Tin khắp nơi – 12/04/2018
TT Pháp:
‘Có bằng chứng Syria dùng vũ khí hóa học’
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông có “bằng chứng” về việc chính phủ Syria tấn công thị trấn Douma bằng vũ khí hóa học trong dịp cuối tuần vừa rồi.
Ông nói ông sẽ quyết định ‘đúng lúc’ về việc có tấn công Syria hay không.
Các nước phương Tây được cho đang chuẩn bị để tấn công bằng tên lửa nhằm đáp trả cho vụ giới chức Syria bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học.
Trump dọa tấn công Syria, mặc Nga phản đối
Syria: Nghi tấn công hóa học làm hàng chục người chết
Mỹ áp lệnh trừng phạt, cổ phiếu Nga lao dốc
Tại Nga, đồng minh quân sự chính của Syria, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi không nên có “bất kỳ bước đi nào có thể dẫn đến việc gây leo thang căng thẳng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư nói rằng tên lửa “đang đến”, nhưng nay viết trên Twitter rằng ông “chưa từng nói là khi nào”.
Điều đó “có thể sẽ xảy ra rất sớm, hoặc không sớm tí nào”, tổng thống nói.
Ông Trump đã hủy chuyến công du châu Mỹ Latin nhằm ở lại nước Mỹ cùng bộ trưởng quốc phòng.
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ có cuộc họp nội các để thảo luận về việc Anh có phản ứng ra sao.
Các nguồn tin nói với BBC rằng bà May có thể sẽ quyết định có hành động quân sự mà không cần xin phê chuẩn của quốc hội.
Ông Macron có đưa ra bằng chứng không?
Lãnh đạo nước Pháp trước đó nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ nhắm vào “các nơi có hóa chất” của chính phủ Syria.
Ông không cho biết nguồn tin ông có được là từ đâu, nhưng nói: “Chúng tôi có bằng chứng rằng các vũ khí hóa học hồi tuần trước, ít nhất là khí chlorine, đã được chính quyền ông Bashar al-Assad sử dụng.”
Syria: ‘Thỏa thuận’ đưa người bị thương khỏi Douma
Syria: Dân chạy trốn, chiến sự leo thang
Syria: LHQ thông qua ‘ngừng bắn 30 ngày’
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng liệu Pháp có tham gia tấn công Syria hay không, ông nói: “Chúng tôi sẽ có những quyết định đúng lúc, khi chúng tôi đánh giá rằng việc đó là phù hợp nhất và hiệu quả nhất.”
“Pháp sẽ không cho phép bất kỳ sự leo thang nào gây tổn hại cho sự ổn định trong khu vực,” ông nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm, “với những chế độ ngỡ rằng họ muốn làm gì thì làm, kể cả những thứ vi phạm luật pháp quốc tế ở mức độ tồi tệ nhất, thì không thể cho phép họ hành động được.”
Vụ tấn công Douma
Các nhà hoạt động, các nhân viên cứu trợ và nhân viên y tế nói hàng chục người thiệt mạng khi phi cơ chính phủ hôm thứ Bảy thả những trái bom có chứa hóa chất độc hại xuống thị trấn Douma, nơi từng do các phiến quân kiểm soát.
Nhưng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vốn được Moscow hậu thuẫn bác bỏ việc họ đứng sau bất kỳ cuộc tấn công hóa chất nào.
Hội Y tế Syria-Mỹ (Sams) vốn hoạt động ở các khu vực do phe phiến quân nắm giữ nói rằng có hơn 500 người đã phải điều trị do có các triệu chứng ‘cho thấy bị phơi nhiễm với hóa chất’.
Hôm thứ Tư, Tổ chức Y tế Thế giới của Liên hiệp quốc đòi quyền tiếp cận khu vực để xác minh các tường thuật mà họ nhận được, theo đó nói 70 người đã thiệt mạng, trong đó 43 người có ‘các triệu chứng phù hợp với việc bị phơi nhiễm hóa chất rất độc hại’.
Nga nói các tường thuật về vụ tấn công hóa chất là “sự khiêu khích” được trưng ra chỉ là cái cớ để phương Tây can thiệp vào đồng minh của Moscow, và cáo buộc các tay súng phe phiến quân đã bịa chuyện.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43743869
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan không tái tranh cử
Quyết định không tái ứng cử của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan gây sức ép lớn đối với đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Nhà lập pháp có thế lực mạnh nhất của Quốc hội nói rằng ông sẽ không đứng thêm một nhiệm kỳ nữa trong khu vực Wisconsin của mình vào tháng 11 này.
Đảng Cộng hòa vốn đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn từ đảng Dân chủ để giữ quyền kiểm soát Hạ viện.
Trong một buổi họp báo sáng thứ Tư, ông Ryan nói quyết định của ông liên quan đến gia đình.
Trump đổ lỗi thất bại dự luật cho phe Dân chủ
Trợ lý của Trump ‘ngẫu nhiên bị theo dõi’
“Tất cả các bạn đều biết rằng tôi không đi tìm công việc này”, ông nói. “Tôi đón nhận nó một cách miễn cưỡng.”
“Nhưng tôi đã làm việc này hết mình. Tôi không hối hận đã chấp nhận trách nhiệm này.” Ryan nói.
Ông tiếp tục: “Nhưng sự thật là rất dễ dàng để công việc này khiến bạn bỏ rơi mọi thứ trong cuộc sống của bạn và bạn không thể để cho điều đó xảy ra.”
Người cha 48 tuổi có 3 con nói rằng ông không muốn con của ông “chỉ có một người cha cuối tuần”.
Ông Ryan cho biết sẽ về hưu tháng Giêng tới sau khi hết nhiệm kỳ.
Phân tích của Anthony Zurcher, BBC News, Washington
Ông Paul Ryan đã bị thuyết phục nhận lãnh trọng trách của Chủ tịch Hạ viện vào năm 2015 và dường như không bao giờ thích công việc này. Nhiều tin đồn đã được luân lưu trong giới bảo thủ trong nhiều tháng là ông đang tìm lối ra.
Vị Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hoà đưa ra quyết định của mình với lý do phải dành ưu tiêng cho gia đình – và các con còn nhỏ, nhiệm vụ gây quỹ và lập pháp của văn phòng rất nặng nề. Nhưng không thể không nhìn thấy động thái này trong một bối cảnh chính trị lớn hơn. Ông Ryan đã có những cuộc đụng độ thường xuyên với Donald Trump, và những khác biệt của hai người – về tính khí và chính sách – vẫn tiếp tục mạnh mẽ.
Cuộc bầu cử giữa kỳ tới gần, và thậm chí có thể có khả năng một đảng viên Dân chủ sẽ là Chủ tịch Hạ viện trong năm tới. Ngay cả nếu đảng Cộng hòa chiến thắng, tỉ lệ đa số của họ sẽ bị giảm, cơ hội làm luật trong một Hạ viện bị chia rẽ ngày càng khó khăn hơn.
Thay vì chìm theo con tàu – hoặc có thể phải chịu số phận tương tự như ông Tom Foley năm 1994, người Chủ tịch Hạ viện cuối cùng bị đánh bại trong cuộc tái tranh cử – ông Ryan đang đặt chỗ vào một xuồng cấp cứu. Ông Ryan không phải là người đầu tiên làm thế, và sẽ có nhiều người theo sau.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43735639
Azerbaijan: Tổng thống tiếp tục nhiệm kỳ lần 4
Tổng thống Ilham Aliyev, người phong cho vợ làm phó tổng thống năm ngoái, lại vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ tư.
Nhà lãnh đạo nước cộng hòa ở vùng thuộc Liên Xô cũ đã được trên 86 phần trăm phiếu trong cuộc bầu cử tuần nàym theo kết quả kiểm phiếu hôm 14/04 ở thủ đô Baku.
Vào tháng 2/2017, ông Ilham Aliyev bổ nhiệm vợ ông, bà Mehriban Aliyeva, vào chức Phó Tổng thống Azerbaijan.
Năm 2016, Tổng thống Ilham Aliyev cho mở trưng cầu dân ý để sửa hiến pháp, lập ra chức Phó Tổng thống vốn không có trước đó.
‘Biết ơn Gorbachev đã khiến Liên Xô sụp đổ’
Cái chết của một cảng biển Liên Xô
Họ đã phản kháng lại kiểm duyệt ra sao?
TBT Trọng: ‘Cách mạng Tháng 10 mãi ngời sáng’
Cuộc trưng cầu dân ý cho phép Tổng thống Azerbaijan kéo dài nhiệm kỳ từ 5 lên 7 năm.
Nếu ông qua đời hoặc không còn khả năng cầm quyền, phó tổng thống, tức là vợ ông, sẽ lên thay.
Xây dựng nước Azerbaijan độc lâp, kinh tế tự lực và toàn vẹn lãnh thổ.Ilham Aliyev
Giữ vị trí cao nhất để cho con
Nhưng giới hoạt động nhân quyền ở vùng thuộc Liên Xô cũ tin rằng hai vợ chồng ông bà Aliyev kiên trì giữ vị trí cao nhất để cho con.
Nói ngắn gọn thì họ sẽ ‘giữ chỗ’ thật lâu đủ thời gian để cậu con trai, năm nay mới 20 tuổi, đủ tuổi 30 để lên kế nhiệm cha mẹ.
Cha của ông Ilham Aliyev là Tổng thống Hayder Aliyev đã cầm quyền ba thập niên kể từ khi Liên Xô tan rã và trao lại quyền cho ông năm 2003.
Sinh năm 1961 ở Baku, ông Aliyev tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế ở Moscow và sau thời Liên Xô sụp đổ đã được cha ông công khai coi là người kế nhiệm.
