Tin Biển Đông – 09/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 09/04/2018

Trung Quốc đặt thiết bị chặn sóng ra đa

trên Biển Đông

Các giới chức Mỹ nói rằng Trung Quốc lắp đặt các thiết bị trên hai đảo mà nước này bồi đắp xây dựng thành tiền đồn quân sự trên Biển Đông. Các thiết bị mới lắp đặt này có khả năng chặn sóng vô tuyến viễn thông và sóng ra đa. Các giới chức Mỹ nói đây là một bước đáng kể mới trong nỗ lực tăng cường quân sự hoá trên Biển Đông của Trung Quốc.

Động thái này nhằm tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc và khẳng định các yêu sách chủ quyền trên hầu hết Biển Đông của Trung Quốc và làm lu mờ khả năng quân sự của Mỹ trong khu vực có các thuỷ lộ tấp nập nhất thế giới.

Tờ Wall Street Journal loan tin rằng quân đội Trung Quốc đang có một cuộc thao dượt quân sự lớn trên Biển Đông với sự tham gia của chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này cùng với các đơn vị không quân lẫn bộ binh. Các giới chức Mỹ nói đây là cuộc thao dượt quân sự lớn nhất trong khu vực tính đến thời điểm này.

Các tin tức của quân đội Mỹ có hình ảnh do vệ tinh chụp được hồi tháng trước cho thấy một hệ thống chặn sóng có chiếc ăng ten cao được dựng lên trên một trong bảy tiền đồn trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã bồi đắp xây dựng.

Mặc dù Bắc Kinh nói các đảo nhân tạo này chỉ dùng cho mục đích tự vệ, hành động của Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại rằng các tiền đồn này có thể được sử dụng để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh mâu thuẫn với tuyên bố của các nước, bao gồm Brunei, Malaysia, Ðài Loan, Việt Nam và Philippines.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không hồi đáp yêu cầu bình luận của báo Washington Examiner.

(Theo Wall Street Journal, Washington Examiner)

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dat-thiet-bi-chan-song-ra-da-tren-bien-dong/4338821.html

 

ExxonMobil lên tiếng

về hợp tác thăm dò dầu khí với VN

Viễn Đông

Tập đoàn ExxonMobil mới lên tiếng xác nhận đang “tiến hành các thỏa thuận thương mại” với chính phủ Việt Nam, sau khi xuất hiện đồn đoán rằng dự án “Cá Voi Xanh” mà đôi bên đang hợp tác có thể “chịu chung số phận” với mỏ “Cá Rồng Đỏ” của công ty Tây Ban Nha vì áp lực từ Bắc Kinh.

Giai đoạn thiết kế cơ sở và tổng thể sẽ cho thấy thời hạn rõ ràng hơn về quyết định đầu tư cuối cùng.

Bà Julie King nói.

Trả lời VOA Việt Ngữ, bà Julie King, đại diện truyền thông của ExxonMobil cho biết rằng công ty này “đang thực thi các thỏa thuận thương mại quan trọng” với các đối tác và với chính phủ Việt nam.

“Các thỏa thuận này sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục có các bước tiến tích cực nhằm đưa dự án tiến về phía trước, trong đó đạt tiến bộ về giai đoạn thiết kế cơ sở và tổng thể trong năm 2018”, bà King cho biết.

“Giai đoạn thiết kế cơ sở và tổng thể sẽ cho thấy thời hạn rõ ràng hơn về quyết định đầu tư cuối cùng”.

Sau ‘Cá Rồng Đỏ’, Trung Quốc nhắm vào ‘Cá Voi Xanh’ của Việt Nam?

Theo ExxonMobil, hãng này và phía Việt Nam đang thăm dò mỏ “Cá Voi Xanh” “nằm cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 80 km” mà tập đoàn Mỹ cho rằng có khả năng “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer mới đưa ra nhận định cho rằng việc ExxonMobil là công ty Mỹ, từng do cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson lãnh đạo, khiến Hoa Kỳ “có quyền lợi trực tiếp” nên Trung Quốc khó có thể gây tác động như vụ công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng hợp tác với Việt Nam ở mỏ “Cá Rồng Đỏ” ở Trường Sa.

