Atomics.

Hoa Kỳ đứng hàng đầu trong việc sử dụng các thiết bị bay không người lái, giúp có thể can thiệp từ xa và tránh được tổn thất nhân mạng, thông qua các liên lạc vệ tinh.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180420-hoa-ky-noi-rong-quy-dinh-ban-may-bay-khong-nguoi-lai

 

FMI đề nghị làm “diễn đàn đối thoại”

để tránh chiến tranh thương mại

Mai Vân

Trước tình hình căng căng thẳng leo thang trong lãnh vực mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giám đốc điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI/IMF vào hôm qua, 19/04/2018, đã đề nghị cung cấp « một diễn đàn để đối thoại», qua đó tránh được một cuộc chiến tranh thương mại sẽ có hại cho kinh tế toàn cầu.

Phát biểu với một số nhà báo tại Washington, bà Christine Lagarde cho rằng các nước nên làm việc cùng nhau để giải quyết những bất đồng mà không cần dùng đến các biện pháp bất thường, tức là các biện pháp đơn phương.

Theo bà, định chế tiền tệ quốc tế có thể là một diễn đàn đối thoại hòa bình và kỹ thuật cho đôi bên, cung ứng được những phân tích và nghiên cứu dùng cho giới hoạch định chính sách kinh tế, đặc biệt là các bộ trưởng Tài Chính.

Đối với giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tất cả 189 thành viên của FMI đều quan tâm đến việc nền thương mại được vận hành tốt.

Phản ứng trước đề nghị của bà Christine Lagarde, một nguồn tin châu Âu cho rằng « thương mại không nằm trong thẩm quyền của FMI, nhưng định chế này muốn nắm lấy để nêu bật những rủi ro đối với sự tăng trưởng toàn cầu ».

Trả lời hãng tin Pháp AFP, ủy viên châu Âu Pierre Moscovici hy vọng là dần dần ý thức về thiệt hại của một cuộc chiến thương mại xuất hiện và đối thoại sẽ được mở ra. Ông cho rằng phía Mỹ đã cảm nhận rõ hơn trước là việc bảo hộ mậu dịch không phải là giải pháp tốt, và phía châu Âu sẽ tiếp tục nhấn mạnh trên điều đó.

Theo AFP, gần 10 năm sau cuộc suy thoái toàn cầu, kinh tế thế giới đang chuyển động tích cực, đặc biệt nhờ vào lượng trao đổi hàng hoá và dịch vụ, ước tính sẽ tăng 5,1% trong năm nay.

Thế nhưng chính những giao dịch thương mại đó có thể làm kinh tế của hành tinh u ám trở lại nhanh hơn dự kiến.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180420-fmi-de-nghi-lam-%E2%80%9Cdien-dan-doi-thoai%E2%80%9D-de-tranh-chien-tranh-thuong-mai

 

Tổng thống Syria

trả lại Bắc Đẩu Bội Tinh cho Pháp

Thụy My

Tinh mà Pháp đã trao cho tổng thống Bachar Al AssadAFP

Phủ tổng thống Syria hôm qua 19/04/2018 thông báo đã trả lại Bắc Đẩu Bội Tinh được nước Pháp tặng cho tổng thống nước này, với lý do ông Bachar Al Assad không muốn đeo huy chương do « nô lệ của Mỹ » trao. Trước đó vào đầu tuần, điện Elysée cho biết đang xúc tiến thủ tục thu hồi tấm huy chương này.

Thông cáo của phía Syria viết: « Bộ Ngoại Giao đã chính thức giao lại cho nước Cộng Hòa Pháp, thông qua trung gian của đại sứ quán Rumani ở Damas vốn đại diện lợi ích Pháp tại Syria, Bắc Đẩu Bội Tinh hạng nhất được cựu tổng thống Jacques Chirac trao tặng cho tổng thống Assad».Thông cáo cho biết thêm, quyết định này được đưa ra « sau khi Paris tham gia không kích Syria cùng với Mỹ và Anh hôm 14/04».

