Tin khắp nơi – 15/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/04/2018

Tên lửa bắn vào Syria và các con số trái ngược

Vào đầu giờ sáng 14/4, Mỹ, Anh và Pháp đã hạ lệnh đánh bom các căn cứ của Syria, nhắm vào các khu vực bị cáo buộc chứa vũ khí hoá học.

Có hoả tiễn Tomahawk của Mỹ, Storm Shadow của Anh và tên lửa SCALP của Pháp được bắn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria.

Trung tướng Mỹ Kenneth McKenzie sau đó đã họp báo công bố:

‘Hỏa tiễn do không quân và hải quân Hoa Kỳ, Anh và Pháp từ Biển Hồng Hải, Vịnh Arab và phía Đông của Địa Trung Hải. Mọi hoả tiễn đều bắn trúng đích.’

Không kích Syria: Mỹ vẫn ‘lên nòng’

TT Trump: ‘Không kích hoàn hảo, sứ mệnh hoàn tất’

Anh Quốc ‘cần có hành động ở Syria’

TT Pháp: ‘Có bằng chứng Syria dùng vũ khí hóa học’

Như để bác bỏ lời của phía Nga rằng hệ thống phòng không do Liên Xô cũ chế tạo mà Syria sử dụng đã bắn chặn 71 trong số 103 hỏa tiễn hành trình được ba nước Anh, Mỹ và Pháp bắn đi, ông McKenzie nói ‘không hề có một tên lửa hay phi cơ nào tham chiến bị phòng không của Syria chặn bắn’.

Tướng Kenneth McKenzie cũng nói mọi phi cơ xuất kích để bắn hỏa tiễn đều trở về căn cứ an toàn.

Về con số hỏa tiễn bắn vào Syria, BBC News sau đó có nêu rằng có cả thẩy 105 trái, chứ không phải 103 như tin báo chí ban đầu.

BBC News cũng trích nguồn Bộ Quốc phòng Anh nói các phi cơ Tornado GR4 của Không quân Hoàng gia Anh bắn đi 8 trái Storm Shadow vào một địa điểm là căn cứ tên lửa cũ của Syria cách Homs 25km.

Syria: Nghi tấn công hóa học làm hàng chục người chết

Nga: Cơ quan giám sát vũ khí hóa học vào cuộc

Trump cho phép 6.900 người Syria ở lại Mỹ

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Sergei Rudskoi nói với báo chí tại Moscow rằng 71 hỏa tiễn mà Mỹ, Anh và Pháp bắn vào Syria đã bị bắn chặn.

Theo phóng viên BBC Jonathan Beale thì lý do Anh dùng hoả tiễn Storm Shadow là vì vũ khí loại này có khả năng bay thấp nên khó bị bắn hạ.

Phóng viên BBC cũng nói phi cơ Tornado không bay vào gần mà bắn hỏa tiễn Storm Shadow từ xa, nhằm tránh không để hệ thống phòng không Syria bắn vào máy bay tấn công của Anh.

Với tầm bắn tới 300 km, các trái hoả tiễn của Anh dài 5 mét, nặng 1300 kg sau khi rời phi cơ bay với tốc độ 1000 km/giờ sẽ bay xuống thấp, cũng để tránh bị phòng không bắn hạ.

Storm Shadow sau tự tăng độ cao khi đến gần mục tiêu để lao xuống dứt điểm cuộc tấn công.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43773264

 

Mỹ vẫn ‘lên nòng’

nếu Syria có đợt tấn công hóa học mới

Mỹ cảnh báo sẽ tấn công trở lại nếu Syria tiến hành đợt tấn công vũ khí hóa học mới trong lúc một nhà quan sát người Việt bình luận về “cuộc chiến truyền thông” trong cuộc không kích này.

Cảnh báo này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ, Anh và Pháp không kích ba nơi tại Syria nhằm đáp trả một vụ tấn công nghi là dùng vũ khí hóa học sát thương ở thị trấn Douma hồi tuần trước.

Syria bác cáo buộc này và nói rằng vụ tấn công đó là do quân nổi dậy bịa đặt.

TT Trump: ‘Không kích hoàn hảo, sứ mệnh hoàn tất’

Hoa Kỳ và đồng minh tấn công Syria

Nga cảnh báo ‘chiến tranh’ với Mỹ ở Syria

Trump cho phép 6.900 người Syria ở lại Mỹ

Một nghị quyết về Syria và lên án cuộc không kích do Hoa Kỳ lãnh đạo do Nga, đồng minh của Syria, đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không được thông qua.

Cuộc không kích là vụ tấn công quan trọng nhất của các cường quốc phương Tây chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad trong bảy năm nội chiến ở Syria.

Câu hỏi đặt ra là liệu những trận không kích như thế này có làm thay đổi cán cân quân sự trên chiến trường Syria? Tôi cho rằng không kích có thể chỉ là một cách để dọn đường cho đàm phán lớn hơn giữa một bên Nga và bên kia là Mỹ và đồng minh Nato.luật sư Vũ Đức Khanh

Phản ứng trước cuộc không kích

Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 14/4, Nga muốn lên án cuộc không kích của phương Tây.

Đại sứ Nga, Vassily Nebenzia, dẫn lại lời của Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc Mỹ và đồng minh “có thái độ xem thường”, hành động mà không chờ kết quả của cuộc điều tra vũ khí hóa học trong vụ Douma.

Trump dọa tấn công Syria, mặc Nga phản đối

Anh Quốc ‘cần có hành động ở Syria’

Syria: Nghi tấn công hóa học làm hàng chục người chết

Syria: Dân chạy trốn, chiến sự leo thang

Thanh tra viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) hiện đang ở Damascus và sẽ đến Douma vào cuối tuần này.

Ông Nebenzia cáo buộc Mỹ, Anh và Pháp “trắng trợn coi thường luật pháp quốc tế”.

Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley nói cuộc không kích là “có lý do chính đáng, hợp pháp và tương xứng”.

Hôm 15/4, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada, bình luận với BBC: “Ngoài “xung đột quân sự” giữa hai phe đồng minh của Mỹ với Syria đồng minh của Nga, có lẽ chúng ta còn đang chứng kiến một “cuộc chiến tâm lý, tuyên truyên và truyền thông” giữa hai phe này.”

“Liệu ai đã nói sự thật và ai mới thật sự thắng trong vụ không kích vừa qua là những câu hỏi lớn mà chưa có câu trả lời của dư luận cộng đồng quốc tế.”

