Tin khắp nơi – 13/04/2018
Nội các Anh nói ‘cần có hành động ở Syria’
Nội các Anh đồng ý rằng ‘cần phải có hành động’ ở Syria để răn đe việc sử dụng vũ khí hoá học trong tương lai’.
Sau cuộc họp khẩn cấp do nữ thủ tướng Theresa May triệu tập, các bộ trưởng trong nội các của đảng Bảo thủ Anh cùng đồng ý rằng “rất có khả năng” chế độ Assad ở Syria ‘chịu trách nhiệm cho vụ nghi là có vũ khí hoá học’ ở Douma.Các bộ trưởng Anh nói việc dùng vũ khí hoá học không thể để cho trôi qua mà không bị thách thức.
Cùng thời gian, Tổng thống Mỹ, Donald Trump nói ông sẽ ra quyết định ‘nhanh chóng’ về Syria, còn đại sứ Nga ở LHQ Vassily Nebenzia thì nói ông ‘không thể loại trừ khả năng có cuộc chiến giữa Nga và Hoa Kỳ’.
Bàn tròn BBC: Xung đột ở Syria và chống tham nhũng, chính đốn đảng ở VN
TT Pháp: ‘Có bằng chứng Syria dùng vũ khí hóa học’
Syria: Nghi tấn công hóa học làm hàng chục người chết
Mỹ áp lệnh trừng phạt, cổ phiếu Nga lao dốc
Anh trả đũa Nga ra sao vì vụ đầu độc điệp viên?
Các báo Anh hôm 12/04 đã chạy tựa rằng Anh chuẩn bị cùng Mỹ ‘tham chiến’ sau khi chính phủ Theresa May ‘được các bộ trưởng ủng hộ’ để có hành động tại Syria.
Trang The Guardian chạy tựa ‘Lối đã mở cho hành động quân sự’, còn tờ Metro ra ở London nói về ‘Hội đồng chiến tranh ‘ và đăng ảnh Tổng thống Donald Trump, Emmanuel Macron, và Thủ tướng Theresa May.
Căng thẳng gia tăng
Lãnh đạo đảng Lao Động Anh, ông Jeremy Corbyn thì nói với BBC rằng Nghị viện luôn phải được quyền có ý kiến về hành động quân sự của Anh [ở nước ngoài].
Ông nói ông không muốn thấy cảnh các cuộc oanh kích sẽ khiến căng thẳng gia tăng và có chiến tranh ‘nóng’ giữa Mỹ và Nga trên bầu trời Syria.
Hiện cũng chưa rõ mức độ tham chiến của Anh, nếu xảy ra, sẽ chỉ là trợ giúp không quân cho Hoa Kỳ, hay trực tiếp cùng bắn vào các mục tiêu chính phủ Syria, hay còn gì khác.
Các báo Anh cũng nói lần đầu tiên từ chiến tranh Iraq 2003, lực lượng quân sự Phương Tây tập trung lại gần Syria để sẵn sàng khai hoả.
Các nhà hoạt động, các nhân viên cứu trợ và nhân viên y tế nói hàng chục người thiệt mạng khi phi cơ chính phủ hôm thứ Bảy thả những trái bom có chứa hóa chất độc hại xuống thị trấn Douma, nơi từng do các phiến quân kiểm soát.
Nhưng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vốn được Moscow hậu thuẫn bác bỏ việc họ đứng sau bất kỳ cuộc tấn công hóa học nào.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43748803
Nguy cơ Mỹ-Nga đối đầu tại Syria
Khả năng các nước phương Tây phát động một chiến dịch quân sự ở Syria, dẫn đến một cuộc đối đầu với Nga đang phủ lên vùng Trung Đông hôm thứ sáu 13/4 mặc dù chưa thấy có dấu hiệu rõ rệt cho thấy cuộc tấn công do Hoa Kỳ dẫn đầu sắp diễn ra.
Các chuyên gia vũ khí hoá học quốc tế đã tới Syria để điều tra cuộc tấn công bằng khí độc mà các lực lượng chính phủ Syria bị quy lỗi đã thực hiện tại thị trấn Douma, giết chết hàng chục người. Hai ngày trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh cáo Syria rằng các tên lửa “sẽ tới” nước này để đáp lại cuộc tấn công vũ khí hoá học.
Các đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm thứ sáu sẵn sàng đổ lỗi cho ông Trump thay vì cho ông Assad về cuộc khủng hoảng mới nhất.
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nói các quan hệ quốc tế không nên phụ thuộc vào tâm trạng của một người vào buổi sáng, một cách nói rõ ràng ám chỉ những tin nhắn trên Twitter của ông Trump.
“Chúng ta không thể tùy thuộc vào một người ở phía bên kia đại dương nghĩ những gì trong đầu của ông ta vào buổi sáng. Chúng ta không thể chấp nhận những rủi ro như vậy.”
Phó Thủ Tướng Nga Arkady Dvorkovich
Phát biểu tại một diễn đàn, ông Dvorkovich nói: “Chúng ta không thể tùy thuộc vào một người ở phía bên kia đại dương nghĩ những gì trong đầu của ông ta vào buổi sáng. Chúng ta không thể chấp nhận những rủi ro như vậy.”
Nga cảnh báo các nước phương Tây chớ tấn công ông Assad, nhân vật cũng được Iran hỗ trợ, và nói rằng không có bằng chứng nào khả dĩ cho thấy có một cuộc tấn công hóa học ở Douma, một thị trấn gần Damascus thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy cho tới tháng này.
Ông Vassily Nebenzia, đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc, nói ông “không thể loại trừ” nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Nga.
Ông nói với các nhà báo:”Ưu tiên trước mắt là tránh nguy cơ chiến tranh.”
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow đã tiếp xúc với Washington tuy nhiên tình hình rất đáng báo động. “Cầu xin Thượng đế đừng để xảy ra bất cứ hành động mạo hiểm nào ở Syria tiếp theo sau những trải nghiệm tại Libya và Iraq”, ông nói trong một cuộc họp báo.
Sheikh Naim Qassem, nhân vật thứ hai của Hezbollah được Iran hậu thuẫn, nói với tờ Al-Joumhouria của Lebanon: “Tình hình không cho thấy là một cuộc chiến toàn diện sắp xảy ra … trừ phi ông Trump và ông Netanyahu hoàn toàn mất trí”.
Các đồng minh của Hoa Kỳ đã đưa ra những phát biểu mạnh mẽ ủng hộ Washington tuy chưa có kế hoạch quân sự nào rõ ràng.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Anh Theresa May đã giành được sự ủng hộ của các bộ trưởng cấp cao để có hành động chưa xác định rõ rệt là gì để cùng với Hoa Kỳ và Pháp, ngăn chặn Syria sử dụng vũ khí hóa học một lần nào nữa.
Một số nhà lãnh đạo quốc gia tỏ ra rất lo lắng, muốn tránh xảy ra đối đầu giữa Mỹ và Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/nguy-co-my-nga-doi-dau-tai-syria/4346703.html
Đại sứ Nga:
Không thể loại trừ khả năng chiến tranh Nga-Mỹ
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc, Vassily Nebenzia, ngày 12/4 thúc giục Mỹ và các đồng minh của Mỹ chớ có hành động quân sự chống lại Syria vì tình nghi chính phủ nước này tấn công hóa học lên thường dân, đồng thời nhấn mạnh rằng ông ‘không thể loại trừ’ khả năng xảy ra chiến tranh giữa Washington và Moscow.
Phát biểu sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc do Bolivia đề nghị bàn về các đe dọa hành động quân sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Syria, ông Nebenzia cảnh cáo tình hình còn nguy hiểm hơn vì binh sĩ Nga đang hiện diện ở Syria.