Ông bị phê phán là đã có chính sách độc đoán với những người bất đồng chính kiến, theo BBC Monitoring.
Về đối ngoại, chính quyền Aliyev cố tìm cách cân bằng ảnh hưởng truyền thống của Moscow với quan hệ đẩy nhanh lên với Phương Tây trong chính sách dầu khí.
Sau một giai đoạn hưởng lợi từ giá dầu cao, trong ba năm qua, giá dầu xuống khiến kinh tế Azerbaijan bị giảm tỷ trọng đi nhiều.
Khẩu hiệu của ông là xây dựng nước Azerbaijan độc lâp, kinh tế tự lực và toàn vẹn lãnh thổ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43734748
Mẹ Lào đẻ con TQ 4 năm sau khi cha mẹ thật chết
Một em bé sinh ra qua thụ tinh ống nghiệm tại Trung Quốc nhờ người mang thai là một phụ nữ Lào sau khi cha mẹ em đã tử nạn năm 2013 trong tai nạn xe hơi.
Trang Beijing News đưa tin tuần này cũng nói em bé Tiantian ra đời hồi tháng 12/2017 nhưng nay mọi việc mới hoàn tất nhờ nỗ lực của ông bà, và em nhỏ đã có quốc tịch Trung Quốc.
Một khúc mắc xảy ra khi người mẹ mang thai hộ đến từ Lào và vào Trung Quốc bằng visa du lịch.
Nhưng về mặt khoa học, đây là chuyện hy hữu, theo BBC News hôm 12/04/2018.
Cặp vợ chồng Trung Quốc giữ trứng đã thụ tinh của người vợ tại một bệnh viện ở Nam Kinh để tìm cách thụ tinh nhân tạo sau nhiều cố gắng có con mà không thành.
Nỗ lực của ông bà nội ngoại
Nhưng nỗ lực của ông bà nội ngoại để có được đứa bé cũng là câu chuyện đánh chú ý.
Sau khi bố mẹ đứa bé thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi, cả hai bên ông bà nội ngoại đã ra toà yêu cầu bệnh viện trao lại quyền sở hữu các bào thai dự trữ.
Điều gì khiến người mẹ phải ‘mang nặng, đẻ đau’?
TQ: Muốn hiến tinh trùng phải trung thành với Đảng
Tự kỷ ‘không phải do cha mẹ thiếu quan tâm’
Mitsutoki Shigeta: Ông bố ‘sản xuất trẻ em’ được quyền nuôi con
Nhưng khi giành được quyền đó, họ vấp phải khó khăn khi ở Trung Quốc, việc thuê tử cung để mang thai (surogacy) là phi pháp.
Còn ở Lào, việc thuê người mang thai giúp lại không có vấn đề pháp lý.
Khó khăn tiếp theo cho họ là không hãng hàng không nào đồng ý chuyên chở bào thai ở nhiệt độ âm 196 độ C.
Họ đã đem ‘cháu chưa sinh ra’ sang Lào bằng đường xe hơi.
Sau khi cháu bé ra đời cuối 2017, bốn ông bà nội ngoại phải nộp mẫu máu để chứng minh họ có quan hệ ruột thịt và được quyền nuôi cháu.
Và vì họ là công dân Trung Quốc, nay em bé đó được cấp quốc tịch Trung Quốc dù người mẹ sinh ra là công dân Lào.
Nhu cầu cần tinh trùng gia tăng sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con nhưng vấn đề thụ tinh ống nghiệm (in vitro) vẫn còn nhiều rào cản pháp lý.
Gần đây nhất, dư luận trong và ngoài Trung Quốc lại chú ý đến câu chuyện một ngân hàng tinh trùng ở Bắc Kinh yêu cầu người hiến tinh trùng phải trung thànhvới Đảng Cộng sản Trung Quốc, gây ra đàm tiếu nhiều trên mạng xã hội .
http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-43734746
Luật chống can thiệp chính trị từ nước ngoài
gây căng thẳng Úc – Trung
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thừa nhận có căng thẳng với Trung Quốc do luật chống can thiệp chính trị từ nước ngoài đối với Úc.
Reuters loan tin dẫn phát biểu của ông Turnbull với đài phát thanh Radio 3AW ở Melbourne rằng rõ ràng có căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc sau khi luật về can thiệp chính trị từ nước ngoài được đưa ra, nhưng ông tin tưởng rằng bất kỳ hiểu lầm nào cũng sẽ được giải quyết.
Theo Reuters, ông Turnbull không nêu rõ Trung Quốc đã từ chối hoặc hoãn cấp visa cho bao nhiêu quan chức chính phủ Úc sang Hoa Lục tham dự hội chợ thương mại Australia – Trung Quốc.
Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, lên tiếng cho rằng thông tin việc từ chối cấp visa mà tờ Australian Financial Review loan đi là “không có căn cứ”.
Thủ tướng Turnbull khẳng định dù quan hệ giữa Úc và Trung Quốc căng thẳng liên quan tới dự luật chống can thiệp chính trị từ nước ngoài đối với Australia, nhưng ngoài người dân Úc ra thì không ai được quyền gây ảnh hưởng lên nền chính trị Úc, đồng thời chính quyền Canberra cũng đang cân nhắc sửa đổi dự luật này.
Theo hãng tin Bloomberg, quan hệ giữa Úc với Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ tháng 12/2017 khi ông Turnbull chỉ trích Bắc Kinh can thiệp nền chính trị Úc và đề xuất luật mới để ngăn chặn việc này, theo đó Úc sẽ cấm các quốc gia bên ngoài tài trợ cho các đảng chính trị ở Úc.
Mặc dù chính quyền Canberra luôn khẳng định luật này không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào nhưng truyền thông và chính quyền Trung Quốc cho rằng Canberra đang nhắm vào Bắc Kinh, và phản ứng giận dữ.
Tháng trước, bà Frances Adamson, viên chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết bà đang cố gắng sắp xếp một chuyến thăm Trung Quốc như mọi năm sau khi Bắc Kinh cho biết chưa sắp xếp được lịch trình cho chuyến thăm của bà.
Theo tờ Australian Financial Review, một hoạt động dự kiến được tổ chức vào tháng 5 tới tại Trung Quốc để thúc đẩy thương mại Úc có thể sẽ bị hủy và không quan chức cấp cao nào của Úc đã được mời tới Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 ở tỉnh Hải Nam vừa qua.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu vào ngày 4 tháng 9 năm 2016.
Trump và các đồng minh
cân nhắc giải pháp quân sự trừng phạt Assad
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh ông “không hề nói một cuộc tấn công vào Syria sẽ diễn ra vào thời điểm nào” để đáp ứng cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân ở Syria. Ông Trump viết trên trang Twitter rằng cuộc tấn công” có thể xảy ra hoặc rất sớm hoặc vào một thời điểm tương lai, không vội vã.”
Một ngày sau khi cảnh báo Syria hãy chuẩn bị chờ “tên lửa bay tới” nước này, ông Trump hôm thứ tư nói “Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của chính phủ của tôi, đã thi hành nhiệm vụ tốt đẹp là đẩy bật được nhóm Nhà nước Hồi giáo ra khỏi khu vực”.
Toà Bạch Ốc trước đó cho biết ông Trump đang cân nhắc giải pháp dùng tên lửa tấn công Syria để trả đũa cuộc tấn công bằng chất hóa học mới nhất mà các lực lượng chính phủ Syria bị cáo buộc đã thực hiện. Hàng chục người đã bị giết hoặc đang trong tình trạng nguy kịch trong cuộc tấn công xảy ra hôm thứ Bảy tại thị trấn Douma, nằm về hướng đông Ghouta ở ngoại ô Damascus. Chính quyền Syria bác bỏ cáo buộc cho rằng họ đã sử dụng vũ khí hóa học.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm khẳng định Pháp có “bằng chứng” cho thấy chế độ của lãnh tụ Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học. Ông nói Pháp sẽ đáp ứng vào thời điểm thích hợp do chính họ chọn lựa.
Các quan chức và giới phân tích ở Washington dự báo Mỹ sẽ lãnh đạo một chiến dịch quân sự để trả đũa cuộc tấn công hóa học ở Syria trong vài ngày tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà ủng hộ việc đánh đi một thông điệp rằng sử dụng vũ khí hoá học là điều không thể chấp nhận, tuy nhiên nước Đức sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động quân sự nào.
Sau khi Đại sứ Nga tại Li-băng tuần này tuyên bố các lực lượng Nga sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào bắn vào Syria, ông Trump nhắn trên trang Twitter rằng người Nga nên chuẩn bị, bởi vì “tên lửa sẽ tới Syria”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis có mặt tại Toà Bạch Ốc hôm thứ Tư khi Phó Tổng thống Mike Pence triệu tập toán an ninh quốc gia của Tổng thống để cân nhắc giải pháp dùng vũ lực quân sự chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ông Mattis, trước đó nói rằng mặc dù tin tình báo về cuộc tấn công ở Syria vẫn đang được đánh giá, “lực lượng Mỹ đã ở trong tư thế sẵn sàng để cung cấp các lựa chọn quân sự, nếu như các hành động này thích hợp, theo ý của tổng thống.”
Theo dự kiến, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ triệu tập một cuộc họp nội các khẩn trong ngày thứ Năm để thảo luận về vai trò của nước Anh trong bất kỳ phản ứng nào trước tình hình Syria.
Điện Kremlin kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy kiềm chế các hành động có thể gây bất ổn cho khu vực.
Phe nổi dậy ở Syria tố cáo các lực lượng chính phủ đã thả bom thùng chứa hóa chất độc hại để tấn công thường dân ở Douma.