“Dường như thế giới đang tiến dần tới chủ nghĩa bưng bít và tuyên truyền một chiều vì những lợi ích cục bộ của phe nhóm mình bất chấp những nguyên tắc cơ bản một nền truyền thông độc lập, tự do và không thiên vị.”

“Ngày 7/4/2017, trong khi bắt tay, mở yến tiệc tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump làm cả thế giới sửng sốt khi thông báo ông đã ra lệnh không lực Hoa Kỳ oanh kích bầu trời Damascus, Syria.”

“Đúng một năm một tuần sau ngày đó, rạng sáng ngày 14/4/2018, ông Trump cũng lên truyền thông thông báo cho thế giới biết rằng ông vừa hạ lệnh cho quân đội Hoa Kỳ hợp tác với hai đồng minh kỳ cựu Anh và Pháp không kích bầu trời Damascus, Syria lần hai.”

“Câu hỏi đặt ra là liệu những trận không kích như thế này có làm thay đổi cán cân quân sự trên chiến trường Syria?”

“Tôi cho rằng không kích chỉ có tác dụng làm tê liệt kẻ thù trong một thời gian nhất định chứ không thể diệt được kẻ thù.”

“Đây có thể chỉ là một cách để dọn đường cho đàm phán lớn hơn giữa một bên Nga và bên kia là Mỹ và đồng minh Nato. Điển hình là trận chiến oanh tạc 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội vào cuối năm 1972 cách đó một tháng ngày ký kết Hiệp định Paris 27/01/1973.”

“Trước chiến dịch không kích lần này, ông Trump đã có tuyên bố rằng Mỹ sẽ sớm rút khỏi Syria.”

“Vì thực ra, nếu muốn dứt điểm chế độ Al-Assad thì quân đồng minh và Mỹ phải đổ bộ vào Syria hoặc quân nổi dậy đứng lên, hoặc phản quân Syria làm loạn kết liễu chế độ Al-Assad.”

“Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng có lẽ sau trận không kích này hoặc có thể thêm một vài trận nữa trong những ngày sắp tới, các bên tham chiến sẽ bắt đầu mở ra đàm phán và quân đội Mỹ sẽ bắt đầu rút dần ra khỏi Syria.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43773079


Luật sư Michael Cohen phủ nhận

tới Cộng Hòa Czech gặp gián điệp Nga

Washington, DC. (CBS) – Tờ McClatchy đưa tin vào hôm Thứ Sáu 15/04 rằng, công tố viên đặc biệt Robert Mueller có bằng chứng cho thấy luật sư riêng của Tổng Thống Trump- ông Michael Cohen- đã tới Prague (thủ đô Cộng Hòa Czech) trong tháng 8 hoặc tháng 9 năm 2016.

Nếu điều này là sự thật, nó có thể gia tăng độ tin cậy của hồ sơ Steele, một loạt các bản ghi nhớ không kiểm chứng, cáo buộc các thành viên trong ban vận động của ông Trump thông đồng và hợp tác với Nga trong thời gian vận động tổng thống.

Theo tờ McClatchy, các nhà điều tra tìm thấy bằng chứng ông Cohen vào Cộng Hòa Czech qua Đức trong khu vực Schengen có biên giới mở. Nếu như vậy, ông không cần sổ thông hành cho chuyến đi này.

Theo tuyên bố của chính ông Cohen, ông tới Âu Châu 3 lần trong năm 2016, nhưng chỉ đến London và Ý. Ông nói rằng vào tháng 8, ông chỉ tới Los Angeles cùng với con trai để đến trường USC. Ông kiên quyết phủ nhận việc ông tới Prague. Bằng tin nhắn trên Twitter, ông viết đưa tin xấu, câu chuyện xấu là từ cùng một phóng viên Peter Stone của McClatchyDC. Cho dù bao nhiêu lần dựng chuyện, ông chưa từng tới Prague.

Hồ Sơ Steele cáo buộc ông Cohen tới Prague và gặp gián điệp Nga vào tháng 8 hoặc tháng 9. Theo hồ sơ, chương trình nghị sự bao gồm những câu hỏi về việc che giấu các khoản thanh toán cho hacker ở Âu Châu nhắm vào ban vận động của bà Clinton, và việc liên lạc bí mật của Moscow với nhóm Trump.

Các nhà điều tra liên bang quan tâm tới ông Cohen. Họ thực hiện cuộc khám xét văn phòng, nhà và phòng khách sạn của ông vào hôm Thứ Hai, một tình huống mà ông Trump gọi là hổ thẹn. (Nguyên Trân)

https://www.sbtn.tv/luat-su-michael-cohen-phu-nhan-toi-cong-hoa-czech-gap-gian-diep-nga/

 

Các nhà lãnh đạo Nam Mỹ chỉ trích Maduro,

doạ không công nhận kết quả bầu cử tại Venezuela

Lima, Peru. (Reuters)- Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ La tinh tại Lima, thủ đô Peru lên tiếng chỉ trích lãnh tụ Venezuela- ông Nicolas Maduro- và tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử không công bằng sắp được tổ chức tại nước này, vì thiếu sự tham dự đầy đủ của phe đối lập.

Venezuela sẽ bầu tổng thống vào ngày 20 tháng 5 tới và ông Maduro đang tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ nữa, trong khi cấm các lãnh tụ hàng đầu của phe đối lập tham gia cuộc chạy đua, giữa lúc đang diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo trầm trọng buộc hàng ngàn người phải di tản.

Mặc dù Venezuela không phải là đề tài chính thức của nghị trình thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhưng Hoa Kỳ cố gắng thuyết phục các quốc gia đồng minh tăng cường sức ép đối với Maduro không được mời tham dự cuộc họp. Phó tổng thống Hoa Kỳ, ông Mike Pence nói rằng Toà Bạch Ốc không đứng yên để nhìn Venezuela sụp đổ.

Vào cuối phiên họp, 15 vị nguyên thủ các quốc gia châu Mỹ La tinh và phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã ký một thông báo chung, lần đầu tiên ở cấp độ lãnh đạo đất nước, kêu gọi chính phủ Venezuela tổ chức bầu cử dân chủ và tự do. Thông báo chung của hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ La tinh cũng đồng thời yêu cầu chính phủ của ông Maduro phải phục hồi hoạt động của các tổ chức lập pháp và tôn trọng nhân quyền tại Venezuela.