Bà King không trả lời một câu hỏi của VOA tiếng Việt về việc liệu ExxonMobil có lo ngại chuyện Bắc Kinh có thể gây áp lực lên Việt Nam và dự án “Cá Voi Xanh hay không”.

Nhưng tập đoàn Mỹ từng khẳng định rằng dự án này “không nằm ở vùng có tranh chấp”, và rằng “chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định”.

Mới đây, trong lần tuyên bố hiếm hoi, tập đoàn dầu khí Việt Nam, PetroVietnam, nói rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông “sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu khí”.

Ngoài nguyên nhân do giá dầu thô tiếp tục diễn biến khó lường, tập đoàn nhà nước hiện hợp tác với ExxonMobil nói rằng “tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của Tập đoàn”.

https://www.voatiengviet.com/a/cong-ty-my-exxonmobil-len-tieng-ve-hop-tac-tham-do-dau-khi-voi-viet-nam/4338770.html

 

‘Tuyên bố chủ quyền TQ ở Trường Sa

đến từ lỗi dịch thuật’

Bill HaytonBBC News

Biển Đông là nơi nguy hiểm, bởi nơi đây có những tranh giành, tranh cãi chồng chéo giữa các nước.

Tình trạng tranh giành xảy ra đối với các nguồn tài nguyên biển. Tình trạng tranh giành xảy ra trong việc giữ thế cân bằng quyền lực trong khu vực.

Thế nhưng nằm bên dưới tất cả những thứ đó là việc tranh chấp chủ quyền quốc gia đối với hàng trăm hòn đảo, bãi đá nhỏ xíu.

Nếu nhìn vào mức độ chú ý đối với các cuộc tranh chấp hiện nay, thì quả rất đáng ngạc nhiên là không mấy ai chú tâm đến vấn đề gốc rễ.

Bảo tàng Anh thôi bán địa cầu ‘lưỡi bò’

Đường Lưỡi Bò từ đâu mà ra?

Biển Đông: Cách tiếp cận của các bên

Các chính phủ thì thích vờ như các tuyên bố chủ quyền của họ đối với các đảo, các bãi đá trên biển là có tính lịch sử và logic.

Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu vấn đề, tôi thấy rõ rằng điều này không hề đúng.

Hiện hầu hết các rắc rối ở Biển Đông tập trung vào khu vực Quần đảo Trường Sa và một ít thực thể ngầm gần sát với bờ biển của Việt Nam và Borneo.

Đây là những điểm nằm rất xa phần Trung Hoa lục địa, và Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ nguồn gốc chính xác làm cơ sở cho tuyên bố của mình đối với các điểm này.

Theo nghiên cứu riêng của mình, tôi đi đến kết luận rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chỉ mới nổi lên, phát sinh từ việc biên dịch tồi và những đánh dấu không đúng trên bản đồ hồi thập niên 1930.

Kết luận của tôi là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa thực ra là một sai lầm.

Tuyên bố chủ quyền đầu tiên

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông bắt đầu từ năm 1907, từ chuyện người ta phát hiện ra là có một thương gia Nhật Bản hoạt động tại đảo Pratas (nằm giữa Hong Kong và Đài Loan).

Nishizawa Yoshiji khi đó đang khai thác phân chim tại đảo, và những lời đồn đại đã lan đến tận nước Mỹ.

Chính phủ Mỹ thông báo cho nhà Thanh vào cuối 1907, nhưng phải tới hơn một năm sau Bắc Kinh mới gửi một tàu ra điều tra.

Vào tháng Ba 1909, tin đồn được xác nhận là chính xác.

Điều này làm dấy lên các cuộc phản đối tại miền nam Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản đồng ý đàm phán, cuối cùng dẫn tới việc Nhật thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Pratas.

Tuy nhiên, cùng lúc, giới chức ở miền nam Trung Quốc biết về sự tồn tại của Quần đảo Hoàng Sa và bắt đầu lo rằng Nhật có thể sẽ chiếm khu vực này.