Hơn 2.000 lính Mỹ đang có mặt ở Syria, nơi một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã phát động hàng nghìn vụ không kích – đa số nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo và các thành phần cực đoan khác.
Nhóm tác chiến do tàu sân bay Harry S. Truman dẫn đầu đã rời cảng Norfolk ở Virginia hôm thứ Tư trong một hoạt động được hải quân Hoa Kỳ mô tả là một cuộc triển khai lực lượng thường kỳ tới châu Âu và Trung Đông. Một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ, chiếc Donald Cook, đã rời đảo Síp (Cyprus) hôm thứ Hai tại biển Địa Trung Hải.
Ngày 7 tháng 4 năm ngoái, hai tàu khu trục Cook và Porter của Hải quân Hoa Kỳ đã bắn tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk từ Địa Trung Hải vào căn cứ không quân Shayrat của Syria để đáp lại một cuộc tấn công bằng chất hóa học xảy ra trước đó 3 ngày, giết chết ít nhất 74 người và làm hàng trăm người bị thương.
Thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Edward Markey, nhận định rằng cuộc tấn công hồi năm ngoái theo lệnh của Tổng thống Trump, không thành công, kể cả về chiến thuật lẫn mặt chiến lược.
Chính khách thuộc Đảng Dân chủ đại diện cho bang Massachusetts nói rằng mặc dù cách sử dụng vũ khí hoá học dã man của ông Assad không bao giờ nên để xảy ra lần nữa, ông Trump “phải tham khảo và xin phép Quốc hội” trước khi tiến hành một chiến dịch quân sự khác tấn công Syria.
Các nhà phân tích tiên đoán phản ứng của ông Trump lần này sẽ nặng ký hơn so với cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào tháng 4 năm 2017.
Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thăm Việt Nam
Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Trung tướng David Berger, vừa có chuyến thăm Việt Nam để tìm hiểu, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Hải quân Việt Nam.
Báo Hải quân Việt Nam cho biết chiều ngày 10/4, Trung tướng Berger đã gặp Chuẩn Đô đốc Ngô Sỹ Quyết, Phó Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam trích lời ông Berger nói: “Chuyến thăm lần này của đoàn là nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Hải quân Việt Nam, đưa mối quan hệ hợp tác giữa Hải quân Việt Nam và lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ngày càng đi vào chiều sâu.”
Phía Việt Nam hy vọng rằng hai bên sẽ tiếp tục các hoạt động hợp tác quốc phòng như trao đổi đoàn, giao lưu tàu của hải quân hai nước, đào tạo, an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn.
Trước đó, báo Quân đội Nhân dân Việt cho biết hôm 9/4, Trung tướng Berger đã thảo luận với Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Việt Nam về việc đẩy mạnh hợp tác giữa hải quân hai nước.
Tại một cuộc gặp với ông Berger hôm 9/4, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đánh giá cao vai trò của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đối với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế trong khu vực. Ông Ngọc khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
https://www.voatiengviet.com/a/tu-lenh-thuy-quan-luc-chien-hoa-ky-tham-viet-nam/4343847.html
Mỹ: Biểu tình toàn quốc
nếu Tổng thống sa thải ông Mueller
Các tổ chức cấp tiến ở Mỹ đang chuẩn bị tổ chức các cuộc biểu tình toàn quốc nếu Tổng thống Donald Trump hoặc sa thải Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đang dẫn đầu cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, hoặc thay thế Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người đang trông coi cuộc điều tra này.
Tổng thống Trump mà đuổi Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller thì chứng tỏ là ông ấy đang đứng trên pháp luật, tổ chức MoveOn, nhóm đang lên kế hoạch 800 cuộc biểu tình trên cả nước, nhấn mạnh.
Trang web MoveOn.org cho biết mỗi tiểu bang sẽ có ít nhất một cuộc biểu tình mang tên ‘Không ai đứng trên pháp luật’ và ít nhất 320 ngàn người đã cam kết tham gia, tính tới thời điểm này.
MoveOn nói Tổng thống Trump cũng khơi mào biểu tình nếu sa thải Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein hoặc nếu đặc xá cho bất kỳ phụ tá nào đang bị nhắm mục tiêu trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử, chẳng hạn như ông Paul Manafort, cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump, người đang đối mặt 2 bản án xuất phát từ cuộc điều tra của Công tố viên Mueller.
Tổng thống Trump lâu nay chỉ trích cuộc điều tra này và đe dọa sẽ sa thải ông Mueller sau khi Cục Điều tra Liên bang lục soát văn phòng luật sư riêng của ông Trump ở New York, Michael Cohen, đầu tuần này.
MoveOn cho biết các nhóm khác hậu thuẫn chương trình biểu tình bao gồm Liên đoàn Giáo viên Mỹ và các tổ chức cựu chiến binh.
“Nếu ông Trump sa thải Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, sẽ gây ra cuộc khủng hoảng hiến pháp,” tổ chức MoveOn nói. Đây cũng là tổ chức vừa ủng hộ cuộc tuần hành đòi tăng cường kiểm soát súng ở thủ đô Washington DC.
Tòa Bạch Ốc hôm 10/4 nói ông Trump “tin rằng ông có quyền” sa thải ông Mueller, người đang mở rộng cuộc điều tra tìm hiểu xem chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.
Cả Nga và Tổng thống Trump đều bác bỏ những cáo buộc.
Tổ chức MoveOn kêu gọi luận tội ông Trump và thúc giục bên lập pháp cân nhắc các hành động trong trường hợp Tổng thống sa thải những giới chức liên quan đến cuộc điều tra Nga.
Theo dự kiến, một nhóm thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng tại Thượng viện ngày 11/4 sẽ ra luật bảo vệ văn phòng của Công tố viên Đặc biệt.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/my-bieu-tinh-toan-quoc-neu-trump-sa-thai-mueller-/4343106.html
California đáp yêu cầu của Trump,
điều binh tới biên giới
Thống đốc bang Californi, Jerry Brown, ngày 11/4 đồng ý triển khai 400 binh sĩ Vệ binh Quốc gia theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump, nhưng không phải tất cả số này đều tiến tới biên giới Mỹ-Mexico như ông Trump mong muốn và lực lượng này cũng sẽ không thi hành chiến dịch của liên bang truy quét di dân bất hợp pháp.
“Việc này không phải sứ mạng xây tường biên giới, không phải nhiệm vụ bắt nhốt phụ nữ trẻ em hay giam giữ những người chạy trốn bạo lực tìm kiếm đời sống mới,” thống đốc Brown nhấn mạnh trong thư gửi chính quyền Trump.
Tổng thống Trump muốn đưa tới 4 ngàn binh sĩ tới biên giới để chống nạn nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu ma túy. Ông Trump có được cam kết từ các thống đốc Cộng hòa tại các tiểu bang khác giáp ranh với Mexico như Arizona, New Mexico và Texas lên tới khoảng 1600 binh sĩ.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói “Chúng tôi vui mừng thấy thống đốc California, Jerry Brown, hợp tác với chính quyền và gửi binh sĩ Vệ binh Quốc gia tới giúp bảo vệ biên giới phía Nam.”
Ngũ Giác Đài tuần trước nhấn mạnh không một lính Vệ binh Quốc gia nào thực hiện các chức năng thực thi luật pháp hay tương tác với những người bị Bộ An ninh Nội địa bắt giữ mà chưa được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.
Thống đốc California nói binh sĩ của California sẽ tham gia chương trình hiện hành phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, phòng chống buôn người và buôn lậu võ khí. Khoảng 250 binh sĩ Vệ binh Quốc gia từ bang California đã tham gia nhiệm vụ này, kể cả 55 người tại biên giới.
Đạo quân mới sắp được điều động thuộc Vệ binh Quốc gia từ bang California có thể đóng ở biên giới, duyên hải, hay nhiều nơi khác trên khắp bang, thống đốc Brown cho hay.
Chính quyền liên bang phải đồng ý các điều kiện này trước khi binh sĩ được triển khai.
Theo AP
Zuckerberg đôi co với Quốc hội
về việc kiểm soát dữ liệu Facebook
Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg hôm thứ Tư đôi co với các nhà lập pháp về việc người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này kiểm soát được bao nhiêu phần đối với dữ liệu của họ, trong một phiên điều trần kéo dài năm tiếng đồng hồ và đôi lúc căng thẳng.
Anh Zuckerberg bảo đảm với các thành viên của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Hoa Kỳ rằng người dùng nắm quyền kiểm soát lớn nhất đối với thông tin trên Facebook của họ, nhưng lại làm suy yếu phát biểu này khi nói rằng anh là một trong số 87 triệu người dùng có dữ liệu bị công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica chia sẻ một cách không thỏa đáng.
Việc anh thừa nhận rằng thậm chí người sáng lập đại công ty công nghệ này cũng không thể bảo vệ được thông tin của chính mình càng nêu bật vấn đề mà Facebook đang đối mặt trong việc thuyết phục các nhà lập pháp hoài nghi rằng người dùng có thể dễ dàng bảo vệ thông tin của họ, và rằng áp đặt thêm quy định để quản lý Facebook là không cần thiết.
“Mỗi lần ai đó chọn chia sẻ cái gì đó trên Facebook là đều có một chức năng kiểm soát. Ngay tại đó. Nó không được giấu ở đâu đó trong phần điều chỉnh mà ở ngay đó,” tỉ phú Internet 33 tuổi này nói trong phiên điều trần.
Nhưng khi được hỏi liệu dữ liệu của anh có bị chia sẻ một cách không thỏa đáng với Cambridge Analytica hay không, anh trả lời: “Có.” Anh không đưa ra thêm chi tiết.
