TinViệt Nam – 09/04/2018
Cá chết tại vùng biển gần nhà máy Formosa
Lại xuất hiện nhiều cá chết tại vùng biển gần nhà máy Formosa trong những ngày qua.
Hình ảnh video trên mạng xã hội do người dân quay cảnh bãi biển gần nhà máy Formosa cho thấy nhiều loại cá lớn chết tại vùng biển này.
Trả lời báo chí trong nước, ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương, Hà Tĩnh, cho biết chính quyền địa phương đã kiểm tra, xác minh thì cá chết là cá có giá trị kinh tế thấp, do ngư dân khi rũ lưới thì vứt xuống biển và bị sóng đánh dạt vào bờ.
Tuy nhiên người dân sống tại khu vực có cá chết thì lại không đồng tình với thông tin ông Lê Văn Chương đưa ra. Vào ngày 8 tháng tư, chúng tôi hỏi chuyện một người dân địa phương thì được cho biết như sau:
“Họ nói cá rũ lưới quăng chết là không phải đâu, cá mà em thấy thì hầu như là cá nục, cá liệt lớn bình thường bán ở chợ em một ký 100 ngàn, còn cá nục bán cho thương buôn một ký 90 ngàn, còn bán lẻ ở chợ một ký 120 ngàn. Mà cá đó mà nói cá bỏ thì không có đâu, họ nói xạo đó.Có cá cạn, cá mú nữa kìa.”
-Người dân
Vào tháng 4 năm 2016, nhà máy Formosa xả thải chứa độc tố; bao gồm cyanide, phenols và hydroxide sắt; làm cá chết dọc bờ biển dài hơn 200 km và di hại của biến cố này khiến cho cuộc sống của hàng trăm ngư dân và dân chúng tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ bị xáo trộn. Hàng ngàn chiếc tàu nằm phơi bờ không thể ra khơi đánh bắt cá và hải sản cũng như hơn 40 ngàn công ăn việc làm tại khu vực này bị ảnh hưởng và 250 ngàn người lao động cả nước bị tác động suốt hơn một năm.
VN: Không nộp ảnh chân dung, cắt điện thoại di động
Thực hiện chỉ thị của Bộ Thông tin và Truyền thông, các “nhà mạng” cung cấp dịch vụ điện thoại hàng đầu tại Việt Nam vừa ra “tối hậu thư”, yêu cầu các khách hàng đăng ký thuê bao phải nộp ảnh chân dung và cập nhật thông tin cá nhân, hạn chót là ngày 24/4, nếu không sẽ bị “cắt” thuê bao.
Trong khi một số ý kiến trên mạng bày tỏ quan ngại về vấn đề bảo mật thông tin cho khách hàng của các nhà mạng, một nhà hoạt động nghiên cứu về luật tại Việt Nam nhận định với VOA rằng cách “tăng cường quản lý nhà nước” kiểu này không phù hợp với bối cảnh hiện đại và nhiều khả năng “chỉ nhắm tới theo dõi những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền”, vốn thường bị gán ghép là “đối tượng an ninh quốc gia”.
Trong tin nhắn gửi cho khách hàng vài ngày qua, các “nhà mạng” nói họ chỉ thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, cụ thể là Nghị định 49/2017/NĐ-CP, yêu cầu tất cả thuê bao di động phải cung cấp thông tin chính xác về tên tuổi, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp… và ảnh chụp chân dung của mình.
Trong khi nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về khả năng bị tiết lộ thông tin và ảnh chân dung có thể bị sử dụng để đăng ký các dịch vụ ở nước ngoài, một số nhà hoạt động nghi ngờ đây có thể là một biện pháp tiếp theo nhằm “tăng cường quản lý” những tiếng nói bất đồng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam trong năm qua đã bắt và ra án tù nặng đối với nhiều người bất đồng chính kiến.
“Nó tăng cường khả năng theo dõi, nghe lén điện thoại”, ông Phạm Lê Vương Các, một nhà hoạt động nghiên cứu Luật tại Việt Nam, nói với VOA tiếng Việt.