Đường ‘lưỡi bò’ có hợp pháp không?

Biển Đông sau phán quyết về Đường Lưỡi bò

VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?

Điều này dẫn tới một cuộc thám hiểm vào tháng Năm và tháng Sáu 1909, qua đó Trung Quốc chính thức lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa.

Các tàu Trung Quốc đã trú lại quần đảo chỉ trong ba ngày trước khi quay về.

Chính quyền sau đó hoàn toàn không quan tâm đến nữa, và đã không quay trở lại cho tới thập niên 1920.

Nhầm lẫn

Một vụ việc quan trọng xảy ra sau đó đã dẫn đến sự nhầm lẫn, mà ảnh hưởng của nó vẫn còn ở Biển Đông ngày nay.

Vào tháng Mười Hai 1931, Pháp tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa. Chín tháng sau đó, Trung Quốc phản đối.

Tháng Bảy 1933, trong lúc chính phủ hai nước vẫn đang tranh cãi về Quần đảo Hoàng Sa, Pháp tuyên bố sáp nhập thêm sáu đảo thuộc Quần đảo Trường Sa.

Điều này khiến Trung Quốc rất bối rối.

Dựa trên các văn bản chính thức và báo chí thời đó, ta có thể thấy rằng giới chức Trung Quốc không hề biết về sự khác biệt giữa Trường Sa và Hoàng Sa.

Họ nghĩ rằng các đảo mà Pháp vừa sáp nhập vào thì chính là các đảo mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hồi 1909.

VN-TQ ‘cần hợp tác khai thác chung trên biển’

TQ rầm rộ đưa hơn 40 tàu vào Biển Đông

VN tạm dừng hay chấm dứt hẳn ‘Cá Rồng Đỏ?

Phải mất đến nhiều tuần điều này mới được làm sáng tỏ.

Trong các cuộc thảo luận, hải quân Trung Hoa Dân Quốc gửi điện tín cho Bộ Ngoại giao, xác quyết rằng Quần đảo Trường Sa không tồn tại! Cuối cùng, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc không phản đối các hành động của Pháp nữa.Tuy nhiên, sự bối rối nhầm lẫn này khiến cho Ủy ban Nghiên cứu Bản đồ Lãnh thổ và Lãnh hải của Trung Quốc tiến hành điều tra.

Trong số các nhiệm vụ của ủy ban có việc điều tra và diễn giải các bản đồ để thể hiện đâu là Hoàng Sa, đâu là Trường Sa.

Ủy ban cũng đặt tên tiếng Hoa cho các quần đảo, nhưng đơn giản chỉ là dịch thuật hoặc chuyển ngữ.

Bãi đá North Danger Reef (có nghĩa là bãi đá nguy hiểm ở phía bắc) được dịch sang tiếng Hoa thành Bắc Hiểm Tiêu (北險礁 ).

Quần đảo Trường Sa trở thành Tư Ba Lạp Thoát Đảo (斯巴拉脫島) (chuyển ngữ từ tên của vị thuyền trưởng người Anh, Richard Spratly), còn cụm bãi cạn Luconia được chuyển ngữ thành Lô Khang Ni Á Than (盧康尼亞滩).

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ủy ban đã có một số sai lầm. Cơ quan này có vẻ đặc biệt lẫn lộn trong việc hiểu nghĩa các thuật ngữ hàng hải trong tiếng Anh, từ ‘bank’ (bãi ngầm) và từ ‘shoal’ (bãi nông).

Cả hai từ này đều có nghĩa là một khu vực nước nông trên biển. Từ ‘bank’ mô tả một diện tích đất trồi lên từ đáy biển, trong lúc từ ‘shoal’ là cách mô tả trong hàng hải, bắt nguồn từ tiếng Anh cổ, có nghĩa là ‘nông’.

Tuy nhiên, ủy ban đã chọn dịch cả hai chữ này thành ‘than’ (灘), là cách dịch xa xôi để chỉ ‘bãi cát’, một thực thể có thể nằm trên hoặc dưới mặt nước.