Tuy nhiên ngay từ hôm thứ Hai 16/4, Phủ tổng thống Pháp đã loan báo rộng rãi là đang tiến hành thủ tục thu hồi tấm huy chương trên, đã được tặng cho ông Assad vào năm 2001 lúc vừa lên kế nhiệm cha là Hafez Al Assad. Tiến trình được quy định như sau: tổng thống đề nghị sau khi tham khảo ý kiến ngoại trưởng và hội đồng xét duyệt, cuối cùng ra sắc lệnh thu hồi.

Trước đó tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng cho thu hồi Bắc Đẩu Bội Tinh trao cho đạo diễn Mỹ Harvey Weinstein gần đây bị cáo buộc tấn công tình dục. Cua-rơ Mỹ Lance Amstrong, nhà tạo mốt Anh John Galliano cũng nằm trong số các nhân vật từng bị thu lại huy chương, còn đối với công dân Pháp bị kết án từ một năm tù trở nên, thì huy chương cao quý này mặc nhiên bị hủy.

http://vi.rfi.fr/phap/20180420-tong-thong-syria-tra-lai-bac-dau-boi-tinh-cho-phap

 

Viện Hàn LâmThụy Điển bị tai tiếng,

người dân biểu tình

Mai Vân

Từ đầu tháng Tư 2018 này, Viện Hàn Lâm Thụy Điển, định chế trao giải Nobel Văn Học hàng năm đã bị tai tiếng. Ông Jean-Claude Arnault, người Pháp, chồng của một viện sĩ Viện Hàn Lâm Thụy Điển, đã bị 18 phụ nữ tố cáo sách nhiễu tình dục.

Cho dù có những bằng chứng rõ ràng, một phần viện sĩ vẫn ủng hộ ông Jean-Claude Arnault và vợ của ông. Tối hôm qua, 19/04/2018, để bày tỏ thái độ bất bình, cư dân Stockholm đã xuống biểu tình phản đối, một điều hiếm thấy ở Thụy Điển, một đất nước vốn rất ưa chuộng đồng thuận.

Thông tín viên RFI, Frédéric Faux, tường thuật từ Stockholm :

“Trên một quảng trường của Stockholm, đối diện với Viện Hàn Lâm Nobel, khoảng 1000 người đã tập hợp lại. Một phụ nữ tên Sara cho biết: « Chúng tôi không thường làm như thế này ở Thụy Điển. Tôi đã 45 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biểu tình… »

Cũng như Sara, người dân Stockholm không quen biểu tình. Ở đây không thấy có khẩu hiệu hay biểu ngữ, mà chỉ là những phát biểu phẫn nộ sau vụ tai tiếng gây xáo trộn Viện Hàn Lâm.

Thư ký thường trực Viện Hàn Lâm, bà Sara Danius, muốn mạnh tay xử lý vụ việc, và bà đã bị buộc phải từ chức. Đối với một số người, điều đó quả là bất công, như giải thích của Anna : « Như thế là một phụ nữ đã bị trừng phạt vì lỗi của một người đàn ông bị tố cáo về những hành vi sách nhiễu, hãm hiếp. Lẽ ra chính các thành viên của Viện Hàn Lâm phải từ chức vì họ dìm danh dự của chúng ta xuống bùn ».

Nhiều vụ biểu tình khác cũng được tổ chức đó đây tại Thụy Điển, để ủng hộ bà Sara Danius và cũng để bảo vệ giải Nobel Văn Học. Trước những vụ từ chức hàng loạt, Viện Hàn Lâm chỉ còn lại 11 thành viên, không đủ để chọn người được giải. Vấn đề là phải đợi một thành viên chính thức qua đời, mới đề cử được người thay thế.