“Ưu tiên tức thời là phải đảo ngược hiểm họa chiến tranh,” đại sứ Nga nói. “Chúng tôi hy vọng chưa tới mức không đảo ngược được.”
Đáp câu hỏi phải chăng ông nhắc tới một cuộc chiến giữa Mỹ và Nga, đại sứ Nebenzia nói “Tiếc là chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào, vì chúng tôi thấy những thông điệp từ Washington rất hiếu chiến.”
Tổng thống Trump loan báo tổ chức các cuộc họp về Syria ngày 12/4 và dự kiến sẽ có quyết định “khá sớm.”
Nga triệu tập một cuộc họp ở Hội đồng Bảo an bàn về Syria vào ngày 13/6 và yêu cầu Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres công khai báo cáo Hội đồng.
Các nhà điều tra thuộc Tổ chức Cấm Võ khí Hóa học đang trên đường tới Syria để tìm hiểu xem có việc sử dụng khí độc tại thị trấn Douma hôm 7/4 hay không và công tác điều tra sẽ khởi sự vào thứ bảy này.
Đại sứ Syra tại Liên hiệp quốc Bashar Ja’afari khẳng định “Chúng tôi sẵn sàng hộ tống họ tới bất cứ nơi nào, bất kỳ lúc nào họ muốn.”
Theo Reuters
Tổng thống Trump: sẽ sớm có quyết định về Syria
Tổng thống Donald Trump nói ngày thứ Năm 12/4 ông đã họp về vấn đề Syria mà trước đây ông đã từng đe dọa tấn công bằng phi đạn để đáp ứng với một vụ tấn công bằng chất độc hóa học và ông hy vọng sẽ sớm có quyết định.
Những lo ngại về một cuộc đối đầu giữa Nga, đồng minh lớn của Syria, và phương Tây đã tăng cao kể từ khi ông Trump ngày 11/4 nói phi đạn “sẽ bay tới” sau khi có cuộc tấn công vào thị trấn Douma của Syria ngày 7/4 và lên án Moscow vì đã ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Pháp có bằng chứng là chính phủ Syria thực hiện cuộc tấn công, mà các tổ chức trợ giúp nói là đã làm hơn một chục người thiệt mạng, và sẽ quyết định xem có tấn công trả đủa hay không khi tất cả những thông tin cần thiết đã được thu thập đủ.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập một phiên họp đặc biệt của nội các để cân nhắc liệu Anh có nên cùng với Hoa Kỳ và Pháp có hành động quân sự hay không. Bà đã gọi cuộc tấn công vào Douma do phe nổi dậy kiểm soát trước đây, nằm ở phía đông thủ đô Damacus, là dã man.
Syria và hai nước ủng hộ là Nga và Iran nói tin về cuộc tấn công do phe nổi dậy dựng lên và các nhân viên cứu hộ tại Douma đã cáo buộc Hoa Kỳ dùng việc này như là một cái cớ để tấn công chính phủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis ngày 12/4 nói với quốc hội là ông tin có tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria, nhưng một ít lâu sau dó ông nói thêm là Hoa Kỳ chưa có quyết định tấn công quân sự vào Syria.
Ông cáo buộc Nga a tòng trong việc Syria vẫn giữ lại vũ khí hóa học dù thỏa thuận năm 2013 được Moscow giúp làm trung gian đòi hỏi Syria phải từ bỏ vũ khí hóa học.
Một toán chuyên viên của tổ chức theo dõi vũ khí hóa học toàn cầu là Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học đã đến Syria và sẽ bắt đầu cuộc điều tra vào ngày 14/4, cơ quan trụ sở tại Hà Lan nói.
Dù có căng thẳng, nhưng có dấu hiệu về những nỗ lực toàn cầu chặn đứng đối đầu trực tiếp giữa Nga và phương Tây. Điện Kremlin nói một đường dây liên lạc về khủng hoảng với Hoa Kỳ đã được thiết lập để tránh đụng độ bất ngờ về Syria đã được sử dụng.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-se-som-co-quyet-dinh-ve-syria/4344729.htm
Donald Trump sẽ đưa Mỹ quay lại TPP?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu thỏa thuận đạt được “tốt hơn” so với thỏa thuận dưới thời Tổng thống Barack Obama.
TPP là hiệp định thương mại tự do với chủ yếu các nước Châu Á – Thái Bình Dương mà ông Trump đã rút khỏi hồi năm ngoái.
Ông Trump đăng trên Twitter vào tối thứ Năm rằng sẽ chỉ gia nhập TPP nếu có những điều khoản “tốt hơn”.
Trump: Mỹ bỏ TPP ngày đầu ông vào Nhà Trắng
Tổng thống Trump ký lệnh rút khỏi TPP
TPP sẽ không có Hoa Kỳ và Việt Nam?
Mỹ rút khỏi TPP và nhân quyền ở VN
Tổng thống trước đây đã chỉ trích hiệp định là một “thảm họa” tiềm tàng cho nước Mỹ.
Nhưng chiến lược thương mại của ông đang bị đe dọa do xung đột leo thang với Trung Quốc.
Nó cũng khiến những người trong Đảng Cộng hòa của ông lo ngại – đặc biệt là những người đại diện cho giới nông dân đang có nguy cơ thiệt hại nếu các áp thuế mới đề xuất được thông qua.
Giới chính khách của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều lo ngại rằng ông Trump đang đưa Hoa Kỳ vào một cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc, sau khi đánh thuế thép và nhôm và đe dọa áp thuế hàng tỷ đôla lên hàng hóa Trung Quốc.
Họ nói rằng chính quyền nên phối hợp với các nước khác để gây sức ép lên Trung Quốc, thay vì đánh thuế dẫn đến việc trả đũa lên các ngành kinh tế như nông nghiệp.
Thượng nghị sĩ bang Nebraska Ben Sasse, người của Đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt về các thuế quan, nói rằng đó là “tin tốt” khi tổng thống đã chỉ đạo các nhân viên cấp cao, gồm cả Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer để đàm phán Mỹ gia nhập TPP.
TPP bị hủy, trò chơi địa chính trị khu vực sẽ thế nào?
VN cần điều chỉnh ra sao sau khi Mỹ rút khỏi TPP?
Tác động đến Việt Nam sau khi Mỹ rút khỏi TPP?
“Điều tốt nhất Hoa Kỳ có thể làm lúc này để chống lại sự gian lận của Trung Quốc là dẫn dắt 11 quốc gia Thái Bình Dương khác mà tin vào tự do thương mại và pháp quyền,” ông nói.
TPP, thỏa thuận thương mại liên quan đến 12 quốc gia bao gồm Mỹ được hình thành dưới thời cựu tổng thống Barack Obama như một cách chống lại sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Công đoàn lao động và những người khác đã chỉ trích hiệp định là quá ưu đãi giới kinh doanh. Đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Hillary Clinton, cũng phản đối hiệp định trong suốt chiến dịch.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh để Hoa Kỳ rút khỏi TPP, tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 23/01/2017.
Việc rút khỏi hiệp định là một trong những hành động đầu tiên của ông Trump trong vai trò tổng thống, nhằm thực hiện một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình.
Úc và New Zealand muốn có ‘TPP Trừ Một’
Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn muốn TPP không có Mỹ?
TPP được ‘trợ thở phút chót’ ở Đà Nẵng
11 nước ‘sẽ ký CPTPP vào tháng Ba’
Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định, 11 quốc gia còn lại tiếp tục đàm phàn và ký kết thỏa thuận hồi tháng Ba.
Các nhà xuất khẩu, như nông dân cho biết họ đang lo ngại rằng Mỹ sẽ gặp bất lợi với các đối thủ trong khu vực.