Các nhà lãnh đạo các quốc gia khối châu Mỹ La tinh cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế lập kế hoạch ngay lập tức để giúp các nước tiếp nhận di dân Venezuela và khởi động một chương trình viện trợ nhân đạo.

Cũng liên quan đến Venezuela, hôm qua, ông Trudeau, thủ tướng Canada lên tiếng thúc giục các nhà lãnh đạo trên thế giới gia tăng áp lực đối với chính phủ Venezuela. Bên lề hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ La Tinh tại thủ đô Lima, thủ tướng Trudeau đồng thời kêu gọi Maduro để cho các tổ chức viện trợ nhân đạo đưa hàng hoá đến tay người dân Venezuela đang thiếu thốn thực phẩm và thuốc men. (Song Châu)

https://www.sbtn.tv/cac-nha-lanh-dao-nam-my-chi-trich-maduro-doa-khong-cong-nhan-ket-qua-bau-cu-tai-venezuela/

 

Đồng minh ‘chưa có kế hoạch’ tái không kích Syria

Các cường quốc phương Tây chưa có kế hoạch thực hiện thêm các cuộc oanh kích bằng tên lửa nhắm vào Syria, nhưng sẽ cân nhắc các giải pháp nếu chính quyền Damascus lại sử dụng vũ khí hóa học, ngoại trưởng Anh cho biết hôm 15/4.

Hoa Kỳ, Pháp và Anh đã phối hợp thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào chương trình vũ khí hóa học của Syria hôm 14/4 để trả đũa cho vụ tấn công bằng khí độc một tuần trước đó.

Ba quốc gia trên nhấn mạnh rằng các cuộc oanh kích không nhắm mục tiêu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hoặc can thiệp vào cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua, theo Reuters.

Trong khi Tổng thống Donald Trump ca ngợi thành công của cuộc oanh kích, chính quyền Damascus và các đồng minh coi đó là một hành động xâm lược, “không thể chấp nhận được”.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm 15/4 đã bảo vệ quyết định tham gia cuộc tấn công của Thủ tướng Theresa May, và cho rằng nó sẽ ngăn chặn việc Syria sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.

“Đây không phải là chuyện thay đổi chế độ… Đây không phải là chuyện tìm cách lật ngược tình thế trong cuộc xung đột ở Syria”, ông Johnson nói với hãng BBC.

“Hiện không có kế hoạch tấn công tiếp theo vì tới nay chính quyền Assad không ngốc nghếch tới mức thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nữa”.

“Nếu khi nào chuyện đó chuẩn bị xảy ra, thì rõ ràng chúng ta (Anh) sẽ cùng các đồng minh cân nhắc các giải pháp”, ông Johnson nói, tương tự như lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, phát biểu trước phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an trước đó.

Trong khi đó tại Damascus, theo truyền thông Nga, Tổng thống Assad nói với một nhóm các dân biểu Nga hiện thăm nước này rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của phương Tây là hành động xâm lược.

Các hãng tin trên cũng dẫn lời các nhà lập pháp Nga nói rằng ông Assad “có tâm trạng tốt”.

Nhà lãnh đạo bị nhiều nước cô lập này cũng ca ngợi hệ thống phòng không thời Xô Viết đã ngăn chặn các cuộc oanh kích của Mỹ, Anh và Pháp, và tin cho hay, đã chấp nhận lời mời thăm Nga tại một thời điểm chưa rõ là khi nào.

https://www.voatiengviet.com/a/dong-minh-phuong-tay-chua-co-ke-hoach-tai-oanh-kich-syria/4348966.html

 

Vụ Syria: Vì sao TT Trump sử dụng lời của ông Bush?

Tổng thống Trump hôm 15/4 lên tiếng bảo vệ quyết định sử dụng cụm từ “sứ mạng hoàn tất” khi nói về các cuộc không kích bằng tên lửa do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các mục tiêu ở Syria, sau khi truyền thông đề cập nhiều tới việc này.

Cụm từ trên gắn liền với cựu Tổng thống George W. Bush, khi nhà lãnh đạo này sử dụng nó trong chiến tranh Iraq, nhưng lại là điều “ám ảnh” ông suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, theo Reuters.

Hoa Kỳ, Pháp và Anh sớm ngày 14/4 thực hiện hàng chục cuộc không kích nhắm vào các địa điểm được cho là có liên quan tới một chương trình vũ khí hóa học.

Tổng thống Assad và đồng minh thân cận, Nga, bác bỏ chuyện quân chính phủ sử dụng vũ khí khóa học tấn công thường dân.

Ông Trump viết trên Twitter: “Cuộc không kích vào Syria được thực hiện hết sức hoàn hảo, với độ chính xác cao, và Truyền thông Tin Giả chỉ còn cách duy nhất để hạ nhục tôi bằng thuật ngữ “Sứ mạng Hoàn tất” tôi sử dụng”.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm: “Tôi biết là họ sẽ nắm lấy chuyện này nhưng cảm thấy đó là một thuật ngữ quân sự tuyệt vời, nên nó cần được nêu lại. Sử dụng thường xuyên!”

Hồi năm 2003, ông George W. Bush từng đứng dưới biểu ngữ viết “Sứ mạng Hoàn tất” khi ông tuyên bố rằng chiến dịch ở Iraq đã kết thúc sáu tuần sau cuộc xâm chiếm.

Nhưng cuộc chiến ở nước này đã kéo dài nhiều năm sau đó, theo AP.

https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-tong-thong-trump-su-dung-lai-loi-cua-ong-bush-trong-vu-khong-kich-syria/4348926.html

 

Lầu Năm Góc: Không kích của liên quân

áp đảo hệ thống phòng không Syria

Lầu Năm Góc ngày thứ Bảy cho biết Mỹ đã áp đảo và tránh được hệ thống phòng không của Syria trong đêm để tấn công mọi mục tiêu chính yếu của chương trình vũ khí hóa học của Syria, trong một cuộc không kích nhiều mũi nhọn từ trên không và ngoài biển cùng với các đồng minh Anh và Pháp.

Mặc dù hoạt động này diễn tiến trong vòng bí mật hàng giờ trước vụ nổ đầu tiên, song chỉ mất vài phút từ vụ nổ đầu tiên cho tới vụ nổ cuối cùng để thực hiện 105 cuộc không kích bằng phi đạn điều hướng chuẩn xác nhắm vào ba mục tiêu vũ khí hóa học của Syria, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Trung tướng Thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, bác bỏ những tuyên bố từ Nga và Syria nói rằng hàng chục phi đạn của phương Tây đã bị bắn hạ.

