Tin Việt Nam – 14/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 14/04/2018

Thế nào là

“lật đổ chính quyền nhân dân” tại Việt Nam?

Hòa Ái, phóng viên RFA

Trong những ngày tháng 4 năm 2018, một loạt các nhà hoạt động dân chủ ôn hòa bị tuyên các bản án nặng nề, với cáo buộc “lật đổ chính quyền nhân dân”. Thế nào là tội “lật đổ chính quyền nhân dân” ở Việt Nam, và vì sao ngày càng có nhiều người dân nhận lãnh tội danh này?

Gần 80 năm tù cho 7 công dân Việt Nam

Dư luận trong và ngoài nước, suốt 2 tuần lễ vừa qua, đặc biệt theo dõi thông tin về các phiên tòa xét xử đối với những nhà hoạt động dân chủ ôn hòa tại Việt Nam.

Trong số 9 người lần lượt ra tòa, bao gồm Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Luật gia Nguyễn Bắc Truyển, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Thầy giáo Vũ Văn Hùng, ông Nguyễn Văn Túc, cô Lê Thu Hà, cô Trần Thị Xuân và anh Nguyễn Viết Dũng có đến 7 người bị tuyên án theo dội danh “lật đổ chính quyền nhân dân’, với tổng cộng 76 năm tù giam.

Bà Hoàng Thị Bình Minh, thân mẫu của cô Lê Thu Hà ghi nhận về phiên tòa hôm mùng 5 tháng 4, mà bà được cho vào tham dự:

“Tôi thấy phiên tòa diễn ra rất là bất hợp pháp, có nghĩa là mọi chứng cứ không được rõ ràng và Việt Kiểm Sát luận tội bằng mọi cách để buộc tội các bị cáo phải nhận tội, mà trong khi tôi thấy các nhà hoạt động đều đưa ra một ý kiến chung là họ không có ý thức lật đổ chính quyền. Tôi thấy bản án hết sức nặng nề và không minh bạch.”

Cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định, một người cũng bị tuyên án tù với tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân”, nói với RFA về khái niệm của tội danh này trong luật pháp Việt Nam:

Chưa bao giờ ‘chính quyền nhân dân’ được quy định một cách cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp cũng như trong bất kỳ văn bản pháp luật nào hết. Và, trong luật hình đặc biệt thì cũng không có một quy định cụ thể thế nào là ‘chính quyền nhân dân’. Cho nên khái niệm ‘chính quyền nhân dân’ đã mơ hồ rồi, thì khái niệm ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ cũng mơ hồ theo

-Luật sư Lê Công Định

“Cụm từ ‘chính quyền nhân dân’ chỉ được nhắc đến duy nhất ở một điều trong Hiến pháp, liên quan đến Mặt trận Tổ quốc khi nói ‘Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức tập hợp những thành phần, những tổ chức xã hội trong chính quyền nhân dân’. Chưa bao giờ ‘chính quyền nhân dân’ được quy định một cách cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp cũng như trong bất kỳ văn bản pháp luật nào hết. Và, trong luật hình đặc biệt thì cũng không có một quy định cụ thể thế nào là ‘chính quyền nhân dân’. Cho nên khái niệm ‘chính quyền nhân dân’ đã mơ hồ rồi, thì khái niệm ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ cũng mơ hồ theo.”

Luật sư Lê Công Định nhấn mạnh rằng trong các yếu tố cấu thành tội phạm của tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79 trong luật cũ và Điều 109 trong luật mới, đều không có định nghĩa cụ thể lật đổ ra làm sao và chính quyền nhân dân là thế nào.

7 nhà hoạt động dân chủ vừa bị tuyên các bản án tù nặng nề, trước cáo buộc của tòa án về tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân’, đã khẳng khái tuyên bố rằng những việc họ làm đúng theo Hiến pháp Việt Nam và họ vô tội.

Phản đối của công luận

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, ngay sau khi những bản án tù được tuyên cho những nhà hoạt động dân chủ, cư dân mạng tại Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng vì nhiều người thật sự không hiểu được những thành viên trong các tổ chức xã hội dân sự độc lập không một tấc sắc trong tay làm thế nào có thể chống chọi với một hệ thống chính quyền có lực lượng công an, quân đội hùng hậu của Việt Nam.