Tổng thống Trump đã lệnh cho nhân viên đánh giá việc tái tham gia “theo các điều khoản của chúng ta”.
Trước đó ông đã nói rằng có thể sẽ xem xét lại thỏa thuận.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-43754077
USS Carl Vinson trở lại căn cứ ở Mỹ
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào hôm thứ Năm ngày 12 tháng 4 đã trở về căn cứ ở Mỹ sau khi kết thúc chuyến thăm khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương kéo dài 3 tháng, trong đó có dừng chân thăm Việt Nam.
Tin cho biết thêm là tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyera, tham gia hộ tống hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, cùng ngày cũng đã trở về căn cứ Hải quân của Mỹ tại cảng San Diego thuộc bang California.
Xin nhắc lại, vào ngày 5 tháng 3 vừa qua, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã đến Đà Nẵng thực hiện chuyến thăm kéo dài 4 ngày.
Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ đến thăm cảng Việt Nam kể từ sau cuộc chiến giữa hai nước hơn 40 năm về trước.
Đi cùng tàu USS Carl Vinson là tàu tuần dương US Lake Champlain và khu trục USS Wayne E. Meyer, với hơn 5,000 thủy thủ.
Đây được đánh giá là một chuyến thăm lịch sử, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam, và cho thấy sự ủng hộ của Washington đối với Hải quân VN.
Ngoài Việt Nam, hàng không mẫu hạm của Mỹ còn dừng chân tại đảo Guam, Malaysia, và Hawaii.
Tổng thống Đài Loan kiểm tra hải quân
nhằm đối phó với các cuộc tập trận của Trung Quốc
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đi thị sát hoạt động diễn tập của quân đội Đài Loan. Hãng tin AP loan tin này hôm 13/4.
Bà Thái Anh Văn đã lên một tàu khu trục neo tại cảng Tô Áo trong tình huống mô phỏng cảnh quân đội Đài Loan phá vòng vây phong toả hòn đảo tự trị này.
Mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức, Washington có nghĩa vụ phải can thiệp trước những đe dọa đối với Đài Loan. Hoa Kỳ hiện là nhà cung cấp chính vũ khí cho quân đội đảo quốc Đài Loan.
Trung Quốc đã lên tiếng tố cáo luật mới thông qua của Hoa Kỳ cho phép diễn ra nhiều hơn các cuộc tiếp xúc chính phủ cấp cao giữa Hoa Kỳ với Đài Loan, và cho rằng điều đó vi phạm cam kết của Hoa Kỳ trong việc cắt đứt các trao đổi ngoại giao với Đài Loan kể từ năm 1979, khi mà Washington chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.
Một thỏa thuận cung cấp công nghệ sản xuất tàu ngầm cho Đài Loan và cuộc gặp giũa Đài Loan với cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã khiến cho các nhà hoạt động chống Mỹ tại Trung Quốc càng có lý do để tố cáo Mỹ đã vi phạm những cam kết nói trên.
Gián điệp Trung Quốc
tham gia ăn cắp công nghệ Hoa Kỳ
Trung Quốc đang tham gia vào vụ trộm cắp quy mô lớn các nghiên cứu và công nghệ của Hoa Kỳ ở các trường đại học bằng cách sử dụng gián điệp, sinh viên và các nhà nghiên cứu để thu thập thông tin.
Đây là nội dung được các chuyên gia trình bày trước Quốc hội trong phiên điều trần hôm thứ Tư, 11 tháng 4 và được tờ The Washington Free Beacon loan tin một ngày sau đó.
Theo báo The Washington Free Beacon, một cựu viên chức phản gián đã tiết lộ việc quản lý của Tổng thống Barack Obama khi còn đương chức đã làm suy yếu các nỗ lực chống gián điệp nước ngoài của Hoa Kỳ bằng cách ngăn cản những chương trình chống gián điệp cấp quốc gia.
Bà Michelle Van Cleave, cựu giám sát tình báo phản gián, cho biết chương trình chống lại gián điệp nước ngoài bị hạn chế trong thời gian điều hành Tổng thống George W. Bush từ năm 2004 và vẫn tiếp tục bị giới hạn dưới thời tổng thống Obama.
Một số chuyên gia về trí tuệ và an ninh đã xác nhận trong phiên điều trần rằng Trung Quốc là mối đe dọa đáng kể nhất đối với hành vi trộm cắp công nghệ từ những nghiên cứu mà Hoa Kỳ chi khoảng 510 tỷ đô la hàng năm.
Bắc Kinh sử dụng các nhân viên bí mật, các công ty bình phong, và liên doanh nghiên cứu trong chương trình trộm cắp. Các điệp viên công nghệ của Trung Quốc đã phát triển các danh sách cụ thể về công nghệ cần đánh cắp, trong đó tập trung vào công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ liên quan đến trí thông minh nhân tạo, robot và các công nghệ khác.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng dùng những một số trong 350.000 sinh viên Trung Quốc đang du học tại Mỹ cho công tác tình báo.
Trung Quốc cũng đang thâm nhập vào các trường đại học Hoa Kỳ bằng cách tài trợ cho các trung tâm ngôn ngữ và văn hoá được gọi là Viện Khổng Tử đang được sử dụng để che giấu tội phạm công nghệ. Khoảng 100 viện nghiên cứu đang hoạt động tại các trường đại học Hoa Kỳ và sử dụng kinh phí của Bắc Kinh như là một phần của nỗ lực “quyền lực mềm” ở Hoa Kỳ.
Vụ Nga-Trump:
Ông Trump ủng hộ phương pháp điều tra “hợp tác”
Tổng thống Donald Trump, người liên tiếp chỉ trích cuộc điều tra liên bang về khả năng Moscow thông đồng với ban vận động tranh cử của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016, ngày 12/4 tuyên bố ủng hộ phương pháp “hợp tác” trong cuộc điều tra.
“Tôi tán đồng phương pháp hợp tác, nguyên tắc mà chúng ta đang có với ông Robert Mueller,” Tổng thống phát biểu, nhắc tới Công tố viên Đặc biệt đang dẫn đầu cuộc điều tra Nga.
Ông Mueller được giao trách nhiệm xem xét những cáo buộc là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận là việc can thiệp có xảy ra, nhưng Moscow phủ nhận.
Ông Mueller cũng đang điều tra xem liệu chiến dịch vận động tranh cử cho ông Trump có thông đồng với Nga hay không. Ông Trump phủ nhận có sự thông đồng.
Ông Trump liên tục tấn công cuộc điều tra và hôm 11/4 quy trách cuộc điều tra này làm băng giá quan hệ với Moscow.
Báo New York Times ngày 10/4 loan tin là ông Trump đã tìm cách sa thải Công tố viên Mueller vào tháng 12 năm ngoái.
Sáng ngày 12/4, ông Trump phủ nhận tin này.
Một nhóm Thượng nghị sĩ thuộc hai đảng hôm 11/4 đã đưa ra một dự luật nhằm bảo vệ ông Mueller và cuộc điều tra của ông. Tuần tới, Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ xem xét dự luật này.
‘Không tưởng thưởng cho Triều Tiên
chừng nào chưa phi hạt nhân hóa’
Triều Tiên chớ nên kỳ vọng được tưởng thưởng từ các cuộc họp với Hoa Kỳ cho tới khi nào có hành động không thể đảo ngược từ bỏ võ khí hạt nhân, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử làm tân Ngoại trưởng, Mike Pompeo, tuyên bố ngày 12/4.
