Vì sao VN công khai xử vụ ‘gián điệp Trung Quốc’?
Ngày 16/4/2018, Việt Nam bất ngờ đưa một cán bộ Bộ Công an Việt Nam ra tòa xét xử về hành vi làm gián điệp cho Trung Quốc, cùng lúc “bật đèn xanh”, hoặc còn hơn thế là được “mở van” để hệ thống báo chí quốc doanh được đăng khá chi tiết về vụ án này.
Vì sao chính quyền tự “vạch áo cho người xem lưng” như thế? “Minh bạch hóa” theo tiêu chí quốc tế chăng?
Nhưng đến tận giờ đây vẫn chưa có thuyết minh nào có giá trị cho thấy đảng cầm quyền ở Việt Nam muốn vận động theo quỹ đạo minh bạch hóa – xét trên bình diện chung ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn về ngân sách – túi tiền của chế độ, đặc biệt là ngân sách cho lực lượng vũ trang, hay còn hơn hẳn thế là nhiều vấn đề thuộc loại “nhạy cảm chính trị” mà đã từ lâu được tống vào danh mục độ “MẬT”, “TỐI MẬT” VÀ “TUYỆT MẬT”.
Nguyễn Hoàng Dương, cựu cán bộ công an, bị đưa ra tòa hôm 16/4/2018. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Gián điệp và công tác chống gián điệp là một trong những lĩnh vực được chế độ xem là bí mật nhất. Đó là nguyên do hết sức dễ hiểu vì sao trong rất nhiều năm qua đã quá hiếm vụ xét xử công khai và thông tin cho báo chí về gián điệp Trung Quốc. Trong khi đó, đã lan truyền nhiều đồn đoán và tin tức vỉa hè ở Hà Nội và những tỉnh thành gần biên giới phía Bắc về thực trạng “gián điệp Trung Quốc đông như rươi” và “công an đã bắt đến hàng trăm gián điệp Trung Quốc”, đã xử án nhưng là “xử kín” mà báo chí và công luận không thể biết được, hoặc có biết cũng không thể đưa tin công khai.
Chỉ đến đầu năm 2017, một quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam là Thiếu tướng Trương Giang Long – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị kiêm giám đốc Học viện chính trị công an nhân dân – mới nói một cách mập mờ về tình trạng gián điệp Trung Quốc kéo theo nhiều quan chức Việt Nam liên đới đang nằm ngay trong bộ máy đảng và chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này cũng chỉ được giới hạn trong một cuộc nói chuyện nội bộ mà không biết vô tình hay hữu ý, video về cuộc nói chuyện của tướng Long đã được tiết lộ trên mạng xã hội.
Cũng có một chứng thực hiếm hoi khác về “gián điệp Trung Quốc”: vào ngày 30/9/2015, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã bất ngờ đưa nhà báo Hà Huy Hoàng ra xử án về tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Nhìn lại vụ xử Hà Huy Hoàng
Hà Huy Hoàng, 55 tuổi, từng là phóng viên báo Thế giới và Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao, bị xử vì tội gián điệp theo Điều 80 Bộ Luật hình sự và đã bị án 6 năm tù vì cung cấp thông tin cho tình báo Trung Quốc.
Nhưng ngay sau phiên tòa xử Hà Huy Hoàng, các bản tin trên Tuổi Trẻ, Vnexpress và một số tờ báo nhà nước khác về vụ xử án nhà báo Hà Huy Hoàng đã bị gỡ chỉ sau vài giờ đăng tải trên mạng. Hiện tượng này khiến dư luận và giới quan sát chính trị phải nghi ngờ về một động thái lẩn khuất và hết sức bất thường liên quan đến phiên tòa này.
Ở Việt Nam, rất thường là các báo không thể tự gỡ bài, trừ phi chịu một áp lực đủ lớn từ phía cơ quan cấp trên. Vậy cơ quan cấp trên nào có thể chỉ đạo cho báo chí phải gỡ tin về phiên tòa xử Hà Huy Hoàng?
Tựu trung, vẫn là Bộ thông tin truyền thông, và cao hơn thế là Ban tuyên giáo trung ương.
Nhưng vì cớ gì mà một phiên tòa được tuyên truyền là “tổ chức công khai” lại bị giới tuyên giáo ngăn cản thông tin?
Dường như tại Hà Nội khi đó đã diễn ra một cuộc xung đột về tư tưởng giữa những người muốn công khai vụ án gián điệp Trung Quốc, với phe phái không muốn làm Bắc Kinh phật lòng.
Một chi tiết đáng lưu ý là vụ xử án nhà báo Hà Huy Hoàng được thực hiện vào ngày 30/9/2015, tức chỉ vài ngày sau khi Tập Cận Bình tuyên bố ở Washington “Trường Sa, Hoàng Sa là của… Trung Quốc”.
Động thái chính quyền Việt Nam quyết định xét xử công khai vụ án gián điệp liên quan đến tình báo Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung có dấu hiệu căng thẳng trở lại và nhiều lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Tổng bí thư Trọng vừa công du Hoa Kỳ vào tháng Bảy năm 2015.