Phát ngôn viên của Hội Anh Em Dân Chủ, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Thúy Quỳnh lên tiếng 7 nhà hoạt động dân chủ bị buộc tội “lật đổ chính quyền nhân dân”, trong đó có 6 thành viên của Hội này vì tiêu chí hoạt động của họ là cổ súy cho tự do, dân chủ, đa nguyên đa đảng để đất nước được tiến bộ và văn minh. Cô Thúy Quỳnh nhấn mạnh vì lẽ đó mà Đảng Cộng Sản Việt Nam cho rằng các nhà hoạt động dân chủ chống Đảng và họ phải chịu những bản án hà khắc do Đảng cầm quyền tại Việt Nam định sẵn, mà cô cho là “vô cùng bất công và phi nhân tính”.

Bên cạnh làn sóng phản đối từ trong nước, công luận quốc tế cũng mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Chính quyền Việt Nam đã dùng các điều luật mơ hồ để kết án tù công dân của mình và những bản án đó vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Nhiều Chính phủ như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu-EU, Đức… cùng các tổ chức nhân quyền trên thế giới kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam, cũng như cho phép mọi công dân tự do bày tỏ quan điểm của họ và tụ họp một cách ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt.

Một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc, vào ngày 12 tháng 4, phát đi thông cáo báo chí nói rằng hết sức quan ngại về cách thức Việt Nam hành xử đối với những nhà hoạt động ôn hòa, nhằm dập tắt những tiếng nói đối lập cùng những nhà bảo vệ nhân quyền mà sử dụng Điều 79 Bộ Luật Hình Sự “lật đổ chính quyền nhân dân” để cáo buộc và kết án họ có thể lên đến mức chung thân hoặc tử hình.

Qua sự chỉ trích và phản đối của công luận thế giới liên quan các bản án tù mới nhất mà Tòa án Việt Nam tuyên cho các nhà hoạt động dân chủ ở trong nước, Đài RFA cũng được nghe Luật sư Lê Công Định lý giải về thế nào là chống lại chính quyền, theo thông lệ quốc tế:

“Thường nói lật đổ là ‘chống lại Hiến pháp’. Các đảng phái chính trị hoạt động theo Hiến pháp, có đăng ký tranh cử và cầm quyền thông qua một chế độ bầu cử cụ thể. Một khi chống lại các điều này và thay đổi tất cả thì bị buộc tội, mà các quốc gia dân chủ gọi là ‘chống lại Hiến pháp’, chứ cũng không dùng từ ‘lật đổ chính quyền’. Khái niệm ‘lật đổ’ là khái niệm của những người Cộng sản. Bởi vì trong quá khứ, hành động của họ là lật đổ và cướp chính quyền, cho nên có cái tội ‘lật đổ chính quyền’. Còn các nước khác chỉ có tội ‘chống lại Hiến pháp’ mà thôi. Ngay cả ‘chống lại Hiến pháp’ một cách ôn hòa cũng không phải là tội, mà ‘chống lại Hiếp pháp’ phải có những biện pháp dùng vũ lực, như là có hành động đảo chính, phải có quân sự, có vũ khí, có khí tài và có những cuộc tấn công cụ thể, hoặc là bàn bạc tấn công thì mới gọi là đảo chính chống Hiến pháp.”

Vẫn đấu tranh đến cùng

Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam. Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nêu lên bởi vì quy định này trong Hiến pháp mà Chính quyền Hà Nội bắt bớ, cầm tù bất kỳ ai cổ súy cho dân chủ, đa nguyên đa đảng ở quốc gia này. Song hành với việc Chính quyền đàn áp phong trào dân chủ ở Việt Nam bằng những bản án tù đày, qua các Điều 88, 258, 245 hay 79 Bộ Luật Hình Sự thì ngày càng có nhiều người dân tiếp bước nhau để tham gia vận động thay đổi đất nước được tốt đẹp hơn theo xu hướng dân chủ hóa, điển hình riêng trong năm 2017, có hơn 50 người bị bắt giam. Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Thúy Quỳnh cho biết những người dân Việt Nam giống như cô quyết tâm đi đến cùng trên con đường mà họ đã chọn dấn thân:

Tôi thấy phiên tòa diễn ra rất là bất hợp pháp, có nghĩa là mọi chứng cứ không được rõ ràng và Việt Kiểm Sát luận tội bằng mọi cách để buộc tội các bị cáo phải nhận tội, mà trong khi tôi thấy các nhà hoạt động đều đưa ra một ý kiến chung là họ không có ý thức lật đổ chính quyền. Tôi thấy bản án hết sức nặng nề và không minh bạch

-Thân mẫu cô Lê Thu Hà

“Tại vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi làm công việc này với trách nhiệm và bổn phận của một người con dân Việt Nam, mình phải có nghĩa vụ làm công việc đó để bảo vệ đất nước của mình, mình bảo vệ chính tương lai của con cháu mình và cả dân tộc của mình sau này.”