Tại buổi điều trần ở Quốc hội để được chuẩn thuận đề cử, đáp câu hỏi liệu ông có tin rằng Triều Tiên sẽ đồng ý giải giới chương trình hạt nhân hay không, ông Pompeo nói phân tích lịch sử ‘không lạc quan’, nhưng lưu ý rằng trong các cuộc thương lượng trước đây, Mỹ và thế giới nới lỏng chế tài quá vội.
“Ý định của Tổng thống và của chính quyền Mỹ là lần này sẽ không làm vậy nữa để bảo đảm rằng trước khi chúng ta tưởng thưởng, chúng ta phải có kết quả vĩnh viễn, không thể thay đổi, đó là điều chúng ta mong đạt được.”
Ông Pompeo nói ông hy vọng rằng Tổng thống Trump có thể đạt được điều này bằng chính sách ngoại giao khôn ngoan.
Tổng thống Trump ngày 12/4 loan báo các cuộc họp giữa ông với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang được sắp xếp.
Ông Pompeo nói không ai ảo tưởng rằng cuộc họp sắp tới đó sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Theo Reuters
Ông Pompeo cam kết tái thiết Bộ Ngoại giao Mỹ
Ông Mike Pompeo, người được đề cử làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ngày 12/3 cam kết tái thiết Bộ Ngoại giao trước những tổn thất về nhân sự với sự ra đi của một số nhà ngoại giao cao cấp và trước tình trạng Bộ này đang cảm thấy bị gạt ra bên lề trong những quyết định về chính sách ngoại giao dưới chính quyền Trump.
Việc tái tổ chức và tuyển dụng người mới bị cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson cho ngưng lại đã làm cho nhân viên mất tinh thần, với những chỗ trống trong những vị trí đa phần được điền khuyết bởi những ứng cử viên chính trị.
Ông Pompeo, Giám đốc CIA, nói trong vai trò mới, ông sẽ khẩn trương làm việc để lấp đầy khoảng cách.
Cuộc điều trần của ông Pompeo tại Quốc hội để được chuẩn thuận đề cử bị gián đoạn lúc đầu bởi khoảng gần một chục người biểu tình hô các khẩu hiệu “Không chấp nhận Pompeo, không chấp nhận chiến tranh.”
Tổng thống Trump có mối quan hệ nồng ấm với ông Pompeo trong những cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc trong năm đầu nhiệm kỳ và ông tin là vị cựu dân biểu Cộng hòa này sẽ chia sẻ với ông nhiều quan điểm về thế giới hơn là ông Tillerson, người đã nhiều lúc bất đồng với Tổng thống.
Các Thượng nghị sĩ nói họ muốn đảm bảo là ông Pompeo sẽ có khả năng ‘trụ’ với ông Trump và họ đồn dập hỏi ông về vấn đề này.
Trong số những vấn đề ông Pompeo bị chất vấn nhiều nhất là Tổng thống Trump có nói gì với ông về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 hay không.
Ông Pompeo thừa nhận là Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã phỏng vấn ông về việc các phụ tá của chiến dịch tranh cử cho Trump có thông đồng với Nga hay không, nhưng ông từ chối thảo luận chi tiết.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-pompeo-cam-ket-tai-thiet-bo-ngoai-giao-my/4344778.html
Ông Trump: Cuộc họp với Kim Jong Un
đang được sắp xếp
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/4 ca ngợi Trung Quốc vì đã giúp trong vấn đề Triều Tiên và cho biết các cuộc họp giữa ông với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang được sắp xếp.
Ông Trump cũng nói các cuộc “thương thuyết” thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tốt đẹp, trái ngược với những tuyên bố của giới chức Trung Quốc về vụ tranh chấp này vốn đã gây lo ngại trên thị trường tài chánh về một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.
Đầu tuần này, ông Trump cho biết có kế hoạch gặp ông Kim vào tháng 5 hay đầu tháng 6 và hy vọng các cuộc thảo luận cuối cùng sẽ đưa đến việc chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mà Washington cho là mối đe dọa an ninh cấp bách nhất.
Tại buổi điều trần để được chấp thuận vào chức vụ Ngoại trưởng Mỹ, Giám đốc CIA Mike Pompeo nói ông lạc quan tin rằng có thể đặt ra các điều kiện tại cuộc họp đó để mang lại kết quả ngoại giao cho cuộc khủng hoảng về việc Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân có thể bắn tới đất liền Mỹ.
Ông Pompeo gạt ra những quan ngại là việc chính quyền Mỹ tiến tới điều chỉnh hiệp ước hạt nhân với có thể khiến việc đạt được thỏa thuận với Triều Tiên thêm khó khăn. Ông lập luận rằng ông Kim chú trọng đến những lợi ích của chính mình trong đó có lợi ích kinh tế và “sự bền vững của chế độ,” hơn là những thỏa thuận lịch sử khác.
Ông Pompeo nhấn mạnh mục đích của cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim là làm cho Triều Tiên “từ bỏ”chương trình hạt nhân. Ông Pompeo cho biết sẽ không loại bỏ bất cứ giải pháp nào kể cả giải pháp quân sự.
Đồng thời ông nói ông không cổ súy thay đổi chế độ tại Triều Tiên và chưa bao giờ làm như vậy.
Năm ngoái Triều Tiên tố cáo ông Pompeo nghiêng về chính sách đó sau khi ông phát biểu tại một diễn đàn vào tháng 7 rằng điều quan trọng là tách rời vũ khí hạt nhân của Triều Tiên với “cá nhân nắm giữ quyền kiểm soát loại vũ khí này.”
Tháng 5 năm ngoái, Triều Tiên nói CIA và cơ quan tình báo Hàn Quốc mưu sát bất thành ông Kim Jong Un trong một cuộc diễu hành quân sự tại Bình Nhưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-cuoc-hop-voi-kim-jong-un-dang-duoc-sap-xep/4344704.html
Xác nhận điệp viên Nga
bị tấn công bằng chất độc thần kinh
Chất độc chết người làm một cựu điệp viên Nga và con gái ngã gục vào tháng trước tại Anh là một loại chất độc thần kinh Novichok được tinh chế cao, theo kết luận của tổ chức theo dõi vũ khí hóa học toàn cầu ngày 12/4, hỗ trợ cho kết luận của Anh.
Ông Sergei Skripal, cựu đại tá tình báo quân đội Nga, người đã tố giác hàng chục điệp viên Nga cho cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Anh, và cô Yulia con gái ông được phát hiện bất tỉnh trên một băng ghế tại thành phố Salisbury vào ngày 4/3.
Anh đổ lỗi cho Nga ra tay đầu độc và Thủ tướng Theresa May nói hai cha con ông Skripal bị tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok của quân đội do Xô Viết chế tạo trong những năm 1970 và 1980.
Moscow bác bỏ bất cứ sự liên hệ nào trong vụ này và cho rằng Anh dã thực hiện cuộc tấn công để khơi dậy nổi sợ hãi chống Nga, nhưng Anh đã yêu cầu Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) thử nghiệm các mẫu lấy từ Salisbury.
Bốn phòng thí nghiệm liên hệ với OPCW xác nhận kết luận của Anh và cho thấy đây là một chất độc hóa học “tinh chế cao.”
OPCW không nêu tên Novichok trong bảng tóm tắt được công bố, nhưng xác nhận sự phân tích của Anh về chất độc được sử dụng.
Thử nghiệm của các phòng thí nghiệm OPCW (chi tiết được giữ kín) cũng phát hiện là chất độc sử dụng trong cuộc tấn công Salisbury có độ “tinh chế cao”, việc này hỗ trợ cho kết luận của chính phủ Anh là có sự nhúng tay của một nhà nước.
Phản ứng trước bản tóm tắt, Moscow nói là Nga có lý do để nghĩ rằng báo cáo này là một phần trong chiến dịch của Anh làm mất uy tín Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Moscow sẽ không tin bất cứ kết luận nào về vụ hạ độc trừ phi các chuyên gia Nga được tiếp cận cuộc điều tra.