Vấn đề Cambridge Analytica là lý do anh Zuckerberg có mặt trong Điện Capitol để trả lời chất vấn lần thứ hai trong hai ngày qua về cách thức mà công ty này – từng làm việc với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump – thu thập dữ liệu về hàng triệu người dùng Facebook.
“Làm sao mà người dùng có thể kiểm soát được dữ liệu của mình trong khi Facebook không kiểm soát được dữ liệu?” Dân biểu Frank Pallone của bang New Jersey, thành viên cao cấp của phe Dân chủ thuộc Ủy ban Năng lượng và Thương mại, đặt câu hỏi vào đầu buổi điều trần.
Dân biểu Dân chủ Debbie Dingell nói Facebook đã sử dụng mã máy tính chèn trong các website để thu thập thông tin về hầu như mọi người trên mạng, cho dù họ thích hay không.
“Bất kể bạn có tài khoản Facebook hay không. Thông qua những công cụ này, Facebook có thể thu thập thông tin từ tất cả chúng ta,” bà nói, đề cập đến nút “Like” của Facebook xuất hiện trên nhiều website. Anh Zuckerberg đã không thể trả lời bà Dingell khi bà hỏi có bao nhiêu website có các nút như vậy.
Bà Dingell đã tỏ ra bực bội khi anh Zuckerberg thường xuyên hứa rằng anh sẽ hồi đáp câu hỏi của các nhà lập pháp sau đó bằng văn bản. “Có một số điều đáng chú ý trong cuộc trò chuyện này,” bà nói. “Là CEO, anh không nắm được một số thông tin quan trọng.”
Các vấn đề về quyền riêng tư và kiểm soát dữ liệu thống trị phiên điều trần này, với các câu hỏi tập trung hơn và không khí căng thẳng hơn phiên điều trần của Thượng viện một ngày trước.
Trong một loạt những câu hỏi về việc làm thế nào để loại bỏ dữ liệu khỏi Facebook, anh Zuckerberg nói rằng Facebook có “thu thập dữ liệu về những người không đăng ký sử dụng Facebook vì mục đích an ninh.” Anh không có câu trả lời khi được hỏi làm thế nào một người không phải là thành viên của Facebook có thể xóa thông tin mà không phải đăng ký sử dụng dịch vụ này trước.
Về vấn đề Cambridge Analytica, anh Zuckerberg nói sẽ mất “nhiều tháng” để hoàn thành việc kiểm tra các ứng dụng khác mà cũng có thể đã thu thập hoặc chia sẻ dữ liệu một cách không thỏa đáng.
Cũng như hôm thứ Ba, anh Zuckerberg không đưa ra thêm lời hứa nào hỗ trợ luật mới hoặc thay đổi cách thức mà mạng xã hội này kinh doanh.
Cổ phiếu của Facebook tăng 1,2 phần trăm vào thứ Tư sau khi sụt giảm trước đó trong ngày. Facebook đạt mức tăng hàng ngày lớn nhất trong gần hai năm vào ngày thứ Ba khi anh Zuckerberg cố gắng ngăn bất kỳ cuộc thảo luận cụ thể nào về các quy định mới mà có thể cản trở khả năng của Facebook trong việc bán những quảng cáo được thiết kế phù hợp với thông tin về người dùng.
“Chắc chắn sẽ có một số quy định” đối với các công ty Internet, anh Zuckerburg nói hôm thứ Tư, nhưng một lần nữa tránh nêu bất kỳ chi tiết cụ thể nào.
Trump ký luật trừng phạt các website
buôn bán nô lệ tình dục
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư ký luật trừng phạt những người điều hành các website tạo điều kiện cho nạn buôn người khai thác tình dục trên mạng và thu hẹp sự bảo vệ pháp lý cho ngành công nghệ.
Luật này nhắm mục đích tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công tố viên và nạn nhân bị buôn bán tình dục kiện các mạng xã hội, các nhà quảng cáo và những người khác lưu giữ những tư liệu có nội dung khai thác tình dục trên các diễn đàn, mặc dù các nạn nhân sẽ phải chứng tỏ rằng các website này hiểu rõ họ đang tạo điều kiện cho nạn buôn người khai thác tình dục.
Việc ký ban hành luật này diễn ra trong khi Washington tăng cường săm soi các công ty công nghệ, phần lớn đã tránh né việc quản lý, về việc họ sử dụng những biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu người dùng. Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, đã ra khai chứng trước các nhà lập pháp trong tuần này.
Thung lũng Silicon lâu nay đã phản đối những nỗ lực viết lại Đạo luật Truyền thông Đứng đắn, vốn bảo vệ các công ty khỏi chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng đăng lên và được ghi nhận là đã giúp thúc đẩy tăng trưởng trong ngành này suốt 20 năm qua.
Tuy nhiên, Facebook và các công ty công nghệ khác và các nhóm vận động hành lang phần lớn đã rút lại sự chống đối đối với luật này trong những tháng gần đây sau khi thương lượng những thay đổi làm hạn chế tác động tiềm năng của dự luật.
Hôm thứ Hai, một cáo trạng nhắm vào Backpage.com đã được công bố. Đây là website quảng cáo lớn thứ hai trên Internet và đã được sử dụng để quảng cáo hoạt động buôn người khai thác tình dục.
Hải quân Mỹ sẽ triển khai máy bay trinh thám Triton
ở Thái Bình Dương
Hải quân Mỹ sẽ đưa vào khai thác sử dụng hai máy bay trinh sát, tuần thám và giám sát không người lái hiện đại MQ-4C Triton do tập đoàn Northrop Grumman chế tạo, được thiết kế để phát hiện chiến hạm đối phương và các đối tượng khác trên Thái Bình Dương vào mùa hè năm nay.
Trang Breaking Defense dẫn lời Đại úy Hải quân Dan Mackin, giám đốc chương trình, hôm 9/4 cho biết hai máy bay này sẽ được sử dụng ở đảo Guam, và hai chiếc nữa sẽ được triển khai cũng tại đảo Guam trước năm 2021.
Theo trang Stars and Stripes, máy bay Triton được thiết kế đặc biệt để có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường biển khắc nghiệt, trong mọi điều kiện thời tiết, thực hiện các nhiệm vụ trên độ cao lớn và quảng thời gian dài.
Chiếc MQ-4C Triton nặng 16 tấn, có sải cánh 40 m, tốc độ bay 575 km/h, được phát triển cho hải quân Mỹ, sử dụng cho nhiều nhiệm vụ quan trọng bao gồm tuần tra giám sát hàng hải, tình báo thông tin, tìm kiếm cứu hộ, trạm chuyển tiếp thông tin liên lạc.
Israel sợ bị Syria và Iran tấn công
nếu Mỹ phóng tên lửa vào Syria
Israel đã tổ chức họp an ninh cấp cao ngày 11/4 trong khi lo ngại rằng Israel có thể bị Syria hay Iran tấn công nếu Hoa Kỳ bắn tên lửa vào Syria vì nước này sử dụng vũ khí hóa học.
Hãng tin Reuters cho biết một thành viên nội các phụ trách an ninh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các chiến lược gia của Israel đã bày tỏ lo ngại rằng việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad lún sâu vào cuộc nội chiến kéo dài sẽ tạo ra mối nguy trực tiếp đối với Israel.
Nhưng họ nói rằng Israel đang rất thận trọng trước việc Iran đe dọa đáp trả một cuộc tấn công hôm 9/4 nhắm vào căn cứ không quân Syria mà cả Damascus, Tehran và Moscow cáo buộc do Israel thực hiện.
Các viên chức chính phủ cho biết tham dự cuộc họp an ninh hôm 11/4 có Thủ tướng Israel Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman, trưởng tư lệnh lực lượng vũ trang Israel và người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự.
Ông Zeev Elkin, một thành viên của diễn đàn an ninh, nói trên đài phát thanh quân đội trước khi bước vào phiên họp: “Chúng ta phải sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào. Iran là một kẻ thù nguy hiểm và nghiêm trọng mà chúng ta không nên xem thường.”
Ông Elkin nói: “Tôi sẽ đi vào chi tiết kế hoạch hoạt động cụ thể, nhưng chúng ta giữ liên lạc chặt chẽ với người Mỹ. Hoa Kỳ là đối tác chiến lược của chúng ta, và các cơ sở quốc phòng của chúng ta có liên kết với họ.”
Con gái điệp viên bị đầu độc
khước từ hỗ trợ của sứ quán Nga
Yulia Skripal, người bị đầu độc ở Anh vào tháng trước cùng với cha cô, một cựu điệp viên Nga, cho biết cô không muốn nhận lời đề nghị cung cấp dịch vụ từ đại sứ quán Nga ở London.
Trong một thông cáo thay mặt cô do cảnh sát Anh công bố, cô Skripal nói rằng cha cô vẫn đang bệnh nặng và cô vẫn đang chịu những ảnh hưởng của chất độc thần kinh được sử dụng nhắm vào họ trong vụ tấn công dẫn tới một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong quan hệ của Anh với Moscow kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
“Tôi có thể tiếp cận bạn bè và gia đình, và tôi đã được cho biết về những mối liên lạc cụ thể của tôi tại Đại sứ quán Nga. Đại sứ quán đã có nhã ý cung cấp sự hỗ trợ cho tôi bằng mọi cách mà họ có thể.”
“Vào lúc này tôi chưa muốn sử dụng các dịch vụ của họ, nhưng, nếu tôi đổi ý, tôi biết phải liên hệ với họ như thế nào.”
Đại sứ quán Nga tại London trước đó đã nói rằng họ đã không được cho phép tiếp cận người phụ nữ 33 tuổi này.