Ông cho biết hệ thống phòng không của Nga đã không khai hỏa, trong khi hệ thống phòng không của Syria hoàn toàn không hữu hiệu trước một cuộc tấn công từ nhiều hướng không chỉ gồm máy bay của Mỹ, Anh và Pháp mà còn cả các tàu khu trục của Mỹ, một tàu tuần dương và tàu khu trục của Pháp và thậm chí một tàu ngầm của Mỹ.

Hệ thống phòng không của Syria không chỉ không phát hiện được phi đạn đang bay tới mà vẫn cứ bắn dù các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp đã hoàn tất. Ông cho biết một số trong số hơn 40 tên lửa đánh chặn của Syria có thể đã bắn trúng các mục tiêu dân sự.

“Khi bạn bắn cục sắt lên trời mà không có sự điều hướng thì đương nhiên nó sẽ rơi xuống đất,” ông McKenzie nói với các phóng viên.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White cảnh báo rằng Nga đang tích cực tung hỏa mù về cuộc tấn công.

“Chiến dịch thông tin xuyên tạc của Nga đã bắt đầu. Những troll (người cố tình kích động trong diễn đàn để khơi lên phản ứng) của Nga đã tăng 2.000 phần trăm trong 24 giờ qua,” bà cho biết.

Mục tiêu chính của cuộc tấn công là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Barzeh ở thủ đô Damascus, nơi mà ông McKenzie lưu ý là “một trong những khu vực không phận được phòng vệ nghiêm ngặt nhất thế giới.”

Barzeh hứng chịu phần lớn hỏa lực, với 57 phi đạn hành trình Tomahawk và 19 phi đạn không đối đất chuẩn xác JASSM.

Mặc dù một số cơ sở hạ tầng vũ khí hóa học của Syria vẫn còn, “Tôi nghĩ chúng tôi đã giáng cho họ một đòn mạnh,” ông McKenzie nói, và nói thêm rằng chương trình vũ khí hóa học của Syria sẽ bị đẩy lùi trở lại nhiều năm.

Dù cơ sở hạ tầng vũ khí hóa học của Syria chịu thiệt hại nghiêm trọng, ông McKenzie nói Lầu Năm Góc sẽ không loại trừ khả năng chính phủ Assad vẫn còn năng lực sử dụng các vũ khí đó một lần nữa.

“Tôi sẽ nói rằng vẫn còn một phần sót lại của chương trình của Syria ở đâu đó,” ông nói.

“Tôi sẽ không nói rằng họ sẽ không thể tiếp tục thực hiện một vụ tấn công hóa học trong tương lai. Tuy nhiên tôi ngờ là họ sẽ phải suy nghĩ thật kỹ về chuyện đó.”

https://www.voatiengviet.com/a/lau-nam-goc-khong-kich-cua-my-triet-ha-nang-luc-vu-khi-hoa-hoc-cua-syria/4348118.html

 

Nga thất bại trong nỗ lực ở LHQ

lên án không kích nhắm vào Syria

Một nỗ lực của Nga để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhắm vào Syria, liên quan tới một vụ tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học, đã thất bại hôm thứ Bảy sau khi chỉ có Trung Quốc và Bolivia cùng Nga biểu quyết ủng hộ dự thảo nghị quyết.

Hội đồng 15 thành viên đã hội họp vào ngày thứ Bảy, theo yêu cầu của Nga, lần thứ năm về Syria kể từ một vụ tấn công bị nghi sử dụng khí độc nhắm vào thị trấn Douma cách đây một tuần. Mỹ, Pháp và Anh đã bắn 105 phi đạn trong đêm để đáp trả, nhắm vào chương trình vũ khí hóa học của Syria.

“Tại sao quí vị không đợi kết quả cuộc điều tra mà quí vị yêu cầu?” Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói sau cuộc biểu quyết. Ông cáo buộc Mỹ, Pháp và Anh “trắng trợn coi thường luật pháp quốc tế.”

“Tôi hy vọng những cái đầu nóng sẽ hạ nhiệt và sẽ dừng lại ở đó,” ông nói với các phóng viên.

Các nhà điều tra quốc tế từ cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu đang có mặt tại Syria và bắt đầu cuộc điều tra vào ngày thứ Bảy về một vụ tấn công bị nghi sử dụng khí độc. Nga và Syria đã nói rằng không có bằng chứng cho thấy một tấn công bằng vũ khí hóa học đã xảy ra.

Mỹ, Pháp và Anh biện hộ hành động quân sự của họ là hợp pháp trong cuộc họp Hội đồng Bảo an.

“Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã làm tê liệt chương trình vũ khí hóa học của Syria. Chúng tôi sẵn sàng duy trì áp lực này, nếu chế độ Syria dại dột muốn thử ý chí của chúng tôi,” Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói.

“Nếu chế độ Syria sử dụng khí độc này một lần nữa, Hoa Kỳ đã sẵn tư thế khóa và nạp đạn,” bà Haley nói.

Trong một phát biểu tại Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các nước “kiềm chế trong những tình huống nguy hiểm này và tránh bất kỳ hành động nào có thể leo thang sự việc và làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của người dân Syria.”

Tám nước biểu quyết chống lại dự thảo của Nga vào ngày thứ Bảy, dù Peru, Kazakhstan, Ethiopia và Guinea Xích đạo không biểu quyết. Nghị quyết cần có chín biểu quyết thuận và không có phủ quyết nào của Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh hoặc Mỹ để thông qua.

Hội đồng hôm thứ Ba không thông qua được ba dự thảo nghị quyết về các vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria. Nga phủ quyết một nghị quyết của Mỹ, trong khi hai nghị quyết của Nga không giành đủ chín biểu quyết thuận tối thiểu để thông qua.

Pháp, Mỹ và Anh dự định đệ trình một dự thảo nghị quyết mới nhằm dỡ bỏ chương trình vũ khí hóa học của Syria, diệt trừ khủng bố, đòi hỏi một tiến trình ngừng bắn ở Syria và tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, François Delattre, nói với hội đồng vào ngày thứ Bảy.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-that-bai-trong-no-luc-o-lien-hiep-quoc-len-an-khong-kich-nham-vao-syria/4348373.html

 

Vũ khí hóa học tại Syria : « Lằn ranh đỏ »

và thất bại của việc giải trừ

Hoa Kỳ, Anh và Pháp ngày 15/04/2018 đã mở chiến dịch tấn công nhắm vào một « trung tâm nghiên cứu » và hai « trung tâm sản xuất » dùng để làm vũ khí hóa học của chế độ Damas. Những hành động quân sự mà cả ba nước đồng minh này biện minh là Bachar al-Assad khi sử dụng vũ khí hóa học đã vượt lằn ranh đỏ do Barack Obama vạch ra năm 2012.