Công nhân đường sắt Pháp đình công đợt ba
Hôm nay 13/04/2018, ngày đầu đợt đình công thứ ba của công nhân tập đoàn đường sắt Pháp SNCF, tình hình giao thông đỡ bị tắc nghẽn hơn hai đợt trước, tuy nhiên các nghiệp đoàn vẫn duy trì áp lực.
Vào lúc đợt nghỉ giữa kỳ của học sinh Paris và vùng phụ cận (Ile de France) cùng với Toulouse, Montpellier bắt đầu tối nay, SNCF dự kiến có nhiều chuyến tàu phục vụ hơn so với ngày đình công đầu tiên. Khoảng 1/3 tàu cao tốc, tàu liên vùng, 1 đến 2/5 tàu ngoại ô hoạt động. Các tàu tuyến quốc tế như Eurostar (đi Anh), Thalys (đi Bỉ, Đức, Hà Lan) chạy hầu như bình thường, riêng Lyria (đi Thụy Sĩ) chỉ 1/6.
Theo SNCF, có 38% nhân viên cần thiết cho việc vận hành tàu đình công, ít hơn nhiều so với giai đoạn đầu hôm 3/4 (48%).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình TF1 hôm qua đã khẳng định sẽ « đi đến cùng cuộc cải cách cần thiết », và SNCF phải tổ chức lại. Ông kêu gọi các nghiệp đoàn bình tĩnh, nói rằng đã lắng nghe họ. Tổng thống Macron trấn an, SNCF vẫn là tập đoàn có vốn Nhà nước 100%.
Tuy nhiên cả bốn nghiệp đoàn ở SNCF từ nhiều tuần qua vẫn đòi « thương lượng thực sự » về kế hoạch cải cách, đều chỉ trích các phát biểu của tổng thống Pháp, cho rằng không cụ thể và chưa đầy đủ.
Để có thể trụ được lâu dài, các nghiệp đoàn có thể trông cậy vào quỹ hỗ trợ công nhân đình công. Được khoảng ba chục nhà văn, đạo diễn, giảng viên đại học vận động kể từ hôm 23/3, đến nay quỹ này đã vượt quá 710.000 euro.
http://vi.rfi.fr/phap/20180413-cong-nhan-duong-sat-phap-dinh-cong-dot-ba
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ
lại tăng vọt gần 20%
Trong lãnh vực thương mại, căng thẳng Mỹ-Trung có thể lại gay gắt thêm do số liệu thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, công bố vào hôm nay, 13/04/2018, đã tăng vọt gần 20% trong quý 1 năm 2018.
Theo số liệu thống kê được Hải Quan Trung Quốc công bố, thăng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng vọt 19,4% trong quý 1 năm nay, đạt mức 58,2 tỷ đô la.
Chênh lệch mậu dịch Mỹ-Trung có lợi cho Trung Quốc như vậy đang càng lúc càng nặng nề thêm một cách nhanh chóng, vì số thặng dư này đã tăng 10% trong năm 2017, đạt mức kỷ lục 275,8 tỷ đô la theo số liệu của Trung Quốc (hay là 375,2 tỷ đô la theo Washington).
Mức độ thâm thủng mậu dịch kỷ lục của Mỹ đối với Trung Quốc đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump cực lực lên án vì cho đấy là hệ quả của những hành động thương mại « không công bằng » của Trung Quốc, và đòi Bắc Kinh phải giảm « 100 tỷ đô la » thặng dư với Mỹ.
Theo các nhà quan sát, vào lúc chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump đang hết sức gay gắt với Bắc Kinh trên nhiều vấn đề, và đe dọa khởi động chiến tranh thương mại, sự tăng vọt của thặng dư thương mại sẽ khiến Washington gay gắt thêm, nhất là khi nhìn tổng quát, thì trong cùng kỳ, Trung Quốc lại bất ngờ bị thâm thủng mậu dịch hay vì thặng dư như thường thấy.
Số liệu thống kê của Tổng Cục Hải Quan Trung Quốc công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của Trung Quốc giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái – lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2017, trong khi nhập khẩu tăng 14,4% – mạnh hơn dự báo.
Giải thích về lý do khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn tăng mạnh, giới phân tích cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xuất hàng sang Mỹ trong tháng 3 vì lo ngại hàng rào thuế quan được áp dụng và chiến tranh thương mại bùng nổ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180413-thang-du-thuong-mai-cua-trung-quoc-voi-my-lai-tang-vot-gan-20
Donald Trump
không dự thượng đỉnh châu Mỹ chống tham nhũng
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ khai mạc hôm nay 13/04/2018 tại Lima, thủ đô Peru. Lần đầu tiên từ khi nhóm Lima gồm 14 quốc gia châu Mỹ được thành lập, tổng thống Hoa Kỳ vắng mặt, do ông Donald Trump đang bận rộn với cuộc khủng hoảng Syria, nên cử phó tổng thống và con gái Ivanka đi thay.
Chủ đề trung tâm của hội nghị lần này là làm thế nào lãnh đạo một cách dân chủ, trước vấn nạn tham nhũng. Một đề tài mà Peru chính là trường hợp điển hình.
Từ Lima, thông tín viên RFI Eric Samson giải thích :
« Rất đơn giản. Hầu như tất cả các tổng thống Peru từ 25 năm qua, hoặc là bỏ trốn, hoặc ngồi tù hay bị nghi ngờ tham nhũng. Được bầu lên cách đây chưa đầy hai năm, Pedro Pablo Kuczynski cũng không ngoại lệ. Ông đã phải từ chức từ vài tuần trước do vụ bê bối Odebrecht, với hy vọng kiếm phiếu ở Quốc Hội nhằm tránh bị phế truất. Căn nhà của Kuczynski bị tịch biên, và cựu tổng thống bị cấm xuất cảnh.
Người tiền nhiệm của ông là Ollanta Humala cùng với vợ đang bị tạm giam, cũng do bị cáo buộc đã nhận tiền từ công ty Odebrecht. Ông Alan Garcia, từng làm tổng thống hai lần, đang bị điều tra hình sự, nhất là về nhiệm kỳ 2006-2011. Còn ông Alejandro Toleda, tổng thống nhiệm kỳ 2001-2006 trước đó, đã bỏ trốn và đang sống tại Hoa Kỳ. Chưa nói đến cựu tổng thống Alberto Fujimori, mới đây đã được Pedro Pablo Kuczynski ân xá. Toàn cảnh các định chế của Peru là một khung cảnh hoang tàn.
Đối với thủ tướng César Villanueva, hình ảnh xám xịt này tuy vậy lại mang đến hy vọng, vì nó chứng tỏ là các quan chức cao cấp nhất vẫn không thể trốn tránh sự trừng phạt của tư pháp. Tân tổng thống Martin Vizcarra hứa hẹn dành ưu tiên cho cuộc chiến chống tham nhũng. Một lời hứa rất quen tai đối với người dân Peru. »
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không dự thượng đỉnh với lý do « an ninh không bảo đảm ». Trước đó, ban tổ chức cho biết « không hoan nghênh » sự tham dự của ông. Còn tổng thống Ecuador Lenin Moreno vừa đến Lima lập tức phải quay về nước để giải quyết vụ một nhóm nhà báo bị bắt cóc.