Yulia Skripal đã được cho xuất viện ở thành phố Salisbury của Anh hôm thứ Hai, nơi mà cô nói cô đã được điều trị “bằng chuyên môn lâm sàng rõ ràng và bằng sự tử tế.”
Cô Skripal cho biết cô vẫn chưa đủ sức để trả lời phỏng vấn của giới truyền thông và cô nói những phát biểu của người chị (em) họ của cô với truyền thông Nga không phải là của cô hay của cha cô.
“Tôi cảm ơn chị (em) họ Viktoria vì quan tâm tới chúng tôi, nhưng yêu cầu cô ấy không đến thăm tôi hoặc tìm cách liên lạc với tôi trong thời gian này,” thông cáo dẫn lời cô nói.
Hai cha con Skripal lâm vào tình trạng nguy kịch trong mấy tuần sau vụ tấn công ngày 4 tháng 3 trước khi sức khỏe của họ cải thiện.
Anh cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh. Các chính phủ phương Tây, kể cả Mỹ, đã trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga. Nga phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào trong vụ đầu độc và đã đáp trả tương xứng.
Các hãng hàng không đổi đường bay
vì sợ Mỹ oanh kích Syria
Một số hãng hàng không lớn hôm 11/4 đổi tuyến bay sau khi cơ quan kiểm soát không lưu của châu Âu Eurocontrol cảnh báo máy bay đi qua khu vực phía đông của Địa Trung Hải phải thận trọng vì có nguy cơ xảy ra các cuộc không kích nhắm vào Syria, theo Reuters.
Eurocontrol nói trong một thông báo ra chiều ngày 10/4 rằng các tên lửa không đối đất và tên lửa hành trình có thể được sử dụng trong vòng 72 giờ tới và có khả năng xảy ra tình trạng gián đoạn liên tục của các thiết bị radio dẫn đường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh phương Tây đang thảo luận hành động quân sự thích hợp để trừng phạt Tổng thống Syria Bashar Assad vì bị nghi đã tấn công bằng khí độc vào thường dân hôm 7/4 tại một thị trấn do quân nổi dậy chiếm đóng mà các lực lượng của chính phủ từ lâu nay đã không tiếp cận được.
Một phát ngôn viên của Air France nói hãng hàng không Pháp đã thay đổi một số tuyến bay sau khi có cảnh báo, trong đó có các tuyến bay tới Beirut và Tel Aviv, trong khi hãng hàng không giá rẻ easyJet cho biết họ cũng sẽ thay đổi các tuyến bay cất cánh từ Tel Aviv.
Các nhà quản lý hàng không đã tăng cường kiểm soát các khu vực có xung đột kể từ khi máy bay MH17 của hàng không Malaysia bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không trên không phận Ukraine năm 2014 làm toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng.
Những cảnh báo gần đây thường được đưa sau khi hành động quân sự đã bắt đầu, và do đó khuyến cáo sớm của Eurocontrol cho thấy việc giám sát theo quy định đang được tăng cường.
Tổng thống Trump hôm 10/4 đã huỷ bỏ chuyến đi dự kiến tới châu Mỹ Latinh vào cuối tuần này để tập trung vào việc đáp trả lại Syria, theo thông tin từ Nhà Trắng.
Ông Trump hôm 9/4 cảnh báo sẽ có một phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng một khi khẳng định được bên nào chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này.
Cảnh báo của Eurocontrol trên trang web của cơ quan này không nêu cụ thể nơi phát sinh bất kỳ mối đe dọa nào về tên lửa.
“Do có khả năng có các cuộc không kích nhắm vào vào Syria bằng các tên lửa không đối đất và/hoặc tên lửa hành trình trong vòng 72 giờ tới, và khả năng gián đoạn liên lục các thiết bị radio dẫn đường, nên cần phải xem xét cẩn thận khi lập kế hoạch hoạt động bay trong vùng Địa Trung Hải/Vùng thông báo bay Nicosia,” theo thông báo của Eurocontrol khi đề cập đến không phận được cảnh báo.
Các nhà quản lý hàng không ở các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức trước đây đã ban hành các cảnh báo đối với các hãng hàng không bay vào không phận Syria, khiến hầu hết các hãng này phải tránh khỏi khu vực đó.
Theo trang mạng tìm kiếm chuyến bay có tên FlightRadar24, các chuyến bay thương mại duy nhất ở Syria vào lúc 01:15 GMT hôm 11/4 là của Syrian Air và Middle East của Lebanon. Vào các thời điểm khác trong ngày, không có chuyến bay nào bay trong không phận này.
Hôm 10/4, quân đội chính phủ Syria và các lực lượng đồng minh của nước này được đặt trong tình trạng báo động với các biện pháp phòng ngừa tại các căn cứ quân sự và đồn bốt trong khu vực do Damascus kiểm soát trên cả nước vì lo sợ Mỹ sẽ oanh kích sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria, theo các nhà quan sát chiến tranh.
Tập Cận Bình: Vành đai và Con đường
không phải là âm mưu của TQ
Kế hoạch chính sách đối ngoại mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng một “Con đường Tơ lụa” mới, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng và các liên kết thương mại giữa Trung Quốc và khu vực Âu-Á, không phải là “âm mưu của Trung Quốc,” ông Tập nói ngày thứ Tư, theo truyền thông nhà nước.
Kế hoạch Vành đai và Con đường của ông Tập, được công bố vào năm 2013, nhắm mục tiêu củng cố một mạng lưới rộng lớn những liên kết đường bộ và đường biển với các khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.
Tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 năm ngoái, ông Tập đã cam kết 126 tỉ đôla dành cho kế hoạch này, nhưng đã không vượt qua được sự ngờ vực của các thủ đô phương Tây. Các quan chức ở đó nghi ngờ điều mà Trung Quốc tuyên bố là mong muốn lan tỏa sự thịnh vượng ở khu vực này thật ra là một nỗ lực nhằm khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Sáng kiến Vành đai và Con đường không phải là một âm mưu của Trung Quốc, như một số người trong cộng đồng quốc tế đã nói,” ông Tập phát biểu tại một hội nghị hàng năm của Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.
“Đây không phải là Kế hoạch Marshall hậu Thế chiến thứ hai, mà cũng không phải là một âm mưu của Trung Quốc, mà phải gọi là ‘dương mưu’ (ý nói một kế hoạch minh bạch), ông được Tân Hoa Xã dẫn lời phát biểu.
Trung Quốc nói rằng các dự án dọc theo các tuyến đường của Vành đai và Con đường sẽ được mở ra để tất cả các nước đầu tư, kể cả các nước thuộc bên thứ ba, nhưng một số chính phủ phương Tây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại các thỏa thuận này sẽ ưu ái đại đa số công ty Trung Quốc.
Trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng 1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Vành đai và Con đường không thể “một chiều.”
Trong bài phát biểu khai mạc tại diễn đàn hôm thứ Ba, ông Tập nói rằng các thỏa thuận Vành đai và Con đường đã đạt được trong năm năm qua với hơn 80 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
“Trung Quốc sẽ không chơi trò chơi địa chính trị vì những mục tiêu ích kỉ, sẽ không lập ra một câu lạc bộ đẳng cấp cao, và sẽ không áp đặt các thỏa thuận thương mại với nước khác từ trên xuống,” ông nói.
Vụ Skripal: Đã xác định chất độc,
Anh đề nghị họp Hội Đồng Bảo An
Anh SQuốc hôm nay 12/04/2018 yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp vào tuần tới, sau khi Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC theo tiếng Pháp, OPCW theo tiếng Anh) xác nhận chất độc thần kinh đã được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên người Nga Serguei Skripal.
Trong báo cáo công bố trước đó vài giờ, OIAC khẳng định : « Kết quả phân tích của bốn phòng thí nghiệm độc lập được OIAC chỉ định xác nhận phát hiện của Anh Quốc về loại hóa chất đã được dùng ở Salisbury làm ba người bị trúng độc nặng ». Tổ chức này cho biết đây là chất độc tinh chế ở mức độ cao, tuy nhiên không quy trách nhiệm cho nước nào.
Chính phủ Anh loan báo chất độc thần kinh dùng trong quân sự thuộc loại Novitchok do Liên Xô chế tạo, và tố cáo Matxcơva đã sử dụng để đầu độc điệp viên Serguei Skripal, 66 tuổi và con gái là Ioulia hôm 4/3 tại Salisbury, tây nam nước Anh. Tư pháp Anh hồi tháng Ba đã cho phép OIAC lấy mẫu máu của hai cha con nạn nhân, cũng như của một cảnh sát Anh đã giúp họ, để phân tích.
OIAC cho biết tên và cấu trúc của chất hóa học này nằm trong bản báo cáo hoàn chỉnh dành cho các quốc gia thành viên. Từ đầu tháng Tư, Nga cố thuyết phục tổ chức quốc tế này cho phép tham gia cuộc điều tra, nhưng không được chấp nhận.
Matxcơva lâu nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, tố cáo phương Tây « khiêu khích », tung ra « chiến dịch chống Nga » ; và tuần trước đã đòi hỏi 15 thành viên Hội Đồng Bảo An họp lại để thảo luận.
Vụ đầu độc này đã gây ra đợt trục xuất các nhân viên ngoại giao quy mô nhất từ sau Đệ nhị Thế chiến đến nay, giữa phương Tây và Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180412-vu-skripal-da-xac-dinh-chat-doc-anh-de-nghi-hop-hoi-dong-bao-an
Đối phó phong trào phản kháng,
tổng thống Pháp lên truyền hình
Tổng thống Emmanuel Macron cố gắng làm dịu bớt các quan ngại của người dân Pháp, nhất là những người về hưu và nông dân, trong buổi nói chuyện trưa nay 12/04/2018 trên đài truyền hình TF1 và LCI. Đây là lần trả lời phỏng vấn truyền hình thứ ba của ông Macron, từ khi đắc cử tổng thống cách đây một năm.