“Theo tôi biết, ở một số nước, người ta không theo dõi một cách tùy tiện như ở Việt Nam hiện nay. Để theo dõi một đối tượng liên quan đến an ninh quốc gia, người ta đòi hỏi phải có lệnh từ tòa án hoặc một cơ quan đặc biệt nào đó yêu cầu, nghĩa là phải có một cơ quan ngoài cảnh sát yêu cầu thì người ta mới có thể tiến hành theo dõi hoặc nghe lén một đối tượng đặc biệt. Còn tại Việt Nam, công an có thể đưa một đối tượng vào danh sách và theo dõi một cách rất tùy tiện”.
Quy định nộp ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao điện thoại di động đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía người dân và cả các nhà lập pháp, giữa lúc các nước trong khu vực và ngay cả ở Mỹ cũng không có quy định này.
Phát biểu bên hành lang Quốc hội vào tháng 6/2017, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy an Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, cho rằng quy định chụp ảnh khi đăng ký thuê bao điện thoại di động là “lãng phí”, “đụng chạm đến quyền lợi của người dân” và “vượt trên cả Luật Viễn thông khi luật này không quy định phải chụp ảnh”.
Cục Viễn thông, cơ quan góp ý xây dựng dự thảo Nghị định 49, cho rằng việc lập cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao điện thoại di động là vô cùng cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh tình trạng lừa đảo, đe dọa, khủng bố, phát tán không tin độc hại…
Nhưng theo nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các, “Ở Việt Nam, ‘đối tượng an ninh quốc gia’ lại hướng tới những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền”.
Khi thời hạn chót đang đến gần, các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone cho biết đã phải “gấp rút bố trí nhân lực” để gửi thông báo cho khách hàng, tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch và mở thêm tổng đài để giải đáp thắc mắc của khách hàng.
Theo quy định của Nghị định 49, kể từ khi nhận được tin nhắn, nếu chủ thuê bao không nộp ảnh và cập nhật thông tin trong vòng 15 ngày sẽ bị khóa một chiều, trong vòng 15 ngày tiếp theo sẽ bị khóa 2 chiều, bị thanh lý hợp đồng sau 30 ngày tiếp theo, và số thuê bao có thể bị bán cho người khác sau 60 ngày.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-khong-nop-anh-chan-dung-cat-dien-thoai-di-dong/4338819.html
VN: ‘Vướng mắc đất đai tước cơ hội của nông dân’
Vướng mắc về đất đai vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm trong cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 500 nông dân ngày 9/4.
Cuộc họp nhằm “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới” diễn ra tại Hải Dương, theo truyền thông Việt Nam.
Vướng mắc về đất đai vẫn vẫn đề nổi cộm, tước đi nhiều cơ hội của nông dân, theo báo Tuổi Trẻ.
Một người nông dân tên Ngọc được báo Tuổi Trẻ trích lời cho biết gia đình đang trồng tỏi bán cho Nhật, thu nhập cao hơn trồng lúa, nhưng không dám thuê đất mở rộng mặt bằng vì xã cho thuê ngắn hạn, không đủ thời gian sản xuất thực tế.
Từ nông dân thành nhà bất đồng chính kiến
Điều gì đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam?
Đất đai Đồng Tâm ‘rối như canh hẹ’ từ lâu
Thủ tướng VN: ‘Đất đai là tâm điểm tham nhũng’
Một nông dân khác tên Võ Quan Huy đến từ Long An hỏi Thủ tướng Phúc:
“Làm thế nào đảm bảo cho nông dân có việc làm, thu nhập và cuộc sống ổn định?”; “Ngoài ra, Chính phủ có chính sách gì để những người như chúng tôi thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất, mở rộng ruộng đất?”
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường dẫn luật đất đai quy định trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép sẽ bị xử phạt và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, theo tường thuật của báo Dân Việt.
Bà Hoa cũng nói luật buộc nông dân nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm chuyển đổi sử dụng đất; nếu không chấp hành xử phạt sẽ bị thu hồi đất.