Ủy ban đã đặt tên cho một thực thể dưới nước, James Shoal (bãi ngầm James), cái tên Trung Quốc là Tằng Mỗ Than (曾姆滩), và một nơi khác, Vanguard Bank (bãi Tư Chính), cái tên Tiền Vệ Than (前衛滩).

Tằng Mỗ là chuyển ngữ từ ‘James’, và Tiền Vệ Than là dịch từ chữ ‘vanguard’, tức tiên phong, còn chữ Than là dịch chung cho cả hai từ ‘bank’ và ‘shoal’. Việc dịch thuật như vậy đã tạo ra những hậu quả nghiêm trọng mà chúng ta sẽ thấy.

Vào năm 1936, Bạch Mi Sơ (白眉初), người sáng lập ra Hiệp hội Địa lý Trung Quốc, đã dùng các thông tin của ủy ban để xuất bản tập bản đồ Trung Quốc mà ông soạn, Trung Hoa Kiến thiết Tân đồ (中華建設新圖).

Dựa vào bản dịch của ủy ban, ông đã tạo ra sai phạm to lớn: Ông vẽ bãi ngầm James và bãi Tư Chính thành các đảo.

Sau đó, ông thêm một đường hình chữ U ở Biển Đông, với điểm xa nhất về phía nam là bãi ngầm James, và điểm xa nhất về phía tây nam là bãi Tư Chính.

Ý định của ông Bạch là hoàn toàn rõ ràng – đường vẽ này đánh dấu sự hiểu biết “khoa học” của ông về lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc.

Do sai phạm này của ông mà bãi ngầm James và bãi Tư Chính sau đó trở thành giới hạn tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đó là lần đầu tiên đường chữ U được vẽ trên một tấm bản đồ Trung Quốc. Tuy nhiên, đó không phải là một tài liệu của nhà nước mà chỉ là sản phẩm của một cá nhân đơn lẻ.

Tuyên bố chủ quyền của nhà nước

Tuy nhiên, sau Đệ nhị Thế chiến, hai đệ tử của ông Bạch là Phó Giác Kim (傅角今) và Trịnh Tư Ước (鄭資約) được Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân Quốc thuê tư vấn về biên giới lãnh thổ.

Hai người này đã vẽ các bản đồ cho chính phủ vào năm 1946 và 1947, dẫn đến việc Trung Quốc chính thức tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Các ông Phó và Trịnh đã dùng bản đồ của ông Bạch cùng ‘đường chữ U’. Do vậy, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với cả các thực thể ngầm dưới nước là bãi ngầm James và bãi Tư Chính.

Điều này hoàn toàn vô lý, trừ phi bạn hiểu được phần kỳ quặc này của lịch sử. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được đưa ra là kết quả của một loạt những sai lầm.

Dẫu chính quyền Trung Quốc ngày nay (CHND Trung Hoa) muốn nói rằng họ có quyền từ xưa và chủ quyền lịch sử đối với các bãi ngầm, bãi đá ở Biển Đông, nhưng việc nghiên cứu chi tiết các bằng chứng cho thấy thực sự điều này mới chỉ xảy ra vào nửa đầu thế kỷ 20 mà thôi, và nó cũng thay đổi trong khoảng thời gian 40 năm. Triều nhà Thanh lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa vào năm 1909, nhưng không hề tuyên bố gì đối với Quần đảo Trường Sa cho đến tận 1948, và toàn bộ quá trình này chứa đựng nhiều nhầm lẫn và hiểu sai.

Trên đây là nội dung tóm tắt một bài nghiên cứu của tác giả Bill Hayton, phóng viên BBC đồng thời là học giả tại Viện nghiên cứu Chatham House tại London, Anh Quốc, sẽ đăng trên tạp chí ‘Modern China’ với tiêu đề ‘The Modern Origins of China’s South China Sea Claims: Maps, Misunderstandings, and the Maritime Geobody’.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43668891

 

Philippines-TQ sẽ ‘sớm hợp tác ở Biển Đông’?