Sự vắng mặt của tổng thống Mỹ được cho là bất lợi, trong lúc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại châu Mỹ Latinh, lâu nay vẫn được coi là « sân sau » của Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180413-donald-trump-thuong-dinh-chau-my-tham-nhung
Pháp: Sinh viên bãi khóa,
cảnh sát can thiệp giải tỏa Sorbonne
Bốn đại học Pháp bị phong tỏa hay đóng cửa, 11 trường khác bị gây rối loạn. Trên đây là tổng kết tình hình tranh đấu chống chính sách cải tổ bậc đại học của giới sinh viên Pháp từ một tháng nay.
Với khẩu hiệu chống « chọn lọc trá hình », sinh viên tại nhiều trường đại học Pháp sử dụng biện pháp phong tỏa trường lớp. Phong trào bắt đầu từ tháng Ba, phản đối chính phủ chỉ tạo thêm 20.000 chỗ học trong khi số tân sinh viên niên khóa tới tăng thêm 40.000.
Hôm qua 12/04/2018, theo yêu cầu của viện trưởng đại học Sorbonne, quận 5 Paris, cảnh sát can thiệp giải tỏa một giảng đường bị khoảng 200 sinh viên chiếm đóng. Viện trưởng đại học Paris – Tolbiac ở quận 13 cũng yêu cầu cảnh sát can thiệp, nhưng không được đáp ứng.
Theo bộ trưởng bộ Giáo Dục Frédérique Vidal, các viện trưởng đại học bị áp lực rất mạnh, không phải vì những cuộc tranh luận của sinh viên mà vì tình trạng ngăn chận sinh viên thi cử, phong tỏa trường lớp do những người hoạt động cực tả làm nòng cốt.
Theo tổng kết của bộ Giáo Dục, được AFP trích dẫn, sau khi « giải tỏa Sorbonne », trên toàn quốc còn bốn trường vẫn bị phong tỏa là Jean Jaurès Toulouse, Paul Valéry ở MontPellier và Paris-8. Ngoài ra, 11 đại học khác vẫn bị xáo trộn lúc nhiều lúc ít. Ngày mai, bắt đầu mùa nghỉ Phục sinh hai tuần.
http://vi.rfi.fr/phap/20180413-phap-sinh-vien-bai-khoa-canh-sat-can-thiep-giai-toa-sorbonne
Syria: Nga đối mặt với trục Mỹ-Anh-Pháp
sau vụ Đông Ghouta
Trong khi quân đội Syria chiếm lại toàn bộ ngoại ô thủ đô Damas với sự yểm trợ của Nga, Iran và « vũ khí hóa học », nước Pháp có thể phối hợp với Mỹ và Anh tấn công chế độ Bachar al Assad. Nhưng với nguy cơ đụng độ trực tiếp với Nga, và hệ quả vượt tầm kiểm soát của cả các bên, liệu trục Mỹ-Anh Pháp có tái diễn kịch bản 2013 khi Barack Obama vào giờ chót thoái lui ?
Cho dù Nga và Syria cực lực phủ nhận những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, ngày 07/04 vừa qua, để chiếm nốt vị trí cuối cùng của phe nổi dậy ở Đông Ghouta, bất chấp một nghị quyết hưu chiến do chính Nga biểu quyết, Tây phương dường như đang chuẩn bị không kích chế độ bị xem là « thảm sát dân không gớm tay » trong suốt 7 năm nội chiến.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hăng hái nhất: « Nga coi chừng, tên lửa thông minh sẽ ào tới ». Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố đe dọa: « Tấn công sẽ diễn ra trong vài ngày tới ». Hai vị tổng thống Mỹ, Pháp gần như là điện đàm trao đổi mỗi ngày. Tại Luân Đôn, trong bối cảnh căng thẳng với Nga sau vụ mưu sát cha con cựu điệp viên Nga Serguei Skripal, thủ tướng Theresa May triệu tập nội các thảo luận về khả năng oanh kích Syria.
Một trục Mỹ-Anh-Pháp dường như đang hình thành để phối hợp hành động. Tại Hoa Kỳ, nhiều tiếng nói thúc giục tổng thống Donald Trump ra tay. Washington Post nhấn mạnh: Ngày 09/04, tổng thống Trump thông báo sẽ có quyết định quan trọng trong « 24 giờ hay 48 giờ » tới. Trong khi đó, đài CNN cổ vũ: « Được Pháp ủng hộ, Donald Trump không có lý do để không can thiệp ». Đài CNN muốn ám chỉ kịch bản 2013, khi tổng thống Obama, vào giờ chót, bất ngờ loan báo quyết định không trả đũa một vụ tấn công bằng khí độc do quân đội Syria thực hiện, và hủy bỏ một thỏa thuận với tổng thống Pháp François Holland. Báo chuyên đề Foreign Policy còn đi xa hơn: Tổng thống Macron phải hành động dù có hay không có Mỹ để « giữ lời hứa chống vũ khí hóa học và tăng cường uy tín của nước Pháp trong khu vực».
Tuy nhiên, bốn ngày sau những tuyên bố bốc lửa của tổng thống Donald Trump, nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình có biến chuyển: Tổng thống Trump cải chính những tuyên bố ngày 09/04, và cho rằng ông chưa quyết định gì cả.
Tại Syria, quân đội Damas, đồng minh Iran và Hezbollah Liban trong những ngày qua tổ chức sơ tán, bỏ vị trí cũ, cất giấu vũ khí hạng nặng, tên lửa, đại bác. Quân đội Nga cũng tái bố trí và cho phép các đơn vị Syria đóng chung , gây khó khăn cho Tây phương trong việc chọn lựa mục tiêu.
Tại Hội Đồng Bảo An, sau những trận đấu khẩu, thách thức như sắp giao chiến đến nơi, Mỹ và Nga được kêu gọi hạ nhiệt. Theo AFP, Thụy Điển đề xuất một dự thảo nghị quyết thanh tra vũ khí hóa học của Syria, lần cuối cùng và dứt khoát.
Tổng thống Trump cũng lắng nghe các cố vấn và tham khảo đồng minh. Trừ Pháp, trong số các đồng minh của Mỹ, không một nước quan trọng nào hào hứng. Ngay Luân Đôn, kịch bản 2013 manh nha tái diễn: Thủ tướng Anh tỏ ra thận trọng muốn có « một sự phối hợp quốc tế trên một vấn đề gây chia rẽ trong công luận Anh ». Berlin của Angela Merkel cũng tuyê bố nước đôi: Đức hết lòng tham chiến nếu có ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc. Nước Ý thì hoàn toàn chống lại chuyện oanh kích Syria. Tại Pháp, đối lập cánh hữu đề nghị phải đưa vấn đề can thiệp, lý do, bằng chứng và hệ quả, ra thảo luận công khai tại Quốc Hội.
Giới phân tích chưa có thể kết luận sớm là Trump, Macron, May sẽ rơi vào kịch bản 2013 của Obama, Hollande và Cameron. Viễn ảnh Tây phương ra tay vào lúc không ai ngờ vẫn còn. Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian thình lình hủy bỏ chuyến công hai nước Trung Âu vào hôm nay vì « tình hình quốc tế ».
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu và tránh xung đột trực tiếp với Nga, Tây phương phải giải đáp được phương trình nát óc sau đây: Làm thế nào để quân bình giữa cuộc trả đũa chỉ mang tính biểu tượng vào năm 2017, khi Donald Trump ra lệnh phóng 59 hỏa tiễn vào một phi trường quân sự của Syria và lần này, với một hỏa lực có sức thuyết phục hơn, mà không bị hiểu lầm là muốn lật đổ chế độ chính trị và không gây xung đột với Nga và Iran. Đó là phân tích của Michel Duclos, cựu đại sứ Pháp ở Syria, nay là chuyên gia của viện nghiên cứu chiến lược Montaigne.