Bàn về việc ‘cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất’, luật sư Ngô Ngọc Trai từng có bài viết ‘Điều gì đang xảy ra ở nông thôn Việt Nam’ trên BBC.
Trong đó, ông Trai cho rằng dù có nhiều cơ hội thay đổi, nông dân Việt Nam “đang vấp phải một chướng ngại lớn”, đó là “không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.”
“Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà dân phải sống trong khốn khó nghèo nàn thì pháp luật có ý nghĩa gì? Chính người dân họ biết sử dụng đất vào việc gì để mảnh đất có giá trị nhất với họ, gia tăng giá trị cho họ cũng là gia tăng giá trị cho xã hội. Đất của mỗi gia đình, họ tự biết cách trân trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế, không bao giờ có việc người dân vô trách nhiệm đối với tài sản của chính mình.”
“Cho nên cái quan điểm “kiên quyết phá bỏ những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp” ở nhiều địa phương là hệ quả của nhận thức ấu trĩ, lầm lạc, phản ánh tư duy dễ dãi giản đơn, cẩu thả trong quản lý đất đai, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, vô trách nhiệm trước sự phát triển mà thôi.”
“Việc ngăn cấm người dân chuyển đổi mục đích sử đụng đất đang là bất cập lớn nhất trong chính sách quản lý đất đai hiện nay, và đây đang là rào cản lớn trói buộc kìm hãm sức sản xuất trong nông nghiệp.”
Giải cứu nông sản ‘chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ’
Theo báo Dân Việt, nông dân Đoàn Xuân An, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang hỏi Thủ tướng Phúc về điệp khúc “Được mùa rớt giá”, “Giải cứu nông sản” vẫn cứ diễn ra…
Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh truyền thông Việt Nam mới đây đưa tin về các cuộc ‘Giải cứu củ cải’, ‘Giải cứu su hào’, sau khi các sản phẩm nông sản này bị nông dân đổ bỏ vì thu hoạch nhiều, giá quá rẻ mà không ai mua. Trước đó là các vụ ‘Giải cứu lợn’, ‘Giải cứu khoai tây’…
Về vấn đề này, Thủ tướng Phúc kể lại chuyến thăm nhà máy thu mua rau củ xuất khẩu của một nông dân ở Hải Dương ngay trước cuộc đối thoại với nông dân, và cho hay:
“Có thể khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như thế.”
“Còn những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước.”
“Chúng ta phải bán thứ thị trường cần, tìm mặt hàng thị trường đang có nhu cầu để sản xuất chứ không phải chỉ ào ào đi trồng và bán thứ anh có”, báo Tuổi Trẻ trích lời ông Phúc.
Trang web chinhphu.vn cho hay nông nghiệp Việt Nam ‘liên tục phát triển ổn định’ với các ‘con số ấn tượng’ như ‘kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt kỷ lục, hơn 36 tỷ USD’, ‘xuất siêu trên 8,5 tỷ USD’ năm 2017.
Cũng theo tờ báo này, Việt Nam còn có ‘kỳ tích’ trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu về nông sản.
Mạng xã hội nói gì?
Phac Tran Hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Là những vấn đề quan trọng nhất đối với nông dân!
Nguyễn Ngọc Phương Trang Vẫn là một nước thuần nông sau khi mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 VN cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa” đã bị tịt ngòi, với 24 triệu lao động thì rõ ràng có “thành tích” nhưng vẫn dưới mức tiềm năng rất nhiều vì đầu tư cho nông nghiệp và trợ giúp từ chính phủ vẫn đi đằng nào hết ấy. Thêm nữa các nông dân hiền hậu “một nắng hai sương” tự làm tự ăn vẫn thường xuyên bị chấn đất và phải gánh nợ công hơn 30 triệu từ trên trời rơi xuống.
Ngan Vo Công nghiệp hóa hiện đại hóa là khẩu hiệu thôi. Hiện tại nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, bấp bênh lắm. Không thể tin dc
Tinh Ha Vẫn còn hạn điền thì nông nghiệp VN còn khuya mới phát triển được.