Nguyên thủ nước Pháp cho biết sẽ đi đến cùng trong kế hoạch cải cách tập đoàn đường sắt SNCF. Nhà nước sẽ gánh một phần trong số nợ 47 tỉ euro của SNCF, nhưng chỉ tiệm tiến theo với mức độ cải cách. Ông Macron đả kích việc phong tỏa các trường đại học Pháp để chống lại quy định mới về tuyển lựa sinh viên.
Dự luật về tị nạn và nhập cư đang làm chia rẽ ngay trong đảng cầm quyền, cùng với các chủ đề khác liên quan đến đời sống người dân cũng được đề cập đến. Chẳng hạn việc tăng tỉ lệ đóng góp của người về hưu, giải tỏa khu vực Notre Dame des Landes…
Về đối ngoại, tổng thống Macron khẳng định Pháp có bằng chứng về việc chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta, và sẽ phối hợp với Mỹ để tấn công Syria « vào thời điểm nào hiệu quả nhất ».
Điểm độc đáo là cuộc phỏng vấn diễn ra tại Berd’huis, một ngôi làng nhỏ có 1.100 dân ở cách Paris 150 km. Đài TF1 phải dời phòng thu đến một trường tiểu học chỉ có 8 phòng ở làng này.
Cuộc phỏng vấn là đợt phản công bằng truyền thông đầu tiên nhằm đánh dấu một năm ông Macron nhậm chức. Tổng thống Pháp chọn lựa trả lời trong chương trình thời sự lúc 13 giờ, vốn được người về hưu, nhân viên và cư dân nông thôn xem nhiều nhất, trung bình thu hút 5,3 triệu khán giả.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, tỉ lệ tín nhiệm tổng thống Emmanuel Macron đang xuống thấp trong giới bình dân và trung lưu (27 đến 41%), nhưng tăng ở tầng lớp cán bộ quản lý (65%).
Cho đến nay, tổng thống Macron chỉ trả lời phỏng vấn truyền hình hai lần (TF1 vào tháng 10/2017 và France 2 tháng 2/2018).
http://vi.rfi.fr/phap/20180412-doi-pho-phong-trao-phan-khang-tong-thong-phap-len-truyen-hinh
Facebook “nối giáo” cho các chế độ chuyên chế Châu Á
Những sai lầm của Facebook trong vụ công ty Cambridge Analytica thu thập thông tin cá nhân của hàng chục triệu người sử dụng đã buộc ông chủ Facebook phải liên tục xin lỗi, mà gần đây nhất là ngày 10/04/2018 trước Quốc hội Mỹ. Ông Mark Zuckerberg đã khẳng định là tập đoàn của ông đang xem xét lại trách nhiệm đối với người sử dụng và xã hội. Đây được xem là một điều cần thiết, trong bối cảnh một số quan sát viên đã nêu bật khả năng là nhiều chính quyền Châu Á sẽ vin vào những sai sót liên tiếp của Facebook để trấn áp mạng xã hội và quyền tự do ngôn luận tại nước họ.
Trên đây chính là nhận xét của tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 05/04/2018 trong bài “Cuộc khủng hoảng Facebook nối giáo cho giới lãnh đạo chuyên chế tại châu Á – Facebook crisis plays into hands of Asia’s authoritarians”.
Đối với tờ báo Nhật Bản, các công dân châu Á đang phải sống dưới các chế độ mà mức độ chuyên chế nặng nhẹ khác nhau, và trong một số trường hợp, mạng xã hội là phương tiện duy nhất để họ có thể trao đổi một cách tự do quan điểm chính trị. Thế nhưng, những tiết lộ gần đây về việc Facebook chia sẻ trái phép dữ liệu của 87 triệu người sử dụng với một công ty phân tích, có thể tạo nên một lý do tốt để một số chế độ tăng cường kiểm soát các mạng xã hội.
Facebook đã từng bị chỉ trích vì đã để phát tán những thông tin không xác thực. Trong một bài phân tích ngày 23/03/2018, giáo sư James Crabtree, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã ghi nhận: “những phát biểu bị cho là mang tính chất kích động hận thù hay là những gì bị cho là tin thất thiệt, cho dù là không được xác minh, cũng đều có thể được dùng làm cái cớ tốt cho việc trấn áp, đặc biệt là tại các quốc gia chuyên chế.”
Cho đến nay, những dữ liệu bị thất thoát có vẻ như chủ yếu là của người Mỹ, nhưng Facebook gần đây đã công nhận là đa số hồ sơ cá nhân công khai của người sử dụng – ở mọi nơi – chứ không riêng gì ở Mỹ – đã bị giới tiếp thị dò xét và khai thác.
Tương lai của Facebook là ở Châu Á
Nếu tính theo số lượng người sử dụng, thì châu Á hiện là thị trường lớn nhất của Facebook với 828 triệu người dùng, so với 609 triệu ở cả châu Âu và Bắc Mỹ.
Dĩ nhiên, lợi nhuận bình quân theo đầu người mà Facebook thu được ở Châu Á hiện chỉ bằng vỏn vẹn 1 phần 10 lợi tức trung bình mà tập đoàn thu được ở Mỹ, nhưng triển vọng phát triển của Facebook trong tương lai là ở Châu Á, nhờ thu nhập ngày càng tăng lên trong vùng, và tiềm năng của những thị trường to lớn như Ấn Độ và Indonesia.
Theo tính toán của giáo sư Crabtree, chỉ tính riêng 2 năm vừa qua, Facebook đã có thêm 288 triệu người sử dụng ở châu Á, nhiều hơn cả toàn bộ số khách hàng mới trên phần còn lại của thế giới. Tính tổng cộng thì con số 828 triệu người sử dụng Facebook đều đặn hàng tháng ở Châu Á chiếm đến 39% trên tổng số 2,1 tỷ người sử dụng mạng xã hội này trên toàn cầu.
Tại châu Á, không phải là ở nước nào Facebook cũng phát triển. Ở Trung Quốc chẳng hạn, Facebook đã bị cấm để nhường chỗ cho đối thủ cạnh tranh là WeChat tung hoành. Nhưng tại phần còn lại ở Châu Á thì Facebook là một phương tiện thông tin có vị trí còn quan trọng hơn cả ở phương Tây, nhất là đối với thanh niên.
Tại Miến Điện chẳng hạn, số người sử dụng Facebook giờ đây đã tăng vọt lên mức 18 triệu người so với vỏn vẹn 1 triệu cách đây 5 năm. Nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Yanghee Lee, khi nói về Miến Điện, đã tóm lược tình hình như sau: ở Miến Điện, “mạng xã hội là Facebook, và Facebook là mạng xã hội”.
Nhìn chung, số lượng hàng trăm triệu người sử dụng đã chứng tỏ tầm quan trong của trang mạng này ở Châu Á (ngoại trừ Trung Quốc).
Sơ hở của Facebook
Cho đến lúc này, Facebook đang phải gấp rút dập tắt ngọn lửa do chính mình nhúm lên tại phương Tây, đặc biệt là vụ để lộ thông tin về khách hàng của mình cho một công ty nghiên cứu đặc tính cử tri, công ty Cambridge Analytica, trụ sở tại Luân Đôn, có quan hệ với ban vận động tranh cử của ông Trump.
Báo New York Times từng nói đến một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Nga đã tạo ra một ứng dụng nhằm xác định đặc điểm của một người nào đó, mà người sử dụng Facebook được thuê để thử nghiệm. Nhà nghiên cứu này đã khai thác dữ liệu của hàng triệu người và chia sẻ kết quả cho công ty Cambridge Analytica. Chủ tịch tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg đã nói đến 87 triệu người sử dụng.
Cambridge Analytica phủ nhận việc đã sử dụng dữ liệu của Facebook để giúp đỡ ông Trump, nhưng dẫu sao thì đây chỉ là vụ mới nhất gây tai tiếng cho Facebook. Một vụ khác là tiết lộ theo đó trang mạng đã bị giới tuyên truyền do Nga đỡ đầu sử dụng để gây chia rẽ trong nội tình nước Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2016.
Mark Zuckerberg rõ ràng đang trong thế ‘tứ bề thọ địch’. Trong vụ tai tiếng dữ liệu thất thoát và bị khai thác, vị chủ tịch tổng giám đốc trẻ chịu trận pháo chỉ trích ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Thế nhưng, các cuộc tấn công từ Mỹ và Châu Âu không che lấp được việc giờ đây Facebook còn bị đánh từ Châu Á. Và lỗi phần lớn là do chính bản thân Facebook.
Facebook phải đương đầu với những thiếu sót ở Châu Á
Vào tháng 3, Facebook đã bị ngăn chặn trong một thời gian ngắn tại Sri Lanka, sau khi bị chính quyền tố cáo là làm cho bạo động bùng lên giữa những nhóm tôn giáo khác nhau.
Cũng trong tháng Ba, nhà điều tra về nhân quyền Liên Hiêp Quốc, Yanghee Lee tố cáo trang mạng đã phát tán những phát biểu thù hận ở Miến Điện đối với người Rohingya.
Nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã đánh giá : “Tôi e ngại là Facebook đã trở thành một con thú vật và không còn đi theo ý định ban đầu nữa”.