Kể từ đầu cuộc xung đột năm 2011, chế độ Syria đã nhiều lần bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học. Năm 2013, nhằm tránh một cuộc leo thang quân sự, một thỏa thuận Mỹ – Nga đã được ký liên quan đến việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chế độ Damas. Thế nhưng, theo AFP, năm năm sau, việc dỡ bỏ kho vũ khí này dường như vẫn còn dang dở.

Lằn ranh đỏ của Barack Obama

AFP nhắc lại ngay từ tháng 7/2012, chế độ Bachar Al-Assad đã thừa nhận sở hữu vũ khí hóa học. Một tháng sau đó, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Barack Obama đã có phản ứng, tuyên bố rằng việc sử dụng loại vũ khí này chính là một « lằn ranh đỏ » không nên vượt qua, bằng không sẽ « lãnh hậu quả to lớn ». Lúc đó, Hoa Kỳ vẫn còn do dự trong việc dấn thân vào địa bàn tác chiến mới. Câu thức « lằn ranh đỏ » trước hết chỉ nhằm mục đích răn đe.

Tuy nhiên, một năm sau, ông Obama bị dồn vào chân tường khi phe đối lập Syria vào tháng 08/2013 tố cáo chế độ Damas đã dùng đến khí độc trong các vụ tấn công nhắm vào thành phố đông Ghouta và Mouadamiyat al-Cham, gần Damas. Gần 1.400 nạn nhân thiệt mạng trong đó có 426 trẻ em.

Một liên quân gồm Washington, Luân Đôn và Paris đã được hình thành để đánh Syria. Thế nhưng, vào giờ chót, nghị viện Anh từ chối tấn công. Barack Obama e sợ bị Quốc Hội từ chối cũng thoái lui. Đơn độc, Paris không còn chọn lựa nào khác đành đi theo. François Hollande, tổng thống Pháp lúc bấy giờ, vẫn tin rằng « cơ hội bị vuột mất đó lẽ ra đã có thể làm đổi dòng cuộc chiến ».

Thỏa thuận 2013 dang dở

Nga tận dụng sự thoái lui đó để áp đặt cuộc chơi tại Syria. Matxcơva buộc Damas phải gia nhập Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học OIAC. Ngày 14/09/2013, một thỏa thuận Mỹ – Nga đã được ký kết tại Geenève, Thụy Sĩ nhằm dỡ bỏ kho vũ khí hóa học của Syria.

Ngày 19/08/2014, Hoa Kỳ hoan nghênh việc tiêu hủy nhiều thành phần từ kho vũ khí hóa học Syria bên bờ Địa Trung Hải. Tổng cộng hơn 580 tấn thiết bị để chế biến khí độc sarin và 19,8 tấn hoạt chất dùng để chế biến khí cay mù tạt đã bị hủy dưới sự giám sát của OIAC.

Nhưng đồng thời, ông Barack Obama quan ngại về những tuyên bố trái ngược và thiếu sót của Syria với OIAC. Tổng thống Mỹ nghi ngờ kể từ giờ chế độ dùng khí chlore như một loại vũ khí.

Báo cáo của một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc và OIAC công bố vào cuối tháng 8/2016 khẳng định là nhiều trực thăng quân sự Syria rải khí chlore xuống ít nhất hai địa phương thuộc tỉnh Idleb (tây bắc Syria) : tại Talmenes vào năm 2014 và Sarmine năm 2015.

Tháng 10/2016, một báo cáo khác của chính ủy ban này kết luận rằng quân đội Syria đã tiến hành tấn công bằng vũ khí hóa học, đương nhiên là bằng khí chlore tại Qmenas (tỉnh Idleb) năm 2015.

Phải đợi đến vụ tấn công ngày 04/04/2017 nhắm vào vùng Khan Cheikhoun thì phương Tây mới quyết định hành động. Tại địa phương này do quân nổi dậy của tỉnh Idleb kiểm soát, nhiều triệu chứng hiện ra sau đợt oanh kích của chế độ giống với những gì được ghi nhận từ các nạn nhân của một vụ tấn công bằng chất hóa học. Ít nhất có 83 người đã chết trong vụ này.

Để trả đũa, Donald Trump ra lệnh nã tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Chaayrate của Syrie (miền trung) trong đêm 06 rạng sáng 07/04/2017. Các chuyên gia của OIAC và Liên Hiệp Quốc sau đó còn xác nhận rằng khí ga sarin đã được sử dụng và chế độ Damas phải chịu trách nhiệm. Lời cáo buộc đã bị Damas bác bỏ.

Lằn ranh đỏ mới

Đắc cử tổng thống vào tháng 5/2017, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron lấy lại khái niệm « lằn ranh đỏ » của Barack Obama. Khi tiếp đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại cung điện Versailles, tổng thống Pháp đã dùng lại thuật ngữ này và nhấn mạnh rằng việc dùng đến loại vũ khí này « bởi bất kể đó là ai » sẽ là đối tượng của hành động « đáp trả tức thì ».

Nước Nga, đồng minh của chế độ, phủ nhận sự tồn tại của kho vũ khí hóa học này. Trung tuần tháng Ba năm 2018, Nga tố cáo phe nổi dậy tìm cách dàn dựng các vụ tấn công bằng chất hóa học nhằm mục đích tạo cớ để phương Tây tấn công.

Tuy nhiên, vào ngày 07/04/2018, lính Mũ Nồi Xanh, nhân viên cứu hộ, một nhóm quân nổi dậy và phe đối lập lánh nạn tố cáo chế độ Damas đã thực hiện một vụ tấn công hóa học tại đông Ghouta. Chính quyền Syria cũng như đồng minh tất cả một lần nữa phủ nhận vụ tấn công như thế.

Tổng thống Macron trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã khẳng định Pháp có bằng chứng về vụ tấn công này mà không cần đợi kết quả điều tra của OIAC. Một báo cáo giải mật của Pháp cho rằng Nga cũng có trách nhiệm trong vụ tấn công ngày 07/04.