Mãnh Đoàn Nông dân VN nhạy bén tiến rất nhanh nhưng quản lý theo không kịp. Nhà nước nên dẹp bỏ con người và hệ thống điều hành hiện nay, tạo ra hệ thống mới để theo kịp cùng đồng hành với nông dân để phát triển. Lỗi hệ thống và con người hiện nay đã thể hiện sự ù lì yếu kém chỉ làm vướng cho sự phát triển.
Manh Le Chỉ có dân chủ hóa thì giải quyết được cội rễ của vấn đề còn không dân chủ hóa thì có cải cách cũng chỉ phục vụ lợi ích nhóm mà thôi
Quyet Bui Không thể phủ nhận nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiến bộ về năng suất. Nhưng bão lụt, thiên tai, biến đổi khí hậu…luôn rình rập gây tác hại không nhỏ.
Dinh Bui Mấy con số này ông niễng nặn ở đâu ra? Rau quả VN thua trắng tay với TQ thì bán cho ai?
Nguyen QuocTien Cần phải gặp nông dân thực thụ của 3 miền . Không phải mấy ông ở hội nông dân.
Đỗ Nhân VN từ luc chuyền hướng sang kinh tế thị trường, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, và khi có internet thì người ta tự biêt tìm tòi những công nghệ mới để áp dụng nhanh hơn là chờ sự giúp đở từ chính phủ. Đa số người dân VN lên mạng để nâng cao kiến thưc về khoa học kỹ thuật hơn là cac tin tưc xuyên tạc từ hải ngoại, thông tấn nươc ngoài…
Cuong Anh Duong 1. Chi phí sản xuất cao
2. Đầu ra không ổn định, người dân tự tìm đầu ra.
3. Đem ứng dụng máy móc vào sản xuất còn ít
Lao Ngu Nguyen Phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả tràn ngập, môi trường ô nhiễm, sông cạn suối cằn, mất đất đai, bị cưỡng chế đất, sạt lở bến bờ, chính quyền xã huyện thờ ơ, tham nhũng đủ thứ từ cân lạng đến con bò giống, con giống… Ác mộng của sự tăng trưởng nông thôn đó thôi.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43694798
Hà Nội tiếp tục xử những nhà hoạt động
Một số nhà hoạt động tại Việt Nam sẽ bị đưa ra tòa xét xử trong những ngày tới.
Theo thông báo của Tòa Án Nhân Dân tỉnh Thái Bình thì vào ngày 10 tháng tư, cựu tù chính trị Nguyễn Văn Túc, một thành viên khác nữa của Hội Anh Em Dân Chủ, sẽ bị đưa ra xét xử cũng với cáo buộc theo điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Ông Nguyễn Văn Túc ngụ tại thôn Cổ Dũng 1, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, bị bắt vào ngày 1 tháng 9 năm ngoái sau khi đến Ủy Ban Nhân Dân huyện Đông Hưng theo giấy mời làm việc để giải quyết vấn đề khiếu nại về đất đai.
Sau khi bắt giữ ông Nguyễn Văn Túc, cơ quan chức năng mới tiến hành đọc lệnh khám xét nhà, thông báo quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Túc.
Ông Nguyễn Văn Túc bị bắt lần đầu vào tháng 9 năm 2008 do một số hoạt động gồm treo khẩu hiệu ở Hải Phòng yêu cầu ‘đa nguyên, đa đảng’; cũng như biểu tình chống Trung Quốc… Ông bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế trong cùng vụ với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh.
Theo lịch tòa đưa ra, sáng ngày 12 tháng 4 này, phiên xử nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng sẽ được tiến hành tại tỉnh Nghệ An sau khi hoãn hôm 5 tháng 4 vì vắng mặt 2 luật sư bào chữa.