Để thoát ra khỏi bế tắc, cách duy nhất có lẽ phải đợi quốc vương Thụy Điển thay đổi quy định… xưa hai thế kỷ này.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180420-vien-han-lamthuy-dien-bi-tai-tieng-nguoi-dan-bieu-tinh

 

Cuba : Tân chủ tịch Diaz-Canel

hứa tiếp tục con đường của Castro

Mai Vân

Cuba đã thức giấc vào hôm nay, 20/04/2018, với một tân chủ tịch « trẻ », sinh trưởng sau cách mạng, và được Quốc Hội bầu lên với 603 trên tổng số 604 phiếu. Thế nhưng đánh giá chung là tình hình Cuba sẽ không có gì thay đổi.

Phát biểu với tư cách tân chủ tịch Cuba, ông Miguel Diaz-Canel vào hôm qua đã hứa không đi lệch con đường của người tiền nhiệm, sẽ tiếp tục cuộc cách mạng Cuba và tiến trình cải cách kinh tế của Raul Castro.

Thông tín viên RFI, Romain Lemaresquier, tại La Habana, phân tích :

Trừ phi có sự cố đặc biệt, quả là không nên chờ đợi một cuộc cách mạng mới tại Cuba. Trong phát biểu đầu tiên với tư cách là tân chủ tịch Cuba ngày hôm qua, ông Miguel Diaz-Canel đã lập lại rằng sẽ không có chuyện đi chệch các nguyên tắc của cách mạng. Một phát biểu không khác diễn văn của các đảng viên đảng Cộng Sản, không muốn nói đến việc chuyển giao quyền lực hay thời kỳ chuyển tiếp.

Tiến trình kết thúc hôm qua rốt cuộc sẽ tiếp diễn : Miguel Diaz-Canel như thế sẽ tiếp tục công cuộc cải cách mà người đỡ đầu cho ông đã bắt đầu từ nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, ngày thứ Năm hôm qua còn chứng kiến một số đề cử có thể sẽ ghi dấu ấn trong lịch sử Cuba, như việc đề cử ông Salvador Antonio Valdez vào chức vụ phó chủ tịch thứ nhất của Hội Đồng Nhà Nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Cuba mà một người Cuba gốc Châu Phi được đề bạt vào chức vụ này. Trong 5 chức phó chủ tịch khác thì có 3 phụ nữ, trong đó có hai người cũng gốc châu Phi. Đó cũng là điều chưa từng thấy.

Tuy nhiên, thành phần chính phủ mới chưa được thông báo. Ê kíp lãnh đạo cho biết là cần thời gian và sẽ thông báo vào tháng 7 tên tuổi của những người sẽ cùng làm việc với ông Miguel Diaz-Canel trong nhiệm kỳ 5 năm của ông.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180420-cuba-tan-chu-tich-diaz-canel-hua-tiep-tuc-con-duong-cua-castro

 

Có bao nhiêu lực lượng quân sự nước ngoài ở Syria ?

Minh Anh

Từ nhiều năm qua, Syria như một bãi chiến trường khổng lồ với sự tham chiến của nhiều bên, ở các mức độ khác nhau, hình thức khác nhau.

Rạng sáng thứ Bảy 14/04/2018, người dân Syria thức tỉnh dưới tiếng bom đạn của liên minh quốc tế. Sau vài ngày do dự, ba nước Mỹ, Anh và Pháp đã mở chiến dịch tấn công có mục tiêu nhắm vào chế độ Bachar al-Assad, bị Donald Trump tố cáo là đã tấn công vũ khí hóa học « đáng sợ » tại đông Ghouta. Chế độ Syria và các đồng minh của nước này Nga và Iran đã nhanh chóng lên án các vụ oanh kích. Trung Quốc hôm thứ Bảy 14/04/2018 cũng lên tiếng « phản đối sử dụng vũ lực » và yêu cầu các bên phải thực hiện theo « khuôn khổ luật quốc tế ».

Cả ba nước phương Tây đều có các căn cứ quân sự trong khu vực nơi được dùng để tấn công Damas. Binh sĩ Nga, đồng minh không thể lay chuyển của Syria, cũng hiện diện đông đảo. Đài truyền hình Pháp France 24 điểm lại sự hiện diện của các lực lượng quân đội nước ngoài tại Syria và trong khu vực.