Một ý kiến cảnh báo thứ hai, không kém phần cốt lõi, của chuyên gia quốc phòng Pháp, nữ đại tá Caroline Galacteros, viện Geopragma: Vì sao chúng ta hành động? Trừng phạt Syria, Iran hay Nga hay cả ba?
http://vi.rfi.fr/phap/20180413-syria-nga-doi-mat-voi-truc-my-anh-phap-sau-vu-dong-ghuta
John Bolton, một « diều hâu »
trở thành cánh tay mặt cho Donald Trump
Tối ngày 22/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chọn John Bolton, con trai một lính cứu hỏa ở Baltimore để thay thế tướng H.R. McMaster làm cố vấn an ninh quốc gia. Ở tuổi 69, John Bolton đã xây dựng cho mình hình ảnh là một người nóng nảy và ồn ào và ông hoàn toàn chấp nhận như thế. Vậy John Bolton là ai ? Le Figaro ngày 10/04/2018 có bài điều tra về ông đề tựa « ‘Diều hâu’ John Bolton, cánh tay mặt của Donald Trump ».
Ngày 29/03 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đứng trên bậc thềm trụ sở bộ Quốc Phòng đã đón tiếp ông ta và nói mát : Tôi nghe nói ông là hiện thân của quỷ thần, do vậy tôi muốn gặp ông. John Bolton, 69 tuổi, đã nở nụ cười dưới hàm râu to trắng và không giấu sự hài lòng.
Khi Donald Trump thông báo lựa chọn ông làm cố vấn an ninh quốc gia, người thứ ba trong vòng 14 tháng, tòa nhà Eisenhower – văn phòng của các nhân viên, kế bên Nhà Trắng, trong bầu không khí choáng váng đã vắng bóng người hơn thường lệ. Tại bộ Ngoại Giao cũng như tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ở New York, những ai nhớ tới thời John Bolton làm việc ở đó, đã lôi bộ áo giáp của mình ra.
Kẻ đặt bom
Người thay thế tướng H.R McMaster, kể từ thứ Hai, 09/04, chưa bao giờ tỏ ra nổi trội hơn với các ý tưởng ôn hòa hoặc cách thức nhẹ nhàng. Mark Groombridge, trước đây là trợ lý của Bolton tại bộ Ngoại Giao, báo trước : « Phong cách của ông ta là lãnh đạo một Hội Đồng An Ninh Quốc Gia theo kiểu hoàng đế, các bộ ngành sẽ phải thực hiện chính sách do Nhà Trắng quyết định, mà không được phép bàn thảo ».
Cuộc khủng hoảng do vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria gây ra sẽ thử thách ngay lập tức quan điểm của John Bolton về chức vụ cố vấn an ninh quốc gia. Ông John Bellinger, nguyên thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và làm việc tại bộ Ngoại Giao nhận xét :
« Bolton luôn luôn là kẻ khiêu khích. Nhưng người ta có thể nghĩ rằng một số hành động hung hăng mà ông ta chủ trương khi chưa ở trong chính phủ, có thể sẽ khác so với hiện nay, khi ông ta phải chịu trách nhiệm về các hậu quả ».
Christopher Hill, một nhà ngoại giao lão luyện trong các cuộc thương lượng với Bắc Triều Tiên, nói với tạp chí The Atlantic rằng : « Bolton đã được bổ nhiệm ở vị trí rất cao vì trước đây, ông ta chưa bao giờ có được chức trách ở tầm cỡ này. Trước đây, ông ta luôn luôn là một dạng phân tử dao động tự do, bông đùa nhưng không hề quả quyết. Giờ đây tất cả đã thay đổi ».
Các nhà quan sát hay ngờ vực này chính là loại quan chức văn phòng mà tân cố vấn an ninh quốc gia coi thường – đây là một điểm mà ông giống với tổng thống. Trong cuốn Hồi Ký, Đầu hàng không phải là một sự lựa chọn (1), Bolton chỉ trích « những người tranh thủ kiếm chác lợi lộc ở bộ Ngoai Giao được đào tạo để dĩ hòa và thỏa hiệp với nước ngoài, thay vì phải quyết liệt bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ ».
Không phải là tình cờ mà Steve Bannon, quán quân đấu tranh chống lại « Nhà nước ngầm » đã khuyến nghị tuyển dụng Bolton ngay khi lập chính phủ. Donald Trump không muốn vì lo ngại ông ta sẽ không được Thượng Viện chấp nhận như hồi năm 2005 – và dường như Bolton bị từ chối vì bộ ria mép không hợp thời. Thế nhưng chức cố vấn an ninh quốc gia lại không cần có sự chấp thuận của Thượng Viện.
« Đó là một kẻ đặt bom. Một gã hơi khùng khùng. Thế nhưng, các vị lại cần đến ông ta ». Dường như Bannon Roger Ailes, cố lãnh đạo đài truyền hình Fox News đã nói như vậy. Chắc chắn lời miêu tả này nói đến tính tình nóng nảy và thích tranh cãi nhưng cũng khéo léo làm hài lòng những kẻ quyền thế.
Kẻ nịnh trên nạt dưới
Donald Trump dường như bị thuyết phục qua nhiều lần Bolton xuất hiện trên kênh truyền hình bảo thủ này và không bao giờ kiệm lời ca ngợi tổng thống. Trong một cuộc điều trần năm 2005 trước Thượng Viện để được chấp thuận làm đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh Liên Hiệp Quốc – nhưng ông không qua được – Carl Ford, bên đảng Cộng Hòa, đã từng làm việc với Bolton ở bộ Ngoại Giao đã miêu tả ông như sau : Đó là một kẻ nịnh trên nạt dưới.
Thế nhưng, John Bolton, con trai một lính cứu hỏa ở Baltimore, lại có nguồn gốc xuất thân khiêm tốn. Tốt nghiệp đại học Yale, được đào tạo thành luật sư, ông chủ yếu làm việc trong chính quyền liên bang và phục vụ tất cả các đời tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa, từ thời Reagan – hoặc trong các nhóm tư vấn bảo thủ, nơi được coi như là phòng chờ, trong thời gian đảng Dân Chủ cầm quyền.
Trong tư cách là thứ trưởng ngoại giao dưới thời George W.Bush, ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế và đã thành công trong việc đưa ra chương trình Sáng Kiến An Ninh Chống Phổ Biến Hạt Nhân (PSI). Với tư cách là quyền đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc – chỉ trong vòng 17 tháng vì chưa có sự phê chuẩn của Thượng Viện – ông đã thể hiện rõ quan điểm của mình về Liên Hiệp Quốc, một định chế có thể mất đi tới 10 tầng mà cũng chẳng hề hấn gì. Đại sứ đương nhiệm của Hoa Kỳ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, tuyên bố: Tôi biết là ông ta coi khinh Liên Hiệp Quốc và tôi chia sẻ quan điểm này.
Quá tự tin về sự nổi tiếng của mình, John Bolton, trong một giai đoạn ngắn, dự tính lao vào cuộc tranh cử tổng thống năm 2016. Để làm việc này, ông đứng tên, lập ra hai ủy ban hành động chính trị (PAC), và từ năm 2013, đã huy động được 15 triệu đô la. Thế nhưng, sau đó, ông đành bỏ lửng hai ủy ban này cũng như Quỹ An ninh và Tự do của nước Mỹ.
Nhà hảo tâm chủ chốt của John Bolton là tỷ phú Robert Mercer, cũng là nhà tài trợ của Bannon, cổ đông của công ty tư vấn và truyền thông Breibart News và công ty Cambridge Analytica. John Bolton là một những khách hàng đầu tiên tại Hoa Kỳ của Cambridge Analytica, và công ty này bị cáo buộc thao túng dữ liệu của 87 triệu tài khoản người dùng Facebook.