Anh Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986 từng bị kết án 15 tháng tù vào năm 2015 sau khi tham gia biểu tình chống chặt cây xanh ở Hà Nội. Anh bị bắt lại vào ngày 27 tháng 9 năm ngoái tại Nghệ An với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà Nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tin cũng cho biết trong ngày 12 tháng tư, tại Hà Nội, cựu tù nhân lương tâm, thầy giáo Vũ Văn Hùng, bị đưa ra xử với cáo buộc ‘cố ý gây thương tích hoặc làm hại sức khỏe người khác’ theo điều 134 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Tuy nhiên theo nhận định phiên xử thầy giáo Vũ Văn Hùng có khả năng bị hoãn vì luật sư bào chữa cho ông này đồng thời cũng nhận bào chữa cho anh Nguyễn Viết Dũng ở Nghệ An, nên có thể chỉ tham dự một trong hai phiên xử mà thôi.
Thầy giáo Vũ Văn Hùng bị bắt lần gần nhất là vào ngày 4 tháng giêng vừa qua sau khi ông đi dự cuộc họp mặt kỷ niệm ngày thành lập nhóm dân sự độc lập có tên Hội Giáo Chức Chu Văn An.
Ông bị bắt và bị kết án lần đầu vào tháng 9 năm 2008 với bản án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Bản lên tiếng phản đối
vụ xử 6 nhà hoạt động tuần qua
Nhóm có tên Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội – Hải Ngoại Việt Nam vào ngày 9 tháng 4 cho công bố Bản Lên Tiếng phản đối phiên xử 6 nhà hoạt động do Tòa án Hà Nội tiến hành vào tuần qua.
Bản Lên Tiếng cho rằng phiên xử bất công và phi pháp. Những bản án mà tòa tuyên cho Luật Sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Nhà báo độc lập Trương Minh Đức, Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, Cô Lê Thu Hà và Cựu tù chính trị Phạm Văn Trội là khắc nghiệt, tổng cộng lên 66 năm tù ở và 17 năm quản chế.
Theo Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội – Hải Ngoại Việt Nam thì những nhà hoạt động vừa nêu chỉ thực hiện quyền tự do dân chủ một cách ôn hòa, phù hợp với tiê chuẩn quốc tế được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc cũng như Hiến Pháp Việt Nam năm 2013.
Bản Lên Tiếng cho rằng những bản án tuyên ra là sự vi phạm trắng trợn những quyền căn bản của con người về nhân quyền và quyền được xét xử công bằng.
Gần 20 đại diện ký tên vào Bản Lên Tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các quốc gia dân chủ trên thế giới lên án và can thiệp buộc chính phủ Hà Nội hủy bỏ những bản án bất công, trái với luật quốc tế như thế.
Tiểu thương chợ Đồng Xuân
biểu tình phản đối xây chợ mới
Hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Xuân, Hà Nội vào sáng 9 tháng 4 tập trung căng băng rôn, biểu ngữ trước cổng chợ phản đối thông tin cho rằng chính quyền có kế hoạch phá chợ Đồng Xuân để xây trung tâm thương mại.
Các tiểu thương cho biết gần đây Ủy Ban Nhân Dân (UBND) Quận Hoàn Kiếm có tổ chức hội thảo khoa học về việc xây dựng và tu sửa chợ Đồng Xuân thành khu trung tâm thương mại, vì cho rằng chợ hiện nay đã xuống cấp, bãi xe chật hẹp, và giao thông xung quanh chợ quá tải.
Lý do của vụ biểu tình được các tiểu thương cho biết là vì họ sợ nếu xây chợ mới thì sẽ bị di dời đi chỗ khác và sẽ mất các mối làm ăn quen. Họ cũng e ngại tình trạng ế ẩm, vắng khách của các trung tâm thương mại mới xây như chợ Hàng Da hay chợ Cửa Nam. Một số người còn cho rằng việc xây trung tâm thương mại sẽ làm mất đi biểu tượng nhiều năm của chợ Đồng Xuân ở phố cổ Hà Nội.
Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo UBND Quận Hoàn Kiếm vào trưa cùng ngày đã tổ chức buổi đối thoại với các tiểu thương chợ Đồng Xuân làm rõ thông tin trên.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm tại buổi đối thoại khẳng định không hề có chuyện di dời tiểu thương đi nơi khác, phá chợ Đồng Xuân để xây trung tâm thương mại.