Tại Ấn Độ, Facebook cũng có vấn đề, khi bị quần chúng phản đối vào năm 2016 và bị buộc phải bỏ kế hoạch thiết lập dịch vụ internet “free basics” với giá cả khác nhau tùy dịch vu. Cư dân mạng tại chỗ rất bất bình.
Gần đây hơn, Facebook nằm trong mối quan ngại về thông tin thất thiệt (fake news), với chính quyền các nước như Singapore sẵn sàng đưa ra luật mới để chống lại việc loan truyền ‘tin giả’ trên mạng. Tại Malaysia thì Facebook, cùng với các tập đoàn như Google và Twitter cũng bị nhắm với lý do tương tự.
Facebook phải nhanh chóng dập lửa
Theo ông James Crabtree, những tai tiếng tại phương Tây, từ những cáo buộc liên quan đến việc để phát tán tin giả, thông điệp kích động hận thù, hay ‘fake news’ theo kiểu của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đặc biệt hệ trọng đối với Facebook ở châu Á do vị trí quan trọng mà mạng xã hội này đang chiếm giữ trong tư cách là phương tiên thông tin liên lạc được ưa chuộng ở nhiều nước đang phát triển trong vùng.
Một số không nhỏ các quốc gia này, như Cam Bốt và Thái Lan, đang do những chế độ độc tài hay chuyên chế cai trị. Trước việc chính quyền giới hạn quyền tự do ngôn luận trên các phương tiện truyền thông truyền thống, người dân đã quay sang những mạng xã hội như Facebook mà chính quyền và cảnh sát khó kiểm soát, khó đối phó hơn. Ngay cả những nơi dân chủ hơn như Singapore, người dân cũng dùng Facebook hay WhatsApp (cũng của Facebook), nhiều hơn là Twitter.
Nhiều nước đang trỗi dậy ở Châu Á cũng thiếu những phương tiện truyền thông lớn có khả năng cung cấp thông tin khách quan, được kiểm chứng chặt chẽ cho công chúng rộng rãi.
Hai yếu tố trên cộng lại – sự yêu thích ngày càng tăng đối với Facebook trong bối cảnh thiếu vắng thông tin công khai xác tín – chỉ làm cho những vấn đề như loan tin thất thiệt thêm nguy hiểm. Điều này càng đúng đối với những quốc gia có vấn đề về cộng đồng thiểu số như Miến Điện và Sri Lanka, nơi mà các nhóm cực đoan sử dụng Facebook để truyền tải tư tưởng hận thù.
Facebook không phải là hoàn toàn mù quáng trước các vấn đề này và khi bị chỉ trích về hoạt động ở Miến Điện, tập đoàn từng giải thích là “đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ và nghiên cứu ngôn ngữ địa phương để giúp loại bỏ nhanh chóng những bài đăng có tính chất hận thù”.
Facebook phân trần là đã đưa ra những quy định rõ ràng để nhận dạng những nội dung nguy hiểm và cũng làm việc với những hiệp hội xã hội tại chỗ để cảnh báo về những ‘fake news’ và nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, đối với giáo sư Crabtree, Facebook cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc sửa chữa những sai lầm và bổ khuyết những thiếu sót ở châu Á vì nếu không làm như vậy, các chính phủ tại chỗ chắc chắn sẽ bóp nghẹt Facebook bằng những quy định ngặt nghèo hơn. Những cáo buộc nhắm vào Facebook về việc giúp phát tán tin thất thiệt hay thông điệp kích động hận thù, ngay cả khi không về lời nói thù hận và tin giả mạo, ngay cả khi không có cơ sở, cũng có thể bị chính quyền, đặc biệt là tại các quốc gia chuyên chế, dùng làm cớ để biện minh cho các vụ trấn áp.
Một diễn biến như trên sẽ gây ra hai hậu quả : Người dùng Facebook bình thường tại chỗ sẽ mất đi một phương tiện hữu ích để thảo luận trực tuyến, còn Facebook sẽ mất đi hy vọng phát triển nhanh chóng ở châu Á trong tương lai.
Pháp bán đấu giá hai bộ xương hóa thạch
với giá 2,8 triệu euro
Một cuộc bán đấu giá lạ thường đã được tổ chức tại Paris ngày 11/04/2018. Hai khung xương hóa thạch khủng long, đã được bán với giá 1,4 triệu euro mỗi chiếc, cao hơn mức dự kiến ban đầu.
Đó là hai bộ xương khủng long có tuổi đời khoảng « 150 triệu năm », được văn phòng bán đấu giá Drouot rao bán ngày hôm qua. Bộ thứ nhất là của một loài khủng long có tên khoa học Allosaurus, mức độ hoàn chỉnh là 60%, có « 60 chiếc răng sắc nhọn », và có chiều dài gần 3,8 mét. Bộ xương này đã được bán với giá 1.407.700 euro.
Bộ thứ hai thuộc loài diplodocus, « dài tổng cộng 12 mét tính từ mũi đến đuôi », được mua với giá 1.443.820 euro. Cả hai bộ xương đều do cùng một người mua, một nhân vật cũng khá kỳ lạ.
Drouot đánh giá là « đối với thị trường khủng long, kết quả cuộc bánđấu giá này là một trường hợp ngoại lệ ». Mẫu xương hóa thạch của Allosaurus, một loài khủng long ăn thịt sống tại những vùng được cho là thuộc Bắc Mỹ và châu Âu ngày nay, ban đầu được định giá ở mức từ 550 – 600 ngàn euro. Còn bộ Diplodocus, sống ở những vùng phía Bắc Mỹ, được ước tính thu về khoảng 450-500 ngàn euro.
Iacopo Briano, nhà nghiên cứu về cổ sinh vật học, nhận định « sự việc cho thấy sự quan tâm của một thế hệ người thích săn lùng cổ vật mới đang hướng về kỷ jura, cũng như là những công cụ thế kỷ XXI ». Theo ông, mối quan tâm về loại hóa thạch này giờ không còn dành riêng cho giới khoa học.
Vấn đề là dù loài động vật cổ này có mức giá bán và kích cỡ ngoại hạng, thị trường vẫn thu hút rất ít số người sành chơi. Ước tính mỗi năm có chưa tới năm cuộc bán đấu giá như vậy trên toàn thế giới.
http://vi.rfi.fr/phap/20180412-phap-ban-dau-gia-hai-bo-xuong-hoa-thach-voi-gia-28-trieu-euro
IMF lo ngại các nước lọt bẫy nợ Trung Quốc
Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), bà Christine Lagarde hôm nay 12/04/2018 tại Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ tài chính, và chiếc bẫy nợ nần được giăng ra, vào lúc các dự án hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc không ngừng tăng lên.
Bà Lagarde phát biểu tại Diễn đàn Bát Ngao (Boao) về « Con đường tơ lụa mới », kế hoạch đại quy mô do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2013 nhằm xây dựng cầu đường, các tuyến xe lửa và khu công nghiệp trên khắp châu Á, đến cửa ngõ châu Âu và tận châu Phi.
Nếu sáng kiến này liên quan đến 70 quốc gia và được cho là cùng đầu tư, nhưng trên thực tế hầu hết là do các định chế nhà nước Trung Quốc cho vay, và theo phương Tây đây là một cách nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Bà Christine Lagarde công nhận « Con đường tơ lụa mới » đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng trên thế giới, nhưng lại « có thể làm tăng đáng kể số nợ của các nước liên quan, hạn chế các khoản chi tiêu khác, nhất là đối với các nước có tỉ lệ nợ công cao ». Chẳng hạn Sri Lanka sau khi vay số nợ lớn từ Trung Quốc để cải thiện một cảng nước sâu, rốt cuộc đã phải nhượng lại quyền kiểm soát cho Bắc Kinh.
Tổng giám đốc IMF khuyến cáo các nước chấp nhận tham gia « Con đường tơ lụa mới » không nên coi đây là « bữa ăn miễn phí ». Bà kêu gọi chỉ tiến hành « ở những nơi cần thiết » – hàm ý có những công trình mang lại lợi ích chính trị hơn là kinh tế – và nêu ra nguy cơ tham nhũng ở những dự án lớn.
Trước những chỉ trích về « Con đường tơ lụa mới », chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Ba 9/4 đã biện bạch « đó không phải là kế hoạch Marshall hay âm mưu của Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180412-con-duong-to-lua-moi-imf-lo-ngai-cac-nuoc-lot-bay-no-trung-quoc
Syria : « Lằn ranh đỏ » của Nga với phương Tây
Vụ tấn công vũ khí hóa học mà chế độ Damas bị nghi là thủ phạm nhắm vào thường dân ở Đông Ghouta, Syria, đã làm dấy lên các phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Pháp và Mỹ dọa sẽ có hành động trả đũa thích đáng. Tuy nhiên, Nga, đồng minh lâu đời của Syria, lên tiếng cảnh báo là có những « lằn ranh đỏ » mà Hoa Kỳ và các đồng minh không nên vượt qua.
Đương nhiên, mục tiêu tấn công mà phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, nhắm đến chính là chế độ Bachar al-Assad, theo như nhận định của chuyên gia Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan Sát Nga – Pháp tại Matxcơva, với nhật báo Liban L’Orient-Le Jour.
Thế nhưng, giới quan sát quan ngại rằng một chiến dịch tấn công của phương Tây vào Syria rất có thể gây ra một cuộc leo thang quân sự vượt ngoài khuôn khổ Syria. Điện Kremlin lo ngại là những lợi ích của Nga, cũng như sinh mạng của các công dân Nga tại Syria, sẽ bị tác động, nếu phương Tây quyết định mở cuộc tấn công quy mô lớn trừng phạt Syria.