Philippines đang muốn sớm đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trong vài tháng tới để hai bên tiến tới hợp tác thăm dò, khai thác chung dầu khí ở Biển Đông, hãng tin Reuters tường thuật.

Một quan chức Philippines được Reuters dẫn lời hôm thứ Hai nói việc hợp tác chung được dự kiến diễn ra tại vùng biển mà cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.

VN-TQ ‘cần hợp tác khai thác chung trên biển’

Philippines ‘sẽ khai thác dầu khí’ tại Biển Đông

Manila ‘sẽ hỏi láng giềng’ trước khi ký với TQ

“Chúng tôi đang nỗ lực, hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong vài tháng tới,” Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, Jose Santiago Santa Romana, nói tại cuộc họp báo tổ chức tại đảo Hải Nam.

Hồi tháng Hai, hai nước đã đồng ý thành lập một tiểu ban đặc biệt để tìm hướng khai thác chung dầu khí ngoài khơi ở hai khu vực ngoài khơi bờ biển phía tây Philippines mà không cần đề cập tới vấn đề lập trường của các nước trong vấn đề chủ quyền, theo Forbes (7/3).

Trước đó, hồi tháng Bảy 2017, tổng thống Duterte nói chính phủ ông đang đàm phán với Trung Quốc về việc khai thác chung các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển này sau nhiều năm căng thẳng giữa hai nước.

Tuy nhiên, khi đó Manila hứa sẽ tham vấn với các nước liên quan về các kế hoạch hợp tác với Trung Quốc.

Truyền thông Philippines dẫn lời Ngoại trưởng nước này Alan Peter Cayetano, nói việc phát triển chung giữa hai nước đã được lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Philippines Corazon Aquino nêu ra từ 1986.

Cũng liên quan tới vấn đề nguồn tài nguyên ở Biển Đông, trong những ngày đầu tháng Tư, một quan chức cao cấp của Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến tới thăm Việt Nam hồi đầu tháng Tư tuyên bố hai nước cần hợp tác khai thác chung, điều sau đó cũng được Tổng Bí thư nước chủ nhà, Nguyễn Phú Trọng, đề cập tới, theo Tân Hoa Xã.

VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?

Cá Rồng Đỏ: Chính hãng Repsol bị TQ ‘gây áp lực’?

Cá Rồng Đỏ: Có thực sự VN bị TQ ‘đe dọa’?

VN tạm dừng hay chấm dứt hẳn ‘Cá Rồng Đỏ?

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có tin Việt Nam chỉ trước đó ít hôm, dưới áp lực của Trung Quốc đã yêu cầu hãng dầu khí của Tây Ban Nha, Repsol, dừng hoạt động tại dự án Cá Rồng Đỏ nằm ở ngoài khơi Vùng Tàu, một dự án nhiều tiềm năng đang chuẩn bị đi vào giai đoạn khai thác.

Trong các ngày 9-10/4, ông Duterte sẽ đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn Châu Á Bác Ngao và sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn vào thứ Ba, 10/4.

Những người chỉ trích cáo buộc ông Duterte là đã từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Philippines tại Biển Đông, nhưng giới chức nói rằng việc đề xuất khai thác chung đã từng có tiền lệ, trang tin Philstar nói.

Trang này nhắc tới một tài liệu có tên là Thỏa thuận Thăm dò Địa chấn ở Biển Đông, được ký hồi 2005 giữa ba nước Trung Quốc, Philippines và Việt Nam (2005 Joint Seismic Marine Undertaking – JMSU), với thời hạn thực hiện là ba năm.

Vị thế Philippines trong chiến lược của Hoa Kỳ

Duterte điều quân tới các đảo không người ở Biển Đông

Biển Đông: Philippines không bỏ phán quyết PCA

Tại Philippines, tính hợp pháp của thỏa thuận này, vốn được ký từ thời cựu tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, đã bị Tòa Tối cao đặt câu hỏi hồi 2008 tuy đã hết hạn, Philstar nói.

Hồi 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague ra phán quyết theo đó xác định một số các vùng biển tranh chấp là thuộc phạm vi 200 hải lý Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines, và Manila có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên tại đây.

Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43697723