Tài liệu này có ghi như sau : « Việc sử dụng chất hóa học cho phép đánh bật các chiến binh kẻ thù trú ẩn trong các khu dân cư nhằm tiến hành một cuộc chiến đô thị trong những điều kiện có lợi cho chế độ Damas ». Bởi vì, Nga, đồng minh vững chắc của Syria « đã có một sự hỗ trợ tích cực không thể chối cãi cho các chiến dịch tái chiếm đông Ghouta ».

Tài liệu kết luận : « Không những thế, Nga còn bền bỉ bao che chính trị cho chế độ Damas về việc sử dụng vũ khí hóa học, bất kể là tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hay với OIAC, bất chấp những kết luận ngược lại của JIM – cơ chế điều tra chung của Liên Hiệp Quốc và OIAC ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180415-vk-hoa-hoc-syria-lan-ranh-do-giai-tru

 

Cuba: Chủ tịch Raul Castro

và những cải cách chưa trọn vẹn

Ông Raul Castro chính thức rời vị trí chủ tịch Cuba trong tháng 04/2018, nhưng tiếp tục giữ vai trò tổng bí thư đảng Cộng Sản. Từ năm 2006, khi ông lên thay anh trai Fidel nắm quyền, bộ mặt của Cuba đã thay đổi theo những chính sách cải cách tái bạo mà từ lâu khó có thể hình dung ra được tại đất nước Cộng Sản.

Người dân Cuba hiện được hưởng nhiều tự do hơn, như có thể du lịch nước ngoài, tự thành lập doanh nghiệp, thậm chí, người ta còn nhìn thấy quốc kỳ Mỹ phấp phới trên đường phố La Habana. Tuy nhiên, theo AFP, nền kinh tế Cuba vẫn chưa thật sự khởi sắc với nhiều chương trình cải cách quan trọng còn bị trì hoãn.

1. Cải thiện quan hệ với Mỹ

Sự kiện quan trọng nhất đánh dấu thời kỳ Raul Castro diễn ra vào ngày 17/12/2014 khi ông thông báo trên truyền hình về tiến trình xích lại gần hơn với cựu thù Mỹ từ thời chiến tranh lạnh. Ngày 20/06/2015, hai nước nối lại quan hệ ngoại giao. Tháng 03/2016, chủ tịch Cuba đón tổng thống Mỹ Barack Obama tại La Habana.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ bị chững lại kể từ khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng vì tân tổng thống Mỹ có đường lối cứng rắn với Cuba.

2. Du lịch và nhập cư

Năm 2013, ông Raul Castro chấm dứt những biện pháp hạn chế khắc nghiệt ngăn cản người Cuba ra nước ngoài. Từ đó, người dân được phép xuất ngoại trong vòng hai năm mà không bị mất tài sản hay nhà ở nếu họ ra đi một cách hợp pháp.

Biện pháp cải cách này đã tạo điều kiện cho các chuyến thăm viếng và di dân Cuba hồi hương. Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2016, hơn 670.000 người Cuba đã ra nước ngoài hơn một triệu lượt.

3. Lĩnh vực tư

Dưới thời chủ tịch Raul Castro, nền kinh tế Cuba đã mở cửa cho lĩnh vực tư nhân. Hiện Cuba có khoảng 580.000 lao động tư nhân hoặc « tự chủ », chiếm 12% dân số trong độ tuổi lao động. Việc cấp giấy phép mới cho một số hoạt động nhiều lợi nhuận, như dịch vụ nhà hàng, bị tạm ngừng từ tháng 08/2017 trong khi chờ quy định mới.

4. Mua – Bán

Cuối năm 2011, ông Raul Castro đã cho phép cá nhân được mua và bán nhà ở. Sau đó, đến năm 2014, thị trường ô tô được tự do hóa nhưng khách hàng của các đại lý Nhà nước lại phàn nàn về mức giá quá đáng của các loại xe mới, cao gấp 5 lần so với giá bán ở nước ngoài.

5. Internet

Từ năm 2013, chính phủ đã cho phép truy cập internet và lắp đặt nhiều điểm truy cập wifi công cộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, người dân Cuba vẫn chưa có dịch vụ 3G và chỉ một bộ phận nhỏ người dân truy cập được internet tại nhà. Đây vẫn là một điểm yếu của Cuba.

6. Đầu tư nước ngoài

Kể từ năm 2014, chủ tịch Cuba đã thay đổi luật để khuyến khích đầu tư nước ngoài và khánh thành khu cảng Mariel rộng lớn, cách thủ đô La Habana khoảng 45 km về phía đông. Khu vực này cũng được phát triển để trở thành vùng công nghiệp lớn nhất của Cuba.

Nhưng hiện giờ, do lệnh cấm vận của Mỹ và nhiều quy định hạn chế của chính phủ Cuba, trung bình đầu tư nước ngoài vẫn còn dưới ngưỡng mục tiêu của chính phủ, được ấn định là 2,5 tỉ đô la hàng năm để thúc đẩy mức tăng trưởng 4%.

7. Nợ nước ngoài

Giữa những năm 2013 và 2016, Cuba đã đàm phán lại được khối nợ nước ngoài với tất cả các chủ nợ, thanh toán tổng số tiền 23 tỉ đô la còn thiếu và gây dựng được độ tin cậy của nước này trên thị trường. Nhờ đó, Cuba có thể có được những khoản vay mới.

8. Thống nhất đồng tiền

Cuba sắp xóa bỏ việc lưu hành song song hai đồng tiền : đồng peso Cuba được dùng trong trao đổi nội địa và đồng peso hoán đổi (tương đương với đồng đô la Mỹ, trị giá khoảng 24 đến 25 peso Cuba) chủ yếu dùng trong việc mua bán sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu.

Đây là hệ thống có một không hai trên thế giới, và gây mất cân đối cho nền kinh tế Cuba từ năm 1994. Biện pháp cải cách trên vừa mang tính then chốt vừa rất phức tạp và đã nhiều lần bị hoãn lại.

9. Cải cách ruộng đất

Năm 2008, Cuba cho phép nông dân được quyền sử dụng đất bỏ hoang. Lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là « chiến lược » để giảm thiểu phụ thuộc vào nhập khẩu.