Trong khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh vẫn chưa thống nhất phương cách tấn công, một câu hỏi khác cũng đang được đặt ra. Liệu có nên báo trước với Nga hay không như đã từng làm vào năm 2017, trước khi Hoa Kỳ dội mưa tên lửa vào căn cứ al-Chaayrate nhằm đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của Damas tại Khan Cheikhoun ?
Báo trước với Nga thì chẳng khác gì tạo cơ hội cho chế độ Damas và quân Iran kịp thời ẩn nấp. Còn nếu không báo trước, phương Tây có nguy cơ gánh lấy rủi ro sát hại binh sĩ Nga. Và như vậy, theo ông Igor Delanoe, Matxcơva sẽ có hành động đáp trả, nhưng với mức độ nào thì chưa thể biết rõ.
Nga và phương Tây hiểu được thách thức đặt ra vượt quá khuôn khổ Syria, và đang tìm cách tránh leo thang quân sự. Trong tình thế này, Nga một mặt cảnh báo phương Tây về những hậu quả có thể có cho cả đôi bên, mặt khác lên tiếng kêu gọi các bên kềm chế.
Đồng thời, Matxcơva đang nỗ lực vận động ngoại giao tối đa nhằm đưa ra quốc tế hình ảnh nước Nga là một cường quốc biết lý lẽ, không có những ngôn từ hung hăng như tổng thống Mỹ trong những ngày qua. Theo như tường thuật của thông tín viên Etienne Bouche tại Matxcơva, trong cuộc đọ sức ngoại giao này, Matxcơva muốn là hiện thân của tiếng nói biết lý lẽ và dung hòa. Một cách để thể hiện sự khác biệt với Donald Trump đang tuôn ồ ạt các phát biểu trên mạng xã hội Twitter. Phát ngôn viên điện Kremlin ngày 11/04 tuyên bố : « Chúng tôi không tham gia vào ngoại giao Twitter. Chúng tôi chủ trương một cách tiếp cận nghiêm túc ».
Tuy nhiên, Dmitri Peskov cũng cho biết ông hy vọng là tất cả các bên « tránh mọi hành động mà trên thực tế không có gì có thể biện minh được ». Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng với cùng một giọng điệu, tuyên bố : « Tình hình trên thế giới ngày càng trở nên hỗn loạn. Do vậy, chúng tôi hy vọng là lương tri cuối cùng sẽ chiến thắng và rằng các mối quan hệ quốc tế sẽ đi theo con đường mang tính xây dựng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180412-syria-%C2%AB-lan-ranh-do-%C2%BB-cua-nga-voi-phuong-tay
Damas và đồng minh
chuẩn bị đối phó không kích của Mỹ
Quân đội Syria cùng với các đồng minh từ hôm qua 11/04/2018 đã sơ tán các sân bay và căn cứ quân sự, cũng như trụ sở bộ Quốc Phòng và bộ Tổng tham mưu quân đội ở Damas, trước mối đe dọa bị Mỹ tấn công.
Trong số các đồng minh đó có phe Hezbollah Liban, vốn sát cánh với quân chính phủ từ năm 2013 đến nay. Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh cho biết thêm chi tiết :
« Các nguồn tin Liban tại Syria cho RFI biết, trước khả năng bị Mỹ tấn công, phe Hezbollah trong 48 tiếng đồng hồ qua đã lại triển khai quân, tại đất nước mà phe này đã chiến đấu bên cạnh quân chính phủ từ năm 2013.
Hezbollah có từ 5.000 đến 8.000 chiến binh, hiện diện xung quanh Damas, kể cả Đông Ghouta, Aleppo, Quneitra, gần khu vực Golan bị Israel chiếm đóng, và tại Deir Ezzor ở phía đông. Cũng theo nguồn tin trên, tổ chức theo hệ phái Shia này đã cho sơ tán các căn cứ, tung ra chiến dịch quy mô nhằm ngụy trang các khẩu đại pháo và pháo phản lực nhiều nòng.
Phe Hezbollah và Vệ binh Cách mạng Iran cũng triệt thoái khỏi những vị trí trong các phi trường quân sự ở Choueirat và T4, tại tỉnh Homs ở miền trung, nơi họ bố trí một đội máy bay không người lái. Sân bay T4 hôm 9/4 đã trở thành mục tiêu của một loạt hỏa tiễn, giết chết nhiều lính Iran. Damas và Matxcơva cáo buộc Israel đã tiến hành vụ không kích này.
Hezbollah tham gia hầu hết các trận đánh lớn ở Syria trong bốn năm gần đây, khoảng 2.000 chiến binh của phe này đã bị chết và trên 5.000 người bị thương. »
Riêng tại Douma, theo các hãng tin Nga, hôm nay quân chính phủ Syria đã cho thượng kỳ tại đây. Quân nổi dậy đã rút lui khỏi thành phố này vài giờ sau khi bị tấn công hóa học, và từ nay chế độ Damas đã kiểm soát hoàn toàn Đông Ghouta. Một nhân vật thân cận với tổng thống Bachar Al Assad cho rằng việc chiếm được Đông Ghouta đánh dấu một « bước ngoặt », khiến phương Tây tiến hành chiến tranh tâm lý, đe dọa không kích Syria.
Quân cảnh Nga hôm nay đã được triển khai tại Douma.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180412-damas-va-cac-dong-minh-chuan-bi-doi-pho-khong-kich-cua-my
Trump dọa tấn công Syria,
nhưng chưa có dấu hiệu cụ thể
Việc Mỹ tấn công vào Syria đến nay vẫn chưa rõ ràng, ít nhất là về mặt thông tin. Hôm thứ Hai, tổng thống Mỹ loan báo sẽ có quyết định “quan trọng” trong vòng 48 giờ liên quan đến vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma. Nhưng đến hôm nay, 12/04/2018, đã ba ngày trôi qua, vẫn chưa có thông báo chính thức nào, ngoài một tweet của ông Donald Trump hàm ý sẽ sớm có cuộc tấn công.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet gởi về bài tường trình :
« Các hỏa tiễn của chúng tôi sẽ bay đến, chúng rất mới, đẹp đẽ và thông minh ». Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo như thế trên mạng xã hội ưa thích của ông, như muốn thách thức Nga ngăn chận.
Nhưng vài giờ sau khi được hỏi về bằng chứng trách nhiệm của chế độ Syria trong vụ tấn công hóa học ở Douma, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đã trả lời như sau : « Chúng tôi đang nghiên cứu tình hình, và vẫn bàn bạc về vấn đề này với các đồng minh. Chúng tôi sẵn sàng trình bày các giải pháp quân sự khác nhau nếu thích hợp với yêu cầu của tổng thống ».
Ngược với những gì mà tổng thống Mỹ đã hàm ý trên Twitter, không có vụ bắn hỏa tiễn nào được lên kế hoạch thực sự. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders chiều qua xác nhận : « Dường như tất cả các khả năng đã được chuẩn bị, nhưng quyết định tối hậu vẫn chưa đưa ra. Tổng thống chưa vạch ra lịch trình, và vẫn có thể có những giải pháp khác. Chúng tôi cân nhắc mọi khả năng và lịch trình cho các hành động có thể diễn ra ».
Được hỏi về quyết định chủ chốt mà tổng thống đã loan báo hôm thứ Hai, nhưng đến nay thời hạn đã trôi qua, bà Sarah Sanders trả lời : « Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ chuyến công du châu Mỹ Latinh, đó là một quyết định quan trọng ».
Nhà Trắng cũng cho biết thêm, hôm qua tổng thống Trump đã trao đổi với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc khủng hoảng Syria và đôi bên đã thỏa thuận giữ liên hệ chặt chẽ.
Trong khi đó, tại Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres hôm qua kêu gọi năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An « tránh để tình hình vượt ra ngoài vòng kiểm soát » tại Syria. Đồng thời, ông tố cáo « bế tắc hiện nay » do Hội Đồng vẫn không thể đạt đến thỏa thuận nào về hồ sơ vũ khí hóa học.
Một chiến dịch tấn công vào các cơ sở tàng trữ vũ khí hóa học của Syria cần được phối hợp chặt chẽ, đặc biệt giữa hai quân đội Pháp và Mỹ, được cho là sẽ là chủ lực của cuộc tấn công. Theo tướng Jean-Patrick Gaviard thuộc lực lượng Không Quân Pháp, công việc chuẩn bị cần được thực hiện thật kỹ lưỡng, nhất là khi tổng thống Pháp Macron đã yêu cầu là phải tuyệt đối tránh không đụng vào lực lượng Nga hay Iran tại Syria.
« Các công việc như gây nhiễu ra đa Syria, gây nhiễu các tần số vô tuyến điện, sẵn sàng tung chiến dịch tìm kiếm và giải cứu các phi công nếu chẳng may máy bay của họ bị bắn rơi… tất cả những điều đó phải được phối hợp giữa các phi công Mỹ và Pháp. Điểm thuận lợi là hai bên đã quen làm việc với nhau từ lâu rồi.
Bên cạnh vấn đề phối hợp tác chiến, trước đó cần phải có thời gian làm một việc rất phức tạp. Tổng thống Pháp đã nói rất rõ ràng là chỉ đánh vào những mục tiêu là nơi tàng trữ hóa chất hay chế tạo vũ khí hóa học, nhưng đồng thời phải tránh đánh vào lính Nga hay lính Iran.
Đối với giới quân đội, việc xác định chuẩn xác mục tiêu đó rất phức tạp. Cần phải huy động mọi phương tiện tình báo, từ vệ tinh, thiết bị nghe trộm, cho đến nhân viên tại chỗ, mới khoanh được những mục tiêu phù hợp với quyết định của giới lãnh đạo chính trị ».