Hoa Kỳ : Hiện diện khắp nơi

Sau trận tấn công hôm thứ Bảy 14/04, Hoa Kỳ cho biết đã bắn đi loại nhiều loại tên lửa khác nhau, trong đó có tên lửa hành trình Tomahawk, nhưng không nêu rõ chúng được bắn từ đâu.

Năm 2017, khi Donald Trump ra lệnh đánh chế độ Damas sau một vụ tấn công bằng khí ga sarin nhắm vào thành phố Khan Cheikhoun, do quân nổi dậy kiểm soát, hải quân Mỹ đã bắn đi 59 quả Tomahawk từ các chiếc khu trục hạm USS Porter và USS Ross, neo ngoài khơi Địa Trung Hải. Năm nay, hai chiếc tầu chiến này đang làm nhiệm vụ ở Bắc Đại Tây Dương nên không thể tham gia vào chiến dịch.

Ngược lại, tầu chiến USS Donald Cook lại có mặt trong khu vực. Hôm thứ Hai 16/04, chiếc khu trục hạm này đã rời cảng quá cảnh Larnaca của Chypre. USS New York hiện đang neo đậu trên biển Địa Trung Hải, nhưng ít có khả năng chiếc tầu chiến vận tải này trực tiếp tham dự vào vụ tấn công vừa qua. Mặt khác, hải quân Mỹ hiện đã triển khai tám chiếc tầu ngầm trên thế giới. Nếu như vị trí của chúng đều được giữ bí mật, nhưng một trong số những chiếc tầu ngầm này hiện đang trú tại Địa Trung Hải. Và chiếc tầu ngầm này rất có thể đã được sử dụng để phóng tên lửa.

Trên bộ, Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự ở al-Tanf, đông nam Syria. Nhiều đội đặc nhiệm được triển khai ở Manbij, phía bắc Syria. Không quân Hoa Kỳ cũng hiện diện ở khu vực này nhờ vào các khu căn cứ quân sự Azraq ở Jordani và Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố của ông Bekir Bozdag, bộ trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định khu căn cứ này không được sử dụng cho chiến dịch quân sự hôm thứ Bảy 14/04. Hoa Kỳ còn cho tu sửa một đường băng hạ cánh gần Kobané, phía bắc Syria, thuộc vùng tự trị Kurdistan.

Ngoài ra, Mỹ còn có nhiều khu căn cứ quân sự khác tại các nước vùng Vịnh, nhất là tại Koweit, ở al-Udeid của Qatar, cũng như là Al Dhafra của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Nước Pháp : Ít quân số nhưng hiện diện rải rác

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly nêu rõ là Paris đã huy động tầu chiến đa năng tại Địa Trung Hải và chiến đấu cơ để tấn công. Những thiết bị này, gồm 5 chiếc Rafale, 4 chiếc Mirage 2000, hai chiếc Awacs và 5 máy bay tiếp liệu đã cất cánh từ nhiều khu căn cứ không quân của nước Pháp. Hiện tầu chiến Aquitaine đang đậu ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải trong khuôn khổ chiến dịch Chammal ở vùng Trung Đông, nhằm hỗ trợ quân sự cho các lực lượng địa phương tham gia chống Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Quân đội Pháp cũng hiện diện tại căn cứ không quân Prince-Hassan của Jordani, gồm 6 chiếc Rafale cũng như 6 chiếc khác tại Al Dhafra, thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Cuối tháng Ba năm 2018, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố sơ đồ được cho là nơi đồn trú của quân đội Pháp tại bắc Syria. Dường như chính từ năm căn cứ quân sự này, chủ yếu nằm ở phía bắc, tại những khu vực do Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS kiểm soát, 70 binh sĩ Pháp đã tham gia tác chiến tại đông bắc Syria.