Đương nhiên, một phiên tòa xử án gián điệp Trung Quốc, dù bị cáo là người Việt Nam, vẫn là cú đánh trực tiếp vào thể diện của chính quyền Trung Nam Hải và giới tình báo Hoa Nam.
Tuy vậy, hơn một tháng sau đó, Tập Cận Bình đã đến Hà Nội và mọi chuyện trở lại bầu không khí ve vãn lả lơi lẫn nhau như chưa từng có biến cố nào xảy ra.
Vì sao xử gián điệp vào thời điểm này?
3 năm sau vụ xử nhà báo Hà Huy Hoàng là vụ xử án cán bộ công an Nguyễn Hoàng Dương diễn ra vào ngày 16/4/2018, cũng về hành vi “làm gián điệp cho Trung Quốc”.
Có một điểm tương đồng rất quan trọng giữa hai vụ xử Hà Huy Hoàng năm 2015 và vụ xử Nguyễn Hoàng Dương năm 2018: không chỉ quan hệ Mỹ – Trung, mà cả quan hệ Việt – Trung đều có gam màu nóng.
Điểm khác biệt lớn giữa hai vụ xử trên là vụ xử Hà Huy Hoàng xảy ra khoảng hơn một tháng trước khi Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng Mười Một năm 2015, còn vụ xử Nguyễn Hoàng Dương diễn ra 5 tháng sau khi Tập Cận Bình gặp Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội vào tháng Mười Một năm 2017. Nhưng sau đó đã quá rõ là cuộc gặp thứ hai đã chẳng giải quyết được bất đồng nào, ngoài một mớ văn kiện chỉ để phô trương trên mặt báo.
Giờ đây, quan hệ Việt – Trung đã mang gam màu nóng đến mức có thể bùng nổ xung đột quân sự ở cấp chiến thuật hoặc chiến dịch, trên biển và có thể cả trên đất liền.
Trước sức ép liên tục gia tăng của Trung Quốc, sau lần đầu tiên âm thầm “giương cờ trắng” của chính thể Việt Nam tại Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017 mà đã khiến Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam – phải rút giàn khoan thăm dò dầu khí khỏi khu vực này mà không dám thốt lên lời bi phẫn nào, Hà Nội lại phải nhận cái tát nảy đom đóm thứ hai và phải “giương cờ trắng” lần thứ hai cũng tại mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ tại Bãi Tư Chính vào tháng Ba năm 2018.
Không những thế, ngay cả mỏ dầu khí Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi với trữ lượng khổng lồ và đang hứa hẹn có thể mang lại cho ngân sách đang cạn kiệt của Việt Nam đến 20 tỷ USD, cũng bị Trung Quốc gây sức ép đòi phải “cùng hợp tác khai thác”, nếu không sẽ bị “ăn không được thì đạp đổ”.
Chính Vương Nghị – Ngoại trưởng Trung Quốc và là một gương mặt “ngáo ộp” khá thường hiện ra ở Hà Nội ngay sau những mầm mống xung đột về tranh ăn dầu khí giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã tuyên bố tối hậu thư “cùng hợp tác khai thác” ngạo mạn và thách thức đến thế.
Tình thế của chính thể độc đảng Việt Nam đang trở nên cô đơn tuyệt đối trên trường quốc tế. Dù đang thủ đến một tá “đối tác chiến lược” trong túi, nhưng Việt Nam lại bị “đối tác chiến lược quan trọng nhất” là chính thể độc đảng Trung Quốc nhảy xổ vào nhà mình đòi chia phần.
Đó cũng là nguồn cơn để vào tháng Tư năm 2018, đảng cầm quyền ở Việt Nam lần đầu tiên phải chỉ đạo cho Quốc hội bàn về “quyền được nổ súng” trong Luật cảnh sát biển Việt Nam, cho dù lực lượng cảnh sát biển này đã được hình thành từ vài chục năm qua nhưng lại bị nhiều người dân cho là “hoàn toàn không biết bắn súng” trước cảnh tàu hải giám Trung Quốc liên tiếp tấn công hung hãn và bắn giết ngư dân Việt.
Trong tình cảnh mất ăn lẫn mất ngủ, cô đơn tuyệt đối như thế, hẳn là chính thể Việt Nam đang tái hiện một vài tiểu xảo mang ý nghĩa như “biện pháp trả đũa” đối với “bạn vàng”.
Nguyễn Hoàng Dương chỉ là một trong số rất nhiều công an rơi xuống địa ngục tha hóa về lối sống. Nhưng trong vụ xử án Dương, nên chú ý đến chi tiết mà báo chí nhà nước được đăng công khai: Nguyễn Hoàng Dương đã bán tin mật của ngành công an Việt Nam cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia.
Cuộc “chiến tranh dầu khí” giữa “hai đảng anh em” cũng bởi thế vừa được tô điểm thêm một sắc tố: hoạt động gián điệp và công tác phản gián.
Theo logic đó và nếu tương lai “cùng hợp tác khai thác dầu khí” không thành trong thời gian gian tới, có lẽ cả Việt Nam lẫn Trung Quốc sẽ lôi gián điệp của nhau ra xét xử công khai cùng án tù giam không hề thương xót.
Phạm Chí Dũng
https://www.voatiengviet.com/a/tinh-bao-trung-quoc-cong-an-ban-tai-lieu/4351754.html