Đài RFA cũng trao đổi với các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam và được họ cho biết càng bị áp bức và đàn áp thì tinh thần của họ càng vững vàng, như Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang lên tiếng rằng cô đấu tranh để xóa bỏ Nhà nước độc tài Cộng Sản Việt Nam.

Trong lúc trò chuyện cùng thân mẫu của cô Lê Thu Hà, một cô giáo thế hệ 8X vừa bị tuyên 9 năm tù giam và 2 năm quản chế vì tội “lật đổ chính quyền nhân dân”, bà Hoàng Thị Bình Minh chia sẻ với chúng tôi rằng bà luôn tin tưởng và ủng hộ những việc làm của con gái. Bà Bình Minh, nói với RFA giờ đây bà tiếp tục công việc của con gái bà trong những ngày sắp tới:

“Tôi thấy nhân danh Nhà nước Việt Nam mà hình thức xử phạt các bị cáo trong vụ án vừa rồi là hoàn toàn bất công. Tôi nhờ các tổ chức quốc tế, tất cả các đài báo và những người yêu công lý, tự do cho nhân quyền hãy lên tiếng phản đối sự bất công của Tòa án Hà Nội đã kết tội vô pháp với những người hoạt động đấu tranh cho một nền dân chủ.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/overthrowing-the-state-in-vietnam-what-does-it-mean-04132018154341.html

 

Bà Trần Thị Mai muốn đến Sứ quán VN để nói gì?

Thi thể Trần Thị Mai đã được gói kín và chôn cất ở quê nhà, nhưng những uẩn khúc xung quanh cái chết của bà mới đang dần hé lộ.

Có nhiều mâu thuẫn xoay quanh thông tin cái chết của bà Mai, với báo chí chính thống ở Việt Nam nói bà Mai mâu thuẫn với người môi giới đi cùng bà đến sứ quán Việt Nam ở Malaysia và đột nhiên nổi giận, tự tử.

Còn tờ Star Online của Malaysia viết bà tỏ ra bức xúc sau khi làm việc với nhân viên của sứ quán.

Cái chết bà Mai được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng người Việt ở Malaysia. Nhiều người từng tiếp xúc quen biết bà Mai đặt ra nhiều nghi vấn về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà.

Malaysia: Đưa thi hài người tự sát ở ĐSQ về VN

Châu Á trong cuộc chiến chống ‘tin giả’: cấm hay không?

Malaysia thông qua luật chống ‘tin giả’

‘Đã rất muốn gặp đại sứ’

Đoạn ghi âm do một người thân cận của bà Mai gửi cho BBC cho thấy bà Mai đã mong muốn gặp đại sứ Việt Nam ở Kuala Lumpur vì mối quan hệ với một cán bộ của sứ quán.

Một nguồn thân cận khác của bà Mai cung cấp cho BBC một đoạn tin nhắn thoại bà Mai gửi vào 21/3, vài tuần trước khi vụ việc tự sát xảy ra.

Tin nhắn nói: “Em muốn gặp ngài đại sứ. Chỉ có giải trình với ngài ấy, chỉ có ngài ấy mới đưa em về Việt Nam. Thứ nhất là em muốn giữ bí mật cho bố đứa bé, là một nhân viên được sự quản lý của ngài đại sứ.”

Gia đình bà Mai xác nhận, vào mùa thu năm ngoái bà Mai đã sinh một bé trai, nhưng không đề cập mối quan hệ tình cảm của bà Mai.

Phóng viên BBC từ châu Á đã gọi điện đến số của Đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur hôm 11/04 để xin lời phản hồi về vụ việc nhưng không được ai nhấc máy.

Một nguồn thân cận của bà Mai cho biết vài ngày cuối tháng 3, bà Mai cũng gọi điện thoại cho đại sứ quán để xin gặp đại sứ, nhưng bị từ chối.

Cha đứa trẻ là ai?

Trước khi chết bà Mai đã liên hệ với nhiều người trong và ngoài nước chia sẻ về hoàn cảnh của mình.

Vụ việc bà tự sát gây chấn động, khiến nhiều người quen biết bà Mai đồng loạt đăng tải thông tin với nhiều cáo buộc và đặt nghi vấn về cha đứa trẻ.

Ngày 1/4, một ngày trước khi vụ việc tự sát xảy ra, bà Mai đã chia sẻ dòng tâm sự với một thân cận rằng:

“Em chỉ ước gì ngày em gặp nạn, đến thẳng lãnh sự quán Việt Nam! Cha mẹ em không chấp nhận đứa bé này.”