Nhưng những thông tin này chưa được xác nhận. Tháng 06/2016, Paris đã thừa nhận sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm Pháp tại Syria để « cố vấn cho FDS chống Daech », chủ yếu là tại Manbij, nhưng Paris vẫn luôn tỏ ra kín tiếng về quân số hay vị trí đóng quân của lực lượng này.

Tháng 7/2017, cũng hãng Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố những gì mà nước này cho là bản đồ vị trí 10 đơn vị quân sự Mỹ ngay chính trong khu vực. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định tại đây còn có 75 binh sĩ Pháp, đóng quân chủ yếu tại một căn cứ gần với thành phố Raqqa. Thế nhưng, Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận những thông tin này.

Nước Anh : Bắt đầu nhìn sang Trung Đông

Trong chiến dịch tấn công Syria vừa qua, Luân Đôn đã huy động 4 chiến đấu cơ Tornado GR4 của Không Quân Hoàng Gia Anh, có trang bị tên lửa Storm Shadow. Royal Air Force có một căn cứ không quân quan trọng tại Chypre : đó là Akrotiki, nơi xuất phát nhiều chiếc tiêm kích tham gia chiến dịch chống Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Tầu khu trục HMS Duncan dường như cũng có mặt tại Địa Trung Hải.

Đầu tháng 4/2018, quân đội Anh vừa mở một căn cứ quân sự mới ở Manama, Bahrein. Đây là cơ sở quân sự thường trực đầu tiên của Anh ở Trung Đông sau gần một nửa thế kỷ vắng mặt.

Nga : Đông lính chính quy và lính đánh thuê

Là đồng minh của Syria, nước Nga đương nhiên hiện diện đông đảo trong khu vực. Nga có hai cơ sở quân sự ở phía tây Syria ; một tại Hmeimim nơi đồn trú của các chiến đấu cơ và dàn phòng không, và một căn cứ hải quân ở Tartous cũng được bố trí một hệ thống phòng không.

Về nhân sự, con số chính thức gần đây nhất chính là số quân nhân đã được thông qua nhân kỳ bầu cử tổng thống Nga 18/03 : 2954 người. Một lượng lớn binh lính Nga đã được triển khai tại căn cứ Hmeimim. Số ít còn lại là những « cố vấn » quân sự, hỗ trợ quân đội Syria tại địa bàn và có một vai trò lớn trong những thắng lợi gần đây.

Về điều này, cũng nên tính thêm số cảnh sát quân sự, bao gồm chủ yếu các binh đoàn đến từ các nước cộng hòa Hồi Giáo Kavkaz của Nga, được triển khai tại những địa phương chiếm lại từ tay phe nổi dậy như ở Aleppo, và tại những « vùng giảm căng thẳng » được thiết lập ở một số nơi.

Đó là chưa tính đến sự hiện diện đông đảo của số lính Nga đánh thuê tại Syria. Đây có thể được xem như là một vũ khí bí mật của tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo các nguồn tin của Reuters, ít nhất có đến hơn 550 lính Nga đánh thuê do một công ty tư nhân Wagner, có liên hệ với điện Kremlin tuyển mộ đến tham chiến tại Syria.

Sự việc đã gây sự chú ý khi Hoa Kỳ đã thực hiện một vụ oanh kích nhắm vào các lực lượng ủng hộ chế độ Damas trong ngày 07/02/2018, để trả đũa việc trụ sở của Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS bị tấn công ở vùng Deir Ezzo vì FDS được liên quân quốc tế ủng hộ. Trong trận oanh kích này, hơn 300 lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương. Matxcơva tuy phủ nhận sự hiện diện của lực lượng này, nhưng theo lời xác nhận của một bác sĩ quân y với Reuters, trong vòng 4 ngày từ ngày 09-12/02, Nga đã phải huy động đến 3 máy bay để vận chuyển số binh sĩ bị thương về nước.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180420-co-bao-nhieu-luc-luong-quan-su-nuoc-ngoai-o-syria