Từ đó, Nhà nước đã phân phối hơn 1 triệu ha đất, thực hiện vi tín dụng và tạo điều kiện cho tư nhân mua bán. Tuy nhiên, Cuba vẫn nhập đến 80% lượng lương thực tiêu thụ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180415-cuba-chu-tich-raul-castro-va-nhung-cai-cach-chua-tron-ven

 

Tấn công Syria:

Sau trận chiến tên lửa là mặt trận tin học ?

Phương Tây hạn chế leo thang quân sự với Nga và Iran khi chỉ nhắm vào các điểm có liên quan đến vũ khí hóa học của Damas. Dù vậy, Hoa Kỳ nghi ngờ một cuộc đối đầu mới có thể xảy ra, không phải trên chiến trường mà trên không gian mạng. Một địa bàn mà Nga và Iran đã cho thấy rõ khả năng gây hại của mình.

Từ New York, thông tín viên Grégoir Pourtier giải thích :

« Vụ tấn công của Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đương nhiên là một vụ tấn công ngoạn mục nhất tại Syria, nhưng không phải vì thế mà không cân nhắc mục tiêu, đó là đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học mới, Washington khẳng định tin vào việc Damas không chỉ sử dụng chất chlore mà cả khí sarin.

Khi nhắm vào ba địa điểm chiến lược, hành động đáp trả được cho là « tương xứng » nhằm không gây ra một cuộc leo thang quân sự với Nga và Iran, đồng minh của Damas.

Chiến dịch tấn công chính xác và có giới hạn này chỉ nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất vũ khí hóa học cũng như ý muốn sử dụng loại vũ khí này của chính quyền Bachar al Assad.

Dù vậy, Hoa Kỳ không loại trừ khả năng bị trả đũa. Bởi vì, Matxcơva và Téhéran không thể đối đầu trên phương diện quân sự, nhưng năng lực vũ khí tin học của họ là rất cao.

Dana White, phát ngôn viên Lầu Năm Góc e ngại ví dụ như thông tin chính thức của bộ Quốc Phòng Mỹ sẽ bị các thông điệp giả và trái chiều phát tán trên mạng Internet gây nhiễu.

Bài nói : « Chiến dịch bóp méo thông tin của Nga đã bắt đầu. Hoạt động của tin tặc Nga đã gia tăng 2000% trong vòng 24 giờ qua ».

Một vụ tấn công tin học quy mô lớn cũng được nhiều chuyên gia nghĩ đến. Chặn các kênh giao tiếp của Mỹ trong khu vực, hay gây nhiễu hệ thống điện tại Mỹ, ở đó các virus tin học Nga và Iran đã được phát hiện, từ nhiều năm qua và nhất là trong những tuần gần đây ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180415-tan-cong-syria-ten-lua-tin-hoc-qt

 

Phương Tây tấn công Syria:

Liban lo ngại hậu quả lâu dài trong khu vực

Sau cuộc oanh kích chớp nhoáng của Liên quân Mỹ-Anh-Pháp vào Syria, phản ứng của Damas và các đồng minh là lên án mạnh mẽ, nhưng đồng thời cố gắng giảm thiểu hiệu quả của cuộc tấn công.

Liban tỏ lo ngại vụ tấn công sẽ gây hậu quả cho việc giải quyết khủng hoảng khu vực trong tương lai.

Thông tín viên Paul Khalifeh tại Beyrouth ghi lại một vài phản ứng của các nước trong khu vực Trung Đông:

Chỉ vài giờ sau khi phương Tây oanh kích, các lãnh đạo Syria và truyền thông thân cận Damas đã tỏ thái độ vững tin và quyết tâm trước điều mà họ gọi là « sự xâm lược của bộ ba ». Ngay sáng qua, phủ tổng thống Syria đã đăng lên mạng một vidéo cho thấy ông Bachar al-Assad thư thái đi lại trong một nơi có vẻ như là dinh tổng thống. Lời bình kèm theo hình ảnh: « Buổi sáng kháng chiến ». Trong một cuộc điện đàm với người đồng sự Iran, Hassan Rohani, tổng thống Syria đã bày tỏ quyết tâm hơn bao giờ hết « đấu tranh chống khủng bố trên từng tấc đất »,

Liban bị kẹp trên đe dưới búa, là nước có 220 km đường biên giới với người láng giềng bên sườn đông và đã đón tiếp hơn một triệu người tị nạn Syria. Cùng lúc, Liban lại có quan hệ tốt với Mỹ, nước ủng hộ chính về quân sự cho Liban. Tổng thống Michel Aoun đánh giá cuộc tấn công Syria sẽ không giúp » tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng » và sẽ khiến cho đối thoại « thêm khó khăn ».

Trái lại, phong trào Hezbollah đang chiến đấu cùng quân đội Syria thì lại tỏ ra không kiềm chế. Hezbollah khẳng định, cuộc « chiến tranh» của Mỹ chống Syria « sẽ không đạt được mục tiêu».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180415-phuong-tay-tan-cong-syria-liban-lo-ngai-hau-qua-lau-dai-trong-khu-vuc

 

Syria: Sau răn đe,

Pháp muốn thúc đẩy đàm phán ngoại giao tại LHQ

Thu Hằng

Chỉ một ngày sau trận oanh kích phối hợp với Anh và Mỹ sáng 14/04/2018, Pháp muốn nối lại con đường ngoại giao để « đi đến khả năng giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng Syria », theo phát biểu trên đài truyền hình TF1 ngày 15/04/2018 của ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian.

Thứ Hai 16/04, Pháp sẽ đề xuất một dự thảo nghị quyết mới tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Thông tín viên RFI Marie Bourreau giải thích từ New York :

« Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc François Delattre, trong một phiên họp khẩn của Hội Đồng Bảo An ngày 14/04 sau loạt tấn công, khẳng định rằng một văn kiện đang được soạn thảo.

Lập trường của Paris khá rõ ràng : Đó là chứng tỏ rằng loạt oanh kích không phải là cuộc tấn công quân sự ở Syria mà là một dấu hiệu cứng rắn, nhưng sẽ không có ý nghĩa nếu không có sự tái đầu tư trên phương diện chính trị.

Đây cũng là một thông điệp khá trực tiếp cho Washington, một bên tham gia đợt oanh kích. Hoa Kỳ đã không ngại đưa ra những lời đe dọa mới, khẳng định sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu còn xảy ra những vụ tấn công hóa học mới. Thế nhưng, cũng chính Washington cách đây vài tuần cho biết muốn rút khỏi chiến trường Syria.