Cảnh sát Malaysia “muốn biết nguyên nhân bà Mai tự sát”

Cảnh sát trực tiếp điều tra vụ việc Moh Ridzuan Bin Alang cho BBC biết hôm 11/4 rằng ông “muốn tìm ra nguyên nhân vì sao bà Mai kết liễu cuộc đời”.

Điều này cũng phản ánh nguyện vọng của chính gia đình bà Mai, theo như người em, ông Trần Văn Út Ngoan, cũng nói với BBC cùng ngày.

Ông Bin Alang cho biết vẫn đang chờ kết quả giám định pháp y thu thập được.

Thi thể bà Mai đã được đưa về Việt Nam mai táng từ 6/4 theo ý nguyện của gia đình.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43723535

 

Đồng Nai giải cứu nhiều phụ nữ

bị lừa bán sang Trung Quốc

Một số phụ nữ Việt được nói bị lừa bán sang Trung Quốc được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai giải cứu.

Thông tin được Công an tỉnh Đồng Nai cho biết hôm 13/4.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, cơ quan này đã kết hợp với Cục Cảnh sát hình sự thuộc Bộ Công An trong công tác vừa nêu.

Cụ thể một phụ nữ tại huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai kể lại với cơ quan chức năng, vào giữa tháng 5/2015, trên chuyến xe buýt từ Đồng Nai lên Thành phố Hồ Chí Minh chị được một người phụ nữ tên Mai làm quen và mời sang Trung Quốc làm việc với mức lương 15 triệu đồng/ tháng. Vì lời mời và những điều kiện hấp dẫn chị đã đồng ý theo chị Mai sang Trung Quốc. Nhưng khi tới Trung Quốc chị được giao cho một người đàn ông và từ đó chị không thể liên lạc được với chị Mai, lúc này chị mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc.

Đầu tháng 4/2018, Cảnh sát hình sự tỉnh Đồng Nai kết hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã giải cứu và đưa người phụ nữ bị lừa trở về quê.

Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho biết đã giải cứu được hai người phụ nữ khác tại huyện Nhơn Trạch và xã Long Khánh cũng bị lừa bán sang Hà Bắc và Quảng Tây Trung Quốc.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai những người phụ nữ bị lừa sang Trung Quốc bị bán làm vợ hoặc vào các hoạt động mại dâm và bị hành hạ về nhiều mặt.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-nai-police-rescue-many-women-sold-to-china-04132018125129.html

 

Tiền ảo, rủi ro thật

Nguyễn Tuấn

Tại Việt Nam, vào đầu tháng tư xảy ra vụ lừa đảo tiền ảo mà những nạn nhân nói mất đến 15 ngàn tỷ đồng khiến dư luận xôn xao và thủ tướng cũng như phó thủ tướng phải có ý kiến chỉ đạo yêu cầu cơ quan chức năng chấn chỉnh quản lý trong lĩnh vực này.

iFan, Pincoin

Một số người vào sáng ngày 8/4 vừa qua, kéo đến trước công ty cổ phần Modern Tech tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và căng biểu ngữ tố cáo công ty này lừa đảo và chiếm đoạt với số tiền hơn 650 triệu đô la, tức khoảng hơn 15.000 tỷ đồng.

Modern Tech được thành lập dựa trên iFan và Pincoin là hai dự án được 7 thành viên sáng lập. iFan được giới thiệu là đồng tiền số được phát triển trên nền tảng Etherium. Tiền ảo iFan được công ty Modern Tech giới thiệu là tiền ảo sử dụng cho các dịch vụ liên quan đến giới nghệ sĩ Việt kết nối với người hâm mộ.

Từ năm 2017, Modern Tech kêu gọi các nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan và cam kết sau khi tham gia đầu tư sẽ được hưởng lãi suất lên tới 48% trong một tháng và thời gian hoàn vốn tối đa trong 4 tháng. Theo đó chỉ cần cho vay 100 đô la thì lãi suất đã là 48% và khi nhà đầu tư cho vay 25.000 đô la trở lên thì được hưởng lãi suất tới 57%. Vì lãi suất khủng này là yếu tố chính để lôi cuốn các nhà đầu tư rót tiền vào.

Ngoài ra, công ty này còn kêu gọi nhà đầu tư nếu mời gọi hoặc lôi kéo thêm người vào hệ thống thì sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là một dạng mô hình kinh doanh đa cấp theo kiểu kim tự tháp xuất hiện tại thị trường Việt Nam lâu nay.