Hai lần kết hôn, có một cô con gái cũng theo học ở Yale như cha, John Bolton giữ kín đời tư trong bóng tối. Theo các tài liệu của vụ ly dị năm 1983, người vợ đầu tiên của ông đã tranh thủ một trong những lần ông vắng mặt, để bỏ gia đình và mang theo đồ đạc. Có một điểm chung, giống với tổng thống, là ông cũng bị cáo buộc quấy nhiễu tình dục. Khi được Roger Eugene Ailes, nguyên là chủ tịch tổng giám đốc đài truyền hình Fox News tiết lộ điều này, Bannon đáp lại : « Nếu tôi kể điều này cho Trump thì ông sẽ tuyển dụng ngay Bolton » (2)
Một thành phần hiếu chiến ?
Các nhà bình luận chính trị đã ngạc nhiên khi thấy vị tổng thống của « Nước Mỹ trước tiên » mà tư duy đơn phương hành động đôi khi bị coi là chủ trương biệt lập, lại tuyển dụng một nhân vật chủ trương can thiệp thuộc phe tân bảo thủ. Là người thân cận với cựu phó tổng thống Dick Cheney, John Bolton đã thúc đẩy cuộc xâm chiếm Irak và cho đến nay, ông không bao giờ giấu giếm điều này, trong khi đó, Trump lại coi đó là « một quyết định tai hại ».
Theo Jon Soltz, chủ tịch hiệp hội cựu chiến binh chiến tranh Irak, thì « không có một cuộc chiến tranh nào nhằm thay đổi chế độ, ở bất kỳ nơi nào, mà John Bolton không ủng hộ ». Đài truyền hình Fox News phong danh hiệu cho ông là « người có lập trường kiên quyết triệt để trong hồ sơ Bắc Triều Tiên ».
Trong mục diễn đàn hồi tháng Hai, trên báo Wall Street Journal, John Bolton cho rằng « Hoa Kỳ hoàn toàn chính đáng đáp lại sự thách thức về hạt nhân của Bắc Triều Tiên bằng cách tấn công trước tiên ». Sau khi tuyên bố rằng « nói chuyện với Kim Jong Un còn tồi tệ hơn là mất thời gian », ông ta lại vui mừng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh mà Donald Trump đã chấp nhận, bởi vì điều này « sẽ ngăn cản Kim Jong Un tìm cách kéo dài thời gian ». Năm 2003, chính quyền Bush đã rút John Bolton ra khỏi nhóm đàm phán sau khi ông thóa mạ Kim Jong Il. Đáp trả, Bình Nhưỡng gọi ông là đồ « rác rưởi », « hút máu người ».
Các nhà lãnh đạo Iran cũng coi John Bolton – và họ có lý – là người tìm cách phá hỏng hiệp định hạt nhân. Hồi tháng Giêng, ông nhắc lại lời tố cáo thỏa thuận hạt nhân, coi đó là một « bước đi sai lầm chiến lược quan trọng » và chủ trương là Hoa Kỳ « kết liễu cách mạng Hồi Giáo trước ngày kỷ niệm 40 năm » cuộc cách mạng này vào tháng Hai 2018.
Năm 2015, ông đã tư vấn như sau : « Để ngăn chặn Iran làm bom nguyên tử, thì chúng ta hãy ném bom Iran ». Theo khuyến nghị của John Bolton, có thể Donald Trump sẽ làm theo « bản năng » của mình và sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân vào giữa tháng Năm tới.
John Bolton vẫn tiếp tục cho rằng cần phải trừ khử Saddam Hussein – như ông đã gợi ý sau đó là làm tương tự với Kadhafi, với triều đại nhà Kim và các giáo chủ ở Teheran. Điều mà ông chê bai, đó là những nỗ lực phù phiếm được thực hiện sau đó nhằm dân chủ hóa. Theo bình luận gia Kmele Foster, người đã từng làm việc với John Bolton ở Fox News, thì « có lẽ thích hợp nhất là thay thế Saddam Hussein bằng một nhà độc tài khác, đi theo Mỹ, đồng thời vẫn nắm giữ nguồn dầu lửa, như gợi ý của Donald Trump. Giống như Trump, ông ta không quan tâm đến các hành động độc tài hoặc vi phạm nhân quyền, chừng nào các hành động này không đe dọa Hoa Kỳ ».
« Một diều hâu trong số các diều hâu »
Trong nhãn quan của Bolton, thế giới chia làm hai phe, chư hầu và đối thủ. Năm 1994, ông nói : « Liên Hiệp Quốc không tồn tại. Chỉ có cộng đồng quốc tế tồn tại và có thể ngẫu nhiên do một cường quốc thực sự duy nhất trên thế giới lãnh đạo, nếu như điều này phục vụ lợi ích của chúng ta ».
Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, niềm tin vào việc « dùng vũ lực để có hòa bình », ngờ vực các quy tắc và định chế quốc tế, ưa thích các thỏa thuận song phương và các liên minh tự nguyện, tất cả những yếu tố này hoàn toàn phù hợp với tổng thống Mỹ, vì hồi tháng 11/2015, Donald Trump đã tuyên bố : « Theo một nghĩa nào đó, tôi rất thích chiến tranh ».
Cũng giống như Donald Trump, « tư tưởng thực dụng trơ tráo » của John Bolton gây chia rẽ. Nhật báo New York Times viết về ông như sau : « Đó là một nhân vật diều hâu trong số các chính trị gia diều hâu, một nhân vật cực đoan triệt để làm nức lòng phe bảo thủ và làm cho các chính trị gia ôn hòa rùng mình ».
Tờ New Yorker tặng ông danh hiệu « nhà ngoại giao Mỹ cay độc nhất thế kỷ 21 ». Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Chris Murphy thảng thốt : « Trời ạ. Người đầu tiên vào phòng Bầu Dục và cũng là người cuối cùng ra khỏi nơi đó, lại tin tưởng một cách cuồng nhiệt vào các cuộc chiến tranh trừng phạt phòng ngừa ».
Thế nhưng, chính trị gia Lindsey Graham, thuộc đảng Cộng Hòa phản bác : việc bổ nhiệm John Bolton « là một tin tốt đẹp đối với các đồng minh của Mỹ và là một tin dữ đối với những kẻ thù của Hoa Kỳ. Ông ta có một sự hiểu biết vững chắc về các mối đe dọa mà chúng ta đang phải đối mặt ».
Còn Michael Rubin, đồng nghiệp của Bolton tại viện nghiên cứu chính trị American Enterprise Institute, thì nhận định : « Trên góc độ tổ chức, trí tuệ, chính trực, dấn thân, và bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ, Bolton có thể nổi lên như là cố vấn an ninh quốc gia tuyệt vời nhất trong một thế hệ ».
Mặc dù đánh giá John Bolton là « thông minh, có học, có nguyên tắc và kinh nghiệm », bình luận gia bảo thủ George Will cho rằng chức vụ mới của John Bolton làm cho ông ta trở thành người Mỹ thứ hai thuộc loại « nguy hiểm nhất », sau tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong một tài liệu gửi cho các khách hàng, cơ quan tư vấn Eurasia Group đã nhận định việc bổ nhiệm John Bolton ngắn gọn như sau : « Nước Mỹ trước tiên được tiêm thuốc kích thích ».
(1) Surrender is Not an Option, Threshold Ed., 2007 / Đầu hàng không phải là một sự lựa chọn, nxb Threshod, 2007
(2) Le Feu et la Fureur, de Michael Wolff, Ed. Robert Laffont, 2018 / Lửa và cuồng nộ. Tác giả Michael Wolff, nxb Robert Laffont, 2018
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180413-john-bolton-donald-trump-qt-nv