Ông Long cho biết UBND Quận Hoàn Kiếm vừa qua có buổi tọa đàm tham khảo ý kiến tư vấn của các khoa học gia, chuyên gia về việc gìn giữ nét sinh hoạt, buôn bán truyền thống của chợ Đồng Xuân. Đồng thời, tham vấn các ý kiến để có kế hoạch chỉnh trang hành lang xung quanh chợ về phòng cháy chữa cháy, trật tự giao thông, và an toàn vệ sinh môi trường xung quanh chợ.
Cựu đại sứ Ted Osius nói
TT Trump yêu cầu trục xuất hàng ngàn người Việt
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Ted Osius, mới đây đã lên tiếng cho biết ông từ chức vì bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump yêu cầu phải áp lực chính phủ VN nhận lại hơn 8000 người gốc Việt bị trục xuất khỏi Mỹ.
Trong một bài viết gửi cho Hiệp Hội “The American Foreign Service Association”, một công đoàn đại diện cho các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, ông Osius nói rằng những người Việt này sẽ bị trục xuất về lại một quốc gia do chính quyền cộng sản nắm quyền mà họ chưa bao giờ hòa giải. Ông bày tỏ lo ngại nhiều người sẽ trở thành các trường hợp dính tới nhân quyền và lỗi là do chính phủ Mỹ.
Nhà ngoại giao này cho rằng đây là một chính sách thụt lùi và có thể hủy hoại cơ hội thành công trong việc theo đuổi các mục tiêu khác của Tổng thống Trump trong quan hệ với Việt Nam như giảm thâm thủng thương mại, tăng cường quan hệ quân sự và đối phó với các mối đe dọa tới hòa bình khu vực, nhất là xuất phát từ Bắc Hàn.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam còn cho biết ông đã lên tiếng phản đối nhưng được lệnh phải giữ im lặng. Ông Ted Osius nói thêm rằng ông có thể phục vụ đất nước tốt hơn từ bên ngoài chính phủ bằng cách giúp xây dựng một đại học mới, đầy sáng tạo ở Việt Nam.
Cựu đại sứ Ted Osius hiện đang là Phó Chủ tịch Đại học Fulbright ở VN. Báo chí trong nước vào tháng 10 năm ngoái loan tin rằng ông đã mãn nhiệm, mặc dù thời điểm đó nhiệm kỳ của ông còn vài tuần nữa mới chính thức kết thúc.
Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ chưa lên tiếng về thông tin này.
Hơn 8 nghìn người Việt có khả năng bị Mỹ trục xuất phần lớn đã bỏ chạy khỏi Miền Nam Việt Nam bằng thuyền những năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 cho biết đối tượng nhận trở lại phải là công dân Việt Nam và đồng thời không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc công dân của bất kỳ nước nào khác; trước đây đã cư trú tại Việt Nam và hiện không có nơi cư trú ở nước thứ ba; bị cơ quan có thẩm quyền hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ do vi phạm pháp luật và nếu thuộc diện bị kết án do phạm tội hình sự (kể cả các vi phạm pháp luật nhập cư) thì trước khi bị trục xuất phải thi hành xong án phạt tù hoặc phải được giảm án phát tù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, hiệp định không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Xin nhắc lại tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng VN ông Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump vào tháng 5 năm ngoái, chủ đề nhận lại công dân Việt bị trục xuất cũng được hai bên bàn thảo.
Giải quyết tin
về nạn chung tiền cho Hải Quan ở Hải Phòng
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo xác minh và xử lý tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng
Văn phòng Chính phủ dẫn chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình vừa phát đi thông báo yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm minh cán bộ Hải quan Hải phòng có hành vi tiêu cực và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2018. Trang tin điện tử Chính phủ loan tin này hôm 9/4.
Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi báo Lao động có bài viết “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa-nhận tại Hải quan Hải Phòng” phản ánh tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chi tiền để “bôi trơn” cho các bộ hải quan khi đến làm thủ tục thông quan hàng hoá xuất, nhập khẩu tại Chi cục hải quan Cửa khẩu cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng.
Tổng cục Hải quan Việt Nam ngay lập tức cũng đã yêu cầu Cục Haỉ quan thành phố Hải phòng tạm đình chỉ ngay các cán bộ công chức hải quan có liên quan đồng thời làm rõ, xử lý, kỷ luật tập thể, cá nhân nếu có sai phạm.
Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng và Phòng Thanh tra-Kiểm tra cũng được yêu cầu trực tiếp xuống Chi cục Hải quan Đình Vũ để kiểm tra, xác minh đồng thời tạm đình chỉ công tác các công chức có hình ảnh đăng tải trên báo để giai trình và xem xét xử lý.
Nhà máy giấy Lee&Man tiếp tục gây ô nhiễm
Người dân sống tại Hậu Giang tiếp tục tố nhà máy giấy Lee&Man phát tán mùi hôi khiến người dân không thể chịu nổi.
Báo Dân Việt ngày 8 tháng 4 loan tin ghi nhận ý kiến của nhiều người dân xung quanh nói rằng, do bụi và mùi hôi thối phát ra từ nhà máy giấy Lee&Man làm cho người dân bị viêm họng, đau đầu và chóng mặt trong một thời gian dài, chữa mãi vẫn không hết.
Tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng từ sau Tết Nguyên Đán cho tới nay khiến người dân không thể chịu nổi nữa.
Ngoài ra người dân còn cho biết phía nhà máy giấy lại xuất hiện tiếng ồn lớn vào ban đêm, làm cho các hộ dân sống xung quanh không thể nào ngủ được.
Trước đó khoảng 2 tuần, vì quá bức xúc, 12 hộ dân sống quanh khu vực nhà máy đã đến Ủy ban Nhân dân thị trấn Mái Dầm để trình báo về vụ việc. Cơ quan chức năng địa phương và đại diện phía công ty có đến kiểm tra nhưng bụi và mùi hôi thối vẫn chưa được khắc phục.
Nhiều hộ dân cho biết, trước khi nhà máy giấy hoạt động không khí nơi đây rất trong lành nhưng giờ đầy bụi và hôi thối, họ rất mong cơ quan chức năng và các nhà đầu tư di dời họ đến nơi khác sinh sống.
Hơn 6 ngàn phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan năm 2017
Bộ Nội vụ Đài Loan vừa cho biết có 6.075 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan trong năm 2017, theo trang The Standard của Hồng Kông.
Theo số liệu của Bộ này, trong năm 2017, người Đài Loan kết hôn với nhiều phụ nữ Đông Nam Á, chiếm 40% số vụ, trong đó nhiều nhất là Việt Nam – 6.076 người, Nhật – 952 người, và Indonesia – 807 người.
Trong khi đó, theo nhận định của Bộ Nội vụ Đài Loan, số vụ kết hôn giữa người Đài Loan và người Hoa lục trong năm 2017 đã giảm đi 1.039 vụ.
Cũng theo Bộ Nội vụ Đài Loan, năm 2017 có 21.097 người Đài Loan kết hôn với người nước ngoài, chiếm hơn 15% trong tổng số hơn 138.000 vụ kết hôn ở Đài Loan.
Năm ngoái, tờ Taiwan News cho hay số phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Đài Loan tiếp tục tăng, mỗi năm khoảng 2,000 người, chiếm gần 63% tổng số cô dâu ngoại quốc ở hòn đảo này.
Theo các số liệu được công bố vào tháng 8/2017, số phụ nữ Việt Nam ở Đài Loan là hơn 98,000 người, chiếm 62.9% tổng số cô dâu ngoại quốc ở đây.
Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, có hơn 20,000 phụ nữ Việt kết hôn ở Đài Loan.
https://www.voatiengviet.com/a/hon-6-ngan-phu-nu-viet-lay-chong-dai-loan-nam-2017/4338710.html