Hỏi về lý do vì sao lại đặt niềm tin quá lớn vào một dự án như thế một nhà đầu tư cho chúng tôi biết:

“Bản chất của loại tiền số là ẩn danh nhưng ở đây loại tiền này, cái dự án này nó cho mọi người thấy rõ ràng người đứng đầu là ai như thế nào rõ ràng với trả lãi cao trong thời gian ngắn nên tụi em hay nhiều người khác cầm cố nhà cửa hay bán nhà đổ vào nó.”

Một trong những nhà đầu tư bị gạt trong vụ việc cho chúng tôi biết lý do vì sao các nhà đầu tư đổ rất nhiều tiền vào dự án này. Anh kể rằng có nhân vật tên Lê Ngọc Tuấn đi kêu gọi rất nhiều nhà đầu tư tham gia dự án iFan với những điều kiện hấp dẫn như vừa nêu và khẳng định với với các nhà đầu tư như sau:

“Lê Ngọc Tuấn khẳng định khi trong trường hợp có sự cố xảy ra thì sẽ có người thu gom toàn bộ số coin này không mất đồng nào khiến cho nhiều người sẵn sàng cầm cố nhà cửa tài sản để đỗ vào dự án này.”

Hướng giải quyết

Bà Lại Việt Anh, Phó cuc trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho báo chí trong nước biết rằng người dùng cẩn thận trong các giao dịch liên quan đến tiền số. Bởi vì hiện nay tiền số chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, do đó tất cả mọi giao dịch, kể cả những giao dịch không phạm pháp cũng không được pháp luật công nhận.

Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn cho rằng vụ việc này xảy ra là một sự thất bại từ việc quản lý của nhà nước. Ông cho biết:

“Hiện nay Việt Nam cũng có những quy định về quản lý việc bán hàng đa cấp, nhưng luật Việt Nam vẫn chưa theo kịp với những biến tướng của bán hàng đa cấp, nhóm này vừa làm là một ví dụ, do mình không quản lý được để họ có thể kêu gọi một số tiền trong dân quá lớn tới 15.000 tỷ, mà có lẽ các nhà đầu tư đều trắng tay. Về phía luật sư chúng tôi cho rằng một sự thất bại về quản lý của nhà nước.”

Ông nói tiếp sự việc liên quan đến dự án iFan không còn trong phạm vi bán hàng đa cấp nữa:

“Việc lừa đảo này không còn trong phạm vi bán hàng đa cấp nữa mà nó nhảy sang một lãnh vực khác là lừa đảo. Lừa đảo là một trong những tội danh của bộ luật hình sự, về mặt pháp luật thì vn sẽ xử lý vụ này được thôi nhưng điều quan trọng trong vụ này được nạn nhân quan tâm nhất là số tiền của họ có lấy lại được hay không.”

Hiện nay, luật pháp Việt Nam và nhiều quốc gia khác chưa công nhận các loai tiền số là loại tiền tệ hợp pháp mặc dù các giao dịch bằng số tiền đã và đang tồn tại không ít trên thị trường.

Sau khi có đơn tố cáo của hàng chục nhà đầu tư về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến công ty cổ phần Modern Tech, ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tích Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu công an thành phố điều tra vụ bán tiền mã hóa đa cấp này. Ông Liêm còn cho biết các loại tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó người nào dùng iFan và Pincoin để giao dịch sẽ bị xử lý.

Vào ngày 10/4, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký chỉ thị yêu cầu Ngân hàng nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan chức năng tăng cường siết chặt quản lý và xử lý các giao dịch tiền điện tử và các loại tiền số khác.

Từ trước đến nay tại Việt Nam từng xảy ra nhiều vụ lừa đảo huy động được rất nhiều tiền của người khác thông qua những kế hoạch rất tinh vi mà người dân thường rất dễ bị mắc bẫy: nhỏ là những đường dây chơi hụi, lớn là như ‘Nước Hoa Thanh Hương’ vào thập niên 90 ở Sài Gòn… Thế rồi này đến thời đại số là những dạng tiền ảo như vừa nêu.

Trách nhiệm giúp ngăn chặn những vụ lừa đảo tài chính lớn thuộc những nhà quản trị có hiểu biết vững vàng chuyên môn và cơ quan thực thi pháp luật đủ trình độ, khả năng; chứ không thể để cho vụ việc vở lỡ rồi mới yêu cầu điều tra, xử lý. Theo cách đó thì không xảy ra vụ lừa đảo này cũng sẽ có vụ khác mà thôi.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/crytocurrency-and-real-risks-04132018161426.html