Vì vậy, Paris sẽ cố thử thêm vận may của mình để trở lại bàn cờ ngoại giao tại Syria với việc lần đầu tiên đề xuất một dự thảo nghị quyết đề cập đến ba chủ đề chính của cuộc khủng hoảng Syria : chính trị, nhân đạo và hóa học ».

Macron muốn tham vấn với Erdogan về hòa bình tại Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trở thành một nhân vật quan trọng trong cuộc khủng hoảng tại Syria. Trong cuộc điện đàm ngày 15/04/2018 với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn « tăng cường tham vấn » với ông Erdogan trong những ngày tới để tìm ra « một giải pháp chính trị cho Syria ».

Trước đó, tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói chuyện điện thoại với ông Erdogan. Theo điện Kremlin ngày 15/04, hai bên nhất trí gia tăng nỗ lực song phương để giải quyết cuộc xung đột ở Syria bằng con đường chính trị.

Ngay sau cuộc tấn công của ba nước Anh, Pháp, Mỹ, nhắm vào ba khu vực có liên quan đến vũ khí hóa học của Syria, Nga đã trình lên Hội Đồng Bảo Anh một dự thảo nghị quyết, chỉ gồm 5 khổ, lên án loạt tấn công của phương Tây, song dự thảo đã bị bác bỏ do không nhận đủ 9 phiếu ủng hộ.

Trong khi đó, đại diện của 29 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong phiên họp chiều 14/04 đã ủng hộ hoàn toàn hành động của ba nước Anh, Pháp, Mỹ. Đối với tổng thư ký Jens Stiltenberg, Nga phải « thể hiện trách nhiệm » và thúc đẩy Damas tham gia tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneve dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

http://vi.rfi.fr/phap/20180415-syria-sau-ran-de-phap-muon-thuc-day-dam-phan-ngoai-giao-tai-lhq

 

Ngoại trưởng Trung Quốc đến Nhật

chuẩn bị hội nghị ba bên về Bắc Triều Tiên

Thu Hằng

Tokyo sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc về Bắc Triều Tiên, vào tháng 05/2018. Để chuẩn bị, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Nhật Bản ngày 15/04, mở đầu chuyến công du ba ngày. Ông sẽ hội đàm với đồng nhiệm Taro Kono và gặp thủ tướng Shinzo Abe.

Chuyến viếng thăm của ông Vương Nghị cũng được đánh giá là dấu hiệu giảm căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :

« Tranh chấp lãnh thổ, cáo buộc gián điệp hoặc các tội ác mà quân đội Nhật Bản phạm phải trong giai đoạn Thế Chiến II và Bắc Kinh luôn yêu cầu phía Tokyo xin lỗi… phải nói là căng thẳng giữa hai nước không hề thiếu.

Nhưng từ giờ Bắc Kinh và Tokyo có chung một mục tiêu : đó là tránh mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Hình ảnh một Kim Jong Un có thể kích hoạt bất kỳ lúc nào nút nhấn nguyên tử ám ảnh cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc.

Vào tháng Năm tới, thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tham gia hội nghị ba bên tại Tokyo cùng với Hàn Quốc. Vì thế, ngoại trưởng Vương Nghị đến Nhật Bản để chuẩn bị cho chuyến đi của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc.

Một nhiệm vụ khác của ông Vương Nghị là cùng với đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono chủ trì cuộc đối thoại kinh tế lần thứ 4, bị đình hoãn từ 8 năm nay vì những bất đồng giữa hai nước.

Hiện nay, vào lúc một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đang thành hình, Bắc Kinh tìm cách tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Một dấu hiệu tích cực là vào năm 2017, trao đổi thương mại giữa nền kinh tế thứ hai và thứ ba trên thế giới đã tăng 10% ».

Kim Jong Un kêu gọi tăng cường quan hệ với Trung Quốc

Trong buổi nói chuyện với ông Tống Đào (Song Tao), trưởng ban Đối ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Kim Jong Un nói sẽ « nỗ lực phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa Cộng Hòa Dân Chủ Triều Tiên và Trung Quốc hướng đến một giai đoạn mới ».

Theo AFP, ông Tống Đào đang dẫn đầu đoàn nghệ thuật Trung Quốc tham dự Lễ hội Mùa Xuân ở Bình Nhưỡng và kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (sinh năm 1912). Chân dung nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được chiếu làm nền trong một buổi hòa nhạc lớn của Bắc Triều Tiên. Trung Quốc luôn cử đoàn nghệ thuật tham gia lễ hội thường niên này kể từ năm 1986, trừ trường hợp ngoại lệ 2016.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180415-ngoai-truong-trung-quoc-den-nhat-chuan-bi-hoi-nghi-ba-ben-ve-bac-trieu-tien

 

Vụ Skripal : Nga chất vấn OIAC

Minh Anh

Ngày 14/04/2018, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov đã có những chỉ trích nhắm vào báo cáo của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học OIAC liên quan đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Serguei Skripal. Theo ông, cuộc điều tra của OIAC đã bị định hướng để kết tội Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên Etienne Bouche tường thuật:

« Ngoại trưởng Serguei Lavrov hôm qua đã phản bác báo cáo của Tổ chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC) về vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal. Nhân một hội nghị hàng năm về chính sách đối ngoại, Ông Lavrov đã tỏ nghi ngờ về độ tin cậy của những kết luận đã được tổ chức trên công bố.

Việc phân tích các mẫu lấy từ Salisbury đã được tiến hành tại một phòng thí nghiệm Thụy Sĩ. Ông Serguei Lavrov khẳng định Nga đã nhận được các thông tin mật.

Ông nói : «  Chất BZ đã được tìm thấy trong tất cả các mẫu. BZ là một chất độc thần kinh. Chất này đã được quân đội Mỹ, Anh và nhiều nước NATO khác sử dụng. Chất độc này chưa bao giờ được sử dụng tại Liên Xô cũng như Nga. Không có một ghi chú nào về chất BZ trong báo cáo. Vì thế chúng tôi đặt câu hỏi thế này cho OIAC : Tại sao thông tin đó đã bị bỏ qua trong báo cáo ? »

Hôm thứ Năm (12/04), OIAC thông báo các phân tích khẳng định những phát hiện của Anh liên quan đến loại chất độc đã được sử dụng tại Salisbury là đúng. Luân Đôn đã tố cáo Mátxcơva nhưng Nga phủ nhận mọi trách nhiệm trong vụ này ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180415-vu-skripal-nga-phan-bac-bao-cao-ve-doc-duoc-cua-oiac